Sunday, June 28, 2015

Trung Quốc: ‘Thay đổi lập trường Biển Đông làm nhục tiền nhân’

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) - Thay đổi lập trường về Biển Đông là điều sỉ nhục đối với tiền nhân, trong khi không đối phó với việc xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc sẽ làm cho hậu duệ xấu hổ, Reuters trích dẫn lời Ngoại Trưởng Vương Nghị phát biểu hôm Thứ Bảy.


Ngoại Trưởng Vương Nghị của Trung Quốc.  (Hình: Attila Kisbenedek/AFP/Getty IMAGES)

Trung Quốc trở nên ngày càng quyết đoán về Biển Đông khi tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo trong những khu vực mà Philippines và các nước khác đang tranh chấp chủ quyền.

Hành động của Trung Quốc gây báo động trong vùng và cả ở Hoa Kỳ.

Ông Vương Nghị nói, “Một ngàn năm trước, Trung Quốc là một nước lớn giao thương trên biển. Bởi thế, đương nhiên Trung Quốc đầu tiên khám phá các đảo ở Nam Sa, đưa đến sử dụng và quản lý chúng.”

Trung Quốc gọi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là Tây Sa và Nam Sa.

Ông Vương Nghị nói, nước ông phải khẳng định chủ quyền Nam Sa, “Nếu không chúng tôi làm sao có thể nhìn mặt các đấng tiền nhân.”

Ông tiếp, Trung Quốc cũng không thể đối diện với con cháu nếu “chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc cứ bị xâm lấn dần” vẫn tiếp tục xảy ra.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nói tàu chiến Mỹ từng đưa quân đội Trung Quốc đến nhận lại Trường Sa sau khi bị Nhật chiếm hồi Thế Chiến 2.

Những nước khác chỉ mới bắt đầu xâm lăng lãnh thổ của Trung Quốc vào thập niên 1960 sau khi khám phá ở đây có nhiều dầu hỏa.

Ông phân bua, “Trên thực tế, Trung Quốc là nạn nhân hết sức thiệt thòi.”

Trước đó, hôm Thứ Sáu, nhân vật số hai của Bộ Ngoại Giao Mỹ so sánh hành vi của Trung Quốc trong việc lấn chiếm ở Biển Đông với việc làm của Nga ở Ukraine. (TP)
06-28-2015 3:24:04 PM

Đường thoát Trung mở rộng Việt Nam đi hay không?

Theo Người Việt-06-28-2015 1:09:03 PM
Võ Long Triều

Hành động ngang ngược của Trung Quốc thể hiện tinh thần bành trướng Hán tộc ngày càng hung hăng, làm cho các quốc gia láng giềng lo sợ và cả thế giới lên án. Ngoài việc xâm chiếm bằng vũ lực các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam và Philippines, Trung Quốc đang tân tạo nhiều bãi đá thuộc Trường Sa và xây dựng cơ sở quân sự vững chắc, điều đó có thể là mối đe dọa cho sự tự do lưu thông hàng hải quốc tế. Thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ không thể chấp nhận.

Philippines khẳng định, “Những cơ sở như vậy có thể gây cản trở lưu thông hàng hải trong vùng Biển Đông, nơi có tuyến đường hàng hải huyết mạch của thương mại thế giới.” Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Saga tuyên bố, “Chúng tôi không thể chấp nhận cách hành động theo kiểu sự đã rồi, Trung quốc không được hành động đơn phương thay đổi hiện trạng.” Ngày 12 tháng 6, 2015, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngưng xây đảo nhân tạo. Mỹ và đồng minh quyết không để Trung Quốc tự do thao túng ở biển Đông.

Ngày 16 tháng 6, 2015, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ra thông cáo cho biết, “ Công trình bồi đấp một số đảo và bãi đá ở khu vực Trường Sa sẽ hoàn thành trong một thời gian gần đây, tuy nhiên Trung Quốc vẫn có kế hoạch xây dựng cơ sở trên các đảo để đáp ứng yêu cầu phòng vệ quân sự cần thiết và yêu cầu phục vụ dân sự.” Bắc Kinh tỏ ra nhún nhường trước phản ứng quyết liệt của Mỹ và đồng minh, khi Bộ Ngoại Giao thông cáo sẽ hoàn tất công việc bồi đắp. Đồng thời kêu gọi Mỹ ngưng “ngoại giao bằng micro” về những bất đồng. Như vậy đủ thấy Mỹ và đồng minh là đối trọng có thể kiềm hãm sự hung hăng quá độ của Trung Quốc. Và như vậy cho thấy nếu muốn thoát khỏi sự trấn áp của Trung quốc Việt Nam phải dựa vào ai?

Cuộc khẩu chiến qua lại giữa các nhà lãnh đạo ngoại giao và quân sự đôi bên đã và đang tiếp diễn. Các nhà quan sát quốc tề đánh dấu hỏi việc gì sẽ xảy ra? Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đặt khả năng chiến tranh Trung-Mỹ có thể xảy ra, và tâm lý quần chúng bài Mỹ dâng cao trong mấy tuần qua.

Những sự kiện nêu trên cho thấy tình hình chính trị thế giới không ổn định, an ninh trong khu vực Đông Nam Á bị đe dọa bởi những sự ngang ngược coi thường luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.

Ngày nay Châu Á được phân chia thành hai phe rõ rệt, một bên là Bắc Kinh đang trỗi dậy muốn thực hiện “giấc mơ Trung Quốc,” quyết trở thành cường quốc hùng mạnh nhứt để áp đặt một trật tự thế giới mới. Một bên là Mỹ và đồng minh quyết không cho phép Bắc Kinh lộng hành. Dĩ nhiên chiến tranh khó có thể xảy ra. Cho dù chiến tranh có thể nổ bùng thì nhiều chuyên gia trên thế giới đã ước lượng khả năng quân sự của Trung Quốc còn thua kém Mỹ xa, cho nên phần thắng nghiêng thẳng về phía Hoa Kỳ và vì thế Trung Quốc hãy còn nhún nhường.

Trước mắt quốc gia chịu thiệt thòi nhiều nhứt là Việt Nam, bởi vì từ lâu Trung Quốc lấn áp bằng mọi cách, khởi sự đánh chiếm Hoàng Sa năm 1973, chiếm đảo Gạt Ma năm 1978, đồng thời còn lấn sang biên giới phía Bắc. Trên Biển Đông Trung cộng liên tục cướp bốc ngư thuyền Việt Nam gây thương tích và tử vong nhân sự, mà Hà Nội không dám phản ứng để chứng minh Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự chủ, có đủ tư cách và trách nhiệm bảo vệ công dân và lãnh hải của mình. Ngược lại nhà cầm quyền Việt Nam tỏ vẻ nhu nhược hèn nhát, đồng lõa khi họ mạnh tay trấn áp đồng bào mình biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng. Phải chăng họ đã bị Tàu Cộng mua chuộc hay được bảo vệ ngồi trên ghế lãnh đạo nếu cứ tiếp tục ca ngợi 16 chữ vàng và 4 cái tốt của Trung Quốc?

Tình thế ngày nay có phần thay đổi, một khi Mỹ và các nước đồng minh khẳng định không cho phép Trung Quốc lộng hành. Người ta mới thấy gần đây Việt Nam khởi sự có thái độ chống đối Trung Quốc ỷ thế hiếp cô, hay tìm cách liên kết với Nhật, Philippines, Ấn Độ, tuy nhiên Hà Nội vẫn còn sợ Trung Quốc, nên phải lập đi lập lại “không lên kết với một quốc gia nào để chống lại một quốc gia khác.” Thật là khôi hài, phải chăng quốc gia khác đó là tên khổng lồ Trung Quốc đã từng cướp đất giết dân mình? Thế mà Hà Nội không dám liên kết với các nước khác chống lại một quốc gia đã dùng vũ lực xâm lăng mình.

Đặc biệt trong tình thế ngày nay Mỹ sẵn sàng đưa tay muốn liên kết chặt chẽ hơn với Việt Nam, nào viện trợ 18 triệu USD để mua tàu tuần tra ở Biển Đông, nào gọi mời cải tiến kinh tế xã hội để gia nhập Hiệp Định Đối Tác Thương Mại xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership), nào quan hệ Đối Tác Toàn Diện... Nghĩa là con đường thoát Trung được mở rộng nếu Việt Nam muốn đi vào để hy vọng cứu quốc an dân.

Riêng đối với Việt Nam một là nhóm người lãnh đạo cam chịu làm quốc gia vệ tinh của Trung Quốc, thậm chí là một khu tự trị của Hán tộc. Có nghĩa là chấp nhận bị “Bắc Thuộc” kiểu mới thêm một lần nữa, chưa biết sẽ là trăm hay ngàn năm? Hai là dứt khoát “mượn gió bẻ măn” liên kết thật sự với Mỹ về mọi mặt, đặc biệt là quân sự như Philippines và Nhật Bản, để chống chọi đòi Trung Quốc trả lại những gì đã xâm chiếm bằng vũ lực, hay ít ra sẽ ngăn cản Trung Quốc cứ tự tiện xây lấp các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Phải hiểu rằng trong hoàn cảnh và tình thế hiện tại, Trung Quốc không hề dám dùng vũ lực đánh phá Việt Nam như ngày trước. Trong khi cả thế giới cho rằng Bắc Kinh không đủ sức đụng độ với Mỹ và đồng minh, chính Bắc Kinh cũng hiểu điều đó. Vẩy thì con đường duy nhứt để giữ độc lập và bảo vệ tổ quốc là thuận liên kết mật thiết, toàn diện với Mỹ. Quốc gia này chưa hề có giả tâm xâm chiếm một thuộc địa để khai thác tài nguyên hay nhân lực.

Cách giải đáp của bài toán Biển Đông trong giai đoạn nầy đã hiện rõ. Vấn đề chỉ còn là sự lựa chọn của Hà Nội cam chịu sự “Bắc Thuộc” đổi lấy quyền cai trị để hút máu dân, hay là cấu kết với đồng minh hùng mạnh để bảo vệ tổ quốc giành lại độc lập tự do cho đất nước.

Doanh nghiệp phải cống nạp mới được gặp lãnh đạo

HÀ NỘI (NV) .- Để có cơ hội “giao lưu” với lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN, chủ nhân các doanh nghiệp lớn nhỏ được mời đều được yêu cầu cống nạp một cái “phí” là 20 triệu đồng, tức khoảng $1,000.

 
Những người thực hiện chương trình ra điều kiện cho doanh nghiệp nộp tiền để tham gia giao lưu. (Hình: Thanh Niên)

Bản tin của báo Thanh Niên hôm Thứ Sáu vừa qua kể câu chuyện cống nạp bất thường giống như hối lộ mà các ông bà chủ nhân các công ty xí nghiệp ở Hà Nội, tức những người có máu mặt trong xã hội, phải tốn kém để có cơ hội gặp mặt “lãnh đạo Đảng và Nhà nước”.

Cơ hội để “giao lưu” được sắp xếp nhân Bộ Văn Hóa – Thể Thao – Du Lịch (VHTTDL) của chế độ tổ chức “Ngày hội Gia đình Việt Nam 2015” mà theo tin tức “Với mục đích tôn vinh các giá trị và truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam”, theo bản tin của Bộ VHTTDL phổ biến trên mạng.

Chương trình đánh dấu “Ngày hội Gia đình Việt Nam 2015” kéo dài nhiều ngày được liệt kê nhiều thứ: “Các hoạt động tập trung vào nội dung: Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam; Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương; Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Gia đình là tế bào của xã hội, thành trì của Tổ quốc; Xây dựng môi trường văn hóa gia đình - cộng đồng - xã hội lành mạnh.”

Bên cạnh những hoạt động như vừa kể, tờ Thanh Niên nói , dựa vào đó, Bộ VH-TT-DL tổ chức “Chương trình đoàn gia đình doanh nhân giao lưu với lãnh đạo Đảng và Nhà nước”. Tuy nhiên, theo tờ Thanh Niên, “việc thực hiện có những dấu hiệu không minh bạch, buông lỏng, để một số người “làm tiền” các doanh nghiệp.”

Báo vừa kể thuật lại “theo phản ánh” của một số doanh nghiệp (DN) thì “họ nhận được nhiều cuộc điện thoại từ một người xưng là Hùng, đại diện Bộ VH-TT-DL, mời tham gia chương trình (gồm các hoạt động gặp mặt tại khách sạn Daewoo Hà Nội và giao lưu, chụp ảnh với lãnh đạo Đảng và Nhà nước).”

“Khi DN thắc mắc việc một chương trình lớn của Bộ sao làm việc qua điện thoại thì ông Hùng cho biết sẽ có cán bộ khác gửi công văn của Bộ và các giấy tờ qua email, nếu DN đồng ý sẽ có người đến làm việc trực tiếp.”

