Monday, November 23, 2015

Trích 1 Vài Báo Kháng Chiến




Người dân thị trấn Cái Tàu Hạ, tỉnh Đồng Tháp phản đối chính quyền làm sai

Xuân Nguyên, thông tín viên RFA -2015-11-23  
Chợ Cái Tàu Hạ
Chợ Cái Tàu Hạ  Chợ Cái Tàu Hạ (minh họa)  Photo by pham_dangkhoa4
Tình trạng chính quyền địa phương xây chợ mới nhưng bị tiểu thương cho là không hợp lý, khó buôn bán hơn nơi cũ diễn ra khá phổ biến lâu nay tại các địa phương trên cả nước.
Vừa qua lại có thêm một vụ việc mới khiến tiểu thương bức xúc phản ứng. Đó là sự vụ tại thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Người trong cuộc phản đối chính quyền địa phương không giữ lời hứa trong việc tái kiến thiết khu chợ cũ Cái Tàu Hạ.
Thực hư chuyện này ra sao?
Vào tháng 7 năm 2014, chính quyền huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã mời tất cả bà con tại khu chợ cũ ở thị trấn Cái Tàu Hạ họp dân. Để tuyên bố lý do dỡ bỏ khu chợ cũ Cái Tàu Hạ. Theo ông Huỳnh Văn Thông – Chủ tịch huyện Châu Thành, việc dỡ bỏ chợ cũ là để làm đẹp cảnh quản đô thị, xây dựng bờ kè bên sông…để làm khu chợ đêm. Và không cho xây dựng bất kỳ ki ốt nào tại đây, đồng thời sẽ di chuyển chợ cũ đi nơi khác. Và chợ mới sẽ rất khang trang, sạch sẽ…
Chính quyền không giữ lời.
Tuy nhiên, ngay sau khi dỡ bỏ chợ cũ xong xuôi, và chợ mới đã được xây dựng, vào ngày 6.11.2015, chính quyền địa phương lại không giữ lời hứa, họ tự ý xây dựng nền móng cho hai dãy ki ốt trên nền chợ cũ.
Ông Thanh, một lái thương đang bán gạo tại chợ cũ Cái Tàu Hạ cho rằng chính quyền đã không giữ lời hứa, ông nói:
“Ông chủ tịch huyện này không tuyên bố gì với nhân dân, không có tuyên bố với bà con khu chợ. Ông chủ tịch huyện cho người xây dựng nền móng hai dãy ki ốt tại khu chợ. Một mặt hướng ra bờ sông một mặt hướng vào khu chợ. Chợ mới đã di dời rồi mà không thèm xây, lại đi xây ngay chỗ chợ cũ. Chợ cũ đã tháo dỡ rồi mà còn xây lại, cho nên bà con khu chợ phản đối.”
Ông chủ tịch huyện cho người xây dựng nền móng hai dãy ki ốt tại khu chợ. Một mặt hướng ra bờ sông một mặt hướng vào khu chợ. Chợ mới đã di dời rồi mà không thèm xây, lại đi xây ngay chỗ chợ cũ. Chợ cũ đã tháo dỡ rồi mà còn xây lại, cho nên bà con khu chợ phản đối
Ông Thanh
Nhớ lại cảnh chính quyền cho xây cấp tốc nền móng hai dãy ki ốt chỉ trong 24 giờ, ông tiếp lời:
“Chính quyền cho thợ xuống rồi cho công an thị trấn, không cho nhân dân lại gần. Làm như có sự cố gì lớn tợn lắm, có 7 – 8 ông công an thị trấn, rồi có súng, có còng, có dùi cui để bảo vệ người làm.”
Ông Thanh còn cho biết, cách đây mấy hôm, chính quyền đã cho người xuống đo đạc để tiếp tục thực hiện việc xây dựng hai dãy ki ốt. Chính quyền muốn những tiểu thương ở chợ cũ phải bỏ tiền mua ki ốt mới do họ xây dựng lên. Bởi theo chính quyền, chỗ đang buôn bán của bà con sẽ bị dỡ bỏ, dù chỗ buôn bán của bà con không thuộc quy hoạch của chợ cũ.
Ngoài việc tự ý xây dựng nền móng hai dãy ki ốt, chính quyền địa phương còn bị cáo buộc về nhiều thiều thiếu sót trong việc xây dựng khu chợ mới. Khu chợ mới được xây dựng trên nền của bệnh viện cũ khi mà chưa xử lý xong rác thải bệnh viện. Tình trạng này được nói ‘vệ sinh’ tại chợ mới rất không đảm bảo.
Bên cạnh đó, chính quyền bán khu chợ cho các nhà thầu tư nhân, nên chi phí mua ốt, điện, nước tại đây rất cao. Điều này khiến nhiều lái thương tại đây rất bất bình.
Anh Cấn, một lái thương ở chợ Cái Tàu Hạ chia sẻ về việc bất hợp lý trong kiết thiết khu chợ mới, anh bày tỏ:
“Vô thì đóng tiền rất cao hơn chỗ cũ, sắp xếp thì không hợp lý. Chỉ có một số thì người ta vẫn bán được, nhưng mà bán thì rất ế. Có một số người ta bỏ ốt, người ta đi ra ngoài đường bán tạm bợ đại vậy đó.”
Nền móng do chính quyền xây dựng hai dãy ki ốt tại thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
Nền móng do chính quyền xây dựng hai dãy ki ốt tại thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

