Sunday, October 11, 2015

Sợ ‘phản động’ kích động, công an khởi tố vụ Đỗ Đăng Dư

HÀ NỘI (NV) - Công an Hà Nội đã khởi tố vụ “cố ý gây thương tích” trong tại tạm giam số 3, khiến Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, ngụ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội thiệt mạng. 


Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, chết ngày 10 Tháng Mười, 2015 sau hai tháng bị
“tạm giam” với nhiều dấu tích nhục hình. (Hình: FB Thúy Nga)
Nạn nhân chết vào chiều ngày 10 Tháng Mười, 2015, quyết định khởi tố được công bố vào sáng ngày 11 Tháng Mười, 2015. Đây có lẽ là lần đầu tiên một vụ tử vong vì bị đánh trong trại giam được khởi tố nhanh chóng như vậy. Đó cũng là lý do khiến người ta tin rằng, sự giận dữ của công chúng thể hiện cả trên mạng xã hội lẫn trong thực tế (những người bất bình đã cùng than nhân nạn nhân biểu tình) khiến công an không dám chậm trễ.
Kể từ ngày 5 Tháng Mười, nhiều Facebooker đã lên tiếng kêu gọi công chúng hỗ trợ thân nhân của Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, đòi công lý.
Hồi đầu Tháng Tám, Dư bị công an tạm giam với cáo buộc đã trộm hai triệu đồng của hàng xóm. Sau hai tháng tạm giam Dư, công an gọi điện thoại báo cho thân nhân của thiếu niên này là cậu bị bệnh, đang được điều trị tại bệnh viện quận Hà Đông.
Khi thân nhân của Dư đến nơi thì công an không cho tiếp xúc và bảo cậu đang ngủ. Hôm sau, Dư được chuyển từ bệnh viện quận Hà Đông đến bệnh viện Bạch Mai. Sợ thân nhân của Dư gây ồn ào, công an đã tìm mọi cách để ngăn chặn họ tiếp xúc với cậu. Sau những khoảnh khác ngắn ngủi tìm cách tiếp cận Dư, thân nhân của Dư phát giác, thân thể Dư có nhiều vết bầm tím, cậu đã hôn mê sâu, hoàn toàn bất động, mắt đứng tròng, cơ thể tiết ra dịch vàng, ruồi, kiến bu đầy người. Lúc đó, thân nhân của Dư tin rằng, nếu cậu chưa chết thì cũng khó sống...
Chết khi đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc giam để thi hành án phạt tù vốn là một vấn nạn nghiêm trọng tại Việt Nam, khiến dân chúng căm phẫn tới mức Quốc Hội Việt Nam phải tổ chức “giám sát” nhưng mức độ nghiêm trọng vẫn không giảm. Từ đầu năm đến nay, Dư là người thứ 11 chết khi đang bị công an giam.
Cũng vì vậy, những người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam kêu gọi nhau phải phản ứng mạnh mẽ hơn. Một Facebooker tên là Đoàn Bảo Châu, nhấn mạnh, đồng lòng chống lại cái ác trong vụ Đỗ Đăng Dư là ngăn chặn những việc đau lòng tương tự trong tương lai.
Phản ứng mạnh mẽ của công chúng khiến công an Hà Nội phải làm cùng lúc nhiều việc. Chuyện đầu tiên là cung cấp thong tin cho báo chí để “giải độc dư luận.” Tờ An Ninh Thủ Đô của công an Hà Nội và tờ Tiền Phong có tin chi tiết, tường thuật Dư chết do bị một bạn tù tên là Vũ Văn Bình đánh bởi rửa chén không sạch.




Mẹ của Đỗ Đăng Dư khi nhận được tin con uổng mạng.
(Hình: facebook Đoàn Bảo Châu)
Chuyện thứ hai là tổ chức gặp gỡ thân nhân và luật sư tình nguyện hỗ trợ cho than nhân của Dư đòi công lý. Thân nhân của Dư được khuyến cáo là cần “bình tĩnh,” không để các thế lực “thù địch, phản động,” kích động. Kết quả giám định pháp y sau khi Dư tắt thở xác định, Dư chết vừa do một đốt sống cổ bị tổn thương, máu không được đưa lên não, vừa bị chấn thương não, phù não.
Công an Hà Nội cũng cam kết sẽ điều tra về trách nhiệm của công an trại tạm giam số 3 khi để xảy ra tình trạng Dư bị đánh rồi thiệt mạng. Tuy nhiên vấn đế không chỉ có thế.
Ông Trần Thu Nam, luật sư tình nguyện hỗ trợ cho thân nhân của Dư nhận định, việc tạm giam Dư có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, lẽ ra khi Dư còn vị thành niên, việc hỏi cung Dư phải có cha mẹ hoặc người giám hộ chứng kiến nhưng từ khi Dư bị bắt cho đến ngày thân nhân được báo tin cậu “bệnh,” thân nhân của Dư không hề được gặp cậu.

Thậm chí họ còn tin rằng cậu chỉ bị đưa vào “trường giáo dưỡng” (nơi giáo dục những trẻ vị thành niên phạm các tội ít nghiêm trọng) chứ không biết Dư đã bị khởi tố hay chưa. (G.Đ)
10-11- 2015 2:06:46 PM

Lào Cai ngập nặng vì Trung Quốc đột nhiên xả lũ

LÀO CAI (NV) - Tuy trời rất tốt, không hề có mưa nhưng nước sông Hồng, đoạn chảy qua thành phố Lào Cai đột ngột dâng cao khiến thành phố Lào Cai bị lụt.


