Friday, October 9, 2015

Công an Thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) bắt giữ người tuỳ tiện

 
Mẹ Nấm (Danlambao) - Trường hợp bị bắt giữ tùy tiện, không có thông báo tạm giam người gửi đến gia đình mới nhất xảy ra tại Công an Thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Nạn nhân bị bắt giữ tùy tiện lần này là anh Nguyễn Hữu Thiên An (20 tuổi), thường trú tại Cam Ranh, trong một vụ án có dấu hiệu hình sự hóa sự việc với lý do “vì an ninh quốc gia”.

Ngày 28/08/2015, Thiên An bị mời đến trụ sở Công an Thành phố Cam Ranh làm việc với đội an ninh tỉnh Khánh Hòa.

Sau đó, qua thông tin khai thác được từ tài khoản mạng xã hội của An, công an đã triệu tập thêm một người nữa có liên quan là anh Nguyễn Duy (anh họ của An) đến trụ sở làm việc về các bài viết trên Facebook cá nhân của Duy.

Công an đã tịch thu điện thoại và máy tính của cả An và Duy.

Trong buổi chiều cùng ngày 28/08, sau khi hết thời hạn tạm giữ hành chính, cả An và Duy cùng bị đưa ra trụ sở công an tỉnh Khánh Hòa, tại số 80 Trần Phú, Nha Trang, để làm việc với Đội An ninh Điều tra (PA92).

Thông tin các buổi làm việc được thông báo đến gia đình đều bằng miệng từ lực lượng công an kiểu như: Thiên An tham gia một nhóm nào đó, và được yêu cầu thực hiện 2 việc mà nhóm mời An tham gia đề nghị trước khi đi Singapore học khóa học liên quan đến truyền thông, trong đó việc sơn xịt chữ DMCS lên tường là một phần 

Không có một thông báo chính thức nào bằng văn bản đến gia đình.

Theo quy định tại khoản 4, điều 88 Luật Tố tụng Dân sự:

"4. Cơ quan ra lệnh tạm giam phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam và cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam cư trú hoặc làm việc biết".

Hơn một tháng qua, gia đình và người thân của Nguyễn Hữu Thiên An vẫn không có thông tin chính thức gì về tình trạng của con em mình ngoài các thông báo bằng miệng.

Việc thăm gặp và gửi đồ tiếp tế hiện cũng bị cản trở tại trại tạm giam Công an thành phố Cam Ranh, khi đơn vị này chính thức đổ trách nhiệm sang công an tỉnh và yêu cầu gia đình tự liên hệ rồi mới được gửi đồ.

Từ trước đến nay, tình trạng lợi dụng việc thiếu hiểu biết pháp luật của người dân để câu lưu, tạm giữ người trái phép diễn ra khá thường xuyên, đặc biệt trong các vụ án bị xem là “liên quan đến an ninh quốc gia”.

Và ngay trong thời điểm Việt Nam vừa gia nhập Hiệp định đối tác thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc bắt giam người của lực lượng công an thành phố Cam Ranh, công an tỉnh Khánh Hòa, là dấu chỉ cho thấy áp lực ghi thành tích khiến ngành công an sẵn sàng vi phạm các nguyên tắc cơ bản do luật pháp quy định để ghi điểm.

Không thể bắt giam người một cách tùy tiện và sau đó liên tục mớm, ép cung cùng triệu tập một số bạn bè, người quen để yêu cầu họ viết cam kết, đề nghị xử lý các cá nhân mà lực lượng công an muốn. 

Và lý do “an ninh quốc gia” không thể là lá chắn cho mọi hành vi bắt giữ người trái pháp luật.

