Friday, February 19, 2016

Trưởng công an phường tổ chức đánh bạc ngay tại trụ sở?

Một trưởng công an phường dính đến nghi án tổ chức đánh bạc ngay tại trụ sở công an nơi mình đang làm việc. Sau khi sự việc được phanh phui, thay vì cho tiến hành điều tra để xử phạt, trưởng công an thành phố lại tìm cách chối tội cho thuộc cấp, và không quên "lên lớp" cánh phóng viên về "đạo đức cách mạng".




Người đàn ông đeo kính được cho là trưởng công an phường Trần Phú, thành phố Hải Dương.
Không rõ sự việc đã xảy ra lâu chưa nhưng ngày 16/2 trên Youtube đã xuất hiện một đoạn clip dài gần một phút, quay lại cảnh 4 người đàn ông ngồi đánh bạc ngay trong phòng làm việc. Tại chiếu bạc dễ dàng nhận thấy những tờ tiền có mệnh giá khá lớn. Trên bàn làm việc có bản chức danh của một lãnh đạo công an phường Trần Phú, thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương). Người cho đăng tải đoạn clip nói trên còn chú thích rõ là: "Trưởng công an phường Trần Phú, TP Hải Dương (thành phố Hải Dương) đánh bài ăn tiền tại trụ sở ".
Hiện chưa rõ người quay clip nói trên tung lên Internet nhằm mục đích gì.
Theo tờ Pháp Luật Việt Nam cho hay, nhiều người dân sống ở phường Trần Phú sau khi coi đoạn clip đã khẳng định, người đàn ông đeo kính, mặc áo vét đang sát phạt trên chiếu bạc chính là Trưởng công an phường Trần Phú, thành phố Hải Dương, ông Phạm Thanh Giang với quân hàm Trung tá.
Ngay sau khi đoạn clip được tung lên mạng, phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam đã liên lạc với lãnh đạo phường Trần Phú. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm tại đây cho biết lãnh đạo của họ đã đi vắng, nếu muốn biết thêm tin tức phải liên hệ với phía lãnh đạo công an thành phố Hải Dương.
Cánh phóng viên đã liên lạc với Đại tá Đặng Văn Đạm, trưởng công an thành phố Hải Dương. Ông Đạm ban đầu còn chối tội cho thuộc cấp, cho rằng sự việc xảy ra là "không có thật", hoặc có cũng chỉ là "anh em chơi vui tí", chứ không hề có chuyện đánh bạc ăn tiền. Ông Đạm nói: "Anh em cũng vất vả cả năm, làm bao nhiêu việc, nên chuyện này cũng không có gì to tát cả".
Sau một hồi quanh co, ông Đạm thú nhận hiện nay đang "đau đầu" vì việc này. Cùng với đó ông cho biết hiện nay đã cho người đi xác minh. Vì đang trong thời gian xác minh nên chưa thể nói bất cứ điều gì.
Sau đó, khi phóng viên tiếp tục gọi, đại tá Đạm liền sổ một tràng để dạy dỗ các phóng viên về bài học "đạo đức cách mạng". Ông Đạm nói: "Anh chỉ nói với em thế này, báo chí cách mạng là cần thiết, nhưng đừng có vào làm rối tình hình lên. Nhà anh còn nhiều người làm báo, bọn em phải chia sẻ chứ…Bao nhiêu chiến sỹ đang đổ máu thì không nói, nói gì một thằng vớ vẩn đi đánh bài mà cũng dòm ngó vào làm gì. Báo chí cách mạng phải để cho cách mạng một hướng".
Sau khi dạy dỗ xong, đại tá Đạm liền cúp điện thoại.
Không rõ phía công an thành phố Hải Dương và tỉnh Hải Dương sẽ có biện pháp gì đối với trường hợp của Trưởng công an phường Trần Phú đánh bạc. Thông thường, đối với người dân, việc đánh bạc và tổ chức đánh bạc bị quy vào Bộ luật hình sự, có thể phải ngồi tù. Song, với cách quanh co chối tội cho thuộc cấp, vị trưởng công an phường Trần Phú sẽ có thể bị kỷ luật, nhắc nhở cho qua chuyện hoặc nặng hơn là chuyển lên tỉnh làm việc.
02/19/2016 - 10:34
Ngọc Quân / SBTN

Một người Mỹ gốc Việt tử vong bất thường trong nhà trọ

Một người đàn ông Việt quốc tịch Mỹ, thuê nhà ở Sài Gòn với một phụ nữ mới bất ngờ tử vong.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 3g chiều ngày 18 tháng 2, tổng đài cấp cứu nhận được tin báo nạn nhân V. ở tại căn nhà trọ trên đường Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức ngưng tim, ngưng thở nên nhanh chóng đến ngay hiện trường và chuyển đến bệnh viện, nhưng ông này đã không qua khỏi.  Lúc này, người phụ nữ sống chung trong căn nhà trọ với ông V. khai nhận là vợ của nạn nhân. Sau đó, người phụ nữ này báo cho một số người thân của ông V. biết tin rủi ro.
Theo lời khai nhận ban đầu của người thân, thì vợ chồng ông V. định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1982. Suốt nhiều tháng qua ông V. về Việt Nam, nhưng vợ con của ông bên Hoa Kỳ, cũng như người thân ở Việt Nam không hề hay biết. Người phụ nữ sống chung với ông V. trong nhà trọ và xưng là vợ của ông V., những người thân của nạn nhân cũng không hề quen biết.
Hiện sự vụ đang được điều tra, vì có liên quan đến người ngoại quốc.

02/19/2016 - 08:25
Thanh Lan / SBTN

Trung Quốc to mồm tố ngược Mỹ 'quân sự hóa Biển Đông'

CÔNG MINH-23:32 19/02/2016
BizLIVE - Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ quân sự hóa Biển Đông, và khẳng định một cách man trá rằng đảo Phú Lâm, Hoàng Sa là lãnh thổ Trung Quốc, theo tin BBC.

