Vũ Đông Hà (Danlambao) - Sau ngày im lặng 2/9 bạn viết cho tôi. Đó là những tâm sự nặng trĩu mối quan tâm nằm giữa nỗi buồn bã của một người đau đáu trước tương lai đen tối và vận mạng chỉ mành treo chuông của dân tộc. Và bạn kết: "Trách nhiệm thuộc về quốc nội. Nếu người dân trong nước vẫn hèn nhát, thờ ơ thì nước sẽ mất vào tay Tàu, họ và con cháu họ sẽ sống đời nô lệ của một công dân hạng hai như người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ. Mất Tổ quốc, mất danh dự giống nòi và mất đi niềm tự hào 4000 năm lịch sử."
Tâm sự của bạn làm tôi tự hỏi: Chẳng lẽ chỉ cần bước chân ra khỏi đất Mẹ thân yêu là Tổ quốc - Danh dự - Trách nhiệm không còn thuộc về mình? Chỉ cần bước qua lằn ranh biên giới là chúng ta có thể cho mình một chỗ đứng tự tại để vọng về với đồng bào lời khuyên răn: hãy đứng lên, thà hy sinh, thà chết còn hơn là để tà quyền Việt gian và quân xâm lược Tàu cộng giết chết từ từ?
Vấn nạn của đất nước và lối thoát cá nhân
Chúng ta đã nói đến sự sợ hãi dẫn đến tình trạng đại đa số người dân Việt cam phận cúi đầu trước sự cai trị của bạo quyền. Chính nỗi-sợ-hãi-đại-đồng là tảng đá lớn nhất cản đường những đôi chân cùng một lúc bước ra khỏi nhà làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ra khỏi ách độc tài đảng trị.
Nhưng sợ hãi vẫn chưa là yếu tố chính. Khi đối diện với bất công, áp bức, chuyên quyền... cho dù sợ hãi bao trùm nhưng có lúc sẽ quá mức sức chịu đựng và nếu con người không còn chọn lựa nào khác thì buộc phải vùng lên. Do đó, một lý do khác là: mỗi người chúng ta khi đối diện với vấn nạn chung quá lớn đã quay lại đi tìm cho mình một lối thoát riêng cho bản thân và gia đình.
Đi-tìm-lối-thoát-cho-riêng-mình khởi đi từ sau ngày 30/04/1975 và nó đã trở thành một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử của giống dân có truyền thống bám chặt vào nơi chôn nhau cắt rốn, đã làm rúng động lương tâm nhân loại và từ đó ngôn ngữ loài người có thêm một danh từ mới: Boat people - Thuyền nhân. Cho dù chúng ta đặt cho hiện tượng này những tên gọi mỹ miều - hành trình tìm tự do, cuộc bỏ phiếu vĩ đại bằng chân... bản chất của việc rời bỏ quê cha đất mẹ vẫn là Đi-tìm-lối-thoát-cho-riêng-mình và bỏ lại sau lưng Tổ Quốc điêu tàn. Chúng ta chấp nhận đối diện với hiểm nguy, hãm hiếp, cướp bóc, chết chóc trên đại dương mênh mông, để hy vọng trong vô định tìm được lối thoát cá nhân, hơn là đối diện với tù đày mặc định khi đứng lên chống lại bạo quyền để tìm lối thoát chung cho dân tộc.
Sau nhiều năm tháng, lối mở vượt biên giới, vượt trùng khơi thời vượt biên tị nạn cộng sản đã khép lại. Những người ở lại đi tìm cho mình những lối thoát riêng khác. Sau cái gọi là "đổi mới" và chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, người dân Việt Nam mưu cầu lối thoát cho mình bằng thái độ đành sống chung với lũ để tìm nguồn lợi bắt cá theo con nước dâng. Một hiện tượng mới xảy ra: trong tuyệt vọng chung của cả nước mỗi người bắt đầu mơ tưởng một "hy vọng" cho riêng mình:
- Nhìn xung quanh nghèo khổ vẫn còn đầy nhưng lại thấy có thành phần cũng như mình nhưng bây giờ giàu có. Hy vọng mình sẽ là một trong những người đó.
- Nhìn xung quanh thấy rõ tình trạng sinh viên ra trường đa số thất nghiệp, nhưng vẫn nhìn thấy thiểu số có việc làm trong guồng máy cai trị hay các công ty nước ngoài. Hy vọng con cái mình sẽ là một trong thành phần thiểu số đó. Cho nên mới có hiện tượng cho con học ngày, học đêm, đôn đáo tranh nhau vào "trường tốt" trong một hệ thống giáo dục thối nát, tệ lậu mà chính mình lên án.
- Nhìn xung quanh vẫn thấy có nhiều người cho con du học nước ngoài, ở lại, định cư... Đó là một cách "vượt biên chính thức" an toàn. Gia đình mình sẽ tập trung công sức để biến hy vọng này thành sự thật...
