Sunday, August 26, 2018

Nhân quả!

Vô Danh
Một con lợn sề (heo nái) bị đem ra chọc tiết, nó đau đớn kêu gào thảm thiết.
Bụt hiện ra hỏi: vì sao con khóc?.

Con lợn sề rưng rưng nước mắt: Thưa Bụt, cuộc đời này thật bất công! Con sinh ra đã mang thân hình xấu xí, cả đời phải ăn cơm thừa canh cặn, thế mà cuối cùng lại bị giết thịt để làm thức ăn cho kẻ khác, vậy công bằng ở đâu?
Bụt cười: Con không hiểu rồi! Để ta giải thích cho con. Cuộc đời này có luật nhân quả, có kiếp luân hồi…
Kiếp trước con bỏ ngoài tai những lời dạy bảo của ông bà cha mẹ, nên kiếp này trời phạt cho con mang đôi tai to.
Kiếp trước con nhắm mắt làm ngơ trước những cảnh cơ cực của người khác, nên kiếp này trời phạt cho con mang đôi mắt híp.
Kiếp trước con ngồi ì một chỗ nhiều, nên kiếp này trời bắt con mang chân ngắn, bụng to.
Kiếp trước con nói nhiều làm ít, lừa phỉnh chúng sinh, nên kiếp này trời bắt giọng con ” khịt khịt “.
Kiếp trước con hay chõ miệng vào chuyện người khác, nên kiếp này trời bắt mõm con nó dài.
Kiếp trước con sa đọa trụy lạc, nên kiếp này trời phạt con mang nhiều vú.
Kiếp trước con ăn chơi phè phỡn bằng tiền mồ hôi nước mắt của người khác, nên kiếp này trời bắt con ăn cơm thừa canh cặn.
Kiếp trước con hãm hại nhiều người vô tội, nên kiếp này trời phạt con bị giết thịt.
Con đã giác ngộ ra chưa?
Con lợn sề gạt nước mắt, bán tín bán nghi, băn khoăn tự hỏi: “Chả lẽ kiếp trước mình là……. cán bộ???

60 tỉ đô la! thấy mà ham!

Fb. Trương Nhân Tuấn|
Đảng và Nhà nước đang ráo riết “lên kế hoạch” làm thế nào để “huy động” 60 tỉ đô la “tiền chết” trong dân.
Mèn, 60 tỉ đô là “rất khẳm địa”, không biết ai mần ăn giỏi quá, mới mấy năm mà để dành dữ thần như vậy ?
Theo tôi thấy, dân miền Nam từ khi bị “cào bằng” năm 1975 thì sạch túi. Những người “có của” để dành như vàng bạc nữ trang, nếu không vượt biên thì lâu lâu họ “rứt” một hai chỉ đem bán. Họ “ráng sống” cho tới lúc “đổi mới” khoảng những năm 1987. Ngồi ăn không núi cũng lở. Người giàu lắm thì cũng đã “cắn” vào sợi dây chuyền, chiếc cà rá… cuối cùng.
Sau khi đổi mới, người may mắn có được chuyện làm. Với lương phạn như vậy, đi làm “sặc máu” ngày đêm, nhiều lắm là đủ ăn. Cuối tuần, cuối tháng… dư ra chút nào là “nhậu” cho hết chút đó. Tâm lý “ngu sao để dành” kinh nghiệm ở các trận đổi tiền khiến dân miền Nam sống không biết ngày mai. Những năm sau này một số giỏi kinh doanh cũng đã “phất” lên, có của ăn của để. Nhưng họ không thể làm “giàu lớn” vì phải đóng “hụi chết” cho công an phường, huyện, cho “thanh tra” đủ thứ cơ quan, cho phòng cháy chữa cháy… Lại còn bị đám kềnh kềnh “nhà báo” hăm he “đăng báo” làm “săng ta”… Tâm lý lo không biết làm ăn được tới chừng nào. Họ sợ đảng và nhà nước “trở quẻ”, quay về kinh tế “xã hội chủ nghĩa”, của cải bao nhiêu cũng mất hết!
Người “có của để dành” vì vậy chỉ có thể là đảng viên quan chức “ăn của dân không từ một thứ gì”!
Những người này đống tiền (đồng tiền thì ít quá!) làm ra không đổ giọt mồ hôi. Chỉ một chữ ký của họ ký ra là thu vào đống đống tiền (đô). Dân oan mất đất càng đông thì họ càng giàu. Nhà máy, công trình càng ô nhiễm, càng lỗi thời thì họ càng khẳm địa.
Con số “tiết kiệm” 60 tỉ đô la là quá ít. Chỉ tính về khai thác dầu khí. Tỉ lệ “lại quả” cộng với việc “ăn bớt”, bán ngoài “qui hoạch” ít ra là 30%. Các mỏ dầu VN đã khai thác cạn kiệt. Dự tính các mỏ này đã cung cấp cho VN tương đương 1.000 tỉ đô la. Tức là có khoảng 300 tỉ đô la bỏ vào túi quan chức.
Tiền vô túi họ dễ dàng vì vậy họ xài phí như ông hoàng bà chúa. Một đất nước mới phát triển chưa quá 30 năm mà người giàu nổi lên như những ông vua con ở các xứ dầu lửa! Phần lớn số tiền tham nhũng của họ đã phung phí cho “chân dài”, cho xe cộ, ăn chơi, cờ bạc…
Bây giờ đảng và nhà nước dự trù họ còn khoảng 60 tỉ đô la. Cũng có thể. Nhưng làm cách gì để những người này bỏ tiền đầu tư ích quốc lợi dân ?
Cách nào cũng là “nằm mơ”! Đám tham nhũng thối nát này xuất thân từ cộng sản, những người chủ trương xóa bỏ quốc gia, đề cao vô tổ quốc. Rành rành nhiều người cộng sản nòi đã ôm tiền của qua Mỹ lập nghiệp, sống cho sướng! Tất cả những người này chỉ chờ có dịp là “bung”, qua sống ở Đức, ở Mỹ, ở Úc, ở Canada… đoàn tụ với vợ con ở đó.
60 tỉ họ “để dành” là chờ dịp “lót ổ” ở các xứ thiên đường giẫy hoài không chết!
Thấy đảng và nhà nước tính chuyện “huy động” 60 tỉ này thiệt là tức cười!
Vấn đề VN là “chính trị” chớ không phải là thiếu “tiền tươi”!
Ngay bây giờ, có đôi đũa thần, gõ một cái VN có 100 tỉ tiền tơn. Chắc chắn vài năm, thậm chí vài tháng, số tiền này cũng đốt “cúng cô hồn”. Nếu không lâm vào cảnh trả nợ lần hồi rồi vỡ nợ. Còn không thì “lây” vào cơn xoáy “khủng hoảng”. Các nước bị “khủng hoảng” gần đây, như Thổ, kho dự trữ ngoại hối nước nào cũng vài trăm tỉ đô la. Chưa tới một tháng hàng trăm tỉ “bốc hơi”, đồng nội tệ rớt như nhảy dù không bung!
Tôi có nói đi nói lại nhiều lần là, giao cho nước Mỹ, nước Nhật, nước Đức… cho tập đoàn đảng và nhà nước lãnh đạo. Bảo đảm là vài năm thôi, các quốc gia này sẽ phá sản.
Vì vậy, vấn đề VN là chính trị, là do đảng và chế độ chính trị, (chớ không phải thiếu tiền đâu tư).

