Thursday, October 8, 2015

Trung Quốc dùng điện ảnh như thuốc tẩy não

Tuankhanh10/08/2015 - 19:23 

Mới đây, anh bạn trẻ làm trong ngành phê bình điện ảnh kể rằng anh bực tức khi xem đến đoạn kết ngớ ngẩn trong phim The Assassin (2015). Nữ sát thủ trong tác phẩm dày công của đạo diễn Đài Loan Hầu Hiếu Hiền rốt cuộc từ bỏ nhiệm vụ giết kẻ ác vì sợ thế gian loạn lạc, nhân dân không còn "yên ổn làm ăn". Sự bực tức của anh bạn trẻ, bởi anh quá bất ngờ khi tên tuổi đạo diễn, diễn viên... cùng một kinh phí cao ngất đã bị biến thành một mệnh đề chính trị tuyên truyền hết sức kỳ quặc.
Không phải mới đây, mà nhiều thập niên trước, chính quyền Trung Quốc đã ráo riết vận dụng điện ảnh cho mục đích tuyên truyền của mình - nhằm vào người dân trong nước cũng như bên ngoài. Ngân sách cho đường lối này không có giới hạn, tuỳ theo chủ trương hay tình hình thời sự. Vỏ bọc của một nền điện ảnh đầy chất “nghệ thuật” nhưng lồng chứa những âm mưu chính trị đang là một xu hướng rất rõ của Bắc Kinh.
Cuối năm ngoái, phát biểu tại Đại hội điện ảnh Trung Quốc, ông Liu Qibao (Lưu Kỳ Bảo), Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Trưởng ban tuyên truyền Trung ương nhấn mạnh rằng "làm gì thì phim ảnh cũng phải phản ánh cho được tầm nhìn của của chủ tịch Tập Cận Bình và giấc mơ Trung Quốc". Việc công khai biến nền điện ảnh của mình thành một bộ máy tuyên truyền cho thế hệ mới, tiêm vào họ những liều vĩ cuồng và chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang là một trong những tiêu chí quan trọng của từng sản phẩm từ đại lục.
Để làm được như vậy, Bắc Kinh đang từng bước đồi truỵ hoá những thế hệ điện ảnh tài năng của mình bằng ép buộc, bằng danh và lợi. Người ta nhìn thấy được biểu đồ đi xuống đáng buồn của các danh tài như Trương Nghệ Mưu, Từ Khắc, Thành Long... chỉ vì thoả hiệp với chính quyền. Cũng từ chính sách này mà điện ảnh Trung Quốc xuất hiện nhiều siêu phẩm tốn kém, cực kỳ nghệ thuật, công phu như ý nghĩa thì tầm ruồng, khiến khán giả hụt hẩng.
Từ lúc kinh tế phát triển, Bắc Kinh nhận ra rằng điện ảnh là một vũ khí quan trọng để quảng bá tư tưởng của mình. Trở thành một trong 3 quốc gia sản xuất phim nhựa nhiều nhất thế giới, chỉ sau Mỹ và trên Ấn Độ, với hơn 500 phim nhựa mỗi năm, tự Bắc Kinh cũng xem đây như là một mặt trận văn hoá. Tháng trước, ông Zhang Hongsen (Trương Hồng Sâm), Cục trưởng Quản lý Phát thanh, Phim và Truyền hình đã nói trên báo chí rằng điện ảnh Trung Quốc cần phải luôn xem như mình đang có chiến tranh với Hollywood vậy.
Một trong những kế hoạch lớn lao mà Trung Quốc từng vận lực để trình diễn, đó là việc thực hiện bộ phim "Kiến Đảng Vĩ Nghiệp". Bộ phim này được coi như là chiến dịch quảng bá quan trọng cho lễ kỷ niệm 90 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là cách mà Bắc Kinh âm mưu viết lại lịch sử Trung Quốc, rằng nền văn minh tốt đẹp nhất của đất nước này chỉ đáng nhớ, đáng học kể từ khi cộng sản quốc nội ra đời vào năm 1949.
Chính quyền Trung Quốc đã tài trợ đến 12 triệu USD cho phim này, kêu gọi tất cả các nam nữ diễn viên danh tiếng tham gia và buộc các học sinh, sinh viên, công nhân... phải đi xem bằng cách đưa vé, trừ thẳng vào tiền lương, tiền học bổng. 6.200 rạp hát trên đại lục được lệnh phải công chiếu cùng lúc. Hàng ngàn dư luận viên được lệnh trực trong các rạp và bắt nhịp hát các bài ca cách mạng ca ngợi đảng ngay khi phim vừa hết. Thậm chí không ngại tốn kém, Bắc Kinh còn bỏ tiền cho công chiếu ở 29 rạp tại nước Mỹ, trong đó, bắt buộc phải có ở New York và Los Angeles, tức nơi có nhiều hoa kiều cư ngụ.  Cùng lúc đó, phim Wuxia (Võ hiệp / Dragon) với Chung Tử Đơn và "yếu tố nước ngoài" là Takeshi Kaneshiro (Kim Thành Vũ / Đài Loan-Nhật) có vẻ lấn sân, lập tức mọi nơi đều được lệnh không được quảng cáo phim này hàng ngày.
Mỗi ngày, các lý thuyết gia và tư tưởng văn hoá của Trung Quốc được lệnh nghiên cứu các kịch bản để làm sao lồng vào đó các mầm mống tuân phục, trung thành và chấp nhận sự lãnh đạo, dù như thế nào đi nữa. Đừng ngạc nhiên là từ năm 2002, Trương Nghệ Mưu đã làm phim Hero (Thích Khách Kinh Kha) với tư duy là Kinh Kha thà chết, chứ không giết Tần Thuỷ Hoàng vì nghe tay Hoàng đế này hỏi rằng liệu hắn ta chết thì liệu sẽ có được một chế độ tốt hơn và ổn định hơn không, và thiên hạ sẽ ra sao, khi không còn "yên ổn làm ăn" bởi đại loạn. Ngay trong The Assassin (Đồng Tước Đài - 2012), đạo diễn Triệu Lâm Sơn cũng có một kịch bản Tào Tháo nói như khóc với vua, rằng hãy tiếp tục trị vì bởi "Ngài là hoàng thượng, quỷ thần đều phải kinh sợ". Tào Tháo được vẽ lại với khuôn mặt hung dữ bề ngoài, bởi luôn muốn mạnh mẽ để bảo vệ bời cõi và sống chết với thuyết Khổng Tử: mãi mãi tôn thờ bề trên dù đó là hôn quân.
Không được nghĩ đến một cuộc cách mạng nào khác, trung thành và chấp nhận như một sĩ khí mới mẻ là cách mà Trung Quốc đang bơm vào đầu thế hệ mới thông qua phim ảnh. Bất chấp trong lịch sử, Đảng Cộng sản lại là kẻ luôn kêu gào cách mạng, luôn âm mưu thay đổi, tiếm quyền.
Sáng tạo và thâm độc hơn cả P.J. Göbbels, Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã, Bộ Chính trị Trung Quốc thiết kế một hệ thống tuyên truyền êm dịu và kiên nhẫn để đối nội và cả đối ngoại. Trong nhiều thập niên, phim ảnh của Bắc Kinh được chia sẻ với giá rẻ mạt hoặc biếu tặng thường kỳ cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc được mến mộ qua phim cổ trang, lịch sử Trung Quốc được nhồi đến trẻ em cũng thuộc lòng, và nhân dân thì quen dần với cuộc sống chấp nhận mọi thứ, như lý lẽ cao siêu được phát đi từ màn ảnh.
Bắc Kinh tin rằng điện ảnh của mình, cùng với sức mạnh kinh tế, sẽ phát tác ở những nơi mình nhắm đến. Đầu năm nay, Nam Phi bắt đầu xếp tiếng Hoa làm một trong những ngoại ngữ chính ở bậc tiểu học. Thầy giáo bản ngữ cũng được cung cấp miễn phí từ Bắc Kinh. Sau nhiều năm chia sẻ và thuận hoà với chính quyền Trung Quốc, Nam Phi bắt đầu xem nhiều phim kungfu hơn và từ chối cấp visa cho Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Trẻ em Nam Phi khi học tiếng Hoa, xem phim lịch sử Trung Quốc cũng được dạy rằng Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 không được chào đón ở quê hương của chúng, vì ông ta là một kẻ không cần thiết.
----------------------------------------------------------------------
(Tranh của họa sĩ Kuang Biao (Trung Quốc)

