Monday, November 10, 2014

Obama: Trung Quốc phát triển nhưng đừng phá luật quốc tế

(Baodatviet) - “Khi TQ phát triển, chúng tôi muốn họ là đối tác ủng hộ luật quốc tế, không phải phá hoại nó”, Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Khi nói về mối quan tâm của Mỹ và các quốc gia khác về môi trường kinh tế của Trung Quốc, ông Obama thuyết phục Trung Quốc từ bỏ việc sử dụng tội phạm công nghệ cao để đạt lợi ích kinh tế cũng như tạo một sân chơi công bằng nơi các điều khoản chỉ vì lợi ích của một số tập đoàn.
“Thông điệp của chúng tôi là muốn thấy Trung Quốc thành công”, ông Obama nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 10/11. “Nhưng, khi Trung Quốc phát triển, chúng tôi muốn họ là đối tác ủng hộ luật quốc tế, không phải phá hoại nó”, Tổng thống Mỹ nói thêm.
Mỹ mong Trung Quốc tạo một sân chơi công bằng để các công ty có thể cạnh tranh lành mạnh với các công ty Trung Quốc, trở thành một nên kinh tế sáng tạo, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và từ bỏ việc dùng tội phạm công nghệ cao cướp bí mật thương mại để đạt lợi nhuận, ông Obama nói tại diễn đàn APEC.
Tổng thống Obama hôm 10/11 cũng lên tiếng về cuộc biểu tình đòi thay đổi quyền bầu cử của đặc khu hành chính Hong Kong. "Thông điệp chính của chúng tôi là phải đảm bảo tránh xảy ra bạo lực", ông nói với các phóng viên.
Bắc Kinh trước đó khẳng định cuộc biểu tình là bất hợp pháp và yêu cầu Washington không can thiệp.
Chuyến đi của ông Obama đến Trung Quốc dự hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra trong bối cảnh bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng. Tổng thống Obama đang mở rộng lợi ích của Mỹ sang châu Á, trong khi Chủ tịch Trung Quốc khẳng định ý chí của mình so với người tiền nhiệm trong việc chứng tỏ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các vấn đề khu vực.
Các nhà lãnh đạo theo dõi một màn bắn pháo hoa sau tiệc chiêu đãi vào tối ngày 10/11.
Các nhà lãnh đạo theo dõi một màn bắn pháo hoa sau tiệc chiêu đãi vào tối ngày 10/11.
Hai bên có bất đồng trong nhiều tháng gần đây trong nhiều vấn đề, từ thương mại, vấn đề biển đến an minh mạng.
Vào khoảng cuối tháng 9 vừa qua, trong bài phát biểu đầu tiên tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ 2, ông chủ Nhà Trắng cũng thúc giục Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế sau những căng thẳng gia tăng liên quan đến tranh chấp hàng hải với các nước ở châu Á – Thái Bình Dương.
“Chúng tôi nhấn mạnh tất cả các nước phải tôn trọng luật lệ và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, tuân thủ theo luật pháp quốc tế” – ông Obama nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị  APEC ở Bắc Kinh, theo tờ Kommersant, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nán lại một vài phút trước khi bước vào một căn phòng nhỏ,  nơi tất cả các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tụ họp.
“Tổng thống Barack Obama thể hiện cử chỉ chào đón Tổng thống Vladimir Putin. Sau đó hai nguyên thủ chào hỏi và bắt đầu nói chuyện. Cuộc nói chuyện kéo dài bảy hoặc tám phút”, tờ Kommersant viết.
Tại Bắc Kinh, ngày 10/11, Tổng thống Obama đã gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Úc Tony Abbott.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Joko Widodo, ông Obama khẳng định hợp tác an ninh hàng hải với Indonesia là rất quan trọng để duy trì chuẩn mực quốc tế. Ông nhận định Indonesia giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tôn trọng tính đa dạng tôn giáo và Indonesia là hình mẫu của các nước Hồi giáo. Ông cảm ơn Indonesia đã cô lập chủ nghĩa cực đoan và ngỏ lời mời Tổng thống Joko Widodo thăm Mỹ vào năm tới.
Trong khi đó, tại cuộc gặp với Thủ tướng Úc Tony Abbott, Tổng thống Obama khẳng định cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang chuyển từ ngăn chặn Nhà nước Hồi giáo sang xây dựng lực lượng an ninh Iraq đủ mạnh. Ông cho biết đã đối thoại với các đối tác trong liên minh để bàn bạc về hợp tác huấn luyện cho quân đội Iraq.

Quang Hưng (Tổng hợp TNO/ĐVO)

Dụ dỗ trẻ em vào ổ chứa

Vì nghèo khó, nhiều trẻ em, phụ nữ miền núi tỉnh Quảng Ngãi bị những đối tượng xấu dụ dỗ, lừa gạt vào các động massage, nhà chứa

Mới đây, Công an huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Công an tỉnh Hải Dương giải cứu 2 cháu Đinh Thị P. và Đinh Thị Y. (13 tuổi, ngụ xã Sơn Long, huyện Sơn Tây) bị đối tượng xấu lừa gạt vào phục vụ tại một quán cà phê, massage trá hình ở tỉnh Hải Dương.

Chị lừa chính em ruột

Theo hồ sơ vụ việc, cháu Đinh Thị P. (học sinh lớp 8 Trường THCS Sơn Long) là em ruột của Đinh Thị Phin (20 tuổi, ngụ xã Sơn Long). Cả hai sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở xã vùng cao Sơn Long. Đến năm lớp 10, Đinh Thị Phin bỏ học và bắt đầu cuộc đời lang bạt từ Nam chí Bắc. Đầu năm 2014, Phin trở lại quê nhưng vì có thời gian bỏ nhà đi biền biệt với nhiều lời đồn đoán nên không tránh khỏi những lời xì xầm.

Sau trận đòn bị đánh ghen vì cặp với một người đàn ông có vợ, Phin quyết định đi TP HCM làm ăn. Lần này, Phin không đi một mình mà rủ thêm Đinh Thị P. cùng bạn học của P. là cháu Đinh Thị Y. Cả 2 cháu P. và Y. dù là học sinh khá giỏi nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi nghe Phin nói vậy liền đồng ý.

Cháu Đinh Thị Y. sau khi bị Đinh Thị Phin lừa vào quán massage trá hình đã được giải thoát
Cháu Đinh Thị Y. sau khi bị Đinh Thị Phin lừa vào quán massage trá hình đã được giải thoát

Đến ngày 12-10 vừa qua, sau một chuyến hành trình dài bằng xe khách, cả P. và Y. đinh ninh được chị đưa vào TP HCM, chuẩn bị đi làm có tiền gửi về gia đình. Thế nhưng, khi vừa xuống xe, cả hai được Phin đưa vào một quán cà phê massage thư giãn ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Sau khi gạn hỏi, làm quen với nhiều người ở quán cà phê, P. và Y. mới biết mình đã bị Phin lừa. “Vì trong quán có rất nhiều người dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi nên chúng em nhờ họ gọi điện thoại về cho cô giáo chủ nhiệm nhờ giúp đỡ” - P. kể.

Sau khi nhận được tin P., cô giáo đã trình báo Công an huyện Sơn Tây. Xét thấy tính chất vụ việc nghiêm trọng, Công an huyện Sơn Tây đã đã liên lạc với Công an huyện Ninh Giang đề nghị hỗ trợ, giải cứu nạn nhân và cử người ra đưa các cháu về nhà. Hiện cả P. và Y. đã đi học lại,  riêng Phin bỏ trốn.

Đáng báo động

Trước đó, tại huyện Sơn Tây cũng từng xôn xao về vụ Đinh Thị Min (18 tuổi, ngụ xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) bị một phụ nữ quen biết ở thị trấn Sơn Tây lừa đi làm công nhân nhưng đưa vào một tiệm hớt tóc, thư giãn ở tỉnh Thanh Hóa, ép phục vụ massage, kích dục cho khách. Sau đó, nạn nhân đã trốn khỏi quán massage, tự tìm đường về nhà.

Trước đó, giữa tháng 2-2013, một phụ nữ ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã dụ dỗ 5 cô gái ở 2 huyện Sơn Tây và Sơn Hà (từ 17-26 tuổi) ra quê chồng của người này ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương để làm công nhân. Thế nhưng, khi đến nơi, các cô gái lại bị đưa vào ổ massage trá hình. Tại đây, các cô phải kích dục cho khách đến massage, nếu không làm theo yêu cầu sẽ bị chửi bới, đánh đập và bỏ đói. Vụ việc được Công an huyện Sơn Tây phối hợp Công an tỉnh Hải Dương triệt phá, giải cứu 5 cô gái cùng nhiều nạn nhân là đồng bào dân tộc thiểu số khác ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi.

Thượng tá Trần Minh Thành, Phó trưởng Công an huyện Sơn Tây, cho biết trong thời gian qua, trên địa bàn huyện có khá nhiều vụ các cô gái đến tuổi trưởng thành và cả những vị thành niên là người dân tộc thiểu số bị những đối tượng xấu dụ dỗ bằng hình thức đi làm ăn xa sau đó đưa vào các quán cà phê kích dục, massage trá hình.

“Vụ 2 cháu Đinh Thị P. và Đinh Thị Y. là hồi chuông đáng báo động. Loại tội phạm này không chỉ tấn công những cô gái đến tuổi trường thành mà còn dụ dỗ ngay cả các cháu học sinh còn nhỏ tuổi. Không riêng gì ở Sơn Tây, rất nhiều xã, huyện khác cũng có trường hợp tương tự” - thượng tá Thành nói.

Bài và ảnh: Tử Trực
Thứ Hai, 21:18  10/11/2014
Theo NLĐO

Tàu ma, ụ nổi: Làm gì cho đỡ...xót?

(Baodatviet) - Tàu ma, ụ nổi của Vinashin, Vinalines hoàn toàn có thể cải hoán thành tàu “căn cứ tổng hợp” như cách TQ đang làm với ụ nổi của họ ở Trường Sa

