Sunday, July 17, 2016

Phát hiện nhiều cơ sở “tẩm” hoá chất cho thức ăn chăn nuôi

Phạm Anh-15-07-2016 15:43

TPO - Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 6/8 cơ sở dùng hoá chất công nghiệp để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây là những chất nguy hại nhập khẩu từ Trung Quốc, chứa nhiều kim loại nặng, có thể tồn dư trên thực phẩm, gây ung thư.

Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với C49, phát hiện còn 43,5 tấn hoá chất công nghiệp dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản.

Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với C49, phát hiện còn 43,5 tấn hoá chất công nghiệp dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản.

Thông tin trên, được ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) trao đổi với Tiền Phong, tại hội thảo “Nông nghiệp an toàn: Giải pháp thúc đẩy thực thi trách nhiệm trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp” sáng 15/7.
Ông Dũng cho biết, thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6, Thanh tra Bộ phối hợp với Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49), kiểm tra, phát hiện 6/8 cơ sở sản xuất TACN ở phía Nam dùng hóa chất công nghiệp trong sản xuất cám. Trong đó, có cả những cơ sở công suất sản xuất cám tới 15 nghìn tấn/tháng tán (hoá chất công nghiệp chỉ sử dụng trên một số mã hàng).
Các sơ sở vi phạm nằm ở TPHCM, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương…Đoàn thanh tra đã phát hiện 43,5 tấn hóa chất công nghiệp trong kho của các cơ sở sản xuất thức ăn và yêu cầu đình chỉ sử dụng các loại nguyên liệu trên.
Đồng thời,  Đoàn thanh tra đã xử phạt vi phạm chính các cơ sở vi phạm gần 580 triệu đồng, thông báo với Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) yêu cầu các địa phương thanh, kiểm tra về vấn đề trên. Hiện , hồ sơ các vụ việc trên đã chuyển cho cơ quan công an, tiếp tục giám sát, mở rộng điều tra nếu cần thiết.
Theo ông Dũng, trên bao bì chứa các hoá chất này đều ghi chỉ sử dụng sản xuất công nghiệp bằng tiếng Anh, hoặc có nhãn phụ tiếng Việt đều, nói rõ chỉ sử dụng trong sản xuất công nghiệp. Hầu hết các loại hoá chất công nghiệp trên đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, các cơ sở khai báo là dùng các hoá chất công nghiệp trên là “hàng chuẩn” và “giải thích lòng vòng” là để “bổ sung khoáng”  cho thức ăn vật nuôi trên cạn và thuỷ sản. Thậm chí trong thủy sản còn sử loại hoá chất trên vãi trực tiếp xuống ao nuôi làm thức ăn bổ sung.
Theo ông Dũng, việc sử dụng các loại hoá chất công nghiệp dùng cho thực phẩm, hoặc thức ăn chăn nuôi là rất nguy hiểm. “Các chất này chứa nhiều kim loại nặng như Asen, Cadimi, chì, thuỷ ngân… là những chất có thể gây tồn dư trên sản phẩm động vật, từ đó, người tiêu dùng ăn vào, tích tụ, là một là trong những nguyên nhân gây ung thư”- ông Dũng nói.
Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, nếu các hoá chất trên, nếu nhập cho sản xuất công nghiệp, phải mất thuế 10%, nhưng nhập cho nông nghiệp là 0%. “Vấn đề là kiểm hóa hải quan. Có chỗ họ lợi dùng lẫn hoá chất vào luồng xanh để trốn tránh kiểm tra”- ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng cho biết, mới đây, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã ký kết một chương trình phối hợp nhằm kiểm soát việc lạm dụng hóa chất công nghiệp trong thực phẩm.
Đại diện Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, do chưa áp dụng Bộ Luật Hình sự sửa đổi, nên cơ sở vi phạm chỉ phạt ở mức 35 triệu đồng, vì các loại hoá chất công nghiệp trên chưa phải là diện chất cấm (chất cấm sẽ bị phạt 140-200 triệu đồng).
“Đáng tiếc Bộ Luật hình sự sửa đổi, có đưa nội dung xử lý hình sự về vấn đề chất cấm và an toàn thực phẩm trong đó đã hoãn thi hành, nên vấn đề xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Do vậy, về lâu dài, cần đưa các hóa chất công nghiệp vào danh sách hoá chất cấm sử dụng trên thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Theo Bộ Luật hình sự sửa đổi (nếu áp dụng), mức phạt với hành vi dùng hóa chất công nghiệp đưa vào thực phẩm giống như chất cấm, bị phạt 50-200 triệu đồng. Tuy mức độ nặng nhẹ, có thể phạt đến hàng tỷ đồng, đồng xử lý có xử phạt tù 1-5 năm, thậm chí 20 năm tù. Cùng đó, sẽ cấm hành nghề trong thời gian nhất định, thậm chí cấm hoàn toàn.

Phú Yên: Bắt quả tang cơ sở bơm hóa chất vào tôm

Theo Công an TPHCM-18-07-201607:30
Lực lượng chức năng bắt quả tang cơ sở thu mua hải sản dùng kim tiêm bơm tạp chất vào tôm thương phẩm nhằm tăng trọng lượng để đem đi tiêu thụ cho các nhà hàng, quán ăn.

Chị Cao Thị Kim Phượng đang bơm bơm bột rau câu vào tôm thương phẩm thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang.

Chị Cao Thị Kim Phượng đang bơm bơm bột rau câu vào tôm thương phẩm thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang.
Chiều 17/7, nguồn tin từ Công an huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 4, tiến hành kiểm tra thì phát hiện, bắt quả tang cơ sở thu mua hải sản của ông Đỗ Văn Ngà (SN 1979, ngụ xã An Phú, TP.Tuy Hòa) dùng kim tiêm bơm tạp chất vào tôm thương phẩm nhằm tăng trọng lượng để đem đi tiêu thụ cho các nhà hàng, quán ăn.
Theo cơ quan điều tra, sau một thời gian mật phục theo dõi, vào 7h ngày 13/7, khi cơ sở trên đang tiến hành bơm tạp chất vào tôm thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 3kg tôm thương phẩm đã được bơm bột rau câu và 6kg tôm chưa kịp bơm thêm bột rau câu, cùng nhiều bơm kim tiêm và bột rau câu.
Theo ông Ngà, sau khi mua bột rau câu về rồi nấu lên như hồ đặc, sau đó bơm vào tôm. Việc bơm bột rau câu vào tôm không những làm con tôm đẹp hơn mà còn tăng trọng lượng cho tôm.
Ngay sau đó, Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Đỗ Văn Ngà với số tiền 30 triệu đồng về hành vi kinh doanh thủy sản có tạp chất.