Giáo dân Đông Yên đoàn kết và thắng lợi: Anh Nguyễn Xuân Toàn đã được về nhà

Nguyenhuuvinh —10/08/2015 - 18:23 
Anh Nguyễn Xuân Toàn đã được về nhà
Như chúng tôi đã đưa tin trong bản tin ngày 5/10/2015 về việc giáo dân tại khu Tái định cư của Giáo xứ Đông Yên, Hà Tĩnh đã bao vây 4 cán bộ Công an từ 9 giờ sáng đến đêm để đòi trả người bị bắt vô lý.
Sau đó, nhà cầm quyền Hà Tĩnh gồm có Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh là ông Đặng Quốc Khánh, hai Phó Giám đốc Sở Công an là Đại tá Bùi Đình Quang, và ông An, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thị xã Kỳ anh, Giám đốc Công an Thị xã Kỳ Anh ông Đại tá Đặng Hoài Sơn, ông Tiến Chủ tịch UBND xã là ông Sơn đã mời Ban Hành Giáo và Cán bộ thôn và đại diện gia đình người bị bắt để thương lượng.
Kết quả là nhà cầm quyền đề nghị gia đình viết đơn bảo lãnh và cam kết sau 03 ngày, nhà cầm quyền sẽ thả anh Nguyễn Xuân Toàn về nhà. 
(Ảnh: Một cảnh cưỡng chế phá nhà xứ ở Đông Yên)
Ngày hôm qua, gia đình đã đến viết đơn và hôm nay anh Nguyễn Xuân Toàn đã được thả ra, gia đình anh Toàn đã đón về nhà lúc 11 giờ trưa nay 8/10/2015.
Trước khi về, bên công an buộc gia đình cam kết những điều kiện cho anh Toàn như không được đi khỏi nơi cư trú, khi cần công an gọi phải đến... Anh Toàn không biết chữ nên đã phải điểm chỉ và công an buộc vợ anh Toàn ký xác nhận mới được về.
Chiều nay, anh Toàn bị ngất xỉu và phải đi truyền dịch tại cơ sở y tế. Theo người nhà anh Toàn cho biết, trong quá trình giam giữ, anh không bị đánh đập đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên với chế độ giam giữ một tháng qua, anh bị tổn hao sức khỏe khá nhiều.
Như vậy, việc người dân Đông Yên đoàn kết, đấu tranh cho người vô tội đã thành công bước đầu.
Điều này cũng nói lên sự bắt bớ tùy tiện và thi hành pháp luật theo ý thích đang diễn ra tại đây, nghĩa là có thể bắt, có thể thả... tùy theo điều kiện mà không tùy theo căn cứ luật pháp nào.
Qua vụ việc này, cũng nói lên một điều khác, là khi đẩy người dân đến chỗ uất hận, thì mọi việc đơn giản sẽ trở thành phức tạp và khó giải quyết.
Việc nhà cầm quyền tại đây đã thả anh Toàn, giữ đúng cam kết với giáo dân được ghi nhận như "một sự tiến bộ" - lẽ ra không cần phải nghi ngờ - sau khi giáo dân GP Vinh đã chứng kiến sự lật lọng, tráo trở của nhà cầm quyền Nghệ An trong vụ Mỹ Yên. Ở đó, một văn bản được ký và đóng dấu Quốc huy hẳn hoi, trong đó có chữ ký của Chủ tịch Xã, Đảng ủy và nhiều người khác, nhưng ngay sau đó nhà cầm quyền đã trở mặt và quay lại đàn áp giáo dân man rợ. Và điều hài hước, là nhà cầm quyền Nghệ An cho rằng: Văn bản của Đảng ủy, UBND Xã có đóng dấu Quốc huy kia không có giá trị pháp lý(?)
Đông Yên vẫn chưa yên
Tại Đông Yên, nhiều vấn đề đang tồn tại và phát sinh nhiều nguy cơ đối với đời sống người dân khi bị đưa ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình hàng ngàn năm qua như công ăn việc làm, đời sống bị xáo trộn và nhiều vấn đề xã hội khác.
Nhất là đối với những người không chấp nhận di dời ở Đông Yên hiện tại.
Điều tồi tệ nhất, là việc 155 học sinh của Đông Yên tại khu vực Đông Yên mà người dân không di dời đã bị tước quyền học hành một năm trước, và hiện nay đang tiếp tục bị bỏ rơi, tước quyền học hành trong năm nay, trở  thành những đứa trẻ lang thang trên làng xóm bị đập phá tan hoang. Nhà cầm quyền đã đập phá trường học để nhằm ép cha mẹ chúng buộc phải đi đến nơi nhà cầm quyền muốn. Nhưng gần 1000 dân ở đây đã kiên quyết yêu cầu nhà cầm quyền thi hành đúng những gì pháp luật quy định đối với họ.
Kết quả là 155 học sinh bị đưa ra làm con tin cho nhà cầm quyền. Thậm chí vừa qua, người dân lo lắng cho con em mình, đã tổ chức những lớp học bổ túc cho các em để giữ kiến thức và để các em đỡ lang thang sẽ sa vào hư hỏng, thì nhà cầm quyền đã đe dọa và giải tán các lớp học đó của họ.
Giáo phận Vinh, nhiều linh mục trong giáo phận đã đồng loạt ký tên yêu cầu nhà cầm quyền đảm bảo quyền được học hành con con em Đông Yên, tuy nhiên đến nay việc này vẫn cứ bị bỏ ngoài tai nhà cầm quyền.
Những ngày gần đây, thay vì việc giải quyết quyền lợi của các cháu, nhà cầm quyền luôn đe dọa cưỡng bức hàng loạt người dân đi tái định cư. Tuy nhiên, người dân ở đây đã khẳng định: Họ sẽ không di dời chừng nào pháp luật không được thực thi nghiêm minh.
Điều này, càng làm cho người ta hiểu rõ hơn dã tâm của nhà cầm quyền dùng con em và quyền lợi của trẻ em để làm con tin buộc người lớn khuất phục. Những hành động của nhà cầm quyền ở đây, là hoàn toàn trái với Luật bảo vệ Trẻ em và những điều luật khác của đất nước này đã đưa ra.
Với cách hành xử như vậy đối với con dân mình thì việc giữ yên lòng dân là điều hết sức khó khăn tại đây, một vùng đất mà sự hiện diện, lộng hành của người Tàu đã thành chuyện bình thường.
Và khi lòng dân không yên, thì sẽ khó có điều gì tồn tại.
Ngày 8/10/2015
·       J.B Nguyễn Hữu Vinh

Công nhân Việt tại Algeria bị nhà thầu TC đánh đập dã man

Thanh Lan / SBTN-10/08/2015 - 08:09
Ngày 8 tháng 10, Tòa lãnh sự CSVN tại Algeria đã gặp nhà thầu Trung Cộng về việc hành hung các công nhân Việt.
Phía công ty Trung Cộng thừa nhận người của họ đã đánh đập công nhân Việt Nam. Tòa Lãnh sự Việt Nam yêu cầu nhà thầu cam kết không được đánh đập, phải bảo đảm an toàn và tính mạng cho các công nhân. Hai bên cũng đã bàn kế hoạch đưa công nhân Việt sang làm việc tại các công trường khác, đàm phán lại điều kiện làm việc có thể chấp nhận được.

