Sunday, April 24, 2016

Bài không tựa số 3

Năm xích lô (Danlambao) - Xin lỗi quý bà con thôn trên, xin phép bà con xóm dưới nếu có những gì thất thố theo ngôn ngữ ngu học xã nghĩa lỡ có đụng vào vùng nhạy/phản cảm của một bộ phận không nhỏ nhưng quyền cao ngất ngưỡng, thích là làm theo kiểu Huyện binh Huyện, Phủ binh Phủ nên đừng chấp nhất với tên lao động thấp hèn này. Tứ trụ đang ôm bình hơi, lặn khá sâu với tàu ngầm hiện đại Kilo nên biết nói gì đây.

Ủa, bà con nghĩ là Năm xích lô bô lô ba loa vì sắp vào Hè như tiếng ve sầu của đất nước? Nghĩ sao cũng được nhưng ít nhiều thương thằng Năm phải hôn? Nó có tật hay xí xọn đụng chạm với CS (cộng sản, hổng phải chiến sỹ).

Làm ơn ngó coi sao cho được khi chuyện lùm xùm quán "Xin Chào" được côn an quận Bình Chánh ở phía nước Nam xa xôi (xin đọc lại Chinh Phụ ngâm) truy tố tội hình sự mới đáng dễ sợ. Ông phó Minh thành Hồ còn lên lớp, nghĩ mình là xếp vì được vài bà khen nhưng bị cú đá giò lái cho bịnh ngu quên ngủ, chắc tổn thương trung tầng bộ phận (quý nam đừng bụm vì Thủ Phúc kêu dẹp), sắp tới tắt đài vì quên xin chỉ đạo. Ô của ông, dù của nó chưa biết ai hơn ai. Năm xích lô có muốn an giấc ngàn thu cũng phải lên tiếng với lũ chó đẻ (xin lỗi) chế độ này.

Xin mở ngoặc đôi chút vì người viết rất thương yêu động vật khi phải so sánh theo quán tính đã xúc phạm với những động vật thân thương, mong bà con thông cảm.

Chị Ngọc ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) từ người cáo tố tội phạm thành phạm tội. Cá chết rồi tương lai người chết hàng loạt không phải là chuyện thần thoại. Đỉnh cao của XHCN là đó. Hãy chuẩn bị đi, mật ước Thành đô còn đó.

Một xã hội (XH) mà luật muốn diễn giải ra sao cũng được thì người ta kêu là gì? XH mà có kẻ quyền uy lên tiếng thì luật tạm ngưng? Một XH mà người dân nói "nếu không mua được bằng tiền thì phải mua bằng nhiều tiền (!?)". Một XH có hàng trăm ngàn Tiến sỹ, Giáo sư và lãnh đạo đất nước tài ba lỗi lạc để làm gì? Năm xích lô ngu lắm bà con ơi, làm ơn giải thích thắc mắc nêu trên nhưng tựu trung sự thực không thể phủ nhận là những phản ứng của còm sỹ của hai lề đã tác động đến thượng tầng CS.

Mới rồi mấy ông chuyên gia kinh tế cho rằng "định hướng công nghiệp hóa với tầm nhìn so với Thái lan đã chệch hướng". Ý nói là từ 1980 đến nay cứ thậm thụt như ba X, tức là ló ra thụt vào nên xã nghĩa từ nay sẽ không ngu dại đặt mục tiêu khẳng định sẽ đạt thứ mà người ta đã đi qua từ lâu trong khi đảng bắt luôn phấn đấu.

Thuốc đắng dã tật - sự thật mất lòng. Còn đảng CSVN thì đất nước không bao giờ khá được. Tại sao, chẳng cần lý luận trên lý thuyết hay biện chứng nào, hãy thử làm phép so sánh giữa Đông và Tây Đức, Bắc và Nam Hàn để nói sự thực không thể phủ nhận. Ông được/bị gọi là Lú đã nói mà mấy ai tin "Xã hội chủ nghĩa là viễn tưởng trong thế kỷ này". Sơ ri (sorry) quý bạn, người viết chỉ diễn trình ý tưởng của ông gọi là Lú nhưng không lú. Đảng viên cần học tập tư tưởng lớn của bác Lú để biết mình là ai khi lý luận.

Từ từ "đổi mới" gần 40 năm tính từ khởi điểm 1980. Việt Nam (VN) chúng ta chỉ là một nơi khai thác nhân công rẻ, công nghệ lạc hậu, tàn phá môi trường. VN được gì hơn mất? Đất nước bị quản trị với con người chỉ biết cho túi tham thì XH sẽ đi về đâu? Lãnh đạo đất nước cần có hai tiêu chuẩn tối thiểu. Thứ nhất là trình độ, thứ hai mới nói là tâm nhưng cả hai có hội đủ nhưng luật pháp không nghiêm minh thì vẫn là con số không, chẳng cách điệu hóa là âm. Chẳng lạ khi họ la làng ở biển Đông trước kẻ lạ nhưng vẫn từng chung chạ rồi mong thiên hạ giúp họ chống kẻ lạ mới là lạ.

Nói trắng như thằng ba trợn là đưa ra tòa ly dị đi, dứt khoát thì mới mong nhà nước CHXHCNVN xù nợ những khoản vay khổng lồ với Trung cộng của đảng CSVN. Người vay nợ luôn cà lăm khi chủ nợ hỏi thăm và nên nhớ chủ nợ chẳng ngu. Giải pháp nào khi kẻ cầm quyền lấp lửng?

Giải pháp có nhưng vấn đề là bất khả thi vì đảng CSVN ngồi trên quyền lợi đất nước. Họ không những ngồi mà còn ị trên đầu dân tộc. Đó là sự thực phũ phàng không thể tránh né.

Mỗi ngày người dân VN được nhồi nhét gì vào tư thức? Chế độ với chằng chịt hệ thống chỉ chuyên trị nhân dân ngoài ra chẳng biết làm gì cho thân phận tay sai thì đất nước mãi đắm chìm cho tuyên truyền lừa dối của đảng CSVN.

Đảng CSVN theo thời gian cai trị nên nghĩ là dân chúng tôi ngu ư? Chúng tôi có thể ngu, đảng có thể bán nhưng đất nước lâm nguy thì chúng tôi dẹp đảng. Đảng CSVN luôn dựa vào ngoại bang cho lẽ thống trị, đó là đặc tính của đảng. Nó hiển lộ ngày càng công khai nhưng nên nhớ "nước chở thuyền và đắm thuyền".

25 Apr 2016

Lại thêm một vụ VEDAN (sông Thị Vải) thứ hai ở Việt Nam!

Lê Quốc Trinh (Danlambao) - Tôi chỉ xin phép vắn tắt vài hàng trình bày quan điểm của một kỹ sư xưởng ở Canada, sau khi đọc những bài viết và tin tức về “vụ cá chết đầy bờ biển ở miền Trung Việt Nam”.

Tôi đã từng đảm nhiệm chức vụ kỹ sư công trình (Project Engineer) lo bảo trì máy móc và nâng cao chất lượng vận hành cho nhiều nhà máy của công ty QIT-Quebec Iron & Titanium Inc. (Sorel, Quebec) trong 12 năm (1980-1992). Tôi đã từng chịu trách nhiệm thiết kế, vẽ sơ đồ, chế tạo thiết bị, làm hồ sơ kỹ thuật, đệ trình ngân sách và đứng ra coi sóc nhà thầu thiết lập hệ thống sử lý nước thải từ nhà máy ra sông St-Laurent (Quebec) đáp ứng yêu cầu của Bộ Môi Trường (Environnement Quebec). Mỗi năm nhà máy thải ra sông hàng trăm tấn chất rắn (khoáng sản, quặng, bùn, sỏi đá cát) làm cho đáy sông bị ô nhiễm. Tuy rằng chu trình vận hành của nhà máy không bao giờ sử dụng hóa chất, cho nên mức độ ô nghiễm không nặng nề, không ảnh hưởng động vật, thực vật. Đi máy bay nhìn từ trên cao sẽ thấy một giòng nước đen sì trôi lơ lửng giữa sông, vì là chất rắn nặng hơn nước nên mọi chất thải đều lắng đọng xuống đáy. Mỗi năm, công ty phải mướn nhà thầu sử dụng gầu múc và máy hút để thu hồi chất thải rồi tái sử dụng vào vật liệu xây cất (nhựa đường asphalte).

