Sunday, February 9, 2014

Ông Masuzoe thắng cử thị trưởng Tokyo


Cập nhật: 02:39 GMT - thứ hai, 10 tháng 2, 2014
Ông Masuzoe được Thủ tướng Abe ủng hộ
Cựu bộ trưởng Yoichi Masuzoe vừa thắng cử chức thị trưởng Tokyo với số phiếu vượt trội, theo kết quả thăm dò ngoài phòng phiếu.
Ông Masuzoe là người chủ trương sử dụng năng lượng nguyên tử, nên việc ông vào chức thị trưởng được cho là chỉ dấu rằng dân chúng ủng hộ việc này.
Ông cũng đồng ý với kế hoạch tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân trong nước của chính phủ, trong khi hai ứng cử viên đối thủ phản đối.
Tin cho hay Masuzoe giành được khoảng 30% số phiếu còn hai đối thủ chính mỗi người khoảng 20%.
Tổng cộng 16 người đã tham gia tranh cử vào vị trí thị trưởng thành phố 13 triệu dân.
Tỷ lệ cử tri đi bầu cử ở Tokyo không cao vì cả nước Nhật đang trải qua một đợt tuyết rơi dày nhất trong nhiều thập niên.
Ít nhất 6 người chết vì thời tiết lạnh, 600 người bị thương trong đợt này.

Abe thở phào

Sau khi có kết quả sơ khởi, báo chí Nhật đăng hình ông Masuzoe, 65 tuổi, tươi cười khi xuất hiện tại Tokyo.
Ông từng hứa hẹn sẽ biến Tokyo thành "thành phố số một trên thế giới''.
Kết quả chính thức sẽ được đưa ra vào thứ Hai này.
Ông Masuzoe được hậu thuẫn của Thủ tướng Shinzo Abe và đảng Tự do Dân chủ của ông.
Các đối thủ chính của ông trong đợt tranh cử này là luật sư Kenji Utsunomiya, 67 tuổi, người được cho là về thứ hai; và cựu Thủ tướng Morihiro Hosokawa, 76 tuổi, người nhận ủng hộ của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi.
Chiến thắng của ông Masuzoe chắc sẽ làm Thủ tướng Abe thở phào nhẹ nhõm.
Tuy nghị trình tranh cử bao gồm nhiều chủ đề như kinh tế và an sinh xã hội, khác nhau lớn nhất giữa các ứng cử viên là chính sách về điện hạt nhân.
Người dân tỏ ra hoài nghi về công nghệ hạt nhân sau sự cố nhà máy Fukushima hồi tháng Ba 2011.
Chức thị trưởng Tokyo đã bỏ trống từ hồi tháng 12 năm ngoái sau khi ông Naoki Inose từ chức vì nhận 50 triệu yen (nửa triệu đôla) từ một nhà tài phiệt mà không công bố.
Tân thị trưởng Tokyo sẽ phải tập trung vào công việc chuẩn bị cho Olympics 2020 mà thành phố này vừa giành quyền đăng cai.

Đi bộ tập thể dục bị xe taxi đâm hất bay 10m


Thứ Hai, 10/02/2014 11:08 (GMT + 7)
Tài xế phóng xe tốc độ cao (vết phanh kéo dài khoảng 25m), thiếu chú ý quan sát cộng với trời tối, có sương mù nên dẫn đến tai nạn.
Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 5h30 sáng nay (10/2) tại đoạn đường Làng Việt Kiều Châu Âu (Phường Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội). 
Theo nhân chứng ở hiện trường, tại thời điểm trên, một xe taxi hãng Mai Linh đi với tốc độ nhanh theo hướng Trần Phú - Lê Văn Lương đã đâm thẳng vào một người đàn ông khoảng 70 tuổi đang đi bộ.
Chiếc xe taxi gây tai nạn. 
Cú đâm mạnh khiến nạn nhân đập vào kính chắn gió rồi bắn lên cao, rơi cách đầu xe khoảng 10m. Sau khi gây ra tai nạn, tài xế cùng với một người đi đường nhanh chóng chuyển nạn nhân vào Viện 103 Hà Đông cấp cứu.
Lực lượng CSGT đến hiện trường lập biên bản sự việc.
Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát đã có mặt để khám ngiệm hiện trường, lập biên bản vụ việc.
Nguyên nhân ban đầu được xác định do tài xế phóng xe tốc độ cao (vết phanh kéo dài khoảng 25m), thiếu chú ý quan sát cộng với trời tối, có sương mù nên dẫn đến tai nạn.
Theo Zing

Xe khách đấu đầu xe đầu kéo, 7 người nhập viện

0/02/2014 10:58 (GMT + 7)
TTO - Khoảng 6g sáng nay 10-2, một xe khách và xe đầu kéo container đã tông nhau trực diện trên Quốc lộ 1 (đoạn qua xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) khiến 7 người trên 2 xe nhập viện.


Thông tin ban đầu từ cơ quan công an được biết, vào thời điểm trên xe đầu kéo kéo theo rơ-moóc chạy hướng Bắc - Nam, do anh Nguyễn Việt Đà (30 tuổi, ở tỉnh Yên Bái) điều khiển đã xảy ra tai nạn với xe khách do ông Bùi Quang Ngo (38 tuổi, ở tỉnh Bình Định) làm tài xế chạy ngược chiều.
Tai nạn khiến 4 người trên xe đầu kéo bị thương nặng gồm tài xế Đà và phụ xe Lê Duy Hùng (29 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP.HCM), chị Cao Thị Thuyên (28 tuổi), đang mang thai 6 tháng và cháu Lê Thư Kỳ (5 tuổi) - là vợ và con anh Hùng - đang trên đường về thăm quê Thanh Hóa.
Ngoài ra, ba người trên xe khách gồm tài xế Ngo, phụ xe tên Nguyễn Khắc Dũng (40 tuổi) và chủ xe Trần Công Lịch (37 tuổi, cùng ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) bị thương nặng phải đi cấp cứu.
Sau khi đối đầu xe đầu kéo, xe khách quay ngang, đuôi xe va chạm với cột điện ven đường và làm hư hỏng một số xe máy đang dựng trong khu vực này. Vụ tai nạn khiến Quốc lộ 1 bị tắc khoảng 1 giờ.
DUY THANH

Đòi nợ bằng súng giả, bị đánh "bầm mình dập mẩy"

10/02/2014 10:38 (GMT + 7)

TTO - Sáng 10-2, sức khỏe của Nguyễn Văn Thạnh (23 tuổi, ở P. Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, Bình Định) hiện đang cấp cứu tại BVĐK tỉnh Bình Định đã qua cơn nguy hiểm.
Nhưng Thạnh còn phải tiếp tục nằm viện để theo dõi.
Trước đó, khoảng 21g30 ngày 9-2, Thạnh nhận giúp một người tên Lốc ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn đến nhà Bà Lâm Thị Thu (46 tuổi, ở KV8, P. Đống Đa, TP Quy Nhơn) đòi 7 triệu đồng tiền vay nợ nhưng bà Thu không trả mà đã cùng người nhà đánh Thạnh.
Sau khi bỏ chạy một lúc, Thạnh quay lại với khẩu súng ngắn trên tay và lại bị gia đình bà Thu cùng nhiều người khác vây đánh lần nữa, gây thương tích nặng.
CA TP Quy Nhơn đã nhanh chóng kiểm tra xác định khẩu súng ngắn có hình dạng súng K54 do Nguyễn Văn Thạnh mang đến là súng hơi ga, bắn đạn bi nhựa có ký hiệu M1911, không phải súng quân dụng.
Bước đầu Nguyễn Văn Thạnh khai nhận đã mua khẩu súng này với giá 3,8 triệu đồng.
CA TP Quy Nhơn đang tiếp tục điều tra giải quyết vụ việc.
XUÂN VINH

