Monday, November 9, 2020

Còn 3 ngàn dân bị cô lập và gần 30 người mất tích do bão số 9

 


Hình minh hoạ. Đội cứu hộ đang tìm những người mất tích sau vụ lở đất ở Nam Trà My, Quảng Nam hôm 30/10/2020- Reuters

Lực lượng chức năng trong hai ngày 8 và 9 tháng 11 nỗ lực mở đường để có thể tiếp cận 3 ngàn người dân tại hai xã bị cô lập tại tỉnh Quảng Nam trong trận bão số 9 vừa qua.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày 9 tháng 11 loan tin cho biết một lực lượng gồm quân đội, công an, cán bộ và cả người dân tiến hành công tác mở đường để tiếp cận dân hai xã Phước Lộc và Phước Thành thuộc huyện Phước Sơn.

Lực lượng chức năng sẽ mở một tuyến đường đi bộ và một tuyến ô tô tạm thời để vào nơi đang bị cô lập kể từ chiều ngày 28 tháng 10. Tại huyện Nam Trà My cũng thuộc tỉnh Quảng Nam, lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm 13 người còn mất tích trong vụ sạt lở tại xã Trà Leng hôm 28 tháng 10 vừa qua. Lực lượng ngoài việc sử dụng cano, xuồng máy, ghe còn phải dùng cáp treo để thực hiện việc tìm kiếm tại hiện trường và phạm vi mở rộng hơn.

Tại Thủy điện Rào Trăng 3 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế, Ủy Ban Nhân tỉnh vào chiều ngày 9 tháng 11 tiến hành họp bàn để bàn phương án tìm kiến 12 nạn nhân còn mất tích trong vụ sạt lở xảy ra hôm 12 tháng 10 vừa qua.

Theo ông Hoàng Việt Cường, Phó Chánh Văn Phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, lực lượng cứu hộ đã đào kênh phụ dẫn nước nhằm triển khai phương án nắn dòng Sông Rào Trăng. Tuy vậy mưa lớn đang gây cản trở cho hoạt động này.

Liệu có đúng tòa án Việt chưa phát hiện trường hợp kết án oan các vụ án hình sự?




Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội sáng ngày 6/11/2020.- Nguồn: congly.vn

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khi báo cáo trước Quốc hội sáng ngày 6/11 về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, đã cho biết các vụ án hình sự được xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội.

Trao đổi với RFA tối cùng ngày, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam đưa ra nhận xét đối với phát biểu của người đứng đầu Tòa án Nhân dân Tối cao như sau:

“Tôi thấy rằng việc Chánh án báo cáo trước Quốc hội là tổng kết công tác tòa án. Còn bây giờ nói trong suốt thời gian, xét xử không có tội (oan) thì nó chưa nói hết những vụ án, có những vụ án trở thành án phạt. Nên tôi thấy việc báo cáo trước Quốc hội thời gian vừa qua chưa có án oan hoặc không có tội thì tôi cho rằng chưa chính xác. Tôi thấy rằng nói như vậy thì chưa mang tính thuyết phục đối với người dân.”

Còn Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn lại bày tỏ sự ngạc nhiên về lời phát biểu của ông Nguyễn Hòa Bình:

“Dường như ông không nắm được về tình hình xét xử vụ án hình sự. Trong nhiều năm gần đây xảy ra khá nhiều vụ án oan sai, hơn nữa những vụ án oan sai đã từng được thừa nhận, báo chí đưa tin rộng rãi. Không hiểu tại sao ông lại nói tòa án chưa bao giờ có vụ oan sai như vậy. Đơn cử như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn hay Hàn Đức Long, khá nhiều, trước mắt tôi chưa kể được nhưng thống kê thì xấp xỉ 10 vụ.”

Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội cố sát với bản án chung thân đã được thả tự do sau 10 năm ngồi tù vào ngày 5/11/2013.

Sau đó, vào ngày 20/12/2016, ông Hàn Đức Long từng 4 lần bị các tòa ở Việt Nam tuyên án tử hình với các cáo buộc giết người, hiếp dâm trẻ em đã được tha sau 11 năm tù oan.

Mới đây nhất, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh vào sáng 12/10 vừa qua đã trao tiền bồi thường cho các nạn nhân bị hàm oan 41 năm trong vụ án “Cướp tài sản riêng của công dân” với số tiền lên đến hơn 6 tỷ đồng. Vụ án oan vừa nêu đã khiến cả gia đình tám người bị bắt vào cuối tháng 7 năm 1979. Có hai người đã qua đời không nhận được tiền bồi thường.

Nhận xét về tình trạng án oan tại Việt Nam hiện nay, LS. Đặng Đình Mạnh cho hay án oan không đến nỗi xảy ra quá thường xuyên, nhưng không phải là ít. Ông tiếp lời:

“Trong những vụ án mà tôi tham gia bào chữa, đa phần trong đó liên quan đến tội danh xâm phạm an ninh quốc gia thì tôi thấy hầu hết đều có dấu hiệu oan sai kiểu này, kiểu khác. Mới đây nhất thì vụ án Đồng Tâm, mặc dù không phải vụ án chính trị nhưng cũng có thể coi đó là vụ án oan sai, thậm chí ở mức độ khá nặng nề khi khá nhiều quy định tố tụng đã không được bảo đảm về việc thực hiện điều tra chẳng hạn…”

Trong phiên xử vụ Đồng Tâm diễn ra vào ngày 14/9, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ra phán quyết đối với 29 người trong vụ án “Giết người” và “chống người thi hành công vụ” diễn ra vào rạng sáng ngày 9/1/2020 ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội.

Cụ thể, có 6 người đã bị cáo buộc tội “Giết người”. Trong đó, có 2 người bị tuyên tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, đều là con trai cụ Lê Đình Kình. Ông Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Lê Đình Kình, nhận án chung thân. Ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù và Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù.

Quang cảnh phiên tòa giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải ngày 6/5/2020.
Quang cảnh phiên tòa giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải ngày 6/5/2020. Courtesy: congly.vn

23 bị cáo còn lại nhận án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Do đó, khi nhận xét về phát biểu của ông Nguyễn Hòa Bình vào ngày 6/11 trước Quốc hội, chị Oanh, một người dân Đồng Tâm nhận định:

“Vụ việc Đồng Tâm là oan sai 100%. Kể cả phiên tòa ấy nói một đường làm một nẻo, bây giờ kể cả ông Chánh án nói rất hay nhưng những việc làm hoàn toàn trái ngược và không có tính sự thật gì. Nên bây giờ các ông nói thì các ông nghe với nhau còn người dân chả nghe, nghe là người ta bức xúc.”

