Friday, May 29, 2015

Trung Quốc âm mưu gì khi xây đảo ở Biển Đông?

Hải Ninh, phóng viên RFA
2015-05-28
Hình ảnh hoạt động xây đảo của Trung Quốc được may bay Mỹ nghi lại
Trung Quốc đang gấp rút xây dựng các đảo đá nhân tạo ở Trường Sa, nơi mà Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền. Trong khi đó, Mỹ dường như ngày càng lên tiếng mạnh mẽ hơn phản đối điều này. Mới hôm qua, Bộ trường Quốc phòng Mỹ Ash Carter kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hoạt động xây dựng ở Biển Đông. Hải Ninh có cuộc phỏng vấn với giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn quan hệ quốc tế tại đại học George Mason, về vấn đề này.
Hải Ninh: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Xin hỏi ông câu đầu tiên, việc Trung Quốc xây dựng đảo đá ở Trường Sa, rồi cả hải đăng nữa sẽ ảnh hưởng tới tình hình Biển Đông ra sao?
G.S. Nguyễn Mạnh Hùng: Điều đầu tiên mình thấy là căng thẳng rồi, và chúng ta thấy rất nhiều lời tuyên bố qua lại đặc biệt là nước Mỹ và Trung Quốc. Đấy là tổng quát đấy, về chi tiết thì mình thấy có hai cái điều quan trọng. Thứ nhất là về phương diện chiến lược, thứ hai là về phương diện luật quốc tế và trật tự quốc tế. Về phương diện chiến lược thì mình nhìn thấy có 5 cái hòn đảo, cái đá mà họ xây lên như thế đó là nó nằm ở cái tuyến đường biển rất quan trọng giữa Việt Nam này, Phi La Tân, Brunei, Malaysia. Nếu họ có căn cứ đó thì họ có thể kiểm soát được và chế ngự hoàn toàn cái vùng biển đó làm tuyến đường quan trọng nó block, nó chặn cái đường từ miền biển Hoa Đông xuống Malaca, thành ra đấy là về chiến lược rồi. Nếu họ thành công họ sẽ đạt được ưu thế chiến lược rất là quan trọng.
Thứ hai nói về trật tự quốc tế, hiện tại thì căn cứ số luật quốc tế hiện hành đó, luật quốc tế hiện hành không cho phép những cái đá chìm đó nước nào nhận chủ quyền đá chìm trừ khi đá đó ở trong vùng lãnh hải của mình hay là trong vòng EEZ đấy, tức là vùng đặc quyền kinh tế của mình. Không cho phép như thế. Nhưng Trung Quốc biến thành đảo, ông ấy biến thành đảo thì có hai chuyện. Thứ nhất là hoặc là ông ấy vi phạm luật quốc tế, hoặc là ông ấy bảo tôi chỉ xây trong phạm vi của tôi thôi, phạm vi đó là gì, là phạm vi đường lưỡi bò. Như vậy có nghĩa là ông ấy tuyên bố đường lưỡi bò, mọi người phản đối nhưng ông ấy thi hành từ từ từ đấy, bây giờ ông ấy làm thế này thì ông từ từ ông biến đường lưỡi bò làm lời tuyên bố thành sự thật và như vậy là về phương diện quốc tế hiện hành thì nó là sai, nhưng mà ông ấy giải thích theo kiểu của ông ấy rằng đây là vòng của ông ấy, ông ấy có quyền xây, ai cũng có quyền xây như xây nhà đó, thì ông ấy làm như vậy mà nếu mọi người chấp thuận thì nhìn như thế này mình thấy là rõ ràng là Trung Quốc đặt ra luật rồi lại thi hành luật đó.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trả lời phỏng vấn phóng viên Hải ninh, RFA
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trả lời phỏng vấn phóng viên Hải Ninh, RFA
Hải Ninh: Vâng. Thưa ông mới đây còn có thông tin từ một tờ báo Australia rằng Trung Quốc dường như đã đưa vũ khí lên đảo nhân tạo kể trên. Theo ông thì khả năng xung đột là như thế nào?
G.S. Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết là Mỹ thì nói rằng là nếu mà họ xây như vậy đó, mà cái máy bay họ trông thấy thì họ xây những cái đảo quan sát rồi. Đảo quan sát đó thì nó sẽ phải xây căn cứ quân sự để bảo vệ đảo quan sát đó. Đảo quan sát đó nó biết rồi thì nó sẽ phóng cho quân đội của Trung Quốc, và quân đội Trung Quốc sẽ theo dõi máy bay, nó có thể zoom in bắn vào máy bay đó. Thì cái tình trạng máy bay đó rất nguy hiểm. Thì cái chuyện đó là mới trong cái tình trạng gọi là đồn đoán thôi. Nhưng hôm nay nếu mà cái tin đó là tin thật đó, là họ đã quân sự hoá cái đảo thì họ lại tăng cường, tăng thêm cái leo thang thêm cái hành động của họ.
Hải Ninh: Vậy thì khả năng xảy ra xung đột là thế nào?
G.S. Nguyễn Mạnh Hùng: Khả năng xẩy ra xung dột thì có. Bây giờ thí dụ Ông Cater đó, ngoài cái lời ông tuyên bố hôm nọ, hôm qua ông nói đó ông yêu cầu các quốc gia đều phải liên kết phản đối mạnh, nói rằng Mỹ sẽ có quyền gửi máy bay hay tàu chiến đến bất cứ vùng nào mà luật quốc tế cho phép, mà nếu mà Mỹ giải thích luật quốc tế cho phép ấy thì nó sẽ bay qua địa điểm của ông Trung Quốc và đi tàu trong đó.
Thành ra như vậy ngược lại với Trung Quốc, thế thì bây giờ là ông Trung Quốc ông chống lại chuyện đó, nhưng bây giờ nếu mà có vũ khí ngoài đó thì bây giờ nếu mà có máy bay đi qua rất có thể xảy ra trường hợp accidents, tức là biến cố mình không trù liệu được, tai nạn chẳng hạn, tính lầm chẳng hạn. Thì cái sự xung đột nó rất là lớn, thành ra tôi hôm trước có đọc câu tuyên bố của ông cựu phó giám đốc trung ương tình báo ông nói có triển vọng xảy ra chiến tranh
Hải Ninh: Trong khả năng có thể xảy ra xung đột và chiến tranh như thế, những nước cũng khẳng định chủ quyền ở Biển Đông phải làm thế nào?
G.S. Nguyễn Mạnh Hùng: Các nước đó thì chỉ có đánh bom miệng đươc thôi, thực sự họ không có khả năng gì để cản trở cái đó cả, tất cả họ đều phải nhờ Mỹ cả. Thế mà Cái khổ là thế này, nếu mà mình nhìn các ông ấy hành động từ xưa đến nay , nếu các ông đoàn kết lâu thì Trung Quốc đã không tiến mạnh được, bởi vì ông đoàn kết lâu thì Mỹ cũng dính tay vào đó. Các ông ấy theo sự nhận xét riêng của tôi đó thì tôi cảm tưởng các ông ấy muốn free ride đấy, tức là ông ấy chống Trung Quốc thì ông chỉ chống miệng thôi, còn hành động thì các ông ấy không làm, và ông ấy vẫn tiếp tục có quan hệ tốt với Trung Quốc. Thì Mỹ nó bảo you cannot have cake and eat it too, ông ăn hết bánh rồi thì bánh hết chứ còn gì làm bánh nữa, thì cái tình trạng đó tạo ra cái khó khăn như hiện nay.
Hải Ninh: Vậy liệu Trung Quốc có dừng việc xây đảo đá hoặc có cách nào khiến họ dừng việc xây dựng hay không?
G.S. Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết là đã xây rồi, nó thành đảo rồi. Vấn đề là họ có quân sự hoá cái đó không. Quân sự hoá có nghĩ là gì, ngoài vũ khí thì họ có thể xây sân bay, đưa tàu chiến vào. Nếu họ làm như vậy thì họ thay đổi rất mạnh mẽ cái thế chiến lược vùng đó bởi họ sẽ có ưu thế chiến lược kiểm soát Biển Đông, tạo ra áp lực rất mạnh cho những người muốn chống lại, nếu chống lại thì có thể xảy ra chiến tranh
Hải Ninh: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Nỗi sợ hãi đang chuyển động

