Thursday, July 9, 2015

Xe quá tải Trung Quốc tràn vào Việt Nam

LÀO CAI (NV) - Trong khi tại Lào Cai đang siết chặt hoạt động quản lý xe quá tải trên mọi nẻo đường, thì xe mang quá tải của Trung Quốc vẫn lọt được vào sâu trong nội địa Việt Nam.

Ngày 9 tháng 7, 2015, báo Lao Ðộng loan tin, tại đường nối giữa cầu Phố Lu mới với tỉnh lộ 151, thuộc thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, lực lượng liên ngành bắt giữ 8 xe tải Trung Quốc (TQ) chở than cốc. Cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh Lào Cai yêu cầu xuất trình giấy tờ, song cả 8 lái xe là người TQ không hợp tác.


Xe quá tải của Trung Quốc đang lưu hành sâu trong nội địa Việt Nam. (Hình: Lao Ðộng)

Chỉ đến khi lực lượng an ninh xuất nhập cảnh, công an tỉnh Lào Cai đến làm việc, các lái xe này mới chịu xuất trình giấy tờ tùy thân. Nhưng toàn bộ các giấy tờ khác liên quan đến xe tải và hàng hóa như giấy đăng ký xe, bằng lái xe đều không có. Theo các lái xe TQ, họ chỉ là người làm thuê.

Mới đây, vào ngày 9 tháng 5, tại trạm cân trên đường 4E hướng khu công nghiệp (KCN) Tằng Loỏng, 18 chiếc xe tải TQ cũng bị xử phạt vì chở quá tải.

Quan sát nhiều ngày tại cung đường hướng từ cửa khẩu quốc tế Lào Cai tới KCN Tằng Loỏng, phóng viên Lao Ðộng nhận thấy, những xe quá tải TQ thường đi thành đoàn, trung bình 5 đến 7 xe, nhưng cũng có lúc lên tới vài chục xe.

Các xe này hoạt động khá tinh vi và thường xuyên tìm cách né tránh trạm cân. Tới khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện nhiều xe đã bị lập biên bản không chỉ một lần. Theo trạm kiểm soát 4E của tỉnh Lào Cai, từ tháng 4, 2014 tới 4, 2015 đã phát hiện 83 trường hợp vi phạm lỗi quá tải từ 11%-176%.

Ông Nguyễn Quyết Chiến, chi cục trưởng Hải Quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho rằng, việc quản lý xe quá tải TQ “về cơ bản là kiểm soát được,” không có trường hợp xe quá tải TQ ra khỏi bãi kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu. “Còn trường hợp các lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện vi phạm thì đều nằm ngoài khu vực kiểm soát của hải quan cửa khẩu. Việc này, hải quan không nắm hết được,” ông Chiến nói.

Thế nhưng, ông Trần Ngọc Sơn, chánh văn phòng Ủy Ban An Toàn Giao Thông Lào Cai cho rằng, thực tế từ đầu năm tới nay, CSGT xử phạt số xe TQ vi phạm về tải trọng là 45 xe, không giảm so với 6 tháng năm 2014. Vì vậy, việc lãnh đạo hải quan nói khó khăn về nghiệp vụ hay bất đồng ngôn ngữ là “chối bỏ trách nhiệm.”

Theo ông Sơn, hải quan cửa khẩu có đầy đủ các công cụ kiểm soát xe quá tải bằng những nghiệp vụ hải quan như tờ khai hải quan đối với hàng hóa, giấy phép vận tải, phiếu trả hàng. “Chỉ cần bằng mắt thường khi đối chiếu các tờ khai với tải trọng xe là có thể phát hiện ra quá tải hay không.”

Ðiều khó hiểu và gây cho người dân sự nghi ngờ chính là tại Lào Cai, xe quá tải TQ vào Việt Nam có tới 3 đơn vị kiểm tra kiểm soát là: hải quan cửa khẩu, thanh tra giao thông và CSGT thành phố Lào Cai và cả huyện Bảo Thắng. Ngoài ra, còn các đội kiểm tra lưu động, nhưng xe quá tải vẫn lọt vào Việt Nam. “Dứt khoát có khoảng trống, có thể do phối hợp hay do một nhóm người, cá nhân tạo ra,” ông Sơn khẳng định. (Tr.N)

07-09-2015 4:20:40 PM

Nông dân Việt Nam tiếp tục bị ‘bóp cổ’ bằng thuế

HÀ TĨNH (NV) - Dẫu không đủ sống dù đã làm việc cật lực, nông dân vẫn bị “bóp cổ” bằng đủ loại thuế, phí. Chính sách tam nông (phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ nông dân) chỉ là giấy lộn.

Trong loạt bài mang tên “Gánh nặng quê nghèo,” tờ Nông Nghiệp Việt Nam khiến người đọc sửng sốt vì sự tàn bạo của hệ thống chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh.

Ông Ngô Ðức Hợi, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi Hà Tĩnh, nói rằng không biết gì về nhiều khoản phí liên quan đến thủy lợi đang làm nông dân kiệt sức. (Hình: Nông Nghiệp Việt Nam)

Cho đến nay, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh vẫn còn thực hiện các “chiến dịch thu sản” - những đợt tận thu nông sản để hoàn thành các “chỉ tiêu” về ngân sách. Xưa, trong các “chiến dịch thu sản,” viên chức các cấp xông vào nhà dân chúng lục soát, tịch thu lúa, bắp để gom cho đủ “chỉ tiêu” mà chính quyền đã ấn định cho từng gia đình. Nếu gom không đủ lúa, bắp, viên chức các cấp sẽ tịch thu thêm những thứ tài sản khác như giường, tủ, bàn, ghế, xe đạp, trâu, bò, heo, gà để bù cho đủ.

Nay, theo tờ Nông Nghiệp Việt Nam, tuy việc xông vào nhà dân chúng lục soát, tịch thu nông sản, tài sản không còn nữa nhưng “tiếng loa truyền thanh vẫn còn hoạt động đều đặn hết công suất, giọng cán bộ truyền thanh vẫn đanh thép len lỏi khắp làng, ra đến tận ngoài đồng, yêu cầu nhân dân hoàn thành nghĩa vụ trong bà ngày.” Những gia đình chậm nộp “sản” sẽ bị phạt thêm 5%.

Theo tờ Nông Nghiệp Việt Nam, tới giờ, các xã ở huyện Can Lộc vẫn tổ chức những “chiến dịch thu sản” ngay sau khi nông dân vừa hoàn tất các đợt thu hoạch. Do phải đóng quá nhiều loại thuế, phí cho tỉnh, huyện, xã, thôn, xóm nên dù đã nộp sạch số nông sản vừa thu hoạch sau mỗi vụ, rất nhiều nông dân ở huyện Can Lộc vẫn còn thiếu nợ.

Ông Nguyễn Hải Ðường, ngụ ở thôn Ðất Ðỏ, xã Thường Nga, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nói với phóng viên tờ Nông Nghiệp Việt Nam: Trước đây, vừa mang lúa tươi về đến sân là người ta ập đến xúc, giờ khá hơn ở chỗ chính quyền “vận động” dân chúng tự mang đi nộp. Tuy nhiên nhiều gia đình bán sạch mọi thứ mà vẫn không nộp đủ “sản.” Chìm trong các loại nợ, nợ nhà nước và nợ thiên hạ vì phải vay tiền nộp cho nhà nước, em gái ông Ðường từng nghĩ tới chuyện chạy ra đường cho xe cán để kiếm tiền trả cho sạch nợ!

Chỉ tính riêng huyện Can Lộc, năm ngoái, 23 xã và thị trấn của huyện này đã lập và thực hiện kế hoạch thu đến 23.8 tỉ từ nông dân! Chưa kể các khoản thu do các xóm, thôn, hợp tác xã “vận động nhân dân đóng góp” thêm để xây dựng” đường, nhà văn hóa...

Suốt thập niên vừa qua, trước tình trạng chính quyền các tỉnh, thành phố tự tiện đặt ra nhiều loại thuế, phí khiến nông dân nói riêng và dân chúng Việt Nam nói chung kiệt sức, thậm chí trở thành bần cùng, chế độ Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản nghiêm cấm lạm thu, tận thu nhằm “khoan sức dân,” song những văn bản đó không có hiệu lực trên thực tế.

Cũng vì vậy, từ năm 2013 đến nay, song song với chuyện hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, ngưng hoạt động vì chi phí quá cao, thua lỗ kéo dài, nông dân nhiều nơi, đặc biệt là ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam đồng loạt xin trả lại ruộng.

