Monday, April 29, 2024

Bao giờ mới có đội ngũ trí thức đúng nghĩa trong cơ chế này?

 RFA

Bao giờ mới có đội ngũ trí thức đúng nghĩa trong cơ chế này?Ảnh minh họa: Sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Việt Nam ngày 2 tháng 3 năm 2020.-REUTERS

Cần sớm ban hành Chiến lược quốc gia về đội ngũ trí thức, khơi thông điểm nghẽn và hoàn thiện cơ chế chính sách, thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức trẻ.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu như vừa nêu tại buổi làm việc tại Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - VUSTA vào cuối tháng 4 tại Hà Nội.

Chiến lược quốc gia về đội ngũ trí thức được đề cập từ Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06-8-2008. Sau đó hàng năm được các lãnh đạo nhắc đi nhắc lại.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW với chiến lược phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã nhìn nhận một số nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết còn chưa được triển khai triệt để, còn một số hạn chế, bất cập. Và đến nhiều năm gần đây Ban Tuyên giáo Trung ương lại đề ra Chiến lược quốc gia về đội ngũ trí thức đến năm 2030.

PGS. TS. Hoàng Dũng từ Sài Gòn hôm 29/4/2024 nhận định với RFA:

“Họ làm được nhưng thật ra cái được nhỏ nhoi và chỉ giới hạn ở loại trí thức mà tôi gọi là ‘trí thức thi công’, tức là những tri thức chuyên biệt của một ngành chuyên môn nào đó. Chẳng hạn anh làm toán thì lo làm toán, anh làm nông nghiệp thì lo làm nông nghiệp, anh làm cơ khí thì lo cơ khí. Còn lại trí thức chiến lược mà tôi gọi là ‘trí thức thiết kế’ là không được làm, người nào mon men thì họ sẽ trừng phạt. Chẳng hạn ông Võ Văn Thưởng khi còn là Trưởng Ban Tuyên giáo, tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội nói rằng một trong nhiệm vụ của Viện này là chứng minh đường lối đúng đắn của Đảng… Nếu như vậy coi như là thủ tiêu nền khoa học.”

Họ làm được nhưng thật ra cái được nhỏ nhoi và chỉ giới hạn ở loại trí thức mà tôi gọi là ‘trí thức thi công’, tức là những tri thức chuyên biệt của một ngành chuyên môn nào đó.
-PGS. TS. Hoàng Dũng

Theo PGS. TS. Hoàng Dũng, nói như ông Thưởng có nghĩa là Viện Hàn lâm khoa học xã hội làm khoa học chỉ chứng minh một điều ‘cái gì là chân lý’. Có thể lúc đó nếu chính sách của Đảng đúng thì không sao. Nhưng chính sách của Đảng mà sai, thì cấp thiết phải nói đảng sai để sửa, chứ không phải minh họa và nói chính sách của Đảng là đúng đắn. Nhưng theo ông Dũng, những người nào mà nói Đảng sai thì sẽ phải chịu hậu quả. Ông Dũng cho rằng, cho đến nay không có cơ sở gì để bảo đảm cho một người trí thức có thể nói được điều đó và có thể tác động đến chính sách của Đảng theo hướng đó. PGS. TS. Hoàng Dũng giải thích thêm về việc ‘trí thức thiết kế’ không được nhà nước tạo điều kiện:

“Ví dụ ở Nga thời xưa, Sakharov là một nhà vật lý lừng lẫy, ông là Viện sĩ Viện hàn lâm, được mọi ưu đãi của nhà nước thời đó. Nhưng một hôm đẹp trời ông không nói chuyện về vật lý nữa mà có ý kiến về cách tổ chức xã hội Liên Xô thời đó, lập tức ông bị quản thúc, vì cách tổ chức xã hội là đặc quyền của nhà nước. Ở Việt Nam tương tự như vậy, những người trí thức như kiểu ông Nguyễn Mạnh Tường, ông có ý kiến về cách quản lý xã hội phải thượng tôn pháp luật và ông đã bị trừng trị. Ông Trần Đức Thảo có ý kiến và bị trừng trị thế nào chúng ta đã biết… Trong khi đó những người có ý kiến làm sao để ‘ba sôi, hai lạnh’; ‘nước, phân, cần, giống’ để làm cho nông nghiệp phát triển thì được nhà nước khuyến khích.”

Tuy sự khuyến khích của nhà nước không đủ, nhưng theo ông Dũng  rõ ràng không ai bị trừng trị về chuyện đó cả, nếu họ chấp nhận địa vị của một ‘trí thức thi công’, tức là trí thức làm trong cái ranh giới mà nhà nước đặt ra và phát huy kiến thức của họ trong ranh giới đó mà thôi.

83917a7b-ad5d-4747-aacc-3af452b8bdd6.jpeg
Ông Hoàng Ngọc Giao. Courtesy giaoduc.net.vn

Không chỉ trường hợp trước kia như ông Nguyễn Mạnh Tường và ông Trần Đức Thảo mà PGS. TS. Hoàng Dũng vừa nhắc. Vào năm 2022, ông Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cũng đã bị khởi tố về tội trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên tin trên báo Nhà nước không nêu cụ thể về hành vi trốn thuế của ông Giao.

Trong khi đó, theo nguồn tin của RFA, ngày 16/12/2022, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã bắt giữ ông Hoàng Ngọc Giao, với cáo buộc “Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điểm C, khoản 1 của Điều 110 “Tội gián điệp” trong Bộ luật Hình sự.

Trên website của mình, Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển giới thiệu hoạt động của tổ chức này “nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước thông qua các hoạt động nghiên cứu–tư vấn, nghiên cứu-đánh giá, nghiên cứu-phản biện và tăng cường năng lực về các vấn đề Chính sách, Pháp luật trên các lĩnh vực phát triển kinh tế–xã hội.”

