Tuesday, October 11, 2016

Vì sao công nhân ở Nghệ An biểu tình?

Hoàng Dung, thông tín viên RFA 2016-10-11  
Hơn 3.000 công nhân thuộc công ty trách nhiệm hữu hạn Matrix Vinh, tỉnh Nghệ An, tiếp tục đình công sáng hôm 5/10 tức ngày thứ 3 liên tiếp, để đòi hỏi công ty phải cải thiện điều kiện làm việc.
Hơn 3.000 công nhân thuộc công ty trách nhiệm hữu hạn Matrix Vinh, tỉnh Nghệ An, tiếp tục đình công sáng hôm 5/10 tức ngày thứ 3 liên tiếp, để đòi hỏi công ty phải cải thiện điều kiện làm việc.  Courtesy nongnghiep.vn 
Lý do công nhân biểu tình
Trong 3 ngày đầu tháng 10, khoảng 3.000 công nhân thuộc công ty TNHH Matrix thuộc khu công nghiệp Bắc Vinh ở Nghệ An đã liên tiếp biểu tình để đòi quyền lợi cho mình.
Cụ thể, công nhân đòi buộc ban lãnh đạo công ty quan tâm đến sức khỏe của người lao động, tăng tiền lương, thưởng, giảm giờ tăng ca, cũng như không bắt buộc công nhân làm giờ tăng ca, chỗ ăn và ăn uống hợp lý.
Đình công đầu tiên là tiền cơm thấp, với lại họ ép mình sản lượng nhiều mà lại không có tiền thường, ăn 1 phần cơm 12 ngàn, như con gái ăn thì được, chứ con trai ăn không no vì không được cơm thêm, làm 1 ngày 8 tiếng tăng ca 2 tiếng nữa là 10 tiếng.
-Chị Quỳnh An
Trong 3 ngày đình công vừa qua thì công nhân đứng hai bên đường trước cổng công ty căng băng rôn, biểu ngữ yêu cầu ban lãnh đạo công ty giải quyết những khiếu nại của công nhân. Tuy nhiên, ban lãnh đạo của công ty không ra đối chất với công nhân.
Trong cuộc đình công vào sáng ngày 05 tháng 10 năm 2016 của công nhân cũng đã có một công nhân bị đánh đập gãy tay và các công nhân cho rằng người đánh đập và hành hung là công an thường phục.
Trao đổi với chúng tôi, thì chị Quỳnh An một công nhân của công ty cho biết lý do mà công nhân đã tổ chức đình công, thứ nhất là đòi tăng tiền cơm cho công nhân, thứ 2 không được ép công nhân làm thêm sản phẩm, thứ 3 giảm giờ làm cho công nhân:
“Đình công đầu tiên là tiền cơm thấp, với lại họ ép mình sản lượng nhiều mà lại không có tiền thường, ăn 1 phần cơm 12 ngàn, như con gái ăn thì được, chứ con trai ăn không no vì không được cơm thêm, làm 1 ngày 8 tiếng tăng ca 2 tiếng nữa là 10 tiếng.”
Chị Nguyễn Thị Hằng cũng cho biết thêm:
“Tại vì sản lượng, nó đề ra mức quá cao công nhân không thể làm được, mà công nhân làm được thì không đạt được định lượng thì công ty không trả tiền thưởng cho công nhân. Thức ăn nhìn mà chán lắm, quá tệ.”
dinh-cong-1475741077.jpg
Công nhân công ty Matrix Vinh đình công hôm 2/10/2016. Photo courtesy of tuoitre.vn
Trong 3 ngày đình công của công nhân, thì có rất nhiều công an, cảnh sát cơ động được điều đến, và trong sáng hôm nay thì một công nhân đã bị cảnh sát đánh gãy tay.
Chị An cho biết:
“Công an nhiều, cảnh sát cơ động ngày bữa này điều đến nhiều, lúc đó đông công nhân ra đứng giữa đường công an đánh người đó.”
Công ty TNHH Matrix có công đoàn lao động, và mỗi tháng công nhân vẫn đóng tiền cho công đoàn này, tuy nhiên đến khi công nhân đình công thì không thấy công đoàn xuất hiện, hay đứng ra giải quyết giúp cho các công nhân.
Chị Hằng cũng cho biết, đây là quyền lợi của công nhân, nên mọi người tự đứng dậy để đòi quyền lợi cho mình.
“Trong hoàn cảnh đó, thì ai cũng muốn đòi lại quyền lợi cho họ. Bên công đoàn thì em thấy có người đó, nhưng mà nó giúp gì cho công nhân.”

Công ty giải quyết

Theo chị Quỳnh An cho biết, trong 2 ngày đầu công nhân đình công thì ban giám đốc của công ty có ra để nói chuyện với các công nhân, nhưng không đạt được thỏa thuận nào, còn hôm nay ban giám đốc công ty không có ai ra hết:
“2 ngày đầu thì họ vẫn ra nói, nhưng sau họ không ai trả lời, ngày bữa này công nhân đình công tiếp mà không ai ra hết.”
Chị Hằng cũng cho biết thêm, trong ngày đầu công ty đã ra làm việc và họ hứa sẽ tăng thêm tiền cơm, cải thiện bữa ăn, cũng như chỗ ăn cho các công nhân còn việc giảm sản lượng, giảm giờ làm và tăng tiền thưởng cho công nhân thì chưa được giải quyết:
Ngày thứ nhất có ông chủ ra đó, giải quyết về tiền ăn, còn về sản lượng công việc thì chưa, ông trốn tránh.
-Chị Hằng
“Ngày thứ nhất có ông chủ ra đó, giải quyết về tiền ăn, còn về sản lượng công việc thì chưa, ông trốn tránh.”
Trên báo Pháp Luật Xã Hội số ra ngày 03 tháng 10 năm 2016 cũng cho biết: Vào ngày 3-10, sau khi hơn 2.500 công nhân Matrix Vinh đình công, lãnh đạo công ty và đại diện Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An và cơ quan chức năng đã tổ chức buổi đối thoại với các công nhân. Tuy nhiên, sau buổi đối thoại, các quyền lợi mà các công nhân yêu cầu chưa được đảm bảo.
Theo các công nhân cho biết vào lúc 9h30 ngày 05 tháng 10 năm 2016 ông Nguyễn Xuân Đường, chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã đến làm việc với công ty để tìm hướng giải quyết cho công nhân, nhưng vẫn chưa thấy động thái gì từ công ty.
Chúng tôi có liên lạc với tổ chức Lao Động Việt ở Việt Nam, là 1 tổ chức xã hội dân sự hỗ trợ pháp lý cho các công nhân, thì anh Trương Minh Đức cho biết:
“Lao động Việt ở ngoài Nghệ An thì có nhóm ngoài đó trực tiếp, nhưng mà rất là khó câm nhập vì họ bố trí công an rất là nhiều.”
Công ty TNHH Matrix Vinh thuộc Tổng công ty Matrix (của Đài Loan, Trung Quốc), chuyên sản xuất các loại gấu bông, đồ chơi xuất khẩu. Công ty hiện có hơn 3.400 công nhân, chủ yếu là nữ. Trước đó, tại công ty này cũng đã từng diễn ra  nhiều cuộc đình công của công nhân diễn ra vào các năm 2009 và năm 2012, đòi tăng lương, tăng tiền phụ cấp độc hại, tăng khẩu phần ăn ca, giảm sản lượng khoán, cải thiện môi trường làm việc, tôn trọng người lao động, tăng tiền thưởng.

