Friday, July 8, 2016

Ngóng Biển

Có người từ lâu nhớ thương Biển
Ngày xưa, Biển xanh, không như bây giờ Biển là Biển CHẾT...

Phong Phạm (Danlambao) - Có hay không một mưu toan, đưa Formosa ra để làm thịt và đổ hết tội cho nó, còn kẻ thủ ác thật sự lại không ai nhớ đến?

Còn nhớ, ngày 4,5 tháng 4,2016 cá vùng ven biển miền Trung đột nhiên lăn ra chết hàng loạt. Liên tiếp trong 3 tuần lễ sau đó, không có quan chức nào cao hơn cấp bộ trưởng lên tiếng và phát biểu.

Cho đến tận ngày 22/6/2016. Một phái đoàn hùng hậu dẫn đầu là TBT Trọng và một số quan chức cao cấp trong TW đảng đã đến thăm " úy lạo " Formosa.

Liền sau đó là các cuộc biểu tình liên tục trong các tuần lể sau đó. Mạng Facebook liên tục được cập nhật, tin tức được mạng Xã hội này giữ cho nóng hổi, được các báo nước ngoài trích dẫn, các cuộc biểu tình được tiếp tục ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Taiwan, nơi xuất phát của Formosa.

Đảng Cộng Sản và nhà cầm quyền chỉ phát biểu cầm chừng và đưa những kẻ ngu xuẩn ra làm mục tiêu để công chúng hả giận. Dãng chỉ đứng lấp ló đằng sau để chỉ đạo những con rối này

Rồi đến kết cục là ngày tuyên bố kết quả điều tra nguyên nhân làm cá chết thì lại do Bộ Công an chủ trương để cố chứng minh cho công luận thấy rằng đảng có quan tâm đến sự việc, trong khi nguyên nhân cá chết thì ngay từ đầu đã được xác định bởi ngư dân, những người đã luôn sống chết với cá, với biển.

Trong sự việc này, có hay không một kịch bản là:

Rằng, ngày 22/4/2016 TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhận được lời thú tội của Formosa và luôn cả lời yêu cầu là " phải cứu chúng tôi". Chúng tôi chấp nhận bồi thường cho dân một phần và đảng cộng sản sẽ nhận được phần còn lại. v.v...

Lời yêu cầu này đã được chấp thuận. Liền sau đó là một âm mưu được dàn dựng để nhận chìm vụ này nếu không bị công luận mà đặc biệt là các cuộc biểu tình rầm rộ và Facebook vạch mặt.

Dù có ghét Formosa thế nào đi nữa, chúng ta cũng đều phải nhìn nhận, Formosa cũng chỉ là một công ty chuyên làm ăn, kiếm lãi. Formosa dám phá hoại môi trường biển của nơi họ đang làm ăn thì họ cũng phải chắc chắn là có thế lực nào chống lưng và hỗ trợ nên họ mới dám làm thế.

Và giờ đây khi mọi việc đổ vỡ. Trị tội Formosa là một chuyện, nhưng mong các bạn đừng quên, kẻ thủ ác và người bao che thật sự đằng lưng là ai. Chúng ta phải mang chúng ra ánh sáng, buộc chúng trả giá cho việc làm vô lương này. Buộc chúng phải đền tội trước Công Lý của Dân Tộc. Chúng phải trả món nợ với những ngư dân, với chúng ta, những người thực sự đau đớn vì cái chết của Biển, của đất nước và con người Việt Nam.

08.07.2016

Formosa cút đi


Đặng Hoài An (Danlambao) - Cuộc sống người dân Việt đã khổ nay còn khổ hơn, đụng đâu cũng thấy độc, đụng đâu cũng thấy hóa chất. Ăn uống là nhu cầu tất yếu trong cuộc sống con người, mà giờ đây cũng nhờ ăn uống nên con đường "từ nhà ra nghĩa địa" trở nên gần hơn.
Đầu độc dân chưa đủ, nhà cầm quyền cho phép công ty Formosa ma quái vào tàn phá biển miền Trung khiến đời sống người dân cũng bị hủy hoại, môi trường chết, động vật chết, con người chết.

Một công ty sát nhân ma quái đang hủy hoại đất nước như vậy thì chúng ta có nên đuổi nó ra khỏi Việt Nam hay không? Hay để nó tồn tại và giết dần dân Việt?

Hãy share nếu bạn đồng ý rằng Formosa phải cút khỏi Việt Nam.

