Người dân xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) chặn dòng xe qua lại để áp lực lên chính quyền. Ảnh: Facebook
Không giống như những lời hứa hẹn từ lãnh đạo chính quyền CSVN, đã cận kề ngày Tết Nguyên đán nhưng người dân bị thiệt hại do tập đoàn Formosa gây ra vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Người dân ở xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) và tiểu thương huyện Lộc Hà đã xuống đường biểu tình để đòi quyền lợi, yêu cầu chính quyền phải đền bù cho người dân.
Sự việc xảy ra vào sáng ngày 23/1/2017, tức ngày 26 Tết, hàng trăm người dân xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã tràn ra đường Quốc lộ 1A, chặn dòng xe qua lại để áp lực lên chính quyền.
Theo người dân cho biết, lãnh đạo địa phương đã hứa hẹn với họ sẽ đền bù thiệt hại trước Tết Dương lịch. Vậy nhưng cho đến nay đã cận Tết Nguyên đán nhưng tiền vẫn chẳng thấy đâu.
Còn nhớ, vào ngày 7/12/2016, khoảng 2,000 người dân trong xã cũng đã xuống đường, để yêu cầu chính quyền phải nhanh chóng đền bù, khắc phục thiệt hại cho dân. Trong lần đó, lãnh đạo chính quyền đã hứa sẽ sớm giải quyết thỏa đáng cho dân. Nhưng những lời hứa ấy mọc cánh bay đi mất.
Cùng với việc yêu cầu chính quyền đền bù, người dân còn phản đối chuyện bồi thường áp đặt. Chính quyền cào bằng mọi thiệt hại của người dân như nhau, rồi sau đó quy mức thiệt hại để đền bù cho mọi người như nhau. Trong khi có người thiệt hại ít, có người thiệt hại nhiều.
Cũng trong ngày 23/1, hàng chục tiểu thương, người lao công ở huyện Lộc Hà đã kéo nhau lên trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, để yêu cầu phải sớm được nhanh chóng bồi thường cho hàng chục tấn hải sản tồn kho kể từ tháng 5/2016 cho đến nay. Lô hải sản này không thể bán ra ngoài thị trường vì nhiễm chất độc do Formosa xả thải gây ra. Chính quyền đã hứa với các tiểu thương sẽ hỗ trợ thiệt hại.
Vào tháng 11/2016, chính phủ CSVN đã ra thông báo cho biết những kho hải sản tồn đọng tại 4 tỉnh miền Trung sẽ được hỗ trợ 100% giá trị; 100% tiền điện; 100% lãi suất và chi phí tiêu hủy. Cùng với đó, ông Mai Tiến Dũng-Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ CSVN cũng đã đến Lộc Hà để hứa hẹn sẽ đền bù. Nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được đồng nào.
Dự báo trong năm 2017 những bất bình, phẫn nộ của người dân về thảm họa môi trường do Formosa gây ra vẫn chưa thể hết căng thẳng. Chính quyền CSVN chỉ mới chi gần 1,700 tỷ đồng (75 triệu USD) đền bù cho người dân trong số 500 triệu USD mà họ nói là “đã nhận đủ của Formosa). Từ đầu tháng 1/2017 đã có đến 4 cuộc biểu tình liên quan đến Formosa.
Tiểu thương huyện Lộc Hà kéo lên trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu bồi thường. Ảnh: Facebook
Tiến trình quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh đang gây lo ngại cho các nước trong vùng. Nhưng một tiến trình khác diễn ra song song có thể khiến cho Biển Đông vĩnh viễn thuộc về Trung Cộng, trước sự bất lực của ngay cả các lực lượng quân sự.
Nhà nghiên cứu Zhibo Qiu có bài phân tích trên tạp chí The Diplomat cảnh cáo về tiến trình “dân sự hóa” Biển Đông của Trung Cộng, theo đó Bắc Kinh kêu gọi sự tham gia của các công ty tư nhân và dân chúng Hoa Lục phát triển kinh tế và du lịch trên các đảo và bãi đá mà Trung Cộng đang chiếm đóng. Sự phối hợp kinh doanh và dân sự đồng thời đóng vai trò hậu phương, yểm trợ cho các căn cứ quân sự ngày càng được củng cố chắc chắn tại các đảo và bãi đá bằng vốn của các công ty.