200 lò vôi thủ công bủa vây khu dân cư

Minh Đức-18-07-2016 08:29

TP - Thị trấn An Bài, Quỳnh Phụ, Thái Bình có gần 200 lò vôi đang hoạt động hầu hết không phép gây ô nhiễm môi trường đang bủa vây khu dân cư.

Gần 200 lò vôi thủ công ảnh hưởng đến đời sống dân cư.

Gần 200 lò vôi thủ công ảnh hưởng đến đời sống dân cư.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Chiến- Phó chủ tịch thị trấn An Bài cho biết, tại khu vực Cầu Nghìn, thị trấn An Bài hiện tồn tại gần 200 lò vôi thuộc 30 hộ kinh doanh, tất cả được xây dựng từ năm 1993 - 2013. Trong quá trình hoạt động, các lò vôi đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người dân.
Theo ông Chiến, trong 30 cơ sở, chỉ có một cơ sở được UBND huyện Quỳnh Phụ cho phép thuê đất để sản xuất vôi chất lượng cao và sản xuất vật liệu xây dựng từ năm 2010, số còn lại đều không có giấy phép thuê đất và xây dựng trên đất lúa. Có 13 cơ sở xây dựng lò vôi trên đất thổ cư, trực tiếp xả bụi ra Quốc lộ 10. Cũng mới chỉ có 4/30 cơ sở làm thủ tục về môi trường…
Năm ngoái, Sở TN&MT Thái Bình đã lấy mẫu trưng cầu giám định, kết luận các chỉ số về môi trường ở địa phương đều vượt nhiều lần quy chuẩn cho phép. Các hộ dân cũng đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương về tình trạng gây ô nhiễm từ các lò vôi.
Theo ông Chiến, địa phương đã xây dựng đề án xoá bỏ các cơ sở sản xuất vôi tự phát, thủ công không theo quy hoạch gây ô nhiễm môi trường. Đề án đang chờ UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt. Ông Chiến cũng băn khoăn trong việc đào tạo chuyển đổi ngành nghề đối với gần 1.000 lao động. “Những lao động này ở độ tuổi trung niên trở lên nên rất khó đào tạo, chuyển đổi ngành nghề khác” - ông Chiến nói. 

Cá chết trắng mặt hồ Mật Sơn

Hoàng Lam -18-07-2016 06:54

TP - Những ngày gần đây, cá nuôi tại hồ Mật Sơn (ở khu phố Mật Sơn 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, hồ chứa nước thải của nhà máy Bia Thanh Hóa) bị chết hàng loạt, nổi trắng mặt hồ, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh hồ.

Cá chết tại hồ. (Ảnh chụp chiều 17/7). Ảnh: Hoàng Lam.

Cá chết tại hồ. (Ảnh chụp chiều 17/7). Ảnh: Hoàng Lam.

Bà Nguyễn Thị Toàn, tổ trưởng tổ an ninh khu phố Mật Sơn 2 cho biết: Mật Sơn là hồ chứa nước thải của nhà máy Bia Thanh Hóa có đường dẫn chảy ra sông nhà Lê. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết trên hồ.
Năm 2013, cá trong hồ cũng chết trắng gây ô nhiễm môi trường, người dân phải tập trung vớt cá đi tiêu hủy. Trong mấy ngày qua, có khoảng 3 tạ cá chết được vớt lên để tiêu hủy, trong đó có nhiều loại cá to khoảng 3 - 4 kg. Sáng 16/7, lực lượng chức năng đã đến làm việc, lấy mẫu nước để xét nghiệm.
“Chúng tôi mong cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân và xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm này để đảm bảo đời sống cho người dân nơi đây”- bà Toàn đề nghị.

Sông Thị Vải 8 năm sau ngày bị 'bức tử'

 Mạnh Thắng-18-07-20160 6:32

TP - Tám năm sau ngày Vedan (công ty của Đài Loan) xả thải ra sông Thị Vải khiến cá tôm chết sạch, dòng sông nơi đây vẫn chưa thể hồi phục.

Anh Dương Văn Sáng, ngụ tại xã Phước An (Nhơn Trạch) đầu tư 250 triệu nuôi hàu tại vàm Mương Điều, hàu bị chết thối. Bán hàu non thì chẳng ai mua.

Anh Dương Văn Sáng, ngụ tại xã Phước An (Nhơn Trạch) đầu tư 250 triệu nuôi hàu tại vàm Mương Điều, hàu bị chết thối. Bán hàu non thì chẳng ai mua.