Thành phố Lào Cai bị lụt nặng vì lũ đột ngột dâng cao do phía Trung Quốc
xả nước để bảo vệ các hồ chứa nước. (Hình: Tuổi Trẻ) 
Báo chí Việt Nam cho biết, sáng Chủ Nhật, 11 Tháng Mười, 2015, dân chúng thành phố Lào Cai hết sức bất ngờ khi mực nước trên sông Hồng, đoạn chảy qua thành phố Lào Cai đột ngột dâng lên khoảng 1.5 mét. Những người cư trú ở thành phố Lào Cai khẳng định, chưa bao giờ họ thấy lũ lên nhanh và sức nước dữ dội đến như vậy.
Tờ Tuổi Trẻ mô tả, do nước sông Hồng, đoạn chảy qua thành phố Lào Cai đột ngột dâng cao, không chỉ các bãi ở giữa sông chìm sâu dưới nước mà ruộng vườn ở hai bên bờ sông cũng bị nước nhấn chìm. Do sức nước rất mạnh, nên rác, củi, các loại thùng phi bằng nhựa, bằng sắt, nổi đẩy mặt sông, ca nô, thuyền bị lật úp và tất cả theo dòng nước cuồn cuộn trôi về hướng hạ lưu.
Ông Lưu Minh Hải, giám đốc Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Lào Cai, cho biết, cách nay vài ngày, khu vực Lào Cai có mưa liên tục nhưng vũ lượng không cao nên chỉ có lũ nhỏ tại các sông, suối. Sở dĩ nước trên sông Hồng, đoạn chảy qua thành phố Lào Cai đột ngột dâng cao là vì tại Trung Quốc có mưa lớn và vì vậy phải xả nước khỏi các hồ chứa nước ở phía thượng nguồn.
Ông Hải xác nhận, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc có thông báo xả lũ ở vị trí cách Lào Cai khoảng 200 cây số với lưu lượng 2,500 m3/s, kể từ 1 giờ sáng chủ nhật ngày 11 Tháng Mười, 2015.
Theo ông Hải thì các loại thùng phi, thuyền bè bị cuốn trôi về phía hạ lưu là của các doanh nghiệp đang thi công kè sông Hồng phía Việt Nam và của các doanh nghiệp vận tải đường sông.
Sự kiện vừa kể cho thấy, ẩn họa từ các đập thủy điện mà Trung Quốc ồ ạt xây dựng ở thượng nguồn sông Hồng và thượng nguồn Mekong rõ ràng có thể trở thành những đại thảm họa đối với cả miền Bắc lẫn miền Nam Việt Nam vào bất kỳ lúc nào.
Cách nay nhiều năm, giới khoa học đã liên tục cảnh báo về các ẩn họa này nhưng chính quyền Việt Nam không làm gì cả. Thậm chí bất chấp các khuyến cáo, chính quyền Việt Nam còn xây dựng thêm thủy điện Sơn La trên sông Đà (một phụ lưu của sông Hồng) khiến mức độ nghiêm trọng của các ẩn họa trở thành lớn hơn.
Đến nay 15 công trình thủy điện mà Trung Quốc xây dựng ở thượng nguồn song Hồng và sông Mekong đã “điều tiết” khoảng 30 tỷ mét khối nước, khiến các đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long tại Việt Nam thiếu nước trầm trọng vào mùa khô (vì các công trình thủy điện của Trung Quốc tích nước để chạy máy phát điện) và ngập lụt nghiêm trọng vào mùa mưa (vì các công trình thủy điện của Trung Quốc xả nước để bảo vệ các hồ chứa nước). (G.Đ)
10-11-2015 2:14:29 PM 

Trung Quốc xả lũ, 
nước sông Hồng tại Hà Nội có thể lên 3,4m

TTO - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo mực nước hạ lưu sông Hồng sẽ lên. Đến 7 giờ ngày 13-10 mực nước sông Hồng tại Hà Nội có khả năng lên mức 3,40m.
Đường Nguyễn Huệ gần cửa khẩu Quốc tế Lào Cai ngập trong nước sáng 11- 10  - Ảnh: Phạm Ngọc Triển
Đường Nguyễn Huệ gần cửa khẩu Quốc tế Lào Cai ngập trong nước sáng 11- 10  - Ảnh: Phạm Ngọc Triển
Trước thông tin Trung Quốc xả lũ gây lũ đột ngột ở thượng nguồn sông Hồng, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết đến 14g ngày 11-10, mực nước sông Hồng tại Lào Cai lên nhanh và đạt đỉnh ở mức 81,41m, dưới mức báo động (BĐ) 2 0,59m. 
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo do lũ đầu nguồn vẫn tràn về nên mực nước sông Hồng tại Yên Bái và Phú Thọ sẽ lên lại. Lũ trên sông Thao tiếp tục lên, đến sáng 12-10, mực nước tại Yên Bái có khả năng ở mức 31,70m (dưới báo động 3:0,3m).
Đặc biệt, bản tin dự báo thủy văn ngắn hạn phát lúc 21g30 của trung tâm dự báo mực nước hạ lưu sông Hồng sẽ lên. Đến 7 giờ ngày 13-10 mực nước sông Hồng tại Hà Nội có khả năng lên mức 3,40m.
Theo ông Đào Trọng Tứ - cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, lũ lên nhanh và dữ dội tại Lào Cai có nghĩa là lượng nước từ thượng nguồn sông Hồng xả về rất lớn.
Việc xả nước gây lũ đột ngột có thể do thượng nguồn sông Hồng có mưa lớn, cũng có thể do xả lũ các hồ chứa thủy lợi và đập thủy điện ở phía Trung Quốc.
Theo TS Đào Trọng Tứ, Cơ quan khí tượng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thông báo xả lũ trên thượng nguồn sông Hồng, cách Lào Cai 200km với lưu lượng 2.500 m3/giây, bắt đầu từ 1g sáng 11-10. Đây là lưu lượng xả lũ khá lớn.
Suối Ngòi Đum thuộc phường Bắc Cường (TP Lào Cai) ngập mênh mông nước - Ảnh: Phạm Ngọc Triển
Suối Ngòi Đum thuộc phường Bắc Cường (TP Lào Cai) ngập mênh mông nước - Ảnh: Phạm Ngọc Triển
Nước sông dang cao ở Bến thuyền hút cát xã bản Vược, Huyện Bát Sát, Lao Cai. Ảnh: Phạm Ngọc Triển
Nước sông dang cao ở Bến thuyền hút cát xã bản Vược, Huyện Bát Sát, Lao Cai. Ảnh: Phạm Ngọc Triển
11/10/2015 22:43
T.PHÙNG - X.LONG - HỒNG THẢO

Đừng để cả dân tộc bị định kiến oan

TTO - Ăn cắp là làm nhục quốc thể. Chỉ có một số người làm xấu mà cả dân tộc phải bị định kiến oan. Xin đừng làm xấu hình ảnh người Việt Nam nữa...

