Wednesday, September 16, 2015

Phía sau những quả tim lợn siêu rẻ

Theo NLDO-15/09/2015 15:56
Người tiêu dùng đang phải bỏ ra khoảng 220.000 đồng để mua 1 kg tim lợn tươi sống. Nhưng rất có thể, nó đã bị trộn, thay thế bởi những quả tim đông lạnh nhập khẩu với mức giá siêu rẻ, được giao sỉ tại các chợ lớn chỉ 30.000 – 37.000 đồng/kg. / Mua 30.000, bôi tiết, bán 200.000 đồng.

Ở chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), những quả tim lợn đông lạnh nhập khẩu được đổ đống ra khay, bày bán như mớ rau, quả mít. Không hề có vật dụng che phủ, bảo quản lạnh, khí trời oi ả khiến lớp đá tuyết tan chảy, nhỏ ròng ròng thứ chất lỏng đỏ ối rất ghê.

Cận cảnh tim đông lạnh nhập khẩu giá 30.000 đồng/kg
Cận cảnh tim đông lạnh nhập khẩu giá 30.000 đồng/kg

1 kg thịt lợn = 3 kg tim

Nhiều ngày qua, PV NNVN đã cải trang thành dân buôn thịt lợn đi nhập hàng tại các chợ lớn trên địa bàn Hà Nội để bán lẻ trong khu dân cư.

Chưa tới 4 giờ sáng, tiếng cười nói, tranh mua giành bán đã inh ỏi khắp chợ Phùng Khoang (Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Người xe như mắc cửi.

Ngoài hàng hóa nội địa, nơi đây còn bày bán khá nhiều thực phẩm nhập khẩu. Điển hình là thịt gà và nội tạng động vật siêu rẻ.

Tại gian hàng của bà X., những quả tim lợn to như nắm tay, cứng ngắc được thương lái đổ thành đống trên chiếc khay inox để rã đông, bày bán như bán rau. Xung quanh, lũ ruồi nhặng luôn vo ve túc trực. Quả tim nào ấn vào mềm, rỉ dịch lỏng màu đỏ ối sẽ được nhặt riêng ra một khay để ưu tiên bán cho khách hàng trước.

Hỏi về giá, bà X. bảo: “30.000 đồng/kg”. Thấy tôi chê màu sắc quả tim không được tươi, người này vồn vã chèo kéo khách vào phía trong, nơi cất giữ 4 hộp bìa các tông trắng chứa tim lợn (trọng lượng 10 kg/hộp) đang đặt dưới nền xi măng cáu bẩn, xé vỏ ra.

Bà X. phân trần: “Em nói thế chị quá buồn luôn. Nhìn thế này mà bảo tim không tươi à. Chị bán cho em giá bằng người ta bán buôn số lượng hàng tấn đấy”.

“Nếu lấy về rồi bán bằng tim tươi thì có được không?”, tôi hỏi. Bà X. chỉ tay về phía một người đàn bà chuyên bán nội tạng lợn ở cách đó chừng mười bước chân và bảo: “Nhà kia toàn lấy tim ở đây, rồi lấy thêm tiết bôi vào để bán tim tươi giá 200.000 đồng/kg với lòng lợn”.

Tại một quầy hàng khác kế bên, giá bán 1 kg tim đông lạnh nhập khẩu là 33.000 đồng/kg. Bà chủ tiết lộ, muốn bán tim tươi thì nên chọn những quả lành. Sau khi về nhà phải ngâm nước cho nó mềm mới bày bán, sau đó bôi tiết vào để trông giống tim tươi sống. Nếu không người ta biết thừa là tim đông lạnh.

“Nhiều nhà vẫn bán lẫn tim đông lạnh và tim tươi mới giết mổ. Cứ mua thử mấy quả xem bán được thì bán”, bà chủ này khẳng định.

Nói đúng "từ khóa" mới mua được hàng

Rời chợ Phùng Khoang, chúng tôi di chuyển hơn 10 km sang chợ thực phẩm Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để “săn” tim lợn siêu rẻ.

Tấp vào một quầy bán thịt và tim lợn, tôi hỏi giá. Một người phụ nữ đã luống tuổi trả lời: “Trăm bẩy một cân (170.000 đồng/kg), có lấy không?”. Giả vờ chê đắt, chúng tôi bỏ đi và một lúc sau quay lại. Hỏi:

- Cô ơi ở đây không có tim đông lạnh à?

