Wednesday, August 20, 2014

Một đề án sặc mùi tiền, thiếu tính người

Sau đề án dạy ngoại ngữ “sặc mùi tiền” chưa làm nguôi ngoai dư luận xã hội và những cái hậu chưa được Sở GD&ĐT giải quyết rốt ráo thì Sở GD&ĐT TP.HCM lại tiếp tục đưa ra một đề án “sử dụng máy tính bảng” cho việc học tập của con trẻ từ lớp 1 đến lớp 3. 
Tóm tắt Đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014-2015” như sau: Toàn bộ sách giáo khoa (SGK) truyền thống được đưa vào sách điện tử dưới dạng 3D kết hợp với âm thanh, hình ảnh được cài đặt vào máy tính bảng. Cũng theo đề án, kinh phí thực hiện là khoảng 4.000 tỉ đồng cho 327.127 học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 3, trong đó có 5.334 HS thuộc diện chính sách sẽ do ngân sách nhà nước chi.
Với đề án này, hàng loạt vấn đề và hệ lụy của nó được đặt ra:
Nhắm mắt đi ngược!
Hàng loạt chuyên gia y tế trong và ngoài nước đã chính thức lên tiếng về việc nguy hại khi cho con trẻ tiếp xúc sớm với màn hình điện tử (bao gồm truyền hình, DVD, máy tính bảng…).
BS Phạm Ngọc Thanh, BV Nhi đồng 1, nói: “Không nên cho trẻ dưới hai tuổi xem tivi. Trẻ 3-5 tuổi có thể xem tivi mỗi ngày một giờ”.
Còn theo bản khuyến nghị được trình lên chính phủ Australia: Các trung tâm chăm sóc trẻ em chỉ cho trẻ 2-5 tuổi xem tivi không quá một giờ/ngày. Trong khi đó, Tổ chức truyền thông trẻ của Australia đưa ra những hướng dẫn cụ thể: Trẻ dưới hai tuổi hạn chế xem tivi; trẻ mẫu giáo dưới một giờ/ngày là nhiều (một quan điểm khác của Liên minh Trẻ em Australia là nên để các em mẫu giáo tránh xa các loại máy tính), còn trẻ 5-7-8 tuổi thì xem một giờ/ngày là nhiều.
Tại Pháp, Bộ Y tế Pháp khuyến cáo không nên cho trẻ dưới ba tuổi xem màn hình điện tử, bởi sẽ gây tác hại xấu cho sức khỏe trẻ, đặc biệt gây tổn thương cho não (xem 01net.com).
Tổ chức Nhi khoa Canada quy định: Không được đưa tivi, máy tính, thiết bị chơi game vào phòng ngủ trẻ em.
Bộ Y tế và Dịch vụ con người Mỹ đã nhấn mạnh: Giảm thời gian ngồi trước màn hình là một ưu tiên bảo vệ sức khỏe, nhằm “tăng tỉ lệ trẻ em 0-2 tuổi chỉ xem tivi cuối tuần và tăng tỉ lệ trẻ tới 18 tuổi không xem tivi quá hai giờ/ngày” (tạp chí về bệnh trẻ em Archives of Disease in Childhood).
Lý do được đưa ra: Việc ngồi trước màn hình có thể làm giảm thời gian vận động của trẻ, giảm tương tác xã hội với người khác và cơ hội phát triển ngôn ngữ. Nó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển vận động hoàn chỉnh của đôi mắt, làm giảm thời gian tập trung, theo BS Phạm Ngọc Thanh.
Các nhà tâm lý học của Anh cũng đã đưa ra lời kêu gọi khống chế thời gian ngồi trước màn hình mỗi ngày của thiếu niên, nhi đồng bởi bốn nguyên do sau: Sự phát triển của đại não và hệ thần kinh bị tổn thương; ngủ không ngon giấc, cơ thể không phát triển; dễ mắc các bệnh tim mạch; tính cách nóng nảy, khó kết bạn (The People).
Chương trình khảo sát của Hiệp hội Nghiên cứu sự phát triển của trẻ tại Quebec (Canada) đưa một báo động: Xem màn hình điện tử nhiều sẽ dẫn đến giảm 7% sức tập trung trong lớp, giảm 9% trong hoạt động thể chất…
Cựu Bộ trưởng Bộ Thiếu niên và Nhi đồng Anh Tim Loughton đã cảnh báo trên trangDaily Mail, trẻ dán mắt vào màn hình máy tính hoặc tivi sẽ gây ra những thay đổi trong não trẻ, có hại như người nghiện ma túy hay nghiện rượu, và hàng loạt vấn đề về sức khỏe: Lượng cholesterol cao, nhồi máu cơ tim, mất tập trung hay suy giảm khả năng làm toán, đọc, rối loạn giấc ngủ và tự kỷ. Cũng theo báo này, TS Aric Sigman đã công bố một kết quả điều tra trên trẻ nhỏ 12-15 tuổi xem màn hình điện tử nhiều: Một thế hệ trẻ em sẽ bị tổn thương sức khỏe và bộ não nghiêm trọng!
ThS Lê Quốc Thịnh (Trung tâm y khoa Kỳ Hòa): Ai cũng biết là xem tivi, làm việc với máy tính nhiều mỏi mắt nhanh hơn đọc sách, sẽ gây cận thị và nhiều bệnh về mắt. Còn các chuyên gia y tế cho biết: Ngồi lâu bên máy tính đồng nghĩa với việc chỉ có bàn tay, cổ và các ngón tay của chúng ta phải hoạt động liên tục, trong khi toàn bộ phần thân người lại gần như bất động.
Cuối cùng, chúng tôi tạm dừng phản biện về mặt khoa học bằng một nghiên cứu và kết luận của một số nhà khoa học Đức qua “Cửa sổ nhỏ cho thấy trí tuệ của trẻ em”: Peter Winterstein - bác sĩ Nhi khoa, BS Robert J. jungwirth và nhà sinh lý học thần kinh Manfred Spritzer, Giám đốc Trung tâm Y tế ĐH Ulm - Đức: Một đầu óc chỉ thu thập các sự vật nếu trẻ khám phá chúng bằng sự phối hợp nhiều giác quan, nghĩa là thính giác, thị giác, khứu giác và xúc giác… và các thông tin trên màn ảnh điện tử luôn nghèo nàn khi so sánh với thế giới thực tại. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Xem nhiều màn hình điện tử sẽ ảnh hưởng trên sự phát triển của trẻ em còn tệ hại hơn việc người mẹ hút nicotin khi mang thai trẻ đó.
Tới đây, cần nghe lại lời phát biểu của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM: “Việc tổ chức phòng học thông minh không có gì mới so với thế giới…”. Thế giới mà ông nói là thế giới nào? Chương trình học của họ tương tác với công nghệ ra sao? Họ tổ chức cho lứa tuổi nào sử dụng công nghệ? Phương thức quản lý ra sao?
Cả đề án chủ yếu nói chuyện tiền
Trước hết, chúng ta phải khẳng định việc thực hiện một bộ SGK điện tử không có gì phải bàn cãi. Song việc sử dụng, triển khai nó như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất cho học sinh và ít tốn kém nhất cho cả Nhà nước và nhân dân, lại là một vấn đề cần được nghiên cứu nghiêm túc và cẩn trọng. Ở một số nước, việc triển khai máy tính bảng nếu có, chỉ với học sinh cấp 2 trở lên và nó hoàn toàn không thể thay thế cho SGK và phương pháp dạy truyền thống mà máy tính bảng chỉ là công cụ hỗ trợ cho việc học của các em.
Có lẽ việc thực hiện 12 bộ SGK điện tử không có vấn đề gì lớn về tài chính, vấn đề lớn ở đây là bộ SGK điện tử được gắn khá chặt chẽ với việc bán công nghệ điện tử cho các trường và “bán máy tính bảng” đến từng HS.
Đó là điều mà dư luận nghi ngờ nhất.
Xuyên suốt trong đề án được công bố, nội dung chi tiền chiếm phần chủ đạo, còn việc giải thích cho công luận hiểu: Nội dung cụ thể của SGK điện tử gồm những phần nào, học ra sao, mang lại lợi ích thế nào cho HS và quan trọng các em sẽ học bằng máy tính bảng bao nhiêu giờ trong một ngày, có ảnh hưởng sức khỏe tới đâu…, tức là hiệu quả và hạn chế của đề án thì chỉ được nêu lên dưới dạng những khẩu hiệu sáo rỗng chứ không có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc và sòng phẳng trước dư luận.
Cứ theo đề án này, phụ huynh TP.HCM sẽ phải chi 4.000 tỉ đồng cho việc thay-vì-cầm-SGK-truyền-thống-thì-cầm-máy-tính-bảng có chứa nội dung SGK và dĩ nhiên có thêm một số kiến thức bên ngoài và những hoạt động tương tác giữa thầy-trò và trò với trò.
4.000 tỉ đồng để mở cửa hậu cho kiến thức “lậu” chui lòn
Không thể không đặt câu hỏi: Có hội đồng khoa học giáo dục nào của Bộ GD&ĐT nghiệm thu những kiến thức được đưa thêm ngoài SGK vào trong cái máy tính bảng này, mà lại đem triển khai chính thức trong trường học.
Một bộ SGK hiện hành muốn lọt vào trường học phải qua biết bao hội đồng thẩm định từng câu chữ, thậm chí phải xin phép Quốc hội, còn những kiến thức “tặng thêm” do một vài công ty cổ phần soạn thảo lại dễ dàng lọt qua cửa chính nhà trường với số tiền khổng lồ 4.000 tỉ đồng như Công ty Cổ phần Sách điện tử giáo dục (EDC) thỏa thuận với Intel Việt Nam xây dựng nền tảng công nghệ SGK điện tử, trên các thiết bị sử dụng bộ vi xử lý của Intel. Rồi hội thảo do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức lại xuất hiện Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc Tế (AIC) với hàng loạt định mức đầu tư cho các loại công nghệ trị giá 3.900-4.400 tỉ đồng.
Nếu xem SGK điện tử này chỉ như một công cụ dạy và học bổ sung, như sách tham khảo truyền thống, ai thích và có điều kiện thì mua, ai không muốn thì không mua, có lẽ dư luận sẽ không bức xúc.
Sau người mẹ nghèo Nguyễn Thị Mỹ Nhân, còn ai?
Theo đề án, có 5.334 HS thuộc diện chính sách sẽ do ngân sách nhà nước đài thọ việc mua SGK điện tử này.
Thế nào là HS thuộc diện chính sách?
Có lẽ trong đó chắc sẽ có HS thuộc hộ nghèo!? Song, chúng ta hãy nhớ lại sự việc bi thảm cách đây hơn một năm: Người mẹ nghèo Nguyễn Thị Mỹ Nhân đã phải tự tử để gia đình có sổ hộ nghèo được vay tiền cho con đi học (bằng SGK truyền thống). Vậy những người đề xuất đề án này, trong đó trước hết phải nhấn mạnh vai trò của Sở GD&ĐT, đã đánh giá chính xác các hộ gia đình nghèo chưa? Số tiền 5 triệu đồng mua máy với hộ cận nghèo là một gia tài.
Những nhà kiến-tạo-chủ-trương này quả thật là quá vô cảm trước cuộc sống khó khăn của đại bộ phận người dân. Việc mua một bộ SGK truyền thống chỉ khoảng 100.000 đồng so với một máy tính bảng 5 triệu đồng chênh lệch một trời một vực, mà chất lượng còn ở dạng… bỏ ngỏ.
Một hệ lụy tưởng nhỏ mà không nhỏ: Trẻ 6-8 tuổi, cái tuổi còn quá nhỏ để có thể nhận thức đầy đủ việc bảo quản máy móc, việc làm rơi máy, mất máy, sử dụng máy không tốt… là một điều hiển nhiên mà bất cứ phụ huynh HS tiểu học nào cũng hiểu. Tình trạng trẻ nhỏ một năm thay 2-3 máy cũng không phải là chuyện không thể xảy ra.
Như vậy, với hơn 300.000 máy trang bị, tính luôn số hư hao mất mát, tổng số máy bán được biết đâu chừng lên tới gấp rưỡi. Và giả dụ nếu có được “thành công”, dù là thành công do chế biến cho ra, sẽ đến giai đoạn triển khai ra toàn cấp tiểu học, ra cả hai cấp trung học, rồi đến cả nước với những công trình nghiên cứu “vuốt đuôi” không hiếm ở ta, món lợi lớn biết chừng nào!!!
Đục nước thì béo cò!
Thêm chuyện đơn giản nhất, đang học thì máy hết pin, các em lỡ bấm bậy xóa chương trình… hàng loạt hệ lụy sẽ xảy ra nếu triển khai máy tính bảng đại trà một cách bắt buộc với trẻ còn quá nhỏ.
Kéo trẻ từ thực tới ảo, trái luật giáo dục
Cứ theo đề án, căn cứ pháp lý để xây dựng đề án là Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 được trích dẫn: “Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn….”.
Song, thực tế của đề án lại đưa HS từ thế giới thực vốn có trở về với thế giới ảo! Ví dụ, học SGK truyền thống, các em học về hoa sẽ được cô giáo chuẩn bị giáo cụ trực quan bằng một bông hoa thật có đầy đủ cành, lá, nhụy để các em có thể sờ mó được, ngửi được mùi hương của hoa (học bằng cả năm giác quan) thì nay với SGK điện tử các em sẽ được chiêm ngưỡng nó trên thế giới ảo của máy tính bảng.
Kéo học trò từ thế giới thực vào trong thế giới ảo, có đúng Luật Giáo dục không? Vẫn là chương trình, SGK cũ, chỉ khác “bông hoa thật thay bằng bông hoa ảo”, vậy là đổi mới toàn diện giáo dục rồi chăng?
Và đề án này sẽ là đề án tội ác nếu công nhận nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài, cũng như thấy rõ chính sách của các nước tiên tiến nhất trên thế giới đang hạn chế trẻ nhỏ sử dụng nhiều màn hình điện tử, vì sẽ gây hại lâu dài đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Nhắc lại: Các nước tiên tiến vẫn tiếp tục sử dụng SGK truyền thống trong giảng dạy chính thức trong nhà trường (máy tính bảng chỉ mang tính bổ trợ và giúp các em tham khảo thêm, nếu muốn).
Vậy thì AI? ĐIỀU GÌ cám dỗ Sở GD&ĐT TP.HCM lần bước đưa chân đến một đề án ngốn tiền của dân, phản khoa học và phi nhân bản đến như vậy!?
Thứ Năm, ngày 21/8/2014 - 05:00
MAI LAN