   Cảnh báo "Ăn cắp là phạm tội" của Sở cảnh sát Omya Higashi (tỉnh Saitama) đặt trong siêu thị Nhật - Ảnh tư liệu
Cảnh báo "Ăn cắp là phạm tội" của Sở cảnh sát Omya Higashi (tỉnh Saitama) đặt trong siêu thị Nhật - Ảnh tư liệu
Tiếp viên hàng không VN bị nghi mang lậu điện thoại, tiêu thụ mỹ phẩm từ đường dây ăn cắp, rồi đến phi công VN bị Nhật tạm giữ vì mua đồ quên trả tiền…
Hai người Việt ăn cắp mắt kính tại Thụy Sĩ, giám đốc ra nước ngoài ăn cắp  một cây dù, ăn buffet xong gói thêm bánh ngọt vào giỏ…
Có những nơi dòng chữ cảnh báo ăn cắp được ghi hẳn bằng tiếng Việt, thông báo về mức phạt, báo cả chuyện camera chống trộm đang hoạt động.
Những câu chuyện đáng xấu hổ về sự không trung thực của người Việt khi sang nước ngoài một lần nữa làm nhiều người bức xúc bởi hình ảnh của người Việt đang bị làm xấu trong mắt bạn bè quốc tế.
Tiếng dữ đồn xa
PGS.TS Đoàn Lê Giang (ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) chia sẻ thông tin theo thống kê của Cảnh sát Nhật Bản năm 2014 thì người Việt Nam phạm tội ở Nhật đứng thứ hai, chỉ sau Trung Quốc. Trong số các tội người Việt phạm phải thì ăn cắp chiếm đa số, nhất là ăn cắp trong cửa hàng, siêu thị…
“Nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế rất xấu”, PGS.TS Đoàn Lê Giang nhận định.
“Ăn cắp là hành vi vô đạo đức, không thể chấp nhận được. Ăn cắp không phụ thuộc vào chuyện anh giàu hay nghèo, địa vị anh ra sao, có khi ăn cắp những thứ chẳng đáng gì. Như cái tật vậy” - đó là ý kiến của Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh.
Bằng trải nghiệm của mình, PGS.TS Đoàn Lê Giang nhận định trong con mắt của rất nhiều người dân và cảnh sát nước ngoài, người Việt Nam chưa được đánh giá cao vì không biết phép lịch sự nơi công cộng, ăn ở mất vệ sinh trong khách sạn, nhà trọ, ký túc xá, hay lãng phí của cải của người khác và nhất là hay ăn cắp.
Theo PGS.TS Đoàn Lê Giang, về cơ bản thì người Việt Nam không như vậy, người Việt Nam vẫn được đánh giá cao là nhanh nhẹn, thông minh, cần cù, nghiêm túc, có tinh thần cố gắng, sống tình cảm.
TS Lý Tùng Hiếu (khoa Văn hóa học, ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) nhận xét dù chỉ một, hai hành động xấu của người Việt Nam ở nước ngoài cũng có thể làm người nước ngoài nghĩ xấu về người Việt Nam nói chung.
“Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, chỉ có một số người làm xấu mà cả dân tộc phải bị định kiến oan!”, PGS.TS Đoàn Lê Giang nhận xét.

   Hai người Việt lấy cắp mắt kính tại Thụy Sĩ
Hai người Việt lấy cắp mắt kính tại Thụy Sĩ
Pháp luật cần nghiêm trị
“Đó là cuộc đấu tranh với chính bản thân mình, nếu không chiến thắng sự tham lam của bản thân thì sẽ dẫn đến hành vi ăn cắp”- GS Ngô Đức Thịnh nhận định.
Đánh giá nguyên nhân, PGS.TS Đoàn Lê Giang cho rằng trước hết là người Việt Nam đi ra nước ngoài ngày càng nhiều: xuất khẩu lao động, kết hôn, du lịch, công tác….thành phần phức tạp, vì vậy tỷ lệ tội phạm cũng tăng.
Bên cạnh đó, trình độ dân trí thấp, nhiều người còn thói quen tùy tiện trong ăn uống, sinh hoạt, ứng xử ...
Riêng về thói ăn cắp, theo PGS.TS Đoàn Lê Giang thì có thể do hoàn cảnh nghèo khó, do giáo dục gia đình không kỹ, kỷ luật, hình phạt không nghiêm... và cũng có thể có nguyên nhân sâu xa từ xa xưa: dân mình nghèo khổ bị áp bức, bóc lột lâu đời, nên lấy của người giàu, lấy của ông chủ ngoại quốc… không bị coi là xấu?
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng giáo dục trong gia đình rất quan trọng.
TS Lý Tùng Hiếu cũng thống nhất quan điểm rằng nguyên nhân sâu xa của thói ăn cắp là giáo dục, quan trọng nhất là giáo dục từ gia đình.
Những bài học về việc không được lấy của ai cái gì, kể cả trong nhà, nếu vật đó cha mẹ dặn không được ăn, không được đụng vào thì cũng phải nghe lời… sẽ hình thành nên bản lĩnh và bồi đắp nhân cách cho một con người.
Chỉ khi nhân cách đủ vững vàng thì mới vượt qua được cám dỗ của lòng tham, chiến thắng chính bản thân mình trong cuộc đấu tranh “lấy hay không lấy”, giáo sư Ngô Đức Thịnh chia sẻ.
“Những hành vi tham vặt đã xuất hiện từ khi còn rất nhỏ, trong mối quan hệ với gia đình và xóm giềng xung quanh. Gia đình thường vô thức bỏ qua những hành vi sai trái của con trẻ, ví dụ dung tha cho những hành động như lấy bánh trái trong ngày giỗ... Trẻ từ đó không có ý thức về vị trí của bản thân và quyền lợi của người khác, từ đó có thể hình thành hành vi ăn cắp trong vô thức” - TS Lý Tùng Hiếu nhận định.
TS Lý Tùng Hiếu cho rằng khi giá trị đạo đức hay ý kiến dư luận không còn sức tác động nữa thì pháp luật là thành trì cuối cùng để răn dạy người ta.
“Nếu thế thì pháp luật phải nghiêm", ông Hiếu bày tỏ.
TS Đoàn Lê Giang kết luận nếu không có một chương trình giáo dục và kỷ luật nghiêm khắc có tính quốc gia thì thói hư tật xấu khó mà bỏ được.

   Người Việt bị bắt ở Thái Lan vì ăn cắp đồ trong trung tâm mua sắm
Người Việt bị bắt ở Thái Lan vì ăn cắp đồ trong trung tâm mua sắm
Đừng làm xấu hình ảnh người Việt Nam nữa
Hàng ngàn bạn đọc VN đau lòng trước các thông tin về người Việt sang nước ngoài bị bắt giữ do "cầm nhầm" đồ đạc của nơi bán.
Chị Vũ Như Mai (Q.3, TP.HCM) cho biết mình rất xấu hổ khi đọc thông tin người Việt ăn cắp tại nước ngoài. Chị thắc mắc vì sao đôi khi giá trị món đồ rất nhỏ, chẳng là gì so với thu nhập, địa vị của người lấy trong xã hội, sao vẫn để mang tiếng ăn cắp.
“Ăn cắp là hành vi làm nhục quốc thể. Dù chỉ một người Việt ăn cắp nhưng người nước ngoài nhìn vào sẽ đánh đồng đó là người Việt Nam”, chị Mai bức xúc.
Một bạn đọc chia sẻ thông tin ở Nhật nhà hàng, nhà vệ sinh và siêu thị viết tiếng Việt Nam để nhắc nhở người Việt trong chuyện lấy thức ăn, giữ vệ sinh công cộng và đừng ăn cắp đồ.
Lý giải vì sao nhiều nơi ở nước ngoài lại ghi bảng cảnh báo bằng tiếng Việt, chị Như Mai cho rằng chính vì một số người Việt xấu xí đã làm người ta định kiến rằng người Việt có tật ăn cắp.
Một số bạn đọc đề xuất nên đưa hành vi ăn cắp ở nước ngoài vào tội làm nhục quốc thể và cấm xuất ngoại có thời hạn, hoặc thậm chí đuổi việc và truy tố hình sự.
12/10/2015 06:30
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

Bài toán 'ngập nước' ở TP.HCM bao giờ mới giải?

ngap nuoc, Sai Gon ngap nuoc, ho ngam

Nhiều hộ dân ở Khiếu Năng Tĩnh (P.An Lạc, Q.Bình Tân) vẫn còn ngập nặng mỗi khi mưa lớn

Mỗi khi có những trận mưa lớn, Sài Gòn lại chìm trong biển nước. Những hình ảnh ngập lụt, tắc đường trên phố được chia sẻ rầm rộ trên các trang báo, mạng xã hội. Và mỗi lần như thế, người dân lại thầm hỏi: "Sài Gòn bao giờ hết ngập?".