Cánh làm của Trung Quốc
Vừa qua, báo chí phương Tây dẫn lời quan chức thuộc Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang phát triển những ụ nổi đa chức năng để triển khai đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc còn trắng trợn khẳng định các ụ nổi này sẽ được thử nghiệm tại Hoàng Sa trước khi được đưa đến Trường Sa.
Cụ thể Bắc Kinh sẽ sản xuất các ụ tàu nổi này trên đất liền rồi chuyển tới các đảo để lắp ráp. Mẫu cơ bản gồm một nền thi công lớn hình chữ nhật và một cây cầu dùng để kết nối phần nền với đảo.
Hai biến thể của loại ụ tàu nổi mới này đang trong giai đoạn phát triển. Loại thứ nhất cơ bản bao gồm một sàn đa năng và một chiếc cầu.
Mô phỏng cách thức hoạt động của ụ nổi Trung Quốc
Mô phỏng cách thức hoạt động của ụ nổi Trung Quốc
Theo Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Đóng tàu Trung Quốc, biến thể thứ nhất có thể là nơi neo đậu cho tàu thuyền cỡ 1.000 tấn, làm trạm duy tu bảo dưỡng cho tàu cá, trở thành trạm phát điện, nơi trữ và cấp nước sạch, khử muối nước biển, nơi chứa nước mưa và làm kho thiết bị.
Biến thể thứ hai được lắp đặt theo kiểu giàn khoan nửa nổi nửa chìm có thể tự di chuyển trong một phạm vi nhất định, không quá xa.
Loại này phục vụ cho việc thi công và bảo dưỡng đơn giản ở các đảo, ví dụ như: nâng cao nền cát hay di dời rạn san hô. Ngoài ra nó còn có chức năng bổ sung là nơi cư trú tạm thời cho các đội xây dựng hay xử lý nước thải. Các cây cầu nối được cho là có thể chịu được tải trọng lên đến 10 tấn.
Tàu ma, ụ nổi: làm gì cho bớt lãng phí?
Trước thông tin này từ Trung Quốc, phóng viên báo Đất Việt đã trao đổi với kỹ sư Phan Vĩnh Trị, nguyên Giám đốc Công nghệ thông tin, Tập đoàn Vinashin.
PV: - Dưới góc độ là một nhà nghiên cứu hàng hải, có nhiều nghiên cứu và bình luận tâm huyết với chủ quyền đất nước, ông đánh giá thế nào về việc Trung Quốc xây dựng ụ nổi ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam?
Ông Phan Vĩnh Trị: - Đây là một bước leo thang mới của Trung quốc trong việc lấn chiếm biển đảo của chúng ta. Hành động này kế tiếp một chuỗi liên tiếp các hành động khác nhằm khẳng định sự có mặt của Trung quốc trong vùng biển đảo đã lấn chiếm trái phép của Việt nam.
Nó cho thấy tuy trên lời nói Bắc kinh tuyên bố đàm phán, thương lượng, tuân thủ quy tắc ứng xử v.v... nhưng trên thực tế họ quyết tâm chiếm đóng các vùng biển đảo đó và thể hiện bằng các hành động cụ thể. Như vậy, chắc chắn sau việc này, sẽ còn các vụ việc lấn chiếm khác, càng ngày sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Để giải quyết hậu quả của Vinashin, Vinalines, người ta chỉ tính toán nhanh nhất là khả năng bán tháo hoặc dỡ bỏ những con tàu ma hay ụ nổi
Để giải quyết hậu quả của Vinashin, Vinalines, người ta chỉ tính toán nhanh nhất là khả năng bán tháo hoặc dỡ bỏ những con tàu ma hay ụ nổi
PV: - Theo ông, Việt Nam có nên có những hành động tương tự như vậy để đảm bảo hiện diện trên phần chủ quyền của mình?
Ông Phan Vĩnh Trị: - Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chúng ta hoàn toàn có quyền thực hiện mọi biện pháp, hành động có hiệu quả và phù hợp với tình hình. Ví dụ như thay vì để cho ngư dân tự bám biển như hiện nay, chúng ta cần phải xây dựng hạ tầng cơ sở cho kinh tế biển một cách hiệu quả hơn, có nhiều trang thiết bị, nhiều cơ sở hỗ trợ cho ngư dân hơn nữa.
PV: - Ông đã từng đề cập đến việc cải hoán những con "tàu ma", ụ nổi của Vinashin, Vinalines để phục vụ cho mục đích nêu trên. Việc này có thể thực hiện được không và sẽ thực hiện như thế nào?
Ông Phan Vĩnh Trị: - Hiện nay chúng ta có một đội tàu, phương tiện nổi bỏ không rất lớn, có giá trị không nhỏ, trong đó có cả những con tàu vừa đóng xong. Tàu bỏ không rất nhanh bị rỉ hỏng, mất mát trang thiết bị (do không có cả tiền trông tàu). Ngoài các giải pháp phá dỡ, bán, nên nghiên cứu các giải pháp tận dụng vào các mục đích khác. Tôi gợi ra một vài ý tưởng như sau:
Thứ nhất, trên toàn bộ tuyến biên giới biển, thiết kế đặt một số cụm "đảo di động". Đó là những cặp tàu 2 chiếc đã được hoán cải thành những tàu căn cứ tổng hợp: hậu cần nghề cá, thông tin liên lạc, khí tượng thủy văn, nghiên cứu biển, tìm kiếm cứu nạn, cảnh sát biển, v.v....
Từng cặp tàu đó sẽ thay nhau có mặt tại vùng biển quy định, vừa khẳng định sự có mặt, chủ quyền của chúng ta, vừa thực hiện các công việc về kinh tế - quốc phòng như nói trên. Vành đai "đảo di động" kết hợp với các đảo thiên nhiên đã có chính là một thành phần của hạ tầng cơ sở kinh tế biển đã nói ở trên.
Tàu Hoa Sen 63 triệu euro đang được rao bán
Tàu Hoa Sen 63 triệu euro đang được rao bán
Thứ hai, để hoán cải, sửa chữa tàu, cần có ụ tàu (ụ khô hoặc ụ nổi). Hiện nay chúng ta có rất ít ụ, vì vậy ụ nổi của Vinalines nên được khảo sát xem còn có thể sử dụng được không (kể cả hạ tải với mục đích sửa chữa tàu ngư dân), cân nhắc lợi hại giữa việc tận dụng và bán hoặc phá dỡ trước khi quyết định.
Thứ ba, một số tàu, ụ quá cũ có thể mang ra đánh chìm trên những đảo chìm, tạo nên một căn cứ quân sự như Philipine đã làm.
Ngoài ra, nếu chịu nghiên cứu tìm tòi có thể còn một số phương án tận dụng khác có hiệu quả hơn thay vì tìm cách bán tháo như sắt vụn.
Tất nhiên, trên đây chỉ là những ý tưởng hết sức sơ bộ, có tính gợi mở theo tinh thần "xử lý những lãng phí cũ một cách đỡ lãng phí nhất". Để làm được như vậy, cần phải có sự phối kết hợp của nhiều bộ, ngành để đánh giá xem những ý tưởng đó có nên thực hiện không, có khả thi không và có hiệu quả kinh tế - chính trị không?
Nhưng một điều chắc chắn rằng các doanh nghiệp đang quản lý đội tàu ma hiện nay không có đủ năng lực để làm điều đó nên cách nhanh nhất, đơn giản nhất là xin bán hoặc phá dỡ. Trong việc nghiên cứu, đánh giá các phương án tận dụng, cũng cần tránh "lợi ích cục bộ" chỉ thích làm mới, có tiền nhiều mới làm...thì mới có kết luận khách quan, chính xác được.

Chân thành cám ơn những ý kiến của ông!
  • Minh Tú

Trung Quốc lại đề nghị VN giải quyết xung đột một cách ôn hòa

BẮC KINH (NV) .- Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc lại vừa đề nghị Việt Nam hợp tác, xử lý bất đồng một cách ôn hòa và duy trì sự ổn định ở biển Đông.


Bãi Chữ Thập nay đã được biến thành đảo nhân tạo nhằm hỗ trợ cho yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền ở biển Đông. (Hình: Internet)

Đề nghị vừa kể được nêu ra với ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nhà nước CSVN, khi ông Sang đến Bắc Kinh tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22.
 
Trong cuộc gặp bên lề APEC 22, ông Bình nói với ông Sang rằng, Trung Quốc luôn muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Việt Nam và mong muốn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Theo Tân Hoa Xã, cả ông Bình lẫn ông Sang cùng cam kết sẽ xử lý các tranh chấp ở biển một cách thỏa đáng thông qua đối thoại, đồng thời tiếp tục phát triển quan hệ song phương.

Ông Bình thừa nhận, đôi khi,  quan hệ Trung - Việt có “sóng gió” nhưng nếu cả hai bên “cùng tập trung vào đại cục, cùng nhìn xa, tôn trọng lẫn nhau, tham khảo ý kiến của nhau” thì vẫn có thể duy trì và phát triển quan hệ song phương.

Ông Sang khẳng định, Việt Nam sẵn sàng giải quyết các tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc “một cách đúng đắn” để quan hệ song phương không bị ảnh hưởng.

Trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, Trung Quốc luôn luôn khẳng định, chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa là “không thể tranh biện”. Trung Quốc chỉ đàm phán, giải quyết các tranh chấp về chủ quyền ở quần đảo Trường Sa theo phương thức song phương (đàm phán trực tiếp với quốc gia có liên quan), không chấp nhận đàm phán đa phương (các bên có liên quan cùng thảo luận để giải quyết tranh chấp).

Trước nay, Trung Quốc luôn luôn hứa hẹn, khuyến khích Việt Nam hợp tác, giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa để duy trì, phát triển quan hệ Việt – Trung. Những lời hứa, khuyến khích kiểu như vừa kể vốn đã được lập đi, lập lại hàng trăm lần và sau đó, Trung Quốc lại dấn thêm những bước sâu hơn, mạnh mẽ hơn trong việc khẳng định yêu sách về chủ quyền trên biển Đông.

Gần đây nhất, Trung Quốc loan báo đã hoàn thành việc mở rộng phi đạo trên đảo Phú Lâm, một hòn đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974.

Trung Quốc cũng đã hoàn tất công việc biến nhiều bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa - trong đó có bãi đá Gạc Ma mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1988, thành các hòn đảo nhân tạo để thiết lập những căn cứ quận sự mới ở biển Đông.

Trước đó một chút, hồi trung tuần tháng 9, Tập đoàn dầu khí CNOCC của Trung Quốc loan báo sẽ phát thông báo mời các tập đoàn ngoại quốc dự cuộc đấu thầu 33 lô dầu khí, trong đó có 25 lô ở biển Đông. Năm 2012, Tập đoàn dầu khí CNOCC của Trung Quốc cũng đã từng làm như thế nhằm củng cố các yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên biển. Vào thời điểm vừa kể, Tập đoàn dầu khí CNOCC mời thầu 9 lô dầu khí ở biển Đông, cả 9 lô này đều nằm sát bờ biển miền Trung và miền Nam của Việt Nam

Vào thượng tuần tháng 8, Trung Quốc đưa tàu vào vùng biển của Việt Nam để khảo sát địa chất – thăm dò trữ lượng dầu khí và tìm địa điểm dựng năm hải đăng ở năm hòn đảo (Đá Bắc, Đá Hải Sâm, Duy Mộng, Cồn Cát Nam và Hòn Tháp) trong quần đảo Hoàng Sa.

Chế độ Hà Nội chỉ trích Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam nhiều hơn và mạnh mẽ hơn so với trước, song những chỉ trích này thường lắng xuống sau khi Bắc Kinh vỗ về, trấn an và kèm theo đó, các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc lại trắng trợn hơn.

Hồi trung tuần tháng 10, sau khi Trung Quốc hứa hẹn thiết lập liên lạc trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng để ngăn chặn xung đột trên biển, cam kết sẽ cùng Việt Nam “giải quyết và kiểm soát” tranh chấp, truyền thông Trung Quốc công bố, Trung Quốc đã hoàn tất việc biến Chữ Thập – một bãi san hô chỉ lộ diện khi thủy triều xuống, thành hòn đảo nhân tạo có diện tích một cây số vuông.

Nay, Chữ Thập trở thành hòn đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã đưa 200 quân nhân đến trấn đóng tại Chữ Thập và dự trù sẽ xây một phi trường ở đó. Các chuyên gia quân sự nhận định, nếu Trung Quốc hoàn tất việc xây dựng phi trường tại đảo Chữ Thập, Trung Quốc sẽ khống chế toàn bộ vùng trời bên trên Trường Sa. (G.Đ)

11-10-2014 12:18:04 PM
Theo Người Việt

Mỹ sẽ cấp Visa cho người Trung Quốc có thời hạn 10 năm

BẮC KINH, Trung Quốc (AFP) - Tổng Thống Barack Obama hôm Thứ Hai loan bản báo thỏa thuận mà theo đó các công dân Trung Quốc đến thăm nước Mỹ có thể được gia hạn visa tới 10 năm.

Ông Obama khẳng định rằng ông muốn Trung Quốc được thành công dù rằng có sự căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới này.