Nước nhiễm thuốc trừ sâu, cả làng 'đợi'... chết (?!)

'Đúng là làng này rồi, hiện có chị Mai bị tiểu đường, chị Vân ung thư tử cung, chị Thu ung thư gan… Tất cả đều do thuốc trừ sâu'- anh Hiển nói về làng ung thư.

Từ đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi rẽ vào trung tâm xã Mỵ Hòa thì được bà Hà (chủ quán nước) cho hay: “Các chú vào trong đó không sợ à, người làng bệnh tật chết chóc nhiều lắm, hầu như toàn chết trẻ, dân họ đồn thổi rằng nước sinh hoạt bị nhiâễm thuốc trừ sâu”.

Chúng tôi đến đầu làng thì gặp anh Phạm Thế Hiển (44 tuổi), khi hỏi làng ung thư, anh Hiển vội nói ngay: “Đúng là làng này rồi, hiện có chị Mai bị tiểu đường, chị Vân ung thư tử cung, chị Thu ung thư gan. Tất cả đều do thuốc trừ sâu, nếu các anh không tin thì cứ theo tôi kiểm tra, ở khu vực đó mùi vẫn còn bốc lên nồng nặc”. Theo anh Hiển, mùi nặng nhất là vào những ngày nắng ẩm.

Nước nhiễm thuốc trừ sâu, cả làng 'đợi'... chết (?!)
Anh Phạm Thế Hiển chỉ khu vực chôn thuốc trừ sâu DT666.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, trưởng thôn Mỵ Thanh, trong thôn chỉ có 65 hộ, 320 nhân khẩu. Tuy nhiên, những năm gần đây số người chết trẻ vì ung thư đã lên đến con số 20 người. Hiện người chờ chết là 16 người, chủ yếu là ung thư gan, ung thư tử cung, ung thư vú... Ngoài những trường hợp được liệt kê, số người chưa được phát hiện vẫn còn rất nhiều.

Nước nhiễm thuốc trừ sâu, cả làng 'đợi'... chết (?!)
Trưởng thôn Mỵ Thanh Nguyễn Văn Tuấn cho biết, ngoài những trường hợp ung thư đã được phát hiện, số người mắc nhưng chưa được liệt kê còn rất nhiều.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ung thư là do nông trường Thanh Hà cũ đã dùng một loại thuốc trừ sâu cực độc có tên là DT666 (dạng bột màu hồng) phun lên cây cối để diệt trừ sâu bọ. Sau khi phun xong, còn thừa một số lượng lớn, ban quản lý nông trường đã cho chôn xuống đất để tiêu hủy. Việc làm này đã vô tình ảnh hưởng đến mạch nước ngầm tại khu vực trong một thời gian dài.

Ông Tuấn nói thêm: “Đầu năm 2013, có một đoàn cán bộ đã lấy mẫu nước giếng khoan trên địa bàn để phân tích mức độ ảnh hưởng. Kết quả có tới 99% giếng trong vùng không đạt tiêu chuẩn, trong đó có 25 hộ dân quanh kho thuốc chịu ảnh hưởng nặng nhất. Các hộ sinh sống xung quanh đều bị ảnh hưởng ít nhiều”.

Người dân “đợi chết” từng ngày

Theo chân ông Tuấn, chúng tôi đến thăm một số hộ bị ung thư đang đợi chết. Đầu tiên là gia đình bà Hoàng Thị Nom (74 tuổi). Trong dáng vẻ yếu ớt, bà Nom tâm sự: “Đi khám bác sỹ bảo tôi bị ung thư máu, thời gian sống chỉ được thêm vài ba năm nữa. Ngoài ra tôi còn bị bệnh gan, dạ dày, cao huyết áp…”. Nói xong bà liền vơ lên đầu, nhổ một mảng tóc đưa cho chúng tôi xem. Ngoài rụng tóc bà Nom còn bị sưng phù vùng mặt, da vàng nhợt nhạt.

Nước nhiễm thuốc trừ sâu, cả làng 'đợi'... chết (?!)
Giếng nước gia đình bà Nom không sử dụng được vì nhiễm độc.

Nước nhiễm thuốc trừ sâu, cả làng 'đợi'... chết (?!)
Bà Nom bị ung thư máu, sự sống chỉ duy trì từng ngày.

Theo bà Nom, năm ngoái con dâu là Nguyễn Thị Hà (40 tuổi) cũng vừa mới qua đời vì ung thư cổ tử cung. Hiện trong nhà đứa cháu trai là Nguyễn Quang Huy (7 tuổi) đang bị rụng tóc. Anh Nguyễn Văn Khải (bố cháu Huy) phải gửi con ở gần bệnh viện huyện để tiện điều trị. Từ khi biết nguồn nước nhiễm độc, anh Khải cũng không dám sử dụng nước giếng mà phải gánh nước ở nơi khác về sinh hoạt.

Cách gia đình bà Nom vài chục mét là gia đình ông Trương Văn Gương. Năm 1965 ông đã từng làm kế toán toán tại nông trường Thanh Hà cũ. Thời gian đó nông trường được xây dựng với diện tích là 3000 m2. Kho chứa thuốc bảo vệ thực vật rộng 300m2, chủ yếu là thuốc trừ cỏ và trừ sâu. Thuốc DT666 là độc hại nhất, trâu bò ăn cỏ dính thuốc là chết ngay tức khắc.

Nước nhiễm thuốc trừ sâu, cả làng 'đợi'... chết (?!)
Trước kia vợ ông Gương từng bị ung thư vú nhưng đã cắt bỏ.

Mặc dù bị ô nhiễm nước nghiêm trọng, tuy nhiên bà con nơi đây vẫn phải dùng nước giếng tự đào vì khan hiếm nguồn nước sạch. Sau khi tỉ lệ người bị mắc bệnh đường ruột, bệnh gan, bệnh tiểu đường tăng lên đột biến, bà con mới chuyển sang khu vực khác lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên việc này chỉ mang tính đối phó, bởi mầm mống bệnh tật vẫn còn tiềm ẩn trong lối sinh hoạt cũ.

Việc ô nhiễm nguồn nước không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của các hộ gia đình. Một số hộ nuôi cá, trông rau, củ, quả…, tuy nhiên khi đem ra chợ bán thì không ai dám mua vì sợ mặc bệnh. Hiện bà con chỉ trông mong vào sự giúp đỡ của nhà nước nhằm khắc phục nguồn nước ô nhiễm.

Cơ quan xã nói gì về tình trạng này?