Sài Gòn ngập lắm, Sài Gòn ơi...
Sau trận mưa lớn vào ngày 15.9, nhiều tuyến đường ở TP.HCM rơi vào tình trạng ngập nặng, giao thông hỗn loạn và cuộc sống của nhiều hộ dân bị đảo lộn. Những tuyến đường ngập nặng như đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) có đoạn ngập gần 1m, cầu vượt vòng xoay Cây Gõ (Q.6 và Q.11), Điện Biên Phủ… tình trạng mưa lớn kéo dài đã gây nên kẹt xe hàng loạt, các phương tiện nhích từng chút một trên đường. 
Đoạn từ gần vòng xoay Phú Lâm đến Bến xe miền Tây, nhiều tuyến đường kẹt xe nghiêm trọng như cầu vượt Hàng Xanh, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu (Q.3)… Đặc biệt ở cầu vượt Hàng Xanh giao thông gần như tê liệt trong nhiều giờ liền và phải đến 22 giờ cùng ngày các phương tiện mới được lưu thông thuận lợi. 
ngap nuoc, Sai Gon ngap nuoc, ho ngam
Nhiều vật dụng trong nhà bị nhấn chìm trong nước,
dịch bệnh sốt xuất huyết là điều đáng lo ngại hiện nay. 
Người dân Sài Gòn đã quen với việc ngập nước nên nhiều gia đình đã tự chống ngập “dã chiến” bằng cách dùng bao tải cát làm đê bao che chắn trước cửa để tránh nước tràn vào nhà, xả bần, dùng máy bơm nước ra ngoài… Thế nhưng, đây chỉ là những giải pháp tạm thời, còn để chống ngập triệt để thì phải “nhờ” các cơ quan quản lý. Mấy năm qua cứ tới mùa mưa là người dân sống quanh khu vực đường Ấp Chiến Lược (Q. Bình Tân) lại lao đao. 
Đây được coi là khu vực chịu ảnh hưởng ngập nặng nề nhất, lần ngập kỷ lục lên đến hơn 0,5m, trẻ con không được ra khỏi nhà vì sợ “đuối nước”, việc sinh hoạt của các hộ dân ở đây trở nên khó khăn vì thiếu nước sạch. “Mùa này chỉ đổi, bán nước sạch là đắt vì nhà nào cũng thiếu nước sạch dùng, tôi cũng không dám lấy hàng về bán nhiều vì ngập và ẩm thấp như thế này hàng hóa dễ bị hư hỏng” - chị Huê bán tạp hóa cho biết. Theo số liệu báo cáo của Sở GTVT TP.HCM về trận mưa “lịch sử” xảy ra chiểu 15.9 “có 72 tuyến đường bị ngập với độ sâu từ 0,1m - 0,6m”. Đại diện Sở GTVT nhận định: “Lượng mưa ngày 15.9 vừa qua lớn từ 92 - 142 mm, triều dâng 1,4m, trong khi các tuyến cống thoát nước của thành phố được thiết kế, xây dựng ứng với nước triều là 1,32m và cống cấp 1 cũng “chịu được” mưa cao nhất chỉ gần 96mm. Cả hai yếu tố này đều vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước hiện hữu của thành phố”. 
Làm hồ điều tiết ngầm
Hơn chục ngày qua, nhiều tuyến đường ở phường An Lạc (Q.Bình Tân) vẫn bị nước bao vây khiến sinh hoạt hàng ngày của người dân gặp nhiều khó khăn. Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay chính là nước sạch. Việc thiếu nước sinh hoạt sau ngập lụt là vấn đề đầy nan giải bởi lẽ đa số các giếng, hồ bị ùn ứ rác và ô nhiễm khiến nhiều hộ dân phải mua nước sạch để sinh hoạt. Và cũng chính việc thiếu nước sạch, tình trạng ứ đọng rác gây ô nhiễm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân, đặc biệt khi đang mùa dịch sốt xuất huyết. Và để giảm ngập và ngăn chặn những điểm ngập mới phát sinh, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM đang triển khai đồ án quy hoạch xây dựng 103 hồ điều tiết với tổng diện tích khoảng 875ha. 
ngap nuoc, Sai Gon ngap nuoc, ho ngam
 Việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày của người dân gặp nhiều
khó khăn.
Theo ông Hà Minh Châu, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu TP.HCM, chính quyền thành phố chọn địa bàn Q.4 để thi công thí điểm công trình hồ điều tiết Khánh Hội để giảm ngập úng khi mưa lớn. Hiện UBND Q.4 đang đề xuất ghi vốn để triển khai trong năm 2015. Một số hồ khác như hồ Thủ Thiêm (thuộc quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm, Q.2), hồ Gò Dưa (Q.Thủ Đức), hồ Bàu Cát (Q.Tân Phú) cũng dự kiến khởi công cuối năm 2015. 
Một điểm đáng chú ý là các hồ điều tiết này có thể được thi công dạng hồ ngầm và có thể tận dụng không gian bên trên các hồ điều tiết chứa nước mưa để làm công viên, khu vui chơi giải trí... Còn theo nhận định của nhiều chuyên gia, để thực hiện việc chống ngập đến năm 2020, TP.HCM đang cần thêm 66.820 tỉ đồng. Và trong lúc đợi các hồ điều tiết được triển khai cũng như chờ thêm vốn để thực hiện việc giảm ngập thì người dân Sài Gòn vẫn ngậm ngùi sống chung với ngập lụt.
 
Thu Hiền - Lâm Vi / Duyên dáng Việt Nam

Ngập do đô thị hóa: Gậy ông đập lưng ông

Đăng Bởi  - 

chong ngap, do thi hoa, ngap nuoc
Ngập trên đường Ấp Chiến Lược (Q. Bình Tân). Ảnh: Thu Hiền - Lâm Vi.