Tờ Thanh Niên nói “Trong bộ hồ sơ gửi đến DN có bản đăng ký và văn bản đề nghị tổ chức chương trình do Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên ký ngày 3.6. Đáng chú ý, văn bản ông Biên ký nêu các đối tượng tham gia chương trình giao lưu là các doanh nhân Sao Vàng đất Việt, có nhiều đóng góp cho sự phát triển vũng mạnh của đất nước dựa trên nền tảng gia đình, nhưng thực tế các DN nhỏ, vừa, mới thành lập cũng được mời.”

“Điều đáng nói, để được tham gia chương trình, các DN được những người mời yêu cầu phải đóng 20 triệu đồng. Khi một DN thắc mắc mức phí quá cao, lập tức được hạ giá xuống còn 15 triệu đồng. DN vẫn tỏ ý không muốn tham gia vì mức phí 15 triệu đồng vẫn cao, thì một người xưng tên Hoàng, trưởng ban tổ chức chương trình, nói thẳng: “10 triệu gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì sao mà gặp được”.

Phóng viên báo Thanh Niên đi tìm ông thứ trưởng Vương Duy Biên là người ký văn bản mời “giao lưu”. Ông này xác nhận “Bộ có chủ trương tổ chức chương trình giao lưu gia đình doanh nhân với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhưng không hề đặt các điều kiện về kinh phí với người tham gia.”

Ông Biên này nói thêm rằng “Nếu đúng như phản ánh của DN thì việc tổ chức thực hiện chương trình này không đúng tinh thần của Bộ. Chúng tôi sẽ kiểm tra, chấn chỉnh ngay”. Đồng thời, ông Biên cho biết thêm là đã phân công Vụ Gia đình là đơn vị trực tiếp thực hiện.

Báo Thanh Niên đi tìm hiểu thêm được ông Trần Hướng Dương, Vụ phó Vụ Gia đình, “cũng xác nhận chương trình không có chủ trương kêu gọi DN đóng góp kinh phí hay từ thiện.”

Tuy nhiên, tờ báo kể lại là “ông Dương thừa nhận việc ra chủ trương là của Bộ nhưng thực hiện là do một số DN bên ngoài thực hiện theo dạng “xã hội hóa” và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển văn hóa Thăng Long là đơn vị tổ chức thực hiện. Về việc người tên là Hùng, xưng là đại diện Bộ gọi điện chào mời DN, lãnh đạo Vụ Gia đình xác nhận trong đơn vị không có người tên như vậy.”

Ngày “giao lưu” với chủ nhân các doanh nghiệp là ngày nào, có những “lãnh đạo đảng và nhà nước” nào đến, không thấy tiết lộ. Ngày giờ “giao lưu” thì mỗi nơi nói một khác.

“Trong hồ sơ gửi đến các DN, ban tổ chức cho biết thời gian tổ chức chương trình dự kiến từ ngày 22 đến 28.6; còn người xưng tên Hoàng, trưởng ban tổ chức, nói chương trình tổ chức ngày 25.6. Thế nhưng, hôm qua PV đến khách sạn Daewoo Hà Nội (360 phố Kim Mã) thì không thấy có chương trình này.” báo Thanh Niên kể.

Nhà báo liên lạc theo số điện thoại hotline của ban tổ chức chương trình thì được trả lời “cuộc giao lưu sẽ chuyển sang chiều 26.6. Trong khi đó, lãnh đạo Vụ Gia đình lại cho biết buổi giao lưu bị hoãn và chuyển sang ngày thứ bảy, tức 27.6.”

Trên trang mạng cinet.gov.vn của Bộ VHTTDL người ta thấy bản tin về buổi lễ khai mạc “Ngày hội Gia đình Việt Nam 2015” buổi sáng Thứ Sáu 26/6/2015 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2, Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội) có mặt ông phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL - Vương Duy Biên và bà Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - Nguyễn Thị Tuyết.

Không thấy báo chí trong nước hay trang mạng của Bộ VH-TT-DL nói gì đến cuộc “giao lưu” phải cống nạp mà tờ Thanh Niên đề cập. (TN)
06-28-2015 2:25:16 PM

LS Lê Quốc Quân: Tôi luôn hành động vì một Việt Nam tốt đẹp hơn

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-06-28
Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân mãn hạn tù và đoàn tụ với gia đình hôm 27/6/2015 ảnh chụp cùng vợ và 2 người em trai
Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân mãn hạn tù và đoàn tụ với gia đình hôm 27/6/2015 ảnh chụp cùng vợ và 2 người em trai  Photo FB Lê Quốc Quyết
Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân mãn án tù 30 tháng với cáo buộc ‘trốn thuế’; tuy nhiên thực chất ông bị tù do những hoạt động đấu tranh cho quyền con người và một Việt Nam phát triển tốt đẹp hơn.
Dù khi ở trong nhà tù, ông vẫn tiếp tục hoạt động đấu tranh và thậm chí có thể cải hóa phần nào những cán bộ trại giam như trình bày của ông trong cuộc trả lời phỏng vấn biên tập viên Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do sau hơn 24 tiếng đồng hồ được trả tự do.
Luật sư Lê Quốc Quân: Chưa cập được gì nhiều về đời sống. Hôm qua rời khỏi cổng nhà tù, hôm nay vừa mới về đến nhà. Toàn bộ anh em, bạn bè đang đến nhà tôi đây. Thực ra chưa được nghỉ ngơi gì nhưng thấy khỏe mạnh.
Gia Minh: Điều mà luật sư thấy quan tâm nhất lúc này sau khi ra khỏi tù là gì?
Luật sư Lê Quốc Quân: Trước mắt vào ngày mai hay ngày kia, tôi phải đi khám sức khỏe. Tôi cần phải kiểm tra tổng thể sức khỏe vì phải nói vừa kinh qua rất nhiều biến động phức tạp cả về mặt tâm sinh lý và cả về mặt thể chất ở trong nhà tù; cho nên cần phải khám sức khỏe đầy đủ.
Sau đó tôi cũng muốn gặp gỡ bạn bè để lắng nghe thông tin cũng như để cập nhật thêm nhiều thông tin về kinh tế, chính trị, xã hội nữa.
Rồi cũng phải về quê thắp hương cho ông bà, tổ tiên; sau đó lại quay ra Hà Nội.
Gia Minh: Ngoài những công việc riêng, cho sức khỏe; sắp đến đây những điều mà trước đây luật sư ấp ủ muốn thực hiện sẽ có những điều kiện gì tốt hơn để thực hiện?
Luật sư Lê Quốc Quân: Về điện kiện tốt hơn hay xấu hơn thì tôi chưa biết như thế nào, vì tùy vào điều kiện hoàn cảnh của xạ hội bên ngoài này. Ba mươi tháng trong tù, tôi không có nhiều thông tin. Tuy nhiên, có một điều cần phải khẳng định là từ trước đến nay và 30 tháng trong nhà tù cũng như khi ra nhà tù thì tôi luôn luôn làm việc, luôn luôn hành động vì một Việt Nam tốt đẹp hơn và ngay như 30 tháng ở trong nhà tù, phải nói tôi cũng làm việc liên tục: đấu tranh để đòi những quyền lợi tốt hơn cho anh em thường phạm, anh em tù hình sự rồi tư vấn pháp lý cho họ. Đối với những anh em tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị thì tôi thường thường xuyên trao đổi, liên lạc, làm việc với nhau.
Có một điều cần phải khẳng định là từ trước đến nay và 30 tháng trong nhà tù cũng như khi ra nhà tù thì tôi luôn luôn làm việc, luôn luôn hành động vì một Việt Nam tốt đẹp hơn
Luật sư Lê Quốc Quân
Và đối với những cán bộ quản giáo, những người gọi là cảnh sát tư tưởng, thì tôi tranh luận, trao đổi thường xuyên. Không hiểu vì sao nhưng thường xuyên trao đổi, thường xuyên tranh luận, cập nhật thông tin cũng như đấu tranh về mặt tư tưởng nên tôi thấy rất vui là mình làm được nhiều việc hiệu quả cho anh em. Và thậm chí nói như một số cán bộ trại giam là họ cũng đã tiến bộ rất nhiều, phát triển và học tập được rất nhiều. Họ nói như vậy.
Luật sư Lê Quốc Quân cùng dân oan Hưng Yên tranh đấu năm 2012
Luật sư Lê Quốc Quân cùng dân oan Hưng Yên tranh đấu năm 2012
Cá nhân tôi cũng học tập được rất nhiều, tôi thấy mình có nhiều điều cần phải lưu ý, điều chỉnh rồi làm sao cho thực sự mình tốt hơn, mình giỏi hơn, sức chịu đựng của mình lớn hơn. Mình phải có nghị lực sống mạnh hơn và phải có trình độ hiểu biết sâu sắc hơn nữa nhằm gánh vác những công việc quan trọng trong tương lai lớn hơn.
Gia Minh: Được biết tại Trại An Điềm có những tù chính trị từ Phú Yên thuộc nhóm Hội đồng Công Luật Công Án Bia Sơn, và cựu tù nhân Nguyễn Xuân Nghĩa cũng cho biết họ là những tù nhân có vẻ cam chịu. Luật sư có thể chia sẽ là sau một thởi gian giúp đỡ cho họ thì nay họ có những nhận thức ra sao không?
Luật sư Lê Quốc Quân: Đúng là họ cam chịu. Bản thân họ là một tôn giáo, họ hoạt động tôn giáo. Lúc đầu họ bị khởi tố phạm vào điều 258 như dạng tiến hành truyền đạo và tổ chức hoạt động tôn giáo bất hợp pháp, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước và công dân. Nhưng sau đó lại chuyển đổi quyết định khởi tố sang điều 79 và truy tố họ với những án rất nặng. Nhưng trong phiên sơ thẩm, họ chấp nhận điều đó.
Tuy nhiên trong quá trình làm việc, tôi nghe họ nhiều thì tôi thấy đây thực chất là một tôn giáo và họ bị như thế là oan quá. Tôi bảo họ gửi hồ sơ vào.  Họ gửi vào những bản kết luận điều tra do chính các cơ quan Nhà nước tiến hành điều tra; nhưng trong kết luận điều tra đó cũng chứng minh họ chỉ hoạt động tôn giáo thôi. Tôi cũng trao đổi với họ rất nhiều và họ cũng một lòng tin tưởng bị oan nhưng chưa cất lên tiếng nói cho đến khi giáo chủ của họ- người bị kết án chung thân và ở một trại khác, đưa ra thông điệp bị oan và phải kêu về việc này. Ngày 30 tháng tư vừa rồi, 5 người ở tại Trại giam An Điềm ở cùng khu với tôi đồng loạt viết đơn kêu oan gửi lên các cơ quan Nhà nước, kêu oan xem như chống lại bản án đó. Đã có các thanh tra tư pháp đến làm việc với họ rồi. Tinh thần của họ rất tốt và bây giờ họ thấy chuyện đó đối với họ là oan ức hoàn toàn.
Tôi phản đối Trung Quốc gây hấn và tôi phản đối bản án đối với chính mình; tôi đòi công lý cho mình và công lý cho tất cả những người đang còn bị giam oan khác ở trên Việt Nam
Luật sư Lê Quốc Quân
Gia Minh: Luật sư đã đấu tranh cho trường hợp bị oan của bản thân và những người bị oan khác; bây giờ ra ngoài có điều kiện hơn chắc sắp đến luật sư cũng lên tiếng tiếp cho những trường hợp oan ức của các tù nhân lương tâm tại Việt Nam; luật sư có thể chia sẻ về điều này?
Luật sư Lê Quốc Quân: Về dự định tương lai chi tiết thì tôi chưa có; nhưng tôi đã bắt đầu từ ngay trong tù: từ ngày 10 tháng 6 vừa rồi tôi gửi một thông báo lên Ban Giám thị, sau này thông báo này được chuyển đến Viện Kiểm Sát và Tổng Cục 8. Trong thông báo tôi nói rõ ràng là tôi khởi động một tiến trình tư pháp để tôi đòi công lý cho riêng mình và đòi công lý cho bất cứ nạn nhân oan sai nào khác trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Và tôi khởi động bằng việc tiến hành tuyệt thực và tọa kháng ngay tại nhà tù. Tôi phản đối Trung Quốc gây hấn và tôi phản đối bản án đối với chính mình; tôi đòi công lý cho mình và công lý cho tất cả những người đang còn bị giam oan khác ở trên Việt Nam.
Còn chuyện cá nhân lên tiếng thì tôi không biết thế nào được, nhưng đối với tôi là một luật sư thì tôi cố gắng làm theo đúng tinh thần của pháp luật, theo khả năng và sự hiểu biết nhất của tôi về mặt pháp lý.
Gia Minh: Biết luật sư rất bận rộn và chưa được khỏe, xin thay mặt quí thính giả của Đài Á Châu Tự Do cám ơn luật sư và chúc ông mau khỏe, tiếp tục mọi công việc của bản thân.
Luật sư Lê Quốc Quân: Tôi cũng xin cám ơn Đài và thông qua làn sóng này xin bày tỏ lòng cám ơn của mình đối với tất cả những ai trực tiếp hoặc gián tiếp, rồi âm thầm hay công khai đã cổ võ, ủng hộ tôi trong suốt thời gian tôi bị giam ở trong tù.
Tôi nguyện cố gắng hết sức mình, cũng như từ trước đến nay, tôi sẽ làm tất cả mọi điều mà tôi cho rằng tốt đẹp cho Việt Nam, vì một Việt Nam phát triển, hùng cường, thịnh vượng. Và chỉ có khi chúng ta phát triển được thịnh vượng trở thành một đất nước dân chủ, tự do, thịnh vượng thì chúng ta mới có đủ năng lực để bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta.
Tôi rất lạc quan và tin tưởng vào tương lai của Việt Nam.
Gia Minh: Cám ơn luật sư.