Trung Quốc to mồm tố ngược Mỹ 'quân sự hóa Biển Đông'
Sinh viên Philippines phản đối Trung Quốc ở Manila hôm 19/2. Ảnh Getty
Việt Nam đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc phản đối Trung Quốc đưa tên lửa ra quần đảo Hoàng Sa.
Tin tức mới đây nói Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Tại cuộc họp báo thứ Sáu, người phát ngôn Trung Quốc Hồng Lỗi nói đảo Phú Lâm, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng, là lãnh thổ Trung Quốc.
“Từ 1959, chính phủ Trung Quốc đã thiết lập văn phòng hành chính và cơ sở liên quan của chính quyền trên đảo Vĩnh Hưng.”
“Từ nhiều năm Trung Quốc đã xây dựng và điều chuyển các thiết bị quốc phòng cần thiết.”
“Một số nước liên quan cần hiểu rõ lịch sử và dữ kiện căn bản về Nam Hải trước khi bình phẩm,” theo ông Hồng Lỗi.
Ông Hồng đáp trả bình luận của người phát ngôn ngoại giao Mỹ John Kirby, nói rằng tên lửa trên đảo Phú Lâm mới được lắp đặt và không có dấu hiệu Trung Quốc ngừng quân sự hóa trên đảo này.
Phú Lâm là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa.
Ông Hồng Lỗi cáo buộc Mỹ quân sự hóa Biển Đông.
“Mỹ liên tục gia tăng lực lượng quân đội trên Nam Hải, thường xuyên gửi tàu chiến, máy bay ra Nam Hải để do thám quân sự và gửi tàu khu trục có tên lửa và máy bay đánh bom ra Nam Sa và vùng biển xung quanh.”
“Mỹ cũng thu hút và thúc ép các đồng minh, đối tác tiến hành các chuyến đi và tập trận trên Nam Hải,” ông Hồng nói.
Cũng ngày 19/2, người phát ngôn ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói: “Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.”
Ông Bình nói Trung Quốc “đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.”
CÔNG MINH

Trúng độc rau, trái

Theo NLĐO-19/02/2016 23:17

Việc một phụ nữ ở Hà Nội bị ngộ độc sau khi ăn trái cây nhà trồng có phun thuốc kích thích đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

Ông Nguyễn Văn B. (ngụ phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) những ngày này túc trực suốt ở vườn sầu riêng hơn 10 công đất của mình để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) kích thích ra hoa và tăng khả năng đậu trái.
Trồng mà không dám ăn
Ông B. lý giải đây là giai đoạn rất quan trọng, tác động đến cả vụ mùa nên phải dùng hàng loạt loại thuốc BVTV vừa để trị bệnh cho cây sầu riêng vừa tăng khả năng đậu trái, như: Sử dụng thuốc MKB (0-52-34) phun ướt toàn lá với liều lượng 100 g/8 lít nước giúp lá mau thuần thục; phun Paclobutrazol 80-120 g/8 lít đều lên 2 mặt lá khi lá đã phát triển hoàn toàn; dùng  Suppracide, Actara, Applaud để trị rầy phấn... Ngoài ra, khi sầu riêng đã ra trái, ông B. còn phun sớm và phun định kỳ để ngừa sâu đục trái bằng Pyrinex, Decis, Lannate, DC Tronplus. “Nếu không cho cây và trái sầu riêng “ngậm” nhiều loại thuốc BVTV thì tỉ lệ đậu trái chỉ đạt vài phần trăm” - ông B. lý giải.