Sau Mẹ Nấm là ai?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-10-11  

Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh Courtesy photo

Tin blogger Mẹ Nấm bị bắt tại nhà riêng cho tới giờ này vẫn là tin được quan tâm nhiều nhất trên mạng xã hội bởi nó liên quan trực tiếp tới vụ kiện Formosa cũng như các tiếng nói xã hội dân sự độc lập. Những người hoạt động dân chủ nhân quyền biết rằng việc Mẹ Nấm bị bắt chỉ là mở đầu cho một loạt các vụ đàn áp khác sắp tới và họ đã chuẩn bị cho tình trạng xấu nhất.
Bắt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tức Mẹ Nấm và tạm giam theo khoản 1, điều 88 Bộ luật Hình sự về hành vi “tuyên truyền chống nhà nước” và tiếp theo là bản án nếu nhẹ nhất là 3 năm và nặng nhất có thể lên tới 20 năm tù, cho thấy quyết tâm của chính quyền trong việc ngăn cản những tiếng nói phản biện về các vấn đề mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải lo đối phó trong giai đoạn hiện nay đó là thảm họa Formosa cùng những hệ lụy mà nó để lại.
Ngay sau khi Mẹ Nấm bị bắt, nhiều kênh TV nhà nước đã quay phim tại chỗ và tang vật được trình chiếu lên là những tờ giấy in các khẩu hiệu công an thu được như: “Khởi tố Formosa”, “Formosa gets out”, “Cá cần nước sạch, nước cần minh bạch”.
Sắp tới sẽ có những cuộc biểu tình càng lúc càng căng thẳng và đông đảo người tham gia. Chính vì vậy cho nên chính quyền mới tìm cách trấn áp những người hoạt động xã hội dân sự.
-Blogger Huỳnh Ngọc Chênh
Những hình ảnh ấy như cỗ xe bị đổi hướng đi, ngược với ý muốn thuyết phục dân chúng về tội trạng của Mẹ Nấm.
Mẹ Nấm có thể nói là một blogger nổi tiếng nhất hiện nay, chị được nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài phỏng vấn trong đó có CNN để phản biện tình hình Việt Nam ra với thế giới.
Mẹ Nấm cũng vinh dự đoạt giải “Người bảo vệ nhân quyền 2015” của tổ chức Civil Rights Defenders (CRD) Giải thưởng này có lẽ là mối quan tâm sâu xa nhất của nhà nước đối với Mẹ Nấm bởi danh tiếng của chị đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và được quốc tế thừa nhận.
Nhà báo công dân, cũng là một blogger nổi tiếng Huỳnh Ngọc Chênh nhìn trường hợp của Như Quỳnh là một tất yếu khi lò lửa Formosa cần được che đậy để sức nóng của nó không tràn ra ngoài:
“Do tình hình Formosa càng lúc càng căng thẳng mà mọi người cho đó là điểm “tử” của chế độ, thì đấu tranh của người dân ở 3 tỉnh miền Trung càng lúc lên càng mạnh bởi đối phó của nhà cầm quyền không thỏa đáng với yêu cầu của người dân. Những vấn đề tiền đền bù và vụ kiện Formosa ra tòa. Sắp tới sẽ có những cuộc biểu tình càng lúc càng căng thẳng và đông đảo người tham gia. Chính vì vậy cho nên chính quyền mới tìm cách trấn áp những người hoạt động xã hội dân sự.”
Chuyện họ bắt nhóm của Luật sư Lê Công Định sinh hoạt xã hội dân sự ở Vũng Tàu và mới đây nhất họ bắt Mẹ Nấm thì tôi nghĩ nó nằm trong loạt trấn áp trước, đề phòng trước chuyện biểu tình nổ ra càng lúc càng đông và mạnh ở miền Trung.
TS kinh tế Phạm Chí Dũng, thành viên sáng lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam cùng cái nhìn của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, ông nói:
“Có khả năng đây là chiến dịch tấn công cả giới báo chí quốc doanh lẫn các blogger lề dân và chắc chắn trong đó cũng nhằm làm loãng đi cái không khí phẫn nộ của người dân, giáo dân biểu tình ở Formosa. Tôi cho rằng đây là một chiến dịch trấn áp và đặc biệt chiến dịch này được khởi động bằng cái thông báo của Bộ công an liên quan tới tổ chức Đảng Việt Tân. Có thể trong thời gian tới không khí trấn áp sẽ gia tăng.”
Tin Mẹ Nấm bị bắt được nhà báo Trương Duy Nhất chia sẻ, trước tiên qua điều 88 rất phi lý mà ông là người từng có kinh nghiệm:
“Các anh em chúng tôi đấu tranh làm sao để dần dần từng bước những điều luật mơ hồ như 88, như 258 mà trường hợp của tôi và Ba Sàm, những điều luật mơ hồ như thế phải loại bỏ. Hồi xưa ông Nguyễn Sinh Hùng khi còn đương chức Chủ tịch quốc hội khi bàn về sửa Bộ luật tố tụng hình sự khi đề cập đến điều này ông ta đã nói rằng: không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt đâu có được? Tiếc rằng trong việc xây dựng luật của chúng ta thì những người cấp tiến dám nói lên làm tác động chỉnh sửa theo xu hướng cởi mở thì nó chưa thắng thế. Cơ bản một điều luật mơ hồ muốn bắt ai thì bắt cho nên thế nào nó cũng bắt được hết.”
Blogger Phạm Thanh Nghiên, với tư cách đồng sáng lập Mạng lưới blogger Việt Nam với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho biết việc Mẹ Nấm bị bắt:
“Trước nhất về mặt tình cảm con người thì đối với tôi bất cứ một ai bị bắt, những người tranh đấu ôn hòa nào bị bắt thì nói chung là cũng buồn, rất xúc động và lo lắng cho họ mặc dù sự lo lắng của mình không giải quyết được vấn đề gì cả nhưng rất đồng cảm. Riêng trường hợp Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì là một cộng sự, người mà hai chị em chúng tôi có thời gian dài làm việc với nhau, chia sẻ với nhau trong Mạng lưới blogger Việt Nam thì việc bắt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đương nhiên là thử thách rất lớn cho Mạng lưới blogger Việt Nam.
Hỏi tôi có lo sợ không cho các thành viên khác của Mạng lưới hay cho cá nhân thì tôi khẳng định rằng diều đó không gây bất cứ một tổn hại nào về tinh thần đối với chúng tôi cả nếu hiểu theo cái nghĩa lo sợ bị bắt bởi vì dù cho bị bắt thì điều ấy cũng không có gì phải khiến cho mình hoang mang hay quá lo lắng, sợ hãi. Xác quyết một điều rằng chúng tôi đang có những nổ lực, đấu tranh để có được tự do cho bản thân mình, mặc dù sự tự do ấy có thể đánh đổi bằng nhà tù. Tự do cho bản thân mình cũng như cho Việt Nam, tất cả đều phải được hưởng quyền con người mà lẽ ra chúng ta phải được hưởng.”

Sau Mẹ Nấm là ai?

Đó là câu hỏi mà hầu như ai cũng muốn biết tuy không người nào trả lời chính xác được câu hỏi này, kể cả an ninh, người phụ trách việc phân loại và bắt giữ những ai bị đưa vào danh sách đen vì chống nhà nước. Nhà báo Trương Duy Nhất cho biết:
Bất cứ ai cũng có thể thành Mẹ Nấm cả. Cơ bản làm thế nào để mà loại bỏ những điều luật mơ hồ đó, còn cái việc họ bảo Mẹ Nấm là chống phá tuyên truyền làm ảnh hưởng lợi ích của nhà nước, nhưng mà lợi ích gì chứ?
-Nhà báo Trương Duy Nhất
“Cỡ như chị Quỳnh Mẹ Nấm mà còn bắt được thì khả năng sắp tới ai cũng có thể bị bắt có thể vào vòng lao lý được. Cách ứng xử, cách xây dựng pháp luật như thế tới cách người ta ứng dụng pháp luật như thế thì mọi công dân có thể thành tù nhân dự khuyết. Bất cứ ai cũng có thể thành Mẹ Nấm cả. Cơ bản làm thế nào để mà loại bỏ những điều luật mơ hồ đó, còn cái việc họ bảo Mẹ Nấm là chống phá tuyên truyền làm ảnh hưởng lợi ích của nhà nước, nhưng mà lợi ích gì chứ?”
Ông Phạm Chí Dũng, một cán bộ đảng viên của UBND thành phố Hố Chí Minh từng bị bắt giữ vì các bài viết khác với lập trường của Đảng, cũng không thể trả lời cho chính các thành viên của Hội nhà báo độc lập mà ông là người sáng lập trước câu hỏi này:
“Thực sự ra ở Việt Nam không thể biết rõ được ai là người tiếp theo tại vì nó tùy thời điểm, tùy tính chất và tùy từng người nữa. Tùy từng người và tổ chức thành thử đối với Hội nhà báo độc lập thì tôi không có bình luận gì.”
Blogger Phạm Thanh Nghiên bên cạnh vai trò là một đồng sự với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh còn là một người đàn bà tranh đấu nên chị hiểu rõ hoàn cảnh gia đình của Quỳnh khó khăn thế nào khi bị bắt:
“Bất cứ sự hy sinh nào cũng có cái giá của nó đặc biệt trong một đất nước như ở Việt Nam không có quyền con người. Qua đây xin gửi đến mẹ của Như Quỳnh là bà Tuyết Lan cũng như hai đứa con của Như Quỳnh, một bé 10 tuổi và một cháu mới hơn 2 tuổi phải xa con xa mẹ trong hoàn cảnh chia lìa đấy tôi cũng từng trải qua rồi phải nói rất ngậm ngùi tuy nhiên tôi tin chắc rằng một người mạnh mẽ như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bất thử thách nào thì Quỳnh cũng sẽ vượt qua thôi.”
Nhà báo Phạm Chí Dũng chia sẻ sự quan tâm của ông:
“Cũng giống như trường hợp cô Minh Thúy trong vụ anh Ba Sàm, cô Minh Thúy cũng có hai con và người mẹ vào trong tù hai con bơ vơ không biết như thế nào. Trước anh em cũng góp được một số tiền để giúp gia đình cô Minh Thúy. Trong trường hợp này tôi cũng có nêu ra đề nghị với anh em để giúp cho gia đình cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đẻ nuôi hai đứa nhỏ bởi có khả năng nếu công an khởi tố điều 88 thì cổ sẽ phải nằm hơi lâu. Tôi cũng mong qua đài RFA để nhờ bà con trong nước cũng như hải ngoại, những người quan tâm tới dân chủ nhân quyền và tình cảnh của Mẹ Nấm có đóng góp giúp dỡ cho gia đình Mẹ Nấm.”
Người dân chú ý tới một điều rất cơ bản đó là những người tranh đấu bị bắt sau khi ra khỏi tù họ càng hoạt động hăng say hơn, chủ động hơn và nhất là nỗi sợ lao tù hầu như không làm chùn ý chí đấu tranh của họ. Giải pháp bắt người phản biện trong một giai đoạn nào đó chẳng những không hiệu quả mà còn làm nóng hơn tình thế nhất là hiện trạng bờ biển miền Trung trong lúc này.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/who-will-be-next-ml-10112016091113.html/vml101116.mp3

