Monday, December 5, 2016

Tham nhũng vặt đã trở thành 'tập quán'

TP - Trò chuyện với PV Tiền Phong, PGS. TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, người có nhiều năm nghiên cứu về tình trạng tham nhũng vặt, cho rằng, tình trạng lo lót, biếu xén, tặng quà… đã và đang trở thành “tập quán” nguy hại trong xã hội. Do đó, với quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, việc Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương không về Hà Nội chúc Tết là hết sức cần thiết.

Là người đã nhiều năm tham gia nghiên cứu về tình trạng tham nhũng vặt, ông nhìn nhận thế nào về mối liên hệ của nó với văn hóa tặng quà, nhất là vào các dịp lễ, Tết?
Văn hóa tặng quà thực chất là tốt đẹp. Rất nhiều nước trên thế giới còn có ngày tặng quà. Trong ngày đó, con cái tặng quà bố mẹ, người thân, người yêu, bạn bè… Việt Nam cũng thế, cũng có văn hóa tặng quà vào các dịp lễ, Tết, sinh nhật… Tuy nhiên, hiện nay do tham nhũng vặt đã trở nên phổ biến nên văn hóa tặng quà bị biến tướng, lợi dụng để mưu cầu quyền lợi riêng. Người ta lợi dụng văn hóa tặng quà vào dịp Tết để lo lót, biếu xén, hối lộ, chạy dự án, chạy thủ tục. Thành thử khi đi chúc mừng thì không chỉ có hoa tươi mà còn phải có cả “hoa khô”. Hoa tươi là hoa thật, còn “hoa khô” là tiền bạc, hoặc những thứ có giá trị vật chất được đem đi tặng cùng, trong đó “hoa khô” còn quan trọng hơn cả hoa tươi.
Vậy vì sao văn hóa tặng quà ở xã hội ta ngày nay lại biến tướng đi nhiều thế? Nguyên nhân chính là do tham nhũng vặt đã diễn ra phổ biến, trở thành “tập quán”, trở thành nhu cầu kiếm sống, nhu cầu vươn lên, tăng thu nhập của một số người. Khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) trong nhiều năm qua cho thấy, trong những lĩnh vực liên quan đến tài sản, vật chất như sổ đỏ, giấy phép xây dựng, xin việc, thi tuyển công chức…  thì vẫn còn lo lót, hối lộ, biếu xén… Vì thế, dịp Tết cũng chính là cơ hội thuận lợi để người ta biếu xén, trả ơn, hối lộ lẫn nhau.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh.
Ông đánh giá thế nào về chỉ đạo của Thủ tướng là Tết này, không được phép tặng quà, không chúc Tết lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành?
Trong bối cảnh và thực trạng như hiện nay thì chỉ đạo, yêu cầu mà Thủ tướng nêu ra là hết sức cần thiết. Thủ tướng cũng đang thể hiện sự quyết tâm trong việc xây dựng một chính phủ liêm chính. Thủ tướng tuyên bố như thế thì chắc chắn cấp dưới sẽ phải chuyển động và thực hiện. Hơn nữa, nó cũng giúp nhiều lãnh đạo địa phương bớt áy náy, bớt lo vì không thể về Hà Nội chúc Tết lãnh đạo.
Tuy nhiên muốn ngăn chặn triệt để tình trạng trên và nạn tham nhũng vặt nói chung, theo tôi thì cần phải có những giải pháp căn cơ. Ví như chúng ta thấy, trước đây ngành y tế một thời rộ lên câu chuyện cấm phong bì trong bệnh viện. Nhưng được một thời gian thì câu chuyện cấm đó lại lắng đi, trong khi việc đưa phong bì vẫn cứ diễn ra, thậm chí diễn ra một cách hết sức phổ biến. Điều này cho thấy, chỉ là ngăn chặn nạn phong bì trong bệnh viện thôi cũng đã là rất khó rồi. Nếu không có giải pháp căn cơ thì người ta không đến biếu lúc này, thì có khi lại đến biếu lúc khác. Việc tặng quà không vào dịp này thì có khi lại diễn ra vào dịp khác. Do đó, vấn đề quan trọng vẫn phải có những giải pháp căn bản để giải quyết tình trạng tham nhũng vặt vốn đang trở thành cái lệ, thành “tập quán” trong xã hội ta.
Có ý kiến nói rằng, thiệt hại do tham nhũng vặt là không đáng kể nên cần tập trung vào những vụ tham nhũng lớn?
Điều đó là không đúng. Thực tế từ các nước cho thấy, một xã hội có những vụ việc tham nhũng lớn nhưng chưa chắc đã có tham nhũng vặt. Ví như ở các nước châu Âu, thi thoảng chúng ta thấy cơ quan chức năng phát hiện ra một số vụ việc tham nhũng. Tuy nhiên, ở các nước đó hầu như không có tham nhũng vặt; không có chuyện chạy trường, chạy lớp, vào bệnh viện phải lo lót, phong bì cho bác sỹ… Nhưng một xã hội mà tham nhũng vặt trở thành cái lệ, “tập quán”, trở thành văn hóa phong bì, văn hóa lo lót thì chắc chắn sẽ tạo ra cái nền cho các vụ tham nhũng lớn. Người ta tham nhũng cái nhỏ khi có cơ hội thì chắc chắn sẽ tham nhũng lớn. Cái đáng lo ngại hơn là khi tham nhũng vặt trở thành hệ thống thì chắc chắn người khác bắt chước làm theo. Hết sức nguy hại. Do đó cần phải có những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng tham nhũng.
Cảm ơn ông.
06:51 ngày 05 tháng 12 năm 2016
Văn Kiên (thực hiện)

Báo động hết tiền trả lương: Thiếu lại "vác rá" đi xin, ngân sách nào kham nổi?

 QUỐC TOẢN 07:49 04/12/15
(GDVN) - Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc một số cơ quan nhà nước hết tiền chi lương có nguyên nhân sâu xa từ việc sử dụng ngân sách lãng phí, thậm chí tiêu cực.

