Thursday, January 21, 2016

Những sự thật không thể tin nổi ở Triều Tiên

Theo vietnamnet -21/01/2016  05:00

Do thiếu thông tin nên có rất nhiều lời đồn và phỏng đoán về cuộc sống bên trong Triều Tiên.
Theo tờ Independent, ngay cả khi sự thật được sáng tỏ cũng thì vẫn còn nhiều điều rất khó tin tại quốc gia này.
Dưới đây là một vài ví dụ.
Triều Tiên, Bình Nhưỡng, Kim Jong Il, Kim Nhật Thành, lịch Triều Tiên, kiểu tóc Triều Tiên, truyền hình Triều Tiên, sân vận động lớn nhất thế giới, sân vận động Bình Nhưỡng, quân đội Triều Tiên, quần jeans
Quân đội Triều Tiên
1. Triều Tiên có đội quân lớn nhất thế giới (bao gồm lực lượng tại ngũ, dự bị và bán quân sự) với quân số là 7,7 triệu người. Mỹ có khoảng 1,5 triệu binh sĩ tại ngũ.
2. Cần sa bị coi là bất hợp pháp ở Triều Tiên, nhưng lại được bày bán ở chợ.
Triều Tiên, Bình Nhưỡng, Kim Jong Il, Kim Nhật Thành, lịch Triều Tiên, kiểu tóc Triều Tiên, truyền hình Triều Tiên, sân vận động lớn nhất thế giới, sân vận động Bình Nhưỡng, quân đội Triều Tiên, quần jeans
Sân vận động Rungnado May Day lớn nhất thế giới
3. Sân vận động lớn nhất thế giới là Rungnado May Day, nằm ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, với sức chứa 150.000 người.
4. Lịch của người Triều Tiên tính từ ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, ngày 15/4/1912. Theo lịch này thì năm nay tại Triều Tiên là năm 104, không phải 2016.
Triều Tiên, Bình Nhưỡng, Kim Jong Il, Kim Nhật Thành, lịch Triều Tiên, kiểu tóc Triều Tiên, truyền hình Triều Tiên, sân vận động lớn nhất thế giới, sân vận động Bình Nhưỡng, quân đội Triều Tiên, quần jeans
Một lớp tập đàn accordion ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên
5. Trong suốt những năm 1990, tất cả mọi giáo viên đều bị bắt buộc học đàn accordion.
6. Do thiếu phân bón, Triều Tiên buộc phải sử dụng chất thải tự nhiên của người để bón cho cây trồng.
Triều Tiên, Bình Nhưỡng, Kim Jong Il, Kim Nhật Thành, lịch Triều Tiên, kiểu tóc Triều Tiên, truyền hình Triều Tiên, sân vận động lớn nhất thế giới, sân vận động Bình Nhưỡng, quân đội Triều Tiên, quần jeans
Một người nông dân ở Triều Tiên khoe cây trồng sau khi thu hoạch
7. Theo tiểu sử chính thức thì cố Chủ tịch Kim Jong In được cho là biết đi khi ông mới chào đời được 3 tuần.
8. Triều Tiên có 3 kênh truyền hình, trong đó chỉ có 2 kênh phát sóng vào cuối tuần, kênh còn lại chỉ xem được vào buổi chiều.
9. Triều Tiên tiến hành bầu cử 5 năm/ lần, nhưng chỉ có một lựa chọn duy nhất.
Triều Tiên, Bình Nhưỡng, Kim Jong Il, Kim Nhật Thành, lịch Triều Tiên, kiểu tóc Triều Tiên, truyền hình Triều Tiên, sân vận động lớn nhất thế giới, sân vận động Bình Nhưỡng, quân đội Triều Tiên, quần jeans
Một số kiểu tóc cho phụ nữ được ban hành ở Triều Tiên.
10. Quần Jeans vải bông chéo bị coi là bất hợp pháp ở Triều Tiên, vì đó được coi là hiện thân của tư bản Mỹ.
11. Phụ nữ Triều Tiên chỉ được cắt tóc theo 28 kiểu quy định, còn nam giới chỉ được cắt theo 10 kiểu.
Lê Thu

Thống kê xã hội chủ nghĩa

Hùng Tâm/Người Việt-01-20-2016 4:08:35 PM 

Vì sao thống kê Trung Quốc không đáng tin?

Hôm Thứ Ba 19, Cục Thống Kê Quốc Gia của Bắc Kinh vừa công bố số tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2015 là 6.9%, được truyền thông quốc tế đánh giá là mức thấp nhất kể từ 25 năm nay. Có hai chi tiết đáng chú ý từ mẩu tin: 1) kết quả quá phù hợp với chỉ tiêu do lãnh đạo Trung Quốc đưa ra từ năm ngoái, là 7.0%, 2) nhưng... chả đáng tin!

Giới chuyên gia am hiểu về kinh tế Trung Quốc lập tức nêu ra sự hoài nghi và lượng định khác.

Ước tính của quốc tế

Nhiều người đã từng nêu vấn đề về tính chất bất khả tín của thống kê Trung Quốc. Mới nhất là những trường hợp sau đây:

Cầm đầu Trung tâm Trung Quốc của Evercore ISI, doanh nghiệp tư vấn cho các ngân hàng đầu tư, ông Donald Straszheim cho là thống kê hôm Thứ Ba vừa qua của Bắc Kinh không có thông tin gì mới. Chẳng những Cục Thống Kê không thèm trả lời các câu hỏi của chúng tôi mà còn báo rằng chỉ phổ biến số tăng trưởng tổng hợp chứ không phân giải từng thành phần. Nếu không có từng thành phần của đà tăng trưởng thì làm sao cộng ra con số tổng hợp? Nếu họ có thì tại sao lại không công bố? Ông Straszheim kết luận: Chẳng cần là nhà bác học thì cũng có thể thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế “cũ,” chuyên về ráp chế, nằm gần số không chứ chẳng thể là 6.8%. Vì thiếu dữ kiện từ tư doanh, người ta khó tính ra sản lượng của khu vực dịch vụ.

Học giả Derek Scissors của American Enterprise Institute, một think tank có uy tín của giới bảo thủ vạch ra mâu thuẫn của các số liệu kinh tế Trung Quốc: Tân Hoa Xã báo cáo rằng lượng hàng vận chuyển bằng hỏa xa giảm 15.6% quy ra toàn năm, vậy mà thống kê về sản lượng công nghiệp lại tăng 6.2%. Chẳng lẽ hãng xưởng sản xuất rồi chất đống dưới đất mà khỏi chở đi nơi khác? Ông ước tính đà tăng trưởng thực tế còn thấp hơn 4%.
Trong giới đầu tư, Gary Shilling có vị trí độc đáo, là chủ tịch doanh nghiệp Nghiên Cứu Kinh Tế A. Shilling and Co. từ nhiều năm trước đã tiên báo sự sa sút kinh tế của Trung Quốc trước sự hoài nghi của nhiều người. Lần này ông phát biểu rằng không ai biết sự thật là như thế nào, nhưng khi tìm hiểu sâu xa hơn vào các dữ kiện khó kiếm, chẳng hạn như lượng hàng vận tải qua thiết lộ (hỏa xa), lượng than và điện tiêu thụ, doanh nghiệp của ông ước tính đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ ở khoảng 3% chứ không thể gần với 7%.

Tỷ phú Wilbur Ross là nhà đầu tư chuyên mua các doanh nghiệp lâm nạn, tái cấu trúc và tổ chức lại để bán ra tiền. Ông cũng dùng các dữ kiện về vận tải, về nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất như xi măng, thép, than, điện, để ước tính sản lượng kinh tế Trung Quốc chỉ ở mức 4% mà thôi.

Hồ Sơ Người-Việt cố tiến xa hơn để tìm hiểu tại sao thông tin kinh tế của Trung Quốc lại có vấn đề.

Những sai lầm của quốc tế

Trước hết, vì sao ngày nay người ta mới ngạc nhiên về sự sa sút kinh tế của Trung Quốc? Chỉ vì trong một giai đoạn khá lâu đến hai chục năm, quốc tế đã sai lầm khi đánh giá kinh tế Trung Quốc. Sau đây là bảy nguyên nhân đáng kể nhất.