Bộ Công An ra thông cáo về Việt Tân để làm gì?

Anh Vũ, thông tín viên RFA 2016-10-10  
Người Việt biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa trong một cuộc biểu tình ở Hà Nội vào ngày 01 tháng 5 năm 2016.
Người Việt biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa trong một cuộc biểu tình ở Hà Nội vào ngày 01 tháng 5 năm 2016.  AFP photo
Bộ Công an lại khẳng định Việt Tân là một tổ chức “đồng phạm tội khủng bố”, đồng thời đe dọa sẽ bị xử lý theo luật pháp Việt Nam đối với những người có liên quan. Điều đó có ảnh hưởng về mặt tâm lý thế nào với dân đang khiếu kiện Formosa?
Đe dọa ai?
Ngày 7/10/2016, các cơ quan truyền thông trong nước đã đưa bản Thông báo về tổ chức khủng bố Việt tân (VT) của Bộ Công an VN, theo đó khẳng định, căn cứ pháp luật VN và quốc tế, tổ chức VT đã và đang tiến hành các hoạt động khủng bố.
Đồng thời thông báo nói trên cũng khuyến cáo người dân rằng,“…người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, nhận tài trợ của “Việt tân”; hoạt động theo sự chỉ đạo của “Việt tân”… sẽ là đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng bố và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Linh mục An tôn Đặng Hữu Nam, chánh xứ Phú Yên, hạt Thuận Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thấy rằng, từ lâu nay Nhà nước VN vẫn cáo buộc tổ chức Việt Tân đứng đằng sau các vụ biểu tình, kích động người dân biểu tình chống phá. Theo ông, sự xuất hiện của thông báo này của Bộ CA có lẽ có liên quan đến các vấn đề khởi kiện cũng như biểu tình phản đối Formosa của giáo dân khu vực Nghệ An – Hà Tĩnh trong thời gian qua. Ông nói với chúng tôi:
Bộ CA là việc đó quả là một điều sai trái. Vì theo pháp luật của VN người ta chỉ có tội khi đưa ra Tòa Án xét xử và tuyên án, khi đó mới có thể khẳng định rằng, người ta có tội.
- Linh mục An tôn Đặng Hữu Nam
“Tôi nghĩ việc kết tội cho ai thì phải dựa vào các căn cứ như thế nào? Bộ CA là việc đó quả là một điều sai trái. Vì theo pháp luật của VN người ta chỉ có tội khi đưa ra Tòa Án xét xử và tuyên án, khi đó mới có thể khẳng định rằng, người ta có tội. Chứ khi người ta chưa có tội mà chỉ thấy người ta có hiện tượng rồi vội vã kết tội thì đó là chuyện chỉ có ở Việt Nam. Một khi không minh bạch, Bộ CA chỉ thấy hiện tượng mà không dựa trên cơ sở pháp lý, thì tôi không hiểu Bộ CA họ muốn điều gì?”
Một giáo dân ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã tham gia biểu tình chống Formosa ngày 2/10/2016 bày tỏ sự ngạc nhiên trước bản thông báo của Bộ CA. Bà khẳng định:
“Theo cái thông cáo của Bộ CA nói thì Việt Tân là một tổ chức phản động và khủng bố. Việt Tân là cái gì, là đảng gì chúng tôi không hề biết, thứ 2 là các cuộc biểu tình cũng không có ai xúi giục chúng tôi, vì chúng tôi là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp độc hại do Formosa thải ra. Bây giờ nhà nước không đứng ra giải quyết thì chúng tôi phải đứng lên đề đòi hỏi. Xin khẳng định không có ai xúi dục chúng tôi, mà chỉ có chúng tôi tự xúi dục chúng tôi.”
Đánh giá về việc ra thông báo của Bộ CA, từ Hà nội, nhà báo Nguyễn Hữu Vinh nhận xét:
“Việc Bộ CA ra một thông báo để đe dọa người nọ, người kia tham gia hoạt động cho tổ chức khủng bố. Tôi nghĩ rằng Bộ CA đang làm thay chức năng cuả Quốc hội chứ không phải chức năng của Bộ CA, mà Bộ CA chỉ có trách nhiệm căn cứ dựa vào các quy định của pháp luật để thực hiện. Nói ra để thấy sự hài hước. Sự việc như thế là nói hài hước như vậy thì không thể chấp nhận được. Bản thân tôi thì nghĩ Nhà nước này khủng bố là chính.”
Dân nghĩ gì?
Nói về nguyên nhân của bản thông báo “bất thường” này từ Bộ CA, Linh mục An tôn Đặng Hữu Nam cho biết:
“Những ai là người Việt Nam trên toàn thế giới, kể cả bà con ở trong quốc nội, những người đang đấu tranh vì Công lý và Sự thật, hay những người đang làm giúp cho người khác thấy sự thật thì đều là kẻ thù của chế độ này. Còn cái chuyện nhà nước họ bảo rằng, VT kích động để chúng tôi làm những việc như thế. Quả thật, tôi là một con người có hiểu biết, tôn trọng sự thật cho nên VT hay Việt Cộng thì cũng không thể kích động được tôi. Vì tôi thấy điều đúng thì chúng tôi sẽ làm và nếu là điều sai thì không bao giờ chúng tôi làm.”
Trả lời câu hỏi, bản thông báo nói trên của Bộ CA có gây ra sự lo ngại hay sợ hãi đối với bà con giáo dân hay không?
Linh Mục Đặng Hữu Nam nhận định:
“Chắc chắn một số giáo dân họ cũng dao động, song với những người có hiểu biết thì các thông tin sai trái, hay ngược chiều này sẽ trở thành một thông tin phản tác dụng và người dân họ sẽ phẫn nộ nhiều hơn. Chính vì lẽ đó mà tôi nghĩ tằng thông tin của Bộ CA đưa ra hôm nay thì sẽ có những người run sợ, dao động không dám bước tiếp con đường của mình. Song cũng có những người sẽ trở thành mạnh mẽ hơn.”
Nữ giáo dân ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho biết:
“Nghe các thông tin của Bộ CA đưa ra thì người dân chúng tôi ở đây thấy hết sức bình thường, ý chí của họ (dân) vẫn như cũ. Vì chẳng có ai xúi giục chúng tôi cả, xuất phát từ quyền lợi của mình cũng như con cái thì chúng tôi chẳng sợ cái gì? Đảng Việt Tân là cái gì, có từ khi nào thì chúng tôi cũng không biết, vậy tại sao các ông ở trên cứ đổ cho VT? Tới đây các Cha bề trên, trong ngành có phát động thì chúng tôi vẫn sẽ đi theo cùng. Riêng tôi sẽ không bỏ bất kỳ cuộc biểu tình nào, vì tôi đòi quyền lợi cho tôi, các con tôi, cho cháu của tôi.”
Ngày xưa thì điều đó có thể gây ra sự sợ hãi, nhưng bây giờ thì khác trước lắm rồi.
- Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh
Trong bài "Nước cờ sai lầm của Bộ CA ở Hà Tĩnh", nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đã đánh giá rằng, “Ngay sau cuộc biểu tình khiến Formosa thất thủ hôm Chủ nhật vừa rồi, Bộ Công an đã có những động thái ứng phó đầu tiên. Một mặt, họ tung các lực lượng cảnh sát cơ động tinh nhuệ nhất và những toán an ninh dày dặn kinh nghiệm đến Vũng Áng, quyết không để tái diễn tình trạng bị động như hôm vừa rồi... Mặt trận thứ hai được mở là truyền thông… và  lên cao trào bằng bản tin đặc biệt "Thông báo chính thức của Bộ Công an về tổ chức khủng bố Việt Tân".”
Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh thấy rằng, cái thời chính quyền dùng biện pháp dọa dẫm để đè bẹp sự phản kháng của người dân đã qua rồi, vì người dân hôm nay đã tỉnh ngộ. Ông chỉ rõ:
“Ngày xưa thì điều đó có thể gây ra sự sợ hãi, nhưng bây giờ thì khác trước lắm rồi. Anh chỉ có thể dọa những ai còn có khả năng sợ hãi thôi, còn những người dân ở khu vực Formosa bây giờ thì họ đã đói sắp chết rồi, không thể sống được. Cái chết sẽ còn lớn hơn sự sợ hãi rất nhiều, vậy thì làm như thế chỉ khiến cho người ta ngày càng căm ghét hơn. Nhất là trong lúc nhà nước đứng về phía kẻ tử thù của họ, phía của thủ phạm rồi thi tôi bảo cái kiểu hù dọa như thế chỉ là một cái cách thôi.”
Trên trang facebook cá nhân, LS. Lê Công Định đã có bình luận rằng “Động thái này của Bộ Công an cho thấy thể chế nhà nước pháp quyền của Việt Nam đang suy thoái nghiêm trọng theo hướng độc đoán tuyệt đối, bất chấp mọi chuẩn mực pháp lý tối thiểu mà các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc công nhận. Do đuợc ban hành sai thẩm quyền, nên tuyên bố và quy định dưới đây của Bộ Công an là vô giá trị và vô hiệu, người dân không cần tuân thủ.”.