Dị ứng với chữ nghĩa!

Theo Người Việt-06-28-252015 6:12:20 PM
Tạp ghi Huy Phương

Tôi đồng ý với nhiều người đã cho rằng không có ngôn ngữ Việt Cộng, ngôn ngữ miền Nam mà chỉ có ngôn ngữ Việt Nam và ngôn ngữ phát triển và đa dạng hóa theo thời gian. Nhưng là một người sinh ra và lớn lên, sống ở miền Nam ít nhất là nửa thế kỷ, tôi cảm thấy hụt hẫng và cảm thấy dị ứng với thứ ngôn ngữ hôm nay, nói rõ là thứ ngôn ngữ phát sinh ra từ sau ngày đại họa, khi mà Việt Cộng cai trị toàn bộ đất nước miền Nam.


Người dân Việt Nam hiện nay dùng chữ “siêu” để thay cho chữ “rất nhiều” hay “rất cao” như bảng quảng cáo này. (Hình: Getty IMAGES)

Không phải dị ứng với chữ nghĩa, mà tôi còn dị ứng với giọng nói của Hà Nội bây giờ, nó khác xa với Hà Nội thanh lịch của bốn mươi năm về trước. Làm sao tôi quên được giọng nói của đài phát thanh Hà Nội, “thủ đô của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” mà mỗi tối, tôi vẫn thường phải nghe cái giọng the thé của cô xướng ngôn viên qua chiếc loa rè treo ở cái chòi gác đầu trại, những đêm rét buốt ở trong những trại tù Hoàng Liên Sơn. Giọng nói đó còn theo đuổi, ám ảnh tôi cho đến ngày hôm nay.

Từ ngày bị anh em “ngoài ta” thống trị, ngoài những tiếng “ngụy ngôn” xảo trá như cách mạng, giải phóng, học tập cải tạo, ngụy quân, ngụy quyền... chúng ta thấy cả một rừng chữ nghĩa đảo lộn trong một xã hội điên đảo. Dân Sài Gòn đã nhìn tận mắt loại chữ nghĩa quái đản, sản phẩm của chế độ mới như “xưởng đẻ,” “cửa hàng thịt phụ nữ,” “nhà đái nam, nhà đái nữ...”

Cũng không phải vì lý do chính trị mà tôi ghét nó, hoặc có định kiến, kiểu “ghét ai ghét cả tông nhân họ hàng,” nhưng tôi ghét cái thứ ngôn ngữ tùy tiện, vô nghĩa và lai căng hay bắt chước Tàu một cách hoàn toàn vô ý thức và thiếu khôn ngoan.

Trước khi đi quá xa, và để cho độc giả khỏi quên, tôi xin nói ngay vào lối nói kiểu Tàu của người trong nước bây giờ. Chúng ta vẫn nghe những tiếng lạ tai từ khi nón cối dép râu “tiến về Sài Gòn,” thứ ngôn ngữ đặc sệt Tàu, mà chúng ta chưa hề nghe, chưa biết dùng nhưng cuối cùng cũng phải dùng, phải nghe nếu không sợ bị lạc đường. Đó là những tiếng hộ khẩu, hộ lý, hải quan, xuất khẩu, trợ lý, thủ trưởng, đăng ký, đường cao tốc, vô tư, bức xúc, bảo vệ, cơ địa, xử lý, khẩn trương, triều cường, giải phóng mặt bằng, quân hàm, sư trưởng... khác xa những gì mà chúng ta đã dùng thời trước.

Cái thì quá Hán, nhưng có cái thì quá nôm na. Thủy Quân Lục Chiến thì gọi là “Lính Thủy Đánh Bộ,” Bạch Ốc là “Nhà Trắng,” trực thăng là “máy bay lên thẳng,” tài xế thì gọi là “lái xe,” đại tiện hay tiểu tiện thì gọi là “ỉa, đái”... có khi nửa nôm nửa hán như “cán bộ gái,” có khi thô bỉ như “giường cứng- giường mềm,” có lúc ngớ ngẩn và vô nghĩa như “làm gái!”

Nếu chữ nghiêm trang, nghiêm chỉnh của chúng ta để nói về một thái độ, một nhân dáng thì vì sao trong nước lại dùng chữ nghiêm túc (nghĩa của nó là đứng yên - toàn thể túc lập!) Nếu chữ “liên lạc” của chúng ta dùng trong nghĩa trao đổi, thông tin thì cũng với nghĩa đó, họ dùng chữ “liên hệ,” như trong nghĩa nó có nghĩa trói buộc với nhau như gia tộc, con cái, họ hàng. Vì chúng ta đâu cần phải “liên hệ” qua điện thoại với một công ty khi chỉ cần mua một món hàng.

Có những địa hạt, việc dùng chữ nghĩa quá tùy tiện và ngu dốt, một cách “nói chữ” như chữ “xử lý” bị lợi dụng một cách nặng nề và không cần thiết như nói “xử lý cá xong” thì đến “xử lý” rau. Thay vì nói đơn giản “một con bọ xít” thì họ nói “một cá thể bọ xít,” thay vì nói “đi dạy học tại trường X.” thì người ta nói “nhận công tác giảng dạy...”

Nói chung là người ta thích dùng “đại ngôn” cho nó oai, ra điều chữ nghĩa, như ông bà ta có câu: “dốt thì hay nói chữ,” quảng cáo cho mấy cái bồn rửa nhà cầu, người ta cũng dùng đến tiếng “hoành tráng.”

Ba chữ “dòng, luồng và chùm” bị lạm dụng và gán ép một cách ngây ngô như: - “Dòng kem dưỡng da;” - “Luồng tư duy, luồng thông tin , luồng văn hóa , khám bệnh ngoài luồng;” - “Chùm ảnh, chùm thơ...”

Trong nước bây giờ thích nói chữ, Tây hay Tàu hơn là thuần Việt: Ảnh “nude” hơn là ảnh khỏa thân , “VIP” hơn là nhân vật quan trọng , “logic” là lý luận, “tuổi teen” hơn là tuổi thiếu niên, “ô tô” thay vì xe hơi, “nội y” thay vì áo quần lót , “sở hữu” hơn là có , “khẩn trương” thay vì nhanh lên.

Nếu vì trời sương mù mà trên xa lộ nhiều chiếc xe hơi đụng nhau dây chuyền (xe nọ đụng đít xe kia) thì vì sao họ dùng chữ “đụng liên hoàn,” cho ra Tàu, trong khi chữ liên hoàn còn có nghĩa “trở lại” như thơ liên hoàn là bài thơ mà câu cuối lặp lại câu đầu tiên. Cái xe đầu tiên bị đụng không thể nào đụng lại cái xe cuối cùng trên đường!

Trong khi chúng ta dùng chữ máy thu thanh (radio) thì Cộng Sản dùng chữ “đài,” chữ này chỉ có thể dùng để chỉ nơi phát thanh, như đài phát thanh Hà Nội. Cũng với lối nói tắt này, đôi khi vô nghĩa, nhưng theo thói quen ở trong nước, người ta vẫn hiểu, như vừa “xuất viện” là mới ở bệnh viện (nhà thương) ra, “nhập viện” là vào nhà thương. Nếu nói “điện” thì phải hiểu nghĩa là điện thoại. Thu phí là thu lệ phí!

Cộng Sản lấy tên Hồ Chí Minh đặt thay cho Sài Gòn có nhiều điều bất tiện và bất kính, vì người ta không thể nói: “Tôi đi... Hồ Chí Minh,” hay “Hồ Chí Minh bây giờ nạn cướp bóc tràn lan” mà phải dùng nguyên câu “thành phố Hồ Chí Minh.” Vì cái tên quá dài, nên bây giờ người Cần Thơ đi Sài Gòn thì chỉ cần nói là “lên thành phố!” là người ta đã hiểu.

Cỡ lớn láo như Phùng Quang Thanh, lên tới đại tướng mà còn mở miệng nói, “Không phong tướng, anh em tâm tư!” thì “chị em ta” cũng có thể nói, “Chị làm em cũng tâm trạng theo chị!” hay “con ấy... cực kỳ!” Danh từ, động từ, tĩnh từ, trạng từ... cứ loạn cả lên, toàn là những thứ “lộng ngôn” và “loạn ngôn” một cách rất “bất quy tắc!”

Thời trước đi học, mà viết, làm luận văn, nói lối này thì chắc chắn là bị thầy, cô giáo sổ...toẹt! Và thời nay nếu bỏ nước ra đi khá lâu, về thăm lại quê hương nên có một người đi theo để thông dịch.

Nói chuyện chữ nghĩa thời nay, thì phải viết thành một cuốn từ điển dày nghìn trang. Tôi không có tham vọng làm một cuộc nghiên cứu hay thống kê mà chỉ ghi.. tạp một vài chuyện mua vui. Nhưng chúng ta cũng nên cẩn thận, đừng ngộ nhận, khi có những tiếng ít nghe, ít dùng, nghe chưa quen tai đã vội chụp nón cối cho nó. Có lần tôi dùng tiếng “xiển dương” trong một bài viết, đã bị một ông bạn già khiển trách “sao lại dùng chữ Việt Cộng?”

Điều đau lòng tôi muốn trình bày với độc giả hôm nay là chúng ta lệ thuộc Tàu cả nghìn năm mà còn giữ được tiếng nói, chữ viết và bản sắc dân tộc. Trong nước nô lệ Cộng Sản mới bốn mươi năm mà dễ chừng ngôn ngữ đã có những sự thay đổi, nhất là ảnh hưởng không ít với những người đã đi ra nước ngoài, đã từng là nạn nhận của Cộng Sản. Tôi đã gặp những người tù chính trị đã ở trong nhà tù tập trung năm, mười năm mà vẫn dùng những danh từ “đi học tập- cải tạo” hay “trước giải phóng- sau giải phóng” một cách không suy nghĩ, thì trách gì vợ con họ, lấy lý do vì ở với Cộng Sản một thời gian dài, nên bị “đồng hóa!”

Một chuyện khác là các cơ quan truyền thông ở hải ngoại, vẫn cho mình là có lập trường chống Cộng nhưng vẫn dùng nguyên bản những tin tức, chương trình trong nước mà không chịu bỏ thời giờ sửa đổi lại theo cách nói và cách viết truyền thống của người Việt tại miền Nam trước 1975 và kể cả tại miền Bắc trước năm 1954.

Có khi vì thiếu vốn, lười biếng hay thỏa hiệp, truyền thông hải ngoại đem luôn cả chương trình làm sẵn, các cuốn phim của các nhà sản xuất hay đài truyền hình Việt Nam chiếu trong chương trình hằng ngày. Do vậy, tuy trên đài truyền hình không có cờ đỏ sao vàng, có chân dung lãnh tụ cộng sản, nhưng ngôn ngữ, hình ảnh, và chương trình từ giải trí đến thời trang, thi hoa hậu, đố vui, thực chất là những đài truyền hình Cộng Sản được soạn ra công phu để dành làm quà cho hải ngoại.

Người ta đã nói đến chuyện con ếch được luộc chín từ từ trong nước lạnh, hay chiến thuật vết dầu loang. Dần đà, chúng ta sẽ nghe quen tai, nhìn quen mắt và bị “luộc” lúc nào không hay.

Và những con người vốn chân chất, thật thà, tin người, chỉ thấy cái lợi trước mắt và cho cá nhân mình, không cảnh giác sẽ còn thua... nữa!


Gà trống nuôi bốn con gái thủ khoa

‘Quá khứ con, tương lai con, tất cả là do ba con.’

BEAVERTON, Oregon (NV) - Có một người con đậu thủ khoa trung học đã là điều khó, vậy mà ông Thomas Trịnh có đến bốn cô con gái luân phiên nhau đậu đầu bảng trường trung học Công Giáo De La Salle North, ở tiểu bang Oregon.



Gia đình họ Trịnh, từ trái: Tiffany (Tuyet-Mai) - Jessica (Thanh Thanh) - Michelle (Bich-Ngoc) - ông Thomas - Victoria (Tuong-Vy) - Christine (Thuy-Duong). (Hình: Thomas Trịnh cung cấp)


Bà Barbara Ward, cố vấn đại học của trường De La Salle, hãnh diện reo lên, “Lần đầu tiên ở Oregon có chuyện như vậy xảy ra. Lần đầu tiên!”