Không ít nhà nông ở ĐBSCL đã cho dưa hấu “ngậm” quá nhiều thuốc kích thích, tăng trưởng Ảnh: NGỌC TRINH
Không ít nhà nông ở ĐBSCL đã cho dưa hấu “ngậm” quá nhiều thuốc kích thích, tăng trưởng Ảnh: NGỌC TRINH
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc HTX Xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), phản ánh một vài hộ trồng xoài ở địa phương vì lợi nhuận đã dùng thuốc kích thích (đã bị cấm) làm trái lớn nhanh, chín sớm. Nếu người tiêu dùng mua phải xoài loại này để ăn thì sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Thậm chí có hộ dân ở xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long còn dùng thuốc kích thích để chôm chôm ra trái nghịch mùa nhằm bán giá cao.
Vì thế, ông Võ Văn Vinh (một nhà vườn ở quận Cái Răng) cho hay nhiều nhà vườn không dám ăn trái cây của mình trồng vì cho “ngậm” quá nhiều thuốc BVTV độc hại. “Mình không dám ăn mà bán cho người khác ăn thì chẳng khác nào… giết người. Vì thế, tôi thà mất mùa, có bao nhiêu bán bấy nhiêu chứ không rớ đến thuốc kích thích hay thuốc tăng trưởng” - ông Vinh nói.
Tại một hội nghị mới đây tổ chức ở TP Cần Thơ, một lãnh đạo của Hội BVTV Việt Nam đã thốt lên: “Nhiều lần đi tham quan các vườn trái cây đặc sản ở ĐBSCL nhưng tôi không dám ăn thử vì thấy nhà vườn phun quá nhiều thuốc trừ sâu. Họ lạm dụng thuốc diệt cỏ, thuốc BVTV, phân bón hóa học đến mức báo động”.
Rau, dưa hấu… to đùng chỉ sau 1 đêm
Theo thống kê của Cục BVTV từ năm 2011 đến nay, mỗi năm Việt Nam nhập và sử dụng khoảng 100.000 tấn thuốc BVTV, dẫn đến khối lượng lẫn chủng loại thuốc BVTV được sử dụng cao gấp nhiều lần nhu cầu sử dụng cho ngành sản xuất nông nghiệp. Trong đó, rau màu ngắn ngày là loại cây trồng được nhà nông sử dụng liều lượng thuốc BVTV nhiều nhất.
Thị xã Bình Minh, huyện Tam Bình và huyện Bình Tân (Vĩnh Long); huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang); huyện Kế Sách (Sóc Trăng) và quận Cái Răng (TP Cần Thơ) là những vùng sản xuất rau màu lớn ở ĐBSCL. Vì muốn có được những đám rau xanh tốt, bắt mắt người tiêu dùng nên không ít nhà vườn “cầu cứu” nhiều loại thuốc BVTV nằm trong danh mục cấm. Hỏi ra mới biết những loại thuốc BVTV mà nông dân sử dụng cho rau màu đều được các đại lý, các cửa hàng bán phân bón, thuốc trừ sâu giới thiệu bằng những lời có cánh.
Đóng vai một nông dân mới thử nghiệm trồng rau muống, chúng tôi đến một cửa hàng bán thuốc BVTV ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng để hỏi mua hạt giống và cách trồng. Bà chủ cửa hàng nhanh nhảu nói: “Nếu bán thì nên dùng những loại thuốc tăng trưởng, thuốc kích thích có nguồn gốc hóa học cho rau mau phát triển. Bảo đảm chỉ sau 1 đêm phun thì cọng rau muống sẽ… to đùng, xanh ngắt”.
Chúng tôi vờ hỏi có thuốc BVTV dạng sinh học, an toàn hay không thì bà chủ cửa hiệu lắc đầu, bảo: “Thuốc BVTV dạng sinh học không giúp rau phát triển nhanh  bằng thuốc dạng hóa học. Bây giờ mà dùng thuốc dạng sinh học thì người trồng rau màu chỉ có nước… húp cháo”.
Sau Tết, hàng loạt nhà vườn ở ĐBSCL đang tích cực chăm bón cho vụ dưa hấu mới. Tại nhiều ruộng dưa hấu đang cho trái ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, người trồng đang phun mù mịt thuốc BVTV. Chứng kiến cảnh này, bà Trần Thị Phấn (ngụ thị trấn Một Ngàn) nói: “Họ đang phun thuốc kích thích để trái phát triển nhanh. Chỉ sau 1 đêm thức dậy, trái dưa hấu trở nên…  to vật vã, bóng mượt, nhìn rất bắt mắt”.
Theo nhiều chuyên gia, việc lạm dụng thuốc BVTV và chất kích thích tăng trưởng trong trồng rau màu và cây ăn trái là rào cản lớn cho quá trình xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết những năm qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta tăng trưởng liên tục. Nếu như năm 1996, Việt Nam chỉ xuất khẩu rau quả được 90,2 triệu USD/năm thì đến năm 2015, con số này đạt hơn 2 tỉ USD. Hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu trái cây sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, so với Thái Lan, Malaysia…, chúng ta còn rất yếu. Vì thế, để sản xuất và xuất khẩu rau quả phát triển tốt và tăng trưởng bền vững, cần tổ chức sản xuất một cách bài bản, nghiêm túc; ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm chất lượng tốt, đồng đều; tổ chức liên kết sản xuất GAP, hữu cơ, hạn chế việc lạm dụng thuốc BVTV…
CÔNG TUẤN - CA LINH

Dân quây nhà máy phân bón ô nhiễm

Theo vnexpress-20/2/2016 | 09:24
Chiều 19/2, hàng chục người dân thôn Đa Sỹ, xã Đông Vinh (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) kéo đến trước cổng Nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông (thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại tổng hợp Cường Phát) để phản đối hoạt động sản xuất phân hóa học gây ô nhiễm môi trường.
Những tấm băng rôn lớn với nội dung: “Đề nghị nhà máy phân lân Sao Nông trả lại hơi thở sức sống cho người dân”, “Môi trường ô nhiễm phá tan cuộc sống yên bình”… của người dân được giăng trước cổng nhà máy. 
dan-quay-nha-may-phan-bon-o-nhiem
Những tấm băng rôn lớn được người dân treo khắp cổng nhà máy phân Sao Nông. Ảnh: Lam Sơn.
Nhà máy Sao Nông đóng trên địa bàn thôn Đa Sỹ mới hoạt động khoảng 3 tháng nay và chỉ cách khu dân cư khoảng 100 m. Bà Nguyễn Thị Mai (50 tuổi) cho biết, khói thải từ nhà máy đen ngòm, mùi tanh hôi rất khó chịu. “Ai hít vào đều bị ngạt thở, tức ngực, có người còn ngất xỉu…”, bà Mai nói.
Theo bà Vũ Thị Tú (45 tuổi), khói thải nhà máy theo gió tỏa ra không chỉ gây ô nhiễm đến những hộ dân sống quanh nhà máy, mà các thôn Đồng Cao, Trường Sơn, khu dân cư Đồng Sâm gần đó cũng bị ảnh hưởng. “Họ xả khói thải cả ngày lẫn đêm, chúng tôi không thể chịu được. Đề nghị cấp trên di dời nhà máy xa khu dân cư để chúng tôi được sống trong môi trường trong lành”, bà Tú nói.
Phó chủ tịch xã Đông Vinh, ông Hà Văn Bắc cho biết, việc người dân phản đối diễn ra từ trước Tết Nguyên đán. Ngay sau đó, UBND xã đã có văn bản đề nghị Công ty tạm dừng hoạt động theo cam kết đến khi hết Tết Nguyên đán. Ngày 12/2 (tức mùng 5 Tết), công ty này tiếp tục hoạt động nên những ngày qua nhân dân thôn Đa Sỹ đã tổ chức phản đối.
dan-quay-nha-may-phan-bon-o-nhiem-1
Người dân vây kín cổng nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông gây áp lực đòi dừng hoạt động. Ảnh: Lam Sơn.
Trước bức xúc của người dân và kiến nghị của chính quyền xã, ngày 18/2, đoàn liên ngành gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Thanh Hóa, Cảnh sát Môi trường Thanh Hóa đã về làm việc trực tiếp tại Nhà máy phân bón Sao Nông.
Theo biên bản làm việc cùng ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa kết luận, công ty này chưa thực hiện đầy đủ giải pháp xử lý bụi, khí thải tại dây chuyền vê viên. Trước khi đi vào hoạt động, công ty không báo cáo vận hành thử nghiệm dây chuyền sản xuất; chưa đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại…
Đoàn liên ngành sau đó yêu cầu Công ty Cường Phát tạm dừng hoạt động Nhà máy phân bón Sao Nông để khắc phục các vấn đề xử lý chất thải, báo cáo cơ quan chức năng.
Lê Hoàng