Tại TP.HCM, ngập nước dường như là chuyện thường ngày bởi nó diễn ra quá nhiều, quá lâu, đến nỗi người ta quá quen thuộc. Kêu trời trời không thấu, cứ mưa xuống là đường phố biến thành sông. Kêu đất đất không nghe bởi giờ toàn là xi măng, bê tông chẳng những không thấm, thoát được nước mà còn tắc nghẽn vì rác thải cũng như tình trạng lấn chiếm san lấp kênh rạch thu hẹp dòng chảy do quá trình đô thị hóa.

Bầu làm, bí chịu… 
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến ngập nước như biến đổi khí hậu, lún nền, cơ sở hạ tầng yếu kém… thì đô thị hóa là một trong những nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất. Đây là hệ quả của quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát, để xảy ra tình trạng san lấp kênh rạch, vùng chứa nước... dẫn đến tình trạng mực nước đỉnh triều tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Trong khoảng thời gian 30 năm đổ lại đây, trung bình mực nước biển tăng mỗi năm 0,5cm, thì tốc độ dâng của mực nước trên sông lại là 1,5cm. 
Đó là hậu quả của việc con người can thiệp vào thiên nhiên, lấn đẩy nước ra ngoài sông qua quá trình bao đê, làm thủy lợi. Bên cạnh đó, công tác quản lý đô thị, quản lý hệ thống tiêu thoát nước cũng còn nhiều bất cập như nâng đường để tình trạng cống cao hơn hẻm… cũng như tình trạng lấn chiếm kênh rạch thoát nước, xả rác, bùn thải... vào hệ thống thoát nước cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ngập nước. Với diện tích đô thị hóa là 650 km2, dễ nhận thấy thành phố ngày càng phát triển với rất nhiều công trình xây dựng nhà ở, cao ốc văn phòng, khu vui chơi, giải trí… 
Đó là điều đáng mừng, song nhiều chuyên gia chống ngập cho rằng đô thị hóa nhưng chưa đi kèm với công tác chống ngập một cách đồng điệu, hiệu quả, không có sự phối hợp giữa thiết kế và thi công. Người xây nhà cứ hùng hục xây, người san lấp kênh cứ chăm chăm san lấp và người chống ngập cứ miệt mài với nước ngày càng dâng cao. Theo TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐHQG TP.HCM), nguyên nhân chính khiến thành phố ngập ngày càng nặng là do quá trình đô thị hóa không hợp lý, bê tông hóa thiếu kiểm soát, tự phát và chủ quan. 
Trong một bài trả lời phỏng vấn với báo chí, ông Phi nêu quan điểm: “Dường như vấn đề chống ngập không được xem là trách nhiệm chung để phối hợp thế nào cho tốt nhất. Nếu những người làm công tác đô thị hóa nghĩ đến trách nhiệm của mình trong vấn đề ngập nước thì họ đã có giải pháp cho thứ họ tạo ra. Đằng này, ai cũng cho đó là chuyện của người khác, không phải việc của mình. Ngập sẽ có ông A, B, C nào đó giải quyết, không phải việc của mình...”. 
Đau đầu giải pháp chống ngập
Một trong những giải pháp được cho là đơn giản nhất, mang tính ủng hộ tinh thần đó chính là thay đổi tư duy trong công tác chống ngập. Trước hết chính là thái độ tích cực từ người dân trong việc ý thức bảo vệ môi trường, dừng ngay hành động xả rác bừa bãi tránh việc rác trôi vào miệng cống gây tắc nghẽn. Khi nào tất cả mọi người xem việc chống ngập là trách nhiệm chung, tiền ngân sách từ túi tiền chung thì may ra hạn chế được phần nào tình trạng ngập. 
Nói giải pháp trên mang tính ủng hộ tinh thần bởi đây là câu chuyện vĩ mô mà kinh phí là bài toán nan giải. Được biết, gần đây TP.HCM có công văn gửi Thủ tướng xin ngân sách mấy chục ngàn tỉ đồng cho việc chống ngập. Trong khi vấn đề chống ngập không chỉ riêng tại TP.HCM mà Hà Nội, Đồng Nai, thậm chí Đà Lạt, Buôn Ma Thuột cũng có tình trạng ngập và dĩ nhiên phải có ngân sách cho chống ngập cho những tỉnh này. Đây thực sự là bài toán khó cho cấp Trung ương trong việc cân đối ngân sách chứ không còn là vấn đề của riêng TP.HCM nữa. 
Đến nay, TP.HCM đã đầu tư gần 30.000 tỉ đồng cho công tác chống ngập. Riêng năm 2015, ngân sách TP.HCM cho việc chống ngập là 650 tỉ đồng. Con số này nghe có vẻ lớn nhưng thực chất như muối bỏ bể. Số tiền này chỉ đủ cho công tác chống ngập, nạo vét… còn tiền xây mới hoàn toàn dựa vào ngân sách, dựa vào nguồn vốn ODA. Mà trong khoảng thời gian từ 2004 - 2015 chưa có thêm một dự án ODA nào mới cam kết vì những cái cũ chưa xong. Những cái cũ đó là Nhiêu Lộc - Thị Nghè mới hoàn thiện vào năm 2012, Tân Hóa - Lò Gốm hoàn thiện năm 2014. 
Vốn đầu tư cho các dự án chống ngập hiện chính là điểm nghẽn lớn nhất, chưa thấy lối ra. Một trong những giải pháp căn cơ được thành phố đề ra là thực hiện quy hoạch các hồ điều tiết với 103 hồ lớn nhỏ trên địa bàn để hỗ trợ thoát nước. Trước mắt sẽ thực hiện thí điểm 3 hồ, gồm hồ Gò Dưa (95 ha), hồ Khánh Hội (4,8 ha), hồ Bàu Cát (0,4 ha). Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Sứng, giảng viên khoa Môi trường, Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, một trong những biện pháp hiện nay đang nghiên cứu triển khai là áp dụng mô hình hệ thống thoát nước bền vững, giảm lượng nước mưa đổ vào cống hoặc làm chậm dòng chảy vào cống, như xây dựng các hồ điều hòa, tăng mảng xanh đô thị, tăng diện tích thấm nước trên các vỉa hè, xây dựng các hồ chứa nước mưa để tái sử dụng trong các công trình xây dựng... 
Ông Sứng cho rằng đây là các giải pháp mang tính bền vững, chủ động ứng phó với sự thay đổi của thời tiết. “Công tác thoát nước, chống ngập sẽ đạt hiệu quả cao khi có sự tham gia của tất cả người dân và các tổ chức chính trị, xã hội. Chừng nào chúng ta vẫn coi công tác thoát nước chống ngập là của ngành nước thì tình trạng ngập lụt sẽ còn xảy ra, và có thể sẽ ngày càng diễn biến phức tạp hơn” - thầy Nguyễn Văn Sứng nhấn mạnh.
Thảo Hương / Duyên dáng Việt Nam

Vụ cháy tòa nhà CT4A Xa La: Chậm tý nữa là 3 người chúng tôi chết ngạt

12/10/2015 12:37

(NLĐO)- Sáng 12-10, 1 cư dân cao ốc CT4A, khu đô thị Xa La (Hà Nội) chưa hết bàng hoàng cho biết vừa ra tới cửa đã thấy khói đen khét lẹt bít kín lối đi... và chậm tý nữa thì cả 3 người đã bị chết ngạt.