Cho dù có trả lại ruộng, không phải nộp các khoản thuế, phí từ trồng trọt, song nông dân vẫn phải nộp những khoản thuế, phí khác do chăn nuôi và do trót sinh ra, lỡ cư trú ở nơi họ “chôn nhau, cắt rốn.” Chẳng hạn như các khoản nộp cho “Quỹ An ninh-Quốc phòng,” “Quỹ Ðền ơn đáp nghĩa,” “Qũy Văn hóa-Xã hội,”... Những khoản này thường tính trên đầu người và không tha ai, kể cả người già lẫn trẻ sơ sinh!

Ðáng lưu ý là giống như nhiều lần trước và tương tự như nhiều nơi khác, các viên chức cấp tỉnh như ông Lương Quang Diên, trưởng phòng ngân sách huyện xã của Sở Tài Chính tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, nhiều khoản thu của chính quyền các huyện, các xã tại Hà Tĩnh là bất hợp pháp song ông ta chỉ cho biết là rất... buồn chứ không hứa hẹn sẽ làm gì! (G.Ð.)
07-09-2015 4:22:24 PM 

Quảng Trị: 8 cây số đường có đến 5 cây cầu ‘dần xây’

QUẢNG TRỊ (NV) - Những cây cầu “dần xây”(xây dần dần) này thuộc dự án “Ðường cứu hộ cứu nạn và phát triển kinh tế bờ Bắc sông Thạch Hãn” và đều nằm trên xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong.

Trong 5 cây cầu nói trên, mỗi cầu cách nhau khoảng một cây số và cầu nào cũng xây dở dang rồi bỏ hoang từ nhiều năm nay.


Cầu Ðất ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) sau bốn năm mới chỉ có hai mố cầu. (Hình: Tuổi Trẻ)

Ngày 9 tháng 7, 2015, trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Ban Ðầu Tư Xây Dựng thuộc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Quảng Trị, chủ đầu tư dự án, cho biết, dự án “Ðường cứu hộ cứu nạn và phát triển kinh tế bờ Bắc sông Thạch Hãn” dài hơn 8 cây số. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu là 327 tỷ đồng, do Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Quảng Trị làm chủ đầu tư, khởi công vào năm 2011, đến năm 2012 thì dừng thi công và dở dang cho đến nay.

Nguyên nhân theo ông Hiếu, dự án này được khởi công trước khi nhà cầm quyền CSVN ban hành lệnh thắt chặt đầu tư công. Do vốn đầu tư công bị cắt giảm, nên dự án nói trên cũng bị cắt giảm nhiều lần và hiện tại đang tạm ngưng.

Theo xã Triệu Thượng, cầu Ðất - một trong 5 cây cầu trong dự an khởi công vào tháng 5, 2011 với vốn đầu tư hơn 18 tỷ đồng. Nếu cầu này thông xe sẽ giúp người dân thoát cảnh bị chia cắt khi mùa mưa lũ về. Tuy nhiên, mới triển khai được gần nửa năm thì dừng lại cho đến nay. Hiện chỉ mới có hai mố cầu nằm trơ trọi, sắt thép chỏng chơ đã hoen gỉ, cỏ dại phủ kín.

Bốn cây cầu còn lại trên tuyến đường nói trên cũng trong tình trạng xây dở dang tương tự. Trong đó, có cầu đã hoàn thành được 80% khối lượng nhưng cũng rơi vào cảnh “đắp chiếu,” trong khi người dân xã Triệu Thượng phải tiếp tục qua sông trên những chiếc cầu tạm bợ nguy hiểm.

Do cầu xây dang dở, ngoài việc phải đi cầu tạm, người dân địa phương còn bị đơn vị thi công “nợ” đất. Theo phản ảnh của một số hộ dân, trong quá trình giải tỏa mặt bằng, ủy ban xã Triệu Thượng cùng công ty xây dựng Thống Nhất, đơn vị thi công đã mượn đất của họ để phục vụ quá trình thi công dự án, trong 3 năm sẽ hoàn trả, đồng thời tạm ứng trước 70% số tiền đền bù giải tỏa mặt bằng. Nhưng đến nay sau hơn 4 năm, công trình chưa hoàn thành, đất mượn và 30% tiền giải phóng mặt bằng vẫn chưa trả đủ cho người dân.

Trả lời câu hỏi vì sao không tập trung vốn để thi công dứt điểm từng chiếc cầu mà lại thi công cả 5 cầu cùng một lúc, dẫn đến tất cả cùng thiếu vốn, ông Hiếu cho rằng, do nhà thầu cũng như chủ đầu tư đều muốn đẩy nhanh tiến độ nên thi công cùng một thời điểm. Vì vậy, khi bị nhà nước yêu cầu cắt giảm vốn đầu tư công thì cả 5 cây cầu đều rơi vào dở dang. Khi nào có vốn phân bổ sẽ tiếp tục làm, nhưng đến bao giờ thì ông cũng không biết được. (Tr.N)

07-09- 2015 4:17:05 PM

Sư trụ trì tự tử vì thiếu nợ và nghi dùng ma túy đá

HẢI DƯƠNG (NV) - Công an phát hiện bức thư tuyệt mệnh và một số dụng cụ để sử dụng ma túy đá cùng một túi chứa chất màu trắng nghi là ma túy đá trong phòng nơi nhà sư tự tử.

Theo tin Người Lao Ðộng, ngày 8 tháng 7, 2015, Ðại Ðức Thích Thanh Huy, tên thật là Trần Trọng Hòa (40 tuổi), quê ở quận 3, Sài Gòn, trụ trì chùa Quang Minh, ở thôn Mạc Xá, xã Minh Tân, huyện Nam Sách, đã được an táng tại chùa.


Ngôi chùa nơi sư trụ trì tự tử. (Hình: Thanh Niên)

Tin cho hay, trước đó vào ngày 6 tháng 7, 2015, sư trụ trì này được phát hiện chết nằm sấp trong phòng nghỉ tại chùa, thi thể đang trong giai đoạn phân hủy.

Qua tiến hành khám nghiệm hiện trường và tử thi của công an huyện Nam Sách cho thấy, trên cổ nạn nhân có vết rãnh hằn, phía trên chỗ nạn nhân nằm có một dây ni lon, một đầu buộc vào tấm gỗ trên trần nhà, một đầu dây buông. Cùng với đó là bức thư tuyệt mệnh của nhà sư viết ngày 28 tháng 6, một giấy viết tay ghi ngày 3 tháng 7 về các khoản nợ của nhà sư. Ðồ đạc trong phòng sư thầy không có sự xáo trộn.

Ðặc biệt, điều gây xôn xao dư luận là trong quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng còn phát hiện một số dụng cụ để sử dụng ma túy đá và một túi chứa chất màu trắng, nghi là ma túy đá. Người dân nơi đây cho biết, đã từ lâu cả làng thường xuyên bàn ra tán vào về việc sư trụ trì chùa Quang Minh này nghiện ma túy. (Tr.N)
07-09-2015 4:18:58 PM

Vụ án Bình Phước: 'Tin dồn dập, hoang mang'

Theo BBC-3 giờ trước
Bộ Công an Việt Nam cảnh báo về lượng thông tin "quá nhiều, dồn dập và nhiều nội dung suy diễn" trong vụ án mạng ở Bình Phước.
Văn phòng Bộ Công an đã có công văn gửi Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước về việc "chủ động phát ngôn và cung cấp thông tin" cho báo chí về vụ án mạng xảy ra ngày 07/7/2015 tại Bình Phước, trang web bộ này cho biết vào này 09/07.
"Qua theo dõi thông tin báo chí đăng tải nội dung liên quan về vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng xảy ra rạng sáng ngày 07/7/2015 tại nhà anh Lê Văn Mỹ ở ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cho thấy, vụ án đang trở thành tâm điểm quan tâm trong dư luận nhân dân những ngày qua.
"Báo chí, đặc biệt là các báo điện tử và trang mạng xã hội đã thông tin quá nhiều, quá dồn dập về vụ án, trong đó có nhiều nội dung thông tin suy diễn chủ quan, gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến công tác điều tra của cơ quan Công an," bản tin cho hay.
Một số báo in và báo điển tử trong nước gọi vụ giết người này là "thảm sát" và đăng hình Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang xuống hiện trường vụ án để chia buồn với gia đình nạn nhân và trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án mạng mà cho tới nay "chưa rõ nguyên nhân".
"Vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Qua điều tra ban đầu cho thấy, hung thủ gây án đã có sự chuẩn bị rất kỹ, hành vi man rợ. Yêu cầu đặt ra là phải khẩn trương điều tra bằng mọi biện pháp để sớm tìm ra hung thủ", Bộ trưởng Quang được truyền thông trong nước dẫn lời.
Vào ngày 10/07 Bộ Công an Việt Nam mở " đường dây nóng" tiếp nhận thông tin về vụ án mạng tại Bình Phước kêu gọi người dân phát hiện dấu hiệu nghi vấn báo cho cơ quan Công an gần nhất, công an tỉnh Bình Phước hoặc có thể gọi điện trực tiếp cho Đại tá Trần Thắng Phúc, Giám đốc Công an tỉnh