Hàng nghìn người dân ở hai  huyện Long Thành và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, vốn mưu sinh bằng nghề đánh bắt nay phải xa xứ làm ăn hoặc bám sông “mót” cá qua ngày…
Vedan đã phải bồi thường 120 tỷ đồng cho khoảng 5.000 hộ dân ở hai huyện này. Tiền thì dân đã nhận nhưng hệ sinh thái ở dòng sông Thị Vải vẫn “chết”.
Lay lắt qua ngày
Buổi sáng một ngày giữa tháng 7, mặt sông Thị Vải lặng như tờ. Thời điểm “sóng yên biển lặng” như thế, 10 năm trước ghe thuyền tấp nập đánh bắt nhưng nay chỉ lác đác vài ba chiếc.
Chèo chiếc ghe chở đầy ngư cụ đánh bắt cá vào bến, anh Lê Trung Chánh ở ấp 1, xã Phước Thái, huyện Long Thành rầu rĩ, bởi người vợ đang ngồi đợi sẵn trên bờ đưa cá ra chợ bán. Tuy nhiên, chiếc thùng nhựa chứa cá của anh Chánh chỉ lèo tèo vài chục con. Chị Hai, vợ anh Chánh vội đổ mớ cá bên trong ra rổ rồi ngồi phân loại, đưa lên cân. “Cả tôm và cá được 2kg”- chị Hai khoe với chồng giọng trầm buồn.
Để có được số cá này, anh Chánh phải ra sông Thị Vải từ chiều hôm trước đặt lợp - một ngư cụ phổ biến nơi đây. Đến 4 giờ sáng hôm sau anh lại chèo thuyền đi tháo lợp. “Cá, tôm trên sông giờ không còn bao nhiêu” - anh Chánh than.
Từ nhỏ, bố mẹ anh Chánh cũng bám sông Thị Vải kiếm sống, nuôi con bằng nghề đánh bắt thủy sản. Lớn lên, anh Chánh lại tiếp tục nghiệp của mẹ cha. Nhưng rồi sông Thị Vải ngày càng ô nhiễm, cá tôm không còn, anh Chánh bỏ ghe lên bờ đi làm thuê kiếm sống hơn chục năm. Sau vụ Nhà máy Vedan bị phát hiện xả thải, anh Chánh được đền bù hơn chục triệu đồng, thấy vài người dân trong vùng trở lại đánh cá, anh cũng vay mượn thêm tiền mua ghe, sắm ngư cụ đi làm. “Vốn ít, nên không dám sắm ghe máy, mà đầu tư ghe máy trong khi sông đang “chết” như vậy sợ thu không đủ bù chi” - vợ anh Chánh góp chuyện.
Bà Thành ở ấp 1B, xã Phước Thái cho hay, nghề thì phải làm chứ sản lượng thu mua không được bao nhiêu. Chỉ về hướng nhà máy Vedan đang phun khói, bà Thành nói: “Mùi vẫn còn hôi lắm. Nhất là vào đêm khuya hay mưa lớn thì mùi hôi càng nồng nặc”.
Hồi tưởng về một thời cá tôm trù phú và về nghề đánh cá trên sông Thị Vải, anh Trần Trung Tính, một  người dân ở ấp 1, xã Phước Thái buồn rầu. Anh kể, ngày trước ở đây có cả một xóm chài. Nhưng sau khi sông Thị Vải ô nhiễm vì Vedan xả thải, người dân bỏ nghề tứ tán đi làm thuê. “Nhiều người được bồi thường từ vài triệu đến vài chục triệu nhưng chỉ lèo tèo vài người trở lại với nghề đánh bắt, nuôi trồng. Phần còn lại đi làm công nhân, làm thuê và lên Sài Gòn mưu sinh” - anh Tính nói. 
Từng đầu tư cả trăm triệu đồng để đánh bắt nơi đây nhưng từ sự cố Vedan, gia đình anh Tính đã bỏ nghề. “Sau này, tôi được nhận đền bù 20 triệu đồng sắm lại chiếc ghe, lưới trở lại sông kiếm sống qua ngày nhưng cũng thiếu trước hụt sau” - vừa thu gom lưới, anh Tính vừa nói chuyện.
Anh Nguyễn Văn Thắng ở xã Phước Thái cho biết: “Trước đây sông Thị Vải có nhiều loại cá lớn, có cả tôm hùm. Thời sông bị ô nhiễm cá chết nổi đầy sông”. Để bám nghề, anh Thắng thuê lại mấy đùng tôm từ lâu bị bỏ hoang do ô nhiễm để cải tạo lại. Số tiền hơn 10 triệu đồng nhận bồi thường từ Vedan, anh Thắng mua chiếc ghe hàng ngày thả lưới. Cá tôm nhỏ thì anh thả vào đùng nuôi, số cá lớn thì bán kiếm tiền mua gạo.
Tự “bơi”
Xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch có trên 200 ha diện tích mặt nước. Trước đây chủ yếu được nông dân nuôi cá, nuôi tôm. Một thời sông nước bị ô nhiễm nhiều diện tích bị bỏ hoang. Sau thời kỳ “hậu Vedan” nhiều nông dân đầu tư trở lại nuôi trồng thủy sản. Nhưng liên tục xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt, nhiều hộ phải “treo” ao, không dám đầu tư. Ông Bảy Trung, một nông dân ở xã Long Thọ cho hay thời gian qua, cứ thả đợt tôm nào là chết đợt  đó. Có lúc gần đến thời điểm thu hoạch, tôm chết nổi trắng ao nhưng không biết vì sao?
Sau đợt nhận tiền đền bù từ Công ty Vedan, có bao nhiêu người trở lại với nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản? Bà Phạm Thị Kiều, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thái, huyện Long Thành nói rằng “không nắm được do mới nhận công tác”. Ông Trần Tiến Nhạn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch cho biết đã có 300 hộ dân địa phương trở lại với nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, theo ông Nhạn, lượng cá tự nhiên rất hiếm vì sông Thị Vải vẫn còn ô nhiễm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Dũng, Trưởng ban tổ chức Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết sau khi Công ty Vedan đền bù, tỉnh Đồng Nai đã chi trả hết tiền cho các hộ nông dân bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường. “Tiền đền bù nhận được, nông dân tự bố trí sản xuất. Tỉnh không có chính sách nào khác”- ông Dũng nói.

Formosa và những câu hỏi

Lê Anh Đạt-18-07- 2016 07:02
TP - Từ những việc diễn ra gần đây liên quan việc xả thải của Formosa, cần phải xâu chuỗi các diễn biến để xem chúng ta đang kiểm soát tình hình như thế nào.


Ngày 6/4, ngư dân phát hiện cá chết tại biển ở một số xã thuộc huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Hơn 10 ngày sau, cá chết xảy ra hàng loạt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế. Ngày 22/4, đoàn công tác liên ngành do Bộ TN&MT chủ trì vào vùng biển có cá chết, lấy mẫu tìm nguyên nhân. Ngày 30/6, Chính phủ họp báo công bố nguyên nhân cá chết; lãnh đạo Formosa xin lỗi và bồi thường 500 triệu USD, hứa khắc phục và không tái phạm.
Thế nhưng, đầu tháng bảy, người dân phát hiện Formosa chôn chất thải tại trang trại ông Lê Quang Hoà, Giám đốc Cty Môi trường đô thị Kỳ Anh (trước đó, Formosa đổ thải tại Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh và đã bị xử phạt). Đại diện Formosa ngay sau đó cho rằng, chôn chất thải sai quy định là lỗi của Cty Môi trường đô thị Kỳ Anh.
Cùng khoảng thời gian kể trên, người dân lại phát hiện một ống xả thải ngầm nối từ nhà máy Formosa ra mương xả lũ của phường Kỳ Phương, TX Kỳ Anh. Ngày 15/7, Formosa đã cắt bỏ, bịt lại ống xả thải này (lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc cắt bỏ, xử lý ống thải này là đúng quy trình).
Mới nhất, ngày 16/7, các cơ quan chức năng lại phát hiện Formosa chôn 10 tấn chất thải tại Công viên môi trường thuộc tổ dân phố Hưng Thịnh, phường Sông Trí, TX Kỳ Anh.
Chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo?
Người dân địa phương đang rất lo lắng về môi trường sống của mình. Lo lắng hơn, khi Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Võ Tá Đinh nói, trong Đánh giá tác động môi trường của Formosa không có quy hoạch vùng chôn lấp, xử lý các loại chất thải!
Liên tục xảy ra các vụ việc xả thải, sau khi nguyên nhân gây chết cá ở biển miền Trung được công bố; sau khi lãnh đạo Formosa hứa khắc phục, không tái phạm và sau khi cơ quan chức năng Hà Tĩnh tuyên bố kiên quyết giám sát việc xả thải của Formosa. Đáng nói hơn, việc xả thải của Formosa đa phần do người dân địa phương phát hiện!
Lạ nữa, người nắm nhiều thông tin liên quan Formosa là ông Võ Kim Cự, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lại rất ít xuất hiện, gần như không gặp gỡ báo chí trao đổi về những gì liên quan Formosa từ khi ông chuyển công tác ra Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Có thể ông đang tham gia giải quyết mà không cần xuất hiện trên báo chí. Tuy nhiên, người dân đang rất cần biết chuyện gì đang diễn ra, và ông Cự là người hiểu rõ. Ở góc độ người dân, thông tin đến kịp thời, chính xác và có sự đồng hành của lãnh đạo (ít nhất về lời nói) trong những lúc khó khăn sẽ khiến họ bình tâm, chủ động, tìm ra cách ứng phó với hoàn cảnh...
Nguyên nhân cá chết đã được công bố, công tác khắc phục đang triển khai. Tuy nhiên, từ những diễn biến mới nhất về việc xả thải, dư luận đang đặt câu hỏi: Việc phê duyệt đánh giá tác động môi trường của Formosa có vấn đề? Formosa đã và đang xả thải ở những đâu khi không có vùng chôn lấp, xử lý? Cơ quan chức năng đã giám sát Formosa xả thải như thế nào? Những hành động mới nhất của Formosa có phải tái phạm không?
Những câu hỏi này cần sớm có câu trả lời, vì tầm quan trọng không kém việc công bố nguyên nhân cá chết như thời gian vừa qua.