Phạt vạ vì... ly hôn

Dựa trên những luật lệ, phiên xử ở làng hôm ấy làng yêu cầu Hoet muốn bỏ Han thì phải đền cho nhà Han 300 triệu đồng, không hơn không kém. Bực cái làng quá, luật làng không đứng về phía mình nên sau nhiều đêm ôm trán suy nghĩ, được một người bạn mách nước, Han ôm đơn lên nhờ... luật pháp.
“Tòa xử không bằng làng xử”
Ngôi nhà của Hoet nằm ở cuối xã Ia Puch (huyện Chư Prông, Gia Lai). Chuyện vợ chồng Hoet và Han lục đục với nhau cũng đã đến tai người làng. Già làng đã đứng ra phân xử nhưng Hoet không vừa bụng và nhất quyết phải đưa lên tòa án xử khiến cả làng râm ran.
Han cho biết cả mình và chồng đều sống cùng một làng. Năm Han mới lên 16 tuổi, không hiểu sao người phổng phao lạ thường, con trai các làng bên tìm đến nhà đòi bắt Han nhưng Han chẳng ưng cái bụng anh nào. “Hồi đó mình mới 16 tuổi, có biết yêu là gì đâu. Nhưng Hoet theo đuổi mình quá nên mình cũng... yêu luôn” - Han nói. Năm ấy Hoet vừa tròn 20, thấy Han xinh đẹp, quyết định bám đuổi để bắt bằng được Han về làm vợ.
Mưa dầm thấm lâu, cô gái 16 tuổi mỡ màng xinh đẹp cũng đã xiêu lòng trước chàng trai Ja Rai Kpă Hoet. Đám cưới đơn giản được diễn ra, cưới xong Hoet nhận lệnh lên đường nhập ngũ, để lại người vợ trẻ mới tuổi trăng tròn ở nhà với cái bụng bầu lớn dần. Từ ngày Hoet đi bộ đội, Han ở nhà nuôi con đợi chồng về. Nhưng hết nghĩa vụ, Hoet được đơn vị cử tiếp tục đi học khóa sĩ quan. Hai người lại tiếp tục hẹn nhau ngày đoàn tụ. Bảy năm ròng rã trôi qua, ngày Hoet ra quân và trở về làm việc tại địa
phương, Han thấy tình cảm của hai vợ chồng cứ nhạt dần. Đinh ninh chuyện chẳng lành, Han đánh đường tìm lên đơn vị thì được bạn bè của Hoet phao tin rằng Hoet đã có người yêu mới.
Tháng 9-2013, người làng ở Ia Puch phải chứng kiến một cuộc “phạt vạ” không mong đợi: sau nhiều năm lấy nhau, Puih Han cho rằng Kpă Hoet đã phản bội vợ con và đi theo người phụ nữ khác nên Hoet phải chịu phạt. Tục lệ người Ja Rai phân định nếu lấy nhau mà phản bội nhau thì trái ý Yàng, người phản bội sẽ phải chịu nộp phạt rất nặng để đền tội cho phía bên kia, vừa tránh được tai họa phật ý Yàng cho làng. Kpă Hoet mặc dù đã lấy vợ, đã có công việc nhưng tài sản vẫn chỉ hai bàn tay không, khi nghe gia đình vợ đòi phạt vạ 30 con bò (tương đương 300 triệu đồng) thì xây xẩm mặt mày. “Vợ chồng lấy nhau không hạnh phúc nữa thì phải chia tay, nhưng để chia tay mình phải đền 300 triệu đồng thì lấy đâu ra” - Hoet nói như khóc. Những ngày sau khi bị làng phạt vạ, Hoet như người mất hồn, uống rượu say bí tỉ suốt ngày, không buồn về nhà.
Hoet cho biết bất lực vì nhà vợ phạt vạ, quá cao theo luật làng. Sau khi được bạn bè tư vấn, anh đành cậy nhờ đến... luật pháp. Tháng 12-2013, sau nhiều buổi cãi vã ở luật làng, Han quyết định cùng vợ lên nhờ tòa phân xử. Ông Trần Minh Có, thẩm phán TAND huyện Chư Prông - người trực tiếp xét xử vụ án kiện phạt vạ, ngao ngán: “Chưa khi nào chúng tôi xử vụ oái oăm như thế. Dù Hoet bỏ vợ nhưng không có tài sản chung nên chúng tôi phải áp dụng luật pháp, xử tuyên bác yêu cầu đòi phạt vạ 300 triệu đồng của Han. Yêu cầu Hoet có trách nhiệm chu cấp một phần trách nhiệm nuôi con. Số tiền phạt vạ 300 triệu đồng Han đòi thì tòa không thể xử thắng được”.
Nhiều tuần sau phiên tòa, gặp lại chúng tôi, Puih Han vẫn tỏ rõ sự không phục phán quyết của tòa. “Tòa tuyên là việc của tòa nhưng làng đồng ý phạt 300 triệu đồng rồi, chồng nó muốn bỏ cũng được nhưng đền tiền đây rồi mới được bỏ”.
Hình phạt vô hình
Câu chuyện trai gái trong làng phạm luật và bị phạt vạ vẫn luôn là nỗi ám ảnh ở các buôn làng vùng sâu vùng xa. Người Ja Rai, Ba Na... đều rất coi trọng lòng tự ái, việc phạm quy để rồi chịu đứng ra nhận hình phạt trước làng là hình phạt khủng khiếp đánh thẳng vào danh dự của mỗi thành viên trong cộng đồng. Nhiều tháng sau câu chuyện chị H. và anh L. ở làng Đắk Yang 2 bị phạt vạ vì “kão kõ” với nhau, những nạn nhân của tục phạt vạ đang phải sống trong cảnh xầm xì của người làng. Ông Đinh Yem, già làng Đắk Yang 2, cho biết một buổi chiều giữa tháng 7-2013, người làng Đắk Yang 2 bắt gặp anh L. đang trong cảnh chung chăn chung giường với chị H.. Chị H. là phụ nữ đã có chồng, nhưng cuộc sống của hai vợ chồng mấy năm nay như nồi cơm sôi dở, lúc sống lúc sượng. Còn anh L. cũng đồng cảnh ngộ. Anh L. là cán bộ nhà nước, nhà ở làng bên kia nhưng gần đây bỗng siêng đến Đắk Yang để công tác. Mà mỗi lần đến như thế, anh L. đều ghé vào nhà chị H. để “hỏi thăm tình hình”.
Một buổi chiều, khi anh L. đang “hỏi thăm tình hình” trong nhà chị H. thì lũ thanh niên trong làng “mật phục” và bắt được khi cả hai đang “trùm trong chăn”. Không nghi ngờ gì nữa, H.và L. đã ăn nằm với nhau, phạm vào trọng tội của làng rồi. Câu chuyện dan díu của H. và L. nhanh chóng được truyền đi từ làng trên xuống làng dưới, lũ trẻ con biết, người già biết và ai cũng lắc đầu ngao ngán. Nhiều người sợ sệt vì ngoại tình vốn là một trong những điều cấm kỵ của người Ja Rai. “Phải phạt thôi, không phạt thì Yàng phạt làng chết đói, bệnh tật mất” - nhiều người làng thống nhất như vậy.
Sáng sớm gà mới gáy canh hai, phía đầu làng bước chân người đã rậm rịch. Trống làng đánh liên hồi giục mọi người ra đầu làng để họp phân xử vụ trai gái ngoại tình ăn nằm với nhau. Ở vị trí cao nhất của ngôi nhà, già làng Đinh Yem đứng ra làm người phân xử. “Thằng L. và con H. là hai người đã có chồng, có vợ, việc “kão kõ” với nhau mà chưa thông qua làng là đã xấu cái bụng lắm. Rồi đây nếu làng không xử thì Yàng sẽ nổi giận, trẻ con sẽ lăn đùng ra ốm, người lớn sẽ bị bệnh tật, cái lúa trên nương cũng héo khô đi hết, làng sẽ chết đói. Cả hai phải nhận tội và chịu phạt để làng làm lễ tạ tội với Yàng thôi”.
Già làng Đinh Yem kể “hình phạt” mà cặp trai gái L. và H. phải chịu phạt vì tội ngoại tình cho làng là một con heo và ba ghè rượu. Với “trọng tội” này thì theo ông Yem, hình phạt này vẫn nhẹ hơn nhiều so với trước đây. Sau khi cả hai người chịu kiểm điểm và nộp phạt trước làng, mọi tội lỗi sẽ được xóa bỏ, lễ vật gồm rượu ghè, heo... được mổ xẻ ra cho người làng uống rượu để “xin Yàng xá tội”. Nhưng chịu phạt bằng lễ vật trước làng chỉ là hình phạt trước mắt, những dằn vặt lương tâm, sự ám ảnh, lòng tự ái bị tổn thương là những hình phạt vô hình ám ảnh khó có thể quên đối với cả anh L. và chị H..
THÁI BÁ DŨNG