Bà Qiu ghi nhận sự kiện ngày 8 tháng 1, khi một liên minh kỹ nghệ mới nhằm tăng cường sự phối hợp quân sự và dân sự được thành lập tại Bắc Kinh, với sự hỗ trợ của Ủy Ban Phát Triển Và Cải Cách Quốc Gia cùng với Bộ Công Nghiệp Và Công Nghệ Thông Tin. Trước đó, Đảng Cộng Sản Trung Quốc ban hành một thông tư đặc biệt, về phối hợp hoạt động xây dựng năng lực quân sự và phát triển kinh tế. Thông tư này kêu gọi tận dụng các lực lượng thị trường, để tối ưu hóa các nguồn lực quân sự trên toàn quốc, và chủ động hướng dẫn đầu tư và công nghệ tư nhân phục vụ cho các mục đích quốc phòng.
Các diễn biến mới đi cùng chiều với những sự kiện trong quá khứ, bao gồm việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và việc kêu gọi mở các tuyến du lịch ra Hoàng Sa và Trường Sa. Tác giả Zhibo Qiu cho rằng, chiến lược “dân sự hóa” Biển Đông cũng phục vụ hai mục tiêu tuyên truyền. Thứ nhất, Trung Cộng sẽ bớt bị quốc tế chỉ trích là đang “quân sự hóa” Biển Đông. Và thứ hai, du khách và cư dân Trung Cộng trên các đảo và bãi đá sẽ trở thành lá chắn bằng người trước các lực lượng quân sự.
BÌNH ĐỊNH (NV) – Mới đầu năm 2017, tàu cá của ngư dân miền Trung liên tục gặp nạn trên biển do bị “tàu lạ” đâm chìm hay máy móc hư hỏng do cũ kỹ.
Theo báo Thanh Niên, sáng 22 Tháng Giêng, tàu cá của ngư dân Bình Định có 5 người đang đánh bắt cách bờ biển Quy Nhơn khoảng 286 hải lý thì gặp hư hỏng, nước tràn vào làm ngập tàu. Lúc này, trên biển có gió cấp 6-7 nên các ngư dân phải đánh tín hiệu xin trợ giúp khẩn cấp.
Sau khi tiếp nhận tín hiệu, hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam đã yêu cầu các cơ quan tìm biện pháp hỗ trợ tàu bị nạn và phát thông tin đến các tàu quanh khu vực. Nhận được thông tin, sau 2 giờ, tàu Bristish Innovator, mang quốc tịch Anh Quốc đã tới khu vực tàu bị nạn cứu 5 ngư dân, đưa về cảng Đà Nẵng an toàn, tối 23 Tháng Giêng.
Cũng trong ngày 22 Tháng Giêng, Trung Tâm Phối Hợp Tìm Kiếm Cứu Nạn Hàng Hải khu vực III nhận được thông tin tàu cá BV-7804 TS của ông Nguyễn Phú, ở Vũng Tàu trình báo trên tàu có 9 người đang trên đường trở về cách Vũng Tàu khoảng 44 hải lý thì một “tàu lạ” chưa rõ số hiệu đâm lủng phá nước chìm dần. Các ngư dân phải nhảy xuống biển, dùng các dụng cụ tự có trên tàu để chờ tàu cứu hộ.
Đến chiều tối cùng ngày, tàu cứu hộ SAR 413 của trung tâm này mới cứu và đưa được 6 ngư dân vào bờ an toàn.
Trước đó, ngày 2 Tháng Giêng, Trung Tâm Phối Hợp Tìm Kiếm Cứu Nạn Hàng Hải khu vực II (Danang MRCC) nhận được tin báo, tàu QNa -95979 TS của ông Lê Văn Mai, ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam bị gãy láp, nước tràn vào tàu, có nguy cơ chìm ở khu vực vùng biển Hoàng Sa.
Danang MRCC đã phát thông báo khẩn cấp, yêu cầu tàu thuyền hoạt động trong khu vực hỗ trợ tàu bị nạn. Đồng thời, điều động tàu SAR 412 đi cứu nạn. Đến chiều tối cùng ngày thì tàu SAR mới tiếp cận được tàu bị nạn, chuyển 6 ngư dân và tàu bị nạn vào bờ an toàn. (Tr.N)
CẦN THƠ (NV) – Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng CSVN đã công bố quyết định kiểm tra sai phạm trong việc thu chi tài chính của Ban Chỉ Đạo Tây Nam bộ giai đoạn ông Nguyễn Phong Quang phụ trách.