Cơn bão

Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-10-10  
Người dân Quỳnh Lưu, Hà Tĩnh biểu tình đòi Formosa đóng cửa hôm 2/10/2016.
Người dân Quỳnh Lưu, Hà Tĩnh biểu tình đòi Formosa đóng cửa hôm 2/10/2016.  Hình do người dân chụp 
Cuộc biểu tình lớn
Chủ nhật 2 tháng 10, khoảng một vạn người tại Hà Tĩnh biểu tình đòi nhà máy Formosa bồi thường thiệt hại vì đã gây ra thảm họa môi trường Vũng Áng, đẩy hàng trăm ngàn người sống dựa vào biển không còn kế sinh nhai.
Đây là một cuộc biểu tình có thể là lớn nhất trong lịch sử cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam, nếu không tính đến cuộc nổi dậy của dân chúng Quỳnh Lưu, Nghệ An, chống cải cách ruộng đất do đảng cộng sản thực hiện, cách đây tròn 60 năm.
Điều đáng nói nhất trong cuộc biểu tình Hà Tĩnh là những người biểu tình đã biểu đạt ý kiến của mình một cách bất bạo động, không có xô xát và đập phá. Khía cạnh bất bạo động này được rất nhiều nhà báo, blogger bình luận:
Giáo sư Mạc Văn Trang viết trên trang cá nhân:
Một cuộc “tụ tập” tới 10.000 người mà không gây ra “hiệu ứng đám đông”, “tâm lý bầy đàn” manh động, mất kiểm soát… là một bằng chứng cho sự chuyển biến mới về ý thức trách nhiệm xã hội, ý thức pháp luật của những người tổ chức và người dân tham gia biểu tình.
Một cuộc “tụ tập” tới 10.000 người mà không gây ra “hiệu ứng đám đông” là một bằng chứng cho sự chuyển biến mới về ý thức trách nhiệm xã hội, ý thức pháp luật của những người tổ chức và người dân tham gia biểu tình.
- Giáo sư Mạc Văn Trang 
Nhà báo Châu Đoàn nói rằng cuộc biểu tình đã diễn ra một cách bất bạo động, và đó là một điều tuyệt vời. Tác giả Bùi Quang Vơm, người thường viết những phân tích về thay đổi xã hội tại Việt Nam cho rằng đó là sự trưởng thành về văn hoá biểu tình ôn hoà bất bạo động. Một hình hài cách mạng đang hiển hiện.
Cũng tại vùng đất Nghệ An Hà tĩnh này, những người cộng sản vẫn tự hào cho rằng đây là vùng đất cách mạng của họ, ở đây họ đã dấy lên một phong trào gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh cách đây 86 năm.
Ngay sau cuộc biểu tình chống Formosa tại Hà Tĩnh nổ ra, một nhà giáo tại Sài Gòn nhớ lại một bài thơ của một nhà thơ cộng sản về phong trào Xô viết ấy, và bảo rằng những người và cảnh năm xưa, trớ trêu thay dường như không có gì thay đổi.
“..Kìa Bến Thuỷ đứng đầu dậy trước, 
Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên.
 
Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên,
 
Anh Sơn,Hà Tĩnh một phen dậy rồi
Không có lẽ ta ngồi chịu chết? 
Phải cùng nhau cương quyết một phen. 
Tổng này, xã nọ kết liên, 
Ta hò, ta hét, thét lên mau nào ! 
Trên gió cả cờ đào phất thẳng, 
Dưới đất bằng giấy trắng tung ra
Giữa thành một trận xông pha, 
Bên kia đạn sắt bên ta gan vàng..”
Có một điều khác biệt là cuộc biểu tình 86 năm sau diễn ra bất bạo động và không bị đàn áp.
Giáo sư Mạc Văn Trang còn nêu lên những điểm khác biệt nữa giữa Xô viết Nghệ Tĩnh và cuộc biểu tình vừa qua của dân chúng Hà Tĩnh, Nghệ An hôm nay.
Sau cuộc khiếu kiện của hơn 500 dân Nghệ An tới cuộc biểu tình hơn 10.000 ngàn dân Hà Tĩnh, người ta đã ví như sự kiện “Xô Viết Nghệ Tĩnh”. Nhưng thực ra về bản chất là không đúng, vì “Xô viết Nghệ Tĩnh” dân nổi dậy do Đảng Cộng Sản kích động “căm thù giai cấp, trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, “nhằm cướp chính quyền”, còn cuộc khiếu kiện, biểu tình của dân Nghệ – Tĩnh hôm nay là kêu gọi đoàn kết toàn dân đấu tranh trong hòa bình cho công lý, cho sự phát triển đất nước…
Lúng túng
10-e1474884672488.jpg-400.jpg
Người dân khiếu kiện trong sân tòa án thị xã Kỳ Anh hôm 27/9/2016.Người dân khiếu kiện trong sân tòa án thị xã Kỳ Anh hôm 27/9/2016.
Báo chí Việt Nam im lặng không đưa tin về cuộc biểu tình ở Hà tĩnh.
Báo Thanh niên đưa tin rồi gỡ đi. Báo Hà Tĩnh online có một bài viết kết tội những người biểu tình gây rối.
Tuy vậy nhà báo Châu Đoàn nói rằng mình vẫn vui vì mạng xã hội đã thay cả hệ thống báo chí chính thống một cách tuyệt vời để làm thiên chức của nhà báo. Nhà báo đề nghị là nhà nước Việt Nam nên thay đổi cái cách làm truyền thông của mình:
Chính quyền nên thay đổi tư duy về chức năng báo chí Việt Nam. Sự kiện động trời mà tất cả đều im thin thít, nhường chức năng chia sẻ thông tin cho mạng xã hội được độc quyền. Theo tôi, đây là một điều không khôn ngoan. Không đưa tin thì mấy chục triệu người cũng biết và điều ấy sẽ làm báo chí mất uy tín.
Chính quyền nên thay đổi tư duy về chức năng báo chí Việt Nam. Sự kiện động trời mà tất cả đều im thin thít, nhường chức năng chia sẻ thông tin cho mạng xã hội được độc quyền.
- Nhà báo Châu Đoàn
Cuộc biểu tình ngày chủ nhật đã diễn ra sau khi người dân biết được chính sách đền tiền cho người dân lấy từ số tiền 500 triệu đô la Mỹ mà công ty Formosa bồi thường. Theo chính sách này thì người bị thiệt hại chỉ nhận được tiền đền bù trong sáu tháng. Blogger Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động xã hội trẻ tuổi hỏi rằng sau sáu tháng đó thì ngư dân sống bằng gì vì biển vẫn chết!
Một số blogger nhận xét rằng chính phủ Việt Nam đã vụng về khi để cho Formosa chi ra 500 triệu đô la rồi phủi tay.
Blogger Nguyễn Thị Oanh viết trên trang cá nhân:
Thật lòng, không hiểu tại sao Chính phủ lại nhận trách nhiệm “đứng mũi chịu sào” trong vụ này để rồi phải đối mặt với những áp lực không nhỏ từ dân? Bài toán giải quyết khối u Formosa đã sai cách giải ngay từ đầu, khi Chính phủ tự ý thỏa thuận với Formosa để đồng ý nhận khoản bồi thường 500 triệu USD mà không rõ căn cứ. Và bây giờ, vẫn tiếp tục sai khi Chính phủ đứng ra nhận tiền đó thay cho dân rồi lại thực hiện chi trả bồi thường thay cho Formosa. Giờ đây, kẻ thủ ác hẳn đang xoa tay thở phào khi đã đẩy được hết mọi trách nhiệm về cho chính quyền VN để mặc nhiên xem đó là việc của người Việt tự giải quyết với nhau.
Cùng quan điểm này là nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà. Khi nhận xét về vụ kiện của dân chúng Hà Tĩnh, cô viết:
Việc Formosa bồi thường cho người dân 4 tỉnh miền Trung chịu thảm họa xả thải là chuyện đôi bên, nhưng chính phủ đã đẩy mình vào thế kẹt khi tự thương thảo và đưa ra mức bồi thường. Không khó để thấy, việc 10.000 dân tụ tập và leo chiếm tường rào Formosa hôm qua chỉ là nối dài một lộ trình có kế hoạch có lãnh đạo và chắc chắn không dừng lại đây.
Tóm lại, vụ kiện về pháp lý thì hơi khó vì vướng trúng vào những bất cập của luật. Nhưng chuyện Hà Tĩnh vs. Formosa không gói gọn trong vấn đề pháp lý mà còn là chính trị. Chính phủ VN đang mắc xương, gỡ kiểu nào cũng khó!
Ông Chu Mạnh Sơn cũng cảnh báo khía cạnh chính trị của những cuộc biểu tình đòi môi trường sống Nghệ Tĩnh, ông viết trên trang Ba Sàm rằng Nước có thể đẩy thuyền xuôi dòng nhưng nước cũng có thể lật thuyền.
Xã hội dân sự
5-e1474884363428.jpg-400.jpg
Người dân Hà Tĩnh biểu tình đòi nhà máy Formosa đóng cửa hôm 2/10/2016. Người dân Hà Tĩnh biểu tình đòi nhà máy Formosa đóng cửa hôm 2/10/2016.
Những cuộc biểu tình tại Nghệ Tĩnh thoạt đầu do các vị chức sắc Công giáo ở đây tổ chức. Trong một lần trao đổi với chúng tôi, nhà hoạt động dân sự Nguyễn Quang Thạch cho rằng những hội đoàn Công giáo ở đây là những tổ chức dân sự rất hoàn hảo, giúp đỡ ông rất nhiều trong chương trình sách nông thôn do ông khởi xướng.
Nhưng cũng tại Hà Tĩnh, cách đây hai năm đã có những cuộc biểu tình bạo loạn đập phá những cơ sở của người Trung quốc và Đài Loan sau khi giàn khoan dầu của Trung quốc lấn vào thềm lục địa Việt Nam. Khi được hỏi là liệu những vụ bạo động như vậy đã làm cho chính quyền Việt Nam nghi ngờ các xã hội dân sự hay không. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội cho rằng những cuộc bạo động ấy được tổ chức nhằm bôi xấu hình ảnh của Việt Nam và những tổ chức dân sự. Ông cam đoan rằng nếu những tổ chức dân sự tổ chức biểu tình và phản đối thì hoàn toàn theo tin thần bất bạo động.
Sau vụ biểu tình tại Hà Tĩnh vào Chủ nhật, mồng 2 tháng 10, blogger Nguyễn Anh Tuấn viết rằng:
Không một chính quyền nào đủ sức phát hiện và giải quyết tất cả các vấn đề của người dân trong cuộc thảm hoạ. Chỉ có hàng ngàn nhóm dân sự khác nhau, len lỏi vào từng cộng đồng nhỏ trong vùng thảm hoạ, đáp ứng những nhu cầu thiết thân của từng nhóm dân: ngư dân, phụ nữ, học sinh, tiểu thương, thanh niên...mới có thể giúp xả hơi các bức xúc xã hội.
Cơn bão
Chứng kiến cả ngành truyền thông Việt Nam im lặng trước cuộc biểu tình lớn ở Hà Tĩnh, blogger nhạc sĩ Tuấn Khanh nhớ lại sự kiện hàng trăm nhà báo tại Sài Gòn trước 1975 ký kiến nghị đòi tự do ngôn luận:
Tôi đang tự hỏi – hay tự mình mơ - về một 100 nhà báo ăn lương nhà nước cùng ký tên để phản đối công an nói riêng, và chính quyền nói chung hành xử tàn bạo với nghề làm báo. Nhưng có lẽ đó chỉ là một giấc mơ để nhớ về quá khứ, nơi nhân dân bị xét là phải sống trong một chế độ đồi trụy và tay sai, nhưng chứng cứ cho thấy họ vẫn rất lành lặn về tinh thần và nhân cách.
Tôi đang tự hỏi – hay tự mình mơ - về một 100 nhà báo ăn lương nhà nước cùng ký tên để phản đối công an nói riêng, và chính quyền nói chung hành xử tàn bạo với nghề làm báo.
- Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Chắc rồi có lúc bạn sẽ nhận ra, tôi hy vọng vậy. Chúng ta hay truyền thông trên đất nước này, cũng giống như những người bán vé số sợ hãi, chỉ còn quẩn quanh với niềm hy vọng nhỏ nhoi ở nơi mình đang sống, chứ không dám chạm vào hay cầm giữ một niềm hy vọng nào xa hơn lằn ranh mà người ta đã vạch sẳn cho mình. Trái tim cùa quyền lực thứ Tư thoi thóp đập trong một thân thể cường tráng. Trái tim đau bệnh, mòn mỏi bởi những lằn ranh.
Cũng trong thời gian diễn ra những cuộc biểu tình đòi môi sinh, tổng biên tập một tờ báo của ngành dầu khí bị cách chức sau khi đăng tin có liên quan đến blogger Người Buôn Gió đang sống ở nước ngoài, vốn không nhận được thiện cảm của chính quyền trong nước.
Blogger Kinh Thư nhận xét rằng có một cơn bão đang thổi qua các cơ quan truyền thông chính thống của nhà nước Việt Nam.
Trở lại chuyện biểu tình ở Nghệ Tĩnh, từ Sài gòn, ông Nguyễn Hồng Lam nhìn những biến động ở Nghệ Tĩnh như những vầng mây đen đầy đe dọa, của một cơn bão, và ông hy vọng rằng nó sẽ tan đi để có thể có vầng trời quang đãng minh bạch.
Nhưng một tác giả khác lấy hiệu là Người Kỳ Anh lại đặt ra câu hỏi rằng trong hoàn cảnh không có cạnh tranh chính trị hiện nay của Việt Nam, liệu có chắc rằng một Formosa thứ hai sẽ không xảy ra?

Đảng sợ chính mình: “Tự diễn biến - Tự chuyển hóa”

 Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-10-11  
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 4 ngày 9/10/2016 ở Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 4 ngày 9/10/2016 ở Hà Nội. Courtesy vov
Vấn đề gọi là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang trở thành mối đe dọa sự tồn vong của chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam. Nguy cơ ấy được Đảng Cộng sản nhận diện như thế nào, tác hại ra sao?

Nguy cơ tồn vong của Đảng?