* Ca khúc được chế lời từ bài "ANH CỨ ĐI ĐI" của nhạc sĩ Vương Anh Tú



Đặng Hoài An
danlambaovn.blogspot.com

Giám đốc trung tâm bổ túc văn hóa làm giả hồ sơ cho con cháu lãnh đạo

Một giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên (trường bổ túc văn hóa) đã bị đình chỉ công tác, sau khi bị phát giác làm khống hàng chục bộ hồ sơ giả cho con cháu lãnh đạo.
Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song
Ông Nguyễn Văn Toàn- Giám đốc Sở giáo dục-Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Phạm Thái Hòa- Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song- để phục vụ việc điều tra. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 7/7 cho đến ngày 14/7.
Theo ông Toàn cho biết, ông Phạm Thái Hòa đã bị bà Phạm Thị Kim Luyến, giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song tố cáo đã làm, hay ép cấp dưới phải làm giả nhiều bộ hồ sơ cho học viên.
Theo bà Luyến cho biết, trong niên khóa 2015-2016 khi ông Hòa chỉ thị cho cấp dưới phải ký khống điểm, làm giả học bạ để hợp thức hóa hồ sơ cho nhiều học viên, giáo viên trong trường đã lên tiếng phản đối. Những học viên được làm giả hồ sơ nằm ở khối 10 và 11. Sau khi hồ sơ được làm giả, những người này đủ điều kiện để thi tốt nghiệp.
Khi bị phản đối, ông Hòa giải thích tận tình, những trường hợp được làm giả, nâng khống điểm là con cháu lãnh đạo, nên giáo viên trong trường phải làm theo. Tuy nhiên, khi thấy không phải chỉ một vài trường hợp mà, số lượng "con cháu lãnh đạo" ngày càng nhiều, số học bạ bị làm giả ngày càng tăng, thì một số người đã lên tiếng phản đối. Thay vì chấm dứt việc làm sai trái của mình, ông Hòa đã đưa những người phản đối vào "danh sách đen", để có biện pháp trả đũa. Bà Phạm Thị Kim Luyến là một trong số đó.
Trả lời báo chí, ông Hòa cho biết, việc chỉ thị thuộc cấp ký khống, làm giả là do một số học viên “bị mất” hồ sơ các khóa học 10, 11. Ông đã kêu các giáo viên trong trường "làm lại", hồ sơ để tạo thuận lợi cho các học viên thi cử, thăng cấp về sau.
Các trung tâm giáo dục thường xuyên, hay còn gọi nôm na là trường bổ túc là nơi để cán bộ, quan chức chính quyền hợp thức hóa những quá trình học của mình. Do đó, tình trạng mua điểm, học dùm diễn ra thường xuyên, mà điều này hầu như ai cũng biết. Những học viên trong trường thường là cán bộ được tuyển cử đi học để sau này về làm lãnh đạo.
Ngọc Quân/SBTN

“Chúng tôi có thể nghĩ tới việc kiện tụng, nhưng chúng tôi lại muốn để nước khác làm việc này”

Trong một cuộc trả lời báo giới đầu tháng 7/2016, Giáo sư Carlyle A. Thayer ở Học viện Quốc phòng Úc nhận định một cách mát mẻ: Việt Nam sẽ có lập trường theo kiểu “chúng tôi có thể nghĩ tới việc kiện tụng, nhưng chúng tôi lại muốn để nước khác làm việc này”. Việt Nam luôn luôn thận trọng và thực dụng, cân nhắc cách tiếp cận có lợi nhất.

Thực vậy, ngay cả cái tát mang tên Hải Dương 981 vào giữa năm 2014 cũng không thể khiến giới lãnh đạo Hà Nội tỉnh ngộ. Thói đu dây như ăn vào tận xương tủy đã hiến chính thể Việt Nam tự đào hố chôn mình. Tất cả những gì được gọi là “kiện Trung Quốc” mà giới chức chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng giới đảng Nguyễn Phú Trọng lúc đó tuyên rao té ra chỉ là đầu môi chót lưỡi. Cuối cùng thì Philippines mới là quốc gia thật sự đi bằng chân chứ không phải bằng đầu gối.
 Ngày 12/7 đang đến rất gần – thời điểm mà Tòa án Quốc tế ỡ The Hague sẽ ra phán quyết mang tính quyết định về “đường lưỡi bò 9 đoạn” do Trung cộng đơn phương vẽ ra ở Biển Đông. 
 Vậy Trung cộng có thể hành xử ra sao sau phán quyết ngày 12/7?
 Nhận định mới nhất về thuộc về Harry J. Kazianis, một chuyên gia về chính sách quốc phòng tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia, Mỹ, đăng trên tờ Asia Times, với 3 kịch bản về hành động của Trung cộng sau khi tòa ra phán quyết. 
Kịch bản thứ nhất là Trung cộng sẽ không có phản ứng quyết liệt. Bắc Kinh chỉ đơn giản đưa ra tuyên bố nói Biển Đông là vùng biển chủ quyền của mình và để sự kiện trôi qua. Có thể cho đây là kịch bản êm dịu nhất.
Kịch bản thứ hai là Bắc Kinh thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Hành động đơn phương thiết lập ADIZ ở Biển Đông có thể gây ra một cuộc khủng hoảng khu vực khiến nhiều bên trên khắp châu Á phải nhập cuộc. Washington sẽ phải phản ứng và có thể không chỉ bằng một hoặc hai chuyến bay của oanh tạc cơ chiến lược B-52.
Kịch bản thứ ba là Trung cộng có những hành động theo kiểu "tôi muốn làm gì thì làm". Nếu cho rằng triển khai ADIZ là chưa đủ và muốn đi xa hơn, Trung cộng có thể quyết định gia tăng sức ép ở tất cả điểm nóng tại châu Á. Chẳng hạn, Bắc Kinh có thể tăng cường đáng kể các cuộc tuần tra hải quân và không quân ở biển Hoa Đông, bất chấp sự phản đối của Nhật Bản. Ngoài ra, Trung cộng có thể bắt đầu các dự án khai thác dầu và khí đốt tại khu vực này.
Nhưng theo chuyên gia Kazianis thì dù với kịch bản nào, có vẻ như Biển Đông sẽ đón một vài tháng tới đầy căng thẳng.
Trở lại sự mát mẻ của Giáo sư Carlyle A. Thayer, chế độ chính trị bị coi là “khôn lỏi” ở Việt Nam đang muốn đóng vai “ngư ông đắc lợi”. Thế nhưng rất có thể tính toán tủn mủn đầy ích kỷ đó sẽ rất sai lầm. Philippines dù là một nước nhỏ nhưng lại là đồng minh quân sự của Mỹ. Còn Việt Nam dù có hàng chục “đối tác chiến lược” trên thế giới nhưng thật sự chẳng có một đồng minh quân sự nào, và cũng chẳng cói ai là bạn. Vụ việc Hải Dương 981 đã cho thấy thực tế quá chua chát đó: không một nước nào, kể cả Nga, chìa tay cho Việt Nam.
07/08/2016 - 01:21
Lê Dung / SB