Phó Chủ tịch TX Kỳ Anh nói: Báo chí và người dân đều… 'náo'

Theo Người đưa tin-17.07.2016 | 20:55 PM

"Những người này đã không dùng não để tư duy..." và "Biển nhiễm chất độc từ cái mồm của các bạn..." - đó là những chia sẻ trên Facebook của ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh.

Vừa qua, từ thông tin của người dân cung cấp, PV Báo Người đưa tin đã xâm nhập, điều tra và có loạt bài phán ảnh việc Công ty Môi trường – Đô thị Kỳ Anh lén lút chôn, lấp bùn bánh (một loại chất thải công nghiệp) tại trang trại bí mật của giám đốc công ty này.
Trong khi mọi người lên án mạnh mẽ việc làm của Công ty Môi trường – Đô thị Kỳ Anh và Formosa vi phạm pháp luật môi trường nghiêm trọng... thì trong một status trên facebook đã có facebooker tên Phan Duy Vĩnh để lại bình luận (báo Người đưa tin trích dẫn nguyên những dòng chữ ấy, cả những từ "lóng" là lỗi chính tả ngô nghê - PV): “Thông tin vịt bà chị ơi. Haaaa ai là kẻ nói dối nhể ??? Náo. Thời ai Zaaaa, ống dẫn nước sinh hoạt lại bảo ống ngầm ra biển xả thải. Haaaaa ai là kẻ nói dối nhể ??? Náo!!”.
Phó Chủ tịch TX Kỳ Anh nói: Báo chí và người dân đều… 'náo' - Ảnh 1
Ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh.
Trước đó, vào ngày 25/4, trên facebook của mình, ông Phan Duy Vĩnh viết: “Các bạn không dùng cái não của riêng mình (ai cũng có) để tư duy mà các bạn lại để cho một số báo chí sử dụng não của các bạn …. Biển nhiễm chất độc hại từ cái mồm của các bạn …”.
Phó Chủ tịch TX Kỳ Anh nói: Báo chí và người dân đều… 'náo' - Ảnh 2
Một đoạn Status của ông Vĩnh thể hiện thái độ mạt sát người dân và báo chí.
Sau những lời bình luận ấy, cộng đồng mạng hết sức bức xúc và cho rằng người này đã có lời lẽ mạt sát, xúc phạm người dân và báo chí. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chủ nhân facebook này là của ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Chiều nay (17/7), PV Báo Người đưa tin đã liên hệ gặp ông Vĩnh. Ông Vĩnh đã thừa nhận những dòng status đó là do ông viết.
Khi PV hỏi, trên cương vị là Phó Chủ tịch TX Kỳ Anh, ông dùng lời lẽ phản cảm, xúc phạm (dùng từ lóng) để nói báo chí và nhân dân thì nhận được lời giải thích mình... không có chủ ý.
Phó Chủ tịch TX Kỳ Anh nói: Báo chí và người dân đều… 'náo' - Ảnh 3
Tuy nhiên, trong 2 status được đăng dưới cái tên Phan Huy Vĩnh Ht có những từ lóng như: “Náo”, “Pó tay” … Những từ ngữ này đều không có trong từ điển Việt Nam và nó cũng không có nghĩa. Theo một số bạn trẻ, đó là những từ ngữ của giới trẻ (teen) hay dùng với mục đích trêu đùa, mỉa mai, giễu cợt với nhau …
Khi đọc được những status của ông Vĩnh như: "Những người này đã không dùng não để tư duy..." và "Biển nhiễm chất độc từ cái mồm của các bạn...", một người dân bức xúc: "Ông Vĩnh đã có lời lẽ xúc phạm như vậy, cho thấy ông không xứng đáng là người lãnh đạo do chính nhân dân bầu ra. Việc anh lên mạng xã hội đôi co, bao biện cho Formosa và đổ hết trách nhiệm sự cố môi trường vừa qua cho người dân và báo chí là điều không thể nào chấp nhận được".
Phó Chủ tịch TX Kỳ Anh nói: Báo chí và người dân đều… 'náo' - Ảnh 4
Trước những lập luận mà PV đã đưa ra, ông Phan Duy Vĩnh cho biết: “Mục đích của tôi là muốn nói đến các trang trang mạng xã hội...".
PVMT

Bức tranh lưỡi bò và buổi sáng Chủ Nhật nặng trĩu...

Hiển Trịnh-17-07-2016
Sáng nay, 17.7.2016 trên bờ Hồ, bất lực nhìn từng người yêu nước bị bắt bớ vô cớ khi đang cố gắng cất lên tiếng nói của mình, tôi thấy lòng nặng trĩu... Chẳng thể làm gì để giúp đỡ anh em bè bạn, thậm chí một tấm ảnh cho ra hồn ghi lại cảnh họ bị trấn áp, xốc nách lên xe Bus (bởi những kẻ mà ai cũng biết là ai đấy), tôi cũng không làm được. Thật buồn!!!
Sau, như để cho khuất mắt cái cảnh tượng đau đớn đó, anh bạn đi cùng tôi nảy ra một ý tưởng thông minh: VÀO PHỐ CỔ (tất nhiên là mang theo bức tranh "cắt lưỡi bò" của mình).

