Wednesday, June 1, 2016

Chọn thái độ, chọn chỗ đứng


Suốt một thời gian dài khi phải sống trong một chế độ độc tài chuyên đàn áp và khủng bố nhân dân, phần lớn người Việt đã học được cách tự bảo vệ mình bằng cách từ bỏ những cái quyền căn bản nhất của một con người-một công dân, trong đó có quyền được biết, được nói lên ý kiến/quan điểm của mình, được bày tỏ sự quan tâm đến những vấn đề của đất nước, dân tộc, xã hội mà mình đang sống-tóm lại là quan tâm đến chính trị. Câu trả lời né tránh quen thuộc mỗi khi đụng đến bất cứ đề tài chính trị nào dù lớn hay nhỏ đó là: tôi không quan tâm đến chính trị, hoặc chuyện chính trị, chuyện lớn đã có đảng và nhà nước lo, mình dân thường nói lên thì cũng có thay đổi được gì đâu mà còn phải vạ vào thân.
Và cứ như thế, suốt nhiều năm dài, đa số người Việt chấp nhận mũ ni che tai, không quan tâm đến chuyện chính trị-xã hội, chỉ lo kiếm sống, lo cho bản thân và gia đình, tương lai của con cái, tuổi già của mình…Người Việt trở nên thờ ơ, vô cảm là vậy.
Nhưng rồi, internet, các trang báo của người Việt ở nước ngoài, báo chí quốc tế, đặc biệt là blog, facebook, các trang mạng xã hội…đã ồ ạt đưa những luồng thông tin khác, đa chiều đến với một số lượng người VN. Chỉ trừ khi không sử dụng internet, facebook, còn không thì rất khó mà loại trừ tất cả thông tin ra bên ngoài, làm ngơ như là chúng không tồn tại.
Nhưng rồi, cái xã hội mà người Việt chúng ta đang sống cứ càng ngày càng nhiều chuyện trái tai gai mắt, phi lý, bất công xảy ra. Cái nhà nước đang nắm quyền lãnh đạo duy nhất ở VN ấy cứ càng ngày càng tồi tệ trong mọi lĩnh vực, từ quản lý, điều hành kinh tế, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, ứng xử với người dân khi họ có những bức bối muốn lên tiếng, muốn góp ý với nhà cầm quyền, cho tới bảo vệ sự an toàn cho môi trường sống và cho tính mạng của nhân dân, cao hơn nữa là bảo vệ lãnh thổ lãnh hải, độc lập chủ quyền của đất nước trước sự đe dọa xâm lấn bằng nhiều cách khác nhau của nước khác. Tất cả cứ xảy ra hàng ngày hàng giờ, được đề cập đến trên báo chí, TV, hay trong thực tế xung quanh, dù không muốn cũng khó mà không nghe không thấy.
Vả lại, chính trị nào có phải cái gì cao xa, cách biệt đâu kia chứ. Chính trị là tất cả mọi thứ liên quan đến đời sống con người, làm sao có thể chối bỏ và bảo không quan tâm khi từ cơm áo gạo tiền, xăng dầu, giá cả sinh hoạt, chuyện học của con cái, chỗ làm của bố mẹ, chuyện lương bổng, hưu trí…tất tần tật đều là chuyện chính trị?
Xã hội VN thì có lắm vấn đề phải nói, phải mổ xẻ, thậm chí phải chửi cho đỡ tức, có muốn tránh cũng không tránh được.
Người VN dần dần dù muốn dù không cũng không né được những chủ đề về đời sống xã hội hàng ngày, rồi chuyện chính trường ai lên ai xuống, ai ở ai về, chuyện đất nước, tình hình biển Đông…Chỉ riêng trên facebook, có thể thấy theo thời gian số người quan tâm, viết, bình luận đến những chủ đề chính trị ngày càng nhiều hơn, ngay cả những người trước đó chưa từng post hay like, comment bất cứ cái gì liện quan đến “chính trị”.
Đó là chưa kể nếu trong đời sống chúng ta phải rơi vào những tình huống giúp chúng ta nhìn thấy rõ hơn bao giờ hết, bản chất phản nước hại dân của cái nhà nước này, cái chế độ này. Như cô gái Trịnh Kim Tiến trước kia không quan tâm đến chính trị, nhưng từ khi người cha của cô bị một tay trung tá công an đánh chết một cách oan ức chỉ vì không đội mũ bảo hiểm để rồi sau đó tay trung tá ấy chỉ bị tuyên án 4 năm tù, cô gái Trịnh Kim Tiến đã bắt đầu thấy được bộ mặt khốn nạn của nhà nước VN và từ đó bắt đầu lên tiếng, xuống đường biểu tình chống Trung Cộng, tham gia những hoạt động này khác với mọi người.
Đặc biệt khi chúng ta hoặc người thân của chúng ta phải đối mặt với nhà cầm quyền và rơi vào vòng lao lý.
Khi luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, blogger Điếu Cày tức Nguyễn Văn Hải, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, luật sư Lê Công Định, kỹ sư-doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, nhà báo-blogger Trương Duy Nhất, nhà văn-blogger Phạm Viết Đào, blogger Anh Ba Sàm tức Nguyễn Hữu Vinh, các em sinh viên như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, các thanh niên như Paulus Lê Văn Sơn, Nguyễn Viết Dũng, những người khác như Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Bùi Thị Minh Hằng… lên tiếng vì muốn xã hội này, đất nước này thay đổi theo một con đường, thể chế tốt đẹp hơn, tự do dân chủ hơn, họ đã phải trả giá bằng những năm tháng tù đày và mất đi mọi thứ đang có.
Nhưng không chỉ có thế, khi họ bị bắt, những người vợ, người mẹ, con, anh, chị, em…của họ, vì thương chồng, con, cha, em…đã bắt đầu tìm hiểu về chính trị, luật pháp để tranh đấu cho quyền lợi của người thân của mình. Có những người trước đó không hề biết sử dụng internet hay facebook, không biết gì về luật, không nói hay viết được để tranh cãi với công an, quan tòa, hay chưa từng đi ra nước ngòai…đã phải học biết mọi thứ.
Học sử dụng internet, sử dụng facebook, học làm đơn, kiến nghị gửi nơi này nơi kia, tranh cãi với công an, tòa án, đi ra nước ngoải để vận động kêu gọi sự hỗ trợ cho người thân. Và cũng từ đó họ dấn thân vào những hoạt động có tính chất chính trị như thay người thân còn đang ở trong tù giúp đỡ bà con dân oan, xuống đường biểu tình chống Trung Cộng, biểu tình vì môi trường, ký tên phản đối việc này ủng hộ việc kia…
Chính nhà nước này chứ không phải lực lượng thù địch phản động nào đã “mở mắt” cho người dân, đã buộc họ phải chọn một thái độ, thế đứng đối lập với nhà cầm quyền và cùng với họ là người thân của họ.
Dù không phải ai cũng có dịp phải đối mặt với nhà cầm quyền hay phải trải qua lao tù để có những trải nghiệm sống động, nhưng không lẽ vì thế mà chúng ta tiếp tục thờ ơ, vô cảm, không quan tâm đến chính trị như những năm tháng trước đây?
Đất nước này đã tụt hậu quá mức về mọi mặt so với các nước láng giềng chứ chưa nói đến thế giới. Chế độ này đã lộ diện rõ rành rành là một nhà nước bất lực, phản dân hại nước, hèn với giặc ác với dân, thậm chí nói thẳng là bán nước. Một thảm họa lớn như cá chết, biển chết vừa qua và cách xử lý của nhà cầm quyền cho thấy họ hoàn toàn không đếm xỉa gì đến sinh mạng của người dân, đến môi trường biển bị ô nhiễm cũng như quyền lợi của đất nước; họ chọn cách đứng về phía kẻ đã gây ra thảm họa kinh khủng này bằng cách lấp liếm, bưng bít thông tin, đàn áp bịt miệng người dân. Cái chính là họ sợ nếu minh bạch thông tin sẽ hứng chịu cơn bão phẫn nộ của người dân và có thể làm lung lay đến tận gốc chế độ. Có nghĩa là dân chết mặc dân, bảo vệ chế độ cái đã.
Như từ xưa đến giờ vẫn thế, với cộng sản, quyền lợi của đảng là trên hết, quyền lợi của đảng luôn luôn nằm trên quyền lợi của đất nước, dân tộc. Vì sự tồn tại của đảng, nhà cầm quyền sẵn sàng làm tất cả, kể cả hy sinh sinh mạng của hàng chục triệu người VN hôm nay và các thế hệ tương lai, hay sẵn sàng nhịn nhục hết mức, quỳ gối dâng đất, dâng đảo cho kẻ thù ôm mộng bành trướng.
Một xã hội như vậy, một nhà cầm quyền như vậy, một chế độ như vậy, chúng ta còn tự cho mình cái quyền im lặng làm ngơ mãi được không?
Dù muốn dù không, trong những năm tháng này, là người Việt, nhất là nếu còn đang sống trong cái xã hội VN, dần dà đến lúc người ta cũng phải có ý kiến chuyện này chuyện kia, rồi người ta cũng phải tự bộc lộ mình qua những ý kiến, quan điểm, thái độ ấy. Không thể nào cứ thờ ơ vô cảm, không có ý kiến hoặc đứng hàng hai mãi. Nhất là những người trí thức, có chút tên tuổi vị trí, hoặc giới văn nghệ, người của quần chúng, nhà báo nhà đài…Ai đứng về phe nào-phe nước mắt, phe nhân dân, hay phe thống trị, phe cầm quyền…tất cả sẽ lộ ra hết. Con người ai ra sao, bản chất như thế nào.
Đây cũng là lúc mà những người còn có lương tri, có trái tim, còn trăn trở với vận mệnh của đất nước, với nỗi đau của người dân, sẽ từ từ lọc ra được ai còn là bạn mình, ai không…Đôi khi mất đi một lúc nhiều người tưởng là bạn mà lại nhẹ nhõm hơn vì kịp nhìn ra bản chất một con người. Ngược lại, với những ai hôm nay đang đứng về phe kẻ mạnh, phe cầm quyền, đang lớn tiếng bênh vực chế độ, vùi dập, thóa mạ, vu khống, bôi nhọ những người còn đang là thiểu số dám lên tiếng, chỉ mong họ sau vài phút vài giờ dám dũng cảm không tự xóa đi những gì đã nói đã viết; và sau này khi gió đã đổi chiều, cũng giữ lại đủ lòng tự trọng để không chối bỏ những gì họ đã viết, đã nói, đã làm, đã sáng tác…ngày hôm nay.
Mà thật ra có muốn chối cũng khó. Thời buổi này mọi thứ từ trên mạng ảo cho tới đời thật đều để lại vết tích cả.
Chọn thái độ gì, chỗ đứng nào để còn có thể sống mà không xấu hổ với con cháu sau này. Chứ đừng ra sức bảo vệ, bưng bô một chế độ phản nước hại dân mà sau này không dám nhìn con nhìn cháu. Nhất là giới trí thứ văn nghệ sĩ, nhà thơ nhà báo nhà đài, nhac sĩ, đạo diễn…lựa chọn viết cái gì, sáng tác cái gì trước nỗi khổ của nhân dân, trước thực trạng tối tăm của đất nước; hay lại tiếp tục làm ra những sản phẩm bôi nhọ, vụ khống, chụp mũ người này người kia là phản động, bẻ cong sự thật, bóp méo lịch sử…là tùy ở sự lựa chọn của mỗi người.