– Có tim đông lạnh.

– Giá bao nhiêu?

– 50.000 đồng/kg. Tim của cô là hàng tươi hôm qua bán ế, chứ không phải hàng đểu nhúng thuốc bảo quản đâu.

Ngay sau đó, người này cúi xuống phía dưới, dùng tay trần moi ra hai quả tim (hình dáng không khác biệt gì quả tim đang bày bán trên bàn) và khẳng định lại: Hàng này là hàng Việt Nam trăm phần trăm chứ không phải hàng nhập lậu tẩm hóa chất đâu nhé (!?).

Liệu rằng quả tim có giá 170.000 đồng/kg được bày bán trên bàn và quả tim cất giấu dưới gầm bàn giá 50.000 đồng/kg có cùng một xuất xứ hay không?

Để trả lời cho câu hỏi này, sáng hôm sau chúng tôi có mặt tại một khu chợ nhỏ (thường gọi là chợ Trung) cách chợ Dịch Vọng Hậu khoảng 2 km để tìm mua loại tim tươi, chất lượng tốt theo giới thiệu của một người quen.

Sởn gai ốc “đại lý thực phẩm đông lạnh số 1 miền Bắc”

Theo thông tin quảng cáo trên internet, chúng tôi kết nối điện thoại với một người đàn ông tự xưng là Minh, chủ “đại lý kinh doanh thực phẩm đông lạnh số 1 tại thị trường miền Bắc”, địa chỉ ở phường Đức Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội (không rõ địa chỉ cụ thể) để hỏi mua tim lợn đông lạnh nhập khẩu với số lượng lớn.

Người này tự khoe sản phẩm cơ sở mình cung cấp rất phù hợp để chế biến món nhậu tại các quán ăn bình dân, đám cỗ hay thậm chí sử dụng trong các nhà hàng sang trọng. “Vậy giá cả thế nào?”, tôi hỏi. “Hàng đẹp thì 37 (nghìn đồng/kg), loại hai là 35, xấu hơn thì 32)”.

Anh ta dặn sáng mai chúng tôi đứng chờ ở trước cổng nhà văn hóa huyện Từ Liêm (cũ), sau đó tự chở hàng ra giao. Như lịch hẹn, người này xuất hiện với một chiếc xe máy cũ mèm BKS 98–N343XX, đằng sau giá sắt là một hộp bìa các tông trắng chứa tim lợn đông lạnh.

Khi chúng tôi thắc mắc sao không có thùng đựng hàng đông lạnh chuyên dụng để vận chuyển, người này nói: “Cứ để ở nhiệt độ ngoài trời như thế này, 2 tiếng sau là rã đông xong, mình chế biến là vừa”.

Thấy có dấu hiệu sai phạm, chúng tôi tìm cách tiếp cận kho chứa hàng của cơ sở này.

Hóa ra, cái “đại lý kinh doanh thực phẩm đông lạnh số 1 thị trường miền Bắc” mà anh Minh quảng cáo là một căn nhà cấp 4 lụp xụp chỉ rộng chừng 20 m2 (y chang một nhà trọ dành cho sinh viên), không hề có biển hiệu kinh doanh.

Phía trước hiên nhà (sát mặt đường), gia chủ đang phơi một đống đùi gà đông lạnh để rã đông, chuẩn bị giao cho khách hàng trên phố Trần Đại Nghĩa và khu vực phố cổ Hà Nội. Do không được che đậy, ruồi nhặng bị thu hút bởi mùi máu tanh bu kín.

Anh Minh cho biết hiện đang giao buôn tim lợn đông lạnh cho 100 mối hàng ở nội thành Hà Nội (chủ yếu là quán ăn) và 70 mối hàng ở ngoại thành và các tỉnh lân cận. Thậm chí “vươn vòi” lên cả Thái Nguyên. Mỗi ngày xuất kho trung bình 3 tạ tim lợn, nhưng phương thức vận chuyển rất đơn giản.

“Cứ xếp lên xe máy hoặc ô tô mà chở thôi, không cần phải làm lạnh. Hàng này để bên ngoài được 10 tiếng. Khi tới nơi, mình cấp đông lại không sao hết (!?)”, người này nói.