Một vụ án khác được dư luận quan tâm là vụ án Hồ Duy Hải kêu oan hơn hàng chục năm qua. Thanh niên Hồ Duy Hải, ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh “giết người, cướp tài sản” tại cả ba phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm.

Đáng chú ý, hàng loạt những sai phạm trong quá trình điều tra, trong các phiên tòa được các luật sư và các nhà quan sát chỉ ra nhưng các chủ tọa đã không quan tâm đến nên không làm thay đổi được kết quả phiên tòa.

Nói thêm thông tin về vụ việc này dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho hay:

Vụ án Hồ Duy Hải thì đúng phương diện pháp lý thì chưa được kết luận là án oan sai nhưng qua quá trình xét xử nhiều cấp tòa, thậm chí ở cấp sau cùng đi Hội đồng Thẩm phán gồm 17 người xem xét vụ án thì chính công chúng cũng chỉ ra một loạt sai phạm mà lẽ ra chỉ cần 1 trong những sai phạm ấy thì vụ án phải được xem xét như án oan sai.”

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng vụ án Hồ Duy Hải sẽ còn kéo dài trong thời gian tới:

“Tôi cho rằng việc để kết luận một người có tội hay không thì khi Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao trả lời trước Quốc hội, đặc biệt là vụ án Hồ Duy Hải trong thời gian vừa qua thì tại phiên họp Quốc hội vào tháng 6 thì ông Nguyễn Hòa Bình cũng nói rồi, tôi không nhắc lại việc này nhưng mà tôi thấy rằng trong những quy định pháp luật của Việt Nam thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải rút kinh nghiệm là phải thực hành đúng quy định của Luật hình sự Tố tụng.”

Luật sư Hậu cho hay trong quy định pháp luật có quy định rồi nhưng thời gian vừa qua các cơ quan Tiến hành tố tụng đã thực hiện không tốt.  Ông cho rằng điều ông vừa nói là hạn chế trong các cơ quan tư pháp và cần phải khắc phục.

Còn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, để giảm tình trạng oan sai thì điều kiện tiên quyết phải bảo đảm để hệ thống xét xử của tòa án được độc lập.

Cả Hiến pháp và luật Tố tụng đều quy định Tòa án chỉ tuân thủ luật pháp mà thôi, ngoài ra không phải tuân thủ theo nghị quyết hay những cái gì khác. Thực chất ai cũng biết hệ thống tòa án không hề độc lập và họ gần như chịu sự chỉ đạo của những tổ chức ví dụ như Ban điều chính chẳng hạn, là gồm những cơ quan tiến hành tố tụng. Trước khi xem xét một vụ án thì cơ quan điều chính này sẽ xem án trước. Hầu như những cuộc họp như vậy đã chỉ đạo, đưa ra đường hướng xét xử rồi nên toàn án mất đi tính độc lập.

Vì vậy, Luật sư Mạnh cho rằng để bảo đảm sự độc lập thì có lẽ phải có sự tác động ở những cấp lãnh đạo cao nhất.

Trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp Việt Nam đưa ra vào tháng 11/2019 thẩm tra báo cáo của Viện kiểm sát Nhân dân tối cáo có nêu rõ số trường hợp xử oan được nói tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, một số đại biểu quốc hội Việt Nam trong phiên thảo luận Quốc hội vào giữa tháng 6 vừa qua cũng cảnh báo rằng niềm tin vào tư pháp Việt Nam đang bị suy giảm.

Bộ trưởng Bộ Công an thừa nhận nhiều cán bộ sử dụng giấy tờ giả



Buổi lễ cấp bằng giáo sư và phó giáo sư tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội ngày 24 tháng 12 năm 2012. Ảnh minh họa.

AFP


Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận rằng ngay trong đội ngũ cán bộ có nhiều người sử dụng giấy tờ giả. Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn phát biểu của ông Tô Lâm tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội hôm ngày 9 tháng 11 về tình trạng mua bán giấy tờ giả trên mạng.

Cụ thể tình trạng mua bán giấy tờ giả trên mạng và tình trạng giả mạo các trang website quảng bá các dịch vụ làm giấy tờ, chứng chỉ giả diễn ra công khai. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều tổ chức, đường dây làm giấy tờ và chứng chỉ giả có quy mô rất lớn. Tất cả các loại giấy tờ, chứng chỉ, kể cả bằng tốt nghiệp các trường đại học, bằng lái xe đều có thể làm giả.

Hôm 5 tháng 10 vừa qua, Uỷ ban kiểm tra tỉnh Lai Châu đã ra quyết định khai trừ ra khỏi đảng với hàng loạt công an cấp huyện do vi phạm qui định về sử dụng văn bằng, chứng chỉ và ma tuý.

Tin cho biết Uỷ ban kiểm tra huyện uỷ Tam Đường đã ra quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phùng Quang Tuyến - Bí thư Chi bộ Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, Đảng bộ Công an huyện Tam Đường, do ông này đã vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện quy định về sử dụng văn bằng, chứng chỉ.

Uỷ ban kiểm tra huyện cũng đã thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ba công an huyện là ông Lê Văn Hồng, Phan Văn Luân, và ông Phạm Đức Hùng.

Ông Tô Lâm cho rằng, trước nay người sử dụng giấy tờ giả chỉ bị xử lý hành chính, ít khi xử lý hình sự. Bây giờ đã đến lúc cần xử lý hình sự.

Tham nhũng là ‘con ma’ nên thanh tra CSVN không nhìn thấy

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) .- Tham nhũng là cái gì đó “không nhìn thấy” nên tổng thanh tra CSVN kêu “Đánh giá tình hình tham nhũng hết sức khó khăn, trừu tượng”.

Nhiều báo lớn tại Việt Nam tường thuật cuộc họp chất vấn ông tổng thanh tra chính phủ Lê Minh Khái ở Quốc hội CSVN hôm Thứ Hai mùng 9 Tháng Mười Một về “tình trạng công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp”.

Trong đó, ông đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, “ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội”, hỏi ông Khái rằng “Ai phải chịu trách nhiệm về việc xảy ra tình trạng này và Tổng thanh tra Chính phủ có trách nhiệm gì, có biện pháp ngăn chặn tình trạng nêu trên?”