Trung Quốc : Thân nhân người bị giết ở Thiên An Môn vẫn đòi sự thật

Trọng Nghĩa  
Theo RFI-01-06-2016 20:03
media
Biểu tình tại Hồng Kông kỷ niệm 27 năm vụ thảm sát Thiên An Môn xảy ra ngày 04/06/1989. REUTERS/Bobby Yip 
Thứ Bảy 04/06/2016 tới đây là kỷ niệm lần thứ 27 sự kiện Chính quyền Trung Quốc dùng quân đội đàn áp người ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh - và ở các thành phố khác của Trung Quốc – làm cho hàng trăm, hoặc hàng ngàn người chết. Vào hôm nay, hội Các Bà Mẹ Thiên An Môn đã công bố thư ngỏ lên án chính sách đàn áp và bưng bít thông tin của chính quyền về vụ Thiên An Môn.  
Trong bức thư ngỏ, nhóm đấu tranh Các Bà Mẹ Thiên An Môn, tập hợp một số thân nhân của những người đã bị giết, đã lại tố cáo chính quyền là không đếm xỉa gì đến các nạn nhân, và họ tuyên bố sẽ kiên trì đấu tranh để sự thật được sáng tỏ.
Theo bức thư được tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch công bố, Nhóm Các Bà Mẹ Thiên An Môn còn tố cáo Chính quyền đã khủng bố họ trong gần ba mươi năm qua để không cho họ nói lên sự thật. Các hành vi khủng bố bị tố cáo đi từ theo dõi, hù dọa, cho đến câu lưu hay bỏ tù. Tuy nhiên các bà mẹ Thiên An Môn khẳng định rằng họ « không còn gì để sợ hãi ».
Cho đến nay, đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn tiếp tục cấm thảo luận hay tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn, sợ rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến chế độ mà họ muốn duy trì. nhớ đến những sự kiện đó, lo sợ một cách tính toán như vậy sẽ ảnh hưởng đến độ bám quyền lực. Không một cuộc điều tra công khai nào về vụ Thiên An Môn được tiến hành, thậm chí con số người chết chính xác vẫn còn là một ẩn số.
Và năm nay, cũng như mọi năm trước, càng gần đến ngày kỷ niệm 04/06, an ninh Trung Quốc lại tăng cường chiến dịch dập tắt mọi ý kiến bất đồng. Đã có ít nhất ba nhà đấu tranh bị giam giữ tại Bắc Kinh từ sáng hôm qua, 31/05 sau khi tham dự một buổi tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn, nơi họ bị chụp ảnh dưới một biểu ngữ mang hàng chữ « Đừng quên 