Người dân đã được lên nhà lấy đồ đạc xuống sau vụ cháy cao ốc này
Người dân đã được lên nhà lấy đồ đạc xuống sau vụ cháy cao ốc này
Sáng nay ngày 12-10, lực lượng công an đã cho người dân lên toà nhà CT4A, khu đô thị Xa La, quận Hà Đông TP Hà Nội, nơi xảy ra vụ cháy tầng hầm vào tối qua khiến nhiều người bị ngạt khói, lấy những đồ đạc cá nhân cần thiết mang xuống.
Tuy nhiên, tầng hầm của tòa nhà CT4A cao 32 tầng vẫn đang được cơ quan chức năng phong tỏa nghiêm ngặt. Bên ngoài rất đông người dân hiếu kỳ đứng xem vụ việc
Thu dọn cửa hàng tạp hóa đen kít bởi ám màu đen của khói, anh Tô Kim Tuấn (32 tuổi, chủ cửa hàng bán tạp hóa tại tầng 1 tòa nhà CT4A), cho biết vào khoảng 19 giờ 15, anh đang ăn cơm tại cửa hàng bất ngờ nghe mọi người tri hô báo cháy, sau đó kèm theo 2 tiếng nổ lớn. Anh chạy từ trên cửa hàng xuống phía dưới tầng hầm ngôi nhà.
Anh Tô Kim Tuấn (32 tuổi, chủ cửa hàng bán tạp hóa tại tầng 1 tòa nhà CT4A) đang thu dọn cửa hàng tạp hóa đen kít do bị ám khói.
Anh Tô Kim Tuấn (32 tuổi, chủ cửa hàng bán tạp hóa tại tầng 1 tòa nhà CT4A) đang thu dọn cửa hàng tạp hóa đen kít do bị ám khói.
 Con mèo cũng bị khói ám đen kịt
Con mèo cũng bị khói ám đen kịt
“Tôi thấy hộp điện dưới tầng hầm phát cháy rồi lan sang các xe máy bên cạnh đó. Mọi người đề nghị bảo vệ tòa nhà cắt điện đi để làm công tác dập lửa nhưng sau đó ngọn lửa tiếp tục lan ra các xe máy khác. Phải mất 20 phút từ lúc bắt đầu cháy, lực lượng báo vệ mới bắt đầu gọi điện cầu cứu cơ quan chức năng” - Anh Tuấn kể lại.
Gương mặt vẫn còn màu đen do khói ám, bà Đinh Thị Nga (40 tuổi, người dân sống tại tầng 2 tòa nhà CT4A), cho hay đám cháy xảy ra vào đêm ngày chủ nhật, được nghỉ nên nhiều người ở trong tòa nhà, thời điểm cháy khoảng hơn 19 giờ. “Vào thời điểm cháy, ở trên nhà ngoài tôi còn có con và mẹ già bị gãy chân. Do bà bị gãy chân, không thể đi nên 2 mẹ con tôi cố gắng cõng bà xuống phía nhà để đưa đi nhưng không thể, bởi vừa ra đến cửa, khói đen khét lẹt đen kít lối đi. Thấy không thể đưa bà xuống được, tôi lấy khăn tẩm nước ướt bịt mũi và miệng chạy nhanh xuống chân cầu thang, lúc đó may mắn gặp cứu hộ nhờ họ lên đưa mẹ tôi xuống. Chậm tý nữa là 3 người tôichết ngạt trên đó rồi” - bà Nga kể lại
Khẩn trương sơ cứu cư dân bị ngạt khói vừa được đưa ra khỏi tòa nhà tối 11-10
Khẩn trương sơ cứu cư dân bị ngạt khói vừa được đưa ra khỏi tòa nhà tối 11-10
Bà Nga cũng cho biết thêm, tối qua, bà được ban quản lý tòa nhà bố trí cho ở khách sạn Mường Thanh, còn mẹ bà đã sang nhà bà con gần đó để ngủ nhờ. Sáng nay, quay lại nhà, mọi thứ đã đen kít, đồ đạc hỏng hóc rất nhiều, muốn lấy bộ quần áo để thay mà cũng không có.
Được biết, dưới tầng hầm của tòa nhà là nơi để xe ô tô và xe máy của người dân sinh sống tại đây. Nhiều người dân cho biết rất nhiều phương tiện dưới tầng hầm đã bị thiêu rụi.
Vẫn đang khắc phục hậu quả vụ cháy
Vẫn đang khắc phục hậu quả vụ cháy
Theo Đại tá Tô Mạnh Thắng - Trưởng Phòng hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy - Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Công an TP Hà Nội, sau khi nhận được tin báo cháy, lực lượng đã điều động 8 xe chữa cháy, 7 xe thang, 6 xe cứu hộ cứu nạn cùng hơn 200 chiến sỹ PCCC tới hiện trường.
“Đến 23 giờ ngày 11-10, người dân mắc kẹt ở trong tòa nhà đã được đưa ra ngoài an toàn. Lực lượng PCCC đã yêu cầu ban quản lý tòa nhà hút nước ở các hầm ra ngoài, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống kỹ thuật trước khi đấu điện lại cho tòa nhà. Sáng nay, ngày 12-10, lực lượng đang điều tra nguyên nhân vụ cháy và thống kê lại thiệt hại về tài sản” - Ông Thắng nói
Theo Đại tá Thắng, vụ cháy bắt nguồn từ dưới tầng tầm, lực lượng PCCC đã dập lửa được ngay sau đó. Tuy nhiên, nhiều xe máy ở trong tầng hầm tòa nhà CT4A bị thiêu rụi, khói bốc lên nghi ngút lên các tầng trên rất nguy hiểm cho người dân. Nguyên nhân ban đầu được xác định ngọn lửa bốc ra từ tầng hầm, sau đó cháy lan ra khu vực xung quanh. Và ngay sau đó, một số bình xăng xe máy đã phát nổ.
Được biết, khi xảy ra cháy, ít nhất đã khoảng 200 người được lực lượng cứu nạn cứu hộ sơ tán từ tòa nhà. Đại diện bệnh viện Quân y 103 cho hay có khoảng 20 người trong vụ hỏa hoạn này đã nhập viện Quân y 103.