Tối 23 Tháng Giêng, ông Sơn Minh Thắng, phó trưởng Ban Thường Trực Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ xác nhận, trong chiều cùng ngày tại trụ sở Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ, đoàn công tác của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương (UBKTTƯ) do ông Nguyễn Thanh Sơn, ủy viên Trung Ương Đảng, dẫn đầu đã công bố quyết định “kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong công tác thu chi tài chính của cơ quan thường trực Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ giai đoạn ông Nguyễn Phong Quang, phó trưởng ban thường trực phụ trách từ năm 2011 đến giữa năm 2016.”
“Trước đây UBKTTƯ kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với lãnh đạo Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ trong công tác bổ nhiệm đề bạt, nay bổ sung thêm việc kiểm tra về tài chính, chủ yếu giai đoạn ông Quang còn phụ trách cơ quan,” ông Thắng nói thêm.
Theo tin Tuổi Trẻ, đợt kiểm tra lần này tập trung vào việc: kiểm tra dấu hiệu vi phạm về việc tiếp nhận, sử dụng kinh phí, tài sản của cơ quan; kiểm tra việc tiếp nhận sử dụng các nguồn tiền tài trợ cho các hoạt động của ban này; kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong việc thành lập, tiếp nhận các nguồn tiền tài trợ tại Hội Hỗ Trợ Bệnh Nhân Nghèo và kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong việc kê khai tài sản của ông Nguyễn Phong Quang.
Trước đó, ngày 28 Tháng Mười Hai năm 2016, UBKTTƯ đã công bố quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ông Quang và ông Nguyễn Quốc Việt do liên quan đến công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ tại Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ, trong đó có vụ tuyển dụng, bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng (26 tuổi), quê ở Bắc Ninh, giữ chức phó vụ trưởng Vụ Kinh Tế mà báo chí phản ánh rất kỳ lạ. Cũng từ vụ bổ nhiệm ông Hoàng đã phát hiện ra hàng loạt chuyện bổ nhiệm thiếu chuẩn khác ở ban này. (Tr.N)
HÀ NỘI (NV) – Một nửa trong 22 triệu tấn sắt thép Việt Nam nhập cảng năm 2016 là từ Trung Quốc và 11 tỉ Mỹ kim chi cho nhập cảng sắt thép thì khoảng 4.5 tỉ Mỹ kim được trả cho Trung Quốc.
Nói cách khác, bất kể Hiệp Hội Thép Việt Nam (VSA) liên tục khẩn cầu, Bộ Công Thương Việt Nam đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép cuộn nhập cảng vào Việt Nam (nâng mức thuế tự vệ lên 23.3% đối với phôi thép và 15.4% đối với thép dài), thép Trung Quốc vẫn có đường đổ vào Việt Nam (thay đổi mã số để né thuế nhập cảng).
Chuyện tương tự đã từng xảy ra đối với thép cuộn, trước Tháng Ba năm 2016, để hưởng thuế nhập cảng 0%, với sự tiếp sức của một số doanh nghiệp Việt Nam, giới xuất cảng thép Trung Quốc đã đổi thép cuộn thường thành thép cuộn hợp kim có chứa nguyên tố Bo hoặc Crom, Titan…
Theo những người am tường thị trường sắt thép, biện pháp tự vệ tạm thời không hữu dụng đối với giới xuất cảng thép Trung Quốc, cũng vì vậy, nhiều mặt hàng mà các doanh nghiệp Việt Nam dư khả năng sản xuất như phôi thép, tôn mạ và sơn phủ màu, thép dài vẫn tăng hàng triệu tấn so với năm 2015.
Đó cũng là lý do khiển tổng các loại sản phẩm sắt thép mà Việt Nam sản xuất năm 2016 chỉ chừng 17.5 triệu tấn. Do thép Trung Quốc khống chế thị trường Việt Nam, có khả năng mượn danh nghĩa Việt Nam để xuất cảng tiếp sang các quốc gia khác để hưởng sự ưu đãi về thuế nhập cảng, trong năm 2016, sản phẩm sắt thép của Việt Nam đã vướng phải hàng chục vụ kiện phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, Canada, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia,… cho dù tổng kim ngạch thép xuất cảng các loại sản phẩm sắt thép của Việt Nam chỉ có 3.9 tỉ Mỹ kim.
Hồi năm 2015, VSA đã từng cảnh báo rằng, do cả nhu cầu lẫn giá thép ở Trung Quốc đều giảm nên Việt Nam trở thành túi hứng sản phẩm sắt thép của Trung Quốc và các doanh nghiệp thành viên của VSA không thể kháng cự vì giá thép của Trung Quốc càng ngày càng thấp. Nếu sắt thép Trung Quốc tiếp tục tràn vào Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam hoặc sẽ ngưng hoạt động, hoặc phải làm thuê cho Trung Quốc (cán, kéo phôi thép thành thanh hay cuộn).