Nguyệt Quỳnh
The RFA-2015-05-29

US_Marshals_with_Young_Ruby_Bridges_on_School_Steps.jpg
Cô bé Ruby Bridges trên đường đến lớp năm 1960 tại New Orleans-Files photo
Những hình ảnh với gương mặt bê bết máu của các nhà hoạt động gần đây cho thấy sự đàn áp của công an nhắm vào họ đang gia tăng cuồng nộ! Tuy nhiên khác với trước đó, thái độ bình tĩnh, ý thức, sẵn sàng đối đầu của hầu hết các nạn nhân đã khiến người ta thấy rõ nỗi sợ hãi đang chuyển động. Nó đang chuyển dần từ những người bị hành hung, từ những người dân thấp cổ bé miệng sang những kẻ cầm quyền.
Dù cảm thấy vô cùng bất nhẫn, tôi vẫn muốn minh hoạ sự chuyển động đó bằng một hình ảnh tươi đẹp và chợt nhớ đến những bước chân của em bé Ruby Bridges trên đường đến lớp năm 1960. Bố mẹ của Ruby đã ghi danh cho em học tại một trường tiểu học gần nhà dành cho các em da trắng. Khi ấy tại New Orleans sự kỳ thị màu da vẫn chưa được gỡ bỏ ở các trường học; và để phản đối sự có mặt của em, các giáo viên đã từ chối đứng lớp ngoại trừ một cô giáo trẻ. Và cũng chỉ mình cô duy nhất, là cô giáo của em suốt năm học đó.
Hàng ngày đến lớp, Ruby phải đi ngang qua những bức tường đầy vết cà chua và những dòng chữ thoá mạ. Ruby có thể chuyển về nơi các bạn da đen của em đang học thay vì phải chịu đựng nỗi sợ hãi trước một đám đông cha mẹ giận dữ, gào thét trước cổng trường. Để bảo vệ em, hàng ngày có đến bốn cảnh sát liên bang đi cùng em, và họ đã nói về cô bé như sau: "Ruby không khóc. Em cũng không thút thít. Em chỉ xốc bước đi cùng, như một người lính bé nhỏ. Tất cả chúng tôi đều rất tự hào về em."
Phải một năm sau đó, sinh hoạt ở ngôi trường ấy mới trở lại bình thường. Các trẻ em da trắng được cha mẹ cho trở lại trường và ngoài Ruby, lại có thêm một vài học sinh da đen khác. Cô bé 6 tuổi này đã giúp xoá bỏ sự kỳ thị màu da không những chỉ tại các ngôi trường thuộc tiểu bang New Orleans. Và sự kiên định của cha mẹ em, những người da đen bình thường, vô danh là những yếu tố quan trọng giúp cho sự chuyển đổi này. Bậc cha mẹ đáng kính đó đã cho con gái họ một hành trang vô cùng quý báu để bước vào đời!
Trong bối cảnh VN hiện nay, sự kiên định và thái độ của những nhà hoạt động trước những bạo hành của công an cũng đang tạo nên một luồng sinh khí mới. Ý thức về dân chủ và quyền con người đã khiến mọi người cùng đứng sát vào nhau – ít nhất là về ý tưởng và thái độ - sẵn sàng tranh đấu để thực hiện cho bằng được ước vọng chính đáng của mình. Tôi nhớ đến thi sĩ Chế Lan Viên và cái khát vọng cuối đời của ông. Ông ước ao rằng ở thế kỷ sau, người ta không phải sống như ông chỉ vì để nuôi nấng xác thân đã phải đem làm thịt linh hồn mình. Chế Lan Viên mất năm 1989, hai mươi lăm năm sau, những con người của một thế kỷ mới đang bắt đầu xuất hiện.
Công an, theo trách vụ được quy định là để ổn định trật tự xã hội và bảo vệ người dân. Nhưng hiện nay nhiệm vụ này trở nên đối nghịch; công an ngày nay chủ yếu tham nhũng, sách nhiễu và tàn ác với dân nên tạo ra nhiều bất ổn xã hội. Lãnh đạo cộng sản đã biến lực lượng công an nhân dân trở thành công cụ nhằm để bảo vệ đảng và chế độ. Thông điệp ở trên đưa xuống rất rõ ràng “chỉ biết còn đảng còn mình” (sic). Đây đơn thuần là mối quan hệ chủ tớ, công an ngày nay chỉ cần biết một điều duy nhất - ngày nào còn đảng là còn lương ăn và sổ hưu - mọi chuyện khác đều phải coi nhỏ kể cả biển Đông và biên giới !!!
keepourschoolwhite-400.jpg
Vì bảo vệ đảng và chế độ là quan trọng, do đó nhiệm vụ của công an cũng thay đổi theo thời gian và nhất là tùy theo khả năng kiểm soát của kẻ cầm quyền. Ngày trước, khi chế độ còn mạnh và kiểm soát mọi thứ, công an không cần phải ra tay đàn áp, chỉ cần ra mệnh lệnh là người dân nghe răm rắp. Nỗi sợ hãi ám ảnh toàn xã hội, từ dân thường cho đến cán bộ. Không phải chỉ giới văn học như Chế Lan Viên hay Nguyễn Tuân mới biết sợ, trong cuốn “Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội”  nhà văn Nguyễn văn Trấn kể rằng có lần hỏi ông Tôn Đức Thắng tại sao để cho cải cách ruộng đất giết dân như vậy. Đang ngồi, ông Thắng bật dậy khỏi ghế vừa đi vừa văng tục: “ ĐM, tao cũng sợ nó, mày biểu tao còn dám nói cái gì?”.
Ngày nay, mặc dù sự khủng bố vẫn còn nguyên đó, nhưng ý thức được “quyền lợi và quyền hạn” của mình đã giúp cho nhiều người VN đẩy lùi được nỗi sợ hãi.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã không ngừng dùng bạo lực tấn công những nhà bất đồng chính kiến. Có đến 9 vụ tấn công liên tiếp vào các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền, gần đây nhất là vụ tấn công anh Đinh Quang Tuyến vào lúc 7 giờ sáng ngày 19/5 vừa qua.
Theo lời anh Tuyến thuật lại, khi thấy anh rời khỏi nhà một công an mật vụ vẫn thường theo dõi anh đã dùng điện thoại để báo tin. Sau đó có hai công an mặc thường phục đã chạy theo xe đạp của anh. Khi anh dừng lại thì họ chạy lên ngang xe với anh và đấm thẳng vào mặt anh. Cuộc bạo hành đã khiến anh Tuyến bị nứt xương mũi, máu chảy lênh láng trên mặt .
Dù biết chắc kẻ đánh mình chính là công an mật vụ, nhưng anh Tuyến cho biết là anh không hề thù oán họ, vì cho rằng họ chỉ là công cụ, chỉ làm theo lịnh trên. Và anh khẳng quyết: "Nếu đánh tôi để dằn mặt, thì họ đã không thể đạt được mục đích". Sau đó anh còn tâm sự rằng: “Tôi bị lũ quỉ hồ quang đánh lén, ngay lập tức anh em dân chủ vây quanh chăm sóc tôi như các thiên thần, thân xác đau đớn nhưng tâm hồn thật hạnh phúc, cảm ơn trời cảm ơn mọi người!”
Nghe những chia sẻ của anh Đinh Quang Tuyến, khi vết thương trên mặt của anh còn sưng tấy và đau đớn có người ngạc nhiên bảo “y như chuyện cổ tích”.
Và chuyện y như cổ tích đó không chỉ dừng ở một người. Anh Trịnh Anh Tuấn, admin của nhóm Vì Một Hà Nội Xanh cũng đã bị những kẻ lạ mặt tấn công trên đường đi mua sữa cho con. Dù bị nhiều thương tích ở đầu và tay, anh Tuấn vẫn khẳng định anh sẽ không lùi bước. Anh bảo không có lý gì người lương thiện, làm việc tốt lại phải sợ kẻ sai, kẻ xấu.
Nhóm bạn của anh cũng đồng lòng, anh Phan Xéng góp lời: “có thể nhiều người nữa sẽ gặp phải vài phiền nhiễu nhỏ nhoi này, theo tôi vào thời điểm này, đó là cái giá quá rẻ để bày tỏ ý kiến chính đáng”.
Những câu nói trên của ba người tuy khác nhau nhưng có một điểm rất chung: họ tin rằng cái đúng và cái đẹp sẽ luôn luôn chiến thắng. Sống và hành động với niềm tin đó đã khiến họ cảm thấy hạnh phúc và lạc quan ngay cả lúc thân xác đau đớn nhất, lúc mất mát nhiều nhất.
Rõ ràng nhiều người dân VN đã đẩy lùi được nỗi Sợ Hãi. Vậy nỗi Sợ Hãi ấy đã đi đâu? Theo tôi, nó đang chiếm lĩnh tâm tư của tầng lớp lãnh đạo nhiều quyền nhiều lợi.
Chế độ đang mất dần khả năng kiểm soát xã hội, và sự đàn áp của công an càng gia tăng dữ dội chứng tỏ nỗi lo sợ của lãnh đạo CS càng ngày càng lớn.
Câu hỏi còn lại là liệu những kẻ thừa hành đang hành hung các nhà hoạt động sẽ nghĩ gì và sẽ chọn đứng ở điểm nào để nhận được sự bình an trong tâm hồn? Cuộc xuống đường gần đây của người dân tỉnh Bình Thuận đã cho thấy rõ cơn nộ khí xung thiên của người dân đối với lực lượng công an. Gieo gió ắt gặt bão! Nhưng những kẻ lãnh đạo, những kẻ gieo gió sẽ có thừa phương tiện để cao chạy xa bay cùng vợ con và tài sản của họ, thử hỏi lúc ấy cơn bão này những ai sẽ gặt trước tiên?
Hôm nay còn đảng còn mình, ngày mai đảng chạy thân mình ra sao?