Bốn lý do khiến ông Obama bỏ cấm vận vũ khí Việt Nam

Thụy My 
Theo RFI- 01-06-2016 16:03 
media
Tổng thống Mỹ Barack Obama sau khi phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội ngày 24/05/2016. REUTERS/Kham
 Trong chuyến viếng thăm Việt Nam ba ngày từ ngày 23 đến 25/05/2016, tổng thống Mỹ Barack Obama đã loan báo việc bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, hơn bốn thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc và 20 năm sau khi Mỹ-Việt bình thường hóa quan hệ.
Điều gì đã dẫn đến việc siết chặt quan hệ như thế đối với một cựu thù của Mỹ, vẫn tiếp tục là một chế độ độc đảng và bị chỉ trích về nhân quyền ? Chuyên gia Scott Warren Harold, phó giám đốc Trung tâm chính sách châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức phi chính phủ RAND có trụ sở ở Hoa Kỳ nhận định, có ít nhất bốn yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của ông Obama.
Trước hết, dấu ấn trong chính sách đối ngoại của ông Obama là sáng kiến « xoay trục » sang châu Á-Thái Bình Dương. Chủ trương này là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng cho việc siết chặt hợp tác quân sự Mỹ-Việt. Chính sách « tái cân bằng » chiếm toàn bộ nỗ lực của chính phủ, trong việc tìm kiếm mối quan hệ sâu rộng hơn với các đồng minh và đối tác châu Á, trong đó có các cường quốc bậc trung mới nổi như Việt Nam.
Trên con đường thực hiện « tái cân bằng », bộ trưởng Quốc Phòng Leon Panetta đã đến thăm vịnh Cam Ranh của Việt Nam năm 2012 để ký kết thỏa thuận về cung ứng, hậu cần và dịch vụ sửa chữa. Tiếp đến, năm 2015, tổng thống Hoa Kỳ Obama đã tiếp đón tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng. Về cơ bản, chính quyền Obama đang tìm cách cải thiện quan hệ với Việt Nam, như là một phần trong nỗ lực vói tay đến khu vực này.
Thứ hai, quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam đi kèm với các cố gắng của Mỹ, nhằm cổ vũ Hà Nội nới lỏng những hạn chế về các quyền tự do dân sự. Bên cạnh đó là việc cho phép thành lập các công đoàn độc lập, tiến hành các cải cách kinh tế mới (và hy vọng rốt cuộc dẫn đến cải cách chính trị) hướng về tính minh bạch, trách nhiệm và tôn trọng nhân quyền hơn.
Những bước đi này trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao và quân sự, không chỉ giúp con đường dẫn đến quan hệ chính trị gần gũi với Washington trở nên êm ái hơn. Nó còn tạo điều kiện cho sự tham gia của Việt Nam, thích ứng với Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Hoa Kỳ và Việt Nam đã thương lượng với 10 nước thành viên Pacific Rim.
Một Việt Nam liên kết chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ về ngoại giao và các vấn đề an ninh, là một Việt Nam ít cảm thấy lo âu hơn về các mối đe dọa đối với chế độ, từ đó có thể bắt nguồn cho tự do hóa về kinh tế hay chính trị.
Thứ ba, chiến lược của Mỹ về cải thiện quan hệ chính trị với các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả các nỗ lực để xây dựng năng lực đối tác trong lãnh vực quân sự.
Theo truyền thống, quân đội của hầu hết các nước Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, vốn chủ yếu là lục quân. Có nghĩa là họ thường thiếu khả năng giám sát một cách tinh vi những gì xảy ra trên mặt biển và trên không phận của mình.
Năm 2015, Lầu Năm Góc đã đưa ra sáng kiến hỗ trợ Việt Nam và Philippines 425 triệu đô la trong lãnh vực thông tin hàng hải (MDA) và tuần duyên. Điều này cho thấy những thiết bị quân sự đầu tiên sẽ được Hoa Kỳ bán cho Việt Nam có thể gồm các loại tàu, radar ven biển, các công cụ thông minh để giám sát và thám sát, kể cả thiết bị không người lái, có thể giúp Hà Nội có được những hình ảnh chính xác và nhanh chóng hơn về những gì xảy ra trên vùng biển mà mình đòi hỏi chủ quyền.
Thêm vào đó, Hoa Kỳ có khuynh hướng sử dụng việc bán vũ khí không chỉ đơn thuần để có thêm thu nhập ; nhưng còn nhằm thiết lập dần mối quan hệ hợp tác an ninh, bao gồm việc bán phụ tùng và sửa chữa, cũng như cơ hội để trao đổi về giáo dục, huấn luyện và thực tập.
Tuy quan hệ có thể khởi đầu với việc bán hạn chế vũ khí ; nhưng theo với thời gian, có thể dẫn đến mối quan hệ quốc phòng rộng rãi hơn, cho dù Mỹ chưa bán các thiết bị quân sự quan trọng.
Cuối cùng, việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí một phần còn do môi trường an ninh tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thử thách hơn trong những năm gần đây, do láng giềng Trung Quốc dòm ngó đến Biển Đông. Đó là điều mà Hoa Kỳ ghi nhận và cảm thấy quan ngại, khiến Washington và Hà Nội cùng chia sẻ nhận thức về mối đe dọa.
Việc Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận những chỉ trích về hành động đưa giàn khoan đến vùng biển tranh chấp với Việt Nam năm 2014, nhanh chóng xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa đã gây sốc cho Hà Nội, tạo nỗi lo sợ Trung Quốc có thể chuẩn bị cho các động thái khác, khiến Việt Nam phải trả giá.
Trong đó có thể kể nguy cơ Bắc Kinh loan báo thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, và trục xuất các lực lượng Việt Nam trên các thực thể đang trấn giữ ở Trường Sa.
Tuy việc Mỹ bán vũ khí dường như không nhằm răn đe Trung Quốc không nên tiến hành những biện pháp trên, nhưng rốt cuộc có thể giúp Việt Nam cải thiện công tác tình báo, nhanh chóng triển khai khi có sự kiện đột xuất, tăng cường quyết tâm và năng lực tự vươn dậy.
Chuyên gia Scott Warren Harold kết luận, quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí cần được hiểu như một phần của tiến trình lâu dài về bình thường hóa quan hệ với một cựu thù của Mỹ, xây dựng mối quan hệ hợp tác, năng động hơn về kinh tế và chiến lược hướng về tương lai.
Trong khi vấn đề nhân quyền vẫn còn tồn tại, việc bỏ cấm vận có thể khuyến khích cải cách thêm về kinh tế, và ngay cả về chính trị, thông qua việc nhấn mạnh đến hợp tác an ninh, là tiền đề của lợi ích khu vực và nhận thức chung về mối đe dọa từ các động thái của Trung Quốc.
Về lâu về dài, việc Mỹ bán vũ khí có thể giúp cải thiện quan hệ với Hà Nội, và tăng cường ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Biển Đông : Trung Quốc gây sức ép với Mỹ về hàng hải

Thu Hằng 
Theo RFI- 01-06-2016 12:06 
media
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift cảnh báo tình hình căng thẳng ở Biển Đông, 06/10/2015. REUTERS/David Gray/Files 
Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung sẽ diễn ra từ ngày 05 đến 07/06/2016 tại Bắc Kinh. Theo một cơ quan ngôn luận của nhà nước, Trung Quốc sẽ gây sức ép với Hoa Kỳ về các vấn đề hàng hải do quân đội Mỹ ngày càng tăng cường hiện diện trong vùng Biển Đông đang có tranh chấp.
Tờ Nhân Dân Nhật Báo ra ngày 31/05/2016 trích dẫn nhiều quan chức giấu tên cho biết : « Bắc Kinh sẽ gây sức ép với Washington về các vấn đề hàng hải trong cuộc đối thoại sắp tới, vì sự tăng cường hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong vùng Biển Đông là mối bận tâm lớn của Trung Quốc ». Ngoài ra, theo Reuters, nhiều chủ đề khác cũng sẽ đưa vào chương trình nghị sự của Đối thoại Chiến lược Mỹ-Trung.
Về phía Mỹ, bản thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ, được AFP trích dẫn, cho biết : « Cuộc đối thoại sẽ tập trung vào những thách thức và cơ hội mà hai nước đang đối mặt » trong nhiều lĩnh vực và tại nhiều khu vực. Cuộc Đối thoại Chiến lược Mỹ-Trung diễn ra dưới sự chủ trì của ngoại trưởng Mỹ John Kerry, bộ trưởng Tài Chính Jacob Lew và hai quan chức Trung Quốc là phó thủ tướng Uông Dương (Wang Yang) và ông Dương Khiết Trì (Yang Jie Chi).
Cuộc họp cấp cao sắp tới diễn ra vào đúng lúc mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang căng thẳng ở mức đỉnh điểm, đặc biệt do các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Nhân dịp này, ngoại trưởng Kerry cũng sẽ tham dự một cuộc họp thường niên nhằm tăng cường mối quan hệ Mỹ-Trung trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và thể thao.
Vấn đề Biển Đông cũng có thể là chủ đề nghị sự tại Đối thoại Shangri-La được tổ chức vào ngày 03-05/06/2016 tại Singapore. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc ngày 31/05 thông báo, tướng Tôn Kiến Quốc (Sun Jian Guo), Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Trung Quốc, sẽ dẫn đầu phái đoàn nước này tham dự Đối thoại Shangri-La.
Bắc Kinh đòi hỏi gần như hầu hết vùng Biển Đông, bất chấp các nước khác cũng có tranh chấp trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Từ nhiều tháng nay, Hoa Kỳ đã điều nhiều chiến hạm đến các khu vực gần các đảo đang nằm trong tầm kiểm soát của Trung quốc để đảm bảo « quyền tự do lưu thông hàng hải » trước việc Trung Quốc không ngừng quân sự hóa trong khu vực.

