Tuesday, December 22, 2015

Phát hiện thêm sự thật kinh hoàng phía sau mặt nạ đồ chơi trẻ em

Theo Nguoiduatin-23.12.2015 | 06:43 AM
Cầm một chiếc mặt nạ đeo thử, chúng tôi thấy có mùi hắc khá khó chịu. Phần da tiếp xúc với mặt nạ có cảm giác thô ráp và hơi ngứa. Chỉ cần dùng tay chà nhẹ, lớp phủ bề mặt đã dính ra tay.
Giáng sinh sắp cận kề, các đồ chơi trang trí, phụ kiện trong đó có loại mặt nạ dành cho trẻ em hình ông già noel, tuần lộc… đang được bày bán tràn ngập với nhiều chủng loại, mẫu mã bắt mắt.
Tuy nhiên loại mặt nạ đồ chơi rẻ tiền chứa nhiều tạp chất độc hại, có nguy cơ gây dị ứng và các bệnh về đường hô hấp trẻ nhỏ.
“Cứ thấy rẻ đẹp là mua thôi”
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều đồ chơi tiệu thụ lớn trong các dịp lễ tết, trong đó mặt nạ loại đồ chơi được nhiều trẻ em yêu thích và có rất nhiều loại mặt nạ mới xuất hiện, trong đó có những chiếc mặt nạ được trang trí bằng kim tuyến hoặc các hạt nhỏ lấp lánh rất bắt mắt.
Phát hiện thêm sự thật kinh hoàng phía sau mặt nạ đồ chơi trẻ em - Ảnh 1
Mặt nạ đồ chơi noel giá rẻ kém chất lượng tràn ngập các con phố
Khoảng gần tuần trước đây, chị Nguyễn Thị Hồng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có mua cho cậu con 5 tuổi một chiếc mặt nạ, sau khi đeo chiếc mặt nạ bằng nhựa cũng đã có triệu chứng ho và sổ mũi.
Chị Hồng cho biết: “Hôm đi lên phố Hàng Mã cháu đòi mua mặt nạ hình quỷ để chơi với mấy đứa trẻ gần nhà.
Mua về, sau khi đeo mặt nạ vào, tôi thấy mặt cháu loè loẹt phẩm màu quét trong mặt nạ và thấy cháu kêu nhức đầu sổ mũi. Cháu ốm mấy ngày liền nên tôi không cho cháu chơi nữa…”.
Anh Trần Viết Anh (Cầu Đất, Hà Nội) than thở: “Sau khi đeo chiếc mặt nạ “siêu nhân” được tặng kèm với sản phẩm của một hãng sữa, con trai tôi đã bị dị ứng khắp mặt.
Lúc đầu, phần da tiếp xúc với mặt nạ ửng đỏ lên, nổi những nốt nhỏ li ti. Tôi chủ quan, cứ nghĩ chuyện bình thường, chắc một lát sau sẽ tự lặn. Nào ngờ, càng ngày mẩn đỏ càng lan ra khắp mặt.
Thằng bé liên tục gãi và khóc kêu ngứa. Khi ấy, tôi mới “tá hỏa” dùng khăn ấm lau kỹ mặt cho con rồi bỏ ngay chiếc mặt nạ đi dù cu cậu lăn ra ăn vạ vì tiếc…”.
Theo anh Viết Anh, loại mặt nạ được khuyến mại này làm bằng nhựa dẻo, mềm, màu xanh nhạt, có lớp nhũ lấp lánh phủ ở trên bề mặt, che được phần mắt, giống như những chiếc mặt nạ hay được dùng trong các lễ hội hóa trang.
Phát hiện thêm sự thật kinh hoàng phía sau mặt nạ đồ chơi trẻ em - Ảnh 2
Mặt nạ đa dạng mẫu mã, chủng loại
Cũng tương tự như các ông bố bà mẹ trên, chị Hoàng Lài (Văn quán, Hà Đông, Hà Nội) mới mua cho cô con gái chiếc mặt nạ đồ chơi ba hôm nay, thế nhưng chị đã phải ngậm ngùi ném chúng vào sọt rác.
Lý giải về việc này, chị Lài tâm sự: “Cháu nhà tôi rất thích những đồ chơi liên quan đến thỏ nên tôi mua cho cháu một chiếc mặt nạ hình đầu thỏ, che vừa hết khuôn mặt để cháu “diện” đi chơi Trung thu. Lúc mang về, cháu thích lắm, cứ đeo đi khoe khắp tầng. Nhưng được khoảng nửa buổi thì tôi thấy cháu hắt hơi liên tục, thỉnh thoảng lại tháo mặt nạ ra để gãi gãi hai bên má”.
Thấy lạ, chị Lài bảo con tháo ra, khi nào hết ngứa thì đeo tiếp. Tuy nhiên, lúc cháu bé đeo vào thì xung quanh mắt, gò má - nơi tiếp xúc trực tiếp với chiếc mặt nạ lại xuất hiện tình trạng mẩn đỏ.
Gọi điện thoại cho người bạn vốn là bác sĩ da liễu, chị Lài đã quyết định bỏ chiếc mặt nạ này vì theo lời bác sĩ: Rất có thể con chị có cơ địa mẫn cảm với chất liệu của sản phẩm này, nếu tiếp tục sử dụng, cháu bé sẽ bị dị ứng nặng hơn!
Dạo quanh các tuyến phố chuyên bày bán đồ chơi như Hàng Mã, Lương Văn Can, các hiệu sách to trên đường Láng, Xuân Thủy…