Dân phản đối
Trước những việc làm bị cho là bất minh, trục lợi và không giữ lời hứa của chính quyền địa phương, có 12 hộ dân tại khu chợ Cái Tàu Hạ đã xuống đường phản đối trong ngày 6.11.2015, tuy nhiên vẫn không có kết quả gì. Thậm chí chính quyền Cái Tàu Hạ còn cho người xuống để tiếp tục xây dựng hai dãy ki ốt.
Thực sự bây giờ bức xúc quá rồi, không biết nói như thế nào nữa. Nói thẳng ra là chính quyền ở đây, hầu như làm việc không vì mục đích tốt cho dân, mà họ làm việc tốt cho túi tiền của họ mà thôi
Anh Phúc
Anh Phúc, một lái thương đang buôn bán dụng cụ đánh bắt cá tại chợ cũ Cái Tàu Hạ phát biểu:
“Thực sự bây giờ bức xúc quá rồi, không biết nói như thế nào nữa. Nói thẳng ra là chính quyền ở đây, hầu như làm việc không vì mục đích tốt cho dân, mà họ làm việc tốt cho túi tiền của họ mà thôi. Bởi vì họ móc nối với chủ đầu tư thầu chợ, vì cái việc ăn tiền đó, nên họ quy hoạch (chợ) không tốt cho dân mà chỉ tốt cho túi tiền của họ mà thôi.”
Sau đó, những lái thương lại tiếp tục làm đơn đưa lên thanh tra huyện, tỉnh để trình bày về vụ việc, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Chính quyền có mời những người trong cuộc lên để giải quyết vụ việc, nhưng yêu cầu của họ không được đáp ứng. Do vậy các tiểu thương cho hay sẽ tiếp tục khiếu nại lên Trung Ương, đến khi nào chính quyền địa phương chịu giải quyết mới thôi.
Chính quyền địa phương nói gì
Chiều ngày 22.11.2015, chúng tôi có liên lạc với văn phòng thị trấn Cái Tàu Hạ, và văn phòng huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, nhưng họ không bốc máy. Tiếp đến, chúng tôi có gọi điện cho ông Huỳnh Văn Thông – chủ tịch huyện Châu Thành. Sau khi nghe giới thiệu là phóng viên của đài Á Châu Tự Do ông lập tức báo rằng nhầm số và dập máy.
Sau đó, chúng tôi đã liên lạc được với ông Nguyễn Văn Nghĩa – Thanh tra tỉnh Đồng Tháp để hỏi về vụ việc xảy ra tại chợ thị trấn Cái Tàu Hạ:
Xuân Nguyên: Alo, xin hỏi đây có phải số của anh Nghĩa làm việc ở thanh tra tỉnh Đồng Tháp không ạ?
Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Đúng ạ.
Xuân Nguyên: Em là Xuân Nguyên – phóng viên đài Á Châu Tự do, anh ơi, anh cho em hỏi, vụ việc tại thị trấn Cái Tàu Hạ có cái chợ cũ, và chính quyền cho xây dựng hai nền móng ki ốt thì bị người dân phản đối, và người dân đã đưa đơn kiện lên thanh tra tỉnh. Thực hư chuyện này như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Ồ, cái này chắc có lẽ anh liên hệ chỗ ủy ban nhân dân tỉnh Châu Thành.
Xuân Nguyên: Hôm vừa rồi em có liên lạc với bà con, bà con cho biết là đã lên chỗ thanh tra tỉnh?
Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Có đến, nhưng hướng dẫn đi qua trụ sở tiếp dân của ủy ban nhân dân tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản yêu cầu huyện xem xét giải quyết vấn đề, hiện tại bây giờ ủy ban huyện hình như đã… rồi. Tôi có nghe thông tin tuần rồi có mời dân lên giải quyết, không biết đã giải quyết như thế nào rồi, bây giờ chưa có báo cáo lên đây, chắc là chưa cũng cấp thông tin.
Mặc dù đã có công văn yêu cầu giải quyết vụ việc xảy ra tại chợ Cái Tàu Hạ nhưng chính quyền huyện vẫn cố tình không giải quyết vụ việc. Những tiểu thương ở đây chỉ mong chính quyền huyện giữ đúng lời hứa mình. Đến lúc này người trong cuộc cho biết các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện, thị trấn vẫn cứ tiếp tục đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Khánh Hòa: Đào quặng phá nát rừng

KHÁNH HÒA (NV) - Nạn khai thác quặng bất hợp pháp diễn ra nhiều năm khiến rừng phòng hộ phía đầu nguồn huyện miền núi Khánh Vĩnh bị xâm hại nghiêm trọng, khiến đời sống người dân địa phương xáo trộn.
Rừng phòng hộ tan hoang do đào quặng trái phép. (Hình: Thanh Niên)

Theo tin Thanh Niên, nạn khai thác quặng thiếc và quặng vonfram trái phép tại đây bắt đầu “nóng” từ cuối năm 2011. Có thời điểm, hàng ngàn người từ nhiều tỉnh, thành đổ vào rừng đào bới, gây ô nhiễm nguồn nước, mất an ninh trật tự.

Mô tả của phóng viên Thanh Niên, ngày 23 tháng 11 tại bãi khai thác quặng trái phép thuộc khu vực rừng đầu nguồn xã Khánh Thành, cả một vùng rộng lớn bị đào xới ngổn ngang, không còn nhận ra rừng.

Hàng loạt cây gỗ lớn nằm lăn lóc, nhiều cây khác bị đào xới lộ cả bộ rễ có thể đổ bất cứ lúc nào. Những hố sâu lút đầu người, bề ngang rộng khoảng 1 mét chi chít như hệ thống giao thông hào chạy dài tít tắp... Các lán trại được dân đãi quặng dựng lên tạm bợ.

Lúc phóng viên Thanh Niên có mặt, tại đây vẫn còn có người đang khai thác. Một thanh niên tên Cu Lỳ (24 tuổi), người xã Khánh Thành kể: “Hồi đầu, thấy người dân ở các tỉnh khác đến làm, bán có tiền nên mọi người cũng đi theo. Khi đó, mỗi ký quặng bán được 180,000 đồng, mỗi ngày kiếm được 3-4 ký. Bây giờ giá quặng chỉ còn 80,000 đồng/ký. Cứ vài ba ngày lại có người lên mua gom một lần. Hiện còn gần chục trại vẫn đào.”

Điều đáng nói là nạn khai thác quặng trái phép không chỉ hủy hoại rừng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước tự nhiên của người dân dưới xuôi. Trong thời gian dài, hàng trăm hộ dân các thôn Gia Răng và Gia Rú thuộc xã Khánh Thành phải dùng nước bị ô nhiễm cho sinh hoạt hàng ngày. Ông Cao Khương (42 tuổi), ngụ thôn Gia Rú, bức xúc: “Người ta đãi quặng đẩy đất bùn theo dòng nước khiến nước sông suối đục ngầu.”

Nói với phóng viên Thanh Niên, ông Lê Thanh Hóa, hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện Khánh Vĩnh cho rằng, khu vực trên là rừng phòng hộ do công ty lâm sản Khánh Hòa quản lý. Phía kiểm lâm mới tham gia truy quét người khai thác quặng trái phép chứ đến nay chưa đo được cụ thể diện tích rừng bị tàn phá, thiệt hại là bao nhiêu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tân, giám đốc công ty lâm sản Khánh Hòa cho biết, diện tích rừng bị xâm hại khoảng chục héc ta. “Lực lượng chức năng truy quét, đẩy đuổi người khai thác quặng trái phép, nhưng khi anh em đến thì người đào quặng trốn đi chỗ khác, khi rút đi thì họ lại ra bãi làm tiếp,” ông Tân phân bua.

