Diễn tập bảo vệ Đại hội Đảng 12 tại Hà Nội vào ngày 8/1/2021. Ảnh chụp màn hình báo Người Lao Động.
Lễ xuất quân bảo vệ đại hội đảng lần thứ 13” vừa diễn ra hôm 10 tháng 1 tại Hà Nội chính là bằng chứng cho thấy nhận thức của giới lãnh đạo đảng hiện nay lệch lạc tới mức đáng ngại.
Tại sao tổ chức chính trị trước nay thường xuyên khẳng định được nhân dân tin yêu, tín nhiệm, nhất trí giao phó trọng trách quản trị - điều hành quốc gia và không đặt ra bất kỳ giới hạn nào về thời gian lại nghi ngại, sợ hãi nhân dân của mình tới mức như vậy?
Đảng mới tự vấn, vừa nhận ra đã đắc tội với đồng bào nên mới ra lệnh cho cả công an lẫn quân đội luyện tập, bảo đảm an ninh, an toàn trên phạm vi cả nước, tuyệt đối không để xảy ra vấn đề, vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra đại hội đảng (1)?
Lẽ nào những cá nhân được lựa chọn tham gia Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của đảng đều là những kẻ… đại gian, đại ác, tự thấy, tự xếp chính họ vào loại… “trời không dung, đất không tha”, trăm họ oán hận tới mức có thể đứng dậy vấn tội bất kỳ lúc nào, thành ra lãnh đạo đảng đành lựa chọn những đơn vị tinh nhuệ nhất, đầy đủ trang thiết bị nhất, buộc các đơn vị này phải luyện tập – đối phó với nhiều tình huống giả định ở mọi cấp độ, kể cả những tình huống rất phức tạp trong một thời gian dài, nhằm giữ các đơn vị đặc nhiệm với… 6.000 tinh binh ấy luônở trạng thái tinh thần chủ động cao nhất, hi vọng bảo đảm tuyệt đối an toàn cho đại hội đảng?
Chuyện hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tổ chức tuyên truyền rầm rộ, liên tục về luyện tập “bảo vệ đại hội đảng 13”, hết “tổng duyệt” hôm 8 tháng 1, đến “xuất quân” hôm 10 tháng 1, tận mắt mục kích đủ loại thiết giáp, có loại gắn… vài ba đại liên, có loại chuyên rà – hủy bom mìn, có loại để đối phó với độc chất sinh hóa hay phục vụ tác chiến điện tử,… rồi vô số xe cứu hỏa, cứu thương,… sẵn sàng ứng cứu số lượng nạn nhân ở mức… thảm họa (2), thiên hạ còn bao nhiêu người dám tin Việt Nam là quốc gia thật sự… ổn định về… chính trị? Việt Nam là điểm đến không cần phải âu lo cho… an ninh, an toàn của cả tính mạng lẫn tài sản?
Dẫu “tổng duyệt” và “xuất quân” dùng đến 6.000 người, ngoài phô trương đủ loại trang bị, thiết bị hiện đại, tham gia “tổng duyệt” và “xuất quân”còn có cả… quân khuyển, ngựa nhưng nhìn một cách tổng quát, “đặc nhiệm” và “tinh nhuệ” vẫn thế (3), vẫn rất… Cộng hòa XHCN Việt Nam: Vừa chạy, vừa hô khẩu hiệu, xếp thành hình búa – liềm, đu dây, leo rào, nhảy qua vòng lửa, lấy yết hầu hoặc cổ làm điểm tựa để uốn sắt, đặt gạch trên cơ thể rồi dùng búa đập, đấm đá theo… kịch bản (4),… Ngày xưa, tiền nhân của người Việt gọi việc thi triển những… kỹ thuật ấy là… “mãi võ”. Thời Cộng hòa XHCN Việt Nam, “mãi võ” mới thành… “đặc nhiệm”, “tinh nhuệ” để… tự hào!
***
Cho dù đảng không cho biết việc huấn luyện, điều động các lực lượng “đặc nhiệm”, “tinh nhuệ” nhằm “bảo vệ đại hội đảng lần thứ 13” tốn bao nhiêu tiền nhưng chắc chắn khoản tiền ấy không nhỏ. Ai cũng biết, không sợ thì không phòng ngừa, không răn đe nhưng nếu xem kỹ tuyên truyền về hoạt động “tổng duyệt”, “xuất quân” nhằm “bảo vệ đại hội đảng lần thứ 13”, còn có thể nhận ra một yếu tố khác, đó là những cá nhân lãnh đạo công an, quân đội, đặc biệt là ông Tô Lâm đang khai thác tận tình sự lo âu của giới lãnh đạo đảng về nguy cơ bị đồng bào vấn tội để kiếm thêm cả vốn đầu tư cho ngành lẫn củng cố vai trò của chính ông trong sắp đặt nhân sự lãnh đạo đảng nhiệm kỳ tới!
Ảnh minh họa. Biệt phủ tọa lạc trên diện tích 2.300 m2 ở huyện Bình Chánh, TP.HCM do con gái nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đứng tên chủ sở hữu.Courtesy of zing.vn
Nhiều người trẻ tuổi Việt Nam sở hữu tài sản nghìn tỷ
Tại buổi báo cáo công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao nhiệm kỳ 2016-2021 vào sáng ngày 12/1, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng.
Ông Lê Minh Trí được báo giới dẫn lời khẳng định rằng “thu hồi tài sản tham nhũng nhiệm kỳ sau đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước”. Điển hình, nhiệm kỳ trước thu hồi 5-10% nhưng nhiệm kỳ này hơn 50%.
Mặc dù vậy, ông Lê Minh Trí nhấn mạnh trong thực tế nhận được phản ánh hiện nay có những người trẻ từ 20-30 tuổi đã đứng tên các tài sản cả trăm tỷ, cả ngàn tỷ đồng. Cơ quan chức năng dù biết nhưng không thể xử lý được vì quyền sở hữu của công dân nên không đụng vào được.
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng đó là hiện tượng quan chức tham nhũng không bao giờ tự đứng tên tài sản, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên do quy định kê khai tài sản ở Việt Nam chỉ trong hệ thống chính trị. Do đó, ông Lê Minh Trí đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản để khi một tài sản mới được đăng ký mà không chứng minh được nguồn gốc thì sẽ bị điều tra và sẽ có cớ sở pháp lý để xử lý cũng như chắc chắn không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng.