Các loại mặt nạ được bày bán tại đây đa dạng từ kiểu dáng đến chất liệu. Từ mặt nạ bằng nhựa in hình các nhân vật hoạt hình như Tôn Ngộ Không, Doremon, thủy thủ mặt trăng, tuần lộc noel, quỷ dạ xoa… đến những loại mặt nạ trùm kín mặt được làm bằng vải hoặc nilon đều có màu rất sặc sỡ. Nhiều loại còn được phủ những lớp bột lấp lánh rất bắt mắt.
Tuy nhiên, khi cầm một chiếc mặt nạ đeo thử, chúng tôi thấy có mùi hắc khá khó chịu. Phần da tiếp xúc với mặt nạ có cảm giác thô ráp và hơi ngứa. Chỉ cần dùng tay chà nhẹ, lớp phủ bề mặt đã bị phai màu và dính ra tay.
Theo lời một chủ hàng trên phố Xuân Thủy mặc dù mấy năm gần đây, sản phẩm trong nước đã được ưa chuộng, song hàng “Tàu” vẫn còn phổ biến. Các loại đồ chơi nhập từ Trung Quốc có mẫu mã đa dạng, nhiều màu sắc nên trẻ con rất thích.
Hơn nữa, giá cả lại khá rẻ, dao động từ vài nghìn đến vài chục nghìn/một sản phẩm. Vì vậy, đây là những mặt hàng bán khá chạy trong mỗi dịp Trung thu, holloween, giáng sinh, tết…
Khi hỏi về chất lượng của những chiếc mặt nạ này, người chủ hàng chép miệng: “Trẻ con chỉ cần đẹp là thích. Còn chơi được vài ba hôm, chán là lại vứt xó ấy mà chắc gì đã kịp độc hại. Giá rẻ mà đẹp là ổn rồi! Có ăn vào người đâu mà lo chứ” (?!).
Nguy cơ dị ứng da và ung thư
Mặt nạ là món đồ chơi cực kỳ phổ biến và có từ rất lâu đời. Tuy nhiên, nếu như trước đây mặt nạ được làm bằng các vật liệu thiên nhiên, dùng màu vẽ lên những chiếc mẹt bằng tre nứa nên an toàn sức khỏe.
Còn ngày nay, hầu hết mặt nạ dành cho trẻ em đều làm bằng các loại nhựa, cao su, trang trí cầu kỳ và rắc cả các loại hạt nhũ hay kim tuyến.
Những loại hạt này rất nguy hiểm, bởi nó có thể rơi vào miệng, mắt hoặc mũi bất cứ lúc nào, khiến bạn bị viêm đường hô hấp, viêm giác mạc hoặc các loại bệnh về tai, mũi, họng khác. Nguy hiểm hơn là vật liệu dùng đểu sản xuất mặt nạ phần lớn từ nhựa, cao su không đảm bảo.
Theo TS Trần Quang Tùng, Viện Kỹ thuật thuật hóa học (ĐH Bách khoa Hà Nội), sẽ rất nguy hiểm khi trẻ đeo những loại mặt nạ nhiều màu sắc, vì khi đó bé rất dễ nuốt và hít phải những hạt bụi màu li ti bay ra trong quá trình vui chơi. Để tạo nên những màu sắc trên sản phẩm, người ta thường sử dụng các ion kim loại, nhất là các ion kim loại nặng.
Chất này nếu tích tụ lâu trong cơ thể sẽ dẫn đến khả năng mắc các bệnh ung thư cho người sử dụng. Vì vậy, khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với lớp màu này, nguy cơ gây hại cho sức khỏe là rất lớn. Bên cạnh đó, mặt nạ thường được sản xuất từ nhựa, cao su, sơn phun màu và nhiều thành phần hóa học khác, trong đó có nhiều thành phần gây nguy hiểm tới cơ thể.
Trong một số loại mặt nạ từ nhựa dẻo còn chứa 0.65% DEHP - một thành phần dùng để kéo dẻo nhựa và được các nhà nghiên cứu cho là có khả năng làm con người dị ứng như nổi mẩn, ngứa ngáy, phát ban, thậm chí có trường hợp dị ứng nặng còn xâm nhập sâu vào bên trong cơ thể, gây nguy hiểm tới sức khỏe và cả tính mạng.
Nếu dùng những đồ chơi này, các cha mẹ cần chú ý tới các biểu hiện khác lạ của cơ thể trẻ, tuyệt đối không thể bỏ qua bởi nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
TS - BS Nguyễn Đức Long khuyến cáo, nếu thấy trẻ có các biểu hiện như: Da bị nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, phát ban… cần phải đến các trung tâm y tế kiểm tra và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, phụ huynh không nên mua cho con những loại mặt nạ hay đồ chơi có quá nhiều màu sắc và họa tiết.
Phải xem rõ nguồn gốc, sản phẩm đó đã được kiểm định về an toàn chất lượng chưa. Không nên ham rẻ hoặc chủ quan với các loại mặt nạ đồ chơi giá rẻ trôi nổi trên thị trường vì những sản phẩm này có thể khiến trẻ bị dị ứng và ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Quỳnh Bùi