Báo động hết tiền... chi lương
Vấn đề ngân sách khó khăn, chuyện công chức “nhịn” tăng lương trong nhiều năm qua do lộ trình tăng lương không thực hiện được, thu hút sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vừa qua. 
Đáng báo động hơn, mới đây, tại một số địa phương như TP.Cà Mau, Bạc Liêu, chẳng những cơ quan nhà nước không còn tiền trả lương, mà còn mắc nợ cả tỷ đồng.
Lý do được địa phương đưa ra là "mất cân đối, ngân sách không còn vốn để chi…"
Trong khi đó, trước tình trạng ngân sách eo hẹp, nợ công tăng cao, thu, chi mất cân đối, Chính phủ “phải thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu công… thì vẫn có địa phương vẫn “vung tay quá trán”.
Đã thế lại có chuyện địa phương nọ tính chuyện "vác rá" lên Trung ương xin ngân sách chi xây dựng tượng đài, Trung tâm hành chính… chỉ để bằng bạn bằng bè.
Ảnh minh họa (nguồn: Báo Đất Việt).
Hôm 3/12, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc sử dụng ngân sách, đầu tư không hiểu quả, có tiêu cực, là nguyên nhân gây thâm hụt ngân sách, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của bộ máy công quyền.
“Đầu tư công không hiệu quả là nguyên nhân khiến ngân sách bị hao hụt nhiều. Có những địa phương chỉ chăm chú đi xin dự án đầu tư để mưu lợi cá nhân. Bởi lẽ nếu dự án được phê duyệt đầu tư thì ít nhiều lãnh đạo cũng có tiền “lại quả” từ dự án đó.
Bên cạnh dự án bị thổi phồng về mặt ngân sách đầu tư, nhưng khi triển khai không đem lại hiệu quả về mặt kinh tế thì đương nhiên người ta phải bù lỗ bằng cách dùng tiền ngân sách.
Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn tới thâm hụt ngân sách. Do đó, chuyện địa phương không có hoặc hết tiền trả lương cho cán bộ là điều dễ hiểu”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định.
Cũng theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, việc thâm hụt ngân sách đến mức không còn tiền trả lương cho cán bộ công chức còn xuất phát từ việc địa phương đó chưa tuân thủ chặt chẽ luật ngân sách.
"Việc áp dụng luật ngân sách trong thực tế còn rất hạn chế. Còn tình trạng “trên bảo dưới không nghe” thì rất khó kiểm soát việc chi đầu tư công”, chuyên gia Bùi Kiến thành nêu quan điểm.
Cứ thiếu lại xin, ngân sách nào kham cho nổi?
Trong khi đó chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nhiều địa phương không đủ ngân sách chi lương cho cán bộ là tình trạng đáng báo động. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ việc chi ngân còn biểu hiện nhiều lãng phí…
“Vừa qua, trên nghị trường Quốc hội cũng đã bàn nhiều tơi vấn đề ngân sách và “vấn nạn” nhu cầu đầu tư quá nhiều trong khi ngân sách không thể đáp ứng nổi.
Trong khi đó, việc chi ngân sách tại nhiều địa phương còn biểu hiện sự lãng phí. Có rất nhiều dự án đầu tư không cần thiết trong lúc này, nhưng họ vẫn đòi hỏi nhà nước cấp kinh phí đầu tư.
Có địa phương cam kết khi đầu tư xây dựng trụ sở, Trung tâm hành chính, tượng đài… sẽ thực hiện huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng muốn làm gì thì làm, tiền đó cũng là tiền của dân, mà cuối cùng nhân dân sẽ là người phải gánh chịu nếu hậu quả xảy ra.
Thế thì liệu rằng, trong thời điểm khó khăn như hiện nay chúng ta có nên bỏ tiền để đầu tư xây dựng trụ sở, tượng đài hoành tráng hay không? Trong khi đó, không có điều gì đảm bảo chắc chắn rằng, một trụ sở hoành tráng thì chính quyền sẽ hoạt động hiệu quả hơn.
Mặt khác, đời sống của nhiều người dân địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, Tôi nghĩ rằng, các địa phương cũng cần xem lại những mục tiêu ưu tiên trước (đường xá, trường học, bệnh viện..) để sử dụng ngân sách phù hợp, có hiệu quả, chứ không phải muốn làm gì thì làm và làm cho kỳ được”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (ảnh: VTC.VN).
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng chỉ rõ, việc địa phương thiếu tiền "ngửa tay" xin ngân sách phần nào thể hiện tính ỷ lại của cán bộ lãnh đạo.
“Tình trạng một số địa phương đã không có đóng góp vào ngân sách Trung ương, ngược lại còn dựa vào “bầu sữa ngân sách” để bù đắp cho sự thiếu hụt, đang tăng lên khá là nhiều. Điều này phần nào cũng thể hiện tính ỷ lại của chính quyền sở tại. 
"Trong khi Trung ương cũng đang có nhiều khó khăn về ngân sách thì lấy đâu ra tiền để bù đắp cho sự thiếu hụt đó. Mặt khác, không ít dự án đầu tư chưa phát huy hiệu quả tương xứng với số tiền ngân sách đã bỏ ra", bà Lan nhận định.
Từ những phân tích trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo, việc địa phương “ngửa tay” xin ngân sách chi đầu tư vào thời điểm này sẽ gây ra hiệu ứng mất lòng tin của người dân.
“Người dân nhìn sẽ nghĩ chính quyền đang lo cho sự hoành tráng của bản thân, chứ không xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân. Do đó người ta sẽ tiếc tiền thuế đã đóng cho nhà nước khi địa phương đó chi tiêu vào những việc chưa cần thiết".
Bà Lan đưa ra giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ nguồn ngân sách hiện nay: “Yêu cầu số một đó là phải biết tiết kiệm chi tiêu, tranh lãng phí đầu tư công khi chưa cần thiết.
Chính phủ cũng nên cứng rắn hơn trước những đề nghị, xin xỏ của các địa phương…
Mặt khác, trong tình cảnh khó khăn như hiện nay, các địa phương nên tự vận động lo cho mình trước, tránh trường hợp ỷ lại. Đáng lẽ điều này lãnh đạo các địa phương đó phải biết rõ hơn ai hết….", bà Lan nêu quan điểm.
QUỐC TOẢN

Thủy điện dồn dập xả lũ, Hội An ngập mênh mông

 - Mưa lớn kết hợp thủy điện xả lũ dồn dập trong vài ngày qua khiến phố cổ Hội An ngập sâu.

Đến chiều nay, dù mưa đã ngớt nhưng nhiều nơi ở Quảng Nam vẫn ngập trong lũ. Tại Hội An, từ hôm qua, nước lũ đã tràn vào các tuyến phố trung tâm.
Thủy điện dồn dập xả lũ, Hội An ngập mênh mông
Mưa lớn kết hợp các nhà máy thủy điện dồn dập xả lũ khiến Hội An ngập nặng
Trong nhiều ngày qua, thủy điện Sông Tranh 2, Đắc Mi 4. hồ thủy lợi Phú Ninh... dồn dập xả lũ khiến các khu vực ở hạ nguồn ngập nặng, trong đó có phố cổ Hội An.
Đến tối nay nước lũ tại Hội An vẫn rút rất chậm do ảnh hưởng của thủy triều, nhiều nhà dân còn ngập trong lũ. Trong các tuyến phố cổ, người dân và du khách phải di chuyển bằng thuyền.
Thủy điện dồn dập xả lũ, Hội An ngập mênh mông
Nước lũ tràn vào chợ ở Hội An
Theo thông tin từ Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung, Tây Nguyên, ngập lụt đã xảy ra ở hàng loạt huyện, thị ở Quảng Nam, gồm Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh, Điện Bàn, Duy Xuyên, Núi Thành, TP Hội An, TP Tam Kỳ...
Ít nhất 10 người đã tử vong do thiên tai ở các tỉnh Nam Trung Bộ, trong đó Bình Định: 6 người, Quảng Ngãi: 4 người. Hiện vẫn còn 1 người mất tích ở Quảng Ngãi. 
Khoảng 1 vạn nhà dân ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định bị ngập.
Thủy điện dồn dập xả lũ, Hội An ngập mênh mông
Người dân di chuyển bằng thuyền trong phố cổ
Thủy điện dồn dập xả lũ, Hội An ngập mênh mông

Thủy điện dồn dập xả lũ, Hội An ngập mênh mông

Thủy điện dồn dập xả lũ, Hội An ngập mênh mông

Thủy điện dồn dập xả lũ, Hội An ngập mênh mông

Thủy điện dồn dập xả lũ, Hội An ngập mênh mông
Cảnh nước lũ gây ngập nặng ở Quảng Nam trong 2 ngày qua
Cao Nam

Formosa Hà Tĩnh xin cơ chế lạ

Theo VietnamNet-05/12/2016 - 20:40

Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh vừa có văn gửi các cơ quan chức năng về việc xuất nhập khẩu thép của công ty này khi nhà máy thép tỷ đô đi vào hoạt động.