Formosa 'tráo' công nghệ, chọn rẻ và ô nhiễm

Nguyên An -

Các chuyên gia cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan giám sát thực hiện đầu tư khi để Formosa thay đổi công nghệ luyện cốc từ dập khô thành dập ướt.
Dự án Formosa Hà TĩnhDự án Formosa Hà Tĩnh
Chọn công nghệ rẻ, ô nhiễm
Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, khi kiểm tra liên ngành, phát hiện Formosa làm sai thiết kế cơ sở. Thay vì công nghệ luyện cốc là dập khô thì chủ đầu tư đã chuyển sang dùng công nghệ dập ướt. Lý giải về việc "tráo" công nghệ, tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn trong ngành thép giải thích, trong xử lý cốc để luyện thép, hiện có hai công nghệ phổ biến là luyện cốc khô và xử lý ướt. Công nghệ khô ưu điểm ở chỗ thu hồi nhiệt và ít ô nhiễm môi trường, trong khi công nghệ ướt nhược điểm là nguồn nước thải ra lớn và gây mất nhiệt.
Chủ tịch Hiệp hội Thép, ông Hồ Nghĩa Dũng trong cuộc trao đổi với Thanh Niên cũng khẳng định, nếu dùng công nghệ ướt thì kinh phí thấp hơn. TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, việc thay đổi công nghệ trong thiết kế và mãi sau này cơ quan chức năng mới phát hiện đã cho thấy có nhiều lỗ hổng trong giám sát đầu tư xây dựng. "Mặc dù đến nay dự án chưa chính thức vận hành, song những vi phạm trong quá trình triển khai dự án cho thấy quá nhiều điều bất cập trong các quy định của nhà nước về giám sát thực hiện. Thay đổi công nghệ không theo thiết kế là sự vi phạm lớn", ông Thắng nhận xét.
Bởi theo ông Thắng, đành rằng Nghị định 12/2009 trao quyền cho chủ đầu tư quyết định công nghệ nhưng một khi thay đổi thì doanh nghiệp phải báo cáo và giải trình việc thay đổi đó có ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả dự án, tác động đến môi trường… và những thay đổi phải theo hướng tác động tích cực chứ không thể ngược lại.
"Đặc biệt, cần xem xét tại sao thiết kế là vậy nhưng khi nhập máy móc thay đổi mà vẫn qua được cửa hải quan. Vậy thì cần làm rõ xem tại thời điểm đó quy định về khai báo nhập khẩu thế nào… cần kiểm tra đối chiếu xem thực tế có đúng với mẫu mã, chủng loại phù hợp với thiết kế công trình mà anh được cấp phép", ông Thắng nói. Về vấn đề này, lãnh đạo Chi cục Hải quan Vũng Áng thừa nhận, phần lớn máy móc, thiết bị của Formosa nhập khẩu đều được mở tờ khai tại Vũng Áng. Tuy nhiên, khi làm thủ tục nhập khẩu thì hải quan chủ yếu đối chiếu giữa hàng với các chứng thư thẩm định xem có trùng khớp hay không chứ không thể phân biệt các yếu tố công nghệ, kỹ thuật.
Cần xem lại việc phân cấp
Ở một khía cạnh khác, TS Lưu Bích Hồ chia sẻ, vụ việc cho thấy mục tiêu thu hút FDI để nâng cao công nghệ sản xuất trong nước trong trường hợp này đã thất bại. “Không chỉ công nghệ của nhà máy này mà nói chung, nếu cứ thu hút các dự án thép kiểu này thì phải đánh đổi môi trường là rất lớn vì đây là ngành có công nghệ gây ô nhiễm nhiều nhất”, ông bình luận. Kể lại câu chuyện mà một lãnh đạo Vụ Giám sát - Thẩm định của Bộ Kế hoạch - Đầu tư chia sẻ rằng hầu hết các nhà máy đắp chiếu do công nghệ lạc hậu đều diễn ra sau khi phân cấp cấp phép đầu tư cho địa phương, theo TS Hồ: “Điều đó cho thấy các địa phương sẵn sàng chạy theo số lượng mà bỏ qua yếu tố chất lượng, hoặc cũng có thể năng lực ở địa phương không thể thẩm định được chất lượng công nghệ mới xảy ra chuyện như thế”…
“Có lẽ đã đến lúc phải xem xét lại vấn đề phân cấp cũng như các quy định về giám sát. Đồng ý phân cấp thể hiện sự dân chủ, nhưng qua những vụ việc kiểu Formosa cho thấy lỗ hổng trong giám sát là rất lớn. Nếu các bộ như Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường hay Công thương không có những cơ chế giám sát thực hiện đầu tư, nhập khẩu máy móc mà cứ giao phó cho các địa phương thì rất có thể địa phương sẽ dễ dãi và gây hậu quả lớn”, TS Lưu Bích Hồ cảnh báo.
Vị chuyên gia này gợi ý, chỉ cần nâng cao các yêu cầu về công nghệ đảm bảo môi trường thì tất yếu sẽ kéo theo chất lượng công nghệ, máy móc. “Bởi nói đơn giản, một cái xe có tiêu chuẩn khí thải Euro 4 thì công nghệ sẽ tốt hơn cái tiêu chuẩn Euro 2”, ông ví dụ.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, cơ quan quản lý đã nhận thấy lỗ hổng trong giám sát về thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Nghị định 12/2009 nên khi xây dựng Nghị định 59 thay thế vào năm ngoái, Chính phủ đã siết lại công tác thẩm định, phê duyệt dự án cũng như quá trình thực hiện dự án và ngay cả khi kết thúc xây dựng, đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Theo Thanh Niên