Chưa bao giờ ăn tim lợn mình bán

Thấy tôi hỏi về chất lượng sản phẩm, anh Minh tự nhận chưa bao giờ ăn tim đông lạnh (do mình bán) nên không biết, nhưng “khách hàng ăn không thấy có phản hồi gì”.

“Thế có giấy chứng nhận kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm không?”, tôi hỏi. “Có, nhưng hôm nay chưa in được”. "Thế lúc vận chuyển bị bắt thì sao?”. “Em chở số lượng ít thì không sợ. Anh chở vài tạ một lúc còn không vấn đề gì mà. Quản lý thị trường có quyền gì mà dừng xe kiểm tra. Chỉ khi vi phạm giao thông mới bị CSGT dừng và kiểm tra thôi (!?)”.

Theo quan sát của PV, hạn sử dụng loại tim đông lạnh này phải đến 1/2017 mới hết.

Anh Minh cho biết, hầu hết sản phẩm tim lợn được bày bán ở các chợ đầu mối, chợ lớn đều là tim đông lạnh. Nhưng, sau khi rã đông và “hô biến” thành tim lợn tươi sống, khi đến tay người tiêu dùng, giá cả của nó tăng lên ít nhất 150.000 đồng/kg. Một mức lãi siêu khủng.

Việc vận chuyển, mua bán sản phẩm nội tạng động vật đông lạnh nhập khẩu không tuân thủ quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây hậu quả ra sao? Đâu là nút thắt cần phải tháo mở để có một môi trường kinh doanh thực phẩm đông lạnh nhập khẩu an toàn?;

Qua khảo sát, giá tim tươi xịn dao động từ 220.000 – 230.000 đồng/kg. Và không có chuyện tim lợn tươi ngon, vừa đưa ra từ lò mổ được bán với giá 170.000 đồng/kg. Để kiểm chứng một lần nữa, tôi gọi điện thoại về Ba Vì hỏi giá tim lợn ở các khu chợ trung tâm, giá rẻ nhất cũng 200.000 đồng.

Theo Phùng Minh Phúc (Nông nghiệp Việt Nam)

Dời lịch xử vụ điều tra viên dùng nhục hình do bị hại "kẹt bão"

16/09/2015 10:29

(NLĐO)- Do bị hại đi làm thuê và đang mắc kẹt ngoài biển do bão nên phiên tòa xét xử 2 nguyên điều tra viên và 1 nguyên kiểm sát viên tỉnh Sóc Trăng phải dời lại một tuần.

Sáng nay, 16-9, các luật sư bào chữa cho bị cáo Triệu Tuấn Hưng (nguyên điều tra viên, nguyên đội phó Đội Hướng dẫn, điều tra án xâm phạm nhân thân của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng), cho biết vừa nhận được thông báo thay đổi ngày xét xử vụ án “Dùng nhục hình” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” dẫn đến 7 thanh niên bị oan sai trong vụ án giết tài xế xe ôm Lý Văn Dũng (ngụ tỉnh Sóc Trăng) vào tháng 7-2013.

Thông báo thay đổi ngày xét xử của TAND tỉnh Sóc Trăng
Thông báo thay đổi ngày xét xử của TAND tỉnh Sóc Trăng
Theo thông báo, lịch xét xử sẽ dời từ ngày 17 và 18-9 sang 24 và 25-9. Lý do thay đổi vì bị hại Trần Văn Đỡ đi theo tàu đánh bắt cá xa bờ nên không thể về tham dự phiên tòa.
Qua điện thoại, anh Đỡ cũng xác nhận: “Tàu đang thả neo trên vùng biển Cà Mau do ảnh hưởng của bão nên tôi chưa thể vào đất liền được”.

Do đi tàu cá xa bờ và bị kẹt bão nên bị hại Trần Văn Đỡ không thể tham dự tòa vào thời gian này
Do đi tàu cá xa bờ và bị kẹt bão nên bị hại Trần Văn Đỡ không thể tham dự tòa vào thời gian này
Trước đó vào ngày 5-5, VKSND Tối cao truy tố Triệu Tuấn Hưng và Nguyễn Hoàng Quân (nguyên điều tra viên, nguyên đội trưởng Đội Hướng dẫn, điều tra án xâm phạm nhân thân) về tội “Dùng nhục hình”. Riêng Phạm Văn Núi (nguyên kiểm sát viên của VKSND tỉnh Sóc Trăng) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, sau khi nhận được đơn kiến nghị của các luật sư và qua quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, TAND tỉnh Sóc Trăng đã trả hồ sơ cho VKSND Tối cao điều tra bổ sung để làm rõ việc có hay không hành vi phạm tội của Triệu Tuấn Hưng, bởi trong vụ án tài xế xe ôm Dũng bị giết, Hưng không có tên trong danh sách phân công điều tra viên.
Trong danh sách 25 cán bộ, chiến sĩ bị kỷ luật của Công an tỉnh Sóc Trăng cũng không có tên bị cáo Hưng.