9/10/2015

Thừa Thiên Huế: Nhà cầm quyền cưỡng chiếm khu đồi Đức Mẹ của đan viện Thiên An


Lực lượng công quyền ‘bảo kê’ cho lâm trường Tiền Phong và công ty TNHH Haco Huế 
Huyền Trang (GNsP) - Nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế huy động khoảng 100 công an mặc thường phục lẫn sắc phục ‘bảo kê’ cho lâm trường Tiền Phong và công ty TNHH Haco Huế lấy khu đất đồi Đức Mẹ của đan viện Thiên An, vào sáng ngày 08.10.2015.

Nhà cầm quyền chiếm đất đan viện Thiên An làm khu du lịch

Nguyên nhân xảy ra sự việc là do lâm trường Tiền Phong và công ty TNHH Haco Huế dựng nhiều lều và gắn các bảng ‘trạm quản lý bảo vệ rừng’ xung quanh khu vực đồi Đức Mẹ, thuộc chủ quyền của đan viện Thiên An, mà không được sự cho phép.

Khi xảy ra sự việc, quý đan sĩ của đan viện Thiên An mời nhà cầm quyền xã, huyện, tỉnh, Ban tôn giáo, Hội phụ nữ xã Hương Thủy, công an mặc thường phục lẫn sắc phục… đang có mặt ở đó vào phòng khách đan viện để nói chuyện nhưng họ không đồng ý.

Quý đan sĩ yêu cầu lâm trường Tiền Phong và công ty TNHH Haco Huế không được dựng lều và gỡ các bảng hiệu này. Nếu như họ không thay đổi, phía đan viện sẽ lợp tôn che nắng, mưa cho tượng Đức Mẹvà sẽ xây Đài cho Đức Mẹ. Tuy nhiên, bên phía lâm trường không chịu lắng nghe mà vẫn tiếp tục dựng lều, cắm bảng.

Về phía nhà cầm quyền cho rằng, quý đan sĩ đang làm trái pháp luật khi lợp tôn che nắng, mưa cho tượng Đức Mẹ. “Đây là chuyện giữa đan viện với lâm trường Tiền Phong nhưng đan viện làm sai pháp luật nên nhà cầm quyền nói là họ phải can thiệp vào. Những người phụ nữ trong Hội phụ nữ ra sức mắng xa xả vào quý đan sĩ và cho là các đan sĩ đang làm sai pháp luật’. Cộng tác viên GNsP, có mặt ở hiện trường, tường thuật.

Phần đất bên đồi Đức Mẹ là nơi tranh chấp giữa lâm trường Tiền Phong và đan viện, nhưng quý đan sĩ luôn khẳng định đồi Đức Mẹ là thuộc chủ quyền của đan viện Thiên An.

“Bên phía công ty Haco Huế lại phủ nhận và trốn tránh trách nhiệm nói là các lều bạt và các bảng hiệu này là của lâm trường Tiền Phong. Họ làm việc chung với nhau nhưng lại đổ thừa cho nhau. Khi thấy quan điểm bảo vệ đất của quý đan sĩ, lâm trường Tiền Phong đã gỡ các lều bạt và bảng hiệu đi, nhưng lại qua khu đất đối diện –thuộc sở hữu của đan viện, là nơi không tranh chấp đất với lâm trường Tiền Phong- dựng lều, lập chốt và canh gác”, CTV GNsP kể tiếp.

Lực lượng công quyền ‘bảo kê’ cho lâm trường Tiền Phong và công ty TNHH Haco Huế lấy khu đất đồi Đức Mẹ của đan viện Thiên An.


Khu du lịch hoạt động không hiểu quả nhưng vẫn chiếm đất của đan viện Thiên An

Hiện nay, công an mặc thường phục luôn túc trực canh gác ở khu vực này với lý do “mùa này là mùa cháy rừng nên phải dựng lều để trông nom”, CTV GNsP cho hay.