Bài - ảnh: Nguyễn Hưởng

Việt Nam 'hướng tới dàn lãnh đạo trẻ'

Theo BBC-10 tháng 10 2015
Image copyrightGetty
Image captionKhác với các nền dân chủ, ứng viên cho dàn "tứ trụ" của Việt Nam không công khai chạy đua.
Tuy danh sách nhân sự chủ chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chỉ là đồn đoán, có ý kiến cho rằng chắc chắn có thay đổi trong phương hướng và phong cách.
Giáo sư Zachary Abuza, nhà nghiên cứu Đông Nam Á từ Học viện Chiến tranh Quốc gia (National War College) Hoa Kỳ, nhận định rằng các thay đổi nói trên đang dần lộ diện cùng Hội nghị Trung ương 12 hiện đang họp tại Hà Nội.
Trong bài viết mới đăng hôm 8/10, ông Abuza nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dường như có khả năng trở thành Tổng bí thư mới của Đảng CSVN cho dù ông quá tuổi, vì vị thế của ông được củng cố đáng kể với việc các nước thống nhất Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hai nhân vật được cho là theo phe ông Dũng - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng được cho sẽ có cơ hội đi lên.
Theo ông Abuza, trong khi các thành phần bảo thủ về ý thức hệ vẫn còn đó, họ không tạo ra được sự đối kháng nào đáng kể đối với Thủ tướng Dũng, người mà uy tín tăng lên đáng kể nhờ lập trường đối với Trung Quốc tại Biển Đông, chương trình cải cách kinh tế và TPP mới đây.
Chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người vẫn bị cho thuộc phe thủ cựu, cũng đã bày tỏ ủng hộ đối với TPP và nhiều lần kêu gọi Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Giáo sư Abuza nhận định: "Tranh cãi giữa các nhà lý luận cộng sản và phe cải cách, vốn thường xuyên cản trở tăng trưởng và ghìm giữ Việt Nam ở khoảng giữa kế hoạch và thị trường, nói chung đã chấm dứt".

Lãnh đạo trẻ

Image copyrightGetty
Image captionĐại hội 12 sẽ bầu ra ban lãnh đạo trẻ?
Theo nhà phân tích tại Washington DC, ban lãnh đạo được bầu tại Đại hội 12 sẽ tiếp tục xu thế trẻ, có học vấn và chuyên môn.
Ông cũng nói có ba yếu tố quan trọng đối với các lãnh đạo hiện nay, là: kinh nghiệm quản lý kinh tế, chuyên môn, và sức hút quần chúng.
Ông cho rằng ngay cả các nhân vật như ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an và có thể sẽ trở thành Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh sau Đại hội, cũng đang mở rộng kinh nghiệm của mình ra các lĩnh vực kinh tế.
Theo giáo sư Abuza, các kỳ bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, tuy còn hạn chế cũng cho thấy các quan chức lãnh đạo ngày càng được đánh giá dựa trên thành tích hoạt động, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Sức cuốn hút của các cá nhân cũng dần dần trở nên một tiêu chí quan trọng, mà người đi đầu có lẽ là ông Nguyễn Bá Thanh, cố bí thư Đà Nẵng.
Ông Thanh được cho là mạnh mẽ, thực dụng, dám nói dám làm, giao thiệp tốt với báo chí và gần gũi với dân.
Tiếp tục xu hướng này có lẽ là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tuy ông bị cho là còn quá trẻ và quá thân cận với ông Nguyễn Tấn Dũng để lọt vào Bộ Chính trị lần này, ông Đam có thể còn lên những chức vụ quan trọng hơn nữa.
Giáo sư Zachary Abuza nói rằng thế hệ tiếp theo của lãnh đạo Việt Nam sẽ là những người biết làm việc với báo chí và thấu hiểu yêu cầu của xã hội, muốn thúc đẩy cải cách kinh tế và hội nhập với phương Tây.

Việt Nam - không cải tổ 'sẽ sụp đổ'?

Th.S Nguyễn Tiến Trung Gửi cho BBC từ Sài Gòn 7 giờ trước 
Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionĐảng Cộng sản cần cải tổ theo hướng dân chủ hóa và trao quyền lại cho dân, chứ không nên chỉ 'cải tổ' để 'củng cố tiếp tục' vị thế quyền lực của mình, theo tác giả.
Cố Chủ tịch Việt Nam, ông Hồ Chí Minh từng nói rằng 'sức mạnh vô địch' của Đảng Cộng sản là ở tinh thần kỷ luật tự giác', ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên.
Thật ra, các quy trình, nội quy, kỉ luật được xây dựng trong đảng cộng sản Việt Nam ở đây theo tôi là nhằm trước tiên đảm bảo sự tồn tại của chính đảng cộng sản và chế độ chứ không phải là điều gì khác.
Tinh thần kỷ luật tự giác được mong đợi “trên nói dưới nghe” đó chính là yếu tố giúp đảng cộng sản, dù chỉ là thiểu số trong xã hội, thậm chí có thể quy về chỉ là mười mấy ủy viên bộ chính trị, hoặc rộng ra một chút là hai trăm ủy viên trung ương, nhưng lại có thể cai trị một đất nước với 90 triệu dân.
Nhưng giờ đây, đảng cộng sản đang đánh mất đi cái sức mạnh “kỷ luật” đó.
Thực vậy, chuyện “thượng bất chính” thì “hạ tắc loạn”, chuyện cấp dưới thản nhiên sai phạm, cấp trên kiểm tra cũng không dám làm gì, mà chỉ công nhận “đúng quy trình” xảy ra tràn lan.
Ví dụ như việc xây tòa nhà 8B Lê Trực cao vượt 16 mét ở ngay Hà Nội, việc giám đốc sở 30 tuổi chưa đủ điều kiện cũng được bổ nhiệm "đúng quy trình".
Rồi luật pháp ban hành chưa ráo mực đã thản nhiên vi phạm ngay cả ở cấp cao nhất trong đảng cộng sản, nhà nước.
Chẳng hạn như hiện đang có tới mười Thứ trưởng Quốc phòng, vượt quá trần là sáu thứ trưởng như trong luật quy định.