Cụ thể, Formosa cho hay đang tiến hành thỏa thuận với các công ty gang thép Nhật Bản, Hàn Quốc để nhập khẩu phôi thép của các công ty ở đây. Sau đó, xưởng cán nóng của Công ty Formosa Hà Tĩnh sẽ gia công thành thép cuộn. Sản phẩm thép cuộn này sẽ tiếp tục vận chuyển từ nhà máy của Fomorsa đi đến các cảng khác trong nước hoặc xuất khẩu sang các nước khác.

Formosa Hà Tĩnh sắp đi vào vận hành.
Formosa Hà Tĩnh sắp đi vào vận hành.
Thế nhưng, một điểm đáng chú ý là, Formosa lại có đề xuất khá lạ là “toàn bộ quá trình thực hiện trên dùng tên của Công ty gang thép Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam để tiến hành các thủ tục hải quan và nộp thuế”.
Formosa mong muốn được cho phép khách hàng của công ty này thực hiện phương thức hợp tác kinh doanh trên để có thể dùng tên của khách hàng khai báo hải quan ra vào cảng Sơn Dương của Formosa Hà Tĩnh.
Thế nhưng, trả lời PV. VietNamNet về đề xuất này của Formosa, đại diện Tổng cục Hải quan khẳng định: “Trường hợp Công ty Formosa đề nghị Công ty Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam đứng tên làm các thủ tục hải quan và nộp thuế là không đúng theo quy định”.
Dẫn chiếu một loạt quy định như Điều 178 Luật Thương mại 2005, Điều 28 Nghị định 187 năm 2013, Điều 59 và Điều 60 Luật Hải quan 2014, Điều 61 Thông tư 38 năm 2015 của Bộ Tài chính, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng: Trường hợp Công ty Formosa nhập khẩu phôi thép của Công ty Nhật Bản, Hàn Quốc sau đó thực hiện gia công thành thép cuộn tại xưởng cán nóng của Công ty Formosa được coi là hoạt động nhận gia công tại Việt Nam cho thương nhân nước ngoài.
Vì thế, Formosa phải tự đứng tên làm thủ tục hải quan và nộp thuế chứ không phải để khách hàng làm việc này.
Điều 178 Luật Thương mại 2005 quy định hoạt động Gia công trong thương mại như sau:
Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.
 Lương Bằng

Tốn 128 tỉ đồng, chưa thấy hút được khối bùn nào ở Hồ Tây

(NLĐO)- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết 4 năm qua, Ban Quản lý Hồ Tây đã dùng hết 128 tỉ đồng nhưng ông không thấy hút được "một khối bùn".
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Sở Xây dựng sẽ thực hiện dự án Hồ Tây tổng thể - Ảnh: Hà Phương

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Sở Xây dựng sẽ thực hiện dự án Hồ Tây tổng thể - Ảnh: Hà Phương
Trong phiên thảo luận về quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỉ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ dự toán chi ngân sách thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 tại kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khoá XV chiều 5-12, đại biểu HĐND Nguyễn Văn Thắng, Bí thư – Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ, cho hay trong kế hoạch của UBND TP, Hồ Tây được xác định là điểm đến của Thủ đô và sẽ được xã hội hoá, kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch trong những năm tới. Tuy vậy, hiện nay mới chỉ thực hiện xong 18 km đường ven hồ, còn gói thầu thầu 23 (hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây - PV) thì đang ngưng trệ.
Diễn giải cụ thể, vị đại biểu quận Tây Hồ cho biết dự án này bị tạm dừng năm 2014 do TP quá khó khăn về nguồn vốn. Sau đó, tháng 5-2016, sau khi lãnh đạo quận Tây Hồ kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã đồng ý giao cho sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính và các ngành tiếp tục bố trí nguồn vốn đã bị tạm dừng. Tuy nhiên, đến tháng 7-2016, trong buổi giao ban của Lãnh đạo TP, TP đã thông báo dừng dự án này. Tiếp đến buổi giao ban tháng 9-2016, quận Tây Hồ tiếp tục có ý kiến và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã đồng ý cho quận thực hiện gói thầu này.
“Nhưng vừa rồi phân bổ không thấy đâu, mà cứ để thế thì không khai thác được. Đã đầu tư rồi, chỉ cần hơn 100 tỉ đồng thôi là xong, phương án các hộ dân đã đồng ý rồi, còn cần tiền giải phóng mặt bằng. Vậy mà dừng suốt từ năm 2014 và nếu năm 2017 không làm thì để 2018 là quá chậm. Đề nghị UBND TP nghiên cứu” – đại biểu Nguyễn Văn Thắng băn khoăn.
Giải đáp ý kiến của đại biểu Thắng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sau sự cố liên quan đến cá chết ở Hồ Tây, thực hiện chỉ đạo của Bí thư, Ban cán sự UBND TP Hà Nội đã mời một số công ty tư vấn trong và ngoài nước khảo sát lại.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết bản thân ông đã trực tiếp kiểm tra lại và thấy từ năm 2011 đến nay, quận Tây Hồ đã thực hiện 4 dự án nạo vét Hồ Tây có tổng vố đầu tư khoảng 128 tỉ đồng. Trong đó, có gói liên quan đến nạo vét ở khu vực đường Thanh Niên hơn 33 tỉ đồng nhưng hiện nay vẫn chưa làm.
Tuy nhiên, ông Chung cho hay theo con số khảo sát của 3 công ty độc lập, nếu muốn làm sạch Hồ Tây, phải nạo vét khoảng 1,2 triệu m3 bùn, có những khu vực hiện nay nước còn độ sâu 0,5 m và bùn sâu 1,7m. Cho nên, muốn biến Hồ Tây thành khu du lịch trong tương lai của TP thì phải có kế hoạch tổng thể.
“Trên tinh thần đó, chúng tôi giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng. Thời gian tới mong đại biểu giải thích cho cử tri rằng muốn biến Hồ Tây thành khu du lịch lớn của TP thì quận không thể đảm đương được mà TP phải đứng ra cái việc này” – Chủ tịch TP nhấn mạnh.
Cụ thể, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho hay cần phải làm 4 việc. Thứ nhất, phải nạo vét Hồ Tây. Thứ 2, làm sạch nước môi trường Hồ Tây. Thứ 3, làm nốt hệ thống để thu gom 8 cửa xả nước thải Hồ Tây vào hệ thống Công ty Phú Điền để xử lý nước thải thì nước Hồ Tây mới sạch. Cuối cùng, cột nước phun ở Hồ Tây cao từ 180 m đến 200 m tạo điểm nhấn.
Ông Nguyễn Đức Chung cũng cho hay TP đã làm việc với Câu lạc bộ đua thuyền Hồ Tây và Câu lạc bộ này cùng với tất cả các nhà đua thuyền sẽ tặng cho TP một cầu tầu để phục vụ đua thuyền. Thời gian qua, TP cũng mời một vận động viên đua thuyền người Mỹ vào nghiên cứu mở lớp lướt ván hồ Tây nhằm thu hút phát triển du lịch.
“Với những lý do như vậy mà TP không thể bố trí vốn cho Ban quản lý Hồ Tây được. Nếu hút 1,2 triệu m3 bùn, các nhà khảo sát đưa ra số tiền từ 170 -180 tỉ đồng, nhưng trong 4 năm vừa qua, Ban Quản lý Hồ Tây đã dùng hết 128 tỉ đồng nhưng tôi không thấy một khối bùn ở đâu cả. Tôi đề nghị anh giải thích cho cử tri là sẽ giao cho Sở Xây dựng khởi động làm lại dự án Hồ Tây tổng thể” – Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Thuỳ Dương

Lãng phí hàng chục tỉ đồng rồi tính vào giá điện ?