Nhiễm độc biển Việt Nam : Im lặng ‘‘khó hiểu’’ của ngành y

Trọng Thành 
Theo RFI-01-06-2016 
Nhiễm độc biển Việt Nam : Im lặng ‘‘khó hiểu’’ của ngành y Nạn cá chết miền Trung để lại nhiều chấn thương tâm lý. Trong ảnh, một cuộc biểu tình tại Hà Nội tháng 5/2016 phản đối tình trạng biển miền Trung nhiễm độc. Reuters.
Đã hai tháng kể từ khi cá chết hàng loạt được phát hiện tại Hà Tĩnh, đầu tháng 4/2016, hơn một tháng sau khi chính quyền hứa hẹn sẽ công bố nguyên nhân gây ra một thảm họa sinh thái, được coi là chưa từng có tại 4 tỉnh miền Trung, và có thể đối với toàn Việt Nam. Trong lúc chính quyền kêu gọi dân chúng trở lại du lịch vui chơi, tắm biển Quảng Bình và nhiều nơi khác, thì tại tỉnh láng giềng Hà Tĩnh – trung tâm của thảm họa cá chết -, nỗi lo nhiễm độc tiếp tục ám ảnh người dân. Ngành y tế Việt Nam có trách nhiệm gì trong việc tình trạng lo sợ nhiễm độc kéo dài tại khu vực biển miền Trung ?
Một thực tế rất tương phản đang diễn ra. Trong lúc trên các phương tiện truyền thông chính thống, vắng vẻ tin bài về nhiễm độc biển miền Trung (1), thì trên các mạng xã hội, thỉnh thoảng lại xuất hiện các tin, và cả clip về nhiễm độc hải sản gây tử vong tại khu vực này. Cùng lúc với việc tại một số tỉnh miền Trung, cụ thể là Hà Tĩnh, chính quyền cho mở rộng mạng lưới bán hải sản « an toàn », thì cũng có nhiều trường hợp hải sản người dân đánh bắt về không bán được. Nỗi lo nhiễm độc bao trùm đời sống cư dân nhiều vùng quê biển, càng làm tăng thêm tình cảm bế tắc hiện nay, khi rất nhiều ngư dân phải chấp nhận cảnh gác lưới, buông chèo. Trong tình trạng chính quyền không đưa ra thời hạn công bố thông tin chính thức về nguyên nhân cá chết, và nhiều nhân chứng tại chỗ ghi nhận việc dân cư mắc các chứng bệnh giống như ngộ độc do tiếp xúc với hải sản, thì câu hỏi về độ an toàn của nước biển và hải sản tại khu vực ven bờ tiếp tục ám ảnh không chỉ người dân tại khu vực này.
Vừa nhớ, vừa sợ biển
Về vấn đề này, Tạp chí Xã hội của RFI xin chuyển tới quý vị những chia sẻ của các nhân chứng tại chỗ và phần nhận định của bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên (Sydney, Úc) và bác sĩ Trần Tuấn, tiến sĩ ngành dịch tễ học (Hà Nội). Bác sĩ Trần Tuấn cũng là người phụ trách Liên minh Y tế Vì dân (EBHPD).
Trước hết, mời quý vị đến với khu vực thôn Đông Yên, cách khu vực nhà máy Formosa chừng một cây số về phía nam, qua tiếng nói của ông Mai Cường Quang (một cư dân thôn Đông Yên, xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh) :
« Bây giờ, nếu người ta có đi biển, thì thứ nhất là tâm lý lo sợ : Lo sợ bị nhiễm độc, cơ thể bị tiếp xúc với nước cũng gây lo sợ. Cách đây hai ngày, có hai người đi đánh mực về, họ đi cho vui. Đánh được con mực về, rất là thèm, con mực rất tươi. Hai anh em xẻ thịt ra, luộc lên rồi chuẩn bị nhắm. Nhưng ruột của nó đem cho gà ăn, gà chết ngay tại chỗ. Một người khác đi đánh bắt được một con cá mú, cỡ dăm ba lạng. Thấy thèm, kho định ăn, nhưng kho lên con cá đổi màu, sợ không dám ăn. Đem ra bỏ cho gà ăn, gà cũng chết. Người trong làng ở đây, người ta kể như thế. Tâm lý người ta rất sợ chuyện đó (…) ».
Thầy giáo Lê Quốc Châu, người chủ trương quỹ từ thiện Áo Tơi, chia sẻ cảm nghĩ của ông về vấn đề này với một góc nhìn khác :
« Hiện nay, tôi cũng chưa thấy một người nào bị nhiễm độc, thấy mọi người cũng bình an thôi. Nhưng yếu tố tâm lý, tác động tâm lý thì rất lớn. Tức là người ta sợ bị nhiễm độc này nọ nhiều hơn là thực tế bị nhiễm độc. Hôm vào trong Mỹ Lợi, bà con cũng đánh cá về, nhưng không thấy bất cứ một ai mua cả. Còn thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi họ vẫn đánh cua ghẹ về, và một số nhà họ vẫn ăn(…) ».
Nhiều triệu chứng giống như ngộ độc
Sơ Hoài, làm việc tại một trạm xá của Cộng đoàn Mến Thánh giá Hướng Phương, tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, cho biết tình trạng sức khỏe rất đáng ngại của nhiều người dân trong vùng, đến điều trị hàng ngày tại đây :
« Từ một tháng nay, trong làng họ đến chỗ chúng tôi rất đông. Mỗi ngày khoảng 50 người đến truyền dịch (nước muối sinh lý). Các triệu chứng phổ biến là : tức ngực, khó thở, đau bụng, đi ngoài, đau đầu, rồi tay chân mệt mỏi. Nói chung họ không có cảm giác là vui vẻ gì cả. Tội nghiệp lắm ! 
Trong thời gian qua, khi thấy họ như vậy, tôi khuyên họ đi khám bệnh viện đi. Đi khám về họ bảo bệnh viện xét nghiệm rồi nói không có chuyện chi cả. 
Ở đây có trường hợp rất nặng nữa là có một người khi đang đi lễ tại nhà thờ, thì bị xỉu. Một người đàn ông trai tráng. Đưa đến bệnh viện cấp cứu, thấy yếu quá nên chuyển vào Sài Gòn. Hiện tại đã gần một tháng rồi. Ba trường hợp nữa cũng đi khám (bệnh viện Sài Gòn). Đây là những người có điều kiện. Bệnh viện cho xét nghiệm, nói những người này ăn cá bị nhiễm độc (…) » (cũng theo sơ Hoài, hầu như gia đình nào tại khu vực này cũng có người mắc các triệu chứng nói trên).
Về phản ứng của ngành y tế trong vụ biển miền Trung nhiễm độc, bác sĩ Trần Tuấn nhận xét :
« Hiện nay, trên phương tiện thông tin đại chúng, về mặt chính thức của nhà nước, chưa có thông điệp rõ ràng về việc : Liệu có hay không tình trạng cá biển nhiễm độc tại khu vực này. Và nếu có thì căn nguyên ở đâu. Chúng tôi thấy rằng, chưa cần bàn tới căn nguyên, thì ít nhất phải khẳng định được là có bị nhiễm độc hay không. Bởi vì, thực sự nếu trả lời có bị nhiễm độc, thì có thể toàn bộ khu vực có nguy cơ nhiễm độc cá như vậy thì phải coi là khu vực có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy thì, về mặt y tế, các biện pháp dự phòng phải được thực hiện, phải khoanh vùng nguy cơ bị dịch, và thực hiện các biện pháp giúp cho tránh tiếp xúc với các nguồn độc chất
Cho đến nay, chúng ta thấy rõ ràng là chưa có những biện pháp như thế. Tiếng nói của các cơ quan y tế, kể cả các hội. Sự im lặng này chúng tôi thấy là tương đối khó hiểu. 
Quả thực là chúng tôi là những người làm ngành y, cũng làm y tế dự phòng. Cho đến nay cũng không thể hiểu nổi, tại sao có một tình trạng im lặng mà chúng tôi cho rằng bất thường như thế này. Bởi vì ngành y là ngành lấy chăm sóc sức khỏe của người dân làm trọng. Mục tiêu chính là làm sao có thể để đảm bảo cho người dân tránh được nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Cụ thể tại một khu vực đã có hiện tượng cá chết nhiều như vậy, diễn ra trong một thời gian dài như vậy ».
Không thể đợi công bố căn nguyên cá chết !
Xử lý cuộc khủng hoảng môi sinh tại miền Trung về phương diện y tế có nhất thiết phải chờ đến khi có kết quả điều tra chính thức về nguyên nhân cá chết hay không, bác sĩ Trần Tuấn giải thích :
« Tôi nghĩ rằng nếu có tâm lý chờ đợi, cho đến khi tìm ra căn nguyên ngộ độc rồi mới bắt tay vào hành động, thì đây là một tâm lý không đúng với tinh thần khoa học dự phòng. Khi đã có hiện tượng cá chết và cá là một nguồn thực phẩm trực tiếp với người dân tại khu vực đó, cũng như nó có thể lan rộng ra, mà phải đợi đến khi tìm ra căn nguyên thì đã quá muộn. 
Ít nhất chúng ta phải theo dõi tình trạng sức khỏe của cư dân trong vùng, để xem xét xem liệu có tình trạng sức khỏe bất thường xảy ra hay không. Những trường hợp có khả năng liên quan đến tình trạng cá chết hay không. Như vậy, riêng về mặt lâm sàng, điều này hoàn toàn cho phép chúng ta có thể theo dõi các đối tượng trong khu vực, để từ đó có các chỉ định mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân ».
Bác sĩ Trần Tuấn đặc biệt nhấn mạnh đến những gì mà ngành y có thể làm được trước một cuộc khủng hoảng môi sinh như tại khu vực ven biển miền Trung hiện nay :
« Tôi nghĩ là sự im lặng này là một sự im lặng rất khó hiểu. Sự im lặng của Bộ Y Tế, cũng như hệ thống y tế đối với người dân đã là khó hiểu rồi. Điều thứ hai là lương tâm của người thầy thuốc, bác sĩ, thể hiện thông qua các nghiệp đoàn của mình, như Tổng hội Y học, Hội Y tế Công cộng, rồi Hội Y tế Dự phòng, Hội Y học Dự phòng… Đấy là những hội mà tôi cho rằng trực tiếp liên quan. 
Cá nhân tôi, tôi thấy, có thể là về mặt chính quyền, về mặt chính trị, có những vấn đề mà họ phải xem xét, phải nhìn nhận thế này thế kia, nhưng ít nhất, về mặt khoa học, về mặt chăm sóc sức khỏe, thì tôi chắc rằng không ai có thể ngăn cấm họ vào làm việc với người dân, để rồi khoanh khu vực lại, xác định vùng có nguy cơ, rồi tổ chức thiết lập việc theo dõi sức khỏe để giám sát xem có tình trạng bất thường gì xảy ra không, để nhanh chóng có các biện pháp dự phòng, ngăn ngừa các nguy cơ tiếp xúc, đánh giá các hiện tượng bất thường xảy ra với người dân vùng đó, kể từ vấn đề thực phẩm, cho đến nước uống, và các nguy cơ khác. Trong lúc tình trạng nguyên nhân chưa rõ ràng, thì mình phải xem một cách rộng rãi. Ngoài từ biển ra, còn vấn đề đất, không khí. Về mặt trách nhiệm, chúng ta không thể làm ngơ ở một khu vực xảy ra một thảm họa môi sinh như vậy, mà căn nguyên chưa được làm rõ ».