Một nguồn tin cho GNsP biết, có ba mục đích lâm trường Tiền Phong muốn lấy khu đồi Đức Mẹ của đan viện Thiên An: thứ nhất, đầu tư vào khu du lịch hồ Thủy Tiên –thuộc sở hữu của đan viện nhưng đã bị nhà cầm quyền chiếm dụng. Thứ hai, khu vực đồi Đức Mẹ nằm sát khu quân sự. Thứ ba, nhà cầm quyền dễ dàng kiểm soát đan viện Thiên An.

Khu du lịch hồ Thủy Tiên được UBND tỉnh ‘phê duyệt quy hoạch với quy mô diện tích đất trên 63 ha’, vào ngày 07.11.2014. Dự án khu vui chơi giải trí này được giao cho công ty TNHH Haco Huế đầu tư với vốn ban đầu hơn 70 tỷ đồng. Nhiều tờ báo trong nước cho biết, khu du lịch hồ Thủy Tiên ‘đã trở nên hoang phế, xuống cấp chỉ sau một vài năm đi vào hoạt động’.

Nhà cầm quyền dựng lều đối diện tượng Đức Mẹ, để túc trực canh gác khu vực này với lý do “mùa này là mùa cháy rừng nên phải dựng lều để trông nom”

Nhà cầm quyền cắm bảng “trạm quản lý bảo vệ rừng’ ngay trên đất thuộc chủ quyền của đan viện Thiên An

Nhu cầu giải trí quan trọng hơn nhu cầu đời sống tâm linh?

Đầu năm 2015, để đáp ứng nhu cầu tâm linh của bà con giáo dân sống xung quanh đan viện, quý đan sĩ yêu cầu nhà cầm quyền được tu chỉnh đồi Thánh Giá, đồi Đức Mẹ, xây dựng đài Đức Mẹ… nhưng cho đến nay họ vẫn chưa hồi đáp.

Được biết, đan viện Thiên An có khoảng 107 ha đất rừng thông, do không quản lý hết nên quý đan sĩ giao rừng thông cho nhà cầm quyền quản lý nhưng không giao đất, tuy nhiên họ đã lật lọng với lòng tham muốn ‘cướp’ đất của đan viện.

Đan viện Thiên An là cơ sở của các đan sĩ chiêm niệm dòng Biển Đức, nằm cách trung tâm thành phố Huế 10km về phía Nam, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đối với nhà cầm quyền cộng sản, ‘đất đai do nhà nước quản lý’, thông qua các chính sách ‘cải tạo’, dự án đầu tư…, người dân và các cơ sở Tôn giáo bị cưỡng đoạt đất đai ‘hợp pháp’. Tầng lớp ‘địa chủ đỏ’ giàu lên từ đất cưỡng chiếm được, trong khi người dân bị đẩy đến bần cùng, mất đất, mất nhà… Những Núi Thánh Giá ở Châu Sơn, Ban Mê Thuột; Núi Đức Mẹ ở Bỉ Nội, Bắc Giang; Đồi Đức Mẹ Thiên An, Huế; …bị cướp chiếm với lý do: điểm cao quân sự và dự án đầu tư chỉ là một trong hàng trăm nghìn ‘dân oan’.

Huyền Trang

Hội Dân Oan Nông Dân 3 Miền Bắc - Trung - Nam ra mắt

Trần Quang Thành (Danlambao) - Như tin đã đưa, trưa 6/10/2015, trước trụ sở Đài Truyền hình Việt Nam, hàng trăm dân oan ở một số địa phương trong cả nước về thủ đô Hà Nội khiếu kiện đất đai, tài sản bị nhà cầm quyền cộng sản tước đoạt nhiều năm mà vẫn chưa được giải quyết đã biểu tình yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan truyền thông do tiền thuế của người dân nuôi dưỡng phải phản ánh trung thực nỗi oan ức của dân oan đi khiếu kiện bị các giới chức địa phương tham nhũng, bao che cho nhau cướp đoạt ruộng đất tài sản của dân, đàn áp, đánh đập dã man người dân nói lên sự thật.