Tổ chức này cũng “hợp tác cùng với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, các chuyên gia và nhà nghiên cứu” với mục tiêu “tập trung nỗ lực nhằm thúc đẩy việc thực hiện một nền quản trị quốc gia tốt, một nhà nước pháp quyền vững mạnh, hướng tới một xã hội Việt nam dân chủ, văn minh.”

Song song với Chiến lược quốc gia về đội ngũ trí thức, Việt Nam cũng thường xuyên quảng bá về ‘Đề Án Quốc Gia Thu Hút Trọng Dụng Nhân Tài’. Trong đó có đề xuất việc ban hành chính sách, giải pháp cụ thể để hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về chính sách nhân tài, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để thu hút và trọng dụng nhân tài tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.

Họ ban phát những cái bằng tại chức cho những người đã có chức quyền rồi mới đi học, mà nhiều khi cũng không có giờ tới lớp và gần như không học hành gì cả nhưng vẫn có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.
-Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, từ Sài Gòn khi trao đổi với RFA về việc này cho rằng, tại Việt Nam tồn tại nhiều yếu tố quan trọng cản trở những người tài giỏi, đặc biệt là giới trẻ:

“Họ ban phát những cái bằng tại chức cho những người đã có chức quyền rồi mới đi học, mà nhiều khi cũng không có giờ tới lớp và gần như không học hành gì cả nhưng vẫn có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Nhất là cách đây không lâu, họ đã ban hành đạo luật chính thức công nhận bằng tại chức ngang tầm với bằng chính quy. Có nghĩa là họ để cho những người vô học có bằng ngang tầm với những người học hành nghiêm túc mới có thể có được tấm bằng.”

Như vậy theo ông Hưng, một cách đương nhiên Chính phủ khuyến khích bằng dỏm, họ khuyến khích những cách giáo dục không rõ ràng. Và do đó, những vị trí có quyền lực, những vị trí có thể giúp được nhiều cho xã hội đã bị những người học bằng chuyên tu, học bằng tại chức lấy hết, chiếm hết thì làm sao tuổi trẻ có động lực để phát huy việc học thuật của mình sau này đóng góp cho xã hội, cho quốc gia? Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng cho biết tiếp:

“Những cơ sở Nhà nước liên quan các khâu nghiên cứu khoa học là những nơi cơ cấu nhân sự khép kín. Và cuối cùng thì những nơi đó rất đông đảo những người phải nói là bất tài, thiếu tầm, thiếu tâm hiện hữu chiếm chỗ, chiếm việc và họ là các lực cản đối với sự tham gia của những người trẻ có tài năng.”

Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được Việt Nam đề ra từ rất lâu và đã được thể hiện qua văn kiện của Đảng CSVN trước đây như: Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18/6/1997 của Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VIII. Nhiều năm sau đó, Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ VN nhiều nhiệm kỳ cũng thường xuyên nhắc lại, đốc thúc thực hiện chính sách này...

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên Chủ nhiệm Khoa, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, một đảng viên đã từ bỏ Đảng, khi trả lời RFA trước đây cho rằng, thể chế độc đảng của ĐCSVN không thể có chỗ đứng bền vững cho người tài chân chính. Theo ông, thể chế tốt phải có tự do mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội. Thể chế của Việt nam hiện nay hạn chế những tự do đó.

Ông Vương Đình Huệ mất chức: Còn ai ‘trong sạch như tuyết’?


Kể từ khi trở thành Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã không ngừng thúc đẩy công tác xây dựng đảng. Nhưng “xây dựng đảng không chỉ đơn thuần là chống tham nhũng”, theo một nhà quan sát chính trị Việt Nam.

Các nhà quan sát mà BBC News Tiếng Việt phỏng vấn đều cho rằng việc trừng phạt các lãnh đạo chính quyền trung ương hay bất cứ ai, ở mức độ nào, không giải quyết được cốt lõi vấn đề tham nhũng vốn bắt nguồn ngay trong chính nội tại Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với việc ông Vương Đình Huệ và ông Võ Văn Thưởng mất chức chỉ trong vài tháng đầu năm 2024, nhân sự của Bộ Chính trị Việt Nam hiện còn 13 ủy viên, giảm 5 người từ con số 18 người ở đầu khóa vào năm 2021.

Các nhà quan sát nhận định rằng việc thiếu một nhà nước pháp quyền và một quy trình kế nhiệm minh bạch cho thấy sự yếu kém trong công tác xây dựng đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong nội tại ĐCSVN.

Chính sách xây dựng Đảng củaTrong một Hội nghị về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng “xây dựng Đảng phải luôn luôn đi đôi với chấn chỉnh, củng cố Đảng”.

Ông chỉ ra việc có nhiều đảng viên, cán bộ cấp lãnh đạo "nhạt phai lý tưởng", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Ông yêu cầu “tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ.”

Theo Tạp chí Tổ chức Nhà nước của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2012-2022, đã có 167.700 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, nhiều người bị xử lý hình sự. Con số này nếu tính tới thời điểm hiện nay (2024) chắc hẳn còn cao hơn nữa.

Hiệu ứng của chiến dịch này là khoảng 60.000 người từ chức chỉ trong hai năm (2021-2023) trong khi số cán bộ của khu vực công chỉ có khoảng 2,5 triệu.

Như vậy có nghĩa những người còn lại phải "trong sạch như tuyết", "không chút tì vết”, theo GS Carl Thayer.

Điều này liệu có khả thi?

Chưa nói tới việc họ có thực sự liêm chính, GS Carl Thayer chỉ ra rằng các phe phái trong đảng sẽ luôn tìm ra "tì vết" của nhau, hoặc ít ra cũng tìm ra "tì vết" thuộc cấp của họ.