Chúng tôi lặng lẽ đi, cầm trên tay bức tranh, lân la gần các quán trà đá, quán bia... cứ thấy dù chỉ một cái liếc mắt quan tâm là bước vào làm quen, bắt chuyện, hỏi "anh/chú/bác có biết sự kiện tòa PCA ra phán quyết không", có quan tâm tới những việc Trung Quốc gây hấn trên biển Đông không.... Ấy rồi kết quả mà chúng tôi nhận được trong buổi sáng hôm nay, đều là những cái lắc đầu vô cảm: "Ở đây không nói chuyện chính trị", cái này cái kia đã có "Quốc tế" ... buồn hơn, đã có "Nhà nước lo cho rồi"
May mắn lắm, tìm được một nhóm mấy bác biết và chịu nói về sự việc... Thì: "Giờ các bác già rồi, chẳng làm gì được nữa, tất cả là ở các cháu...". Vâng, "TẤT CẢ LÀ Ở CÁC CHÁU", vậy đấy!!!
Phía trên đầu, hùa cùng cái nắng hè gay gắt, là tiếng loa phường Hàng Buồm ra rả, như chọc tức, mỉa mai chúng tôi: Gần đây, nhân việc tòa PCA ra phán quyết, các "thế lực thù địch" lợi dụng kích động...blahhh
Đi tiếp, có thêm hai lần nữa, chúng tôi gặp được người quan tâm. Một là anh rửa bát (!) ở giữa phố Hàng Chiếu, một lần nữa là anh bạn nước ngoài Alex Sheal (đến từ Anh Quốc). Anh khiêm tốn nói rằng: không có nhiều kiến thức + tìm hiểu, nhưng thực ra, sau 10p nói chuyện ngắn ngủi, chúng tôi nhận ra: Alex còn hiểu sự việc hơn hết thảy những mảnh vụn rời rạc (+ vô cảm) mà chúng tôi thu gom được từ sáng đến giờ. Sau hết, anh tỏ thái độ ủng hộ phán quyết PCA, và rằng, dù ý nghĩa của nó là gì, cũng rất cần pháp luật, và các chế tài quốc tế, không thể để Trung Quốc muốn làm gì thì làm trên biển Đông.
Vâng, và thêm nữa, anh là người duy nhất vui vẻ và sẵn sàng cùng chúng tôi (với bức tranh), chụp một tấm ảnh lưu niệm.
Cám ơn Alex !!!

P/s: Quán cafe và trưng bày ảnh của anh ở địa chỉ: 46 Hàng Vải. Anh em bạn bè lúc nào rảnh ghé qua chơi nhé :D