Theo Thanh Niên-06:19 AM - 05/12/2016 
Biển cảnh báo sơn trực tiếp chỉ khoảng 5.000 đồng (trái) và biển 'lãng phí' hơn 180.000 đồng  /// Ảnh: Hoàng Anh
Biển cảnh báo sơn trực tiếp chỉ khoảng 5.000 đồng (trái) và biển 'lãng phí' hơn 180.000 đồng-ẢNH: HOÀNG ANH
Thay vì sơn cảnh báo trực tiếp lên cột điện thì Tổng công ty điện lực miền Bắc lại tổ chức mua các loại biển cảnh báo có giá cao gấp hàng chục lần, sau đó hạch toán vào giá điện.
Đường dây nóng Thanh Niên vừa nhận được phản ánh từ một số cán bộ thuộc Tổng công ty điện lực miền Bắc (NPC) về những dấu hiệu bất thường gây lãng phí trong việc mua sắm biển báo an toàn điện tại đơn vị này.
Cụ thể, tháng 11.2015, Tổng giám đốc NPC ký quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm trang thiết bị biển báo an toàn phục vụ quản lý vận hành và phòng tránh tai nạn lao động. Theo đó, 5 loại biển báo an toàn điện được phân chia thành 5 gói thầu, với tổng giá trị dự toán mua sắm năm 2016 là hơn 52 tỉ đồng. Gói thầu số 1 mua sắm biển báo: “Cấm trèo! Điện áp cao nguy hiểm chết người”, có dự toán giá trị lớn nhất, hơn 31 tỉ đồng.
Làm biển báo để tính  thi đua
Theo kế hoạch thì toàn bộ giá trị mua sắm biển báo sẽ được hạch toán trực tiếp vào chi phí giá thành tiền điện của NPC năm 2016. Ngày 13.4, NPC đã có quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà thầu gói 1. Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Mai trúng thầu với giá là hơn 31 tỉ đồng. Ngày 14.4, NPC đã ký hợp đồng thỏa thuận khung với Tập đoàn Hoàng Mai số lượng biển là hơn 155.000 biển báo, đơn giá 181.600 đồng/chiếc (chưa bao gồm VAT). Trong đó nêu rõ văn bản thỏa thuận khung là cơ sở để nhà cung cấp ký hợp đồng với từng công ty điện lực thuộc NPC với đơn giá, điều khoản hợp đồng như quy định trong thỏa thuận. Số lượng biển cho từng công ty điện lực cụ thể sẽ thực hiện theo hợp đồng kinh tế mà nhà cung cấp ký trực tiếp với từng công ty điện lực.
Tiếp đó, NPC có văn bản yêu cầu các đơn vị thành viên phải ký hợp đồng với nhà cung cấp trong tháng 7.2016. Đáng chú ý, ngày 23.8, Tổng giám đốc NPC lại có Văn bản số 3434 yêu cầu lần nữa các đơn vị thành viên phải ký hợp đồng kinh tế với nhà cung cấp và báo cáo về công ty mẹ. “Đơn vị nào không thực hiện đúng khối lượng được phân bổ, nhà cung cấp khiếu kiện gây ảnh hưởng đến uy tín của tổng công ty thì giám đốc đơn vị đó hoàn toàn chịu trách nhiệm trước tổng giám đốc”, “Tổng công ty sẽ xem xét việc tuân thủ của các đơn vị trong chỉ tiêu chấm điểm thi đua và điểm chấm người quản lý trong tối ưu hóa chi phí cuối năm”, văn bản nêu rõ.
31 tỉ không hơn… 1 tỉ
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, việc “ép mua” biển cảnh báo an toàn điện của NPC đối với các đơn vị thành viên đã gây ra bức xúc cho nhiều đơn vị vì gây ra sự lãng phí. Loại biển báo “Cấm trèo! Điện áp cao nguy hiểm chết người” được làm bằng chất liệu thép tấm, kích thước 240 x 360 mm có đục lỗ để đeo đai gắn vào cột. Trong khi quy định tại Thông tư 31/2014 của Bộ Công thương ban hành ngày 2.10.2014 về an toàn điện nêu rõ loại biển này có thể được sơn trực tiếp hoặc lắp đặt biển rời vào các cột điện thuộc diện cảnh báo.
Trước đây, nhiều đơn vị thành viên NPC đã áp dụng sơn cảnh báo trực tiếp lên các cột điện thì mức chi phí chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng/biển. Một số đơn vị thành viên của NPC đã áp dụng loại biển báo dán đề can chất lượng cao, rồi dùng keo siêu bền dán lên vị trí cột điện thì mức chi phí chỉ dưới 20.000 đồng/biển. Nếu theo phương án này, thay vì NPC bỏ ra 31 tỉ đồng để mua sắm biển báo gói thầu số 1 thì chỉ cần bỏ ra 3 tỉ đồng mà vẫn có các biển báo đúng quy định của Bộ Công thương; còn nếu sơn trực tiếp lên cột thì số tiền bỏ ra chỉ cần 1 tỉ đồng. Chưa kể, có ý kiến còn cho rằng việc gắn rời biển báo thép rất có thể sẽ là “mồi ngon” cho bọn trộm cắp…
Đáng tiếc, loại cảnh báo sơn trực tiếp trên cột hoặc biển cảnh báo giá rẻ đã phải bỏ để thay đồng loạt các biển cảnh báo mới.
Thái Sơn

Thừa Thiên Huế: Hơn 1.300 ngôi nhà ngập nước, người dân "bơi" trong lũ

Dân trí Mưa lớn trong những ngày qua khiến một số vùng ở Thừa Thiên Huế chìm trong biển nước, nhiều nơi bị chia cắt, thuyền trở thành phương tiện chính để người dân đi lại.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, tính đến ngày 4/12, toàn tỉnh có 1.314 hộ vùng trũng bị nước ngập vào nhà từ 0,4- 0,5m; trong đó xã Lộc Trì có 600 hộ, Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) có 700 hộ. Khoảng 90 ha hoa màu ở các địa phương vùng trũng như Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền bị ngập úng.
Đến chiều tối 4/12, mưa vẫn còn diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhiều tuyến đường tại thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang vẫn đang bị nước lũ chia cắt, có đoạn ngập sâu đến hơn 0,5m. Trên tỉnh lộ 4 có đoạn ngập sâu gần 1m làm giao thông bị chia cắt trong nhiều giờ liền. Người dân phải dùng ghe, xuồng để đi lại và di chuyển đồ đạc.

