RFA-2018-07-24
Hình ảnh được chụp lại trong buổi ghi hình cho chương trình “Đồng Lộc – Bài ca bất tử.”Courtesy of Facebook Nguyen Son
Lễ Kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng Đồng Lộc” và chương trình nghệ thuật “Đồng Lộc – Bài ca bất tử” do tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức bị công luận cho là lối mòn tuyên truyền lâu nay ở Việt Nam đã mất tác dụng; thậm chí còn làm mất niềm tin của nhiều người.
“Nhát ma” người xem?
Sau khi hình ảnh 10 cô gái mặc áo dài trắng giữa đêm được sử dụng nhằm minh họa cho 10 nữ thanh niên xung phong bị tử trận tại Ngã ba Đồng Lộc được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng cách cách dàn dựng chương trình như vậy là “nhát ma” người xem. Nghệ sĩ Nam, người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghệ thuật nhận xét.
Tất nhiên là áo dài trắng giữa đêm thì người ta nói tới ma đúng không. Thật ra những cô gái đó đã mất thì họ không muốn họ làm ma đâu. Người ta chỉ muốn biết họ đã từng sống như thế, đã từng hát giữa đêm như thế, đã từng chiến đấu hết mình như vậy. Người ta là người mà đâu phải ma đâu.
Một bạn khán giả trẻ thì nói rằng cách dàn dựng như vậy tạo cảm giác sợ hãi.
Theo cá nhân em thì dàn dựng sân khấu như vậy thì hơi ghê, cho mọi người thấy cái gì đó sợ hãi.
Thật ra những cô gái đó đã mất thì họ không muốn họ làm ma đâu. Người ta chỉ muốn biết họ đã từng sống như thế, đã từng hát giữa đêm như thế, đã từng chiến đấu hết mình như vậy.
-Nghệ sĩ Nam
Nhiếp ảnh gia Na Sơn cũng đăng tải hình ảnh trên Facebook cá nhân và nhận được hàng ngàn lượt quan tâm. Nhiếp ảnh gia Na Sơn bình luận như sau:
Hình ảnh những liệt nữ luôn "sống" đến ngày nay như từng được nói đến trong thơ ca, phim ảnh là ý nói đến sự tưởng nhớ trong tâm trí, trong suy nghĩ của thế hệ sau, chứ không phải hiện hồn thô thiển kiểu ma quỉ như thế này, hỡi những cái đầu làm tổ chức chương trình kia ơi!
Nghệ sĩ Huyền Đan thì lại cho rằng việc đánh giá chất lượng nghệ thuật là vấn đề phụ thuộc vào thẩm mỹ và tri thức của từng đối tượng khán giả.
Trong một số bộ phận người dân yêu thích xem truyền hình, họ không có nhiều sự lựa chọn về tiếp cận thông tin và mỹ học thì chắc là họ vẫn thấy bình thường. Còn mình thì đi nhiều bảo tàng, có chuyên môn về mỹ học, có quan tâm về sân khấu kịch bản thì mình thấy chuyện đó như là một kịch bản của sự ngu dốt.
Lịch sử và lòng tin
Từ trước đến nay, dư luận thường cho rằng những chương trình nghệ thuật có tính chất lịch sử được tổ chức ở Việt Nam đều mang hình thức tuyên truyền lộ liễu.
Đơn cử như việc cư dân mạng tại Việt Nam đã bày tỏ sự bức xúc về Lễ cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, được Nhà nước tổ chức một cách rầm rộ vào đầu năm nay. Người dân khi đó cho rằng việc tổ chức ăn mừng một sự kiện thương vong của đồng bào là không nên.
Blogger Trương Duy Nhất viết rõ “Lễ tưởng niệm biến thành những cuộc trình diễn cho người sống, cho hằng trăm quan chức phưỡn bụng ngồi xem. Nhiều dân tộc cũng đã đi qua chiến tranh. Nhưng không ai mải miết say sưa với những cuộc trình diễn tội ác như người Việt.”
Một khán giả trẻ mà RFA phỏng vấn cho biết bạn không quan tâm đến những hoạt động ca ngợi sự kiện lịch sử do chính quyền tổ chức.