Những người bạn của tôi

Trịnh Anh Tuấn Hà Nội, 18/07/2016

Tặng những người bạn của tôi
Tôi có rất nhiều những người bạn tham gia các cuộc biểu tình, từ năm 2011 đến nay, cả ở Sài Gòn lẫn Hà Nội, như một định mệnh trên một quãng đời đầy kỉ niệm.
Ngày 17/07/2011, cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ở Biển Đông là lần thứ ba ở Sài Gòn và thứ bảy ở Hà Nội trong mùa hè rực lửa năm ấy. Đó cũng bắt đầu cho những màn bắt bớ kinh hoàng những người biểu tình. Ngày này 5 năm trước, hơn 20 người biểu tình ở Sài Gòn bị bắt, đánh đập giữa chợ Bến Thành. Ở Hà Nội con số còn nhiều hơn, tôi nhớ không nhầm là 46. Năm nay, số người biểu tình ở Hà Nội còn nhiều hơn, khoảng 60 người theo tính toán của tôi. Ở Sài Gòn, trước sự tàn bạo của lực lượng công an, không có một cuộc biểu tình đúng nghĩa diễn ra, dẫu có những màn biểu thị thái độ của người dân Sài Gòn sau phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực LHQ tại La Hague.
Năm năm đã trôi qua.
“ Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh...”
( Thời gian- Văn Cao)
Những người bạn năm xưa của tôi, cũng như tôi, thay đổi như chưa bao giờ nghĩ tới. Những bạn trẻ tuổi hai mươi năm xưa giờ đã thành những người trưởng thành khi nào không biết. Những con người năm ấy giờ đây in hằn đầy những vết chân chim trên khuôn mặt. Tất cả trong đó là những ưu tư về những mất mát của đất nước trước sự uy hiếp của kẻ thù phương Bắc. Đau đớn hơn, là sự hèn nhược và sự tiếp tay của bầy nội gian đang hiện hữu đầy rẫy trên quê hương mình. Những trái tim trinh nguyên nồng nhiệt vì đất nước những ngày mới bắt đầu ấy, giờ găm đầy những vết xước khi chứng kiến Tổ quốc bị tàn phá, hủy hoại, xẻ thịt và xâm lấn từng ngày.
Và tôi không thể nào kể hết được những uất ức của bạn bè tôi trong thời gian năm năm ấy. Những năm tháng tù đày. Những trận đòn trong đồn công an đến nhừ tử, nằm cả nửa tháng mới dậy đi lại được. Những lần bị đuổi khỏi nhà trọ trong đêm vì công an yêu cầu. Những lần bị đuổi việc vì công an đến công ty gây áp lực. Những lần dằn mặt, tấn công ngay giữa thanh thiên bạch nhật bởi những người lạ mặt. Những giọt nước mắt của cô bé tuổi 20 giấu đi hằng đêm vì sự dè bỉu từ gia đình, hàng xóm vì “ phản động, đi biểu tình”. Nhiều lắm, khó thể nào kể hết. Sau những trò hèn hạ đó, nhiều người đã phải về quê, sống một cuộc đời lặng lẽ trong nỗi niềm hờn ghen và băn khoăn về đất nước. Nhiều người lặng lẽ, giấu mình cho đến khi qua đi những đợt sách nhiễu của an ninh. Cũng nhiều người phải bỏ nước mà đi. Một số người khác, lì lợm và cứng đầu hơn, tiếp tục gồng mình lên hứng chịu những màn đánh đập, sách nhiễu, làm việc của công an ngày này qua ngày khác. Một vài trong số đó đi tù, một số hứng chịu mọi đòn thù hèn hạ của công an. Hoặc cả hai, hoặc là nhiều chiêu trò khác. Những người ít ỏi đó, tìm cách bảo vệ nhau, nâng đỡ nhau, thăm hỏi nhau qua những trận đòn, qua những năm tháng tù đày biệt xứ. Có vài người giờ vẫn chưa về.
Năm năm đã trôi qua. Trước đây, chỉ là một đơn vị hành chính Tam Sa trên đảo Hoàng Sa. Rồi cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 2. Rồi Trung Quốc tuyên bố về đường lưỡi bò 9 đoạn chiếm trọn Biển Đông. Rồi những lần ngư dân bị bắt bớ, đánh đập, đâm chìm tàu đánh cá. Giờ mọi thứ còn tệ hơn, là một thành phố Tam Sa với những tour du lịch từ đất liền Trung Hoa ra đó. Là khu vực nhận diện phòng không ADIZ ở Biển Đông khi Trung Quốc không chỉ thể hiện bành trướng dưới mặt biển mà còn trên không trung. Là những hòn đảo nổi nơi Trường Sa được Trung Quốc bồi đắp thành những sân bay, khu vực quân sự. Phillippines đã đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Ngày 12/07, PCA đưa ra phán quyết về đường lưỡi bò là vô giá trị. Dẫu vậy, những phản ứng của những người nắm quyền Việt Nam vẫn vậy. Vẫn chỉ là tuyên bố “phản đối, phản đối” mỗi khi Trung Quốc đâm chìm tàu, bồi đắp đảo hay cắm giàn khoan. Chưa có một động thái nào cho thấy Việt Nam sẽ khởi kiện Trung Quốc như Phillippines cả.
Và đó, những người biểu tình chống Trung Quốc vẫn bị bắt bớ, giam cầm một cách vô tội vạ. Trước ngày PCA ra phán quyết 2 ngày, một người biểu tình nổi tiếng ở Hà Nội, Lã Việt Dũng, bị tấn công bởi mật vụ phải vào cấp cứu tại bệnh viện. Những lần biểu thị thái độ của người dân đối với quân xâm lược bị những người cộng sản nắm quyền ra lệnh đàn áp thẳng tay. Hi vọng về một tương lai đẹp đẽ, vẹn nguyên của đất nước vẫn chìm trong bóng tối của tham lam và bạo tàn.
Tuy thế, nhiều người đã không hề khuất phục, họ vẫn tiếp tục. Nhiều người mới đã xuất hiện, tham gia vào những không gian biểu thị thái độ về tình hình đất nước, về Biển Đông bằng nhiều hình thức; từ trên internet cho đến bên ngoài. Chỉ có một niềm vui nho nhỏ đến với tôi là cái nhìn của xã hội đối với những người dám biểu tình đã bớt gay gắt, bớt ác cảm và dễ chấp nhận hơn dù hệ thống tuyên truyền của nhà nước vẫn ra rả suốt ngày trên VTV và báo đài. Và để đạt được một sự thay đổi nho nhỏ đó là một sự đánh đổi không hề nhỏ của bao nhiêu người. Đó là sự đánh đổi của bao năm tháng tù đày, bao trận đòn thù từ phía công an, bao nhiêu nước mắt, xương máu và nỗi đau. Đánh đổi bao nhiêu năm tháng thanh xuân chỉ để đau đáu về một đất nước đau khổ, bất công, chia ly và mù mịt tương lai. Dẫu vậy, điều đó cũng chỉ làm cho họ, những người tôi gọi là bạn, yêu nước nhiều hơn. Giống như một tình yêu không bao giờ trọn vẹn.