Nhà nước huy động đô la: Bà con cẩn thận củi lửa

Fb. Đỗ Ngà|
Ngày 21/08/2018, ông Alabatani chuyên gia về thị trường tài chính Việt Nam của Ngân Hàng Thế Giới nói rằng, đô la nhàn rỗi trong dân của Việt Nam là 60 tỷ đô. Không biết chuyên gia này tính thế nào ra con số này, nhưng quả thật nó rất lớn, đến hơn 1/4 GDP. Nghe thế, lập tức các ông CS muốn vét chúng về mình, thực chất là vơ vét nhưng họ lại dùng từ mỹ miều là “huy động đô la trong dân”. Những đồng đô la thơm lừng đó đã làm CS đang nhỏ những giọt nước dãi thèm thuồng.
Có thể con số đó là có cơ sở, vì theo thống kê, Việt Nam bị đô la hoá trên 20%. Nghĩa là lượng tiền gởi vào hệ thống ngân hàng bằng đô la có giá trị trên 20% so với lượng tiền đồng. Như ta biết, mỗi năm lượng kiều hối rót về Việt Nam trung bình cả chục tỷ. Con số đó đang nằm trong dân và nhà nước đang tìm cách móc lấy nó để giải quyết bài toán nợ công và cả vấn đề tư túi để quan chức lót ổ cho con cái ở ngoại quốc. Lâu nay, cách họ vẫn làm là in tiền Việt mua đô la của dân, cách mà họ gọi bằng mỹ từ “chuyển hoá đồng đô la sang VNĐ”. Nói trắng ra, đó là cách họ lấy không đô la trong dân. Vì họ in tiền VNĐ tung ra mua đô, thì lạm phát sẽ tăng và xã hội nghèo đi. Việc này nói toạc móng heo ra thì đó là việc nhà nước móc túi dân mua đô la cho mình mà thôi.
Thế nhưng, không phải ai cũng chịu bán đô mua VNĐ, nên Ngân Hàng Nhà nước chỉ vét được một lượng có giới hạn chứ không thể vét sạch. Vấn đề đây là ý thức của người dân với đồng đô la trên tay mình như thế nào? Đồng đô la có thể tích lũy thành của cải, nhưng VNĐ thì tuyệt đối không được vì tính ổn đinh đồng tiền này cực kém. Cho nên người dân cần chú ý.
Các nước có đồng nội tệ ổn định họ sẽ hạn chế việc đô la hoá. Nhưng những nước có đồng nội tệ yếu như Campuchia, họ đô la hoá là rất sáng suốt. Vì sao? Vì đồng đô la không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nhà nước Campuchia. Khi nền kinh tế suy thoái, đồng nội tệ trượt giá, dân Campuchia chuyển sang dùng đồng đô la. Điều đó nó hạn chết rất nhiều khả năng mất kiểm soát của đồng tiền. Xét về chính sách mở cửa cho đô la hoá mạnh, nhà nước Campuchia làm tốt hơn nhà nước CSVN. CSVN sẽ không thể làm được như chính quyền Campuchia, vì sao? Vì CSVN luôn muốn vét đô trong dân chứ không phải mở cửa việc giao dịch bằng đô la để giảm tải cho đồng nội tệ như Campuchia.
Với khoản nợ công khổng lồ 210% GDP thì áp lực trả nợ ngày một tăng. Nhân dân cẩn thận củi lửa. Chính quyền sẽ huy động tối đa hệ thống báo chí dụ bà con bán vàng và đô la cho họ. Vậy nên, lời khuyên chân thành là có vàng nên giữ, có đô nên giữ để hộ thân. Nếu giàu có, chuyển tiền Việt sang đô rồi đầu tư cho con cái một nền giáo dục tốt thì an toàn hơn nhiều. Áp lực khoản nợ 210% GDP tôi nghĩ là Việt Nam đã hết đường phát triển. Nhà nước giờ đây chủ yếu là lo cạy đô la của dân để trả nợ chứ chẳng còn cơ hội phát triển. Chính quyền, giờ cầm cự càng lâu càng tốt và đợi đến ngày xuống hố cùng Venezuela mà thôi./.

Đặc khu kinh tế: đừng thận trọng bằng đẩy mạnh tuyên truyền!