Nhìn thấy có quá nhiều người trẻ sở hữu khối tài sản lớn như thế thì rõ ràng sự bất công trong xã hội đang rất nhiều. Tại vì ở Việt Nam có cơ chế xã hội chủ nghĩa, là cơ chế ‘xin-cho’ và nếu như không làm láo, không làm bậy, không mua gian bán lận thì không bao giờ giàu. Kiểu gì cũng phải móc nối với chính quyền, đút lót cho chính quyền thì mới giàu được; hoặc họ là sân sau của các quan chức hoặc là họ móc nối với quan chức và hai bên cùng có lợi. Cho nên, những đồng tiền đó bất minh nhiều hơn những đồng tiền chính đán-Đỗ Nam Trung
Anh Đỗ Nam Trung, một bạn trẻ ở Việt Nam lên tiếng xác nhận về thông tin mà Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí đề cập đến nhiều người tuổi từ 20-30 sở hữu tài sản giá trị trăm, ngàn tỷ.
“Theo tôi thấy đa phần những người trẻ mà có khối tài sản lớn như thế là do của cha ông để lại hay cha mẹ làm quan chức hoặc một kiểu kinh doanh ‘tư bản đỏ’, tức là hình thức kinh doanh có móc nối với chính quyền để làm giàu và sau đó thì tuồn tiền cho họ đứng tên. Thật ra thì những tài sản đó không phải của họ mà là của cha mẹ họ thôi. Thứ hai nữa là mình không có gì để cảm thấy phục những người đó cả, tại vì họ được sinh ra trên một ‘cái mâm vàng’ thì họ tận dụng thôi chứ thật ra họ chẳng tài cán gì cả.”
Bạn trẻ Đỗ Nam Trung không đồng ý với giải thích của ông Lê Minh Trí rằng chính quyền không thể “đụng” đến các tài sản khổng lồ của những người trẻ tuổi.
“Nhìn thấy có quá nhiều người trẻ sở hữu khối tài sản lớn như thế thì rõ ràng sự bất công trong xã hội đang rất nhiều. Tại vì ở Việt Nam có cơ chế xã hội chủ nghĩa, là cơ chế ‘xin-cho’ và nếu như không làm láo, không làm bậy, không mua gian bán lận thì không bao giờ giàu. Kiểu gì cũng phải móc nối với chính quyền, đút lót cho chính quyền thì mới giàu được; hoặc họ là sân sau của các quan chức hoặc là họ móc nối với quan chức và hai bên cùng có lợi. Cho nên, những đồng tiền đó bất minh nhiều hơn những đồng tiền chính đáng.”
Phản biện của xã hội
Luật sư Phạm Công Út, vào tối ngày 12/1 nhắc lại một vụ việc điển hình gây xôn xao dư luận hồi năm 2017, được báo giới Nhà nước Việt Nam đồng loạt đăng tải về biệt phủ ở trung tâm huyện Bình Chánh, TP.HCM do con gái nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đứng tên.
Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong ngành tư pháp, luật sư Phạm Công Út cho rằng ông Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí nói rằng không thể “đụng” vào những tài sản như của trường hợp vừa nêu là không hiểu đúng theo luật pháp hiện hành.
“Vấn đề thu nhập hợp pháp thì sẽ dựa theo Luật Thuế thu nhập cá nhân. Một thanh niên, thanh nữ 18 tuổi, vừa đủ tuổi đứng tên tài sản, mà đứng tên tài sản khủng thì người ta phải xem lại thu nhập cá nhân của người đó. Nhưng nếu không xem thu nhập cá nhân của một người nào đó để tạo nên một gia sản khổng lồ thì thu nhập đó là phi pháp, chứ không thể dơn giản chỉ xem xét vấn đề truy thu thuế. Việc đó là việc bất minh bởi đó là con của một quan chức hưởng lương và các bổng lộc khác để rồi tạo ra những khoản tài sản khổng lồ để cho con của mình đứng tên. Đối với các cơ quan thanh tra, điều tra sẽ truy ngược lại là có khai báo về thu nhập cá nhân hay không. Vấn đề này là một lỗ hổng rất lớn và vấn đề này vẫn có luật nhưng tôi chưa thấy luật đụng đến những câu chuyện cụ thể như thế này. Ở đây, nhà nước chưa làm mạnh tay mặc dù có luật, không nằm trong luật này thì nằm trong luật khác. Chẳng hạn đó là Luật Thuế thu nhập cá nhân.”
Luật sư Phạm Công Út khẳng định rằng giải thích của ông Viện trưởng Lê Minh Trí sai vì Luật Thuế thu nhập cá nhân là áp dụng cho tất cả công dân Việt Nam.
Tôi cho rằng bây giờ có đưa ra luật gì đi nữa thì cũng chưa thoát ra khỏi phương thức giao dịch thực tế. Khi nào thoát ra được gaio dịch thực tế thì lúc đó các luật đưa ra mới áp dụng được. Còn bây giờ giao dịch thực tế hiện nay, ví dụ như một quan chức tiến hành tố tụng và người ta đưa ra một con số được viết trong lòng bàn tay của họ rồi đưa cho người đưa hối lộ đọc thấy và sau đó họ xóa đi, thì dù có đưa luật nào đi nữa cũng không đi vào thực tiễn cuộc sống. Bởi vì tại Việt Nam, người ta thanh toán bằng những khoản ‘tiền tươi’, chứ không thông qua ngân hàng. Do đó, nếu ra luật kiểu nào đi nữa thì tôi nghĩ trong thời điểm bây giờ và tương lai gần sẽ không hiệu quả-Luật sư Phạm Công Út
Về đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản do Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí đưa ra, luật sư Phạm Công Út nhận định:
“Tôi cho rằng bây giờ có đưa ra luật gì đi nữa thì cũng chưa thoát ra khỏi phương thức giao dịch thực tế. Khi nào thoát ra được gaio dịch thực tế thì lúc đó các luật đưa ra mới áp dụng được. Còn bây giờ giao dịch thực tế hiện nay, ví dụ như một quan chức tiến hành tố tụng và người ta đưa ra một con số được viết trong lòng bàn tay của họ rồi đưa cho người đưa hối lộ đọc thấy và sau đó họ xóa đi, thì dù có đưa luật nào đi nữa cũng không đi vào thực tiễn cuộc sống. Bởi vì tại Việt Nam, người ta thanh toán bằng những khoản ‘tiền tươi’, chứ không thông qua ngân hàng. Do đó, nếu ra luật kiểu nào đi nữa thì tôi nghĩ trong thời điểm bây giờ và tương lai gần sẽ không hiệu quả.”