Trung Quốc: Sẵn sàng đâm vào tàu Mỹ nếu đến gần Hoàng Sa

Trọng Nghĩa 
Theo RFI-19-02-2016 12:16
media
Chiến hạm Mỹ USS Curtis Wilbur ( trong ảnh ) đã đi vào khu vực 12 hải lý chung quanh một đảo do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông ngày 30/01/2016. REUTERS/U.S. Navy/Mass Communication Specialist 3rd Class Declan
Khẩu chiến Mỹ-Trung về vụ Bắc Kinh triển khai tên lửa phòng không tại quần đảo Hoàng Sa (Biển Đông) càng lúc càng gay gắt. Bắc Kinh ngày 19/02/2016 đã cho báo chí lên tiếng đe dọa Washington là lực lượng Trung Quốc phòng thủ Hoàng Sa sẵn sàng bắn súng cảnh cáo, thậm chí đâm vào chiến hạm Mỹ nếu dám tiến lại gần Hoàng Sa.
Chính tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tung ra lời đe dọa kể trên trong một bài viết đăng trên một trang mạng xã hội của tờ People’s Daily, ấn bản hải ngoại của tờ báo.
Theo bài bình luận, Trung Quốc cần phải có những hành động cứng rắn để “ dậy cho Mỹ một bài học ”, lập lại nguyên văn lời lẽ mà Bắc Kinh đã đưa ra đối với Hà Nội cách nay đúng 37 năm khi xua quân đánh vào miền Bắc Việt Nam.
Đối với tác giả bài bình luận, quần đảo Hoàng Sa - dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc từ hơn 40 năm nay – là chiến tuyến tối hậu của Trung Quốc trong việc bảo vệ khu vực Biển Đông, do đó Trung Quốc phải tỏ rõ lập trường của mình bằng những hành động cứng rắn chống lại bất kỳ một cuộc xâm nhập nào.
Biện pháp chống lại bao gồm việc áp tải tàu ngoại quốc ra khỏi khu vực, thậm chí trong trường hợp xấu nhất, sẵn sàng cho tàu Trung Quốc đâm vào tàu Mỹ.
Bắc Kinh cũng dùng phiên bản phổ thông đại chúng của tờ Nhân Dân Nhật Báo là Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) để hù dọa Washington. Trong một bài xã luận công bố hôm qua, 18/02, tờ báo nổi tiếng với những luận điệu hiếu chiến này cho rằng Trung Quốc cần tăng cường năng lực “ tự vệ ” của mình ở Biển Đông để đối phó với các “ hành động khiêu khích càng lúc càng thường xuyên hơn từ phía quân đội Mỹ ”.
Tờ báo không ngần ngại xác định là kết quả của việc triển khai tên lửa tại Hoàng Sa là “ Chiến đấu cơ của Mỹ hay của nước nào khác, sẽ cảm thấy bất an khi thực hiện các chuyến bay khiêu khích trong khu vực ”.
Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh đã rất giận dữ sau hai chiến dịch tuần tra mà hải quân Mỹ đã thực hiện bên trong vùng 12 hải lý của các đảo đá mà Bắc Trung Quốc kiểm soát, cụ thể là Đá Xu Bi, quần đảo Trường Sa vào cuối năm ngoái, và Đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa vào đầu năm nay. Ngoài ra Mỹ còn cho B-52 bay trên không phận các đảo này.
Trả lời nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay, một nhà nghiên cứu thuộc Học Viện Hải Quân Trung Quốc còn cho rằng Bắc Kinh có khả năng triển khai tên lửa chống hạm đến Hoàng Sa, bố trí thêm các loại vũ khí trên các đảo nhỏ khác trong quần đảo này, chứ không riêng gì trên đảo lớn Phú Lâm.