- Nhìn xung quanh vẫn thấy có nhiều người bị đối xử bất công, đàn áp, thực phẩm độc hại, môi trường bị tàn phá... nhưng gia đình mình sẽ cố gắng để sống theo đúng "luật pháp", kiếm tiền mua thực phẩm an toàn, rời xa những nơi mà môi trường bị nhiễm độc để hy vọng rằng cuộc sống gia đình ta yên ổn và sẽ thăng tiến.
...
Có gì khác nhau giữa những người Việt Nam từ nhiều thập niên trước bây giờ trở thành "người Việt Hải ngoại" và những "người Việt quốc nội" bây giờ trong những hy vọng về một cuộc sống khá hơn cho riêng mình?
Lấy gì để những người đi tìm lối thoát riêng tư sau khi thực hiện được giấc mơ cá nhân thì quay lại "bàn giao" trách nhiệm hay đôi khi "trách móc" những người ở lại không hy sinh cuộc sống của họ để đứng lên tìm lối thoát chung cho dân tộc?
Có những điều mà chúng ta không thể tìm lại được trong lối thoát cho riêng mình
Viết gửi bạn những điều trên không phải để lại trách móc những người đi trước, đi sau, những ai đi tìm lối thoát cho riêng mình. Như câu viết mang nhiều ý nghĩa trong Tuyên ngôn Độc Lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mà bạn và tôi cùng tâm đắc: "We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness." (Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có Quyền Được Sống, Quyền Được Tự Do và Quyền Mưu Cầu Hạnh Phúc.) Nhắc lại với nhau câu này để chúng ta cùng thấy rằng chuyện mỗi người xây dựng cuộc sống, đi tìm tự do, và mưu cầu hạnh phúc cho mình là một nhu cầu đương nhiên và là quyền tất yếu của mỗi người.
Trong thế giới càng ngày càng thu hẹp này, nếu nỗ lực tối đa và nếu may mắn, mỗi người chúng ta có thể thành công trong việc xây dựng một đời sống tương đối tốt đẹp, có tự do và nhiều hạnh phúc cho bản thân. Trong mức độ tương đối, bạn cũng có thể hài lòng với những gì mà riêng cá nhân và gia đình bạn đang có được ở VN. Nếu chưa đủ, bạn tiếp tục mưu cầu những gì chưa đạt được ở một quốc gia khác. Bạn có thể tìm thấy tự do, dân chủ, nhân quyền cho riêng bạn tại một nước Bắc Âu. Bạn có thể xây dựng giấc mơ triệu phú, con cái học Harvard, tốt nghiệp ở Yale, đi làm cho Google tại Hoa Kỳ... Nói tóm lại, bạn có thể tìm thấy rất nhiều thứ đã bị cộng sản tước đoạt cho riêng bạn mà không cần Việt Nam phải thay đổi.
Tuy nhiên, dù xoay sở khéo léo đến tột cùng ở VN, dù bôn ba tận phương trời nào đó, có một thứ mà bạn không thể tìm kiếm, mưu cầu cho riêng bạn nếu nó bị đánh mất: Đó là Tổ Quốc Việt Nam.
Tổ quốc - Danh dự - Trách nhiệm
Bạn thân,
Tôi viết những dòng kế tiếp này gửi bạn vì biết rõ Tổ quốc Việt Nam vẫn là căn cước của tâm hồn bạn, vẫn là nhịp đập đều đặn trong con tim bạn, vẫn là dòng máu, là hơi thở của bạn - dù bây giờ bạn đã cầm trong tay passport Hoa Kỳ.
Vì Tổ quốc Việt Nam là như thế đối với bạn và tôi cho nên nó sẽ... như thế đối với những ai còn cảm nhận mình là người Việt Nam - dù ở Huế, Sài Gòn, Hà Nội hay Paris, Sydney, Washington DC...
Nếu Tổ quốc Việt Nam không còn thì Danh dự Việt Nam sẽ biến mất.
Đến đây hy vọng bạn có thể đồng ý với tôi và hiểu được lý do tôi viết bài này thân gửi đến bạn:
Trách nhiệm đối với Tổ Quốc và Danh Dự của Dân Tộc không có sự phân chia biên giới. Trách nhiệm đó đều ngang nhau đối với những người mang dòng máu Lạc Hồng, dù đang sống ở bất kỳ quốc gia nào. Danh dự đó đều mang cùng một ý nghĩa, một giá trị ngang nhau cho những ai còn nói được 5 chữ Mẹ đẻ: Tôi Là Người Việt Nam.
Có rất nhiều thứ quý báu bị tước đoạt mà chúng ta vẫn có thể tìm lại được cho riêng mình. Nhưng bạn và tôi sẽ không bao giờ tìm lại được cho mình di sản 4000 năm được gầy dựng bởi hàng hàng lớp thế hệ cha ông nếu di sản đó bị Việt cộng đem bán và Tàu cộng cướp mất: Tổ Quốc và Danh Dự.
Vậy mong rằng chúng ta, trong nước hay ngoài nước, cùng chung vai, sát cánh, ngang như nhau với Trách Nhiệm. Trách Nhiệm đối với lịch sử, tổ tiên và giống nòi. Trách Nhiệm đối với Danh Dự và Tổ Quốc Việt Nam.
13.09.2018