Theo tường thuật trên tờ Thanh Niên cũng như một số báo khác, ông Lê Minh Khái nói trách nhiệm để xảy ra tham nhũng là “người đứng đầu cơ quan, lãnh vực để xảy ra nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân”.

Ông Khái trong khi khoe rằng tình trạng tham nhũng “đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm” như ông từng khoe cách đây mấy tuần lễ. Tuy nhiên ông lại nói rằng việc đánh giá tình hình tham nhũng “hết sức khó khăn, mang tính trừu tượng”.

Trước đó, ngày 26 Tháng Mười, ông Khái báo cáo với quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Theo ông này, “cơ quan điều tra trong Công An đã thụ lý điều tra 531 vụ án với 1,245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ năm 2019).” Tờ Lao Động tường thuật.

Tuy nêu ra số vụ việc khởi tố các vụ án tham nhũng gia tăng nhưng ông Khái vẫn khoe tham nhũng “từng bước được đẩy lùi”.

Để đối phó với tham nhũng, các cơ quan ban bệ, bộ ngành, nhà nước CSVN từ trên xuống tới địa phương đều có các bộ phận thanh tra. Tuy nhiên, hầu hết đều không thấy có những báo cáo công khai về kết quả thanh tra địa phương. Thỉnh thoảng, người ta từng thấy một số địa phương lớn đầy quan tham nhũng bị khởi tố như Hà Nội, Sài Gòn, có những báo cáo đăng tải trên mặt báo “không phát hiện tham nhũng”.

Chỉ đánh hàng chữ “tham nhũng được đẩy lùi” trên mạng tìm kiếm Google, người ta thấy rất nhiều bản tin tuyên truyền của chế độ Hà Nội ở tất cả mọi cấp. (Hình: NV cắt từ màn hình)

Tháng Bảy vừa qua, cựu phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng Bộ Xây dựng CSVN tên Nguyễn Thị Kim Anh cùng ba cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng bị khởi tố về vụ ăn hối lộ nhiều tỉ đồng khi đi thanh tra tại huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc Tháng Sáu 2019. Tháng Tư 2020, có 5 quan thanh tra của tỉnh Thanh Hóa bị khởi tố về tội “nhận hối lộ” của “người bị thanh tra”.

Ngoài bộ phận thanh tra, chế độ Hà Nội còn có “Kiểm toán nhà nước” để đối phó với tham nhũng. Sâu mọt nằm ngay trong cơ quan thanh tra của nhà nước nên ông Lê Minh Khái nhìn không thấy tham nhũng cũng là điều dễ hiểu.

Cán bộ, đảng viên CSVN từ cấp trưởng phòng trở lên phải báo cáo hàng năm về thu nhập, tài sản cá nhân nhằm chống tham nhũng. Tuy nhiên, bản kê khai chỉ có tính cách nội bộ mà không công khai cho quần chúng biết để tố cáo.(TN)

Lũ rút đến đâu cảnh hoang tàn ở Quảng Nam, Bình Định lộ ra đến đó

 QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Ảnh hưởng của cơn bão số 9 và số 10, mưa lớn tiếp tục trong những ngày qua, hai tỉnh Bình Định và Quảng Nam, bị thiệt hại nặng nề và có rất nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng.

Báo Lao Động ngày 9 Tháng Mười Một, dẫn kết quả nghiên cứu của Viện Khoa Học Thủy Lợi Miền Trung – Tây Nguyên cho biết tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề về mưa bão, đặc biệt hàng loạt vụ sạt lở đã làm nhiều người tử vong và mất tích.

Một số ngôi nhà ở thôn 2, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, bị sạt lở làm hư hỏng nặng. (Hình: Lệ Hằng/Tuổi Trẻ)

Hiện huyện Nam Trà My còn 15 điểm “nguy cơ cao sạt trượt” tập trung tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, Trà Don… Trong khi huyện Bắc Trà My có đến khoảng 30 điểm “nguy cơ cao” tập trung tại thị trấn Trà My, xã Trà Bui, Trà Sơn, Trà Giáp, Trà Giác.

Tại huyện Phước Sơn, còn khoảng 13 điểm “nguy cơ cao” tập trung tại thị trấn Khâm Đức, xã Phước Lộc, xã Phước Thành, Phước Xuân… Riêng huyện Tây Giang, có một điểm nguy cơ sạt trượt tại các xã A Tiêng, A Vương, Ch’ơm, Lăng, Dang, Bhale…

Ông Trần Huy Dũng, chủ tịch huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cho hay sau bão số 9 và bị ảnh hưởng của bão số 10 vừa qua, mưa lớn xuất hiện trong huyện khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt đường vào xã Trà Leng có nhiều điểm sạt lở và chưa lưu thông được.

Đáng nói, mưa lớn đã cuốn trôi hoàn toàn bốn căn nhà và gây hư hỏng cấu trúc, hư hỏng nặng 10 căn nhà và sạt lở một điểm trường tại thôn 2, xã Trà Leng.

“Trước mắt đã di dời các gia đình ở nơi có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Riêng xã Trà Leng sẽ tìm bố trí lại 54 gia đình,” ông Dũng cho biết.

Tương tự, mưa lớn trong những ngày qua khiến tuyến đường độc đạo lên các xã huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, bị sạt lở nghiêm trọng.

Hôm 8 Tháng Mười Một, ông Bùi Tấn Thành, phó chủ tịch huyện Vĩnh Thạnh, cho biết xã Vĩnh Kim có khoảng 30 điểm sạt lở lớn nhỏ. Xã có 600 gia đình với hơn 2,000 người, trong đó khoảng 30 hộ nằm trong diện nguy cơ sạt lở.

Theo đánh giá của ông Hồ Quốc Dũng, bí thư kiêm chủ tịch tỉnh Bình Định, việc sạt lở do lũ ống, lũ quét là một hiện tượng “chưa từng xảy ra ở huyện miền núi này.”

Nhiều tuyến đường ở huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, bị sạt lở vào sáng 8 Tháng Mười Một. (Hình: Bảo Thoa/Thanh Niên)

Cũng theo ông Dũng, tuy không có thiệt hại về người, nhưng về lâu dài phải tính phương án di tản các gia đình ra khỏi khu vực nguy hiểm ven núi.

“Nếu hiện tượng này đã xảy ra một lần, thì có thể sẽ còn xảy ra nhiều lần nữa,” ông Dũng nhận định.