Tên lửa ở Hoàng Sa: Trung Quốc ‘ngụy biện’ về nguyên do gây căng thẳng

Trọng Nghĩa 
Theo RFI-19-02-2016 16:04 
media
Sinh viên Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc triển khai tên lửa ở Hoàng Sa. Manila, 19/02/2016. Reuters
Trang mạng thông tin quốc tế Quartz, trụ sở tại New York, vào hôm nay, 19/02/2016 đã ghi nhận như sau : « Láng giềng của Trung Quốc cho là việc triển khai tên lửa là hành động làm căng thẳng leo thang, nhưng Bắc Kinh thì không nghĩ vậy. Họ cho rằng nguyên nhân chính là việc các nước khác nói đến hành động đó ».
Đối với mạng thông tin Quartz, hai bài xã luận mới đây trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, và một bài của Tân Hoa Xã đã nêu bật sách lược « ngụy biện » đó. Tờ báo hung hăng này đã cảnh cáo Mỹ và Úc là không nên làm « bất cứ điều gì có thể gây tổn hại cho hòa bình khu vực », như chỉ trích Trung Quốc tăng gia số lượng vũ khí chết người ở Biển Đông chẳng hạn.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã dẫn lời bộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm 17/02, tố cáo « hành vi thổi phồng của một số phương tiện truyền thông phương Tây, nhai lại cái gọi là ‘hiểm họa Trung Quốc’ ».
Tuyên bố của bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng không khác gì phát biểu của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước đó khi ông phủ nhận những cáo buộc của Mỹ và Đài Loan về việc Bắc Kinh cắm tên lửa tại Hoàng Sa, cho rằng đó là những tin bịa đặt « của một số phương tiện truyền thông phương Tây ».
Luận điểm kể trên đã được giới chức ngoại giao Trung Quốc tiếp tục triển khai sau đó. Trước ngày ngoại trưởng Úc Julie Bishop ghé thăm Trung Quốc, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đánh phủ đầu : « Úc nên có lập trường khách quan và vô tư, tránh gây phương hại cho hòa bình và ổn định khu vực ».
Điều mà theo Bắc Kinh có thể gây hại cho nền hòa bình của khu vực chính là một ý định được tuyên bố trước của ngoại trưởng Úc là sẽ chất vấn Bắc Kinh về vấn đề xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, cũng như lập trường của Úc ủng hộ việc Philippines nhờ một tòa án trọng tài quốc tế phán xét về tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Điều đáng nói là sách lược ngụy biện của Bắc Kinh không chỉ dừng ở đấy. Sau khi chối là không có chuyện đưa tên lửa ra Hoàng Sa, trước những bằng chứng hiển nhiên cho thấy bãi biển Phú Lâm không có giàn phóng tên lửa Hồng Kỳ HQ-9 trước ngày 14/02, những lại thấy có vào ngày đó, Bắc Kinh lập tức đổi lập luận, cho rằng các phương tiện để tự vệ đã được chuyến đến đó từ trước đây.
Giải thích của Trung Quốc về mục tiêu của việc triển khai vũ khí đó rất rõ ràng : đó chỉ là để phòng thủ một vùng lãnh thổ thuộc về Trung Quốc « từ ngàn xưa », và việc võ trang để tự vệ là một điều được luật pháp quốc tế cho phép. Đối với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi, điều đó không liên quan gì đến việc quân sự hóa.
Đối với trang mạng Quartz, quan điểm được ông Hồng Lỗi nhấn mạnh trong phát biểu nói trên là Bắc Kinh xem Hoàng Sa trước hết là lãnh thổ Trung Quốc, rồi sau đó mới là lãnh thổ có tranh chấp. Điều đó có thể giúp giải thích vì sao mà Trung Quốc lại có thể cho rằng nói về các vụ triển khai vũ khí gây mất ổn định nhiều hơn là bản thân việc triển khai này.

F-22 Raptor - khắc tinh của tên lửa Trung Quốc đưa lên Hoàng Sa

Theo vnexpress-19/2/2016 | 15:51
Với khả năng tàng hình cao cùng tốc độ lớn, F-22 có thể ném bom tiêu diệt các khẩu đội HQ-9 mà không phải lộ mặt quá lâu.
f-22-raptor-khac-tinh-cua-ten-lua-trung-quoc-dua-len-hoang-sa
Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ. Ảnh: USAF
Việc Trung Quốc ngang ngược triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, thổi bùng nguy cơ xung đột trong khu vực, khiến Mỹ và đồng minh có thể sẽ cứng rắn hơn trong các biện pháp đối phó.
Trong trường hợp nổ ra chiến sự trên vùng biển chiến lược này, Mỹ có tại chỗ một loại vũ khí có thể đối phó hiệu quả với tên lửa HQ-9, đó là tiêm kích F-22 Raptor, loại máy bay tàng hình tối tân đang được Lầu Năm Góc triển khai đến châu Á để răn đe Triều Tiên, theo National Interest.
Theo chuyên gia phân tích quân sự Dave Majumdar, HQ-9 là hệ thống phòng không khá uy lực, kết hợp các tính năng tốt nhất của tên lửa S-300P Nga và MIM-104 Patriot của Mỹ. HQ-9 được trang bị hệ thống radar mảng pha điện tử chủ động, giúp một khẩu đội có thể tấn công đồng thời 6 mục tiêu ở khoảng cách 193 km trên độ cao 27,4 km. Với các tính năng này, HQ-9 có uy lực đủ lớn để hình thành một vùng cấm bay đối với máy bay dân sự và quân sự trong tầm hoạt động của mình.
Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor của Mỹ là lựa chọn tốt nhất để đối phó HQ-9. Dù được thiết kế ban đầu chỉ để chiếm ưu thế trên không, F-22đã chứng minh được khả năng tác chiến rất linh hoạt. Những năm gần đây, ngoài nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, F-22 còn san sẻ vai trò của oanh tạc cơ tàng hình B-2 trong khái niệm Lực lượng Tấn công Toàn cầu (GSTF).
Theo khái niệm tác chiến này, F-22 sẽ tận dụng ưu thế tàng hình và tốc độ bay phía trước mở đường, tung đòn phủ đầu tiêu diệt các máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa phòng không tối tân của đối phương, B-2 sẽ bay sau ném bom xé nát các mối đe dọa như các bệ phóng tên lửa Scud, kho vũ khí hóa học, hệ thống phòng thủ bờ biển và phòng không. Gần đây nhất ở Iraq và Syria, F-22 với hệ thống cảm biến nhạy bén đã được sử dụng để thực hiện vai trò trinh sát, thậm chí là chỉ huy và kiểm soát trên chiến trường.
Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo, không quân Mỹ đã triển khai một phi đội tiêm kích F-22 tới Hàn Quốc. Đây là các máy bay được ưu tiên nâng cấp trang bị mới nhất theo chương trình Increment 3.2A nhằm cải tiến vũ khí tác chiến đối đất và các năng lực giao tiếp trên F-22.
Với gói nâng cấp này, F-22 không những được cải tiến về bản đồ radar khẩu độ tổng hợp, khả năng định vị địa lý và Bom Đường kính nhỏ (SBD), mà khả năng nhận thức tác chiến của nó cũng được cải thiện đáng kể cùng gói dữ liệu Link-16 kết nối với các cảm biến khác trên máy bay.
F-22 Raptor có thể được trang bị các tên lửa tầm nhiệt AIM-9X Sidewinder và AIM-120D AMRAAM cùng hệ thống tránh va chạm mặt đất tự động. Với các khả năng được nâng cấp, F-22 thực sự là sát thủ của các hệ thống tên lửa đất đối không như S-300, S-400 hay HQ-9 trong trường hợp nổ ra xung đột.
f-22-raptor-khac-tinh-cua-ten-lua-trung-quoc-dua-len-hoang-sa-1
Một hệ thống tên lửa HQ-9 của Trung Quốc. Ảnh: Defensenews
Nhờ năng lực định vị địa lý và hệ thống radar khẩu độ tổng hợp, F-22 có thể xác định vị trí chính xác của các hệ thống phòng không di động như HQ-9 và tấn công chúng từ khoảng cách tương đối an toàn nhờ sự kết hợp giữa công nghệ tàng hình và hành trình siêu thanh.
Trong thực tế, F-22 có thể duy trì tốc độ March 1,8+ mà không cần sử dụng buồng đốt phụ. Điều này có nghĩa là F-22 có thể tiến đủ gần tới vị trí HQ-9 để ném bom SBD nặng 113 kg hay bom thông minh JDAM nặng 453 kg mà không lo bị lộ mặt quá lâu trước radar đối phương.
Trong khi đó, đài radar trinh sát dò tìm Type 305B/YLC-2V của HQ-9 lại bị đánh giá là cồng kềnh, tiêu thụ điện năng lớn, chưa đủ khả năng phát hiện các chiến đấu cơ tàng hình tối tân của Mỹ như F-22. Ngoài ra, thời gian phản ứng từ lúc phát hiện mục tiêu của HQ-9 là 10-12 giây, quá đủ để một tiêm kích tốc độ cao như F-22 thực hiện xong đòn tấn công hủy diệt.
Duy Sơn

