Thursday, October 18, 2018

Những người mất tích trong thời gian gần đây

“…Đó là chiến thuật cũ và hiệu quả nhằm bịt miệng các đối thủ, nhưng những người xử dụng lại chiến thuật này có thể sẽ phải hối hận về quyết định của mình…”
Từ Trung Quốc tới Ả Rập Xê Út, các chế độ độc tài hiện đang bắt cóc một cách lén lút và bất ngờ những người mà họ không ưa, trong đó có cả những nhân vật nổi tiếng và quan chức cấp cao, những người này thường bị giam giữ hoặc bị đối xử tồi tệ hơn. Đó là chiến thuật cũ và hiệu quả nhằm bịt miệng các đối thủ, nhưng những người xử dụng lại chiến thuật này có thể sẽ phải hối hận về quyết định của mình.
missing_persons00
Từ các chế độ độc tài quân sự từng cầm quyền ở Argentina và Chile trong những năm 1970 và 1980 cho tới chế độ bàn tay sắt của Joseph Stalin ở Liên Xô, chế độ độc tài đã quen với việc làm cho những người gièm pha họ “mất tích”. Hiên nay, dường như người ta đang xử dụng lại biện pháp tán ác này.

Dưới chế độ quân sự ở Chile hay Argentina, một người có thể bị ném thẳng từ máy bay trực thăng xuống biển, và không bao giờ xuất hiện trở lại nữa. Họ có thể bị giết và sau đó bị đốt để không thể nào nhận diện được hay ném vào thùng vôi để đẩy nhanh quá trình phân hủy, rồi được chôn trong ngôi mộ không có bất kì dấu vết gì.

Ở Liên Xô thời Stalin, một người nào đó có thể bất ngờ bị đưa đến Lubyanka (trụ sở chính của KGB) hoặc một số địa điểm khủng khiếp khác. Trong những cuộc thanh trừng hồi những năm 1930 và sau đó, các đảng viên Đảng Cộng sản là những người dễ bị thanh trừng nhất, và hàng triệu công dân Liên Xô đã biến mất không để lại dấu vết gì trong các nhà tù hoặc trại lao động khổ sai (gulag).

Hiện nay, các nhà độc tài đang lập lại chiến thuật như như thế, họ bắt người một cách lén lút và bất ngờ, trong đó có cả các nhân vật nổi tiếng và các quan chức cấp cao, những người này thường bị giam giữ hoặc bị đối xử tồi tệ hơn. Trong nhiều trường hợp, những người “đã biến mất” cuối cùng lại xuất hiện, nhưng với quan điểm khác hẳn về việc làm của họ trong quá khứ hoặc quan điểm khác hẳn về chính phủ đã từng giam giữ họ. Lúc này, Trung Quốc và Ả Rập Xê-út là những nước nổi bật nhất - mặc dù không phải chỉ có hai nước này – vì đã dàn dựng một loạt các vụ bắt cóc hoặc thủ tiêu ngày càng trắng trợn những người phê phán mình.

Trung Quốc đứng đằng sau vụ mất tích, trong tháng vừa rồi, chủ tịch Interpol, Meng Hongwei (Mạnh Hoành Vĩ), khi ông này đi từ Pháp - trụ sở Interpol đặt ở đây - đến Bắc Kinh - ông từng là Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Vụ bắt cóc Mạnh Hoành Vĩ làm người ta đặc biệt choáng váng, vì năm 2016 nhiều người Trung Quốc đã gióng trống khua chiêng về vụ bổ nhiệm ông này vào chức vụ cao nhất của Interpol - ông trở thành công dân Trung Quốc đầu tiên lãnh đạo một tổ chức lớn trên thế giới - như một dấu hiệu cho thấy đất nước này đã đạt đến vị trí cao nhất trong trật tự quốc tế ngày nay.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đơn giản là sẵn sàng vứt bỏ chiến thắng trong quan hệ công chúng vừa giành được. Cuối cùng, người ta thông báo rằng Mạnh Hoành Vĩ đã bị bắt giam và đang bị điều tra về tội nhận hối lộ. Quyết định, được biện hộ như là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra của Trung Quốc - nỗ lực mà những người phê phán nói là nhằm che giấu việc loại bỏ các nhân vật chính trị không trung thành với Tập [Cận Bình] – thể hiện thái độ coi thường hoặc thậm chí là khinh bỉ dư luận trên thế giới.

Trên thực tế, có thể coi Tập [Cận Bình] là kẻ bắt cóc hàng loạt. Kể từ khi ông ta lên nắm quyền vào năm 2012, tất cả mọi loại người - từ các nhà xuất bản sách quy mô nhỏ ở Hồng Kông (trong đó có một số người không phải là công dân Trung Quốc) đến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc - đã và đang bị bắt cóc một cách lén lút và đưa về Trung Quốc. Sau một thời gian dài im lặng và sống kín đáo, họ lại xuất hiện và phủ nhận công việc trong quá khứ của mình.

Chuyện đó đã xảy ra với Phạm Băng Băng, ngôi sao điện ảnh lớn nhất Trung Quốc. Phạm Băng Băng biến mất vào tháng 7 năm ngoái, khi tài khoản trên nền tảng truyền thông xã hội Sina Weibo (một kiểu Twitter của Trung Quốc) liên tục có nhiểu bài đăng đột nhiên ngưng hẳn. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng người ta cho rằng chính phủ đã làm gì đó, và các doanh nghiệp thuê Phạm Băng Băng làm phát ngôn viên đã ngừng giao dịch với ngôi sao điện ảnh này.

Cuối cùng, đầu tháng này Phạm Băng Băng đã tái xuất hiện, cô xin lỗi vì đã trốn thuế, và bây giờ cô sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt khá lớn. Đáng chú ý là, ngôi sao điện ảnh này hết lời khen ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc, cô tin rằng Đảng đã giúp cô thành công trong vai trò người diễn viên. Tất cả đều rất quen thuộc, nó làm người ta nhớ lại những lời thú nhận đáng khinh bỉ của Nikolai Bukharin, tổng biên tập tờ Pravda, tờ báo của Đảng Cộng sản Liên Xô, và những người khác trong vụ thanh trừng do Stalin tiến hành.

Ả Rập Xê Út cũng tiến hành một loạt vụ bắt cóc những người nổi tiếng, với động cơ chính trị. Năm ngoái, Thái tử Mohammed bin Salman của Ảrập Xêút đã ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Lebanon Saad Hariri, đang thăm chính thức Riyadh. Hariri đã bị cách li khỏi các vệ sĩ của mình và buộc phải từ chức. Vài tuần sau, và rõ ràng là đã được những người bắt cóc “giác ngộ”, ông ta được phép trở về Lebanon và tiếp tục giữ chức vụ dân cử như cũ.

Rồi, tuần trước, Jamal Khashoggi, một nhà báo Ảrập Xêút sống lưu vong, đã biến mất sau khi vào tòa lãnh sự của Ảrập Xêút ở Istanbul để lấy tài liệu xác nhận rằng đã ly hôn, để ông có thể cưới một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày hôm sau. Vị hôn thê của ông chờ ở cổng lãnh sự quán; nhưng anh không bao giờ xuất hiện trở lại.

Việc Khashoggi biến mất là bằng chứng tiếp theo về việc các nhà độc tài hiện nay coi thường biên giới quốc gia đến mức nào. Chưa ai biết người ta đã làm gì với Khashoggi, nhưng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đứng đầu là Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan, khẳng định rằng ông ta đã bị giết trong khi vào lãnh sự quán.

Theo các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, hai đội, tổng cộng 15 người, bay từ Riyadh đến Istanbul vào ngày Khashoggi tới lãnh sự quán và đã ra đi sau đó vài giờ. Người Nga cũng đã quen với những việc như thế: Stalin cũng có các đội ám sát đặc biệt, một trong số những đội như thế đã giết Leon Trotsky, kẻ thù không đội trời chung với ông ta ở Mexico. Không ngạc nhiên khi người Saudi phủ nhận rằng đã có bất kỳ hành vi sai trái nào. Khashoggi, họ tuyên bố, đã ra khỏi lãnh sự quán.

Nước Nga không chỉ biết tới những vụ biến mất do chính phủ dàn xếp trong quá khứ. Người ta cũng biết chế độ của Tổng thống Vladimir Putin từng nhắm vào những kẻ bất mãn nhằm loại bỏ họ khi những người này ra nước ngoài, ví dụ, chính phủ nước này bị cáo buộc là đã dùng chất làm tê liệt thần kinh để tấn công điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái ông này, tên là Yulia, khi họ đang ở Anh, vào tháng 3 vừa qua.