Quyết định phân công điều tra viên của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng chỉ có Quân, Lâm Văn Kết và Tô Huy Thông chứ không có tên bị cáo Hưng
Quyết định phân công điều tra viên của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng chỉ có Quân, Lâm Văn Kết và Tô Huy Thông chứ không có tên bị cáo Hưng
Ngày 27-7, Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao có kết luận điều tra bổ sung, xác định vụ án tài xế Dũng bị giết là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, đông đối tượng nên phải thành lập chuyên án truy xét, vì thế, dù không được nêu tên cụ thể trong quyết định xác lập chuyên án và thành lập ban chuyên án nhưng do là điều tra viên nên mặc nhiên Hưng là thành viên của ban chuyên án.
 Tin- ảnh: Phạm Công

Trồng ẩu, cây đổ ồ ạt

16/09/2015 22:28

Cơn bão số 3 không đổ bộ vào TP Đà Nẵng và chỉ có gió lớn nhưng gần 500 cây xanh đã đổ; hơn 450 cây nghiêng ngã, gãy cành

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, cây xanh ngã đổ la liệt trên các tuyến đường ở trước Làng Thể thao Tuyên Sơn, kênh Phú Lộc, đường 2-9, Hoàng Sa, Thăng Long và khu vực cầu Thuận Phước, Nguyễn Tri Phương… đều có đường kính từ 20-30 cm trở lên.
Công nhân Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng trồng lại những cây bị ngã đổ
Công nhân Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng trồng lại những cây bị ngã đổ
Cây bị bật gốc nhiều nhất là phượng. Hầu hết những cây bị bật gốc đều trồng rất cạn, nhiều cây bộ rễ bị cắt cụt, có cây bị bật gốc còn dính cả bao ni-lông trong bộ rễ. Một cây viết có đường kính chừng 40 cm trên đường 2-9 bị ngã, rễ giơ lên trời, lưa thưa vài rễ phụ, còn lại bị đứt cụt.
Ông Nguyễn Hữu Kim, Phó Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng, cho rằng cây đổ hàng loạt là do mưa lớn kéo dài làm đất bị nhão hay do cây trồng trên đường bị đào bới liên tục. Nhưng nguyên nhân chính là trồng cây quá lớn, để bứng cây lớn đi trồng thì phải cắt rễ chính (rễ cọc) nên rễ phát triển kém, chỉ còn các rễ phụ. Hơn nữa, cây đã phát triển thân to, tán rộng nhưng hố trồng lại quá cạn, chỉ một cơn gió mạnh cũng khiến cây ngã đổ.
Theo ông Kim, Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng chỉ là đơn vị tiếp nhận, duy tu bảo dưỡng còn việc trồng cây do nhiều đơn vị khác thực hiện nên nhiều lúc công ty không biết họ trồng cây gì, đến khi bàn giao mới biết. Chẳng hạn một số dự án cây xanh mà công ty vừa tiếp nhận như hệ thống cây xanh ở cầu Nguyễn Tri Phương khoảng 30 cây nhưng có trên 15 cây bị bật gốc, ngã đổ hay cây xanh ven kênh Phú Lộc cũng bị bật gốc trơ trọi. Còn những cây xanh trồng tại các dự án vành đai, nguồn vốn là của Ngân hàng Thế giới nên họ giao cho đơn vị nào trồng là tùy họ.
“Trong các cuộc họp, công ty đã nhiều lần đề xuất nên trồng cây có đường kính từ 5-7 cm nhưng các đơn vị vẫn cứ trồng cây có đường kính 20-30 cm. Những năm qua, công ty không có trong thành viên giám sát nên đành chịu” - ông Kim cho hay.
Việc trồng cây xanh trên địa bàn TP Đà Nẵng thực hiện theo hình thức đấu thầu. Tại một số khu dân cư mới, các đơn vị đầu tư thường trồng cây lớn, có bóng mát để dễ bán đất. Mục đích tạo thêm nhiều mảng xanh cho đô thị trong khu dân cư để bán đất cho dễ nhưng với sự nóng vội trồng cây cao to lại không thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật sẽ gây thiệt hại hàng tỉ đồng cho TP về sau. Tháng 8-2015, TP Đà Nẵng đã đồng ý để Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng nằm trong ban giám sát các dự án có trồng cây xanh trên địa bàn nên ông Kim cho rằng sắp tới, việc trồng cây xanh sẽ được giám sát chặt chẽ.
Vụ việc này khiến người dân TP Đà Nẵng nhớ đến cơn bão số 11 năm 2013 đã càn quét hơn 7.000 cây xanh. Sau đó, người dân phát hiện hàng ngàn cây ngã đổ là do cây trồng quá cạn, thậm chí nhiều cây bật gốc còn nguyên bao ni-lông. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đã yêu cầu giám đốc Sở Xây dựng và Công ty Công viên Cây xanh kiểm tra xử lý vụ việc. Sau khi kiểm tra, ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng (hiện đã chuyển công tác), thừa nhận nguyên nhân do trồng không đúng quy trình, kỹ thuật, trồng không đúng chiều sâu, thậm chí bó bầu còn lưới.
 Từ năm 2012 đến tháng 6-2013, TP Đà Nẵng đã trồng 15.000 cây xanh các loại tại 57 dự án hạ tầng khu dân cư bất chấp việc cây trồng không phù hợp với điều kiện thời tiết.