Ngư dân Cảnh Dương đề nghị dừng hoạt động của Formosa

ThienNhien.Net – Có 14 ý kiến tại hội nghị do xã Cảnh Dương tổ chức đề xuất ngừng hoạt động đối với công ty Formosa Hà Tĩnh vì cho rằng sợ sự cố gây ô nhiễm như vừa qua sẽ tiếp tục tái diễn.
Tàu thuyền của ngư dân Cảnh Dương neo đậu tại bến sông Roòn.
Tàu thuyền của ngư dân Cảnh Dương neo đậu tại bến sông Roòn.
Sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân sự cố về môi trường biển là do Formosa Hà Tĩnh gây ra, ngày 4/7, Đảng uỷ, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) vừa tổ chức hội nghị đối thoại với người dân để tập hợp ý kiến về khắc phục môi trường biển gửi các cấp thẩm quyền.
Tại cuộc đối thoại, nhiều ý kiến của người dân tập trung vào một số nội dung như yêu cầu khám sức khoẻ, xác định thời hạn khắc phục môi trường, giải pháp hỗ trợ ngư dân về lãi vay ngân hàng, chuyển đổi ngành nghề…
Ngày 7/7, ông Trần Trung Thành, Bí thư Đảng uỷ xã Cảnh Dương, cho biết: Sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng đến đời sống, tâm lý của từng người dân ở địa phương.
Hiện nay, điều mà ngư dân cần nhất, mong mỏi nhất đó là môi trường biển sạch và sinh kế lâu dài để đảm bảo cuộc sống thường ngày.
Là địa phương vùng biển, xã Cảnh Dương hiện có hơn 8.600 nhân khẩu với gần 2.100 hộ dân; trong đó có đến 90% lao động gắn với nghề biển hoặc các dịch vụ liên quan khai thác hải sản.
Toàn xã hiện có khoảng 400 thuyền đánh cá loại dưới 90 CV. Trong đó có khoảng 120 chiếc đánh bắt vùng ven bờ (dưới 20 hải lý) với hàng trăm lao động lớn tuổi.
Số thuyền còn lại đánh bắt ở vùng trung bờ, do sản lượng đánh bắt hải sản giảm cộng với tâm lý e ngại không sử dụng hải sản từ biển đã khiến tàu thuyền đánh bắt trung bờ ít ra khơi.
“Hiện tại, trên địa bàn xã, số người không có việc làm đang ngày càng tăng bởi ngư dân chưa thể ra khơi, chị em phụ nữ không buôn bán, chạy chợ. Vấn đề chuyển đổi nghề cho số lao động này cũng đang gặp khó”, ông Nguyễn Trung Thành, Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Dương nói.
Báo cáo của UBND xã Cảnh Dương sau buổi đối thoại với người dân.
Báo cáo của UBND xã Cảnh Dương sau buổi đối thoại với người dân.
Tại văn bản số 43-BC-UBND xã Cảnh Dương gửi Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Quảng Trạch báo cáo kết quả đối thoại giữa lãnh đạo UBND xã với một bộ phận nhân dân xã Cảnh Dương có nêu các ý kiến sau:
1.  Nhân dân rất phấn khởi trước sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ban ngành liên quan sớm tìm ra nguyên nhân và thủ phạm gây ra cá chết hàng loạt vừa qua là do Công ty Formosa Hà Tĩnh.
2. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành Y tế tổ chức khám sức khỏe cho nhân dân, để xem xét có ảnh hưởng nhiễm độc hay không cho nhân dân yên tâm về sức khỏe bản thân và cộng đồng.
3. Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên qua sớm vào cuộc khắc phục môi trường biển thời gian bao lâu biển mới được sạch để nhân dân tham gia đánh bắt được (cụ thể 5 tháng, 1 năm hay lâu hơn nữa để nhân dân yên tâm khắc phục trong cuộc sống).
4. Đối với Cảnh Dương là xã độc canh về nghề ngư nghiệp và buôn bán nhỏ vì vậy việc chuyển đổi nghề khó có thể thực hiện được vì đối tượng đánh bắt gần bờ cơ bản là những người tuổi cao, sức khỏe yếu, tiềm lực kinh tế khó khăn, hơn nữa đây là nghề truyền thống từ bao đời để lại. Đối với các hộ buôn bán, thu mua hải sản lại càng khó khăn hơn.
5. Trước mắt và lâu dài Nhà nước và Chính phủ sớm có giải pháp hỗ trợ về mức thu nhập, lãi vay ngân hàng cho các hộ khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các nghề có liên quan. 
6. Các ý kiến cho rằng nếu như Công ty Formosa hỗ trợ cho nhân dân thì không lấy tiền hỗ trợ vì cho rằng nếu lấy hỗ trợ là tiếp tay cho công ty.
7. Có 14 ý kiến tại hội nghị đề xuất ngừng hoạt động đối với Công ty Formosa Hà Tĩnh vì cho rằng sợ sự cố gây ô nhiễm như vừa qua sẽ tiếp tục tái diễn.