Tổng Thống Obama gặp Chủ Tịch Tập Cận Bình tại APEC. (Hình: AP/Photo)

“Nước Mỹ chào đón sự thăng tiến của một Trung Quốc thịnh vượng, yên bình và ổn định,” ông Obama cho hay trong bài diễn văn đọc tại cuộc họp thượng đỉnh của tổ chức Hợp Tác Kinh Tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) hôm Thứ Hai.

Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra khéo léo trong việc cân bằng sự chứng tỏ thiện chí với Bắc Kinh cùng lúc đưa ra những vấn đề gai góc, tiếp theo lời loan báo về gia hạn chiếu khán là lời kêu gọi Trung Quốc mở cửa thị trường, giảm việc kềm giữ tỉ số hối đoái, cũng như tôn trọng nhân quyền và cải cách truyền thông.

Ông Obama cũng lần đầu tiên trong nhiều tuần qua nhắc tới cuộc tranh đấu đòi dân chủ của người dân Hồng Kông, nói rằng tránh bạo động là một ưu tiên.

“Thông điệp chính của chúng tôi là phải tránh có bạo động,” ông nói với các nhà báo, cho biết thêm rằng Mỹ sẽ “tiếp tục có quan tâm đến nhân quyền ở Trung Quốc.”

Chính quyền Bắc Kinh gọi các cuộc biểu tình ở Hồng Kông là bất hợp pháp và trước đó cũng yêu cầu Mỹ chớ can dự vào việc này.

Thỏa thuận mới về chiếu khán cho công dân cả hai nước sẽ cho chiếu khán du học được gia hạn tới 5 năm, với các chiếu khán về thương mại và du lịch có hiệu lực tới mười năm, so với một năm như hiện nay.

Có khoảng 1.8 triệu du khách Trung Quốc đến Mỹ năm ngoái, theo ông Obama, đóng góp $21 tỉ vào nền kinh tế và giúp tạo ra hơn 100,000 công việc làm.

“Thỏa thuận này sẽ giúp chúng ta tăng hơn gấp bốn các con số này,” ông Obama nói, gọi đây là “bước đột phá quan trọng có lợi cho nền kinh tế hai nước và đưa hai dân tộc đến gần nhau hơn.”

Mỗi năm có khoảng 100 triệu người dân Trung Quốc ra ngoại quốc và là một nguồn cung cấp ngoại tệ đáng kể ngày càng gia tăng cho các quốc gia họ đến thăm.

Ông Obama và các nhà lãnh đạo thế giới tuần này cũng sẽ tới Myanmar để tham dự cuộc họp thượng đỉnh Ðông Á, tiếp theo đó là cuộc họp của nhóm G20 ở Brisbane, Úc. (V.Giang)

11-10-2014 3:19:00 PM
Theo Người Việt

‘Tiếp cận và đối thoại’ với Việt Cộng?

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống tại Hoa Kỳ trong ngày 4 tháng 11 năm 2014 như một cơn sóng thần mang lại chiến thắng vang đội cho đảng Cộng Hòa với 248 ghế tại Hạ Viện, một đa số đạt được cao nhất từ Chiến Tranh Thế Giới lần thứ II tới nay.

Ðảng Cộng Hòa cũng giành quyền kiểm soát Thượng Viện với ít nhất 52 ghế khi chiến thắng tại các tiểu bang Arkansas, West Virginia, South Dakota, Montana, Colorado, North Carolina và Iowa, tức trong 7 tiểu bang mà đảng Dân Chủ muốn bảo vệ chức thượng nghị sĩ. Khả năng lợi thế này thậm chí còn mở rộng.

Trong cuộc bầu cử này, các cuộc tranh giành ghế thượng nghị sĩ, thống đốc tiểu bang, dân biểu và nghị viên tại các địa phương có đông người Mỹ gốc Việt cư trú cũng diễn ra cũng rất sôi nổi, nếu không nói là quyết liệt, đặc biệt ở Orange County, tiểu bang California và thành phố Houston, tiểu bang Texas.

Tại các khu vực nói trên, mặc dù người Mỹ gốc Việt là sắc dân thiểu số, nhưng lá phiếu của họ có tầm quan trọng cho kết quả của các cuộc bầu cử.

Ở Orange County, bà Janet Nguyễn dẫn đầu cuộc đua căng thẳng vào Thượng Viện tiểu bang California, địa hạt 34, với 63% phiếu ủng hộ, trở thành phụ nữ gốc Việt đầu tiên trong vai trò thượng nghị sĩ tiểu bang trên chính trường Hoa Kỳ sau 40 năm người Việt hiện diện tại đất nước này.

Ở thành phố Houston, tại đơn vị 149, nơi có khoảng 20% cử tri người Mỹ gốc Việt, có hai ứng viên người Mỹ gốc Việt cùng ra tranh ghế dân biểu Quốc Hội tiểu bang Texas. Một là đương kim Dân Biểu Hubert Võ (Ðảng Dân Chủ) và hai là cựu nghị viên thành phố Houston Al Hoàng (Ðảng Cộng Hòa), tức Luật Sư Hoàng Duy Hùng.

Chung cuộc, ông Hubert Võ đã thắng cử nhiệm kỳ thứ 6 với số phiếu bầu 11,711, đạt tỷ lệ 54.61%, ông Al Hoàng thất bại với số phiếu bầu 9,730, đạt tỷ lệ 45.39%.

Trước đó, trong năm qua, ông Al Hoàng đã thất cử chức vụ nghị viên thành phố Houston nhiệm kỳ thứ ba tại đơn vị F, nhường chỗ cho Richard Nguyễn, một người ít được ai biết đến, ngay cả trong các sinh hoạt của cộng đồng.

Có nhiều lý do nhưng một trong nhưng nguyên nhân chủ yếu đưa đến sự thất bại của ông Hoàng Duy Hùng chính là quan điểm chính trị của ông đối với nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam.

Ông Hoàng Duy Hùng chủ trương và công khai thực hiện “tiếp cận và đối thoại” với nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, được ông mô tả trong cuốn sách “Cách mạng trắng” của mình. Quan điểm này không những trái với tâm tư, lập trường chung của cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản mà trong thực tế cũng rất ấu trĩ.

Helmut Schmidt (thủ tướng Tây Ðức từ năm 1974 tới 1982) có nói rằng, “Dân chủ là sống với thỏa hiệp. Những ai không biết làm thế nào để thỏa hiệp, sẽ vô ích cho dân chủ.”

Nhìn lại các cuộc cách mạng mùa Thu năm 1989 ở Ðông Âu, trừ Romania, ta thấy tiến trình chuyển hóa từ độc tài tới dân chủ đã diễn ra một cách hòa bình là kết quả của sự thỏa hiệp giữa quần chúng, mà đại diện là phe đối lập, với chính quyền Cộng Sản.

Từ “Hội nghị Bàn Tròn” ở Ba Lan, trong đó Công Ðoàn Ðoàn Kết và nhà cầm quyền Cộng Sản đạt thỏa thuận bầu cử bán tự do đầu tiên trong khối Cộng Sản (ngày 3 tháng 6, 1989), đến “Hội nghị Bàn Ba Góc” của Hungary (ngày 13 tháng 6, 1989) hay việc Bộ Chính Trị và Ủy Ban Trung Ương của đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Thống Nhất Ðức tuyên bố rút lui (ngày 3 tháng 12, 1989), đưa đến cuộc bầu cử tự do và thống nhất nước Ðức sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Tất cả đều dựa trên đối thoại và thỏa hiệp.

Thế nhưng, sự đối thoại, nhượng bộ và thỏa hiệp của các chế độ Cộng Sản là xuất phát từ áp lực mạnh mẽ của phong trào tranh đấu đòi dân chủ của quần chúng.

Các chế độ độc tài vẫn thường bảo vệ sự tồn tại đến cùng bằng bạo lực đàn áp. Chỉ khi hàng trăm ngàn, hàng triệu người xuống đường biểu tình làm tê liệt chế độ, dồn họ vào chân tường không còn sự lựa chọn nào khác, khi ấy họ mới chịu ngồi xuống đối thoại, chia sẻ quyền lực.

Chả thế mà trong ngày 19 tháng 1 năm 1989 Erich Honecker, lãnh tụ Cộng Sản Ðông Ðức, tuyên bố “Bức tường Berlin sẽ còn tồn tại 50 hoặc cả 100 năm nữa” (Die Mauer wird in 50 oder auch in 100 Jahren noch bestehen). Nhưng bức tường đã bị xóa sổ mười tháng sau đó, ngày 9 tháng 11 năm 1989. Bằng các cuộc biểu tình phản kháng liên tục trong nhiều tháng, trên khắp Ðông Ðức, từ Leipzig, Drezden tới Berlin...

Ở Việt Nam chỉ mới hình thành manh nha một số nhóm dân sự, hoạt động rời rạc, chưa có có một phong trào tranh đấu xã hội rộng lớn, tỏa khắp, được tổ chức chặt chẽ, chưa có một phe đối lập tương xứng để có thể gây áp lực đối với nhà cầm quyền. Chế độ Cộng Sản đang tồn tại trên thế mạnh hơn nhiều. Trong bối cảnh như vậy mà ông Hoàng Duy Hùng đòi “tiếp cận và đối thoại” thì quả là ngớ ngẩn!

Cộng Sản là bậc thầy của điếm đàng, lật lọng và dối trá. Ðể đạt được mục đích chiêu dụ hiền tài họ sẵn sàng “phun châu nhả ngọc” cám dỗ, ve vãn bằng nhiều biện pháp khác nhau, nhưng sau đó thì “vắt chanh bỏ vỏ” hết sức tàn nhẫn. Những kẻ kém bản lĩnh, cả tin rất dễ bị lừa gạt.

Luật Sư Nguyễn Hữu Liêm ở San Jose năm 2009 về nước dự đại hội Việt kiều được đưa đón bằng xe hụ còi như một nhân vật quan trọng. Khi gặp gỡ Ðỗ Mười và vài người khác trong ban lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Việt Nam ông ta tưởng rằng “người Cộng Sản sẽ lắng nghe, nếu chúng ta biết cách nói.” Giờ thì hẳn ông ta đã thấy rằng, không có sự ngây thơ nào hơn thế!

Trần Văn Trường, một người dám treo cả cờ đỏ sao vàng và ảnh Hồ Chí Minh tại Orange County, trong năm 2005 đã bán tài sản trên đất Mỹ cùng vợ và hai con trở về Việt Nam làm ăn. Cứ tưởng bở, sẽ được đặc ân tiếp đón như một anh hùng! Thế nhưng ông ta đã không thuộc bài, lo lót chưa đủ, cuối cùng bị tòa án tỉnh phong tỏa tài sản và giữ luôn cả số tiền bán cá hơn 1 tỷ đồng. Ước mơ về “xây dựng quê hương” tắt lịm!

Nguyễn Gia Thiều, Việt kiều Pháp, có ý định nhảy vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ truyền thông, bị đánh quỵ bằng 20 năm tù về tội buôn lậu, trốn thuế và nộp phạt 130 tỉ đồng. Ở Việt Nam muốn làm ăn trôi chảy thì phải luồn lách, “bôi trơn” bộ máy, an ninh thừa biết, muốn bắt lúc nào mà chẳng xong. Trong vụ này có 10 cán bộ nhân viên hải quan bị dính.