Vào ngày 11/1, truyền thông Nhà nước Việt Nam đăng tải nội dung văn bản liên quan kiến nghị về tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi. Báo giới cho biết Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, ông Nguyễn duy Giảng vừa gửi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để yêu cầu trả lời kiến nghị vừa nêu.
Theo nội dung kiến nghị thì cơ quan có thẩm quyền đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành báo cáo nghiên cứu, xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản.
Luật sư Đặng Đình Mạnh trong cùng ngày 11/1, nhận xét với RFA rằng kiến nghị của Viện KSND Tối cao là chưa chuẩn xác.
“Mặc dù về ý nghĩa tôi nghĩ mọi người sẽ rất tán thành việc xét xử nghiêm, nghiêm khắc đối với đối tượng tham nhũng nhưng ít nhất cũng phải trên cơ sở có tình có lý. Hiện nay kiến nghị vi phạm Luật Hình sự vì Luật Hình sự có quy định khi một người có tội mới kèm theo hình phạt phụ là tịch thu tài sản hoặc tịch thu những khoản tiền bất chính. Theo ý kiến của Viện Kiểm sát Tối cao đưa ra như vậy thậm chí chưa cần có bản án tuyên họ có tội thì làm sao có thể xác định đó là tài sản bất chính để nhà nước có thể thu?”
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng theo thiển ý của ông thì tài sản tham nhũng đôi khi bị tẩu tán, nhờ người thân trong gia đình đứng tên cho nên cần có điều tra mở rộng đối với tài sản của những người thân trực hệ của bị can, bị cáo tham nhũng và nhờ đó để có cơ sở thu hồi tài sản mà họ thu lợi bất chính.
Lễ thông xe cầu Thăng Long hôm 7/1/2021 ở Hà Nội giữa cái rét mùa đông-VOV
Một tấm ảnh đăng trên trang mạng cá nhân Yen Nguyen của cựu nhà báo Nguyễn Thị Phương Yên (báo Lao Động) cho thấy 7 cô gái mặc áo dài mỏng màu xanh đang xúm xít nấp sau chiếc cột trên cầu Thăng Long (Hà Nội). Chút màu áo khác lộ ra nơi bắt đầu hai tà áo cho thấy các cô đã mặc một lớp áo sát người bên trong áo dài nhưng vẫn co ro, tay ôm chặt lấy người, cố gắng thu nhỏ mình lại. Có vài cô ngồi thụp xuống đất, lưng quay ra ngoài gió. Tất cả các cô gái đều có vẻ đang phải chịu lạnh cóng trong làn áo mỏng manh.
Ở một tấm ảnh khác, các cô gái vẫn trong tà áo dài đó, đang đứng bưng chiếc khay đựng dải vải đỏ thắt hoa đã được cắt ra nhiều phần, chứng tỏ một buổi lễ đã hoàn tất phần nghi thức quan trọng nhất theo cách thức được ưa chuộng nhất ở Việt Nam. Đó là lễ thông xe cầu Thăng Long sau 5 tháng sửa chữa, diễn ra sáng 07-01-2021. Trong bản tin thời sự của VTV trước lúc lễ thông xe diễn ra, người ta thấy quang cảnh buổi sáng trời Hà Nội âm u, sương mù mịt che kín bầu trời và mặt sông, gió thổi lồng lộng trên mặt cầu. Nhiệt độ Hà Nội sáng hôm đó chỉ khoảng 10oC, bản tin thời tiết đánh giá là “rét đậm rét hại”. Ngay sát các cô gái trong tà áo dài mỏng bay phần phật trong gió mùa đông là các quan chức-đàn ông, bọc kín trong nhiềulớp gillet ấm, áo khoác ngoài dày cộp nai nịt cùng khăn quàng cổ to dày không kém.
Bình luận trên trang cá nhân của nhà báo Yen Nguyen, nhiều người chỉ trích tâm lý ưa chuộng hình thức hão của những người tổ chức lễ thông xe.
Tôi cho rằng chỉ trích như thế là quá nhẹ.
Đấy không phải chỉ là sự thích khoe khoang, chuộng màu mè. Nó là tâm lý mục hạ vô nhân phổ biến của những ông chủ mới xã hội chủ nghĩa. Tất cả những ai mang lại quyền lợi cho họ là Trời, tất cả những người còn lại đều là bùn đất. Trong họ, chữ “nhân tính” không tồn tại. Họ nhìn nhận và đối xử với tất thảy những ai không giàu có, không quyền lực hoặc không mang lại mối lợi cho mình bằng con mắt dửng dưng như nhìn cái… cột điện. Các cô gái lạnh tái người trong tà áo dài ư? Kệ các em. Các cô chỉ là những lọ hoa di động được thuê đến để làm vui con mắt của những tay đàn ông già lão, xấu xí, bụng phệ nhưng lắm quyền và tiền.
Thái độ khinh rẻ con người ấy tương phản nhưng lại hòa quyện và gắn chặt một cách hữu cơ với thái độ khom lưng uốn gối cũng của chính những ông chủ mới trước “quan trên”.