Nhiều tuyến đường nước ngập hơn nửa bánh xe
Nhiều tuyến đường nước ngập hơn nửa bánh xe
Mưa lớn cũng đã làm nhiều điểm cạnh sông Hương, sông Bồ sạt lở nghiêm trọng, nhiều điểm ăn sâu vào vườn nhà dân, hàng trăm khối đất cùng bờ tre bị nước sông cuốn trôi...
Tình hình lũ tại các khu vực này còn diễn ra phức tạp khi lượng nước thượng nguồn các sông vẫn đổ về rất lớn. Hiện Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh vẫn đang tiến hành theo dõi mực nước tại các sông để kịp thời thông báo tới người dân, đề phòng các trường hợp xấu xảy ra.
Cũng theo thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, từ đêm 5 - 9/12, khu vực Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt mưa lũ lớn.

Mưa lớn khiến nhiều nơi ngập đến 0,5 mét
Mưa lớn khiến nhiều nơi ngập đến 0,5 mét

Xe bơi trong nước lũ
Xe bơi trong nước lũ

Việc đi lại rất nguy hiểm và khó khăn.
Việc đi lại rất nguy hiểm và khó khăn.

Đường vào nhà dẫn ngập nặng, phải dùng thuyền để di chuyển
Đường vào nhà dẫn ngập nặng, phải dùng thuyền để di chuyển
Trẻ em tranh thủ đi bắt cá
Trẻ em tranh thủ đi bắt cá

Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng.
Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng.
Văn Dinh - Đại Dương

Phát biểu của Thủ tướng Việt Nam gây ‘bão mạng’

Ông Phúc vẫy tay chào sau khi tham dự một cuộc họp báo về Hội nghị thượng đỉnh các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam lần thứ 8 ở Hà Nội hôm 26/10.
Ông Phúc vẫy tay chào sau khi tham dự một cuộc họp báo về Hội nghị thượng đỉnh các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam lần thứ 8 ở Hà Nội hôm 26/10.

Viễn Đông
 Theo VOA-04.12.2016 
Một đoạn clip về bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại một buổi lễ kỷ niệm ở Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam hôm 2/12 đang lan truyền nhanh trên mạng xã hội.

Phát biểu nhân lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ADB và 20 năm ngày mở đại diện của ngân hàng này ở Việt Nam, ông Phúc “ghi nhận vai trò của ADB trong hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng”.

Theo trang web của chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phúc nói rằng “ADB không chỉ là nhà tài trợ mà còn là đối tác trao đổi, tham vấn chính sách cho chính phủ Việt Nam từ nhiều năm qua. Các nghiên cứu, báo cáo khách quan và độc lập của ADB về kinh tế Việt Nam luôn là tài liệu tham khảo tốt cho chính phủ Việt Nam”.
Thủ tướng Việt Nam cho biết, cho tới nay, Hà Nội và ADB đã “thực hiện trên 160 chương trình, dự án với tổng trị giá khoảng 16 tỷ USD...”
Kênh truyền hình nhà nước VTV sau đó cũng trích đoạn bài phát biểu của ông Phúc trong bản tin của mình. Nhiều người sau đó lên mạng bày tỏ sự khó hiểu về những từ viết tắt “ACMECS”, “CLMV” và “CLV” mà người đứng đầu chính phủ Việt Nam đọc lên.

Ông Phúc nói: “Việt Nam luôn trân trọng và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, chống thất thoát, lãng phí trong đó có nguồn vốn của ADB và mong ADB tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác khu vực như tiểu vùng Mekong, ACMECS, CLMV và CLV về kết nối các nền kinh tế, hạ tầng giao thông, giảm nghèo bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu".
heo các tài liệu của ADB mà VOA tiếng Việt tham khảo, ACMECS viết tắt của từ Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong Economic Cooperation Strategy, tức là một khuôn khổ hợp tác giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Trong khi đó, CLMV là từ viết tắt tiếng Anh của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, còn CLV là viết tắt của Campuchia, Lào và Việt Nam.

Trang web của chính phủ Việt Nam sau đó cũng đăng tải trích đoạn bài phát biểu của ông Phúc và vẫn để nguyên các từ viết tắt trên mà không có giải thích.

Trong khi có người chê trách ông Phúc “không diễn giải cụ thể các chữ cái viết tắt để cho người dân hiểu”, cũng có người cho rằng đó là “chuyện nhỏ, không nên làm to chuyện”.
Từ chuyện của ông Phúc, nhiều người sử dụng ở trên mạng còn tìm lại được bài viết của tờ Pháp luật TP HCM với tiêu đề, “Việt Nam vẫn đứng trong nhóm “CLMV” kém phát triển”. Tuy nhiên, trong bài viết, tờ báo này cũng đã giải thích “CLMV” là gì.

Theo quan sát của VOA tiếng Việt, nhiều tờ báo ở trong nước cũng cho đăng tải các từ viết tắt trên mà không có sự diễn giải trong ngoặc đơn như thường làm.
Trong bài viết có tựa đề, “Luật hóa ngôn ngữ để viết đúng, nói đúng: Tình trạng dễ dãi trong sử dụng Tiếng Việt”, Đài tiếng nói Việt Nam dẫn lời một nhà nghiên cứu ngôn ngữ nói đến tình trạng “phát âm lộn xộn tiếng Việt và tiếng nước ngoài hay Việt hóa tiếng Anh tùy tiện” hoặc “đọc từ viết tắt theo kiểu tiếng Anh”.

Võ Kim Cự sắp bị ‘sờ gáy’?

Ông Võ Kim Cự.Ông Võ Kim Cự.