Cũng trong năm 2005, Trịnh Vĩnh Bình, Việt kiều Hà Lan, mang về Việt Nam đầu tư khoảng 4 triệu đôla. Khi tài sản lên đến khoảng 20 triệu đôla, thì bị công an cài bẫy. Ông Bình vào tù và tài sản bị cướp trắng. Ông trốn thoát một cách bí hiểm khỏi Việt Nam và đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Nghe chừng khó nuốt nổi cục xương trước Tòa án quốc tế và tránh muối mặt trước dư luận, Hà Nội đã phải tìm cách thỏa hiệp đền bù cho ông Bình với số tiền thiệt hại hơn 100 triệu đôla để chấm dứt tranh tụng.

Phạm Xuân Ẩn, một tình báo viên thượng thặng, người có công lớn với chính quyền Cộng Sản, về cuối đời đã sống trong thất vọng, cay đắng. Người ta nói rằng ông đã trăng trối trước khi chết (năm 2006) rằng, “Ðừng bao giờ chôn tôi gần những người Cộng Sản”!

Ðáng chú hơn có lẽ là Nguyễn Cao Kỳ, cựu phó tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, trở về Việt Nam cũng muốn “tiếp cận và đối thoại” với chế độ Cộng Sản. Ông Kỳ đã nhầm đau đớn! Những lời đường mật và cử chỉ thân thiết giả tạo của nhà cầm quyền được bộc lộ ngay sau khi ông chết, đó là sự khước từ vô nhân đạo nguyện vọng của ông được chôn tại quê nhà Sơn Tây!

Còn nhiều trường hợp khác ngộ nhận, dại dột về nước “tiếp cận và đối thoại,” thậm chí cộng tác, làm việc cho nhà cầm quyền Cộng Sản, để rồi phải chịu một số phận ê chề, bạc đãi, khi nhận ra thì quá trễ. Triết gia Trần Ðức Thảo, Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường hay Luật Sư Ngô Bá Thành là những ví dụ điển hình.

Thiết nghĩ, ông Hoàng Duy Hùng, hai lần thất cử liên tiếp, chắc chắn sẽ rút ra được bài học thiết thực cho bản thân.

Lập trường, quan điếm chính trị của ông Hoàng Duy Hùng, như tôi phân tích ở trên, không thích ứng đã đành, nó còn làm tổn thương đến tình cảm và lý tưởng của một cộng đồng đã liều thân chạy thoát khỏi chế độ cộng sản, mang nặng nỗi đau về mất mát, tổn thất.

Bài học cho ông Hoàng Duy Hùng, nhưng đồng thời cũng là bài học cho những ai còn mơ hồ, ảo tưởng về việc “tiếp cận và đối thoại” với nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam khi phong trào tranh đấu dân chủ trong nước chưa đủ mạnh để dồn họ đến bước đường cùng.

11-10-2014 5:08:44 PM 
Lê Diễn Ðức
Theo Người Việt 

Giành thí sinh, đua nhau thay tên trường đại học

SÀI GÒN (NV) - Do không tuyển được học viên vì thừa trường thiếu trò, hàng loạt trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam đã xin “thay tên đổi họ” sau hàng chục năm gắn bó...

Theo Tuổi Trẻ, có trường đổi tên hoàn toàn, có trường bỏ đi những chữ “không còn phù hợp,” bởi nhiều nguyên nhân như: tên gọi gắn liền với các “tai tiếng,” không thu hút thí sinh, tuyển sinh khó khăn...


Trường ÐH Công Nghệ Thông Tin Gia Ðịnh đang xin bỏ chữ “công nghệ thông tin” trên bảng hiệu của trường. (Hình: Tuổi Trẻ)

Cuối năm 2013, tên trường Ðại Học (ÐH) Kỹ Thuật Công Nghệ vốn tồn tại gần 20 năm trong hệ thống giáo dục ÐH Việt Nam được thay bằng tên mới là trường ÐH Công Nghệ. Lý do tên “kỹ thuật công nghệ” khó nhớ, 10 người thì hết 8 người không đọc đúng tên trường?

Cùng thời điểm này, trường ÐH Kinh Tế Kỹ Thuật Hải Dương cũng đổi tên thành trường ÐH Hải Dương. Ngày 24 tháng 10, Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo đã ký quyết định đổi tên trường Cao Ðẳng (CÐ) Kinh Tế Kỹ Thuật Phú Lâm thành trường CÐ Kinh Tế Kỹ Thuật.

Theo lời giải thích thì vì Phú Lâm chỉ là một địa danh thuộc quận 6, Sài Gòn, nên việc đổi tên sẽ phù hợp hơn với vai trò là trường trọng điểm của khu vực. Ðây là lần thứ hai trường này thay đổi tên.

Trong khi đó, sau khi mua lại trường CÐ Kinh Tế Kỹ Thuật Sài Gòn vào cuối năm 2013, đang bị đình chỉ tuyển sinh hai năm liên tiếp, ông Lê Lâm, hiệu trưởng, lập tức làm thủ tục đổi tên thành trường CÐ Ðại Việt Sài Gòn. Cùng chung số phận, sau khi mua lại trường CÐ Công Nghệ và Kinh Doanh Việt Tiến, thành phố Ðà Nẵng, ông Lâm cũng đang làm thủ tục để đổi tên thành trường CÐ Ðại Việt Ðà Nẵng.

Theo ông Lâm, tên trường cũ tuy thu hút thí sinh nhưng gắn liền với nhiều tai tiếng trước đó như đấu đá nội bộ kéo dài, bị đình chỉ tuyển sinh nhiều năm liên tiếp, nếu giữ tên cũ thì chắc chắn việc tuyển sinh rất khó khăn.

Tương tự, trường ÐH Thái Bình Dương, tỉnh Khánh Hòa xin đổi tên thành trường ÐH Á Châu Việt Nam. Trường này tên cũ cũng gắn với nhiều tai tiếng trước đó, trong khi chủ đầu tư mới phần lớn làm trong ngân hàng, nên cũng muốn thay đổi tên gọi. Thực tế vài năm qua trường tuyển sinh rất khó khăn.

Ngoài ra, hàng loạt trường ÐH và CÐ sư phạm ở các tỉnh, thành cũng đã đồng loạt bỏ chữ “sư phạm” để hướng tới đào tạo đa ngành. Cụ thể như yrường ÐH Vinh, ÐH Quy Nhơn, ÐH Ðồng Tháp, CÐ Cần Thơ, CÐ Bến Tre, CÐ Bình Ðịnh... đã lần lượt bỏ chữ “sư phạm” trong tên gọi của mình.

Thực tế, nhu cầu nhân lực ngành sư phạm trong nhiều năm trở lại đây đã bão hòa, thậm chí dư thừa. Các trường đã chuyển sang đào tạo đa ngành, đặc biệt là các trường CÐ, số ngành sư phạm không còn chiếm đa số như khi còn mang tên chuyên ngành sư phạm.

Tháng 3, 2014, Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam được thành lập với gốc là trường ÐH Nông Nghiệp Hà Nội. Hay trường ÐH Y Hải Phòng đổi tên thành trường ÐH Y Dược Hải Phòng; trường ÐH Y Thái Bình cũng được thêm chữ “dược.”

Ðầu năm 2014, trong buổi họp với Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo, lãnh đạo trường ÐH Sư Phạm đề xuất đổi tên trường thành trường Sư Phạm Quốc Gia hoặc ÐH Sư Phạm Quốc Gia.

Bên cạnh đó, trường ÐH Công Nghệ Thông Tin Gia Ðịnh xin đổi tên trường, bỏ chữ “công nghệ thông tin,” nhưng vẫn chưa được chấp thuận, phải chờ bộ kiểm định chất lượng.

Theo ông Nguyễn Ðăng Liêm, hiệu trưởng trường này cho biết, khi làm đề án xin thành lập trường, ngành công nghệ thông tin được xác định là ngành mũi nhọn của quốc gia, nên lấy tên có chữ “công nghệ thông tin” sẽ dễ xin phép hơn.

Tuy nhiên, sau đó ngành này được đào tạo đại trà, tuyển sinh rất khó khăn và khiến thí sinh hiểu lầm trường chỉ đào tạo ngành này, dẫn đến khó tuyển sinh trong khi trường đào tạo đa ngành. (Tr.N)

11-10- 2014 4:37:29 PM

Bất lực trước tai nạn giao thông?



“Hôm nay là đúng 102 ngày vợ tôi bỏ gia đình ra đi mãi mãi sau một vụ tai nạn giao thông (TNGT). Không có gì đau đớn hơn khi bị mất người thân. 

Tôi mong muốn mọi người dân trên khắp đất nước hãy vì mình, vì người thân mà phòng tránh TNGT”.

Đó là lời chia sẻ đầy xúc cảm của ông Lê Ngọc Tuyền (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) tại Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì TNGT được tổ chức ở chùa Vĩnh Nghiêm sáng 9-11 với sự tham dự của hàng ngàn tăng ni, phật tử và người nhà các nạn nhân.

Đây đã là năm thứ ba liên tiếp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tưởng niệm những người đã chết do TNGT, trong đó có đại lễ cầu siêu này; ngoài ý nghĩa cầu mong cho các nạn nhân được thanh thản nơi cõi tịnh còn nhắc nhở mọi người chủ động phòng tránh.

Những hoạt động tâm linh giàu tính nhân bản như vậy rất cần thiết song sẽ nhân văn hơn nếu cả xã hội làm được nhiều cách để đẩy lùi TNGT chết người. Vào dịp diễn ra đại lễ cầu siêu, tại nhiều nơi, TNGT chết người vẫn xảy ra, mới nhất là đôi vợ chồng chạy xe máy trên Quốc lộ 1 (đoạn qua xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) mất lái, ngã xuống đường, liền bị xe container từ phía sau trờ tới cán chết. Vụ này gợi nhớ trường hợp thai phụ bị xe bồn cán thiệt mạng và thai nhi văng ra ngoài ở An Giang cách đây 2 tuần mà rùng mình! Chắc chắn rằng sau đám tang của đôi vợ chồng này là một gia đình tan nát. Và với 25 người bị TNGT cướp đi sinh mạng mỗi ngày cùng hàng trăm người bị thương tật suốt đời, hàng trăm gia đình đã rơi vào thảm kịch, xã hội cũng bị tổn thương nghiêm trọng.

Có cách nào ngăn chặn những mất mát quá lớn như thế, bên cạnh việc cầu siêu?

Chiến tranh được xem là kẻ thù số một của nhân loại, chúng ta đã chặn đứng được. Vậy mà vào thời bình, dường như chúng ta đang bất lực trước TNGT? Để TNGT trở thành nỗi ám ảnh thường trực của người dân và chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để chặn đứng hoặc hạn chế loại “nhân tai” này, đó chính là sự thất bại. Sự thất bại này thật khó nuốt trôi bởi nguyên nhân chính yếu của nó đến từ ý thức con người và hạ tầng cơ sở.

Từ chỗ lo sợ, người ta trở nên vô cảm với hiện trạng giao thông, chỉ mong đi an - về lành, được như thế đã là may mắn! Với hệ thống đường phố mà ở đó xe đạp, xe máy lưu thông đan xen với xe buýt, xe tải, xe container thì sao tránh khỏi cảnh người bị xe cán? Với những tuyến quốc lộ mà phần lớn chật hẹp và không có dải phân cách, xe khách chạy suốt ngày đêm thì gây TNGT chết nhiều người là lẽ dĩ nhiên.

Bao giờ đất nước giàu lên, đường sá hiện đại hơn thì TNGT có thể sẽ giảm. Đó là việc khó và lâu dài, còn chuyện trước mắt ai cũng làm được đó là hãy sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng bằng cách tuân thủ nghiêm luật giao thông.
Thứ Hai, 23:04  10/11/2014
Quang Huy
Theo NLĐO

VN dẫn đầu ASEAN xuất khẩu vào Mỹ:Chỉ là xuất khẩu 'hộ'?