Có một công ty hóa chất chuyên sản xuất sơn dầu, sơn nước, vernis bên cạnh hãng tôi làm, lại bị Bô Môi Trường kiện ra tòa chỉ vì chất thải ra sông chứa hóa chất cực độc. Cty này phải đóng cửa tuyên bố phá sản sau vài năm hoạt động.

Ở đây, tôi chỉ đưa ra một đề nghị đơn giản là yêu cầu các công ty nhà máy liên quan đến Khu Công Nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) phải đệ trình lên chính phủ bản vẽ và hồ sơ chu trình sản xuất chính yếu của họ (Flowsheets, Tẹch Spec., Documents Techniques) để đoàn thanh tra xem họ sử dụng hóa chất gì, nồng độ, khối lượng và chu trình xử lý chất thải thế nào. Từ đó người dân sẽ biết ai là thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường nặng nề.

Sự kiện này làm tôi nhớ lại vụ án cty Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải năm nào, sau cùng họ (chủ nhân Đài Loan) phải đứng ra bồi thường cho các hộ dân sống bên cạnh giòng sông. Chưa hết, chuyện “cá chết trên bốn tỉnh miền Trung” khiến tôi thầm lo ngại cho công trình khai thác quặng Bô Xít trên Tây Nguyên, đã và đang đi vào sản xuất. Mối quan ngại của tôi nhắm vào quy trình chuyên chở hóa chất cực độc “Sút” dùng để tách kim loại sắt ra khỏi quặng Bô Xít. Hóa chất cực kỳ hiểm độc này có tính ăn mòn cao, gây tử vong cho động vật và tàn phá thực vật nhanh chóng… Ví dụ nếu xảy ra tai nạn giao thông chiếc xe vận tải chuyên chở bị đổ ra đường, hóa chất vung vãi theo nước mưa ngấm vào ruộng đồng, sông ngòi, ao cá. Tưởng tượng quang cảnh hãi hùng thế nào!

Trách nhiệm của Nhà Nước và cán bộ kỹ thuật là phải bảo đảm an toàn cho người dân, bằng bất cứ giá nào, đừng để cho thảm họa kinh hoàng xảy ra rồi mới tìm biện pháp thì quá muộn rồi.

Tôi thầm tự hỏi: Chính quyền này, lãnh đạo Nhà Nước này có phải do chính người dân VN bầu lên không? Do đó họ làm gì có tinh thần “Vì Dân” mà làm việc ?

24-04-2016

Lê Quốc Trinh - Kỹ sư cơ khí về hưu, Canada

Xử lý chuyện cá chết hàng loạt: Hột kê – Huề

Thạch Đạt Lang (Danlambao) - Hay hết biết! Nhà nước cộng sản đánh bạc với dân như chủ sòng Las Vegas, chỉ có ăn chứ không có thua. Đúng là "tiến sĩ" xã hội chủ nghĩa có khác, phát ngôn như thánh sống, y chang Nguyễn Minh Triết vừa động viên Obama vừa phân hóa chính sách của Mỹ. Thôi thì ngư dân ở các nơi khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Định hay Phan Thiết, Vũng Tàu, Bà Rịa... hãy hi vọng. Môi trường sẽ được kiên trì bảo vệ hài hòa, đồng thời sẽ có những nhà máy đóng cá hộp (chết) xây dựng ngay trong các làng chài dọc bờ biển Việt Nam...

*

Hột kê – Huề chỉ là câu nói ba chữ dùng cho các trò chơi cờ bạc như lắc bầu cua, đổ xí ngầu (xúc xắc), tài xỉu…

Khi nhà cái mở nắp hộp lắc bầu cua hoặc chén đậy các hột xúc xắc, nếu có một hột bầu cua hay một con xúc xắc nằm gác lên một con khác thì ván bạc đó không kể, coi như huề và phải lắc lại.

Bài viết này hoàn toàn không có ý nói đến cờ bạc, chỉ nói đến tình trạng giống như hột kê – huề đang diễn ra trong xã hội Việt Nam.

Đó là tình trạng (tuyên bố) hột kê-huề trước chuyện tàn phá môi trường, cá chết hàng loạt trải dài trên 4 tỉnh miền trung Việt Nam Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, được nhà cái - tức đảng cộng sản Việt Nam - qua miệng lưỡi của những con vẹt mang cấp bằng tiến sĩ, giáo sư, giữ những nhiệm vụ trọng yếu, chức vụ cao cấp ở trung ương chế độ như bộ trưởng, thứ trưởng, phó thủ tướng, chủ tịch hội này, hội khác…

Mời độc giả đọc (chơi) con vẹt Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch hội Bảo Vệ Thiên Nhiên & Môi Trường Việt Nam thay mặt đảng cộng sản, bộ Tài Nguyên và Môi Trường tuyên bố hột kê – huề như sau:

Trích: "TS Nguyễn Ngọc Sinh: Theo tôi vấn đề không hề đơn giản vì cá chết trên diện rộng, biển thì mênh mông, rồi các chất thải ở trên bờ, ở ngoài biển..v..v.. mấy ngày hôm nay Tổng cục Môi trường triển phân tích đánh giá. Như tôi được biết là chưa có kết luận, nhưng tôi đặc biệt chia sẻ đây là vấn đề không hề đơn giản." Hết trích.

Vấn đề chẳng phải đơn giản hay không? Vấn đề là cung cách làm việc của những người sống bằng tiền thuế của dân nhưng làm việc tắc trách, thờ ơ, trốn tránh trách nhiệm, sợ mất chức, mất quyền lợi, không dám công bố sự thật, coi việc tàn phá, hủy hoại môi trường không dính dáng gì đến chức năng, phần sở của mình.

Việc thử nghiệm, phân chất nước với những máy móc, dụng cụ hiện nay không phải là một việc khó thực hiện, việc có kết quả phân chất trong phòng thí nghiệm (labor) chỉ cần 48 tiếng đồng hồ là có kết quả chi tiết từng chất một rất chính xác.

Một hội Bảo Vệ Thiên Nhiên & Môi Trường chắc chắn phải có những máy móc loại này để làm việc.

Nếu phản ứng nhanh chóng, kịp thời, chỉ 3-4 ngày sau khi cá chết hàng loạt tại bờ biển khu công nghiệp Formosa người ta đã biết ngay nguyên nhân và có biện pháp thích ứng giảm bớt thiệt hại cho ngư dân.

Trả lời phỏng vấn cho rằng chưa có kết luận vì cá chết trên bình diện rộng sau 3 tuần lễ là thái độ trốn tránh trách nhiệm, vô lương tâm. Cũng không loại trừ chuyện bằng cấp tiến sĩ, giáo sư giả, dỏm, không có trình độ chuyên môn tối thiểu.

Viện dẫn lý do chưa thể vào trong nhà máy xả chất thải của khu công nghiệp Formosa, Nguyễn Ngọc Sinh trả lời như sau:

Trích: "Nhưng chắc chắn trước sau cũng sẽ xác định được thôi. Hơn nữa, bây giờ mình cứ cho là chỗ đó chưa tiếp cận được và phải tìm cách tiếp cận… thực ra nếu nguyên nhân từ chỗ đó thì không phải là khó lắm để mà xác định".-TS Nguyễn Ngọc Sinh. Hết trích.(*)

Thế này không gọi là hột kê – huề thì gọi là gì đây hở trời? Một hội Bảo Vệ Môi Trường và Thiên Nhiên không thể đến lấy mẫu nước thải của một khu công nghiệp thì đất nước này do ai cai quản? Luật pháp, chủ quyền quốc gia, đát nước để đâu?

Cứ cho là gặp khó khăn, không thể vào khu công nghiệp Formosa để lấy mẫu nhưng với tư cách chủ tịch hội BVMT&TN sao "ngài" Ts. Nguyễn Ngọc Sinh không lên tiếng báo động cho các nơi khác, cho dân chúng biết mà lại nín khe thế?