 Lê Anh Hùng 
Theo VOA-05.12.2016 
Lưới trời lồng lộng?
Võ Kim Cự là một nhân vật đã “nổi tiếng” từ nhiều năm nay. Ngay khi còn là Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, “tiếng tăm” của ông ta đã vượt xa ra ngoài địa phận của cái tỉnh nghèo ở Miền Trung, trở thành một cái tên “hot” trên cả nước.
Một trong những sự kiện gây xôn xao dư luận và mang đậm “dấu ấn” độc tài, ngang ngược của ông ta là việc UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan ban ngành và huyện thị trên địa bàn ưu tiên sử dụng bia Sài Gòn, kèm theo đó là những chuyện khôi hài như việc vận động uống bia được đưa vào cả tiết mục văn nghệ hay vụ 7 cán bộ Sở Giáo dục - Đào tạo bị kiểm điểm vì không uống bia Sài Gòn trong một cuộc nhậu.
Và đến khi vụ đại thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Miền Trung từ tháng 4/2016 cùng những thông tin về trách nhiệm trực tiếp của ông ta được phơi bày trước công luận thì số phận chính trị của ông ta đã trở thành mối quan tâm của hàng chục triệu người Việt.
Tuy nhiên, mặc dù bị báo chí cả “lề đảng” lẫn “lề dân” liên tục công kích và vạch trần những sai phạm rõ ràng liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh trong bối cảnh bản thân nhà cầm quyền CSVN cũng rất cần một “con dê tế thần” hầu xoa dịu cơn phẫn nộ của công chúng cả nước, nhưng ông ta vẫn cứ “bình chân như vại”, vẫn trở thành Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội khoá XIV và tái nhiệm vị trí Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khoá V (2016-2020).
Sau một thời gian hứng chịu sự lên án của công luận, người ta có cảm giác như “tội đồ” Võ Kim Cự đã “tai qua nạn khỏi” khi những thông tin về ông ta trên báo chí cứ thưa thớt dần, thậm chí truyền thông nhà nước còn không ít lần đăng những phát ngôn rất dễ “đi vào lòng người” của ông ta.
Tuy nhiên mới đây, những ai quan tâm đến hiểm họa Formosa Hà Tĩnh nói chung và số phận của Võ Kim Cự nói riêng hẳn đều ít nhiều phấn chấn trước hai thông tin còn nóng hổi trên báo chí.
Trong buổi tiếp xúc với cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng sáng 30/11 để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đang tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ông Võ Kim Cự và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh trong việc xây dựng dự án Formosa Hà Tĩnh. Và ngày 2/12, Toà án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên án cựu Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Bổng 12 năm tù giam trong phiên toà xét xử vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nước để thu lợi bất chính liên quan đến việc thu hồi, giải phóng mặt bằng dự án Formosa.
Nguyễn Văn Bổng vốn là tay chân đắc lực của Võ Kim Cự trong dự án Formosa Hà Tĩnh, từng được coi là “có công lớn” trong việc giải phóng mặt bằng cho siêu dự án. Và việc ông ta bị tuyên một bản án khá nặng chỉ vài hôm sau khi Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh thông báo về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang làm rõ trách nhiệm của Võ Kim Cự khiến không ít người vội coi đó là dấu hiệu cho thấy những sai phạm trong đại thảm họa Formosa Hà Tĩnh sắp được xử lý đến nơi đến chốn.
Bổn cũ soạn lại
Khi còn ở Hà Tĩnh, Võ Kim Cự được coi là một nhà lãnh đạo độc tài, bất kể trên cương vị Phó Chủ tịch tỉnh (6/2005-7/2010), Chủ tịch tỉnh (8/2010-10/2015) hay Bí thư Tỉnh ủy (1/2015-10/2015), quyền uy của ông ta không chỉ khuynh đảo cấp dưới mà còn lấn át cả cấp trên. Cũng như việc đến tận thời điểm này ông ta vẫn bình an vô sự trước búa rìu của dư luận trong bối cảnh đại thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra vẫn là nỗi nhức nhối của hàng chục triệu người Việt. Điều đó có lý do hết sức dễ hiểu: ông ta bị dư luận nội bộ tố là đệ tử ruột của cựu Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Hoàng Trung Hải, nhân vật đã trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội sau Đại hội XII vừa qua.
Cặp bài trùng Hoàng Trung Hải - Võ Kim Cự chính là “tác giả” của đại dự án Formosa Hà Tĩnh, theo một kịch bản mà nếu được cho là “đúng quy trình” thì người ta chỉ có thể gọi “quy trình” đó là “quy trình bán nước”: Ngày 16/1/2008, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự ký công văn số 102/UBND-CN2 gửi Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy liên hợp luyện thép tại Khu Kinh tế Vũng Áng và dự án cảng nước sâu Sơn Dương tỉnh Hà Tĩnh do tập đoàn Formosa làm chủ đầu tư, và ngày 4/3/2008 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký công văn hỏa tốc số 323/TTg-QHQT “đồng ý với chủ trương tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan lập dự án đầu tư nhà máy liên hợp thép tại Khu Kinh tế Vũng Áng và cảng nước sâu Sơn Dương tỉnh Hà Tĩnh như đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh tại công văn nêu trên”; ngày 2/6/2008 Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh ký công văn số 122/BC-UBND “Báo cáo thẩm tra Dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan)” gửi Thủ tướng Chính phủ, và ngày 6/6/2008, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký công văn số 869/TTg-QHQT “đồng ý với việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan thực hiện dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”.
Rõ ràng, nếu xử lý Võ Kim Cự thì không thể không xử lý Hoàng Trung Hải, bởi Võ Kim Cự chỉ là người đề xuất, trong khi viên cựu Phó Thủ tướng gốc Tàu mới là người quyết định.
Trước thực tế ông Hoàng Trung Hải suốt từ năm 2007 đến nay bị tố cáo đã phạm những tội ác đặc biệt nghiêm trọng như khai man lý lịchgiết người, phản quốc, buôn lậu ma tuý, trùm băng đảng… nhưng không những không bị xử lý mà còn tiếp tục “thăng quan tiến chức”, trở thành thành viên ban lãnh đạo tối cao của Việt Nam, việc “tội đồ” Võ Kim Cự vẫn tiếp tục nhâng nháo thách thức dư luận là điều không có gì quá khó hiểu. Và động thái mới nhất của Thường trực Ban Bí thư trên đây xem ra cũng chỉ là trò bịp bợm “bổn cũ soạn lại” của phường buôn dân bán nước.
* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Việt Nam sắp có đổi tiền hay sắp có đảo chánh?

Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - Cả xã hội Việt Nam đang dao động mạnh vì mọi người ồ ạt đổ xô đi mua vàng, ngoại tệ cũng như lương thực chính yếu để dự trữ, đề phòng CSVN loan báo đổi tiền đột ngột.

Giá vàng trên thị trường thế giới mấy ngày qua giảm mạnh do thị trường chứng khoán ở Mỹ tăng khiến các nhà đầu tư không còn muốn giữ vàng nữa. Thế nhưng ở Việt Nam thì lại khác, giá vàng tăng mạnh suốt mấy ngày qua, có khi lên đến 38 triệu đồng một lượng giá chợ đen dù đảng cố ghìm giá chính thức ở mức 36,3 triệu, tức là chấp nhận giá tăng ở mức 350 ngàn đồng một lượng so với tháng trước.

Từ lâu, người dân ở hầu hết các tỉnh phía Nam và nhất là ở Sài Gòn đều vẫn còn bị ám ảnh bởi những đợt đổi tiền bất ngờ như trời giáng và tráo trở ăn cướp đến trắng trợn của Việt Cộng sau ngày Tháng Tư Đen. Cho nên, hầu hết bà con cô bác ai ai cũng rất vô cùng "nhạy cảm" với tin đồn này. 

Người dân ùn ùn đi mua vàng khiến CSVN phát hoảng, lật đật ra thông cáo vào ngày 30 tháng 11 rằng thì mà là không có chuyện đổi tiền bất ngờ. Điều này lại khiến người dân lại nhớ đến vụ đổi tiền bất ngờ vào ngày 14 tháng Chín năm 1985 sau khi Phạm Văn Đồng cam kết láo là sẽ không có đổi tiền một ngày trước đó trên đài truyền hình, lẫn đài phát thanh. Thế là nay bà con lại càng ùn ùn đổ đi mua vàng dữ dội hơn nữa. "Thôi kệ, thà là cất vàng trong túi còn hơn là cất tiền của đảng, mai vầy mốt nọ," khắp nơi nơi ngoài phố ai ai cũng nói như vậy. Thời buổi này đâu còn ai tin bọn Việt Cộng nữa. 

Có ba nguyên nhân chính khiến tin đổi tiền được rộ lên mạnh mẽ ở lần này. 

Nguyên nhân thứ nhất là ngân hàng quốc doanh của đảng đã cạn kiệt hết tiền vì tràn ngập nợ xấu không thể cứu vãn, và đang đi đến buộc phải chấp nhận phá sản vỡ nợ như là lối thoát duy nhất. Điều này khiến người dân hầu hết đều có thể đoán trước là để giảm thiểu bớt con số nợ nần khổng lồ và để tránh khỏi bị tai tiếng phá sản cho các hệ thống ngân hàng quốc doanh, thì ngoài đổi tiền ra, CSVN không còn con đường lựa chọn nào khác. Chỉ cần đổi tiền với tỷ lệ như năm 1985, nghĩa là một đồng mới ăn mười đồng cũ thôi thì cả ngàn tỷ nợ nần của hệ thống ngân hàng do đảng kiểm soát đột nhiên được giảm xuống mười lần, chỉ còn vài tỷ hay thậm chí, chỉ còn vài trăm triệu nếu tỷ lệ tiền mới ăn tiền cũ cao hơn mười lần. 