Không được thở mạnh

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn
2015-05-29
img_0004-0-622.jpg
Ảnh minh họa, tranh của họa sĩ Kuang Biao. Courtesy photo
Trong một bộ phim Hồng Kông được xào nấu từ tiểu thuyết gốc của nhà văn Kim Dung, có một đoạn mô tả không khí nghiêm trọng đối đầu giữa các cao thủ, hết sức hài hước và nghiêm trang.
Một nhóm võ lâm giang hồ đi một chặng đường rất dài để tìm gặp vị Thiền sư trang chủ. Người này vừa có tính tình cô độc cổ quái, vừa là một cao thủ. Khi đưa nhóm giang hồ đó đến phòng khách chờ thiền sư hiển lộ, lũ gia nhân căn dặn là khách phải giữ tuyệt đối yên lặng, thanh tịnh, nếu không sẽ bị đuổi về. “Phải nhớ, vào đây không được thở mạnh, và không được địt”, gã gia nhân nói.

Biển Đông giờ như đỉnh Hoa Sơn

Biển Đông hôm nay, cũng trầm trọng không khác gì phòng khách ấy. Biển Đông giờ như đỉnh Hoa Sơn, nơi trổ sức hơn thua giành vị thế. Cũng có anh tài võ công xuất chúng như Lệnh Hồ Xung, cũng có kẻ nguỵ quân tử như Nhạc Bất Quần ngồi rung đùi, đếm kẻ chết mà tính lợi cho mình. Cũng có kẻ lén lút nhìn, không thở mạnh và không dám cả địt.
Biển Đông với cục diện như lửa cháy lan dần, cũng là lúc nghiêm trọng. Không phải dân đen giang hồ xứ Việt nào cũng dám cựa mình thở mạnh. Ngư dân Việt bị Trung Quốc cho tàu sắt cố ý đâm vào tàu cá để dìm chết. Đảo nhân tạo được Bắc Kinh ráo riết bồi đắp vòng vây lưỡi bò trên biển, đổ khí tài và tiếp vận quân sự cho một cuộc xâm lăng mới, mà Việt Nam là đổi thủ trực diện. Lại nghe lệnh cấm đánh cá từ giặc phương Bắc như thể biển là hồ bơi riêng của đại gia. Người đi biển Việt Nam thập thò đánh bắt, chạy cho nhanh về nhà, không dám thở mạnh, không dám địt, sợ giặc tàu sắt ngửi thấy mùi mà rượt đuổi.
Ông Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc Hội VN – khăng khăng nói “Ngư trường đó thuộc chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam. Do vậy, chúng ta phải tuyên truyền cho ngư dân được biết để họ tổ chức đánh bắt cá bình thường”. Nghe mà ngại. Chắc ông Khoa chưa bao giờ thấy tận mắt ngư dân máu me trở về, thuyền chìm giữa biển, có người tính mạng không còn vì tàu sắt của Trung Quốc đâm nên nói rất mạnh. Gia đình ông Khoa và nhiều quan chức VN nên chia nhau lên tàu với ngư dân, cùng đi ra biển để chia sẻ nguy nan với đồng bào mình, cũng như có trách nhiệm về cửa miệng mình. Biết đâu ông Khoa cùng nhiều quan chức khác cũng sẽ học được cách thở nhẹ và không địt khi gặp giặc phuong Bắc, để còn sống sót về với gia đình.
Biển Đông hôm nay thật giống vào mùa luận kiếm, ai cũng biết tỏng sức mình, sức người. Biết rõ kẻ chân thành, người nói láo. Mọi thứ ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng dám nói ra, chỉ dám thở nhè nhẹ nhìn thế cuộc.