Vào ngày 5 tháng 10, một số công nhân Việt Nam cho biết họ bị công ty xây dựng Đông Nhất Giang Tô của Trung Cộng có trụ sở tại Algeria, đánh đập và bỏ đói. Nguyên nhân là các công nhân này bỏ làm để phản đổi việc công ty vi phạm hợp đồng, không trả lương đúng như thỏa thuận trước đó. Các công nhân cho biết, những ngày qua họ thường bị bỏ đói, phải húp cháo cầm hơi. Trước mắt, hai công nhân bị đánh là anh Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường sẽ được lo trở về nước. Còn 53 công nhân khác phải đợi thương lượng với người chủ tìm cách giải quyết.

Đại diện công ty Trung Cộng cho biết công trình ở Khenchela đang cần hoàn thành, nên họ rất cần công nhân ở lại làm việc. Tuy nhiên, tâm lý chung của tất cả công nhân Việt rất căng thẳng vì sợ bị đánh đập. Mặc dù trở về nước phải đối diện với số nợ phải cầm cố nhà cửa để lo thủ tục trước khi đi, nhưng tất cả đều mong muốn trở về.

Công an lạm quyền, sách nhiễu các nhà hoạt động

Nhật Nam / SBTN- 10/08/2015 - 13:45
Trong những ngày gần đây, cơ quan an ninh – Công an Hà Nội liên tiếp “triệu tập” các nhà hoạt động đến thẩm vấn. Xét dưới góc độ luật pháp, đây là sự lạm quyền, vi phạm pháp luật.

Giấy triệu tập Lê Thị Yến (Ảnh: fb Mèo Điên)

Ngày 7/10/2015, bạn trẻ Lê Thị Yến – phát thanh viên, biên tập viên của kênh truyền hình Lương Tâm TV bị phía Cơ quan An ninh điều tra – Công an Hà Nội gửi “Giấy triệu tập” lần thứ nhất để “làm việc liên quan đến kênh Lương Tâm TV”.

Trước đó, ngày 23/9/2015, bạn Lê Thị Yến cùng với 5 người khác đã bị phía công an bắt đi mà không có lệnh bắt hợp lệ, để thẩm vấn về Lương Tâm TV – một kênh truyền hình độc lập phát sóng trên mạng xã hội Youtube.

Cũng liên quan đến Lương Tâm TV, một số bạn trẻ, nhà hoạt động khác cũng bị “triệu tập” một cách phi pháp để “làm rõ” về kênh truyền hình này.

Trong cùng ngày 7/10/2015, anh Ngô Duy Quyền – chồng của cựu tù nhân lương tâm, Luật sư Lê Thị Công Nhân cũng nhận được một “Giấy triệu tập”, nhưng là lần thứ ba, với lý do “hỏi việc liên quan đến thư ngỏ gửi Bộ trưởng Công an”.

Đối với hai lần “triệu tập” trước đó, anh Quyền đều từ chối chấp nhận yêu cầu ngang ngược của phía cơ quan an ninh. Anh Quyền chia sẻ trên trang facebook cá nhân về việc bị triệu tập lần thứ ba như sau: “"Ngô Duy Quyền đang ở quê, nên bà xã Công Nhân thay mặt nhận giấy và ghi phản hồi ngắn gọn ở liên 1: "tôi phản đối việc triệu tập vô lý và có tính sách nhiễu này"."

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành của CSVN, giấy triệu tập và việc triệu tập chỉ áp dụng đối với những người có liên quan như: nghi can, bị hại nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng trong các vụ án hình sự đã có quyết định khởi tố điều tra, nhằm làm rõ nội dung, tình tiết của vụ án.

Trong những tờ “Giấy triệu tập” đối với các nhà hoạt động kể trên, hoàn toàn không cho hay liên quan đến vụ án nào, được khởi tố hay chưa và vai trò của người bị triệu tập là gì.

Do đó, việc triệu tập này hoàn toàn phi pháp, mang tính lạm quyền, sách nhiễu người dân dám bày tỏ quan điểm, chính kiến một cách ôn hòa và hợp pháp. Bằng các vụ sách nhiễu, phía công an muốn người dân trong nước thêm nỗi sợ hãi, hoặc thờ ơ với hiện tình xã hội.

Mỹ cho chiến hạm vào vùng 12 hải lý đảo nhân tạo Trung Quốc

BẮC KINH, Trung Quốc (AP) - Bắc Kinh bày tỏ sự quan ngại lớn về một nguồn tin cho hay Mỹ dự định sẽ thách đố chủ quyền của Trung Quốc bằng cách cho một chiến hạm di chuyển bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa.



Hai chiến hạm Hoa Kỳ, USS Lassen và USS Chung-Hoon trên biển Nhật Bản hồi năm 2010. (Hình: John J. Mike/U.S. Navy via Getty Images)

Theo bản tin của báo Hải quân Hoa Kỳ (Navy Times) hôm Thứ Tư 7/10/2015 tiết lộ thì Hải Quân Mỹ đang sửa soạn tiến hành kế hoạch này và chỉ còn đợi Tòa Bạch Ốc bật đèn xanh, theo một số viên chức không thấy nêu tên.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hua Chunying  (Hoa Xuân Oánh) hôm Thứ Năm nói rằng Trung Quốc có lập trường rõ ràng về Biển Ðông, theo đó họ coi hầu như toàn thể vùng biển này cùng các đảo, cồn cát, đảo chìm... là của Trung Quốc.
Kế hoạch cho chiến hạm chạy bên trong phạm vi 12 hải lý (mà Trung Quốc ngang nhiên áp đặt coi như chủ quyền lãnh thổ dù Công ước Quốc tế về Luật Biển -UNCLOS -không công nhận) từng được đề cập từ hồi Tháng 5-2015 vừa qua. Nay, theo nguồn tin trên, lệnh tiến hành sẽ được ban hành nhưng chỉ không rõ đích xác bao giờ bắt đầu.
Tờ báo  Anh quốc Financial Times viết theo lời một viên chức Mỹ không được nêu tên nói kế hoạch sẽ tiến hành trong vòng hai tuần lễ trong khi tờ Navy Times thì nói sẽ được tiến hành “trong vài ngày”.
Một viên chức Ngũ Giác Đài từ chối bình luận tin trên và đề nghị phóng viên của hãng thông tấn Reuters nhớ lại lời điều trần của ông David Shear, thứ trưởng Quốc phòng, hồi tháng trước rằng “tất cả mọi lựa chọn đều đã được chuẩn bị”. Đồng thời viên chức này nói thêm là “Chúng tôi đang xem xét”.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest khi được hỏi về tin trên thì ông ta nói có thấy tin đó nhưng không có bình luận gì về những quyết định sẽ xảy ra.