Bài và ảnh: HOÀNG DŨNG

Cháy chợ dữ dội trong đêm, tiểu thương thiệt hại tiền tỉ

VẠN AN - Thứ Tư, ngày 16/9/2015 - 11:56
(PLO) - Khoảng 1 giờ ngày 16–9,  chợ Tứ Hạ thuộc phường Tứ Hạ, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế bỗng nhiên bốc cháy dữ dội, mặc dù trong ngày thời tiết ở Huế mưa nhiều.
Phần cổng trước chợ Tứ Hạ cũng bị lửa thêu rụi.
Ngay sau khi phát hiện chợ bốc cháy, người dân huy động lực lượng tại chỗ dập lửa để cứu hàng hóa và báo với chính quyền địa phương.
Sau khi nhận được tin báo, phòng cảnh sát PCCC CA tỉnh Thừa Thiên – Huế đã huy động nhiều chiến sĩ cùng xe chữa cháy kết hợp với lực lượng công an Thị xã Hương Trà tiến hành chữa cháy, giúp các tiểu thương cứu hàng.
Đến khoảng 2 giờ sáng, ngọn lửa cơ bản được khống chế, nhưng toàn bộ hàng hóa của các tiểu thương tại chợ đều bị thiêu rụi hoàn toàn, gây thiệt hại hàng tỉ đồng.
Hiện nay, lực lượng chức năng đang tiến hành phong tỏa hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân xảy ra cháy chợ Tứ Hạ giữa đêm khuya.
 
 
 

Toàn bộ chợ bị thiêu rụi hoàn toàn.
VẠN AN

Hà Nội: Cháy lớn tại chung cư hàng chục tầng

PHI HÙNG. - Thứ Tư, ngày 16/9/2015 - 13:14
(PLO)- Đám chảy xảy ra vào lúc 10 giờ ngày 16-9 tại tầng 34 của tòa nhà HH4a thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội).

Một người đàn ông bị ngạt khỏi, được lực lượng cứu ra khỏi tòa nhà.
Theo phán đoán của một số người dân, nguyên nhân vụ cháy có thể là do chập điện, vì trước khi xảy ra đám cháy, điệm tại tòa nhà vụt tắt. Sau đó khói đen bao trùm, nhiều người hoảng loại chạy thoát thân, một số người khác không chạy kịp đã mắc kẹt tại toàn nhà và phải nhờ đến lực lượng cứu hộ. 

Theo ghi nhận tại hiện trường, từ tầng 5 của toàn nhà này khối bốc mù mịt. Lực lượng cứu hỏa đã phải dùng thang chuyên dụng để đưa người mắc kẹt trong tòa nhà xuống. 
Cho đến hơn 13 giờ phút cùng ngày đám cháy cơ bản đã được dập tắt. Nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra làm rõ.
Một số hình ảnh ghi nhận tại hiện trường: 

 

  

 

 

 

 

 

 

 

PHI HÙNG.