Giới sản xuất sắt thép tại Việt Nam giải thích thêm, giá thép Trung Quốc xuất cảng sang Việt Nam rẻ vì: (1) Được chính quyền Trung Quốc hỗ trợ bằng thuế, tín dụng. (2) Ở sát Việt Nam nên chi phí vận chuyển không đáng kể. (3) Gần như Trung Quốc chỉ xuất cảng phôi thép sang Việt Nam, một số doanh nghiệp tại Việt Nam cán, kéo phôi thép thành thép thanh, thép cuộn nên rất ít người biết đó là thép Trung Quốc.
Cũng theo giới này, các công ty sản xuất thép của Trung Quốc đã khai thác tận tình những quy định khác nhau giữa các dòng trong biểu thuế ưu đãi theo Hiệp Định Thương Mại Tự Do ASEAN – Trung Quốc để thép Trung Quốc không phải nộp thuế nhập cảng. Cũng vì vậy họ đề nghị phải điều chỉnh các qui định. Chẳng hạn phải xác định rõ thế nào là hợp kim. Đồng thời, cần dựng các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn thép giá rẻ. Kể cả áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra – chống bán phá giá đối với một số loại thép Trung Quốc.
Hồi Tháng Mười năm 2015, VSA từng gửi một văn bản cho các bộ: Tài Chính, Công Thương, Khoa Học-Công Nghệ đề nghị lưu ý tình trạng thép Trung Quốc khai thác luật của Việt Nam để đè thép Việt Nam.
VSA cho biết, trong chín tháng đầu năm 2015 đã có khoảng một triệu tấn phôi thép dạng hợp kim từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam. Nhờ khai thác qui định miễn thuế cho phôi thép dạng hợp kim của Việt Nam nên chỉ tính riêng lượng phôi thép dạng hợp kim từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam trong hai tháng Tám và Chín, chính quyền Việt Nam đã mất khoảng hai triệu Mỹ kim tiền thuế.
Năm nào các doanh nghiệp thép của Việt Nam cũng bị các công ty sản xuất thép của Trung Quốc làm cho xính vính. (G.Đ)
SÀI GÒN (NV) – Đó là nhận định của một số chuyên gia hàng không sau khi chính phủ Việt Nam công bố kế hoạch giải quyết tình trạng quá tải cả trên trời lẫn dưới đất của phi trường Tân Sơn Nhất.
Hôm 20 Tháng Giêng, ông Trịnh Đình Dũng, phó thủ tướng đã thay mặt chính phủ Việt Nam chọn việc cải tạo phi đạo phía Bắc, xây thêm hai nhà ga có công suất 10 triệu hành khách/năm ở phía Nam và một số đường lăn làm giải pháp cho vấn nạn quá tải của phi trường Tân Sơn Nhất.
Chính phủ Việt Nam giải thích họ quyết định như vậy bởi có thể sử dụng 21 héc ta đất mà Bộ Quốc Phòng Việt Nam giao lại thành ra chi phí xây dựng chỉ khoảng 19,700 tỉ đồng, thời gian xây dựng không quá 3 năm mà vẫn đáp ứng được lượng khách qua lại Tân Sơn Nhất từ 43 đến 45 triệu người/năm.
Tuy nhiên theo ông Lê Trọng Sành, cựu trưởng Phòng Quản Lý phi trường Tân Sơn Nhất, việc xây thêm hai nhà ga ở phía Nam sẽ vừa khiến hoạt động của Tân Sơn Nhất bị phân tán, vừa bất lợi về mặt giao thông vì đường Hoàng Hoa Thám vốn đã quá tải. Khi hai nhà ga hoàn tất, việc ra vào phi trường sẽ khiến tình trạng kẹt xe trầm trọng hơn. Còn nếu mở rộng đường Hoàng Hoa Thám thì sẽ phải giải tỏa và phí tổn sẽ rất lớn.
Ông Nguyễn Thiện Tống, cựu chủ nhiệm bộ môn Kỹ Thuật Hàng Không của Đại Học Bách Khoa Sài Gòn cũng cho rằng, giải pháp xây thêm hai nhà ga phía đường Hoàng Hoa Thám sẽ làm giao thông ở khu vực quanh Tân Sơn Nhất ứ nghẽn nghiêm trọng hơn. Còn nếu giải tỏa, mở rộng các đường Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa thì dù rất tốn kém nhưng chỉ một thời gian ngắn, đâu sẽ lại vào đó.