Mâu thuẫn sâu sắc

Khi đi 'nghĩa vụ quân sự' và ở tù vì bị khép tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều sỹ quan quân đội, công an. Họ rất bức xúc vì những bất công trong lực lượng vũ trang.
Bất công thứ nhất là giữa các sỹ quan là “con ông cháu cha” và các sỹ quan là con cái dân thường. Thành phần đầu tiên được thăng tiến rất nhanh mà việc nhàn.
Bất công thứ hai là giữa lực lượng vũ trang làm kinh tế và lực lượng vũ trang trực tiếp chiến đấu. Thành phần đầu tiên có rất nhiều tiền, thăng tiến nhanh mà công việc không hề cực nhọc.
Lực lượng vũ trang bị chia rẽ bởi những bất công sâu sắc như vậy nên làm sao có sức mạnh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước hiểm họa từ Trung Cộng trên biển Đông?
Và riêng với các lãnh đạo của đảng cộng sản, liệu các sỹ quan, quân nhân là con em thường dân chiếm đa số trong lực lượng vũ trang sẽ đứng ra bảo vệ chế độ đảng trị?
Suy rộng ra cả một hệ thống hành chính, làm sao các công chức có thể cống hiến, phục vụ người dân khi chính một đại biểu quốc hội công nhận tình trạng hiện tại là “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ”?
Image copyrightbbc
Image captionTác giả cho rằng hiểm họa lớn nhất của Đảng và chế độ không đến từ phong trào dân chủ mà từ chính những mâu thuẫn, xung đột sâu sắc giữa chế độ và dân.
Tôi tin rằng người dân bất mãn một thì những công chức, sỹ quan, quân nhân là con em dân thường đang làm việc trong hệ thống chính quyền bất mãn mười.
Đảng cộng sản, chính quyền Việt Nam đang đứng trước một sự sụp đổ hoàn toàn do những mâu thuẫn, xung đột, những bất công, bất mãn sâu sắc, khó bề khỏa lấp, hóa giải từ ngay trong nội bộ và do chế độ cai trị gây ra với xã hội.
Đó là hiểm họa lớn nhất với chế độ chứ không phải là từ phong trào dân chủ.

Giá trị đảo lộn

Mới đây, ngày 5/10/2015, giáo dân giáo xứ Đông Yên thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã giữ bốn công an để trao đổi với một giáo dân đang bị chính quyền bắt giam.
Không có điều luật nào quy định dân và chính quyền trao đổi “tù binh” kiểu này. Sự việc này giống như hai phe nhóm điều đình với nhau chứ không phải trong một quốc gia có nhà nước và luật pháp.
Hay như ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng vừa được đặc xá nhân dịp 2/9 vừa qua đã được nhân dân trong vùng đón tiếp như người hùng, dù trong mắt chính quyền ông là một tội phạm nguy hiểm dám “giết người”, “chống người thi hành công vụ”.
Rồi hàng loạt các vụ nghi phạm, bị can bị chết do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đều giống nhau ở chỗ 'bất thường' ở trong các trại giam, đồn cảnh sát v.v... mà mới nhất, nóng nhất đang là vụ bị can Đỗ Đăng Dư, mới 17 tuổi, bị 'hành hung' tới chết trong trại giam... tiếp tục gây bức xúc trong xã hội và đặt dấu hỏi công lý ở đâu, chính quyền thực sự bảo vệ ai, ai phải chịu trách nhiệm về những cái chết ấy, từ Bộ trưởng công an, giám đốc các sở, các cục vụ trở xuống.
Không thể kể hết các trường hợp, khía cạnh, nhưng rõ ràng tất cả những điều đó đã nói lên sự bất an trong nhân dân, quần chúng, các tầng lớp xã hội, trước những gì là hỗn loạn về các giá trị, các quan điểm đạo đức, công lý, pháp luật trong xã hội.
Nhất là sự khác biệt quá lớn giữa người dân và nhà cầm quyền, kẻ bị trị và tầng lớp, chế độ thống trị.
Và trong nhiều trường hợp, rất tiếc, trong sự tuyệt vọng, nhiều người dân đã buộc phải tìm đến và sử dụng đến bạo lực để buộc nhà cầm quyền phải thực thi công lý.

Đối đầu hay đối thoại?

Image copyrightOther
Image captionMẹ của bị can Đỗ Đăng Dư, người mới bị hành hung và thiệt mạng trong trại giam của công an, trước cái chết của con trai mới 17 tuổi đời. (Ảnh: facebook của Đoàn Bảo Châu).
Trong phiên tòa sơ thẩm vụ án nhục hình ở Sóc Trăng ngày thứ ba 6/10/2015, bị cáo Phạm Văn Núi, nguyên kiểm sát viên, đã công nhận:
“Đến khi làm bị cáo, tôi mới thực sự hiểu rõ vai trò quan trọng của luật sư trong xã hội. Các ông đã chia sẻ, động viên, giúp tôi rất lớn về pháp lý. Hồi trước, khi vẫn thường ngồi ở vị trí công tố, tôi đối đầu và không thực sự nhận ra hết vai trò của các vị”.
Vậy thì, hỡi các lãnh đạo của đảng cộng sản, hãy học ông Núi, đừng chọn thế “đối đầu” với dân, đừng để đến khi các mâu thuẫn trong xã hội bị dồn nén tới giới hạn và bùng nổ bạo lực thì mới nhận ra vai trò “làm chủ” của nhân dân.
Đừng đợi đến khi các ông đang ở vị trí chỉ đạo thẩm phán “muốn bắt ai thì bắt” như lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, phải ra đứng trước vành móng ngựa, “chịu sự phán xét của nhân dân và lịch sử” như cảnh báo của chính một cựu thành viên Hội đồng lý luận Trung ương trên truyền thông gần đây.
Đừng giả vờ như không có mâu thuẫn xã hội bằng cách bịt miệng báo chí, ngăn cấm báo chí tư nhân, giống như con đà điểu vùi đầu vào cát.
Một chế độ trong đó nhân dân được làm chủ, pháp luật chuẩn mực sẽ bảo vệ chính các lãnh đạo cộng sản, cũng giống như các luật sư dù trước đây bị kiểm sát viên coi là thành phần “đối đầu” vẫn bảo vệ, bào chữa cho ông kiểm sát viên Phạm Văn Núi trước tòa.
Do đó, các lãnh đạo đảng cộng sản cần chủ động đối thoại, phối hợp với đại diện nhiều thành phần trong xã hội để tiến hành cải tổ.
Chủ động trong công cuộc phối hợp cải tổ triệt để chuyển giao quyền lực lại cho nhân dân, các tổ chức thực sự do dân cử qua các biện pháp dân chủ hóa, ôn hòa... chính là cách tốt nhất để hóa giải mâu thuẫn xã hội, đưa mọi người cùng nhau đi tới, đưa Việt Nam thành một quốc gia dân chủ, giàu mạnh, đủ sức bảo vệ chủ quyền.
Đó phải chăng cũng chính là hiện thực hóa việc đảng cộng sản “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” như Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng, một người được cho là một ứng viên nặng ký có thể sắp lưu lại ở một trong bốn vị trí tứ trụ sau Đại hội Đảng 12 tới đây, đã từng viết ra trong thông điệp đầu năm 2014, mà không chắc giờ này ông và các trợ lý giúp soạn thảo văn bản 'rất kêu' này còn nhớ nữa hay không.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nhà vận động cho nhân quyền và dân chủ hóa ở Việt Nam, cựu tù nhân chính trị, đang sống ở Sài Gòn.