Về tình hình tại Kỳ Anh, chúng tôi đã gặp bác sĩ Phan Thị Xuân Liễu, giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện, qua điện thoại, nhưng không được hồi đáp. Về tình hình nhiễm độc do ăn cá biển, bác sĩ Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, đề nghị chúng tôi liên lạc với cơ quan quản lý an toàn thực phẩm (xem thêm phần giải thích của bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên bên dưới). Về phần mình, giáo sư Lê Vũ Anh, chủ tịch Hội Y tế Công cộng, giải thích hội của ông hiện đã quá tải, vì nhiều việc trầm trọng hơn, nên không thể quan tâm đến vấn đề này.
***
Bộ Y Tế đã im lặng, im lặng trước tình trạng môi sinh ven biển, cũng như im lặng trước cảnh ngộ nhiều ngư dân có các triệu chứng giống như nhiễm độc. Im lặng, bất chấp nỗi lo ngại rất lớn của nhiều người. Nỗi lo ngại không được làm sáng tỏ, không được giải tỏa, có thể trở nên trầm trọng hơn, và tiếp tục lan rộng trong xã hội. Những lo âu thái quá có thể biến thành chấn thương tâm lý, một thứ ngộ độc tinh thần, gây tác hại nặng nề đến sức khỏe.
Thực ra, xét trên một phương diện khác, Bộ Y Tế đã không hề im lặng. Kể từ đầu tháng 5/2016 đến nay, Bộ bắt đầu lên tiếng theo đúng chủ trương : Biển về cơ bản là sạch…, bất chấp nhiều hiểm họa tiềm tàng ở khu vực ven bờ (2). Sau khi chính quyền thừa nhận thảm họa vào cuối tháng 4, và chỉ ít ngày sau khi báo chí ngừng đưa tin rộng rãi, đến ngày 10/05, Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia của Bộ Y Tế đã nhanh chóng xác nhận 139 mẫu hải sản « an toàn » của bốn tỉnh miền Trung (3). Vấn đề xét nghiệm độ nhiễm độc của hải sản « gần bờ » như vậy dường như đã bị bỏ lơ, trong khi các mẫu cá chết đã được thu thập trước thời điểm lấy các mẫu hải sản sống.
Thảm họa cá chết chưa từng có và nguy cơ nhiễm độc đối với người dân ven biển miền Trung – đang có xu hướng bị dìm vào quên lãng - rõ ràng đặt ra trước công luận, vấn đề trách nhiệm của những người làm chuyên môn, những người làm nghề y tại Việt Nam. Trách nhiệm của giới cầm quyền cấp cao đã bị nhiều chỉ trích hay lên án trong công luận. Bác sĩ Trần Tuấn nhấn mạnh đến trách nhiệm của ngành y tế nói chung, của Bộ Y Tế, cũng như phía các hiệp hội nhà nước. Nhưng mặt khác, riêng về phía địa phương, nhiều nhân chứng ngay tại tỉnh Hà Tĩnh - tâm điểm của thảm họa cá chết - cho thấy, chính quyền các cấp cũng đã có nhiều áp lực không chính thức để buộc những người làm việc trong hệ thống phải im tiếng trước nỗi lo, nỗi khổ, nỗi đau của các ngư dân đồng hương. 
Thảm họa môi sinh chưa từng có đối với Việt Nam này cũng đặt các mạng lưới xã hội dân sự non trẻ, đang khát khao khẳng định tính độc lập của mình, trước một thách thức : Trong những điều kiện ít thuận lợi rất nhiều, nhưng ở một vị thế tự do hơn nhiều về tinh thần, liệu họ có thể làm gì để giúp đỡ có hiệu quả cho rất nhiều người dân biển đang không chỉ đau khổ vì bệnh tật, mà còn đang rất cô đơn, bối rối, hoang mang về mặt tinh thần ?
RFI xin chân thành cảm ơn sơ Hoài, các ông Mai Cường Quang, Lê Quốc Châu cùng các bác sĩ Trần Tuấn, Nguyễn Đình Nguyên đã dành thời gian cho chương trình Tạp chí Xã hội tuần này về cuộc khủng hoảng nhiễm độc biển miền Trung.
----
(1) Dư luận đặc biệt chú ý đến hiện tượng một số bài viết liên quan đến thảm nạn tại miền Trung bị gỡ bỏ, ví dụ như bài "Lời than thở của các loài cá", đăng trên ấn phẩm Thế giới tiếp thị(ấn phẩm đồng thời bị đình bản), hay bài "Kiểm tra Formosa: đụng đâu sai đó" trên Tuổi Trẻ. Hay thông tin về việc báo Tuổi trẻ Cười buộc phải thay trang bìa đả kích Formosa, với lời thoại của rùa vàng : "Giặc ở sau lưng nhà vua đó".
(2) Một số nhân chứng địa phương cho biết, nhiều hoạt động phổ biến kiến thức trong cộng đồng về phòng, chống độc từ biển đã bị đình hoãn, trong khi chờ đợi kết quả chính thức về nguyên nhân cá chết.
(3) Đa số các hải sản được thông báo an toàn là đánh bắt ngoài khơi, xa hơn 20 hải lý. Như vậy, một số nhỏ đánh bắt ven bờ vẫn được coi là an toàn. Hải sản ven bờ an toàn hay không an toàn ? Thông tin chính thống nhiều mâu thuẫn, và không rõ ràng, xung quanh vấn đề này cũng có thể làm tăng thêm hoài nghi.
Bệnh nghi do ngộ độc tại Hà Tĩnh : Y tế cộng đồng hay vấn đề cá nhân ?
(Phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên)
Một bệnh như thế nào có thể được coi là vấn đề của y tế cộng đồng ?
Hiện tượng thứ nhất, trong một vùng, nếu chỉ có một vài người mắc thì không phải là vấn đề cộng đồng. Hiện tượng thứ hai, nếu có cả một làng bị cúm, nhưng là bệnh tái đi tái lại hàng năm, thì cũng không phải là vấn đề của một cộng đồng lớn.
Để được coi là một vấn đề cộng đồng, thứ nhất là phải là bệnh mới phát, hoặc là trong dạng cảnh báo có thể là một dịch, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Một số bệnh khác, như nhiễm trùng dạng không phổ biến, chỉ cần ba người thuộc một quần thể khép kín bị mắc, là có thể coi là vấn đề cộng đồng. Có thể cuối cùng, đây cũng chỉ là một bệnh bình thường, nhưng thoạt tiên phải đặt vấn đề này trong lĩnh vực y tế cộng đồng, chứ không phải chỉ là vấn đề của một cá nhân hay của một gia đình.
Trong lĩnh vực y tế công cộng, tồn nghi về nhiễm độc do ăn cá tại Vũng Áng thuộc trách nhiệm của ngành an toàn thực phẩm hay y tế dự phòng ?
Thực phẩm không an toàn gây tác hại trên phạm vi rộng thì bên an toàn thực phẩm phải chịu trách nhiệm, bởi vì đây là thực phẩm đã được cho lưu hành trên thị trường. Trong khi đó, trường hợp cá chết Vũng Áng (hay cá đánh bắt tại Vũng Áng, trực tiếp tiêu thụ sau đó) chưa phải là cá đưa vào thị trường. Nếu xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt là yếu tố tự nhiên, người sử dụng ăn con cá chết (hoặc nghi vấn bị nhiễm độc tố) tại Vũng Áng, thì việc này không thuộc ngành an toàn thực phẩm, mà là thuộc về lĩnh vực sức khỏe - môi trường. Kể cả việc người dân không nghe khuyến cáo mà ăn cá, ngành y tế vẫn phải có trách nhiệm.
Kinh nghiệm của Úc hay một số nước khác xử lý ra sao một khủng hoảng có ảnh hưởng tâm lý nặng nề như trường hợp nghi vấn nhiễm độc tại Vũng Áng ?
Nếu đây là một vấn nạn xảy ra tại Úc, và mang tính cộng đồng, thì cần phải tính đến mấy yếu tố sau. Thứ nhất là với con người, thứ hai là tới môi trường. Trên con người, cũng như cộng đồng đều có ba vấn đề. Thứ nhất là sức khỏe hiện tại, thứ hai là sức khỏe tâm thần, tâm lý và thứ ba là xã hội. Về bệnh, mình phải quan tâm điều trị bệnh người ta mắc phải.
Về mặt tâm lý, phải xem xem, nếu bệnh lý, bệnh dịch đó đủ gây sang chấn tâm lý, thì lập tức họ có các đội, gọi là « đường dây nóng ». Ngành y tế cộng đồng, dịch tễ học sẽ làm việc với các đội chuyên viên tâm lý, hoặc các bác sĩ tâm thần, để làm công việc úy lạo cho người bệnh, hoặc những nạn nhân gián tiếp, hoặc trực tiếp.
Thứ ba là về sức khỏe xã hội, ví dụ như khi cả một cộng đồng bị ảnh hưởng do dịch, tức là nếu phải đóng cửa một nhà máy, một vùng du lịch,… thì đồng thời phải có biện pháp để nhanh chóng ổn định tình hình đời sống cho cả một xã hội. (…)
Trong trường hợp như tại Vũng Áng, trước mắt khi hệ thống y tế nhà nước để mặc người dân tự lo, thì người dân nên làm như thế nào ?
Đây là một vấn đề nan giải với tình hình Việt Nam. Vì tôi biết người dân ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, không khá giả gì, chưa kể vấn đề bây giờ không có đánh bắt, thu nhập gì.
Bên cạnh đó, khó khăn thứ nhất là họ không có hướng dẫn phải đi làm cụ thể những gì, làm như thế nào, làm ở đâu. Phải có người biết chuyên môn đứng ra xem xét. Không phải mình muốn làm gì là được. Đầu tiên phải đặt ra giả thuyết. Căn cứ trên các triệu chứng, đặt giả thuyết xem nghi bệnh nhân bị gì. (…) Ví dụ, nếu tôi là người làm y tế, tôi phải chọn ra năm nghi vấn, ưu tiên xếp thứ tự từ một đến năm. Lúc đó, có điều kiện ít thì làm ít, điều kiện nhiều thì làm nhiều.
Tại trạm xá Vũng Áng, được nghe nói có một vài bệnh nhân, đi tới Sài Gòn để xét nghiệm, và được biết là nhiễm độc chì. Bác sĩ nghĩ gì về chuyện này ?
Đây là một thông tin rất thú vị. Nguồn nhiễm độc chì ở đâu nhiều nhất. Tôi nghĩ là từ công nghiệp. Mình không có kết luận từ trước, nhưng rõ ràng có một mối liên quan giữa việc nhiễm độc chì và nguồn chất thải công nghiệp. Giả định là từ đây cho đến khi đưa ra được câu trả lời "không", (thì vẫn) phải đặt vấn đề nghi ngờ và phải đi điều tra.
Vào tháng 2/2015, tôi được đọc báo trong nước, ở vùng Quỳnh Lưu (Nghệ An) và Hà Tĩnh, cũng có hiện tượng cá chết vào dịp Tết. Vào thời điểm đó, những người làm tài nguyên môi trường, theo tôi nhớ, đã phát hiện được lượng chì trong nước cao gấp 10 lần so với hàm lượng cho phép. Sau đó, chuyện này bị lãng quên. Như vậy phải xem xét vấn đề chất thải công nghiệp.
 