Cả ông Sành và ông Tống cùng cho rằng, cần thu hồi 157 héc ta ở phía Bắc phi trường Tân Sơn Nhất mà Bộ Quốc Phòng vẫn thủ giữ và cho thuê làm sân golf để mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về hướng đó. Khi các nhà ga tọa lạc ở vị trí sân golf hiện nay sẽ rất dễ điều hòa giao thông ở cả khu vực cũ và mới. Chưa kể có thể tạo thêm từ 40 đến 50 chỗ cho phi cơ đậu. Trong tương lai, nếu lượng hành khách qua lại tăng lên tới 60 triệu/năm cũng vẫn không bị động.
Cả hai khẳng định, nếu vẫn tiếp tục “né” sân golf, mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất theo hướng chính phủ Việt Nam vừa chọn, chi phí sẽ vừa cao, vừa liên tục bị động. Ông Tống khuyến cáo, nếu không nhìn xa hơn thì chỉ ba hoặc bốn năm nữa, phi trường Tân Sơn Nhất sẽ lại quá tải.
‘Chiến lợi phẩm’ biến thành sân golf
Phi trường Tân Sơn Nhất khởi công năm 1930 tại xã Tân Sơn Nhất, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Năm 1933, đón chuyến bay đầu tiên từ Pháp tới. Năm 1956, được mở rộng với phi đạo dài 3,000 mét bằng bê tông thay cho phi đạo mặt là đất nện và chiều dài chỉ chừng 1,500 mét.
Trước Tháng Tư năm 1975, khu vực Tân Sơn Nhất vừa có phi trường dân sự, vừa có một số căn cứ quân sự và phi trường quân sự. Tổng diện tích ban đầu của khu vực Tân Sơn Nhất chừng 1,900 héc ta, phần lớn được để trống vừa vì lý do an ninh, vừa nhằm có thể mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất khi cần.
Sau Tháng Tư năm 1975, các căn cứ quân sự ở khu vực Tân Sơn Nhất trở thành “chiến lợi phẩm” của Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Từ giữa thập niên 1980, Bộ Quốc Phòng Việt Nam bắt đầu phân lô, cấp đất cho các sĩ quan làm nhà và giao đất cho các đơn vị dùng thay vốn để liên doanh.
Khu vực Tân Sơn Nhất trở thành hỗn loạn trong tình trạng “vô chính phủ” – các viên chức dân sự, kể cả công an không có quyền lai vãng – khoảng một thập niên. Đến giữa thập niên 1990, Bộ Quốc Phòng Việt Nam mới giao các khu dân cư do họ tạo ra cho chính quyền thành phố Sài Gòn để chính quyền thành phố này xây dựng hệ thống cấp điện, cấp nước, hệ thống thoát nước, cấp hộ khẩu cho cư dân trong các khu dân cư trên đất quân sự. Bộ Quốc Phòng Việt Nam tiếp tục sở hữu phần đất còn lại.
Đó là lý do tổng diện tích phi trường Tân Sơn Nhất giảm từ 1,900 héc ta xuống còn… 850 héc ta.
Do lưu lượng phi cơ, hành khách dân sự càng ngày càng tăng mà không thể mở rộng, phi trường Tân Sơn Nhất trở thành quá tải. Cục Hàng Không Việt Nam và Tổng Công Ty Cảng Hàng Không Việt Nam trình kế hoạch vay 18.7 tỉ Mỹ kim để xây dựng một phi trường mới tại Long Thành, Đồng Nai.
Kế hoach này bị nhiều chuyên gia kinh tế và hàng không phản đối vì phí tổn quá lớn và mức độ tác động đến kinh tế-xã hội theo hướng tiêu cực rất khó lường. Chẳng hạn nợ nần của quốc gia sẽ tăng mà không có gì bảo đảm dự án phi trường Long Thành sẽ sinh lợi. Theo nhiều chuyên gia, thay vì xây dựng phi trường Long Thành thì nên mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về hướng Bắc bởi tại đó đang còn 157 héc ta đất. Tuy nhiên đề nghị đó lại bất khả thi bởi 157 héc ta đất ấy là… tài sản của Bộ Quốc Phòng.