Bà Barbara cho Người Việt hay rằng bà là cố vấn của cả bốn chị em thông minh này nên biết rất rõ về các cô. “Mấy chị em nhà này rất gương mẫu và rất dễ gần. Cả bốn người đều thể hiện sự toàn vẹn, từ bài vở trong lớp đến những sinh hoạt ngoại khóa. Các cô hoạt động xã hội rất hăng say.”

Khi Người Việt hỏi bí quyết để cả bốn chị em đều trở thành thủ khoa, cả bốn cô cùng trả lời: “Vì tụi con muốn làm cho ba hãnh diện. Ba đã hy sinh cả đời cho tụi con.”

Bảng vàng của Michelle mở đầu tuyền thống. (Hình: Thomas Trịnh cung cấp)


Ông Thomas Trịnh định cư tại Hoa Kỳ năm 1982 ở Philadelphia, sau đó ông dọn đến Beaverton thuộc tiểu bang Oregon lập nghiệp và xây dựng gia đình cho đến giờ.

“Tôi bắt đầu hành trình ‘gà trống nuôi con’ từ năm 2003 khi vừa 40 tuổi. Lúc ấy cháu lớn nhất được 12 tuổi.” ông Thomas tâm sự với Người Việt.

Người cha hãnh diện này nhấn mạnh, “Và cháu nhỏ nhất thì chỉ mới hai tháng.”

Ông nhớ, “Vừa làm kỹ sư computer, vừa nuôi dạy năm con quả là vất vả vô cùng vì phải xa nhà thường xuyên.”

“Mỗi khi phải đi công tác xa, tôi lại phải nhờ bà con chăm nom các cháu. Bỏ con ở nhà, đau lòng lắm.” Ông Thomas nuốt vội cảm xúc.

Noi gương chị, Chiristine nối tiếp truyền thống. (Hình: Thomas Trịnh cung cấp)

Ông đã tạo cho các con một gia đình có sự gắn bó trong tinh thần tôn giáo. Ông Thomas nói, “Tôi tập cho các cháu thói quen từ thuở bé là đọc 12 kinh hàng đêm, không bỏ đêm nào. Mục đích là cảm tạ Chúa về những gì Ngài đã ban phát và những gì Ngài sẽ ban phát cho chúng tôi.”

Ngoài phần hồn, ông Thomas phải biết nấu ăn ngon để chăm lo phần thể chất cho con.

Jessica Thanh Thanh, cô thứ ba, khoe, “Ba nấu món súp nào cũng ngon, nhưng con thích nhất là món... bún riêu.”

Cô đầu lòng Michelle Bích Ngọc đồng ý, “Ba con chỉ cẩn 30 phút là nấu xong một bữa ăn ngon mà chỉ dùng toàn những gì còn sót trong tủ lạnh thôi.”

Thanh Thanh cười, “Có lần sau lễ Thanksgiving, ba con lấy tất cả mọi thức ăn còn dư rồi bỏ vô nấu cháo. Lúc đầu nhìn ghê lắm, bắp nhồi trong bụng gà và con gà Tây nổi lều bều trong nồi. Nhưng ăn thì lại ngon miệng. Từ đó trở đi, ba vẫn thường nấu món này.”


Jessica khẳng định truyền thống. (Hình: Thomas Trịnh cung cấp)

Thế nhưng không phải món gì ông Thomas nấu cũng được các cô thủ khoa thưởng thức. Bích Ngọc cười, “Có lần ba con thấy xác một con nai trên đường đi câu cá, ba quăng nó lên xe truck rồi đi câu tiếp. Mãi lâu sau mới về xả thịt nai nấu nướng. Tối đó con không ăn miếng nào.”

“Bữa đó không cháu nào ăn miếng nào cả,” ông Thomas cười vang tiếp lời con.

Muốn đỡ đần cho cha, cô chị lớn nhất đã tập nấu ăn từ nhỏ. “Để nấu cho mấy em mỗi khi ba con đi làm xa,” Bích Ngọc kể.

Thấy cha và chị đều biết nấu nướng, cô thứ nhì, Christine Thùy Dương đã có lúc muốn chọn nghề đầu bếp nhưng bị ông Thomas dọa, “Nếu con muốn theo nghề này thì phải nhớ là trong ba năm đầu sau khi ra trường, người ta sẽ bắt con chỉ được rửa chén bát thôi.”

“Lâu lâu phải rửa chén một lần ở nhà đã đủ sợ rồi nên con tôi quyết định... “bỏ nghề,” ông Thamas cười đắc chí.

Ba chị vô tình gây áp lực cho em kế. (Hình: Thomas Trịnh cung cấp)

Trả lời câu hỏi có phải các con học giỏi là nhờ ba nấu thức ăn ngon, “Kỷ luật. Ba luôn đặt kỷ luật lên hàng đầu,” cô gái út Victoria Tường Vy khẳng định.

Cô lớn nhất, Ngọc Trinh, kể rõ, “Ba dùng sự thất vọng làm công cụ của kỷ luật. Tụi con được dạy dỗ kỹ lưỡng nên ai cũng biết cái gì làm ba vui, cái gì làm ba thất vọng.”

Ông Thomas tự hào, “Tôi rất hãnh diện mà nói rằng có sáu đứa con mà chưa bao giờ tôi phải nặng tay với cháu nào cả. Hình phạt nặng nhất của tôi là cho khoanh tay quay mặt vô tường năm phút.”

Ông thừa nhận việc nuôi dạy các con chẳng phải là điều dễ dàng, “Mấy cháu đầu của tôi tương đối biết nghe lời, chỉ có cô út, Tường Vy, là khó bảo nhất.”

Ngọc Trinh đồng ý, “Tường Vy thích chơi thể thao lắm, cả bóng rổ và bóng chuyền. Ba con có dự những lần Tường Vy tranh giải nhưng luôn nhắc nhở em không được xao lãng việc học.”

Ông Thomas hồi tưởng, “Tôi vất vả nhất với Tường Vy, vì cháu có rất đông bạn bè. Nhiều lần tôi phải lén đi theo (Tường Vy) xem cháu đi đâu, làm gì và tôi đã phải làm dữ, dọa không cho cháu học trường tư nữa. Sợ quá cháu mới chịu học.”

Ông cười, “Cháu nào muốn có bạn trai thì người bạn đó phải đến gặp tôi và phải có giấy chứng nhận của cảnh sát là hoàn toàn trong sạch và phải có kế hoạch làm gì trong tương lai, trong một năm, trong bốn năm và mười năm.”

“Điều kiện quá rõ ràng như vậy mà chưa anh nào dám bén mảng nhà tôi cả.” Ông Thomas cười vang.


Victoria bảo vệ truyền thống. (Hình: Thomas Trịnh cung cấp)

Nhờ luôn gần gũi và coi các con là bạn nên các cô gái này cũng đã chia sẻ gánh nặng với cha mình.

Ngọc Trinh kể, “Tụi con học trường tư nên ba phải trả nhiều tiền. Vì vậy tụi con mỗi tuần bỏ ra một ngày trong tuần để làm việc trong trường và tiết kiệm cho ba.” Từ nhỏ, các con gái của ông Thomas đều học trường tư. Các em học tiểu học tư thục Holy Cross, cũng ở địa phương.

Bà Barbara nói, “Một ngày một tuần suốt niên học nên cô nào cũng tiết kiệm cho ông Thomas phân nửa học phí.”

Đã thế, các cô cũng dành thời gian thường xuyên làm công tác thiện nguyện như phân phối thực phẩm cho người nghèo.

Bà Barbara kể với ít nhiều tự hào lây, “Các cô họ Trịnh này đã giỏi về học vấn mà lại còn tích cực tham gia công tác xã hội cũng như nghệ thuật, kịch nghệ ở trường nữa.”

Cả bốn cô thủ khoa của ông Thomas đều đang thực hành ý nguyện muốn giúp đỡ người khác.

Ý chí và nhân cách của các cô con gái được bạn học xác định. “Họ (các chị em) lương thiện và trung thực một cách tự nhiên, không cố gắng gì cả. Họ bình dị nhưng ý chí rất mạnh.” Lời em Michael Dong, người bạn chung của các chị em.

Ali Wrede, bạn học của Michelle, nói về bạn mình, “Michelle rất chăm chỉ. Tính cách thân thiện, thoải mái khiến Michelle trở thành người bạn học gần gũi.”

Ngắn gọn và mang tính kết luận, Phi Nguyễn, bạn chung của các chị em, nói về bạn mình, “Muốn điều gì thì phải tận tâm để đạt được điều đó. Họ đã làm như vậy. Đơn giản vậy thôi.”

Truyền thống gia đình họ Trịnh. (Hình: Thomas Trịnh cung cấp)


Hiện giờ, người chị cả, Michelle Bích Ngọc Trịnh, 24 tuổi, đã tốt nghiệp đại học Portland và đang làm việc tại một dưỡng đường tại thành phố Gresham, Oregon.

Cô thứ nhì, Christine Thùy Dương Trịnh, 22 tuổi, đang học ngành y tá tại đại học Georgetown, Washington, DC.

Cô thứ ba, Jessica Thanh Thanh, 20 tuổi, đang là sinh viên ngành dược tại đại học Pacific, Pacific Forest Grove, Oregon.

Và cô út, Victoria Tường Vy Trịnh, 18 tuổi, sinh viên y khoa tại Boston College, Massachusetts.

Hai bé Tiffany và Andy (con trai của Thomas và người vợ kế) cũng nói “muốn theo chân các chị.”

Vẫn cư ngụ tại Beaverton, Oregon, ông Thomas Trịnh hiện là quản lý phòng thí nghiệm cho công ty Intel và vẫn tiếp tục nuôi hai con nhỏ với sự giúp đỡ của người vợ kế là Võ Thục Nhi.

Ông nhìn nhận sự đóng góp của vợ mình, “Nhà tôi từ Việt Nam sang đây lúc cháu lớn Bích Ngọc đã 14 tuổi nhưng cũng giúp chúng tôi rất nhiều trong việc săn sóc cho các cháu. Bên cạnh người đàn ông thành công phải có một người đàn bà giỏi giắn.”

Về phần mình, các cô không thể nào quên được những gì cha mình đã làm cho mình.

Thùy Dương, người được các chị em bình chọn là con gái cưng của ba, thổ lộ, “Ba con nhọc nhằn cả đời cho tụi con mà chưa bao giờ than vãn. Được đậu thủ khoa không thể sánh với ân huệ được làm con của ba. Sung sướng lớn nhất của con là được thấy ba con hãnh diện với cả thế giới vì các con mình.”

Cô nhấn mạnh: “Quá khứ của con, tương lai của con, tất cả là do ba con.”
06-27- 2015 2:46:54 PM
Đằng-Giao/Người Việt

Tương lai Việt-Mỹ: Những người bên đảng sẽ đạt được gì?

06-27-2015 1:40:19 PM
Phạm Chí Dũng/Người Việt

Quyền đàm phán nhanh dành cho tổng thống (TPA) đã được thượng viện Mỹ chính thức thông qua ngày 24 tháng 6 với tỷ lệ thuận/chống = 60/38. Kết quả lạc quan này sẽ tác động ra sao đến tương lai Việt-Mỹ và liệu có kèm thêm độ cởi nới hơn về nhân quyền và dân chủ tại quốc gia “thơ tôi khóc lệ rơi hình chữ S?”

Hai kịch bản

Phương trình Việt-Mỹ tưởng như nhiều ẩn số té ra không rắc rối lắm với hai kịch bản.

Kịch bản 1: Nếu TPA được lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua, Hiệp Định Kinh Tế Đa Quốc Gia TPP sẽ hầu như chắc chắn hoàn tất đàm phán và khả năng nhiều - ứng với tín hiệu về chuyến công du Mỹ của TBT Trọng vào đầu tháng 7, 2015 với nghi thứ “tiếp đón trịnh trọng” - Việt Nam sẽ có phần trong đó.

Logic tiếp theo là tiếp nối thỏa thuận quân sự với người Mỹ, Bộ Chính Trị Hà Nội hầu như không còn lối thoát nào khác ngoài động cơ phải mượn phương Tây để chế ngự một Trung Quốc đang không thèm giấu diếm hàm răng cá sấu đối với Việt Nam.

Cũng hệ quả hướng Tây như thế sẽ cho phép vài kỳ vọng về độ mở hơn nữa về nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam có tính khả thi hơn. Theo đó, có khả năng nhà nước Việt Nam sẽ tiến hành thả trước thời hạn thụ án một số tù nhân chính trị, và còn có thể cho “thí điểm” mô hình công đoàn độc lập tại các doanh nghiệp Việt Nam như một cách để thỏa mãn tiêu chí bất di bất dịch của TPP về lợi ích người lao động.