Trong bối cảnh chính trường biến động dữ dội như vừa qua, lẽ ra người chỉ huy phải là người chịu trách nhiệm chính, theo GS Thayer. Tuy nhiên, nguyên tắc này đã không được áp dụng với trường hợp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cần lưu ý rằng ông Trọng đã đảm nhiệm vai trò Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội 13, tức chịu trách nhiệm "tuyển lựa" đội ngũ nhân sự cho khóa hiện tại, mà chính bản thân ông đã từng lưu ý rằng công tác nhân sự là "then chốt của then chốt". Công tác này, theo thực trạng đến nay và theo đánh giá của các nhà quan sát, đã thất bại.

Hiện ông Nguyễn Phú Trọng đang có vấn đề về sức khỏe. Ông bị đột quỵ năm 2019 và đầu năm nay có tin ông bị bệnh. Do đó, chuyện kế vị ông hẳn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng.

“Theo cách nói của người Mỹ, ông Trọng là một tổng bí thư ‘vịt què’ – [lame duck - chính trị gia sắp hoặc đã có người kế nhiệm, như vậy thường được coi ít có ảnh hưởng hơn đối với các chính trị gia khác]," GS Carl Thayer nói với BBC News Tiếng Việt.

Với tình trạng sức khỏe hiện nay, cùng với vấn đề tuổi tác, ông Trọng đã không thể chọn được người kế vị do tranh chấp giữa các phe phái.

GS Carl Thayer đã đặt ra hàng loạt câu hỏi khi ông đề cập tới sự thất bại của công tác xây dựng đảng. ông Nguyễn Phú Trọng

Giới quan sát cho rằng việc xử lý các lãnh đạo cấp cao không giải quyết được cốt lõi vấn đề tham nhũng vốn bắt nguồn ngay trong chính nội tại ĐCSVN.

“Tại sao các chỗ trống trong Bộ Chính trị vẫn chưa được lấp đầy? Tại sao ông Trọng đã làm tới ba nhiệm kỳ? Tại sao lại có nhiều thành viên trong Bộ Chính trị sẽ trên 65 tuổi vào năm 2026 đến vậy?"

“Có thể thấy công tác nhân sự rất yếu kém," GS Thayer bình luận.

Sau những biến động mới nhất đầu năm 2024, hiện đang thiếu hai "chân" trong "Tứ Trụ", nhưng nhìn lại thì người hội đủ tiêu chuẩn quá ít, lại thêm tuổi cao. Rất nhiều người trong Bộ Chính trị sẽ hơn 65 tuổi vào năm 2026 – thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.

Để thay thế vị trí của ông Nguyễn Phú Trọng, nguồn nhân lực hiện nay chỉ có ba người trong Bộ Chính trị dưới 65 tuổi, nhưng cả ba đều có tầm ảnh hưởng không đáng kể.

GS Carl Thayer cho hay, vào tháng 11 năm ngoái, khi đi công tác tại Việt Nam, ông được cho biết Việt Nam sẽ thay đổi Điều lệ Đảng và nâng độ tuổi tham gia Bộ Chính trị lên 70 hoặc 71 tuổi.

“Vậy là sẽ có những người già hơn. Đây là sự quản lý yếu kém. Và đây không phải là cách để một đất nước phát triển,” GS Carl Thayer nói với BBC News Tiếng Việt từ Úc.

Thiếu một quy trình chọn người kế nhiệm minh bạch

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị và bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Việt Nam, vấn đề là “phải bắt trúng bệnh gốc”.

“Chứ không phải bắt một, hai hay 100 người, bỏ tù một ông ủy viên trung ương, 10 ông tướng quân đội, hay bảy, tám ông tướng công an, xử lý hết ông nọ đến ông kia."

“Đó không phải là cách làm bài bản, không đánh vào nguyên nhân cốt lõi. Cốt lõi là chính bản chất của hệ thống này."

TS Nguyễn Quang A chỉ ra rằng Việt Nam cần phải trở thành một nhà nước pháp quyền.

“Ông điều tra, ông công tố và ông tòa án phải hoạt động độc lập với nhau, và theo luật, chứ không theo chỉ đạo của Ban Nội chính, Ban Bí thư, hay Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Bên cạnh đó, cần có các cơ quan giám sát hoạt động động lập, không chịu sự chỉ đạo của ĐCSVN.

Việt Nam hiện không có yếu tố nào trong số những yếu tố kể trên “thì làm sao chống được tham nhũng”, GS Quang A nói.

Ông cũng nói rằng việc hạ bệ hàng loạt cán bộ cấp cao, đỉnh điểm là ba "Tứ Trụ" mất chức trong vòng hơn một năm "với lý do không được minh bạch cho lắm", khiến người dân mất niềm tin vào ĐCSVN.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, do không có một quy trình minh bạch, nên xảy ra đồn đoán trên mạng xã hội.

"Cả tháng nay, người ta đã bàn tán nhiều về một loạt kịch bản, như bà Trương Thị Mai sẽ lên làm chủ tịch nước, ngồi đó cho tới khi nghỉ hưu vào tháng 5/2026. Rồi ông Tô Lâm lên làm tổng bí thư ĐCSVN thay ông Trọng."

“Đáng tiếc là bản thân Đảng Cộng sản đã không tạo ra một quy trình minh bạch, chí ít là trong nội bộ đảng," Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói.

“Vì nó không minh bạch, nên ai cũng muốn lên vị trí đó. Việc cạnh tranh là tốt, lành mạnh, không có gì là không tốt, đáng chê cả. Nếu cạnh tranh theo quy trình lành mạnh, chứng minh được tôi thỏa mãn các tiêu chí đó, thì đó là một quy trình làm cho việc kế vị rõ ràng, minh bạch và người dân được thấy rõ. Lúc đó sẽ không có chuyện đồn đoán. Tiếc là vài năm trở lại dây chuyện đồn đoán nở rộ. Vì bây giờ công nghệ cho phép sự đồn đoán này lan ra nhanh chóng.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng điều này cho thấy một chính sách kế vị thất bại hoàn toàn, một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong nội bộ ĐCSVN.