Ngay khi khai mạc Hội nghị Trung ương 4 ngày 9/10/2016 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm nóng dư luận khi cảnh báo tình trạng suy thoái, “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gây hậu quả khôn lường.
Theo báo chí chính thức, ông Tổng Bí thư nhấn mạnh, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; ngăn chặn; đẩy lùi những biểu hiện gọi là “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa”; coi đây là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này.
TS Hà Sĩ Phu, một nhà phản biện chính trị độc lập thuộc thế hệ tiên phong từ Đà Lạt nhận định:
Gần đây bài viết của ông Hoàng, nguyên Phó ban tư tưởng của Đảng, ông có nhắc rằng việc tập trung quyền lực mà không kiểm soát sẽ là nguy cơ của sự sụp đổ…
-LS Trần Quốc Thuận
“Bản thân Đảng của các ông ấy nó chuyển biến theo hướng bất lợi cho Đảng. Trước đây chuyện tự diễn biến, tự phân hóa được hiểu theo nghĩa, các đảng viên ngày càng thấy rằng, con đường đi độc tài chuyên chế của Đảng là phi khoa học là không đúng, mà phải tiến dần sang phía dân chủ pháp trị theo ý kiến nhân dân. Trước đây cụm từ ấy chỉ có nghĩa như vậy thôi, nhưng gần đây cụm từ ấy có thêm một nghĩa mới là, bộc lộ sự mâu thuẫn trong nội bộ đảng về mặt nhân sự, chẳng những về mặt tư tưởng mà con về mặt nhân sự có thể dẫn đến lật đổ nhau, như ở Đại hội Đảng lần thứ 12 và thậm chí như vụ ở Yên Bái và đến vụ Trịnh Xuân Thanh nữa…”
Trao đổi với chúng tôi vào ngày 10/10/2016, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện hoạt động như một luật sư nhân quyền ở Saigon nói rằng, vấn đề tự diễn biến, tự chuyển hóa đã được nêu ra từ các Đại hội Đảng trước đây. Theo đó tự diễn biến, tự chuyển hóa được hiểu là chuyển biến từ chủ nghĩa xã hội sang một chủ nghĩa khác. Tự diễn biến trong nội bộ có thể là diễn biến từ đường hoàng trở thành tha hóa, tham nhũng, nó có dấu hiệu nguy cơ tồn vong của Đảng. Luật sư Trần Quốc Thuận tiếp lời:
“Việc đó thì trong Đảng đã nhiều lần cảnh báo và nhất là trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 vừa qua đã nêu rất là đậm chuyện đó. Gần đây bài viết của ông Hoàng, nguyên Phó ban tư tưởng của Đảng, ông có nhắc rằng việc tập trung quyền lực mà không kiểm soát sẽ là nguy cơ của sự sụp đổ…”
ong_Thanh_1_1.jpg
Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.Photo courtesy of zing
Đối với sự kiện cán bộ lãnh đạo giết nhau ở Yên Bái hay vụ Trịnh Xuân Thanh cùng phản ứng khác thường của đương sự, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng chưa đủ căn cứ để xem đó là những biểu hiện tự diễn biến trong nội bộ Đảng. Theo lời ông, mặc dù Thủ tướng đã giao Bộ Công an, nhưng đến nay chưa có kết luận điều tra nguyên nhân dẫn tới cái chết của 3 cán bộ ở Yên Bái.
Riêng vụ Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đại biểu Quốc hội trúng cử nhưng bị loại vì vấn đề tư cách, ông này bị truy nã quốc tế vì làm thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng trong thời gian làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty xây lắp dầu khí trước kia, Luật sư Trần Quốc Thuận nhận định:
“…Còn vụ Trịnh Xuân Thanh đó là một vụ án, cũng không thể nói ngay đó là tự diễn biến được…Nhưng nếu Trịnh Xuân Thanh mà có liên kết với nhóm lợi ích nào và tạo nên những sự thất thoát hư hại, kể cả trốn đi nước ngoài thì đó cũng là sự tự diễn biến…”

Tha hóa sa đọa thì sụp đổ

Trong mấy chục năm liền, sau khi thống nhất Việt Nam, Đảng Cộng sản luôn gắn kết mọi bất ổn của đất nước với điều gọi là “diễn biến hòa bình”, do các thế lực phản động ở nước ngoài giật dây. Tuy nhiên, trong những năm sau này, ít còn nghe cụm từ “diễn biến hòa bình” mà thay bằng các nhóm từ mới là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Luật sư Trần Quốc Thuận nhận định:
“Trước đây người ta cứ ngỡ rằng ở Đông Âu, ở Liên Xô cũ là do sự tác động từ bên ngoài. Nhưng mà gần đây người ta nói là không phải, theo như bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng tôi mới xem, thì đó là diễn biến sa đọa, thoái hóa ở trong đảng dẫn tới sụp đổ. Đó là quy luật tất yếu, còn tự diễn biến ở đây là từ những doanh nghiệp tốt, những người tốt, từ những người đường hoàng trở thành những kẻ xấu, kẻ tham nhũng, kẻ ăn cắp của công, kẻ lừa đảo để chiếm đoạt của công…cái đó là diễn biến phẩm chất, phẩm giá…hai cái đó có cự ly cuối cùng mục đích của nó là làm thay đổi chế độ. Một bên là thay đổi chế độ do tác động bên ngoài, một bên là tự làm thay đổi, bởi vì nếu mà sự tha hóa, tham nhũng tràn lan không ngăn chặn được, thì mất niềm tin người dân không ủng hộ nữa, mà không ủng hộ nữa thì cơ sở tồn tại của Nhà nước còn lại rất là thấp.”
Nếu mà sự tha hóa, tham nhũng tràn lan không ngăn chặn được, thì mất niềm tin người dân không ủng hộ nữa, mà không ủng hộ nữa thì cơ sở tồn tại của Nhà nước còn lại rất là thấp.
-LS Trần Quốc Thuận
Thời sự diễn ra ở Việt Nam mới đây cho thấy báo chí do Nhà nước quản lý có thể đã lâm vào điều gọi là tự diễn biến, tự chuyển hóa. Nhiều tờ báo bị kỷ luật, bị đình bản, Tổng biên tập bị cách chức thu hồi thẻ nhà báo. Điển hình là trường hợp ông Như Phong và báo Petro Times. Ngoài ra tờ Lao Động phải chấm dứt các diễn đàn bạn đọc là hai mục “Tin khó tin” và “Đừng im lặng”.
Luật sư Trần Quốc Thuận nhận định:
“Vấn đề này người ta nhìn nhận dưới những góc độ khác nhau. Bởi vì trong Đảng cũng có hai Nghị quyết 297, 298 về giám sát, phản biện. Cho nên người ta kêu gọi các đoàn thể nhân dân nên thực hiện quyền của mình là quyền phản biện, quyền giám sát, do vậy họ đã mở những diễn đàn như thế. Nhưng diễn đàn của họ có những điều làm vượt quá quy định, cho nên người ta phải quản. Ở Việt Nam tất cả mọi chuyện đều có sự kiểm soát. Hãy hình dung báo chí cũng như làm việc, là tất cả mọi người đều có cái vòng kim cô ở trên đầu, nếu mà lôi thôi người ta sẽ xiết, sẽ cấm, sẽ cách chức, khai trừ…”
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 diễn ra ở Hà Nội từ ngày 9 tới 15/10/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Trung ương Đảng cần nhận diện rõ hơn vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xác định rõ ý nghĩa của nó, mức độ đến đâu, nguyên nhân là gì và tác hại ra sao. Từ đó tìm ra các biện pháp chấn chỉnh hữu hiệu.
Giới phản biện cho rằng, Đảng Cộng sản đã nhận thức nguy cơ diệt vong của Đảng và chế độ, như nhận định công khai trên báo chí của ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, tập trung quyền lực mà không kiểm soát được sẽ dẫn tới sụp đổ.

Ba nhà máy điện hạt nhân TQ nằm ‘sát nách’ VN

Nhà máy điện hạt nhân Taishan ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh tư liệu)
Nhà máy điện hạt nhân Taishan ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh tư liệu)

VOA Tiếng Việt-11.10.2016
Thông tin ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, nằm cách Việt Nam không xa, mới chính thức đi vào hoạt động, đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước.
Theo Viện Năng lượng Nguyên tử, ba nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc vừa đi vào vận hành thương mại, gồm Phòng Thành (Quảng Tây), Trường Giang (Quảng Đông) và Sương Giang (đảo Hải Nam).
Nhà máy ở Phòng Thành chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh, 50 km, và cách Hà Nội dưới 500 km, trong khi Sương Giang cách đảo Bạch Long Vĩ hơn 100km.
Báo chí đăng tải nhiều bài viết về sự kiện này với những hàng tít như “Không được chủ quan với nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc” hay “Nguy cơ của các nhà máy điện hạt nhân đặt gần Việt Nam”.
Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử hôm 11/10 nhận định với VOA Việt Ngữ về sự quan tâm của công chúng:
“Nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, về nguyên tắc, họ cũng phải làm để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, nhưng mà mọi người vẫn cứ nghi ngại rằng là Trung Quốc thì chắc không thể an toàn bằng các thiết kế của các nước khác. Thiết bị của họ cũng không thể tốt bằng các nước khác. Cho nên, xác suất nó có thể xảy ra trục trặc, sự cố, rò rỉ phóng xạ ra ngoài là có. Nguy cơ cao hơn các nhà máy của các nước như Mỹ, Nga và Nhật”.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Trung Quốc dự kiến sẽ gia tăng số nhà máy điện hạt nhân lên 170 vào năm 2050, từ con số 35 hiện nay.
Trước lo ngại về khả năng xảy ra sự cố hạt nhân ở nước láng giềng, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học Công nghệ) cho hay, Việt Nam “có thể nắm được ngay thông tin khi bất kỳ vụ việc nào xảy ra”.
Ông cho VOA Việt Ngữ biết thêm:
“Việt Nam tham gia công ước thông báo sớm của IAEA từ năm 1987, và khi có bất kỳ sự cố bức xạ hạt nhân trên thế giới thì theo hệ thống đó, mình cũng được thông báo thông tin đấy. Ngay cả Việt Nam nếu mình có sự cố, mình cũng phải báo cáo qua hệ thống đấy”.
Trong khi đó, các chuyên gia về hạt nhân Việt Nam cho rằng cần lập các điểm quan trắc, cảnh báo phóng xạ, ở các tỉnh biên giới để kịp thời ứng phó trong trường hợp xấu.
Về việc này, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử cho biết rằng “chính phủ ký quyết định từ năm 2010” và “bây giờ chỉ chờ kinh phí để triển khai công việc”.
Ông Thành nói thêm rằng hiện Việt Nam “vẫn có thể đo được phóng xạ, nhưng chỉ đo trực tiếp, theo cách thủ công, chứ còn đo tự động thì chưa”.