Phải tìm cách tiếp cận. Chừng nào mới tiếp cận thì không thấy ngài "tiến sĩ" nói. Không khó lắm để mà xác định, tại sao tới giờ này chưa có kết quả? Đọc những giòng chữ Nguyễn Ngọc Sinh phát biểu, ai hiền lắm chắc cũng phải buột miệng chửi thề.

Ngư dân đa số nghèo khổ, chạy ăn từng ngày, người nào khá giả lắm thì cũng chịu đựng được dăm bữa, nửa tháng, chứ ai có của ăn, của để, nhà cao, cửa rộng, biệt thự "hoành tráng" lộng lẫy, ô tô con, ô tô mẹ... như các quan chức cộng sản để cứ... từ từ ngồi chờ cơm chín?

Trích: "Phải cân đối qua thực tiễn giải quyết xem là cần phải điều chỉnh như thế nào, giữa một bên mong muốn phát triển mạnh và một bên là phải kiên trì vấn đề bảo vệ môi trường để cho nó hài hòa. -TS Nguyễn Ngọc Sinh" Hết trích.

Hay hết biết! Nhà nước cộng sản đánh bạc với dân như chủ sòng Las Vegas, chỉ có ăn chứ không có thua. Đúng là "tiến sĩ" xã hội chủ nghĩa có khác, phát ngôn như thánh sống, y chang Nguyễn Minh Triết vừa động viên Obama vừa phân hóa chính sách của Mỹ.

Thôi thì ngư dân ở các nơi khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Định hay Phan Thiết, Vũng Tàu, Bà Rịa... hãy hi vọng. Môi trường sẽ được kiên trì bảo vệ hài hòa, đồng thời sẽ có những nhà máy đóng cá hộp (chết) xây dựng ngay trong các làng chài dọc bờ biển Việt Nam.

Hột kê – huề, lắc lại.



“Khởi tố – bắt nhốt – xin lỗi”: Khi quan thị uy bằng luật thì dân biết làm sao?

Mẹ Nấm (Danlambao) - Câu chuyện tuần qua của ngành tư pháp Việt Nam xoay quanh 3 hành động: khởi tố, bắt nhốt và xin lỗi. Nghe có vẻ nực cười, nhưng người ta có thể thấy quy trình tố tụng thực sự có vấn đề. Khi cơ quan chức năng lạm quyền, tùy tiện – người dân phải gánh chịu hậu quả ra sao?

Vụ thứ nhất: Công an huyện Bình Chánh, VKS Nhân dân huyện Bình Chánh ra quyết định khởi tố ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán café Xin Chào vì tội chậm đăng ký kinh doanh.

Vụ thứ hai: Ông Nguyễn Văn Bỉ (47 tuổi, ngụ tại TT.Tân Túc, H.Bình Chánh), người cho ông Tấn thuê đất để mở quán cà phê Xin Chào cũng bị khởi tố về tội “vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” theo điều 270 BLHS. (1)

Cả hai vụ án trên đều do đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng công an huyện Bình Chánh ký quyết định khởi tố. Và ông Lê Thanh Tòng, Phó viện trưởng Viện KSND H.Bình Chánh (hiện ông Tòng là Phó viện trưởng Viện KSND Q.6) là người ký phê chuẩn.

Dư luận cho rằng cả ông chủ quán café và ông chủ đất dựng chòi vịt bị đại tá Quý xử lý vì “các lý do cá nhân”. 

Và thực tế, khi báo chí thông tin, các cơ quan cấp cao hơn vào cuộc thì các sai phạm xung quanh những quyết định đã ký mới được phanh phui.

Vụ án thứ 1 đã bị đình chỉ. VKS Nhân dân Tối cao ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Hồ Văn Son, kiểm sát viên sơ cấp Viện KSND huyện Bình Chánh và ông Lê Thanh Tòng, Phó Viện trưởng Viện KSND quận 6, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh, người ký quyết định truy tố ông Nguyễn Văn Tấn, Chủ quán cà phê Xin chào. (2)

Vụ án thứ 2 chưa có quyết định từ các cơ quan chức năng sau khi báo chí thông tin.

Vụ thứ ba: VKS Nhân dân huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) có buổi gặp mặt và nhận sai với bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc vào chiều 24/4/2016, sau khi đã phê chuẩn quyết định khởi tố và bắt giam bà Ngọc vào ngày 19/4/2016. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc là người tố cáo các nhân viên bảo vệ rừng tiếp tay cho cát tặc, và bị lực lượng bảo vệ rừng hành hung. Oái oăm thay từ vai trò người tố cáo sai phạm, bà bị các cơ quan chức năng khởi tố và bắt giam vì cho rằng bà có “hành vi chống người thi hành công vụ”. Việc bắt giam bà Ngọc cũng được thực hiện khá ly kỳ khi công an mời bà đến trụ sở làm việc với lý do liên quan đến lực lượng bảo vệ rừng trong vụ án khác và bà bị bắt với một lý do khác. Sự việc chỉ thay đổi khi các cán bộ môi trường gửi đơn kêu cứu cho bà Ngọc.

VKS Nhân dân huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) có lẽ đi trước một bước sau khi rút kinh nghiệm từ VKS Nhân dân huyện Bình Chánh (Sài Gòn) nên tổ chức nhận sai ngay vào ngày Chủ Nhật mặc dù lý do buổi gặp mặt, nhận sai đưa ra vẫn còn rất cửa quyền: “Mục đích của buổi gặp chị Ngọc là muốn chị nói tất cả những tâm tư, tình cảm của mình về vụ việc sau khi bị bắt tạm giam” (3)

Cả ba vụ án nêu trên có điểm chung là các cơ quan chức năng có thẩm quyền cao hơn nơi ký quyết định khởi tố, tạm giam chỉ vào cuộc khi báo chí thông tin và công luận lên tiếng. 

Việc truy tố, khởi tố và bắt tạm giam một con người sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và tâm lý của họ.

Luật pháp là để thiết lập lại trật tự xã hội trên cơ sở công bằng văn minh chứ không phải là công cụ để thị uy hay dằn mặt người dân. 

Những người tù oan khuất như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, các thanh niên bị bắt oan ở Sóc Trăng… biết phải làm sao khi nhận lãnh luôn trách nhiệm chứng minh cơ quan tố tụng làm sao, và phải có hóa đơn chứng minh thiệt hại thì mới được đền bù tổn thất?

Đẩy một con người vào tù, và sửa sai bằng lời xin lỗi – có lẽ là hoạt động tư pháp chỉ có ở Việt Nam.

Làm sai – sửa sai, và người dân phải biết ơn các cơ quan chức năng vì đã chịu sửa sai là tâm lý cũng chỉ có ở Việt Nam.

Bao giờ ta khá nổi?!


____________________________________

Chú thích:

Đại Họa Vũng Áng và khái niệm chủ quyền quốc gia

The Vung Ang National disaster and the concept of national sovereignty

Luật sư Đào Tăng Dực (Danlambao) - Sự kiện sôi nổi trong tháng 4, 2016 tại Đặc Khu Công Nghiệp Vũng Áng, gây ra cái chết có thể lên đến hằng trăm tấn cá biển, trên vùng duyên hải nhiều tỉnh Việt Nam và những phản ứng khác nhau của quan chức và cán bộ CSVN các cấp, chứng tỏ 3 điều quan trọng làm thiệt hại trầm trọng quyền lợi quốc gia (national interests).

Một là sự bối rối và thiếu khả năng phân biệt của họ về một số khái niệm căn bản như đặc khu kinh tế (special economic zone), đặc khu công nghiệp (special industrial zones), nhượng địa (ceded territory) và chủ quyền quốc gia (national sovereignty);

Hai là qua những biện hộ thiếu tính thuyết phục cũng như cơ sở lý luận của một số quan chức, chúng ta ý thức được nhiều quan chức các cấp hoặc đã bị mua chuộc, hoặc có quyền lợi tiềm ẩn (vested interests) với Vũng Áng và

Ba là như theo Tiến Sĩ Nguyễn Quang A nói, các viên chức có trách nhiệm “tàn hình” trước biến cố trọng đại này vì tinh thần “vô trách nhiệm” cá nhân trong một tập thể chủ trương hưởng thụ thì do cá nhân, nhưng trách nhiệm thì do tập thể chịu.