Tháng Tư, 49 năm cũ

 Hoài Nguyễn

VNTB – Tháng Tư, 49 năm cũ

(VNTB) – Những ngày tháng 4 của 49 năm về trước, những ai đang hành nghề luật sư tại Sài Gòn không phải đi ‘tập trung cải tạo’ do đây là nghề tự do.

Thầy của tôi kể, những luật sư có tham gia hoặc có liên quan đến bộ máy công quyền, đều phải qua các khóa cải tạo dài, ngắn khác nhau của chính quyền mới đến từ Hà Nội.

Tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 có hai Luật sư Đoàn: Luật sư Đoàn Tòa Thượng thẩm Huế, quản hạt kéo dài từ Quảng Trị đến Nha Trang. Luật sư Đoàn Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, có quản hạt kéo dài từ Phan Thiết đến Cà Mau.

Theo Luật số 1/62 ngày 8-1-1962 được ban hành bởi Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ấn định quy chế luật sư và tổ chức Luật sư Đoàn. Theo đó, muốn được ghi danh vào Danh biểu Luật sư tập sự, các đương sự cần hội đủ các điều kiện: Có quốc tịch Việt Nam; Đủ 21 tuổi kể từ ngày nộp đơn; Có Cử nhân Luật do đại học Việt Nam cấp, hay văn bằng cử nhân Luật tương đương của ngoại quốc được Bộ Quốc gia Giáo Dục công nhận; Không bị kết án tội đại hình hay tiểu hình liên quan đến danh dự và phẩm giá; Không hành xử một nghề nào bất khả kiêm nhiệm với nghề luật sư; Được văn phòng của một luật sư thiệt thọ nhận làm tập sự .Mỗi luật sư thiệt thọ chỉ nhận được 2 luật sư tập sự, trừ khi được Hội đồng Luật sư cho phép có thể nhận được 4 luật sư tập sự.

Trước khi hành nghề, luật sư tập sự phải tuyên thệ tại Tòa Thượng thẩm trước sự chứng kiến của vị Chánh Nhất Tòa Thượng thẩm. Lời thề  như sau:

“Tôi thề với tư cách luật sư không nói hay công bố điều gì trái luật pháp, thuần phong mỹ tục, an toàn quốc gia và an ninh công cộng. Không bao giờ xử sự thiếu tôn kính đối với tòa án và nhà cầm quyền”.

Luật sư tập sự có nhiệm vụ: Phải chuyên cần tham dự các hoạt động nghề nghiệp dưới sự điều khiển của vị Thủ lãnh Luật sư Đoàn; Thực tập các quy tắc và tập quán truyền thống của nghề nghiệp; Chuyên cần đến dự các phiên tòa; Chuyên cần làm việc tại văn phòng luật sư thiệt thọ.

Sau thời hạn tập sự 3 năm, luật sư tập sự phải qua một kỳ thi để trở thành luật sư thiệt thọ. Luật sư tập sự chỉ có quyền dự thi tối đa 3 lần, mỗi năm 1 lần. Nếu rớt cả 3 lần thì bị loại ra khỏi nghề luật sư.

Muốn được ghi danh vào Danh biểu Luật sư thiệt thọ, thí sinh cần hội đủ những điều kiện sau đây: Có quốc tịch Việt Nam; Đủ 24 tuổi; Có Văn bằng cử nhân Luật do đại học Việt Nam cấp, hay văn bằng cử nhân Luật tương đương do ngoại quốc cấp được Bộ Quốc gia Giáo dục công nhận; Có hạnh kiểm tốt và không bị kết án tội đại hình hay tiểu hình liên quan đến danh dự và phẩm giá; Trúng tuyển kỳ thi mãn hạn luật sư tập sự[

Được miễn thời gian 3 năm tập sự dành cho những vị giáo sư Luật có thời gian dạy học liên tục 3 năm. Các thẩm phán ngạch tư pháp và hành chánh đã giữ chức vụ tại các tòa án tư pháp và hành chánh, hay tại Bộ Tư pháp trong thời hạn 3 năm. Nếu các thẩm phán, giáo sư, giảng sư, giảng viên không có đủ thâm niên 3 năm thì phải tập sự thêm một thời hạn để có đủ 3 năm thâm niên;

Phải cư ngụ trong quản hạt của Tòa Thượng thẩm; Không được kiêm nhiệm với mọi chức vụ tư pháp hay hành chánh. Tuy nhiên, luật sư có thể kiêm nhiệm chức vụ giáo sư, giảng sư hay giảng viên tại các đại học; Mỗi luật sư thiệt thọ chỉ được mở một văn phòng trong quản hạt Tòa Thượng thẩm.

Với quy định trên nên sau tháng 4-1975, các luật sư ở Sài Gòn xuất thân từ thẩm phán ngạch tư pháp, có chức vụ trong Bộ Tư pháp Việt Nam Cộng hòa đều bị buộc đi học tập cải tạo.

Sau tháng 4-1975 phải đến cuối năm 1989, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh mới được thành lập. Các luật sư đợt đầu tiên được kết nạp từ những bào chữa viên nhân dân là những cán bộ công chức nhà nước, trải qua lớp bồi dưỡng pháp lý xã hội chủ nghĩa năm 1983.

Số luật sư trước năm 1975 muốn gia nhập Đoàn Luật sư TP.HCM cũng đều phải buộc học qua lớp bồi dưỡng pháp lý xã hội chủ nghĩa.