'Khai thác nỗi đau'

Trong khi đó một thứ trưởng từ Bộ Truyền thông và Thông tin Việt Nam nói về " lượng thông tin khổng lồ" của các tờ báo về vụ án mạng xảy ra vào tuần này với 6 người trong một gia đình bị giết hại dã man.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nói: "Khổng lồ ở đây là mật độ dày đặc trên các báo, nhất là báo điện tử và mạng xã hội. Thực tế đó chỉ là những thông tin được nhào nặn để kích thích sự tò mò. Thật không nên và không thể chấp nhận được!
"Vụ án mạng xảy ra ở Bình Phước là nỗi đau của gia đình nạn nhân, nỗi đau của xã hội, đó là tội ác tày trời khiến dư luận bàng hoàng đau xót.
"Tại sao báo chí, nhất là các báo điện tử và mạng xã hội lại đi khai thác từng chi tiết để thoả mãn trí tò mò của độc giả, câu khách?
"Tôi khẳng định đó là những thông tin không chính thống, gây hỗn loạn thông tin, hoang mang dư luận và mang tính chất lá cải," ông Tuấn nói trong phỏng vấn với báo điện tử của bộ này.
Trong động thái siết chặt lại lượng thông tin được mô tả là "gây nhiễu", ông Tuấn cho biết thêm rằng kể từ ngày 09/07 Bộ Thông tin và Truyền thông "sẽ theo dõi chặt chẽ thông tin và xử lý nghiêm khắc đối với những cơ quan báo chí vi phạm trong vụ việc này."
Một trong những điểm chính trong công văn của Văn phòng Bộ Công an gửi Giám đốc Công an Tỉnh Bình Phước nhấn mạnh về điều được gọi là "Xử lý thông tin tuyên truyền của các báo và phóng viên đưa tin không chính xác về vụ án đang điều tra".
Thông tin trên báo chí và mạng xã hội về vụ án giết người tại gia đình doanh nhân Lê Văn Mỹ tại tỉnh Bình Phước và vụ sập tượng Phật 'cao nhất miền Bắc' ở tỉnh Thái Bình dường như lấn át về lượng so với các bản tin trong nước liên quan tới chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào tuần này.
Nhiều báo điện tử tại Việt Nam dựa vào nguồn thu từ quảng cáo theo đó doanh thu tỉ lệ thuận với lượng độc giả truy cập.
Giới chức quản lý truyền thông Việt Nam từng cảnh báo về thực trạng đưa tin lá cải để "câu view" nhằm hút độc giả để tăng doanh thu.
Tuy nhiên Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son từng khẳng định "Việt Nam không có báo lá cải" tuy cần ngăn chặn, chấm dứt điều ông gọi là "khuynh hướng báo lá cải" ra khỏi đời sống xã hội, đời sống của nền báo chí.

Phải tăng cường bình đẳng giáo dục

Dạo gần đây báo chí lại tiếp tục làm “ầm ĩ” về chuyện con nít đến trường bị thầy cô cho ăn đòn đến bầm dập, phải đưa uan niệm đi cấp cứu. Cho đến bây giờ, ý nghĩ “thương cho roi cho vọt” vẫn còn ám ảnh nhiều người Việt. Thậm chí, nó còn biến tướng thành những hiện trạng đáng lo ngại, trong đó có nạn bạo hành trẻ em.
Những ‘cây roi’ ngày xưa
Ông bà xưa thường nói “thương cho roi cho vọt”, ắt chỉ nghĩ đến sự răn đe, dạy dỗ. Roi và vọt cách đây vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm, khi chữ nghĩa còn ít, người ta hiểu đơn thuần theo nghĩa đen: phải đánh thì con cái, học trò mới nên người. Nhưng xin thưa ấy là khi cái tôi của con người còn bị đè bẹp dưới cái tôn ti trật tự theo lề lối cũ, khi người ta chưa ý thức được giá trị thật sự của con người là quyền được bảo vệ thân thể, sức khỏe, tính mạng. Và đặc biệt, đó là khi cha mẹ, thầy cô dùng đúng những “cái roi” không hơn không kém, bắt các em nhỏ nằm xuống mà đánh vào mông rồi lại nhanh chóng xuýt xoa, lấy dầu ra thoa, lấy bánh kẹo dỗ dành.
Ngày xưa bản thân tôi cũng thường ăn roi vì nghịch ngợm, phá phách ở làng xóm, láng giềng. Bị ăn roi vì những lần đi chơi khuya lắc mà ba mẹ phải chong đèn dầu đi tìm khắp xóm mãi mới tìm thấy được con đang mãi mê xem phim với lũ trẻ hàng xóm. Nhưng ba mẹ đánh, cũng chỉ đánh vào mông vài ba cây, rồi dạy từng lời hay ý đẹp, để rồi sau này trưởng thành tôi ý thức được sự quý giá của “cái roi tình thương” đó như thế nào. Đến bây giờ, tôi vẫn ủng hộ những cái “roi tình thương” kiểu ấy để cho những đứa trẻ biết được giới hạn của chúng – nó cũng giống như việc phạt con trẻ nhịn cơm của một số ông cha, bà mẹ phương Tây vậy thôi. Chẳng chết được, nhưng trẻ lớn lên sẽ thấy quý.
Và sự biến tướng thành ‘ác nhân’
Phải nói rằng nhiều người nhân danh “roi vọt” thể hiện sự yêu thương để thỏa mãn được cơn thịnh nộ của bản thân. Hãy nhìn mà xem, những đoạn clip người giữ trẻ đánh con nít vì lười ăn, vì không nghe lời... khiến bất cứ người phương Tây nào nhìn vào cũng hoảng sợ. Người Việt cũng không ngoại lệ, dù chúng ta vốn chấp nhận “thương cho roi cho vọt” từ cách đây hàng trăm năm trước. Đầu tóc, mặt mũi, tay chân, cả bộ phận sinh dục... bất cứ đâu cũng dễ trở thành nạn nhân của những kẻ xưng làm “thầy cô” để bạo hành, ngược đãi trẻ. Sự biến tướng ghê gớm của “cái roi” thành “ác nhân” khiến người ta mất dần niềm tin vào một bộ phận thầy cô giáo – vốn có quyền đặc biệt, bên cạnh cha mẹ, cầm lấy “cái roi”.
Trong một xã hội ngày càng tăng áp lực công việc, cái ác, cái bạo hành lại càng tăng theo. Việc nhà nước thiếu kiểm soát các điểm dạy trẻ, giữ trẻ đã khiến biết bao trẻ em đã và đang trở thành nạn nhân của những kẻ thiếu kiên nhẫn, thích bạo hành không hơn không kém. Những cô “bảo mẫu” với thân hình và hành động như những tên đồ tể vẫn cứ ngang nhiên nhận giữ trẻ, nuôi trẻ ở khắp mọi nơi, để rồi dùng bạo lực để trấn áp một cách dã man những đứa trẻ chưa biết chuyện đời, và sau đó trở nên hoảng loạn, sợ hãi. Việc tồn tại nạn bạo hành với trẻ em trong giáo dục còn thể hiện sự bất lực của chính sách bình đẳng mà bất kỳ trẻ em nào tại Việt Nam đều có quyền được hưởng.
Bình đẳng trong giáo dục
Nạn bạo hành trẻ phần nào phản ánh sự bất bình đẳng trong giáo dục hiện nay của Việt Nam. Bình đẳng là khi một đứa trẻ, dù mắc hội chứng gì (không đơn giản là biếng ăn, khó bảo, hiếu động mà còn chậm nói, kém phát triển trí não,...), cũng phải được thầy cô ứng xử, yêu thương như tất cả các trẻ khác. Thậm chí phải chu đáo, gần gũi hơn với các em nếu không muốn hầu tòa. Bình đẳng là khi trẻ được tạo mọi điều kiện để học và phát triển tự nhiên, chứ không phải bị nhồi nhét, ép vào khuôn khổ một cách máy móc, để rồi khi đứa trẻ vô thức không vâng lời thì ngay lập tức bị ăn đòn.
Ở nước mình, thường thì các em nghịch ngợm, học kém, hay kém thông minh sẽ ít được quan tâm. Thầy cô cũng vì thế mà dễ vung roi, vung vọt với các em hơn bao giờ hết. Nhiều thầy cô cũng chính là hệ lụy của sự bất bình đẳng mà họ cảm thụ từ một quá trình dài trước đó. Ở Tây, không thể có chuyện “ưu ái” cho bất kỳ một em nào, dù em đó có khả năng đặc biệt. Trái lại các em yếu kém, khó bảo,... cần sự kiên trì từ các thầy cô.
Để có được những thầy cô như thế, giáo dục phải đảm bảo được ít nhất ba điều kiện. Một là, phải đảm bảo việc đào tạo giáo viên, nhất là giáo viên mầm non hay tiểu học, một cách bài bản. Trong khi các nước rất chú trọng việc này, thì ở Việt Nam, việc trở thành cô giáo, bảo mẫu... dễ như ăn cơm bữa. Ngành sư phạm mầm non vẫn là ngành điểm chuẩn đầu vào thấp, thu hút một bộ phận không nhỏ những người vốn chẳng có tố chất và tri thức mới để làm giáo viên hay chỉ là một người giữ trẻ. Họ thiếu kiên nhân và dễ dàng đánh đập những đứa học trò, trẻ con một cách không thương tiếc.
Bên cạnh đó, phải quản lý hệ thống giữ trẻ, mẫu giáo một cách bài bản và hiệu quả. Tại sao nhiều điểm giữ trẻ tự phát vẫn nằm ngoài sự quản lý của nhà nước, dù năm nào dân cũng đóng thuế để nhà nước quản lý việc này? Tại sao chẳng ai lên tiếng chịu trách nhiệm về mặt quản lý sau các vụ trẻ em bị bạo hành? Có chăng là nhiều vị thẳng tay xử lý những người vi phạm, còn trách nhiệm quản lý thì bị phủ nhận hoàn toàn.
Khi trình độ tri thức tăng dần, con người ta cần định dạng lại “cây roi” ngày nào. Đó không phải là sự bất lực khi phải “đánh” thay vì “dạy”. Đó càng không phải là phương tiện để bất kỳ ai, dù có nhân danh thầy cô, giải quyết cảm xúc tức giận của cá nhân. Khi nhà nước xây dựng được một nền giáo dục thật sự bình đẳng, ắt hẳn “cây roi” vẫn còn nguyên giá trị của sự yêu thương, song sẽ không còn bạo hành trẻ em.