Theo VietnamNet ngày 21/4/16:

“Đoàn công tác không vào kiểm tra tại KCN Vũng Áng được vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn không có thẩm quyền" - Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT Phạm Khánh Ly cho biết.

Trao đổi với VietNamNet, ông Ly cho biết: "Đoàn công tác không vào kiểm tra tại KCN Vũng Ánh vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn công tác không có thẩm quyền, chức năng kiểm tra tại khu vực này".

Ông Ly thông tin thêm: "Chúng tôi vào làm việc với Sở Nông nghiệp PTNT tỉnh Hà Tĩnh với tư cách là cơ quan quản lý theo ngạch dọc. KCN Vũng Áng bao gồm nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng và KCN Formosa có yếu tố nước ngoài nên cần thành lập đoàn công tác liên ngành, có chỉ đạo của Thủ tướng thì mới tiến hành kiểm tra được". 

Là một viên chức cao cấp thuộc trung ương với chuyên nghành chịu trách nhiệm về thủy sản và nông nghiệp, mà ông Phạm Khánh Ly không phân biệt được sự khác biệt giữa một nhượng địa (ceded territory) khi nước ngoài có toàn quyền pháp lý, quản trị và một khu kinh tế (economic zone) bình thường, khi yếu tố nước ngoài hoàn toàn không ảnh hưởng và chính quyền sở tại có thẩm quyền và trách nhiệm hành xử nghiêm khắc pháp lý của mình trên quan điểm chủ quyền quốc gia.

Thậm chí chúng ta còn được nghe những giả thuyết biện minh cho người Trung Quốc tại Khu Công Nghiệp Vũng Áng như cá chết là do những âm thanh nhiễu loạn. Khi âm thanh chấm dứt thì không có độc hại gì nữa. 

Hoặc theo báo Giao Thông thì:

“Chiều 23/4, trả lời phỏng vấn Báo Giao thông về việc có nên tiếp tục sử dụng cá biển, tắm biển ở những vùng nước không còn xảy ra hiện tượng cá chết, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện tại các lồng bè đang nuôi trồng thủy sản ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhiều loại thủy, hải sản vẫn sinh trưởng bình thường. Những loại hải sản như: mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này.”

Các điều trên chứng tỏ chính trị hiện kim (money politics) của Trung Quốc đã và đang rất thành công tại Việt Nam. Như chúng ta đều biết, chính quyền các quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu và Nhật Bản không thể sử dụng công quỹ để mua chuộc bất cứ một đệ tam nhân nào. Trong khi đó, đảng CSTQ sở hữu toàn bộ nhà nước và ngân khố quốc gia. Đảng không chịu trách nhiệm trước một cơ chế độc lập nào và có quyền sử dụng tiền bạc vô giới hạn hầu mua chuộc quan chức Việt Nam.

Đại họa Vũng Áng liên hệ đến đời sống kinh tế của nhiều triệu dân trên các tỉnh duyên hải từ Hà Tỉnh xuống đến Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên trong một thời gian dài, các quan chức cao cấp thuộc tỉnh và trung ương hoàn toàn im lặng như tờ, hầu như không có gì xảy ra. Đặc biệt các cấp lãnh đạo Hà Tỉnh, trước một biến cố trọng đại như thế, không có nhân vật nào chịu trách nhiệm hoặc từ chức cả, vì theo quan điểm “tập trung dân chủ” ưu việt, bây giờ đã được hiến định hóa, khi hưởng thụ bổng lộc thì cá nhân hưởng thụ, nhưng khi có trách nhiệm thì tập thể chịu trách nhiệm và đã có đảng lo. 

Phê bình và tự phê, xong rồi xin lỗi cho lấy lệ và sẽ tiếp tục cai trị theo đảng cử dân bầu, muôn năm trường trị. 

Đặc biệt là báo chí đảng (www.baisang.net) loan tin:

“Ngày 22/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác Trung ương đã đi kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu dân cư mẫu nông thôn mới và tiến độ Dự án Formosa Hà Tĩnh…” 

Nhưng hoàn toàn không đề cập gì đến tai họa khổng lồ đang xảy ra cho nhân dân các tỉnh liên hệ, mặc dầu hiện tương cá chết hàng loạt đã được khám phá từ hôm 20 tháng 4 rồi.

Ông Nguyễn Phú Trọng, trên nguyên tắc, chỉ là Đảng Trưởng của một chính đảng, và một dân biểu quốc hội khiêm nhượng. Tuy nhiên đảng CSVN lại là chính đảng duy nhất được hiến pháp quy định là lãnh đạo nhà nước và xã hội dân sự. Chính vì thế, trên thực tế ông còn nhiều quyền hơn cả Chủ Tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị KimNgân nữa. Ông Trọng mà còn không dám lên tiếng thì chúng ta không thể trách đến hôm tác giả viết bài này (25/4/16) tam trụ của chính quyền không im thin thít sao được?

Tại sao Ông Trọng lại trốn tránh tai họa xảy ra cho đất nước ông cai trị phát xuất từ Vũng Áng như thế?

Theo quan điểm của tôi, Ông Trọng là một lãnh tụ bảo thủ, luôn tự hào về khả năng lý luận của mình và ông đang gặp khó khăn trong nội tâm về phương diện lý luận. 

Tâm thức của ông đang vật lộn với nhiều khái niệm trừu tượng khác nhau. Trước hết là khái niệm chủ quyền quốc gia (national sovereignty). Khái niệm này giả định rằng môt quốc gia (nation state) có thẩm quyền giải quyết tất cả mọi vấn nạn của mình, trên mọi phương diện, trong lãnh địa của mình, mà không bị bất cứ một thế lực ngoại lai nào can thiệp. Giả định thứ nhì là một quốc gia, dù nhỏ nhoi đến đâu, cũng bình đẳng với mọi quốc gia khác, trên trường quốc tế. Khái niệm chủ quyền quốc gia này là một nguyên tắc căn bản của luật quốc tế (international law).

Tuy nhiên khái niệm này không hề đơn giản đối với ông Trọng vì hai yếu tố. Trước hết Ông là một người cộng sản bảo thủ và sau đó, ông là một người ham mê quyền lực. Như là một người cộng sản bảo thủ, ông không thể chối bỏ dứt khoát lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và thế giới đại đồng, trong đó không còn biên giới giữa các quốc gia. Theo ông ý niệm chủ quyền quốc gia vốn là một ý niệm sai lầm, phát xuất từ Hiệp Ước Westphalia phản động năm 1648, trước khi Chủ Nghĩa Mác Xít Duy Vật Biện Chứng Khoa Học vĩ đại ra đời vào giữa thế kỷ 19. Đối với Chủ Nghĩa Mác Xít thì ý niệm chủ quyền quốc gia là một ý niệm tiểu tư sản bại hoại và không đáng giá một đồng xu. Tuy nhiên. ở một mặt khác, như một người ham mê quyền lực, ông ý thức rằng, khái niệm chủ quyền quốc gia này là một công cụ hiệu năng, có thể sử dụng để đẩy lùi tất cả những thế lực thù địch, nhất là từ bên ngoài, có ý đồ xấu với đảng, khi họ tìm cách du nhập những bảng giá trị nhân quyền, dân quyền và tự do dân chủ vào Việt Nam.

Hơn ai hết, ông biết rằng, quyền lực ông có được là do đảng ban phát. Muốn bảo vệ và củng cố đảng, trong giai đoạn này, ông bắt buộc phải bám víu và tôn sùng ý niệm chủ quyền quốc gia mà ông vốn khinh bỉ như một người cộng sản bảo thủ.