Theo báo Thanh Niên, Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Bình Định, cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh nên từ chiều 9 đến ngày 12 Tháng Mười Một, khu vực tỉnh Bình Định có mưa to đến rất to. Do đó, “nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.” Cụ thể như huyện An Lão, huyện Hoài Ân, thị xã Hoài Nhơn và huyện Vĩnh Thạnh. (Tr.N)

Công an CSVN bao che cho nhau trong vụ ‘thử súng làm chết người’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hơn một tuần sau vụ anh Nguyễn Đức Anh, 21 tuổi, một sinh viên, bị thiệt mạng do trúng đạn, nghi can trong vụ này là Trung Úy Công An Nguyễn Xuân Tính mới bị tạm giam và khởi tố hôm 8 Tháng Mười Một.

Theo Bộ Công An CSVN, ông Nguyễn Xuân Tính, 29 tuổi, công tác tại công an huyện Phúc Thọ.

Nơi nạn nhân trúng đạn (dấu X) cách vị trí ông Nguyễn Xuân Tính được cho là “thử súng” hơn 30 mét. (Hình: Hoàng Lam/Zing)

Đáng lưu ý, các báo nhà nước khi đưa tin vụ này đều theo mô tuýp: “Ông Tính khai mua súng hơi trên mạng xã hội để bắn chim. Khuya 30 Tháng Mười, ông mang vũ khí ra quán nước ở ngõ 26 Võ Văn Dũng, quận Đống Đa, để dùng thử. Ông Tính không biết bên trong súng còn đạn nên gây ra vụ nổ khiến viên đạn găm trúng tim anh Đức Anh khi nạn nhân đứng cách đó hơn 30 mét.”

“Kịch bản” nêu trên được Bộ Công An CSVN cung cấp để các báo đăng tải.

Ông Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công An CSVN được báo Zing dẫn lời: “Căn cứ các quy định pháp luật, Công An thành phố Hà Nội đã tước quân tịch đối với Trung Úy Nguyễn Xuân Tính.” Trong một bài báo khác, ông Xô nhấn mạnh rằng nạn nhân và người thử súng “không có mâu thuẫn, không quen biết nhau.”

Báo Zing cũng dẫn nhận định của Luật Sư Đặng Văn Cường rằng với cáo buộc hành vi “Vô ý làm chết người,” ông Tính có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù một đến năm năm, theo Điều 128 Bộ Luật Hình Sự CSVN.

Gần như chỉ có báo VTC News dẫn lời người nhà anh Đức Anh nhưng không nêu danh tánh người này: “Lúc đó tôi đang trong nhà nghe thấy Đức Anh kêu lên một tiếng rồi ngã xuống nên lập tức chạy ra và đỡ anh dậy. Máu từ mũi và mồm anh cứ trào ra, không nói được gì rồi anh rơi vào trạng thái bất tỉnh. Thấy vậy, tôi kêu cứu thì có một người đàn ông [theo tường thuật của báo nhà nước là ông Nguyễn Xuân Tính] chạy ra đỡ Đức Anh lên cùng tôi và đưa đi cấp cứu trước sự chứng kiến của hàng xóm xung quanh.”

“Do vết thương của Đức Anh rất nặng nên khi được đưa đến bệnh viện bác sĩ nói mạch đã ngừng đập. Qua khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định vết đạn bắn từ sườn phải xuyên vào tim khiến nạn nhân thiệt mạng.”

Vụ án này gây tranh cãi trên mạng xã hội về chi tiết ông Nguyễn Xuân Tính là công an mà lại không biết súng có đạn hay không, trong lúc đem “thử súng” vào ban đêm.

Facebooker Hoàng Dũng nêu suy đoán về yếu tố mâu thuẫn tình ái trong vụ công an “thử súng” trên trang cá nhân: “Trung Úy Công An Nguyễn Xuân Tính sử dụng súng hơi nén bắn chết tình địch Nguyễn Đức Anh khi Anh đang đứng chờ bạn gái trước cửa nhà cô này. Tối 30 Tháng Mười, Tính đứng rình cách Anh khoảng 30 mét và khi Anh ngồi xuống Tính đã bắn Anh vào sườn. Anh chết.”

Một số Facebooker khác thì liên tưởng vụ này với vụ công an được cho là ngụy tạo bằng chứng ông Lê Đình Kình “đến chết vẫn cầm trong tay hai quả lựu đạn” trong vụ tấn công võ trang ở Đồng Tâm hôm 9 Tháng Giêng.

Việc báo nhà nước thường xuyên đăng bài “tạo hình ảnh đẹp” cho ngành công an khiến công luận ngày càng hoài nghi về bản chất của các vụ án mà công an là nghi can.

Anh Nguyễn Đức Anh trước lúc bị trúng đạn. (Hình: VTC News)

Hồi giữa Tháng Mười, báo điện tử Chính Phủ dẫn lời Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc: “Tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng Bộ Công An Trung Ương ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, phải giữ vững và mài sắc hơn ‘thanh bảo kiếm’ bảo vệ đảng, tổ quốc, nhà nước và nhân dân.” Phát ngôn của ông Phúc vô hình trung cho thấy ông này chỉ thị công an bảo vệ an ninh của người dân là thứ yếu, được xếp sau mục tiêu tối thượng là bảo vệ nhà cầm quyền. (N.H.K) [kn]

Thủ tục hành chính tại xứ CSVN xưa nay vẫn ‘hành là chính’

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền CSVN từng cam kết giản dị thủ tục hành chính nhưng trên thực tế, vẫn chỉ “hành là chính” chứ không hết phiền hà.

Tờ Dân Trí hôm Chủ Nhật, 8 Tháng Mười Một viết rằng “Trong khi các ngành các cấp đang tuyên bố nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thì trên thực tế, doanh nghiệp vẫn phải “toát mồ hồi” vì thủ tục còn mang tính “hành là chính.”

Nguồn tin trên dẫn tin tức từ hội nghị “Những điểm mới và các lưu ý cho doanh nghiệp về Luật Đầu Tư 2020, Luật Doanh Nghiệp 2020,” trong đó, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (tên tắt là VCCI) cho biết, trong 5 năm qua, cơ quan này đã liên tục làm các khảo sát đối với các doanh nghiệp.

“Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế phí và bảo hiểm xã hội là những lĩnh vực có thủ tục hành chính phiền hà nhất,” tờ Dân Trí thuật lời ông Tuấn: “Nhiều lĩnh vực khác cũng có thủ tục hành chính phiền hà như: bảo vệ môi trường, phòng cháy, quản lý thị trường, thanh toán qua kho bạc…”

Nói chung, theo ông Tuấn, “thủ tục mà doanh nghiệp phải thực hiện trên thực tiễn không hề giống với trên giấy tờ. Doanh nghiệp phải thực hiện nhiều khâu hơn, phức tạp hơn, vòng vèo hơn và nhiều rủi ro hơn.”