Trung Quốc đang “giết chết” biển Đông

Theo NLĐO-01/06/2016 22:49

Các nhà sinh thái cho rằng Trung Quốc có thể hủy hoại vĩnh viễn hệ sinh thái ở biển Đông thông qua các hành động cải tạo, xây đảo nhân tạo.

Kể từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu biến 7 bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo trái phép. Các tàu hút bùn đã khuấy tung những rạn san hô và bóp chết chúng trong quá trình bồi lấn. Giáo sư về sinh vật biển John McManus của Trường ĐH Miami (Mỹ) chua xót bình luận với tạp chí Time: “Điều tồi tệ nhất là những tác hại này sẽ kéo dài vĩnh viễn. Một khi rạn san hô bị chôn dưới hàng tấn cát và sỏi, nó không bao giờ khôi phục được”.

Tàu đánh cá Malaysia neo đậu cảng Bintulu hồi đầu tháng 5 Ảnh: REUTERS
Tàu đánh cá Malaysia neo đậu cảng Bintulu hồi đầu tháng 5 Ảnh: REUTERS
Không chỉ là vùng biển có giá trị thương mại lên tới hơn 5.000 tỉ USD/năm,biển Đông chiếm 1/10 trữ lượng cá của toàn thế giới. Đánh bắt cá ở biển Đông đem lại 130 tỉ USD vào năm ngoái, theo Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc.
Đó là một phần lý do khiến Trung Quốc không ngừng bành trướng trên biển Đông mà âm mưu mới nhất là chuẩn bị thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở đây. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông) dẫn các nguồn thạo tin trong quân đội Trung Quốc và một báo cáo quân sự cho biết thời gian Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ sẽ phụ thuộc vào tình hình an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Mỹ và quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng.
Các hành động ngang ngược của Bắc Kinh trên biển Đông khiến Malaysia không còn nhắm mắt cho qua. Nước này vừa thông báo kế hoạch lập cơ sở hải quân gần Bintulu, thuộc bang Sarawak. Về mặt chính thức, đây là nỗ lực chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) của Malaysia nhưng nhiều quan chức và chuyên gia cho rằng mục đích thực sự là chống các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông gần Malaysia.
Về phía Trung Quốc, tuy luôn phản đối quốc tế hóa vấn đề biển Đông song chính họ đang lôi kéo nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn, trong chuyến thăm Canada của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từ ngày 31-5 đến 4-6, căng thẳng trên biển ở châu Á là một nội dung thảo luận chính. Chuyến thăm diễn ra chỉ một tuần sau khi Hội nghị Thượng định G7 tại Nhật Bản, trong đó Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng các nhà lãnh đạo trong nhóm bày tỏ lo ngại về căng thẳng ở biển Đông.
Huệ Bình