Tại cuộc biểu tình này Hội Dân Oan Nông Dân 3 Miền Bắc Trung - Nam đã ra mắt.

Bà Trần Thị Hài, đại diện Ban Điều hành Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam đã có mặt chia sẻ cùng bà con dân oan.

Thay mặt Hội, chị Cấn Thị Thêu, dân oan Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, cựu tù nhân lương tâm đã phát biểu kêu gọi bà con dân oan khắp 3 miền vượt lên sợ hãi, đoàn kết bên nhau, bền bỉ đấu tranh để giành quyền sở hữu đất đai, xóa bỏ bất công do nhà nước cộng sản độc tài gây nên. Sát cánh cùng toàn dân đâu tranh vì một nước Việt Nam cường thịnh, dân chủ, tự do, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Sâu đây là một sô hình ảnh về buổi ra mắt Hội Dân Oan Nông Dân 3 Miền Bắc – Trung – Nam

9/10/2015

Cấn Thị Thêu và những dân oan bất khuất, ngoan cường


Trần Quang Thành (Danlambao) - "Đã nhiều tháng nay trong tâm tôi luôn day dứt nỗi đau của bà con Dương Nội bị cướp đất và bị khủng bố dã man. Nhiều lúc tôi cứ có cảm giác như tim mình đang bị ai bóp nghẹt khi nghĩ đến người phụ nữ nông dân mang tên Cấn Thị Thêu đang bị giam cầm trong chốn lao tù. Tội của em vì đã dám chống lại cường quyền để bảo vệ đất đai của mình và của xóm làng...." - Nghệ sĩ Kim Chi


 Đêm 3/10/2015, căn nhà gia đình nghệ sĩ điện ảnh Kim Chi và chồng là nhà giáo Vũ Linh ở quận Tây Hồ - Hà Nội đã có cuộc họp mặt ấm áp nghĩa tình với 5 khách quí đó là những dân oan đến từ phường Dương Nội quận Hà Đông, trong đó có chị Cân Thị Thêu mới ra khỏi trại giam số 5 Thanh Hóa sau 15 tháng bị ngược đãi trong ngục tù cộng sản.

Cuộc gặp mặt là sự chia sẻ, sự đồng cảm của những người trí thức với bà con dân oan Dương Nội cũng như, bà con dân oan nhiều địa phương khác trong cuộc đấu tranh quyết liệt vói giới bạo quyền cộng sản để giành lại những quyền con người mà mỗi người dân phải được hưởng.

Đôi lời tự sự, nữ nghệ sĩ điện ảnh Kim Chi đã nói lên cảm xúc của mình về dân oan Cấn Thị Thêu, dân oan Dương Nội và hàng triệu dân oan Việt Nam bất khuất, ngoan cường:

“Đã nhiều tháng nay trong tâm tôi luôn day dứt nỗi đau của bà con Dương Nội bị cướp đất và bị khủng bố dã man. Nhiều lúc tôi cứ có cảm giác như tim mình đang bị ai bóp nghẹt khi nghĩ đến người phụ nữ nông dân mang tên Cấn Thị Thêu đang bị giam cầm trong chốn lao tù. Tội của em vì đã dám chống lại cường quyền để bảo vệ đất đai của mình và của xóm làng. (Xin phép Thêu cho tôi được gọi Thêu là em vì em còn trẻ hơn tôi rất nhiều.) Tôi đã để bức ảnh nền trên máy tính của tôi là hình ảnh Lê Hùng đang cầm tấm biển có dòng chữ: “Trả tự do cho Cấn Thị Thêu” và một người mang tấm biển ghi dòng chữ “Bắt người vô tội để cướp đất là một tội ác”. Hình ảnh đó luôn nhắc tôi phải viết và phải sống có trách nhiệm với nỗi đau của đồng bào.