Tàu tác chiến cận duyên USS Fort Worth di chuyển ở khu vực Trường Sa bị một chiến hạm Trung Quốc bám theo phía sau hồi Tháng 5-2015.(Hình: Navy Times)

Tờ Navy Times thuật lại một lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter ngày 1/9/2015 rằng “Hoa Kỳ sẽ bay, chạy tàu và hoạt động tại bất cứ đâu mà luật lệ quốc tế cho phép, như chúng tôi vẫn làm như thế trên khắp thế giới.”
Thứ trưởng Shear nhìn nhận trong cuộc điều trần hồi tháng trước tại Thượng Viện rằng từ năm 2012 cho tới nay vẫn chưa có chiến hạm Hoa Kỳ nào đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng tại khu vực Trường Sa.
Tháng 5 vừa qua, Hải quân Trung Quốc đã 8 lần phát lời cảnh cáo cho chiếc máy bay tuần thám Poseidon P-8 của Hải quân Hoa Kỳ khi nó bay trên không phận gần các đảo nhân tạo. Tàu tác chiến cận quyên của Hoa Kỳ từ căn cứ tại Singapore cũng di chuyển qua khu vực này, cũng bị chiến hạm của Trung Quốc đeo bám theo dõi.
Tại Bắc Kinh, Bộ ngoại giao Trung Quốc bầy tỏ sự sốt ruột về tin tức nói trên. Khi được hỏi trong cuộc họp báo thường lệ hôm Thứ Năm, nữ phát ngôn viên Hua Chunying (Hoa Xuân Oánh) nói rằng bà chưa có tin đó. Tuy nhiên, như lời ký giả cho biết thì “Chúng tôi rất quan ngại”.
Theo lời bà Oánh, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã nhiều dịp thảo luận về vấn đề tranh chấp Biển Đông gồm cả lần chủ tịch Tập cận Bình gặp tổng thống Barack Obama tháng trước ở Tòa Bạch Ốc.
“Tôi hy vọng Hoa Kỳ xem xét tình hình hiện tại của Biển Đông từ những đánh giá khách quan và công bằng cũng như đóng vai trò xây dựng cùng với Trung Quốc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông”. Bà Oánh nói.
Việt Nam có quyền lợi trực tiếp vì bị Trung Quốc ức hiếp cướp đoạt nhưng chỉ thỉnh thoảng phát biểu những lời kêu gọi bâng quơ. Phản ứng của Việt Nam được cho là mạnh mẽ nhất là tuyên bố của ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước, khi trả lời phỏng vấn tại hãng thông tấn AP, bên lề phiên họp đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Hai 28 tháng Chín, vừa qua.
Theo lời ông Sang, 'Trung Quốc đã vi phạm luật lệ quốc tế khi bồi đắp các đảo nhân tạo tại khu vực Biển Đông đang tranh chấp và gây nguy hiểm cho an ninh đường biển.'
Hoa Kỳ và Philippines nhiều lần đòi hỏi Trung Quốc dừng bồi đắp đảo nhân tạo tại khu vực Trường Sa. Họ tố cáo Bắc Kinh vi phạm bản Tuyên bố Ứng Xử trên Biển Đông (COC) mà Trung Quốc ký với các nước ASEAN từ năm 2002, tạo thêm căng thẳng và có nguy cơ dẫn đến xung đột.
Những hình ảnh và các tin tức những tháng gần đây cho thấy Trung Quốc bồi đắp 7 bãi đá ngầm thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ ở khu vực Trường Sa. Ít nhất 3 trong số đó có các phi đạo dài 3,000 mét cho các phi cơ quân sự lớn nhất của họ sử dụng, bên cạnh các cảng biển.
Giới phân tích thời sự dự báo Bắc Kinh sẽ áp đặt khu vực phòng không trên Biển Đông (ADIZ) tức khu vực cấm bay khi tình hình tranh chấp trở nên gay gắt hơn. Một số chuyên viên quân sự Mỹ cho rằng nếu không đi vào trong phạm vi 12 hải lý thì mặc nhiên coi các lời tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc là hợp pháp.
Ngày Thứ Ba 6/10/2015, khi đến Sydney tham dự một cuộc hội thảo, đô đốc hải quân Hoa Kỳ Scott Swift, Chỉ huy trưởng lực lượng Thái Bình Dương, nói rằng nếu hành động cậy sức mạnh để chèn ép như của Trung Quốc đang diễn ra trên Biển Đông mà không đáp trả, cái trò đó sẽ diễn ra trên đất liền và trở thành “điểm xung đột”.

Hiện có năm quốc gia đang tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này. Chính phủ Hoa Kỳ từ trước đến nay vẫn khẳng định là không đứng về phía nào nhưng muốn duy trì sự tự do hải hành tại hải lộ chiến lược này.  (TN -V.Giang)
10-08-2015 1:26:26 PM 

Sài Gòn sẽ ô nhiễm giống Bắc Kinh

SÀI GÒN (NV) - “Ô nhiễm không khí ở thành phố Sài Gòn đang ở mức báo động cao, nếu chủ quan, Sài Gòn sẽ giống Bắc Kinh trong tương lai...,” chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan nhận định.
Theo bà Lan nói trên tờ Thanh Niên, cơn mưa rạng sáng 7 tháng 10 đã góp phần rửa trôi đi các chất dơ và bụi trong không khí, nhưng bầu trời Sài Gòn vẫn còn mờ mịt cho đến chiều cũng ngày. Dự báo hiện tượng “mù khô” vẫn tiếp diễn ở khu vực Nam Bộ và thành phố Sài Gòn trong những ngày tới. Và nguy cơ “mù khô” tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân là khó tránh khỏi.


Trung tâm thành phố Sài Gòn bị “mù khô” che khuất sáng 8 tháng 10, 2015. (Hình: Thanh Niên)

Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên vào sáng 8 tháng 10, tình trạng “mù khô” vẫn bao trùm trên diện rộng. Vào khoảng 7 giờ sáng, bầu trời Sài Gòn mù mịt, nhìn từ phía quận 2 sang hướng các quận trung tâm... các tòa cao ốc đều bị che mờ bởi một màn không khí xám xịt. Trong khi đó, khu vực Thủ Ðức, Gò Vấp, Bình Thạnh, trên các tuyến đường “mù khô” chỉ giảm chút ít so với những ngày trước, tầm nhìn được cải thiện hơn.
Theo bà Lan, để có thể biết chính xác mức độ ô nhiễm không khí cần phải có số liệu đo đạc và phân tích từ trạm quan trắc trên cao của Trung Tâm Khí Tượng Thủy Văn Nam Bộ. Song, việc thu thập dữ liệu cũng như phân tích nồng độ bụi trong không khí gặp rất nhiều khó khăn do hiện tại chỉ có một trạm quan trắc tự động ở Nhà Bè, thuộc trung tâm và khoảng 6 trạm quan trắc bán tự động của Sở Tài Nguyên Môi Trường là chưa đủ.
Bên cạnh đó, thường phải mất 10 ngày đến 1 tháng mới lấy mẫu phân tích một lần, trong khi thành phố Sài Gòn đang đô thị hóa mạnh với nhiều công trình, khu công nghiệp, lưu lượng xe cộ dày đặc nên cần nhiều trạm quan trắc hơn.
Cũng theo bà Lan, mỗi quận cần ít nhất 2 trạm quan trắc tự động mới lấy được mẫu và cho ra được cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí chính xác hơn. Ðiều này rất quan trọng, bởi nó sẽ giúp ích cho việc cảnh báo đối với ngành giao thông và y tế.