Ngày 27 Tháng Năm, 2020, tờ Thời Báo Tài Chính của Bộ Tài Chính CSVN dẫn lời phàn nàn của ông Cấn Văn Lực, một chuyên viên kinh tế, kêu rằng “chi phí cơ hội” và “chi phí không chính thức” là chi phí quan trọng, tác động mạnh tới doanh nghiệp. Nếu thủ tục hành chính nặng nề thì doanh nghiệp sẽ mất cơ hội kinh doanh.”

Hàng ngàn người xếp hàng rồng rắn trên đường phố Hà Nội chờ nộp hồ sơ thi tuyển làm nhân viên Sở thuế địa phương. “Lương” thì ít nhưng có cơ hội kiếm được “bổng” thì sẽ đổi đời. (Hình: VNExpress)

Nhằm giản dị hóa thủ tục hành chính, từ nhiều năm trước, chế độ Hà Nội từng đề ra nguyên tắc “một cửa” tức người dân không phải “chạy” từ cơ quan này sang cơ quan khác cho một vụ việc giấy tờ. Ngày 11 Tháng Ba, 2020, tờ Pháp Luật thành phố tường thuật một hội nghị tại Sài Gòn dẫn lời kêu ca của dân địa phương rằng, tuy gọi là “một cửa” nhưng lại có “nhiều khóa.” Quan quyền nhà nước hạch sách đủ kiểu, kéo dài thời gian cấp phép không ngoài mục đích vòi vĩnh “quà cáp.”

Các nhà tài trợ quốc tế từng thúc hối CSVN cải cách hành chính. Mười hai năm trước, ngày 30 Tháng Mười, 2008, tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam thuật lời ông Ngô Hải Phan, phó vụ trưởng Vụ Tổ Chức Hành Chính Nhà Nước và Công Vụ thuộc Văn Phòng Chính Phủ cho rằng “nếu giảm 40% các quy định thủ tục hành chánh thì có thể tiết kiệm cho dân và doanh nghiệp 12,000 đến 30,000 tỷ đồng.”

Trước đó, nhà cầm quyền trung ương CSVN ra “Quyết định số 07 vào Tháng Giêng, 2008 phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề Án 30, trong đó quy định thành lập một số tổ chức đóng vai trò chủ chốt trong việc triển khai các hoạt động cải cách. Trong đó có Hội Ðồng Tư Vấn cải cách thủ tục hành chính. Cơ cấu của Hội Ðồng có đại diện các hiệp hội ngành hàng.”

Bây giờ, tức 12 năm sau, vẫn thấy còn nguyên những lời kêu ca về cái guồng máy “hành là chính.” (TN) [kn]

Nhận thức – loay hoay hoài vẫn chưa ra!




Mỹ Thuận – (VNTB) – Từ báo cáo kinh tế Đại hội XII, đến Nghị quyết 11/2011, đến dự thảo báo cáo kinh tế đại hội XIII cho thấy, “nhận thức” đang là vấn đề.

Sẽ cần thêm 10 năm nữa để đến 2030 những nhà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam mới hoàn thiện nhận thức để hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Dự thảo báo cáo kinh tế Đại hội XIII đánh giá: “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi”.

Báo cáo kinh tế của Đại hội XII từng lý giải những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, trong đó nguyên nhân chủ quan chính là “nhận thức”:

“Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, thị trường quyền sử dụng đất, quản lý giá cả, phân bổ nguồn lực, cơ chế cung ứng dịch vụ công, giá dịch vụ trong giáo dục, y tế,… chưa đủ rõ, còn khác nhau, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Vì vậy, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách và trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường nên hiệu quả chưa cao, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển”.

Dự thảo báo cáo kinh tế của Đại hội XIII lại một lần nữa thừa nhận vấn đề “nhận thức”:

”Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở một số nội dung còn chưa thực sự sâu sắc, thống nhất, nhất là vấn đề quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, sở hữu đất đai, phân bổ nguồn lực, mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và bền vững, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân… Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ, hiện đại, hội nhập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển”.

Từ đó, dự thảo cho rằng việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “đột phá chiến lược”… trong giai đoạn 10 năm tới:

“Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ.

Huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành”.

Tóm tắt, cả hai đoạn văn kiện cách nhau 5 năm, với câu từ, ngữ nghĩa gần như na ná nhau, và đều chung hứa hẹn là trong thời gian tới sẽ có câu trả lời rõ ràng, thế nào là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở một quốc gia đơn đảng như Việt Nam.

Chờ đợi – chờ đợi, và lại chờ đợi.

Trong thời gian đang có hứa hẹn ‘chung cuộc’ vào năm 2030, có lẽ những vị quan chức chuyên hoạch định chính sách thế nào là ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’, cần trả lời ngay hôm nay về những câu hỏi thời sự:

Trên nghị trường Quốc hội, từ ngày 3 đến 6/11, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Không biết các vị kể tên ở trên có cảm xúc gì khi nhìn cảnh những ngôi nhà sụp đổ, đồ đạc bị nước cuốn trôi, cảnh cả một ngôi làng bị xoá sổ, cảnh những xác người chìm lấp trong bùn đất, cảnh những con người gào khóc tìm thân nhân, gỗ trôi lấp kín mặt sông…?

Thưa các vị, trong số những người đã chết trong đợt lũ lụt vừa rồi có cả những sĩ quan, chiến sĩ Quân khu 4 – chết vì bão lũ, hy sinh trong lúc tham gia cứu hộ nạn nhân. về nguyên nhân lũ lụt, sạt lở kinh hoàng trong những ngày qua ở miền Trung cũng như trách nhiệm quản lý của từng bộ trưởng.

Nếu không được lý giải đầy đủ và có trách nhiệm, người dân sẽ không hiểu sự khác nhau giữa một cái đập thủy điện và một hồ thủy điện; sẽ khó thông được khả năng giữ đất, giữ nước, chắn gió, chắn sóng của một cánh rừng tự nhiên và một cánh “rừng” keo (thường sẽ được khai thác sau 6 hoặc 7 năm) hay “rừng” cao su (20-25 năm) dù có thể trên báo cáo, nhiều héc-ta cây trồng ấy cũng được gọi là rừng.