“Tắm” hàn the cho thịt heo


10/02/2014 10:15 (GMT + 7)
TT - Thịt heo ôi hư bỏ tủ đông hàng tháng trời, nhưng nhờ được “tắm” hàn the nên khi rã đông nhìn vẫn tươi ngon!
Trưa 8-2, một phụ nữ phụ bán tại sạp thịt heo của bà Lý ở khu chợ tự phát thuộc ấp Xuân Thới Đông 1 (xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM) nhúng các xâu thịt vào xô nước đã pha một chất bột màu trắng. Sau chưa đầy ba phút, toàn bộ số thịt này có màu đỏ tươi. Chúng tôi dùng giấy thử hàn the thử nghiệm thịt ngay sau khi mua ở sạp bà Lý cho thấy giấy có màu cam đỏ, tức trong thịt có chứa hàn the.
Một tháng cũng không hư
Trước đó trưa 15-1, chúng tôi cũng chứng kiến bà Lý và bà Thảo (ở sạp đối diện) đeo găng tay cao su và lần lượt nhúng các xâu thịt (khoảng 200kg) vào các xô nước đã được pha một loại bột màu trắng. Thịt heo ở hai sạp này chủ yếu được giết mổ từ các lò lậu, được chứa sẵn trong một tủ đông lớn, sau đó “tắm” hóa chất rồi đem bán.
Trưa 16-1, bà Lý mở tủ đông lấy từng bịch thịt có màu đỏ thẫm quăng xuống nền nhà, bà cầm miếng thịt đông lạnh lên giới thiệu với mối hàng: “Đồ của tui lấy về bao để một tháng luôn. Năm nào hai mươi mấy tết tụi tui cũng để 5-10 con heo trong tủ, ra giêng mới bán”. Còn bà Thảo góp lời: “Cứ lấy miếng thịt buổi chiều của em để đến hôm sau (ở nhiệt độ thường) cũng không hôi”. Khoảng hai năm nay, bà Thảo và bà Lý dùng hàn the để bảo quản thịt, thời điểm “tân trang” thịt heo thường vào buổi trưa mỗi ngày.
Qua mối quen giới thiệu, chúng tôi có mặt tại sạp bán thịt heo của bà Châu (khoảng 50 tuổi) trên đường Hoàng Minh Đạo (bên cạnh chợ Nhị Thiên Đường, P.5, Q.8). Bà Châu ngoài bán lẻ còn bỏ mối hàng trăm ký/ngày. Trong đó, có mối nhận hàng của bà về bán tại các quán cơm bình dân. Hỏi thịt rẻ nhất, bà Châu nói “luôn có hàng”, giá chỉ từ 50.000 đồng/kg. Bà Châu nói hàn the mua ở chợ Kim Biên có mùi khó ngửi, riêng hàn the của bà thì có mùi nồng nặc hơn, chỉ cần nhúng thịt vào chậu nước đã pha sẵn hàn the và muối. Bà này huỵch toẹt: “Không được xát hàn the lên mà chỉ có rửa mới ngon và đẹp thịt. Xát lên là hư thịt ngay”.
Theo bà Châu, bà đã dùng hàn the bảo quản thịt hơn ba năm nay. “Tui ướp được 3-4 năm, mới hôm qua tui mới lên lấy 8kg nè, sử dụng mấy ngày hết là lên lấy tiếp” - bà Châu nói. Nơi bà Châu mua hàn the là tiệm Xuyến, bán hóa chất tại khu vực chợ Kim Biên. Bà Xuyến giới thiệu có hai loại hàn the: hàng ngoại nhập và hàng Việt Nam, giá bán lẻ 25.000 đồng/kg. Bà Xuyến tiết lộ: “Về hòa với nước xong, lấy thịt nhúng vô là thịt đỏ tươi lại ngay. Có hai loại, muốn xài loại nào cũng được, giá đều như nhau”. Còn người đàn ông bán hóa chất tại cửa hàng Lan Giám cho hay: “Ở đây chỉ bán hàn the công nghiệp của Mỹ, hàng trắng mịn giá 18.000 đồng/kg, còn hàng của Việt Nam là loại bảo quản thực phẩm nhưng không bày ra ngoài bán vì Nhà nước cấm bán, giá 22.000 đồng/kg”. Với hàng cây (loại đóng sẵn 10kg và 25kg) có giá rẻ hơn 1.000 đồng/kg. Theo ông này, hàn the của Việt Nam được nhiều người chuộng xài hơn hàng Mỹ.
Người bán không dám ăn
Chiều 16-1, tại sạp bán thịt gần Khu chế xuất Linh Trung 2 (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức), bà Hiệp - khoảng 40 tuổi, một đầu mối chuyên thu mua heo chết, bệnh - nói: “Tôi có nhiều hàng là do ông xã ở nhà chuyên đi thu mua các đầu mối và các lò heo, trại heo ở Bình Dương, Đồng Nai”. Theo lời bà Hiệp, đa số các mối bán lẻ ở quanh cổng Khu chế xuất Linh Trung 2 và đối diện chợ Đồng An (Bình Dương) đều lấy hàng của bà. Một ngày bình thường nhà bà tiêu thụ 300-400kg. “Có ngày tôi thu mua 13-14 con heo chết, mà hàng ra tới đâu các mối lấy hết tới đó” - bà Hiệp cho hay. Bà Hiệp kể: “Trước kia, hàng như vậy tôi cho mấy mối cơm công ty cho công nhân ăn có sao đâu, miễn là mình về làm sạch và đun qua lửa lên là hết mùi. Mà mua loại đó mới có lời chứ mua heo nóng (mới giết mổ) giá cao vậy sao chịu được”.
Chiều 20-1, vợ chồng bà Loan (quê Nghệ An) bày bán gần trăm ký thịt heo ở sạp trên đường Hoàng Minh Đạo (gần chợ Nhị Thiên Đường, Q.8). Cầm miếng thịt khoảng 5kg, bà Loan nói: “Muốn bảo quản được lâu phải lấy vải lau khô sau đó rắc hàn the lên rồi bỏ vào tủ đông, có thể để cả tháng cũng không sao, thịt bỏ ra vẫn tươi nguyên”. Nếu thịt có mùi hay màu da bị xanh, bà Loan bày cách phải lọc cắt bỏ sạch da rồi rửa bằng nước và nước muối, sau đó để thịt khô rồi rắc hàn the vào thì “không phải suy nghĩ gì nữa”. Bà Loan còn chỉ cách lên chợ Kim Biên mua hàn the: “Lên đó, phải hỏi lấy cả cây (loại 10kg và loại 20kg) mới rẻ, chứ mua lẻ thì giá mắc”.
Còn ông Quang bán thịt heo ở khu vực chợ Việt Lập (P.An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương) cho biết người buôn bán sử dụng hàn the hoặc các chất bảo quản không rõ tên tuổi, nguồn gốc, người mua tinh ý thì thấy thịt ướp hóa chất có màu hồng bầm, dùng tay nhấn vào sẽ không thấy độ đàn hồi và độ hít. Thậm chí, đối với thịt “quá đát” khi dùng tay nhấn vào có khi thấy nước tươm ra do ướp hóa chất nhiều. “Loại hàn the đó độc lắm nên người ta cấm xài lâu rồi, ăn nhiều sẽ rước bệnh vào thân” - ông Quang nói. Trong khi đó, bà Thảo bán thịt bò ở Q.12 vừa mới giải nghệ cho biết mỗi ngày lấy khoảng 10kg thịt thì mối cho luôn chất bột màu trắng để tẩm ướp cho thịt có màu đỏ tươi và bảo quản được lâu hơn. “Loại thịt ướp rồi rất độc vì đã có hóa chất. Tôi đi bán vậy chứ không dám ăn” - bà Thảo nói.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức:
Có thể gây ung thư
Hàn the là một chất sát trùng yếu, được dùng trong y tế nhưng hiện ít được dùng vì có thuốc khác sát trùng tốt hơn. Do tính sát trùng nhẹ, hàn the khi dùng ướp thịt cá sẽ làm chậm quá trình phân hủy khiến thịt cá có vẻ tươi ngon lâu hơn. Đặc biệt, hàn the giúp các loại thực phẩm như bún, phở, bánh cuốn, giò chả và các loại thực phẩm khác dai, giòn và bảo quản được lâu hơn.
Hàn the không có trong danh mục các chất phụ gia được Bộ Y tế cho phép dùng trong chế biến thực phẩm do tính độc hại của nó đã được xác định. Hàn the có thể tích lũy trong cơ thể, tùy liều lượng có thể gây nên những triệu chứng cấp tính và mãn tính, gây nôn mửa, đau bụng tiêu chảy; với da thì gây ban đỏ. Về thần kinh, hàn the gây kích thích dẫn đến trầm cảm, hoặc kích thích màng não. Với đường niệu - sinh dục, hàn the gây hư hại cho thận, nó có thể gây hại tinh hoàn ở nam giới và rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ. Về toàn thân, hàn the có thể gây ung thư.
NGỌC KHẢI - TÚ QUYÊN