Báo cáo vi phạm nữ quyền Việt Nam tại LHQ

Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy, phối hợp viên của Hội Phụ Nhữ Nhân Quyền Việt Nam.
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy, phối hợp viên của Hội Phụ Nhữ Nhân Quyền Việt Nam.
Trà Mi-VOA
09.07.2015
Một tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước báo cáo các vi phạm nữ quyền, phản biện phúc trình của chính phủ Việt Nam tại buổi kiểm điểm định kỳ của Liên hiệp quốc về quyền phụ nữ.

Uỷ ban Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW) của Liên hiệp quốc ngày mai (10/7) sẽ xem xét phúc trình của Việt Nam tại khoá họp lần thứ 61 diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ.

Việt Nam là một trong số 189 nước thành viên ký kết Công ước CEDAW, và theo thông lệ phải nộp các báo cáo định kỳ trước Ủy ban gồm 23 chuyên gia độc lập, trình bày chính sách thực thi Công ước này.

Các vấn đề được mang ra thảo luận gồm có những bước phát triển luật lệ ủng hộ bình đẳng giới, các biện pháp đối phó với việc nạo phá thai vì phân biệt giới tính, sự phân biệt đối với nữ giới trong xã hội, tỷ lệ phụ nữ tham gia công tác quyết định chính trị còn thấp, tình trạng bạo hành nữ giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước nạn buôn người, tỷ lệ tử vong cao ở các sản phụ miền núi và sắc tộc thiểu số, các bước bảo vệ phụ nữ bị nhiễm HIV bị xã hội kỳ thị và chính sách công bằng bình đẳng với nữ giới trong lao động.
"Cung cấp thông tin về những vi phạm lên LHQ là cách để chúng ta nói cho thế giới biết về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Họ được báo cáo, họ sẽ hiểu rõ hơn, họ sẽ hướng tới cách làm việc nhiều hơn với các tổ chức xã hội dân sự thật sự ở Việt Nam thay vì là làm việc với các tổ chức quốc doanh ở Việt Nam."-Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy, phối hợp viên của Hội Phụ Nhữ Nhân Quyền Việt Nam.
Ngoài ghi nhận phần báo cáo của phái đoàn do chính phủ Việt Nam cử sang và nêu các câu hỏi chất vấn, Ủy ban cũng lắng nghe phần trình bày của các tổ chức NGO ngoài quốc doanh. Trong số này có Hội Phụ nữ nhân quyền Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự mới thành lập từ năm 2013 không được nhà nước công nhận.

Phối hợp viên của Hội Phụ Nhữ Nhân Quyền Việt Nam, nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy, là người tham gia soạn thảo báo cáo của Hội đệ trình lên Liên hiệp quốc.

Cô cho biết nội dung bản phúc trình phản biện với báo cáo từ các tổ chức do nhà nước bảo trợ:

"Bạo lực của công an chống lại phụ nữ, các trường hợp tù nhân lương tâm và các nữ dân oan đều có ghi rõ trong báo cáo. Trong đó cũng liệt kê danh sách các 19 nữ tù nhân lương tâm đang bị giam cầm trong các nhà tù của cộng sản Việt Nam."

Đại diện Hội phụ nữ Nhân quyền Việt Nam cho biết thêm về các kiến nghị nêu lên trong báo cáo:

"Có hai khuyến nghị đáng chú ý. Một là yêu cầu nhà nước Việt Nam bãi bỏ các điều luật vi phạm nhân quyền, đặc biệt là vi phạm quyền phụ nữ đối với các phụ nữ đấu tranh cho nhân quyền, như điều 88 hay 258. Thứ hai, về nghị định 42 quy định việc thành lập Hội. Họ dùng nghị định này để giới hạn việc thành lập các tổ chức xã hội dân sự độc lập, gây cản trở rất nhiều cho việc thực hiện Công ước CEDAW. Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam bị phân biệt đối xử, không được thành lập một cách hợp pháp, bị công an đàn áp, các thành viên của chúng tôi bị hăm dọa, bắt bớ, tù đày, đánh đập rất nhiều trong thời gian qua kể từ khi chúng tôi thành lập vào năm 2013."
"Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam bị phân biệt đối xử, không được thành lập một cách hợp pháp, bị công an đàn áp, các thành viên của chúng tôi bị hăm dọa, bắt bớ, tù đày, đánh đập rất nhiều trong thời gian qua kể từ khi chúng tôi thành lập vào năm 2013."Cô Huỳnh Thục Vy nói.
Cô Vy nói dù không kỳ vọng những chế tài cụ thể từ Liên hiệp quốc đối với các vi phạm nữ quyền qua buổi kiểm điểm định kỳ tại Ủy ban CEDAW này, nhưng cô hy vọng cơ hội tham gia báo cáo về thực trạng nữ quyền Việt Nam sẽ giúp mang lại những kết quả tích cực:

"Cung cấp thông tin về những vi phạm lên Liên hiệp quốc là cách để chúng ta nói cho thế giới biết về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Họ được báo cáo, họ sẽ hiểu rõ hơn, họ sẽ hướng tới cách làm việc nhiều hơn với các tổ chức xã hội dân sự thật sự ở Việt Nam thay vì là làm việc với các tổ chức quốc doanh ở Việt Nam.  Từ trước nay, tất cả các kênh liên lạc quốc tế, mọi sự viện trợ quốc tế thông qua Liên hiệp quốc đều vào các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu  của cộng sản Việt Nam lập ra. Khi chúng tôi liên lạc với Liên hiệp quốc, trình bày với họ thực trạng chúng tôi bị phân biệt đối xử như vậy, chúng tôi có được kênh thông tin kết nối với họ trực tiếp. Tôi mong không chỉ Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam liên lạc được với Liên hiệp quốc trực tiếp, mà tất cả các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước đều như vậy."

Sau khi lắng nghe báo cáo từ các bên, Ủy ban CEDAW sẽ thông báo kết luận về tình hình nữ quyền Việt Nam vào ngày 27/7 tới đây.

Báo cáo vi phạm nữ quyền Việt Nam tại LH

TT Obama bị lưỡng đảng chỉ trích vì gặp ông Nguyễn Phú Trọng

Tổng thống Obama tiếp ông Nguyễn Phú Trọng tại Tòa Bạch Ốc hôm 7/7/2015.
Tổng thống Obama tiếp ông Nguyễn Phú Trọng tại Tòa Bạch Ốc hôm 7/7/2015.
Khánh An-VOA
10.07.2015
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang gặp phải sự chỉ trích từ cả hai đảng về cuộc gặp với Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng do thành tích nhân quyền tệ hại và hệ thống độc đảng “độc tài” của Việt Nam. Truyền thông Hoa Kỳ cho biết tin này hôm 8/7.