Các vụ đổ bể nợ nần của các ngân hàng quốc doanh là một sự thật mà đảng không thể nào bưng bít được nữa. Năm 2012, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng quốc doanh được loan báo lên đến 17%, gây hoang man cho mọi tổ chức tài chánh thế giới đang muốn viện trợ hay cho Việt Nam vay nợ, dù rằng đảng đã cố hứa hẹn là sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống còn 3%. Tổng số nợ xấu hiện nay của các ngân hàng quốc doanh được đoán là ở mức rất cao, khoảng 11 tỷ Mỹ kim, gần bằng 10% GDP của cả nước (*^).

CSVN đang túng thiếu nghiêm trọng về tài chánh do nợ xấu và tham nhũng xảy ra ở mọi cơ quan, từ các tập đoàn kinh tế lẫn ngân hàng nên cần ngoại tệ của Việt Kiều gởi về từ Mỹ như cây cối cần nước. Trước bối cảnh IMF cắt giảm các khoản cho vay đối với Việt Nam kể từ năm 2017 trở đi như tổ chức này loan báo, thì viễn cảnh tài chánh của đảng lại càng thêm tăm tối. Không có Việt kiều “phản động” cờ Vàng ở Mỹ gởi tiền về cả chục tỷ đô la mổi năm để giúp đảng, chưa kể du lịch gởi quà thì chắc chắn, lượng ngoại tệ và nền tài chánh của đảng sẽ bị thiếu hụt nghiệm trọng không còn cách cứu vãn. Do đó, nguy cơ khủng hoảng tài chánh tại Việt Nam ngày một hiện rõ, khiến việc có tin đồn đổi tiền hoàn toàn cho thấy sự hoang man của cả xã hội trước nguy cơ này là một điều tất yếu phải có.

Nguyên nhân thứ hai của tin đồn đổi tiền lần này là việc CSVN đang có khuynh hướng chấp nhận đồng Nguyên hay còn gọi là Nhân Dân tệ của Trung Cộng như là đồng tiền chính thức trong mọi trao đổi mua bán trên lãnh thổ Việt Nam. Điều này khiến người dân lo sợ tiền Việt Nam trong tương lai sẽ không còn vai trò giá trị gì nữa, nhất là nếu nước Mỹ không chìa tay cứu vớt CSVN thông qua TPP, vốn có khả năng bị bãi bỏ rất cao vào năm tới. Mất TPP, CSVN sẽ hết cách chọn lựa mà ngả vào lời ve vãn gia nhập thị trường kinh tế chung với Trung Cộng để rồi đồng Nguyên sẽ hoàn toàn thay thế tiền Việt Nam. Vào năm ngoái, tổng số trao đổi mua bán giữa hai nước thanh toán trực tiếp bằng đồng Nguyên đã lên đến 15 tỷ (***). Phía Trung Cộng vẫn đang gây áp lực để đảm bảo đồng Nguyên trở thành tiền tệ chính thức trong trao đổi tại Việt Nam.

Bất luận sử dụng đồng Nguyên là tiền tệ chính thức có phải là hệ quả của hiệp nghị Thành Đô do bè đảng của Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười cam kết hay không, thì do tình trạng nhập siêu quá nặng từ Trung Cộng, chính thức lên trên 30 tỷ Mỹ kim vào năm ngoái (*^^), Việt Nam đương nhiên sẽ lún sâu trong nợ nần với Trung Cộng và buộc phải chảy máu đô la Mỹ để quân bằng cán cân nợ nần thương mại, tức là phải lấy đô la Mỹ để mua đồng Nguyên dự trữ nhằm chi trả cho thâm hụt mậu dich đối với Trung Cộng. Cho nên, nếu đảng tiến hành đổi tiền, thì mức chảy máu đô la Mỹ do nhập siêu từ Trung Cộng sẽ giảm đi ít nhất là mười lần nếu đổi tiền theo tỷ lệ như năm 1985. Đảng nhìn thấy được thì người dân cũng nhìn thấy được. Cho nên, không có tin đồn đổi tiền thì người dân cũng cần phải thủ cho chắc, giữ ngoại tệ hay vàng để ứng phó trước khả năng đảng tuyên bố đổi tiền để quỵt nợ. Niềm tin vào ngoại tệ hay vàng của người dân đang tăng trong khi chẳng một ai còn tin tưởng vào tiền tệ của một nhà nước chỉ luôn dối trá như CSVN cả.

Nguyên nhân thứ ba của tin đồn đổi tiền, suy cho cùng, và cũng là quan trọng nhất, vẫn là những bất ổn về chính trị sẽ bùng phát từ tranh chấp nội bộ ĐCSVN. CSVN thật sự đang đứng trước nguy cơ bị đảo chánh bởi quân đội. 

Bằng chứng là vào ngày 23 tháng Mười năm nay, Nguyễn Xuân Phúc đã phải đến Học Viện Chính Trị yêu cầu gia tăng quyền lực của các chính ủy viên trong quân đội nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với quân đội. Ông Phúc khẳng định rằng: "Nếu xa rời sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản, quân đội sẽ mất phương hướng chính trị trong xây dựng và chiến đấu, sẽ phân rã về tư tưởng và tổ chức. Chúng ta kiên quyết không chấp nhận tư tưởng “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang” (^^^). Rõ ràng, lời khẳng định này thể hiện sự lo âu của đảng trước tình trạng quân đội đang ngày càng chống lại sự lãnh đạo của đảng. 

Từ thời Lê Duẩn, chưa bao giờ quân đội nón cối của đảng bị nêu đích danh là phải giữ vững lập trường và phục tùng sự lãnh đạo của đảng như lần này cả. Quyền lãnh đạo lên quân đội của đảng bao giờ cũng là tuyệt đối là một điều hiển nhiên. Thế những lần này, lời tuyên bố của ông Phúc làm mọi người sửng sốt. Quân đội phải đang có khuynh hướng đi trật khỏi đường rày của đảng, "trên bảo dưới không nghe" thì đảng mới phải cảnh báo thẳng thừng như vậy.

Một bằng chứng nguy hiểm khác cho việc quân đội nón cối đang đâm sau lưng đảng là chính tướng Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố ủng hộ sự can dự quân sự của Hoa Kỳ tại biển Đông (**) vào 19 tháng Mười trong khi Đinh Thế Huynh sửa soạn khăn gói viếng thăm Trung Cộng cũng cùng vào thời điểm này (19-21/10).

Trong chuyến viếng thăm này, ông Huynh cố khẳng định tình đồng chí giữa hai đảng Cộng Sản là “lựa chọn chiến lược chính trị của Việt Nam" nhằm tìm đường dựa dẫm và làm đẹp lòng Bắc Kinh. Ông Huynh phải hiểu rõ Trung Cộng từ tám năm qua phản kháng rất mạnh mẽ sự can dự của Hoa Kỳ vào biển Đông. Cho nên muốn khẳng định gắn chặt keo sơn tình đồng chí giữa hai đảng Cộng Sản để dựa dẫm thì Cộng đảng của ông Huynh không thể nào lại hoan hô Hoa Kỳ kéo chiến hạm vào Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa nay đang bị Trung Cộng cưỡng chiếm để đe dọa Trung Cộng được. Tướng Vịnh lại tuyên bố ủng hộ Hoa Kỳ can dự quân sự vào biển Động như thế thì chẳng khác nào là thổi kèn ngược khiến ông Huynh bể mặt trước Tập Cận Bình?! 