Việt Nam lỡ cơ hội lớn xuất khẩu gạo sang Philippines

Thứ Hai, 10/02/2014 07:29 (GMT + 7)
 Chính phủ Philippines vừa cho phép các tư thương nhập khẩu 163.000 tấn gạo trong năm nay, trong đó gần 2/3 số gạo nhập của Thái Lan.
Tờ TTXVN dẫn lời ông Dennis Arpia, Trợ lý giám đốc điều hành cấp cao của Cơ quan lương thực quốc gia (NFA) Philippines, xác nhận lượng gạo được phép nhập khẩu của khu vực tư nhân là phù hợp với cam kết của quốc gia Đông Nam Á này với Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Nhập khẩu gạo qua đường chính ngạch khó khăn về thủ tục, Philppines cho tiểu thương nhập qua tiểu ngạch
Nhập khẩu gạo qua đường chính ngạch khó khăn về thủ tục, Philppines cho tiểu thương nhập qua tiểu ngạch
Trong số đơn yêu cầu nhập khẩu gạo mà NFA xét duyệt cho thấy, mỗi nhà nhập khẩu gạo địa phương có thể mua tới 25.000 tấn gạo từ Ấn Độ và Trung Quốc và 15.000 tấn từ Australia nhưng không thấy có tên của Việt Nam trong con đường nhập tiểu ngạch này.
Philippines vốn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2010 với mức mua kỷ lục 2,45 triệu tấn gạo, có thể cần phải nhập khẩu 2 triệu tấn gạo để đáp ứng nhu cầu trong năm 2014 do ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là các cơn bão mạnh trong quý 4/2013 đã phá hủy mùa màng và lượng gạo dự trữ trong kho của nước này đã bị cạn kiệt.
Trước đó, một quan chức của Cơ quan Lương thực Quốc gia từng phát biểu Philippines sẽ cân nhắc bất cứ lời đề nghị nào từ các nước cung cấp gạo, trong đó có Thái Lan, theo các thỏa thuận thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Tuy nhiên, nếu Thái Lan muốn bán gạo cho Philippines, Bangkok phải ký lại thỏa thuận với Manila.
Chính vì thế vào tháng 11/2013, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã giành được hợp đồng cung cấp 500.000 tấn gạo với mức giá chào thầu thấp nhất (462,25USD/tấn), trong khi mức giá chào thầu của Thái Lan là 475USD/tấn thì một đại diện của Thái Lan đã sang Philippines để chào lại với mức giá thấp hơn nhằm đoạt lại gói thầu.
Mức giá chào bán mới của Thái Lan là 462USD/tấn gạo. Mặc dù đề xuất đó có lợi cho Philippines nhưng lại trái thủ tục nên Chính phủ Philippines vẫn quyết định mua gạo của Việt Nam.
Và nay Chính phủ Philippines quyết định cho phép các tư thương nhập khẩu 163.000 tấn gạo trong đó gần 2/3 số gạo nhập của Thái Lan.
Theo nhiều chuyên gia, hiện xuất khẩu gạo Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có chất lượng hạt gạo không đều, rồi cả chuyện việc xuất khẩu nhiều đầu mối, các doanh nghiệp tự hại nhau...
Nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Ở ta đang trồng nhiều giống lúa, trong đó có cả loại chất lượng cao và thấp. Một số doanh nghiệp mua và trộn lẫn các loại với nhau, dẫn đến gạo của Việt Nam khi xuất khẩu không giống các nước khác. Điều đó làm ảnh hưởng lớn tới uy tín của gạo Việt Nam

Theo Đất Việ

Những chiêu moi tiền khách của xe đường dài

Thứ Hai, 10/02/2014 09:56 (GMT + 7)

Dụ khách đi xe theo hợp đồng giá rẻ, trưng biển giả bắt khách, bắt tay với quán ăn... là những cách moi tiền khách đi xe khiến nhiều người bức xúc.
Bắt tay quán ăn moi tiền khách

Chiêu trò đầu tiên phải kể đến là việc nâng giá vé Tết với lý do chiều rỗng. Trung bình, các nhà xe đều đồng loạt nâng mức cước từ 30% - 60%. Riêng với xe đường dài, mức cước tăng phổ biến là 30%-40%. Đơn cử như, giá vé xe của nhà xe T.A chạy tuyến Mỹ Đình - Đắk Lắk đã nâng từ 750.000 đồng/lượt lên thành 1.000.000 đồng/lượt. Nhiều hành khách đi xe đã không khỏi ngỡ ngàng trước cách tăng giá kỳ lạ này, anh Nguyễn Văn Phường (Cư Mgar, Đắk Lắk) bức xúc: “Tết tăng giá thì thông cảm được, hôm nay là mùng 8 rồi, Tết chi nữa mà còn chưa giảm. Định cướp của người ta sao”. Không chỉ nhà xe T.A mà tất cả các nhà xe trên tuyến này đã rủ nhau tăng giá. Giá vé này sẽ được áp dụng đến hết ngày 10/2 (tức 11/1 ÂL).
Đáng lưu ý có trường hợp hành khách lên xe Thọ Lam từ Hà Tĩnh đi Sài Gòn cho biết đã phải trả giá 1,7 triệu cho một chỗ nằm chật chội sau ghế lái, trong khi đó giá vé ngày thường chỉ 700.000 đồng. Sở dĩ nói là chật chội vì khi bị CSGT kiểm tra, chiếc xe này đã chở đến 60/28 hành khách và toàn bộ lối đi giữa đã được chủ xe biến thành chỗ nằm cho hành khách.
Hành khách “được” nằm võng trên xe giường nằm của hãng Thọ Lam.