Từ ‘đi qua vô hại’ đến ‘muốn Mỹ đóng vai trò mạnh mẽ hơn ở Biển Đông’

Dư luận không chỉ ngạc nhiên về việc viên thủ tướng không còn ủy viên bộ chính trị là Nguyễn Tấn Dũng suýt nữa đã không được đi Mỹ dự hội nghị ASEAN vào giữa tháng 2/2016, mà còn ngạc nhiên hơn khi lần đầu tiên sau gần một chục năm cần quyền, Thủ tướng Dũng đã đề nghị Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Washington cần có một tiếng nói mạnh mẽ hơn và “hành động thực tế và hiệu quả hơn”.

Tổng thống Obama đón tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị 10 nước ASEAN tại Sunnylands, thành phố Rancho Mirage, bang California, ngày 15 tháng 2, 2016. Hình VOA

Giới quan sát quốc tế bình luận: Lời kêu gọi này có thể làm Trung cộng nổi giận.

Có lẽ vị thế sắp mất của Thủ tướng Dũng đã khiến ông mạnh miệng hơn và trực tiếp hơn đôi chút, so với cụm từ “hữu nghị viển vông” đầy ẩn dụ của ông, mà nếu là người dân thường thì sẽ khó có thể hình dung ra ông muốn nói về quan hệ Việt – Trung.

Nhưng cũng còn một nguyên do vừa sâu xa vừa rất trực tiếp khác đã khiến Thủ tướng Dũng, một khi được Tổng bí thư Trọng “quyết” cho đi Mỹ, cần và phải nói ra điều then chốt trên: hơn bao giờ hết từ khi bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ 1995 đến nay, giới chóp bu Hà Nội lại cần đến sức mạnh của Hoa Kỳ như hiện thời.

Mọi thứ đều có logic của nó.

Ngày 31 tháng Giêng năm 2016, trước sự kiện tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của hải quân Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trong “chiến dịch tự do hàng hải” (FONOP), trong lúc vài tờ báo to mồm nhất của Trung Quốc cực lực lên án việc “Mỹ mở mặt trận thứ hai ở Biển Đông”, Bộ ngoại giao Việt Nam bất chợt giang thẳng tay “Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải”.

Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên kể từ thời “đu dây” giữa Trung Quốc và Mỹ, giới cầm quyền Hà Nội mới có được một tuyên bố “minh bạch” đến thế, cho dù tất cả mới chỉ uốn éo trên phương diện phát ngôn.

Vào cuối Tháng Mười năm ngoái, khi diễn ra sự kiện một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường khác của Hoa Kỳ là USS Lassen đi qua khu vực 12 hải lý quanh bãi đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa (bãi đá này Trung Quốc đã tiến hành cơi nới xây dựng thành đảo nhân tạo), cánh tay người phát ngôn Việt Nam đã không giang ra mà nhân vật này chỉ đọc diễn văn: Việt Nam “tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông,” cùng “kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định” ở Biển Đông.

Tuyên bố “đi qua vô hại” của Việt Nam mới đây đã khiến một số nhà phân tích tự hỏi phải chăng đã xuất hiện một cái gì đó mang tính tín hiệu về “thoát Trung tạm thời” của giới lãnh đạo Việt Nam.

Sự thật giật mình là mãi cho đến sát ngày khai mạc đại hội 12 của đảng cầm quyền ở Việt Nam, vài thông tin hiếm có được tiết lộ từ phía chính quyền mới cho người dân biết về 50 lần máy bay Trung Quốc lượn như chốn không người trên không phận Sài Gòn. Còn ở biển Vũng Tàu, tàu Trung Quốc vờn qua vờn lại không biết chán.

Không có và có lẽ hoàn toàn không có nước Nga. Trong phần lớn tình huống rủi ro được cài đặt bởi một chính quyền mang lời nguyền về địa lý, Việt Nam chỉ còn biết trông chờ vào người Mỹ, cho dù có thể còn lâu nữa Washington mới nhìn Hà Nội như một đồng minh chiến lược.

Không còn quá nhiều nghi ngờ rằng sau những tuyên bố “đi qua vô hại” và “muốn Mỹ đóng vai trò mạnh mẽ hơn ở Biển Đông”, nhiều khả năng Việt Nam đang tính toán việcchính thức dựa dẫm vào sức mạnh của hải quân Mỹ để bảo vệ vùng biển của mình.

02/19/2016 - 18:35

Lê Dung / SBTN

Việt Nam đã quay đầu qua Mỹ vì biển Đông?