Đất nước thời "lạm phát" quan

Lã Yên

Ảnh: Khiều
Một đất nước mà quan nhiều hơn dân, bảo tại sao không nghèo, không nợ, dân không khổ. Một đất nước có nhiều tiến sĩ làm quan nhưng vẫn cứ mãi tụt hậu so với bước tiến của nhân loại (Hà Nội cán bộ phường cũng có bằng tiến sĩ). Phải thừa nhận không dân nước nào khỏe như người dân Việt Nam, trông gầy còm ốm nhom thế nhưng vẫn đủ sức làm để đóng thuế nuôi bộ máy hành chính khổng lồ, Đảng và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội (2,8 triệu công chức, 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách).
Nước Mỹ thu nhập bình quân đầu người 51.248,21 USD, Việt Nam thu nhập bình quân đầu người 2.200 USD. Nhưng 160 dân Mỹ nuôi 1 công chức, còn Việt Nam 40 người dân phải nuôi 1 công chức.
Theo phản ánh của báo Giáo dục, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa có đến 8 phó giám đốc (đã có 6 mới bổ nhiệm thêm 2). Trước đó, báo cáo của sở nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết, cấp huyện đang xảy ra tình trạng thừa phó phòng, cụ thể: TP. Thanh Hóa dư thừa 53 Phó phòng, Huyện Triệu Sơn thừa 32 Phó phòng, Huyện Thiệu Hóa thừa 20 Phó phòng, Huyện Tĩnh Gia thừa 17 Phó phòng, Huyện Yên Định thừa 12 Phó phòng, Huyện Quảng Xương thừa 7 Phó phòng, Huyện Thạch Thành thừa 17 Phó phòng. Cấp xã, phường dư thừa 161 phó chủ tịch.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV, ngày 25/3/2015 (có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2015), Điều 3 về cơ cấu tổ chức quy định rõ: “Số lượng Phó Giám đốc Sở không quá 3 người”. Nghĩa là sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa hiện tại có 6 phó giám đốc đã dư 3 nay lại bổ nhiệm thêm 2 là cớ làm sao?
Gây sốc nhất là Thành phố Thanh Hóa dư tới 53 phó phòng. Thật không thể tin nổi, chuyện thật mà cứ ngỡ như đùa.
Không biết nhiều cấp phó vậy sẽ phân bổ công việc thế nào.
Nhắc đến Thanh Hóa, chợt nhớ năm 2012, một câu chuyện đã làm kinh động đến cả Trung ương, người dân cả nước bàng hoàng.
Đó là, chuyện một xã có 500 cán bộ - xã Quảng Vinh (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), xã có 15 thôn, hơn 2.000 hộ với 9.500 người. Trong đó số hộ nghèo có tới 30,6%. Tất cả phụ cấp cho những cán bộ cấp thôn đều được tính bằng thóc Người dân làm ra 5 tạ thóc thì mất 1 tạ phí. Trong báo cáo giải trình với Thủ tướng, Chủ tịch UBND Thanh Hóa nói nguyên nhân là do cơ chế - Theo quy định của Trung ương số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như sau: Cán bộ cấp xã là 6.648 người, công chức cấp xã là 6.552 người, người hoạt động không chuyên trách là 29.520 người, trong đó ở cấp xã là: 11.394 người, ở thôn là 18.126 người. Tổng số 42.720 người (Theo dân trí, 11/07/2012). Nghĩ mà kinh.
Trở lại câu chuyện một Sở có 8 cấp phó, dựa vào đâu mà Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bổ nhiệm thêm hai cấp phó trong khi đang thừa 2 người? Chắc rằng việc bổ nhiệm một Phó giám đốc sở, Chủ tịch tỉnh ông Nguyễn Đình Xứng không thể tự quyết nếu không được thường vụ tỉnh ủy đồng ý. Nghĩa là bí thư tỉnh ủy phải biết. Tại sao không ai phản đối biết rỏ đó là sai.
Không chỉ ở Thanh Hóa, phố núi Gia Lai mới đây cũng nổi lên giữ kỷ lục về việc cơ quan có nhiều lãnh đạo nhất, Theo phản ánh từ báo Dân trí, Sở Xây dựng Gia Lai có 33 cán bộ, nhân viên thì trong đó có tới 17 người là cán bộ. Gồm 1 Giám đốc, 4 Phó Giám đốc, 12 Phó, Trưởng phòng. Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch có 45 cán bộ, nhân viên nhưng có đến 21 lãnh đạo (1 Giám đốc, 5 Phó Giám đốc, 15 Phó, Trưởng phòng).
Việc thừa cấp phó không phải có một vài hiện tượng mà dường như là phổ biên, Thành phố Hà Nội thừa 27 phó phòng, Hà Tĩnh lãnh đạo cấp sở ban ngành cũng thừa 17 cấp phó, Quảng Ngãi cũng dư khoảng 20 Phó chủ tịch xã, Nghệ An, vừa qua sở nội vụ tỉnh này cũng vừa phát hiện thừa gần 200 Phó Chủ tịch xã.
Không chỉ ở địa phương, ngay cả ở Trung ương cũng lạm phát cấp phó, 22 Bộ nhưng có đến 135 thứ trưởng, đứng đầu là Bộ Tài Chính và Bộ GTVT với 7 người thứ trưởng.
Chỉ mới thống kê qua thôi nhưng con số đủ để làm chấn động mọi người. Bởi từ cổ chí kim, ngay cả thời phong kiến, thực dân đô hộ, chưa bao giờ có chuyện lạ đời như vậy, từ Trung ương đến địa phương, nơi nào cũng thừa "quan". Có lẽ những người viết lịch sử phải chép lại để con cháu đời sau biết có một thời như thế.
Trong lúc Chính phủ đang thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc tinh giảm biên chế, tinh gọn bố máy hành chính nhưng ở các địa phương toàn đi ngược lại, chổ này lập phòng ban mới, chổ kia bổ nhiệm thêm chức danh. Biết là có 30% công chức "cắp ô" chỉ hưởng lương chứ không làm việc nhưng không sao loại bỏ được. Xem ra việc giảm biên chế lại như cái vòng tròn luẫn quẩn.
Đất nước quan nhiều thì dân sẽ khổ, nước sẽ nghèo. Chắc chắn là vậy. Lúc này cần phải có giải pháp quyết liệt mới giải quyết tận gốc vấn đề. Có vậy, dân mới dễ sống một chút.
Sử cũ chép rằng, Trần Khánh Dư tuy là một tướng có tài nhưng ông cũng nổi tiếng về tính "con buôn", ông từng nói với vua Trần rằng "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?".
Xét về tình hình hiện nay của đất nước đúng là thế.
16/07/2016

Trung Cộng: Biển Đông sẽ giải quyết qua thương lượng

Bắc Kinh, Hoa Lục. (Reuters) - Văn phòng Thông tin của Hội đồng An ninh Quốc gia Trung Cộng hôm thứ Tư đã phát hành một bạch thư, một lần nữa khẳng định lập trường của họ cho rằng, các vụ tranh chấp về Biển Đông sẽ được giải quyết thông qua thương lượng và tham vấn giữa các quốc gia trực tiếp liên quan.
Bạch thư này nói rằng, Trung Cộng khẳng định việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích của họ ở Biển Đông, cũng như giải quyết mọi bất đồng thông qua nguyên tắc và cơ chế hợp tác phát triển của các quốc gia có liên quan trong khu vực. Ông Wu Shicun, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Cộng nói rằng, nước này chủ trương giải quyết mọi bất đồng giữa họ và các quốc gia láng giềng ở Biển Đông thông qua các cuộc thương lượng trực tiếp, và theo đuổi sự hợp tác được luật pháp quốc tế thừa nhận.
Bạch thư này cũng nhằm xác định rằng, Hoa Lục luôn luôn cam kết thực hiện nội dung bản Tuyên bố Các Biện pháp Ứng xử giữa các bên liên quan và tích cực quảng bá việc hợp tác trong hoạt động hàng hải tại Biển Đông. Giới phân tích chính trị cho rằng, Trung Cộng sẽ mất uy tín trên trường quốc tế nếu họ không tuân thủ phán quyết của Toà án Quốc tế bác bỏ chủ quyền đường lưỡi bò của Bangkok theo đơn kiện của Philippines. (Song Châu)
07/17/2016 - 09:18
Theo SBTN

Ngư dân Đài Loan chuẩn bị kéo đến đảo Thái Bình để góp phần "giữ đảo"

Một số hiệp hội ngư dân địa phương ở Đài Loan đang hỗ trợ một kế hoạch đặt chân lên đảo Thái Bình, để xác định chủ quyền và bảo vệ quyền đánh cá.
Đảo Thái Bình, tức là đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi đang bị Đài Loan chiếm đóng. Báo mạng China Post hôm Chủ Nhật 17/07 cho biết, kế hoạch bám biển do các ngư dân ở huyện Bình Đông đề nghị, và kế hoạch này đã được Hiệp Hội Ngư Dân Lưu Cầu bày tỏ ủng hộ.
Hiện chưa rõ khi nào thì các ngư dân Đài Loan bắt đầu thực hiện cuộc hải hành đi ra đảo Thái Bình. Các ngư dân cần phải được chính quyền ở Đài Bắc chuẩn thuận trước khi bước lên đảo Thái Bình, bởi vì hòn đảo này là một khu vực do chính quyền kiểm soát. Theo tờ China Post, các ngư dân đưa ra đề nghị này vì bất bình với chính quyền của Tổng Thống Thái Anh Văn.
Cho đến nay, chính quyền Đài Loan bị chê là có phản ứng "quá yếu ớt" sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực. Dù không phải là một bên trong vụ kiện, Đài Loan từng tuyên bố không chấp nhận phán quyết. Đài Loan cho rằng quyền chủ quyền của họ đã bị thiệt hại nghiêm trọng, sau khi Tòa Trọng Tài phán rằng không một thực thể nào ở Trường Sa có thể được xem là "đảo", kể cả Itu Aba, một tên gọi khác của đảo Thái Bình. Nếu không phải là đảo, Itu Aba chỉ có lãnh hải 12 hải lý bao quanh thay vì một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo luật quốc tế. 
07/17/2016 - 17:31
Huy Lam / SBTN