Giống như các “khu đất quốc phòng” trên khắp Việt Nam, trước nay, Bộ Quốc Phòng có thể sử dụng các “khu đất quốc phòng” như tài sản để góp vốn, hoặc đem bán hay cho thuê, kể cả cho thuê chứa hàng buôn lậu chứ dứt khoát không giao lại để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng quốc gia, Bộ Quốc Phòng cũng không chịu từ bỏ quyền sở hữu 157 héc ta đất ở cạnh phi trường Tân Sơn Nhất để mở rộng phi trường này.
Sau các chuyên gia, tới lượt dân chúng và báo giới đả kích kịch liệt việc chính phủ Việt Nam chấp nhận cho Bộ Quốc Phòng thủ giữ và đem 157 héc ta đất cạnh phi trương Tân Sơn Nhất cho thuê làm sân golf 18 lỗ, rồi đi vay 18.7 tỉ Mỹ kim xây dựng phi trường Long Thành.
Những câu hỏi như tại sao lại dùng “đất quốc phòng” làm sân golf (?), nếu Bộ Quốc Phòng không có nhu cầu, tại sao không thu hồi đất đó dùng vào các mục tiêu công ích như mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất (?), chính quyền có biết nhiều dự án sân golf không sinh lợi, đầu tư sân golf về thực chất chỉ là kiếm đất xây dựng biệt thự, nhà hàng (?), chính quyền có biết nếu có sân golf thì chủ đầu tư sẽ phải dùng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, lượng thuốc này sẽ làm môi trường ô nhiễm trầm trọng hay không (?),… đều không được trả lời.
Trước sự phẫn nộ càng lúc càng tăng, Tháng Hai năm ngoái, Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam loan báo đã tính toán lại, theo đó chi phí thực hiện dự án phi trường Long Thành không tới mức 18.7 tỉ Mỹ kim mà chỉ cần vay chừng… 15.8 tỉ Mỹ kim.
Nói cách khác, dự án phi trường Long Thành vẫn được duyệt, Bộ Quốc Phòng vẫn giữ được 157 héc ta đất cạnh phi trường Long Thành.
Tuy nhiên thực tế luôn luôn không như mong muốn, khu vực Tân Sơn Nhất không chỉ bị kẹt xe, ngập lụt nặng nề vì những khu dân cư do Bộ Quốc Phòng Việt Nam tạo ra bất chấp qui hoạch hồi giữa thập niên 1980 mà phi cơ cũng bị kẹt. Theo thiết kế, vào lúc này, phi trường Tân Sơn Nhất chỉ có thể tiếp nhận khoảng 25 triệu lượt khách/năm nhưng con số khách đến và đi hiện đã khoảng 30 triệu lượt khách/năm.
Văn phòng chính phủ Việt Nam thừa nhận, do hạ tầng thiếu đủ thứ nên nhiều chuyến bay đến Tân Sơn Nhất phải lượn trên trời để chờ đáp, vừa gây thiệt hại lớn về kinh tế, vừa đe dọa an ninh, an toàn hàng không. Đó cũng là lý do phải gấp rút mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất.
Tháng Chín năm ngoái, Bộ Quốc Phòng Việt Nam lùi một bước, đồng ý giao 21 héc ta đất ở Tân Sơn Nhất! Đổi lại, Bộ Quốc Phòng Việt Nam sẽ đảm trách việc xây dựng nhà ga và “chủ trì, phối hợp với Bộ Giao Thông-Vận Tải để chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện việc cải tạo, mở rộng đường lăn, bãi đậu phi cơ.” Bộ Quốc Phòng cũng là phía “chủ trì việc nghiên cứu quy hoạch thêm các nhà ga khoảng 10-20 triệu hành khách/năm và trung tâm bảo trì, sửa chữa phi cơ”…
Chỉ riêng các diễn biến xoay quanh việc mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất và xây dựng phi trường Long Thành cũng đã đủ để cho người ta mường tượng rằng, tại Việt Nam, ngoài lãnh thổ thuộc một nhóm gọi là “nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,” ít nhất còn có lãnh thổ thuộc về một nhóm khác mang tên “quân đội nhân dân Việt Nam.” (G.Đ)
HÀ TĨNH (NV) – Bờ kè chống sạt lở của đập dâng Vũ Quang, trong một đại dự án thủy lợi được đầu tư cả ngàn tỉ đồng mới hoàn thành đã sạt lở nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân quanh vùng.