Khi thành lập những đặc khu kinh tế, nhất là với Trung Quốc trên đất nước Việt Nam, những vật lộn về nội tâm của ông trở nên phứt tạp hơn nữa. Dĩ nhiên ông biết rằng, có một sự khác biệt lớn lao giữa một đặc khu kinh tế (special economic zone) hoặc đặc khu công nghiệp (special industrial zone) và một nhượng địa (ceded territory). Trong trường hợp một đặc khu kinh tế hoặc công nghiệp, tuy những luật lệ có thể khác biệt với phần còn lại của quốc gia, nhưng chỉ với mục tiêu phát triển kinh tế và khuyến khích đầu tư, nhất là đầu tư quốc tế. Chủ quyền quốc gia không hề suy giảm và chính quyền quốc gia có quyền hành xử mọi quyền hạn của mình, theo hiến pháp và luật hiện hành. Trái lại trong trường hợp một nhượng địa (như Hồng Kong nhượng cho Anh Quốc và Ma Cau nhượng cho Bồ Đào Nha bỡi Trung Quốc trước đây) thì chủ quyền quốc gia bị mất, trong thời khoảng hiệp ước nhượng địa còn hiệu lực.

Tuy nhiên, đối với những đặc khu kinh tế do người Trung Quốc làm chủ, ông Trọng gặp nhiều mâu thuẫn nội tâm. Trước hết trong suốt quá khứ tranh đấu của đảng CSVN, họ mắc nợ Đảng CSTQ quá nhiều cả vật chất lẫn tinh thần. Trong tâm thức của một người CS bảo thủ như ông Trọng, món nợ này phải trả. Thêm vào đó, 2 đảng cùng một ý thức hệ, cùng cai trị tuyệt đối 2 quốc gia núi liền núi, sông liền sông. Môi hở răng lạnh như Hồ Chí Minh và Mao Trạch Động đã khẳng định. Trong tình huống đó, sự khác biệt lớn lao trên nguyên tắc giữa đặc khu kinh tế hoặc công nghiệp và nhượng địa hầu như biến mất trong tâm thức của ông.

Những vật lộn trong tâm thức của ông Trọng cũng diễn ra tương tự trong tâm thức của những người cộng sản khác, ở nhiều đẳng cấp khác nhau. Nhất là khi họ nhận được những hiện kim, hiện vật hoặc quyền lợi từ tay chính quyền hoặc những nhà đầu tư Trung Quốc.

Kết luận:

Sự im lặng của quý ông bà TBT Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân trước đại họa Vũng Áng cần phải bị lên án mạnh mẽ trên mọi diễn đàn công luận trong và ngoài nước.

Nhân danh là Chủ Tịch nước, Ông Trần Đại Quang, hoặc cơ chế cao nhất nước chịu trách nhiệm, phải gấp rút tuyên bố Vũng Áng là một đại họa có tầm mức quốc gia (National disaster) và ban hành những biện pháp giúp đỡ cấp thiết cho ngư dân các tỉnh, trong khi chờ đợi kết quả điều tra.

Chính phủ gấp rút thành lập một ủy ban điều tra độc lập, với sự cố vấn của những cơ quan quốc tế hoặc của Liên Hiệp Quốc chuyên nghành như WHO (World Health Organization) hoặc những cơ quan quốc tế uy tín về bảo vệ môi sinh, hầu truy tìm nguyên nhân và đề nghị những biện pháp thích đáng để giải quyết hiểm họa và đề phòng những trường hợp tương tự.

Viện Kiểm Sát Tối Cao Nhân Dân (chiếu theo Đại Họa Vũng Áng và khái niệm chủ quyền quốc gia 

(The Vung Ang National disaster and the concept of national sovereignty) 

25/4/2016


Vụ cá chết: Hệ thống công quyền Việt Nam như 'sắp chết'

HÀ TĨNH (NV) - Đã 20 ngày kể từ khi cá chết trắng đoạn bờ biển chạy dọc bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế nhưng hệ thống công quyền ở Việt Nam vẫn chưa hết lúng túng.

Cá chết trắng biển từ Hà Tĩnh, Quảng Bình đến Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. (Hình: Tuổi Trẻ)

Sự kiện “cá chết” không chỉ làm ngư dân và những người kiếm sống bằng việc mua bán cá bế tắc về sinh kế, mà còn khiến các cơ sở thương mại, dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực du lịch (khách sạn, nhà hàng, vận chuyển) tê liệt do ế ẩm, bởi cá chết trên diện rộng vừa làm môi trường bị ô nhiễm, vừa khiến du khách hoang mang, sợ tắm biển cũng sẽ chết như... cá!

Ít nhất đã có hơn 20 trường hợp phải tới bệnh viện cấp cứu ở huyện Phúc Trạch, tỉnh Quảng Bình, vì ăn các loại hải sản nghi bị nhiễm độc. Tại huyện Quảng Trạch cũng có khoảng 200 thực khách được mời tới dự tiệc khai trương của một nhà hàng bị trúng độc sau khi ăn các món hải sản.

Điều khiến tất cả mọi người, đặc biệt là những người đang trực tiếp gánh chịu hậu quả từ sự kiện “cá chết,” quan tâm là vì sao cá lại chết trên diện rộng như vậy? Tuy nhiên, đến cuối tuần qua, đại diện liên Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, Tài Nguyên-Môi Trường và đại diện bốn tỉnh chỉ có thể báo cáo với công chúng rằng, cá chết trắng biển là do trong nước biển có độc tố cực mạnh.

Những đại diện cho hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không thể trả lời được hai câu hỏi rất căn bản khác là loại độc chất làm cá chết tên gì (?) và độc chất đó từ đâu mà ra!

Cá bắt đầu chết trắng biển kể từ ngày 6 Tháng Tư nhưng mãi tới ngày 20 Tháng Tư, ông Võ Tuấn Nhân, thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, mới yêu cầu chính quyền các địa phương có cá chết trắng biển “phải tổ chức tuyên truyền rộng rãi để người dân không sử dụng cá chết làm thực phẩm cũng như làm thức ăn chăn nuôi.”

Đến ngày 23 Tháng Tư, trước sự chỉ trích kịch liệt của công chúng về lối hành xử hết sức chậm chạp, kém hiệu quả của hệ thông công quyền từ trung ương đến địa phương, ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, lại bảo rằng, những con cá bị nhiễm độc đều đã chết và đã được chôn nên bây giờ, nếu bắt được cá sống thì có thể... ăn. Khi bị báo giới chất vấn, làm sao biết được cá còn sống không bị nhiễm độc? Ông Tám bảo rằng: “Phải chờ cơ quan có chức năng xét nghiệm khẳng định” và “sắp tới mới làm!”

Ông Tám còn động viên mọi người tắm biển nhưng lại không trả lời thắc mắc là đã có nghiên cứu nào xác định biển đã an toàn hay chưa (?).

Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì tại cuộc họp của đại diện hệ thống công quyền của trung ương với đại diện bốn tỉnh có cá chết trắng biển, báo giới không được phép tham dự. Ở cuộc họp báo sau đó, các viên chức đại diện chính quyền trung ương và địa phương “thi nhau nhắc nhở” truyền thông là nên thông tin sự việc một cách chừng mực, không làm tình hình thêm phức tạp, gây hoang mang trong nhân dân, dẫn đến thiệt hại cho nhân dân. Thậm chí, có viên chức còn dọa, nếu hệ thống truyền thông không “khéo” thì sẽ “ảnh hưởng đến việc xuất cảng thủy sản, hải sản.”

Cách nay vài ngày, khi lặn xuống biển săn hải sản, ông Nguyễn Xuân Thành, một ngư dân ngụ ở thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, tìm thấy một “đường ống khổng lồ” dài khoảng 1.5 cây số, đường kính khoảng 1.1 mét, chạy từ Formosa Hà Tĩnh thuộc Khu Kinh Tế Vũng Áng ra biển.

Formosa Hà Tĩnh là tên gọi dự án đầu tư của tập đoàn Formosa của Đài Loan tại Hà Tĩnh. Chính quyền Việt Nam đã dành cho tập đoàn Formosa nhiều ưu đãi khi đầu tư dự án Formosa Hà Tĩnh.