Rất hiếm thấy khi đảng đánh trống xuôi, quân đội lại thổi kèn ngược như vậy. Rõ ràng, Vịnh muốn Huynh bị đổ vỡ ngoại giao ở Bắc kinh và lâm vào cảnh gạo đã thành cơm, hết cách lựa chọn nên phải bay qua Hoa Kỳ cấp tốc không loan báo chính thức trước để gặp Ngoại trưởng Kerry. Vịnh dù có gan trời cũng chẳng dám chống lại đảng, nhất là chống lại Đinh Thế Huynh; nhưng sức mạnh của Hoa Thịnh Đốn lớn quá, con gà rót Nguyễn Chí Vịnh cũng đành hết cách! 

Cùng lúc tin đồn đổi tiền đang lan khắp xã hội thì số phận của hai cha con cựu bộ trưởng QP Phùng Quang Thanh càng lúc càng trở nên bi đát. Dường như TC II của Nguyễn Chí Vịnh đã nằm im, nhắm mắt làm ngơ không còn can thiệp nữa. Con ông Thanh là đại tá Phùng Quang Hải bị bay chức tổng giám đốc tập đoàn 319 vào tháng này (*) và bản thân ông Thanh cũng đang bị các sĩ quan viết đơn tố cáo trước đảng, yêu cầu kỹ luật. 

Điều này báo hiệu cho thấy đàn em của ông Thanh vốn trung thành với đảng trong bộ QP sắp sửa bị nguy khốn đến nơi, nhất là các tướng lãnh tư lệnh các quân khu ở các tỉnh phía Bắc, trong đó có QK II. Vụ rối loạn tại QK II và vụ bí thư Yên Bái liên quan đến QK II bị giết còn chưa kịp chìm xuồng thì việc quân đội tiếp tục có thanh trừng cho thấy sự rạn nứt bên trong quân đội, giữa những tướng lãnh trung thành với đảng và những tướng lãnh chống đảng đang bắt đầu lan rộng, đang ngày một gay gắt hơn. Sự gay gắt này khiển khả năng có động binh đảo chánh tưởng chừng như không thể trong một xã hội Cộng Sản chuyên chế thì nay lại đang ngày một hiện rõ. 

Dù sao, không phải là TBT Gorbachev cũng đã từng bị quân đội bất ngờ đảo chánh hay sao? Hơn nữa, nếu quân đội nón cối không có rối loạn và hiện không có xảy ra nổ lực thanh trừng những ai trong bộ QP trung thành với lãnh đạo đảng từ phe cánh tướng lãnh muốn chống lại lãnh đạo đảng thì ông Phúc kêu gào quân đội trung thành với lãnh đạo đảng mà làm gì?

Sự bất ổn tranh chấp gay gắt trong nội bộ CSVN còn thể hiện qua việc TBT Trọng tự mình chui vào bộ Công An (CA) để xét việc. Cũng giống như việc Vịnh thổi kèn ngược vào tháng Mười vừa qua, việc một TBT thư chui vào đảng ủy bộ CA cũng là một điều chưa từng có. Đều này chứng tỏ ngay cả lực lượng CA cũng đã không còn chịu nghe lời đảng nữa buộc ông TBT tìm cách để ra tay khống chế trở lại. 

Một mình TBT Trọng có đủ lấn áp nổi cả bộ CA đang muốn thoát đảng và cố trút hết tiếng oán của người dân lên đảng để chạy tội hay không, tuy vẫn còn là dấu hỏi; nhưng khả năng TBT Trọng làm chủ được tình hình là rất thấp. Đơn giản, nếu quân đội rục rịch thì ngu dại gì bộ CA lại đi hứng đạn giùm cho đảng?! Toàn bộ lực lượng CA, đi làm CA từ quan đến lính, chỉ vì chén cơm mà phải chịu tiếng oán thế cho đảng, lỡ mà sa cơ là bị thiệt mạng ngay! Cho nên việc bộ CA hùa theo quân đội để lật đảng bất ngờ vào giờ chót, nhằm lấy chút công lật đảng mà giữ mạng thì tại sao lại không thể? Dậu đổ thì bìm leo, thói đời vẫn thế!

Như vậy, tình hình cho thấy rõ cả CA và quân đội nón cối đang có xu hướng thoát khỏi đảng. Hiện vẫn còn chưa lộ rõ chắc chắn là Nguyễn Chí Vịnh có liên kết với Trần Đại Quang để hạ bệ Đinh Thế Huynh hay TBT Trọng hay không, nhưng chắc chắn, sự đòi hỏi của đảng về lòng trung thành tuyệt đối của quân đội nón cối đối với đảng sẽ một ngày một khó thực hiện hơn. 

Hơn nữa, áo cơm súng ống của quân đội hiện nay là do ai chu cấp, đảng hay là Hoa Kỳ? 

Nếu là đảng như trong thời gian chiến tranh Lạnh, thời mà Lê Duẩn tha hồ làm mưa gió do có Liên Xô hậu thuẫn tuyệt đối về mọi mặt thì quân đội nón cối nghe theo sự lãnh đạo đảng là điều đương nhiên; còn nếu nay là do Hoa Kỳ chu cấp thì nếu Hoa Kỳ không muốn đảng CSVN tồn tại nữa, quân đội nón cối sẽ buộc phải nghe lệnh của Hoa Kỳ mà phế đảng trong chớp nhoáng. 

Và kịch bản cho quân đội nón cối lẫn CA rắp tâm phế đảng, có lẽ đang thật sự bắt đầu từ tin đồn đổi tiền vào cuối năm 2016. Xã hội cần phải rối loạn thì quân đội mới có thể có cớ đảo chánh phế đảng được.



Ghi chú:

(*) Xin lưu ý thêm ngoài "chủ đề" bài viết là việc ông Hải con tướng Thanh mất chức cho thấy mọi dự án nâng cấp các sân bay quân sự quan trọng xung quanh cảng Cam Ranh như sân bay quân sự Phan Thiết chẳng hạn, sẽ lọt vào tay của kẻ khác. Các dự án quân sự tân trang nâng cấp các sân bay quân sự này chắc chắn có chi viện từ bộ QP Hoa Kỳ nhằm đảm bảo tiến trình quân sự hóa cảng Cam Ranh thêm thuận lợi cho mai này. Cảng Cam Ranh hiện đã và đang được tu sửa với kinh phí lên đến trên 78 triệu Mỹ kim trong bước đầu, với vốn hầu hết đến từ tổng công ty dầu khí PVN, vốn là bàn tay nối dài của Hoa Kỳ nhằm ảnh huởng lên chính trường Việt Nam. Như vậy, hành động ông Hải bị cách chức và việc tướng Vịnh ủng hộ Hoa Kỳ can dự quân sự tại biển Đông gắn liền nhau vì phù hợp với nguyện vọng của Hoa Kỳ trong tiến trình hợp tác quân sự giữa hai nước. Từ lâu, Hoa Kỳ đã muốn loại tướng Thanh vì ông tướng nón cối này có lập trường quy lụy Trung Cộng như TBT Trọng hay Đinh thế Huynh.