“Lợi thì có lợi mà răng chẳng còn”

000_Was7718641-305.jpg
Cờ Mỹ và cờ Trung Quốc tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington DC (ảnh minh họa). AFP PHOTO.
Trong thế “toạ sơn quan hổ đấu”, Việt Nam ngồi xem tỉ thí giữa các nước lớn với nhau, chờ thời cơ. Trung Quốc thắng hay Mỹ thắng thì có vẻ như Việt Nam đều có lợi, dù bị cả hai thúc ép. Trung Quốc nhiều lần ép Việt Nam không được kiện cáo gì với quốc tế, còn Mỹ thì cố thúc Việt Nam phải có thái độ rõ ràng về lãnh hải và lãnh thổ mà Việt Nam rất hay tuyên bố chủ quyền
Ông bà ta vẫn nói bâng quơ “Lợi thì có lợi mà răng chẳng còn”. Mong rằng ai đó răng môi không lẫn lộn trong cuộc bể dâu – đi dây này.
Tại Hội nghị “Đối thoại Shangri-La” của các nước Asean, ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã từng tiết lộ rằng: “Họ (Trung Quốc) đã nhiều lần yêu cầu chúng tôi không đưa vụ việc ra tòa án quốc tế”. Còn trong tài liệu mới nhất vào 28 tháng 5 này, nhà báo bình luận chính trị David Alexander của Reuters cho biết động thái của chiếc máy bay hải quân P-8A Poseidon của Mỹ, mang theo các phóng viên của CNN, chuyển đi các hình ảnh Trung Quốc đang tổ chức xây dựng tiền đồn trên biển chính là một lời nhắc khéo với Việt Nam và các nước châu Á về hiểm hoạ đường lưỡi bò trên biển đang tới gần. Đặc biệt với Việt Nam – là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất – rằng cơ hội độc lập kiểm soát trên biển đang mất dần. Một quốc gia có suy tính độc lập, ắt không thể chọn cách thở nhẹ và nín địt khi đi qua biển Đông từ đây, mãi mãi về sau.
“Không ai muốn một buổi sáng thức dậy và chợt phát hiện ra rằng Trung Quốc đã xây dựng nhiều tiền đồn, thậm chí còn tệ hơn nữa, khi trang bị đầy đủ các hệ thống quân sự”, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel nói đầy ngụ ý. Mà thật ra cũng chẳng phải ngụ ý gì, khi Trung Quốc đã công khai tuyên bố sở hữu 90 phần trăm Biển Đông giàu có dầu mỏ và khí đốt, bất chấp nhiều nơi còn đang nằm trong tuyên bố chủ quyền là Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan. Và ngay lúc này, tin từ trang báo Trung Quốc (www.81.cn) còn cho biết quân đội Trung Quốc đangg tập trận ngày đêm không nghỉ, với cả phương thức tiến công vào bờ biển.
Vào cuộc luận kiếm, chỉ có duy nhất kẻ nhỏ bé tham gia Hoa Sơn là Philippines – dù võ công cũng thường – là thề quyết không chấp nhận chuyện phải thở nhẹ và nín địt ngay trên biển của mình.
Mọi chuyện có vẻ không ngừng lại đó, khi Bộ trưởng Quốc phòng Úc, ông Dennis Richardson nói rằng nước Úc quan ngại về việc Bắc Kinh đã đưa thêm súng phòng không và máy bay giám sát biển, có nghĩa là chuyện tuyên bố chủ quyền bầu trời (ADIZ) khắp biển Đông là điều không tránh khỏi, tiếp theo.
Thật kinh hãi, lẽ nào dân Việt sẽ phải thở nhẹ và không được địt khi đi biển, mà ngay cả khi bay trên trời cũng vậy?
Có buồn không, khi nhớ lại những ngày người dân Việt Nam ầm ầm khí thế, đòi Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan 981 về. Hồn sông núi Hội nghị Diên Hồng mới hừng hực và kiêu hãnh làm sao. Cũng từ ấy, chính quyền khuyến cáo mọi người phải tập thở nhẹ và nên địt tại nhà.
Hôm nay mọi thứ vắng lặng lắm, dù tình hình đã gay gắt hơn gấp bội lần trước kia. Có thể con người và non sông đã quen dần quy tắc thở nhẹ và địt khiêm tốn, không khác gì gương mặt buồn buồn, mệt mỏi của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao VN Lê Hải Bình khi cất lời phản đối.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Bi kịch nông sản Việt Nam

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-05-29
Xe chở dưa hấu bị ùn tắc hàng chục km trước cửa khẩu ở Lạng Sơn

Xe chở dưa hấu bị ùn tắc hàng chục km trước cửa khẩu ở Lạng Sơn-RFA

Khủng hoảng liên tục

Bi kịch nông sản theo cách gọi của ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đang là vấn đề được bàn cãi nhiều ở Việt Nam. Báo chí đưa nhiều tin bài về sự kiện dưa hấu, thanh long và ngay cả gạo bị ùn tắc ở cửa khẩu biên giới với Trung Quốc đến hư hỏng. Thống kê chính thức cho biết tăng trưởng khu vực nông nghiệp quí 1/2015 chỉ còn 2,14% so với cùng kỳ năm 2011 ở mức 5,02% tức giảm hơn một nửa. Điều gì khiến việc tiêu thụ xuất khẩu nông sản của Việt Nam gặp khủng hoảng liên tục trong mấy năm gần đây.
Trả lời Nam Nguyên vào tối 28/5/2015, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:
Trong thực tế hiện nay phải nói thẳng là cả nhà nước và người nông dân đều chưa thực sự hoạt động theo mô hình của kinh tế thị trường, chưa tìm hiểu thị trường cần gì.
-PGS Ngô Trí Long
“Kinh tế thị trường là một nền kinh tế tùy thuộc thực sự vào thị trường để thực hiện chức năng của mình. Có nghĩa là sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất bằng cách nào phải do thị trường quyết định, phải tùy thuộc đầu ra. Nếu những sản phẩm đó đã có trên thị trường thì phải tạo ra sản phẩm mới, tạo ra cái ‘cầu’ mới cho thị trường. Trong thực tế hiện nay phải nói thẳng là cả nhà nước và người nông dân đều chưa thực sự hoạt động theo mô hình của kinh tế thị trường, chưa tìm hiểu thị trường cần gì. Nhà nước và nông dân hai yếu tố này cộng lại, phần lớn trên những qui hoạch về cây con giống, qui hoạch đất đai các vùng chủ yếu là để phát huy lợi thế của vùng đó; chưa thực sự chú ý vùng đó sản phẩm đó sản xuất ra thị trường có đáp ứng, có cần hay không.
Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhấn mạnh tới mặt thứ hai của vấn đề, chính sách chủ trương đối với nông sản thực phẩm là làm sao ngoài việc  đáp ứng nhu cầu thị trường thì vấn đề chất lượng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là tối quan trọng. Theo lời ông, hiện nay tất cả những vấn đề này ở Việt Nam là rất hạn chế. Phó Giáo sư Ngô Trí Long tiếp lời:
“Tất cả mọi yếu tố cộng lại làm cho đầu ra của nông sản hiện nay bị bế tắc thậm chí bị tồn đọng rất là lớn. Đây cũng là một trong những vấn đề gây bức xúc của toàn xã hội, đặc biệt của nông dân và đã được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Và Quốc hội đã giao cho Chính phủ là làm sao phải có những biện pháp, đề án như thế nào để giải quyết vấn đề này. Nhưng theo tôi nghĩ là nếu cứ theo những tư duy cũ thì chắc chắn sẽ không xử lý được và cũng khó có khả năng giải quyết được vấn đề này một cách có hiệu quả.”
Một số sản phẩm nông nghiệp Việt Nam (minh họa)
Một số sản phẩm nông nghiệp Việt Nam (minh họa)
Báo điện tử VnEconomy bản tin trên mạng ngày 28/5/2015 trích lời Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nói rằng, ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp, mà quan trọng nhất là liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Nơi nào có doanh nghiệp chống lưng thì vấn đề tiêu thụ ổn, bi kịch nông sản thừa phải đổ bỏ ít xảy ra. Đây là một phần nội dung câu trả lời của nhân vật lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, khi được tờ báo nêu câu hỏi “nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, những bế tắc của ngành nông nghiệp 15 năm trước thế nào thì bây giờ vẫn thế.”
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi nhà phản biện xã hội dân sự TS Nguyễn Quang A khi trả lời câu hỏi về vai trò của Nhà nước, Hội Nông dân Việt Nam do Đảng Cộng sản chỉ đạo và bản thân người nông dân trong cuộc khủng hoảng tiêu thụ xuất khẩu nông sản, đã từ Hà Nội đưa ra nhận định:
“Tôi nghĩ rằng chính phủ có thể có những chính sách vĩ mô của mình về vấn đề thuế, vấn đề hỗ trợ lãi suất về vấn đề thông tin. Chứ còn đòi chính phủ rằng phải tổ chức như thế này, tổ chức như thế kia thì điều ấy hơi quá. Bởi vì Chính phủ không làm được những việc như vậy. Việc cần phải đòi Chính phủ là, ông vẽ ra hội nông dân của ông, tiêu tốn tiền ngân sách, chúng tôi có thể đòi phải dẹp đi. Nhưng mà chúng tôi không tin cái Hội ấy nữa mà chúng tôi lập ra Hội Nông dân An Giang hay Cần Thơ  của chúng tôi chẳng hạn, để chúng tôi bảo vệ quyền lợi những người nông dân của An Giang hay Cần Thơ thì đấy mới là điều nông dân cần làm và giới trí thức ở các vùng ấy phải xúc tiến động viên họ làm.”