Bà Nguyễn Thị Nga - Trưởng Trạm Y tế xã Mỵ Hòa khẳng định, trường hợp người dân mắc ung thư ở Mỵ Thanh đang có chiều hướng tăng đột biến. Trong 6 tháng đầu năm, số lượt khám tại Trạm Y tế là 1.737 người, trong đó chủ yếu là phụ nữ đến khám và điều trị bệnh phụ khoa. Riêng ở Mỵ Thanh, số người mắc ung thư đang có dấu hiệu trẻ hóa. Độ tuổi mắc là từ 45 đến 70.

Chị Phạm Thị Thủy cán bộ y tế xã Mỵ Hòa cho biết những người bị ung thư ở Mỵ Thanh đang tăng đột biến và có sự trẻ hóa về độ tuổi.

Nước nhiễm thuốc trừ sâu, cả làng 'đợi'... chết (?!)
Ông Hà Công Tiến, Phó chủ tịch xã Mỹ Hòa.

Chị Phạm Thị Thủy cán bộ y tế xã lật giở cuốn sổ thống kê số người bị tử vong do ung thư tại thôn Mỵ Thanh cho hay: “Phú Mỵ và Mỵ Thanh là hai thôn nằm giáp ranh, địa bàn này có số lượng người chết vì ung thư tăng cao nhất toàn xã. Riêng từ tháng 6/2013 có 5 người qua đời vì ung thư, đến tháng 3/2014 cũng có 5 trường hợp”.

Xác thực vấn đề này, ông Hà Công Tiến - Phó Chủ tịch xã Mỵ Hòa thừa nhận: “Trên địa bàn Mỵ Thanh gần đây xuất hiện nhiều bệnh lạ không rõ nguyên nhân, người dân phải đi xin nước sinh hoạt và cũng không dám dùng nước giếng khoan. Hiện cơ quan chức năng đang sớm nỗ lực cùng địa phương triển khai xây dựng hệ thống nước sạch cứu nguy cho nhân dân Mỵ Thanh”.

18/08/2014 16:03
Theo ĐS&PL

Rợn người với cầu treo, dây cáp

Tại miền Trung và Tây Nguyên, hàng loạt cầu tạm, cầu treo, dây cáp được người dân qua lại hằng ngày đang là mối đe dọa thường trực tới tính mạng của họ

Hai ngày qua, người dân thôn Tiến Thành, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam không khỏi bàng hoàng trước cái chết của bà Nguyễn Thị Đồi, SN 1972. Bà Đồi là nạn nhân mới nhất của cây cầu “vĩnh biệt” bắc qua sông Trường Giang ở địa phương này.

Thót tim qua cầu “vĩnh biệt”

Ông Mai Xuân Hùng, trưởng thôn Tiến Thành, cho biết bà Đồi có con trai học lớp 11 nhưng đã nghỉ vì không có tiền, phải lên Tây Nguyên làm thuê để phụ giúp gia đình. Một mình bà Đồi ở nhà làm nông và đi mua lá chuối về gói bánh bán. Sáng 19-8, khi đi mua lá chuối, bà chạy xe gắn máy đến đoạn giữa cầu Máng thì bị ngã văng xuống sông chết đuối.

Theo ông Hùng, cầu Máng dài gần 300 m, thực chất là máng thủy lợi xây vào năm 1985 nhằm đưa nước về tưới tiêu cho 30 ha lúa. Từ khi đưa vào sử dụng, người dân xem máng thủy lợi này như một cây cầu để lưu thông ra quốc lộ. Từ đó đến nay, đã có 16 người chết, gồm 10 người ngã từ trên cầu xuống và 6 người bị chìm thuyền do va đập với cầu. Chính vì có nhiều cái chết thương tâm nên người dân gọi cầu Máng là cầu “vĩnh biệt” hay cầu “tử thần”.
Cầu treo ở thôn Gọi Re, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Tử Trực
Cầu treo ở thôn Gọi Re, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Tử Trực

Ông Hùng cho biết sau nhiều vụ chết người liên tiếp, Công ty Khai thác thủy lợi Quảng Nam đã đầu tư gần 50 triệu đồng để xây dựng trụ và kéo dây cáp hai bên thành cầu Máng. Tại 2 đầu cầu, công ty cắm bảng khuyến cáo: “Công trình thủy lợi không kết hợp giao thông, nguy hiểm, cấm đi xe máy”. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đi qua cầu.

Đi bộ qua cầu, nhìn dòng nước xiết cuồn cuộn chảy bên dưới, chúng tôi nổi da gà nhưng nhiều người dân vẫn chạy xe máy bon bon. Ông Trần Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, cho biết mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại, trong đó có rất nhiều học sinh. Xã nhiều lần kiến nghị mở rộng diện tích, tu bổ cầu. Cơ quan chức năng huyện, tỉnh cũng về khảo sát rồi nói... thiếu kinh phí.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam, cho biết sẽ kiểm tra thực trạng cây cầu này để xem xét, bố trí vốn sửa chữa, nâng cấp. Không chỉ cầu “vĩnh biệt”, tỉnh Quảng Nam còn có rất nhiều cầu treo, cầu khỉ xuống cấp, nguy hiểm cần tu bổ. Nhu cầu rất lớn trong khi khó khăn về vốn nên buộc phải làm từng bước, nơi nào cấp bách thì làm trước.

Điệp khúc không tiền

Trong những ngày này, dù nắng ráo, nước sông Re ở Quảng Ngãi không quá hung dữ nhưng chúng tôi vẫn rợn người khi đi qua cây cầu treo lơ lửng giữa lưng chừng đồi. Cầu này là con đường duy nhất nối thôn Gọi Re, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi với bên ngoài để hàng trăm hộ dân đi lại.

Cây cầu được người dân địa phương dùng dây thép, dây kẽm buộc vào thân cây giữa hai đầu vách núi, vắt vẻo qua sông Re. Người qua lại phải nắm thật chặt dây kẽm được dùng làm thành cầu, dò dẫm từng bước trên những tấm ván gỗ lồ ô.

Bà Võ Thị Bích Lê, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Xa, lo ngại: “Mùa mưa, nước sông chảy xiết, dân chịu cảnh cô lập. Hằng ngày, học sinh qua cầu hết sức nguy hiểm. Cũng có nhiều vụ rơi xuống cầu nhưng may mà chưa gây thương vong”. Theo bà Lê, hiện cầu xuống cấp nghiêm trọng nhưng địa phương không có tiền nên chưa sửa chữa.

Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết nhiều nơi khác cũng qua lại trên những chiếc cầu tạm xuống cấp, hư hỏng. “Muốn xây cây cầu kiên cố cũng cần ít nhất 15-20 tỉ đồng. Nhiều lần huyện kiến nghị tỉnh cấp kinh phí nhưng nguồn kinh phí eo hẹp nên chưa thể bố trí được” - ông Phong băn khoăn.

Sống cảnh “Tarzan”

Gần chục năm qua, hàng ngàn hộ dân ở xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn và xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk vẫn bất chấp nguy hiểm, vượt các con sông để đến nương rẫy bằng dây cáp chằng néo vào 2 thân cây trên bờ và một chiếc lồng sắt. Việc cáp đứt hay tuột chân rơi xuống sông xảy ra thường xuyên nhưng không còn cách nào khác, họ đành đánh cược mạng sống của mình để đi lại mưu sinh, học hành.

Cách đây mấy ngày, gia đình anh Nguyễn Văn Tiêu (ngụ thôn 7, xã Ea Huar) đã gặp nạn khi dây cáp đứt. Hôm đó, anh Tiêu cho vợ và đứa con 7 tuổi qua sông trước. Khi ròng rọc đang lao vun vút thì bất ngờ dây sắt đứt, vợ và con anh Tiêu rơi xuống lòng sông chảy xiết.

Việc đứt dây kiểu này không phải là chuyện hiếm. Mới đây, ngày 15-8, bà Nguyễn Thị Thọ (SN 1962, ngụ xã Hòa Lễ) đu dây qua sông để đi làm thì bị rơi xuống mép sông Krông Ana từ độ cao khoảng 10 m. Do lúc này vắng người qua lại nên phải khoảng 1 giờ sau, người dân mới phát hiện bà Thọ nằm bất tỉnh và đưa đi bệnh viện cấp cứu với nhiều vết thương ở vai, cổ, chệch quai hàm, mẻ đốt sống...

Chứng kiến cảnh người dân qua sông mà chúng tôi không khỏi rùng mình, lo lắng bởi sợi dây sắt mỏng manh và sợi cua-roa có thể bị đứt bất cứ lúc nào, trong khi bên dưới là dòng sông nước chảy cuồn cuộn...

Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh ở 28 địa phương đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, thời gian hoàn thành trong năm 2015 nhưng không thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thực tế

Thứ Tư, 22:58  20/08/2014
 Quang Vinh - Tử Trực - Cao Nguyên

Khi nào dân hết đu dây?


Hãi hùng cảnh người dân 10 năm “diễn xiếc” đu dây qua sông đi làm rẫy 1
Mỗi ngày có người phải đu dây qua sông đến 8 lần. Ảnh:afamily.vn

Có một thông tin đọc qua đã thấy vui: Trong 7 tháng đầu năm nay, Bộ Giao thông Vận tải rà soát 25 dự án và tiết giảm được khoản tiền đầu tư đến 5.241 tỉ đồng. Nếu tính từ lúc thực hiện Nghị quyết 11/NQ/2011 đến tháng 8-2014, bộ đã rà soát tổng cộng 44 dự án, tiết giảm khoản kinh phí đầu tư 39.365 tỉ đồng.

Thật ra, đây là con số tiết giảm do yêu cầu rà soát quy mô đầu tư để cân đối một cách phù hợp và tiết kiệm trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp hiện nay. Có thể mượn ý kiến của TS Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu - Đường Việt Nam, để làm rõ ý tứ tiết giảm ở đây: “Rà soát lại nhưng vẫn phải chấp nhận được và nằm trong quy hoạch để sau này khi có vốn thì tiếp tục thực hiện”.

Xét về tổng thể, sự tiết giảm lớn như trên chắc chắn có tác động không nhỏ về mặt xã hội. Nó cho thấy tinh thần “liệu cơm gắp mắm” đang được đề cao trong đầu tư xây dựng, khác với thói quen “vung tay quá trán” không dựa vào hoàn cảnh thực tế lâu nay vẫn diễn ra ở nhiều nơi, gây không ít lãng phí cho nhà nước và xã hội.

Mặt khác, quyết định rà soát để tiết giảm còn có tác dụng chống lãng phí bởi phần tiết giảm kia có thể được đầu tư vào những khu vực khác, cấp thiết về đời sống và có thể sớm phát huy tác dụng, như đầu tư nhiều hơn cho các dự án cầu treo dân sinh đang kêu đòi.