Phố Trịnh Văn Bô (24/03/1914 – 01/05/1988)

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

VNTB – Phố Trịnh Văn Bô (24/03/1914 – 01/05/1988)

(VNTB) – Cứ giết người, cướp của, đầy đọa, chôn sống nhân tài rồi tìm cách xí xoá mọi chuyện bằng một cái bảng tên đường (vớ vẩn) gì đó là coi như xong sao?

Vài năm trước, có hôm báo Thanh Niên Online ái ngại loan tin:

“Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, quả phụ nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô vừa trút hơi thở cuối cùng vào đêm 5.11 tại Hà Nội trong sự tiếc thương và ngưỡng mộ của hàng triệu người Việt Nam yêu Tổ quốc. Không nhiều người biết, lúc cụ nhắm mắt, nỗi buồn sâu thẳm trong lòng vẫn chưa được khơi thông, thậm chí còn là nỗi buồn nhân đôi!”

Chuyện gì mà buồn dữ vậy, Trời?

Tác giả bài báo thượng dẫn, nhà báo Quốc Phong, cho biết:

Năm 1954, sau khi Cách mạng về tiếp quản Thủ đô, hai vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô khi đó đã cho Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái mượn ngôi biệt thự tại 34 Hoàng Diệu, Hà Nội có khuôn viên rộng 3.000 m2 trong 2 năm. Lý do tướng Thái muốn mượn là vì nó rất tiện cho công việc.

Nhất là lúc này, đất nước vẫn còn chia cắt và cuộc chiến đấu giải phóng đất nước vẫn chưa trọn vẹn. Vị trí này rất tiện làm việc vì nó rất gần Bộ Quốc phòng. Theo như lời hứa của tướng Thái (sau này là đại tướng) thì “khi nào Bắc Nam thống nhất, quân đội sẽ trả anh chị”…

Thế rồi, phải đến ngày 9.9.1994, vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô mới có quyết định của Thủ tướng trả nhà, dù rằng có chút tế nhị, ngôi biệt thự 34 Hoàng Diệu được ghi là “Tặng” gia đình, do ông bà Trịnh Văn Bô có công lao to lớn đối với đất nước trong Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc… “Ngày vui vắn chẳng tày gang”, tiếc thay, vì lý do nào đó, quyết định “Tặng nhà” trên đã bị tạm dừng (tháng 3.1995) đến nay vẫn chưa được thi hành.

Tuy mất nhà nhưng điều an ủi là gia đình họ Trịnh lại nhận được một món quà tinh thần quý giá từ Nhà Nước – theo bản tin của báo Người Lao Động, số ra hôm 5 tháng 12 năm 2018:

“Hà Nội Chính Thức Có Phố Mang Tên Nhà Tư Sản Trịnh Văn Bô.”

Sự kiện này khiến tôi nhớ đến bức thư (“Gửi Bạn Ở Cõi-Bên-Kia”) của dịch giả Dương Tường, viết vào ngày giỗ đầu của nhà văn Bùi Ngọc Tấn:

“Mình đang đi trên một con phố mới, hình như ở Hải Phòng. Lạ hoắc song lại có nét gì quen quen mà không tài nào xác định nổi. Giống như khi ta cố nhớ ra một cái tên rất thân quen, chắc chắn nó ở quanh quanh đâu đây trong bộ nhớ, chỉ dẫn chút xíu nữa là ‘bắt’ được mà nó vẫn vuột mất để rồi đến một lúc thôi không cố nhớ nữa thì nó lại bất ngờ hiện ra. À, đây rồi cái biển tên phố gắn trên một cột đèn. Mình tiến lại và đọc thấy: BÙI NGỌC TẤN…

Thế là mình thức giấc. Và ngồi viết thư cho Tấn đây…

Hà Nội đã có những đường phố mang tên Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng…, những điểm son của văn học Việt Nam. Thế còn bao giờ Nam Định có phố Trần Dần, Bắc Ninh có phố Hoàng Cầm, Thanh Hóa có phố Hữu Loan, Yên Bái có phố Lê Đạt, Thừa Thiên-Huế có phố Phùng Quán?  Và Hải Phòng có phố Bùi Ngọc Tấn?

Một dự cảm tâm linh nói với mình: rồi những giá trị đích thực sẽ được trả về đúng vị trí. Con đường mình vừa dạo chơi trong mơ – đường Bùi Ngọc Tấn – rồi sẽ thực sự có trong thực tại. Và biết đâu đấy, mình lại có dịp thả bộ trên con đường ấy, như đã thả bộ trên đường Văn Cao dăm năm trước …”

Con đường “trong mơ” của Dương Tường, tiếc thay, chưa chắc đã được mọi người chia sẻ:

“Tôi thỉnh thoảng dạo phố vẫn hay dừng lại nhìn lên một tên phố mà chuyện trò lặng lẽ với con người ngồi ở trên cái bảng sắt tây dó. Để nghe anh ta giãi bày. Và cũng để anh ta đừng tưởng bở.

Thí dụ Văn Cao, ngày hai lượt ra trung tâm thành phố và về Cầu Giấy, tôi từng có lần hỏi anh: ‘Cậu khỏe không?… Bây giờ ở trên cao này có thấy sao không?’ Thì Văn Cao bảo tôi: ‘Tao làm nhạc, làm thơ, vẽ, ai hay nay làm diễn viên lên sân khấu đóng vai kịch ca ngợi đảng trọng hiền tài. Mày với tao sống trong cái chăn toàn rận này, mày lạ đ. gì nữa.”  (Trần Đĩnh. Đèn Cù II. Westminster, CA: Người Việt, 2014).