Câu hỏi đặt ra là liệu việc các nhà độc tài khinh thường đường biên giới hay chủ quyền khi bịt miện các đối thủ có tương xứng với chi phí bỏ ra hay không. Trong phần lớn thế giới phương Tây, Putin bị coi là kẻ vứt đi, Tập [Cận Bình] đang ve vãn, nhưng uy tín đang bị mất, và danh tiếng của Hoàng tử Mohammed, như một nhà cải cách đã bị tổn thương nghiêm trọng, có lẽ không thể nào khắc phục được. Có thể chẳng bao lâu nữa, tất cả những người đó sẽ phải nhận thức như Joseph Fouché, cảnh sát trưởng của Napoléon, sau vụ bắt cóc và phiên tòa xét xử mang tính trình diễn Công tước Enghien: “Tệ hơn là tội ác; đấy là một sai lầm”.
Nina L. Khrushcheva
Phạm Nguyên Trường dịch
(*) Nina L. Khrushchevatác giả cuốn: Imagining Nabokov: Russia Between Art and Politics và cuốn The Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind, hiện là Giáo sư giáo sư tại The New School và và nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Thế giới (World Policy Institute). Bà là cháu ruột của ông Nikita Sergeyevich Khrushchev (15 /4/1894 – 11/9/1971) Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Liên Xô năm 1953 sau khi Staline qua đời.

Mất trộm mới rào giậu

Ông còn cho biết thêm: ”Rất nhiều phương tiện truyền thông đã nói tới những hình thức rửa tiền nhằm hợp thức hóa lượng tiền chuyển ra nước ngoài hoặc chuyển ngoại tệ từ nước ngoài về Việt Nam. Đây là một trong những cách đó.”...
rua_tien
Tổng Bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng nhận thêm chức Chủ tịch nước từ chiều ngày 23/10/2018, sau cuộc bỏ phiếu kín của Quốc hội nhưng liệu tam đầu chế gồm ông, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 14 Ủy viên Bộ Chính trị có dám công bố bản kê khai tài sản cho dân kiểm tra để làm gương, hay vì, như lời ông nói : “khó, nhạy cảm và phức tạp” nên cứ im đi cho đẹp lòng nhau?

Thắc mắc này đã có từ lâu nhưng không ai, kể cả lớp đàn anh của ông Trọng trong đảng, dám công khai nêu lên, dù nhiều người khen ông đã có quyết  tâm chống tham nhũng và coi ông là người có đủ điều kiện và xứng đáng được giữ luôn chức Chủ tịch nước cho tiện việc quốc gia và ngoại giao quốc tế.
Ông Trọng đã được Ban Chấp hành Trung ương đồng thuận “giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV”, bắt đầu từ ngày 22/10/2018. Nhưng không biết ai đã có sáng kiến nhập hai chức danh Tổng Bí thư đảng và Chủ tịch nước làm một, hay thủ tục nào  đã được Trung ương đảng áp dụng tại phiên họp ngày 03/10/2018, để cử ông Trọng.
Việc gì ở Việt Nam cũng do Bộ Chính trị quyết định cả, mà ông Trọng lại đứng đầu cơ chế này, trong khi Quốc hội chỉ đóng vai “đóng dấu cho xong” nên thủ tục pháp chế theo tiêu chuẩn ở  các nước tự do và dân chủ không bao giờ được coi là phải có.

Việc mới, chuyện cũ

Bên cạnh chuyện ông Trọng một mình ngồi 2 ghế, sau 5 ngày họp của Trung ương 8 (từ 02-06/10/2018) Trung ương còn đồng ý ban hành “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Trung ương đảng”.
Nhưng theo lời ông Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Bồi dưỡng và Đào tạo, Ban Tổ chức trung ương nói với báo chí tại Hà Nội thì : “Đã có 148 lượt ý kiến của các ủy viên Trung ương khi thảo luận về dự thảo Quy định… Khi xây dựng dự thảo này, Tổng Bí thư đã đánh giá đây là vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp nên Ban Tổ chức Trung ương và chúng tôi trong nhóm soạn thảo đã rất thận trọng. Trong quá trình nghiên cứu đã báo cáo Ban Bí thư một lần, Bộ Chính trị hai lần và phát phiếu xin ý kiến các ủy viên Trung ương… Kết quả thảo luận ở Trung ương 8 thì nhất trí cao ban hành quy định này nhưng yêu cầu Bộ Chính trị chỉ đạo hoàn thiện tiếp và một vòng lấy ý kiến các ủy viên Trung ương nữa, rồi mới ký ban hành”
Như vậy là chưa suôn sẻ. Tại sao chỉ có 148 trên tổng số 178 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết cho ý kiến?  Còn lại 40 Ủy viên không có ý kiến đối với Quy định phải làm gương, hay họ không muốn tham gia thảo luận một Quy định liên quan đền cá nhân mình?
Vì vậy việc “phải hoàn thiện tiếp bản Quy định và cần thêm một vòng lấy ý kiến” các ủy viên Trung ương sẽ kéo dài bao lâu chưa ai biết.

Nhưng nội dung Quy định làm gương mới có gì khác với hàng hà sa số những Nghị quyết và Quy định đã được ban hành từ khi ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thứ đảng Khóa XI năm 2011?

Nhìn chung không có gì bất thường và đặc biệt, ngoại trừ mục đích đặt trọng tâm vào những người đứng đầu guồng máy cai trị, trong số này quan trọng nhất là các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Trung ương đảng.
Tại sao đến bây giờ sau gần 8 năm cầm quyền mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn còn phải tơi tả và mất ăn mất ngủ với những tính hư tật xấu và sự bất tuân lệnh trên của đội ngũ cán bộ, nhất là những kẻ có chức có quyền đã và đang làm cho đất nước suy thoái và dân ngày một nghèo thêm?

Nếu duyệt qua những “Quy định 101, ngày 07/06/2012 của Ban Bí thư “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” Quy định 47 ngày 01/11/2011về những điều đảng viên không được làm” gồm 19 điều; Quy định 55 của Bộ Chính trị ngày 19/12/2016 về “một số việc cần làm ngay để tăng cườngvai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; và sau cùng là Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 “về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm”  của Bộ Chính trị thì sẽ thấy dự thảo Quy định làm gương cũng chỉ lập lại những việc đã thất bại.
Nếu đáng chú ý chăng là 2 điểm của Dự thảo yêu cầu :
 
(1) “Các ủy viên phải mẫu mực về đạo đức, lối sống, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.
(2) “Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật...”
Liệu làm được không?
Hai đòi hỏi của Quy định làm gương nếu chỉ viết để coi chơi thì được chứ thi hành có kết quả thì khó đấy, nếu đảng vẫn tiếp tục che mắt nhân dân những bản kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên nhất là các cấp lãnh đạo và các ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư và Ban chấp hành Trung ương.
Chỉ có cách duy nhất có thể lấy lại lòng tin cho nhân dân và làm gương cho cả đảng là trước tiên ông Nguyễn Phú Trọng, trong 2 vai vừa Tổng Bí thư và Chủ tịch nước hãy cùng với Chủ tịch Quốc hội (bà Nguyễn Thị Kim Ngân); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tam đầu chế của chế độ,  và 14 Ủy viên còn lại của Bộ Chính trị bạch hóa cho toàn dân thấy tờ khai tài sản của mình có gì.
Sau đó, đến lượt tất cả các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương xuống đến lãnh đạo địa phương và các Tổ chức, đoàn thể  của đảng và của Mặt trận Tổ quốc cũng làm như thế như một phong trào làm gương thì may ra mới chu toàn được chủ trương “nói đi đôi với làm”.
Nhưng trước khi muốn xâm mình liều mạng thì cả đảng hãy lắng nghe ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ươngĐảng nói với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Việt Nam).
VOV viết:  Để thanh lọc, đấu tranh với nạn tham nhũng, dù khi đó mới chỉ là tham nhũng vặt, ông Hương không khỏi day dứt khi chứng kiến tình trạng tham nhũng hiện nay đã trở nên vô cùng nghiêm trọng, con số mất mát lên tới hàng nghìn tỷ đồng và điều đau xót hơn cả, theo ông Hương chính là chúng ta đều biết đồng chí mình, cán bộ mình bắt tay nhau để ăn cắp của đất nước.”
“Liên hệ đến những vụ đại án gần đây thiệt hại hàng nghìn tỷ”, VOV viết tiếp, “ông Hương trầm ngâm “Cán bộ tham nhũng, đút lót nhau hàng trăm tỷ, nhưng chưa thấy ai từ chức vì sai phạm. Cả cuộc đời 60 năm làm công tác tổ chức cán bộ, tôi chưa thấy ai từ chức”. (VOV, ngày 06/07/2018)

Như vậy thì hy vọng gì ở lời kêu gọi của dự thảo Quy định làm gương của “Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương chủ động từ chức”  khi không làm tròn nhiệm vụ?

Nhất là khi đã có một số cán bộ từng khai khi không chứng minh được nguồn gốc khối lượng tài sản khổng lồ của họ :“khối tài sản đó có được là từ bán chổi hay nuôi gà, heo” !