Dân miền Bắc chẳng ai lạ những thủ đoạn nịnh bợ, những ngón nghề hầu hạ quan trên như thế. Để tiến thân trong bộ máy công quyền và những doanh nghiệp nhà nước, người ta sẵn sàng thượng đội hạ đạp. Có những cấp dưới cứ cuối tuần, giỗ chạp, lễ lộc, tết nhất… thì cun cút bỏ vợ chồng con cái cha mẹ để đến tận nhà riêng của cấp trên nấu nướng, lau nhà, rửa chén, giặt đồ, tưới cây, dọn cứt cho chó mèo… như những người hầu tận tụy cực độ. Họ chầu chực để đón đưa con sếp đi học, vợ sếp đi chợ, đi may mặc, mua sắm, giải trí, lo tất cả mọi việc trong ngoài khi con sếp cưới, khi bố mẹ sếp bệnh, khi sếp đi chùa, về quê, xây nhà… Nói không đùa, con chó nhà sếp bỏ ăn họ còn thắt gan thắt ruột hơn mẹ họ liệt giường liệt chiếu. Mặt ngoài là anh em, chị em thân thiết còn hơn ruột thịt. Nhưng khi sếp dính phốt, nguy cơ không thể hạ cánh an toàn, hoặc về hưu, bên trong họ sốt vó chạy tuột cả gót giày để săn lùng những ông chủ mới, bên ngoài lặng lẽ tháo hết các hình ảnh chụp chung với sếp từng được phóng to, lồng khung treo trang trọng gần sát … cái bàn thờ!
Và dĩ nhiên rồi, sau khi làm … con chó ở nhà sếp, thì họ phải làm vua ở những chỗ còn lại-theo nguyên tắc cân bằng tâm lý.
Tuy nhiên, hãy cứ vui lên hỡi người dân Việt Nam. Năm 2014, một quan chức Trung Quốc là phó chánh văn phòng thành phố Quý Khê khi đến hiện trường chỉ đạo cứu hộ ba học sinh bị nước cuốn, cũng đã yêu cầu cấp dưới cõng qua con đường ngập nước, vì sợ bị ướt giày (hoan hô, Trung Quốc và Việt Nam luôn là anh em). Giữa làn sóng chế nhạo vị quan chức trên, có vài ý kiến rất đáng để ý vì sự độc đáo của nó. Ý kiến đầu tiên nói: (Mưa gió như vậy) “Liệu được mấy quan chức ra ngoài đó? Mọi người thử đếm xem có được bao nhiêu người?”. Ý kiến thứ hai nói: “Mọi người tức giận chuyện gì? Nó chẳng có gì so với cưỡng hiếp trẻ em hay tham ô, hối lộ cả”. Như đã nói, Trung Quốc và Việt Nam là anh em. Nên các ý kiến trên của dân mạng Trung Quốc áp dụng vào Việt Nam cũng chính xác lắm. So với quốc nạn tham nhũng, hối lộ, thì vài ba cái lẻ tẻ như hầu hạ nịnh bợ, khom lưng uốn gối, khinh rẻ con người… chả là cái gì đáng nói cả. Nếu đồng chí nào hành xử như thế mà cũng bị lên án thì lấy đâu người ra mà làm việc, nhỉ!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Công trình thành Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936.Photo: canhco.net
Chính quyền tỉnh Đắk Nông vừa duyệt chi thêm gần 90 tỷ đồng để làm sân và đường dẫn lên tượng đài anh hùng N’Trang Lơng. Dự án này kéo dài 8 năm mới hoàn thành giai đoạn 1.
Sáng 25 tháng 7 năm 2012, lãnh đạo trung ương và địa phương tỉnh Đắk Nông đặt đá xây dựng Tượng đài anh hùng N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên. Dự kiến, tượng đài sẽ hoàn thành vào năm 2014 với kinh phí xây dựng khoảng 50-60 tỷ đồng.
Đến năm 2014, chính quyền tỉnh Đắk Nông quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư, đổi tên công trình thành Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936. Công trình được chia làm hai giai đoạn với kinh phí 146 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.
Giai đoạn đầu được khởi công xây dựng vào ngày 19 tháng 5 năm 2015, do Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch làm chủ đầu tư với kinh phí 67 tỷ đồng. Tuy nhiên do chậm tiến độ, tổng vốn của công trình được công bố tăng lên 167 tỷ đồng. Tháng 11 năm 2020, công trình hoàn thành giai đoạn 1, chưa làm khuôn viên và các hạng mục phụ trợ. Xung quanh tượng là đồi đất trống, đường đi lên khu tượng đài cũng là đường đất.
Nếu tính con số kinh phí cho dự án ngay từ ban đầu là 50-60 tỷ đồng thì dự án đã đội vốn lên hơn 100 tỷ đồng.
Trong điều kiện xây dựng ở Việt Nam thì nó đi đôi với việc thiết kế thay đổi thì nó lại đội vốn. Chẳng hạn trước đây họ chỉ định xây một con đường không thôi thì nó khác. Bây giờ có thêm các yêu cầu về trang trí xung quanh con đường đó thì nó lại là vấn đề khác. -Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định rằng, hầu như các công trình xây dựng kiểu như vậy ở Việt Nam đều bị đội vốn. Ông giải thích:
“Trong điều kiện xây dựng ở Việt Nam thì nó đi đôi với việc thiết kế thay đổi thì nó lại đội vốn. Chẳng hạn trước đây họ chỉ định xây một con đường không thôi thì nó khác. Bây giờ có thêm các yêu cầu về trang trí xung quanh con đường đó thì nó lại là vấn đề khác.
Thật ra chuyện xây dựng các tượng đài hay đường xá du lịch ở Việt Nam thời gian qua cũng có nhiều vấn đề lắm. Ngay cả những cái gọi là công trình mang tính tâm linh, mang tính lịch sử, văn hóa mà kinh phí xã hội hóa, tức dân đóng góp tự nguyện, thì nó cũng đội vốn.
Thứ nhất vì nguyên vật liệu tăng. Thứ hai là nhân công tăng. Thứ ba là trong quá trình xây dựng người ta thấy có những hạng mục không hợp lý nên phải điều chỉnh. Nhìn chung các công trình xây dựng ở Việt Nam thời gian qua đều có chuyện tăng vốn, đội vốn.”
Trong quá trình triển khai xây dựng từ năm 2015- 2017, dự án được chuyển chủ đầu tư, từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông sang Ban Quản lý các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông.
Một lãnh đạo Ban Quản lý các công trình giao thông dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông mới đây cho biết, tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục làm đường và sân xung quanh công trình với mức chi phí phát sinh thêm khoảng 90 tỷ đồng. Vị này lý giải rằng: giờ dựng tượng đài lên rồi mà không có đường đi lên thì người dân sẽ phản ứng nên bắt buộc phải làm đường. Tổng chiều dài của con đường này dự kiến khoảng 2km với tổng mức đầu tư là khoảng 77 tỷ đồng.