Ánh Liên (VNTB) -Bức ảnh có người đàn ông mặt áo nhạt màu, trên bệ đài phát biểu. Phía sau là một pano nền đỏ chữ vàng ghi rõ dòng chữ: Hội nghị báo cáo viên tháng 6/2018. Tuyên truyền về chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế. Đơn vị chủ
quản là Ban tuyên giáo tỉnh uỷ An Giang.
An Giang thì khác Kiên Giang, nên An Giang không có cái gọi là ‘đặc khu kinh tế’, nhưng An Giang có vẻ thức thời khi làm hẳn chuyên đề báo cáo về tuyên truyền chủ trương xây dựng đặc khu. Và điều chắc chắn là, Ban tuyên giáo tỉnh uỷ An Giang sẽ sớm nhận bằng khen về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Ban tuyên giáo TW trao tặng.
Vấn đề, vì là công cụ tuyên truyền chính trị, nên đôi khi ban tuyên giáo các tỉnh thành lại học thuộc nghị quyết hay các văn bản hướng dẫn về một vấn đề gì đó bất kỳ. Tức cứ có Hội nghị báo cáo hay đợt tuyên truyền cao điểm, thì thành viên ban tuyên giáo lại trải qua kỳ thi học thuộc lòng. Vì học thuộc lòng, và bản thân đặc thù ngành là như vậy, cho nên giá trị mang lại của tuyên truyền từ tuyên giáo chỉ mang tính nhồi nhét là chính. Dù vậy, với cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực trải rộng hầu khắp các tỉnh thành, hình thành những ‘nhịp cầu tôn giáo’ nên sức ảnh hưởng của tuyên giáo đối với người dân, ngay cả đối với những vùng sâu xa, hải đảo, vùng mà người dân ý thức còn chưa cao,…
Những lời tuyên giáo nói là những lời đã được soạn sẵn, họ đâu có hiểu gì về đặc khu, họ nói về điều tốt nhiều vạn chữ, và cái hạn chế chỉ có vài chữ. Thậm chí, tính chất hạn chế của đặc khu đôi khi được xoa dịu bằng thủ thuật nối chữ ‘tuy hạn chế nhưng chúng ta đã có phương hướng khắc phục’. Có nghĩa là làm cách gì, bằng cách nào đi chăng nữa thì với những gì mà nhà nước và đảng quyết, nhân dân hãy tin tưởng vào thắng lợi to lớn và cuối cùng.
Khi một chủ trương hay chính sách quyết sai, với sự tác động của ban tuyên giáo, thì hệ quả nó để lại di hại gấp nhiều lần. Bởi ban tuyên giáo lại không chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền, mà họ đồng thời hợp phức hoá cái gọi là ‘dân quyết thì dân sai’. Tức đã tuyên truyền, và người dân đồng thì thì mặc nhiên xem đó là trách nhiệm thuộc về nhân dân; thỉnh thoảng trong nhóm đối tượng tuyên truyền có cá nhân nổi lên phản biện nhưng đó chỉ là con số hiếm hoi. Ngay cả đối tượng được lựa chọn, nhìn chung nhất vẫn là nhóm đội ngũ công nhân viên chức, những người buộc phải phục tùng mệnh lệnh theo chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Tại khu vực phường xã, những ‘cán bộ’ sau học tập này sẽ tiến hành các hoạt động hiện thực hoá buổi học, trong đó chủ yếu là tiếp tục cho tuyên truyền trên hệ thống loa khối phố, làng xã; có nơi còn in hẳn một văn bản ‘đồng thuận’ về đặc khu để vận động nhân dân ký lấy.
Vậy nếu kết quả tuyên truyền trong nhân dân không đạt được kết quả như tỉnh hay TW mong muốn thì sao? Không sao cả, sau khi tổng hợp và báo cáo, các tuyên giáo viên cũng biết làm sao cho ‘tròn đẹp’.
Thế nên tuyên giáo khi chỉ là cái loa thì hại vô cùng, bởi nó phát và áp đặt một giá trị thông tin một chiều người dân. Điều này đồng nghĩa, tuyên giáo sẽ chỉ hữu ích khi cho phép giá trị phản biện đi vào trong, và điều này là vô cùng khó.
Khó là vì sao? Không phải vì ban tuyên giáo, mà chính là vì chủ trương từ trên đề xuống theo nguyên tắc ‘phải làm cho được’, bản thân ban tuyên giáo được thành lập cũng để thực hiện quy trình cứng đó.
Trở lại với vấn đề đặc khu, thông tin từ VP Chính phủ trong ngày 24.08 cho hay, dự kiến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 (tháng 10/2018), Quốc hội chưa xem xét dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Tin vui? Tất nhiên! Tuy nhiên, ngay cả khi chưa thông qua, thì người dân cũng hiểu đó chỉ mang tính tạm thời. Bởi trong Nghị quyết chung của Quốc Hội kỳ trước khi chưa thông qua Luật đã nhấn mạnh: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong cử tri và nhân dân.
Còn hiện giờ, thì Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: còn chờ vào kết quả quá trình tiếp thu ý kiến nhân dân thế nào, tiếp thu ý kiến cử tri thế nào, tóm lại rất thận trọng.
Vậy theo quy trình này, thì đặc khu sẽ phải thực sự tiến hành thận trọng qua con đường lấy ý kiến nhân dân và cử tri. Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả sau cùng theo ý muốn, thì cần phải tăng cường và tuyên truyền để tạo đồng thuận. Với sự góp sức từ tuyên giáo và bộ máy truyền thông.
Nếu hiểu theo cách trên, thì ‘đồng thuận trong nhân dân’ sẽ có thể sử dụng số liệu từ ban tuyên giáo, với phương pháp của ban này là: ra sức tuyên truyền, mở rộng những tờ giấy ký kết và ủng hộ đặc khu?
Liệu biện pháp mang tính ‘cưỡng bức, lừa dối hoặc thiếu trung thực’ sẽ thực hiện? Điều này tuỳ thuộc vào trong quyết tâm chính trị của Đảng và nhà nước đến đâu, sự lắng nghe nhân dân thế nào. Còn nếu theo hướng truyền thống bấy lâu nay, thì chắc hẳn ‘sự đồng thuận đầy mê hoặc’ như từng diễn ra trong đợt lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp 2013 sẽ tái lặp lại [https://bbc.in/2w791OL].
Vấn đề là nếu nhân dân đồng thuận cao, nhưng khi dự luật được thông qua thì biểu tình tiếp tục nổ ra thì Chính phủ hay Ban tuyên giáo phải ăn nói thế nào với dân, về cái gọi là ‘nhân dân đồng tình ủng hộ’?
Chính vì vậy, thay vì làm mọi cách để được thông qua bằng một bộ phận ‘nhân dân’ (núp bóng dưới dạng ‘đại bộ phận nhân dân’, thì Chính phủ cần đẩy mạnh nghiên cứu và chỉnh sửa dự luật, chỉ đạo Ban tuyên giáo tiếp thu các ý kiến khác nhau trong nhân dân để trả về TW, tiến hành các hoạt động lắng nghe cử tri – nhân dân nói, kể cả tổ chức các diễn đàn đa chiều để làm rõ ý nhân dân muốn gì, cần gì – thay vì chú trọng ‘tuyên truyền’ là chính. Chỉ có như vậy, trong mắt dân, tuyên giáo mới không bị coi là công cụ, và giá trị thông tin của tuyên giáo đưa ra, hay Chính phủ đưa ra dân mới thực sự chấp nhận. Hay nếu không ‘thận trọng’, thì một lần nữa, ý chí Chính phủ và lòng dân sẽ trái ngược nhau.