Những ngày qua, truyền thông trong nước lại một lần nữa đưa tin về một tai nạn do đu dây vượt sông ở Đắk Lắk. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Thọ - 52 tuổi, trú tại xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông - bị ngã bất tỉnh từ độ cao 10 m khi đang đu dây qua sông để bẻ chồi cà phê. Bà may mắn được người dân phát hiện 30 phút sau đó và đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Dài hơn 10 km nhưng con sông Krông Ana chảy qua khu vực này chẳng có cây cầu nào bắc qua. Vì sinh kế, người dân đã phải tự chế cáp treo để vượt sông bất chấp nguy hiểm.

Đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn ở đoạn sông nơi bà Thọ gặp nạn, thường là rơi xuống do cáp đứt và cây bật gốc do tần suất qua lại quá nhiều. Bị thương nhẹ và nặng đều có. Khó như vậy nhưng người dân cũng chẳng dám vượt sông bằng thuyền vì sợ nước lũ.

Chính quyền xã Hòa Lễ đã nhiều lần giãi bày khó khăn với cấp trên nhưng không có kết quả do kinh phí làm cầu vượt quá khả năng của địa phương. Theo một thống kê, tại Đắk Lắk có gần 320 cầu dân sinh, chủ yếu là cầu treo, trong đó phần lớn được làm tạm bợ bằng tre, gỗ.

Tỉnh Đắk Nông cũng không khá hơn. Khoảng 160 cầu treo, cầu tạm trên địa bàn phần lớn xuống cấp, không an toàn. Có thông tin năm nay huyện được phân bổ 0,5 tỉ đồng nhưng để sửa chữa cầu theo đúng quy trình, quy chuẩn thì khoản tiền này chỉ đủ để làm 1 cây cầu. Trong điều kiện như thế, có lẽ không ai ngạc nhiên khi mỗi năm ở Đắk Nông có trên 250 người dân gặp nạn do những cây cầu tạm, nhiều trường hợp bị thương nặng...

Trên phạm vi cả nước, đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh ở 28 địa phương đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, hoàn thành trong năm 2015. Tuy nhiên, số lượng cầu treo trong đề án trên xem ra chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thực tế. Trong hoàn cảnh như vậy, thật khó mà ngăn cản người dân tiếp tục đu dây qua sông!
Thứ Tư, 23:46 20/08/2014
Cao Tuấn

Hai phó giám đốc sở đánh nhau phải nhập viện

Phó giám đốc Sở Ngoại vụ và phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước đánh nhau. Tỉnh đang chờ báo cáo để xử lý nghiêm.
 
Cả tuần qua, người dân thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) xôn xao bàn tán về việc hai lãnh đạo của Sở Nội vụ và Sở Ngoại vụ của tỉnh này đánh nhau trong quán nhậu ngay trong giờ hành chính khiến một vị phải vào bệnh viện khâu vết thương. Người dân đồn đoán, thêu dệt nhiều chi tiết và tếu táo là “ông ngoại, ông nội” đánh nhau.

Từ mâu thuẫn nhỏ…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng 14 giờ ngày 12-8 (thứ Ba), sau khi kết thúc một lớp học dành cho chuyên viên chính, ông C. (Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước) và ông K. (Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ) có tiếp khách tại nhà hàng karaoke Bóng Trăng (đường Hùng Vương, thị xã Đồng Xoài). Trong buổi nhậu, hai người có lời qua tiếng lại và xô xát. Hậu quả ông C. phải đi bệnh viện may nhiều mũi ở vùng tai, đầu. 

Một nhân viên làm việc tại karaoke Bóng Trăng cho biết hơn 14 giờ ngày 12-8 xảy ra sự việc, người này đứng ở ngoài phòng karaoke và nghe có tiếng la trong phòng. Sau đó một số người ăn mặc rất lịch sự đưa một người bị chảy máu ở vùng đầu ra khỏi quán lên xe đi cấp cứu.
Quán karaoke Bóng Trăng nơi hai phó giám đốc sở xô xát gây thương tích. Ảnh: NĐ


Chúng tôi đã liên hệ với cơ quan ông K. và ông C., gọi điện thoại… xin gặp để trao đổi về sự vụ trên nhưng không thành. 

Trong ngày 20-8, chúng tôi tiếp tục đến hai cơ quan của hai vị lãnh đạo trên xin gặp người đứng đầu cơ quan nhưng họ đều bận họp. Đến chiều tối cùng ngày, ông Vũ Đức Sơn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ - người phát ngôn sở này thông tin cho chúng tôi: “Vụ việc chỉ là xích mích nhỏ trong lời nói dẫn đến xô xát, hai cán bộ này đã xin lỗi nhau rồi. Đây chỉ là chuyện cãi nhau do có hơi men mà thôi. Sở Nội vụ sẽ tham mưu hình thức xử lý sau. Còn việc nhậu trong giờ làm việc, ông C. được lãnh đạo Sở Nội vụ cử đi tiếp khách chứ không phải ăn nhậu tùy tiện trong giờ hành chính”. 

Tỉnh yêu cầu làm rõ, xử lý nghiêm
Chiều 20-8, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước thông tin: Qua xác minh và báo cáo của lãnh đạo hai sở Nội vụ và Ngoại vụ, việc xô xát và ông C. của Sở Nội vụ bị thương là có. Báo cáo nêu nguyên nhân việc xô xát là do ông K. cầm ly bia đi mời một số người nhưng không mời ông C. nên nói qua nói lại. Sau khi khách về, ông K. cầm ly bia hắt vào người ông C. rồi dùng ly đánh ông C. làm ông này bị thương ở vùng tai, may nhiều mũi. “Ngay trong ngày 20-8, chủ tịch UBND tỉnh đã họp đột xuất, yêu cầu lãnh đạo Sở Nội vụ, Ngoại vụ báo cáo vụ việc. Lãnh đạo hai sở cho biết là hai ông C. và K. đã xin lỗi nhau và nhìn nhận do say nên có lời lẽ, hành động không đúng chứ không như dư luận đồn thổi”. 

Vị lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước cũng cho biết: “Chủ tịch tỉnh đã yêu cầu Sở Nội vụ làm rõ và tham mưu hình thức xử lý nghiêm nhất với hai người này để lập lại trật tự kỷ cương hành chính mà tỉnh đã ban hành hơn một năm trước. Trong đó có nhấn mạnh việc cán bộ, công chức không được uống rượu bia trong giờ làm việc và tác phong, ứng xử chuẩn mực”. 

Chiều cùng ngày, trao đổi với PV về vụ việc trên, ông Hà Anh Dũng - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Phước cho biết Văn phòng Tỉnh ủy cũng vừa nghe thông tin và vụ việc đang được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục xử lý, giải quyết.
NGUYỄN ĐỨC

Dĩ độc trị độc?

Thiện và Ác - Chiến Quốc Sách chống Thánh Chiến

Thời sự quốc tế có loan những loại tin lạ như sau.

Trong vụ xung đột trên Dải Gaza, một thành viên của Minh Ước NATO - đồng minh của Hoa Kỳ - lại yểm trợ phe Hamas, lực lượng khủng bố đang bắn hỏa tiễn vào các khu đông dân của Israel, một đồng minh chiến lược của Mỹ. Vì vậy, chính quyền Israel mới kín đáo hợp tác với chế độ quân phiệt của Tổng Thống Abdel Fattah al-Sisi tại Egypt để từ bán đảo Sinai phá vỡ khả năng tấn công của Hamas. Ðại Tướng al-Sisi là người xuất phát từ quân đội đã thẳng tay tiêu diệt lực lượng Huynh Ðệ Hồi Giáo Muslim Brotherhood nên bị chính quyền của Tổng Thống Barack Obama nghi ngờ và coi như độc tài chẳng kém gì Tổng Thống Hosni Mubarak ngày xưa.

Trong vụ xung đột trên lãnh thổ Iraq, để ngăn đà bành trướng của lực lượng Thánh Chiến xưng danh Ðế Quốc Hồi Giáo Caliphat dưới quyền một nhân vật có tham vọng làm Thánh Ðế Caliph, còn cao hơn hoàng đế, là “giáo chủ” Abu Bakr al-Baghdadi của hệ phái Sunni, Mỹ đang liên kết với các giáo chủ Shia của Iran và cả chế độ độc tài và hiếu sát của Tổng Thống Bashar al-Assad tại Syria. Mới năm ngoái thôi, Tổng Thống Obama còn vạch lằn ranh đỏ và dọa tấn công chế độ al-Assad, ngày nay đôi bên lại sát cánh để tiêu diệt một lực lượng khủng bố còn hiếu sát hơn. Và việc Mỹ hợp tác với Iran, kẻ thù công khai từ 35 năm qua, cho thấy cái lẽ đảo điên của thời sự.

Người ta thấy hai khái niệm “thiện và ác,” hay dân chủ và độc tài, đang bị thực tế đập tan tành. “Hồ Sơ Người Việt” sẽ rọi đèn vào đó để chúng ta cùng điều chỉnh lý luận cho tinh tế hơn...


Ôn hòa và quá khích

Khởi đầu mọi chuyện có thể là lực lượng khủng bố al-Qaeda với thành tích tấn công nước Mỹ trong vụ “9-11” năm 2001 sau nhiều năm thao dợt nghiệp vụ trên các mục tiêu khác của Hoa Kỳ.

Tổ chức này còn dữ hơn lực lượng OLP của Yasser Arafat, đòi giải phóng Palestine bằng hành vi khủng bố, và al-Qaeda được chế độ Taliban chứa chấp tại Afghanistan. Khi lực lượng Taliban đánh đòn khủng bố trong cuộc nội chiến và cướp chính quyền tại Kabul vào năm 1996, chẳng ai giật mình. Người ta chỉ rùng mình, rồi thôi, khi chế độ Taliban cho nổ tung những pho tượng Phật cổ nhất tại Trung Á vào Tháng Ba năm 2001. Ðấy là chuyện nội bộ của họ!

Cũng vậy, vào đầu năm 2005, khi mật vụ của chế độ độc tài Syria và lực lượng khủng bố Hizbollah do Iran yểm trợ tại Lebanon tổ chức ám sát Thủ Tướng Lebanon là Rafic Hariri, với gần hai tấn thuốc nổ, thế giới thản nhiên coi như đấy là bạo động trong thế giới Hồi Giáo với nhau. Người ta điều tra, tố giác rồi lại thôi.