Phạm Trần (Danlambao) - ...Khi ông Dũng đích thân gặp mặt Tổng thống Obama để yêu cầu Hoa Kỳ mạnh tay hơn với các hành động phá hoại hòa bình của Trung Quốc ở Biển Đông thì đây là là một thái độ chính trị rất mới, nếu không muốn nói là khác thường của Việt Nam đối với nước láng giềng đàn anh Trung Quốc. Nhất là khi đảng CSVN vừa mới tái cử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người có tiếng thân Trung Quốc nhưng ông Trọng lại phải làm việc với Ban Chấp hành Trung ương có nhiều thành phần trẻ và cấp tiến thì một hành động chính trị trái chiều với Bắc Kinh cũng có thể xảy ra. Hay là những lời nói của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ là một chiến thuật của Lãnh đạo nhằm giải tỏa bớt áp lực trong nội bộ đảng và quân chúng ở Việt Nam trước hành động chèn ép quá lõa lồ của Trung Quốc?...

*

“Thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông; tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC—Declaration Of Conduct), sớm thỏa thuận thực chất Bộ Quy tắc về ứng xử COC (Code Of Conduct).”

Bản tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã viết như trên, sau cuộc họp riêng dài 40 phút giữa Phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tần Dũng cầm đầu và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Sunnylands Center, Rancho Mirage, California hôm 15/02/2016.

DOC là văn kiện có 10 Điều được ký giữa ASEAN và Trung Quốc ký ở Nam Vang, Cao Miên ngày 4 tháng 11 năm 2002, nhưng không có các biện pháp trừng phạt nếu không chấp hành. Vì vậy Trung Quốc đã công khai vi phạm cam kết của mình khi thao túng Biển Đông qua các hành động lấn chiếm và tân tạo nhiều đá ngầm chiếm của Việt Nam năm 1988 để mở thành đảo lớn, xây căn cứ quân sự cho quân đồn trú, sân bay và bến cảng ở khu vực Trường Sa.

Vào năm 2009 Trung Quốc đã nạp cho Liên Hiệp Quốc bản đồ tự vẽ đường 9 đoạn, hay còn gọi là đường Lưỡi Bò, chiếm ¾ diện tích 3.5 triệu cây số vuông Biển Đông, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, để hợp thức hóa phần lãnh thổ này, coi như của Tổ tiên người Hoa để lại!

Không có bất cứ nước nào trong khu vực hay trên Thế giới, kể cả Hoa Kỳ, công nhận hình Lưỡi Bò của Bắc Kinh nhưng Trung Quốc vẫn bất chấp phản đổi để tiếp tục bành trướng lãnh thổ.

Hành động tự phá của Bắc Kinh đã vi phạm Điều 5 của DOC, có chữ ký của đại diện Trung Hoa. Điều này viết rằng: "Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng.

Trong khi chờ đợi sự dàn xếp hòa bình cho các tranh chấp về lãnh thổ và quyền thực thi pháp luật, các bên liên quan tiến hành tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau trong tinh thần hợp tác và hiểu biết, bao gồm: 

- Tổ chức các cuộc đối thoại và trao đổi quan điểm một cách thích đáng giữa các quan chức phụ trách quân sự và quốc phòng.

- Bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo đối với tất cả mọi người đang gặp hiểm nguy hoặc tai họa.

- Thông báo trên cơ sở tự nguyện cho các bên liên quan khác về mọi cuộc tập luyện quân sự liên kết/hỗn hợp sắp diễn ra.

Trao đổi trên cơ sở tự nguyện những thông tin liên quan.”

Vì Bắc Kinh tiếp tục tăng cường hành động quân sự hóa để chiếm lãnh thổ nước khác và đe dọa hòa bình và an ninh hàng hải ở Biển Đông nên, từ 4 năm qua các nước Đông Nam Á muốn xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (Code of Conduct, COC) với những điều khoản pháp lý ràng buộc chặt chẽ hơn để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh khu vực. 

Trung Quốc đã tìm mọi cách kéo dài thương thuyết. Bắc Kinh viện lẽ Trung Quốc không tranh chấp với ASEAN như một khối mà chỉ tranh chấp với một số nước trong số 10 quốc gia nên chỉ bằng lòng nói chuyện tay đôi (song phương) với từng quốc gia có tranh chấp, thay vì quốc tế hóa xung động ở Biển Đông để cho các nước khác, như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Nga có thể tham gia thương thuyết. Vì vậy, COC vẫn còn xa vời, trong khi Trung Quốc vẫn không ngưng các hoạt động lấn chiếm khiến tình hình phức tạp thêm.

Có 4 quốc gia ASEAN gồm Việt Nam, Philippines (Phi Luật Tân), Malaysia (Ma Lai Á), Brunei có tranh chấp chủ quyền trực tiếp với Trung Quốc ở Biển Đông trong khi Singapore (Tân Gia Ba) và Indonesia (Nam Dương) phải chịu ảnh hưởng lớn từ bất cứ sự mất ổn định nào trên Biển Đông.

4 nước còn lại của ASEAN gồm Miến Điện, Thái Lan, Lào và Cao Miên không có tranh chấp với Trung Hoa. Bắc Kinh đã dùng tiền bạc và kinh tế để nắm Lào và Cao Miên từ sau 1975 nhằm chia rẽ nội bộ ASEAN nên chưa bao giờ có thể đòan kết thành một khối để đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

Lợi dụng sự chia rẽ của ASEAN, Trung Quốc đã mở tốc độ xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông khiến Hoa Kỳ chóng mặt. Từ năm 2015, Mỹ đã gửi máy bay đến thám thính, chụp hình, cho tầu vào tuần ra và tăng cường hoạt động hải quân, thao dượt quân sự trên biển với hai nước đồng minh Phi Luật Tân và Thái Lan, mặc cho Bắc Kinh phản đối.

Hầu như để đáp lại, Trung Quốc đã vội vã thiết kế ít nhất là 8 bệ phóng Hỏa tiễn địa-không ở đảo Phú Lâm (Bắc Kinh gọi là Vĩnh Hưng) trong Quần đảo Hòang Sa từ ngày 14/2/2016, chỉ một ngày trước Hội nghị thượng đỉnh chiến lược giữa khối ASEAN và Hoa Kỳ ở Sunnylands, California.