(Baodatviet) - Phải biết tự kiềm chế, nén “cái sự sung sướng” tầm thường để vươn lên không ngừng.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam trao đổi với Đất Việt trước thông tin Việt Nam dẫn đầu ASEAN xuất khẩu vào Mỹ.
PV: - Việt Nam vừa đón nhận tin vui khi Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam dự báo xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong năm nay đạt khoảng 29,4 tỉ USD, lần đầu tiên đứng đầu ASEAN về xuất khẩu vào thị trường này. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các năm tới và đến năm 2020 Việt Nam sẽ bỏ xa các nước còn lại trong khu vực.
Ông đón nhận tin vui này với tâm thế thế nào? Nếu dự báo này thành hiện thực, Mỹ sẽ là thị trường xuất khẩu lớn thứ bao nhiêu của Việt Nam?
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái: - Tin này mang lại niềm vui và cả nỗi lo. Vui vì sau gần 15 năm ký BTA với Hoa Kỳ, nay thương mại Việt Nam đang có chuyển động mới khi xuất khẩu được đẩy mạnh, chiếm vị trí hàng đầu khu vực và còn có thời cơ phát triển với chất lượng mới.
Lo là liệu Việt Nam có tận dụng được thời cơ mới, nhất là sau khi ký TPP có đẩy mạnh hợp tác toàn diện hai nước hay không. Trước mắt nỗi lo là về chất lượng của xuất khẩu. Tuy giá trị xuất khẩu lớn, nhưng giá trị gia tăng được tạo ra ở nước ta chỉ 10-20% , cũng có nghĩa là Việt Nam đang xuất khẩu “hộ” 80% giá trị cho nước khác vào Hoa Kỳ (!).
Do đó, cần tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp nước nhà nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cả từ khâu trước sản xuất công nghiệp (nghiên cứu, thiết kế, tìm hiểu thị trường,…) đến sau sản xuất công nghiệp (kho bãi, vận tải, hậu mãi, mẫu mã, sở hữu trí tuệ, tài chính, bảo hiểm…) mà các khâu trước và sau sản xuất công nghiệp hay sản xuất nông sản mới mang lại giá trị cao.
Còn đó vấn đề dịch vụ, thu hút khách du lịch đến và quay lại… cũng còn có vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực có chất lượng, hiểu biết sâu sắc hơn về các quy định và thói quen tiêu dùng của thị trường Hoa Kỳ (với đầu óc thực dụng và luật lệ chặt chẽ, đa dạng), biết làm chủ thiết bị, công nghệ để làm cho sản phẩm Việt Nam không chỉ rẻ, phát huy lợi thế vùng nhiệt đới, mà còn có chất lượng cao, hợp với thị hiếu thị trường đa dạng của Hoa Kỳ.
Đây là con đường dài. Chúng ta đừng nên quá bốc đồng trước những phỏng đoán của một vài nhà tư vấn quốc tế hay ngay cả người Việt ở trong và ngoài nước. Phải biết tự kiềm chế, nén “cái sự sung sướng” tầm thường để vươn lên không ngừng.
Kinh nghiệm sau ký WTO, từ sau 2007 Việt Nam tuy có đẩy mạnh được thương mại, nhưng chưa tận dụng nhiều thời cơ này cho thấy, thời cơ cũng chỉ là một dạng “tiềm năng” cho phát triển. Vấn đề là tận dụng được tiềm năng này để vươn lên trong mọi tình huống. Tôi tin tưởng vào sự sáng tạo của con người và doanh nhân Việt.
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái
PV: - Cũng theo công bố của AmCham, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ lớn nhất là dệt may – da giầy, thủy sản, đồ mỹ nghệ, quả thanh long…, trong đó dệt may có tốc độ tăng trưởng vào Mỹ mạnh mẽ nhất.
Ông có thể cho biết, có bao nhiêu % sản phẩm dệt may nhập khẩu sang Mỹ từ các công ty 100% vốn Việt Nam hay các công ty liên doanh mà phía Việt Nam là nhà đầu tư chính, bao nhiêu % là từ doanh nghiệp FDI đóng tại Việt Nam?
Ngay trong trường hợp thứ nhất, Việt Nam nhận được về bao nhiêu khi đầu vào của dệt may lại nhập chủ yếu từ Trung Quốc, thậm chí ngày càng tăng?
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái: - Việt Nam đang tiến nhanh trong thương mại với Hoa Kỳ. Và một khi ký xong TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội to lớn để vượt lên trong hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Vấn đề là chúng ta tổ chức bên trong Việt Nam như thế nào để tận dụng được cơ hội này.
Nếu TPP chẳng hạn có quy định về xuất sứ của sợi, thì ngay từ lúc này, vấn đề sợi cần được xử lý với phương thức đa dạng, trong đó có gắn kết với thị trường hơn 1 tỷ dân của Ấn Độ là hướng đi đúng. Ấn Độ trên nền tảng tiếng Anh, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia Ấn Độ đang làm việc với Hoa Kỳ và tại Hoa Kỳ, chính Phủ Ấn Độ lại có quan hệ mạnh mẽ với Hoa Kỳ, nên hợp tác cùng Ấn Độ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi và hợp tác cùng có lợi.
 Trường hợp, đẩy mạnh hợp tác và chuyển giao công nghệ với Nhật Bản, Hàn Quốc…. cũng là hướng cần đẩy mạnh trong tương lai…. Những doanh nghiệp công nghệ cao từ Nhật Bản, Hàn Quốc đang vào Việt Nam cho thấy nhiều tín hiệu tích cực cho kinh tế Việt Nam, không chỉ gia công lắp ráp, mà có cả chuyển giao công nghệ, xây dựng các phòng thí nghiệm R&D mạnh và các hợp tác khác.
PV: - Tương tự, đối với ngành thủy sản, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên các sản phẩm thủy sản của Việt Nam khi vào thị trường Mỹ lại thường xuyên vấp phải việc bị kiện chống bán phá giá, nghĩa là bán với giá rất rẻ. Điều này có nghĩa nếu có tăng trưởng dường như chỉ có tăng về số lượng chứ không tăng về chất lượng và giá trị gia tăng.
Nếu tiếp tục theo cách này thì cái Việt Nam nhận về sẽ là gì và đó có phải là cách phát triển lâu dài và bền vững hay không?
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái: - Không những với thủy sản, mà dệt may, hoa quả, … cũng đều đòi hỏi có cách tham gia thị trường Hoa Kỳ một cách bài bản hơn.
Trước hết, ta phải hiểu rõ thị trường rộng lớn hơn 300 triệu người tiêu dùng này cần gì, với các quy định pháp luật rất chặt chẽ và khá đa dạng, trong đó có vai trò khác nhau của các bang, của các hiệp hội… Nếu ta không hiểu đối tác thì làm sao làm ăn buôn bán tốt được. Hơn 2 triệu người Việt Nam ở Hoa Kỳ chính là nguồn thông tin vô tận và trực tiếp có thể cùng các người bạn thân hữu từ Hoa Kỳ giúp ích tốt cho sự hội nhập của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, cả về xuất và nhập khẩu, hợp tác đầu tư, KHCN, giáo dục,…
Sau đó, ta cũng phải biết trong sân chơi cạnh tranh gay gắt, ta có thể và nên chọn hợp tác thương mại, đầu tư vào Hoa Kỳ thế nào cho tốt nhất. Triển vọng phát triển thương mại Việt – Mỹ lên hàng đầu sau BTA cho ta thấy triển vọng, sau TPP hợp tác thương mạivà nhiều mặt giữa hai nước sẽ mở ra, tiến tới đối tác chiến lược có tiềm năng to lớn nhất thế giới. Đây là con đường đi thẳng vào hiện đại hóa, và Việt Nam có thể tiến nhanh là một khả năng hiện thực.
Vấn đề là phải chủ động nắm thời cơ và chủ động vượt lên, với ý chí độc lập tự chủ, ý chí dám vượt lên cùng thời đại, từng bước sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên địa bàn có ý nghĩa chiến lược này…
PV: Liệu ông có thể đánh giá, thông tin trên sẽ mở ra cơ hội gì cho kinh tế Việt Nam khi vấn đề đa dạng hóa thị trường, giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường, cụ thể là Trung Quốc đang được đặt ra cấp thiết?
Nếu muốn tận dụng cơ hội này để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Việt Nam cần phải làm gì, thưa ông?
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái: - Tôi cho rằng, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong hội nhập, thì trước hết đó là độc lập, tự chủ về đường lối, chính sách, chủ động tham gia thỏa thuận luật chơi trong điều kiện hội nhập toàn cầu. Trên cơ sở đó, cần phát triển kinh tế để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.
Một trong những chỉ dấu của nền kinh tế phát triển năng động như vậy là tạo thế “tùy thuộc lẫn nhau”, không bị lệ thuộc vào bất kỳ đối tác nào, dù đó là Trung Quốc, Hàn Quốc hay Hoa Kỳ. Như vậy, Việt Nam phải thực hiện chính sách đa phương, đa dạng, từ đó làm nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, nhưng đa dạng, không lệ thuộc.
Về quan hệ với Trung Quốc, tôi cho rằng, Trung Quốc là nước láng  giềng lớn mạnh, có tiềm lực kinh tế phát triển mạnh mẽ, không chỉ đứng đầu khu vực mà còn đang thách đố cả các cường quốc khác trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ. Do đó, quan hệ kinh tế với Trung Quốc, kể cả với các khu vực có công nghệ rất cao (thường ở miền Đông) và cả khu vực có nhu cầu tiêu dùng lớn, điều kiện sống còn thấp và có nhiều điểm giống ta (chủ yếu ở miền Tây) là việc làm đúng đắn.
Việc có một ngành, lĩnh vực lệ thuộc nặng nề vào nhập khẩu nguyên liệu, giống… từ Trung Quốc chủ yếu ta cần “tự trách mình” (tiên trách kỷ, hậu trách nhân), thiếu đôn đốc kiểm tra, thiếu mở ra quan hệ đa phương, đa dạng như đã có chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Từ quan hệ láng giềng hữu nghị, Việt Nam có thể đẩy mạnh giao thương và hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc. Đồng thời, do Việt Nam có quan hệ đa dạng với thế giới nên việc giao thương với Trung Quốc có ý nghĩa bổ sung cho nhau trên nhiều lĩnh vực, mà không chỉ là toàn học phải theo, đi theo sau, làm theo các điển hình, cả tốt và chưa tốt.
Những năm đổi mới đã cho thấy, có lĩnh vực, ngay như chính sách tài chính tiền tệ Việt Nam (trước 1994 chẳng hạn) cũng có lúc có bước đi nhanh hơn Trung Quốc, khi ta độc lập trong tư duy phát triển. Khi độc lập suy nghĩ, tìm ra đột phá trong thế giới hội nhập thế hệ mới (toàn diện hơn, hội nhập cả bên trong) thì chúng ta có cơ hội phát triển vượt lên. Kinh nghiệm đẩy mạnh giao thương với Ấn  Độ ngay trong lĩnh vực dệt may, da giầy, vũ khí… hiện nay đã là những ví dụ tốt để nhiều ngành và lĩnh vực có thể học làm theo, có kết quả tích cực.
Hiện nay, Việt Nam cũng tham gia đàm phán thỏa thuận TPP cùng Nhóm 12 nước (không có Trung Quốc), chuẩn bị ký Khu vực mậu dịch tự do FTA với EU, Hàn Quốc, Nga và Nhóm Á-Âu,… cho thấy, đường lối độc lập tự chủ của Việt Nam đang được triển khai rất có kết quả. Tôi tin tưởng ở tương lai hội nhập thành công.
PV: - Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
  • Thành Luân

RSF lên án vụ đe dọa đối với blogger Phạm Minh Hoàng

RFI-Đức Tâm
Ngày 10-11-2014 15:51
media
Ông Tổng lãnh sự Pháp Ly-Batallan cùng với Phó lãnh sự Petitbon đến thăm ông Phạm Minh Hoàng.-ijavn.org

Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), hôm nay, 10/11/2014, lên án vụ trấn áp blogger Phạm Minh Hoàng và gia đình, xẩy ra ngày 05/11/2014, được thể hiện qua vụ hành hung Tổng lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo RSF, những kẻ côn đồ, với sự hỗ trợ của các cảnh sát mặc thường phục, đã hành hung Tổng lãnh sự Pháp, ông Emmanuel Ly – Battallan, khi ông tới bảo vệ blogger Phạm Minh Hoàng, người Pháp gốc Việt và mẹ của ông Hoàng tại Sài Gòn.