Việt Nam chắc phải khác Zambabwe

Theo Người Việt- 09-15-2015 6:43:46 PM
Ngô Nhân Dụng

Tổng Thống Robert Mugabe xứ Zimbabwe mới tạo được một thành tích kỷ lục thế giới, dù ông không cố ý. Ông là vị nguyên thủ quốc gia duy nhất đã đọc lại cả một bài diễn văn mình đã đọc ba tuần trước đó, mà chính ông không biết.

Ðọc tin này thì ai cũng có thể đoán ông Mugabe là một ông tổng thống như thế nào; và cũng biết ngay Zimbabwe là một đất nước như thế nào! Một nhà cai trị độc tài, và một quốc gia lạc hậu.

Ngày Thứ Hai vừa qua, Tổng Thống Robert Mugabe tới Quốc Hội đọc một bài diễn văn khai mạc khóa họp mới. Ông đã cầm xấp giấy lên, đọc lại nguyên văn bài “Báo cáo về Tình trạng Quốc gia” do chính ông đọc, cũng trong Quốc Hội này, mới 21 ngày trước đó! Ông không biết, cứ thế đọc từ đầu tới cuối. Sau khi ông ra về, thư ký phủ tổng thống mới ngỏ lời xin lỗi, nói rằng họ sắp xếp giấy tờ lẫn lộn sao đó cho nên ông chủ đã không đọc bài diễn văn mới mà lại đọc nhầm bài cũ! Họ báo tin ông Mugabe sẽ đọc bài diễn văn mới trong một buổi lễ khác, tại một khách sạn ở thủ đô Harare!

Chỉ mấy phút sau khi ông Mugabe bắt đầu đăng đàn diễn thuyết là các nhà báo nhận ra ông đang đọc lại bài diễn văn cũ. Nhưng cả Quốc Hội không ai phản ứng gì cả! Chắc họ nghĩ rằng ông cố ý làm như vậy! Các đại biểu thuộc đảng đối lập MDC thì ngồi im lặng nhìn ruồi bay, còn các đại biểu thuộc đảng cầm quyền Zanu-FP thì lâu lâu vẫn vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng, y như mới nghe lần đầu!

Ngày 24 Tháng Tám, 2015, trước khi ông Mugabe đọc bài diễn văn này, các đại biểu đối lập đã la lối phản đối. Cho nên lần này chính phủ quyết định không cho phát hình trực tiếp, sợ dân chúng chứng kiến cảnh hỗn độn, mất uy tín lãnh tụ anh minh. Trước ngày họp, một số đại biểu đối lập còn nhận được những lời đe dọa. Ông chủ tịch Quốc Hội cũng dặn dò mọi đại biểu không ai được làm ồn ào cản trở tổng thống khi đọc diễn văn. Cuối cùng, không có “sự cố” đáng tiếc nào xẩy ra trong lúc ông Mugabe đang đọc, cũng như lúc các đại biểu phe ta vỗ tay tiễn ông ra về, không hề biết mình đã đọc bài diễn văn cũ!

Tất cả câu chuyện trên là một trò cười cho thế giới, mặc dù nhiều người không biết xứ Zambabwe là nước nào, nó nằm ở đâu! Cái trò khỉ này chỉ có thể diễn ra ở một nước độc tài thâm căn cố đế, với một quốc hội chuyên đóng vai bù nhìn! Zimbabwe khá hơn Việt Nam, vì có mấy đảng đối lập, nhưng các cuộc bỏ phiếu gian lận vẫn bảo đảm đại đa số là nghị gật!

Ông Robert Mugabe cai trị xứ Zambabwe từ năm 1980, khi nước này độc lập. Lúc đầu ông làm thủ tướng, năm 1987 sửa Hiến Pháp lên ngôi tổng thống. Có lúc ông đã dùng đám lính riêng, do Bắc Hàn huấn luyện, tàn sát hàng ngàn người dân biểu tình phản đối. Từ khi củng cố quyền hành trong tay, ông đã nổi tiếng là nhà độc tài vi phạm nhân quyền nhất Châu Phi.