Đà Nẵng: Xuất hiện showroom cấm cửa khách Việt, chỉ đón khách TQ

Theo Infonet-23.12.2015 | 07:42 AM

Đó là showroom H.A Cao su thiên nhiên ở 148 Xuân Thủy (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tuệ Dân. Họ khẳng định chỉ tiếp khách đoàn Trung Quốc chứ không cho 

Phản ánh với báo Infonet, chị Nguyễn Nho Văn Khanh (công tác tại Tổng Công ty Điện lực miền Trung) cho hay, người dân quanh khu vực Showroom H.A Cao su thiên nhiên ở 148 Xuân Thủy (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) rất bất bình khi showroom này chỉ cho khách Trung Quốc vào mua sắm mà tuyệt đối cấm khách Việt.
Thậm chí người dân chỉ tới đứng trước cửa showroom này cũng bị bảo vệ đuổi đi.
Và theo quan sát của chị Nguyễn Nho Văn Khanh thì cứ tầm 11h trưa là có mấy đoàn xe chở toàn khách Trung Quốc đến đây, khoảng 14h chiều thì lên xe rời đi. Để chứng minh cho phản ánh của mình, chị cung cấp cho báo Infonet một số hình ảnh dưới đây:
Đà Nẵng: Xuất hiện showroom cấm cửa khách Việt, chỉ đón khách TQ - Ảnh 1
Khách Trung Quốc...
Đà Nẵng: Xuất hiện showroom cấm cửa khách Việt, chỉ đón khách TQ - Ảnh 2
được xe của Công ty du lịch Kỳ nghỉ tuyệt vời đưa đến mua sắm tại showroom H.A Cao su thiên nhiên ở 148 Xuân Thủy (Ảnh do chị Nguyễn Nho Văn Khanh cung cấp)
Sáng 22/12, PV Infonet nhờ anh Trương Đình Đức, Giám đốc Công ty quảng cáo VietGroup, lái xe ô tô đóng giả khách du lịch đến showroom này để tìm hiểu thực hư.