Bao giờ điều tra xong vụ nhập thuốc giả của Việt Nam Pharma?

Trúc Giang (VNTB) 
Cô diễn viên Mai Phương và người nghệ sĩ già Lê Bình đang trên giường bệnh ung thư là câu chuyện rất nóng trên nhiều diễn đàn. Càng nóng hơn khi cho đến nay, cơ quan điều tra của Bộ Công an vẫn ‘chưa điều tra’ xong vụ nhập thuốc giả của công ty VN Pharma. Liệu trong 7 ngày tới, sẽ có câu trả lời về những sai phạm ở công ty dược mà người em chồng của bà Bộ trưởng Y tế từng giữ chức vụ phó giám đốc phụ trách đầu tư?
Trung tuần tháng 6-2018, Văn phòng Chính phủ có công văn hoả tốc gửi Bộ Công an truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình về việc Công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc nhãn hiệu Công ty Health 2000 sản xuất tại Canada. Ông Trương Hoà Bình giao Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xác minh làm rõ việc Công ty VN Pharma nhập khẩu, lưu hành 6 loại thuốc nhãn hiệu Công ty Health 2000 sản xuất tại Canada, nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án; báo cáo Thủ tướng trong tháng 8-2018.
“Tôi phẫn nộ”
Một ký giả là hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam kể rằng, ông rất phẫn nộ khi tra cứu danh mục thuốc giả của VN Pharma ‘trúng thầu’ vào các bệnh viện ở Sài Gòn, có loại kháng sinh dành cho hậu phẫu.
“Lần đó, ống đặt thoát dịch sau ca mổ hở đã tiếp tục rỉ máu suốt gần 2 tuần lễ. Bác sĩ đã chọn đổi thuốc kháng sinh khác. Kết quả, vết mổ ổn nhanh, và tôi đã ra viện sau 1 tháng ở đây. Khi vụ án VN Pharma được báo chí đăng tải, tôi tra cứu thì nhận ra thứ thuốc kháng sinh mà mình dùng là đúng lô của VN Pharma trúng thầu. Tôi phẫn nộ còn là vì có một quan chức của Bộ Y tế khẳng định tất cả số thuốc giả của VN Pharma đều chưa kịp sử dụng dù đã trúng thầu”. Ông ký giả là nạn nhân của thuốc giả nói.
Theo tài liệu thu thập của ông nhà báo kể trên, thì trong một báo cáo ghi nhận từ cơ quan Thanh tra Chính phủ, ngoài lô thuốc H-Capita nhập về trong các năm 2011-2014, VN Pharma cũng nhập khẩu 7 loại kháng sinh cũng do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc., Canada sản xuất, nhưng thực tế là hồ sơ giả mạo, thuốc sản xuất ở Ấn Độ và công ty trên là công ty “ma”. Sau khi nhập khẩu trót lọt vào Việt Nam, nhiều loại thuốc này đã trúng thầu vào nhiều bệnh viện.
Theo danh sách “Tổng hợp kết quả trúng thầu các bệnh viện trung ương năm 2013-2104” do Bộ Y tế tổng hợp, có tới 6 loại thuốc của Helix Pharmaceuticals Inc., Canada được VN Pharma trúng thầu vào bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Đó là thuốc Capecitabine 500 mg (hoạt chất H-Capita 500 mg Caplet) trúng thầu với số tiền 555 triệu đồng; Ciprofloxacin 400 mg/200 ml (H2K Ciprofloxacin 400): 840 triệu đồng; Esomeprazol 40 mg (H-Epra): 810 triệu đồng; Imipenem + Cilastatin 500 mg + 500 mg (H-Lastapen): 440 triệu đồng; Levofloxacin 750 mg/150 ml H2K Levofloxacin 750; Esomeprazol 40 mg H-Epra 40 (2 loại sau chưa rõ số tiền).
Bên cạnh đó, có 3 mặt hàng của VN Pharma trúng thầu vào bệnh viện Chợ Rẫy là H-Capita Caplet, H2K-Ciprofloxacin 400 mg và H-Epra 40 mg có nhà sản xuất được ghi nhận là Công ty Helix Pharmaceuticals Inc., Canada. Tại bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng có 5 loại thuốc khác của Công ty Helix Pharmaceuticals Inc., Canada sản xuất trúng thầu vào BV là: H-Capita Caplet trúng thầu 15.000 viên; H2K-Ciprofloxacin 400 mg trúng thầu 6.000 lọ; H-Epra 40 mg trúng thầu 15.000 lọ; H-Lastapen trúng thầu 2.000 lọ và H2K-Levofloxacin 750 mg trúng thầu 1.500 lọ. Tổng trị giá tiền thuốc trúng thầu của 5 loại này vào bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là 3,365 tỉ đồng.
Phá giá thầu
Trong một trao đổi bên lề, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, nguyên phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói rằng bà còn nhớ trong công tác đấu thầu thuốc, công ty VN Pharma trúng thầu ở rất nhiều địa phương, rất nhiều bệnh viện.
“Lúc đó tôi cũng đã phân tích cơ chế đấu thầu, khi mà giá kế hoạch đưa ra 66 ngàn đồng một viên, mà công ty này sẵn sàng chào thầu với giá 31 ngàn đồng một viên để trúng thầu, thì như vậy chúng ta đặt ra câu hỏi như thế nào về chất lượng của thuốc?.