Để lừa khách, nhiều nhà xe đã xuống nước, hạ giá vé nếu khách không ăn cơm. Với xe Hà Nội đi Đắk Lắk, nhà xe chỉ thu 750.000 đồng/lượt. Cách giảm giá này như một gói siêu khuyến mại, nhưng phía sau nó là chiêu móc túi trắng trợn của nhà xe. Anh N.T.L phụ xe cho một xe khách tuyến Hà Nội - Gia Lai - Đắk Lắk cho biết: "Chỉ có những hành khách ít khi đi đường dài mới mắc bẫy này vì khi xe chạy cả chặng đường dài chỉ dừng cho khách 3 lần: 2 lần ăn cơm và 1 lần nghỉ giữa chặng, khách không thể nhịn. Trong khi đó, mỗi nhà xe đều có một vài “quán ruột” của mình. 
Hành khách lạ vào các quán cơm này sẽ được các chủ quán chăm sóc tận tình với giá cắt cổ. Ví như tại quán cơm có tên Thanh Ngân tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh: Mỗi tô phở gà “2 sợi thịt” có giá 40.000 đồng; suất cơm 3 cọng rau, 2 miếng thịt kho nhỏ giá 40.000 đồng; chai nước lọc bên ngoài bán 5.000 đồng thì được họ bán đồng hạng 10.000 đồng… Cứ thế, họ khéo léo moi tiền của hành khách, rồi chia hoa hồng hàng tháng cho lái xe".
Treo biển giả, bán khách dọc đường

Chiêu này vốn được áp dụng phổ biến nhất trên tuyến có cự ly dưới 300km và đang manh nha xuất hiện trở lại trên xe khách đường dài. Vốn là một người làm vận tải hơn 30 năm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội ông Bùi Danh Liên cũng đã phải lắc đầu khi trở thành nạn nhân của hành vi treo biển giả, bán khách dọc đường. Ông Liên kể: "Trong chuyến đi từ Nghệ An ra Hà Nội, tôi lên xe khách treo biển “Vinh - Giáp Bát”. Thế nhưng khi đi gần hết chặng đường ông Liên mới té ngửa: “xe Mỹ Đình”. Hành khách lên nhầm nháo nhào, quát tháo vì nghĩ mình bị lừa, trong khi nhà xe quả quyết sẽ đưa hành khách về đến tận bến xe Giáp Bát. Khi đến giữa cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tài xế bật xi nhan ra hiệu cho một xe khách chạy cùng chiều tuyến Thái Bình - Giáp Bát.
Chỉ sau hai cái ám hiệu, hai nhà xe đã bán khách thành công cho nhau. Lời lãi như thế nào chỉ họ mới biết. Còn các thượng đế chỉ phải làm một việc duy nhất là chuyển xe, nhưng rủi gặp phải xe nhiều khách quá thì thượng đế phải ngồi sàn". Với chiêu này, tuy hành khách không mất thêm tiền, nhưng cũng có thể gặp nhiều rủi ro. Đơn cử như vào những hôm tối trời, mưa gió hay những dịp cuối tuần, ngày lễ, tài xế không tìm được xe để bán thì hành khách sẽ bị bỏ lại giữa đường… Lúc này, ngoài cách gọi người nhà ra đón hoặc thuê xe ôm với giá trên trời, hành khách chỉ có nước đi bộ.
Núp bóng xe hợp đồng, chạy khách đường dài

Ông Trần Quốc Toản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Tĩnh liên tục nói với phóng viên về một chiêu bài mới xuất hiện đó là việc núp bóng xe hợp đồng đón khách đường dài. Trong những đợt Tết Nguyên đán xe trên tuyến cố định thường không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của hành khách, lợi dụng thời điểm này các DN, HTX vận tải móc ngoặc với các công ty du lịch đưa xe vào chạy hợp đồng núp bóng nhà xe.
Xe hợp đồng đưa đón công nhân trở lại làm việc sau Tết lại trưng biển Sài Gòn giống như xe chạy tuyến cố định.

Ngày 7/2, chốt kiểm tra xe khách tại Km 705 trên tuyến QL1, CSGT Quảng Bình đã kiểm tra xe chạy hợp đồng chở khách mang BKS 53N chạy hướng TP.HCM, tài xế Nguyễn Văn Quyết không xuất trình được GPLX hợp lệ, trên xe chở đủ 45 hành khách nhưng do xe đã cũ nát, chật chội, nên đã có 5 hành khách bỏ ghế, mắc võng lên trần xe nằm ngủ. Anh Trần Văn Quân cho biết: “Mấy anh chị em cùng quê tôi rủ nhau thuê xe để trở lại Sài Gòn làm việc, giá thuê lên đến 85 triệu đồng, tính bình quân mỗi người mất 1,8 triệu lận (đắt hơn 200.000 đồng so với vé xe khách Tết), vậy mà xe chẳng ra xe”. Cũng ở trong trường hợp tương tự, chị Phan Thị Tính - hành khách đi trên xe du lịch BKS 62B cho biết: “Tôi cùng một số người thuê xe du lịch để vào TP.HCM  làm việc. Khi đi trên đường lái xe liên tục bắt thêm hành khách với lý do bù lỗ”.
Theo Giao Thông

Cơ quan chức năng buông lỏng, “buộc” dân phạm luật

Thứ hai, 10/2/2014 6:37 GMT+7
Quốc lộ 51 nối dài giữa hai tỉnh Đồng Nai đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành cuối năm vừa qua sau nhiều năm ỳ ạch thi công. Những bất cập trên con đường này đã đẩy người dân đi đường “bất đắc dĩ” phạm luật.
Đây là con đường trọng điểm đi đến thành phố du lịch biển Vũng Tàu và ngược lại. Dù gọi là quốc lộ, tuy nhiên hầu hết trên các đoạn đường, nhà dân sống ven xung quanh khá dày. Phương tiện giao thông luôn luôn trong tình trạng tấp nập, đặc biệt là mấy ngày lễ - tết.


QL 51 ngổn ngang “buộc” dân phạm luật.

Những năm vừa qua, cung đường này là điểm đen của rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc chết người mà lỗi phần lớn thuộc về sự cẩu thả của các đơn vị thi công, trong đó không thể không nhắc đến các cơ quan giám sát, quản lý nhà nước thiếu trách nhiệm.

Ngày 9/2 có chuyến đi công tác từ thành phố Hồ Chí Minh đi Tp. Vũng Tàu, chúng tôi nghe tài xế tốc hành cùng những hành khách quen thuộc khi qua con đường này phàn nàn về việc sự phân bổ làn đường xe máy, hệ thống đèn chiếu sáng…bất cập, trong khi đó ô tô có 3 làn đường khá rộng và thoáng. 

Theo quan sát của chúng tôi, làn đường dành xe máy được phân cách với làn đường dành cho ô tô bằng đường sơn kẻ màu trắng vạch liền. Độ rộng của làn xe máy khoảng 3m. Tuy nhiên, đá sỏi, đất cát lâu ngày không được đơn vị vệ sinh môi trường dọn dẹp nên đã chiếm phần hết làn đường dành cho xe máy. Bên cạnh, nhiều hàng quán ven đường chiếm dụng để chưng bảng hiệu, ô tô dừng đậu vô tổ chức … Đặc biệt, nhiều nơi không có hệ thống chiếu sáng vào ban đêm.  