Là chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Đắk Mil, một thị xã thuộc tỉnh Đắk Nông, ông Trần Trọng Nhân nếu ý kiến của mình với RFA vào tối 12 tháng 1:
“Là người dân thì tôi thấy chuyện đó hết sức lãng phí và không thiết thực. Đời sống người dân rất khó khăn trong thời buổi bị ảnh hưởng do dịch bệnh như thế này. Người dân không thể lên ngắm tượng đài thay cho cơm, áo, gạo, tiền được. Người ta không thể ngắm tượng đài mà cảm thấy ấm no được.
Theo tôi, đây chẳng qua là cơ hội làm dự án để bòn rút tiền nhà nước. Một hình thức tham nhũng hợp pháp. Người dân họ nhìn thấy, họ biết hết nhưng họ không làm gì được. Họ phải chấp nhận vậy thôi.
Theo tôi thì hiện tại không nên làm vì làm cũng chẳng ai lên để ngắm. Số tiền này đem hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số. Họ nghèo đói, không có cái ăn. Những vùng dân tộc thiểu số ở Đắk Nông này nhà nước biết rất rõ là họ đói lắm. Số tiền này cứu trợ cho dân sẽ tốt hơn xây đường lên ngắm tượng đài. Tượng đài lỡ xây rồi thì thôi, còn đường đi lên thì khi nào có tiền dư dả hãy xây. Cái đói, cái khổ, cái bệnh tật là chuyện cần thiết hơn hết.”
Ngoài bức tượng chính về hình ảnh người anh hùng N’Trang Lơng đeo nỏ và cầm dao, phần phù điêu đã phác họa hình ảnh đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đấu tranh với kẻ thù xâm lược và đời sống hàng ngày của người dân. Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936 được cho là công trình tượng đài có giá trị lớn nhất tỉnh Đắk Nông.
Trong khi đó, theo con số thống kê từ cổng thông tin Chính phủ tỉnh Đắk Nông, năm 2015, tổng số thu ngân sách nhà nước của tỉnh Đắk Nông chỉ hơn 1.500 tỷ đồng. Đến năm 2019, tổng số thu ngân sách nhà nước của tỉnh này tăng lên hơn 2.600 tỷ đồng, vẫn trong nhóm 10 tỉnh có số thu ngân sách thấp nhất cả nước.
Tháng 4 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 514/QĐ-TTg về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk để cứu đói cho Nhân dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2020. Theo đó, tỉnh Đắk Nông được hỗ trợ 326,340 tấn gạo.
Theo tôi, đây chẳng qua là cơ hội làm dự án để bòn rút tiền nhà nước. Một hình thức tham nhũng hợp pháp. Người dân họ nhìn thấy, họ biết hết nhưng họ không làm gì được. - Người dân
Tuy nghèo, thu ngân sách ‘đội sổ’ nhưng lãnh đạo tỉnh này vẫn quyết định chi cả trăm tỷ đồng cho việc xây dựng tượng đài. Nguyên Bộ trưởng Thương Mại Lê Văn Triết nói với RFA trước khi công trình hoàn thành giai đoạn 1:
“Tôi thấy nó không phù hợp trên nhiều phương diện, chứ không phải chỉ tiền nong. Riêng tiền nong thì Việt Nam cũng đang khó khăn chứ cũng không dồi dào gì. Nào là nhu cầu chống dịch, nhu cầu sản xuất, đặc biệt là nhu cầu cuộc sống nhân dân còn khó khăn mà phần lớn nhân dân là thợ thuyền, lao động, công nhân...
Nếu bình thường có tiền, có vốn thì còn nói, nhưng tượng đài ở Việt Nam cũng lắm rồi, cũng không có nhu cầu, người dân cũng không có nhu cầu. Nhưng những người muốn xây là họ muốn lấy le, tôi có tượng này tượng nọ để xưng hô với các địa phương khác, nhất là những người muốn có thế để nhảy vào cuộc, tham gia vào đại hội các cấp, đại hội toàn quốc... họ bất chấp tiền nong đó, họ cố bòn rút để làm chứ đâu phải họ tự bỏ tiền ra làm.”
Ở một khía cạnh khác, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu việc xây dựng đó nằm trong một tổng thể về lịch sử, văn hóa, đồng thời phát triển truyền thống, bản sắc bản địa vùng đó, hoặc để phát triển kinh tế du lịch thì nên làm. Bởi vì đầu tư thì sau này khai thác sẽ đem lại lợi nhuận. Nếu chỉ nghĩ ‘bóc ngắn cắn dài’ thì không được. Phải có cái tầm nhìn nó xa hơn thì mới khuấy động được một nền kinh tế phát triển.
Hồi tháng 9 năm 2020, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã tổ chức trao tặng 6 căn nhà tình nghĩa cho 6 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Tổng kinh phí xây dựng mỗi căn nhà là 50 triệu đồng, trích từ quỹ phúc lợi của Công ty.
Như vậy, công trình tượng đài 167 tỷ đồng có giá trị tương đương với hơn 3.300 căn nhà để trợ giúp cho người nghèo trong tỉnh.
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) –Chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao CSVN khoe tại cuộc họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội là “ngành tòa án hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.”
Lời khoe khoang “tự sướng” của ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao CSVN, tại cuộc họp Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội diễn ra hôm Thứ Ba, 12 Tháng Giêng, được truyền thông nhà nước đưa tin.
“Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính bảo đảm khách quan, đúng pháp luật,” lời ông Nguyễn Hòa Bình được dẫn lại trên báo Tuổi Trẻ.
Lời ông Bình hoàn toàn trái ngược với các vụ án kết tội người dân bị vu cho là “Tuyên truyền chống nhà nước,” hoặc “Âm mưu lật đổ.” Các luật sư đã chứng minh rành rẽ là người dân có quyền tự do thông tin như Hiến Pháp của chế độ xác nhận, các điều luật hình sự mơ hồ có thể giải thích sao cũng được đã dẫn tới các bản án oan sai.