Còn ông Hồ Anh Thư, phó trưởng công an huyện Khánh Vĩnh, thì biện minh: “Lực lượng chức năng vẫn liên tục tổ chức truy quét. Tuy hiện vẫn còn một số nhóm lén lút đào đãi nhưng không phải người địa phương nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện, xử lý.”

Trong khi chủ rừng, công an, kiểm lâm... kêu khó thì rừng phòng hộ đầu nguồn vẫn từng ngày bị tàn phá. (Tr.N)
11-22- 2015 4:33:36 PM 

Doanh nghiệp nhà nước Việt Nam nợ 1.5 triệu tỷ đồng

HÀ NỘI (NV) - Dù biết rằng nợ nần của các doanh nghiệp nhà nước rất lớn nhưng con số vừa kể vẫn làm nhiều người choáng váng, đặc biệt là khi khối nợ khổng lồ này là nợ đến hạn phải trả.
Hàng triệu Mỹ kim đã được tập đoàn Vinashin đổ ra để rước tàu Vinashin
Bay về neo tại Nhà Bè, Sài Gòn như một đống sắt vụn suốt từ năm 2010
đến nay. (Hình: Tuổi Trẻ)

Đáng nói là khoản nợ 1.5 triệu tỷ đồng (hay khoảng trên dưới 64 tỷ đô la) chỉ là mức tạm tính cho đến năm 2014 chứ không phải thực nợ tính đến lúc này.

Trong 1.5 triệu tỷ đồng nợ nần mà các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam tạo ra, có 380,000 tỷ đồng (hay trên dưới 15 tỷ đô la) là nợ ngoại quốc, bao gồm nợ do chính phủ Việt Nam đứng ra bảo lãnh để các doanh nghiệp nhà nước vay trực tiếp và nợ do các doanh nghiệp này vay lại sau khi chính phủ Việt Nam vay từ các nguồn hỗ trọ phát triển (ODA).

Ngoài việc mắc nợ ngoại quốc, mắc nợ chính phủ (thực chất là vay của người nộp thuế), các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam còn nợ hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tại Việt Nam 550,000 tỷ đồng.

Hiện chưa rõ nợ của các doanh nghiệp nhà nước chiếm bao nhiêu trong tổng số 42,520 tỷ nợ xấu (cách gọi những khoản vay coi như mất trắng, không thể đòi lại) của hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam nhưng chắc chắn là không nhỏ.

Bên cạnh nợ ngoại quốc, nợ vay từ các khoản ODA mà chính phủ Việt Nam đã vay, nợ hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam còn nợ thuế hàng ngàn tỷ đồng.
Hồi đầu tháng này, chế độ Hà Nội đã trình đề nghị xóa các khoản nợ thuế cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, kèm theo dự luật sửa đổi một số điều của các luật về thuế để Quốc Hội Việt Nam phê duyệt.

Theo đó, trừ các doanh nghiệp tư nhân tuy thiếu thuế song đã ngưng hoạt động từ lâu, chẳng còn gì để “nắm,” những doanh nghiệp đang gặp khó khăn mà chính phủ Việt Nam đề nghị Quốc Hội Việt Nam xóa các khoản nợ về thuế đều là doanh nghiệp nhà nước hoặc thiếu thuế vì lỡ làm ăn với doanh nghiệp nhà nước.

Gần như chắc chắn Quốc Hội của chế độ sẽ gật đầu với đề nghị này. Ngân sách Việt Nam sẽ mất thêm hàng ngàn tỷ vì các doanh nghiệp nhà nước được xóa những khoản thuế còn thiếu, sau khi đã mất nhiều triệu tỷ đồng đầu tư vào các doanh nghiệp này.

Rất ít người phản đối đề nghị xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp nhà nước như bà Võ Thị Dung, một đại biểu của thành phố Sài Gòn tại Quốc Hội Việt Nam.

Bà Dung phản đối đề nghị vừa kể vì chỉ xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo ra sự bất bình đẳng. Bà ta nêu thắc mắc: Tại sao doanh nghiệp tư nhân nợ thuế thì phải đóng tiền phạt, trả lãi do chậm nộp thuế còn doanh nghiệp nhà nước thiếu thuế thì được xóa nợ? Đồng thời yêu cầu phải xác định vì sao các doanh nghiệp nhà nước nợ thuế. Không thể dùng chính sách để “cào bằng” và mở đường cho những doanh nghiệp nhà nước khác chạy nợ về thuế. Một chính sách cào bằng như vậy sẽ không giải quyết được sự bất bình đẳng. Điều đặc biệt nguy hiểm là chấp nhận xóa nợ thuế theo đề nghị của chính phủ Việt Nam sẽ tạo ra sự chây ỳ nơi các doanh nghiệp nhà nước chưa nộp thuế, bởi tạo ra nhận thức rằng khi cổ phần hóa sẽ được xóa nợ thuế.


Bởi các doanh nghiệp nhà nước là một thứ “con cầu tự” nên thường là không trước thì sau, chính quyền Việt Nam cũng sẽ tìm cách đáp ứng mọi yêu cầu của loại “con cầu tự” này cho dù chúng chỉ “ăn hại, đái nát” làm kinh tế Việt Nam kiệt quệ. (G.Đ)
11-23-2015 4:07:55 PM 

LHQ đả kích Thái Lan và Việt Nam về vụ trục xuất người tị nạn về TQ

Bà Ravina Shamsadani- người phát ngôn của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc.
Bà Ravina Shamsadani- người phát ngôn của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc.
VOA-23.11.2015
Liên Hiệp Quốc cảnh cáo rằng Thái Lan và Việt Nam có thể vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, sau khi Thái Lan trục xuất hai người tị nạn Trung Quốc, và Việt Nam chuyển giao 9 công dân Bắc Triều Tiên cho nước này, theo tin của Pháp Tấn xã.
Người phát ngôn của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc Ravina Shamdasani hôm thứ Sáu nói với các nhà báo rằng vì những lý do không rõ rệt, nhà chức trách Thái Lan đã trục xuất hai người Trung Quốc đã được công nhận là người tị nạn và đang sắp sửa được định cư ở một nước thứ Ba.
Bà Shamsadani cho hay Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại với chính quyền Thái Lan về quyết định này. Bà lưu ý rằng quyết định đó được đưa ra chỉ vài tháng sau khi Bangkok bị chỉ trích vì đã trục xuất 109 người Uighur sang Trung Quốc.
Bà Chamdasani đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tin tức cho rằng Việt Nam hồi tháng trước đã bắt giữ 9 công dân Bắc Triều Tiên, trong đó có một đứa bé 1 tuổi và 1 thiếu niên tuổi teen, và chuyển giao cả nhóm người cho Trung Quốc, đồng minh chủ yếu của Bắc Triều Tiên.
Người phát ngôn của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc nói đang có lo ngại là nhóm người này đã hoặc đang bị buộc phải trở về Bắc Triều Tiên, nơi mà họ có thể trở thành nạn nhân của các hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Theo SCMP, AFP.