Từ ngày 05/11/2014, những kẻ côn đồ, cùng với cảnh sát mặc thường phục, đã hiện diện thường trực trước một ngôi nhà, gần nơi ở của ông Phạm Minh Hoàng và mẹ ông. Gia đình mẹ ông Hoàng có để cho nhà ly khai Nguyễn Bắc Truyển cư ngụ tại đây. Côn đồ đã liên tục gây áp lực đối với hai ông Truyển và Hoàng, cũng như mẹ của ông Hoàng.

Blogger Phạm Minh Hoàng và Tổng lãnh sự Pháp đã gọi điện thoại tới đồn công an khu vực thông báo vụ việc, nhưng được trả lời là công an không thể tới được, vì « đang họp ». Ông Tổng lãnh sự Pháp đã đích thân sang nhà bên gặp bọn côn đồ để yêu cầu chúng chấm dứt các hành động dọa nạt và ông đã bị hành hung.

Ông Benjamin Ismail, phụ trách văn phòng Châu Á –Thái Bình Dương của RSF tuyên bố : « Một hành động bạo lực như vậy là không thể chấp nhận được, hơn nữa khi lực lượng công an có liên quan đến vụ này ». RSF cho rằng, mặc dù ông Phạm Minh Hoàng và ông Nguyễn Bắc Truyển đã bị kết án tù vô lý và quá mức, nhưng cả hai người đã thụ án xong. RSF yêu cầu chấm dứt ngay lập tức việc quấy nhiễu liên tục, các hù dọa và dùng dao đe dọa nhắm vào các blogger và gia đình họ.

Trước khi vụ hành hung xẩy ra, vợ của ông Phạm Minh Hoàng, bà Oanh, quốc tịch Pháp, đã yêu cầu nhóm côn đồ đi chỗ khác, và bà đã bị một kẻ côn đồ dùng dao đe dọa. Việc quấy nhiễu liên tục gia đình ông Phạm Minh Hoàng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà mẹ ông Hoàng và bà đã phải nhập viện vì tăng huyết áp. RSF cho biết, dường như Bộ Ngoại giao Việt Nam đã được thông báo vụ hành hung và khuyên Tổng lãnh sự phản đối qua con đường ngoại giao.

Năm 2011, ông Phạm Minh Hoàng đã bị chính quyền Việt Nam kết án 3 năm tù và 3 năm quản thúc tại gia với tội danh « có âm mưu lật đổ chính quyền ». Hiện ông Hoàng vẫn bị quản thúc tại gia. Theo thông cáo của RSF, ông Phạm Minh Hoàng là một blogger dũng cảm.

Dưới bút danh Phạm Kiến Quốc, ông Hoàng đã đăng nhiều bài viết về giáo dục, môi trường, chủ quyền của Việt Nam trước các thách thức của Trung Quốc và các bài viết này được loan tải rộng rãi trên internet. Blogger Phạm Minh Hoàng đã tham gia vào phong trào phản đối một doanh nghiệp Trung Quốc khai thác bô-xít ở cao nguyên trung phần Việt Nam. Ông là thành viên đảng Việt Tân. Nhà nước Việt Nam do đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo đã đặt đảng Việt Tân ra ngoài vòng pháp luật.

Về phần nhà ly khai Nguyễn Bắc Truyển, năm 2007, ông đã bị kết án 4 năm tù với tội danh « tuyên truyền chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa ».

Bị xếp hạng 'tệ nhất Châu Á', sân bay Tân Sơn Nhất đã làm gì?

Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất: những phản ánh tương đối chính xác và cảng đã triển khai khắc phục.

Mới đây, trang mạng Sleepinginairports chuyên về đánh giá các sân bay toàn cầu đã xếp hạng Tân Sơn Nhất cùng với Nội Bài vào nhóm 10 sân bay "tệ" nhất Châu Á năm 2014.

Ngay sau khi thông tin xếp hạng được công bố và được Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra, nhắc nhở, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã làm gì để cải thiện hình ảnh sân bay?
Tân Sơn Nhất hiện là sân bay lớn nhất nước ta và từng một thời có "tiếng tăm" ở khu vực Đông Nam Á, năng lực phục vụ 20 triệu lượt hành khách/năm. Nhà ga quốc tế mới xây dựng khá khang trang còn nhà ga trong nước đang được sửa chữa, nâng cấp.

Sảnh chờ taxi tại ga
Tiếp nhận đánh giá xếp hạng "tệ" của trang mạng Sleepinginairports cùng kiểm tra, nhắc nhở của Cục Hàng không Việt Nam, ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, những phản ánh tương đối chính xác và cảng đã triển khai khắc phục.
Trước mắt, giải quyết vấn đề nhà vệ sinh chưa sạch sẽ, thiếu giấy ở nhà ga trong nước, cảng đã yêu cầu bộ phận vệ sinh tăng cường lau dọn, bố trí người trực thường xuyên để thay giấy khi hết. Trong quá trình cải tạo, cảng mở rộng và nâng cao chất lượng khu vệ sinh đạt tiêu chuẩn 5 sao. Sân bay cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh, buôn bán tại các nhà ga niêm yết công khai giá bán.
Còn về sóng wifi truy cập Internet, cảng đã đầu tư nâng cấp với mục tiêu trong tháng 12 tới sẽ hoàn thành để cung cấp dịch vụ miễn phí cho hành khách với tốc độ cao. 
Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết: “Yếu tố rất quan trọng là vấn đề công nghệ, ứng dụng một số công nghệ để giảm áp lực cơ sở hạ tầng. Chúng tôi cũng đang tính toán nâng cao khả năng chuyên môn, tính chuyên nghiệp của nhân viên hàng không của cảng. Làm sao phục vụ chuyên nghiệp hơn, nhanh nhẹn, cũng như thái độ phục vụ hành khách được tốt nhất. Đây là điều rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ”.
Ông Đặng Tuấn Tú cũng nói thêm: Dự án án mở rộng, cải tạo nhà ga trong nước tại sân bay Tân Sơn Nhất đến nay đã thực hiện được trên 80%. Dự kiến giữa tháng 12 tới sẽ hoàn thành. Như vậy, cơ sở hạ tầng của sân bay sẽ khang trang, hiện đại hơn. Tuy nhiên, cảng cũng xác định yếu tố cốt lõi vẫn là con người, thái độ phục vụ tận tình, niềm nở của tất cả nhân viên trong nhà ga. Chính vì vậy, cảng đã tổ chức các lớp tập huấn kĩ năng, văn hóa ứng xử cho nhân viên theo tinh thần “4 xin – 4 luôn”. Đó là: xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn và luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ... Giờ đây, thái độ phục vụ ở sân bay Tân Sơn Nhất đã có sự thay đổi đáng kể.
Chị Nguyễn Kiều Thoa, hành khách từ Hà Nội cảm thấy khá hài lòng về sự thay đổi này. Chị nói: “Theo tôi, mọi so sánh đều khập khễnh. Nếu so với các nước đang phát triển, tất nhiên là không thể bằng. Nhưng so với nền tảng của chính nó, tôi thấy như vậy là được rồi. Tôi thấy dịch vụ ở đây cũng ổn”.
Sau những nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ tại sân bay, đến nay, ghi nhận tại các khoang làm thủ tục, khu vực kiểm soát an ninh diễn ra khá thông thoáng. Khu vực đón taxi không còn cảnh chen lấn, ùn tắc do có hai trạm đưa, đón taxi riêng biệt. Nhiều hành khách khi trở lại sân bay phần nào thấy được sự thay đổi trong phong cách phục vụ khẩn trương, niềm nở của nhân viên.
Bà Nguyễn Thị Đức, ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh nói: “Trước đây, sân bay hơi nhếch nhác một chút, nhất là về vệ sinh. Nhưng bây giờ tôi thấy thoáng và sạch sẽ. Cách phục vụ của nhân viên ở đây tốt, tận tình. Chỉ có đồ ăn thức uống ở đây đắt hơn ở ngoài”.
Tiến tới dịch vụ hàng không chất lượng, bên cạnh vấn đề vệ sinh, tiếng ồn, thái độ phục vụ của nhân viên,…nhiều hành khách cho rằng: sân bay nên cung cấp nhiều hơn những dịch vụ tiện ích, như: nước uống, báo, tạp chí hay hệ thống wifi chất lượng,...
Hành khách Lê Văn Hạnh, ở Thanh Hóa mong muốn: “Các lực lượng làm ở sân bay phải có một hệ thống quy củ, chặt trẽ hơn. Họ cần phải đổi mới nhiều hơn nữa, để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu và văn minh của nước Việt Nam chúng ta. Để phục vụ cho người dân trong nước và quốc tế, tránh tình trạng sô bồ”.
Ngành hàng không và sân bay Tân Sơn Nhất đã vào cuộc nhằm khắc phục hình ảnh xấu trong hành khách. Thế nhưng cũng phải thẳng thắn nói rằng để việc này thành công cũng cần sự hưởng ứng xây dựng văn minh hàng không của chính hành khách như: biết kiên nhẫn xếp hàng, không xả rác ra nhà ga, có ý thức giữ gìn khi sử dụng nhà vệ sinh... Việc tưởng đơn giản nhưng không phải lúc nào cũng làm tốt nếu thiếu ý thức trách nhiệm./.
 Chủ Nhật, ngày 9/11/2014 - 18:49
Theo Ngọc Luân/VOV – TP HCM

Nỗi lòng người xa Hà Nội, người ở Hà Nội

 Jason Gibbs
Gửi cho BBC từ San Francisco 7 giờ trước

Theo truyền thông trong nước, gần đây một người ở Hà Nội tự nhận là tác giả ca khúc Nỗi lòng người đi, vốn lâu nay được biết đến với tác giả là nhạc sĩ Anh Bằng.
Ông Khúc Ngọc Chân, nguyên nhạc công cello Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, nói với báo trong nước rằng ông mới là tác giả bài hát.
Nhân tranh cãi này, nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, Jason Gibbs, có bài viết cho BBC.
Một tác phẩm nghệ thuật thuộc về quyền sở hữu của ai? Trả lại cho đơn giản là nó thuộc về tác giả.
Song cái đơn giản không hẳn là đúng. Các tác phẩm cũng phu thuộc vào một thời, một bối cảnh xã hội, một nước, một dân tộc. Các tác giả cũng nhờ vào các tác giả và tác phẩm đi trước, nhờ vào những hoàn cảnh nằm ở trong đời sống ngoài mình.
Một yếu tố quan trọng của quyền sở hữu là cái ý niệm về sự xác thực. Một mặt của sự xác thực là luật pháp. Trước bộ luật lệ ai được coi là người / nhóm người / công ty / tổ chức mà có tác quyền? Nghĩa là ai nộp giấy tờ chứng minh rằng mình đứng lên xác nhận mình là tác giả và sau đó sẽ hưởng lợi ích và chịu trách nghiệm về tác phẩm ấy.
Định nghĩa từ xác thực cho chính xác là "đúng với sự thật" (Từ điển tiếng Việt - Nxb Khoa học Xã hội - TT Từ điển học, 1994). Chữ "sự thật" thì phức tạp hơn. Sự thật có nghĩa như "điều phản ánh đúng hiện thực khách quan." Cái khách quan thì nhiều lần khó biết đến. Còn sự thật cũng có mặt chủ quan.