Về bệnh 'nghiện bạo lực' của ngành Công an

Công an trên một con đường ở Hà Nội. (Ảnh tư liệu)
Công an trên một con đường ở Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Bùi Tín
Theo VOA-10.10.2016 
Các vụ Công an đánh đập, chửi bới, tra tấn, giết hại công dân đang xảy ra ngày càng nhiều. Hơn 200 người dân đã bị thiệt mạng theo nhiều kiểu trong ba năm qua trong cơ quan công an và trong các trại tạm giam, trại giam đã nói lên thái độ hung bạo của một lực lượng từng được ngành tuyên huấn của đảng tô vẽ là "Bạn của dân", là "Thanh bảo kiếm bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân". Họ được tuyên dương chịu vất vả, thức thâu đêm cho nhân dân ngủ yên, luôn có thái độ nhân từ, bác ái, kính già, yêu trẻ, thương người cơ nhỡ, tàn tật, được dân tin yêu gọi là "anh, chị công an quý mến".
Tại sao lực lượng công an nay lại ngày càng trở nên tàn bạo như thế?
Mấy tuần lễ nay có hàng trăm bài báo tự do, cả theo lề trái, lề phải, lên án những hành động thô bạo tàn ác của ngành công an. Đã từ lâu nhiều bài báo lên án các cảnh sát giao thông là "Anh hùng Núp", theo tên người "anh hùng" quê ở Tây Nguyên, với ý nghĩa mỉa mai là 'núp' trong bụi, rình sau gốc cây để huýt còi chặn các loại xe để vòi tiền do không đội mũ bảo hiểm hay không đủ giấy tờ hợp lệ. Đã có những bài báo vừa phê phán vừa gượng nhẹ, cho rằng vì đồng lương quá thấp nên phải xoay sở kiếm ăn nuôi gia đình vợ con.
Đã có những đề nghị ngây ngô, như quy định cảnh sát giao thông mặc áo không có túi, để không có chỗ nào đựng tiền hối lộ, hoặc thủ trưởng công an có quyền khám túi cấp dưới sau mỗi buổi làm xong nhiệm vụ.
Gần đây các vụ bạo hành của công an ngày càng thêm ác liệt, mang tính chất côn đồ chuyên nghiệp. Bức ảnh em Ngô Thanh Hiếu hôn di ảnh cha em bị công an đánh chết trong khi tạm giam chụp giữa phiên tòa xử "5 công an viên đánh dân" gây chấn động dư luận. Vụ án em Dư bị công an đánh chết khi nghi em ăn cắp 2 triệu, và một em khác đã tự sát để minh oan sau khi bị công an đánh đập, mớm cũng là những chuyện chấn động lương tâm xã hội. Gần đây việc một thiếu úy công an chửi rủa thô tục, túm tóc kéo lê chị bán hàng rong Nguyễn Thị Thu Thảo gần hồ Con Rùa – Sài Gòn, cũng làm cho nhân dân phẫn nộ.
Có những hành động rõ ràng là phi pháp của nhân viên công an bị nhân dân lên án đòi truy tố thì lại được cấp trên bao che, xóa tội. Như phóng viên báoTuổi Trẻ Trần Quang Thế làm nhiệm vụ lấy tin, chụp ảnh vụ công an xử lý bất minh một tai nạn trên cầu Nhật Tân, bị một nhân viên công an đánh đập tàn nhẫn, kiểu côn đồ, đá vào sườn, thụi vào giữa mặt để hộc cả máu tươi, đập máy ảnh, vậy mà chỉ bị "phê bình khiển trách, rút kinh nghiệm". Đại tá Nguyễn Duy Ngọc phụ trách điều tra của Sở Công an Hà Nội còn biện hộ cho nhân viên của mình là chỉ "gạt tay đụng vào má", "có đá nhưng không trúng vào người", bênh che một cách ngớ ngẩn hành động côn đồ của tên công an thuộc cấp. Một luật sư lên tiếng sẵn sàng bênh vực tại tòa cho nhà báo nếu như Ban biên tập Tuổi trẻ đồng tình vào cuộc, nhưng rồi vụ án bị chìm xuồng vì chán ngán, không ai còn tin vào nền tư pháp độc đảng.
Nhà báo Mạc Văn Trang trên Người làm báo bàn về bản năng hung ác và tính côn đồ phổ biến của ngành công an, kêu gọi lãnh đạo Bộ Công an, các học viện của ngành nghiên cứu kỹ lưỡng có bài bản "căn bệnh hung tính côn đồ" rất nguy hiểm này để cố gắng khắc phục căn bệnh "nghiện bạo hành" đang lan tràn, đồng thời giới báo chí và toàn xã hội cần vào cuộc lên tiếng mạnh mẽ và bền bỉ tham gia vào một cuộc giáo dục lại toàn ngành để công an thật sự là bạn, là thanh bảo kiếm của nhân dân, giữ gìn an ninh cho đồng bào.
Theo tôi như thế vẫn chưa đủ. Vì có một nguyên nhân rất cơ bản, đó là chính lãnh đạo của đảng Cộng sản, chính tập thể Bộ Chính trị và Tổng Bí thư hiện nay đã làm gương xấu cho ngành công an, khuyến khích toàn ngành này coi nhân dân yêu công lý, đòi tự do dân chủ, chống bọn tội phạm như Formosa, chống bành trướng phương Bắc tất cả đều là thế lực thù địch, phải thẳng tay đàn áp.
Mới đây các lãnh đạo cao nhất tiếp đón long trọng Bộ trưởng Công An Trung Quốc Quách Thanh Côn, chắc hẳn đã dịu giọng cam kết không truy tố, không đuổi cổ các nhà doanh nhân Formosa, không đặt vấn đề kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế PCA theo đạo Luật về Biển, những điều mà Bắc triều lo ngại nhất.
Chính do vậy mà ngày 2 tháng 10 vừa qua gần 6.000 người dân đã kéo đến trước trụ sở Formosa - Plastics ở Kỳ Anh, chính quyến đã huy động hàng nghìn công an và dân phòng bảo vệ quanh hàng rào công ty, bảo vệ an toàn cho tất cả người Trung hoa, cả tàu Đài loan và Tàu lục địa, đứng hẳn về một phía người Tàu.
Không ai khác, chính Bộ Chính trị, lãnh đạo chính quyền từ trung ương đến địa phương đã làm gương về coi ai là bạn ai là thù, đứng hẳn về phía nào và quán triệt quan điểm chính trị lưu vong bán nước cho Trung Quốc, dạy bảo cho cả 300 viên tướng công an và 300.000 công an viên được nuông chiều, lương cao hơn và ngân sách vượt xa lương và ngân sách dành cho quân đội.
Do đó cơn "nghiện bạo lực của ngành công an" rồi sẽ còn nặng nề hơn, phổ biến hơn, khó chữa hơn. Công dân Việt Nam lương thiện rồi sẽ còn chết bí hiểm trong đồn công an, nhà báo bị đấm đá đến hộc máu, các cô bán hàng rong sẽ còn bị túm tóc lôi xềnh xệch dài dài, các em học sinh sẽ tiếp tục bị ép cung oan ức đến tự sát và hàng năm Bộ Công an vẫn được trao cờ, phát huân chương, phong tướng, tuyên dương "Anh hùng" một cách tự nhiên. Chế độ này đang tiến đến thời mạt vận!
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Cốt yếu của một nhà nước trong sạch

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XII, 21/1/2016.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XII, 21/1/2016.