Thứ nhất, quốc tế thiếu am hiểu địa dư hình thể Trung Quốc nên không thấy xứ này có ba nền kinh tế khác biệt trên một lãnh thổ rộng lớn bằng lãnh thổ Hoa Kỳ, chứ không chỉ có vùng duyên hải là nơi các doanh nghiệp quốc tế đầu tư để kiếm tiền. Họ không nhìn ra thực tế nghèo nàn lạc hậu của một khu vực bát ngát bên trong.

Thứ hai, quốc tế không hiểu rõ và đánh giá sai mâu thuẫn rất lớn và thật ra cũng rất cổ điển giữa trung ương và địa phương nên không thấy rằng vì lý do chính trị cải cách là điều rất khó. Quốc tế cho rằng chế độ độc đảng toàn trị có ưu điểm là muốn làm gì cũng được.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp đầu tư che giấu sự thất bại của họ mà cố quảng cáo về triển vọng Trung Quốc với các thân chủ ủy thác tiền đầu tư vào xứ này. Loại gian ý như vậy không phải là hiếm nếu chúng ta nhớ lại vụ khủng hoảng tài chánh sau khi thị trường gia cư Hoa Kỳ bị bể bóng cách nay 10 năm.

Thứ tư, nhiều trung tâm nghiên cứu hay think tanks không dám nói thẳng về sự thật vì sợ phản ứng của lãnh đạo Bắc Kinh khiến họ khó ra vào Trung Quốc để trở thành “chuyên gia về Trung Quốc.”

Thứ năm, trong số này, không thiếu gì người thực tình tin vào lý luận tuyên truyền của Bắc Kinh, vì vậy, số liệu giả tạo của Trung Quốc cứ được họ loan truyền mà khỏi kiểm chứng. Và truyền thông nông cạn lại tin vào sự khách quan của họ.

Thứ sáu, khá rắc rối và chuyên môn, giới học giả Hoa Kỳ và Âu Châu thiếu kiến thức về kinh doanh và về kế toán nên chẳng thấy nạn sản xuất dư thừa không là tăng sản lượng mà chỉ là chất lên tồn kho ế ẩm được tài trợ bằng một núi nợ. Họ không tin rằng Trung Quốc mắc nợ nhiều như vậy trong khi vẫn sản xuất từng núi hàng vô dụng, những trung tâm thương mại vắng khách, nhiều khu vực gia cư sụt giá từ mấy năm nay.

Sau cùng, rất nhiều trí thức thiên tả Tây phương luôn luôn tin tưởng vào vai trò của nhà nước. Họ tưởng là vì nhà nước Bắc Kinh có toàn quyền nên có khả năng quản trị cao hơn nhà nước Tây phương. Những vụ khủng hoảng tài chánh tại Âu Châu hay tranh luận chính trị tại Hoa Kỳ càng củng cố lập luận sai lầm này của giới trí thức khuynh tả. Đa số truyền thông cũng thiên tả nên có sự đánh giá thiên lệch mà không biết!
Bây giờ, ta mới đi vào thực tế Trung Quốc.

Độc tài nên nói tài mà làm dở

Về kinh tế chính trị học Trung Quốc, chúng ta cần hiểu ra hiện tượng tập trung/tản quyền, thi đua và tranh giành ảnh hưởng giữa từng địa phương với nhau và giữa trung ương với các đảng bộ địa phương.

Thời Mao Trạch Đông, trung ương phát động “Bước nhảy vọt vĩ đại” là bóc lột nông dân để công nghiệp hóa từ dưới lên hầu nơi nơi đều có nhà máy luyện kim bỏ túi và báo cáo thành tích lên trên. Thật ra sự hoang tưởng này lại gây khủng hoảng khiến mấy chục triệu người chết đói ở dưới mà ngay trung ương ở trên không biết. Khi ấy, thế giới bên ngoài cũng không biết.

Một đặc tính thuộc về tổ chức chính trị là mọi đảng viên cán bộ đều có hai mũ, mũ đảng viên và mũ cán bộ, và đảng viên có quyền hơn công chức nhà nước. Cả hai thành phần đều thăng quan tiến chức là qua sự thẩm định của cấp trên chứ không do sự hài lòng hay không của người dân ở dưới. Vì thế, khi thu thập thống kê để báo cáo lên trên, họ đều châm thêm “hệ số tô hồng” hay hệ số tâng công, để cuối cùng bịt mắt trung ương.

Không những vậy, họ dùng thống kê và đưa ra số liệu sai lầm để còn tác động vào chánh sách hoặc lách qua những quyết định của trung ương. Vì vậy, 30 năm sau khi Đặng Tiểu Bình cải cách kinh tế, đầu năm 2009, trung ương cho tổ chức lại việc thu thập thống kê mà đến nay chưa không giải quyết được. Trung bình thì cứ ba năm người ta lại nghe nói đến việc cải cách hệ thống thu thập thống kê mà chẳng thấy cải tiến.

Một thí dụ là Cục Thống Kê Quốc Gia ở trung ương tổng hợp các số liệu của bộ máy thống kê của họ trải sâu xuống dưới để có tổng sản lượng Kinh Tế Toàn Quốc. Con số ấy luôn luôn thấp hơn tổng sản lượng của tất cả 31 tỉnh thành trên cả nước, thấp hơn từ 500 tỷ đến 900 tỷ đô la, nên người dân mới mỉa mai rằng trung ương quên mất nhiều tỉnh! Chỉ vì các tỉnh đều tự động nống thêm thành quả của mình trong các báo cáo đưa lên trên.
Sự thật còn trầm trọng hơn vậy vì hiện tượng “loạn sứ quân” qua thống kê kinh tế và xã hội giữa đảng ủy các tỉnh, thành và trung ương.

Dưới con số lạc quan không chỉ có sự sai biệt về thống kê mà còn có nhu cầu tranh đoạt quyền lực và hậu quả là tập quyền hay tản quyền, là chuyện hợp tan của lịch sử. Các tỉnh duyên hải miền Đông và miền Nam đều hướng ra ngoài và trình bày hình ảnh tô hồng để cho thấy chiến lược xuất cảng là có kết quả về kinh tế và xã hội và để tranh thủ phương tiện cho tỉnh nhà. Các tỉnh nằm sâu bên trong thì chỉ còn một nguồn lợi về thuế khóa và lợi tức cho đảng viên cán bộ là đất đai. Họ cướp đất của dân và làm giàu cho mình. Khi dân chúng biểu tình đánh lộn với công an thì trung ương mới chưng hửng!

Vì vậy, Tập Cận Bình mới tập trung quyền lực về trung ương để chuyển hướng mà không xong.

Khi đã hiểu ra cách thu thập dữ kiện kinh tế xã hội tại Trung Quốc, ta nên chú ý đến sự dị biệt của thống kê chính thức. Khi thấy dị biệt là biết rằng có vấn đề mà không chỉ về kinh tế.

Một thí dụ là cải cách ngành thép năm 2005-2009. Tháng 10 năm 2009, quốc vụ viện Bắc Kinh vừa đồng ý về số biện pháp tiết giảm sản lượng thép vì sản xuất thừa thì thống kê công bố ngày 21 tháng 9 năm đó cho thấy sản lượng thép thô (crude steel) vào tháng 8 lại tăng 22% để lên tới hơn 52 triệu tấn (metric tons). Một kỷ lục mới giữa thời suy trầm, khi sản lượng các nước đều giảm. Đâm ra, Trung Quốc quá mạnh và thế giới trầm trồ ngợi khen một nhược điểm.

Tìm hiểu rõ hơn thì phải lên tới Chánh Sách Thép do Ủy Ban Cải Tạo và Phát Triển Quốc Gia ban hành từ năm 2005 nhằm tái phối trí để nâng cao hiệu năng của các doanh nghiệp sản xuất thép, khi sản lượng thép của Trung Quốc đã đủ cho nhu cầu từ 2006 và từ đấy thừa thép để xuất cảng. Nhưng khi kinh tế toàn cầu suy trầm, lượng thép tiêu thụ đều giảm trên thế giới, số thặng dư đó mới là vấn đề.