Cái chăn đời của Bùi Ngọc Tấn không chỉ toàn rận mà còn thấm đẫm biết bao nhiêu mồ hôi cùng nước mắt. Ở trang bìa sau tác phẩm cuối cùng (Hậu Chuyện Kể Năm 2000) của ông, do Tiếng Quê Hương  xuất bản năm 2014, có in những dòng sau:

“Tôi mong đợi từng ngày và mong đợi quá lâu rồi, sự sụp đổ của cái trật tự bóp chết con người, bóp chết tự do, sự dối trá thống trị, cái trật tự làm thành một bầu trời đá xám úp chụp lên đầu…! Cái trật tự xã hội tôi đã sống gần trọn đời và ghê sợ nó.”

Chả ai ước mơ được đặt tên đường trong một cái xứ sở mà mình “mong đợi từng ngày” cho nó “sụp đổ” cả. Đã thế, thực chả vinh hạnh chi khi tên mình bị đặt nằm giữa những con phố đầy rẫy bất trắc và tệ đoan xã hội:

         “Quét Gái Mại Dâm Trên Đường Nguyễn Chí Thanh” – báo An Ninh Thủ Đô

         “Đột Nhập Động Mãi Dâm Trên Đường Phạm Văn Đồng” – báo Người Đưa Tin

         “Bắt Kẻ Giao Hàng Trắng Dọc Đường Trường Chinh” – báo An Ninh Thủ Đô

         “Trộm Vàng Táo Tợn Trên Đường Xuân Thuỷ” – báo VietNamNet

          “Phóng Viên Truy Đuổi Đối Tượng Trộm Cắp Trên Đường Phạm Hùng”  báo An Ninh Thủ Đô

         “Dàn Cảnh Cướp Xe Trên Đường Hồ Chí Minh” – báo Dân Trí

         “Đột Kích Hàng Loạt Tụ Điểm Mát Xa Kích Dục Trên Đường Nguyễn Duy Trinh” – Báo Vnexpress.

Thế còn Trịnh Văn Bô? Liệu cụ có hào hứng đứng cạnh các vị “danh tướng” (Hoàng Văn Thái, Võ Nguyên Giáp) mà chính họ hay con cháu đã giựt mất tài sản và nhà cửa của gia đình mình không? Tôi cũng không tin rằng cụ lại “muốn làm diễn viên lên sân khấu đóng vai kịch ca ngợi đảng trọng hiền tài” trong khi cái đảng ôn dịch này không chỉ vô ơn mà còn độc ác nữa:

Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành “cải tạo xã hội chủ nghĩa” trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ sở kinh doanh cho Nhà nước. Bà Trịnh Văn Bô lại được kêu gọi “làm gương”, đưa xưởng dệt của bà vào “công tư hợp doanh”. Bà Bô cùng các nhà tư sản được cho học tập để nhận rõ, tài sản mà họ có được là do bóc lột …

Cho dù được ghi nhận công lao, trong lý lịch các con của ông Trịnh Văn Bô vẫn phải ghi thành phần giai cấp là “tư sản dân tộc”, và rất ít khi hai chữ “dân tộc” được nhắc tới. Con trai ông Trịnh Văn Bô, ông Trịnh Kiến Quốc kể:

“Ở trường, các thầy giáo, nhất là giáo viên chính trị, nhìn chị em tôi như những công dân hạng ba. Vào đại học, càng bị kỳ thị vì lượng sinh viên người Hà Nội không còn nhiều… Cả gia đình ông Trịnh Văn Bô, sau khi về Hà Nội đã phải ở nhà thuê. Năm 1954, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái có làm giấy mượn căn nhà số 34 Hoàng Diệu của ông với thời hạn 2 năm. Nhưng cho đến khi ông Trịnh Văn Bô qua đời, gia đình ông vẫn không đòi lại được. (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster, CA: 2013).

Sau đường Trịnh Văn Bô, rồi ra sẽ có đường Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Trần Đức Thảo chăng?

Trịnh Đình Thảo thì đã có tên đường rồi. Báo Lao Động loan tin:

“Tên ông được đặt cho một con đường ở quận Tân Phú, TPHCM. Sau năm 1975, từ ông Trịnh Đình Thảo – sau khi ông mất, đến con trai và giờ đây là cháu nội ông Thảo liên tục gửi đơn xin lại căn nhà đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (NKKN), P.6, Q.3 do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 40 năm, chính quyền TPHCM vẫn không giải quyết trả nhà cho gia đình ông.”

Cứ giết người, cướp của, đầy đọa, chôn sống nhân tài rồi tìm cách xí xoá mọi chuyện bằng một cái bảng tên đường (vớ vẩn) gì đó là coi như xong sao? Chuyện đời đâu có giản dị như vậy. Trúc Nam Sơn có thể không ghi hết tội nhưng mạng internet thì bảo đảm sẽ lưu giữ không thiếu thiếu tội nào. Lẽ nào trời đất dung tha? Ai bảo thần dân chịu được?

Tội ác của Đỗ Mười: đánh tư sản miền Nam

 Thới Bình

VNTB – Tội ác của Đỗ Mười: đánh tư sản miền Nam

(VNTB) – “Không thể lấy tên một người trực tiếp chỉ đạo đánh tư sản để đặt tên đường ở TP.HCM, dù người đó có là tổng bí thư lớn đến mấy đi nữa!”.

Cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, nhà báo Đặng Tâm Chánh không đồng ý việc đề xuất vinh danh Đỗ Mười bằng việc chọn tên Đỗ Mười để đặt tên đường vì đó là người “trực tiếp chỉ đạo đánh tư sản Miền Nam” . Thành phố HCM dự định sẽ cho quốc lộ 1 đoạn từ nút giao Thủ Đức (ngã ba Trạm 2 cũ) đến nút giao An Sương (đi qua TP Thủ Đức, quận 12), dài 21km mang tên Đỗ Mười.

Tương tự, đặt tên Lê Đức Anh cho đoạn 2 từ nút giao An Sương đến vòng xoay An Lạc (quận 12, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân), dài 14,2km; đặt tên Lê Khả Phiêu cho đoạn 3 từ vòng xoay An Lạc đến ranh tỉnh Long An (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh), dài 9,4km.