Ông Thành kể rằng “đường ống khổng lồ” mà ông thấy được đặt trên bề mặt đáy biển và được che đậy bằng các bao cát và đá hộc. Ông Thành phát giác “đường ống khổng lồ” vì nước được bơm rất mạnh từ trong lòng ống vào lòng biển và có màu vàng đục, sền sệt, nặng mùi. Ông Thành đã báo phát giác của ông cho Đồn Biên Phòng Đèo Ngang, thuộc Bộ Chỉ Huy Biên Phòng Hà Tĩnh.

Trước đây, nhiều người từng bày tỏ nghi ngờ sự kiện “cá chết” là do Formosa Hà Tĩnh lén lút xả nước thải và chất thải ra biển, phát giác của ông Thành về “đường ống khổng lồ” củng cố những nghi ngờ này. Cuối tuần qua, đại diện chính quyền Việt Nam tuyên bố họ không hề bất ngờ về sự hiện diện của “đường ống khổng lồ” vì chính họ cấp giấy phép cho Formosa Hà Tĩnh. (G.Đ.)

04-24-2016 4:02:52 PM 

Trường học lấy hình tử tù làm 'anh hùng Lê Văn Tám'

ĐỒNG THÁP (NV) - Một trường học ở tỉnh Đồng Tháp đã lấy hình của một người bị kết án tử hình về tội hiếp dâm trẻ em và giết người, để minh họa cho “anh hùng Lê Văn Tám.”

Bức ảnh minh họa “anh hùng Lê Văn Tám” là một tử tù can tội hiếp dâm trẻ em và giết người. (Hình: VnExpress)

Theo báo mạng VnExpress hôm Chủ Nhật, việc này xảy ra tại công trình măng non của trường tiểu học trung học cơ sở Phú Xuân, xã Phú Đức.”

Nguồn tin vừa kể cho hay, đầu năm 2015, trường Phú Xuân thực hiện công trình măng non “Trang sử hồng trường ta” để giới thiệu với học sinh về tấm gương dũng cảm của các anh hùng, trong đó có “Lê Văn Tám.”
Ban giám hiệu trường thừa nhận rằng, “Khi triển khai đã nhờ đơn vị in ấn ở địa phương hỗ trợ thực hiện rồi mang về trường treo mà thiếu xác minh lại ảnh anh hùng Lê Văn Tám.” Mới đây, một đoàn từ thiện đến thăm trường, tặng quà cho các học sinh nghèo hiếu học “đã phát hiện sự nhầm lẫn này, phản ánh với nhà trường.”

Theo VnExpress, truy nguyên nguồn gốc tấm hình thì được biết “bức ảnh được dùng làm chân dung anh hùng Lê Văn Tám là Lê Văn Tấn (SN 1978, ngụ tại ấp Kênh 2A, xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Tấn là kẻ giết người, hiếp dâm bé gái 7 tuổi hồi Tháng Giêng, 1997 và phải nhận án tử hình.”

Ông Lê Phước Hậu, trưởng Phòng Giáo Dục huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, kêu rằng: “Chúng tôi đã yêu cầu nhà trường tháo công trình măng non xuống, kiểm tra và báo cáo toàn bộ quy trình thực hiện. Từ đó xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân liên quan và có hình thức xử lý nghiêm.”

Vẫn theo tin của VnExpress, không riêng gì trường tiểu học Phú Xuân mà còn “có thêm hai trường khác sử dụng ảnh chân dung một thanh thiếu niên làm anh hùng Lê Văn Tám nhưng chưa xác định có hay không phải hình của Tấn.” (T.N.)

04-24-2016 4:19:52 PM 

Công an một số nơi gặp 'đại hạn'

SÀI GÒN (NV) - Những cá nhân khởi tố chủ quán Xin Chào ở Bình Chánh, Sài Gòn, sẽ bị xử lý. Tương tự những cá nhân tống giam bà Nguyễn Thị Anh Ngọc ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, sẽ bị điều tra.

Quán Xin Chào đóng cửa. (Hình: SGGP)

Tình trạng lạm quyền của công an Việt Nam đã đẩy sự phẫn nộ của công chúng lên đến đỉnh điểm và hệ thống công quyền ở Việt Nam đang “chữa cháy,” ít nhất là trong hai vụ vừa kể.

Tuần trước, công chúng Việt Nam sôi sùng sục về chuyện ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán Xin Chào sẽ phải hầu tòa vì “kinh doanh trái phép” vào ngày 28 Tháng Tư sắp tới.

Ông Tấn mở quán hồi Tháng Tám năm ngoái và năm ngày sau khi khai trương thì bị công an huyện Bình Chánh lập biên bản vì chưa có “giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”

Trong thực tế, ông Tấn đã nộp hồ sơ xin “giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” nhưng chưa nhận được giấy này.

Đến Tháng Chín năm ngoái, vì ông Tấn đã có “giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,” khi kiểm tra quán Xin Chào, công an huyện Bình Chánh lập thêm một biên bản nữa vì ông Tấn không có “giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.”

Hai biên bản này là căn cứ để công an huyện Bình Chánh khởi tố ông Tấn “kinh doanh trái phép.” Viện Kiểm Sát Huyện Bình Chánh truy tố ông Tấn và Tòa Án Huyện Bình Chánh lên lịch xử ông tại tòa.

Sau khi báo chí Việt Nam nêu trường hợp ông Tấn, công chúng xúm vào chỉ trích sự nghiêm khắc vừa trái pháp luật (không thể xem “vi phạm” của ông Tấn là “kinh doanh trái phép” rồi truy cứu trách nhiệm hình sự), vừa đáng ngờ của công an huyện Bình Chánh, vì người ta phát giác ông Nguyễn Văn Bỉ, người cho ông Tấn thuê đất mở quán Xin Chào, cũng bị công an huyện Bình Chánh khởi tố do “vi phạm các quy định về quản lý nhà ở.” Hành vi “vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” của ông Bỉ chỉ là dựng một cái chòi bằng lá để... chăn vịt!

Báo chí Việt Nam nhận định, ông Tấn và ông Bỉ cùng bị công an khởi tố, viện kiểm sát truy tố vì một người can tội thuê, một người can tội làm chủ khu đất được xem như vàng do nằm giữa khu hành chính và khu dân cư chính của huyện Bình Chánh. Cả hai trở thành tội phạm do đại tá trưởng công an huyện Bình Chánh muốn mua khu đất vàng đó với giá rẻ!

Cuối cùng, do nước đã tràn ly, cả thủ tướng Việt Nam lẫn bí thư thành ủy ở Sài Gòn phải yêu cầu xem lại vụ Xin Chào, Viện Kiểm Sát Tối Cao yêu cầu đình chỉ vụ án “kinh doanh trái phép,” yêu cầu xin lỗi ông Tấn, đình chỉ công tác hai kiểm sát viên của Viện Kiểm Sát Huyện Bình Chánh. Giám đốc công an thành phố Sài Gòn thì hứa sẽ xử lý những cá nhân liên quan tới vụ khởi tố ông Tấn.

Vụ án liên quan tới ông Bỉ và số phận ông thế nào thì chưa rõ.

Ở Đồng Nai, Ban Nội Chính của tỉnh ủy cũng vừa mới yêu cầu công an huyện Nhơn Trạch hủy bỏ việc tạm giam bà Nguyễn Thị Anh Ngọc và loan báo sẽ tiếp tục điều tra vụ khởi tố bà Ngọc với cáo buộc “chống người thi hành công vụ.”

Bà Ngọc là người tố cáo việc khai thác cát trái phép ở huyện Nhơn Trạch. Đó cũng là lý do bà Ngọc và thân nhân bị bảo vệ của ban quản lý rừng trói, đánh, dọa giết do đập bể nồi cơm của nhiều người. Do áp lực của báo chí, Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai phải đề nghị công an huyện Nhơn Trạch điều tra việc bà Ngọc bị trói, đánh và tài sản bị hủy hoại.

Ngày 19 Tháng Tư, công an huyện Nhơn Trạch mời bà Ngọc đến cung cấp thông tin về chuyện bị các nhân viên bảo vệ rừng “bắt giữ trái phép,” bị hành hung và tài sản bị hủy hoại. Thế nhưng đến nơi thì bà Ngọc lại bị còng vì “chống người thi hành công vụ” hồi Tháng Chín năm ngoái, thời điểm bà Ngọc ngăn cản việc khai thác cát trái phép.