Vì do hiệu năng kém - tiêu thụ nhiều cho một suất lượng nhất định - kỹ nghệ thép Trung Quốc gây ô nhiễm và ngốn nguyên nhiên liệu như rồng cuốn khiến giá các nhập lượng đó tăng vọt và nhà nước lại nhảy vào điều tiết để giữ giá nội địa cho thấp. Kết quả chẳng những kỹ nghệ thép của Trung Quốc không tinh tấn nhờ cạnh tranh và đào thải, mà tiếp tục bị phân tán mỏng trong nội địa với giá lệch lạc. Các nhà máy phì phò thán khí và tạo ra ấn tượng kỹ nghệ hóa tưng bừng. Và vì Ủy ban Cải tạo đặt ra sản lượng tối thiểu nếu không thì dẹp lò, các địa phương đều thi đua đầu tư và tuyển dụng để sản xuất cao hơn định mức ấy: Kết quả đi ngược với mục tiêu của trung ương!

Tổng hợp lại thì sản lượng toàn quốc vẫn tăng, phẩm chất vẫn thấp và Bắc Kinh vẫn có thể nói phét về sức mạnh sắt thép của mình. Trong khi thế giới bị điêu đứng vì giá nguyên nhiên vật liệu đều sụt mạnh. Là chuyện ngày nay.

Kết luận ở đây là gì?

Trung Quốc chưa có một bộ máy hành chánh công quyền độc lập và có khả năng. Xứ này chỉ có một hệ thống thư lại thuần phục sự cai trị của một đảng độc quyền. Hệ thống đó báo cáo sai về nhiều chuyện chứ không chỉ sai về thống kê kinh tế.

Cho nên thế giới sẽ còn bị ngạc nhiên về Trung Quốc!

Giá dầu xuống làm hại Putin

Ngô Nhân Dụng
Giá dầu thô rớt xuống 27.70 đô la một thùng vào đêm Chủ Nhật, thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay; ngày Thứ Hai giá lên được thêm 90 xu. Suốt 18 tháng qua giá dầu liên tục xuống, chưa bao giờ cơn xuống giá kéo dài như vậy, kể từ năm 1945 đến nay.

Trong năm 2016, giá dầu sẽ tiếp tục xuống nữa, vì số dầu sản xuất không giảm. Sau khi Mỹ và các nước Tây phương bãi bỏ cấm vận, Iran sẽ bơm lên thêm 500 ngàn thùng dầu mỗi ngày, trong sáu tháng sẽ lên một triệu thùng. Nhưng tuần này, Iran sẽ được phép bán 50 triệu thùng dầu vẫn chứa trong kho, qua các nước Châu Âu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency) ước tính trong năm nay mỗi ngày trung bình số cung sẽ vượt trên số cầu khoảng 1.5 triệu thùng, mặc dầu Mỹ giảm sản xuất vì giá thấp. Các nước sản xuất dầu khác không giảm, vì cần cạnh tranh để bảo vệ thị trường của họ. Nhiều công ty nghiên cứu đoán giá sẽ xuống dưới 25 đô la, có thể chỉ còn 10 đô la một thùng.

Trong thị trường dầu thô, số cung vẫn tăng lên nhưng số cầu lại giảm, một lý do chính là kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc độ và sẽ tiếp tục trì trệ rất lâu. Kinh tế các nước bán nguyên liệu và hàng hóa cho dân Tàu sẽ xuống theo; tất cả sẽ tiêu thụ dầu ít hơn trước. Trong năm 2015 tổng sản lượng nội địa (GDP) Trung Quốc chỉ tăng với tỉ lệ 6.9%, nhưng trong thực tế có thể thấp hơn nữa, khoảng 4%, so với con số trên 7% năm trước. Sản lượng công nghiệp ở Trung Quốc chỉ tăng được 5.9% vào cuối năm ngoái, riêng hai ngành điện lực và thép thì giảm bớt.

Số lượng dầu cất trong kho còn rất cao ở khắp thế giới, từ Mỹ đến Trung Quốc. Kho dầu dự trữ của nước Mỹ, tại Cushing, tiểu bang Oklahoma, đang chứa đầy 64 triệu thùng. Rất nhiều tàu thủy chứa đầy dầu còn đậu ngoài khơi vì chưa có chỗ tiếp nhận.

Giá dầu xuống, nước nào tiêu thụ dầu càng nhiều thì càng được lợi. Dân Mỹ có lẽ được lợi nhất, không những vì giá xăng rẻ (có nơi bán dưới 50 xu một ga lông) mà còn vì người tiêu thụ sẽ có dư tiền để mua các món khác, thúc đẩy sản xuất. Kinh tế Châu Âu sẽ khá hơn, người ta tính cứ giá dầu xuống 10% thì sản lượng cả khu vực Châu Âu sẽ tăng thêm được 0.10%. Dân Nhật Bản chuyên nhập cảng dầu cũng được lợi, nhưng chính phủ Nhật sẽ vất vả hơn; vì Thủ Tướng Abe muốn giá cả tăng lên để kích thích sản xuất công nghiệp; nếu giá xăng xuống thì tỉ lệ lạm phát cũng xuống theo! Trung Quốc là nước nhập cảng dầu nhiều nhất thế giới, họ sẽ được lợi. Ấn Độ phải nhập cảng ba phần tư số dầu sử dụng, giá xăng xuống dân chúng được nhờ mà chính phủ cũng bớt phải lo trợ cấp giá.

Những nước sản xuất dầu sẽ bị thiệt hại, trong đó có các nước Ả rập trong vùng Vịnh, hay Nigeria ở Châu Phi. Nhưng không nước nào đáng lo bằng Nga. Dầu và hơi đốt chiếm 30% GDP và 60% số hàng xuất cảng của Nga. Dân Nga tiêu thụ ít xăng so với dân Mỹ cho nên không được lợi bao nhiêu, chỉ có 30% số dầu sản xuất được dùng ở trong nước. Kinh tế Nga đã bị đẩy xuống thấp vì bị các nước Âu Mỹ cấm vận sau khi Nga chiếm Crimea của Ukraine, giá dầu xuống càng gây thêm khốn khó. Mỗi lần giá dầu thô xuống một đô la thì nước Nga sẽ mất 2 tỷ đô la một năm, Ngân Hàng Thế Giới ước tính GDP của Nga đã sụt giảm 0.7% trong năm 2015.

Vì kinh tế xuống, đồng Rúp của Nga đã mất giá 60% so với đô la Mỹ, hậu quả là giá hàng nhập cảng tăng vọt, vì khi mua phải trả bằng đô la cho nước ngoài, khi bán thì tính ra đồng rúp. Giá sinh hoạt tăng, Ngân Hàng Trung Ương phải tăng lãi suất để ngăn chặn mối đe dọa lạm phát, lãi suất có lúc lên tới 17%. Lãi suất tăng khiến người tiêu thụ cũng như nhà sản xuất khó vay tiền, do đó kinh tế càng suy yếu.

Trong khi đó, Vladimir Putin, tổng thống Nga vẫn tiếp tục cuộc phiêu lưu ở Syria, sau khi đưa máy bay sang hỗ trợ chính quyền Assad đánh lực lượng IS, gọi là Daesh trong tiếng Ả Rập. Các cuộc không tập của Nga cũng nhắm vào tất cả các lực lượng chống Assad và chống IS do các nước Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ. Máy bay Nga đã giết chết cả ngàn thường dân ở Syria, trong khi máy bay các nước Mỹ, Anh, Pháp vẫn tìm cách tránh các khu đông dân cư. Tình trạng này kéo dài thì không những các nước Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng chống Nga mà dân chúng Syria cũng phải coi Nga là kẻ thù.

Không Quân Nga giúp Assad đạt được một số thắng lợi nhỏ, đủ để giúp chế độ độc tài khỏi bị sụp đổ, nhưng không thể tiêu diệt hết các lực lượng IS. Chính quyền Assad càng mất lòng dân vì dựa vào bom đạn của quân ngoại quốc để duy trì một chế độ đã nổi tiếng bạo tàn. Lực lượng IS yếu đi về quân sự nhưng lại mạnh hơn trong cuộc chiến tranh tâm lý. Chế độ Assad ngày càng bi dân chống đối hơn vì dựa vào quân lực ngoại bang. Dân Syria thấy tự ái dân tộc và tôn giáo bị xúc phạm, vì người Nga da trắng và theo phái chính thống Thiên Chúa Giáo. Khi phá nổ chiếc máy bay dân sự làm hai trăm người Nga thiệt mạng, bộ máy tuyên truyền của IS coi đó là một trừng phạt đối với bọn “thập tự quân,” mặc dù trong lịch sử nước Nga không bao giờ dự vào các cuộc chiến tranh thập tự đánh quân Hồi Giáo trước đây một ngàn năm.