Tổng thống Obama sẽ đi thăm Việt Nam?

Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay với Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Malaysia.
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay với Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Malaysia.
VOA-23.11.2015
Báo chí Việt Nam hôm Chủ nhật loan tin Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã nhận lời của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng mời ông sang thăm Việt Nam khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 ở Malaysia.
Những tờ báo này nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ đã nhận lời mời đi thăm Việt Nam trong tương lai gần, nhưng thời điểm của chuyến đi thăm không được loan báo.
Vẫn theo báo chí Việt Nam, trong cuộc gặp ở thủ đô của Malaysia hôm thứ Bảy 21/11, Tổng thống Obama nói Mỹ ủng hộ lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông.
Theo báo Tuổi Trẻ, trong cuộc gặp này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Hà nội muốn tăng cường quan hệ đối tác toàn diện, ‘có hiệu quả’ với Hoa Kỳ. Nhà lãnh đạo Việt Nam yêu cầu Mỹ đóng góp hơn nữa để bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực, kể cả vấn đề Biển Đông.
Ngoài Tổng thống Obama, Thủ tướng Việt Nam còn gặp các vị tương nhiệm Australia và Indonesia.
Báo Tuổi Trẻ hôm thứ Hai tường thuật rằng tại hội nghị ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói các công trình bồi đắp đất xây đảo quy mô lớn và các hành động đơn phương khác của Trung Quốc trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông đang tạo ra những hậu quả nghiêm trọng, kể cả làm tăng căng thẳng và mất sự tin tưởng, dẫn tới nguy cơ xảy ra xung đột, đe doạ ổn định và hòa bình trong khu vực.
Thủ tướng Dũng nói Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông và đẩy nhanh các công trình xây cất tại đây, kể cả các ngọn hải đăng, bất chấp những phản đối và quan tâm của các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền vùng biển này là điều bất hợp pháp, và Việt Nam kêu gọi ASEAN, trong tư cách một khối, và Trung Quốc, hãy cam kết không tiếp tục theo đuổi hoặc thực hiện hành động nào để quân sự hóa Biển Đông.
Tại hội nghị ASEAN ở Kuala Lumpur, Trung Quốc tuyên bố sẽ không ngưng xây cất ở Biển Đông. Trang mạng tin tức quốc phòng của Pakistan dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói trong một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur rằng:
“Xây dựng và duy trì các cơ sở quân sự là điều cần thiết vì sự phòng thủ quốc gia của Trung Quốc và để bảo vệ các đảo và bãi đá này”.
Vẫn theo ông Lưu, Trung Quốc có kế hoạch “mở rộng và nâng cấp” các cơ sở dân sự trên các đảo “để phục vụ tốt hơn các tàu thương mại và ngư dân, hỗ trợ các tàu gặp khó khăn và cung cấp thêm các dịch vụ khác”.
Theo Thanh niên, Vietnam Investment Review, Tuổi Trẻ.

Trung Quốc dọn mìn dọc theo biên giới Việt Trung

Quảng Trị - một trong những khu vực có nhiều mìn bẫy. Hàng trăm ngàn mìn bẫy đã được gài tại vùng biên giới 2 nước Việt - Trung.
Quảng Trị - một trong những khu vực có nhiều mìn bẫy. Hàng trăm ngàn mìn bẫy đã được gài tại vùng biên giới 2 nước Việt - Trung.
VOA-23.11.2015
Trung Quốc đã khởi sự dọn sạch mìn bẫy dọc theo biên giới Việt - Trung ở khu vực tỉnh Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc.
Trang tin tức quốc phòng Defenseworld hôm 22/11 trích nguồn tin của quân đội Trung Quốc tường thuật rằng 21 tiếng nổ đã được nghe thấy tại thành phố Bằng Tường khi Quân đội Nhân dân Trung Quốc cho nổ những quả mìn đã gài tại bãi mìn gần đó.
Công tác phá hủy mìn khởi sự tại tỉnh Vân Nam hôm 3/11 trong khuôn khổ sứ mạng phá mìn quy mô lớn lần thứ 3, tính từ năm 1990. Hàng trăm ngàn mìn bẫy đã được gài tại vùng biên giới hai nước trong cuộc xung đột quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 1979 tới năm 1989.
Theo Tham mưu Phó Bộ Chỉ Huy Quân đội Nhân dân Trung Quốc ở Quảng Tây, công tác phá mìn sẽ có ích cho công cuộc phát triển ở khu vực biên giới.
Trung Quốc đã thực hiện hai chiến dịch phá mìn lớn từ năm 1992 tới năm 1994, và từ năm 1997 tới năm 1999.
Theo Defence World, Global Times.