Thân nhân của bà cung cấp một video clip cho thấy, bà Ngọc và thân nhân đã gọi điện thoại cho công an nhưng ba tiếng sau công an mới tới và đến nơi thì khoanh tay đứng nhìn những người khai thác cát trái phép hăm dọa, đuổi đánh bà Ngọc. (G.Đ)

24-04-2016

Bài học từ thiên nhiên và đừng đổ thừa tại nước nhỏ

Song Chi04/24/2016 - 18:26
Hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ biển các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên-Huế những ngày qua khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng. Báo chí liên tục đưa tin, hình ảnh cá chết nằm phơi bụng trên bờ, người dân tại chỗ đi lượm xác cá, dù tiếc cũng không dám ăn vì ăn vào là bị nhiễm độc, ngư dân phải treo lưới vì cá bắt về chẳng ai dám mua, và không chỉ cá biển mà cả cá nuôi của người dân cũng bị chết trắng...
Nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng nhìn chung đều cho rằng do nguồn nước/môi trường bị nhiễm độc. Hoặc có liên quan đển việc các nhà máy ở ven biển, cụ thể là nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (do tập đoàn Formosa Đài Loan đầu tư) với ống xả thải khủng có chiều dài 1,5km, đường kính hơn 1,1m xả thẳng ra biển; hoặc cũng có thể do các hoạt động xây dựng các công trình trên vùng biển, ví dụ như việc cải tạo đảo nhân tạo, xây dựng ồ ạt trên các đảo những năm gần đây của Trung Quốc đã làm xáo trộn môi trường tự nhiên ở khu vực này.
Điều làm người dân địa phương cũng như cả nước bức xúc là hiện tượng cá chết đã xảy ra hơn 20 ngày nay nhưng các ông lãnh đạo địa phương chả thấy mặt đâu, các ban ngành cao hơn như Bộ Tài Nguyên &Môi trường cùng các đơn vị chức năng phối hợp với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên cũng đã tổ chức họp, thành lập đoàn công tác đến các tỉnh trên để lấy mẫu nước, khảo sát hiện trường đồng thời cử các chuyên gia giỏi nhất đến tìm hiểu. Nhưng người dân vẫn có cảm giác phản ứng của các cơ quan ban ngành là chậm, đã thế, đôi khi những câu phát biểu của các quan càng làm mọi người tức giận hơn.
Chẳng hạn, ông Phan Lam Sơn-Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh nói: “…Nói chung, các thông số, chỉ tiêu của nguồn nước biển đều nằm trong giới hạn cho phép, chưa vượt ngưỡng đến mức ô nhiễm. Chính vì thế, chưa đủ căn cứ để có thể đưa ra kết luận cá chết hàng loạt là do nguồn nước.” (“Cá chết ở Vũng Áng không do ô nhiễm: Lại tại ông trời?”, Đất Việt). Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thì cho rằng nhiều loại thủy, hải sản tại các lồng bè ở Vũng Áng vẫn sinh trưởng bình thường, những loại hải sản như: mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này. (“Phó Chủ tịch Hà Tĩnh: Yên tâm ăn cá, tắm biển ở Vũng Áng”, Giao Thông)…
Đáng nói hơn, ngay trong thời điểm này, ông quan to nhất nước Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến Hà Tĩnh làm việc, đi thăm nhà máy Formosa đang bị dư luận nghi ngờ là thủ phạm dẫn đến chuyện cá chết nhưng lại không hề nhắc nhở, đề cập gì vấn đề này với ban lãnh đạo Formosa, cũng không hề bước chân ra biển xem tình hình cá chết hoặc tiếp xúc với ngư dân. (“Tổng bí thư kiểm tra tiến độ dự án Formosa”, VietnamNet). Ngược lại, việc đến thăm một số công trình, hạng mục…của Formosa thời điểm này có khi lại có tác dụng “ủy lạo tinh thần” cho công ty.
Thật ra, từ lâu rồi người dân chẳng còn ngạc nhiên gì trước việc các quan chức lãnh đạo của nhà nước cộng sản VN có thái độ đáng chê trách như vậy khi có một sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, an ninh quốc phòng hoặc sự an toàn, sống chết của người dân. Những câu nói kiểu như “cá chết không phải tại nguồn nước ô nhiễm, các chỉ số trong nước vẫn ở ngưỡng cho phép” nghe quen quen, cũng giống như không thể kết luận hàng chục, hàng trăm trẻ chết sau khi tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem là do vaccine, hay thực phẩm ở ta nhìn chung vẫn an toàn, nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn v.v…Nói tóm lại mọi thứ vẫn đúng quy trình!
Tinh thần, thái độ xử lý khi xảy ra một sự cố lớn hay thiên tai, nhân tai của một nhà nước sẽ cho thấy rõ hơn bao giờ hết, nhà nước đó có năng lực hay không, có thật là nhà nước của dân, do dân và vì dân hay không. Cứ nhìn chính phủ Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Hàn…đối phó và giải quyết những vụ thiên tai, nhân tai của nước họ thì thấy. Và tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc, sẽ có những cá nhân phải chịu trách nhiệm, tự giác từ chức hay bị mất chức, bị xử lý về mặt pháp luật.
Còn ở VN, các quan chức từ trên xuống dưới chả mấy khi phải bị gì, lại quen kiểu “trách nhiệm tập thể” nên cuối cùng chả ai chịu trách nhiệm. Một phần do họ vô cảm, một phần do dốt nát, thiếu năng lực, xử lý kém.
Đất nước là ngôi nhà chung trong đó 95-96 triệu con người đang cùng tồn tại, hít thở, sinh sống. Một khi từ nhà cầm quyền đến người dân không ai quan tâm đến cái ngôi nhà chung, đến môi trường sống chung ấy và cứ “vô tư” xử tệ với thiên nhiên, với môi trường sống, thì hậu quả chẳng cần phải chờ lâu.
Từ việc các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng…có bao nhiêu cây xanh đẹp thì chặt trụi hoặc không chịu trồng cây nên nóng càng thêm nóng, bụi bặm càng thêm bụi. Rừng thì chặt vô tội vạ nên lũ lụt ngày càng nghiêm trọng, rồi đua nhau xây thủy điện bừa bãi khiến sông ngòi khi thì cạn khô khi thì lũ ngập. Đồng bằng sông Cửu Long năm nay bị hạn hán và ngập mặn nặng nề, một phần cũng do việc xây đập thủy điện khủng, tích trữ nước mùa khô ở thượng nguồn sông Mêkong của Trung Quốc, dẫn đến dòng chảy từ thượng nguồn xuống đồng bằng sông Cửu Long bị suy giảm nghiêm trọng, nhưng nhà cầm quyền VN thì lại không chịu tính trước và có những biện pháp đối phó từ lâu nên rơi vào thế bị động. Rồi bây giờ cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung là hậu quả của tình trạng ô nhiễm môi trường hoặc nguồn nước bị nhiễm độc v.v…
Trong khi các quốc gia văn minh, tiến bộ đều chú ý bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống, ngay cả một quốc gia nghèo, nhỏ bé như Bhutan cũng rất ý thức về điều này qua bài nói chuyện đầy ấn tượng của ông Thủ tướng Tshering Tobgay về biến đổi khi hậu được lan truyền trên mạng mấy hôm nay.
Các vị vua và những nhà lãnh đạo anh minh, sáng suốt của quốc gia nhỏ bé chỉ có 700,000 dân, nằm kẹt giữa hai quốc gia khổng lồ là Ấn Độ và Trung Quốc này đã có tầm nhìn xa, như phải cân bằng giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bền vững môi trường và bảo tồn văn hóa; rằng đối với Bhutan, tổng hạnh phúc quốc gia quan trọng hơn tổng sản lượng quốc gia (Gross National Happiness is more important than gross national product), tuyên bố của Vị vua thứ tư của Bhutan trong những năm 1970. Và kể từ đó, sự phát triển của Bhutan luôn luôn dựa trên sự định hướng này.
Dù nghèo, chính phủ Bhutan đã cố gắng cung cấp giáo dục, y tế miễn phí cho người dân, có những biện pháp, chương trình để bảo vệ thiên nhiên, đảm bảo 60% diện tích quốc gia được che phủ bởi rừng, tạo thành lá phổi khổng lồ cho đất nước, bảo vệ các công viên, muôn thú…Không chỉ cam kết không phát thải khí nhà kính, những nhà lãnh đạo Bhutan còn suy nghĩ cho cả thế giới qua việc xuất khẩu năng lượng sạch cho các quốc gia láng giềng, để giúp giảm thải khí CO2 trên toàn cầu.
Ngay cả công nghiệp du lịch họ cũng chọn lọc, không vì tiền mà cho du khách vào ồ ạt làm ảnh hưởng đến môi trường, xã hội, đời sống văn hóa của người dân. Đối với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc, họ luôn có thái độ cảnh giác. Dù có chung đường biên giới khá dài với Trung Quốc nhưng Bhutan là quốc gia duy nhất không thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh “Bhutan-Quốc gia duy nhất không quan hệ với Trung Quốc” (Ngày Nay).
Tôi không rõ nhà cầm quyền VN có cảm giác xấu hổ khi nghe bài phát biểu này không, nhưng là một người VN, tôi cảm thấy xấu hố và đau đớn, bởi vì đất nước Bhutan nhỏ bé như vậy nhưng những người lãnh đạo của họ đã biết nhìn xa, và đưa đất nước đi đúng hướng. Kể cả trong quan hệ ngoại giao, họ biết cảnh giác đối với những láng giềng không tử tế, luôn có tham vọng bành trướng.
Ngược lại ở VN, nhà cầm quyền do tham lam, ngu dốt, thiếu một tầm nhìn xa trông rộng, không cân nhắc thiệt hơn, không có những kế hoạch bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường mà chỉ “ăn” vào thiên nhiên, tài nguyên có sẵn, chỉ ham đầu tư những dự án có lợi trước mắt mà có hại về lâu về dài, chưa kể vừa làm vừa “ăn” vừa phá…nên hậu quả ngày càng rõ. Thiên nhiên đã bắt đầu đáp trả lại.
Trong lĩnh vực đối ngoại, suốt hơn 7 thập kỷ qua, đảng và nhà nước cộng sản VN luôn luôn nhầm lẫn “bạn”, “thù”, ngay cả khi kẻ thù thực sự của đất nước, dân tộc là Trung Cộng đã lộ mặt từ lâu, họ vẫn coi là bạn. Họ hèn hạ, khiếp nhược rước giặc vào nhà, tạo cơ hội cho các công ty của Trung Quốc trúng thầu phần lớn dự án trong mọi lĩnh vực; thương lái Trung Quốc đi từ Nam ra Bắc thu mua đủ thứ nông hải sản, làm cho nông dân, ngư dân Việt khốn đốn nhiều lần vì những kiểu làm ăn tráo trở; hàng hóa dỏm, chất lượng kém, độc hại của Trung Quốc tràn ngập khắp nơi góp phần giết chết nền kinh tế VN vốn đã bị phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc; rồi bây giờ đến vấn đề hạn hán hay cá chết vừa qua đều có “yếu tố Trung Quốc” như chính nhà cầm quyền thừa nhận.
Vậy thì đừng đổ thừa định mệnh của VN do nằm bên cạnh Trung Quốc nên phải lao đao. Nếu nằm bên cạnh mà không chơi, không thiết lập quan hệ ngoại giao như Bhutan, hay từng bị phụ thuộc nặng nề như Myanmar nhưng bây giờ tỉnh ngộ và biết tìm cách thoát ra, hay có những biện pháp đề phòng và biết xây dựng quan hệ đồng minh với các nước lớn khác thì đâu đến nỗi…
Chỉ biết rằng trong những ngày này, với những ai còn có lương tri, hiểu biết, khi nhìn những cánh đồng nứt toác như “đất chết”, lúa chết, nông sản cháy khô, người nông dân khóc ròng, hoặc những vùng “biển chết”, cá chết dày đặc dạt vào bờ phơi trắng bụng, ngư dân thơ thẩn đi lượm xác cá…mà chợt nhói lòng vì viễn cảnh về một tương lai ảm đạm, đói kém đang đến gần…Quả báo chưa bao giờ rõ đến thế.