Những điều cấm kị
Để biết thêm dự thảo Làm gương viết gì, dưới đây là thông tin đã được lan rộng trong nước, dù đảng cố gắng giấu:
Dự thảo được xây dựng ngắn gọn với 4 điều. Trong đó,

Điều 1:“quy định tất cả cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phải gương mẫu chấp hành cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Đồng thời nghiêm túc thực hiện quy định về: "Những điều đảng viên không được làm", "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp", "Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên".
Minh bạch kê khai tài sản, thu nhập
Một trong những nội dung quan trọng, nổi bật là quy định ở Điều 2: “nêu gương trách nhiệm của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương.
Theo đócác Ủy viên phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng. Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hy sinh lợi ích cá nhân, lấy sự hài lòng, ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Quyết đoán, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; xử lý nhanh, hiệu quả những tình huống khẩn cấp, bất ngờ.
Các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương đề cao nhân cách, đạo đức trong lãnh đạo, quản lý; thường xuyên đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm…
Cán bộ thuộc diện này phải gương mẫu thực sự dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch và giữ vững nguyên tắc trong công tác cán bộ. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận và người thay thế mình; khuyến khích, bảo vệ cán bộ thẳng thắn, trung thực, năng động, sáng tạo, đổi mới. Chú trọng phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài.
Đáng chú ý, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tích cực thực hiện phân cấp, phân quyền, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.  Các ủy viên phải mẫu mực về đạo đức, lối sống, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.
Đồng thời nghiêm túc, công tâm, khách quan, cầu thị trong tự phê bình và phê bìnhthấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh. Dũng cảm nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, không tranh công đổ lỗi; không định kiến, trù dập người góp ý, phê bình. Không lợi dụng phê bình để xu nịnh, lấy lòng, thổi phồng thành tích hoặc bôi nhọ, cường điệu khuyết điểm, hạ thấp uy tín của nhau.
Bên cạnh đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật...”
Điều 3: “quy định từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền; “lợi ích nhóm”; tham nhũng, hối lộ; chạy chức, chạy quyền; để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi… đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.”
Điều 4 : “quy định trách nhiệm của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; BCH Trung ương phải xác định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện quy định.
"Không loại trừ ai, bất kỳ vị trí nào"
"Dự thảo quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống".
Trong số này có những yêu cầu :

1)”Không đầu tư tài chính, mua bất động sản ở nước ngoài; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thành tích, "tư duy nhiệm kỳ", công thần, tự cao, tự đại, háo danh, phô trương, "đánh bóng" tên tuổi...”
2) Chống đoàn kết xuôi chiều, cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, cơ hội, thực dụng, nịnh trên, nọt dưới; quan liêu, xa dân, gây phiên hà, hách dịch với nhân dân; lợi dụng tập thể để trốn tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện ý đồ cá nhân.
3) Chống lạm quyền, lộng quyền, tham vọng quyền lực; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách để trục lợi; lợi ích cục bộ, thông đồng, thỏa hiệp, tạo cơ chế "xin - cho", "duyệt - cấp".
4) Chống việc can thiệp không đúng thẩm quyền vào công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…”
5) Chống lợi dụng Doanh nghiệp  hoặc để Doanh nghiệp lợi dụng; liên kết lập "sân sau ”, "lợi lch nhóm"; dung túng, bao che, móc ngoặc, thông đồng với Doanh nghiệp trục lợi. Việc sử dụng tiền, tài sản của DN, tổ chức, cá nhân làm giàu bất chính, vụ lợi như mua đất, xây nhà, cho người thân du học, đi công tác, du lịch nước ngoài, chơi golf, tiêu dùng xa xỉ... cũng phải kiên quyết chống.

6)
  Chống  để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình can thiệp, chi phối, thao túng các công việc cùa địa phương, cơ quan, đơn vị, Doanh  nghiệp  như công tác cán bộ, xin dự án, cấp đất, đấu thầu, mua cổ phần...
7) Chống sống xa hoa, phô trương, ngạo mạn, coi thường pháp luật, sa vào các tệ nạn xã hội;

8) Chống chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, phiếu tín nhiệm…

9) Chống can thiệp, gây áp lực trong công tác cán bộ, nhất là lợi dụng quy trình để bổ nhiệm, bố trí người nhà, “cánh hẩu” vào các vị trí, chức danh lãnh đạo, quản lý và nơi có nhiều lợi ích.
(Tổng hợp từ Zing.VN và VietnamNet)
Nhìn chung, những quy định trên đây đã có những tiến bộ, nhưng riêng điều cấm đầu tư hay mua bất động sản ở nước ngoài là những việc làm khó thực hiện vì bấy lâu nay, có vô số căn nhà đắt tiền triệu hay các cửa hàng, công ty buôn bán hàng chục triệu Dollars đã được bí mật sang tên cho người Việt Nam khác đứng tên ở Mỹ, đặc biệt ở California, nhưng không ai biết chủ nhân thật của chúng là ai.
Ngoài ra từ năm 2015, chuyên gia kinh tế Liên Hiệp Quốc Vũ Quang Việt đã có lần tiết lộ con số 33 Tỷ dollars đã ra khỏi Việt Nam bằng nhiều ngõ ngách, kể cả “nhập lậu và có dấu hiệu tham nhũng”.
Ông Việt viết trê báo Đất Việt ngày 26/01/2015: ”Con số 33 tỷ USD của Việt Nam chảy ra nước ngoài không hợp pháp từ năm 2008 đến năm  2013 là có thật, và đặc biệt là mức chảy ra ngoài tăng mạnh từ sau năm 2008.  Năm 2009, số tiền chảy ra nước ngoài trên 9 tỷ USD, từ năm 2010 có giảm xuống nhưng lại ngày càng tăng và đạt mức gần 9 tỷ năm 2013 . Đây là con số tính được từ bản cân đối thanh toán với nước ngoài.”
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng đã từng nói với báo Đất Việt trong nước (03/01/2015) rằng: ”Khi ở California tôi đã chứng kiến nhiều người Việt chồng cả vali tiền mặt (có khi lên tới hàng trăm ngàn USD) để mua nhà, mua biệt thự ở đây. Câu hỏi đặt ra là tiền mặt ở đâu mà lớn thế?”
Ông còn cho biết thêm: ”Rất nhiều phương tiện truyền thông đã nói tới những hình thức rửa tiền nhằm hợp thức hóa lượng tiền chuyển ra nước ngoài hoặc chuyển ngoại tệ từ nước ngoài về Việt Nam. Đây là một trong những cách đó.”
Như vậy thì có phải đảng CSVN đã mất trộm rồi mới rào giậu phải không?
(10/018)
Phạm Trần