Kịch bản 2: Trong tình huống ngược lại khi TPA vẫn bị ngăn cản bởi Quốc Hội Mỹ, TPP sẽ phải kéo dài thêm một thời gian đàm phán nữa, có thể từ 1-3 năm, và cũng không loại trừ khả năng có thể tan vỡ do một số quốc gia đã quá mệt mỏi sau hàng thập kỷ điều đình. Chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng cũng phải đối mặt nguy cơ bong bóng. Khi đó, Việt Nam sẽ trở nên chơi vơi về cơ hội được lọt vào bàn tiệc thương mại này. Ngoài nhu cầu thực dụng về chèo kéo sự hiện diện của lực lượng hải quân và không quân Mỹ ở Biển Đông, hệ quả là Hà Nội chẳng còn mấy động lực tìm được sự cứu vớt kinh tế từ phương Tây. Khả năng tiếp nối là chủ đề nhân quyền và dân chủ sẽ tiếp tục bị giới lãnh đạo Việt Nam “treo” cho đến khi nào họ tìm ra một phương án mặc cả có lợi cho nền chuyên chính độc đảng ở quốc gia này.

Về đối sách của chính quyền đối với giới dân chủ trong nước, có thể nhận ra chính quyền Việt Nam đã thực thi chính sách “tạm giảm đàn áp” hoạt động nhân quyền trong thời gian từ sau chuyến đi Mỹ tháng 3, 2015 của bộ trưởng Công An Trần Đại Quang.

Sau 30 tháng 4, 2015 và cùng những thông tin “chuẩn bị tích cực cho chuyến đi Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng,” một số người hoạt động dân chủ nhân quyền đã có thể đi lại tương đối dễ dàng mà không bị canh theo, ngăn chặn và ít bị sách nhiễu hơn. Thậm chí một ít nhân vật vẫn thường bị chính quyền Việt Nam quy là “chống cộng” ở Mỹ đã về được Việt Nam, trong đó có một “nữ lưu cờ vàng” đi từ Sài Gòn ra Hà Nội để thăm hỏi giới đấu tranh dân chủ mà không bị gây khó khăn gì.

Tuy nhiên, chủ trương kềm chế dân chủ của Ngành Công An Việt Nam vẫn không hề buông lơi đối với một số “đối tượng đặc biệt”: Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế và cựu tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải (bị canh theo và bị chặn không cho ra khỏi nhà trong một số trường hợp), nhà báo Phạm Chí Dũng (bị canh theo, bị chặn không cho ra khỏi nhà trong một số trường hợp và 8 lần bị triệu tập bởi cơ quan an ninh điều tra - công an Sài Gòn trong nửa đầu năm 2015, bị bắt giữ và cưỡng chế thô bạo phải “làm việc” với công an),...

Theo phân tích của giới quan sát, mặc dù vẫn tồn tại một bộ phận trong chính giới Việt Nam mang quan điểm thân Trung và không muốn Việt Nam tham gia TPP, nhưng cho tới nay vẫn có những dấu hiệu cho thấy phe ủng hộ Việt Nam vào TPP nhỉnh hơn.

Một trong những lý do chính là trên phương diện đối ngoại, giới đảng Việt Nam không mong muốn hậu quả mất TPP, bởi cách nào đó, hậu quả này không chỉ làm khó thêm nền kinh tế đang què quặt mà còn gây tiêu cực đến chiến dịch gia tăng ảnh hưởng của những người bên đảng khi thời gian dẫn đến đại hội 12 không còn nhiều.

Vì sao “chủ động thông tin?”

BBC Việt ngữ - một hãng tin mà gần đây dường như nắm được khá nhiều tin tức nội bộ ở Việt Nam, vào ngày 21 tháng 6, 2015 đã thông tin khá chi tiết về việc TBT Trọng sẽ đi thăm Hoa Kỳ từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 7, 2015, sẽ hội đàm với Tổng Thống Obama tại Nhà Trắng và hai bên dự kiến sẽ có 2 bản tuyên bố chung - một về “tầm nhìn của quan hệ đối tác toàn diện và sâu rộng giữa Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ,” và về “tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ về quan hệ quốc phòng, định hướng hợp tác quốc phòng thời gian tới.”

Thậm chí, BBC còn nắm được tin tức về “hai bên đang có đàm phán liên quan tới cảng Cam Ranh nhưng hiện chưa thể khẳng định liệu Việt Nam có đồng ý để Ngũ Giác Đài khai thác cảng biển này không.”

Cam Ranh đương nhiên được hiểu là một vấn đề rất nhạy cảm, đặc biệt khi cơ sở bán quân sự này liên quan đến vai trò của “Gấu Nga.”

Bản tin của BBC còn thông tin về lịch trình và những cuộc gặp khác của TBT Trọng.

Hiện tượng “minh bạch hóa” tin tức nội bộ qua trường hợp phát tin của đài BBC càng chứng minh rõ nét hơn việc có thể một bộ phận giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam đang muốn “chủ động thông tin” theo hướng có lợi cho họ.

Khác hẳn những năm trước, vào năm nay lợi ích đối ngoại và lợi ích chính trị đã bắt buộc các lực lượng nội bộ phải “chủ động thông tin” nếu không muốn bị rớt lại phía sau. Tháng 5, 2015, lần đầu tiên báo chí Việt Nam được Ban Tuyên Giáo TƯ cho phép công bố về kết quả (dù chỉ ở mức độ chung nhất) về cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ tại Hà Nội. Trước đó vào tháng 3 và tháng 4, 2015, những cơ quan báo đảng như TTXVN, đài tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng được phát tin về “Việt Nam và Mỹ đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng.”

Mật độ và màu sắc của những thông tin trên là đậm đặc hơn nhiều so với bầu không khí “tuyệt mật” trước chuyến làm việc của chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng Thống Obama tại Washington vào cuối tháng 7, 2013.

Đáng chú ý, cơ chế “chủ động thông tin” khá bất thường về chuyến đi Mỹ của TBT Trọng đã xuất hiện sau vụ việc gây chấn động dư luận Việt Nam của trang blog chân dung quyền lực vào đầu năm 2015, đặc biệt khi trang này tung thông tin chi tiết về bê bối đất đai và tham nhũng của hàng loạt quan chức cao cấp, cùng kết quả về cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hội Nghị Trung Ương 10 vào tháng 1 năm 2015 mà kết quả rất thuận lợi cho Ủy Viên Bộ Chính Trị Nguyễn Tấn Dũng.

Động thái “chủ động thông tin” của phía Việt Nam về chuyến đi Mỹ của TBT Trọng cũng xuất hiện trong bối cảnh phát sinh tin đồn về chuyện chuyến đi này “bị hủy.” Chưa rõ tin đồn có vẻ mang màu sắc “xung đột nội bộ” này xuất phát từ đâu.

Nhưng cuối cùng, tin tức về chuyến đi Mỹ của TBT Trọng đã được xác nhận bởi một quan chức là đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ted Osius. Ngày 19 tháng 6, liên quan đến chuyến thăm trường đại học Cần Thơ, Ted tiết lộ phía Mỹ đang chuẩn bị cho chuyến đi của TBT Trọng sẽ diễn ra trong “vài tuần tới.” Trước đó vào đầu tháng 3, 2015 cũng tại một cơ sở giáo dục là giảng đường trường đại học quốc gia Hà Nội, Ted Osius đã thông báo ngắn gọn về việc Bộ Trưởng Công An Trần Đại Quang sẽ “sớm thăm Hoa Kỳ.” Một tuần sau, sự kiện hiếm thấy này quả đã xảy ra.

Được gì?

Không còn hồ nghi, chuyến đi Mỹ của người đứng đầu bên đảng sẽ diễn ra và nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu có lẽ quan trọng nhất: Tăng cường hợp tác quân sự Việt-Mỹ tại khu vực Biển Đông để đối trọng với Bắc Kinh. Kết quả dự kiến này là sự tiếp nối cho một thỏa thuận quân sự giữa Mỹ và Việt Nam trong chuyến làm việc tại Hà Nội vào tháng 5, 2015 của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Carter.

Nếu đạt được một kết quả dù chỉ tương đối về hợp tác quân sự Việt-Mỹ, lẽ dĩ nhiên lực lượng bên đảng của nhóm TBT Trọng sẽ nâng cao được uy tín và vị thế chính trị trước lá phiếu của 200 ủy viên trung ương chính thức và dự khuyết, đồng thời xác lập thế chủ công không cần bàn cãi trong chiến dịch chinh phục những chức vụ cao nhất tại Đại Hội Đảng 12 sẽ diễn ra vào đầu năm 2016.

Nếu chuyến đi Mỹ của TBT Trọng “thắng lợi,” đó sẽ là một thành công kép - vừa hợp tác quân sự vừa mang về TPP. Khó có thể đánh giá khác hơn, đó sẽ là thành tích lớn nhất, dù còn lâu mới được coi là thực chất, mà ông Nguyễn Phú Trọng mang lại cho những người bên đảng trong suốt chiều dài nhiệm kỳ thầm lặng của ông.

Hà Nội... chửi

Theo Người Việt-06-27-2015 6:09:08 PM
Bùi Bảo Trúc

Võ Phiến ở một bài viết trong cuốn Tùy Bút I có khẳng định rằng người Việt Nam hay chửi tục và hay nói tục. Cuốn sách ấy xuất hiện từ trước năm 1975. Vẫn theo Võ Phiến, một linh mục người Pháp cũng trình một luận án ở đại học Sorbonne về chuyện chửi bới của người Việt. Và như vậy, chuyện chửi thề tục tĩu là chuyện đã có từ lâu rồi, chẳng phải đến bây giờ người Việt mới chửi thề, văng tục.

Phải nói như thế kẻo sẽ có người nói rằng người viết lại sắp sửa qui kết rằng chỉ có những người Cộng Sản mới ăn nói như thế chứ còn “Ngụy” thì bao giờ cũng tốt, cũng đẹp... không chửi thề bao giờ.

Không, người Việt ai cũng chửi thề. Người ít, người nhiều mà thôi. Người ta chửi thề, văng tục là để giảm bớt những phẫn nộ, những bất mãn, những áp lực trong đời sống, mong ước những điều không hay xảy ra cho đối phương, cho kẻ thù mà không cần phải dùng bạo động hay vũ lực mà xã hội và luật pháp không cho phép. Có những câu chửi chỉ thấy trong văn hóa thờ cúng tổ tiên trong khi không hề thấy trong những văn hóa khác.

Nhưng nhiều người đồng ý rằng làn sóng người từ miền Bắc sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã tạo một cú “shock” lớn khi đông đảo những thành phần ấy đem kiểu ăn nói thô tục, chửi thề độc địa ấy vào miền Nam, không một chút hạn chế, không một chút kiêng nể gì hết. Người lớn đã đành, luôn cả tuổi trẻ, và cả thầy cô giáo cũng chửi thề văng tục một cách rất “vô tư” cùng khắp mọi nơi...

Tình trạng này ở khắp nước chỉ mỗi ngày mỗi trầm trọng hơn. Báo chí trong nước trong tuần qua đã để ra rất nhiều trang để nói về chuyện chửi thề và nói tục của người Việt, đặc biệt là ở Hà Nội. Các tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Lao Động... đều đăng tải những bài báo mà bình thường có thể bị coi là bầy ra những hình ảnh tiêu cực cho chế độ và nhà nước. Một giới chức giữ chức giám đốc trung tâm phát huy và bảo tồn văn hóa dân tộc có nói với một tờ báo rằng ông ta đã đi rất nhiều nơi trong nước và nhận ra rằng không một nơi nào nói tục và chửi thề nhiều bằng Hà Nội.

Như vậy, chuyện chửi thề là chuyện lan rộng và rất nghiêm trọng đến nỗi ngay trước mặt cả các cán bộ cao cấp của nhà nước người dân vẫn văng tục và chửi thề một cách thoải mái (thì ông giám đốc này mới nghe được). Ở thủ đô, chốn nghìn năm văn vật, nhân vật này nhận định thêm rằng không một nơi nào qua mặt được Hà Nội về trò chửi thề.

Những bài báo đọc được đều lên tiếng báo động về tệ nạn chửi thề và văng tục của người Hà Nội. Nhưng có thêm một chi tiết khác mà những tờ báo này cũng như những phát biểu này đều ghi nhận là thành phần chửi thề và văng tục nhiều nhất ở Hà Nội là phụ nữ chứ không phải là nam giới. Một bài báo ghi lại nhận xét của một du khách nước ngoài rằng phụ nữ Hà Nội xinh đẹp nhưng ăn nói thô tục, chửi thề dữ quá.

Cách đây mấy tháng đã có nhiều ý kiến kêu gọi làm sạch sẽ lời ăn tiếng nói của các cán bộ nhà nước, tránh chửi bới, ăn nói xỏ xiên, dùng tiếng lóng, nói năng xách mé... nhưng cũng không đi tới đâu vì nhà nước vẫn tiếp tục lối ứng xử kinh hoàng trong khi tiếp xúc với người dân. Chuyện nói tục càng ngày càng trầm trọng thêm.

Và bây giờ, thủ đô Hà Nội đang phải nghĩ tới việc phạt những người chửi tục ở những nơi công cộng. Người ta đề nghị treo những bảng cấm trên xe buýt, trong các trường học kêu gọi dân chúng giữ mồm giữ miệng, tránh dùng những thứ ngôn từ thô tục nếu không muốn bị phạt.