Tương tự, người đang đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam cần trả lời mỗi một thắc mắc thôi: Những căn cứ khoa học nào cho thấy đến năm 2030, Việt Nam sẽ có câu trả lời mạch lạc rằng thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa? Tính tương thích của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế chung toàn cầu vào năm 2030 sẽ ra sao?

Đàn T´rưng gảy tai…hai bộ trưởng

 

 

Chu Mộng Long|

Qua tranh luận của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp với hai Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tôi khẳng định cả hai ông Bộ trưởng đều không hiểu gì về rừng và tài nguyên môi trường.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hết quy trách nhiệm phá rừng cho đế quốc Mỹ đến tự ngợi ca cả hệ thống chính trị đã phát triển rừng vượt mức so với thế giới. Trong khi Bộ trưởng Trần Hồng Hà thì vòng vo bao che cho thuỷ điện, rằng thuỷ điện không phá rừng mà do con người, rằng chính con người dùng toàn đồ gỗ và động vật hoang dã nên mất rừng.

Cãi với ông Cường thì thật phí công cho đại biểu Ksor H’Bơ Khăp. Ông Cường có học thêm toàn bộ chương trình phổ thông của ông Thuyết, ông Thống cũng không hiểu được rừng không chỉ có cây mà còn có động vật hoang dã, không phải một loài cây bạch đàn, keo, cao su… mà còn phải đa dạng sinh thái.

Riêng ông Trần Hồng Hà thì không biết một con sông miền Trung có bao nhiêu thuỷ điện mà phá bao nhiêu ha rừng. Ông có lơ mơ hiểu rừng không chỉ có cây mà còn có động vật hoang dã, nhưng khi quy tội cho con người “nhà dùng toàn đồ gỗ và động vật hoang dã” thì ông nói chung chung, hàm ý chỉ trích dân, trong khi lẽ ra ông phải thấy nhà ông nào bà nào đủ quyền và tiền để dùng hàng tấn gỗ và các loại động vật quý hiếm. Và trách nhiệm của cơ quan quản lý để đâu khi thừa biết nhà người ta dùng toàn gỗ và động vật quý hiểm làm tan nát cả núi rừng? Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp có vặn lại mấy lần nữa câu hỏi của mình, tôi tin chắc ông Hà cũng không thể trả lời được.

Khi nghe đại biểu Ksor H’Bơ Khăp nói và nhìn hai ông Bộ trưởng với đôi tai cứ rung lắc theo đôi vai của hai ông mà thấy tiếc cho tiếng đàn T’rưng vang lên giữa nghị trường.

Thôi thì tai Bộ trưởng không nghe được thì còn có tai dân nghe. Cảm ơn đại biểu Ksor H’Bơ Khăp đã truy vấn đến nơi đến chốn về rừng. Và cảm ơn cả hai nữ đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Đặng Thị Phương Thảo khi chất vấn về sách giáo khoa.

Chợt ngó sang các đại biểu nam mới thấy thảm hại làm sao! Ở Việt Nam, nếu dân được bầu Tổng thống, cả ba đại biểu nữ này mới thật xứng đáng chứ không phải Trump hay Biden tận bên nước Mỹ./.

Chu Mộng Long

Nhục quốc thể!!

 


Ngô Trường An|

Nghe ông bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói: “rừng VN mất ngày nay là do Mỹ rải chất độc hóa học”. Chẳng biết ông Cường sinh ra ở đâu, lớn lên ở đâu mà không biết, rừng tàn tạ đến ngày hôm nay là do các chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước gây ra?

Trong bài viết này tôi sẽ chỉ ra các chủ trương của nhà nước gây ra nạn phá rừng hàng loạt, để cho ông Cường thấy. Tất nhiên, tôi không dám nói các chủ trương của đảng, nhà nước về các dự án phát triển kinh tế, phát triển năng lượng này là sai. Nhưng chính chủ trương đó đã gây ra nạn mất rừng là hoàn toàn đúng.

Sau ngày đất nước thống nhất lãnh thổ, đảng đưa ra chủ trương huy động các hộ dân ở vùng đồng bằng, thành phố đưa lên rừng xây dựng vùng kinh tế mới. Thế là hàng triệu con người thay nhau phát rẫy, đốt rừng để lấy đất canh tác. Điều này gây ra nạn phá rừng hàng loạt. Đúng chưa?

Tiếp đến là chủ trương xuất khẩu gỗ sang Đông Âu, Liên Xô để đổi lấy lương thực, xăng dầu, nhựa đường, xe cơ giới…. Vậy, xuất khẩu gỗ là đã phá rừng rồi, được chưa?

Chủ trương cải tiến xe chạy xăng dầu qua chạy bằng than trong thập niên 80 thế kỷ trước. Chủ trương này kích thích người dân lên rừng chặt gỗ đốt than về bán cho các nhà xe. Điều này có góp phần phá rừng không?

Chủ trương chuyển đổi thanh tà vẹt (thanh ngang đỡ đường ray tàu hỏa) bằng sắt của Pháp thay vào đó bằng gỗ. Khoảng từ năm 1980 chẳng hiểu vì lý do gì mà cục đường sắt thu hồi các thanh tà vẹt bằng sắt của Pháp thay vào đó toàn bộ bằng gỗ. Các vị hình dung 1 thanh gỗ 0.25*0.25*1.5 với khoản cách 1m/thanh gỗ, chạy dài hàng nghìn km như thế. Hỏi phải phá hết bao nhiêu rừng?

Chủ trương cho quân đội làm kinh tế. Tôi nhớ năm 1983 đến thăm thằng em đi bộ đội ở Đaklak. Đi từ QL 19 vô đến lán trại đơn vị nó khoảng hơn 20 km. Trời ạ! Hai bên đường có hàng trăm máy ủi, họ đào, họ ủi, đẩy ngã không biết bao là gỗ quý dồn đống rồi đốt để lấy đất trồng cà phê. Phải nói, đây là cách làm kinh tế tồi tệ nhất trong các chủ trương của nhà nước.

Chủ trương cho phép khai thác vàng sa khoáng. Giữa thập niên 80, nhà nước cấp phép cho các doanh nghiệp được quyền khai thác vàng sa khoáng. Thế là hàng trăm máy ủi, máy xúc, hàng tấn thuốc nổ được đưa lên rừng cày xới tìm vàng ở các ngọn đồi, giòng sông, khe suối. Chủ trương này gây ra nạn phá rừng một cách bừa bãi, khủng khiếp chưa từng thấy!