“Các phiên tòa thực hiện nghiêm chỉ thị của chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao về việc không hạn chế thời gian tranh tụng, căn cứ vào kết quả tranh tụng để đưa ra phán quyết,” lời này của ông Nguyễn Hòa Bình cũng hoàn toàn ngược lại với sự tường thuật các phiên tòa có tính cách chính trị.
Tháng Chín năm ngoái, khi gần ba chục người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, bị đưa ra tòa vì bị vu cho tội “Chống người thi hành công vụ” và “Giết người,” các luật sư đều bị ngắt lời hoặc bị cấm nói đến khía cạnh gì khi họ làm nhiệm vụ bào chữa. Trước vụ án Đồng Tâm, không ít lần các luật sư đã kêu là bị thẩm phán cắt ngang, cấm phát biểu. Họ không chấp nhận thì bị đuổi ra khỏi phòng xử.
Trước đó, vào Tháng Năm, Tòa Án Tối Cao CSVN xử “giám đốc thẩm” vụ án Hồ Duy Hải bị các tòa án cấp dưới kết án tử hình vì sát hại hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An ngày 13 Tháng Giêng, 2008. Chính ông Nguyễn Hòa Bình ngồi ghế chủ tọa và đưa ra kết luận Hồ Duy Hải là thủ phạm trong khi tất cả các chứng cứ đều ngụy tạo hoặc liên quan đến người khác. Căn cứ buộc tội Hồ Duy Hải chỉ là lời khai nhận tội của anh ta sau những trận tra tấn ép cung thừa sống thiếu chết của công an.
Không những dư luận tràn ngập những lời đả kích ông Nguyễn Hòa Bình và cả cái hội đồng thẩm phán “giám đốc thẩm,” từ Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao CSVN đến nhiều đại biểu Quốc Hội CSVN đều công kích cái kết luận “giám đốc thẩm,” giống như “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện,” ngược với quy định tố tụng hình sự.
Tới nay, người ta không biết bao giờ bản án tử hình Hồ Duy Hải mới được giải quyết dù Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội CSVN đã có báo cáo, đưa ý kiến về vụ việc hiện đang bị ngâm lại. Luật sư của Hồ Duy Hải đưa thêm hàng loạt chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải và chứng cứ làm sai lệch hồ sơ vụ án của công an điều tra cũng như của mấy tòa án CSVN.
Vụ án Hồ Duy Hải là chứng cớ nổi bật nhất về một vụ án oan sai trong khi ông Nguyễn Hòa Bình vẫn tự ca ngợi mình và cái hệ thống tòa án của ông “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.” (TN) [qd]
HÀ NỘI, Việt Nam (NV)– Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN lập “Trung Tâm Xử Lý Tin Giả” với nhiệm vụ chống “tin giả” chỉ ít ngày trước đại hội đảng.
“Trung Tâm Xử Lý Tin Giả với Cổng Thông Tin tiếp nhận phản ảnh và công bố tin giả do Bộ Thông Tin Truyền Thông xây dựng và quản lý đã chính thức đi vào hoạt động,” tờ Tuổi Trẻ hôm Thứ Ba, 12 Tháng Giêng, đưa tin.
Tin lập “Trung Tâm Xử Lý Tin Giả” đưa ra chỉ hơn một tuần lễ trước khi bắt đầu khai diễn đại hội đảng CSVN bầu bán chia nhau ngồi vào ghế “tứ trụ” khóa mới. Kẻ nào sẽ nắm ghế tổng bí thư, tức quyền lực cao nhất của chế độ độc tài đảng trị tại Hà Nội, vẫn bị bưng bít thật chặt chẽ dù các màn đấu đá mua chuộc phe cánh vẫn diễn ra, ngấm ngầm mà sôi nổi.
“Trung Tâm Xử Lý Tin Giả Việt Nam thuộc Cục Phát Thanh-Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử, có nhiệm vụ tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả, công bố thông tin xác thực, tin giả, tin sai sự thật trên trang tingia.gov.vn. Đồng thời, chủ động phát hiện các xu hướng thông tin có lượng người chia sẻ, tương tác lớn để đánh giá, thẩm định, dán nhãn tin giả nếu có, để cảnh báo người dân không chia sẻ và hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả,” báo Tuổi Trẻ dẫn lời Lưu Đình Phúc, cục trưởng Cục Phát Thanh-Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử.
Năm ngoái, nhà cầm quyền CSVN ra một nghị định phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (khoảng $432 – $864) cho những ai bị cáo buộc “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.” Không những vậy, người ta còn có thể bị phạt hình sự theo điều 288 với bản án vừa bị phạt tiền từ 200 triệu đồng ($8,640) đến 1 tỷ đồng ($43,200) cộng với án tù từ hai năm đến bảy năm.
Đó là chưa kể đến bản án bảy năm tù khi bị vu cho tội “Tiết lộ bí mật quốc gia,” hoặc nặng hơn khi bị vu cho là “Tuyên truyền chống nhà nước” hay “Âm mưu lật đổ…” với bản án có thể 20 năm đến tử hình.
Trước sự kiểm soát gắt gao cũng như đe dọa tù tội, giới blogger tại Việt Nam thấy giảm hẳn những bình luận về đại hội đảng CSVN sắp diễn ra. Hãng tin Reuters hôm Thứ Ba, 12 Tháng Giêng, dẫn lời bóng gió của blogger Lê Nguyễn Hương Trà và blogger Thuan Van Bui, chứng minh rằng họ phải như thế để tránh rắc rối.
Người đọc những lời lẽ bâng quơ đó, muốn hiểu phải tự hiểu ý nghĩa nằm đằng sau chữ nghĩa.