Cần một cuộc đổi mới lần thứ hai

“Đổi mới” 1986 đã giúp Việt Nam từ chỗ thiếu ăn phải nhập khẩu lương thực tới chỗ dư thừa lúa gạo, mỗi năm xuất khẩu 5-6 triệu tấn gạo. Tuy vậy theo các chuyên gia nền kinh tế Việt Nam đã hết động lực phát triển và cần một cuộc đổi mới lần thứ hai. Trên báo chí và các diễn đàn chính thức, các chuyên gia nói nhiều về một nền kinh tế thị trường thực sự thay vì mô hình trừu tượng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế nhà nước là chủ đạo.
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh được báo chí nhà nước trích nguyên văn trong dịp ông nói chuyện tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hồi năm 2014: “Kinh tế Thị trường Định hướng Xã hội Chủ nghĩa làm gì có mô hình đó mà đi tìm”.
Có thể hiểu rằng, nếu Việt Nam không đổi mới thể chế kinh tế và chính trị để áp dụng nền kinh tế thị trường đích thực, thì các nút thắt sẽ giữ Việt Nam trong bẫy thu nhập trung bình không thể tiến xa hơn nữa. Nhưng bi kịch của nông sản Việt Nam có thể nói là bắt nguồn từ chính sách đất đai manh mún, nhỏ lẻ, hạn điền và nông dân không có quyền tư hữu đất đai.
Một mặt mình phải gây sức ép đòi hỏi Đảng Cộng sản hay chính quyền này phải tạo điều kiện cho nông dân có thể phát huy sức mạnh của mình. Nhưng mặt khác thì bản thân những người nông dân hay những người tâm huyết với nông dân cũng phải giúp họ tự đứng lên.
-TS Nguyễn Quang A
Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhận định:
“Đó cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến hậu quả hiện nay. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay thì người ta phải tập trung trên một qui mô lớn thì mới tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và trên cơ sở đó mới có thể tạo điều kiện để năng suất lao động tăng lên thì đấy là một trong những nguyên nhân của vấn đề về chính sách đất đai hiện nay là như vậy.”
Theo VTC News bản tin trên mạng ngày 28/5/2015, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng việc “được mùa mất giá” là hết sức tự nhiên. Một trong những tình trạng kéo dài nhiều năm qua là “được mùa mất giá” “được giá lại mất mùa”. Ông Thứ trưởng lý giải, tại sao như vậy thì đó là thực tế thị trường, hết sức tự nhiên. Người đọc báo có thể hiểu là ông Thứ trưởng qui lỗi cho kinh tế thị trường, trong khi Việt Nam lại không phải là nền kinh tế thị trường thực sự.
Vẫn theo VTC News, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải đã phát biểu như vậy trong cuộc họp báo của Chính phủ tổ chức ngày 27/5 ở Hà Nội. Ông viện dẫn thực tế thị trường và cũng nói tới chuyện đất đai nhỏ lẻ manh mún cần phải tập trung qui mô lớn mới có thể đưa công nghệ vào sản xuất với năng suất cao, để tạo ra giá thành mang tính cạnh tranh.
Như vậy Việt Nam đang loay hoay gỡ các nút thắt cổ chai bắt nguồn từ chế độ xã hội chủ nghĩa với chủ trương đất đai sở hữu toàn dân tức là thuộc về nhà nước và đi theo thể chế mơ hồ tự đặt ra kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế nhà nước là chủ đạo.
Thế hệ nông dân Việt Nam hiện nay phần lớn đang sản xuất trên các thửa ruộng nhỏ bé từ vài công tới dưới một ha và thí dụ trong lúa gạo thì bị chi phối đầu ra bởi các doanh nghiệp lớn của nhà nước. Trong thực tế như thế cần giúp gì cho nông dân. TS Nguyễn Quang A nhận định rằng, nông dân phải có tổ chức độc lập của chính mình để tự cứu mình.
“Nông dân hay những người cảm tình với nông dân, bất luận vẫn còn Điều 4 Hiến pháp hay bất kể điều gì…thậm chí người ta để cho Vinafood I hay Vinafood II độc quyền xuất khẩu gạo; tôi nghĩ rằng nếu người nông dân có tổ chức của mình thì có thể dẹp được tất cả những trở ngại ấy. Một mặt mình phải gây sức ép đòi hỏi Đảng Cộng sản hay chính quyền này phải tạo điều kiện cho nông dân có thể phát huy sức mạnh của mình. Nhưng mặt khác thì bản thân những người nông dân hay những người tâm huyết với nông dân cũng phải giúp họ tự đứng lên.”
Trong vài năm qua Việt Nam bắt đầu đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp, nhưng mọi giải pháp cũng sẽ có hiệu quả rất hạn chế, khi mà cơ hội cải cách thực sự đã qua đi, bản Hiến pháp 2013 sửa đổi vẫn giữ điều 4 Hiến pháp qui định sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản; các điều khoản khác của Hiến pháp vẫn qui định đất đai sở hữu toàn dân tức của nhà nước, không chấp nhận sở hữu tư nhân hay đa sở hữu về đất đai và đặc biệt vẫn xác định nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế nhà nước là chủ đạo.
Chuyên gia kinh tế Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long đã có nhận định rất thuyết phục khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi. Đó là nếu cứ theo những tư duy cũ thì chắc chắn sẽ không xử lý được và cũng khó có khả năng giải quyết được vấn đề bế tắc thị trường nông sản một cách có hiệu quả.

Vì sao các tướng Công an không ủng hộ việc bổ sung quyền im lặng?

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2015-05-29
000_Hkg10109894-622.jpg
Một phiên họp Quốc hội Việt Nam, ảnh minh họa.AFP
Những ngày vừa qua, Quốc hội đã thảo luận dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), tuy nhiên các ĐBQH là tướng công an đều không muốn quy định “quyền im lặng” được bổ sung trong bộ luật này. Tại sao lại có hiện tượng như vậy?