Ông Putin vẫn quen chủ trương dùng vũ lực can thiệp vào các nước khác, từ Georgia đến Ukraine, hai nước láng giềng tương đồng về chủng tộc và ngôn ngữ. Cuộc phiêu lưu vào một nước Ả Rập nhằm bảo vệ địa vị của Nga bên bờ Địa Trung Hải, với Tartus, căn cứ Hải Quân Nga duy nhất ở miền nước ấm trên bờ biển Syria. Nhưng việc đem bom giết người Syria để bảo vệ một chế độ độc tài thuộc thiểu số Shi A Hồi Giáo trong một nước đa số dân theo phái Sun Ni sẽ kích thích cả những người Hồi Giáo Sun Ni ở các nước khác, đặc biệt là dân chúng thuộc vùng Caucasus cũng như các nước Trung Á thuộc Liên bang Xô Viết cũ.

Hy vọng từ đầu của ông Putin là vụ can thiệp vào Syria sẽ kết thúc nhanh chóng, đổi lại sẽ được các nước Mỹ và Châu Âu nhân cộng tác trong việc đánh quân IS sẽ nới lỏng cuộc cấm vận kinh tế vì vụ Crimea. Nhưng cả hai viễn ảnh đó cho tới nay vẫn xa vời. Đồng minh của Nga là Iran lại đang thù hận với Ả Rập Saudi và các nước giầu có đang yểm trợ quân nổi dậy chống chính quyền Assad và đánh quân IS. Cuộc hội đàm để chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria sẽ kéo dài khó đạt kết quả. Cho nên không quân Nga sẽ còn phải tiếp tục có mặt tại Syria không biết đến bao giờ, trong lúc ngân sách chính phủ Nga ngày càng thâm thủng vì giá dầu lửa thấp.

Trong khi đó, Mỹ và các nước Châu Âu không cần phải lo tìm ngay một giải pháp ngưng chiến tại Syria vì cuộc nội chiến giữa các nhóm người Ả Rập, Hồi Giáo ở đó không gây ảnh hưởng nào đến nguồn tiếp tế dầu lửa trên thế giới. Nếu Nga và khối Hồi Giáo, Ả Rập trở thành thù địch nặng nề hơn thì các nước Tây phương cũng không phải quan tâm. Vấn đề của các Mỹ và Châu Âu là ngăn chặn khủng bố ở trong nước họ. Do đó, họ cần gia tăng các biện pháp an ninh quốc nội hơn là tham gia vào các cuộc tranh chấp nội bộ bên trong các nước Ả Rập. Khi nào còn các chế độ độc tài bóc lột dân thì các xứ Ả Rập vẫn chưa yên ổn, vấn đề đó chỉ được giải quyết trong nhiều thế hệ.

Nhưng liệu ông Vladimir Putin có chịu thua mà rút máy bay, hỏa tiễn về nước hay không? Ông là một người không sẵn sàng chấp nhận chịu thua. Giống như một người đánh bạc, đánh càng thua thì càng cay cú, ông Putin sẽ cố gắng đến cùng để “gỡ.”

Trong khi Putin đổ thêm tiền vào chế độ Assad, các nước vùng Vịnh, đứng đầu là Saudi, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục viện trợ tiền bạc và vũ khí cho các lực lượng chống chính quyền Assad không phải quân IS. Nga có thể đặt thêm tiền vào ván bài Syria thì các nước đối nghịch cũng dư sức theo, không bao giờ chịu ngưng. Không Quân Nga sẽ có ngày phải đối đầu với các loại hỏa tiễn “địa-không” do Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi cung cấp cho phe nhóm của họ. Trong cuộc nội chiến ở Afghanistan vào thập niên 1980, những hỏa tiễn Stinger có thể vác trên vai, do CIA viện trợ cho quân kháng chiến, đã làm tê liệt không quân Nga. Kinh nghiệm của Iran đáng lẽ có thể cho ông Putin một bài học. Chính quyền Iran đã lo cứu chế độ Assad ngay từ lúc bắt đầu vì cả hai cùng theo giáo phái Shi A. Nhưng trong hơn bốn năm qua Iran đã tiêu hàng chục tỷ mỹ kim, chết hàng trăm quân, trong đó có những vị tướng, Assad vẫn xuống dốc. Lực lượng phù trợ của Iran là nhóm Hezbollah, người Lebanon theo đạo Shi A, đã sang Syria giúp Assad, nay đã thiệt mạng tới 1,700 quân.


Bài học Afghanistan vẫn còn in sâu trong ký ức dân Nga. Liên Xô đã đem quân vào xứ này để bảo vệ một chính quyền Cộng Sản, cuối cùng bị sa lầy vì dân Afghanistan nổi dậy chống xâm lược. Khi tinh thần chiến đấu tan rã, quân Nga phải rút về; rồi chính quyền Xô Viết sụp đổ. Nếu ông Putin tiếp tục dấn thân vào Syria thì đó sẽ là một bãi đầm lầy không khác gì Afghanistan. Hiện nay dân chúng Nga vẫn tin tưởng vào lãnh tụ Putin, với giấc mộng đưa nước Nga trở lại địa vị cường quốc hạng nhất như thời Liên Xô cũ. Với tình trạng kinh tế suy sụp, giá dầu lửa tiếp tục tụt giảm, sẽ tới ngày người Nga tỉnh mộng.

Theo Người Việt-01-19-2016 6:40:37 PM 

Bị dân làng xa lánh vì tiệc cưới nghi đãi 'bia quá đát'

QUẢNG NAM (NV) - Hàng trăm khách mời cho rằng chủ nhà mua bia lon quá đát (date) đãi trong tiệc cưới nên bực tức bỏ về. Nhiều người chửi bới gia chủ lừa đảo và bắt đầu xa lánh gia đình. 

Anh Phong và mẹ đang bị dân làng xa lánh chỉ vì đãi bia trong tiệc cưới không rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng. (Hình: VnExpress)

Truyền thông Việt Nam loan tin, ngày 20 tháng 1, lực lượng liên ngành gồm công an, y tế, quản lý thị trường và Phòng Kinh Tế huyện Phú Ninh đã làm việc với công ty Bia Hà Nội để làm rõ nguyên nhân 343 lon không có ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Đại diện công ty xác nhận đây là lô hàng này do nhà máy sản xuất nhưng “chưa rõ nguyên nhân” khiến vỏ lon có hiện tượng như vậy.

Trước đó, ngày 17 tháng 1, anh Nguyễn Tấn Phong (25 tuổi), xã Tam Vinh, Phú Ninh tổ chức tiệc cưới tại nhà và mua 60 thùng bia của một đại lý tại thành phố Tam Kỳ. Tuy nhiên, khi vào buổi tiệc, khách phát hiện ngày sản xuất và “date” phía dưới đáy lon bia giống như có ai đó đã cố tình tẩy xóa.

“Kiểm tra thấy hàng trăm lon bị như vậy. Một số khách bắt đầu bực tức ra về và cho rằng nhà em mua bia hết 'date' với giá rẻ, sau đó tẩy xóa ngày sản xuất và hạn sử dụng mang ra đãi khách. Một lúc sau, tất cả khách mời bỏ tiệc cưới ra về, thậm chí một số người tức giận đổ bia trước cửa nhà và chửi bới. 40 mâm cỗ của tiệc cưới gần như không ai ăn cả. Dân làng nói rằng, nhà em nghèo không có tiền làm đám cưới thì thôi, chứ sao lại phải mua bia hết 'date' đãi khách và họ đang xa lánh gia đình,” anh Phong ngậm ngùi nói.