Đi thẳng vào trang Facebook Lê Nguyễn Hương Trà còn có một bút hiệu khác là “Cô Gái Đồ Long,” người ta thấy bà viết hôm 9 Tháng Giêng: “Dưới sự thao túng của Đội Đông Anh, ngày 10 Tháng Giêng hôm nay, các lãnh đạo cấp cao của Liên Đoàn Bóng Đá nhiệm kỳ (2021-2025) vừa chốt với phương án giới thiệu: 1) Nhà đỏ: Đội Đông Anh. 2) Nhà vàng: Đội Quảng Nam. 3) Nhà trắng: Cầu thủ số #1 Hà Nội/hoặc cầu thủ của công ty mì chính-bột ngọt, Thanh Hóa. 4) Nhà hàng xóm bác: Đội tuyển nữ tỉnh Quảng Bình/hoặc một trong hai đội trên không lọt vào được nhà trắng! Cơ hội cho các đội phía Nam coi như hết và tuyển nữ yếu thế; cuộc chơi chỉ còn lại cho Đông Anh-Quảng Nam-Thanh Hóa-Nghệ Tĩnh! Cầu thủ 7x đội miền Nam khả năng thay nghệ sĩ hài Minh Vượng diễn tiếp.”
Còn blogger Thuan Van Bui thì viết “Dừa Bến Tre sẽ về vườn.” Dừa Bến Tre ám chỉ gốc gác bà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, 67 tuổi, quá tuổi nghỉ hưu, rất có thể bị bà Trương Thị Mai (hiện là trưởng Ban Dân Vận Trung Ương) thay thế. Ông Thuấn, một nhà giáo sống ở Hà Nội trước đây, chạy về tỉnh Hòa Bình trước áp lực của công an CSVN, phải sống qua ngày với việc buôn bán mật ong.
Bản tin tờ Tuổi Trẻ nói trên dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN nói rằng “Trong khi việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các trào lưu trên không gian mạng rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp” nhằm biện minh cho việc thành lập “Trung Tâm Xử Lý Tin Giả.”
Hiện nay, chế độ có hàng ngàn “dư luận viên” tuyên truyền và phản tuyên truyền trên mạng. Bên cạnh đó, quân đội CSVN còn có “Lực Lượng 47” vốn từng thấy khoe có hơn 10,000 thành viên được dùng để đối phó với các loại tin tức “xấu độc” trên mạng.
Ngày 2 Tháng Mười, 2020, báo mạng của Học Viện Chính Trị Quốc Gia CSVN đưa tin về “Lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tham quan thực tế” của “Lực Lượng 47” ở Sài Gòn. (TN) [qd]
ĐỒNG THÁP, Việt Nam (NV) –Người dân miền Tây đang lo lắng trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và sạt lở gia tăng đe dọa nhiều nơi trong những ngày Tết Nguyên Đán cận kề.
Báo Người Lao Động cho hay những ngày này người dân xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, vừa bận thu hoạch nông sản bán Tết Nguyên Đán Tân Sửu, vừa sống trong tâm trạng bất an, bởi vì hậu quả của vụ sạt lở đoạn đường hơn 50 mét ở ven khúc sông đoạn Nha Mân-Phú Long, khiến 11 gia đình với 24 người phải di tản khẩn cấp hồi cuối năm 2020.
Ông Phạm Văn Thạnh (ở ấp Tân Hòa, xã Tân Nhuận Đông) cho biết: “Hiện tượng sụt lún, sạt lở tại đây xuất hiện từ từ. Sau khi làm đường thì một số đoạn bị rạn nứt nhỏ, sau đó lan rộng ra rồi đất sụp xuống, có đoạn sụp từ 3 đến 4 tầng đất.”
Bà Nguyễn Thị Bé Hai (ở ấp Tân Hòa, xã Tân Nhuận Đông) cho biết thêm khi chưa xảy ra tình trạng sạt lở, người dân có thể dễ dàng vận chuyển nông sản đi bán. Còn bây giờ đường sụp lở, xe cộ đi lại khó khăn nên người dân phải chia nhỏ hàng hóa mang ra đường lớn giao cho thương lái nên chi phí đội lên rất nhiều.
“Sạt lở là điều không ai muốn, nhưng do đây là tuyến đường chính nên người dân bây giờ chỉ mong nhà nước sớm làm lại bờ kè để bà con yên tâm. Nếu sạt lở lớn dần thì sẽ không còn con đường nào để chở hàng Tết ra chợ,” bà Hai nói.
Trong khi đó liên tục mấy ngày qua, bà Nguyễn Thị Tách (ở khu 1, thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) phải sang nhà người thân ở nhờ vì nhà bà đang nằm sát bên miệng “hà bá.”
Tại đây vừa xảy ra một vụ sạt lở dài 70 mét, ăn sâu vào trong khoảng 10 mét đến tận mép nhiều ngôi nhà ngay khu vực chuẩn bị làm bờ kè đoạn sông Trà Ôn.
“Tôi đang ở trong nhà thì nghe nhiều người hô hoán, chạy ra xem thì thấy đất sạt xuống sông ‘ngoạm’ vào sát hiên nhà. Như vầy thì làm sao chúng tôi dám ở nhà chuẩn bị đón Tết,” bà Tách lo lắng nói.
Không chỉ sạt lở khắp nơi mà nạn hạn hán và xâm nhập mặn cũng đang khiến giới hữu trách và người dân miền Tây bất an trong những ngày cận Tết.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia, dự báo từ ngày 11 đến 20 Tháng Giêng, ở Đồng Bằng Sông Cửu Long mặn xâm nhập với “xu thế tăng dần” và đạt mức cao nhất vào ngày 14 đến 16 Tháng Giêng, sau đó giảm chậm.
“Dự báo mặn xâm nhập vùng này trong mùa khô năm 2020-2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng ‘không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020.’ Các đợt mặn xâm nhập cao nhất ở cửa sông Cửu Long có khả năng tập trung trong Tháng Hai, Tháng Ba…,” ông Lâm cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân (ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết hồi thời điểm cận Tết năm 2020, ông nghĩ nước mặn không vào tới nên không chủ động trữ nước ngọt. Đến khi bị nước mặn xâm nhập thì đã muộn, tám công chôm chôm Java xuất cảng của gia đình ông bị nhiễm mặn khiến năng suất giảm rất nhiều.
“Nước mặn hiện chưa vào tới xã Bình Hòa Phước, nhưng từ đây đến Tết tôi phải thường xuyên đo độ mặn, theo dõi tin tức trên báo đài để chủ động đối phó. Nếu mặn vào tới huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cách chỗ tôi khoảng 14 cây số chỉ 1‰ thôi, tôi cũng sẽ trữ nước ngọt tưới cho vườn chôm chôm, bởi loài cây này chỉ cần độ mặn từ 0.2 dến 0.3‰ cũng ảnh hưởng đến năng suất nếu để lâu ngày,” ông Nhân giải thích.