Công trình đập dâng Vũ Quang thuộc đại dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, do Sở Nông Nghiệp Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với số tiền lên đến 1,300 tỷ đồng, để “ngăn dòng chảy dẫn vào hệ thống kênh nổi, đưa nước về xuôi phục vụ sản xuất, sinh hoạt.”
Với thiết kế kỹ thuật được cho là “kiên cố, vững chắc, nhưng công trình vừa mới hoàn thành đã bị sạt lở nặng. Toàn bộ cấu kiện bê tông và hệ thống khung dầm chịu lực bị trôi cuốn xuống sông.
Theo mô tả của phóng viên báo Bưu điện Việt Nam, ngày 22 Tháng Giêng, tại hiện trường, mái kè đã bị sạt lở dài gần 100 mét, rộng khoảng 25 mét (tương đương bề mặt mái kè), sâu hàng chục mét. Con đường nằm sát mép kè đang từng ngày bị thu hẹp, khiến những hộ dân sống ngay cạnh hết sức hoang mang, lo lắng. Thế nhưng, để cảnh báo nguy hiểm, đơn vị thi công chỉ cắm que và căng dây nhựa mỏng tại khu vực sạt lở.
Bà Phan Thị Xứng (55 tuổi), ở thị trấn Vũ Quang cho biết: “Trước đã có sạt lở nhưng rất ít. Từ khi mở cống xả đáy đến nay, công trình bị xói lở ngày càng nhiều. Chắc chỉ vài hôm nữa, có khi con đường này cũng bị cuốn trôi,” bà Xứng lo lắng nói.
Nói với báo Bưu Điện Việt Nam, ông Nguyễn Bá Đức, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp Hà Tĩnh cho biết: “Nguyên nhân là trước đó do mưa lũ làm xói mòn dẫn đến bị sạt lở. Hiện tại thì đang trong quá trình thi công nên hết mùa mưa nhà thầu là Tập Đoàn Sơn Hải sẽ giải quyết.” (Tr.N)
“Bởi giặc Nguyên cùng ta, là kẻ thù không đội trời chung, thế mà các ngươi cứ điềm nhiên không nghĩ đến việc báo thù, lại không biết dạy quân sĩ, khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù, giơ tay không mà chịu thua quân giặc… thì còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa.” (Bình Ngô Đại Cáo)
Tôi cho rằng một nghìn lời kêu gọi hòa hợp hòa giải, dù dối trá hay thành thật, cũng như xác định ai là kẻ thù của dân tộc Việt Nam, không có gì ý nghĩa bằng một buổi họp mặt của những người lính Hải Quân của hai chế độ, Nam Việt Nam trước năm 1975 và Bắc Việt Nam sau 1975 vào ngày 9 Tháng Giêng, 2017 tại Sài Gòn.
Đó là những người lính của hai chế độ, Cộng Sản hay chống Cộng Sản, đều có nỗ lực chung, chống trả một cuộc xâm lăng của Trung Cộng phương Bắc vì lòng yêu nước. VNCH trong trận hải chiến để bảo vệ Hoàng Sa, và cũng với tư thế ấy, các chiến binh miền Bắc đã xả thân cứu đảo Gạc Ma của Trường Sa.
Trong trận chiến Hoàng Sa ngày 19 Tháng Giêng, 1974, Việt Nam Cộng Hòa có 75 binh sĩ tử vong, gồm có các chiến sĩ Hải Quân và Người Nhái. Hạm trưởng hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10, Hải Quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà và Hạm Phó Nguyễn Thành Trí đều tử trận cùng đồng đội. Trung Cộng chiếm toàn bộ Hoàng Sa, sau đó VNCH có kế hoạch đánh trả nhưng không thực hiện được.
14 năm sau, ngày 14 Tháng Ba, 1988, để giữ Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa, 64 chiến binh trên tàu HQ 604 đã hy sinh. Từ năm 1988 đến nay, Trung Quốc đã xâm chiếm hẳn Gạc Ma, và Cộng Sản Việt Nam hoàn toàn thuần phục dưới tay Trung Cộng.
Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa do các nhà báo có uy tín trong cũng như ngoài nước khởi xướng từ Tháng Giêng, 2014, chỉ có mục đích “Tri ân gia đình những người lính đã tham gia, đã ngã xuống trên các trận tuyến chống quân Trung Quốc xâm lược, đặc biệt là hai trận hải chiến Hoàng Sa 1974 và Gạc Ma 1988.” Và lẽ có nhiên trong hoàn cảnh một Việt Nam, trong thế “hở môi răng lạnh” với Trung Cộng, khi nước này còn cho Việt Nam là một loại nghịch tử, và các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn lo sợ cho tình hữu hảo Việt Trung có thể sứt mẻ vì sự chống đối của nhân dân Việt Nam, “Nhịp Cầu Hoàng Sa”cuối cùng chỉ là một tổ chức có tính cách tương trợ.