Tin cho hay, vài năm trở lại đây, từ khoảng tháng 9, 10, Sài Gòn thường xảy ra hiện tượng “mù khô” và nồng độ bụi trong không khí đã vượt ngưỡng cho phép. Nguyên nhân là do Sài Gòn đang bị ô nhiễm nặng, chứ không chỉ do ảnh hưởng từ cháy rừng ở Indonesia. Nếu chính quyền thành phố không kiểm soát, thả nổi khí thải từ các cụm công nghiệp, công trình xây dựng, xe cộ như hiện nay, Sài Gòn sẽ ô nhiễm giống Bắc Kinh trong tương lai không xa. (Tr.N)
10-08- 2015 2:23:31 PM

TPP sẽ không suôn sẻ tại Việt Nam

HÀ NỘI (NV) Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ bị các “nhóm lợi ích” (cách Việt Nam gọi những liên kết ngầm giữa viên chức và doanh nhân để lũng đoạn cả kinh tế lẫn chính trị) cản trở.
Ðó là điều mà bà Phạm Chi Lan - một chuyên gia kinh tế của Việt Nam khẳng định với VOA.

Xưởng may của một doanh nghiệp ở Bình Dương. Cơ hội cho doanh giới và thu nhập của công nhân không phụ thuộc vào TPP mà vào nỗ lực cải cách của chính quyền Việt Nam. (Hình: talkvietnam.com)
Cách nay vài ngày, sau năm năm thương lượng, 12 quốc gia là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Chile, Peru, Úc, New Zealand, Nhật, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận về TPP. Tuy nhiên TPP sẽ chỉ có hiệu lực khi được Quốc Hội của 12 quốc gia này phê chuẩn.
Theo các chuyên gia kinh tế quốc tế, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng nhiều lợi ích nhất từ TPP. Bởi TPP sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng xâm nhập thị trường của 11 quốc gia còn lại nên Việt Nam có cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư của ngoại quốc, các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn nên Việt Nam sẽ có thêm nhiều việc làm, dân chúng Việt Nam có cơ hội cải thiện thu nhập.
Các chuyên gia kinh tế ước đoán, đến năm 2025, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ khoảng 11%, hàng hóa xuất cảng sẽ tăng 28%, mức cao nhất so với các quốc gia khác tham gia TPP.
Tuy nhiên bà Lan không tin việc phê chuẩn và thực hiện TPP tại Việt Nam sẽ suôn sẻ. Bà Lan gọi việc phê chuẩn và thực hiện TPP tại Việt Nam là “cuộc cải cách lần thứ hai” (cuộc cải cách lần đầu diễn ra hồi giữa thập niên 1980 mà Việt Nam gọi là “đổi mới”) và cuộc cải cách đó chắc chắn sẽ bị các “nhóm lợi ích” chống đối.
Bà Lan nhìn nhận, do điểm xuất phát của Việt Nam thấp nên tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể sẽ là cao nhất nhưng chưa chắc là hưởng lợi lớn nhất vì dù tỉ lệ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất thì so với các quốc gia thành viên khác của TPP thì khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia đó vẫn rất lớn.
Tuy các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội vươn lên nhưng theo bà Lan, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội này hay không lại là chuyện khác. Nó phụ thuộc vào năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt là môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa tốt.
Tại Việt Nam, chính quyền vẫn chỉ dành các ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước, kế đó là các doanh nghiệp ngoại quốc, còn các doanh nghiệp tư nhân vẫn chịu đủ thứ thiệt thòi. Cũng vì vậy “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” trở thành cụm từ được lập đi, lập lại thường xuyên. Trong bối cảnh như thế doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng TPP như một cơ hội để vươn lên hay không sẽ phụ thuộc vào nỗ lực cải cách thể chế của chính quyền Việt Nam để tạo ra một môi trường kinh doanh thật sự công bằng, thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân.
Bà Lan nhấn mạnh, với bà, ý nghĩa lớn nhất của TPP là Việt Nam là phải cải cách thể chế. TPP là một yêu cầu thay đổi đa diện chứ không chỉ là những thay đổi thuần túy về thương mại. Thế nhưng tại Việt Nam, thay đổi chính sách, luật lệ cho phù hợp với các chuẩn mực chung không phải là chuyện dễ dàng vì sẽ đụng đến nhận thức của những cá nhân quyết định chính sách và khuôn khổ luật pháp, đặc biệt là những cản trở từ các “nhóm lợi ích.”
Bà Lan nhận định, tất cả các thay đổi đều đem lại lợi ích cho nhóm này và gây thiệt hại cho nhóm khác. Tại Việt Nam, việc cải cách theo chuẩn mực chung sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các “nhóm lợi ích.” Chắc chắn là các “nhóm lợi ích” sẽ không dễ dàng chấp thuận những cải cách vì lợi ích chung của đông đảo dân chúng nhưng xâm hại lợi ích của các “nhóm lợi ích” này. Vấn đề sẽ nằm ở chỗ giới lãnh đạo Việt Nam có đặt lợi ích chung của cả quốc gia lên trên lợi ích nhóm hay không. (G.Ð)
10-08- 2015 5:31:36 PM 

Thư kêu cứu của Thương Phế Binh VNCH v/v bị cướp nhà và bị sách nhiễu

Bao năm qua rồi, tuởng là quá khứ đã đuợc khép lại, nhưng chúng tôi vẫn không đuợc coi như là “Nguời Dân Bình Thường” trong cuộc sống của một xã hội mới! Gia đình tôi vẫn bị phân biệt đối xử vì quá khứ là TPB-VNCH, đời sống chúng tôi đã khốn cùng lại càng bế tắc hơn nữa, khi chỗ ở cuối cùng, cái nhà hợp pháp của VNCH, nhưng bây giờ lại trở thành bất hợp pháp đối với nhà nuớc xhcn VN!!!...

*

Kính gửi: 

- Các cộng đồng Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại
- Các hội đoàn Cựu Quân Nhân QL-VNCH 
- Các hội đoàn XHDS trong nước
- Các ngành truyền thông trong và ngoài nước 

Trích yếu: V/v Nhà hợp pháp của TPB-VNCH bị nhà nuớc XHCN-VN tuớc đoạt Chủ Quyền.

Tôi tên là Ngô Duy Thế, sinh năm 1950 tại Hải Phòng, theo Cha Mẹ di cư vào Nam năm 1954. Gia thế một vợ, một con.

Nguyên truớc đây, tôi là lính Sư Đoàn 25 BB, Trung Đoàn 50, đóng quân tại Bến Kéo - Tây Ninh. Số quân: 70/119.796. KBC: 4204

Năm 1968, trong lần theo đơn vị hành quân ở Suối Sâu-Suối Cụt, tôi bị trúng mìn VC phục kích. Sau 2 năm nằm điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa vì bị chấn thuơng cột tủy sống, HĐYK BS cho giải ngũ. 