Một lần có người thầm thì với tôi rằng: “Cấn Thị Thêu đã chấp nhận theo lời dụ dỗ của bọn công an rồi...” Tôi hỏi: “Chấp nhận cái gì? ” Người đó trả lời: “Họ sẽ đền bồi riêng cho Thêu nhiều tỉ và lô đất đẹp nào Thêu muốn. Đổi lại Thêu kêu gọi bà con nhận đền bồi và không đấu tranh...”

Tôi nói ngay: “Đây là trò li gián hèn mạt mà đám an ninh hay làm để chia rẽ những người đang đấu tranh. Tôi không tin...”

Và quả thật Thêu đã xứng đáng với niềm tin của tôi và mọi người dành cho em. Có vị đại tá công an đến gặp em trong tù để dụ dỗ em, đã bị em quát vào mặt: “Các người đừng hòng dụ dỗ tôi... Tôi không bao giờ phản lại bà con Dương Nội. Các người là lũ cướp có tổ chức...”

Trong những ngày bị cầm tù, cơ thể em bị giam cầm, nhưng tâm hồn em luôn hướng về cuộc đấu tranh sục sôi của bà con Dương Nội. Tin tức về phong trào trong, ngoài nước đòi trả tự do cho em đã khiến em vô cùng cảm động và phấn khích. Em nguyện dẫu có chết vẫn chiến đấu tới cùng

Em đã chấp nhận tù đày vì quê hương. Bà con Dương Nội đã yêu quí em như khúc ruột của mình. Cái tên Cấn Thị Thêu và Dương Nội đã gắn chặt như máu thịt sẽ đi vào lịch sử đấu tranh giữ đất của Việt Nam.

Ngày em ra tù đã có hàng trăm anh chị em trong các tổ chức xã hội dân sự đến tận trại giam đón em về với gia đình và bà con xóm làng.

Những lời phát biểu tâm huyết của em đã khiến bao người rơi lệ. Em xứng đáng là con cháu bà Trưng, bà Triệu - các liệt nữ anh hùng dân tộc.

Nhờ cháu Trịnh Bá Phương là con trai đầu của Cấn Thị Thêu kết nối, chúng tôi đã được tiếp mẹ con Cấn Thị Thêu và ba người nữa đến nhà vào tối thứ bảy, ngày 3 tháng 10 vùa qua. Như vậy là năm vị khách quí dân oan Dương Nội hôm đó gồm có:

1- Cấn Thị Thêu
2- Trịnh Bá Phương, con trai đầu của Thêu
3- Bà Nguyễn Thị Hào, bà đại biểu dân oan này thuộc rất nhiều thơ về nỗi đau của nông dân dưới chế độ cộng sản.
4- Bà Nguyễn Thị Chức
5- Nguyễn Văn Thắng.

Năm người này là những người tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giữ đất của bà con Dương Nội.

Những người đến để chung vui cùng vợ chồng tôi là:

1- Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, ông là một cây bút sắc sảo đòi nhân quyền, dân chủ, thoát Trung.

2- Blogger Nguyễn Thúy Hạnh, người phụ nữ xinh đẹp này luôn đến với dân oan và thường có mặt trong những cuộc biểu tình bảo vệ biển đảo, bảo vệ cây xanh.

3- Nguyễn Thị Huần, chị là một dân oan tỉnh Vĩnh Phúc đã bền bỉ đi khiếu kiện nhiều năm mà vẫn chưa đòi lại được nhà đất.

Hạnh và Huần vì đến sau nên không có mặt trong ảnh. Bữa cơm gia đình thân mật và ngon miệng, bởi chúng tôi cảm thấy ấm lòng vì được chia sẻ nhiều điều rất hữu ích.