Phương tiện hạn chế bức cung

Tình trạng bức cung, dùng nhục hình của các điều tra viên đã dẫn tới việc có rất nhiều bản án oan sai, đã trở thành hiện tượng phổ biến trong lĩnh vực tư pháp của VN.
Quyền im lặng này nó xuất phát từ một quyền cơ bản của con người, đó là quyền của người bị tình nghi là tội phạm hay người là bị can, bị cáo phải nhận được sự trợ giúp pháp lý ngay từ đầu.
-LS Phan Trung Hoài
Quyền im lặng là một phương tiện quan trọng để hạn chế bức cung, nhục hình - nguyên nhân dẫn đến oan sai trong tố tụng hình sự.
Quyền im lặng là quyền của nghi phạm, của người bị kháng cáo, trong một vụ án có quyền im lặng cho tới khi được tiếp xúc với luật sư hỗ trợ về pháp lý cho mình.
Nói về ý nghĩa của việc bổ sung quyền im lặng của bị can, bị cáo trong Bộ luật TTHS (sửa đổi), từ Sài Gòn LS. Phan Trung Hoài thuộc Đoàn LSVN giải thích:
“Quyền im lặng này nó xuất phát từ một quyền cơ bản của con người, đó là quyền của người bị tình nghi là tội phạm hay người là bị can, bị cáo phải nhận được sự trợ giúp pháp lý ngay từ đầu. Chính vì thế cái quyền im lặng này sẽ cho phép thể hiện trên thực tế họ có quyền chờ luật sư trước lúc cơ quan điều tra tiến hành thẩm vấn đối với họ.”
Hiện nay, Quốc hội VN đang thảo luận việc có nên bổ sung “quyền im lặng” của bị can, bị cáo vào trong trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS). Tuy nhiên đã có vấn đề khác biệt lớn về quan điểm giữa các ĐBQH.
Theo báo Tuổi trẻ, vừa qua Quốc hội thảo luận dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), các ĐBQH là tướng công an đều không muốn quy định “quyền im lặng” trong bộ luật này. Theo đó, quan điểm của ngành Công an là “Luật cần phải tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp làm việc, nếu không sẽ xảy ra tình trạng chúng ta bó tay trong cuộc đấu tranh chống tội phạm”. Còn các ĐBQH khác thì cho rằng “quyền không khai báo các nước đã làm hết, còn VN nếu không như thế là hạ thấp quyền của người dân Việt Nam xuống.”
Đây là vấn đề do khác biệt về quan điểm, đánh giá về hiện tượng này, từ Hà nội LS. Trần Thu Nam cho biết:
cong-an-nhuc-hinh-622
5 bị cáo là công an, đã tham gia trong vụ bắt giữ, đánh đập nạn nhân Ngô Thanh Kiều đến tử vong tại phiên xử hôm 27/3/2014.
“Từ trước đến nay, ở VN người ta chưa quen với cách thức làm luật theo cái hướng bảo vệ quyền con người một cách tối đa, như các nước khác. Khi cho rằng khi bản án chưa có hiệu lực thì con người họ vẫn có các quyền của họ. Tuy nhiên ở VN, các bản án được xét xử không dựa trên cơ sở tranh luận, họ đã quen cách thức cũ là người bị coi là phạm tội phải có trách nhiệm trả lời. Và qua nhiều vụ án cho thấy, khi không trả lời theo yêu cầu của họ thì họ sẵn sàng dùng vũ lực.”
Việc đưa “Quyền im lặng” đối với các bị can, bị cáo bổ sung trong Bộ luật TTHS là điều HP đã quy định và hết sức quan trọng, LS. Phan Trung Hoài ghi nhận:
“Theo quy định của pháp luật VN, thì bị can, bị cáo có quyền, nhưng không buộc chứng minh là mình vô tội. Theo quy định của khoản 2 điều 72 của Bộ luật TTHS thì không thể sử dụng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội, nếu như nó không thống nhất với các chứng cứ khác trong hồ sơ. Quyền đó là quyền con người, đã được nhà nước VN ký kết khi ra nhập công ước của LHQ về các quyền Dân sự và chính trị từ năm 1966. ”

Quyền tham gia tố tụng của LS sẽ bị vi phạm

Nếu không bổ sung “Quyền im lặng” đối với các bị can, bị cáo thì quyền tham gia tố tụng của LS sẽ bị vi phạm. Nói về các vướng mắc và trở ngại, LS. Phan Trung Hoài cho biết:
“Nhưng vấn đề vướng mắc cụ thể hiện nay là ở chỗ cơ hội của người bào chưa – luật sư tiếp cận với người bị bắt giữ ngay từ đầu, nó có một rào cản rất lớn, đó là trình tự cấp giấy phép chứng nhận người bào chữa. Đến đây thì nó lại phát sinh tình trạng, khi tiếp xúc lấy ý kiến của người bị bắt hay bị tạm giữ nhưng không có sự có mặt của luật sư cho nên chúng tôi thường nhận được cái gọi là giấy hoặc quyết định từ chối có người bào chữa. Vì họ cho rằng, bị can trong giai đoạn điều tra thì chưa cần thiết có luật sư.”
Khi được hỏi, lý do tại sao ngành Công an lại kiên quyết bác bỏ việc bổ sung quyền im lặng của các bị can, bị cáo trong Bộ luật TTHS (sửa đổi)?
Một khi luật pháp công nhận quyền này thì việc phán xử một bản án phải được dựa trên các chứng cứ, đó là một bước tiến để tránh khỏi vấn đề các bản án oan sai.
Với tư cách là một người Luật sư tôi cho rằng cần thiết phải đưa quyền im lặng của bị can, bị cáo bổ sung trong Bộ Luật tố tụng Hình sự và họ có quyền im lặng cho tới lúc có luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ.
-LS Trần Thu Nam
LS. Phan Trung Hoài khẳng định:
“Đây là vấn đề thuộc về nhận thức, nhưng rõ ràng nếu hiểu sự tham gia của LS sẽ gây khó khăn cho giai đoạn điều tra tôi nghĩ là không đúng. Nên hiểu, LS thực hiện chức năng xã hội của mình cũng góp phần chống và phòng ngừa tội phạm, để giúp các cơ quan tố tụng xác định sự thật khách quan và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người. Hiểu như vậy để thấy vai trò của LS là phản biện, để đảm bảo phán quyết của tòa án phải xuất phát từ việc tranh tụng.”
Bằng một thái độ thẳng thắn, LS. Trần Thu Nam giải thích:
“Cái nguyên nhân là do thói quen từ trước đến nay họ đã như thế rồi, cho nên bây giờ sửa đổi theo chiều hướng có lợi cho bị can, bị cáo thì họ chưa sẵn sàng về vấn đề tâm lý, về kỹ thuật làm án và khả năng chứng minh tội phạm. Do vì chưa quen nên họ lo sợ quyền im lặng trong Bộ Luật tố tụng Hình sự mới sẽ làm khó khăn hơn trong công việc chứng minh tội phạm, từ đó sẽ dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm. Chính vì thế họ đã phản đối rất mạnh về việc ấy.”
Nói về các suy nghĩ của cá nhân, trước việc nhiều khả năng “Quyền im lặng” đối với các bị can, bị cáo sẽ không được đưa vào trong Bộ luật TTHS (sửa đổi) LS. Trần Thu Nam nói:
“Với tư cách là một người Luật sư tôi cho rằng cần thiết phải đưa quyền im lặng của bị can, bị cáo bổ xung trong Bộ Luật tố tụng Hình sự và họ có quyền im lặng cho tới lúc có luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ. Tuy nhiên có nhiều nguy cơ quyền im lặng sẽ không được bổ sung trong Bộ Luật tố tụng Hình sự mới. Đó là một điều đáng thất vọng và cũng đáng thất vọng vì có một số những người có chức vụ quyền hạn lại có các phát biểu mang tính chất kém hiểu biết.”
Cũng theo báo Tuổi trẻ, ĐBQH Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM bày tỏ: “Đừng nghĩ rằng vì trình độ thế này chúng ta không nên cải cách. Chúng ta không kém hơn các nước, vấn đề là có tôn trọng quyền của bị can, bị cáo hay không”.
Một vấn để khác cần xem xét đó là, khi ĐBQH là một viên tướng công an thì việc bảo vệ quyền lợi cho người dân sẽ bị lệch lạc. Thay vì làm cho Hiến pháp công minh hơn, thì họ lại bênh vực cho người trong ngành của mình, tìm mọi lý do để làm cho việc điều tra xét hỏi thuận lợi. Bất kể sự thuận lợi đó có dẫn tới ép cung, nhục hình,  khi nghi can không có được quyền tối thiểu của một công dân là quyền im lặng cho tới khi có luật sư bảo vệ cho họ.