Rõ ràng thuốc H – Capita trúng thầu chưa bằng phân nửa giá kế hoạch, mà giá kế hoạch được xây dựng dựa trên giá thị trường, dựa trên lịch sử thuốc đã áp dụng vào trong bệnh viện. Nếu nhìn lại đường đi của thuốc này, khi khai báo rằng chỉ mua với giá 0,6 đô la nghĩa là chỉ khoảng mười mấy ngàn một viên, vậy thì nhìn lại nếu đấu thầu như vậy vẫn còn lời (!?).
Dấu hỏi đặt ra ở đây là chất lượng như thế nào, và phải coi lại quy chế đấu thầu của chúng ta chưa bàn đến chuyện có thông thầu, ăn gian, bắt tay với nhau để cố tình trúng thầu hay không? Chỉ việc không phân biệt các loại thuốc, không tuân thủ thang điểm kỹ thuật, thuốc nào cũng qua hết chỉ còn là đấu giá thì nó đặt ra nguy cơ rất lớn cho sức khỏe cộng đồng”. Dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan biện giải.
Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến đâu?
Trong phiên phúc thẩm diễn ra hạ tuần tháng 10 năm ngoái, khi tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm, thực hiện điều tra lại, phía Hội đồng xét xử đã nhận định để VN Pharma nhập khẩu số lượng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ vào Việt Nam bằng hàng loạt giấy tờ giả, hồ sơ kỹ thuật giả, có nội dung mâu thuẫn… xuất phát từ việc làm tắc trách và thiếu trách nhiệm của cán bộ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế).
Không chỉ riêng với H-Capita, mà theo chứng cứ thu thập được trước đó, bằng thủ đoạn tương tự, các bị cáo đã nhập khẩu thuốc và được Cục Quản lý Dược cấp phép. Cho đến khi vụ án bị khởi tố, Cục Quản lý Dược mới thu hồi số đăng ký lưu hành.
Hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu của VN Pharma ở Cục Quản lý Dược thể hiện, Austin Hong Kong (doanh nghiệp của Trung Quốc) đã hết giấy phép làm việc và đang làm đơn xin gia hạn. Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý Dược khai tại toà phúc thẩm rằng theo quy định doanh nghiệp phải có đăng ký cấp phép tại Việt Nam. Theo quy định này, Cục quản lý Dược không thể không biết giấy phép của Austin đã hết hạn. Chính vì lẽ đó Cục cho phép nhập khẩu là trái quy định.
“Dược sĩ Nguyễn Khánh Hòa nói rằng trong vụ VN Pharma, thì H-Capita có hoạt chất chống ung thư được mua từ công ty Alibaba của Trung Quốc. Giá thành rao bán bột capecitabine nguyên chất tinh khiết 99% của Alibaba, và cả giá thành vỏ nang thuốc rỗng rao bán trên Alibaba, dễ dàng kiểm chứng khi ngồi gõ trên mạng internet”. Ông nhà báo là nạn nhân của thuốc giả (kể ở trên) đã cho biết như vậy.
Vị dược sĩ đó làm phép tính như vầy về nghi vấn: Sau khi đăng ký tên, họ sẽ mua dược chất capecitabine ngoài thị trường với giá thành 1 USD/kg (khoảng 22.000đ/kg, giá thời điểm xảy ra vụ án), rồi mua vỏ thuốc (0.0039 USD/vỏ = 85 đ/vỏ) về chia ra thành 2000 viên thuốc (con nhộng đàng hoàng), chẳng cần phải thêm gì khác để khi kiểm nghiệm đạt 100% hoạt chất capecibitine. Giá thành mỗi viên thuốc này là (22.000 + 85 x 2.000)/2.000 = 96đ/viên. Mỗi viên thuốc này chỉ 100đ thôi, bán 150đ cho bệnh nhân ung thư là có lãi rồi.
Sở dĩ ông dược sĩ có phân tích với nhiều nghi vấn ấy là do trong vụ VN Pharma, phía bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lập luận rằng thuốc H-Capita được coi là thuốc thật chỉ vì nó chứa 97% hoạt chất chống ung thư đã được thế giới công nhận. Lỗi của Bộ Y tế chỉ là về thủ tục hành chính liên quan.
“Cái tên H-Capita do nhóm người buôn bán lô thuốc này bịa ra để rồi làm giả hàng loạt hồ sơ giấy tờ mang tên H-Capita, vậy thuốc có phải là giả không? Đến cái tên đã giả rồi thì cái thuốc làm sao thật được. Nếu nó là thuốc thật thì thuốc này tên là gì? Do ai sản xuất? Chất lượng thế nào? Nếu đặt cho nó được một cái tên thật thì chúng tôi sẽ công nhận nó là thuốc thật, đừng đặt cho nó cái tên capecitabine vì cacpecitabine là tên của hóa chất tinh khiết, là nguyên liệu để làm ra cái thuốc Capita này”. Dược sĩ Nguyễn Khánh Hòa phản biện.
Gác qua mọi chuyện liên quan tố tụng. Ai sẽ chịu trách nhiệm khi những bệnh nhân ung thư như cô diễn viên Mai Phương, diễn viên Lê Bình và rất nhiều bệnh nhân trẻ em ở bệnh viện Ung bướu đã từng phải dùng thuốc giả của VN Pharma?
Bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không thể vô can.