“Khi kiểm tra, các thùng bia còn nguyên nhãn mác. Tuy ngoài bao bì ghi rõ ngày tháng sản xuất và hạn sử dụng, nhưng 343 lon bia bên trong bị mờ, không rõ ngày tháng sản xuất và 'date' sử dụng,” ông Lê Cầu, chi cục phó Quản Lý Thị Trường tỉnh Quảng Nam cho biết.

Tuy sự việc khá rõ ràng, song đại diện công ty Bia Hà Nội chỉ nói, mặc dù không nhìn thấy nhưng số bia trên chưa hết hạn sử dụng vì mới sản xuất từ tháng 9, 2015. “Trước mắt chúng tôi phải để đội ngũ có nghiệp vụ của công ty điều tra nguyên nhân rồi mới có kết luận cụ thể được.”

Ông Lê Cầu cho biết, trước mắt sẽ lập biên bản xử phạt công ty bia vì sản phẩm không rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng. Nhà chức trách cũng sẽ giám định chất lượng bia đồng thời xác minh có hay không chuyện gian lận. (Tr.N)

01-20-2016 5:08:09 PM

Dân Hà Nội mua nước sạch, nhận được 'nước cống'

HÀ NỘI (NV) - Hàng trăm gia đình sống tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, bỏ tiền mua nước sạch song phải xài nước ô nhiễm, hôi đen như nước cống, nhưng cơ quan chủ quản bỏ mặc không giải quyết. 

Nước chảy ra đen như nước cống. (Hình: Báo Lao Động)

Kể với phóng viên báo Lao Động ngày 20 tháng 1, anh Phạm Tuấn Anh, 29 tuổi , ở căn hộ 0603, khu A, chung cư 165 Thái Hà, cho biết: “Tối 27 tháng 12, 2015 khi vừa xả nước để tắm, tôi bỗng thấy mùi hôi tanh nồng nặc. Lúc đầu không hiểu mùi ấy ở đâu ra nhưng khi nhìn thấy nước có màu vàng, rồi chuyển sang màu đen tôi hoảng hốt chạy ra ngoài, không dám tắm nữa. Những lần trước nước cũng có màu vàng và cáu bẩn nhưng không đáng sợ như thế.”

Cũng bị tình trạng trên, chị Lê Tuyết Nhung (30 tuổi) ở phòng 203, cùng khu A của tòa nhà này cho biết, gia đình cũng gặp cảnh tương tự vì “không để ý, tôi cứ thế bỏ quần áo vào chậu có nước đang xả từ vòi rồi đi ra, khi quay vào, tôi giật mình khi thấy cái chậu tôi đang ngâm bộ áo dài nước đen ngòm và bốc mùi tanh khiến tôi suýt nữa thì nôn.”

Phóng viên báo Lao Động tìm hiểu một số hộ gia đình khác, các cư dân đều chịu chung cảnh bỏ tiền mua nước sạch nhưng được cung cấp “nước cống.” Cá biệt có trường hợp dùng nước này để luộc thịt heo thì cả thịt và nước đều biến thành màu nâu như củ tam thất. Người dùng tưởng mua phải thịt ướp hóa chất nên đã ra tận chỗ người bán thịt bắt đền. Sau đó vài lần, thấy lại xuất hiện tình trạng như vậy, họ mới biết thịt họ mua vẫn bình thường, việc biến đổi màu lạ thường đó đều là do nguồn nước.

Bà Hoàng Thị Thanh Dung, tổ trưởng tổ dân phố 25, phường Láng Thượng, bà cho biết: “Tình trạng nguồn nước dùng cho sinh hoạt của cả tòa chung cư 165 Thái Hà có vấn đề, nước có cặn, lúc màu vàng, lúc màu đen, xảy ra suốt gần nửa năm nay, gây bất lợi cho 426 hộ đang sinh sống. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên ban quản lý tòa nhà , thậm chí gởi đơn kiến nghị lên phường, quận và thành phố nhưng phía đại diện tòa nhà vẫn không khắc phục.”

Khi cư dân phản ánh sự việc, ban quản lý tòa nhà vẫn cho rằng, nước của họ bảo đảm vệ sinh và không thừa nhận hiện tượng trên. Lo cho sức khỏe, các người dân đã mang mẫu nước tại đây để đi xét nghiệm. Kết quả từ Viện Sức Khỏe và Môi Trường, Bộ Y Tế cho thấy, nguồn nước này có chứa một số chất độc hại như Pecmannat, Nitric (NO2) cao hơn mức cho phép.

Tiếp đó, Sở Y tế Hà Nội cũng xuống kiểm tra và lấy mẫu nước đi xét nghiệm và kết quả cho thấy, mẫu nước bên trong tòa nhà thực sự có một số thành phần chất độc hại vượt mức cho phép. Tuy nhiên, khi người dân mang kết quả xét nghiệm này ra để đối chiếu với quản lý tòa nhà thì vẫn bị họ bác bỏ.


Để làm rõ trách nhiệm của ban quản lý tòa nhà trước tình trạng “nước bẩn” mà cư dân nơi đây đang phải gánh chịu, phóng viên báo Lao Động tìm đến đơn vị chủ quản là công ty địa ốc Sông Hồng. Song, sau nhiều lần chỉ nhận được câu trả lời từ bộ phận văn phòng rằng “giám đốc công ty và những người có trách nhiệm bận đi họp.” (Tr.N)

01-20-2016 4:59:53 PM 

Nguyễn Phú Trọng đẩy Nguyễn Tấn Dũng về vườn

HÀ NỘI (NV) - Theo các nguồn tin ngoại giao và những tiết lộ từ nội bộ cấp cao của đảng CSVN, Nguyễn Phú Trọng và phe cánh, rất có thể, đã đẩy văng Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi bộ tứ quyền lực trong đại hội 12 đang diễn ra tại Hà Nội.

Các lãnh đạo đảng CSVN cùng các đảng viên cao cấp trước ngày khai mạc đại hội 12. (Hình: AP)

Hôm Thứ Năm, 21 Tháng Giêng, 2016, đại hội đảng CSVN kỳ thứ 12 chính thức bắt đầu cuộc họp kéo dài 8 ngày với điểm chính yếu là thành lập Ban Chấp Hành Trung Ương đảng khóa mới để từ đó, đẻ ra những chức vụ chóp bu của Đảng gồm Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư, Ủy Ban Kiểm Soát Trung Ương và trên hết là “tứ trụ triều đình” gồm tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội nhiệm kỳ 2016-2020.
Những gì bí mật của cuộc đấu đá tranh ghế tổng bí thư trong đảng CSVN, người ta đã thấy phần nào phơi bày trên một số trang mạng không biết là của ai. Nhưng ít nhất, người ta thấy các tài liệu, hình ảnh, bài viết kể cả thư tố cáo và lời phản bác, nhắm nhiều nhất vào ông Nguyễn Tấn Dũng đã hết 2 nhiệm kỳ thủ tướng, đang nhăm nhe cái ghế tổng bí thư.

Hiến Pháp CSVN sửa đổi năm 2013 xác định ở điều 2 rằng “Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân...” Nhân dân tuy “làm chủ” đất nước nhưng không ai có tiếng nói nào đối với cái “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” và cả những chức danh như chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội.

Cũng giống như những kỳ đấu đá trước đây tranh giành các ghế chóp bu trong đảng, kỳ đại hội đảng CSVN lần này không thiếu những mánh khóe hạ địch thủ bị xì ra. Guồng máy tuyên truyền của chế độ, nhiều hơn một lần, kêu rằng những thứ đó “thông tin bịa đặt, nói xấu lãnh đạo” trước đại hội đảng, nhằm “gây rối, bôi xấu nhân sự, phá hoại sự thành công của đại hội...”

Tựu trung, theo thông tấn AP, cuộc đấu đá giành ghế tổng bí thư, gay gắt nhất là giữa đương kim tổng bí thư (mới được một khóa nhưng hiện đã 71 tuổi) Nguyễn Phú Trọng, và đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (đã hết 2 nhiệm kỳ thủ tướng, hiện đã 66 tuổi). Cả hai ông này, và 8 ông bà khác, đều đã quá tuổi nghỉ hưu, trên nguyên tắc phải về vườn.