Việt Nam đã lên tiếng phản đối, nhưng lời nói của Hà Nội cũng chỉ như đàn gẩy tai trâu vì Bắc Kinh đã coi thường phản ứng của Việt Nam từ lâu rồi.

HỘI NGHỊ SUNNYLANDS

Đó là lý do tại sao Tổng thống Barack Obama đã đứng ra tổ chức cuộc họp lần đầu tiên trên đất Mỹ trong hai ngày 15-16/02/2016 để tìm kiếm sự hợp tác thống nhất với ASEAN trong kế họach “Bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương”.

Riêng đối với trường hợp Việt Nam thì lời yêu cầu của ông Nguyễn Tấn Dũng muốn Hoa Kỳ “có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn” để vãn hồi hòa bình ở Biển Đông, được coi là lần đầu tiên, nói ra từ một Lãnh đạo trước sức ép của Trung Quốc. 

Vẫn theo Bộ Ngọai giao Việt Nam thì ông Dũng đã cho Tổng thống Obama biết rằng: “Việt Nam rất quan ngại trước tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, đe dọa thực sự hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không do những hành động đơn phương bồi đắp quy mô lớn các đảo chiếm đóng trái phép và xây dựng trên quy mô lớn các đảo nhân tạo từ những cấu trúc nửa nổi nửa chìm, làm thay đổi nguyên trạng, kể cả việc tăng cường quân sự hóa dưới các hình thức khác nhau.”

Nhưng lời lẽ của ông Dũng, người sẽ nghỉ hưu sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 vào ngày 22/5/2016 có sức mạnh chính trị gì không, hay ông đã nói thay cho ông Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, người thường hay tránh nói trái lòng Trung Quốc khi chạm đến vấn đề được gọi là nhạy cảm ở Biển Đông? 

Vậy ông Obama đáp lễ ra sao?

Bản tin Bộ Ngọai giao Việt Nam viết tiếp: “Tổng thống Obama khẳng định, Hoa Kỳ lo ngại về tình hình Biển Đông và ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực ngoại giao và tiến trình pháp lý nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và DOC.” 

Lập trường của ông Obama không có gì mới, nhưng tại cuộc họp báo chiều 16/02 (2016) sau khi Hội nghị kết thúc, nhà Lãnh đạo Hoa Kỳ cho biết lập trường chung của ASEAN và Mỹ ở Biển Đông: “Chúng tôi thảo luận những bước đi cụ thể ở Biển nam Trung Hoa (Biển Đông) để giảm thiểu căng thẳng, bao gồm cả việc lấn chiếm thêm, tân tạo và quân sự hóa khu vực. Tự do hàng hải phải được bảo đảm và thương mại hợp pháp không bị phương hại.”

(We discussed the need for tangible steps in the South China Sea to lower tensions, including a halt to further reclamation, new construction and militarization of disputed areas. Freedom of navigation must be upheld and lawful commerce should not be impeded.) 

Ông Obama không nói ra “những bước cụ thể” như thế nào sẽ được Hoa Kỳ và ASEAN áp dụng để chận đứng những hoạt động xâm lấn và xây dựng trái phép mới của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng ông đã lập lại quyết tâm của Mỹ: “Tôi muốn lập lại rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay, thả buồm lướt sóng và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, và chúng tôi tiếp tục ủng hộ các nước khác cũng có quyền làm như thế. Hoa Kỳ tiếp tục giúp các đồng minh của mình và những người bạn đồng hành tăng cường khả năng hàng hải của mình. Và chúng tôi cũng đã thảo luận làm thế nào để giải quyết những tranh chấp giữa các bên ở khu vực phải được giai quyết hòa bình, qua các phương tiện pháp lý, giống như phán quyết sắp tới dựa theo Luật biển Liên Hiệp Quốc mà các bên liên quan phải tuân thủ.”

(I reiterated that the United States will continue to fly, sail, and operate wherever international law allows, and we will support the right of all countries to do the same. We will continue to help our allies and partners strengthen their maritime capabilities. And we discussed how any disputes between claimants in the region must be resolved peacefully, through legal means, such as the upcoming arbitration ruling under the U.N. Convention of the Law of the Seas, which the parties are obligated to respect and abide by.)

Rõ ràng là Tổng thống Obama muốn ám chỉ đến phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài thường trực (Permanent Court of Arbitration, PCA) của Liên Hợp Quốc ở The Hague, Holland (Hà Lan) đồi với vụ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc đã tự vẽ ra bản đồ đường 9 đoạn, có hình giống cái Lưỡi Bò, chiếm hầu hết biển đảo ở Biển Đông, bao gồm một số đảo của Phi Luật Tân và 2 Quần đảo Hòang Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Vì lý do chính trị và sợ làm mất lòng nước đã và đang có nhiều ân huệ với mình, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã không dám tham gia cuộc kiện Trung Quốc với Phi Luật Tân, dù Việt Nam đã bị Bắc Kinh chiếm mất Hoàng Sa năm 1974 và một vùng biển đảo lớn ở Trường Sa từ năm 1988!

Vì vậy, khi ông Dũng đích thân gặp mặt Tổng thống Obama để yêu cầu Hoa Kỳ mạnh tay hơn với các hành động phá hoại hòa bình của Trung Quốc ở Biển Đông thì đây là là một thái độ chính trị rất mới, nếu không muốn nói là khác thường của Việt Nam đối với nước láng giềng đàn anh Trung Quốc.

Nhất là khi đảng CSVN vừa mới tái cử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người có tiếng thân Trung Quốc nhưng ông Trọng lại phải làm việc với Ban Chấp hành Trung ương có nhiều thành phần trẻ và cấp tiến thì một hành động chính trị trái chiều với Bắc Kinh cũng có thể xảy ra.

Hay là những lời nói của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ là một chiến thuật của Lãnh đạo nhằm giải tỏa bớt áp lực trong nội bộ đảng và quân chúng ở Việt Nam trước hành động chèn ép quá lõa lồ của Trung Quốc?./-

(02/016)