Theo ghi nhận của PV, showroom này thuộc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tuệ Dân (148 Xuân Thủy).
Gọi là showroom song được xây dựng theo lối kín cổng cao tường, nhìn bên ngoài cứ như một cái lô cốt. Thậm chí mặt tiền của showroom cũng được thiết kế để không ai có thể nhìn thấy mọi hoạt động bên trong.
Xe chúng tôi vừa đến nơi liền bị những người đứng tại quầy lễ tân ở tiền sảnh showroom ném cho những cái nhìn đầy dò xét. Chúng tôi bước xuống xe, chưa kịp đến quầy lễ tân thì đã có một người đàn ông mặc áo sơ mi kẻ sọc, không có bảng tên, xưng là nhân viên bảo vệ tiến ra ngăn lại.
Đà Nẵng: Xuất hiện showroom cấm cửa khách Việt, chỉ đón khách TQ - Ảnh 3
Showroom H.A Cao su thiên nhiên của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tuệ Dân...
Dưới đây là cuộc đối thoại của chúng tôi với người đàn ông này:
PV: Nghe nói ở đây bán các mặt hàng làm từ cao su thiên nhiên nên chúng tôi muốn vào mua?
Người đàn ông: Ở đây chỉ bán theo đoàn chứ không cho khách lẻ vào!
PV: Đoàn là đoàn ra sao?
Người đàn ông: Chỉ bán cho đoàn khách của Công ty du lịch Quốc Đô chuyển tới thôi chứ không bán cho khách khác.
PV: Công ty du lịch Quốc Đô ở đâu?
Người đàn ông: Ở Đà Nẵng chứ đâu! (theo Phòng Quản lý Lữ hành, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng thì Công ty này mới đổi tên thành Công ty Kỳ nghỉ tuyệt vời (Beautiful Holiday), kinh doanh lữ hành quốc tế và chuyên về khách Trung Quốc, đúng như hình ảnh chiếc xe chở khách đến showroom này mà chị Nguyễn Nho Văn Khanh cung cấp cho Infonet!).
 Đà Nẵng: Xuất hiện showroom cấm cửa khách Việt, chỉ đón khách TQ - Ảnh 4
xây dựng theo kiểu kín cổng cao tường, nhìn bên ngoài cứ như một cái lô cốt!
PV: Đoàn nào cũng có thể đến đây mua hả ông?
Người đàn ông: Ở đây không cho bán riêng lẻ mà có đăng ký theo đoàn. Ví dụ mấy giờ đoàn đến thì báo trước và chỉ bán cho đoàn đó thôi!
PV: Khách vô đây thế nào mà thấy toàn chữ Tàu không vậy?
Người đàn ông (cười): Bán cho khách Trung Quốc thôi!
PV: Vậy là ở đây chỉ bán cho đoàn khách Trung Quốc thôi chứ không bán lẻ?
Người đàn ông: Bán cho đoàn khách Trung Quốc thôi chứ không bán lẻ.
Đà Nẵng: Xuất hiện showroom cấm cửa khách Việt, chỉ đón khách TQ - Ảnh 5
PV Infonet đóng giả khách du lịch bước vào thì bị người đàn ông này chặn lại từ ngoài cổng
PV: Ở đây bán sản phẩm cao su thiên nhiên là bán cái gì vậy ông?
Người đàn ông: Bán chăn, ra, gối, đệm! (anh Trương Đình Đức thắc mắc sao đi du lịch mà khách lại mua mấy thứ cồng kềnh như chăn, ra, gối, đệm nhưng người đàn ông không trả lời!)
PV: Chỉ bán chăn, ra, gối, đệm thôi thì sao lại không cho người dân vào mua?
Người đàn ông: Chỉ bán theo đoàn thôi!
Đà Nẵng: Xuất hiện showroom cấm cửa khách Việt, chỉ đón khách TQ - Ảnh 6
và ngăn không cho chụp ảnh!
PV: Chỗ này mở lâu chưa?
Người đàn ông: Mới cách đây khoảng nửa tháng!
PV: Thế khách du lịch Việt Nam đi theo đoàn có vô đây mua sắm được không?
Người đàn ông: Cái đó tôi không biết nữa, nhưng lâu nay không thấy có khách người Việt. Chỉ có khách Trung Quốc vô thôi!
Chúng tôi đưa máy ảnh chụp khu vực tiền sảnh để ghi lại tên showroom nhưng người đàn ông đưa tay ngăn ống kính: Ở đây không cho chụp hình!
PV: Vì sao không cho chụp ảnh?
Người đàn ông: Tôi không biết. Họ quy định như vậy!
Đà Nẵng: Xuất hiện showroom cấm cửa khách Việt, chỉ đón khách TQ - Ảnh 7
Người thanh niên áo đen này tiến ra cũng ngăn không cho chụp ảnh!
PV: Nếu tôi cứ chụp ảnh thì sao?
Người đàn ông: Họ không cho thì tôi nói với anh như rứa!
PV: Nhờ anh nói người nào quy định không cho chụp ảnh ra cho tôi gặp với!
Người đàn ông: Để tôi gọi quản lý ra cho anh gặp!
Đúng lúc đó có một người thanh niên mặt áo thun đen tiến đến, khẳng định thêm một lần nữa là showroom này không cho chụp ảnh!
Đà Nẵng: Xuất hiện showroom cấm cửa khách Việt, chỉ đón khách TQ - Ảnh 8
Không chỉ quầy bán nước dừa đặt trên tiền sảnh của showroom H.A Cao su thiên nhiên...
PV: Anh cho hỏi vì sao ở đây không cho chụp ảnh?
Người thanh niên: Đây là chỗ buôn bán của tụi tui, không có chụp ảnh, camera!
PV: Sao bọn tôi muốn vô đây mua hàng mà không được?
Người thanh niên: Bọn tôi hợp đồng với khách tour du lịch
PV: Thì bọn tôi cũng là khách du lịch, cũng muốn đi mua sắm vậy?
Người thanh niên: Bọn tôi không bán cho khách lẻ!
Đà Nẵng: Xuất hiện showroom cấm cửa khách Việt, chỉ đón khách TQ - Ảnh 9
mà cả một số hàng quán quanh đó...
PV: Chỉ bán cho khách Trung Quốc thôi hả?
Người thanh niên: Chỉ bán cho khách đoàn Trung Quốc, Hàn Quốc thôi. Tại vì có hợp đồng với bên khách du lịch mà!
PV: Giấy phép kinh doanh cho phép các anh làm như vậy hả?
Người thanh niên: Không phải! Nhưng bọn tôi có hợp đồng với bên tour. Với lại khách Việt Nam có nhiều người vô rồi nhưng không mua!
Đà Nẵng: Xuất hiện showroom cấm cửa khách Việt, chỉ đón khách TQ - Ảnh 10
PV: Chắc gì tất cả khách Trung Quốc vô đây đều mua hàng?
Người thanh niên: Nhưng mà bên tôi… Ví dụ như anh đừng có chụp hình thì anh có thể mua cũng được!
Đà Nẵng: Xuất hiện showroom cấm cửa khách Việt, chỉ đón khách TQ - Ảnh 11