Điều khiến chúng tôi thấy kì cục là hôm đó có mấy chú công an cứ lởn vởn đứng rình ở đầu ngách. Họ dùng tiền thuế của dân vào những việc vô bổ như vậy sao? Tôi vừa giận, vừa thương các chú ấy đã bị ép buộc làm những việc vô bổ. Dẫu họ có canh gác, có khủng bố thì họ cũng không thể ngăn được chúng tôi đến với nhau để tiếp sức cho nhau vững bước trong cuộc đấu tranh đòi quyền con người

Tôi cảm phục và biết ơn Cấn Thị Thêu cùng bà con dân oan Dương Nội. Tôi hi vọng sẽ có hàng ngàn, hàng vạn Cấn Thị Thêu ở khắp Trung Nam Bắc. Tôi khát khao đến cháy bỏng rằng tất cả nông dân mọi miền trên lãnh thổ Việt Nam sẽ cùng đứng lên quật khởi như những người nông dân Dương Nội và tôi tin mãnh liệt rằng: “QUYỀN ĐƯỢC SỐNG TỰ DO VÀ MƯU CẦU HẠNH PHÚC” trên đất VN sẽ không còn xa nữa.”

10/10/2015

Hủy hoại tài sản trên 500 triệu vẫn không bị sao?!