Nhưng chắc chắn những răn đe đó rồi cũng chẳng đi tới đâu hết vì mấy thế hệ qua đã quá quen với lối ăn nói vô giáo dục đó mất rồi. Những thành phần vô học lớn lên từ cống rãnh thì phải ăn nói như thế chứ. Thanh lịch làm gì có nơi những thứ ấy.

Phan Văn Khải, người từng giữ chức thủ tướng, theo Lê Nhân, một người rất gần gũi với đương sự, cùng học lớp chính trị do Hoàng Minh Chính dậy, kể lại là Khải có biệt danh là Khải Đờ Mờ vì hễ mở miệng ra là phải có hai tiếng xúc phạm tới thân mẫu của mình. Có một lúc, Khải được tặng một giấy khen vì bỏ được những tiếng chửi thề cố hữu mỗi khi mở mồm. Nhưng rồi tính nào vẫn tật ấy. Tại buổi lễ khai giảng khóa chính trị Mác Lê cao cấp, có Lê Đức Thọ chủ tọa, Phan Văn Khải được chỉ định điều khiển lễ chào cờ. Trước đông đủ quan khách lớn bé, Khải đã hô lớn câu này (yêu cầu đăng nguyên văn, đừng viết tắt vì đây là lời của Phan Văn Khải) bằng giọng Củ Chi Nam Bộ, “Đù má nghiêm! Chào cờ, chào!”

Chuyện chào cờ là chuyện nghiêm trọng, trong một khung cảnh trang nghiêm mà (Khải) vẫn phải lôi thân mẫu ra... một cái thì làm sao bỏ được cách ăn nói đã quá quen mồm quen miệng như thế.

Vì thế, chuyện thay đổi lối ăn nói của người Hà Nội chắc rồi cũng chẳng đi tới đâu. Người Hà Nội đã bị làm hư mất rồi. Chửi thề, văng tục đã trở thành một chuyện không thể thiếu được. Nó là một thứ phản xạ, người Hà Nội sẽ không nói được nếu không có những câu chửi , những tiếng tục tĩu, như con chó của Pavlov, nghe tiếng chuông thì tiết ra nước miếng. Bún mắng, phở chửi, ốc lắm mồm vẫn đông nghẹt khách. Họ đến để nghe chửi, nghe những lời ăn tiếng nói thô tục. Những lời ăn tiếng nói đó đã thành một phần không thể thiếu được trong đời sống của họ. Ăn mà không nghe tiếng chửi bới mất dạy thì ăn không được.

Chao ơi, “Không thơm cũng thể hoa nhài/dẫu không thanh lịch cũng người Trường An.” Người Trường An đi đâu hết rồi? Nay chỉ còn bọn đười ươi đang làm xấu Hà Nội.

Vì vậy, trò chửi thề, ăn nói thô tục sẽ không bao giờ hết nơi người Hà Nội khi vẫn còn bọn đười ươi, những thứ như Phan Văn Khải và những con tương cận còn ngồi một đống ở Hà Nội.



Đồng Tháp: Hai ngày, bốn căn nhà trôi sông

ĐỒNG THÁP (NV) - Liên tiếp trong hai ngày 24 và 25 tháng 6, tại xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng khiến bốn căn nhà đổ sụp xuống sông. 



Hiện trường vụ sạt lở bờ sông tại xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung. (Hình: Người Lao động)

Xác nhận với Người Lao Động vào chiều 25 tháng 6, ông Phạm Hữu Nhân, phó chủ tịch xã Vĩnh Thới cho biết, bốn căn nhà nói trên gồm hai nhà dân, một nhà nấu ăn và một kho chứa vật tư nông nghiệp nằm ven sông Vàm Cái Mít, ấp Hòa Định, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung.

Theo ông Nhân, chiều dài đoạn sông bị sạt lở kéo dài 50 mét, ăn sâu vào đất liền khoảng 8 mét và đang có dấu hiệu tiếp tục sạt lở trong thời gian tới. Ước tính thiệt hại ban đầu trên 300 triệu đồng (khoảng $15,000).

Nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do địa thế sông sâu, nước chảy xiết khiến dòng chảy chạy sát vào bờ. Ngoài ra, những ngày qua trên địa bàn liên tục xảy ra những cơn mưa lớn khiến mực nước sông dâng cao, ảnh hưởng đến nền chân phía dưới gây sạt lở nghiêm trọng.

Trước đó, ngày 26 tháng 3, tỉnh Đồng Tháp đã công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đất bờ sông Tiền khu vực xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Điểm sạt lở diễn ra tại dưới chân mỏ hàn số 7 thuộc công trình kè mỏ hàn xã An Hiệp, với chiều dài hơn 150 mét và ăn sâu vào đất liền hơn 70 mét. Diện tích đất bị mất hơn 1 héc ta, khiến 4 hộ dân phải khẩn cấp di dời nhà và tài sản, ước thiệt hại ban đầu là gần 1 tỷ đồng (khoảng $50,000). (Tr.N)

06-27-2015 6:37:02 PM 

Công an bao che vụ rượt đuổi khiến 3 nữ sinh thương vong

PHÚ YÊN (NV) - Công an thành phố Tuy Hòa đã bác bỏ vụ xe mô tô cảnh sát rượt đuổi khiến 3 nữ sinh lớp 12, trường Lê Hồng Phong, huyện Tây Hòa thương vong. 


Nữ sinh Tuyền bị thương đang được điều trị tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Phú Yên. (Hình: Dân Trí)

Hôm 25 tháng 6, trao đổi với phóng viên Dân Trí, ông Nguyễn Việt Hùng, thủ trưởng cơ quan điều tra, trưởng công an thành phố Tuy Hòa, khẳng định, “Không có chuyện cảnh sát rượt đuổi nữ sinh trong vụ tai nạn giao thông xảy ra vào khoảng 23 giờ ngày 26 tháng 3, 2015 khiến 1 nữ sinh chết tại chỗ và 2 nữ sinh khác bị thương nặng.”

Trước vụ tai nạn trên, dư luận và một số báo điện tử đặt đưa tin 3 nữ sinh lớp 12 của trường trung học phổ thông Lê Hồng Phong là em Lê Thị Thanh Tuyền; em Võ Thị Thu Thảo và em Nguyễn Thị Thanh Lan, đi xe máy do em Tuyền lái bị 2 cảnh sát cơ động rượt đuổi đã tăng ga bỏ chạy. Khi đến ngã ba đường Trường Chinh - Phù Đổng, phường 7, thành phố Tuy Hòa, chiếc xe này đã tông vào tường rào và trụ điện ký túc xá trường cao đẳng nghề Phú Yên, khiến em Thảo chết tại chỗ, 2 nữ sinh còn lại bị thương nặng.

Theo ông Hùng, công an thành phố Tuy Hòa đã tiến hành điều tra. Qua thông tin thu thập từ 12 nhân chứng và lời khai của 2 nữ sinh Tuyền và Lan, cơ quan điều tra xác định không có ai rượt đuổi 3 nữ sinh.

Ông Hùng biện dẫn, “Nói chiếc xe mô tô chạy phía sau xe của em Tuyền là xe của cảnh sát là không có cơ sở. Nếu là xe của cảnh sát thì khi đi làm phải có còi hụ, đèn hiệu. Qua kiểm tra lịch công tác của lực lượng cảnh sát vào thời điểm trên không có ai được phân công làm nhiệm vụ. Việc điều tra ai là người điều khiển chiếc xe này cũng không cần thiết vì không liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn. Đồng thời, tất cả nhân chứng đều khẳng định không có dấu hiệu rượt đuổi các nữ sinh.”

Tuy nhiên, theo các nhân chứng, vào lúc em Tuyền điều khiển xe máy bỏ chạy có thấy 1 xe mô tô chạy phía sau cách xa hơn 100m. Trên xe có 2 người ngồi, đội nón bảo hiểm giống cảnh sát cơ động.

Cũng theo ông Hùng, vụ việc đã được công an thành phố Tuy Hòa khởi tố vì đây là vụ tai nạn giao thông gây hậu quả chết người. Tuy nhiên, đến nay chưa thể khởi tố do bị can Lê Thị Thanh Tuyền vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện, sức khỏe chưa ổn định. (Tr.N)

06-27- 2015 6:32:43 PM

Dân Quảng Trị ‘thót tim’ khi qua cầu phao hư hỏng


QUẢNG TRỊ (NV) - Nhiều năm nay, hàng ngàn hộ dân xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong phải qua lại trên cây cầu phao xuống cấp nghiêm trọng, với nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.


Sau hơn chục năm sử dụng, cầu phao đã xuống cấp, gây mất an toàn cho người qua lại. (Hình: Dân Trí)

Theo Dân Trí, được xây dựng từ năm 2002, cầu phao dân sinh Trung Yên - Triệu Độ bắc qua sông Thạch Hãn dài 185 mét, rộng khoảng 2.5 mét, được làm bằng những chiếc thùng phuy nhựa, ván gỗ, sắt thép... thiết kế chịu lực là 150kg/mét vuông, đã giúp người dân rút ngắn thời gian đi lại, độ dài quãng đường nối các địa phương này với thành phố Đông Hà.

Tuy nhiên, hiện nay cây cầu đã bộc lộ dấu hiệu xuống cấp. Hai bên thành cầu những thanh sắt nhỏ hiện đã gỉ rét nhiều, những mối hàn bị bung ra. Mặt cầu cũng bị xuống cấp, ván gỗ bị mục nát dần, hàng ngàn cây đinh nhọn nhô cao... trở thành những “chiếc bẫy” đe dọa gây mất an toàn cho những người qua lại.

Mỗi khi có nhiều xe chạy qua, mặt cầu bị rung lắc mạnh, những tấm ván gỗ bị rời ra, Chưa kể những lúc trời mưa, nước sông Thạch Hãn dâng cao, cùng với sóng tác động đến mặt cầu, khiến cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thêm khó khăn. Đã thế, hai bên đầu cầu và dọc lan can không hề có biển cảnh báo nguy hiểm, không có phao cứu sinh để ứng cứu khi xảy ra sự cố.


Hai bên lan can cầu cũng bị đứt gãy, hở mối hàn. (Hình: Dân Trí)

Cũng theo Dân Trí, cầu phao Triệu Độ do 5 hộ dân góp vốn gần 700 triệu đồng ($35,000) xây dựng. Ông Lê Đình Uynh, đại diện ban quản lý cây cầu cho biết, khi cây cầu thông xe, 5 gia đình thay phiên nhau theo dõi và thu phí. Mức phí tùy thuộc vào từng loại xe, cụ thể: xe ba gác là 12,000 đồng/lượt; xe máy 2,000 đồng/ lượt; xe đạp và người đi bộ là 1,000 đồng/lượt.

Ông Uynh cho biết thêm, “Cầu phao này đã được các cơ quan chức năng Quảng Trị cấp phép hoạt động, và có đăng kiểm hợp lệ. Hàng năm, chúng tôi đều ra số tiền lớn để tu sửa lại cầu...”

Song thực tế, cầu phao Triệu Độ đang xuống cấp nghiêm trọng như mô tả ở trên. Người dân và xe cộ qua lại luôn cảm thấy “thót tim” vì lo lắng. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn im hơi lặng tiếng. (Tr.N)
06-27-2015 6:42:43 PM

Chửi thề nói tục, mặt trái của văn hóa Hà Nội

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-06-27


000_Hkg10126268-622.jpg

Người dân uống bia tại một Lễ hội bia ở Hà Nội trước đây. AFP

Có không ít du khách quốc tế khi đi ngang những tiệm nhậu lộ thiên của Việt Nam đã tự hỏi không biết họ nói gì mà vui thế! Cứ như hát với nhau và trong từng cử chỉ vui vẻ ấy người nước ngoài khó mà biết rằng 20 phần trăm những điều được cho là vui đùa ấy là những tiếng “F” theo tiếng Anh và nói theo tiếng Việt là “chửi thề” nói tục hoặc chí ít là những câu chuyện tiếu lâm hài hước trên cái nền của sinh hoạt tình dục.