Theo đó, dân biểu Loretta Sanchez phát biểu qua một thông cáo rằng: “Tôi thật thất vọng vì chính quyền đã chọn tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng. Là một người cổ võ cho nhân quyền tại Việt Nam, tôi không thể làm ngơ tình trạng ảm đạm về tự do báo chí và tự do ngôn luận tại đây”.

Bà Sanchez là một trong nhiều nhà lập pháp muốn chính phủ Hoa Kỳ đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện thành tích nhân quyền trước khi trở thành đối tác kinh tế và an ninh với Hoa Kỳ.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra tại Tòa Bạch Ốc vào thứ Ba tuần này. Mặc dù ông Nguyễn Phú Trọng không nắm giữ một chức vụ chính thức nào trong chính phủ, nhưng ông được xem là một lãnh đạo trên thực tế của đất nước do Đảng Cộng Sản độc quyền kiểm soát.

Dân biểu Loretta Sanchez.
Dân biểu Loretta Sanchez.

Cuộc hội kiến giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ hiệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.

Sau buổi hội kiến, Tổng thống Obama cho biết ông và ông Nguyễn Phú Trọng “đã thảo luận thẳng thắn một số những khác biệt xung quanh vấn đề nhân quyền”.

Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết cả hai đã trao đổi về những vướng mắc, trong đó có vấn đề nhân quyền, “trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng”.

Trong thời gian diễn ra buổi hội kiến, rất nhiều người Mỹ gốc Việt ủng hộ cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam đã biểu tình bên ngoài Tòa Bạch Ốc. Linh mục Đinh Xuân Long, một trong những người tham gia biểu tình, nói với Đài VOA rằng Đảng Cộng Sản đã nhiều lần thất hứa về việc cải thiện nhân quyền.
"Tôi thật thất vọng vì chính quyền đã chọn tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng. Là một người cổ võ cho nhân quyền tại Việt Nam, tôi không thể làm ngơ tình trạng ảm đạm về tự do báo chí và tự do ngôn luận."-Dân biểu Loretta Sanchez.
“Trong quá khứ, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã nhiều lần hứa nhưng chưa bao giờ thực hiện cả. Chẳng hạn như trước khi vào WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), họ đã hứa sẽ cải thiện nhân quyền nhưng sau đó họ vẫn tiếp tục bắt bớ những nhà bất đồng chính kiến cũng như những người đấu tranh cho nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam. Sau đó khi trở thành ủy viên thường trực của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, họ hứa sẽ cải thiện nhân quyền nhưng thực sự họ chẳng cải thiện chút nào cả”.

Ông nói ông và cộng đồng người Việt tại Mỹ “yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ cần phải áp lực rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa, yêu cầu chế độ Cộng Sản Việt Nam phải thành thật, cải thiện nhân quyền, thể hiện rõ ràng trong vấn đề quan hệ song phương giữa hai nước, đặc biệt khi Việt Nam vào TPP (Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương)”.

Linh mục Đinh Xuân Long.
Linh mục Đinh Xuân Long.

Tờ Washington Post nhận định Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương là một thỏa thuận tiềm năng tốt cho kinh tế Mỹ vì nó cắt giảm thuế quan. Hiện thuế quan của Việt Nam đối với hàng hóa của Mỹ cao hơn mức thuế của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam. Thỏa thuận này cũng sẽ buộc Việt Nam phải cam kết tôn trọng quyền lợi của người lao động và thêm vào cơ sở pháp lý cả về vấn đề ngoại giao nhân quyền và những đòi hỏi cho các nhà hoạt động Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam đã có cam kết về các nguyên tắc nhân quyền phổ quát, các nhà lập pháp Hoa Kỳ cho biết Nhóm công tác về việc giam giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD) đã xác nhận là Việt Nam vẫn tiếp tục bắt giữ có hệ thống và giam giữ các nhà hoạt động chính trị và xã hội, vi phạm các nghĩa vụ rõ ràng của mình theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Vì lý do này, các thành viên của cả hai đảng của Quốc hội Hoa Kỳ cho rằng điều quan trọng là Hoa Kỳ phải gửi thông điệp tới Việt Nam về những hành vi vi phạm của họ.

Một ngày trước khi diễn ra buổi hội kiến giữa Tổng thống Obama và ông Nguyễn Phú Trọng, 9 vị dân biểu Mỹ đã cùng ký vào một bức thư gửi cho ông Obama. Trong thư, các nhà lập pháp nói “hệ thống độc đảng độc tài” chính là “nguyên nhân gốc rễ của tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam”, đồng thời đưa ra danh sách 9 tù nhân chính trị hiện đang bị giam giữ và yêu cầu Việt Nam phải phóng thích họ ngay lập tức.

Cuộc hội kiến giữa Tổng thống Obama với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là một sự kiện mang đầy tính biểu tượng cho hai nước vốn là cựu thù chiến tranh. Mối quan hệ Việt – Mỹ trong những năm gần đây đã phát triển đáng kể, một phần vì sự quyết liệt trong các hành động nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết khu vực Biển Đông, nơi Việt Nam và một số quốc gia lân cận cũng có tuyên bố chủ quyền. Đây cũng là khu vực mà Hoa Kỳ hiện đang có một số lợi ích về hàng hải, thương mại và an ninh.

Theo tờ Washington Post, hai yếu tố kinh tế và địa chính trị đã khiến cho mối quan hệ hai nước nâng lên một cấp độ và TPP là một điều kiện. Tờ báo này viết rằng chính quyền Obama và những người kế nhiệm nên sử dụng mối quan hệ gần gũi hơn này như là công cụ để mang lại tự do hơn cả về chính trị lẫn kinh tế cho châu Á. Mặc dù Việt Nam đã phóng thích 50 trong số 160 tù nhân lương tâm trong năm 2014, nhưng đây không phải là một thay đổi nền tảng ở Hà Nội, tờ báo nhận định, mà chỉ là một nỗ lực nhằm xoa dịu những chỉ trích của Hoa Kỳ về việc cho phép Hà Nội tham gia vào TPP.

Nguồn: AP, The Hill, Fox News, Washington Post.

Ông Nguyễn Phú Trọng: Không nên để nhân quyền cản trở quan hệ Việt-Mỹ

Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong cuộc họp với Tổng thống Obama tại phòng Bầu dục của Tòa Bạch Ốc.
Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong cuộc họp với Tổng thống Obama tại phòng Bầu dục của Tòa Bạch Ốc.
Trà Mi-VOA
09.07.2015

Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố không nên để những bất đồng về nhân quyền cản trở các mối quan hệ đang ngày càng sâu đậm giữa hai nước cựu thù Việt-Mỹ.

Phát biểu qua lời thông dịch viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington hôm 8/7 một ngày sau khi hội kiến Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm lịch sử, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi hai nước đẩy bang giao lên một tầm mới và tiếp tục đối thoại để thu hẹp các cách biệt về quan điểm trong vấn đề nhân quyền.

Ông Trọng nói 'Tôi hiểu hai nước còn nhiều khác biệt trong quan niệm về nhân quyền. Chúng ta cần tiếp tục các cuộc đối thoại thẳng thắn và xây dựng nhằm đạt điểm chung về nhân quyền và đạt được sự đánh giá công bằng đối với những thay đổi cơ bản và hệ thống về tình hình nhân quyền tại Việt Nam'.

Nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam khẳng định Việt Nam mong muốn phát huy và bảo vệ nhân quyền cho mọi công dân, kể cả người nghèo và các cư dân miền núi, nhưng quyền của mỗi cá nhân phải được đặt trong bối cảnh của cộng đồng xã hội.

Hoa Kỳ lâu nay là nước đi đầu trong việc thúc đẩy Việt Nam cải thiện nhân quyền, trở ngại chính cho mối bang giao song phương trong suốt 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ năm 1995.

Trước khi ông Trọng đặt chân tới Hoa Kỳ, một nhóm 9 nhà lập pháp Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng đã yêu cầu Tổng thống Barack Obama kêu gọi lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam phóng thích tù nhân lương tâm, đồng thời thúc giục nhà lãnh đạo Mỹ nói rõ với Hà Nội rằng muốn có quan hệ kinh tế và an ninh gần gũi hơn với Hoa Kỳ, tôn trọng nhân quyền là điều kiện tối quan trọng.