Phi đạo của phi trường Cát Bi bị nứt, bể vì nắng nóng

HẢI PHÒNG (NV) - Lãnh đạo phi trường Cát Bi cho biết nguyên nhân khiến phi trường này phải đóng cửa đột ngột là do nắng nóng làm nứt bể phi đạo, trong khi nó mới được sử dụng cho 12 chuyến bay trong ngày.


Phi trường Cát Bi đóng cửa vì nắng nóng làm hư hỏng đường băng. (Hình: Tiền Phong)


Cách đây 2 ngày, hôm 28 tháng 5, một số chuyến bay đi và đến Hải Phòng của các hãng hàng không đã phải chuyển lên phi trường Nội Bài, Hà Nội, vì cảng hàng không quốc tế Cát Bi, thành phố Hải Phòng đột ngột đóng cửa do hư hỏng.

Chiều cùng ngày, trả lời báo Tiền Phong, lãnh đạo phi trường Cát Bi cho biết, “Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng trong nhiều ngày qua, đường cất hạ cánh của phi trường đã xuất hiện một số vết rạn, nứt, không bảo đảm an toàn cho hoạt động bay nên phi trường phải tạm ngừng hoạt động.”

Cụ thể vào lúc 14 giờ 50, ngày 28 tháng 5, sau khi chuyến bay VJ 283 của VietJet Air bằng máy bay A320 từ Hải Phòng đi Sài Gòn cất cánh, lực lượng an ninh phi trường Cát Bi thông báo phát hiện một mảng bê tông asphalt (bê tông nhựa) tại đường cất hạ cánh bị lột. Vì vậy buột phải tạm ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, sau khi lãnh đạo phi trường Cát Bi thông báo với giới truyền thông Việt Nam, biết bị 'hớ' với báo chí, để chống chế dư luận, trưa 29 tháng 5 ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng Không Việt Nam lên tiếng đính chính lại với báo chí rằng, “Nguyên nhân chính là đường băng xuống cấp cộng với tác động của tải trọng máy bay. Nắng nóng có thể là yếu tố kết hợp chứ không ai đổ cho nắng nóng làm nứt đường băng.”

Dư luận chung cho rằng, việc sử dụng phi đạo cũ hay mới chỉ có nội bộ Cục Hàng Không Việt Nam biết. Song, trong việc này chắc chắn có khuất tất bởi giữa lãnh đạo phi trường và Cục Hàng Không Việt Nam “ông nói gà, bà nói vịt.”

Theo Tuổi Trẻ, tháng 10, 2012 phi trường Cát Bi được nhà cầm quyền CSVN điều chỉnh, thiết kế thành cảng hàng không quốc tế cấp 4E theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế với tổng mức đầu tư toàn bộ đến năm 2015 khoảng 5,000 tỷ đồng và trên diện tích đất 501.02 hecta. (Tr.N)
05-29-2015 2:57:32 PM

Bị công an bắt oan, cấm đi lại suốt 17 năm

ÐẮC LẮC (NV) - Ðó là chuyện báo chí Việt Nam vừa phát giác. Nạn nhân là ông Trịnh Công Minh, ngụ tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Ðắc Lắc. 


Ông Trịnh Công Minh. Tuy không còn là nghi can, có thể tự do đi lại nhưng ông Minh vẫn chưa được giải oan. (Hình: Lao Ðộng)

Tối ngày 2 tháng 2 năm 1997, ông Minh đến nhà người quen để vay một chỉ vàng về mua đất. Cũng vào lúc đó, công an huyện Krông Ana phát giác bên hông căn nhà người quen của ông Minh có một chiếc xe hai bánh gắn máy trước đó từng bị kẻ gian đánh cắp nên mời ông Minh đến trụ sở công an huyện để “làm việc,” sau đó tuyên bố “bắt khẩn cấp” bị can Trịnh Công Minh vì “trộm cắp tài sản.”

Ông Minh bị tạm giam 18 tháng. Sau khi công an huyện Krông Ana hoàn tất điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm Sát huyện Krông Ana, đề nghị truy tố ông Minh thì cơ quan này thấy hồ sơ không ổn nên cho phép ông Minh tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tháng 10 năm 1998, tòa án huyện Krông Ana đưa ông Minh ra xử sơ thẩm và phạt ông Minh 12 tháng tù. Nếu ông Minh chấp nhận bản án thì mọi chuyện đã xong vì ông Minh từng bị tạm giam tới 18 tháng. Tuy nhiên ông Minh nhất mực kêu oan.

Tháng 12 năm 1998, tòa án tỉnh Ðắk Lắk đưa ông Minh ra xử phúc thẩm. Thấy chứng cứ quá yếu, kết luận lại thiếu khách quan, tòa án tỉnh Ðắk Lắk tuyên hủy bản án sơ thẩm, ra lệnh điều tra lại.

Sau khi công an huyện Krông Ana “điều tra lại,” Viện Kiểm Sát huyện Krông Ana tiếp tục truy tố ông Minh “trộm cắp tài sản.” Tuy nhiên lần này, xét thấy không có thêm chứng cứ nào, kết luận vẫn khiên cưỡng như lần trước, nếu có kết án ông Minh thì bản án vẫn bị tòa án cấp trên hủy nên tòa án huyện Krông Ana không chịu xử mà yêu cầu “tiếp tục điều tra lại thêm một lần nữa.”

Tuy đó là quyết định của tòa án huyện Krông Ana nhưng công an huyện Krông Ana không thèm điều tra thêm, Viện Kiểm Sát huyện Krông Ana cũng không thèm giám sát. Ông Minh mang thân phận của một nghi can suốt 17 năm. Bởi vẫn còn là nghi can, ông Minh không được phép rời khỏi nơi cư trú.

Suốt 17 năm qua, bởi là nghi can, có lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú nên ông Minh bị chính quyền thị trấn Buôn Trấp và hệ thống tư pháp huyện Krông Ana giám sát chặt chẽ. Khi có việc cần phải rời khỏi nhà, kể cả đến bệnh viện chữa bệnh, ông Minh phải xin phép, nếu được chính quyền thị trấn Buôn Trấp đồng ý và Viện Kiểm Sát huyện Krông Ana cấp... giấy phép.