Hôm Thứ Tư, 20 tháng 1, ngày mà 1,510 “đại biểu” về Hà Nội dự đại hội đảng XII bước vào “họp trù bị” tức họp về các nguyên tắc và chương trình đại hội, thông tấn AP nói rằng, nhiều phần, ông Nguyễn Phú Trọng giữ được cái ghế tổng bí thư thêm khóa nữa.

Các trò đấu đánh trong thượng tầng đảng CSVN được nhìn thấy khi báo chí chính thống của chế độ đề cập đến trường hợp “quá tuổi nghỉ hưu” được ngồi lại. Hoặc như ông Lê Quang Vĩnh, viên chức “phó văn phòng Trung Ương đảng CSVN” giải thích thì chức vụ tổng bí thư “không có giới hạn tuổi.”

Vài tuần trước, một số nguồn tin nói gần như chắc chắn rằng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ nhảy từ ghế thủ tướng sau 10 năm ở đó, lên ghế tổng bí thư, một điều hiếm xảy ra, nhờ đông phe cánh. Ông ta đã từng thoát nạn sau những lần biểu quyết trong trung ương đảng những năm trước khi bị cáo buộc làm hại nền kinh tế quốc gia qua các vụ vỡ nợ của Vinashin, Vinalines năm 2012 và kỳ bỏ phiếu tín nhiệm hồi năm ngoái.

Giới bình luận quốc tế cho rằng Nguyễn Tấn Dũng có khuynh hướng cải cách, muốn nghiêng hơn về phía Tây phương, cũng từng lên tiếng đả kích (gián tiếp) Trung Quốc bá quyền bành trướng trên biển Đông. Trong khi đó, Nguyễn Phú Trọng bị coi là một kẻ bảo thủ, nghiêng hơn về phía Trung Quốc, có thể sẽ làm giới đầu tư quốc tế âu lo.

Nền kinh tế của Việt Nam vốn trông cậy phần lớn vào sản xuất và xuất cảng của giới đầu tư nước ngoài. Nếu họ bỏ chạy, Việt Nam khó tránh khỏi khốn đốn và lại càng lún sâu hơn nữa vào lòng lệ thuộc nền kinh tế Trung Quốc.

“Một số nhà đầu tư quốc tế đang khựng lại để xem diễn biến chính trị của Việt Nam ra sao. Tôi chưa bao giờ thấy có một cuộc thay đổi lãnh tụ lại chia rẽ nặng nề như tại một nước Cộng Sản.” Lời một nhà đầu tư tài chính Tây phương giấu tên nhận xét trên bản tin của hãng thông tấn Reuters.

Reuters cũng dẫn nguồn tin từ một số đảng viên cấp cao giấu tên tham dự cuộc họp Trung Ương đảng hồi đầu tuần trước, nói rằng tên ông Nguyễn Tấn Dũng không nằm trong số “tứ trụ triều đình” được Trung Ương đảng đề cử cho kỳ họp đại hội đảng lần này.

Lý do gạt ông Nguyễn Tấn Dũng ra ngoài, theo giới phân tích gia cũng như giới ngoại giao có những quan hệ với các đảng viên cấp cao được Reuters đề cập, là đòn đánh phủ đầu của phe bảo thủ vì họ sợ nếu ông ta lên làm tổng bí thư, ông ta có thể thay đổi chiều hướng của đảng CSVN bây giờ.

“Họ bằng tất cả mọi cách ngăn chặn ông ấy leo thang quyền lực.” Ông Jonathan London, giáo sư tại đại học Hongkong và là một người theo dõi sát tình hình Việt Nam nhận xét.

Tuy nhiên, điều này chưa có nghĩa là phe của Nguyễn Phú Trọng đã toàn thắng. Như Vũ Ngọc Hoàng, phó trưởng ban thường trực “Ban tuyên giáo Trung Ương” nói trên tờ Thanh Niên ngày 18 tháng 1, 2016 thì “Hội Nghị Trung Ương 14 (đầu tuần trước) thông qua danh sách đề cử nhân sự cho khóa tới chỉ là bước chuẩn bị đầy trách nhiệm của khóa tiền nhiệm đối với khóa sau. Đại hội đảng 12 sẽ quyết định cuối cùng về nhân sự khóa mới và quyết định 244 của Trung Ương không cản trở các nhân sự mới được quyền ứng cử tại đại hội.”

Chính vì vậy, ông J. London cho rằng không nên loại trừ khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng tìm cách lật ngược tình thế.

“Dũng có nhiều hậu thuẫn ở trong đảng và ở cấp gần thượng tầng. Nếu có ai có thể mở chiến dịch lật ngược được tình thế thì có thể là ông ta,” ông London nói.

Khi trả lời phỏng vấn của tờ Thanh Niên, ông Vũ Ngọc Hoàng xác nhận, sau nhiều cuộc thảo luận của Trung Ương đảng cũng như Bộ Chính Trị CSVN, lúc đầu thì có đề nghị hai hay 3 ông trong nhóm “tứ trụ” ngồi lại, nhưng cuối cùng “Bộ Chính Trị họp thảo luận và thống nhất đề nghị với Trung Ương chọn phương án chỉ ở lại 1 trường hợp để bảo đảm tính kế thừa, ổn định và tạo điều kiện trẻ hóa cán bộ, nên không chọn phương án ở lại 2-3. Trung Ương đã thảo luận qua 2 kỳ và quyết định chọn phương án giữ lại 1 trường hợp đặc biệt để giới thiệu tổng bí thư. Tập thể Bộ Chính Trị họp, thảo luận và thống nhất rất cao, giới thiệu 1 đồng chí ở lại tham gia khóa 12...”


Dù bất cứ ai trong nhóm này ngồi lại, vẫn chỉ là trò đấu đá “rượu cũ, bình cũ” của những kẻ tham quyền cố vị, giành giật ngôi thứ đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Trong chế độ độc tài đảng trị, người dân Việt Nam không có quyền quyết định vận mệnh chính trị của mình. (TN)

01-20-2016 6:51:43 PM 

Tín hiệu gì: Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản không phủ nhận ‘Bộ Luật về Đảng’

Ông Nhị Lê hiện là Phó tổng biên tập của Tạp chí Cộng sản - một kênh phát ngôn đặc biệt quan trọng của đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là một trong những địa chỉ thủ cựu nhất. Trước khi trở thành tổng bí thư đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đã từng có thời làm việc tại tạp chí này.


Tạp chí Cộng sản số đặc biệt
Chỉ vài ngày trước khi đại hội 12 khai mạc, trang Viettimes đã có một bài phỏng vấn ông Nhị Lê. Gần như là lần đầu tiên, một trang báo nhà nước dám nêu ra câu hỏi: “Từ khi ra đời đến nay Đảng hoạt động chủ yếu dựa trên Điều lệ Đảng. Theo ông thì Điều lệ Đảng đã đủ chưa? Đảng có cần một Bộ Luật về Đảng không?”.
Hãy nghe ông Nhị Lê trả lời:
Đây là vấn đề không phải bây giờ mới đặt ra. Chúng ta đã đặt ra rồi, và không phải chỉ một lần. Tôi còn nhớ cách đây chừng 7-8 năm, khi đi học tập ở Trung Quốc tôi cũng đã đặt vấn đề này ra với phía Trung Quốc. Nếu pháp luật được coi là thượng tôn thì mọi tổ chức đều phải có luật để ràng buộc.
Không phải “chỉ được làm theo pháp luật” mà “phải làm theo pháp luật”. Không ai được đứng trên và ngoài pháp luật. Đấy chính là cơ sở để đảm bảo dân chủ. Đấy là cả một quá trình tìm tòi. Chân lý không gắn với vận mệnh thì là chân lý suông. Mà vận mệnh không đạt đến mức độ chân lý thì không ai dám chắc vận mệnh sẽ tồn tại được bao lâu”.
Đáng chú ý, tuy không trực tiếp trả lời vào câu hỏi, nhung ông Nhị Lê đã không né tránh câu hỏi này.
Chủ đề “luật về đảng” được coi là đặc biệt nhạy cảm ở Việt Nam, báo chí hầu như né tránh và nội bộ không dám hé môi. Chủ đề này chỉ được giới trí thức phản biện độc lập và giới hoạt động dân chủ nhân quyền trong nước và hải ngoại đề cập. Rất nhiều ý kiến độc lập cho rằng đảng Cộng sản Việt Nam đã có đến hơn bảy chục năm hoạt động “ngoài vòng pháp luật”, không bi điều chỉnh bởi bất cứ luật nào, trong khi chính tổng bí thư đảng này là Nguyễn Phú Trọng lại từng tuyên bố “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp”.
Dường như đang diễn ra một sự thay đổi ngấm ngầm trong những quan điểm chủ chốt của giới lãnh đạo đảng ngay trước thềm đại hội 12 - một đại hội xung đột quyền lực lẫn thủ đoạn triệt hạ lẫn nhau chưa từng có, một đại hội mà ngày càng nhiều người tin đó là “cuối cùng”.
Về dư luận nội bộ, được biết ở Hà Nôi vừa xuất hiện một phong trào đòi hỏi “đổi mới lần 2” từ sau Hội nghị trung ương 13 và đặc biệt sau Hội nghị trung ương 14. “Cải cách thể chế” là đòi hỏi của nhiều trí thức, trong đó có cả những cán bộ cao cấp về hưu. Trong khi đó, một số trí thức đang manh nha đòi đổi tên đảng, trở về tên cũ là đảng Lao động.
Từ thái độ ông Nhị Lê không né tránh câu hỏi cực kỳ nhạy cảm “luật về đảng” của báo chí, có thể cho rằng trong và sau đại hội 12, nội bộ đảng cầm quyền sẽ diễn ra một sự thay đổi nào đó về tư tưởng. Tuy nhiên, làm thế nào để  “đưa tư tưởng vào thực tiễn” thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
01/20/2016 - 18:54
Lê Dung / SBTN