Chửi thề đôi khi có tính phản xạ

Bàn nhậu mà không chửi thề nói tục có lẽ sẽ buồn tẻ và nhàm chán đến chừng nào. Chuyện chửi thề đã có từ hàng ngàn năm nay trên bất cứ đất nước nào kể cả đất nước có những giáo phái cấm kỵ chuyện này thì người ta vẫn chửi thề, nói tục một cách thầm kín. Nó như một căn tính của con người mà nếu bị buộc phải nhìn nhận chửi thể nói tục là một thói xấu thì con người cần phải có một bản lĩnh từ bỏ thói quen ấy như bỏ hút thuốc, bỏ rượu hay bỏ cờ bạc.
Nó là cái văn hóa nông dân ở miền đồng ruộng chân lấm tay bùn. Quần áo thì lúc lao động thì trễ tràng hở hang ra do đó rất quen trong việc mô tả những bộ phận thầm kín đến lúc ấy thì lại phô phang ra nó thành một nếp ngôn ngữ.
-Giáo sư Lê Văn Lan
Chửi thề nói tục theo các nhà tâm lý học là biểu hiện của sự phản kháng một cách tiêu cực trước các vấn đề bất công xã hội. Người ta chửi thề sau khi bị đánh, bị một thế lực mạnh mẽ và quyền lực ức hiếp hay thậm chí bị người khác coi thường, xua đuổi. Chửi thề nói tục là phản ứng cấp thời đôi khi có tính phản xạ mà bản thân người ấy không hề muốn.
Trong tình trạng người chửi thề ý thức được sự chửi ấy có khả năng giảm stress hay tiêu tán bớt những bực bội trong lòng, thì tiếng chửi thề hay nói tục nhắm vào đối tượng nhất định nào đó hoàn toàn là cách ăn miếng trả miếng và chấp nhận mọi hậu quả do tiếng chửi thề gây ra.
Thế nhưng không phải lúc nào tiếng chửi thề cũng nhằm thỏa mãn uẩn ức hay bị đè nén. Trong xã hội hôm nay, người ta có xu hướng chia sẻ với nhau giữa một cộng đồng hay hội nhóm bất cứ điều gì có thể. Trong lúc giao tiếp như thế tiếng chửi thề hay nói tục hoàn toàn chỉ là tiếng đệm vô nghĩa theo thói quen và không ai để ý tới những tiếng đệm đầy hồn nhiên như thế.
Ngay trong các bàn café người ta cũng thoải mái chửi thề. Trong lĩnh vực chính trị, chửi khi thấy một khuôn mặt tham nhũng bẩn thỉu xuất hiện, chửi khi đất nước bị đục đẽo hay nhắm mắt giao cho ngoại bang thống trị lãnh thổ một cách lộ liễu trước mắt dư luận. Tiếng chửi thề trong trường hợp này được đồng tình từ nhiều người ngồi chung bàn và dĩ nhiên nó lan rộng nếu chủ đề thích hợp cho những tiếng chửi thề tập thể. Chửi thề như vậy hầu như xảy ra hàng ngày khi xã hội có quá nhiều bất mãn từ hệ thống lãnh đạo, nhất là hiện nay tình hình Biển Đông mỗi lúc mỗi rối ren thêm.
Chửi thề suy cho cùng chỉ là con dao gỗ, dùng để sắn trái chuối chín trên bàn và chưa bao giờ làm cho một đối tượng phải từ bỏ công việc mà nó đang theo đuổi.
Nhưng nếu xét trên bình diện văn hóa, khi một quốc gia có quá nhiều tiếng chửi thề trong cộng đồng hay xã hội thì nét văn hóa của nước ấy sẽ mất đi tính chất trang nghiêm hay mỹ quan cần có. Nó cũng phản ảnh sự bức xúc xã hội đã trở nên nguy hiểm và tương quan nguyên nhân - hậu quả cần phải được xem xét cẩn thận trước khi có bất cứ một biện pháp nào nhằm kéo cỗ xe văn hóa ứng xử trở về con đường bằng phẳng trước khi nó tụt sâu xuống con vực tha hóa.

Cốt lõi nào phát sinh ra tệ nạn này?

Việt Nam trong khi vẫn tự hào có hàng ngàn năm văn hiến nhưng người dân nói tục và chửi thề nhiều và đa dạng nhất lại nằm ngay trong lòng thủ đô Hà Nội khiến không ít nhà hoạt động văn hóa trăn trở tìm hiểu cái cốt lõi nào phát sinh ra tệ nạn này và từ đó có thể tìm ra biện pháp giảm thiểu chứ chưa thể nói là triệt tiêu một cách tích cực.
000_Hkg10126251-400.jpg
Người dân uống bia tại một Lễ hội bia ở Hà Nội trước đây. AFP PHOTO.
Giáo sư Lê Văn Lan, một nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội cho rằng cái nền nã của Thủ đô sở dĩ bị dẫm đạp lên do người từ nông thôn mang vào và cùng với bước chân còn đầy vết tích sình lầy ấy họ mang theo về Hà Nội tiếng nói tục, chửi thề một cách vô tư:
“Nó là cái văn hóa nông dân ở miền đồng ruộng chân lấm tay bùn. Quần áo thì lúc lao động thì trễ tràng hở hang ra do đó rất quen trong việc mô tả những bộ phận thầm kín đến lúc ấy thì lại phô phang ra nó thành một nếp ngôn ngữ và ngôn ngữ ấy lại thể hiện lối sống của những người nông dân làm ruộng trũng, ruộng ướt. Bây giờ nó úp cái đấy vào đô thị Hà Nội phù hợp với tình thế mà Hà Nội tuy tiếng là đô thị nhưng suốt từ nhiều nghìn năm nay nó bị giằng xé bởi xu hướng cố gằng đô thị hóa nông thôn nhưng bên cạnh đó xu hướng nông thôn hóa đô thị thì lại ngày càng thắng thế mạnh mẽ và trong suốt cả nghìn năm là như thế. Bây giờ đến lúc mở rộng Hà Nội thả cửa ra cho xu hướng nông thôn hóa đô thị ngày càng lấn lướt và như thế thì tất nhiên nó sẽ dẫn tới chuyện nói tục chửi bậy của cái văn hóa nông thôn. Nó sẽ theo cái đà lấn lướt thắng lợi ấy của cái việc nông thôn hóa đô thị mà trở thành đại trà, trở thành phổ biến.”
Giới tinh hoa Hà Nội bây giờ ra sao mà không níu giữ chút truyền thống Tràng An như người Hà Nội xưa vẫn tự hào, lại để cho 36 phố phường đầy những tiếng chửi thề từ các chợ búa đầu mối tràn về? Giáo sư Lê Văn Lan lý giải:
“Nó giống như cái tình hình nước Nga cộng sản chuyển sang Xô viết có cái thời ông nhà văn nổi tiếng là Ilya Erenbua có một lần từ Nga Xô viết sang Paris và ông gặp được ở đấy những quý tộc Nga phải lưu vong vì không hợp tác được với cách mạng công nông nên họ phải sang Paris và ở đấy. Ông Erenbua lại gặp được tất cả các tinh hoa các linh hồn của văn hóa của ngôn ngữ Nga chính thống cổ truyền bây giờ bỏ nước Nga và sang Paris. Hà Nội bây giờ cũng thế những thành phần tinh hoa, tinh kết thì họ đi mất rồi. Cái lớp ấy đã đi ra khỏi Hà Nội đã vào Sài Gòn đã sang phương Tây.”
Gần đây nhất ông Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã ra văn bản giao cho các đơn vị dưới quyền việc kiềm tra, ngăn chặn hay đôn đốc chấn chỉnh tình trạng nói tục chửi thề tràn lan tại thành phố Hà Nội. Văn bản này đề nghị bắt đầu từ nhà trường nơi có số học sinh chửi thề nói tục cần phải được kiểm soát trước khi tiến hành trên toàn xã hội.
Giáo sư Văn Như Cương hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh chia sẻ ý nghĩ của ông trước việc ông Lê Hồng Sơn nhắm tới học sinh trước tiên, ông nói:
Nguyên nhân mà thanh niên nói tục chửi bậy là từ gia đình. Gia đình người lao động đôi lúc trong bữa ăn bố mẹ nói tục với nhau. Đón con đi học về muộn hay con bị điểm kém ngoài đánh con ra lại còn văng tục này khác các thứ là chuyện thường xuyên.
-Giáo sư Văn Như Cương
“Trong hàng ngũ học sinh từ tiểu học cho đến phổ thông trung học thì vấn đề nói tục chửi bậy tôi cho là rất ít không phải là nhiều. Việc các em nói tục chửi bậy trong nhà trường đều bị nghiêm cấm và có những nhắc nhở, phê bình cần thiết do đó các em chấp hành khá là nghiêm chỉnh. Tuy nhiên có thể lúc đi học về hay vào chỗ khác không có trong nhà trường thì có lúc xảy ra chuyện nói tục chửi bậy.
Cái số đông hơn tôi nghĩ là trong hàng ngũ sinh viên, họ có vẻ tự do hơn họ đàn đúm với nhau nhiều hơn. Ngồi ở quán nước hay quán bia, quá cà phê chính những lúc ấy họ thường có những chuyện gì ấm ức thì họ văng tục ra. Ngoài ra số thanh niên tụ tập không công ăn việc làm tụ tập chỗ này chỗ kia thì thành phần ấy mới nhiều nơi chỗ buôn bán hay chợ búa cho nên chúng ta cần nhận định điều ấy cho rõ. Chẳng hạn như các em học sinh trường tôi tuyệt đối khôn bao giờ có chuyện nói những lời xấu xí như thế.”
Nhà thơ Trần Đăng Khoa hiện phụ trách trang văn hóa cho Đài Tiếng Nói Việt Nam cũng đồng tình với giáo sư Văn Như Cương, ông nói:
“Điều đó tôi nghĩ rằng không phải chỉ có trong đội ngũ của học sinh sinh viên đâu, mà chắc có lẽ người ta muốn bắt đầu từ học sinh sinh viên. Bây giờ mình chỉ cần liếc qua các quán nhậu thôi, nghe những ngôn ngữ ở đây phải nói rằng nó không thể gọi đấy là ngôn ngữ văn hóa được. Tôi nghĩ bắt đầu từ đấy cũng là điều cần thiết và hơn nữa tôi vẫn mong là Hà Nội phải là nơi gương mẫu nhất trong cả nước cho nên đó cũng là điều cần thiết thôi.”
Kinh nghiệm về nhà nước nhúng tay vào các vấn đề văn hóa một cách nóng vội chưa bao giờ đem về kết quả của giáo sư Lê Văn Lan cho hay:
“Những người lãnh đạo Hà Nội mà tôi biết như ông Phạm Quang Nghị Bí thư Thành ủy ngay cái khóa đầu tiên nhận công tác ông cũng đã phát biểu chương trình công tác của ông ấy rồi. Ông ấy muốn làm thế nào mà trong một nhiệm kỳ công tác của ông ấy thì ông ấy phá được nạn nói tục chửi bậy. Đấy là tuyên ngôn của lãnh đạo Hà Nội hẳn hoi nhưng bất lực không thực hiện được. Ông ấy đã làm đến khóa thứ hai rồi mà càng ngày thì tình thế lại càng nghiêm trọng hơn.”
Theo GS Văn Như Cương, việc nói tục chửi bậy phát suất từ gia đình, chính nó như một tấm gương mà trẻ con soi vào để ứng xử như những gì chúng thấy từ mái nhà nhỏ bé của chúng:
Nguyên nhân mà thanh niên nói tục chửi bậy là từ gia đình. Gia đình người lao động đôi lúc trong bữa ăn bố mẹ nói tục với nhau. Đón con đi học về muộn hay con bị điểm kém ngoài đánh con ra lại còn văng tục này khác các thứ là chuyện thường xuyên. Trẻ con chứng kiến việc bố mẹ chửi bới như thế nên con chị nói với con em thỉnh thoảng cũng văn tục chửi bậy nhưng đến trường thì nó lại không. Do đó sự giáo dục của nhà trường là hết sức quan trọng và sự giáo dục trong gia đình cũng quan trọng lắm.
Để những người 4-50 tuổi bỏ tính nói tục chửi bậy thì rất khó. Theo tôi vấn đề giáo dục và lên án chuyện ấy là cần thiết và phải làm thường xuyên. Ví dụ nơi bán hàng hay chợ búa nên có những câu tuyên truyền như “không nên nói tục” hay các lời hay ý đẹp thì chúng ta sẽ dần dần giảm đi được việc chửi bậy nói tục chứ còn nói phạt người người nói tục thì khó lắm bởi vì cơ chế nào, ai làm nhiệm vụ ấy, cái đội nào thì được phạt?”
Thật khó mà tưởng tượng ra người thi hành lệnh phạt về chửi tục nói bậy sẽ thực hiện ra sao khi mà anh ta không chắc rằng trong khi viết giấy phạt, lại nóng giận vì bị chọc tức có buộc miệng chửi thề do phản xạ hay không.
Kịch bản người săn tìm kẻ chửi thề nói tục để ghi giấy phạt là một tấn bi hài kịch. Không giống như công an giao thông đứng chờ người vi phạm trên đường phố để ghi giấy phạt, người ta chửi thề bất cứ đâu và bất cứ thời gian nào, vậy thì đội quân rình mò ghi giấy phạt không lẽ rình rập trên cả nước nơi có con người xuất hiện hay sao?
Một mệnh lệnh hành chánh cần phải khả thi và khi ban ra phải được xã hội đồng thuận. Ngồi trong văn phòng ban lệnh mà không tham chiếu sự thật diễn ra hàng ngày bên ngoài là cung cách quan liêu của thời kỳ văn bản được lập ra bằng những chiếc máy đánh chữ. Thời đại computer đã thay đổi toàn bộ đời sống con người cho nên mọi áp đặt do duy ý chí sẽ trở thành lố bịch và khó được công luận chia sẻ.
Vấn đề chửi thề nói tục tiềm ẩn trong tất cả ngóc ngách xã hội và vì vậy biện pháp để giảm thiếu nó chỉ có thể bằng bài học vỡ lòng cho trẻ con ngay từ ngày đầu đi học. Bài học ấy phải được người lớn thực hành hàng ngày từ lòng thương yêu con cái mong muốn chúng được nên người qua cung cách ứng xử của cha mẹ trong gia đình.
Một chỗ khác quan trọng không kém là nơi tụ tập sinh hoạt đường phố, nơi mà chửi thề nói tục trở thành chăn chiếu của người cùng khổ, vô gia cư. Chính quyền có bổn phận giúp đỡ họ nhận ra giá trị bản thân hơn là xua đuổi bắt bớ giam cầm. An sinh xã hội phải đi đôi với nhân ái và điều này đã được minh chứng rất rõ trong các hội từ thiện quốc tế.