Thực sự em không quan tâm lắm đâu tại vì nó không đúng vào cái em cần xem. Thường thường muốn xem thì phải có lòng tin mà em có cảm giác không có lòng tin cho lắm. Tất cả những người như tụi em thì chắc là 99% không thích cho lắm bởi vì không chạm được dây cảm xúc của những người trẻ vì khá là tuyên truyền.
Nghệ sĩ Huyền Đan cho biết tuy anh đồng cảm với thanh niên trong nước, nhưng anh nói việc tổ chức những chương trình giáo dục lịch sử như vậy là cần thiết.
Những chương trình lịch sử, vinh danh này nọ về mặt kiến thức hoặc truyền thông thì nó cần thiết. Nhưng nó chỉ cần thiết khi lịch sử được trả lại về sự thật của nó thôi. Còn bây giờ nhiều người trẻ không xem là vì họ biết họ đang xem những cái không thật.
Trở lại chương trình “Đồng Lộc – Bài ca bất tử”, nghệ sĩ Nam cho biết anh không trực tiếp xem chương trình nhưng khi xem thời sự trong nước thì cả anh và người trong gia đình đều ngạc nhiên vì không biết “chiến thắng Đồng Lộc” mà bản tin nói tới là chiến thắng nào.
Làm gì có cái chiến thắng nào ở nơi người ta chỉ xây dựng một cái cung đường thôi. Những cô gái đó chết là những điều bình thường trong chiến tranh thôi mà. Đâu có chiến thắng nào ở đó đâu. Chúng tôi đều hỏi nhau và đều đồng ý là làm quá. Cái này là làm quá bởi vì chẳng có chiến thắng nào ở Đồng Lộc cả.
Còn bây giờ nhiều người trẻ không xem là vì họ biết họ đang xem những cái không thật.
-Huyền Đan
Nghệ sĩ Nam khẳng định việc làm sai lệch lịch sử sẽ gây phản ứng ngược thay vì vinh danh người đã mất
Nếu mà chúng ta làm những gì đúng thì sẽ vinh danh những người đã mất. Còn chúng ta làm sai, làm quá, nói thêm nói bớt thì câu chuyện đó sẽ bị lệch lạc đi. Ví dụ như những người không hiểu gì về chiến tranh, không biết gì về những câu chuyện đã qua thì họ sẽ nhìn thấy đi vinh danh 10 con ma làm cái gì vậy? Thế là hay hay là dở!
Sự thật và thực tài
Câu hỏi làm thế nào để giới trẻ quan tâm hơn và yêu mến lịch sử nước nhà là điều mà ngành giáo dục và những người quan tâm vẫn luôn trăn trở. Nghệ sĩ Nam cho rằng nên tập trung vào sửa đổi sách giáo khoa lịch sử hơn là “diễn trò” bằng những chương trình ca múa văn nghệ.
Chương trình như thế này diễn ra một lần chẳng ai xem. Rồi nhiều khi diễn ra để cho mọi người cãi nhau một thời gian, 5, 7 ngày, một tuần lễ rồi quên. Thế đâu có hay! Điều quan trọng nhất hiện giờ với tôi là sách giáo khoa lịch sử phải viết lại cho đúng, cho đầy đủ để thanh niên hiểu nhiều hơn về lịch sử chính xác của Việt Nam là gì, để yêu quê hương mình đúng chứ không phải là bề nổi.
Nghệ sĩ Huyền Đan thì cho rằng anh phải lên tiếng vì những chương trình như vậy không chỉ sai về nội dung lịch sử mà còn yếu kém về tư duy nghệ thuật. Bên cạnh đó, anh hy vọng sẽ có những nghệ sĩ tài năng hơn tham gia vào những hoạt động truyền bá thông tin cho công chúng.
Em đả kích là vì em thấy nó quá sai, không nói sao được. Mình phải nói, nhưng mình vẫn ủng hộ chuyện phải có những hoạt động đó và những người giỏi có khả năng truyền tải ngôn ngữ ở những tầng nghĩa, ở những hình thức thể hiện mỹ học cao hơn.
Một nghệ sĩ dấu tên nói với RFA rằng những chương trình nghệ thuật tuyên truyền và ca ngợi của nhà nước luôn được làm theo đơn đặt hàng, thông qua những người mà theo người này là không có tư chất, không có kiến thức và lòng tự trọng.