Cải cách thể chế để giảm nợ công

Thanh Phương 
Theo RFI-25 tháng tư năm 2016   
Cải cách thể chế để giảm nợ công Giảm nợ công, một những hồ sơ "nóng" đang chờ tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ( phải ). Reuters
Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương ngày 11/04/2016, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra dự báo nợ công 2016 của Việt Nam sẽ là 63,8% tổng sản phẩm nội địa GDP, rồi sẽ tăng lên 64,4% vào năm tới và lên 64,7% GDP vào 2018.
Nếu tính trên GDP của Việt Nam năm 2015 đạt hơn 188 tỷ đôla (tương đương 4.192.900 tỉ đồng), tỷ lệ nợ công 63,8% GDP tương đương 120 tỷ đôla (khoảng 2.675.070 tỉ đồng). Chia trung bình 90 triệu dân, mỗi người Việt đang phải gánh khoản nợ công gần 29 triệu đồng. Đây là con số nợ công cao nhất từ trước đến nay.
Như vậy là nợ công của Việt Nam hiện đang gia tăng khá nhanh. Nếu tính từ năm 2010, nợ công của Việt Nam đã tăng thêm 49,4 tỷ đôla (khoảng 1.101.237 tỉ đồng)
Cho tới nay, chính phủ Hà Nội vẫn khẳng định sẽ cố giữ nợ công ở mức dưới 65% GDP, nhưng nếu cứ theo đà tăng như hiện nay thì khó mà thực hiện được điều đó. Thật ra thì theo các chuyên gia kinh tế, nếu tính luôn cả nợ của các doanh nghiệp Nhà nước, tổng số nợ công của Việt Nam nay đã vượt hơn 100% GDP.
Trong bản “Báo cáo Việt Nam năm 2035” do Ngân hàng Thế giới (WB) và chính phủ Việt Nam phối hợp thực hiện, được công bố tháng 2 vừa qua, các chuyên gia cũng đã báo động rằng nợ công sẽ là vấn đề lớn đối với tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo nhận định của Quỹ tiền tệ Quốc tế ( IMF ), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và nhiều tổ chức khác tại Việt Nam, nợ công Việt Nam phần lớn do thâm hụt ngân sách lớn (mất cân đối thu - chi ngân sách), nợ Chính phủ tăng do các khoản vay nợ ODA ( viện trợ phát triển ) đã đến hạn trả ngày một lớn, nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước, một số khoản ODA không được sử dụng hiệu quả…
Trả lời phỏng vấn trang mạng VietTimes ngày 13/04/2016, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã nhận định rằng nợ công của Việt Nam nguy hiểm hơn các nước khác, với nguy cơ là sẽ không còn tiền để đầu tư phát triển. Theo ông Nguyễn Minh Phong, hiện nay gần 70% ngân sách Nhà nước là dùng cho chi thường xuyên, còn lại 30% là dịch vụ nợ. Chuyên gia Nguyễn Minh Phong còn lưu ý rằng tỷ lệ nợ công của Việt Nam thật ra không đáng lo ngại, nhưng khả năng trả nợ và uy tín của Việt Nam thì thuộc diện “ nguy hiểm”.
Đối với những chuyên gia kinh tế như tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong bối cảnh mà Việt Nam không thể tăng hơn nữa nguồn thu ngân sách từ thuế ( vốn đã quá nặng đối với các doanh nghiệp ), để giảm bớt nợ công, Việt Nam không có con đường nào khác hơn phải cải cách thể chế, tinh giản bộ máy hành chính quá cồng kềnh, trùng lắp, đồng thời cải tiến hiệu quả sử dụng đầu tư công và viện trợ phát triển.
Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn tiến sĩ Lê Đăng Doanh từ Hà Nội, thực hiện ngày 15/04/2016.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160425-cai-cach-the-che-de-giam-no-cong#