Giấy tờ

Nhìn bài ca "Nỗi lòng người đi" với con mắt của pháp luật thì pháp luật rất rõ. Nhạc sĩ Anh Bằng đã nộp giấy tờ kiểm duyệt cho bài ca "Nỗi lòng người đi" từ ngày 15 tháng 4 1967. Từ 25 tháng 8 năm 2012 Cục Nghệ thuật Biểu diễn ở Việt Nam cũng nhận ông là tác giả nữa.
Một sự thật khác là sự tiếp thu của bài hát này. "Nỗi lòng người đi" mới đến với thính giả từ năm 1967. Nếu có người nghe biết bài hát ấy trước năm đó thì chỉ là một số người rất ít. Một sự thật khác là nếu bài ca này đã được giới thiệu trong những năm 1954-1956 thì nó sẽ nổi như cồn. Song lúc đến với thính giả năm 1967 thì "Nỗi lòng người đi" cũng nổi lên.
Tại sao? Vì nó phù hợp với tâm trạng của bất cứ người Việt bắt phải đi xa người tình mình, và cụ thể hơn nó phù hợp với tâm trạng của hơn một triệu dân di cư vào miền Nam. Bài hát ấy đúng với sự thật khách quan - thuở ấy đã có người gốc Hà Nội không được sống ở miền quê thương yêu và bên cạnh người thân bởi vì người Việt đang đánh nhau. Nó cũng đúng với sự thật chủ quan là có nhiều con người có những thương tiếc nhớ riêng về một người khác nào đó.
Lúc mà hòa bình đến thì chiến tranh chưa thực sự hết. Người Việt vẫn coi những người Việt khác như kẻ thù. Và bài ca "Nỗi lòng người đi" triệt để bị cấm phổ biên trên đất Việt. Nhưng nó cũng đúng với sự thật của người tị nạn Việt ở hải ngoại và với những người bị giam mất tự do ở trong nước Việt.

'Bạc nhược, tuyệt vọng'

Tôi đã mới đến với bài ca "Nỗi lòng người đi" qua trí nhớ của Lộc Vàng. Nếu người đọc chưa biết đến Lộc Vàng, Nguyễn Văn Lộc là một người Hà Nội chính gốc sống ở Hà Nội bị tù từ 1968 đến 1976 vì nghe và hát nhạc tiền chiến và nhạc miền Nam. Ông và bạn bè của ông nghe trộm đài Sài Gòn rồi chép lời ca để hát với nhau. "Nỗi lòng người đi" là một trong những bài ca mà ông và các bạn của ông hát với nhau.
Một chi tiết thú vị nữa là Lộc Vàng là ca sĩ đầu tiên hát bài ca này trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội. Ngày 12 tháng 9 1968 Đỗ Nhuận làm đại diện cho Hội Nhạc Sĩ Việt Nam mời Lộc Vàng, Toán Xồm và Thành Tai Voi hát và đàn cho khoảng 20 chuyên viên âm nhạc muốn tìm hiểu nhạc "màu vàng." "Nỗi lòng người đi" là một trong những bài ca được hát tại Nhà Hát Lớn ngày đó. Nhờ vậy Đỗ Nhuận được đăng các nhận xét như sau:
Trong số những bài hát đó, cũng có bài nói đến tình yêu trai gái, như bài "Nỗi lòng người đi". Không cần bàn đến việc yêu đương đó, chúng ta chỉ nói đến một vài điểm trong toàn bộ nội dung bài hát. Từ đầu chí cuối, bài hát toát ra một bạc nhược hoàn toàn, một tâm tư cô độc, tuyệt vọng, ngơ ngác, sầu tủi, nghi ngờ của một thanh niên bạc nhược. Thực chất là một cách phản tuyên truyền của bọn tâm lý chiến, muốn gieo rắc sự bi quan ảm đạm vào lứa tuổi thanh niên, làm cho họ mất phương hướng nhắm mắt trước thực tế lịch sử đấu tranh của dân tộc ("Tính chất phản động của nhạc vàng," Văn hóa Nghệ thuật số 6 năm 1972, 39).
Đỗ Nhuận chắc nói đúng là ca khúc "Nỗi lòng người đi" phù thuộc vào tâm lý chiến của miền Nam. Anh Bằng từng sáng tác nhiều bài ca có mục đích như thế. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng Đỗ Nhuận ngầm về hiệu quả của bài ca này. Nghe bài ca này người nghe vẫn được một niềm tin dâng lên tình cảm và tinh thần của người nghe.
Vì công của Lộc Vàng và bạn bè thì "Nỗi lòng người đi" cũng được thành phổ biên cho một thành phần xã hội ngầm kín ở miền Bắc trong thời chiến tranh. Tôi đã được nói chuyện với một người Hà Nội khác kể rằng ông và bạn bè từng hát bài "Nỗi lòng người đi" và một số ca khúc miền Nam khác để tiễn bạn đi bộ đội vào chiến trường ở miền Nam.
Như thế một sự thật khác là bài ca "Nỗi lòng người đi" cũng là một bài tiêu biểu cho những người đang sống ở Hà Nội cảm thấy như Hà Nội thành xa lạ với mình. Còn nữa đây cũng là một bài ca của những người lính Hà Nội vào chiến trường miền Nam.

Không công bằng

Nói đến sự xác thực của một tác phẩm nghệ thuật thì một điều nhất định là mình phải đề cập đến đời sống riêng của tác giả. Có lẽ tác phẩm ấy phản ánh những người thật, việc thật. Trong những năm gần đây thì chúng ta được biết đến chuyện đời của cặp người tình Hà Nội bị chia ly vì nước Việt bị chia cắt năm 1954 là Khúc Ngọc Chân và Nguyễn Thu Hằng. Câu chuyện này được kể đến trang của một số tờ báo Việt Nam. Tôi nghĩ rằng chưa có đủ tư liệu để chứng tỏ chuyện này có thật hay không.
Tuy nhiên, nếu sự thật là Khúc Ngọc Chân là tác giả sáng tác ca khúc này năm 1954 thì sự kiện lịch sử rất là không công bằng cho ông Chân. Nếu như thế thì bài ca của ông chỉ mới được phổ ở miền Nam từ năm 1967 (và cũng thành phổ biên ở phía bắc vĩ tuyến 17 nhờ những nghe trộm các đài Sài Gòn). Song, lúc bấy giờ ông Khúc Ngọc Chân đứng lên nhận mình là tác giả của bài hát này sẽ rất không tiện cho ông. Ông sẽ mất chức, có lẽ ông sẽ mất quyền tự do nữa. Nhưng Anh Bằng đứng lên nhận tác phẩm không có nghĩa là Anh Bằng không trả giá nào trong đời. Ông có điều kiện thực hiện ca khúc này cùng thời mà ông đã mất quyền sống ở miền quê của mình, phải di cư vào miền nam và lập lại một đời sống mới cho mình.
Một điều nữa là chúng ta (là những người thích bài ca "Nỗi lòng người đi" và cho rằng bài ca ấy có giá trị) phải công nhận rằng Anh Bằng rất có công. Ông có điều kiện cho bài ca này được phổ biến một cách rất lịch sự và trau chuốt từ nam chí bắc. Nhờ ông mà bài ca này được "để đời.
Giá như Khúc Ngọc Chân muốn được giới thiệu ca khúc này thì phải đợi đến những năm 1990. Một ca khúc của một tác giả vô danh độ 60 tuổi chắc đã không đến đâu trong thị trường âm nhạc, mặc dù bài hát ấy có phẩm chất nghệ thuật cao. Anh Bằng không xuất bản ca khúc này thì trái đất này đã thiếu ca khúc này.
Nếu Khúc Ngọc Chân được công nhận là cha đẻ, thì Anh Bằng vẫn là bố nuôi. Một người bố nuôi đàng hoàng như thế cũng phải có quyền theo pháp luật. Theo một cách nói khác Anh Bằng (và cộng đồng người Việt di cư, tị nạn) được một bài ca, nhưng mất Hà Nội. Khúc Ngọc Chân được Hà Nội, nhưng mất một bài ca. Thế nào là giá cao hơn?

Samsung mở nhà máy mới ở Việt Nam

BBC-3 giờ trước
Samsung Electronics cho biết sẽ chi tối đa 3 tỉ đôla để xây nhà máy điện thoại mới ở Việt Nam.
Cơ sở mới sẽ hoạt động cùng một nhà máy 2 tỉ đôla mà Samsung đã có ở Việt Nam từ tháng Ba.
Intel, LG, Panasonic và nhánh làm điện thoại của Microsoft đều đã mở rộng sản xuất tại Việt Nam mấy năm qua, đánh dấu bước chuyển khỏi Trung Quốc.
Daniel Gleeson, một nhà phân tích của công ty tư vấn IHS Technology, bình luận rằng Việt Nam đang hấp dẫn hơn Trung Quốc.
“Phần nào đó Trung Quốc là nạn nhân của thành công – kinh tế của họ thành công quá nên sản xuất trở nên đắt đỏ.”
“Nhiều nhà sản xuất phải hoạt động với chi phí rất chặt. Chỉ cần tiết kiệm chút xíu khi chuyển sang Việt Nam cũng là lợi thế cạnh tranh đáng kể.”
Chính phủ Việt Nam trước đó nói cơ sở làm điện thoại của Samsung sẽ không phải nộp thuế trong bốn năm, và chỉ đóng một nửa trong chín năm tiếp theo nếu Samsung đáp ứng các điều kiện trong hợp đồng đầu tư.
Trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu đến 19.2 tỉ đôla thiết bị điện thoại di động – tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục thống kê Việt Nam.