Thầy Đỗ Việt Khoa 'cô đơn' đấu tranh

Theo BBC-5 giờ trước 

Image copyrightOther
Image captionThầy giáo Đỗ Việt Khoa
Chỉ còn vài tháng nữa là đúng 10 năm, thầy giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông tại Hà Tây. Ông cũng đã lên tiếng trong nhiều vụ gian lận ở các năm thi sau này. Ông Đỗ Việt Khoa dành cho BBC Tiếng Việt cuộc trò chuyện sau thời gian nhiều biến động đó.
BBC:Trong một chương trình truyền hình gần đây, ông nói mình sốc vì nhân tình thế thái, về đồng nghiệp, vì sao lại như vậy?
Ông Đỗ Việt Khoa: Vụ đầu tiên tôi tố cáo tệ nạn gian lận thi cử năm 2006, sự việc sau khi xảy ra, trên thực tế là cả hội đồng gần 100 người coi thi nhưng không ai ủng hộ mình. Một số giám thị coi thi bị ảnh hưởng, nhắc nhở, họ xoay ra ghét mình, tố ngược mình.
Trong đó có 2 giám thị sở giáo dục đào tạo đã chọn 2 giám thị là 2 giáo viên cùng trường công tác với tôi. Một là cô bình, thầy Ngân, họ đưa 2 giáo viên ra kỷ luật cảnh cáo vì tội là để phòng thi nhiều bài thí sinh chép bài của nhau giống nhau hết. Trong khi đó cả hội đồng giả bài tập thể là họ thừa nhận rồi, lẽ ra phải hủy kết quả cuộc thi cho thi lại, khiển trách thì phải khiển trách cả hội đồng, cảnh cáo là cảnh cáo cả hội đồng. Chứ ở đây họ lại nhặt ra có 2 giám thị duy nhất là giáo viên trường mình để cảnh cáo. Hai giáo viên này bị cảnh cáo thì họ cũng ghét mình lắm.Trong đó có một cô còn lên án mình trong cuộc họp, cô bảo tôi là vạch áo cho người xem lưng, người đương thời này được đài truyền hình trao nhầm...
Có rất nhiều tin nhắn gửi đến đe dọa khủng bố tôi qua đường bưu điện. Địa phương thì chẳng biết thế nào có người đe dọa giết tôi. Họ đi qua nhà, họ ném đá ném chất bẩn vào nhà. Lúc đó rất căng thẳng.
BBC:Sau khi tố cáo, nhiều người bỏ cuộc vì mệt mỏi trước áp lực và căng thẳng. Vậy ông vượt qua sự căng thẳng thế nào?
Ông Đỗ Việt Khoa: Đối với tôi tình trạng gian lận là trện cả nước. Địa phương nào, tỉnh nào cũng bị, cũng có. Giáo viên chỗ này bị dính án kỷ luật thì giáo viên ở chỗ khác họ cổ vũ mình. Nhưng cổ vũ thầm trong bụng. Rất nhiều thầy cô gọi điện đến chia sẻ, động viên, chỗ em cũng thế, không biết làm thế nào để đấu tranh.
Lúc đó ông bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng đến nhà động viên. Những cái đó bản thân mình cũng xác định trước rồi. Mình đấu tranh sẽ không vì mục đích đạt được cái gì cho bản thân hết, và cũng chuẩn bị tinh thần nếu họ gây áp lực quá thì mình cũng sẵn sàng đối diện với trò trù dập của họ để chiến đấu tiếp.
Image copyrightAFP
Image captionCác kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây tại Việt Nam có tỷ lệ đậu thường trên 90%
Sau khi xác định sẵn trong người như thế rồi thì mọi áp lực đối với tôi là không đáng kể. Đều sẵn sàng đối phó để vượt qua qua. Áp lực của việc tố cáo kỳ thi đó không nghiêm trọng bằng áp lực của việc ngay sau khi tổ chức thi cử gian lận bị phanh phui, Hà Tây đã cử về trường tôi một hiệu trưởng.
Tay hiệu trưởng này thuê xã hội đen đánh tôi, ở trường hắn trù dập tôi, cô lập tôi, hắn nhiều năm không nâng lương. Ngân sách góp về xây trường cả chục tỷ đồng, mà trường xây xong cầm từng viên gạch trên tường kéo được ra.
Mình cũng quay video lại hết gửi các cấp nhưng không cấp nào giải quyết.
Có những chuyện họ dựng đứng lên như là, tay hiệu trưởng này chỉ đạo nhân viên dưới quyền mình bố trí hiệu phó, thư ký, chủ nhiệm và bí thư đoàn trường ép năm học sinh trên lớp ký vào năm cái đơn họ đánh máy sẵn tố cáo thầy Khoa đánh học sinh gây thương tích.
Mà thực tế thì mình chưa bao giờ đánh học sinh. Họ dựng đứng lên rất nhiều chuyện hãm hại mình.

'Bị cô lập'