Gần đây, do có quá nhiều oan án làm công chúng phẫn nộ, Quốc Hội Việt Nam phải tuyên bố giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống tư pháp. Trong thực tế, đã có một số điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán bị truy cứu trách nhiệm hình sự bởi gây ra oan khiên và chính quyền cần phải xoa dịu dư luận, ông Minh dọa sẽ kêu oan với báo giới. Ðến trung tuần tháng 3 vừa qua, Viện Kiểm Sát huyện Krông Ana ra quyết định “hủy bỏ biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.” Ba ngày sau, công an huyện Krông Ana ra quyết định “đình chỉ điều tra” đối với ông Minh vì “hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm.”

Về nguyên tắc, hệ thống tư pháp huyện Krông Ana phải giải oan, xin lỗi và phải bồi thường cho ông Minh nhưng tòa án, Viện Kiểm Sát, công an của huyện này chưa làm gì cả. Người ta tin rằng, lý do chính là vì công chúng chưa biết, chưa chỉ trích kịch liệt và đòi xử lý lãnh đạo của các cơ quan này. (G.Ð)

Công an vào tù vì dọa bắn 4 gia đình nếu không nộp vàng

SÀI GÒN (NV) - Một viên công an viết thư kèm theo số điện thoại thường dùng gởi cho 4 gia đình, dọa sẽ bắn họ nếu không giao vàng cho anh ta trả nợ. 


Công an tống tiền Nguyễn Hữu Vương tại tòa án. (Hình: Thanh Niên)

Tờ Thanh Niên loan tin, ngày 29 tháng 5, tòa án Sài Gòn đã kết án 2 năm 6 tháng tù cho Nguyễn Hữu Vương (28 tuổi) làm việc tại Phòng Cảnh Sát Bảo Vệ công an thành phố Sài Gòn về tội “Cưỡng đoạt tài sản.” Mức án này được đưa ra sau khi tòa xác định bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, hậu quả vụ án đã được khắc phục.

Theo cáo trạng, do cần tiền trả nợ, ông Vương nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của người khác. Ngày 18 tháng 9, 2014, y gởi thư đe dọa đến các gia đình của ông Bùi Lê Phan, ông Nguyễn Văn Thư, bà Trần Thảo Ngân và bà Lê Ðình Diễm Thúy, tất cả đều ngụ quận 12, thành phố Sài Gòn, đòi mỗi người phải đưa cho mình từ 10-20 lượng vàng 24k. Không chỉ vậy, y còn nhiều lần nhắn tin uy hiếp, hăm dọa sẽ ra tay bắn bất kỳ ai trong các gia đình nay.

Lo sợ, cả bốn gia đình đều trình báo công an. Ông Thư, một trong những nạn nhân bị đe dọa đã gọi điện cho ông Vương hỏi lý do tống tiền thì y cho biết “đang cần tiền,” và yêu cầu ông Thư phải giao cho mình 10 lượng vàng. Song ông Thư nói “tôi chỉ có 20 triệu đồng,” thì ông Vương bảo “chỉ đủ mua hòm.” Sau đó viên công an này tiếp tục nhắn tin, dọa sẽ sát hại người nhà nạn nhân.

Tuy nhiên sau khi thương lượng, ông Vương đồng ý nhận 70 triệu đồng và yêu cầu ông Thư mang đến gầm cầu vượt Quang Trung, quận 12 giao tiền. Trưa ngày 19 tháng 9, 2014, khi y đến điểm hẹn lấy tiền thì bị công an bắt giữ.

Viện kiểm sát thành phố Sài Gòn kết luận, tổng giá trị tài sản mà ông Vương muốn chiếm đoạt của các nạn nhân nói trên là hơn 1.5 tỷ đồng (bao gồm 40 lượng vàng và hơn 100 triệu đồng). Tại tòa, ông Vương thừa nhận hành vi tống tiền, nói động cơ gây án là do gia đình đang nợ khoản tiền lớn cần phải trả nên đã làm liều. (Tr.N)
05-29-2015 3:45:51 PM

Dân quân xã vào tận nhà dân đánh người

LÂM ÐỒNG (NV) - Chiều 28 tháng 5, ông Ðỗ Văn Thanh, Trưởng công an xã Lộc Ngãi huyện Bảo Lâm, xác nhận cho biết có vụ xô xát giữa 2 dân quân xã này với bà Trần Thị Ngân, người dân thôn 2, gây xôn xao dư luận.


Bà Ngân bị hai dân quân xã Lộc Ngãi đè xuống đất. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo Zing news, trước đó bà Ngân (42 tuổi) đã có đơn tố cáo gởi ủy ban xã Lộc Ngãi về việc bà bị hai dân quân xã là Cao Văn Hùng và Cao Hoài Ðức đến nhà hành hung vào chiều 26 tháng 5.

Trong phúc trình bà Ngân cho biết, buổi sáng cùng ngày, ông Hùng có đến lô cà phê của nhà bà tại tiểu khu 460, xã Lộc Ngãi để yêu cầu không được đào hố trồng cà phê vì đây là đất lâm nghiệp. Ðến khoảng 2 giờ chiều, ông Hùng cùng với ông Ðức đi xe gắn máy đến nhà bà để yêu cầu lập biên bản vụ việc. Bà Ngân không đồng ý nên 2 bên đã xảy ra xô xát.

“Sau khi lời qua tiếng lại, cả hai dân quân đã lôi tôi ra sân và bóp cổ, đánh vào người tôi. Tôi chống cự quyết liệt thì hai thanh niên này đè tôi nằm hẳn xuống đất. Lúc này, con gái tôi mới gọi điện thoại cho chồng tôi về,” bà Ngân kể lại.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, chồng bà Ngân, khi chạy về đến nhà thì ông thấy cả ông Hùng và ông Ðức đè bà Ngân nằm dưới đất. Sau khi can ngăn, ông đã gọi công an xã vào để lập biên bản vụ việc.

Theo hình ảnh được chụp lại lúc xảy ra sự việc, bà Ngân bị ông Hùng và ông Ðức lôi kéo và đè xuống đất. Trong đó, có hình Hùng vừa khống chế bà Ngân vừa gọi điện thoại.

Trong khi đó, theo biên bản làm việc với công an xã Lộc Ngãi, hai ông Hùng và Ðức đều khẳng định, không đánh bà Ngân mà bị bà Ngân lôi cổ áo nên chỉ ngã đè lên người bà này? Tuy nhiên, hiện tại trên người bà Ngân còn nhiều vết trầy, vết bầm tím ở chân và ngón tay cái.

Mặc dù cả hai dân quân xã sai phạm cả về hành vi uy hiếp người và thủ tục hành chính, có chứng cứ rõ ràng, song ông Ðỗ Văn Thanh, trưởng công an xã Lộc Ngãi cho biết, “Công an xã đang tiếp tục làm rõ có hay không việc đánh hoặc xô xát xảy ra giữa dân quân xã và bà Ngân. Sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó,” ông Thanh nói.

Tin cho biết, tiểu khu 460 là khu vực đất rừng được Ban quản lý rừng huyện Bảo Lâm giao cho xã đội Lộc Ngãi nhận quản lý bảo vệ. Hai ông Ðức và Hùng là thành viên của tổ quản lý bảo vệ rừng thuộc xã đội Lộc Ngãi. (Tr.N)