Để tránh bảng hiệu, tránh ô tô đậu dừng, đặc biệt là tránh té ngã khi xe máy chạy trên sỏi cát, người điều khiển xe máy phải chạy ra ngoài cả làn đường dành riêng cho ô tô, bất chấp luật lệ giao thông và rất nguy hiểm.

                                                                      Hoàng Tuấn - Quang Đại

Hoàng Sa, Trường Sa: pháp lý và chính trị


VN vẫn chưa đưa các vấn đề tranh chấp chủ quyền với TQ trên Biển Đông ra tòa án quốc tế.
Trong một bài trên BBC, TS Trần Công Trục phản biện ý kiến Việt Nam cần “[c]hính thức tuyên bố hủy bỏ công hàm do cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958”. Mặc dù trong một bài khác trên BBC tôi có cùng kết luận với TS Trần Công Trục, tôi cho rằng một số lập luận khác của TS Trần Công Trục là chưa đủ để biện luận cho chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trước Tòa hay dư luận luật học.

Thủ tướng VNDCCH có thẩm quyền không?
Lập luận “Các Hiệp ước, Hiệp định này phải được Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất phê chuẩn theo thủ tục pháp lý rất chặt chẽ mới có hiệu lực thi hành ... các tuyên bố, các văn bản của một nhân vật nào đó, dù là những quan chức nhà nước cao nhất, có nội dung về biên giới lãnh thổ đều không có giá trị pháp lý tuyệt đối trong quan hệ quốc tế” dường như có ý cho rằng công hàm Phạm Văn Đồng (CH PVĐ) chưa được Quốc hội phê chuẩn cho nên không có đủ giá trị pháp lý.

Trong phiên tòa xử tranh chấp Đông Greenland, Na Uy cho rằng 
Ngoại trưởng Na Uy Nils Claus Ihlen đã không có thẩm quyền khi nói với Bộ trưởng Đan Mạch rằng kế hoạch của Đan Mạch về chủ quyền Đan Mạch trên toàn bộ Greenland sẽ không gặp khó khăn gì từ Na Uy, và theo luật Na Uy thì Quốc hội mới có thẩm quyền. Nhưng Tòa đã bác bỏ lập luận này, với lý do trong luật quốc tế Ngoại trưởng có thẩm quyền để đại diện cho quốc gia trong vấn đề lãnh thổ.

Như vậy, lập luận “Quốc hội chưa phê chuẩn” chắc chắn sẽ bị bác bỏ, vì trong luật quốc tế Thủ tướng cũng là người có thẩm quyền để đại diện cho quốc gia trong vấn đề lãnh thổ.

Hướng lập luận “TT Phạm Văn Đồng không có thẩm quyền” là đúng, nhưng có lẽ sẽ phải dựa trên lập luận lúc đó Hoàng Sa, Trường Sa không nằm dưới thẩm quyền lãnh thổ của VNDCCH, mà dưới thẩm quyền của một quốc gia Việt khác. “Quốc gia” ở đây là khái niệm pháp lý được định nghĩa trong Công ước Montevideo 1933 là một chủ thể có lãnh thổ, dân cư, chính phủ và khả năng có quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác. Quốc gia là khác với Tổ quốc, đất nước, nhà nước hay chính phủ.

Không công nhận, nhưng lại không bảo lưu




Vấn đề còn nghiêm trọng hơn vì từ 1954 đến 1976 VNDCCH đã không khẳng định chủ quyền Việt trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Theo luật quốc tế, nổi bật nhất là theo phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế về tranh chấp đảo Pedra Branca, nếu trong một thời gian dài mình không khẳng định chủ quyền trong khi nước khác đòi chủ quyền thì mình có thể mất"
Lập luận “[CH PVĐ] chỉ ủng hộ và thừa nhận phạm vi lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc vừa tuyên bố, không có chữ nào nhắc đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ...” khó có thể biện luận đầy đủ cho chủ quyền Việt Nam.

Đúng là tuyên bố 5/9/1958 của Trung Quốc có đưa ra ba nguyên tắc chính: (1) lãnh hải 12 hải lý, (2) đường cơ sở thẳng và nội thủy cho Hoa Lục và các đảo gần bờ, (3) tàu thuyền nước ngoài đi lại trong lãnh hải phải tuân thủ luật Trung Quốc, tàu thuyền máy bay quân sự nước ngoài vào lãnh hải phải xin phép. Nhưng tuyên bố đó cũng ghi rằng nguyên tắc thứ nhất được áp dụng cho “tất cả lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm ... Hoàng Sa, ... Trường Sa và các đảo khác của Trung Quốc”, và nguyên tắc thứ nhì và ba được áp dụng cho “...Hoàng Sa, ...Trường Sa và các đảo khác của Trung Quốc.” 

Công Hàm Phạm Văn Đồng ghi “Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.” CH PVĐ tuy không nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa nhưng đã ghi rằng CP VNDCCH ghi nhận và tán thành như trên mà không bảo lưu gì về hai quần đảo đó.

Có thể dựa vào “không nhắc đến” để biện luận “không công nhận”, và như vậy là cần thiết, nhưng không đủ. Lý do là sự không bảo lưu trên có nghĩa VNDCCH đã không khẳng định chủ quyền Việt trước sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc. Vấn đề còn nghiêm trọng hơn vì từ 1954 đến 1976 VNDCCH đã không khẳng định chủ quyền Việt trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Theo luật quốc tế, nổi bật nhất là theo phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế về tranh chấp đảo Pedra Branca, nếu trong một thời gian dài mình không khẳng định chủ quyền trong khi nước khác đòi chủ quyền thì mình có thể mất.

Trong kịch bản giả tưởng chính phủ VNDCCH đã là đại diện pháp lý cho toàn Việt Nam, với hành vi của VNDCCH, Việt Nam sẽ khó thắng cuộc tranh biện pháp lý. Điều làm cho Việt Nam thua trong kịch bản này sẽ không ở việc công nhận hay không công nhận, mà ở việc không khẳng định chủ quyền của mình trong khi nước khác đòi chủ quyền.

Một trong những phương hướng lập luận cho Việt Nam là chứng minh rằng trong giai đoạn 1954-1975 đã có một quốc gia Việt khác với VNDCCH duy trì chủ quyền Việt trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. 

Chủ quyền Việt đã được một quốc gia duy trì? 

Công hàm 1958 do Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng ký tiếp tục là chủ đề cần xử lý khi VN đòi chủ quyền HS-TS.
Lập luận chính thức của Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa viện dẫn các tuyên bố và hành động chủ quyền lãnh thổ của VNCH. Nhưng trong luật quốc tế các tuyên bố và hành động chủ quyền lãnh thổ phải là do đại diện cho một quốc gia thì mới có giá trị pháp lý. Vì vậy, để cho các tuyên bố và hành động chủ quyền lãnh thổ của chính quyền VNCH có giá trị pháp lý, lúc đó chính quyền đó phải là đại diện pháp lý cho một quốc gia.

Do đó, và lưu ý đến thực tế, để cho các tuyên bố và hành động chủ quyền lãnh thổ của VNCH có giá trị pháp lý, cần vận dụng quan điểm cho rằng từ 1956 đến 1976 có hai quốc gia Việt trên một đất nước Việt Nam, mỗi quốc gia một bên vĩ tuyến 17. Thêm vào đó, cần vận dụng quan điểm cho rằng từ 1956 đến 30/4/1975 chính phủ VNCH là đại diện pháp lý của quốc gia phía Nam, và sau 30/4/1975 CP CMLT CHMNVN là đại diện pháp lý của quốc gia đó cho đến khi Việt Nam thống nhất năm 1976.