Rồi thì các dự án Thủy Lợi, Thủy Điện. Dự án khu du lịch sinh thái, khu du lịch tâm linh…. các hình thái này không những phá rừng trên diện rộng, mà còn cạo trọc núi đồi để lấy mặt bằng xây dựng….

Vẫn biết, đổ lỗi cho kẻ khác là nghề của các quan chức nhà ta. Nhưng với tư cách bộ trưởng của 1 quốc gia có tầm ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới. Ông Cường có nghĩ rằng, lời nói ở chốn nghị trường của ông hôm nay, sẽ được các ký giả quốc tế ghi lại và phát qua nhiều ngôn ngữ khác nhau để lan tỏa khắp thế giới không?

Những chuyện cỏn con cũng không che được đôi mắt soi mói của các ký giả quốc tế. Huống chi rừng Việt Nam ngày nay điêu tàn như vậy, vô lẽ họ không biết do ai gây ra sao? Ông là chính khách mà phát ngôn bừa bãi, đổ lỗi cho nước ngoài như này thì thiệt là, nhục quốc thể quá đi ạ!

Dòng giống Rồng Tiên quen trên mây?

 


Nguyen Khan|

Chỉ khi nào gặp họa ngoại xâm, con Lạc cháu Hồng mới trở về mặt đất.

Và mỗi khi dân tộc tôi trở về mặt đất, tất cả đều chung lòng tạo thành một sức mạnh vô song bảo vệ nền độc lập đất nước, trở thành một trong hai dân tộc đặc biệt trên thế giới, Việt Nam và Israel, hai dân tộc không thể bị khuất phục.

Nếu Israel mất hai ngàn năm để phục quốc, gần hai ngàn lần hẹn nhau “năm tới gặp nhau ở Jerusalem”, để rồi hết lần này đến lần khác lỗi hẹn, lỗi hẹn gần hai thiên niên kỷ, một thời gian quá lâu để “thế gian biến đổi vũng nên đồi”, để hàng ngàn loài trên Trái Đất tuyệt chủng, nhưng lời hẹn của người Israel không những không phai nhạt, mà còn hun đúc ngày càng mãnh liệt hơn cho đến ngày phục quốc.

Từ ngày phục quốc đến nay, người Israel không một ngày bình yên bởi thế giới Ả Rập khổng lồ bao quanh luôn tìm mọi cách đánh cướp đất nước của họ.

Nhưng nhờ họ đi trên mặt đất, hướng niềm tin vào Thiên Chúa của họ trên cao, nên họ đã xây dựng được một đất nước phú cường, thừa sức chống trả mọi kẻ thù xâm lược.

Từ ngày phục quốc đến nay, người Israel không một ngày bình yên bởi thế giới Ả Rập khổng lồ bao quanh luôn tìm mọi cách đánh cướp đất nước của họ.

Nhưng nhờ họ đi trên mặt đất, hướng niềm tin vào Thiên Chúa của họ trên cao, nên họ đã xây dựng được một đất nước phú cường, thừa sức chống trả mọi kẻ thù xâm lược.

Sai. Nhưng mà… đúng?


Thao Ngoc

Pháp luật không thuần túy là công cụ để nhà nước quản lý xã hội, mà quan trọng hơn, pháp luật là chuẩn mực cho mọi hành vi trong xã hội; hay nói cho đúng bản chất, pháp luật đã và đang thể hiện đúng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ và bảo vệ quyền công dân trong xã hội.

Ý nghĩa của pháp luật quan trọng như thế. Vậy mà ngay trong xã hội VN hiện nay, nơi được cho là xứ thiên đường, lại đang diễn ra một trường hợp hy hữu dở khóc dở cười. Trong trường hợp này, pháp luật bị cho ra rìa, pháp luật không được cho là chuẩn mực để bảo vệ quyền công dân.

Đó là trường hợp Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), là cơ quan chủ quản của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ĐHTĐT), đã chà đạp lên pháp luật, khi họ dùng luật rừng để cách chức thầy Hiệu trưởng của trường này là ông Lê Vinh Danh.

Sau khi sự việc xảy ra, đã gây nên cuộc tranh luận nảy lửa trên báo chí và trong dư luận xã hội. Rằng việc TLĐLĐVN cách chức hiệu trưởng của thầy Lê Vinh Danh là đúng hay sai.

Sự việc căng thẳng và được đẩy lên đỉnh điểm, và đã “nhảy” vào Nghị trường QH, gây ra một cuộc tranh luận mà báo chí cho là “nảy lửa”.

Báo Tuổi Trẻ ra ngày 6/11/2020 có bài: “Tranh luận nảy lửa vụ kỷ luật hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng”.

Theo đó: “Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc xử lý kỷ luật hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng là sai nhưng trong trường hợp đặc biệt; còn đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải xem xét lại và thực hiện đúng quy định Luật Giáo dục đại học”.

Tại cuộc họp sáng 6/11 này, ĐBQH Lê Thanh Vân đặt câu hỏi về việc TLĐLĐVN cách chức hiệu trưởng TĐHTĐT, là đúng hay sai về mặt thẩm quyền?

Khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đứng lên trả lời được vài ba câu, thì bà Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, vốn đã biết “tính nết” của ngài PTT là hay dài dòng mà không đi vào nội dung câu hỏi, nên đã nhắc nhở rằng, bây giờ Phó Thủ tướng chỉ cần trả lời thẳng là việc này đúng hay không mà thôi.

Sau khi thừa nhận việc TLĐLĐVN cách chức Hiệu trưởng Trường ĐHTĐT, theo Luật Giáo dục là sai, thì ngài PTT đã để “lòi đuôi” ra, khi nói rằng, đây là trường hợp đặc thù, vì TĐHTĐT chưa có Hội đồng trường.

Ngài PTT lý giải việc tại sao TĐHTĐT chưa có Hội đồng trường, là do những lý do chủ quan và khách quan. Vậy có thể hiệu việc TLĐLĐVN không kiện toàn Hội đồng trường là nhằm mục đích để cho TLĐLĐVN có lý do để cách chức Hiệu trưởng Lê Vinh Danh.

Điều đáng khen của ngài PTT là đã thừa nhận Hội đồng trường là cơ quan quyền lực của trường. Các chức danh của trường là phải do Hội đồng trường quyết. Nhưng đây là trường hợp đặc thù.

Sau khi PTT Vũ Đức Đam trả lời xong, và được bà CTQH khen tốt, thì ĐBQH Lê Thanh Vân lại lên tiếng và dồn ngài PTT vào “chân tường”.