Lòng tham và luật pháp

Theo VNTB- 21.1.16
Mới hôm 9-1, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TPHCM phối hợp với lực lượng chức năng xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi phát hiện một hộ trồng rau muống tại ấp 8 xã này đổ nhớt thải xuống ruộng rau muống có diện tích khoảng 500 mét vuông. Bà Lan, chủ ruộng rau muống, cho biết bà có sử dụng phân đạm, phân bón lá để kích thích rau tăng trưởng. Ngoài ra, sau mỗi đợt thu hoạch, bà còn sử dụng nhớt thải để diệt trừ rầy cho đợt nảy mầm mới. Nhớt thải được bà Lan thu mua từ các tiệm sửa xe trên địa bàn với giá 12 ngàn đồng một lít. Sau khi bơm ngập nước vào ruộng rau muống bà đổ nhớt thải xuống, với mục đích diệt trừ sâu bệnh trước khi thu hoạch rau đưa ra thị trường. Bà Lan cũng cho biết xả nhớt thải vào ruộng rau muống tuy chi phí thấp nhưng hiệu quả cao, và bà không biết nhớt thải là chất thải nguy hại cấm xả ra môi trường.

Hiếm hoi những vườn rau sạch. Ảnh TLTBKTSG

Trong khi đó, theo báo Lao Động, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hàng chục tấn rác thải y tế độc hại lẽ ra phải bị tiêu hủy theo đúng quy trình nghiêm ngặt tại những cơ sở được cấp phép thì lại được âm thầm sơ chế, bán ra bên ngoài. Để rồi, những phế phẩm vô cùng nguy hại này được tái chế thành những sản phẩm nhựa tại những cơ sở sản xuất thủ công ngay ngoại thành Hà Nội, và rất có thể chúng trở thành những chiếc muỗng nhựa, ly nhựa mà người dân vẫn sử dụng hàng ngày.

Cả việc làm của người chủ ruộng rau muống và việc cho phép sơ chế để bán ra ngoài rác thải y tế tại Bệnh viện Bạch Mai đều gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Nhưng, nếu lời thú nhận của người phụ nữ chủ ruộng rau muống còn khả dĩ tin được là do kém hiểu biết hay vừa kém hiểu biết vừa không kiềm chế được lòng tham, thì không gì có thể bào chữa cho việc làm chỉ có thể gọi là thất đức tại một bệnh viện hàng đầu quốc gia, giữa lòng Hà Nội, vì những người làm ở các cơ sở y tế dù sao cũng được học hành đàng hoàng hơn một nữ nông dân và họ dư biết tác hại khủng khiếp của việc mình làm. Vậy mà người ta vẫn làm, bất chấp luật pháp, bất chấp lương tâm. Chỗ nhỏ (như ruộng rau muống) tham nhỏ, chỗ lớn (như bệnh viện lớn) tham lớn, liệu đâu là đáy của lòng tham, nếu những việc làm bất chính, trái pháp luật không bị trừng phạt?

Trả lời phỏng vấn về những hiện tượng, hành vi nghịch đạo lý có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, nhà dân tộc học, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, cho rằng: “Chúng ta có thể đặt niềm tin vào sự lương thiện trong mỗi con người và kêu gọi sự lương thiện ấy. Nhưng sự kêu gọi ấy hình như sẽ trở nên lạc lõng lúc này. Chúng ta đều biết, mỗi cá nhân chỉ là một con ốc của guồng máy, chữa được nơi này, sẽ bung ra ở những nơi khác.

Chữa căn nhà dột thì phải chữa từ căn bản, chữa từ gốc của bệnh. Căn bệnh của toàn xã hội phải xử lý ở tầm xã hội. Ở đây tôi muốn nói đến pháp luật... Pháp luật phải nghiêm. Xã hội hiện nay chưa đạt được điều đó. Làm sao trước pháp luật mọi người đều bình đẳng, không ngoại trừ bất cứ ai. Xã hội chỉ ổn định khi được quản lý tốt bằng pháp luật. Nền đạo đức và sự lương thiện ở mỗi con người phải được xây dựng trên nền tảng pháp luật nghiêm minh”.

Quả đúng là xã hội chưa được quản lý tốt bằng pháp luật, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm khi mà rất ít vụ việc xâm hại sức khỏe cộng đồng bị trừng phạt nghiêm khắc, từ việc buôn bán hàng giả, hàng có chất độc chất cấm cho đến việc xâm hại, hủy hoại môi trường sống. Vì sinh mạng của con người, vì sức khỏe của cộng đồng, vì chất lượng giống nòi, luật pháp cần phải mạnh tay hơn, đó là điều có lẽ ai cũng đồng lòng và mong đợi.


Và luật pháp đã nghiêm minh thì phải nghiêm minh mọi nơi, mọi lúc, trong mọi lĩnh vực; không thể chỗ này, lĩnh vực này nghiêm minh mà chỗ khác, lĩnh vực khác xuê xoa. Luật pháp như một con đập chắn bảo vệ xã hội, chỉ cần một chỗ rò rỉ nhỏ, cả con đập sẽ sụp đổ.

Trung Quốc dạy dỗ Việt Nam

Theo VNTB -21.1.16
Phương Thảo (VNTB) Đại hội Đảng lần thứ 12 của Đảng cầm quyền tại Việt nam đã khai mạc kỳ đại hội kéo dài từ ngày 20 cho đến ngày 28 tháng 1 năm 2016. Đây là một kỳ đại hội có thể nói đã làm tốn khá nhiều giấy mực của báo giới trong và ngoài nước cũng như lôi kéo sự chú ý không chỉ của giới quan sát mà cả người Việt trong và ngoài nước. Thêm vào đó cộng hưởng với tốc độ lan truyền thông tin trên mạng xã hội, thông tin về các cuộc đấu đá và tranh dành quyền lực nội bộ đã có sức lan tỏa dữ dội.

Trong khi báo chí và giới quan sát phương tây rất thận trọng khi đưa ra các nhận định về tình hình chính trị tại Việt nam trước và trong thời gian đại hội đảng thì báo chí Trung quốc đã không ngần ngại lên tiếng dạy dỗ Việt nam và cho rằng phương Tây có lẽ đã hiểu nhầm về Đại hội Đảng 12.

Tờ Hoàn Cầu Thời báo đã khen ngợi “những thành tựu cải cách của Việt Nam được công nhận rộng rãi cả trong và ngoài nước,” và vì thế “ không có lý do nào để cho Việt Nam phải thay đổi đường lối” cả.