Tai hại hơn cả, chính phủ Mugabe đưa kinh tế xứ Zambabwe xuống dốc, nghèo đói hơn khi còn là một nước mang tên Rhodesia bị người da trắng cai trị với chính sách kỳ thị theo kiểu Nam Phi. Với dân số 13 triệu người, lợi tức bình quân chính thức ghi là 500 đô la Mỹ một năm, nhưng trên thực tế tính theo mãi lực thì chưa được 100 đô la!

Ðiều lạ nhất trong vụ này là chính ông Mugabe không biết mình nhầm, cứ thế đọc lại bài diễn văn cũ từ đầu tới cuối! Có thể đoán ông đãng trí, ở cái tuổi 91 gần đất xa trời, chuyện đó dễ hiểu. Nhưng cũng có thể đầu óc ông vẫn còn sáng, nhưng cũng không nhận ra là mình đọc lầm. Bởi vì sau 35 năm cai trị thống nhất giang hồ, chắc ông Mugabe không coi các bài diễn văn đọc trước cái quốc hội bù nhìn này có gì quan trọng cả. Tất cả chỉ là một màn kịch phải đóng để quay phim, chiếu lên truyền hình cho đám dân ngu chúng nó coi! Ông ta không bao giờ bỏ thời giờ đọc trước bài diễn văn do đám thư ký soạn, bởi vì biết trước trong đó toàn là những lời hoa mỹ nhưng hoàn toàn viển vông, không liên can gì đến sự thật!

Chính ông cũng biết rằng các đại biểu Quốc Hội ngồi đó chẳng ai thèm nghe mình nói cái gì! Cho nên chính ông đâu cần phải biết trước mình sắp nói gì? Mà trong lúc miệng ông đọc diễn văn thì đầu ông cũng đang nghĩ những chuyện đâu đâu, chẳng cần biết trong đó nói những ý tứ nào! Hơn nữa, 90% nội dung các bài diễn văn kiểu này toàn là những khẩu hiệu trống rỗng. Những lời hô kiểu: Toàn dân tiến tới tương lai tươi sáng phát triển xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh! Ðảng Zanu Quang Vinh Muôn Năm! Ðọc mãi những lời lẽ huênh hoang đó, chính người đọc cũng thấy bài diễn văn nào cũng giống nhau cả!

Vì ông Mugabe đã 91 tuổi, cho nên ai cũng chờ coi người kế vị ông sẽ là ai, có giống như ở Bắc Hàn hay không. Nhưng Châu Phi có truyền thống khác các xứ Á Ðông. Hiện nay người đang ngắm nghé lên ngôi tổng thống là bà Grace, đệ nhất phu nhân. Bà mới có 49 tuổi, lấy ông sau khi bà vợ cả qua đời. Có lẽ quân bài của bà sáng quá cho nên các con của ông Mugabe không nổi lên được như cậu Kim Chính Ủn ở Bắc Hàn! trong nhiều năm qua bà chuẩn bị con đường chính trị bằng các công tác từ thiện, được báo chí của đảng và nhà nước tung hô hết lời. Bà cũng kinh doanh kiếm nhiều tiền nhờ mua bán quyền lực như vợ, con các nhà độc tài khác. Cuối năm 2014, bà còn được trao một bằng “tiến sĩ xã hội học,” chỉ sau hai tháng ghi tên ở Ðại Học Zimbabwe!

Nói đến tình trạng các gia đình nối tiếp nhau trong công việc cai trị chúng ta đều nghĩ đến Bắc Hàn, và nay thêm Zimbabwe. Nhưng chế độ độc tài nào cũng có cảnh cha truyền con nối. Ở Việt Nam vẫn có câu: Ðời cha gian khổ củng cố đời con.