"Chính quyền của Tổng thống Obama nên nói với nhà lãnh đạo Việt Nam rằng không thể chấp nhận điều đó. Mối quan hệ Việt-Mỹ sâu đậm hơn là một gói thỏa thuận không chỉ có lợi ích thương mại và trao đổi quân sự mà thôi, mà nó bao gồm cả sự cải thiện về nhân quyền. Cho nên cả hành pháp lẫn lập pháp Mỹ cần mạnh mẽ bác bỏ thái độ phớt lờ vấn đề nhân quyền như thế"-Ông Phil Robertson, Human Rights Watch.

Theo đánh giá của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở tại New York, những liên hệ hợp tác thăng tiến giữa Việt Nam với Hoa Kỳ xem ra không đưa tới sự cải cách hay bất kỳ hành động nào từ phía Hà Nội trong việc cải thiện thành tích nhân quyền.

Human Rights Watch nói nếu không nâng cao hơn nữa mức quan ngại về nhân quyền Việt Nam, Hoa Kỳ đang gửi đi tín hiệu rằng ‘Chúng tôi muốn anh cải cách, nhưng cho dù anh không làm, chúng tôi vẫn tưởng thưởng cho anh.’

Phản hồi trước lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nói với VOA Việt ngữ:

"Hoa Kỳ không thể nhất trí với các luận điệu như thế. Chính quyền của Tổng thống Obama nên nói với nhà lãnh đạo Việt Nam rằng không thể chấp nhận điều đó. Mối quan hệ Việt-Mỹ sâu đậm hơn là một gói thỏa thuận không chỉ có lợi ích thương mại và trao đổi quân sự mà thôi, mà nó bao gồm cả sự cải thiện về nhân quyền. Cho nên cả hành pháp lẫn lập pháp Mỹ cần mạnh mẽ bác bỏ thái độ phớt lờ vấn đề nhân quyền như thế."


Cộng đồng người Việt ở Mỹ biểu tình trước Tòa Bạch Ốc phản đối chuyến đi này của Nguyễn Phú Trọng và nói lên lập trường, quan điểm đối với chế độ CSVN hiện nay, đồng thời đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ đặt điều kiện nhân quyền, tự do dân chủ trong mọi cuộc đối thoại với Hà Nội.
Cộng đồng người Việt ở Mỹ biểu tình trước Tòa Bạch Ốc phản đối chuyến đi này của Nguyễn Phú Trọng và nói lên lập trường, quan điểm đối với chế độ CSVN hiện nay, đồng thời đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ đặt điều kiện nhân quyền, tự do dân chủ trong mọi cuộc đối thoại với Hà Nội.

Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tính tới cuối năm ngoái có 125 tù nhân chính trị đang bị Việt Nam giam cầm mặc dù, vẫn theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, số người bất đồng chính kiến bị Hà Nội truy tố có giảm đi trong thời gian gần đây.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài diễn văn tại CSIS hôm qua phủ nhận chuyện Việt Nam bỏ tù công dân vì quan điểm chính trị hay niềm tin tôn giáo. Ông nhắc lại lập luận lâu nay của Hà Nội rằng các cá nhân bị xử lý là những người vi phạm pháp luật.

Ông Phil Robertson gọi đây là ‘trò chơi chữ’ của giới lãnh đạo Hà Nội:

"Ai cũng hiểu rằng nhân quyền chỉ có một định nghĩa mà thôi, nó gắn kết với các chuẩn mực quốc tế có trong những Công ước mà Việt Nam đã phê chuẩn. Cần có những kết quả chứ không chỉ là những cuộc đối thoại, bởi lẽ Hà Nội đang cảm thấy là họ chỉ cần nói mà không cần làm mà cũng đạt được quyền lợi. Hoa Kỳ phải thay đổi nhận thức đó, phải cho họ thấy không thể tiến triển trong quan hệ Việt-Mỹ trừ phi có tiến triển về nhân quyền Việt Nam, chẳng hạn như phải cải cách các luật lệ vi phạm nhân quyền, phóng thích tù nhân lương tâm, chấm dứt sách nhiễu người bất đồng chính kiến."

"Ai cũng hiểu rằng nhân quyền chỉ có một định nghĩa mà thôi, nó gắn kết với các chuẩn mực quốc tế có trong những Công ước mà Việt Nam đã phê chuẩn. Cần có những kết quả chứ không chỉ là những cuộc đối thoại. Hà Nội đang cảm thấy là họ chỉ cần nói mà không cần làm cũng đạt được quyền lợi. Hoa Kỳ phải thay đổi nhận thức đó, phải cho họ thấy không thể tiến triển trong quan hệ Việt-Mỹ trừ phi có tiến triển về nhân quyền Việt Nam."Ông Phil Robertson nói.

Sau cuộc đón tiếp ông Trọng tại Phòng Bầu Dục hôm thứ ba, Tổng thống Obama cho biết đôi bên đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề nhân quyền và quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Human Rights Watch tỏ ra không mấy hài lòng về các bước đi hiện nay của hành pháp Mỹ trong vấn đề nhân quyền Việt Nam.

Ông Phil Robertson cho biết tổ chức của ông sẽ tiếp tục vận động Quốc hội Hoa Kỳ có biện pháp hữu hiệu hơn.

"Có sự nhất trí mạnh mẽ giữa các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng ở Hạ viện và Thượng viện Mỹ rằng chính sách và hành động về nhân quyền của nhà nước Việt Nam có nhiều vấn đề. Nếu chính quyền của Tổng thống Obama không lắng nghe thì Quốc hội phải tìm cách thay đổi chính sách của bên hành pháp bằng quyền lực của mình."

Washington xem các mối quan hệ mật thiết hơn với Hà Nội là yếu tố quan trọng trong chính sách xoay trục về Châu Á của Tổng thống Obama để cân bằng quyền lực trước thái độ ‘giương oai diễu võ’ của Trung Quốc tại khu vực.

Nhưng bang giao tiến triển tốt đẹp hay nồng ấm thế nào tùy vào thiện chí cải cách của chính phủ Hà Nội về mặt nhân quyền, điều kiện tiên quyết trong mối quan hệ Việt-Mỹ.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách nhân quyền-dân chủ-lao động, Tom Malinowski, đã khẳng định với VOA Việt ngữ như vậy trong một cuộc phỏng vấn gần đây và ông kỳ vọng hợp tác quân sự, chính trị, ngoại giao, thương mại Việt-Mỹ sẽ là nguồn lực giúp hiện thực hóa các cải cách nhân quyền tại Việt Nam.


Chuyến Mỹ du của cung Vua nhưng do phủ Chúa nắm hết trơn hết trọi

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Tháp tùng cùng đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng trong chuyến Mỹ Du, còn gọi là chuyến Quy Mã của tập đoàn Ma Quỷ, là một đoàn quan chức được chọn lọc kỹ càng. Nhìn vào danh sách và chức năng của từng người, chúng ta thấy có một số điều hơi... kỳ kỳ. Cần phải đem lên bàn mổ để còm sĩ khắp nơi mổ và xẻ.

Danh sách đầu nậu trong phái đoàn thê tử của Trọng đảng trưởng gồm có:

1. Phạm Bình Minh, UVTUĐ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;
2. Hoàng Bình Quân, UVTUĐ, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương;
3. Phạm Quang Vinh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCNVN tại Hoa Kỳ;
4. Nguyễn Phương Nga, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn thường trực VN tại LHQ.

4 mạng này phụ trách mảng ngoại giao, của đảng hay của nhà nước thì cũng là một. Cậu Vinh, mợ Nga đang có mặt sẵn tại Hoa Kỳ. Có mặt là hợp cả tình lẫn lý.

5. Bùi Quang Vinh, UVTUĐ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
6. Vũ Huy Hoàng, UVTUĐ, Bộ trưởng Bộ Công thương;
7. Nguyễn Văn Bình, UVTUĐ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ba ông bợm này nắm chuyện tiền vô tiền ra của chú Phỉnh phủ Chúa. Chuyến đi này là chuyến mần ăn TPP có triển vọng đem lại cho các quan nhiều tỉ tiền Oa Sinh Tơn, bù vào tiền Mao Si Tung có thể bị thiếu hụt trong tiến trình xa Tàu gần Mỹ. Do đó chuyến đi này phải có Bình Thống đốc, Hoàng Công thương, và Vinh Đầu bốn. Rất là hợp... tiền.

Sơ sơ đã có 7 mạng thuộc bên phủ chúa X.

Hiện diện trong phái đoàn còn có:

8. Hồ Mẫu Ngoạt, UVTUĐ, Trợ lý TBT, Phụ trách Văn phòng TBT;
9. Trần Quốc Vượng, Bí thư TUĐ, Chánh Văn phòng Trung ương.

Hai tay này đi theo nâng khăn sửa túi, thoa phấn, bôi môi son cho đảng trưởng trước khi bước xuống máy bay, lên sân khấu truyền hình, đi cửa hậu bắt tay kiều bào người Mỹ gốc Việt cộng... không cho đi Mỹ sẽ bị vu là có âm mưu làm xấu đồng chí tổng bí.