Họ cho rằng Phương Tây đã có thái độ cực đoan trong việc phân tích cuộc tranh dành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng Sản khi mà giới quan sát phương tây nêu lên quan điểm cho rằng việc cải tổ lãnh đạo là trọng tâm của Đại hội Đảng cũng như có sự ra thành các nhóm khác nhau trong Đảng.Tờ báo này còn đoan chắc rằng “cho dù ai là tổng bí thư đi nữa, ĐCSVN sẽ kiên định tuân theo con đường xã hội chủ nghĩa.” Điều này có nghĩa là con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa của Việt nam sẽ là kiên định.

Hoàn Cầu Thời Báo cũng đồng ý với quan điểm của Phương Tây về việc khó có sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách ngoại giao của Việt nam sau khi thay đổi lãnh đạo. Phương Tây cho rằng Việt nam sẽ xoay chuyển đôi chút để không làm thiệt hại lợi ích quốc gia cũng như không làm mất lòng người bạn láng giềng khổng lồ. Tuy nhiên Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng “Hà Nội sẽ tiếp tục chú ý đến mối quan hệ với Trung Quốc, tạo thế cân bằng giữa sự hợp tác hữu nghị song phương và các tranh chấp trên Biển Đông… và cũng không làm tổn hại quan hệ chiến lược Bắc Kinh-Hà Nội.”

Việt nam cũng được cảnh báo nguy cơ chính trị Việt nam vẫn sẽ bị Phương Tây xâm nhập và chi phối. Thêm vào đó cho dù Việt nam có gia nhập vào TPP đi chăng nữa thì “vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc là gần như không thể thay thế” bởi “ hai quốc gia cùng chung định mệnh.” Họ cũng huỵch toẹt cho rằng việc duy trì phụ thuộc kinh tế lẫn nhau với khối lượng thương mại song phương trong năm 2015 đạt 90 tỷ đô la là có tác dụng ngăn chặn mọi sự phức tạp của các vấn đề song phương.

Hoàn Cầu Thời Báo cũng nhận định tiềm năng to lớn trong mối quan hệWashington - Hà Nội tuy nhiên lại lên tiếng cảnh báo việc người Việt hải ngoại với sự chống lưng của các phe phái ở Hoa kỳ đang “muốn thấy chế độ Việt Nam hiện nay bị lật đổ.” Vì thế “Việt Nam sẽ phải đối mặt với một thách thức lâu dài để duy trì sự ổn định chính trị quốc gia” bởi “Việt nam không có tầm vóc lớn mạnh như Trung Quốc.” Chưa hết họ lại còn khuyến mãi thêm một ý tưởng rằng, “xung đột giữa hai nước sẽ làm mất đi thiện chí của nhiều người Trung Quốcdành cho Việt Nam.”

Đại hội Đảng chỉ mới chính thức khai mạc và đã được “người bạn vàng” lớn tiếng khuyên bảo. Kết quả như thế nào chưa ngã ngũ rõ ràng, nhưng con bạch tuột Trung Quốc dường như không từ bất cứ thủ đoạn nào để giữ chặt sự kiềm tỏa đối với Đảng cầm quyền tại Việt nam bằng việc đánh mạnh vào sự sợ hãi mơ hồ "theo Mỹ thì mất Đảng" .

Biển Đông: Philippines tấn công trực diện Trung Quốc

Theo Tuần Việt Nam-
Tiếp tục từ chối tham dự phiên tranh tụng lần này, Trung Quốc đã vô tình trao cho Philippines cơ hội vạch trần các sai phạm và những điểm yếu trong lập luận yêu sách của mình ở Biển Đông.

Philippines đã kết thúc một tuần tranh tụng về nội dung thực chất và các vấn đề còn lại về thẩm quyền trước Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) từ ngày 24 – 30/11 tại La Haye, Hà Lan. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự khéo léo, Philippines đã đưa ra các đòn tấn công trực diện trong hiệp hai của cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục trốn tránh

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ không tham gia vào vụ kiện này. Trước đó, tháng 12/2014, Trung Quốc đã ra văn bản thể hiện quan điểm của mình rằng PCA không có đủ thẩm quyền để xét xử, vì theo Trung Quốc những gì mà Philippines kiện không thể được phân xử mà không xét đến chủ quyền của các nước, điều mà theo Trung Quốc là PCA không có quyền làm. Tuy nhiên, tháng 10/2015, PCA đã đưa ra phán quyết tiếp tục xét xử vụ này và lắng nghe phần trình bày của phía Philippines.

Philippines đã đưa ra các đòn tấn công trực diện trong hiệp hai của cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc.
Tiếp tục từ chối tham dự phiên tranh tụng lần này, Trung Quốc đã vô tình trao cho Philippines cơ hội vạch trần các sai phạm và những điểm yếu trong lập luận yêu sách của mình ở Biển Đông.

Phái đoàn của Philippines tham gia tranh tụng có hơn 50 người, bao gồm Tổng Luật sư, Ngoại trưởng, các thành viên của Toà án Tối cao, các thành viên Hạ viện, các đại sứ, các luật sư, chuyên gia, các nhân chứng và các nhân viên khác.

Trong khi đó, Bồi thẩm đoàn PCA bao gồm 5 thành viên: Thẩm phán Thomas A. Mensah là Chủ tọa cùng các Thẩm phán Jean-Pierre Cot, Stanislaw Pawlak, Rüdiger Wolfrum và Giáo sư Alfred H. A. Soons.

Việt Nam cùng các nước Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore và Úc tham dự với tư cách quan sát viên.

Yêu sách quyền lịch sử phi lý của Trung Quốc

Theo Philippines, mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ bản chất pháp lý của yêu sách quyền lịch sử nhưng quan điểm của Trung Quốc có thể được tìm hiểu thông qua các tuyên bố và các hành động liên quan của Trung Quốc. Philippines cho rằng Trung Quốc yêu sách “quyền lịch sử” đối với việc sử dụng các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật tại vùng biển nằm bên trong “đường 9 đoạn” nhưng không yêu sách danh nghĩa lịch sử đối với vùng biển này và cũng không coi vùng biển này là lãnh hải. Điều này có thể thấy thông qua việc Trung Quốc cho phép đi lại và bay trong khu vực đường chín đoạn và phản đối các quốc gia khác đánh bắt cá và thăm dò dầu khí trong khu vực này.

Như vậy, yêu sách của Trung Quốc không liên quan đến Điều 15 về phân định lãnh hải hay danh nghĩa lịch sử. Do đó, yêu sách này không rơi vào ngoại lệ về thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc theo Điều 298 Công ước Luật Biển và Tòa có thẩm quyền để xem xét vấn đề này.

Philippines cũng cho rằng yêu sách của Trung Quốc không có căn cứ vì Công ước Luật Biển chỉ giải quyết các quyền đối với tài nguyên biển chứ không đề cập đến quyền lịch sử mà Trung Quốc yêu sách. Không có một điều khoản nào trong Công ước công nhận quyền này. Hơn nữa, luật quốc tế chưa bao giờ chấp nhận một yêu sách vùng biển lớn như Trung Quốc đang đòi hỏi. Từ đầu thế kỷ 17, luật quốc tế chỉ công nhận quyền kiểm soát của quốc gia đối với một vùng biển nhỏ hẹp tiếp giáp bờ biển.

Mặt khác, một yêu sách đối với vùng biển nhỏ hẹp cũng chỉ có giá trị pháp lý khi thoả mãn được hai điều kiện: thực thi hiệu quả chủ quyền một cách liên tục và được các quốc gia khác công nhận. Trong trường hợp này, Philippines bày tỏ quan điểm yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc là không có căn cứ bởi lẽ, trước thế kỷ 20, Trung Quốc xác định phạm vi lãnh thổ ở cực Nam chỉ đến đảo Hải Nam và yêu sách đối với các đảo nằm trong Biển Đông chỉ mới xuất hiện từ những năm 1930.

Yêu sách quyền lịch sử đối với vùng nước nằm trong Biển Đông cũng chỉ mới xuất hiện gần đây và lần đầu được Trung Quốc công bố chính thức năm 2009. Đồng thời, các nước ven Biển Đông chưa bao giờ chấp nhận yêu sách này nên yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc không có giá trị pháp lý.

Quách Thị Huyền (Học viện Ngoại giao)