VÕ HÀ - Thứ Bảy, ngày 10/10/2015 - 04:00
(PL)- Bên mua đất cho xe đến san ủi, hủy hoại tài sản của người khác, gây thiệt hại trên 500 triệu đồng nhưng công an bảo đây chỉ là tranh chấp dân sự nên không khởi tố.
Gửi thư đến Pháp Luật TP.HCM, bà Du Bạch Cúc (trú phường 15, quận 11, TP.HCM) trình bày: Bà là giám đốc chi nhánh của Công ty TNHH TMDV và XNK Nhật Hạ (Công ty Nhật Hạ) chuyên mua bán nông sản, sắt thép... Tháng 6-2011, bà đại diện công ty ký hợp đồng thuê mặt bằng tại B19/3 quốc lộ 1A, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh (TP.HCM) với vợ chồng ông CNQ, thời gian thuê là 24 tháng để làm trụ sở chi nhánh.
Ủi tường, hủy hoại tài sản
Theo bà Cúc, sau khi ký hợp đồng thuê mặt bằng, Công ty Nhật Hạ đã xây văn phòng và đi vào hoạt động kinh doanh tại địa chỉ nói trên. Trong quá trình sử dụng mặt bằng, bà được biết giữa phía ông Q. và bà H. có xảy ra tranh chấp về quyền sử dụng khu đất trên. Công ty có thông báo cho các bên biết khi nào có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết việc tranh chấp khu đất này thì thông báo cho công ty biết để công ty chủ động di dời hoặc tiếp tục thuê với người có quyền sử dụng đất hợp pháp.
Ngày 19-11-2011, trong lúc việc kinh doanh của công ty diễn ra bình thường thì phía bà H. đã cho xe ủi phá sập bức tường, làm hư hỏng một số vật dụng khác tại trụ sở chi nhánh của công ty. Sau khi xảy ra vụ việc trên, bà Cúc đã có đơn tố cáo bà H. về hành vi hủy hoại và cố ý làm hư hỏng tài sản đến cơ quan công an. Trong khi vụ việc chưa được giải quyết xong thì ngày 1-12-2011, bà H. lại cho người đến công ty phá một số tài sản lần hai. Với hai lần bà H. thực hiện hành vi trên, tài sản của công ty đã bị hủy hoại với tổng giá trị thiệt hại gần 1 tỉ đồng.
Trụ sở Công ty Nhật Hạ trước (ảnh trên) và sau khi bị san ủi (ảnh dưới). Ảnh: NH
“Vụ việc trên đã được Công an huyện Bình Chánh thụ lý với nhiều lần mời đại diện công ty lên lấy lời khai nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết xong. Tôi có đến liên hệ với Công an huyện Bình Chánh thì cơ quan này nói đã chuyển hồ sơ qua VKSND huyện này từ năm 2012. Vừa rồi, VKS có mời tôi lên làm việc và cơ quan này cũng bảo là phải chờ. Kể từ khi xảy ra vụ việc cho đến nay công ty chúng tôi đã chờ hơn bốn năm rồi, giờ phải chờ đến khi nào nữa đây?” - bà Cúc bức xúc.
Trong khi đó, người gây ra hậu quả cho công ty hiện giờ vẫn ung dung trước pháp luật.
Tiếp xúc với PV, ông Q. (bên cho thuê mặt bằng) cho biết: “Trước đây, tôi có bán phần đất trên cho bà H. Tuy nhiên, quá trình mua bán do chưa thỏa thuận được giá nên tôi chưa thể giao đất cho bà H. được. Mặc dù giữa tôi và bà H. thỏa thuận và tôi đồng ý giao đất cho bà ấy nhưng trong quá trình giao đất lại phát sinh tranh chấp mới nên tôi yêu cầu tòa án giải quyết. Sau khi tòa giải quyết tranh chấp mới phát sinh xong thì tôi mới thực hiện theo phán quyết của tòa”.
Chỉ là tranh chấp dân sự?
Trao đổi với PV, ông Lê Thanh Tòng, Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh, cho biết: Theo hồ sơ từ cơ quan điều tra (CQĐT) Công an huyện Bình Chánh chuyển qua thì Công ty Nhật Hạ ký hợp đồng thuê mặt bằng với vợ chồng ông Q. Tuy nhiên, giữa phía ông Q. và bà H. lại xảy ra tranh chấp trên khu đất mà Công ty Nhật Hạ đã thuê. Nhưng sau đó giữa hai bên tranh chấp đã tự thỏa thuận với nhau phía bà H. trả tiền mua đất cho ông Q. và ông Q. phải giao đất cho bà H.
“Theo thỏa thuận, ông Q. phải giao đất trước ngày 9-11-2011 nhưng ông không thực hiện. Đến ngày 19-11-2011, bà H. cho một số người đến san ủi một phần tài sản của công ty để đòi lại đất. Ngày 26-11-2012, CQĐT đã chuyển hồ sơ và quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì họ cho rằng vụ việc trên là tranh chấp dân sự” - ông Tòng cho biết.
Đại diện CQĐT Công an huyện Bình Chánh cho biết: Khi xảy ra vụ việc trên, hội đồng giám định tài sản trong tố tụng đã dựa vào hồ sơ và xuống hiện trường thẩm định thiệt hại với tổng giá trị trên 500 triệu đồng. Lúc đầu, CQĐT Công an huyện Bình Chánh chuyển hồ sơ lên Công an TP để giải quyết vì tài sản trên 500 triệu đồng. Tuy nhiên, Công an TP nhận định đây là tranh chấp dân sự giữa hai bên là ông Q. và bà H. và công an huyện đã ra quyết định không khởi tố hình sự vụ việc trên. Trong trường hợp này, tuy hành vi của bà H. gây thiệt hại cho Công ty Nhật Hạ nhưng do ông Q. không giao đất đúng hẹn nên ông Q. phải có trách nhiệm bồi thường cho công ty.
Đã có dấu hiệu hình sự rõ ràng
Vụ việc trên đã có dấu hiệu hình sự rõ ràng. Điều 143 BLHS (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản) quy định: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm...
Các yếu tố cấu thành tội hủy hoại tài sản đã đầy đủ. Việc tranh chấp đất giữa bà H. và ông Q. là tranh chấp dân sự phải được giải quyết bằng cơ quan pháp luật, cụ thể là tòa án. Bà H. biết tài sản là của công ty, chưa có phán quyết nào của tòa buộc công ty phải di dời hay giao tài sản cho ai.
Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN(Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai)
Có thể có dấu hiệu hình sự
Qua xem xét hồ sơ, chúng tôi thấy vụ việc trên có thể có dấu hiệu hình sự nên cần phải điều tra bổ sung theo quy định. Trong quá trình điều tra, viện yêu cầu CQĐT thẩm định giá, những tài sản bị hủy hoại vì kết quả định giá trước đây chỉ thẩm định trên bản thống kê của công ty chứ không trực tiếp xuống hiện trường thẩm định. Việc yêu cầu định giá tài sản lại CQĐT không đáp ứng được nên viện chưa có cơ sở kết luận vụ việc. Hiện viện đã mời hai bên đến làm việc để thỏa thuận về bồi thường thiệt hại, còn vấn đề xử lý hình sự thì chúng tôi phải xem xét mới có hướng xử lý.
Ông LÊ THANH TÒNG, Phó Viện trưởng VKSND
huyện Bình Chánh
VÕ HÀ