Lúc đó, Chính Phủ VNCH đuợc Chính Phủ Tân Tây Lan và các Hội Đoàn Hồng Thập Tự Thế Giới quyên góp xây dựng Làng Phế Binh ở Thủ Đức, để cấp phát vô thuờng cho những TPB/VNCH đã giải ngũ trở về với đời sống dân sự. Nhờ vậy, ngày 13 - 5 - 1972, gia đình tôi có đuợc một căn nhà ở số 243 đuờng 9, phuờng Phuớc Bình, Quận 9, Saigon. 

Khi ấy, gia đình chúng tôi rất đỗi vui mừng, bởi vì truớc đó, trong đợt tổng công kích Tết Mậu Thân của VC, căn nhà cũ của chúng tôi đã cháy rụi vì trúng đạn pháo kích 81 ly của VC. Và may mắn thay, chúng tôi thoát chết, nhưng sau đó cả gia đình lâm vào cảnh không nhà, lang thang suốt mấy năm sống nhờ ở đậu bà con, và mấy trại tạm cư.

Nay có được căn nhà do Chính phủ VNCH cấp phát, chúng tôi đã dành dụm chắt mót, vun đắp nơi ăn chốn ở, vì nghĩ là sẽ đuợc an cư lạc nghiệp cho đến cuối đời ở Làng Phế Binh Thủ Đức. Nhưng rồi đất nuớc điêu linh, xảy ra cơn biến động 30-4-1975!

Mất nước, mất nhà, sống với nhà cầm quyền VC, và là TPB/VNCH thấp cổ bé họng cùng với khác biệt chánh kiến, gia đình tôi đã không hòa nhập kịp với cuộc sống mới, nên chịu thua thiệt đắng cay để kéo dài đời sống nghèo đói thiếu thốn mọi thứ. Cha già 86 tuổi đau bệnh nằm liệt một chỗ vì tai biến mạch máu não, rồi chờ cho đến lúc kiệt sức chết đi vì thiếu thốn thuốc men.

Bao năm qua rồi, tuởng là quá khứ đã đuợc khép lại, nhưng chúng tôi vẫn không đuợc coi như là “Nguời Dân Bình Thường” trong cuộc sống của một xã hội mới! Gia đình tôi vẫn bị phân biệt đối xử vì quá khứ là TPB-VNCH, đời sống chúng tôi đã khốn cùng lại càng bế tắc hơn nữa, khi chỗ ở cuối cùng, cái nhà hợp pháp của VNCH, nhưng bây giờ lại trở thành bất hợp pháp đối với nhà nuớc xhcn VN!!!

Và, để tuớc đoạt chủ quyền nhà hợp pháp của TPB, nhà cầm quyền đã ra lệnh hoá giá những căn nhà ở Làng TPB Thủ Đức! Những TPB/VNCH nào muốn ở thì phải bỏ tiền ra mua lại căn nhà của mình!

Vì hoàn cảnh chúng tôi quá thiếu thốn không có nổi điều kiện để "hoá giá" cái nhà đang ở, hoặc làm theo lệnh của nhà nuớc cs là phải từ bỏ chủ quyền căn nhà của mình! Đó cái nhà cấp 4 sau bao năm tháng mưa nắng cây gỗ đã mục, phiá sau nhà bếp đã sụp đổ phân nửa, chưa biết khi nào sẽ đè lên con cái. Việc này cũng chưa có tiền để sửa chữa, thì biết lấy đâu ra tiền để mà mua lại căn nhà của chính mình!!!

Sau thời gian dài đưa đơn khiếu kiện, lo lắng chờ đợi mòn mỏi, mất ăn mất ngủ mà nhà cầm quyền vẫn cố tình không giải quyết. Trong khi đó, cuộc sống chúng tôi lúc nào cũng hoảng hốt vì liên tục bị theo dõi, bị quấy nhiễu khám xét hộ khẩu lúc chưa quá nửa đêm, sáng sớm mở cửa ra đã thấy an ninh mật vụ - mặc thuờng phục - ngồi quán nuớc canh chừng, đi ăn sáng cũng bị họ đi theo, thậm chí ra chợ mua rau cũng vẫn bị theo dõi... 

Lâu lâu cứ bị buộc phải nhận "thư mời" lên phuờng, rồi lên quận, làm việc lập biên bản. Lúc làm việc thì có gần chục tên an ninh mật vụ thay phiên nhau xét hỏi vặn vẹo, dọa nạt áp đặt, khép chúng tôi vào những tội danh mà chúng tôi không hề biết là tội gì, làm tôi mệt lã nguời, mất cảm giác, đã có lúc muốn gục xuống, ngất đi truớc bàn làm việc của họ. Tất cả việc khủng bố tinh thần cũng như làm mất thời gia vô cớ, làm cho việc làm ăn tìm sự sống bị gián đoạn liên tục, khiến gia cảnh càng ngày càng khốn khó.

Cuối cùng, vào lúc 15 giờ chiều ngày 29-09-2015, một lần nữa nhà nước CSVN lại muốn lấy cho bằng đuợc cái nhà của chúng tôi, nên cho nhân viên của ban nhà đất Phước Bình - Quận 9, đi cùng tổ truởng an ninh, xuống tận nhà chúng tôi đưa thông báo, hạn là 10 ngày phải lên trình diện ban nhà đất, để làm thủ tục gọi là ký "hợp đồng thuê muớn” lại cái nhà của chúng tôi đã ở từ ngày 13 tháng 5 năm 1972 cho đến hôm nay! 

Thật quá vô lý và bất nhân, gia đình chúng tôi đã không nhận thông báo này, vì biết, khi nhận thông báo, tức là chủ quyền căn nhà bị sẽ bị tuớc đoạt, và gia đình chúng tôi sẽ tan nát, sẽ không còn nhà để ở, sẽ bị Chết, vì không sao có nổi tiền để mà đóng cho nhà nuớc CSVN!

Bị ép vào buớc đuờng cùng, truớc nguy cơ mất đi chỗ ở cuối cùng của gia đình, tôi tha thiết kêu gọi các Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại, các Hội Đoàn Cựu Quân Nhân QL-VNCH, các ngành truyền thông trong và ngoài nước, Hoà Thuợng Thích Không Tánh cùng các chức sắc trong HĐLT vì "Tình Chiến Hữu - Nghĩa Đồng Bào", xin lên tiếng nói khắp thế giới, buộc nhà cầm quyền giữ đúng lời hứa của Nghị Quyết 755, giúp cho gia đình chúng tôi giữ lại đuợc căn nhà. Đồng thời phải nêu rõ trường hợp này cho thế giới biết, để phản đối nhà nước CSNV không được cưỡng chế nhà ở hợp pháp của TPB-VNCH, cũng như không phân biệt đối xử với gia đình họ.

Gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn Quý Vị. Kính chúc mọi người một lòng quang phục quê hương.

Kính Thư

TPB Ngô Duy Thế & gia đình
Nhà số 243, đuờng 9, phuờng Phuớc Bình
Quận 9, Saigon, Việt Nam
Đ.t: 0989 969 253

*

Phỏng vấn của đài TH-SBTN năm 2012

Giấy cấp phát nhà của Chính Phủ VNCH cho TPB-VNCH

Giấy cấp dưỡng của Chính Phủ VNCH cho TPB-VNCH


Nghị Quyết 755 của Nhà Cầm Quyền đương thời.