Về phương diện lịch sử với riêng người Sài Gòn thì chọn cái tên Đỗ Mười để vinh danh là một sự xúc phạm, bởi đây chính là tác giả của chính sách đánh tư sản khiến đời sống xã hội của miền Nam sau tháng tư 1975 lâm vào bi đát bởi nạn cướp ngày công khai của những người nhân danh cách mạng đến từ miền Bắc.

Lúc sinh tiền, nhà báo Đinh Phong kể, khi ấy những tổ công tác mật được gấp rút thành lập, bắt đầu rà soát, lên danh sách những hộ gia đình kinh doanh, những gia đình giàu có phải “cải tạo tư sản”. Những nhà tư sản chỉ còn biết bàng hoàng với những gì xảy ra khi cửa mở, và tổ công tác đặc biệt bất ngờ có mặt, đọc quyết định “kê biên tài sản” như một lệnh công khai cướp ngày với đội ngũ đeo băng đỏ, súng ống kèm theo.

Nhà báo Đinh Phong trầm ngâm: “Chúng tôi vác máy đi tuyên truyền mà lòng trĩu nặng, ngơ ngác nhìn nhau hỏi tại sao lại như vậy? Có lần, chúng tôi mang máy ra chợ Tạ Thu Thâu quay cảnh niêm phong tài sản một hộ kinh doanh hàng điện tử. Chưa kịp ghi hình ảnh nào, ông chủ hộ kinh doanh bước ra gạt máy, rồi chỉ vô mặt tôi bảo: “Chú về mà hỏi Huỳnh Văn Tiểng (tức giám đốc đài truyền hình lúc bấy giờ) xem ngày xưa tôi đã gửi linh kiện vô chiến khu lắp ráp đài phát thanh như thế nào, hỏi coi thời chống Mỹ tôi đã giúp đỡ các ông những gì? Bây giờ tôi buôn bán, có tội tình gì mà bay bắt tôi về làm ruộng hả?”. Thời gian sau tôi có trở lại tìm ông chủ ấy nhưng không gặp, chỗ cũ đã trở thành một cửa hàng quốc doanh”.

Ông Đinh Phong kể tiếp: “Một tối, tôi tiếp hai vợ chồng anh bạn trong cơ quan. Họ đến bảo rằng cả gia đình là cơ sở điệp báo của ta trước năm 1975, họ dùng chính cửa hàng vải sợi của mình làm bình phong cho cơ sở liên lạc của cách mạng. Những câu chuyện ấy chưa kịp được xác nhận sau năm 1975 thì gia đình trở thành điểm “cải tạo” với cửa hàng vải sợi…

Tính cho đến ngày gọi là “giải phóng 1975”, Sài Gòn đã có một cơ sở vật chất, kinh tế kỹ thuật lớn nhất miền Nam, nơi tập trung hơn 80% năng lực sản xuất công nghiệp cả miền Nam. Nơi đây tập trung hơn 38.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lớn nhỏ, trong đó có 766 công ty và 8.548 cơ sở công nghiệp tư nhân.

Sau năm 1975 chính quyền cách mạng đã tiến hành hai đợt gọi là “cải tạo công thương nghiệp”. Kết quả là đã quốc hữu hóa tài sản của 171 tư sản mại bản, 59 tư sản thương nghiệp cỡ lớn, 400 xí nghiệp, 14.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp.

Riêng về tổng số vàng, nữ trang tịch thu từ tư bản ở miền Nam được các báo đài của Hà Nội khi ấy thừa nhận lên đến 4.000 lượng vàng, và đây chỉ là con số tượng trưng tính riêng ở Sài Gòn từ tháng 5-1977 đến tháng 2-1978 mà thôi. Bởi con số sau này được công bố là cả thảy trên dưới gần 35 ngàn lượng vàng, tính luôn cả nữ trang và kim cương tịch thu trong những đợt đánh tư sản.

Cùng với đó là hàng ngàn gia đình cán bộ miền Bắc đã vào Sài Gòn sinh sống trong những ngôi nhà bị tịch thu ấy của việc đánh tư sản.

Tình trạng ở nông thôn miền Nam càng kinh khiếp và dữ dội hơn ở Sài Gòn dù không ồn ào bằng. Tổng số lúa mà nông dân miền Nam bị chở ra ngoài Bắc là khoảng 4 triệu tấn gạo vào đầu năm 1978, theo con số trên đài phát thanh Hà Nội khi ca ngợi thành tích đánh tư sản của các đảng bộ địa phương miền Nam. Đương nhiên, con số chính thức được các nông dân kêu ca là lớn hơn nhiều.

Trong tác phẩm “Bên Thắng Cuộc”, nhà báo Trương Huy San (tức Huy Đức) dẫn lời ông Võ Văn Kiệt thừa nhận rằng “Lúc đầu, tôi cũng cứ tưởng cải tạo tư sản sẽ khác với cải cách ruộng đất, một sai lầm mà những người ở miền Nam chúng tôi nhắc nhau phải tránh. Nhưng, tiến hành rồi mới thấy, cách cải tạo tư sản thương nghiệp mà anh Đỗ Mười làm, cũng không khác gì đánh tư sản mại bản nhưng tràn lan hơn”.

Với những đợt đánh tư sản đó nên sau một đêm thức dậy, người dân bỗng thấy Sài Gòn vắng bóng hơn 1.000 nhà thuốc thuở nào. Các bác sĩ thì chỉ đợi tan giờ làm việc để về nhà nuôi heo, trồng rau cải thiện đời sống…

Sau 49 năm, tháng 4-2024, sẽ là phỉ báng lịch sử khi nhà chức trách dự tính đặt tên đường Đỗ Mười ngay chính thành phố Sài Gòn này.