Cháy lớn cửa hàng điện thoại

Nguyễn Tân - Thứ Bảy, ngày 10/10/2015 - 11:37
(PLO)- 9 giờ sáng 10-10, nhiều người dân sống cạnh ngôi nhà 93 Hùng Vương, đồng thời là cửa hàng điện thoại Tân Phú (phường 4, quận 5, TP.HCM), thấy khói lửa và nhiều tiếng nổ bốc lên từ cửa hàng này. 

Lửa lớn bùng phát ở cách xa vẫn trông thấy. Ảnh: Nguyễn Tân 
Tuy nhiên vào thời điểm trên, cửa đã bị khóa trái nên việc tiếp cận là bất khả thi. Nhiều người thấy khói lửa bốc dữ dội đã tháo chạy ra khỏi khu vực và đứng từ xa quan sát.

Lực lượng CSPCCC Công an quận 8 cùng với lực lượng tại chỗ đã nhanh chóng dập tắt đám cháy. Ảnh: Nguyễn Tân
Lực lượng chức năng phường 4 cùng CSGT và người dân đã tìm cách phá cửa nhưng không công hiệu cho đến khi lực lượng CSPCCC Công an quận 8 điều động sáu xe chuyên dụng, trong đó có xe thang cùng khoảng 40 chiến sĩ đến hiện trường.

Sáu xe chuyên dụng, trong đó có xe thang cùng khoảng 40 chiến sĩ đến hiện trường vụ cháy. Ảnh: Nguyễn Tân 
Cửa chính của cửa hàng được phá để đưa nước vào; tuy nhiên cửa hàng này chỉ có một lối thoát là cửa chính nên phải sử dụng máy hút khói để nhanh chóng giải phóng hiện trường.

Vì căn nhà chỉ có một lối thoát nên phải dùng máy hút khói. Ảnh: Nguyễn Tân 
Vụ việc khiến đường Hùng Vương từ giao lộ Trần Nhân Tôn đến Lê Hồng Phong bị phong tỏa, giao thông bị ùn tắc. Cho đến khoảng 9 giờ 45 ngọn lửa được dập tắt hoàn toàn.

Tài sản trong cửa hàng bị thiêu rụi. Ảnh: Nguyễn Tân 
Theo một nhân viên thì cửa hàng bán chủ yếu là linh kiện iPhone và iPad, chủ cửa hàng vừa mới nhập về một lượng linh kiện lớn thì xảy ra sự việc đáng tiếc.

 Lực lượng chức năng giúp chủ cửa hàng thu dọn những gì còn sót lại. Ảnh: Nguyễn Tân
Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, những nhân viên và chủ cửa hàng linh kiện vẫn đang cố gắng vớt vát những gì còn sót lại, chủ yếu là sạc, tai nghe và màn hình iPhone, iPad. Những linh kiện khác phần đa đã bị lửa thiêu rụi.

Phần ngoài cửa hàng bị cháy sém. Ảnh: Nguyễn Tân 
Hiện nguyên nhân và thiệt hại của vụ cháy vẫn đang được thống kê.
Chỉ còn một số ít linh kiện điện thoại còn có thể vớt vát lại. Ảnh: Nguyễn Tân
Nguyễn Tân