Vụ Thủ Thiêm: Đừng ‘đau xót’, ngưng ‘xin lỗi’, sửa từ gốc

 Theo VOA-Trân Văn/19/10/2018 
Vụ Thủ Thiêm: Hàng chục nhà báo, người dân ‘vây’ trụ sở tiếp dân.
Vụ Thủ Thiêm: Hàng chục nhà báo, người dân ‘vây’ trụ sở tiếp dân.
Đại diện Thành ủy, Hội đồng nhân dân và chính quyền TP.HCM lại vừa nhận lỗi với dân chúng Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) thêm một lần nữa khi tiếp các nạn dân vào sáng 18 tháng 10.
Vài tháng gần đây, ngoài “xin lỗi”, những tổ chức chính trị và các cơ quan công quyền ở TP.HCM còn liên tục bày tỏ sự “đau xót”, “day dứt” về thảm nạn, thảm cảnh mà dân chúng Thủ Thiêm đã gánh chịu trong hai thập niên vừa qua...
***
Bất chấp kết quả khảo sát và kết luận của các Đô thị gia thời thuộc Pháp và thời Việt Nam Cộng hòa (nếu cần mở rộng Sài Gòn, không nên phát triển về hướng Nam, Đông Nam – bán đảo Thủ Thiêm – vì khu vực này là vùng trũng, kết cấu địa tầng yếu, xây dựng hệ thống hạ tầng vừa tốn kém, vừa không an toàn vì dễ ngập lụt, sụt lún, sạt lở), giữa thập niên 1990, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam vẫn quyết định xây dựng một đô thị mới ở Thủ Thiêm.
Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm” đặt nền cho việc giải tỏa trắng bán đảo Thủ Thiêm, đẩy khoảng 14.000 gia đình với chừng 60.000 người đi chỗ khác. Cho đến nay, kế hoạch thu hồi đất xem như đã xong (99%), 716 héc ta đất đã sạch người, sạch nhà để dành 382 héc ta trong số này cho các dự án phát triển gia cư và 334 héc ta còn lại cho các dự án phát triển các khu thương mại, trung tâm dịch vụ.
Chỉ có một chuyện chưa xong và chắc là còn lâu mới giải quyết xong hậu quả là phản ứng của dân chúng Thủ Thiêm. Dù đồng ý hay không thì họ vẫn bị bứng khỏi nơi cư trú, nhà bị phá, đất bị lấy, tiền bồi thường thì rẻ mạt, chừng 5% so với giá mà chủ đầu tư các dự án được giao đất bán lại ngay sau đó. Để thực hiện Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cũng đã dọn dẹp gần như sạch sẽ khoảng 30 cơ sở thờ tự của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng (Đình, Đền, Miếu, Chùa, Tịnh xá, Nhà nguyện, Nhà thờ). Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm là hai cơ sở thờ tự chưa bị phá hủy theo… quy hoạch.
Giữa thập niên 2000, dân Thủ Thiêm bắt đầu dắt díu nhau đi kêu oan về giá bồi thường đã rẻ mạt mà còn tùy tiện, không có phương án đền bù, cưỡng bức giải tỏa – thu hồi đất không có kế hoạch tái định cư, hỗ trợ tái định cư theo qui định pháp luật hiện hành, cưỡng bức giải tỏa – thu hồi đất bên ngoài phạm vi Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm” đã được chính phủ Việt Nam phê duyệt… Ơ Hà Nội, nơi tập trung các cơ quan quyền lực cao nhất, chỗ mà các nạn dân từ khắp nơi trên toàn Việt Nam đổ về để kêu oan có “làng Thủ Thiêm”. Cho dù dân chúng Thủ Thiêm kêu oan ròng rã chừng hai thập niên, không những không nghe, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam còn tìm đủ mọi cách để dập tắt những tiếng kêu oan.
Ngoài chuyện bị đánh đập, bị sách nhiễu, thậm chí bị tống giam như ông Nguyễn Hồng Quang (một mục sư Tin Lành, người vừa khiếu nại việc cưỡng bức, giải tỏa tư gia và một nhà nguyện thuộc Giáo phái Mennonite tại khu vực Thủ Thiêm, vừa hỗ trợ dân chúng trong khu vực này khiếu nại), sử dụng hệ thống truyền thông chính thức cáo buộc ông Quang là “lưu manh chuyên nghiệp”, “kích động gây rối cản trở di dời, giải tỏa” (1), nhiều cư dân Thủ Thiêm, kể cả cán bộ, đảng viên CSVN vì gia đình khiếu nại mà bị truy bức đến mức tự sát như ông Trần Vĩnh Phúc, Thiếu tá công an, từng làm việc tại Công an Quận 2 (2). Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm” còn là nguyên nhân đầy cả dân lẫn cán bộ, đảng viên CSVN lún sâu vào mâu thuẫn không thể hóa giải với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam. Trong số này có cả những cán bộ, đảng viên cao cấp như ông Hồng Minh Hải, Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh Binh chủng Đặc công, Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Hải là một trong ba gia đình “tử thủ” tại nơi từng là Khu phố 1, phường Bình An, quận 2. Sở dĩ nỗ lực “tử thủ” thành công vì ông tuyên bố sẽ bắn bất kỳ ai phá nhà – giải tỏa – thu hồi đất của gia đình ông. Mới đây, qua cuộc trò chuyện với Võ Đắc Danh (một facebooker từng làm báo), ông Hải tiết lộ thêm, ông đã lập xong danh sách “đầu sỏ” của kế hoạch phi lý, bất nhân, nhân danh phát triển này, đã nghiên cứu kỹ địa hình, địa vật nơi những tên “đầu sỏ” cư trú, đã soạn sẵn “cáo trạng” dành cho những cá nhân thực sự là “kẻ thù của nhân dân” để khi cần sẽ xử từng tên rồi tự xử mình theo kiểu của lính (3)…
***
Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm” không chỉ đẫm nước mắt mà còn đẫm máu. Tiền có thể bù đắp những thiệt hại về tài sản, những thiệt hại vật chất, song tiền có thể tái sinh những cá nhân đã uổng mạng vì bị dồn đến cùng đường, vì thiếu thốn, cay cực trong hai thập niên lặn ngụp giữa oan khiên? Tiền có thể khôi phục hạnh phúc, sự đầm ấm cho những gia đình tan nát, bảo đảm tương lai cho những thanh niên, thiếu nữ trưởng thành trong dở dang về giáo dục, lỡ làng về nghề nghiệp vì bị tước mất những cơ hội vốn là nền móng để từ đó bước vào đời một cách vững vàng?
Một câu hỏi khác cần được trả lời là những khoản tiền bồi thường cho các nạn dân của Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm” sẽ lấy từ đâu? Chắc chắn không phải từ những chủ đầu tư các dự án như: Công ty Quốc Lộc Phát, Công ty Đại Quang Minh, Tập đoàn Lotte, Liên danh Tiến Phước – Trần Thái – Denver Power,… Khi “tiền đã trao, cháo đã múc” chẳng còn lý do nào để buộc các nhà đầu tư phải trả thêm.
Tất nhiên, tiền bồi thường cho các nạn dân của Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm” sẽ lấy từ ngân sách, sẽ “cấu, véo” vào những khoản chi dành cho các công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh vốn đã eo hẹp, nếu chưa đủ thì sẽ đi vay, vay ngoại quốc không được hay không đủ thì phát hành trái phiếu để vay trong nước từ tiền tiết kiệm mà dân chúng gửi cho hệ thống ngân hàng, từ những quỹ mà dân chúng phải đóng góp để bảo đảm an sinh xã hội... Không kiểu này thì kiểu khác, hơn 90 triệu người Việt, trong đó có cả dân chúng Thủ Thiêm sẽ gánh chịu những thua thiệt do chuyện “cấu, véo” vào những khoản lẽ ra phải dành cho các công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh và sẽ phải trả cho sạch những khoản vay để sửa sai không bằng hình thức này thì bằng hình thức khác.
Đó có thể là lý do hồi hạ tuần tháng trước, khi họp báo về Kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc thực hiện Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm”, ông Võ Văn Hoan, Phát ngôn viên của chính quyền TP.HCM, xin lỗi cả dân chúng Thủ Thiêm lẫn dân chúng thành phố này, còn ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch TP.HCM thì nhấn mạnh, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện nay chỉ là “kế thừa” và hai hệ thống “kế thừa” này chỉ giải quyết khoảng 100 trường hợp đã cưỡng chế - thu hồi ngoài kế hoạch chứ không “hồi tố” (4). Theo hướng đó, có lẽ còn rất lâu Thủ Thiêm mới yên và trách nhiệm giải quyết hậu quả của Dự án “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm”có thể kéo dài cho tới khi các hệ thống “kế thừa” hiện nay hết nhiệm kỳ rồi chuyển cho các hệ thống “kế thừa của kế thừa” giải quyết tiếp.
Hai chữ “kế thừa” quả là tuyệt! Chúng giúp phân định rạch ròi trách nhiệm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện nay với các hệ thống tương ứng của những “nhiệm kỳ trước”, cho dù nhiều thành viên của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện nay như ông Nguyễn Thiện Nhân (Bí thư), bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân), ông Nguyễn Thành Phong (Chủ tịch TP.HCM),… đều có “dây mơ, rễ má”, đều “trưởng thành” từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của các “nhiệm kỳ trước”.
Chẳng lẽ ngoài “xin lỗi”, bày tỏ sự “đau xót”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện nay ở cả TP.HCM lẫn trung ương không có chút trách nhiệm nào khi oan khốc Thủ Thiêm kéo dài hai thập niên? Chẳng riêng dân chúng Thủ Thiêm, trong thảm nạn Thủ Thiêm, dân chúng Việt Nam đã nhiều lần đồng thanh xướng tên một số cá nhân mà họ xem là thủ phạm trực tiếp: Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang,… Cứ cho là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ xử lý các thủ phạm một cách nghiêm minh nhưng chỉ như thế đã đủ để “hởi lòng, hởi dạ” vì công lý đã được thực thi? Tại sao thủ phạm có thể công khai gieo rắc oan khiên cho hàng chục ngàn gia đình và sự phi lý, phi nhân ấy dẫu rành rành giữa thanh thiên, bạch nhật suốt hai thập niên mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không hành động?
Những oan khiên kiểu Thủ Thiêm đâu chỉ có ở quận 2, TP.HCM, chúng được gieo rắc ở khắp nơi suốt sáu thập niên và ai cũng biết nguồn gốc từ đâu nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không muốn sửa, đất đai vẫn phải thuộc sở hữu toàn dân vì đó là nền móng để xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, chỉ có Đảng CSVN mới xứng đáng nắm giữ quyền lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện. Chỉ khi tình thế không cho phép làm ngơ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam mới bày tỏ sự “đau xót”, “xin lỗi”, hứa “sửa sai” nhưng giữ nguyên gốc. Cứ thế thì thảm cảnh còn nhiều, thảm nạn còn lâu, những “đầu sỏ” lớn sẽ tiếp tục làm “đèn giời, soi sét” những “đầu sỏ” nhỏ hơn, kém thế hơn. Thế thôi!
Chú thích

Hiệp định thương mại với EU có giúp thúc đẩy dân chủ ở Việt Nam?