Ngày nay, tổ chức al-Qaeda coi như đã bị tê liệt khi lãnh tụ Osama bin Laden bị ám sát và những tàn dư của các lực lượng al-Qaeda tự phát hay nội hóa, tại khu vực Yemen, tại vùng Hồi Giáo Mahgreb, tại bán đảo á Rập, dần dần bị khống chế. Nhưng từ al-Qaeda mà ra. lực lượng xưng danh “al-Qaeda tại Iraq” (AQI) đã thoát xác và thoát khỏi chiến lược al-Qaeda để trở thành ISIL, Islamic State of Syria and the Levant, thế giới lại một phen giật mình.

Mở mùa lễ chay Ramadan của Hồi Giáo vào ngày 29 Tháng Sáu, lực lượng ISIL này xưng danh Ðế Quốc Hồi Giáo và ra tuyên ngôn trong tạp chí “Dabiq” mà chẳng mấy ai thèm xem, hay nói tới. Tuyên ngôn đó có phần tuyên truyền, phần vận động và quan trọng nhất phần trình bày mục tiêu và chiến lược. Cuối mùa lễ Ramadan, tạp chí Dabiq xuất bản số hai, với phần Anh ngữ rất chuẩn để nói rõ hơn về kế hoạch thành lập một đế quốc Hồi Giáo duy nhất với mục thống tiêu thống nhất thế giới Hồi Giáo dưới sự lãnh đạo của Thánh Ðế Abu Bakr al-Bahdadi. Tuần trước, Hồ Sơ Người Việt đã có một bài trình bày kế hoạch này (Người Việt số ra ngày 13 Tháng Tám).

Yếu tố đáng chú ý ở đây là hai phần “đạo” và “đời.”

Về đạo, lực lượng ISIL hay ISIS hay IS của al-Bahdadi viện dẫn cổ thư, Kinh Thánh và Kinh Koran để chứng minh lẽ chính thống của mình, còn cực đoan và toàn trị hơn mọi loại giáo luật khác của đạo Hồi. Về đời, lực lượng này đả kích al-Qaeda là ôn hòa nhu nhược, phân ranh bạn thù và kêu gọi dân Hồi Giáo theo hệ phái Sunni di cư và tập trung vào khu vực kiểm soát của họ, nằm ngang lãnh thổ Syria và Iraq. Tổ chức hiếu sát này không chỉ nói chuyện trên trời, hoặc ra tay tàn sát bất cứ ai không đồng ý với họ, mà còn có tham vọng về địa dư và lãnh thổ trong khi vẫn kêu gọi nổi dậy từ Bắc Phi qua Tây Phi, Trung Ðông, Trung Á, Nam Á và Ðông Nam Á.

Ðể bạn đọc dễ tìm trên bản đồ, xin liệt kê ở đây 12 quốc gia được nhắc tới: Tunisia và Algeria (Bắc Phi), Yemen (Bán đảo Á Rập), Mali, Nigeria (Tây Phi), Somalia (Ðông Phi), bán đảo Sinai (của Egypt, tiếp giáp với Dải Gaza), khu vực Waziristan của Pakistan tiếp giáp với Afghanistan), Libya, Chechnya (của Nga), Indonesia và Philippines (Ðông Nam Á)...

Chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của một tổ chức quá khích nhất trong thế giới Hồi Giáo. làm nhiều xứ Hồi Giáo khác phải quan tâm.


Loạn trị và hợp tan

Hình như người ta - giới lãnh đạo và truyền thông lẫn chúng ta - vẫn đánh giá sai khả năng giết người của những tư tưởng cao đẹp hay những lý luận tôn giáo như “cách mạng” hay “Thánh Chiến.”

Vụ đặt bom ở Boston Marathon tại Hoa Kỳ năm ngoái cho thấy hai anh em di dân đã có chỗ đứng trong xã hội Mỹ vẫn trở thành sát nhân, nhân danh “Thánh Chiến.” Vụ nhà báo Mỹ James Foley vừa bị lực lượng IS chặt đầu sau hai năm bị bắt làm con tin có thể làm nhân loại rùng mình. Nhưng nhân loại gọi là văn minh còn rùng mình hơn nữa, nếu quả thật là ký giả Foley đã bị một tay khủng bố người Anh hành quyết. Việc lực lượng này xuất bản hai tạp chí bằng một thứ Anh ngữ của người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ cho thấy khả năng quyến rũ thanh niên của những lý luận sát nhân.

Vì thế, mối nguy của loại tổ chức quá khích như lực lượng Thánh Chiến IS với giấc mơ điên cuồng của một đế quốc Hồi Giáo toàn cầu không thu hẹp vào thế giới Hồi Giáo. Lý luận khôn ngoan và hơi ích kỷ, là “cứ để các hệ phái đó giết nhau đi,” có những giới hạn của nó. Nếu không quan tâm đến mối nguy này thì chính các nước Tây phương sẽ bị thiệt hại như đã từng bị sau khi quay lưng với al-Qaeda hay Taliban.

Nhưng nếu quan tâm và muốn góp phần giải quyết, các nước Tây phương và đứng đầu là Hoa Kỳ sẽ phải hợp tác với nhiều chế độ độc tài và gian ác. Quan niệm Thiện và Ác như hai thế đối lập chỉ có trong kinh sách, chứ thực tế lại rắc rối và bẽ bàng gấp bội.

Hoa Kỳ thời Tổng Thống George W. Bush sai lầm khi mở chiến dịch Iraq và lật đổ chính quyền đa sát của Saddam Hussein nên tạo cơ hội cho chế độ độc tài Iran. Rút tỉa kinh nghiệm, ông Bush đã đảo ngược quyết định tháo chạy mà dồn quân đánh tới vào năm 2007 và tạm dàn xếp một giải pháp hòa hợp giữa ba phe Sunni, Shia và Kurd để rút lui. Sai lầm của chính quyền Obama là tháo chạy bằng mọi giá khỏi Iraq và để lại một khoảng trống nguy hiểm khiến nước Mỹ lại phải nhập cuộc lần nữa. Sai lầm kế tiếp là đối sách nhập nhằng với Syria, vừa đủ để làm chế độ al-Assad bị suy yếu, mà chưa đủ để một lực lượng khác có thể ổn định xứ này.

Nhưng làm sao ổn định được một quốc gia Hồi Giáo thành hình từ những dàn xếp ngược ngạo của lịch sử khiến sắc tộc và hệ phái tôn giáo lại coi nhau như kẻ thù?

Hỗn loạn tại Syria và Iraq đã tạo khoảng trống cho lực lượng IS tung hoành. Chỉ hai năm sau là đe dọa cả bốn khu vực địa dư là Syria, Iraq, Iran và vùng kiểm soát của sắc tộc Kurd. Ở chung quanh là các chế độ Hồi Giáo thân Mỹ mà chưa hề có dân chủ, như Jordan, Saudi Arabia... Xa hơn nữa thì có xứ Egypt. vẫn mang tiếng quân phiệt và Libya, nay đã rơi vào phân hóa sau khi lãnh tụ Muammar Gaddhafi bị hạ sát nhờ sự can thiệp của Hoa Kỳ.

Kết quả là Hoa Kỳ ngày nay phải bắt tay với các chế độ thiếu dân chủ và nhiều khi chống Mỹ, để đối phó với một lực lượng còn tàn ác hơn al-Qaeda, cực đoan hơn Taliban...


Kết luận ở đây là gì?

Lãnh đạo Hoa Kỳ phải giải thích được cho quần chúng - trước hết là cho loại truyền thông lý tưởng và nông cạn - cái thực tế phũ phàng của thế giới bên ngoài, để người dân biết cân nhắc lợi hại của ngắn hạn và trường kỳ. Hơn là cứ phản ứng theo cảm quan của thời sự.

08-20-2014 2:07:38 PM
 Hùng Tâm/Người Việt

Gần 165,000 cử nhân, thạc sĩ ở Việt Nam thất nghiệp


VIỆT NAM (NV) - Theo Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam, con số tốt nghiệp đại học ở Việt Nam bị thất nghiệp hiện nay là 162,000 người.


Theo báo Tuổi Trẻ, đây là thống kê trích dẫn từ phúc trình của Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam công bố hôm 2 tháng 7, 2014 vừa qua. Báo Tuổi Trẻ cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của lực lượng tốt nghiệp đại học đông đảo kể trên là sự chệch hướng của công tác đào tạo.


Không thiếu những ánh mắt thất vọng tại một hội chợ việc làm ở Việt Nam. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

Phúc trình trên cũng cho thấy, số người trong độ tuổi từ 20 đến 24 có trình độ đại học thất nghiệp tại Việt Nam chiếm tới 20% số người thất nghiệp. Con số này tăng liên tiếp trong thời gian qua.

Thị trường lao động tại Việt Nam thời gian qua được coi là đầy dẫy những điều nghịch lý. Số cung của một số ngành nghề như kiến trúc, xây dựng, kế toán, kiểm toán... đều vượt xa mức cầu. Trong khi đó, các nhóm ngành, nghề có nhu cầu tăng vọt như công nghệ thông tin, cơ khí tự động hóa... lại không được nhanh chóng điền khuyết.

Tại cuộc hội nghị tổ chức ở Sài Gòn sáng ngày 20 tháng 8, 2014, ông Ngô Bá Thâm, chuyên viên cao cấp của Viện Nghiên Cứu và Phát Triển Sài Gòn cho rằng, thị trường lao động Sài Gòn đang lâm vào tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ.” Trong khi người tốt nghiệp đại học thất nghiệp đầy dẫy, các công ty, nhà máy đã bị buộc phải tuyển dụng người không hề trải qua một trường lớp đào tạo nào.

Ông Ngô Bá Thâm cũng cho rằng, nguồn thông tin dự báo năng lực của thị trường lao động tại Việt Nam hiện nay rất chắp vá, chỉ mới dừng lại ở mức độ đối phó. Ông Trần Anh Tuấn, quyền giám đốc Trung Tâm Dự Báo Nhu Cầu Nhân Lực của thành phố Sài Gòn, đơn vị vừa bị chỉ trích, cũng xác nhận rằng thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay không cần người có bằng cấp cao. Ông Trần Anh Tuấn nói rằng, các công ty, nhà máy cần người có kỹ thuật chuyên môn và có đạo đức nhiều hơn.

Tại cuộc hội nghị mang tựa đề “Biến động việc làm ở Sài Gòn,” sáng ngày nói trên, nhiều người chỉ trích ngành giáo dục “nhắm mắt đào tạo” mà bất chấp nhu cầu của nền kinh tế. Một bản thuyết trình nói rằng, ngành giáo dục của Việt Nam xác định tỉ lệ đào tạo người tốt nghiệp đại học dựa vào tỉ lệ dân số chứ không theo cơ cấu của nền kinh tế.

Báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ một phúc trình khác nói rằng, hơn 300 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam hiện nay thiết lập phương hướng đào tạo không dựa vào bất cứ dự báo này. Họ chỉ dựa vào năng lực của nhà trường như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất... Vì vậy mà các ông thầy đã được đào tạo sai, lại tiếp tục cho ra đời các cử nhân, thạc sĩ thế hệ đàn em không đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

Vì vậy, số người tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp tiếp tục tăng đều là chuyện đương nhiên, không có gì khó hiểu tại Việt Nam hiện nay. (PL)

08-20-2014 3:21:34 PM
Theo Người Việt

Chủ tịch tỉnh Bình Dương khoe dinh thự nguy nga

BÌNH DƯƠNG (NV) - Cuộc chạy đua “khoe của” của các nhà “tư bản đỏ” ở Việt Nam có vẻ như ngày càng thêm hào hứng, với sự xuất hiện của ông Chủ Tịch tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung.

Tin của báo Ðời Sống và Pháp Luật cho hay, dư luận đã phanh phui tài sản khổng lồ của ông Lê Thanh Cung, tức là ông Chín Cung, hiện là chủ tịch chính quyền tỉnh Bình Dương, từ cuối năm 2013.


Dinh thự nguy nga của ông chủ tịch tỉnh Bình Dương hiện nay tọa lạc tại Thủ Dầu Một. (Hình: báo Kiến Thức)

Theo nguồn tin này, ông Chín Cung có một dinh thự xa hoa tọa lạc tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, trên lô đất rộng đến 1,000 thước vuông. Người dân cư ngụ chung quanh nói rằng, dinh thự của ông Chín Cung tráng lệ, nhiều phòng ốc, tường rào kiên cố, nổi bật giữa khu dân cư nghèo nàn.

Tin này cũng nói rằng, trong sân vườn dinh thự của ông Chín Cung có nhiều chậu kiểng trị giá tiền tỉ. Người dân còn tin rằng, dinh thự của ông Chín Cung lớn vào hàng nhất, nhì tỉnh Bình Dương, khó ai sánh bằng. Trị giá của ngôi nhà này được ước lượng không dưới 20 tỉ đồng, tương đương 1 triệu đô la.

Tài sản khổng lồ thứ hai của ông Chín Cung được kể đến là một vườn cây trồng hàng trăm ngàn cây cao su xanh mướt, không khác một đồn điền rộng lớn, khoảng 5-7 năm tuổi. Bao bọc chung quanh vườn cây là một hàng rào kẽm gai, cùng với những hàng cột bê tông chạy dài suốt hai cây số mỗi cạnh vuông vức. Theo ông trưởng ấp 8 tại địa phương tên Nguyễn Văn Như, vườn cao su nhà ông Chín Cung rộng xấp xỉ 100 ha.


Ðồn điền cao su rộng 100 ha của ông chủ tịch chính quyền tỉnh Bình Dương. (Hình: báo Kiến Thức)

Ông Nguyễn Văn Như còn tiết lộ rằng, đồn điền cao su kể trên nằm trên khuôn viên đất “liền khoảnh, liền thửa,” không bị phân chia ranh giới cho thấy, vườn cao su không của một ông chủ điền, có giá trị ước lượng 120 tỉ đồng, tương đương 6 triệu đô la.

Nhiều nguồn tin khác thì nói rằng, ông Chín Cung được cấp phần đất làm đồn điền cao su khi còn là phó chủ tịch chính quyền huyện Bến Cát, thuộc tỉnh Bình Dương. Nguồn tin khác cũng nói rằng, ông Lê Thanh Cung năm nay 60 tuổi, coi như chỉ còn 4 tháng nữa thì đến tuổi nghỉ hưu. Khi đó, ông Chín Cung coi như “hạ cánh an toàn,” vì không thuộc diện phải kê khai tài sản.

Như vậy là sau ông cựu tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền, nay có thêm ông chủ tịch tỉnh Bình Dương được liệt kê vào danh sách các nhà “tư bản đỏ” có dinh thự nguy nga tráng lệ, đồ sộ ở Việt Nam hiện nay. Ðiều đáng quan tâm không phải vì giá trị khổng lồ của số tài sản này, mà là nguồn gốc tài sản mà họ tậu được. (PL)

08-20- 2014 3:12:42 PM
Theo Người Việt

Công an ngăn hội thảo của đoàn luật sư?

BBC-09:05 GMT - thứ ba, 19 tháng 8, 2014
Luật sư Trần Đình Triển nói Thông tư 28 có thể không phải do quyết định từ Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang

Hội thảo của đoàn luật sư TP Hà Nội về một thông tư của Bộ Công an bị hủy sau khi cơ quan quản lý hội trường thông báo “có sự can thiệp" từ bộ này.
Thông tư 28, được ban hành ngày 7/7, quy định về công tác điều tra hình sự trong công an nhân dân và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 25/8.
Tuy nhiên, quy định trong thông tư về việc cho phép điều tra viên lập biên bản luật sư nếu có sai phạm đã gây nhiều ý kiến phản đối từ giới luật sư trong nước.
Trả lời BBC ngày 19/8, Luật sư Trần Đình Triển, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết ban quản lý hội trường ở số 1, Liễu Giai hôm 15/8 đã đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê mặt bằng ngay trước ngày diễn ra hội thảo.
"Họ nói rằng họ cương quyết không cho thuê nữa vì có sự can thiệp bên Bộ Công an", ông nói.
"Tôi đã yêu cầu họ trả lời bằng văn bản, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được".
"Nhưng tôi tin chắc rằng có thể có áp lực nào đó vì đoàn luật sư Hà Nội lâu nay vẫn thuê hội trường này".

"Thông tư trái pháp luật"

Không thể vì lợi ích cục bộ hay quyền lợi của một nhóm nào đó mà đưa ra một văn bản cản trở lợi ích của dân tộc, của Nhà nước, của Đảng"
Luật sư Trần Đình Triển
 Theo luật sư Triển, Thông tư 28 của Bộ Công an là một văn bản "trái pháp luật".
"Văn bản của một Bộ đưa ra trong đó đặt điều tra viên lên trên luật sư là không được," ông nói.
"Đây là một văn bản trái pháp luật, không phù hợp với luật thực định và thực tiễn".
"Không thể vì lợi ích cục bộ hay quyền lợi của một nhóm nào đó mà đưa ra một văn bản cản trở lợi ích của dân tộc, của Nhà nước, của Đảng," ông nhận định.
Ông Triển cho rằng thông tư này "không phải của Bộ trưởng Trần Đại Quang mà do cấp dưới nào đó làm mà không có ý kiến của bộ trưởng".
"Việc hội thảo bị dừng lại gây bức xúc trong xã hội và dù báo chính thống không đăng nhưng lại lan tỏa trên mạng xã hội, rất mất uy tín".
"Hội thảo của các nhà khoa học, các luật sư, chỉ mang ý nghĩa nội bộ, không có phá đám hay phá rối mà người ta lo sợ rồi ngăn cản như vậy thì theo tôi về góc độ nghiệp vụ là sự dốt nát, ấu trĩ."

'Dễ bị lạm dụng'

Trước đó, trong bài viết gửi cho BBC hôm 12/8, Luật sư Ngô Ngọc Trai từ Hà Nội cho rằng Thông tư 28 "sẽ dẫn đến sự lạm dụng gây bất lợi cho luật sư khi hành nghề".
"Trong tố tụng hình sự có thể nói luật sư bào chữa là bên đối trọng với điều tra viên, đứng ở hai phía đối lập nhau mà lại trao quyền cho một bên được quyền nhận định phán xét bên kia đúng sai thì làm sao công tâm khách quan được," ông viết.
Ông Trai cho rằng việc lập biên bản, "bản thân nó là một sự cản trở không phù hợp với Luật luật sư đã quy định nghiêm cấm cơ quan tổ chức cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư."
"Đây là tệ trạng đã được nói đến nhiều không có gì mới, vấn đề là giới luật sư nắm luật và làm cái nghề bảo vệ người khác thì phải thấy được quy định trong Thông tư 28 đã sai và phải có trách nhiệm lên tiếng".
"Luật sư còn không bảo vệ được quyền lợi cho mình thì còn bảo vệ được cho ai?" ông nhận định.

Con sãi ở chùa có mãi quét lá đa?

Hòa Ái, phóng viên RFA 2014-08-20
Gia đình thủ tướng Nguyễn tấn Dũng từ trái cô Nguyễn Thanh Phượng (con gái) phu nhân thủ tướng và ông Nguyễn Thanh Nghị
Gia đình thủ tướng Nguyễn tấn Dũng từ trái cô Nguyễn Thanh Phượng (con gái), thủ tướng, phu nhân thủ tướng và ông Nguyễn Thanh Nghị-Cjourtesy TTXVA
Dự án Luật Bầu Cử được đệ trình lên Uỷ Ban Thường Vụ Quốc hội xem xét với nội dung chưa cho phép tự vận động tranh cử ở VN hồi trung tuần tháng 8 trong khi các “con ông cháu cha” (COCC) đang được sắp xếp cho 1 cuộc “tiến cử” trở thành những nhà lãnh đạo mới.