VTV1 đấu tố MC Phan Anh theo kiểu Cải Cách Ruộng Đất và cái kết bất ngờ

Phùng Hoài Ngọc (VNTB)  “Họ đưa ra lý thuyết“động cơ” để ép anh.....Em xem xong clip mà thật sự thương cho anh, họ nói chuyện mà chẳng cần tôn trọng cảm xúc và ý kiến của anh. Em thất vọng về chương trình này cũng như toàn bộ những người trong ekip “60 phút mở” bao nhiêu thì lại ngưỡng mộ anh bấy nhiêu, thái độ anh vẫn luôn lắng nghe, tôn trọng họ và giữ tốt chánh kiến của mình, ko bị ai lung lay. Cám ơn anh. Từ giờ về sau, có lẻ em sẽ tắt ti vi ko xem kênh VTV1 nữa…nhưng sẽ bật chế độ “Đang theo dõi” từ facebook của anh sang chế độ nổi bật trên bức tường nhà em”.

MC Phan Anh và nhà báo Hồng Thanh Quang tranh luận về việc chia sẻ thông tin trên Facebook.
VTV1 viết quảng cáo trên web của họ: Đến với chương trình “60 phút mở” ngày hôm nay (27/5), các khách mời gồm MC Phan Anh, nhiếp ảnh gia Na Sơn của hãng tin AP, nhà báo Hoàng Minh Trí, nhà thơ nhà báo Hồng Thanh Quang, Ts. Phạm Mạnh Hà chuyên gia tâm lý Học viện Thanh thiếu niên và ông Nguyễn Thái Sơn (chuyên viên kinh tế) đến từ Buzzmetrics sẽ nêu lên những ý kiến cá nhân về vấn đề chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Chương trình “60 phút mở” sẽ được phát sóng lúc 22h30 hôm nay (27/5) trên kênh VTV1 và phát lại vào 21h ngày 28/5 trên VTV6. Mời quý vị chú ý theo dõi !

Xem xong chương trình “60 Phút Mở” trên web VTV.1, tôi kìm chế hết mức để gõ phản hồi vào trang web của họ:

“VTV.1 và Tạ Bích Loan tự bôi nhọ mình quá cỡ rồi. Lại một thảm họa truyền hình !”.

Sau khi phát sóng đêm 27/5, chương trình đã bị nhà đài VTV1 tự xóa bỏ trong Danh mục WEB vì xấu hổ ê chề.

May thay FB Hoàng Dũng đã kịp lưu lại trên mạng và lan truyền chóng mặt, nhanh như bài thơ bất hủ của cô giáo Trần Thị Lam. Khác nhau ở cảm xúc bạn đọc: Một bên cảm phục hết lời và bên kia khinh bỉ tận cùng.

Bạn đọc tên VTM.Phương viết trên Fb của Mc Phan Anh:

 “Họ đưa ra lý thuyết“động cơ” để ép anh.....Em xem xong clip mà thật sự thương cho anh, họ nói chuyện mà chẳng cần tôn trọng cảm xúc và ý kiến của anh. Em thất vọng về chương trình này cũng như toàn bộ những người trong ekip “60 phút mở” bao nhiêu thì lại ngưỡng mộ anh bấy nhiêu, thái độ anh vẫn luôn lắng nghe, tôn trọng họ và giữ tốt chánh kiến của mình, ko bị ai lung lay. Cám ơn anh. Từ giờ về sau, có lẻ em sẽ tắt ti vi ko xem kênh VTV1 nữa…nhưng sẽ bật chế độ “Đang theo dõi” từ facebook của anh sang chế độ nổi bật trên bức tường nhà em”.

Tôi không thể kể hết hàng ngàn phản hồi căm phẫn và khinh bỉ VTV và Tạ Bích Loan, Hồng Thanh Quang và những lời cảm thương nể phục MC Phan Anh.

Mời bạn bỏ chút thời gian 60 phút xem màn đấu tố thời trung cổ, hoặc gần đây hơn, kiểu “Cải cách ruộng đất”. Xin nói ngay bạn đọc khỏi sốt ruột về kết quả: “địa chủ”  MC Phan Anh đã chiến thắng ngoạn mục !

Màn quyết đấu truyền hình ở đây:

Đầu đuôi câu chuyện thế này:

Nhân sự kiện đài VTC News phát sóng hình ảnh một chậu đựng nước biển miền Trung thả hai con cá vào, hai phút sau cá lăn ra chết. MC Phan Anh và nhiều người khác chia sẻ trên FB, riêng FB của anh có tới hơn 12 000 lượt thích (like) và 1500 lượt chia sẻ (share). Sau đó một số nhà khoa học xem xét và nói chậu cá thí nghiệm đó chưa đủ độ tin cậy.

VTV đã được lệnh ngừng đưa tin cá chết miền Trung, do đó VTV đã phân công Tạ Bích Loan làm một chương trình bàn tròn quyết tiêu diệt Fb Phan Anh để dằn mặt xã hội Fb. Loan đi tìm đồng bọn: đại tá nhà thơ nhà báo Hồng Thanh Quang tbt báo Đại Đoàn Kết. Một số khách mời vô tư bị Loan dẫn dắt để tập trung xỉ nhục Phan Anh, nhưng họ đã dần dần vuột khỏi bàn tay đen đúa của Loan để bảo vệ Phan Anh.

Tạ Bích Loan và Hồng Thanh Quang, vốn là học trò Liên Xô, quyết đấu hai chọi một với Phan Anh học trò tu nghiệp Mỹ. Phe VTV còn hi vọng kéo thêm một tay TS giấy tên là Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên) làm đồng minh. Càng về sau Hà phải ngượng ngùng dãn ra vì có lẽ anh ta nhận ra bị lợi dụng thô thiển. Quan điểm của anh Ts này cũng phảng phất giọng điệu học thuật trường phái Nga- Liên Xô. Vậy có thể nói nôm na rằng ba Nga muốn đè bẹp một Mỹ.

Nhà báo Na Sơn là khách mời, dần dà cũng nhận ra tình thế Phan Anh bị o ép bất công, nên đã “giữa đường thấy sự bất bằng mà tha”. Anh tiếp sức với Phan Anh đánh gục phe ba Nga.

Sau khi xem chương trình phát sóng trên VTV1, nhà báo Na Sơn hãng AP là người trong cuộc, đã chia sẻ trên FB: “Thực ra cuộc trao đổi ở trường quay dài hơn 2 giờ, bị biên tập cắt xén còn 60 phút, cắt phần bất lợi cho VTV, đẩy phần bất lợi cho Phan Anh. Ai cũng nhận thấy những cảnh họ Tạ chồm chồm nhảy vào họng đối phương, chất vấn Phan Anh: “anh có kiểm tra nghiên cứu bản tin VTC không ?”. Phan Anh đáp, “tôi có quyền chia sẻ thông tin và cảm xúc cũng như ý kiến của tôi”. Phan Anh nói tiếp “Tôi tin VTC chứ, đó là truyền hình nhà nước, cũng như tôi tin phóng sự “chổi quét lá rau” của VTV”. 

Đặc biệt gã đại tá an ninh Hồng Thanh Quang thường xuất hiện trong dáng vẻ nho nhã của thi nhân (với chất giọng trời bắt tội, thường gây mất cảm tình người nghe). Quang nổi tiếng là người ưa thích chơi nổi, từng đề nghị thủ tướng Meedvedev hát song ca tiếng Nga trên hội trường và bị ông ấy từ chối thẳng thừng (cách đây vài năm trên VTV1). Chính Quang là người từng đăng FB “đánh dưới thắt lưng” cô Hoàng Mỹ Uyên hai mẹ con bị đánh đập khi biểu tình ở Sài Gòn, đã bị bạn đọc ném đá đến nỗi anh ta phải tự gỡ bài khỏi Fb… Bữa nay anh ta trút bỏ bộ mặt thi nhân, xuất hiện nguyên hình với giọng hỏi cung nhục hình của an ninh, vội vã xổ ra những câu hỏi và chất vấn thô lỗ chưa từng thấy, kèm vẻ mặt xưng xỉa hằm hằm, khi đỏ, khi tía, khi xám ngắt, với đôi mắt mang hình viên đạn, vẻ rất anh chị giang hồ.