Huy động 500.000 tỉ đồng trong dân để phát triển hạ tầng TPHCM?

Dân trí Để phát triển cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế đầu tàu cả nước, TPHCM cần khoảng 500.000 tỉ đồng cho 5 năm tới. Tuy nhiên, việc huy động vốn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế bởi nhiều lực cản. Các chuyên gia cho rằng cần dựa vào các nguồn lực xã hội để phát triển thành phố và đề xuất huy động tiền nhàn rỗi trong dân.

Tại hội thảo các giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TPHCM, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Du Lịch cho biết, đến năm 2020, TP cần khoảng 500.000 tỉ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng nguồn vốn đầu tư hiện nay rất khó khăn. Ông Lịch cho rằng TP phải tự kiếm thêm nguồn vốn để phát triển hạ tầng.
“Quỹ đất đô thị như con gà đẻ trứng vàng nhưng đang bị thất thoát, nhà công và đất công chưa được sử dụng như một nguồn lực để phát triển đầu tư. Chúng ta phải xã hội hóa, dựa vào nguồn đất công để thực hiện đổi đất lấy hạ tầng. Tận dụng các doanh nghiệp nhà nước hay các công ty đầu tư làm “vốn mồi” để huy động các nguồn lực khác”, ông Lịch đề xuất.
Kẹt xe, ngập lụt là nỗi ám ảnh của người dân TP
Kẹt xe, ngập lụt là nỗi ám ảnh của người dân TP
Theo ông Lịch, hướng phát triển của thành phố là một đô thị - cảng biển với các cảng lớn như Cát Lái, Hiệp Phước nhưng hạ tầng kết nối không đồng bộ. “Trừ chủ nhật ra thì ngày nào đường Đồng Văn Cống cũng kẹt xe kinh khủng gây bất lợi cho doanh nghiệp. Phát triển cảng biển nhưng đầu tư giao thông của mình quá chậm, nhiều bất cập. Làm đường Vành đai trong hiện cũng không giải quyết được”, ông Lịch dẫn chứng.
Trong khi đó, PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Đại học Kinh tế TPHCM - cho rằng cần dựa vào các nguồn lực xã hội để phát triển thành phố. Ông cho biết tổng lượng tiền bao gồm vàng, ngoại tệ và tiết kiệm cá nhân của người dân ở TP rất lớn, ước tính khoảng trên 30 tỉ USD. Do đó, cần phải tìm cách dẫn nguồn tiền này vào đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng.
Theo ông Bảo, nếu huy động được nguồn tiền trong dân thì đó sẽ là nguồn lực quan trọng để đầu tư xây dựng thành phố. TP cần nguồn vốn lớn để phát triển hạ tầng nhưng vẫn bó buộc trong cơ chế tài chính hiện nay thì không thể làm được. Bên cạnh đó, nợ công gần chạm mức nguy hiểm thì việc xin vốn trung ương là rất khó.
Ông Bảo cho rằng TP phải huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân thông qua việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. “Muốn người dân lựa chọn loại trái phiếu này thì TP phải tạo dựng được niềm tin khi phát hành. Đồng thời, phải xây dựng chính quyền đô thị với việc được phân cấp mạnh, có quyền tự chủ ngân sách”, TS Bảo nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng huy động nguồn vốn rất lớn của người dân qua trái phiếu chính quyền địa phương là một giải pháp khả thi và được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện thành công. Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM – cho rằng cần phải tính toán kỹ lưỡng.
“Trước đây cũng mua trái phiếu nhưng chỉ để làm kỷ niệm vì lợi nhuận hàng năm thấp hơn ngân hàng rất nhiều. Vì vậy, người dân sẽ không chọn trái phiếu làm kênh đầu tư nếu lợi nhuận thấp. Phải tính toán cho người dân có lợi thì mới huy động vốn từ nguồn này. Người dân mua trái phiếu mà nhiều năm sau, giá trị không tăng được bao nhiêu thì rất khó để thu hút nguồn vốn này”, ông Châu phân tích và đề xuất giá trị trái phiếu tăng lên ít nhất phải ngang bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cũng trăn trở về cách thức huy động nguồn lực từ trong dân để phát triển hạ tầng. Theo ông Anh, hình thức đổi đất lấy hạ tầng đã phát huy hiệu quả nhưng nguồn đất ngày càng hiếm. Nhiều khu đất, chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng nên cần có cơ chế cho họ hoán đổi số tiền này qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP - ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia trong việc tìm giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng của TP. Ông cho biết sẽ chuẩn bị đề án về huy động vốn để tham mưu cho Thành ủy, UBND TP. TP cũng sẽ kiên trì đề xuất, kiến nghị với trung ương cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn.
08/07/2016 - 10:21
Quốc Anh

Vụ Formosa xả thải gây cá chết hàng loạt: Ngư dân Quảng Bình đề nghị được khám sức khỏe

Dân trí Sáng 7/7, trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân cá chết, bà con ngư dân bày tỏ một số ý kiến gửi lên các cơ quan, ban ngành liên quan, trong đó đáng chú ý là họ mong sớm được khám sức khỏe.