Lập luận “... theo Hiệp định quốc tế Geneva 1954 bàn về vấn đề Đông Dương ... Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể chính trị, một chủ thể trong quan hệ quốc tế được quốc tế công nhận. Vì vậy, Việt Nam Cộng Hòa là đại diện cho nhà nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam để quản lý và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ...” đi theo hướng cần thiết: “VNDCCH không có thẩm quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa, Trường Sa; VNCH có”, nhưng nó có đi xa đủ và và nó có mạnh đủ chưa?

Theo Hiệp định Geneva, chính quyền VNDCCH quản lý miền Bắc, và Liên Hiệp Pháp quản lý miền Nam. Vấn đề là “quản lý” có nghĩa gì? Nó chỉ có nghĩa quản lý dân sự nội địa bên trong duy nhất một quốc gia Việt, hay nó bao hàm cả thẩm quyền lãnh thổ trong quan hệ quốc tế?

Nếu chỉ là trường hợp thứ nhất thì khó thể cho rằng theo Hiệp định Geneva chính quyền VNDCCH không có thẩm quyền lãnh thổ trong quan hệ quốc tế đối với Hoàng Sa, Trường Sa, và chính quyền VNCH có. Trường hợp này sẽ có nhiều rủi ro cho Việt Nam trước Tòa và dư luận luật học.

Nếu là trường hợp thứ nhì, thí dụ như sau 1954 hay 1956 sự quản lý được quy định trong Hiệp định Geneva đã tiến hóa để bao hàm cả thẩm quyền lãnh thổ trong quan hệ quốc tế, thì chính quyền VNDCCH không có thẩm quyền lãnh thổ trong quan hệ quốc tế đối với Hoàng Sa, Trường Sa, và chính quyền VNCH có. Đó là điều cần thiết cho lập luận về Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhưng trong luật quốc tế thì “có thẩm quyền lãnh thổ trong quan hệ quốc tế” và “là một quốc gia” đi đôi với nhau. Như vậy, lập luận cần thiết để bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa đi đôi với quan điểm khi VNCH còn tồn tại thì chính thể đó đã từng là một quốc gia, và với quan điểm trước 30/4/1975 chính quyền VNCH là đại diện của quốc gia đó trong luật quốc tế.

Lãnh vực nhạy cảm?




Nếu không phi nhạy cảm hóa việc thảo luận giữa người Việt và việc trình bày với quốc tế về những vấn đề quốc gia, đại diện pháp lý của quốc gia, thống nhất đất nước, thì sẽ bất lợi cho Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền"
Dễ thấy vì sao hai quan điểm trên dễ bị cho là “nhạy cảm”, thậm chí là “phản động”. Thậm chí còn có thể có những chuyện chụp mũ kiểu "Anh nói có 2 quốc gia và chính quyền VNCH đã từng là đại diện pháp lý. Vậy là anh muốn khôi phục VNCH, anh là phản động, anh muốn chia đôi đất nước lần nữa." Nhưng nếu cho rằng trước 1976 và 1975 có hai quốc gia, hay cho rằng trước 30/4/1975 chính quyền VNCH đã từng là đại diện pháp lý của một quốc gia thì đó chỉ là một nhận định về quá khứ, không có nghĩa muốn chia đôi đất nước đã thống nhất năm 1976, và không có nghĩa muốn khôi phục VNCH.

Mặt khác, nếu cho rằng VNDCCH và CHMNVN đã thống nhất một cách hợp pháp thành CHXHCNVN năm 1976, và do đó CHXHCNVN đã thừa kế Hoàng Sa, Trường Sa, thì dễ bị cho là “thân Cộng”, thậm chí là “biện minh cho CS xâm chiếm miền Nam”, nhưng đó cũng là chụp mũ. 
Thật ra khi VNDCCH và CHMNVN còn tồn tại thì quan điểm chính thức của hai chính thể đó là có hai quốc gia trên đất nước Việt Nam, mỗi quốc gia một bên vĩ tuyến 17. Quan điểm đó cũng bao hàm quan điểm trước 30/4/1975 có hai quốc gia. Nhưng ngày nay quan điểm đó bị lãng quên nhiều và truyền thông Việt Nam ít dám đụng đến nó.

Về quan điểm cho rằng từ 1956 đến 30/4/1975 chính phủ VNCH là đại diện pháp lý của quốc gia phía Nam, có thể phi nhạy cảm hóa nó phần nào bằng cách lưu ý rằng đại diện của một quốc gia trong luật quốc tế là một vấn đề trong phạm trù luật quốc tế tương đối độc lập với các vấn đề chính trị, chính nghĩa của các chính quyền VNCH, chính quyền VNDCCH và chính quyền CHMNVN.
Nếu không phi nhạy cảm hóa việc thảo luận giữa người Việt và việc trình bày với quốc tế về những vấn đề quốc gia, đại diện pháp lý của quốc gia, thống nhất đất nước, thì sẽ bất lợi cho Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền.

Từ trước đến nay, người Việt thường nhận định về cuộc chiến 1954-1975 từ những góc độ ý thức hệ, chính trị và chính nghĩa của bên mình. Phải chăng nhu cầu tranh biện pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa đang đòi hỏi người Việt phải đi đến một nhận định về lịch sử có thêm tính chất luật quốc tế và bớt bị kẹt trong các lề ý thức hệ, chính trị và chính nghĩa?

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một thành viên sáng lập của nhóm Nghiên cứu Biển Đông.

Dương Danh Huy 
Theo BBC

CSVN hứa sẽ chọn lọc đầu tư nước ngoài!

HÀ NỘI 9-2 (NV) .- Việt Nam sẽ chỉ chọn những dự án đầu tư của nước ngoài thân thiện với môi trường, có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng, tài nguyên và giúp tăng chất lượng nhân lực.

Gia công quần áo xuất cảng của một doanh nghiệp hoạt động bằng vốn đầu tư nước ngoài ở Đồng Nai. Vốn đầu tư nước ngoài là phao cứu sinh cho kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua nhưng chiếc phao này có thể tạo ra nhiều thảm họa. (Hình: TTXVN)
Đó là hứa hẹn của ông Nguyễn Văn Trung, một Thứ trưởng của Bộ Kế hoạch – Đầu tư.
Trong cuộc trao đổi gần đây với Thông tấn xã Việt Nam, ông Trung nhấn mạnh, Việt Nam sẽ không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá như trước. Ngoài việc chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài theo tiêu chí như vừa kể, ông Trung cho biết, Việt Nam sẽ nỗ lực thu hút các dự án lớn để qua đó thu hút thêm các dự án đầu tư khác.

Có vẻ như những khuyến cáo của các chuyên gia và thực tế tại Việt Nam đã buộc giới lãnh đạo Việt Nam phải nhìn lại kế hoạch thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

Tuy năm ngoái, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam đã vượt qua mức $20 tỉ, chiếm khoảng 25% tổng đầu tư toàn xã hội, 18% GDP, góp cho ngân sách Việt Nam từ 12% - 14%. Và cũng năm ngoái, các doanh nghiệp hoạt động bằng vốn đầu tư của nước ngoài tạo ra từ 64% đến 67% kim ngạch xuất cảng, khoảng hai triệu việc làm trực tiếp, hàng triệu việc làm gián tiếp nhưng nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể tạo ra nhiều nguy cơ. 