Cao Huy Huân
Theo VOA-10.10.2016 
Giới báo chí trong nước tốn không biết bao nhiêu giấy mực sau vụ Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc làm thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Từ giữa năm 2016, hàng loạt khuyết điểm, vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh được vạch ra sau khi báo chí loan tin vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang này đi xe Lexus LX570 tư nhân gắn biển số xanh. Sau đó, hàng loạt các bài viết chưa rõ thực hư đang làm dư luận dậy sóng.
Vụ ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ ngã ngựa khiến người ta liên tưởng đến một số tướng lĩnh cộm cán của Trung Quốc liên tiếp bị bắt kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền và phát động đợt truy quét “đả hổ”. Ở Việt Nam, sau khi ông Thanh bị hạ bệ và trốn biệt tăm, thì đến lượt Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, bị một Facebooker (Trương Huy San – tác giả Bên Thắng Cuộc) liên tiếp đưa ra các bài viết cáo buộc Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng có dính líu đến các vụ tham nhũng. Các bài viết như còn nêu thắc mắc và ám chỉ đến “phần chìm của tảng băng” tham nhũng vốn không phải là ông Thanh (hay cả ông Thăng).
Sau khi mạng xã hội đưa ra nhiều thông tin bất lợi cho ông Thăng, thì báo điện tử Năng lượng mới (PetroTimes) bị đình bản ba tháng khi bị cáo buộc để xảy ra những sai phạm và Tổng Biên tập Nguyễn Như Phong bị cách chức và thu thẻ nhà báo. Trước đó tờ báo này đã trích đăng lại từ một bài báo dành cho người Việt ở nước ngoài về vụ án Trịnh Xuân Thanh, điều khiến nhiều người tin là nguyên nhân dẫn đến việc PetroTimes và ông Nguyễn Như Phong phải chịu trách nhiệm.
Vài ngày sau khi Nguyễn Như Phong bị cách chức, xảy ra một sự kiện khác cũng làm chấn động làng báo, đó là việc bà Lê Bình, giám đốc Trung tâm tin tức VTV24, bị đình chỉ công tác. Cư dân mạng đưa ra nhiều đồn đoán khác nhau, có người còn nêu lại thắc mắc về số tiền mà bà Lê Bình dùng để xây dựng VTV24.
Có lẽ hiếm, nếu không muốn nói là chưa khi nào Việt Nam diễn ra hàng loạt sự kiện mà bằng cách này hay cách khác, người ta có thể nối kết với nhau để xây dựng một hay nhiều câu chuyện có vẻ hoàn chỉnh và logic có tác dụng của một cuộc càn quét tham nhũng, nâng cao uy tín của Đảng Cộng sản. Mọi con mắt đều nhìn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã có những hành động rất quyết liệt trong vụ Trịnh Xuân Thanh; dư luận cũng chú ý đến cả những thông tin liên quan đến cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mặc dù ông đã nghỉ hưu.
Đây cũng là một dấu hiệu đáng lạc quan về việc chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, không chắc việc hạ bệ ông Trịnh Xuân Thanh và những cấp trên hay cấp dưới của ông sẽ giúp hạn chế tham nhũng, một tệ nạn đã làm Việt Nam đau đầu trong nhiều năm qua. Người dân có thể sẽ hồ hởi nếu mỗi sáng thức dậy được nghe tin rằng hôm nay một nghi phạm tham nhũng kiểu Trịnh Xuân Thanh vừa bị bắt và sẽ bị pháp luật trừng trị để làm gương, chứ không phải nghe tin “cơ quan thanh tra không phát hiện tham nhũng” hay là “tham nhũng đang ở mức độ ổn định”. Người dân sẽ rất vui nếu khối lượng tài sản mà tham quan đã cướp của dân sẽ bị thu hồi và trả lại đúng chỗ của nó. Người dân càng vui khi những người lạm dụng chức quyền để trục lợi bị đưa ra trước công lý để bị trừng phạt; và tất nhiên người dân cũng sẽ rất phấn khởi vì từ những nghi phạm này sẽ giúp các cơ quan chức năng lần ra những kẻ khác trong đường dây tham nhũng có tổ chức bài bản với sự che đậy tinh vi, bảo vệ lẫn nhau không khác gì giới giang hồ bảo kê.
Tuy nhiên, một lần nữa phải nhìn lại bài học từ Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình đã đả biết bao con hổ, nhưng dân chúng Trung Quốc vẫn lũ lượt kéo nhau ra nước ngoài định cư vì niềm tin về sự minh bạch và lành mạnh của chính quyền không gia tăng đáng kể. Người ta tin rằng ông Tập nắm trong tay rất nhiều quyền lực, nhưng khó tin rằng Trung Quốc không còn tham nhũng khi chỉ số minh bạch trên bảng đánh giá quốc tế vẫn thấp lè tè. Bản chất của việc chống tham nhũng là mọi thứ phải được minh bạch, được thực hiện trên cơ sở thượng tôn pháp luật, được dân chúng giám sát và theo dõi bằng những hình thức chính thống chứ không phải chỉ là những tin đồn thổi. Người dân chỉ tin tưởng một đất nước không có tham nhũng hay tham nhũng không đáng kể khi các vị lãnh đạo gương mẫu về minh bạch hạ bệ những tên tham quan. Người ta có thể tranh cãi về sự độc tài của một nhà lãnh đạo, như trường hợp cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, nhưng không hề nghi ngờ sự minh bạch của ông và tuyệt đối tin rằng ông sẽ làm tất cả vì dân. Còn nếu việc đấu tranh chống tham nhũng lại tạo ra khoảng trống thông tin, khiến người dân dễ dàng suy diễn lệch lạc sang các xu hướng đấu đá nội bộ hay thanh trừng chính trị, thì hiệu quả của cuộc đấu tranh đó sẽ giảm đi rất nhiều. Người ta sẽ tin tưởng một người có tướng mạo hung tợn ra tay diệt trừ cường hào ác bá giúp dân, hơn là tin tưởng một kẻ núp phía sau bức rèm để nhổ sạch một hay nhiều “cái gai” trước mặt.
Đây là một bài học cho bất cứ quốc gia nào muốn chống tham nhũng. Riêng đối với Việt Nam, việc chống tham nhũng dường như chỉ mới bắt đầu. Để có một nhà nước trong sạch thì phải làm sao để người dân tin rằng người đứng sau những trận càng quét tham nhũng là một người trong sạch và sẽ làm mọi việc một cách minh bạch mà không tạo ra bất kỳ một khoảng trống thông tin đáng tiếc nào.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Bộ Y Tế CSVN nói về chuyện hầu đồng: vụ trưởng có quyền “cúng cầu an”

Bộ Y Tế Cộng Sản Việt Nam hôm 11 tháng 10 đưa ra tuyên bố, cho rằng sự việc một vụ trưởng thuộc bộ này tổ chức nghi lễ cúng bái tại đền thờ Đức Thánh Trần là việc cá nhân của ông này, không liên quan đến công việc của ngành y tế.
Công văn mang tuyên bố vừa kể được Bộ Y Tế gửi đến Ban Tuyên Giáo Trung Ương CSVN và Bộ Thông Tin Truyền Thông.
Trước đây, một số báo điện tử trong nước đăng tin ông Phạm Văn Tác, Vụ Trưởng Vụ Tổ Chức Cán Bộ thuộc Bộ Y Tế Cộng Sản Việt Nam, thường xuyên đi hầu đồng để cầu thăng quan tiến chức. Cùng với tin này, một đoạn phim quay cảnh ông Tác quỳ lạy, bái lễ xì xụp và dâng lễ vật được lan truyền rộng rãi trên mạng. Thứ Trưởng Y Tế Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ Y Tế trong ngày hôm qua nhận được đơn khiếu nại của ông Tác về việc ông bị một tờ báo điện tử đăng tải thông tin sai sự thật để bôi nhọ.
Công văn do Thứ Trưởng Tiến ký xác định rằng, việc ông Tác tổ chức lễ cầu an tại đền Bảo Lộc thờ Đức Thánh Trần là việc cá nhân của ông Tác, không liên quan đến công việc của ngành y tế. Ông Tiến cũng nhắc đến việc lễ cầu an đã được thực hiện vào một ngày Thứ Bảy, là ngày nghỉ, ngoài giờ làm việc. Thứ Trưởng Tiến cho rằng, vấn đề tín ngưỡng là quyền của cá nhân, được quy định trong một pháp lệnh của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam.
Huy Lam / SBTN