Mới đầu Phan Anh ngơ ngác nhìn đối phương, vẻ mặt đầy cảnh giác, và khi hiểu  ra anh không giấu được vẻ xúc động. Dần dà anh giành thế chủ động, mỉm cười, cười  thoải mái đối mặt với Mc Loan hấp tấp cố tươi cười giả tạo, nói năng liến thoắng và một đại tá Quang hằm hố như muốn ăn tươi nuốt sống đối phương.

Rút cục, qua phát ngôn lia lịa, Tạ Bích Loan tự bộc lộ rằng cô ta cũng hiểu sai lầm về công cụ truyền thông FB. Vậy mà Loan liều mạng làm chương trình để răn dạy người ta cách dùng FB. Thực nực cười !

Để kết thúc chương trình thất bại, Tạ Bích Loan mời các vị khách viết ra một câu “hash tag” (dấu # câu kết) nói ra châm ngôn của mình.
  
   Ts Phạm Mạnh Hà: # Tôn trọng sự khác biệt
   Nguyễn Thái Sơn: #  FB = cô đơn
   Nhà báo Na Sơn: # chia sẻ có ý thức
   Hồng Thanh Quang: # chịu trách nhiệm những gì mình viết ra.
   Tạ Bích Loan: # FB tỉnh táo
   Phan Anh: # Đừng im lặng.

Cả sáu người giơ ra tờ bià viết câu hash tag (châm ngôn kết thúc buổi diễn).

Tôi thích nhất châm ngôn hiện đại của Mc Phan Anh: ĐỪNG IM LẶNG.

KẾT

VTV1 xóa bỏ đường link và youtube bi thảm của họ trên web sau khi phát sóng vì bị khán giả phản đối.

Nhà báo Tạ Bích Loan đã phải đóng cửa Fb của cô bởi khán giả và bạn đọc ào ào biểu tình ném đá suốt mấy ngày qua không ngớt.

Ls.Trần Vũ Hải viết trên Fb thực hóm hỉnh: “Hay là VTV1 và Tạ Bích Loan (giả bộ đánh đập Phan Anh -PHN) là chống lại ý đồ cấp trên xóa mờ vụ cá chết miền Trung, bằng cách làm ra chương trình này để khơi tiếp vụ cá chết miền Trung ?”.

Nhà báo Võ Văn Tạo viết trên Fb của ông (kèm ảnh Tạ Bích Loan):

“Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao” (Truyện Kiều)

Còn tôi, nhìn Loan ở khía cạnh khác:

“Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già ” (TK, nói về Hoạn Thư)

Than ôi, ở đời “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, VTV.1 & Tạ Bích Loan & Hồng Thanh Quang đã phạm sai lầm coi thường đối thủ. Phan Anh là hình ảnh người trí thức trẻ chân chính đương đại, tiêu biểu cho bộ phận tinh hoa của 44 triệu người Việt dùng Fb, đã tương kế tựu kế, lật ngược thế cờ, dạy cho họ một bài học nhớ đời.

Chúa Trời có mắt hay sao?!

Không, thực ra VTV quen thói ngạo mạn độc quyền thông tin đã phải lùi bước nhục nhã trước cộng đồng Fb của người Việt hôm nay. VTV đã mắc cố tật chết người mà ông tổ họ Lê của Liên Xô từng cay đắng rút ra nhận xét cách đây gần 100 năm, đó là “thói kiêu ngạo cộng sản” sẽ giết chết chính họ.

Rất mong các nhà báo “lề đảng” coi thất bại của VTV là bài học đắt giá cho danh dự của nhà báo. Và chúng tôi mong họ hãy trở về với Nhân Dân.

Tái Bút:

* Nữ nhà báo Tạ Bích Loan, tôi rất tiếc cho chị, người mà tôi đã cảm phục hồi năm ngoái trong đêm Gala “Giai điệu tự hào” tháng 10/2015 trên sóng VTV1. Đêm văn nghệ truyền hình ấy, chị đã dũng cảm bác bỏ quan điểm sai lầm của vị khách mời là anh chàng PGS.Ts Đào Duy Quát phó Ban tuyên giáo (cấp trên của chị), khi nói về thực trạng thanh niên Nga ngày nay không còn hát bài ca Liên Xô nữa. (có lẽ Loan cũng biết bản chất tay Quát “nổi tiếng” với vụ bản dịch sai, lại đổ thừa cho “cậu đánh máy).

Tiếc thay kỳ này, vì đồng lương công chức, chị đã nhắm mắt chấp hành lệnh trên làm một chương trình đáng xấu hổ chưa từng thấy trong làng báo Việt Nam.

Chính quyền VN không cần sự giúp đỡ của LHQ để giải quyết thảm nạn cá chết

Đây là email trao đổi của người làm ở văn phòng LHQ ở Hà Nội về việc họ đề nghị giúp đỡ chính phủ VN giải quyết thảm họa cá chết, nhưng phía VN không cần sự giúp đỡ của LHQ. Vì đây là email trao đổi riêng, nên xin không đưa tên của người nhận và người gửi.


Xin được tạm dịch nội dung như sau:
Do đây là sự kiện phức tạp và rộng lớn, email của bạn đã được chuyển tới tôi để trả lời thay cho hệ thống Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam. Các cơ quan Liên Hiệp Quốc đang làm việc để nắm rõ tình hình hơn và đặc biệt lo ngại về những tác động tiềm tàng đối với sức khỏe con người, sinh kế và môi trường sống do thiếu những phát hiện mang tính kết luận như nguyên nhân gây ô nhiễm.
Khi chính phủ [Việt Nam] đang tiến hành một cuộc điều tra, Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra các kết quả kịp thời, vì lợi ích của sự minh bạch, cũng như giúp giảm thiểu bất kỳ ảnh hưởng nào đối với người dân hoặc môi trường trong tương lai.
Trong suốt thời gian sự kiện này xảy ra, Liên Hiệp Quốc đã liên tục đối thoại với chính quyền và đã đề nghị cung cấp một loạt các hỗ trợ kỹ thuật, gồm thử nghiệm khoa học, phòng chống thảm họa môi trường, sớm phục hồi cho các cộng đồng bị ảnh hưởng, hỗ trợ sinh kế trong ngành thủy sản bị ảnh hưởng, hỗ trợ để giải quyết những mối quan tâm sức khỏe cộng đồng, cũng như hỗ trợ phối hợp giữa các ngành. Tuy nhiên, cho đến giờ LHQ vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu chính thức nào để hỗ trợ từ các nhà chức trách cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh.
Chúng tôi tiếp tục giữ cho tình hình liên tục được xem xét.
Xin đừng ngần ngại liên lạc với tôi nếu bạn cần thêm thông tin.
Ngọc Thu lược dịch
_____
Nguyên văn tiếng Anh:
Dear XXX,
As this is a wide ranging and complex event your email has been forwarded to me to respond on behalf UN System here in Viet Nam. UN Agencies are working to better understand the situation and are particularly concerned about the potential impacts on human health, livelihoods, and the environment given the lack of conclusive findings as to the cause of contamination.
As the Government is currently conducting an investigation the UN has stressed the need for timely release of the findings, both in the interests of full transparency, as well as in helping to mitigate any future impacts on people or the environment.
Throughout this event the UN has been in continuous dialogue with Government and has offered a wide range of technical support including scientific testing, environmental disaster prevention, early recovery for affected communities, support to livelihoods in the affected fisheries sector, assistance to address public health concerns, and well as support to coordinate across sectors. However, so far the UN has not received any formal requests for assistance from national or provincial authorities.
We continue to keep the situation under continuous review,
Please do not hesitate to contact me if you require further information,