VOA Tiếng Việt/19/10/2018 
Bên cạnh việc cung cấp các cơ hội lớn về kinh tế, hiệp định thương mại EU-Việt Nam còn đảm bảo đầu tư và phát triển phải song hành với thúc đẩy dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Bên cạnh việc cung cấp các cơ hội lớn về kinh tế, hiệp định thương mại EU-Việt Nam còn đảm bảo đầu tư và phát triển phải song hành với thúc đẩy dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Một trong những điều khoản của Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU, vừa được Ủy ban châu Âu thông qua tại Brussels, đưa ra yêu cầu về thúc đẩy dân chủ và tôn trọng nhân quyền, một vấn đề được cho là đã cản trở tiến trình đàm phán hiệp định này.
Thỏa thuận thị trường mở toàn diện đầu tiên của khối này với một nước châu Á đang phát triển được Ủy ban châu Âu phê duyệt hôm 17/10 để chờ phê chuẩn của các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu.
Bên cạnh việc cung cấp các cơ hội lớn về kinh tế, hiệp định thương mại này còn đảm bảo đầu tư và phát triển phải song hành với thúc đẩy dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Điều 6 của hiệp định này lưu ý: “Có một sự liên kết thể chế và pháp lý giữa Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU-Việt Nam. Liên kết này cho phép các biện pháp được coi là phù hợp trong trường hợp vi phạm nhân quyền, bao gồm cả biện pháp đình chỉ Hiệp định Thương mại.”
Thương mại và nhân quyền
Tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) bắt đầu từ 2013. Trong hai năm qua, cùng lúc với sự leo thang các hành động đàn áp nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến, nhiều phái đoàn ngoại giao Việt Nam đã đến châu Âu để ráo riết thúc đẩy việc ký kết EVFTA. Đây cũng là một mục tiêu hàng đầu trong các chuyến thăm châu Âu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng Ba, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào tháng 4, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bây giờ. Thủ tướng Bỉ Charles Michel trong cuộc gặp với ông Phúc ở Brussels hôm 17/10 cho biết chính phủ của ông ủng hộ việc sớm ký và phê chuẩn EVFTA.
Là người Việt Nam tôi cũng mong muốn được thông qua như vậy để giúp các doanh nghiệp và người dân có công ăn việc làm và kinh tế phát triển. Nhưng (tôi) cũng không hy vọng gì vào cái chuyện mở cửa này để nhà cầm quyền Việt Nam thay đổi, cải thiện hơn sự độc tài của mình."
Huỳnh Ngọc Chênh, cựu nhà báo và blogger
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ nhì của EU ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, trong khi EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với doanh thu hàng hóa đạt 47,6 tỷ euro (gần 54,8 tỷ USD).
Hai nhà hoạt động dân chủ trong nước nói với VOA họ cho rằng hiệp định này sẽ tốt cho kinh tế Việt Nam và giúp quốc gia Đông Nam Á hội nhập sâu hơn với thế giới. Tuy nhiên, theo họ, không thể kỳ vọng rằng hiệp định này sẽ giúp cải thiện nhân quyền hay đem đến dân chủ ở Việt Nam.
“Là người Việt Nam tôi cũng mong muốn được thông qua như vậy để giúp các doanh nghiệp và người dân Việt Nam có công ăn việc làm và kinh tế Việt Nam phát triển," cựu nhà báo và blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói với VOA. "Nhưng (tôi) cũng không hy vọng gì vào cái chuyện mở cửa này để nhà cầm quyền Việt Nam thay đổi, cải thiện hơn sự độc tài của mình."
Việt Nam đã ký nhiều hiệp ước với các tổ chức quốc tế như WTO và các tổ chức về nhân quyền, nhưng chính phủ Việt Nam không tôn trọng những cam kết về nhân quyền đã ký một khi đã đạt được mục đích, theo blogger Chênh, người trong năm năm qua đã bị cấm xuất cảnh vì thể hiện những ý kiến chỉ trích chính phủ trên mạng.
“Việc đàn áp những người bất đồng chính kiến ngày càng mạnh hơn. Những năm trước những người bất đồng chính kiến chỉ bị vài năm tù nhưng bây giờ mức độ đưa người ta vào tù vì bất đồng chính kiến lên rất nặng, từ 10 năm đến 20 năm, như ông Lê Đình Lượng vì bảo vệ môi trường và biểu đạt chính kiến,” theo ông Chênh.
Một tòa phúc thẩm hôm 18/10 y án 20 năm tù đối với ông Lượng với cáo buộc “Lật đổ chính quyền nhân dân” – đây là mức án cao nhất cho những người tranh đấu vì dân chủ ở Việt Nam.
Chủ động đấu tranh
Một số nước thành viên đã bày tỏ lo ngại về thành tích nhân quyền của Việt Nam. Uỷ viên châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom, trong một cuộc họp báo đã thừa nhận có vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Những việc ký kết hay tham gia vào hiệp định thương mại tự do này sẽ mang đến nhân quyền cho Việt Nam? Không có. Nhân quyền ở Việt Nam chỉ được cải thiện với sự đấu tranh không ngừng nghỉ, không mệt mỏi của nhân dân Việt Nam.
Nguyễn Quang A, Tiến sỹ và nhà hoạt động dân chủ
Tháng trước 32 dân biểu quốc hội châu Âu đã đồng ký tên vào một bức thư gửi tới Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu Federica Mogherini và bà Malmstrom để yêu cầu khối này tăng sức ép buộc Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền trước khi thông qua EVFTA.
Tuy vậy, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người tham gia buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam gắn với EVFTA ở Ủy ban Nghị viện EU hôm 10/10, cho rằng cần có cách tiếp cận tích cực chứ không nên thụ động dựa vào sức ép quốc tế để buộc Việt Nam cải thiện nhân quyền.
“Những việc ký kết hay tham gia vào hiệp định thương mại tự do này sẽ mang đến nhân quyền cho Việt Nam? Không có. Nhân quyền ở Việt Nam chỉ được cải thiện với sự đấu tranh không ngừng nghỉ, không mệt mỏi của nhân dân Việt Nam, tạo sức ép 24/7 đối với chính quyền thì tình hình nhân quyền mới được cải thiện.”
Tiến sĩ Quang A từng tham gia các cuộc biểu tình chống thảm họa Formosa và nhiều lần bị nhà cầm quyền Việt Nam cấm xuất cảnh, ông nói “sức ép của quốc tế là rất đáng trân trọng nhưng đó chỉ là những nhân tố tạo thuận lợi mà thôi.”
Theo bà Malstrom, thỏa thuận thương mại “sẽ không làm cho Việt Nam bỗng chốc trở thành một nền dân chủ.” Nhưng bà khẳng định “nó là một công cụ trong hộp công cụ mà chúng tôi có trong quan hệ với Việt Nam và các nước khác.”

Mattis thăm VN: Các vấn đề chiến lược có được ưu tiên?

 Theo VOA-19/10/2018 
Ông Mattis dâng hương chùa Trấn Quốc trong lần thăm Việt Nam hồi đầu năm 2018.
Ông Mattis dâng hương chùa Trấn Quốc trong lần thăm Việt Nam hồi đầu năm 2018.
Liệu VN có cam kết sâu hơn đối với tiến trình FOIP? Việc tăng thêm các yếu tố chiến lược trong đối tác toàn diện song phương tiến triển đến đâu? VN và các nước ở trong khu vực mà Mattis gọi là “trái tim địa chính trị” đã tìm được thế cân bằng nào trong căng thẳng Mỹ—Trung? Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis rời Sài Gòn song các câu hỏi này dường như vẫn chưa có câu trả lời rốt ráo.
TS. Đinh Hoàng Thắng