Nguyên nhân tinh thần đoàn kết của Giáo Phận Vinh trong các hoạt động biểu tình

Cuộc biểu tình ủng hộ phán quyết Tòa Quốc Tế tại Nghệ An
Kể từ tháng 04 năm nay, thảm họa cá chết ở các tỉnh Miền Trung đã kích hoạt hàng loạt các cuộc biểu tình trên cả nước. Nhưng chỉ đến đầu tháng 05, những cuộc biểu tình ôn hòa vì môi trường của người dân hai thành phố lớn là Sài Gòn và Hà Nội đã bị chính quyền đàn áp, dập tắt từ rất sớm. Duy chỉ còn các cuộc biểu tình vì biển sạch- chính quyền minh bạch vẫn tiếp tục diễn ra ở Giáo Phận Vinh, với sự tham gia của cả ngàn giáo dân. Và mới đây, vào ngày Chủ Nhật 17/07, cuộc biểu tình ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế ở Vinh cũng thu hút cả ngàn giáo dân, được tổ chức rất qui củ, trật tự, số lượng người tham gia vượt xa so với Sài Gòn, Hà Nội.  
Người dân Việt Nam trong và ngoài nước hết sức ngưỡng mộ tinh thần đấu tranh của các linh mục và giáo dân tại đây. Nhiều người thắc mắc đâu là nguyên nhân tạo nên sức mạnh đấu tranh này.
Một linh mục thuộc Giáo Phận Vinh đã dành cho đài truyền hình SBTN một buổi nói chuyện riêng, đã chia sẻ suy nghĩ của mình về sức mạnh đoàn kết của Giáo Phận Vinh. Theo ông, sức mạnh này được tạo ra từ sự gắn bó giữa giáo dân và các linh mục quản xứ. Giáo dân tại đây có một niềm tin rất lớn vào Thiên Chúa, cũng như người lãnh đạo giáo xứ của mình. Ngược lại, những vị lãnh đạo tinh thần ở đây luôn phải thể hiện vai trò chăn dắt con chiên của mình. Đứng trước những thông tin sai lạc, nhiễu loạn của chính quyền về thảm họa cá chết, các linh mục luôn kịp thời cung cấp cho giáo dân những thông tin xác thật về hiểm họa thực sự khi môi trường bị phá hủy, và sự cần thiết phải bảo vệ môi trường sống. Rồi khi tổ chức những cuộc biểu tình vì môi trường, các cha quản xứ luôn là những người đi đầu đoàn biểu tình. Khi đã có cha ở vị trí tiên phong, lập tức giáo dân sẽ đi theo với một tinh thần đoàn kết, quyết tâm khó mà lay chuyển được. Giáo dân ở Giáo Phận Vinh sẵn sàng bảo vệ cha xứ, bảo vệ giáo phận của mình đến cùng, mà không hề khiếp sợ trước sự đàn áp. Chính quyền không muốn phải đối phó với sự phản kháng của cả hàng chục ngàn giáo dân, cho nên phải e dè khi có ý định đụng đến các vị linh mục trong giáo phận.
Trong các cuộc biểu tình, các linh mục giải thích với giáo dân những điều họ làm là hoàn toàn đúng với tinh thần của Thiên Chúa, với lời kêu gọi của Đức Giám Mục. Các cuộc biểu tình vì môi trường là để đáp ứng lời kêu gọi của Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: “…chúng ta không thể nào dửng dưng trước thảm họa ô nhiễm môi trường đang phá hủy không những vùng biển Miền Trung mà còn gây thảm họa lâu dài cho cả dân tộc…”. Linh mục căn dặn giáo dân rất kỹ về nguyên tắc biểu tình bất bạo động: tham gia biểu tình với thái độ ôn hòa; phải giữ gìn trật tự công cộng; phải có thái độ thân thiện với những người đi trên đường, cư xử tốt ngay cả với công an. Khi có những người lạ tham gia vào đoàn biểu tình và có thái độ phá rối, lập tức phải cô lập họ ra khỏi đoàn biểu tình. Tuân thủ những điều này, các cha bảo đảm với giáo dân rằng nếu công an vô cớ bắt người, các cha sẽ cùng giáo dân nhất quyết đòi lại người cho bằng được!
Sự đoàn kết không chỉ thể hiện trong một nhà thờ giáo xứ. Các linh mục ở Giáo Phận Vinh thường xuyên dành thời giờ để đi thăm viếng lẫn nhau trong các giáo xứ khác cùng thuộc Giáo Phận, để trao đổi tin tức, cập nhật tình hình liên kết các giáo xứ. Các giáo xứ trong Giáo Phận Vinh vì thế mà rất gắn bó với nhau. Các hoạt động vì môi trường của những giáo xứ luôn có được sự ủng hộ của Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, người đứng đầu Giáo Phận Vinh. Và ngược lại, khi các cơ quan truyền thông của nhà nước tìm cách chụp mũ, vu khống Đức Giám Mục, giáo dân và các linh mục luôn sát cánh, bảy tỏ tình hiệp thông đối với Đức Cha bề trên của mình.
Đoàn kết, kỷ luật, có tổ chức, có đức tin mãnh liệt chính là chià khóa dẫn đến sức mạnh đấu tranh của các giáo xứ thuộc Giáo Phận Vinh. Chính sự đoàn kết với số đông này đã khiến chính quyền CSVN phải kiêng nể. Nhiều người dân trong nước Việt Nam, kể cả những người thuộc các tôn giáo khác, rất mong sức mạnh đoàn kết này lan tỏa ra đến với mọi tổ chức, đoàn thể đấu tranh khác, để cuộc đấu tranh chính đáng đòi môi trường sạch- chính quyền minh bạch của người dân Việt Nam sớm đạt được mục đích.
07/17/2016 - 17:59
Đoàn Hưng / SBTN