Con ông cháu cha

Người dân có hy vọng gì với giới lãnh đạo trẻ này? Liệu rằng họ sẽ làm tốt vai trò của mình để đáp ứng mong mỏi của người dân?
Trong những ngày tháng 8 này, câu tục ngữ “con vua thì lại làm vua” được cư dân mạng cũng như dân chúng ở VN đề cập đến như một điều hiển nhiên khi đón nhận thông tin các lãnh đạo trẻ tuổi được chỉ định, bổ nhiệm vào nhiều chức vụ trong bộ máy Nhà nước và Ban soạn thảo dự án Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân đề nghị không nên bổ sung quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động tranh cử.
Trong đợt luân chuyển 19 thứ trưởng về địa phương hồi tháng 3/2014, dư luận đặc biệt chú ý đến ông Thứ trưởng Xây dựng, 38 tuổi, tên Nguyễn Thanh Nghị, được điều động về làm Phó Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, kiêm giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang qua một cuộc họp bất thường, tổ chức vào chiều ngày 28 tháng 3. Ông Nguyễn Thanh Nghị được quan tâm, bàn tán nhiều không phải vì những thành tích ông đạt được trong quá trình công tác ngắn ngủi, chưa đầy 1 thập kỷ, kể từ năm 2006, sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Đại học George Washington ở Hoa Kỳ mà vì ông là con trai trưởng của Thủ tướng VN, ông Nguyễn Tấn Dũng.
Em nghĩ sống trong chế độ xã hội độc tài-độc đảng như thế này, thì chuyện “con ông cháu cha” thì không bất ngờ. Từ xưa đến nay vẫn thế, thậm chí còn hơn cả phong kiến.
Anh Khương
Dư luận cũng xôn xao về tin ông Nguyễn Bá Cảnh, 31 tuổi, được chỉ định làm ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng trong tháng 8. Truyền thông trong nước đăng tải là cán bộ trẻ nhất, có bằng thạc sĩ ở nước ngoài nằm trong danh sách Ban chấp hành Đảng bộ của thành phố. Nhiều người dân trong nước mà đài RFA tiếp xúc cho biết cũng không có gì mới mẻ đối với thông tin này nhưng “hiện tượng” ông Nguyễn Bá Cảnh có lời ra tiếng vào vì không lâu trước đó, thân phụ của ông Cảnh là ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, lớn tiếng chỉ trích cán bộ đưa người thân gồm con, cháu, dâu, rể vào cơ quan Nhà nước tại buổi nói chuyện với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở TP. Đà Nẵng.
Trao đổi với Hòa Ái, anh Khương, thế hệ 8X, cựu sinh viên trường Đại học Ngoại Thương, hiện đang làm việc cho 1 công ty nước ngoài ở Hà Nội, cho biết bản thân anh không có hy vọng gì khi những nhân vật trẻ tuổi-tài cao, “con ông cháu cha” hay còn gọi là “COCC” như ông Nguyễn Thanh Nghị và ông Nguyễn Bá Cảnh sẽ trở thành những nhà lãnh đạo tương lai của VN. Anh Khương nói:

Thế hệ lãnh đạo trẻ học nước ngoài 

Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái nhìn bi quan vào sự chỉ định, bổ nhiệm chức vụ cho những người thuộc diện “con ông cháu cha”, Nhà báo Lê Hải ở Đà Nẵng, một người quan tâm đến thời cuộc đất nước, chia sẻ suy nghĩ của mình:
“Anh Nguyễn Bá Cảnh thật sự là nhân vật có tài. Người cũng được đào tạo đi học ở nước ngoài. Không phải chỉ riêng trường hợp anh Nguyễn Bá Cảnh, có nhiều anh. Trong đó có nhiều anh như con ông Nguyễn Tấn Dũng, con ông Trần Đức Lương, con ông này ông kia…Tôi có nhận xét chung như vầy: hầu như những anh con cán bộ lãnh đạo cao cấp như thế thường thường được đi học ở Anh, ở Mỹ. Như vậy trình độ thực sự cũng chưa biết đến đâu nhưng các anh mà đi ra học nước ngoài thì được tiếp xúc với những kiến thức khoa học-xã hội của nước ngoài và đặc biệt được sống trong môi trường dân chủ-nhân quyền, mỗi người đều có quyền tự do hết thì ít ra trong suy nghĩ của họ cũng bị ảnh hưởng những điều đó”.
Con cán bộ lãnh đạo cao cấp như thế thường thường được đi học ở Anh, ở Mỹ... các anh mà đi ra học nước ngoài thì được tiếp xúc với những kiến thức khoa học-xã hội của nước ngoài và đặc biệt được sống trong môi trường dân chủ-nhân quyền...ít ra trong suy nghĩ của họ cũng bị ảnh hưởng những điều đó.
Nhà báo Lê Hải
Cũng có những ý kiến tán đồng với suy luận của nhà báo Lê Hải, cho rằng sự hiểu biết kiến thức và sự tiếp thu nếp sống xã hội dân chủ văn minh của các lãnh đạo trẻ thế hệ kế tiếp sẽ mang lại tương lai sáng lạng cho VN trong những ngày sắp tới. Dù biết rằng hiện trạng xã hội VN có nhiều ưu đãi thậm chí là quá mức dành cho những người thuộc diện “COCC” nhưng cũng không có gì là quá ảo tưởng khi vẫn còn đâu đó niềm tin vào những người tài ba thật sự, xuất thân trong gia đình có truyền thống chính trị, làm tốt vai trò lãnh đạo vì “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Tuy vậy, phần đông trong số 90 triệu người Việt trong nước lại tỏ ra nghi ngại tình hình đất nước sẽ ra sao một khi quyền lực do những người trẻ, có trình độ và quyền lực trong tay? Anh Khương bày tỏ:
“Có thể không thể tốt hơn. Có nghĩa cha ông họ do trình độ có hạn đưa đất nước như thế này, đến bờ vực như hiện nay. Còn họ có trình độ thì chưa chắc sẽ đưa đất nước khá hơn. Thậm chí người tài giỏi đưa vào trong cơ chế độc tài-độc đảng có thể còn nguy hiểm hơn nữa”.
Câu hỏi đặt ra nếu thế hệ lãnh đạo trẻ trong tương lai gần không làm tròn trách nhiệm và bổn phận với dân với nước theo như nghi ngại của nhiều người thì phản ứng của dân chúng sẽ ra sao? Anh Sơn, người đồng trang lứa với ông Nguyễn Thanh Nghị và ông Nguyễn Bá Cảnh, từ Sài Gòn nói là giới lãnh đạo trẻ nên khôn ngoan lấy dân làm “gốc”, không phải hô hào khẩu hiệu như hiện nay mà phải tận tụy trong vai trò lãnh đạo để đời sống của người dân được ấm no thực sự, được hưởng những quyền căn bản nhất gồm tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do bầu cử. Anh Sơn khẳng định người dân sẽ không lặng im như đã từng trong suốt 70 năm qua kể từ ngày ông Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập vào ngày mùng 2/9/1945:
“Chắc chắn họ không chịu đựng được nữa đâu. Bởi vì thế hệ này họ đã chịu đựng quá nhiều rồi. Bây giờ lòng dân đang gọi là bất mãn, căm phẫn tới đỉnh điểm. Nếu thế hệ lãnh đạo tiếp nối làm thay đổi tình hình tốt hơn thì còn chấp nhận chứ nếu tệ hại hơn thì chắc chắn là không được”.
Qua những biến chuyển trong những năm gần đây cho thấy dấu chỉ dù con vua vẫn được làm vua trong chế độ do Đảng CSVN lãnh đạo nhưng con sãi ở chùa sẽ không chịu khuất phục để cam phận mãi quét lá đa.

Hé lộ chi tiết ướp thi hài Hồ Chí Minh


Lăng Hồ Chí Minh ở Ba Đình, Hà Nội

BBC-07:56 GMT - thứ tư, 20 tháng 8, 2014

Năm 2014 là tròn 45 năm thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được ướp giữ và bảo quản tại Hà Nội sau khi ông qua đời.

Nhân dịp này, một trong những người tham gia ướp thi hài Hồ Chủ tịch năm 1969, Giáo sư Viện sỹ Iuri Lopukhin, cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Moscow số 2, đã hé lộ với báo Quân đội Nhân dân các chi tiết liên quan tới "nhiệm vụ đặc biệt" của nhóm chuyên gia ngày ấy.
Một điểm đáng chú ý, là kế hoạch ướp thi hài Hồ Chủ tịch thực ra đã được lên từ trước đó một thời gian vì theo lời kể của ông Lopukhin, ngày 28/8/1969, khi bệnh tình của lãnh đạo Việt Nam trở nên rất nặng, ông và bốn chuyên gia Liên Xô khác từ Viện Lăng Lenin đã được mời sang Hà Nội.
Ông viện sỹ kể lại: "Chúng tôi bay qua Calcutta, Tashkent và tới Việt Nam vào ban đêm. Chúng tôi được đưa đến một tòa nhà ở trung tâm thủ đô Hà Nội, bên cạnh một cái hồ lớn".
Dường như công việc của nhóm chuyên gia được liệt vào diện tuyệt đối bí mật, vì "Trong mấy ngày đầu chúng tôi chỉ được phép ra ngoài phố khi trời đã tối, còn ban ngày thì không được phép".
Sau đó, các chuyên gia Liên Xô được thông báo là phía Việt Nam "đã chuẩn bị các phương tiện, thiết bị để tiến hành ướp thi hài ngay tại Viện Quân y 108" ở Hà Nội.

Quy trình phức tạp

Việc ướp thi hài của ông Hồ Chí Minh được thực hiện vào bảy ngày sau đó, khi ông vừa qua đời.
Viện sỹ Lopukhin thuật lại với phóng viên Quân đội Nhân dân: "Thi hài trông như đang ngủ, được đặt lên trên bàn, có đèn chiếu sáng".
Các chuyên gia Nga tham gia bảo quản thi hài Hồ Chí Minh
"Công tác ướp đã thành công, thi hài trông rất tốt, giữ được nguyên vẹn nét đặc trưng, đó là giai đoạn I. Công việc kéo dài khoảng 4 - 5 giờ, do phải làm rất cẩn thận để cố định, rửa sạch các thành mạch và các việc của giai đoạn ướp ban đầu. Vậy là kết thúc giai đoạn I."
"Mấy ngày tiếp theo đó, chúng tôi tiếp tục bơm dung dịch vào thành mạch. Thực chất của việc bơm là làm sao để các tổ chức trong thi thể phải ngấm được một lượng dung dịch nhất định, tạo được một môi trường bên trong thi thể, lúc đó thi thể sẽ không bị xẹp, mà giữ nguyên như khi còn sống."
Theo ông Lopukhin, nhóm chuyên gia và các đồng nghiệp Việt Nam đã phải chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng cho những ngày để thi hài ông Hồ Chí Minh tại Hội trường Nhà Quốc hội để tổ chức Quốc tang.
"Trong những ngày Quốc tang, thi hài đã được bảo quản rất cẩn thận bởi có hàng nghìn người đến viếng, thời tiết thì nắng, nóng, rất dễ xảy ra thay đổi nào đó."
Sau bốn ngày Quốc tang, thi hài Hồ Chủ tịch được đưa trở lại Viện Quân y 108 và tiếp tục xử lý trong dung dịch ướp đồng thời chỉnh sửa để không thay đổi diện mạo so với khi ông Hồ còn sống, bắt đầu từ đôi mí mắt "để không bị trũng sâu".
Theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình gìn giữ bảo quản thi hài diễn ra tốt đẹp trong suốt thời gian qua.
Năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập hội đồng khoa học cấp Nhà nước để kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục công việc bảo quản và gìn giữ lâu dài.
Hồ Chủ tịch qua đời ngày 2/9/1969, nhưng một thời gian dài nhà nước Việt Nam công bố là ngày 3/9.