Thông báo “Ký hợp đồng thuê nhà” lần thứ 3

Gia đình, vợ con:



Cha nằm chờ chết

Đảng cử - đảng bầu - dân khố xơ

Phạm Trần (Danlambao) - Càng sống lâu, người già càng lú lẫn là luật tự nhiên nhưng chuyện đảng Cộng sản Việt Nam cứ mãi tự cử, tự bầu để ăn hết quyền dân không chỉ kéo dài hại nước mà còn phản dân hơn bao giờ hết.

Chuyện này nói lại chỉ bằng thừa và nhàm tai, bực mình nhưng Hội nghị Trung ương 12 của khóa đảng XI từ ngày 05 đến 11 tháng 10/2015 lại cố tình khêu ra cho vết thương chảy máu tiếp. Theo như lối vẽ đường chỉ lối của Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng thì cách thức bầu chọn người vào Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XII, dự trù diễn ra đầu năm 2016, đã biến 175 Ủy viên Chính thức trong tổng số 200 Ủy viên (25 Ủy viên Dự khuyết không được quyền bỏ phiếu) thành những con người máy cho Bộ Chính trị bấm nút bảo sao làm vậy.

Theo nội dung diễn văn khai mạc của ông Trọng sáng ngày 05/10 (2015) thì trong 7 ngày họp, các Ủy viên Trung ương sẽ thảo luận và cho ý kiến các vấn đề:

1) Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2010 - 2020.

2) Công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

3) Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Vấn đề chọn “nhân sự” cho khóa XII là quan trọng hơn cả vì đảng CSVN đang phải vật lộn với giữa “đổi mới kinh tế” và đòi hỏi phải “đổi mới chính trị” để tồn tại.

Đã có nhiều ý kiến trong một số lãnh đạo đảng, các “lão thành cách mạng” và trí thức cấp tiến muốn đảng phải thay chiếc áo độc tài độc đảng bằng chiếc áo “dân chủ”. Họ nói đã đến lúc đảng phải chấp nhận những ý kiến trái chiều và ngồi chung với người ngoài đảng để đoàn kết toàn dân, hòa giải dân tộc thì mới xây dựng được đất nước để đưa dân tộc tiến lên. Nếu không, đất nước và con người Việt Nam sẽ tiếp tục bị bỏ lại sau lưng bởi nhân dân các nước trong khu vực, kể cả hai dân tộc Lào và Kampuchia, từng có qúa khứ chậm tiến và lạc hậu hơn Việt Nam.

Ấy là chưa nói đến hiểm họa bị Tầu “bóp cổ” lúc nào cũng đặt Việt Nam nằm trên thớt Bắc Kinh.

Nhưng những ý kiến chân thực này đã bị các “chiếc loa phường” của Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo và Tổng cục Chính trị Quân đội phủ quyết trước khi nhen nhúm thảo luận trong nội bộ đảng.

Vì vậy, tuy cách chọn nhân sự của Bộ Chính trị khóa XI có khác với tất cả các khóa trước, từ khóa VI thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh năm 1986 đến khóa X thời Nông Đức Mạnh, nhưng những người được chọn kỳ này vẫn phải ưu tiên hàng đầu là tuyệt đối cắm đầu kiên định vào đống bùn “Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh” như họ vẫn làm từ trước.

Lý do ông Nguyễn Phú Trọng buộc lãnh đạo tương lai phải “bảo vệ chủ nghĩa Cộng sản cho đảng có lý do tồn tại” vì đảng đang phải đối phó rất gay gắt với tình trạng suy thoái tư tưởng, không còn tin vào chủ nghĩa Cộng sản và chủ trương, đường lối cầm quyền của đảng đang lan rộng, ăn sâu trong hàng ngũ ngót 4 triệu đảng viên và Lực lượng võ trang, quan trọng nhất là hai lực lượng quân đội và Công an.

Vì vậy, tình trạng gọi là “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” của đảng viên trong mấy năm gần đây đang là nguyên nhân lo tan hàng rã đám của đảng CSVN.

Đảng cũng đã giơ hai tay, hai chân đầu hàng quốc nạn tham nhũng; đạo đức của cán bộ, đảng viên đã rơi xuống vực sâu khiến dân không còn muốn liên hệ gì với đảng nữa.

Đó là lý do tại sao kỳ này ông Trọng muốn làm khác để nắm chắc phần thắng không có đối lập với đảng ngay từ các địa bàn cơ sở.

Ông nói: “Tiểu ban Nhân sự đã thành lập 168 tổ công tác, gồm một số cán bộ của các ban đảng Trung ương làm nhiệm vụ theo dõi, nắm tình hình và chứng kiến việc giới thiệu nhân sự ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. Đến đầu tháng 7/2015, đã có 63 tỉnh, thành phố và 107 ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương thực hiện xong việc giới thiệu nhân sự vòng 1. Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã nghe báo cáo kết quả giới thiệu vòng 1 và cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn nhân sự để giới thiệu vòng 2; về phương pháp, cách làm và việc triển khai thực hiện giới thiệu vòng 2. Trong tháng 8/2015, tất cả các tỉnh, thành phố và ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương đã hoàn thành việc giới thiệu nhân sự vòng 2.” (Tài liệu của Trung ương đảng, 05/10/2015)

Bộ Chính trị tuy chỉ có 16 người, có người tuy có học hàm cấp Tiến sĩ nhưng chỉ sáng trên giấy, lại cầm trịch, lèo lái, chọn người lãnh đạo 90 triệu dân. Đại đa số đảng viên không có tiếng nói hay chẳng có quyền hành gì trong cách chọn lựa này, nói chi đến “quyền làm chủ” chỉ thấy trên giấy của nhân dân.

Vì vậy, ông Trọng đã nói trắng ra: “Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị trình Trung ương kết quả giới thiệu nhân sự qua hai vòng của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Đề nghị Trung ương bám sát Phương hướng và Quy trình công tác nhân sự, nghiên cứu kỹ các phương án giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để thảo luận và đóng góp ý kiến. Căn cứ vào kết quả Hội nghị Trung ương lần này, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc tiếp tục chuẩn bị, hoàn chỉnh các hồ sơ, xem xét những trường hợp cụ thể, hoàn thiện thêm các phương án về nhân sự để Trung ương xem xét, quyết định vào các hội nghị tiếp theo.”

Như vậy, tuy thời gian vào họp Đại hội XII chỉ còn hơn 100 ngày hay 3 tháng là nhiều mà Danh sách Ủy viên Trung ương chuẩn của khóa XII vẫn chưa ngã ngũ. Theo ông Trọng thì chuyện ngổn ngang này sẽ được “quyết định vào các hội nghị tiếp theo” , sau khi Trung ương đã cho ý kiến tại Hội nghị lần này (kỳ 11).

Khi ông Trọng dùng chữ “các”, tức hơn “một” trong câu nói tuy ngắn mà hàm chứa vẫn còn nhiều bất đồng trong cách chọn người cho khóa đáng XII.

Nhưng đảng có mấy phe, bao nhiêu nhóm mà khó khăn đến phút chót như thế? Chưa bao giờ thấy việc chọn người để “bầu”, rất hình thức từ các Đại hội trước, gặp khó khăn, rắc rối như kỳ này.