Thế là bên cung Vua có được 2 mạng cho chuyến đi của đảng trưởng.

Còn lại là các cậu mợ:

10. Tòng Thị Phóng, UVBCT, Phó Chủ tịch Quốc hội;
11. Lê Thanh Hải, UVNCT, Bí thư Thành ủy Thành Hồ;
12. Nguyễn Chí Vịnh, UVTUĐ, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng;
13. Tô Lâm, UVTUĐ Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an;

4 cậu mợ này lại có thêm 2 nhiều điều cần nói và hỏi:

- Tại sao mợ Phó Phóng mà không là cậu Sinh Hùng, chủ tịch đảng hội?
- Tại sao có cậu Hải thành Hồ mà không có cậu Nghị thủ đô?

Câu trả lời thì phải hỏi anh ba X. Anh ấy... muốn vậy mà!

Còn sót lại một tên côn an Tô Lâm, số thứ tự 13 xui tận mạng, là kẻ đi theo phái đoàn là để canh chừng xem có đứa nào trở chứng muốn bỏ bác Hồ chạy theo bác Oa, ở lại DC tị nạn đế quốc Mỹ, theo gương đại tướng họ Phùng đang ngồi hát bàiParis có gì lạ không em ở bên kia kinh thành ánh sáng của bè lũ thực dân cựu thù.

Và sau cùng là Nguyễn Chí Vịnh. Xin lỗi bà con nghe: Biệt đanh của Vịnh là Vẹn. Mâm nào cũng có Vẹn ngồi chầu rìa. Không tin bà con gú-gồ thì thấy. Dù là mâm cỗ Bắc Kinh hay bàn nhậu Sang Ri La, hoặc pạt ti Oắt Sinh Tân Dê Xê...  chiếu nào cũng có Vẹn. Do đó, trong khi chúa X đang thương thảo để cánh quân giận nhăn răng ok cho đồng chí Đỗ Bá Tỵ làm bộ trưởng bộ cầm quân thì ít cầm tiền thì nhiều, tạm thời cứ hẹn lại lên: Vẹn có mặt.

Hé thêm cách màn nhung chút xíu nữa: người có mặt trên mọi tầng cây số của chuyến đi mà... nào ai biết, nào ai hay lại là người thông dịch. Đây cũng là người dịch-cho-thông trong chuyến quy mã của tướng Đỗ Bá Tỵ hôm 26/03/2015 và là người được xem là tay chân của phủ Chúa.

Túm lại, chuyến đi quy mã của cung Vua, cầm đầu là Lú đảng trưởng, tháp tùng bởi thập tứ đại ma quỷ (trong 14 mạng, hết 12 mạng là UVTUD hay UVBCT thì không ma cũng quỷ - chứ còn gì nữa!?) nhưng lại do phủ Chúa nắm hết trơn hết trọi hà!!!

Hay thiệt!

08.07.2015

Phùng Quang Thanh và con đường lưu vong

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Trong một xã hội độc tài bị bưng bít thông tin, khi truyền thông được xem là một trong những phương tiện / vũ khí để cai trị và bảo vệ quyền lực của kẻ cầm quyền, thì cái gọi là "tin chính thống" lại thường là những tin tức "đứng xa sự thật nhất". Đặc biệt là khi đụng đến những mảng tối về nhân sự, những cuộc thanh trừng nội bộ, hành vi tiêu cực hay tài sản của cán bộ lãnh đạo. Trong trường hợp của Phùng Quang Thanh và với bài học của Nguyễn Bá Thanh còn chưa xanh cỏ, với kinh nghiệm về những cuộc thanh trừng của cộng sản Việt, Nga, Tàu trong suốt chiều dài lịch sử đầy máu của nó, chúng ta lại càng tin rằng những điều gì được phát ra từ những cái miệng loa của đảng về Phùng Quang Thanh thì người dân nên nghĩ ngược lại.

Tình trạng "biến mất" của Phùng Quang Thanh (PQT) trong những tháng ngày rất sôi động của sân khấu chính trị Việt Nam đã dấy lên nhiều chiều hướng suy luận: 

PQT sang Pháp chữa bệnh. Luồng suy luận này được dẫn dắt bởi nguồn tin "chính thống", qua cửa miệng của 2 nhân vật đứng đầu trong Ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ TƯ. Tuy nhiên, giống như vở kịch "tau có chi mô" và tình trạng "không không thấy" để rồi dẫn đến kết cuộc mà ai cũng biết trước về số phận Nguyễn Bá Thanh, vở kịch PQT-dập-ngực-xơ-phổi vừa mở màn đã có nhiều lỗ hổng. Một trong những lỗ hổng làm lộ bản chất láo khoét là cách sắp xếp tình tiết thời gian một cách khiên cưỡng và vô lý: PQT đang ở Pháp vào ngày 19.06.2015 để gặp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Jean-Yves Le Drian), lại phải bay ngược về lại Việt Nam để hội chẩn bệnh tình với chuyên gia y tế Pháp (1) tại Hà Nội, lại đáp máy bay trở lại Paris vào ngày 24.06.2015 để được điều trị. Xin đọc lại bài Từ "vở tuồng" Nguyễn Bá Thanh đến "sự cố" Phùng Quang Thanh và "bóng dáng" của Nguyễn Tấn Dũng

Nếu so sánh tình trạng sức khoẻ của Phùng Quang Thanh (bị ho, thử máu không thấy có triệu chứng gì nguy hiểm, không có dấu hiệu ung thư... trước khi đến Pháp) với nhu cầu chính trị cần có mặt của PQT tại Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ 5, lẫn chuyến Mỹ du của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì quyết định tự đặt mình ra khỏi chính trường sôi động không thể là của PQT. 

Do đó, PQT đã bị "mời ra chỗ khác chơi". Nếu vậy, "mời ra khỏi chỗ khác chơi" được thực hiện dưới hình thức nào? Đây là phần của tin đồn và suy luận - phần gần với sự thật hơn so với tin chính thống vì nó sẽ được nhiều người bổ xung, khám phá. Tương tự như trường hợp của Nguyễn Bá Thanh, chúng ta chỉ có thể tiến gần đến sự thật khởi đi bằng phương pháp loại trừ trong lý luận và chỉ có thời gian mới dần dần hé lộ ra những sự thật mà nhà cầm quyền không thể che giấu mãi. 

Một trong những tin đồn đầu tiên về số phận của PQT là ông ta bị ám sát. Xác xuất chuyện này xảy ra tương đối thấp. PQT là một bộ trưởng vừa mới gặp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp. Việc một lãnh đạo quân đội, là thượng khách của quốc gia bị ám sát, tin ám sát được lan truyền trên mạng mà chính phủ Pháp vẫn dấu kín, truyền thông tự do Pháp không săn tin là điều không thể xảy ra. Chuyện PQT cùng tuỳ tùng đi chơi, không có những thành viên bảo vệ yếu nhân của an ninh Pháp đi cùng cũng là điều khó tin. 

Do đó chúng ta cần gỡ rối cái bùi nhùi PQT dựa vào "vị trí quan điểm chính trị" của Thanh nằm ở đâu trong tiến trình đảng CSVN bắt tay với Mỹ để dẫn đến chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng, trong đó được tháp tùng bởi một đoàn tuỳ tùng hầu hết là tay chân của Nguyễn Tấn Dũng

*

Vào ngày 1 tháng 6, 2015, tại Hà Nội, Phùng Quang Thanh đã cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng (1). Tuyên bố này này chỉ là bước khởi đầu, có những thoả thuận tương đối nhỏ như "Hoa Kỳ sẽ cung cấp một gói 18 triệu USD cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam để mua sắm những tàu tuần tra; đồng thời đang hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam xây dựng và phát triển Trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình" nhưng lại có một thông điệp chính trị rất lớn: Đây là mốc khởi hành cho con đường hợp tác trong đó 2 bộ quốc phòng Việt Nam và Hoa Kỳ bắt tay nhau để bảo vệ chủ quyền VN và quyền lợi của Hoa Kỳ tại biển Đông. Tuyên bố quốc phòng chung này cũng là phát súng lệnh tiến bước cho con đường Việt-Mỹ chống Tàu mà bước kế đến là Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt-Mỹ tại Washington DC.