Ông Tiến cho biết thêm, trong các cuộc đối thoại mới đây, bà con ngư dân xã Cảnh Dương đã bày tỏ một số ý kiến chính như: những khó khăn thực tế cần tháo gỡ để chuyển đổi nghề nghiệp như địa phương vốn là một xã thuần biển, thiếu đất đai canh tác; các cơ quan ban ngành liên quan cần sớm tìm giải pháp trả lại sự trong sạch cho môi trường biển…
Điều được bà con mong muốn trước mắt nhất là được khám, chữa bệnh nếu phát hiện ra các chứng bệnh liên quan đến việc ăn phải cá nhiễm độc. “Hiện tại những ý kiến, nguyện vọng và đề nghị của bà con chúng tôi đã gửi báo cáo lên UBND huyện”, ông Tiến cho hay.
Theo nhiều ngư dân xã Cảnh Dương, sau khi biết thông tin Công ty Fosmosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt, nhiều người rất hoang mang, lo lắng, bởi trước đó họ đã lỡ ăn cá biển trong những ngày đầu cá mới chết, chưa nắm được thông tin.
Nhiều ngư dân ở Quảng Bình đang rất hoang mang, lo lắng vì đã lỡ ăn cá biển trong những ngày đầu cá mới chết, chưa nắm được thông tin
Nhiều ngư dân ở Quảng Bình đang rất hoang mang, lo lắng vì đã lỡ ăn cá biển trong những ngày đầu cá mới chết, chưa nắm được thông tin
Nhiều ngư dân bày tỏ. “Chúng tôi đề nghị chính quyền cần chỉ đạo ngành y tế tổ sớm chức khám sức khỏe cho ngư dân để họ biết có bị nhiễm độc, ảnh hưởng gì đến sức khỏe sau khi ăn cá, trong đó có cá đánh bắt ở vùng biển bị nhiễm độc thời gian qua hay không?”, nhiều ngư dân bày tỏ.
Được biết, xã Cảnh Dương có khoảng 2.000 ngư dân với hơn 600 tàu cá lớn nhỏ và lộng. Cuộc sống của ngươi dân nơi đây phụ thuộc vào biển, từ ngày biển ô nhiễm khiến cuộc sống của họ rất khó khăn.
Cũng trong sáng nay, nguồn tin riêng của Dân trí cho hay, hiện tại tỉnh Quảng Bình đang gấp rút bàn bạc và lên phương án tổ chức khám sức khỏe cho bà con ngư dân.
Thứ Năm, 07/07/2016 - 10:03
P.V

Tàu cá bị tàu hàng tông chìm, 7 ngư dân mất tích

TTO - Bảy ngư dân trên tàu cá Quảng Bình bị một tàu hàng tông chìm từ ngày 4-7, đến nay tung tích của bảy ngư dân vẫn bặt vô âm tín.         
​Tàu cá bị tàu hàng tông chìm, 7 ngư dân mất tích
Một tàu cá của ngư dân Quảng Bình đánh bắt trên vùng biển đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị - Ảnh: Quốc Nam
Đến sáng 8-7, gia đình bảy ngư dân trên chiếc tàu cá QB 93917 TS do ông Hoàng Mạnh Lâm (sinh năm 1987, trú thôn Yên Hải, xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình) làm thuyền trưởng vẫn chưa có thêm tin tức gì về tung tích người thân sau khi nhận gián tiếp tin tàu đã bị đâm chìm trên vùng biển Quảng Trị chiều 4-7.
Chị Trịnh Thị Hà, 28 tuổi, vợ của chủ tàu Hoàng Mạnh Lâm, cho biết chị nhận thông tin tàu cbị đâm chìm vào khoảng 17g20 ngày 4-7.
Thông tin này được một người tên Tâm, tự xưng là người của một công ty bảo hiểm ở TP.HCM gọi điện về báo.
Theo lời kể của chị Hà, người tên Tâm này báo tin tàu của chồng chị bị một tàu hàng đâm chìm trên vùng biển tỉnh Quảng Trị vào chiều 4-7.
Tàu hàng này đang trên đường chở hàng từ Việt Nam đi Singapore. Cả bảy thuyền viên đã được tàu hàng này đưa lên tàu và dùng máy điện đàm gọi về cho công ty bảo hiểm của ông Tâm thông báo sự việc và nhờ ông Tâm gọi về báo cho gia đình chủ tàu cá biết.
Từ đó đến nay, gia đình không hề nhận thêm bất cứ thông tin gì thêm về tung tích của bảy ngư dân trên tàu.
Liên lạc lại với người báo tin cũng không được. Quá lo lắng, gia đình chị Hà đã lên trình báo với chính quyền địa phương và đồn biên phòng Ròon, đóng tại địa phương nhưng đến nay những cơ quan này vẫn chưa có phản hồi gì. 
Trước đó, cũng theo chị Hà, tàu của anh Lâm có tất cả bảy ngư dân, ra khơi từ ngày 29-6 và chuyên đánh bắt ở vùng biển Quảng Trị, Quảng Bình.
Theo lịch thông thường thì tàu đi khoảng hơn một tuần mới về một lần. Bảy ngư dân trên tàu ngoài thuyền trưởng Lâm còn có Phạm Thanh Long (sinh năm 1977), Đậu Ngọc Sơn (sinh năm 1972), Đậu Sơn Lâm (sinh năm 1974), Nguyễn Khánh Duy (sinh năm 1990), Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1996), Nguyễn Bá Lộc (sinh năm 1996).              
Anh Phạm Anh Tuấn, em trai của ngư dân Phạm Thanh Long cho biết các gia đình ngư dân hiện đang vô cùng lo lắng cho người thân của mình.
“Thường thì đi từ Việt Nam qua Singapore cũng chỉ mất hơn hai ngày hai đêm. Đằng này đã qua ngày thứ năm mà vẫn chưa có tin tức gì nên chúng tôi như ngồi trên lửa”, anh Tuấn lo lắng.
Ông Đậu Minh Ngọc, bí thư huyện ủy Quảng Trạch (Quảng Bình) xác nhận chính quyền huyện này đã nắm sự việc và đã về gia đình các ngư dân thăm hỏi động viên.
Theo ông Ngọc, chính quyền địa phương đã đề nghị tỉnh báo với Bộ Ngoại giao nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore tìm kiếm thông tin của chiếc tàu chở các ngư dân này. 
08/07/2016 10:58
QUỐC NAM