Đây là lần thứ 8 Mattis đến Ấn Thái Dương (Indo—Pacific) và là lần thứ 5 ông đến Đông Nam Á, khu vực được ông coi là “trái tim địa chính trị”. Đây cũng là cuộc gặp gỡ lần thứ 5 giữa hai bộ trưởng Quốc phòng Mỹ—Việt. Tờ Spunik (Nga) cho rằng chuyến đi của tướng Mattis lần này sang Việt Nam là bất ngờ và bất thường. Nhưng thật ra, chuyến thăm tp Hồ Chí Minh lần này đã được lên kế hoạch từ trước. Đầu tháng 10/2018, trợ lý của Jim Mattis là Randall G. Schriver, không những đã khẳng định về lịch trình chuyến thăm, mà còn cho truyền thông biết trước một số nội dung cụ thể.
Quan điểm đối với FOIP (Free and Open Indo-Pacific)
VN là điểm đến đầu tiên của người đứng đầu Lầu Năm Góc trong chuyến đi ĐNÁ được đồn đoán, có thể là chuyến công du cuối cùng của ông trên cương vị hiện nay. Điều này cho thấy các chương tình làm việc có thể là khá cần kíp và không thể trì hoãn. Trước chuyến thăm, trợ ký của tướng Mattis, ông Schriver tuyên bố, Hoa Kỳ cảm thấy rất lạc quan trước chiều hướng phát triển hợp tác hiện nay giữa hai nước. Mỹ rất mong muốn Việt Nam trở thành một “đối tác chiến lược” và thân thiết với Mỹ. Từ nay, Hoa Kỳ thúc đẩy các mối bang giao theo hướng đó, với tiến độ và phạm vi tùy theo mong muốn của phía Việt Nam.
Cuộc trao đổi giữa tướng Lịch và tướng Mattis lần này chắc chắn đã đề cập tới những tình hình mới nhất của mỗi bên. Thứ nhất, lãnh đạo cao nhất của VN tiếp Mattis hồi đầu năm, TBT Nguyễn Phú Trọng nay sắp trở thành Chủ tịch nước. Thứ hai, Ban chấp hành TW ĐCSVN, lần đầu tiên tuyên bố, sẽ từng bước đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển và hướng ra biển. Thứ ba, Washington ngày càng tỏ rõ là rất quan tâm đến việc cùng các đối tác trong vùng tạo dựng một FOIP (khu vực Ấn Thái Dương tự do và rộng mở).
Vì vậy, vai trò của VN nói riêng và ASEAN nói chung đối với FOIP, tức cũng là quan điểm đối với “chiến lược Ấn Thái Dương” (IPS) của “bộ tứ kim cương” Nhật—Mỹ—Úc—Ấn là một điểm nhấn nữa trong các cuộc trao đổi. Vị thế của VN như một “đối tác mới nổi” sẽ chủ động đến mức nào là vấn đề hết sức thời sự! Bởi vì, IPS là một tiến trình chứ chưa phải là điểm đến, nên sự phối hợp trong khuôn khổ đa phương là không thể thiếu. Dịp thượng đỉnh Nhật Bản—Mekong (9/10) tại Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã giới thiệu về chiến lược FOIP. Sáng kiến này được xem là nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng lẫn lướt về an ninh của Trung Quốc khi Bắc Kinh tăng cường quân sự hoá các đảo cưỡng chiếm và tuyên bố chủ quyền hầu hết cả diện tích Biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ những nỗ lực và sáng kiến của Nhật Bản nhằm bảo đảm sự thịnh vượng về kinh tế, tự do về thương mại và an toàn về hàng hải trong khu vực FOIP.
Trong một phân tích trên Scribd (website chia sẻ tài liệu lớn nhất thế giới), ngày 15/10, GS. Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nhận định: “Bộ trưởng Mattis cần tìm kiếm một liên minh tạm thời với các quốc gia trong khu vực, bao gồm Việt Nam, để đối lại với Trung Quốc. Việt Nam sẽ phải đối mặt với một môi trường đối đầu hơn giữa Trung Quốc và Mỹ cả trong khu vực và quốc tế. Ngoài ra, việc Bắc Kinh quân sự hóa tuyến hàng hải chiến lược và xây các đảo nhân tạo (trái phép) trên Biển Đông trong các khu vực tranh chấp với nhiều nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, nhiều khả năng sẽ là một trong các chủ đề hàng đầu tại buổi họp quy tụ các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các vị tương nhiệm từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia và Nhật Bản.
Các vấn đề còn bỏ ngỏ
Chuyến thăm của Mattis diễn ra sau các tuyên ngôn gây sốc từ phía các nhà hành pháp Hoa Kỳ. Phát biểu của Tổng thống Trump trước ĐHĐ/LHQ, diễn văn của Phó tổng thống Pence tại Viện Hudson và trả lời phỏng vấn của Cố vấn an ninh quốc gia Bolton đều chấn động công luận. Cả 3 phát biểu này được giới phân tích coi là những tuyên ngôn rõ ràng của Mỹ về cuộc chiến tranh lạnh mới trên toàn tuyến chống Trung Quốc. Đồng ý là VN không cần chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng để duy trì được một tâm thế độc lập trong trường hợp “trâu bò húc nhau” như thế này, hoàn toàn không đơn giản đối với Hà Nội. Đó là vấn đề thứ nhất.
Vấn đề thứ hai, Hoa Kỳ hiện đang rất quan tâm đến số phận của bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển (COC). Hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tới đây sẽ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và ASEAN hồi tháng 8/2018 đã đồng ý về dự thảo của COC. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn cho rằng, thời gian tới đây, vẫn chưa thể tiến tới một thỏa thuận rốt ráo. Người đứng đầu Lầu Năm Góc tuyên bố, ASEAN là trung tâm trong các lợi ích an ninh và duy trì hòa bình tại Ấn Thái Dương. Nhưng với tình trạng “tan đàn xẻ nghé” vừa qua, tổ chức chức khu vực này làm thế nào có thể tìm được một tập hợp cân bằng và đối trọng hữu lý trong cán cân quyền lực đang thay đổi ngày một bất định trong quan hệ Trung—Mỹ?
Vấn đề thứ ba là căng thẳng thương mại Mỹ—Trung leo thang và nguy cơ đụng độ trên Biển Đông giữa các tầu chiến của hai nước lên cao. Đấy là chưa kể, ngày 10/10 vừa qua, Thượng Viện Mỹ đã thông qua đạo luật cắt đứt đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngoài ra, Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Hoa Kỳ đã đề xuất một loạt các cuộc diễn tập ở eo biển Đài Loan và Biển Đông để chứng minh cam kết của Hoa Kỳ với trật tự quốc tế dựa trên quy tắc và luật lệ. Hạm đội này sẽ tiến hành các hoạt động kéo dài khoảng 1 tuần trong tháng 11 tới để chứng minh khả năng Mỹ có thể đối phó với các kẻ thù tiềm năng một cách nhanh chóng, trên nhiều mặt trận.
Vấn đề thứ tư khá nhậy cảm, đó là các bàn thảo xung quanh đạo luật Chống những kẻ thù của Mỹ thông qua chế tài (CAATSA). Theo luật này, Mỹ sẽ trừng phạt những nước nào mua vũ khí của Nga, trong khi Nga lại là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam. Tuy nhiên, James Mattis đã đề nghị Quốc hội Mỹ đưa Việt Nam và Ấn Độ ra khỏi danh sách các nước bị trừng phạt.
Cuối cùng, sau 5 chuyến thăm VN của “hai thầy trò” Mattis trong vòng 9 tháng qua, chuyến thăm VN trong hai ngày 16 và 17/10, các yếu tố chiến lược trong đối tác toàn diện Mỹ—Việt được nâng cấp tới đâu để có thể cùng các đối tác khác của Mỹ trong FOIP nối kết nhau thành một vòng tay lớn? Nói cách khác, liệu VN, một đối tác mới nổi, được cho là đã vượt qua Singapore, trở thành “đối tác tự nhiên nhất” của Hoa Kỳ trong khu vực sẽ có vai trò điều phối như thế nào trong ASEAN. Và tới đây, liệu sẽ có hay không một cuộc gặp cấp cao giữa TBT—Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Donald Trump trong tương lai, nhanh thì vào dịp cuối năm nay, chậm thì đầu năm sau?
Tác giả nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, hiện là Phó Viện trưởng — Giám đốc Đối ngoại của Viện các vấn đề phát triển (VIDS) thuộc VUSTA.