Sau 25 năm Việt Nam vẫn kém Đông Âu

Nguyễn Giang 
BBCvietnamese.com 7 giờ trước
Châu Âu làm lễ kỷ niệm ngày đập tường Berlin 9/11/1989
Đúng một phần tư thế kỷ đã trôi qua từ ngày Bức tường Berlin sụp đổ, một khoảng thời gian đủ dài – một phần ba cuộc đời, năm nhiệm kỳ tổng thống, tổng bí thư – để so sánh Việt Nam và Đông Âu.
Tôi sang Berlin hè năm 1990 từ Ba Lan bằng hộ chiếu Việt Nam với visa Đông Đức, một trong số tấm thị thực cuối cùng Đại sứ quán của họ ở Warsaw cấp cho người nước ngoài, vì đến tháng 10 năm đó, Đông Đức chấm dứt tồn tại.
Lúc tôi đến xem, Bức tường Berlin khi ấy vẫn còn dài, chạy vòng vèo qua các khu phố, bờ sông, cánh rừng của thành phố đầy ắp dấu ấn của sự chia cắt.
Nhưng cổng thành Brandenburg đã mở để ai thích thì đi xe thênh thang sang phía Tây, xem chủ nghĩa tư bản là cái gì mà sáng choang như thế.
Các bạn bè và thân nhân của tôi ở Đông Berlin vào năm 1990 thì đều băn khoăn với câu hỏi về hay ở, và ở thì làm ăn tại chỗ hay đi tiếp sang Tây Đức.
Giữa cơn sốt buôn bán, đổi tiền, mua hàng, tích trữ quà cáp, ai cũng nhớn nhác suy tính xem ở lại sẽ có một tương lai tốt hơn hay về nước.
Bao trùm lên nỗi băn khoăn đó thực ra là câu hỏi ‘Việt Nam sẽ ra sao những năm tới?’
Nhưng dù phải lo kinh tế và cuộc sống cá nhân, không phải người ta không thấy vụ kéo đổ tường Berlin báo hiệu một cơn bão chính trị.
Chủ nghĩa xã hội đã phá sản ngay trên quê hương của nó.
Nhưng Việt Nam đã không chọn con đường của các nước đầy những người bạn giàu lòng nhân hậu, tư duy thoáng đãng, bao dung, không xỏ lá, trịch thượng, không bắt nạt kẻ kém hơn mình.
Giờ nhìn lại, theo cảm quan của riêng tôi, một người bám sát các biến đổi ở Đông Âu từ đó đến nay, thì sự lựa chọn của các vị thế hệ cha anh của tôi về đường hướng cho Việt Nam là hoàn toàn thông cảm được vào thời điểm đó nhưng là quyết định chỉ đạt điểm trung bình kém.
Nhiều tác giả đã phân tích về sự nghiệp Đổi Mới ở Việt Nam và nói về lựa chọn của lãnh đạo nước này khi Đông Âu chuyển mình.
Nỗi sợ đổ vỡ, sợ bị ‘bọn tư bản’ lấn chiếm, lật đổ...là điều hoàn toàn hiểu được bởi các lãnh đạo quá nửa đời sống trong cuộc chiến mà kẻ thù chính là Phương Tây.
Bức tường Berlin một thời chia cắt Đông và Tây Âu
Không chỉ bác bỏ mô hình mà Ba Lan, Hungary, CH Czech...chọn lựa, báo chí ở Hà Nội từng có lúc tự hào là không cần thay đổi thể chế mà vẫn phát triển được kinh tế, vẫn hội nhập quốc tế thành công.
Ta hãy so sánh tiêu chuẩn kinh tế, xã hội và mức độ hội nhập để xem lựa chọn của Việt Nam và Đông Âu cũ hơn kém ra sao, chưa nói đến nhân quyền, dân chủ.
Đầu tiên là về thu nhập bình quân đầu dân.
Theo tiêu chuẩn Liên Hiệp Quốc, GNI năm 2012 thì không tính vùng Đông Đức nay thuộc Cộng hòa Liên bang Đức giàu mạnh nhất châu Âu, dân các nước Ba Lan (12 nghìn USD), Hungary (12 nghìn USD), Lithuania (11 nghìn USD), Slovakia (8600 USD), Romania (7700 USD), Bulgaria (6000 USD), đều nhiều tiền hơn dân Việt Nam.
Thậm chí dân Albania, quốc gia nghèo nàn lạc hậu nhất châu Âu từ thời cộng sản đến nay, và chưa là thành viên EU vẫn có thu nhập 3800 USD, bỏ xa Việt Nam ở mức 1600 USD.
Cuộc chiến khốc liệt sau khi Nam Tư tan rã từng làm nhiều người Việt Nam lo sợ.
Nhưng nay các nước đó đều ổn định, phát triển và giàu có hơn Việt Nam.
Bosnia nghèo cũng có GNI 4500 USD, còn Croatia không chỉ giàu hơn (13 nghìn USD) mà còn là điểm du lịch nổi tiếng với bờ biển đẹp, các di tích cổ và cả bảo tàng về cuộc chiến 1991, thu hút đông đảo du khách châu Âu.
Như thế, không thể nói mô hình Việt Nam chọn 25 năm qua là điều gì kỳ diệu vì nó mới chỉ giúp nước này thoát nghèo mà thôi.
Thứ nhì là về công bằng và an sinh xã hội.
Sau chừng 15 năm chuyển đổi cơ chế, từ 2004 đến 2013, một loạt quốc gia Đông Âu đã gia nhập ngôi nhà chung EU.
Biểu tượng Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan ở Berlin trong lòng châu Âu thống nhất
Công dân họ ở lại hay sang Đức, Hà Lan, Anh, Pháp... đều được hưởng các quyền lợi như các nước dân chủ tư bản lâu đời, từ an sinh xã hội đến quyền giáo dục, y tế, bầu cử...
Nếu không thỏa mãn với toà án nước mình, họ có thể kiện lên các toà nhân quyền châu Âu để đòi công lý.
Việt Nam cũng tiến triển trong hội nhập quốc tế và công dân đã có thể sang ASEAN không cần thị thực nhưng không được hưởng quyền gì hết, đôi khi còn bị kỳ thị như ở Thái Lan, Singapore gần đây.
Và để tìm vận hội, người Việt nghèo lại tìm đến vùng Đông Âu cũ nay thuộc EU.
Ở Việt Nam, ai có thu nhập cao hơn mức trung bình 1300 USD một năm đó thì cũng nên thận trọng vì điều đó có nghĩa là còn một số rất đông sống dưới mức đó.
Mất cân bằng thu nhập và thiếu cơ hội vươn lên trong một bộ phận dân cư đông đảo đang là quả bom nổ chậm cả về an ninh lẫn kinh tế.
Thứ ba là về chính cơ chế kinh tế và tốc độ hội nhập.
Cải cách, ‘cải nhiều mà vẫn cách đó’, ở Việt Nam đã ngày càng lộ ra tính nửa vời vì không tôn trọng các nguyên tắc bình đẳng của thị trường.
Vốn liếng của quốc gia thường bị dồn vào cho các tập đoàn nhà nước làm ăn yếu kém, lãng phí.
Khối tư nhân đóng thuế cao, tạo nhiều công ăn việc làm hơn thì bị kỳ thị, bóp nặn.
Tư duy chính trị độc tôn ‘Đảng và Nhà nước trên hết’ vì không bị kiềm chế nên các quán tính xấu của nó như dùng quyền lực can thiệp vào kinh tế không hề giảm đi mà còn ngày càng mạnh lên.
Các sự kiện như gia nhập WTO được báo chí nhà nước ở Việt Nam đề cao như một thành tích về tiến bộ của cải cách.
Đa số các nước Đông Âu cũng đã vào WTO và còn vào sớm hơn Việt Nam.
Ví dụ như Romania vào năm 1995 khi Việt Nam mới bắt đầu đàm phán để gia nhập chính thức năm 2007.
Nghèo như Albania và vừa thoát khỏi nội chiến như Croatia cũng đã vào WTO từ năm 2000.
Các nước gốc Đông Âu cộng sản như Romania vẫn có thu nhập cao hơn Việt Nam
Điều này cho thấy sức ì của cải tổ cơ chế chính trị nói chung đã khiến Việt Nam chậm chân hơn nhiều so với các nước Đông Âu trong việc hội nhập kinh tế thế giới, bất kể tuyên truyền nói gì.
Điều cần nói nữa là di sản rất đặc thù, khủng khiếp hơn ta vẫn tưởng của mô hình Liên Xô.
Một khi đã dính vào mô hình này, quốc gia nào cũng sẽ phải trả giá, trả giá rất cao, rất lâu dài.
Nhiều lần quay lại các bang thuộc Đông Đức cũ cho tôi cảm nhận rất rõ rệt về điều này.
Cùng một dân tộc thuộc hàng văn minh nhất của nhân loại, người Đông Đức chỉ phải chịu đựng mô hình Liên Xô trong 40 năm mà ngày nay các bang phía Đông vẫn chưa thực sự hồi sinh.
Đến thăm một số bạn Việt Nam ở Chemnitz, thành phố từng mang tên Karl Marx, tôi thấy chỉ có mấy hộ gia đình ở cả một toà nhà nhiều tầng, phần còn lại bỏ hoang.
Lý do là người dân Đức cứ còn sức, còn tuổi trẻ là bỏ đi sang phía Tây, để lại những khu phố gió lùa vắng lặng, công viên lá vàng đẹp rực rỡ nhưng thiếu bóng người.
Về đêm, Đông Berlin vẫn ít ánh đèn, tối hơn hẳn Tây Berlin sau 25 năm thống nhất.
Việt Nam từng tự hào là tránh được nội chiến, xung đột sắc tộc như ở Nam Tư một thời.
Nhưng bạo lực chuyên chính do mô hình Liên Xô tích tụ, ép xuống, dồn nén vào dân đã gây ra các xung lực đa chiều phá tung các tế bào xã hội, bẻ cong nhiều chuẩn mực, làm biến dạng nhân cách.
Y tế và giáo dục tiếp tục trên đà xuống dốc, giao thông thì kinh khủng hơn và hệ thống công quyền tham nhũng, tư pháp hà khắc chính là ‘món quà từ mối tình Liên Xô’ còn gây di hại.
Việt Nam ngày hôm nay đã khác nhiều.
Hiển nhiên, Việt Nam hôm nay không phải là những ngày tháng u ám của thập niên trước Đổi Mới.
Xã hội và con người đã tiến bộ lên rất nhiều, tự do cũng tăng và tư duy từ quan chức đến người dân đều cởi mở hơn trước vượt bậc.
Điều này một phần nhờ làn sóng giao lưu con người, thông tin tăng cao trên toàn thế giới, nhờ sự hỗ trợ tài chính, khuyến khích kiên trì không ngừng nghỉ của các cường nước có trách nhiệm toàn cầu.
Nhưng cũng phải ghi nhận đóng góp của nhiều vị lãnh đạo, các nhà hoạch định kinh tế, giới ngoại giao, doanh nghiệp, văn nghệ sỹ, giới vận động dân chủ, nhân quyền và người dân nói chung cho sự biến đổi dần nhận thức, thúc đẩy các xu hướng mới.
Việt Nam cũng nhanh chóng nối lại quan hệ thân thiện với toàn bộ các nước Đông Âu cũ và tỏ quyết tâm làm bạn, làm đối tác chiến lược với Đức, Anh, Pháp trong EU.
Xã hội Việt Nam cần xây dựng chung một tương lai dựa trên những điều tiến bộ chính mình đạt được.
Tuy thế, trong nhận thức mới này vẫn cần một đánh giá công minh về thành quả của Đông Âu và lòng dũng cảm để nói rằng lựa chọn của Việt Nam 25 năm qua còn nhiều thiếu hụt.
Ngày nay người Việt lại tiếp tục trở lại Đông Âu làm ăn
Bài học cho Việt Nam vì thế là bài học của các nước nhỏ vùng Đông Âu đã thành công trong cả cải cách chính trị và kinh tế, không chạy theo đại cường hạt nhân như Trung Quốc và Nga vốn luôn có tính toán của họ.
Vào những đêm sôi động đập tường Berlin 25 năm về trước, nhiều bạn tôi đã ‘chui nách’ các công dân Đức to cao để sang xem phía Tây có gì lạ.
Ngày nay, hàng triệu người Việt, từ quan chức đến người dân đã đi nước ngoài, đã biết rõ những điều hay dở của thế giới ngày nay.
Để bước hẳn sang miền văn minh, tiến bộ, cần dỡ bỏ nốt những bức tường lo sợ trong tư duy và nghiệm lại bài học của các nước Đông Âu một thời là đồng minh đồng chí.
Bài đã đăng trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt và của tác giả.