Ở đây cũng cần phê bình ĐBQH Lê Thanh Vân là “vuốt mặt không nể mũi”, và phải “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Vì ngài PTT Vũ Đức Đam chỉ có bằng TS Kinh tế, chứ không có bằng TS Luật như ông. Do đó khi bắt một người thợ chữa đồng hồ đi khám bệnh như một bác sĩ, thì làm sao tìm ra bệnh?

ĐBQH Lê Thanh Vân đã cho điểm câu trả lời của ngài PTT chỉ đúng một nửa.

Là áp dụng theo Luật Giáo dục, thì việc TLĐLĐVN cách chức Hiệu trưởng TĐHTĐT là sai. TLĐLĐVN chỉ có quyền xử lý viên chức do mình quản lý. Còn chức danh Hiệu trưởng phải áp dụng theo Luật Giáo dục. Vậy khi TĐHTĐT chưa có Hội đồng trường thì chức danh Hiệu trưởng đó chưa bị bãi nhiệm, chưa bị cách chức.

(https://vtv.vn/…/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-tra-loi-chat…)

Vậy có thể hiểu “Trường hợp đặc biệt” theo ý ngài PTT là người ta có áp dụng luật để giải quyết mọi vấn đề hay không là tùy. Khi không thích thì người ta không áp dụng luật. Và cứ đổ cho là “Trường hợp đặc thù” là xong.

Hèn chi mà ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương đã phán một câu xanh rờn: “Pháp luật VN muốn xử kiểu gì cũng được”.

Hèn chi mà Luật sư Ngô Bá Thành, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội các khoá VI, VII, VIII và X, nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, có một câu nói nổi tiếng: “Ở VN có một rừng luật, nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng”.

Và việc TLĐLĐVN xử lý Hiệu trưởng Trường ĐHTĐT, theo ý của ngài PPT Vũ Đức Đam, là “Vừa sai vừa đúng”?

Có lẽ đã đến lúc nên đưa danh hài Công Lý làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hoặc Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội thì hợp lý hơn./.

Sau khi sự việc xảy ra, đã gây nên cuộc tranh luận nảy lửa trên báo chí và trong dư luận xã hội. Rằng việc TLĐLĐVN cách chức hiệu trưởng của thầy Lê Vinh Danh là đúng hay sai.

Sự việc căng thẳng và được đẩy lên đỉnh điểm, và đã “nhảy” vào Nghị trường QH, gây ra một cuộc tranh luận mà báo chí cho là “nảy lửa”.

Báo Tuổi Trẻ ra ngày 6/11/2020 có bài: “Tranh luận nảy lửa vụ kỷ luật hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng”.

Theo đó: “Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc xử lý kỷ luật hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng là sai nhưng trong trường hợp đặc biệt; còn đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải xem xét lại và thực hiện đúng quy định Luật Giáo dục đại học”.

Tại cuộc họp sáng 6/11 này, ĐBQH Lê Thanh Vân đặt câu hỏi về việc TLĐLĐVN cách chức hiệu trưởng TĐHTĐT, là đúng hay sai về mặt thẩm quyền?

Khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đứng lên trả lời được vài ba câu, thì bà Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, vốn đã biết “tính nết” của ngài PTT là hay dài dòng mà không đi vào nội dung câu hỏi, nên đã nhắc nhở rằng, bây giờ Phó Thủ tướng chỉ cần trả lời thẳng là việc này đúng hay không mà thôi.

Sau khi thừa nhận việc TLĐLĐVN cách chức Hiệu trưởng Trường ĐHTĐT, theo Luật Giáo dục là sai, thì ngài PTT đã để “lòi đuôi” ra, khi nói rằng, đây là trường hợp đặc thù, vì TĐHTĐT chưa có Hội đồng trường.

Ngài PTT lý giải việc tại sao TĐHTĐT chưa có Hội đồng trường, là do những lý do chủ quan và khách quan. Vậy có thể hiệu việc TLĐLĐVN không kiện toàn Hội đồng trường là nhằm mục đích để cho TLĐLĐVN có lý do để cách chức Hiệu trưởng Lê Vinh Danh.

Điều đáng khen của ngài PTT là đã thừa nhận Hội đồng trường là cơ quan quyền lực của trường. Các chức danh của trường là phải do Hội đồng trường quyết. Nhưng đây là trường hợp đặc thù.

Sau khi PTT Vũ Đức Đam trả lời xong, và được bà CTQH khen tốt, thì ĐBQH Lê Thanh Vân lại lên tiếng và dồn ngài PTT vào “chân tường”.

Ở đây cũng cần phê bình ĐBQH Lê Thanh Vân là “vuốt mặt không nể mũi”, và phải “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Vì ngài PTT Vũ Đức Đam chỉ có bằng TS Kinh tế, chứ không có bằng TS Luật như ông. Do đó khi bắt một người thợ chữa đồng hồ đi khám bệnh như một bác sĩ, thì làm sao tìm ra bệnh?

ĐBQH Lê Thanh Vân đã cho điểm câu trả lời của ngài PTT chỉ đúng một nửa.

Là áp dụng theo Luật Giáo dục, thì việc TLĐLĐVN cách chức Hiệu trưởng TĐHTĐT là sai. TLĐLĐVN chỉ có quyền xử lý viên chức do mình quản lý. Còn chức danh Hiệu trưởng phải áp dụng theo Luật Giáo dục. Vậy khi TĐHTĐT chưa có Hội đồng trường thì chức danh Hiệu trưởng đó chưa bị bãi nhiệm, chưa bị cách chức.

(https://vtv.vn/…/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-tra-loi-chat…)

Vậy có thể hiểu “Trường hợp đặc biệt” theo ý ngài PTT là người ta có áp dụng luật để giải quyết mọi vấn đề hay không là tùy. Khi không thích thì người ta không áp dụng luật. Và cứ đổ cho là “Trường hợp đặc thù” là xong.

Hèn chi mà ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương đã phán một câu xanh rờn: “Pháp luật VN muốn xử kiểu gì cũng được”.

Hèn chi mà Luật sư Ngô Bá Thành, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội các khoá VI, VII, VIII và X, nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, có một câu nói nổi tiếng: “Ở VN có một rừng luật, nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng”.

Và việc TLĐLĐVN xử lý Hiệu trưởng Trường ĐHTĐT, theo ý của ngài PPT Vũ Đức Đam, là “Vừa sai vừa đúng”?

Có lẽ đã đến lúc nên đưa danh hài Công Lý làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hoặc Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội thì hợp lý hơn./.