Chuyện mẹ Nấm đi Mỹ và Thủ tướng lên án độc tài

Theo VOA-Nguyễn Hùng/18/10/2018
Poster phim tài liệu "Mẹ Vắng Nhà."
 Poster phim tài liệu "Mẹ Vắng Nhà."
Vậy là mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và gia đình đã tới Hoa Kỳ chỉ ba ngày sau khi thủ tướng Việt Nam “lên án độc tài”.
Liệu có phải vì lời lên án độc tài của ông Nguyễn Xuân Phúc mà người ta phải trả tự do cho mẹ Nấm không? Chắc chắn là không phải rồi.
Nhưng hãy xem lại bối cảnh của phát biểu mà ông Phúc đưa ra hôm 15/10 giữa lúc ông công du châu Âu để vận động cho Hiệp định Tự do Thương mại giữa Việt Nam và EU.
Tại họp báo chung với thủ tướng Áo hôm đó tại Vienna, ông Phúc được các trang tin trong đó có VietInfo dẫn lời phát biểu sau câu hỏi của một phóng viên Áo, người nói Việt Nam là “cộng sản độc tài”.
“Việt Nam là một nước dân chủ, có quan hệ quốc tế sâu rộng, không có chế độ độc tài như ngài vừa nêu,” ông Phúc nói.
“Chúng tôi lên án chế độ độc tài. Hiến pháp Việt Nam bảo vệ nhân quyền, quyền con người hết sức sâu sắc trên tất cả lãnh vực.”
Tôi cũng đã gặp ông Phúc vài năm về trước khi ông thăm London với tư cách phó thủ tướng. Ông tỏ ra cởi mở, tay bắt mặt mừng hỏi tôi quê ở đâu và thậm chí còn nói khi nào về Việt Nam gọi ông. Chắc ông nói cho vui và giờ ông cũng đã lên thủ tướng nên làm sao gọi nổi. Nhưng ông không quan cách thế là khá lắm rồi. Có ông chỉ là thứ trưởng Bộ Công an mà khi tôi gọi điện thoại về hỏi chuyện đã sẵng giọng: “Cậu có biết tôi là ai không [mà dám gọi cho tôi]?”.
Mặc dù có những người nói ông Phúc thua thủ tướng tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng về khả năng nhanh chóng nắm bắt các vấn đề, cũng có những người lại coi ông là người biết lắng nghe hơn và có cách tiếp cận cấp tiến.
Nhưng liệu có thể giải thích thế nào về chuyện một mặt người đứng đầu Nhà nước Việt Nam lên án độc tài nhưng mặt khác lại giam giữ những người như mẹ Nấm cho tới tận gần đây. Theo cách giải thích của một nhà hoạt động thì chẳng thể nào giải thích được những gì diễn ra ở Việt Nam vì đó là những cách hành xử “khùng điên”. Mà đã “khùng điên” thì khi thế này, lúc thế khác, chẳng biết đâu mà lần.
Chỉ riêng chuyện họ đối xử với mẹ Nấm cũng đã thấy sự trái ngược thường thấy giữa lời nói của lãnh đạo cộng sản và những gì họ làm.
Họ lên án độc tài nhưng đã kết án thật nặng người dám phản đối chính quyền, dù chỉ là phản đối ôn hoà.
Họ nói bảo vệ nhân quyền nhưng lại cướp đi quyền tự do, quyền được làm mẹ, làm con, làm cháu của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Thậm chí bà của Quỳnh đã qua đời trong thời gian hai năm cháu gái bị giam cầm.
Họ nói bảo vệ quyền con người nhưng lại tống người bảo vệ quyền này ra khỏi Việt Nam để họ không còn cơ hội bảo vệ ai được nữa.
Nếu nhìn vào các bản án gần đây mà Hà Nội đưa ra đối với những người phản kháng bất bạo động, người ta khó hy vọng vào những thay đổi mang tính bản chất của chính quyền. Nhà hoạt động vì môi trường Lê Đình Lượng thậm chí vừa bị kết án tới 20 năm tù và năm năm quản chế.
Những bản án nặng như thế giúp Hà Nội đạt được ba mục đích. Một là trả thù các cá nhân dũng cảm đấu tranh và gia đình họ. Hai là nêu gương để những người yếu bóng vía thấy thế sẽ nhụt chí đấu tranh. Ba là găm sẵn những gì có thể đem ra đổi chác với phương Tây khi cần mua súng về tăng cường cho cảnh sát, cần đô la từ bán hàng vào các thị trường phương Tây hay cần đầu tư từ đó.
Hà Nội đang hành động theo kiểu ‘thế thời phải thế thời phải thế’ hơn là tự nguyện thay đổi để trở thành đảng cai trị nhân bản hơn.
Vả lại cũng không thể hy vọng có sự thay đổi khi họ đang làm điều chẳng có gì mới – trả tự do cho một vài người để rồi lại trám vào chỗ trống những người khác. Hơn nữa những người được trả tự do lại cũng mất luôn quyền cư trú ở quê hương mình. Người dân trong nước thậm chí còn không biết có chuyện trả tự do trước thời hạn cho những người từng bị kết án tuyên truyền chống lại nhà nước nếu họ không tìm tới truyền thông lề trái.
Và nếu ông Phúc đọc được những dòng này mong ông cứ nhớ đã từng “lên án chế độ độc tài” ngay giữa lòng châu Âu và mạnh dạn lên án mấy ông có khuynh hướng độc tài trong Bộ Chính trị giúp tôi. Nhắn với họ rằng vẫn còn những người như ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Trần Thị Nga, mới nhất là ông Lê Đình Lượng cùng mấy trăm người khác bị toà án kết án chỉ vì họ nói ngược. Ngày Việt Nam hết bị coi là độc tài là ngày họ được tự do và không có ai thế chỗ họ nữa.

Tiền Tàu, ‘trade war’ Mỹ - Trung, và chính sách nên có của VN

Theo VOA-18/10/2018 
TS Phạm Đỗ Chí (*) 
Image may contain: one or more people, crowd and outdoor
Biểu tình chống dự luật đặc khu tại Bình Thuận, tháng 11, 2018.
Đồng Nhân dân tệ (Yuan) của Trung Hoa đã chính thức được lưu hành kể từ ngày 12/10/2018, trên nguyên tắc chỉ giới hạn tại 7 Tỉnh Việt nam tại biên giới Việt-Trung, nhằm tạo dễ dàng mua bán và trao đổi hàng hóa cho nhân dân hai nước. Tuy nhiên, bài viết sau đây sẽ vạch ra những sai sót quan trọng và viễn ảnh không tốt đẹp cho tương lai đồng bạc Việt Nam, và nhất là hiểm họa lệ thuộc sâu hơn vào Trung Hoa của nền kinh tế non trẻ Việt Nam.
***
Việt Nam (VN) đã có những tính toán nguy hiểm khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông Tư 19 (TT19) cho phép tiền NDT (nhân dân tệ) của Trung Quốc được sử dụng tại 7 tỉnh biên giới Việt-Trung , có hiệu lực từngày 12/10/2018, gồm : Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang và Quảng Ninh.
QUY ĐỊNH CHUNG
Theo Điều 1 của TT19 thì:
1. Thông tư này quy định các nội dung liên quan đến quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, bao gồm:
a) Thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới của thương nhân;
b) Thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới;
c) Thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ tại chợ biên giới;
d) Các hoạt động ngoại hối khác quy định tại Chương IV Thông tư này.
2. Việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam (VND) tiền mặt và Nhân dân tệ (CNY) tiền mặt của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về mang ngoại tệ tiền mặt, VND tiền mặt khi xuất cảnh, nhập cảnh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thương nhân Việt Nam, thương nhân Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
2. Cư dân biên giới Việt Nam, cư dân biên giới Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
3. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối tại Việt Nam (sau đây gọi là ngân hàng được phép).
4. Chi nhánh của ngân hàng được phép đặt tại vùng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc (sau đây gọi là chi nhánh ngân hàng biên giới).
5. Tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế, tổ chức cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế, tổ chức kinh doanh kho ngoại quan tại vùng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc.
6. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thanh toán trong thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
LẠC QUAN VÀ BI QUAN
Phía Việt Nam nêu ra hai cái lợi ngắn hạn trước mắt được dẫn chứng qua thông tin “đại chúng” hay trong vài tài liệu dẫn đến TT 19 là:sẽ “giúp thương nhân VN sản xuất và buôn bán dễ dàng hơn ở các tỉnh biên giới” ; và hy vọng “giúp giới sản xuất và đầu tư TQ di chuyển một số hãng xưởng sản xuất và dự án đầu tư sang VN”.
Quan điểm lạc quanvề TT 19, cho rằng “nhờ có các văn bản bảo đảm chặt chẽ phạm vi áp dụng và cơ chế giám sát việc lưu hành đồng Nhân dân tệ” mà những lo ngạivề viễn ảnh dùng lan tràn tiền TQ trên toàn lãnh thổ VN và hiểm họa Trung hóa cả tiền tệ và nền kinh tế trong tương lai đã được phòng ngừa.

Nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì hy vọng được nêu ra về “cố gắng giới hạn phạm vi áp dụng” và “cơ chế giám sát chính sách chặt chẽ để bảo đảm việc tuân thủ luật pháp” là nhữngviệc khó thành công không lạ gì ở Việt Nam.
Vì vậy, nếu phân tích kỹ hơn các yếu tố cả trong ngắn hạn và dài hạn thìbài tham luận này muốn nêu lên các mối hại lớn hơn đang rình rập guồng máy sản xuất của VN và cả nền kinh tế VN trong 2-3 năm tới.Khi việc này xẩy ra thì VN sẽ lệ thuộc TQ về kinh tế và chính trị nhiều hơn.Trong ngắn hạn, TT 19 sẽ tác động tai hại lên chính sách tiền tệ độc lập của VN và sẽ làm suy yếu đồng bạc Việt Nam với các biến động tiền tệ và tâm lý khó lường trong vòng từ 3-6 tháng.Chuyển động này sẽ dễ dẫn đến nguy cơ đầu cơ tiền tệ, và có thể làm tan biến nhanh chóng khối dự trữ ngoại tệ khoảng 65-70 tỷ đô la của NHNN, nếu muốn bảo vệ tỷ giá như đã tuyên bố chính thức từ nhiều năm.
Hậu quả của chính sách này được liệt kê như sau :
1.Vấn đề vi hiến và vi phạm luật NHNN hiện hữu: 
- Khoản 3 của Điều 53 Hiến pháp đã quy định :” Đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam. Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia.”
Do đó, chủ quyền tiền tệ và chủ quyền kinh tế là những cấu thành đặc biệt của chủ quyền chính trị, chủ quyền quốc gia; mất chủ quyền tiền tệ là mất chủ quyền quốc gia. 
-Ngoài khía cạnh vi hiến, TT 19 còn vi phạm trầm trọng Luật Quản Lý Ngoại Hối của chính NHNN.
-TT 19 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép đồng NDT được lưu hành tại bảy tỉnh biên giới TQ-VN, nhưng liệu có bảo đảm chắc chắn đồng NDT sẽ không sử dụng ở những nơi khác, theo nguyên tắc Bình Thông nhau, để mặc nhiên NDT trở thành một loại tiền tệ chính thức (legal tender) ở VN?