BBC: Thế còn thông tin dư luận nói ông mê kiện cáo, đi ghi âm tất cả mọi người thì sao?
Ông Đỗ Việt Khoa: Có tờ báo tung tin Đỗ Việt Khoa lúc nào cũng kè kè cái máy ảnh Nikon D70 đi chụp ảnh mọi người. Đó là chuyện vô lý, làm gì có chuyện tôi lúc nào cầm cái máy to đùng nặng gần 1,5kg như thế đi khắp nơi.
Thứ hai là họ tung tin để mọi người cô lập tôi là Đỗ Việt Khoa lúc nào cũng ghi âm mọi người.
Chuyện đó là không hề có. Mình cũng im lặng thôi, và chấp nhận. Cũng có nhiều giáo viên sợ hãi, không dám ngồi cạnh mình.
Nhưng phải xác định trước là đấu tranh là không thể chống được các trò bẩn thỉu, sẵn sàng chấp nhận những chuyện đó.
BBC:Khi ông làm việc đấu tranh, nhưng càng ngày càng có nhiều sai phạm diễn ra ở nhiều nơi và không giải quyết được, ông có thấy mệt nên ngừng lại cuộc đấu tranh này?
Ông Đỗ Việt Khoa: Tôi cũng chưa bao giờ có suy nghĩ như thế, chưa bao giờ tôi nghĩ phải ngừng lại cái gì cả. Bởi quan điểm của tôi là trách nhiệm của công dân, trách nhiệm của người thầy đứng lớp là làm cho cái ngành của mình, chỗ của mình trong sạch phần nào.
Image copyrightAFP
Image captionHọc sinh Việt Nam thường đi xin được điểm tốt trước kỳ thi
Tệ nạn giáo dục cũng chỉ là một phần trong những tệ nạn khác của đất nước thôi. Mỗi công dân đều im lặng, không ai đấu tranh thì đất nước sẽ đi đến đâu?
Cái xấu sẽ bùng nổ, bung bét thế nào? Mà hiện nay cái xấu rất nhiều, nó tác oai tác quái ở mọi nơi.
Sau những cái bùng nổ như thế, chẳng lẽ chúng ta lại buông xuôi, lại nhắm mắt làm ngơ? Nếu mỗi người chúng ta đều đấu tranh, góp phần nào thì cái xấu sẽ phải khuất phục. Thật tiếc là số người đấu tranh ít quá, đó là điều thất vọng nhất hiện nay.
BBC:Vậy ông có phải là một người chồng, người cha công bằng không, khi vợ con ông cũng phải chịu những áp lực vì việc ông đấu tranh?
Ông Đỗ Việt Khoa: Lúc đầu tôi cũng chủ quan về lĩnh vực này. Tôi cho rằng việc của mình thì mình cứ làm, còn vợ con ở nhà thì cứ lo công việc của mình. không ngờ áp lực lên vợ con rất căng thẳng.
Nhất là tay hiệu trưởng trường tôi lúc đó hắn thuê xã hội đen đến tận nhà đánh tôi, cướp máy ảnh, khủng bố gia đình tôi ngay trong nhà, gây ra sự hoảng loạn cho vợ con mình.
Nhưng khi đưa ra báo chí, đưa ra công luận thì không một cấp nào giải quyết cho cả. Đến hiện nay cũng không ai giải quyết hết. Đấy là một cái mình không lường được.
Mình cứ nghĩ người ta có thể bao che sai phạm, chứ việc côn đồ hóa họ sẽ phải giải quyết.
Dẫu sao thì tôi vẫn không buông xuôi cho họ. Tôi vẫn làm trong phạm vi mình có thể làm được.
Ngoài tiếp tục đấu tranh với sai phạm của chính cơ quan mình, tôi cũng đã tham gia vào những việc khác, như đưa sai phạm thi cử của trường Đồi Ngô (Bắc Giang) lên báo chí năm 2012, đưa cái vụ tiêu cực thi cử 2014 ở Nam Lương Sơn (Hòa Bình) lên cho các cấp giải quyết.
Tôi tư vấn giúp đỡ các thầy cô đấu tranh, bàn với họ về cách đối phó với những sai phạm của lãnh đạo, để các thầy cô có chỗ dựa tinh thần và pháp lý.
Image copyrightAFP
Image captionCác kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây của Việt Nam thường có tỷ lệ đậu rất cao
Tôi giúp đỡ các em học sinh bị trù úm, bị gây sốc, như vụ em Đỗ Quang Thiện ở trường THPT Ban Mê Thuột bị công an đến tận trường bắt giam một cách oan ức. Sau đó thì phụ huynh của em kêu gào khắp tỉnh nhưng không cấp nào giải quyết. Phụ huynh của em cũng đã nhờ tôi hướng dẫn.
Chúng tôi cũng đã đưa vụ việc ấy lên tòa án tối cao và đưa ra công luận. May mắn là người ta đình chỉ vụ án và thả em này ra. Chúng tôi sẽ và vẫn đang góp phần vào những việc như vậy, và chúng tôi sẽ còn làm nữa. Cho dù áp lực đến đâu chúng tôi cũng làm.
Đau lòng nhất là vợ tôi cũng không hoàn toàn thông cảm. Có lúc cô ấy mắng tôi là đồ thích kiện cáo, rồi cuộc sống nhà rất nghèo, nhà tôi dột tung lên. Vợ tôi phàn nàn nói những lời khá cay nghiệt.
Gần đây nhất thì cô ấy bỏ ngoại cũng được hơn chục ngày rồi, khiến cho ba bố con ở nhà hết sức là vất vả.
BBC:Nếu người ta nói ông tại sao không lo chuyên môn, sao không đi dạy học mà tối ngày kiện tụng?
Ông Đỗ Việt Khoa: À, việc dạy học là việc vui thì mời các bạn lên báo vui mà đọc. Báo chỉ có những chuyện vui chuyện cười thôi. Chúng tôi cũng sống trong nhiều niềm vui chứ.
Cá nhân tôi cũng mỗi lần lên lớp, gặp các em học sinh. Chúng là những đứa trẻ rất trong sáng. Chúng tôi mang hết mình ra để dạy và chúng rất quý thầy cô. Đó là niềm vui mà tôi có.
Khi về nhà thì được quan tâm, hòa mình vào công việc bận rộn của gia đình, đó cũng là niềm vui tôi có.
Đừng nghĩ chúng tôi chỉ lôi những chuyện buồn ra thôi. Không có đâu ạ! Nếu chỉ buồn thôi thì căng thẳng chịu làm sao được?
BBC:Khi đấu tranh, ông mong chờ gì cho tương lai của người trẻ, ví dụ tương lai con của ông chẳng hạn?
Ông Đỗ Việt Khoa: Trước hết là tôi mong đất nước thay đổi. Tôi mong làm sao đất nước này cái xấu giảm bớt đi, cuộc sống công bằng, dân chủ hơn, văn minh hơn. Những kẻ tác oai tác quái không còn lộng hành được nữa.
Tôi cũng mong là các con tôi nó nhìn thấy những việc bố làm, nó cũng sống thẳng, nó cũng ngẩng cao đầu, và sống làm một người tốt. Đó là cái mà tôi mong chờ.
BBC:Còn những em học trò đã bị phanh phui sau vụ đó, ông có nghĩ thế hơi bất công cho họ, vì họ bị phạt và không thể có bằng tốt nghiệp, còn bao nhiêu kẻ gian lận khác vẫn vào đời và có bằng tốt nghiệp? Ông có thấy áy náy gì với những em học sinh đó không?
Có chứ. Một kỳ thi làm cực kỳ nghiêm túc thì chỉ đỗ được 10% học sinh. Chúng tôi đã có những kỳ thi thử trước khi thi thật, tỷ lệ đỗ đạt yêu cầu chỉ 9%, còn 91% trượt. Đến khi thi thật thì lại đỗ đến 99% - 100%, do chúng gian lận. Kỳ thi "Hai không" đầu tiên năm 2007, trường Vân Tảo tôi đỗ có 29%, cũng có gian lận nhưng cũng cố gắng phần nào, trượt 71%. Trường Nguyễn Trãi bên cạnh cũng đỗ có 31%, trượt 69%. Tỷ lệ trượt nhiều lắm.
Nhưng mà số trượt đông quá, những học sinh ấy cũng giận tôi lắm. Một số giận dỗi nhưng cũng phải thừa nhận là sức học chỉ có thế thôi. Và không có phụ huynh học sinh nào cụ thể trút sự căm phẫn lên tôi đâu. Nhưng tôi cũng áy náy là tỷ lệ trượt nhiều quá.
Báo chí họ phàn nàn khắp nơi, đưa tin những trường đỗ tốt nghiệp 0%. Có trường như trường Đinh Tiên Hoàng, thi mấy lần liền, hai năm liền đều đỗ 0%, khiến họ vắt chân lên cổ.
Image copyrightAFP
Image captionGiáo dục Việt Nam thường bức xúc vì vấn đề thi cử, bằng cấp
Vài ba năm sau, bộ thấy căng thẳng, bộ rút thanh tra đi, không giám sát kỳ thi nữa, thế là mọi việc trở lại như cũ, gian lận vẫn như xưa. Đó là điều hết sức đáng tiếc.
Nếu như chúng tôi làm nghiêm, các em học sinh cũng tự tin, chăm học hơn, thầy cô chúng tôi cũng đỡ áp lực hơn khi gặp học sinh học yếu kém. Nhưng tất nhiên là chúng ta phải chấp nhận tỷ lệ trượt tốt nghiệp THPT nhiều lên. Nói đúng ra là các em có bằng mấy mà trách nhiệm không có thì trượt tốt nghiệp cũng là chuyện nên vui vẻ chấp nhận. Sự thật nó thế.
Nhưng thật tiếc nó không công bằng trên cả nước, chỗ làm nghiêm, chỗ làm không nghiêm. Đấy là điều tôi áy náy nhất.