 Đà Nẵng: Xuất hiện showroom cấm cửa khách Việt, chỉ đón khách TQ - Ảnh 12
cũng ghi bảng tên, bảng giá bằng tiếng Trung Quốc!
PV: Nãy giờ bọn tôi muốn vô mua mà không cho nè. Chỉ bán cho khách Trung Quốc mà không bán cho khách Việt Nam là sao?
Người thanh niên im lặng, không trả lời!
Theo quan sát của PV, dù nằm ở một quận vùng ven cách xa trung tâm TP, xa biển, xa sông Hàn và hầu như không có trong “bản đồ du lịch” của Đà Nẵng nhưng lượng khách Trung Quốc đến showroom H.A Cao su thiên nhiên đã khiến không chỉ quầy bán nước dừa đặt trên tiền sảnh của showroom mà cả một số hàng quán của người dân ở quanh đó cũng ghi bảng tên, bảng giá bằng tiếng Trung Quốc!

Đóng cửa nhà hàng “chui” ở vịnh Nha Trang

Theo NLĐO-21/12/2015 22:15

Việc xây dựng các công trình kiên cố trong khuôn viên dự án Nha Trang Sao từng bị phản đối vì lo ngại hủy hoại, phá vỡ cảnh quan môi trường vịnh Nha Trang

Sáng 21-12, UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp với các ban ngành liên quan chỉ đạo việc kiểm tra dự án Công viên Văn hóa, Giải trí, Thể thao Nha Trang Sao (dự án Nha Trang Sao) của Công ty CP Nha Trang Sao ở khu vực phía Đông đường Phạm Văn Đồng thuộc phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang (Báo Người Lao Động ngày 19-12 đã phản ánh).
Dự án Nha Trang Sao không chỉ được phép xây dựng các hạng mục kiên cố như nhà nghỉ, quán cà phê, nhà dịch vụ thể thao biển, khu thương mại dịch vụ (xây dựng ngầm) mà còn đến 5 hạng mục kiên cố khác (gồm 4 hạng mục nhà 1 tầng và 1 hạng mục kè dài 64 m) xây trái phép gần 1 năm nay, đe dọa cảnh quan, môi trường vịnh Nha Trang nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại.