Người Việt Nam mới biết, ở huyện Mỹ Ðức, Hà Nội, có 13 chức vụ lớn thì 10 chức là anh em bà con họ hàng cả! Bí thư Huyện ủy Mỹ Ðức là Lê Văn Sang, bà cô làm trưởng Phòng Tài Chính-Kế Hoạch, ông Lê Văn Nhiệm, phó ban quản lý dự án, là em họ ông Sang; bà Lê Hải Hồng, phó Phòng Kinh Tế, là chị họ ông Sang; ông Lê Văn Sức, trưởng Phòng Dân Tộc Học, gọi ông Sang bằng chú; bà Nguyễn Thị Hòa, phó Ban Dân Số và Kế Hoạch Hóa Gia Ðình, là em bên họ vợ ông Sang; Nguyễn Thị Duyên, kế toán Phòng Quản Lý Ðô Thị, con dâu ông Sang; cô con của thông gia với ông Sang cũng là một phó trưởng ban. Còn ông Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch huyện Mỹ Ðức, có 2 con trai là Nguyễn Văn Hùng, Phòng Tài Chính-Kế Hoạch và Nguyễn Văn Hưng, Phòng Nội Vụ của huyện. Lê Văn Trang, sinh năm 1983, là con ông Sang, hiện là bí thư Ðảng ủy xã An Phú, đã được “quy hoạch” lên làm phó chủ tịch huyện Mỹ Ðức.

Huyện Mỹ Ðức ở ngay cạnh Hà Nội, quan trên trông xuống người ta trông vào, mà họ có thể thâu tóm những chức béo bở như vậy trong tay một vài gia đình. Trong cả nước không biết còn bao nhiêu huyện, bao nhiêu xã khác cũng được “quy hoạch” theo lối đó?

Zambabwe cũng giống Việt Nam, cả hai đều độc tài đảng trị! Nhưng Zambabwe ở Phi Châu mới thành lập được 35 năm, trước đó không hề có một quốc gia, chỉ gồm các bộ lạc bị người da trắng đến chiếm đất rồi khai thác, trục lợi. Còn Việt Nam đã có lịch sử mấy ngàn năm, không lẽ cứ cúi đầu chịu nhục mãi?

Nước trắng trời, người dân Biên Hòa đu dây đi lại

ÐỒNG NAI (NV) - Nước dâng cao trong khi cầu đã bị cuốn mất nên người dân xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa, phải dò bám vào các dây thừng đánh dấu đường đi trong dòng nước chảy xiết.

Theo tin từ Người Lao Ðộng, sau 2 ngày đêm mưa lớn, đến chiều 16 tháng 9, mưa tạm ngưng nhưng nước vẫn đổ dồn về dâng cao trên dòng sông Buông, thuộc xã Phước Tân, vùng ven thành phố Biên Hòa.

Người dân lần theo dây thừng được giăng dọc theo các lối đi trên phố. (Hình: Người Lao Ðộng)

Ông Trần Hữu Hạnh, trưởng Chi Hội Cựu Chiến Binh ấp Miễu cho hay, nước ngập đường đi khiến ít nhất 200 hộ dân trong ấp bị cô lập.

Theo mô tả của phóng viên Người Lao Ðộng, hàng trăm hộ dân nơi có cây cầu Bà Cải bắt qua sông Buông bị nước cuốn trôi mấy ngày trước, bị cô lập, nay gặp cảnh nước ngập sâu khắp các khu phố, không còn biết đâu là đường đi, đâu là kênh rạch, mương cống..., khiến học sinh buộc phải nghỉ học ở nhà để an toàn tính mạng.

Ðể giải quyết nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hàng ngày, người dân địa phương cho giăng sẵn những sợi dây thừng lớn dọc theo các con đường đi đã bị ngập trong nước lũ. Khi có việc cần kíp như mua thức ăn, nước uống, người dân níu vào sợi dây thừng này và dò dẫm từng bước một để đi.

Ông Nguyễn Công Hùng (40 tuổi), ngụ ấp Miễu, xã Phước Tân cho biết, hiện tất cả các đường trong khu vực đều đã bị ngập sâu, nước tràn cả vào nhà. “Tôi bám theo dây đi mua thức ăn nhưng khi đu dây trở về thì túi đựng thức ăn trôi mất, song đành chấp nhận vì nếu thả tay thì người mình cũng sẽ bị nước cuốn đi,” ông Hùng rầu rĩ.

Tin cho hay, hiện người dân ở 2 ấp thuộc xã Phước Tân đã bị chìm trong lũ và bị cô lập hoàn toàn. “Các tuyến đường liên ấp đến trung tâm xã đều ngập sâu từ 0.5 đến 1.5 mét. Nhiều nơi nước chảy rất mạnh. Chính quyền cùng người dân phải trực chốt tại các vị trí ngập lụt, nước chảy mạnh để giúp dân qua lại,” ông Hạnh nói. (Tr.N)
09-16-2015 1:20:11 PM