Cô đơn khi đấu tranh

BBC:Có học trò nào tỏ ra phẫn nộ và ghét ông?
Ông Đỗ Việt Khoa: Tôi chưa gặp học sinh nào như thế. Có cháu tôi đây này, ở trên làng, thi tốt nghiệp năm lần đều trượt. Đến hôm nay cháu vẫn không có bằng tốt nghiệp THPT.
Không biết cháu nó có giận tôi không, không thấy nó thể hiện. Nhưng bố nó chửi tôi.
Có phụ huynh chửi tôi nói con tôi muốn có bằng thôi, muốn gian lận đóng nhiều tiền chúng tôi cũng đóng, chỉ cần con tôi có được cái bằng. Đi học là phải có bằng. Thầy đã làm cái việc có tội với chúng tôi.
Đấy là ý kiến của phụ huynh, còn học sinh chưa em nào nói thẳng vào mặt thầy như thế cả, có thể các em cũng sợ thầy.
BBC:Bây giờ ông kiếm sống cho gia đình bằng cách nào, mà vẫn có thể theo đuổi công việc chống tiêu cực?
Ông Đỗ Việt Khoa: Tôi bị trù dập nhiều năm không nâng lương. Bây giờ lương thấp quá, hệ số 3,99, thấp nhất trong số các giáo viên cùng thời gian công tác 22 năm. Nguyên nhân là do bị ngành giáo dục đào tạo Hà Nội trù dập, nhiều năm không nâng lương.
Một tháng chúng tôi chỉ có vài triệu để sống đó thôi, nên chúng tôi hết sức tiết kiệm. Với thói quen tiết kiệm của nông thôn, chúng tôi cũng xoay sở đủ kiểu để sống.
Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionGiáo dục Việt Nam đòi hỏi nhiều thay đổi
Ngoài dạy học, tôi về nhà cũng chăm cửa hàng, bán nước nôi, chụp ảnh, làm ảnh phục vụ cho khách, đánh máy thuê, photo, in ấn... Có rất nhiều việc tôi làm kiếm thêm tiền để trang trải cuộc sống.
Biết là rất vất vả, nhưng đó là sức lao động của mình, tôi vẫn cố gắng làm.
BBC: Thời điểm nào ông cảm thấy cô đơn nhất?
Ông Đỗ Việt Khoa: Ở trường, chuyện tôi bị cô lập triệt để như thế là sự cô đơn nhất. Thế nhưng cũng đôi khi về đến nhà có những giai đoạn vợ tôi không không thông cảm, lên án việc tôi đấu tranh gây thiệt hại cho gia đình.
Có lẽ lúc này, mấy ngày gần đây, vợ tôi dỗi bỏ lên ngoại, khiến 3 cha con tôi rất vất vả, đó là những giai đoạn sợ hãi nhất của cuộc sống.

Môn học lịch sử trong giáo dục đang khủng hoảng

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam 
Theo RFA-2015-11-23Thí sinh duy nhất thi Môn Sử tại điểm thi Trường THPT Yên Thành 2. Sáng 4/7/2015 vẫn có 66 cán bộ nhân viên phục vụ duy nhất 1 thí sinh, gồm 48 cán bộ coi thi, 12 nhân viên bảo vệ và 6 cán bộ phục vụ thi.Thí sinh duy nhất thi Môn Sử tại điểm thi Trường THPT Yên Thành 2. Sáng 4/7/2015 vẫn có 66 cán bộ nhân viên phục vụ duy nhất 1 thí sinh, gồm 48 cán bộ coi thi, 12 nhân viên bảo vệ và 6 cán bộ phục vụ thi.