Nguy cơ lớn nhất là môi trường sống bị hủy diệt. Việt Nam gần như là quốc gia duy nhất chấp nhận các dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường mà nhiều quốc gia trong khu vực đã từ chối từ lâu. Trung Quốc đã từng cố gắng hết mức để trở thành “công xưởng thế giới”, tiếp nhận tất cả, không phân loại dự án đầu tư và kết quả theo sau là môi trường sống bị hủy diệt. Việt Nam đã bắt đầu và đang mời gọi đầu tư theo kiểu giống hệt như vậy.
Trong thực tế, chủ các doanh nghiệp mà hoạt động gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường sống đang nhắm tới Việt Nam như “đất hứa”. Thậm chí, hồi tháng 5 năm ngoái, ông Hong Tianzhu, Chủ tịch hãng Texhong Textile của Trung Quốc, loan báo sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy dệt nhuộm tại Việt Nam. Dệt nhuộm là một trong những lĩnh vực công nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng cả về không khí lẫn nguồn nước.

Nguy cơ thứ hai là việc nhắm mắt tiếp nhận tất cả các loại dự án đầu tư sẽ biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ. Trong báo cáo tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, do Bộ Kế hoạch - Đầu tư CSVN thực hiện, các con số thống kê cho thấy, khi đầu tư vào Việt Nam, có đến 80% doanh nghiệp nước ngoài chỉ sử dụng công nghệ loại trung bình của thế giới. Ngoài ra, còn có 14% sử dụng công nghệ lạc hậu.

Nhập công nghệ lạc hậu, nâng giá để hưởng các ưu đãi đầu tư, kể cả ưu đãi về thuế đã là “chiêu” mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài áp dụng khi đầu tư vào Việt Nam. Ví dụ, năm nay, Liên doanh Malaysia - Đài Loan- British Virgin Island đưa vào Việt Nam một dây chuyền cũ, giá trị thực chỉ chừng $400,000, được nâng lên thành $16 triệu, gấp 40 lần giá gốc để hưởng tất cả các hình thức ưu đãi.

Nhắm mắt ban phát các hình thức ưu đãi còn là lý do khiến hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam liên tục báo lỗ để được miễn thuế. Có những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đến 20 năm nhưng không nộp đồng thuế nào.

Chưa hết, khuynh hướng đầu tư vào Việt Nam nhằm khai thác tài nguyên với giá rẻ đang gia tăng. Ông Đinh Thế Hiển, một chuyên gia kinh tế, cảnh báo, để mời gọi đầu tư nước ngoài, Việt Nam phải đi vay, đầu tư cho hai lĩnh vực: hạ tầng và  năng lượng. Trong thực tế, việc phát triển ồ ạt các khu công nghiệp, dự án thủy điện cho thấy hiệu quả không tương xứng với những hy sinh về môi trường và tài nguyên.

Globalchange, tổ chức nghiên cứu và tư vấn xu thế toàn cầu, nhận định, Việt Nam có thể trở thành “công xưởng thế giới” vì dân số đông và trẻ, có nền tảng học vấn, sẵn sàng nhận lương thấp, đang đẩy mạnh đô thị hoá, có xu hướng đẩy mạnh việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Khi thực tế cho thấy, giới lãnh đạo cầm quyền thiếu viễn kiến và lối quản trị quốc gia nhiều hạn chế như hiện nay, viễn cảnh Việt Nam trở thành “công xưởng thế giới” đồng nghĩa với ác mộng cho dân và môi trường. 

Nhà giá rẻ "gây bão" thị trường 2014 (Infonet)

09/02/2014
Phân khúc nhà ở giá rẻ sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường nhà đất năm nay khi khi được đa số người dân có thu nhập vừa phải quan tâm, với giá bán dự kiến còn giảm tiếp.
Trong năm 2013, thị trường BĐS chứng kiến sự tăng trưởng mạnh ở phân khúc chung cư giá bình dân và trung bình. Nhiều dự án đã được mở bán với mức giá từ 15 - 20 triệu đồng, đặc biệt có những dự án chung cư ở Hà Nội giá chỉ từ 10 triệu đồng/m2 đã thu hút những người có nhu cầu thực. Những căn hộ có diện tích nhỏ 40 - 70m2 được nhiều người dân quan tâm trong khi những căn hộ có diện tích rộng ế ẩm.
Xu hướng này có tiếp diễn trong năm 2014 ?
Trao đổi với PV Infonet, đại diện phòng nghiên cứu và tư vấn của Cty CBRE Việt Nam nhận định : Năm 2014, phân khúc trung cấp và bình dân sẽ tiếp tục là những phân khúc dẫn đầu thị trường về lượng cung chào bán mới cũng như lượng căn bán được, do đáp ứng được nhu cầu người mua về mức giá và đặc biệt lượng căn đã và đang hoàn thiện trong năm 2013 và 2014 tiếp tục nằm ở hai phân khúc này.

batdongsan02
Nhà giá thấp được nhiều người dân quan tâm
Theo CBRE, nếu cách đây 2-3 năm, phân khúc bình dân gần như là phân khúc duy nhất bán được do có mức giá rẻ, phù hợp nhất với thu nhập của đại bộ phận người dân có nhu cầu, thì đến nay, mức giá chỉ là một tiêu chí, mà quan trọng hơn là chất lượng và các chỉ tiêu khác có phù hợp với mức giá đó hay không.
Về vấn đề giá cả, trong năm 2014, CBRE cũng dự đoán, giá sẽ tiếp tục giảm nhẹ, khoảng 1%/quý, tương đương với mức giảm khoảng 5% trong cả năm 2014.
Ngoài ra, sau một thời gian khá trầm lắng, các chủ đầu tư có thể bắt đầu quay trở lại với phân khúc cao cấp.
Ông Chris Brown, Giám đốc Điều hành Công ty tư vấn BĐS Cushman & Wakefield Việt Nam cũng nhận định : trong năm nay, các dự án nhà ở sẽ tập trung phục vụ nhu cầu người có thu nhập trung bình và thấp với nhiều gói thanh toán ưu đãi.
"Thanh khoản và giao dịch sẽ gia tăng mạnh mẽ nếu như thị trường tiếp tục cung cấp nhà ở mức giá phải chăng. Sản phẩm hạng trung bình sẽ trở thành xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng và là phân khúc chiếm lĩnh thị trường. Kéo theo đó, các dự án tại khu vực ngoại ô cũng sẽ đóng vai trò quan trọng và được chú ý hơn".
"Tuy nhiên, về mặt giá cả, năm nay sẽ không giảm nhiều nếu như giá xây dựng và giá đất không giảm. Điều vốn khó có thể xảy ra trong bối cảnh khan hiếm đất trống và chi phí xây dựng đã ở mức thấp", ông Chris Brown cho hay.
Theo tiết lộ của ông Luyện Công Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Viglacera, với PV Infonet, trong năm nay, một số dự án nhà ở thương mại của Viglacera cũng sẽ tiếp tục chuyển đổi sang nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện có những dự án nhà ở xã hội giá nhà đang được bán xấp xỉ, cá biệt có dự án còn có giá cao hơn cả dự án nhà ở thương mại. Do đó, có lẽ năm 2014 này, thị trường BĐS sẽ chứng kiến một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa phân khúc nhà ở xã hội và phân khúc nhà thương mại giá trung bình. Điều này sẽ giúp cho người dân có thu nhập trung bình và thấp có thêm cơ hội về nhà ở trong năm nay.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát, phân loại, điều chỉnh cơ cấu các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị mới ; đẩy mạnh tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích trung bình và nhỏ, giá bán thấp…
Trên địa bàn cả nước hiện có 124 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai với quy mô xây dựng khoảng 78.700 căn, trong đó : 85 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng trên 51.895 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 23.822 tỷ đồng ; 39 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 27.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.850 tỷ đồng.
Minh Thư