Nhà hàng “chui” đã dỡ bảng hiệu, rào chắn Ảnh: KỲ NAM
Nhà hàng “chui” đã dỡ bảng hiệu, rào chắn Ảnh: KỲ NAM

Theo ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, tại cuộc họp, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh, đã giao Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và UBND TP Nha Trang kiểm tra toàn diện dự án Nha Trang Sao. “Những sai phạm của dự án Báo Người Lao Động đã phản ánh rồi nên các bên phải kiểm tra lại và báo cáo cụ thể cho UBND tỉnh ngay trong tuần này để có hướng xử lý tiếp theo” - ông Bông nói.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Chánh Văn phòng UBND TP Nha Trang, cho hay việc kiểm tra dự án tỉnh Nha Trang Sao thuộc thẩm quyền chính của Sở Xây dựng Khánh Hòa. Trước đây, đoàn kiểm tra liên ngành do Phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang chủ trì đã kiểm tra nhà hàng “chui” nằm trong khuôn viên dự án Nha Trang Sao nhưng vì sao kiểm tra rồi mà nhà hàng “chui” vẫn tiếp tục hoạt động thì ông Thiện không rõ và chỉ sang ông Lê Tiến Vĩnh, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang. Thế nhưng, ông Vĩnh lại cho rằng mình không được quyền phát ngôn. Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc để hỏi về vấn đề này nhưng không thể liên lạc được với ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, còn ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở TN-MT, lại bận họp, không thể trả lời.
Sáng cùng ngày, các bảng hiệu của nhà hàng “Làng hải sản Đại Dương” đã được tháo dỡ. Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Nha Trang Sao, xác nhận đã ký quyết định đóng cửa vĩnh viễn nhà hàng này. Riêng hạng mục kè chắn sóng đổ lấn vịnh Nha Trang, ông Dũng cho rằng đấy chỉ là giải pháp thi công, công ty sẽ dỡ ra để trả lại mặt vịnh khi thi công xong.

Trước đó, ngay khi lấy ý kiến triển khai dự án Nha Trang Sao, nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản đối, trong đó có Hội Nghề cá Khánh Hòa cũng như một số tổ chức trong Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa. “Họ thi công như thế chắc chắn là hủy hoại môi trường rồi. Chúng tôi đã có ý kiến phản đối việc này nhưng tỉnh vẫn cho xây dựng thì thôi chứ biết nói làm sao” - ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, nhấn mạnh. 


HỒNG ÁNH

Kiểm tra dự án lấn vịnh Nha Trang: “Chuyện nhà nước, anh hỏi làm gì?”

Theo NLĐO-23/12/2015 05:00

Về việc múc san hô bên ngoài bờ kè đến hơn 20 m và sâu 3 m, đại diện chủ đầu tư cho rằng đấy chỉ là san hô chết và múc lên để cải tạo bãi tắm (?)