Việt Nam bỏ giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài

RFA-28-06-2015

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa  File photo
Việt nam sẽ cho phép các công ty nước ngoài được quyền sở hữu hơn 49% cổ phần của các công ty Việt nam theo như qui định trước đây.
Hãng tin AFP trích dẫn nguồn từ cổng thông tin chính phủ Việt nam cho biết như vừa nêu.
Một chuyên gia trong nước là tiến sĩ Lê Đăng Doanh được hãng tin Pháp trích lời nói rằng với qui định mới thì nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang vốn vào Việt nam, từ đó các công ty của Việt nam phải quan tâm nhiều hơn đến tính cạnh tranh của mình. Ông Doanh kết luận rằng đây là một quyể định đúng lúc của chính phủ Việt nam.
Theo hãng tin kinh tế Bloomberg thì hiện nay Việt nam có khoảng 30 công ty có nguồn vốn từ nước ngoài đạt mức cao nhất theo qui định là 49%.
Giới quan sát kinh tế trên thế giới đánh giá rằng sau quyết định này sẽ có nhiều vốn đổ vào Việt nam để đầu tư, nhưng vẫn chưa rõ là đến thời điểm chính xác là khi nào thì họ được bắt đầu đầu tư một số vốn vượt qua mức qui định 49% hiện hành.
Cũng liên quan đến đầu tư vốn vào Việt nam thì chỉ còn vài ngày nữa những người có quốc tịch nước ngoài sẽ được quyền sở hữu nhà tại Việt nam.
Truyền thông Việt nam đưa tin là theo luật nhà ở mới có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây thì các quĩ nước ngoài, các công ty quốc tế hoạt động tại Việt nam, người Việt nam định cư ở nước ngoài, sẽ được phép mua nhà tại Việt nam.
Theo luật mới thì người có quốc tịch nước ngoài không được sỡ hữu quá 30% số lượng căn hộ trong một chung cư. Còn về nhà ở riêng lẻ thì trong phạm vi một phường người nước ngoài có quyền sở hữu tối đa là 250 căn nhà.
Theo pháp luật Việt nam thì đất đai vẫn thuộc sỡ hữu toàn dân, chỉ có nhà cửa xây cất trên đất được qui định là thổ cư là thuộc quyền sỡ hữu của cá nhân mà thôi.
Trong các luật sẽ có hiệu luật từ ngày 1/7 này còn có luật doanh nghiệp sửa đổi. Theo qui định mới thì các doanh nghiệp sẽ được phép kinh doanh tự do trong các ngành nghề mà pháp luật Việt nam không cấm.
Theo qui định mới này thì trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ không có ghi ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngành y tế vận động xã hội hóa chỉ thu tiền người dân, chứ chưa chăm sóc sức khỏe

y te Viet Nam

Ngành y tế Việt Nam chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại, nhưng lại chưa quan tâm chăm lo sức khỏe ban đầu cho người dân

Đó là nhận định của GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam chỉ ra tại Hội nghị khoa học Y tế dự phòng  diễn ra tại TP.HCM hôm 27.6.

Theo ông Hùng, ngành y tế Việt Nam chỉ quan tâm đến đầu tư, chưa quan tâm đến hiệu quả; chú trọng đến điều trị, chưa quan tâm đến dự phòng. Đặc biệt, ngành y tế Việt Nam chỉ quan tâm chú trọng đến đầu tư công nghệ cao, hiện đại trong việc khám chữa bệnh mà quên đi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Khái niệm chăm sóc sức khỏe lâu nay của ngành y tế còn manh mún, chỉ tập trung  vào việc phòng ngừa những bệnh lây nhiễm; còn những bệnh mạn tính, không lây như: tim mạch, huyết áp, tiểu đường… chưa được chú trọng.
Cũng theo ông Hùng, lâu nay ngành y tế kêu gọi xã hội hóa nhưng thực chất vận động chỉ thu tiền người dân, chứ chưa vận động để chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Trong khi đó, đề cập đến những nghiên cứu y học của các nhà khoa học trong ứng dụng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thứ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Thanh Long cho rằng, số lượng các công trình nghiên cứu về y học vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực như so với Thái Lan hay Singapore. 
Trong thời gian qua, các nhà khoa học Việt Nam đã có các công trình nghiên cứu về tế bào gốc, các dịch bệnh mới nổi nhưng vẫn còn bỏ trống ở rất nhiều lĩnh vực về y sinh học, mô hình bệnh tật, an toàn thực phẩm, kinh tế y tế…
Thậm chí, ngay cả trong lĩnh vực được xem  là thế  mạnh như vắc xin  vẫn còn tình trạng mỗi nơi nghiên cứu một kiểu, kết quả các công trình nghiên cứu chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu ban đầu. 
“Các nhà khoa học phải bắt tay với nhau chặt chẽ để có được những nghiên cứu về vắc xin bài bản hơn. Các cơ quan nghiên cứu cần có sự phối hợp với nhau để phát huy tối đa kết quả nghiên cứu để đem lại kết quả tốt”, ông Long đề nghị
 

06:15 28-06-2015

Hồ Quang

Vụ oan sai ở Sóc Trăng: Tha nhầm... hung thủ

  - 

tha nham hung thu giet nguoi
Bị cáo Xuyến nhận mức án 12 năm tù đối với hành vi giết ông Dũng.

Sau khi vụ án xảy ra, hung thủ và đồng phạm đã được cơ quan điều tra mời đến lấy lời khai, nhiều vật dụng tại hiện trường là của 2 đối tượng này nhưng nghi can lại không bị phát hiện

Vụ án giết tài xế xe ôm Lý Văn Dũng (ngụ thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đã khép lại sau khi hung thủ bị pháp luật trừng phạt, 7 thanh niên hàm oan được bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra đã mời hung thủ lên làm việc nhưng lại cho về và từ đây mới dẫn đến oan sai.
Nhiều nghi vấn bị bỏ qua
Theo đó, ngày 10-12-2013, ông Nguyễn Hoàng Phú - nguyên Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) kiêm Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng - đã ký bản báo cáo về quá trình điều tra vụ án giết người xảy ra ngày 5-7-2013 tại ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề.
Trong báo cáo thể hiện: đồ vật, tài liệu thu được tại hiện trường vụ án gồm 2 nón kết màu đen, 1 nón bảo hiểm màu đen, 2 quần lót, áo khoác màu trắng - xanh… Ngày 9-7-2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định phân công điều tra viên tham gia vụ án gồm thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân (hiện là bị can trong vụ án dẫn đến 7 thanh niên bị oan sai), đại úy Lâm Văn Kết và đại úy Tô Huy Thông. Ngày 22-7-2013, VKSND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định phân công 2 kiểm sát viên tham gia vụ án này, gồm Phạm Văn Núi (hiện là bị can trong vụ án dẫn đến 7 thanh niên bị oan sai) và Trần Thanh Điệp.
Sau đó, PC45 cùng Công an huyện Trần Đề làm việc với nhiều người liên quan đến vụ án. Trong đó, cơ quan công an có mời Phan Thị Kim Xuyến (SN 1998, ngụ thị trấn Trần Đề) và Lê Mỹ Duyên (SN 2000, ngụ tỉnh Kiên Giang) đến lấy lời khai. Sau đó, cơ quan công an lại cho Duyên và Xuyến ra về.
Ngày 11-7-2013, bà Lý Thị Hạnh (SN 1957, ngụ xã Đại Ân 2) cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra: Khoảng 0 giờ ngày 5-7-2013, khi đang ngủ trong nhà, Trần Hol (SN 1986) và Thạch Sô Phách (SN 1987) đến kêu cửa nhiều lần nhưng bà không mở. Thấy vậy, Hol nói “lộn nhà rồi”. Phách hỏi “có công an không?” thì Hol trả lời “không sao”. Lúc này, bà thấy Phách cầm 2 con dao bỏ vào cốp xe máy rồi chở Hol đi. Từ đây, cơ quan điều tra tập trung vào nhóm của Phách.
Ngày 12-7-2013, tại cơ quan công an, Phách khai nhận có mặt tại hiện trường lúc xảy ra vụ án nhưng chỉ chứng kiến chứ không tham gia đánh nạn nhân. Từ lời khai này, cơ quan điều tra lần lượt mời Hol, Trần Cua (SN 1991), Nguyễn Thị Bé Diễm (SN 1986), Trần Văn Đỡ (SN 1986), Thạch Mươi (SN 1988) và Khâu Sóc (SN 1987) đến PC45 làm việc.
Ngày 13-7-2013, tại PC45, Phách khai nhận có tham gia đuổi đánh ông Dũng nên cơ quan điều tra lập biên bản đầu thú đối với Phách. Cùng ngày, Diễm thừa nhận có mặt tại hiện trường lúc xảy ra vụ án và khai ra các đối tượng có liên quan. Cơ quan điều tra lập biên bản đầu thú đối với Diễm. Tại PC45, Hol, Cua và Đỡ lần lượt thừa nhận hành vi phạm tội, riêng Mươi và Sóc phủ nhận, đồng thời đưa ra những bằng chứng ngoại phạm. Khi cơ quan điều tra cho nhận dạng quần lót thu tại hiện trường, Diễm thừa nhận là của mình đánh rơi (!?).
Ngày 14-7-2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng ra lệnh bắt khẩn cấp Hol, Cua, Đỡ, Mươl và Sóc. Đến ngày 21-7-2013, Hol, Cua, Mươl, Sóc, Đỡ và Phách bị khởi tố, bắt giam về tội “Giết người”. Diễm cũng bị khởi tố, bắt giam nhưng về tội “Không tố giác tội phạm”.
Báo cáo còn ghi rõ trong quá trình điều tra, chỉ có Đỡ thừa nhận đâm nạn nhân Dũng 1 dao vào ngực, các bị can khác đều không thừa nhận đâm nạn nhân và còn nhiều vấn đề cần làm rõ, như “vật chứng thu tại hiện trường từ đâu ra, những vết đâm trên người nạn nhân do ai thực hiện, lời khai của các bị can có nhiều mâu thuẫn, nguyên nhân vì sao sát hại nạn nhân...?”. Tuy nhiên, lúc đó, những nghi vấn không được làm sáng tỏ.
“Lọt lưới” hơn 4 tháng
Theo báo cáo, sau khi vụ  án xảy ra hơn 4 tháng, ngày 18-11-2013, Lê Mỹ Duyên đến Công an xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM đầu thú về hành vi giết nạn nhân Lý Văn Dũng và khai Phan Thị Kim Xuyến có tham gia vụ này. Tiếp đó, ngày 21-11-2013, Xuyến đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận đã cùng Duyên giết ông Dũng để cướp tài sản.
Cả 2 còn thừa nhận do có quan hệ đồng tính với nhau nên Xuyến rủ Duyên về nhà bà ngoại của Xuyến ở huyện Trần Đề chơi. Vì cần tiền tiêu xài, Xuyến và Duyên mang dao đi cướp. Vào khoảng 21 giờ ngày 5-7-2013, cả 2 gọi ông Dũng chở đi. Khi đến ấp Lâm Dồ, thấy vắng vẻ, Xuyến bảo dừng xe để đi tiểu. Lợi dụng lúc ông Dũng mất cảnh giác, cả 2 dùng dao đâm khiến nạn nhân tử vong sau đó. Duyên định cướp xe nạn nhân nhưng do đường xấu, khó chạy nên để lại rồi cùng Xuyến bỏ trốn. Lúc đó, cả 2 bỏ lại 2 quần lót, 2 nón, áo khoác mà cơ quan điều tra thu được tại hiện trường.
Sau đó, Xuyến bị TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt 12 năm tù. Do lúc gây án chưa đủ 14 tuổi nên Duyên được đưa vào trường giáo dưỡng.
Sau khi được trả tự do, 7 thanh niên bị hàm oan làm đơn tố giác rằng họ đã bị cán bộ, điều tra viên dùng nhục hình dưới nhiều hình thức nên buộc phải khai nhận tham gia giết ông Dũng.
Từ đó, ngày 4-8-2014, Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Dùng nhục hình” và “Bức cung”.
Công Tuấn/ Theo Người lao động