Dự tính của Bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam sẽ bỏ môn học lịch sử và thay thế bằng môn “công dân và tổ quốc” đã gặp rất nhiều phản biện từ giới nghiên cứu lịch sử nói riêng và trí thức nói chung. Trong cách nhìn nhận của những người quan tâm về vận mệnh đất nước cũng như quan tâm về khoa học lịch sử, hành vi gở bỏ môn học lịch sử để thay thế bằng một môn học khác có tính tuyên truyền bằng cách mượn một số thông số của lịch sử là một sự thất bại, cho dù đứng trên góc độ nào. Nhưng nhìn chung, có hai vấn đề thất bại nổi trội và căn bản nhất, đó là triệt tiêu lòng yêu nước và xóa mờ mọi ký ức dân tộc.
Bỏ môn lịch sử đồng nghĩa với Trung Quốc hóa người Việt
Một người tên Trình, là giáo viên dạy sử lâu năm ở một trường phổ thông trung học, hiện đang sống tại quận 1, Sài Gòn, chia sẻ: “Mấy anh dạy lịch sử của một phe chiến thắng thôi chứ không dạy lịch sử một cách khoa học. Bản thân bộ môn lịch sử xã hội chủ nghĩa thì dạy hay không dạy gì nó đã chết rồi. Bản thân nó đã chết từ lâu rồi. Suốt ngày anh cứ dạy cầm súng tiến lên, ngày này thắng trận này, ngày kia thắng trận kia, đế quốc Mỹ rồi Ngụy quân Ngụy quyền gì đó thì học sinh nó ngán ngẩm, nó hết muốn học. Lịch sử là phải đa chiều và sinh động. Đằng này ngay cả vấn đề  có tính địa chính trị nhưTrường Sa và Hoàng Sa, mấy anh chưa bao giờ đưa vào giáo khoa lịch sử và mấy anh biến sự kiện đó thành cái xác không hồn. Như vậy, bây giờ dù có dạy hay không dạy môn lịch sử thì chính bộ môn lịch sử như một cái xác không hồn của mấy anh cũng phải chết thôi!”.
Theo ông Trình, hiện tại, nếu bỏ môn học lịch sử để dạy một môn học khác không đặt nặng về khoa học lịch sử cũng đồng nghĩa với tự Hán hóa dân tộc Việt Nam. Bởi chưa bao giờ mà quốc gia, dân tộc lại lâm nguy như hiện tại. Khoa học lịch sử đích thực sẽ là mấu chốt, xương sống để giữ lại tinh thần dân tộc và khí phách Việt tộc.
Giải thích vấn đề vừa nói, ông Trình nói rằng suốt từ những năm 1945 cho đến hiện tại, chưa bao giờ nhà nước Cộng sản có một giáo trình sử học nghiêm túc và đầy đủ. Chính sách kiểm duyệt từ trong trứng nước của đảng Cộng sản đã giết mọi bài học lịch sử nghiêm túc ngay từ khi nhà viết sử cầm bút để ghi chép.
Bằng chứng của vấn đề này chính là mọi giáo trình lịch sử của ngành giáo dục thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa đều có chung khuynh hướng là ca ngợi công lao của đảng Cộng sản, những mốc sự kiện liên quan đến cái gọi là vinh quang của đảng Cộng sản xuất hiện dày đặc trong bài học lịch sử. Và các sự kiện, những bài học lịch sử các đời vua dựng nước, chống giặc Tàu để giữ nước rất mờ nhạt trong giáo trình lịch sử của chế độ Cộng sản.
Theo ông Trình, mối nguy hại của việc dạy sử mà đảng Cộng sản đã thực hiện trong nhiều năm nay là không thể kể xiết. Điều này vừa làm cho bài học lịch sử trở nên khô khan bởi giọng điệu tuyên truyền và thiếu tính khoa học trầm trọng. Đặc biệt, bộ môn lịch sử mà thiếu tính khoa học, bị lai căn và lang chạ với tính tuyên truyền thì sẽ đánh mất toàn bộ tính sinh động của nó, dẫn đến sự nhàm chán và vô nghĩa.
Ông Trình cho rằng sở dĩ môn lịch sử Việt Nam lại quá coi trọng vấn đề tuyên truyền nhưng lại giảm thiểu, thậm chí xóa mất những bài học lịch sử đánh Tàu giữ nước của ông cha, tổ tiên là vì chế độ cầm quyền hiện tại quá phụ thuộc vào nhà nước Cộng sản Trung Quốc. Dấu hiệu của sự phụ thuộc này là trước đây, những bài học lịch sử về chống Tàu vẫn có trong giáo khoa Cộng sản Việt Nam. Nhưng từ năm 1990, cụ thể là từ sau hội nghị Thành Đô trở đi, những bài học chống Tàu giữ nước tự bốc hơi, không cánh mà bay khỏi giáo trình lịch sử.
Phòng thi chỉ có 2 thí sinh thi môn sử tại HĐT trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chiều 2-6-2014. Ảnh - Như Hùng/songmoi.vn
Phòng thi chỉ có 2 thí sinh thi môn sử tại HĐT trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chiều 2-6-2014. Ảnh - Như Hùng/songmoi.vn
Và với những gì đang xảy ra ở hiện tại, khi mà Việt Nam phải phụ thuộc, thậm chí lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc từ kinh tế, chính trị cho đến an ninh quốc gia, chủ quyền quốc gia…. Nếu như tuổi trẻ Việt Nam, những thế hệ mai sau không học được những bài học về một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, về những gương sáng hy sinh vì sự nghiệp độc lập của quốc gia, dân tộc thì e rằng chẳng bao lâu nữa, Việt Nam sẽ thành một tỉnh lẻ của Trung Quốc. Bởi mọi thứ từ văn hóa đến giáo dục, chính trị, xã hội đều đầy rẫy màu sắc Trung Quốc.
Mất môn sử học là mất nước
Một vị là giáo viên dạy sử những năm trước 1975, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Cái gốc của vấn đề là nó không thực sự có môn sử mà nó bị chính trị hóa đi.”.
Theo vị này, hiện tại, nếu đánh tráo môn học lịch sử bằng bất cứ môn học nào khác nhằm nâng cao tính tuyên truyền của đảng Cộng sản đều dẫn đến hậu quả là dân tộc Việt Nam bị Hán hóa trong tương lai và dân tộc Việt Nam bị xóa nhòa, thay vào đó là đêm trường nô lệ và phụ thuộc vào Trung Hoa.
Vị này giải thích rằng sở dĩ ông phải nhấn mạnh đến vấn đề mất nước là vì mọi tương tác xã hội hiện tại đều có bóng dáng Trung Quốc trong đó. Từ gói mì ăn liền cho đến ly trà sữa trân châu hay chiếc xe máy, cái máy cắt cỏ, chiếc điện thoại di động, bộ áo quần, thực phẩm hằng ngày… Mọi thứ đều có bóng dáng Trung Quốc.
Nói sâu xa hơn, những sản phẩm tinh thần như phim ảnh, tạp chí, nghệ danh đều mang hơi hướm và bóng dáng Trung Quốc. Đây là nguồn tác động hằng ngày vào tâm thức nhiều thế hệ. Bây giờ, nếu không kịp chấn chỉnh, không kịp đánh thức dân tộc bằng những bài học lịch sử được trích từ xương máu và lòng hy sinh để chống giặc Tàu xâm lăng của cha ông. Điều này sẽ đưa tuổi trẻ đến chỗ lầm đường lạc lối.
Và khi tuổi trẻ không còn phân biệt được đâu là bạn, đâu là thù, tiếp tục bị huyễn hoặc bởi một loại siêu nhân Đại Hán thông qua chính sách ban giao của nhà cầm quyền cũng như mọi động thái lấn lướt, bề trên của Trung Quốc. Đến một lúc nào đó, tuổi trẻ sẽ nghĩ và tin rằng họ cũng là một phần tử của nước Trung Quốc rộng lớn. Và tính nhược tiểu của nhà cầm quyền trước ngoại bang Trung Quốc sẽ là nguồn tác động lớn nhất đến tuổi trẻ, đẩy thế hệ trẻ đến chỗ hèn nhát, nhược tiểu và không có bản sắc dân tộc. Đây là điều khó tránh khỏi.
Vị này đặt ra một câu hỏi rằng ông lấy làm lạ một điều là tại sao trong lúc Trung Quốc đang chiếm Trường Sa, Hoàng Sa, đang xâm lấn lãnh hải, xâm lấn lãnh thổ trên biên giới và có những phát biểu đầy giọng điệu bành trướng về phương Nam mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lại đánh tráo môn lịch sử bằng môn học “công dân và tổ quốc”?
Bởi ngay cái tên môn học không cũng đã nói lên tính chất tuyên truyền và nhồi sọ thế hệ trẻ yêu đảng, yêu bác Hồ. Bởi lâu nay, đảng Cộng sản luôn đồng nhất dân tộc với đảng và xem Hồ Chí Minh là cha già của dân tộc.
Ông nghi vấn rằng phải chăng đánh tráo môn học lịch sử sang môn học “công dân và tổ quốc” là cách chạy trốn trách nhiệm dạy lịch sử, đốt sách sử và dần đẩy khoa học lịch sử và chỗ bế tắc bởi tính hữu dụng cũng như tính giáo dục của nó dần bị xói mòn, phôi phai?!
Như để đưa ra kết luận cuối cùng, vị này lắc đầu chua chát nói rằng một đất nước mà môn lịch sử bị đánh tráo thì nó chỉ dự cảm cho một tương lai duy nhất, đó là tương lai vong nô!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.