2 .Có sự hiểu nhầm hay cố ý không hiểu (như một giáo sư kinh tế ở Pháp viết mới đây?) khác biệt giữa chấp nhận NDT trong giỏ tiền tệ của IMF và dùng NDT như một loại tiền tệ của quốc gia:
-Giỏ tiền tệ chỉ dùng làm mốc cho việc xác định tỷ giá của tiền trong nước và không có liên quan gì đến việc dùng tiền tệ của một quốc gia. Một số đông người có thể hiểu lầm rằng NDT có trong giỏ tiền SDR (Special Drawing Rights)của IMF (một sự thực) là coi như NDT là đồng tiền chuyển đổi tự do, là có thể được các nước chấp nhận làm đồng tiền thanh toán trong giao dịch quốc tế.
-Thông tư 19 mặc dù không công nhận NDT là đồng tiền chính thức của Việt nam nhưng việc NHNN chophép lưu hành trên lãnh thổ VN tức là công nhận NDT là đồng tiền chính thức thứ hai (dual currency), lưu hành song song với VND.
3. Tác động quan trọng nhất là đối với tỷ giá VND và chính sách tiền tệ độc lập của NHNN ở VN:
- Thông tư 19 của NHNN cho phép 95 triệu dân ở Vân Nam và Quảng Tây cùng với vài triệu dân VN, hay gần 100 triệu người tức hơn toàn bộ dân số VN hiện nay, được dùng NDT cho chi thu thương mại và đầu cơ tiền tệ ở trên lãnh thổ VN.
- Tùy số tiền NDT của TQ được nới rộng hay thu hẹp ở VN, NHNN sẽ không kiểm soát được khối tiền tệ lưu hành ở VN, và ngay cả không có số đo chính xác về khối tiền đó trong nước, như từ trước đến nay. Quan trọng nhất, NHNN mất cả khả năng ấn định chính sách tín dụng rộng hay thắt chặt một cách độc lập.
VN ĐANG “KẸT” GIỮA CUỘC THƯƠNG CHIẾN MỸ-TRUNG QUỐC
- Ngoài ra, tỷ giá VND sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tỷ giá NDT. Đây là vấn đề rất quan trọng hiện nay, vì trong cuộc thương chiến Mỹ-TQ hiện tại, tiền NDT đã mất giá 9% từ tháng 4, trong khi VND chỉ mới mất giá 4-5 % so với USD.
- Sự lan truyền mạnh của NDT ở VN sang 2 trung tâm tiền tệ lớn là Hà nội và Saigon sẽ có thể làm VND mất giá thêm 4-5% trong thời gian ngắn do đầu cơ tiền tệ, ngay cả lúc chưa có tác động nào khác của các yếu tố thương mại giữa tay ba Mỹ-TQ-VN.
- Tương lai cuộc thương chiến Mỹ-TQ đang có đà sẽ bộc phát mạnh mẽ hơn để “thị uy” nhằm mục đích chiến tranh tâm lý trước khi thương nghị chính thức trở lại giữa hai quốc gia Mỹ-TQ và với các đối tác khác (G-20 Meeting, vào cuối tháng 11/2018).
-Sang tháng 12/18, gần như có thể là Mỹ sẽ tuyên bố áp thêm thuế 25%, tăng từ 10%, lên 200 tỷ đô hàng nhập từ TQ. Để trả đũa, TQ chỉ có thể áp lên cùng thuế này trên số hàng nhập còn lại từ Mỹ trị giá 80 tỷ đô (tổng số hàng nhập từ Mỹ là 130 tỷ năm 2017). Điểm yếu huyết mạch của TQ là chỗ này. Dân chúng và giới thương gia TQ nhất định sẽ phải “phòng thủ” bằng cách trốn khỏi tiền NDT qua dự trữ USD, tiền yen, Euro, và có thể là Vàng (nơi ẩn trú tiền để dành quan trọng của dân Á đông). 
- Nếu tiền NDT xuống quá mức 7,0-7,2 ăn 1 USD (từ 6,9 hiện nay; hay ngay cả xuống thêm 10%), hệ thống tiền tệ TQ sẽ rối loạn toàn bộ. Theo tin báo chí mới nhất, do các đe dọa tăng gia của TT Trump, các “ông lớn TQ” đang tháo chạy, chuồn ra khỏi tiền yuan và bắt đầu nhảy sang cả mua vàng! Và tất nhiên, ảnh hưởng lên tỷ giá VND do một mình yếu tố đầu cơ tiền tệ này thôi sẽ có thể dễ dàng đẩy tỷ giá VND tới mức 24.000-25.000/ 1 USD.
4. Tác động gia tăng của thương chiến Mỹ-TQ lên kinh tế và tỷ giá VND:
- Nếu như đồng NDT với số lượng hàng hóa ở đằng sau và với việc họ phá giá tiền của họ, giá thành của hàng TQ rẻ đi, sẽ tạo ra một ưu thế rất lớn với hàng hóa của Việt Nam. Nhiều kỹ nghệ của VN sẽ bị bóp nghẹt.
- Việc ai cũng e ngại là TQ sẽ tuồn hàng sang VN để xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh áp thuế cao. Mỹ đã sẵn sàng với việc này và có thể sẽ áp thuế 25% lên hàng nhập từ VN và ngay cả ngăn chặn hàng VN có “gốc TQ” được nhận biết khá dễ dàng qua hệ thống tin tức thương mại của Mỹ.
NÓI XA HƠN: Liên hệ đến các vấn đề thương chiến Mỹ-Trung có thể đang tăng đà và NHNN lại bắt đầu cho lưu hành tiền NDT ở 7 tỉnh biên giới, VN cần chọn cách đi ra sao cho khôn ngoan?
Đây là một đề tài lớn và quan trọng cần đề cập trong một bài bình luận riêng biệt. Nhưng một cách tóm tắt, VN có thể hưởng lợi lớn trong cuộc thương chiến Mỹ-TQ hiện tại bằng cách thu hút nhiều đầu tư FDI ngoài TQ thêm nữa, và sản xuất thay thế cho nhiều hàng nhập từ TQ vào Mỹ.
Nhưng nói thế, không có nghĩa là VN nên để các hãng TQ tràn vào VN để thay “mác TQ” bằng “mác VN giả” hầu xuất sang Mỹ. Qua các tiếp xúc, tôi có thể khẳng định là các giới chức Mỹ rất cảnh tỉnh với “âm mưu” này của TQ, và giống như trường hợp thép nhập từ VN, họ có thể sẵn sàng áp thuế rất cao đến 25% -30% với các mặt hàng VN, hay ngay cả chặn hẳn hàng ‘mác giả VN thay mác Tàu” lúc vào cửa khẩu Mỹ. 
Trong tinh thần này, Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 12/10/18 cho phép tiền CNY (NDT) vào 7 tỉnh biên giới (và sau này có thể lan tràn khắp VN), là một quyết định chính sách sai lầm cần rút lại ngay, trước khi có tác động làm hàng TQ tràn thêm ồ ạt vào VN, và làm lũng đoạn chính sách tiền tệ, ngoài vấn đề nghiêm trọng là vi hiến và xâm phạm chủ quyền quốc gia.
Con đường rõ ràng để đi là cải cách thể chế, tăng cường tính thị trường của nền kinh tế, khuyến khích khu vực tư nhân trong sản xuất và lập các thương hiệu, chuỗi sản xuất mới và riêng biệt.
Nhìn xa hơn, với chính sách mới của Mỹ khuyến khích phát triển khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương (thay vì khẩu hiệu suông “chuyển trục sang châu Á” của thời TT Obama), VN có thể hưởng lợi lớn về cả chính trị và kinh tế thương mại bằng cách tham gia một lên minh mới với vài nước chính ở Đông Nam Á (không nhất thiết phải là ASEAN-- vì khối này có Lào và Căm bốt đã nghiêng hẳn về TQ), Ấn độ, Úc và Tân Tây Lan, để phát triển ngoại giao và thương mại khu vực, đặt thế đứng vững chãi hầu tăng cường thương mại bền vững với Mỹ.
Không loại trừ trường hợp Mỹ có thể đề nghị tái lập TPP với vài điều kiện mới, để cô lập TQ ngoài vòng mua bán bùng nổ của châu Á với Bắc Mỹ và khối EU!
Trong việc cần tạo thế cân bằng chính trị giữa hai sức mạnh khổng lồ Trung-Mỹ, hay nôm na thường gọi là thế “đu dây” của Việt Nam, sẽ là một lỗi lầm nghiêm trọng nếu VN ngả về TQ vì mối “sợ Tàu” truyền thống hay do nhu cầu ngắn hạn, tình huống trong nội bộ.
Đó có thể là thế “Chẳng Đặng Đừng” duy nhất của VN mà đa số dân chúng đang có vẻ ủng hộ mạnh mẽ, mong muốn đất nước tiến tới, cho một tương lai độc lập phú cường!
TS Phạm Đỗ Chí
(*) Tác giả cảm ơn sự đóng góp ý kiến của một số chuyên gia