Theo Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, dòng chảy mùa khô năm 2020-2021 từ thượng lưu sông Mê Kông về Đồng Bằng Sông Cửu Long “có khả năng ở mức rất thấp” nên tình trạng xâm nhập mặn năm nay là nghiêm trọng.
Cụ thể từ Tháng Ba đến Tháng Năm, hầu hết các khu vực sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều khả năng nước mặn sẽ tấn công sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đáng lo ngại là vụ lúa Đông Xuân 2020 – 2021 sẽ bị ảnh hưởng nặng do thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất. (Tr.N) [qd]
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) –Bị cáo buộc cùng các đồng phạm gây thiệt hại cho SADECO gần cả ngàn tỷ đồng, ông Tất Thành Cang bị đề nghị truy tố. Tuy nhiên, cựu phó bí thư thường trực Thành Ủy ở Sài Gòn cho rằng đã bị cấp dưới làm giả, hợp thức hóa tờ trình để ông bút phê đồng ý cho bán cổ phần.
Ngày 12 Tháng Giêng, tại Sài Gòn, Công An Thành Phố cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm Sát cùng cấp đề nghị truy tố bị can Tất Thành Cang, cựu phó bí thư thường trực Thành Ủy, và các đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.”
Động thái này được Cơ Quan Điều Tra đưa ra sau gần một tháng bắt tạm giam ông Cang.
Tờ Tuổi Trẻ dẫn kết luận điều tra cho biết ông Tất Thành Cang sai phạm trong việc chấp thuận chủ trương để Văn Phòng Thành Ủy được biểu quyết chấp thuận phương án “phát hành cổ phần” cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại công ty Cổ Phần Phát Triển Nam Sài Gòn (SADECO). Với phi vụ bán 9 triệu cổ phần của tại SADECO cho công ty Nguyễn Kim, ông Tất Thành Cang và các đồng phạm đã gây thiệt hại 940 tỷ đồng ($40.71 triệu) cho nhà nước.
Đáng chú ý là trong kết luận điều tra chỉ rõ “chỉ một bút phê đồng ý” của ông Tất Thành Cang đã khiến vốn nhà nước tại doanh nghiệp bị thâu tóm, chuyển sang tư nhân, gây thiệt hại tới 157 tỷ đồng ($6.80 triệu).
Theo đó, SADECO là công ty con của công ty Phát Triển Công Nghiệp Tân Thuận (IPC), một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có vốn điều lệ khoảng 2,900 tỷ đồng ($125.71
Thế nhưng báo VTC News cho biết vào thời điểm SADECO “đang có lợi nhuận rất cao cũng là lúc tài sản nhà nước tại công ty này bị lũng đoạn, tư nhân thâu tóm, với sự can dự của nhiều cán bộ lãnh đạo của IPC, SADECO và một số cán bộ của Văn Phòng Thành Ủy, trong đó có ông Tất Thành Cang.”
Trên cơ sở đề nghị của bà Hồ Thị Thanh Phúc, tổng giám đốc SADECO (đã bị khởi tố, bắt giam), ngày 24 Tháng Tư, 2017, nhóm đại diện quản lý vốn nhà nước tại SADECO trình lãnh đạo Văn Phòng Thành Ủy phương án “phát hành cổ phần” cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ SADECO.”
Ngày 28 Tháng Tư, 2017, Văn Phòng Thành Ủy có tờ trình xin chủ trương Phó Bí Thư Thường Trực Thành Ủy Tất Thành Cang về phương án “phát hành cổ phần.” Căn cứ bút phê của ông Tất Thành Cang trên tờ trình, Văn Phòng Thành Ủy ban hành Thông Báo số 495 ý kiến chỉ đạo của ông Tất Thành Cang “phát hành cổ phần” cho cổ đông chiến lược là công ty Nguyễn Kim.
Sau khi “phát hành cổ phần” cho cổ đông chiến lược, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông nhà nước tại SADECO giảm từ 62.8% xuống chỉ còn 41%, trong khi công ty Nguyễn Kim chiếm tỷ lệ chi phối tại SADECO là hơn 54% vốn điều lệ.
Theo Cơ Quan Điều Tra, “quá trình chọn cổ đông chiến lược không được phúc trình đầy đủ, minh bạch, đánh giá không đúng năng lực thực tế của đối tác chiến lược, giá phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược không đúng thực tế giá trị tài sản và tiềm lực công ty, không có căn cứ pháp lý, không đảm bảo lợi ích của SADECO cũng như cổ đông hiện hữu… Do đó, việc phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược (công ty Nguyễn Kim) với giá rẻ hơn giá thị trường, không thông qua thẩm định đấu giá, đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của nhà nước.”
Tuy nhiên, theo báo Tuổi Trẻ, khai nhận với cơ quan điều tra, ông Tất Thành Cang cho rằng hai cấp dưới là Huỳnh Phước Long, Hồ Thị Thanh Phúc đã làm giả, hợp thức hóa các tờ trình trước đây để xin chủ trương đồng ý của ông.
Liên quan vụ án, báo VNExpress cho hay Cơ Quan Điều Tra đề nghị truy tố 18 người khác về cùng tội danh, gồm các bị can: Tề Trí Dũng, cựu tổng giám đốc IPC; Trần Công Thiện, cựu Hội Đồng Thành Viên công ty IPC; Phạm Văn Thông, cựu phó chánh Văn Phòng Thành Ủy; Huỳnh Phước Long, cựu chuyên viên Văn phòng Thành Ủy… Riêng bị can Phạm Nhật Vinh hiện đã bỏ trốn ra ngoại quốc, Cơ Quan Điều Tra đã ra quyết định truy nã.
Trước đó, sau nhiều tháng đồn đoán, vào cuối giờ chiều 16 Tháng Mười Hai, 2020, các báo nhà nước đồng loạt đăng tin ông Tất Thành Cang bị bắt với cáo buộc “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.” Đáng nói là vụ bắt giữ ông Cang không phải là do sai phạm tại Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm như suy đoán của công luận. (Tr.N) [qd]