Chữa cháy rừng bằng can nước, còn trực thăng thì để biểu diễn

 Dân Trần

VNTB – Chữa cháy rừng bằng can nước, còn trực thăng thì để biểu diễn

(VNTB) – Chắc phải đợi tới khi không còn rừng thì mới hết cháy rừng.

Những ngày nắng nóng vừa qua liên tục xảy ra các vụ cháy rừng khắp bắc trung nam, thế nhưng nhà cầm quyền chỉ có thể xách từng can nước để chữa cháy, còn máy bay trực thăng chữa cháy thì lại được dùng để biểu diễn.

Ở Kiên Giang, ngày 28/04, rừng tràm ở xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành cháy lớn suốt 2 ngày mới dập xong. Đáng chú ý khu rừng có diện tích rộng khoảng 200ha này là do Sư đoàn 330, Quân khu 9 quản lý. Mặc dù rừng do quân đội kiểm soát, nhưng không hề thấy một chiếc máy bay nào chữa cháy. (1)

Nhìn cách chữa cháy ở dãy Thất Sơn, tỉnh An Giang ngày 26/04 thậm chí còn tệ hơn. Theo lãnh đạo huyện Tri Tôn, quân đội và cơ quan chức năng cử hơn 150 người, nhiều phương tiện chở nước (xe tải, xe máy) và 3 máy bơm nước để dập lửa.

Đặc biệt, vị lãnh đạo này cho biết nguồn nước chữa cháy gặp khó, phải xách từng can lên núi để chữa. Tức là quân đội không thể huy động trực thăng để dập lửa mà vẫn phải chạy xe máy xách từng thùng nước vô rừng để chữa cháy. Để rồi phải đợi tới khi cháy không còn cái gì thì mới chữa cháy xong. (2)

Ở Quảng Bình, vụ cháy rừng phòng hộ từ sáng ngày 29/04 tới tại thời điểm viết bài vẫn chưa dập lửa xong. Mặc dù khu vực cháy nằm ngay ven biển Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Hơn 300 người gồm cả cảnh sát, bộ đội, và người dân tham gia chữa cháy nhưng cũng không thấy có trực thăng hỗ trợ, lửa lan tới sát khu dân cư đông đúc.

Nặng nề nhất là vụ cháy rừng ở Hà Giang ngày 26/04. Nhà chức trách đã huy động hơn 1.000 người lên rừng để dập lửa. Thế nhưng 10 hecta rừng vẫn bị cháy rụi. Nghiêm trọng hơn, hai cán bộ kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên và Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang – Tây Côn Linh đã tử vong trong lúc chữa cháy, một số người khác bị ngạt khói phải đưa xuống cấp cứu tại bệnh viện. (3)

Điều đáng nói là Hà Giang nằm cách Điện Biên Phủ không xa, thế nhưng toàn bộ đội hình 12 chiếc trực thăng của quân chủng Phòng không – Không quân vẫn nằm bất động ở sân bay Điện Biên để chờ tới ngày biểu diễn chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Như vậy có thể thấy Nhà nước đang ưu tiên vào chương trình biểu diễn cho đẹp mắt, nhằm tạo ấn tượng với bàn dân thiên hạ chứ không hề ưu tiên cho tính mạng người dân. Ăn mừng hoành tráng, diễu binh diễu hàng, trực thăng bay khắp trời, nhưng rừng bị cháy lớn cách đó hơn 100 cây số đường chim bay thì lại làm ngơ. Những người hi sinh trong đám rừng đó chính là động đội, là đảng viên, đồng chí của các phi công, các quan chức đang hả hê ở Điện Biên Phủ chứ đâu phải người ngoài đảng, kẻ thù gì đâu?

Trong khi đó, trực thăng là mua bằng thuế của người dân đóng góp. Quân đội, cảnh sát phòng cháy chữa cháy cũng lãnh lương từ thuế của người dân. Chữa cháy rừng bằng trực thăng là phương án hiệu quả, nhanh và an toàn nhất, nhưng nhà cầm quyền không làm vậy. Họ chạy từng chiếc xe máy, xách từng can nước, tạo hình ảnh cố gắng dập lửa, rồi than rằng gió lớn, hạn hán, thiếu nước, gặp nhiều khó khăn… Trong khi rừng kế bên biển, trực thăng máy móc thì không thiếu, vậy mà cứ phải đợi cháy rụi hết cây rừng rồi đám cháy tự tắt.

Không thể loại trừ trường hợp các lãnh đạo cộng sản tạo ra các vụ cháy này để phá rừng, phân lô bán nền, hoặc làm các dự án kinh tế. Nếu thật sự muốn dập tắt cháy rừng một cách nhanh chóng thì chỉ cần đầu tư vào trực thăng, máy bay chữa cháy một cách chỉnh chu. Có rất rất nhiều cách để phòng cháy chữa cháy, rất nhiều buổi diễn tập hoành tráng nhưng cứ để rừng cứ mất đi từng ngày là không thể chấp nhận được. Nhưng có lẽ mọi chuyện chỉ được giải quyết hiệu quả khi đất nước thật sự dân chủ, người dân thật sự có quyền lên tiếng. Còn bây giờ, chắc phải đợi tới khi không còn rừng thì mới hết cháy rừng. 

 _________

Tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/chay-lon-rung-tram-o-giang-thanh-20240429070723663.htm

(2) https://vnexpress.net/chay-do-troi-tren-day-that-son-4739516.html

(3) https://laodong.vn/xa-hoi/hai-kiem-lam-tu-nan-khi-chua-chay-rung-tai-ha-giang-1333043.ldo

(4) https://danviet.vn/clip-12-chiec-truc-thang-thang-tien-san-bay-dien-bien-san-sang-cho-le-ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-20240419110440353.htm