Những biển báo cảnh cáo người Việt ăn cắp ở Nhật cứ ngày một nhiều lên

Ngọc Thanh-11:22  08/07/2016

Đại diện nhiều trường đại học có tiếng cũng như công ty tuyển dụng ở Nhật cho biết, họ đã thắt chặt chính sách hơn đối với du học sinh Việt Nam sau quá nhiều vụ việc rắc rối mà người Việt gây ra trong thời gian gần đây.


Những biển báo cảnh cáo người Việt ăn cắp ở Nhật cứ ngày một nhiều lên
Mới đây trên cộng đồng người Việt Nam tại Nhật nổi lên một câu chuyện, đó là 3 em sinh viên cùng sống với nhau trong một căn hộ. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như một ngày nọ, hai em sinh viên trở về nhà và phát hiện ra bạn của mình biến mất, cùng rất nhiều tiền bạc và đồ đạc quý giá trong nhà đã “không cánh mà bay”.
Hai em cố gắng liên lạc với bạn đó qua điện thoại, qua tin nhắn Facebook nhưng bạn đều không hồi âm và cuối cùng bạn chặn luôn cả số điện thoại cũng như tài khoản Facebook của hai em.
Ba em từng cùng quê với nhau, chơi thân nhau và cùng lên kế hoạch rủ nhau đi du học Nhật, và kết quả cuối cùng của tình thân đó là hành vi ăn cắp. Số tiền ăn cắp không phải quá lớn, chỉ khoảng 100 nghìn yên, nhưng để kiếm được số tiền đó là cả nửa tháng đi làm mưa nắng sớm tối của các em.
Cửa hàng tiện lợi 7-Eleven gần ga Chiba tỉnh Chiba một ngày tháng 6/2016. Ông chủ Toyoumi Takeda cảm thấy rất bực mình. Theo quy định của hãng, tất cả đồ ăn thừa trong ngày như bánh, cơm chỉ có thể cho nhân viên ăn tại quầy mà không được phép mang về. Đồ ăn còn thừa sẽ bị buộc phải đi tiêu hủy.
Thế nhưng, những ngày gần đây, không hiểu ai đó đã lấy bánh và cơm hộp mà mỗi ngày ông Toyoumi lại thấy hao hụt đến hơn 20 hộp bánh và cơm các loại. Không muốn làm nhân viên của mình mất mặt, ông đã nhắc chung các nhân viên về việc không được phép lấy đồ thừa của cửa hàng. Ngay cả khi đã nhắc như vậy, đồ vẫn tiếp tục bị lấy mất, nhưng hỏi thì không ai nhận trách nhiệm.
Cực chẳng đã, ông chủ người Nhật đành phải mở camera theo dõi thì phát hiện ra thủ phạm chính là một cô nhân viên người Việt Nam. Trước đó, cô nhân viên này đã được chiếu cố vào làm vì tiếng Nhật của cô rất kém. Ông chủ cuối cùng đành phải chọn cách nói chuyện riêng với cô để cảnh cáo cô không được tiếp tục ăn cắp, nếu không ông sẽ đuổi việc.
Ngay chính trong cuộc nói chuyện này, cô cũng khiến ông cảm thấy khó chịu vì cô khăng khăng nói là cô từng làm ở nhiều cửa hàng tiện lợi khác, nhân viên vẫn được mang đồ ăn thừa về nhà. Ông chủ cảm thấy thực sự mệt mỏi và cho cô gái lựa chọn cuối cùng, đó là nếu một lần nữa cô bị bắt gặp ăn cắp đồ ăn thừa, cô sẽ bị đuổi việc.
Tỉnh Saitama ngoại thành Tokyo là một lựa chọn tốt cho những người thu nhập thấp đang làm việc tại Tokyo, trong đó có nhiều sinh viên và người lao động Việt Nam. Giá thuê nhà tại Saitama chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với nội vùng Tokyo. Chính vì thế, có nhiều thời điểm trên các chuyến tàu từ Tokyo về Saitama, người ta ngỡ như mình đang sống ở Việt Nam vì xung quanh có quá nhiều người Việt.
Nhưng đi cùng với đó là những câu chuyện đáng buồn. Cách đây khoảng 2 năm, đi khắp Saitama không bao giờ có những biển hiệu cảnh cáo hành vi ăn cắp. Nhưng thời gian qua đi, khi người Việt đến Saitama sống ngày một đông, thì biển hiệu cảnh báo về hành vi ăn cắp ngày một nhiều hơn.