Không có đột phá từ chuyến thăm VN của Tướng Martin Dempsey

 Việt Hà, phóng viên RFA 2014-08-20
000_Hkg10088724.jpgTướng Martin E. Dempsey tại Bộ Quốc phòng Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội vào ngày 14 tháng 8 năm 2014- AFP photo
Chuyến thăm mới đây của Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tới Việt Nam được các phân tích gia quốc tế đánh giá là một bước tiến trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chuyến thăm nay vẫn chưa thực sự cho thấy một đột phá lớn trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước.
Một bước tiến rõ rệt
Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey từ ngày 13 đến 18 tháng 8 vừa qua được coi là một bước tiến quan trọng trong quan hệ quốc phòng hai nước kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.
Nói về ý nghĩa của chuyến thăm lần này của tướng Martin Dempsey đối với quan hệ quốc phòng hai nước, Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định:
Chuyến thăm của tướng Dempsey đánh dấu một bước tiến rõ rệt trong quan hệ hai nước vì chưa từng có một Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ nào đã từng đến Việt nam kể từ sau thống nhất. Theo tôi biết thì lần cuối là vào năm 1971. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, hai nước vẫn chưa đạt đến mức độ đó. Năm ngoái tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, tướng Đỗ Bá Tỵ đến thăm Washington và đi cùng ông là những viên chức cấp cao. Cho nên chuyến thăm này từ phía Mỹ là chuyến đáp trả. Cho nên ý nghĩa của chuyến thăm này chính là hai bên đã đạt được mức cao hơn trong quân đội chỉ thấp hơn mức Bộ trưởng quốc phòng.
Chuyến thăm của tướng Dempsey đánh dấu một bước tiến rõ rệt trong quan hệ hai nước vì chưa từng có một Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ nào đã từng đến Việt nam kể từ sau thống nhất.
- Giáo sư Carl Thayer
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ đã có những bước tiến nhất định, mở đầu là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen đến Hà nội vào năm 2000. Sau đó, vào năm 2003, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tướng Phạm Văn Trà đến thăm Mỹ. Cũng trong chuyến thăm này hai bên đã đồng ý sẽ có các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước cứ 3 năm một lần.
Theo Giáo sư Carl Thayer, quan hệ quốc phòng hai nước thật sự có những bước tiến mạnh và rõ rệt kể từ năm 2009 với việc các giới chức quân sự Việt Nam được bay đến tàu sân bay USS John D. Stennis ở biển Đông. Cũng trong năm đó, Việt Nam mở cửa cơ sở sửa chữa tàu tại vịnh Cam Ranh, và Mỹ là nước đầu tiên tận dụng cơ hội này. Các tàu của Mỹ thường xuyên ghé vịnh từ đó tới nay. Chỉ riêng trong năm 2011 và 2012, đã có 4 tàu hải quân Mỹ được sửa chữa nhỏ tại đây.
Năm 2011, hai nước ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, theo đó có 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác chính gồm các đối thoại chính sách cấp cao thường xuyên, an ninh biển, tìm kiếm cứu nạn, trợ giúp nhân đạo và thảm họa, và gìn giữ hòa bình. Kể từ năm 2011, Việt Nam cũng đã gửi các sĩ quan đến Mỹ để được đào tạo.
Thông tấn xã Việt Nam cho biết nhân chuyến thăm lần này, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa thiên tai, đào tạo, tăng cường chia sẻ thông tin, và hợp tác thực thi pháp luật trên biển.
Trong chuyến thăm này, tướng Dempsey cũng đến thăm Đà nẵng là nơi Mỹ đang trợ giúp Việt Nam tẩy rửa chất độc da cam còn sót lại sau chiến tranh.
Cơ hội
Chuyến thăm lần này cũng cho thấy những cơ hội trong việc phát triển quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Nói về cơ hội trong quan hệ quốc phòng giữa hai quốc gia, Giáo sư Carl Thayer cho biết:
Cơ hội chính là sự gặp nhau của lợi ích chiến lược và nó càng ngày càng sắc bén hơn vì những hành động của Trung Quốc…. Việt Nam tham gia vào sáng kiến chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (proliferation security initiative) mà trước đó Việt nam vẫn từ chối tham gia cùng Trung Quốc. Đây là bước tiến cho thấy Việt Nam đang làm điều tiến tới hướng mà Washington ủng hộ, và khi Việt Nam là thành viên không chính thức hội đồng bảo an liên hiệp quốc, Washington đã ca ngợi các hoạt động có tính xây dựng của Việt Nam. Cho nên là có sự hội tụ về lợi ích chiến lược ở khu vực và toàn cầu.
fd5b7cac-2c4f-4c4c-a9af-aa292742ebe8-250.jpg
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Mỹ, Tướng Martin Dempsey và Tổng tham mưu trưởng quân độ nhân dân Việt Nam, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ duyệt hàng quân danh dự tại Bộ Quốc phòng Hà Nội vào ngày 14 tháng 8 năm 2014. AFP photo
Ngày 20 tháng 5 năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tuyên bố Việt Nam ủng hộ việc tham gia hiệp ước sáng kiến chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Đầu tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ HD 981 gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hành động này đã kéo theo những đụng độ trên biển giữa các tàu chấp pháp của Việt Nam và tàu của Trung Quốc gần khu vực giàn khoan, và làm căng thẳng quan hệ giữa hai nước vốn là đối tác chiến lược toàn diện.
Cơ hội chính là sự gặp nhau của lợi ích chiến lược và nó càng ngày càng sắc bén hơn vì những hành động của Trung Quốc….
- Giáo sư Carl Thayer 
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc trường đại học George Mason, Hoa Kỳ, trong bài viết được đăng tải trên trang blog của Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) hôm 30 tháng 5 viết rằng, hành động này từ Trung Quốc cộng với những phản ứng yếu ớt khác từ những đối tác chiến lược khác đã khiến Việt Nam tìm đến Mỹ, đối tác hợp tác toàn diện của Việt Nam.
Trong khi đó Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng phản đối hành động gây hấn đơn phương từ Trung Quốc và coi đây là hành động gây mất ổn định và an ninh trong khu vực. Đồng thời Hoa Kỳ cũng luôn khẳng định nước này có lợi ích chiến lược tại khu vực.
Để trợ giúp cho các nước trong khu vực chống đỡ lại các hành động lấn lướt từ Trung Quốc, Hoa Kỳ vào năm ngoái cam kết cung cấp tàu tuần tra cho Philippines và  Việt Nam trị giá 32 triệu đô la. Theo cam kết được Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đưa ra nhân chuyến thăm Việt Nam hồi năm ngoái, Việt Nam sẽ nhận được 18 triệu đô la, bao gồm 5 tuần tra trên biển.
Khó khăn
Quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam hiện tại cũng còn tồn tại những khó khăn. Theo Giáo sư Carl Thayer, những khó khăn này bao gồm việc mở rộng các hoạt động chung như tìm kiếm cứu nạn, y khoa trong quân sự, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
Từ lâu Hoa Kỳ vẫn muốn gia tăng các hoạt động chung của quân đội hai nước cũng như tăng số lần tàu chiến Mỹ ghé thăm các cảng của Việt Nam nhưng Việt nam vẫn còn rất miễn cưỡng với các đề nghị này. Và vì vậy, chuyến thăm của tướng Dempsey lần này tới Việt Nam không cho thấy những bước đột phá. Giáo sư Carl Thayer nói:
Tôi không thấy bất cứ một dấu hiệu cho thấy đột phá mới nào sắp xẩy ra từ chuyến thăm của tướng Dempsey…. Phía Mỹ dường như muốn có thêm các chuyến ghé thăm của tàu Mỹ đến Việt Nam nhưng Việt Nam chỉ giới hạn với tất cả các nước là một chuyến thăm cảng mỗi năm nhưng có thể nhiều tàu. Cho nên nếu Việt Nam thay đổi lệ này với một nước thì họ phải thay đổi với các nước khác. Việt Nam có mở rộng cho trường hợp tàu quân y của Mỹ tới vì đây không được coi là tàu chiến ghé thăm, hoặc cho phép tàu Mỹ tới tìm kiếm phần máy bay rơi ở vùng nước của Việt Nam.
Một khó khăn khác nữa chính là lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ dành cho Việt Nam. Trong chuyến thăm của Thượng nghĩ sĩ John McCain tới Việt Nam trước chuyến thăm của Tướng Dempsey một tuần, Thượng Nghị sĩ John McCain đã lên tiếng ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương dần dần cho Việt Nam.
Phía Mỹ dường như muốn có thêm các chuyến ghé thăm của tàu Mỹ đến Việt Nam nhưng Việt Nam chỉ giới hạn với tất cả các nước là một chuyến thăm cảng mỗi năm nhưng có thể nhiều tàu.
- Giáo sư Carl Thayer
Hãng tin  Wall Street Journal mới đây trích nguồn tin quốc phòng Việt Nam cho biết Việt Nam đang có ý muốn mua máy bay P 3 C Orion của Mỹ. Việc dỡ bỏ lệnh cấm, có thể giúp Việt Nam mua được những máy bay này cho việc tuần tra trên biển.
Tuy nhiên, theo chuyên gia về Trung Quốc, bà Bonnio Glaser, thuộc CSIS, việc Việt Nam muốn mua vũ khí sát thương từ Hoa Kỳ cũng còn phụ thuộc vào ý chí chính trị từ phía Việt Nam.
Với Việt Nam, đây cũng là câu hỏi mang tính chính trị, tức là liệu họ có muốn phải chịu những hậu quả có thể xảy ra trong quan hệ với Trung Quốc khi họ mua vũ khí từ Mỹ. Đây là một tranh luận đang diễn ra ở Việt Nam về khả năng Việt Nam mở rộng quan hệ an ninh với Mỹ. Đây là một quá trình và sự tiến triển mà chúng ta cần phải chờ xem cuối cùng thế nào.
Với những hành động lấn lướt gần đây của Trung Quốc trên biển Đông, nhắm vào Việt Nam và Philippines, Việt Nam dường như đang xích lại gần hơn với Hoa Kỳ trong hợp tác quân sự và an ninh. Những cơ hội cho hợp tác hai bên là rõ ràng nhưng những khó khăn và thách thức cũng không nhỏ. Câu hỏi đặt ra là liệu hai nước sẵn sàng nhượng bộ đến mức độ nào để có thể đạt được những bước đột phá trong quan hệ quốc phòng hai nước.