Bước khởi đầu của con đường này, dưới góc nhìn của Hoa Kỳ, khó mà có thể được suôn sẻ nếu nó được dẫn đầu từ phía VN bởi một kẻ luôn chiếm giải nhất trong cuộc đua nịnh Tàu. Mục tiêu chiến lược be bờ của Mỹ, cụ thể là ngăn chận sự bành trướng, tái tạo đảo nhân tạo, xây dựng căn cứ quân sự trên biển Đông của Bắc Kinh sẽ khó đạt được những kết quả mong muốn nếu từ phía "đối tác" Việt Nam, người bộ trưởng đứng đầu quân đội có ý chí bảo vệ biển Đông thì ít (hay không có) mà bảo vệ Bắc Kinh thì nhiều: "Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc." 

Viên sỏi PQT trong đôi giày Việt-Mỹ bộc lộ rõ ngay trong buổi họp báo sau khi Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng được công bố. Khi được hỏi:

Hoa Kỳ đang yêu cầu các quốc gia trong khu vực Biển Đông dừng ngay các hoạt động bồi đắp, tôn tạo đảo. Tại cuộc hội đàm sáng nay, VN có đưa ra cam kết nào sẽ chấm dứt các hoạt động như vậy không?” (2)

Lưu ý trong câu hỏi này, người hỏi cố tình nhắc đến điều Hoa Kỳ yêu cầu / mong muốn, với Bộ trưởng QP Hoa Kỳ Ashton Carter đứng ngay bên cạnh nhìn, thì PQT đã trả lời:

“VN vừa qua cũng có củng cố các đảo thuộc chủ quyền của VN. Như các bạn biết, VN hiện đang đóng quân trên 19 đảo nổi và 12 đảo chìm. Các đảo nổi thì chúng tôi chỉ cho kè kín lại xung quanh để tránh sóng đánh lở, đảm bảo cho người dân và các lực lượng đóng quân, quản lý trên đảo có cuộc sống an toàn”. 

“Ở các đảo chìm, chúng tôi cũng chỉ xây dựng những nhà nhỏ, ở ít người và không mở rộng ra. Tính chất, quy mô của chúng tôi hoàn toàn là vấn đề dân sự”.  

Khoan nói đến đúng/sai khi đứng về phía quan điểm VN, PQT đã không khéo léo trong vai trò đối tác, cách nói của PQT cũng là luận điệu của Bắc Kinh khi Hoa Kỳ đặt vấn đề với Bắc Kinh về hành vi xây dựng trái phép. Đó là chưa nói đến việc PQT biết rõ VN chẳng có xây dựng bao nhiêu trong khi Bắc Kinh đã dồn dập những hoạt động xây dựng tại Trường Sa ở tốc độ chóng mặt - như ông từng trả lời phóng viên sau chuyến đi thăm Bắc Kinh vào tháng 10/2014: "Còn hiện nay trên biển, nói thật là các bên đều có xây dựng. Đài Loan cũng xây dựng, Philippines cũng tiến hành xây dựng đường băng, Malaysia có xây dựng. Việt Nam cũng có hoạt động xây dựng, đó là tôn tạo, nâng cấp, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho các lực lượng đóng quân trên đảo để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đảm bảo điều kiện sinh hoạt trên đảo. Tuy nhiên nguồn lực của ta còn có hạn nên việc xây dựng quy mô chưa lớn như Trung Quốc." (3

Từ vị trí thân Tàu, lo lắng người dân Việt Nam chống Tàu, đến quan điểm về những hành vi của Tàu tại biển Đông, PQT còn bị mất điểm nặng với Hoa Kỳ trong vấn đề nhân quyền. Ngay sau cuộc hội kiến giữa hai vị bộ trưởng quốc phòng, PQT đã họp báo và tuyên bố: "Các vấn đề về nhân quyền không nên được liên kết với quyết định của Hoa Kỳ về việc hoàn toàn tháo gỡ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam"(4)

Điều đó cho thấy ông Ashton Carter sẽ khó mà làm việc với PQT trong những thương thảo thuộc lãnh vực quốc phòng khi mà người đối tác PQT nhất định không xem nhân quyền là một điều kiện tiên quyết của Mỹ cho những đồng thuận lớn hơn, ngoài phạm vi quốc phòng (như TPP) giữa hai bên. Bây giờ nhìn lạiTuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ (5) với những điều khoản về nhân quyền chúng ta thấy rõ điều đó. 

Do đó, PQT phải ra đi trong ván cờ thương lượng Việt-Mỹ. 

Người ủng hộ cho chuyện ra đi này nhiều nhất là Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng, những tướng lãnh đang lo lắng về tình trạng bất mãn tràn lan và cao độ của quân đội đối với cha con Phùng Quang Thanh, Phùng Quang Hải, đồng thời cũng ngắm nghé chiếc ghế Bộ trưởng cũng đồng lòng nhất trí. Tất cả được thể hiện qua hình ảnh của ngày đại hội thi đua quyết thắng toàn quân 01/07.

Tháng 6, 2015, Bắc Kinh đem giàn khoan HD-981 vào biển Đông. Một lần nữa biển Đông dậy sóng. Bộ quốc phòng Việt Nam im lặng như nước hồ thu. Tháng 6, Phùng Quang Thanh phải ra khỏi chính trường trước ngày đại hội toàn quân 01.07.2018 và dĩ nhiên phải trước ngày Nguyễn Phú Trọng đáp xuống phi trường Andrews.

*

Sau Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng, PQT đã: 

- 8/6, tiếp Thiếu tướng Pehin Tawih, Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Brunei. 

- 9/6, tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Slovakia Martin Glavac.

- 10/6, tiếp Herve Ladsous - Phó tổng thư ký LHQ phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình. 

- 19/6 gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, nhân dịp đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam đang có chuyến làm việc tại châu Âu. (6

"Lịch trình" trên cho thấy những hoạt động của PQT rất lu mờ, trong bối cảnh chính trị sôi động của tháng 6 bao gồm tình hình biển Đông và những vận động thương thảo quan hệ Việt-Mỹ. Trong thông tin về chuyến đi châu Âu, nói rằng"gặp bộ trưởng quốc phòng Pháp nhân dịp đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam đang có chuyến làm việc tại châu Âu..." như là PQT có một chuyến công tác lớn tại Âu châu và "nhân tiện" gặp ông Jean-Yves Le Drian. Thật sự, PQT không có một hoạt động nào khác ngoài cuộc gặp này.

Do đó, chúng ta có thể giả định rằng PQT đã được dàn xếp để qua Pháp với lý cớ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp. Vì chỉ là sự dàn xếp cho "mục tiêu khác" cho nên đây chỉ là một cuộc gặp xã giao, kèm theo những thông báo cũng rất ngoại giao nhưng hoàn toàn không có một ký kết chính thức nào. Mục tiêu là để dọn đường cho PQT "ra đi" êm thắm. 

Trong sự sắp xếp tưởng êm thắm này, bùng lên tin đồn PQT bị ám sát. Do đó, vở kịch PQT-dập ngực-xơ phổi buộc phải ra đời. PQT "được" cho bay từ Pháp về lại VN sau ngày 19.06 để chuyên gia y tế Pháp TẠI VN hội chẩn, gặp ông Phạm Gia Khải vào ngày 22/6 tại Việt Nam và qua lại Pháp ngày 24/6 để chuyên gia y tế Pháp TẠI Pháp chữa trị (6) 

Xác suất cao là PQT vẫn ở lại Pháp từ sau lần gặp bộ trưởng quốc phòng Jean-Yves Le Drian vào ngày 19/6 cho đến nay. Tương lai của PQT rơi vào 2 tình huống sau:

1. Sau khi mọi sự cho tiến trình gần Mỹ xa Tàu đã xong, PQT trở về VN và tuyên bố từ nhiệm vì lý do sức khoẻ suy yếu, sau khi bị mổ và lấy đi cục u... thân tàu trong phế phủ.

2. Sau một thời gian tịnh dưỡng, loa mồm của đảng tuyên bố rằng các bác sĩ Pháp (nhưng giữ bí mật, không nói là bác sĩ tên gì) khuyên PQT nên ở lại Pháp để được "theo dõi" và chữa trị dài hạn. Đồng chí Đỗ Bá Tỵ sẽ "tạm thời" thay thế đồng chí PQT trong vai trò Bộ trưởng Bộ quốc phòng.

Cho đến bây giờ, dựa vào kinh nghiệm của những tên tướng lưu vong trên thế giới, xác suất là PQT sẽ ở lại Pháp, nhiệm vụ chính của hắn sẽ không còn là biển Đông, biển Nam gì cả mà chỉ lo quản trị những trương mục đang nằm ở Thuỵ Sĩ; cùng với quý tử Phùng Quang Hải ngày đêm chuyển ngân từ trong ra ngoài và tìm cách cho bầy đàn thê tử hạ cánh an toàn.