Ở trong nước, người tiêu dùng thích sữa bột Nhật, thích tảo Nhật, thích tỏi đen Nhật, thích đồ Uniqlo. Những kẻ ăn cắp bên này đáp ứng đúng các yêu cầu đó và cũng chính vì thế mà các biển cảnh cáo ăn cắp cũng xuất hiện ở chính những quầy chuyên bán các sản phẩm trên.
Hành vi ăn cắp không chỉ dừng lại ở phương diện lẻ tẻ mà hình thành hẳn các băng nhóm chuyên trộm cắp, đi ăn cắp cùng đồng bọn lái ô tô để tẩu thoát cho nhanh, ăn cắp theo đơn đặt hàng. Bởi vậy nên trong rất nhiều vụ bắt giữ gần đây, cảnh sát Nhật tìm được những bản danh sách dài dằng dặc những món hàng được phía Việt Nam đặt hàng, những người Việt bên này nhận đơn rồi ăn cắp để gửi về Việt Nam.
Tuy nhiên không ít người đã sống lâu năm tại Nhật hoài nghi về mối liên hệ giữa các băng nhóm ăn cắp người Việt và đằng sau đó là người Nhật cầm đầu. Trên thực tế, những kẻ thực sự đi ăn cắp là người nước ngoài sẽ bị xử tù rất nặng hoặc trục xuất, thì pháp luật Nhật lại không trừng phạt những người Nhật đứng sau.
Nhiều người cho biết họ từng chứng khiến nhiều vụ việc trong đó người Nhật lái xe chở người Việt đến các siêu thị ăn cắp hàng. Sau đó người Việt được trả công kha khá còn người Nhật ôm hàng đi bán thanh lý. Việc đó không phải mới, thậm chí đã diễn ra suốt nhiều năm, người Nhật lái xe đưa người Việt đi ăn trộm phụ tùng ô tô, tivi, gạo.
Sau đó người Nhật mua lại từ người Việt bằng đơn vị tính theo cân rồi mang đi tiêu thụ. Cần chú ý rằng, các hàng hóa trên không hề được người Việt tại Việt Nam ưa chuộng vì cồng kềnh, phí vận chuyển cao.
Sẽ là hoàn toàn sai lầm nếu cho rằng người Nhật nào cũng chỉ muốn tiêu thụ hàng hóa có nguồn gốc. Bởi nếu như vậy, các hành vi ăn cắp sẽ không diễn ra trên phạm vi rộng và số lượng nhiều như chúng ta chứng kiến cho đến hiện tại.
Hay như vụ việc 6 người Việt ăn trộm dưa ở tỉnh Chiba mới đây. Với 6 người ăn trộm 110 quả dưa hấu gần đến ngày thu hoạch, chắc chắn ai cũng hiểu họ ăn trộm không phải vì thiếu ăn mà chắc chắn sẽ có hành vi khác đằng sau số lượng dưa lấy lớn đến như vậy.
Người Việt trong nước cũng không bao giờ tiêu thụ dưa hấu Nhật vì đường xa không bảo quản được, chi phí về đến Việt Nam quá lớn. Giá vận chuyển đường hàng không từ Nhật về Việt Nam hiện rơi vào khoảng 220 nghìn đồng/kg mà đa phần không nhận vận chuyển hàng tươi sống, hoa quả cũng cực kỳ hạn chế.
Thông thường ở Nhật, nếu không phải là người Nhật sẽ không bao giờ có thể đưa hàng trực tiếp vào chợ hay các hợp tác xã để bán. Chính vì vậy, những lo ngại về khả năng người Việt bị một số người Nhật xấu xúi giục ăn cắp để họ có nông sản rẻ mang đi kinh doanh kiếm lời không phải không có cơ sở.
Người Việt ở Nhật cần luôn nhớ một điều rằng, pháp luật Nhật chỉ bảo vệ cho người Nhật và với bất kỳ hành vi sai trái nào bị phát hiện, nó đồng nghĩa với việc tương lai của các bạn sẽ chấm dứt, thậm chí các bạn có thể bị cấm quay lại Nhật vĩnh viễn.
Việc các bạn ăn cắp, phạm tội không chỉ ảnh hưởng đến riêng các bạn, mà còn khiến đường sang Nhật của rất nhiều người thế hệ sau trở nên hẹp hơn. Đại diện nhiều trường đại học có tiếng cũng như công ty tuyển dụng ở Nhật cho biết, họ đã thắt chặt chính sách hơn đối với du học sinh Việt Nam sau quá nhiều vụ việc rắc rối mà người Việt gây ra trong thời gian gần đây.

Theo Trí Thức Trẻ