Trong ý nghĩa nhận diện kẻ thù, nhà hàng hải Đỗ Thái Bình đã nói rõ: “Hoàng Sa là chiến trường duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam, nơi mà trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, người Việt không bắn vào người Việt. Hoàng Sa là một địa danh nhắc nhở chúng ta, mỗi khi người Việt kề vai sát cánh bên nhau sẽ nhận rõ ai mới thực sự là kẻ thù chung, ai mới là kẻ có dã tâm xâm lược. Hoàng Sa, vì thế, còn là một nhịp cầu, cần “bắc” để nối những tấm lòng.”
Có lẽ có cơ hội gặp nhau, họ mới nhận ra rằng có sự khác biệt giữ hai người lính đối đầu. Người lính miền Nam biết bảo vệ Tổ Quốc – Danh Dự và Trách Nhiệm, người lính miền Bắc trung với đảng, hiếu với dân, vì đảng cấm bắn lại “người nhà” nên họ trở thành những tấm bia đỡ đạn.
Trận chiến Hoàng Sa năm 1974 là một biến cố lịch sử đã được viết bằng máu để cho người đời sau biết, ai là thù, ai là bạn, ai là người yêu nước, ai là đứa phản quốc. CSVN sợ hãi đến nỗi không dám nhắc đến tên những trận hải chiến giữa Việt Nam và giặc phương Bắc trong quá khứ. Thay vì hải quân VNCH đặt tên những chiến hạm là Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa, Tụy Động, Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Bạch Đằng& thì CSVN tránh “va chạm” chỉ dám đặt tên cho các tàu chiến của họ những cái tên “vô tội” như Hải Phòng, Khánh Hòa, Cam Ranh, Đà Nẵng… hay tên các vị Vua phong kiến như Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, chỉ thiếu tên Lê Chiêu Thống nữa là an toàn!
Từ nhiều năm nay, cứ đến mỗi Tháng Giêng, nhân dân cả hai miền Nam Bắc lại cử hành những buổi lễ tưởng niệm nhớ Đảo, nhớ những anh hùng liệt sĩ thực sự đã chết cho tổ quốc, và lúc nào cũng bị công an đàn áp, xua đuổi. Khu tưởng niệm “nghĩa sĩ” Hoàng Sa (Cộng Sản không dùng chữ liệt sĩ) sẽ được xây dựng ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), mà theo báo Thanh Niên, chính quyền cho hay sẽ không đưa danh sách 74 người lính Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống ở Hoàng Sa vào khu tưởng niệm.
Cho đến bây giờ, quân đội Trung Cộng đã xây dựng đảo nhân tạo, phi trường và căn cứ tại biển Đông, tổ chức diễn tập bắn đạn thật trên quy mô lớn tại đảo Hải Nam, phạm vi tập trận kéo dài đến tận quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời Trung Cộng cũng đang có kế hoạch mở rộng bất hợp pháp cơ sở ở quần đảo Trường Sa thành một hòn đảo nhân tạo với cả đường băng và hải cảng, nhằm tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông.
Trong khi The Washington Times đã đăng bài viết khẳng định chính quyền của Tân Tổng thống Hoa Kỳ sẽ có hành động mạnh mẽ hơn đối với các hoạt động vi phạm của Trung Cộng tại biển Đông, thì Việt Nam vẫn coi thường máu thịt của mình, đất biển của cha ông, một mặt tuyên bố khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng một mặt lại “duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực…”
Trong khi đó, Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường kêu gọi Việt Nam “trân trọng sự phát triển quan hệ song phương đạt được bằng các nỗ lực lớn lao và cùng với Trung Quốc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”
Một bên bị lấn chiếm thì tuyên bố cứ “duy trì hòa bình,” bên xâm lược thì kêu gọi “trân trọng sự phát triển quan hệ song phương,” rồi cũng “bảo đảm hòa bình và ổn định…” trong khi biển đã thành đảo, máy bay, chiến hạm, vũ khí đã đem đến sát bên mình.
“Tiền nhân” mà khiếp nhược kiểu này thì con cháu đời sau nhận những hậu quả khó lường, khó lòng cất đầu lên nổi!