Tại sao? Phải chăng vì những “tiêu chuẩn” mà chính ông Nguyễn Phú Trọng, hay của phe “đa số” trong số 16 Ủy viên Bộ Chính trị đã đặt ra để chọn các “ứng viên” khóa XII, kể cả Bộ Chính trị và 4 chức danh “chủ chốt”, đã biến thành những dao mã tấu cho đảng đánh nhau nên mới khó khăn, phức tạp như bây giờ?

Tiêu chuẩn cho ai?

Còn nhớ trong Diễn văn Bế mạc Hội nghị Trung ương 11, từ ngày 04 đến ngày 07-5-2015, ông Trọng nói về 3 nhóm tiêu chuẩn đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, được dựa trên cái sườn của Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", theo đó ưu tiên số 1 là: "Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc; có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, làm việc có hiệu quả.”

Thứ 2: “- Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc; dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước. Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ.”

Thứ 3: “- Có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương; có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới; qua thực tiễn thể hiện rõ là người có năng lực, sáng tạo, làm việc có hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công, lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; có ý thức, trách nhiệm và khả năng tham gia thảo luận, đóng góp vào các quyết định chung của Ban Chấp hành Trung ương; đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ.”

Với những điều kiện và tiêu chuẩn chọn người cụ thể này, tất nhiên dân nghe rất khoái lỗ nhĩ. Nhưng nhìn quanh thấy chỗ nào, khe nào, hang nào cũng có cán bộ, đảng viên—nhất là những kẻ có chức có quyền tham nhũng “ăn nhậu” với nhau ngổi chồm hổm giữa giờ làm việc thì dân hơi nghi chả hiểu ông Trọng hay phe “đa số trong Bộ Chính trị 16 người” định soi đèn bắt ai, bỏ ai, hay loại ai trong đám Lãnh đạo bây giờ?

Có lẽ chả ai biết, hay có biết cũng không dám hé răng. Chỉ thấy ông Trọng còn tiết lộ chi tiết chọn “nhân tài” cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và 4 chức danh chủ chốt gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng cũng khá gay gắt và rắc rối.

Bộ chính trị-lãnh đạo chóp bu

Ông nói: “Cũng tại Hội nghị này, lần đầu tiên, Bộ Chính trị trình Trung ương Báo cáo về công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Trên cơ sở tổng kết công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt từ Đại hội VI đến Đại hội XI, cả về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, độ tuổi, quy trình giới thiệu, lựa chọn, kết quả bầu cử các khóa, việc phân công các chức danh chủ chốt, Báo cáo của Bộ Chính trị đã rút ra một số kinh nghiệm, phương pháp, cách làm và kiến nghị với Trung ương những vấn đề cần áp dụng cho khóa này.”

Tuy nói thế nhưng dân và đảng viên vẫn bị ông Trọng bịt mắt. Không ai biết mấy ông bà Bộ Chính trị đã mần chi hay làm ra sao mà giấu kín như mèo giấu “kít”?

Đảng khoe “nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, do dân và vì dân… nhân dân làm chủ” mà đầy tớ của dân là đảng viên lại đóng cửa chia chác miếng ăn với nhau thì ông chủ treo mõm chứ còn gì nữa phải không?

Mọi người chỉ được nghe ông Trọng phán trong Diễn văn hôm khai mạc (05/10/015): “Đề nghị Trung ương tập trung nghiên cứu kỹ Báo cáo của Bộ Chính trị và các tài liệu nhân sự có liên quan để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung này, nhất là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt" đối với Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI tái cử khóa XII; trên cơ sở tiêu chuẩn chung của 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt đã nêu tại Phương hướng công tác nhân sự, Báo cáo đã đề xuất tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), về các phương án lựa chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Thống nhất cao về vấn đề này sẽ là cơ sở rất quan trọng để Trung ương bàn và quyết định nhân sự cụ thể ở các hội nghị Trung ương tiếp theo.”

Lại phải lật chồng hồ sơ Hội nghị Trung ương 11 để nghe ông Trọng nói về những điều kiện được chọn vào Bộ Chính trị.

Ông bảo: “Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những đồng chí thật tiêu biểu của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo quản lý, có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức có tài; đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, còn trong độ tuổi theo quy định và đủ sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ.”

Cứ như điều kiện bình thường và công bằng thì ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 72 tuổi vào lúc Đại hội đảng XII sẽ là người đầu tiên phải rút lui có trật tự. Người cao tuổi kế là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, 70 tuổi vào năm 2016 cũng phải “về nhà chăn gà”. Kế đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng tuổi 65 vào năm 2016 thì không về vườn thì đi đâu?

Thế nhưng thật tréo cằng ngỗng khi thấy ông Trọng nêu ra 3 độ tuổi cho Ủy viên đảng khóa XII, theo đó ông cho biết: “Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên). Trường hợp đặc biệt cần phải cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng.”

Như thế là ông đã tự tay mở cánh cửa cho cả 4 chóp bu hiện hành (Trọng-Sang-Hùng-Dũng) có đường ở lại còn gì nữa phải không?

Nhắm vào con chim nào?

Nhưng nếu ở lại thì ở đâu, làm gì thì chỉ có các Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đảng biết và “rỉ tai” với nhau cho thuận tình, đẹp nghĩa đồng chí mí nhau mà thôi, chả ai dám chia chác.

Chỉ biết ông Trọng cũng rất quyết liệt trong phần kết luận Diễn văn Kỳ họp Trung ương 11, khi ông gằn giọng lưu ý: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị; không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.”

Khi nghe ông Trọng nói hăng như thế, uy tín ông lên tận mây xanh trong dư luận nhưng nhiều con mắt lại dồn về phía ông Thủ tướng Dũng và ông Chủ tịch Sang để xem hai ông phản ứng ra sao.

Ông Dũng thì bình chân như vại. Ông Sang nói nhiều đến chống tham nhũng phải thế này thế nọ được dân Sè Goòng vỗ tay đôm đốp. Còn ông Hùng thì cứ âm thầm làm việc, chậm chạp mà đi cho vững theo đúng chính sách của người xứ Nghệ An, quê hương của dòng họ Cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh ông Hồ Chí Minh, chả việc gì mà ồn ào.

Tuy nhiên, vì chưa biết gió sẽ thổi vào Việt Nam từ hướng nào trong năm 2016, nhưng ai cũng biết Việt Nam sẽ đón 2 ông khách Quốc tế nặng ký đến thăm trước ngày khai mạc Đại hôi XII. Đó là Tổng thống Mỹ Barack Obama dự trù ghé thăm vào tháng 11/2015, sau Hội nghị APEC ở Manila, Phi Luật Tân.

Người thứ hai là ông láng giềng, tuy thân nhưng nhiều mưu mẹo hiểm độc có tên là Tập Cận Bình, Lãnh tụ của Trung Quốc đang kiểm soát Hoàng Sa và đe dọa chiếm nốt các bãi san hô còn lại ở Trường Sa là hai quần đảo của Việt Nam.

Vì vậy, chuyện gì xảy ra tại Hội nghị 12, kết thúc ngày 11/10/2015, vẫn chưa rõ ràng. Chỉ có điều rõ nhất mà em bé 6 tuổi ở Việt Nam cũng đã thấy, đó là nếu đảng cứ tự cử, tự bầu và tự chia nhau ăn hết thì nhân dân trơ khố là chuyện hiển nhiên. -/-

(10/015)