John McCain và dấu nối giữa hai quốc gia

 Tuấn Khanh-2018-08-26   
Hình chụp hôm 19/10/1992: TNS John McCain (giữa) ở Bảo tàng Quân đội. Ông đang cầm tấm hình chụp ông khi 30 tuổi bị bắt ở Hà Nội năm 1967
Hình chụp hôm 19/10/1992: TNS John McCain (giữa) ở Bảo tàng Quân đội. Ông đang cầm tấm hình chụp ông khi 30 tuổi bị bắt ở Hà Nội năm 1967-AFP
Thượng nghị sĩ John McCain vừa qua đời ở tuổi 81, sau những ngày đau đớn bởi căn bệnh ung thư não.
Ông là một nhân vật rất quen thuộc với nhiều người Việt Nam, kể cả trong chiến tranh VN cũng như sau chiến tranh.
John McCain được báo chí phương Tây nhận định là một anh hùng chiến tranh, một kẻ hoạt động chính trị đầy tư duy độc lập trước các chính sách, và đoạn cuối đời, ông là một trong những nhà phê bình mạnh nhất các chính sách của Tổng thống Trump, dù ông là một đảng viên đảng Cộng Hòa.
Trong chiến tranh Việt Nam, ông là "giặc lái" - nói theo kiểu miền Bắc Việt Nam, khi nhận lệnh đánh bom, để đáp trả các cuộc xâm lược của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) vào nước Việt Nam Cộng Hòa, khi VNDCCH phá vỡ các nghị ước hòa bình, đem quân vượt qua vĩ tuyến 17 vào miền Nam.
Cuối năm 1967, John McCain bị bắn hạ ở Việt Nam, và sau đó trải qua 5 năm tù ở miền Bắc. Vì là một trong những người thuộc gia đình có truyền thống tham gia quân đội, John McCain luôn nằm trong danh sách ưu tiên để trao đổi tù binh, nhưng ông từ chối đặc quyền này để nhường cho những tù binh Mỹ khác đang cần được chăm sóc. Và do vậy, kinh nghiệm ở tù của những người cộng sản của ông cũng dầy thêm, bao gồm 2 năm biệt giam và nhiều lần bị tra tấn.
John McCain cũng nhiều lần nhắc lại ký ức này nhưng thay vì đó là hận thù, ông đã dành nhiều thời gian của mình khi trở thành một chính trị gia, là vận động cho nhân quyền của người Việt Nam, nơi mà ông có nhiều kinh nghiệm hơn cả những chính trị gia Mỹ khác cùng thời.
TNS John McCain (giữa) thăm tàu USS John S. McCain tại cảng Quốc tế Cam Ranh hôm 2/6/2017
TNS John McCain (giữa) thăm tàu USS John S. McCain tại cảng Quốc tế Cam Ranh hôm 2/6/2017 AFP
Trong một lần xung đột quan điểm về chính trị, tổng thống Donald Trump nói ông không phải là anh hùng, mà chỉ là một phi công thất bại. Nhưng với nhiều người Việt đã kinh qua chiến tranh, anh hùng là tính cách chứ không phải là sự kiện.
Nước Mỹ có đến 58.000 quân nhân thất bại trong chiến tranh Việt Nam, nhưng chắc chắn nước Mỹ coi đó là những anh hùng.
Lịch sử Việt Nam cũng tràn ngập các danh sĩ, danh tướng thất bại trong sự nghiệp của mình như Hai Bà Trưng, Trần Bình Trọng, Lê Lai, Nguyễn Thái Học... Nhưng chắc chắn đó cũng là những anh hùng.
John McCain từng bị chính quyền VNDCCH tổ chức cho hàng dài hội phụ nữ, đoàn viên... đứng phun nước bọt vào đầu, chửi mắng và lăng mạ khi bị bắn rớt máy bay và giải đi qua phố. Nhưng khi là một chính trị gia quyền lực, điều ông nghĩ đến là ủng hộ để làm sao thay đổi nhân quyền, luật pháp và chính thể ở VN, thì mới giúp được con người VN. Ông đổi nước bọt và sự sỉ nhục, tra tấn... bằng suy nghĩ giúp đổi thay Việt Nam, chỉ như vậy thôi, ông đã là một anh hùng.
Những ngày tháng cuối cùng của John McCain, còn là những hoạt động không ngừng để bảo trợ và mang nhạc sĩ Việt Khang đến Mỹ, định cư với cuộc đời khác.
81 tuổi, ông ra đi với nhiều điều đáng nhớ, cho cả hai quốc gia Mỹ và Việt Nam.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Will Nguyễn sẽ viết vì những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam

RFA-2018-08-25 
  Will Nguyá»…n (giữa) được áp giải ra toà ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 20/7/2018
Will Nguyễn (giữa) được áp giải ra toà ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 20/7/2018-AFP
Trong một tuyên bố công khai đầu tiên kể từ khi rời khỏi Việt Nam, công dân Mỹ gốc Việt Will Nguyen viết rằng anh sẽ viết dưới mọi hình thức vì những nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Tôi sẽ dành phần đời phía trước của mình để viết dưới mọi hình thức và để trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến người Việt, những người không có chiếc vỏ công dân Hoa Kỳ bảo vệ cho họ”, Will Nguyen viết trong tuyên bố ngày 16/8 và được anh đăng trên facebook cá nhân của mình vào ngày 19/8 vừa qua.
Hôm 20/7, toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt trục xuất Will Nguyen khỏi Việt Nam với cáo buộc gây rối trật tự công cộng.
Will Nguyen, sinh viên 32 tuổi từ Houston, Texas, đã bị công an Việt Nam bắt giữ khi tham gia biểu tình phản đối luật đặc khu và an ninh mạng cùng hàng ngàn người dân ở Sài Gòn hôm 10/6.
Truyền thông Việt Nam sau đó nói rằng Will Nguyen đã cảm thấy hối hận vì những hành động của mình.
Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, Will Nguyen viết “Tôi đã một mình tham gia cuộc biểu tình, không liên quan đến bất kỳ tổ chức nào, bởi tôi tin vào sức mạnh của từng cá nhân. Đó là một giá trị to lớn khi một người đóng góp tiếng nói của mình, dấn thân mình chống lại lớp rào cản tưởng chừng không thể xuyên qua của chủ nghĩa độc tài”.
Will Nguyen viết đại ý rằng với chế độ độc tài, chính quyền Việt Nam đã hạn chế quyền tự do của người dân, kiểm soát thông tin, reo rắc nỗi sợ hãi hoặc thờ ơ trong người dân để kìm hãm họ.
Và đây chính là những gì tôi đã đứng lên phản đối trong cuộc biểu tình 10/6. Bên cạnh điều luật về đặc khu Kinh tế đã được Quôc hội Việt Nam xem xét, đó còn la cả điều luật về an ninh mạng, điều luật này sẽ cho phép chính phủ Việt Nam có được sự kiểm soát lớn hơn trong không gian mạng, bịt miệng những người không đồng tình với sự lãnh đạo độc đảng, theo hình mẫu Trung Quốc”, Will Nguyen viết.
Will Nguyễn đã bị giam giữ 40 ngày tại Việt Nam. Việc bắt giữ Will Nguyen đã khiến nhiều dân biểu Mỹ phải lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho anh ngay lập tức, và yêu cầu chính phủ Mỹ can thiệp.
Trong chuyến thăm Việt Nam hôm 9/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng đã nêu trường hợp Will Nguyen với chính phủ Việt Nam.
Trong tuyên bố mới của mình, Will Nguyen cũng cảm ơn gia đình, người thân, bạn bè, các dân biểu Mỹ và Bộ Ngoại giao Mỹ đã giúp anh thoát khỏi “cái bẫy trong cả nghĩa nguyên và nghĩa bóng sau 40 ngày”.
Will Nguyen nhìn nhận anh may mắn hơn nhiều người khác: “vì vậy tôi muốn đền ơn tiếp, đấy là cách tốt nhất mà tôi thấy, để đáp lại món nợ khổng lồ mà tôi đã nợ thế giới, dùng quyền tự do mà tôi vừa mới tìm lại được đây để giúp người khác lấy lại tự do của mình”

CSVN ‘không cho xuất bản sách dịch về Thượng Nghị Sĩ John McCain’

Bìa sách “Faith Of My Fathers” của Thượng Nghị Sĩ John McCain. (Hình: Amazon.com)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 26 Tháng Tám, khi tin Thượng Nghị Sĩ John Sidney McCain III qua đời được lan truyền qua mạng xã hội, ông Nguyễn Cảnh Bình, người sáng lập thương hiệu sách Alpha Books tiết lộ trên trang cá nhân: “10 năm qua chúng tôi không xuất bản được một bản sách dịch về Thượng Nghị Sĩ John McCain. Năm 2008, khi cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ bắt đầu, tôi theo dõi sát sao hơn và khi biết McCain ứng cử, chúng tôi quyết định đánh liều, đặt cược cho ông thắng và trong số các cuốn sách của ông, chúng tôi chọn cuốn ‘Faith Of My Fathers’ (tạm dịch ‘Đức Tin Của Tổ Tiên Tôi’).”
“Không lường trước hết rắc rối xảy ra, chúng tôi vẫn dịch cuốn sách này nhưng nó không được xuất bản, kể cả khi ông thất bại trước Obama, một nghị sĩ khá vô danh trước đó. Trong khi cuốn sách của Obama, ‘Những Giấc Mơ Của Cha Tôi’ đã trở thành bestseller ở Việt Nam, cuốn ‘Đức Tin Của Tổ Tiên Tôi’ thì không, và McCain cũng thất bại trước thượng nghị sĩ trẻ trung, lôi cuốn và giỏi hùng biện Obama năm đó. Đến hôm nay, bản thảo vẫn nằm trong máy tính của chúng tôi, cũng không có gì đặc biệt lắm, chỉ là một cuốn sách không xuất bản được mà thôi,” ông Bình viết.
Ông Bình không nêu lý do khiến cuốn sách của ông McCain không được xuất bản ở Việt Nam.
“Đức Tin Của Tổ Tiên Tôi” là quyển sách lọt vào danh sách bestseller của báo New York Times, là cuốn hồi ký của Thượng Nghị Sĩ John McCain về ba thế hệ chiến binh và cách mà những người con trai học được từ cha của họ.
Trong cuốn sách này, ông McCain kể chi tiết về ông nội của mình, một đô đốc bốn sao và là một trong những tư lệnh vĩ đại nhất của Hải Quân Mỹ, dẫn đầu lực lượng hàng không mẫu hạm mạnh nhất của Hạm Ðội 3 trong Thế Chiến II. Cha của ông McCain, cũng là một đô đốc bốn sao, từng là tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương trong Chiến Tranh Việt Nam.
Chính tại Việt Nam, John McCain III đã đối mặt với thử thách khó khăn nhất trong cuộc đời ông khi máy bay do ông lái bị bắn hạ tại Hà Nội năm 1967. Ông đã bị tra tấn và giam cầm trong 5 năm rưỡi.
Có suy đoán rằng những chi tiết mà ông McCain viết trong sách về quãng thời gian tù đày tại Hà Nội khiến cho nhà cầm quyền CSVN “phật ý” và không muốn bản dịch được xuất bản.
Ngay cả trong phần tiểu sử công bố trên website của ông McCain viết rằng thời gian trong tù tại Hỏa Lò, ông “bị quản giáo đánh đập, bị biệt giam” và đây là các cáo buộc mà Việt Nam luôn bác bỏ.
Một chi tiết khác khiến nhà cầm quyền CSVN có thể “không ưa” ông McCain vì ông có nhiều phát ngôn về việc kêu gọi Hà Nội thúc đẩy nhân quyền song hành với phát triển kinh tế.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2015, ông McCain ngoài việc gặp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng thì còn có cuộc gặp riêng một số đại diện phong trào dân sự của Việt Nam, gồm nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Chí Tuyến và Luật Sư Trần Thu Nam. Một hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cũng cho thấy ông có cuộc gặp khác với Luật Sư Nguyễn Văn Đài ở Hà Nội, nhưng không rõ về thời điểm của cuộc gặp này.
Hồi Tháng Hai, 2018, Nhạc Sĩ Việt Khang đến Mỹ tị nạn và cho hay việc anh được sang định cư tại Hoa Kỳ là “kết quả của một quá trình can thiệp lâu dài của chính quyền Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế đối với chính quyền CSVN, trong đó, đặc biệt phải nhắc đến Thượng Nghị Sĩ John McCain, người đã trực tiếp can thiệp, nêu trường hợp của nhạc sĩ này với chính phủ Hoa Kỳ khi làm việc với CSVN.” (T.K.)

Vỡ cống ở An Giang, thiệt hại hàng trăm hécta lúa

Nước lũ cuồn cuộn tràn vào tiểu vùng sản xuất lúa ba vụ tại ấp Vĩnh Phú của xã Lạc Quới. (Hình: Người Lao Động)
AN GIANG, Việt Nam (NV) – Một miệng cống kiểm soát lũ thuộc tuyến đê bao ở xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, vừa bị vỡ làm nước lũ trên kênh Vĩnh Tế tràn vào, có nguy cơ nhấn chìm 150 hécta lúa sắp trổ bông.
Chiều 25 Tháng Tám, 2018, nói với báo Người Lao Động, ông Võ Thanh Tuấn, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, cho biết vào khoảng 3 giờ chiều cùng ngày, người dân thăm ruộng phát hiện miệng cống kiểm soát lũ khu vực ấp Vĩnh Phú, xã Lạc Quới, bị vỡ nên báo chính quyền địa phương.
Rất đông người dân hay tin đã cùng với chính quyền chung tay đốn hạ cây để làm rào chắn, dùng ván gỗ và bạt cao su chắn miệng cống lại để ngăn dòng nước lũ đang cuồn cuộn chảy vào.
Rất đông người dân chung tay cứu lúa. (Hình: Người Lao Động)
Theo người dân, nguyên nhân miệng cống bị vỡ là nước từ kênh Vĩnh Tế quá cao, gây áp lực làm vỡ miệng cống. Hiện người dân và chính quyền địa phương đang ra sức lấp lại miệng cống để cứu hơn 150 hécta lúa Thu Đông được gieo sạ hơn 55 ngày, trong số này có 10 hécta lúa của người dân ở thị trấn Ba Chúc giáp ranh.

“Chúng tôi hy vọng miệng cống sẽ được lấp hoàn chỉnh trong đêm nay rồi sau đó tích cực bơm rút nước cứu lúa,” ông Tuấn cho biết. (Tr.N)

Côn đồ Quảng Bình cầm dao vào trụ sở đòi chém công an

Lực lượng công an Quảng Bình khống chế bắt ông Lê Vũ Hải. (Hình: Người Lao Động)
QUẢNG BÌNH, Việt Nam (NV) – Một thanh niên lái xe hơi lao vào trụ sở công an thành phố Đồng Hới, rút dao đòi chém công an và người dân rồi leo lên xe cố thủ.
Ngày 25 Tháng Tám, 2018, nói với báo Tiền Phong, Công An thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, cho biết vừa bắt giữ ông Lê Vũ Hải (biệt danh Hải “Thái”), ở phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới, về tội “Gây rối và tấn công cán bộ đang làm việc.”
Theo đó, vào khoảng 8 giờ sáng 24 Tháng Tám, ông Hải lái chiếc xe Honda Civic lao vào trụ sở công an thành phố Đồng Hới, rồi rút dao đe dọa, hành hung công an và người dân đến làm việc.
Sau vài phút hoảng loạn, công an thành phố Đồng Hới đã tổ chức lực lượng để bắt ông Hải. Biết mình yếu thế, ông Hải leo lên xe hơi để tẩu thoát, tuy nhiên đã bị bảo vệ nhanh chóng đóng cổng. Biết không thể chạy thoát, ông Hải kéo kín cửa xe hơi, cầm dao cố thủ bên trong xe.
Vận động, thuyết phục nhưng ông Hải quyết không chịu mở cửa xe. Ngồi bên trong xe, ông Hải còn bấm còi, chửi bới làm náo loạn trụ sở công an.
Sau hơn hai giờ đồng hồ cố thủ trong xe, ông Hải đã bị công an khống chế, tước hung khí và bắt giữ.
Hiện công an đã lập biên bản bắt giữ người, tạm giữ một xe hơi, một con dao thái, điện thoại di động iPhone X và lập hồ sơ để xử phạt. (Tr.N)