Sáng 22-12, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Khánh Hòa gần 20 người thuộc các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng TP Nha Trang đã kiểm tra toàn diện dự án Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao (còn gọi là Nha Trang Sao) của Công ty CP Nha Trang Sao (thuộc phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang).
Làm xong sẽ múc lên?
Sau khi kiểm tra hiện trường thi công tại bờ kè phía Nam dự án, thời gian còn lại đoàn kiểm tra hồ sơ trong phòng họp kín, phóng viên không được dự. Kết thúc kiểm tra, ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc điều hành Công ty CP Nha Trang Sao, có cuộc tiếp xúc báo chí và cho biết đoàn chưa có kết luận gì. Ông Dũng thừa nhận đại diện chùa Từ Tôn (nằm trên di tích danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ) cũng đã có ý kiến với chủ đầu tư về việc đổ đất lấn gần Hòn Đỏ; đồng thời cho biết trước khi đoàn kiểm tra, chủ đầu tư đã nhiều lần làm việc với UBND tỉnh để làm rõ việc có lấn biển hay không.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Khánh Hòa đang kiểm tra thực địa dự án Nha Trang Sao Ảnh: KỲ NAM
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Khánh Hòa đang kiểm tra thực địa dự án Nha Trang Sao Ảnh: KỲ NAM
Về việc đơn vị này đã múc san hô bên ngoài bờ kè đến hơn 20 m và sâu 3 m, ông Dũng cho rằng đấy chỉ là san hô chết và múc lên để cải tạo bãi tắm (?). Về kè đá dài hơn 64 m không có trong giấy phép xây dựng, ông Dũng nói đấy chỉ là giải pháp thi công. “Chúng tôi cũng không có đổ đá xuống biển. Đá ấy chỉ ở lớp mặt thôi, bên dưới kè là san hô chết hết đấy. Làm xong chúng tôi sẽ múc lên” - ông Dũng phân bua rồi cho biết sắp tới, khi triển khai hạng mục quảng trường sinh hoạt cộng đồng dân cư (phía ngoài cùng dự án), chủ đầu tư cũng sẽ tiếp tục làm kè.
Chiều cùng ngày, phóng viên Báo Người Lao Động liên lạc với ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, để được thông tin về kết quả kiểm tra, ông Sơn trả lời: “Đấy là chuyện của nhà nước. Anh hỏi làm gì cái chuyện của tôi?”. Ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, cho hay đã xếp lịch để đoàn kiểm tra báo cáo kết quả kiểm tra cho lãnh đạo tỉnh vào chiều 25-12.
Theo ông Trương Kỉnh, Trưởng BQL vịnh Nha Trang, trước khi triển khai dự án này, chủ đầu tư không hề lấy ý kiến của ban. “Chúng tôi nói rõ việc triển khai dự án này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường vịnh Nha Trang” - ông Kỉnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Kỉnh, BQL vịnh Nha Trang chỉ là một trong những thành viên tham gia hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ TN-MT. Khi họp hội đồng, ban đã có ý kiến về việc nếu moi san hô lên tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến hải sản ven bờ sống trú ngụ dưới rạn san hô, chưa kể sẽ tác động đến bờ biển.
“Cần có giải pháp để cản sóng biển, thủy triều. Trước đây, rạn san hô như một con đê chắn sóng rất tốt rồi. Bây giờ moi nó lên thì phải có giải pháp thay thế, nếu không thì sóng sẽ gây xói lở” - ông Kỉnh nói, đồng thời lưu ý  khu vực triển khai dự án là nơi mà nhiều người dân làm nghề biển tập kết ghe thuyền nên khi triển khai dự án cần có giải pháp giúp đỡ người dân.
Hủy hoại môi trường
Nói tới Nha Trang Sao, ông Bùi Mau, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Khánh Hòa, nhắc đến báo cáo phản biện về quy hoạch khu vực phía Đông đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng của TP Nha Trang (trong đó có dự án Nha Trang Sao) vào năm 2014 của Liên hiệp. Theo đó, liên hiệp đã cảnh báo khu vực này là hết sức nhạy cảm bởi mọi công trình ở đây đều ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường ven biển, nơi mà cộng đồng người dân và du khách tận dụng cho các hoạt động công cộng là chủ yếu như tắm biển, đi bộ, thể dục.
Báo cáo này nhận định: “Việc bố trí các khách sạn cao tầng, các trung tâm thương mại, các công trình ngầm ở phía Đông sẽ phá vỡ đặc thù và cảnh quan tự nhiên của vịnh biển Nha Trang”. Báo cáo cũng chỉ ra việc quy hoạch xây dựng một loạt công trình kiên cố với quy mô lớn cả trên mặt đất, trong lòng đất và đất cũng như mặt nước ven biển ở khu vực này là hủy hoại môi trường sống của cây xanh trên bờ vịnh, ngăn chặn sự lưu thông tuần hoàn tự nhiên của nền đất ven bờ hiện có làm ảnh hưởng đến sự sinh sống, phát triển của cây xanh và hoạt động sinh hoạt của cộng đồng.
“Không cho xây dựng các công trình kiên cố trong khu vực Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao vì vùng này khi nước triều rút bãi đá sẽ nhô lên, kéo dài hàng trăm mét, nếu khai thác phải lấn biển nhiều làm ảnh hưởng đến cảnh quan di tích Hòn Chồng và Hòn Đỏ” - báo cáo của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Khánh Hòa nhấn mạnh.
Cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị giám sát
Ông Trương Kỉnh khẳng định có nghe việc triển khai dự án Nha Trang Sao lấp vịnh Nha Trang. Cần phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị nào được giao giám sát việc thi công. Lẽ ra, khi thực hiện dự án cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thi công của chủ đầu tư có đúng với thiết kế được duyệt, với giấy phép, diện tích được cấp hay không; có lấp, lấn vịnh hay không.
“Tôi nghĩ UBND tỉnh nên giao cho một đơn vị hiểu rõ về vịnh Nha Trang về những tác động trong quá trình thi công đến môi trường sinh thái cũng như cộng đồng người dân sống nhờ vào vịnh để kiểm tra, giám sát thường xuyên” - ông Kỉnh nói.

Hồng Ánh - Kỳ Nam

Trên 8.000 tấn thủy sản xuất khẩu bị... trả về

Theo Lê Bền (Nông nghiệp Việt Nam)-21/12/2015 14:54

Năm 2015, trong khi tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm chỉ xảy ra nhỏ lẻ, không có nhiều nghiêm trọng thì tình hình dịch bệnh trên thủy sản vẫn diễn biến khá phức tạp.

Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt các lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị trả về do dính các mầm bệnh và dư lượng kháng sinh, vi sinh vật gây hại...
Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu
Tại hội nghị tổng kết công tác thú y năm 2015, triển khai công tác năm 2016 của Cục Thú y tổ chức cuối tuần qua, cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2015, đã có trên 8.000 tấn thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị các nước trả về do dính vi phạm.

Trên 8.000 tấn thủy sản xuất khẩu bị... trả về

Cụ thể, theo báo cáo của cơ quan thú y cửa khẩu, từ tháng 1 đến tháng 9-2015, đã có 14 lô hàng cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu (như Tây Ban Nha, xuất khẩu sang Úc và 1 lô hàng tôm sú luộc xuất khẩu sang Đức bị trả về do nhiễm tổng số vi khuẩn vượt mức tối đa cho phép.
Các sản phẩm bị trả về phần lớn là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nước ta như tôm đông lạnh, các tra phi lê đông lạnh, thịt ngao làm chín…, với các nguyên nhân chủ yếu như: nhiễm kháng sinh, nhiễm vi sinh vật gây hại vượt mức cho phép; nhiễm các mầm bệnh trên tôm (như bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng…) thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE); đóng gói sai quy cách, sai thông tin…
Theo đánh giá của Cục Thú y, việc các lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị các nước trả về trước đây hàng năm đều có, nhưng trong hai năm 2014 và năm 2015 tình hình có dấu hiệu nghiêm trọng (năm 2014 đã có trên 24 nghìn tấn bị trả về).
Mặc dù xét trên tổng lượng thủy sản xuất khẩu , số lô hàng bị trả về không lớn, nhưng việc bị các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… cảnh báo và trả về là điều đáng báo động.
Nguyên nhân của tình trạng này ngoài việc một số DN chế biến xuất khẩu thủy sản sử dụng kháng sinh trong bảo quản, áp dụng HACCP lỏng lẻo, chưa xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng..., cũng cho thấy chương trình giám sát chất lượng và kiểm soát dịch bệnh trên thủy sản nuôi của cơ quan chức năng Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó trưởng phòng Thú y Thủy sản (Cục Thú y) đánh giá: Sở dĩ tình hình nhiễm dư lượng kháng sinh, vi sinh vật và dịch bệnh trên thủy sản xuất khẩu liên tiếp trong 2 năm 2014 – 2015 hết sức phức tạp bởi việc lấy mẫu, giám sát tại các vùng thủy sản nuôi còn gặp rất nhiều hạn chế, nhất là vấn đề kinh phí rất khó khăn. Trong khi đó, nhiều địa phương rất không quan tâm tới công tác giám sát dịch bệnh thủy sản.
“Hiện mới chỉ có 15 tỉnh phê duyệt kinh phí cho chương trình giám sát dịch bệnh và chất lượng thủy sản nuôi, với tổng kinh phí khoảng 20 tỉ đồng cho năm 2016, trong khi yêu cầu kinh phí rất lớn. Nếu không quyết liệt và bổ sung kinh phí, nguy cơ đánh mất các thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam do dính vi phạm chất lượng là rất nguy hiểm” – ông Long cảnh báo.
Theo tổng hợp của Cục Thú y, năm 2015, đã có trên 56 nghìn ha thủy sản nuôi trồng tại các tỉnh bị thiệt hại, tăng gần 5% so với năm 2014 cùng trên 31 nghìn lồng bè nuôi thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh. Trong đó, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại trên 52 nghìn ha, tăng 2,3% so với năm trước.
Đặc biệt, bệnh hoại tử gan tụy trên tôm năm 2015 tăng rất mạnh, gây hại trên diện tích hơn 9.200 ha (so với 5.500 ha năm2014). Bên cạnh những hạn chế về kinh phí trong triển khai giám sát dịch bệnh thủy sản, nhiều địa phương cho biết hạn chế về nhân lực cán bộ cũng đang khiến công tác này gặp không ít khó khăn.
Theo Cơ quan Thú y Vùng VII, hiện cơ quan này chỉ có tổng cộng 15 cán bộ, nhưng phải quản lí tới 10 tỉnh trọng điểm nuôi trồng thủy sản (5 tỉnh nuôi tôm và 5 tỉnh nuôi cá) vùng ĐBSCL.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng một số tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu năm 2014 là tâm điểm của dịch bệnh trên tôm, tuy nhiên năm 2015, nhờ các tổ công tác của Cục Thú y phối hợp với các địa phương quyết liệt triển khai nên năm 2015 dịch bệnh đã giảm mạnh.
Mới đây, Bộ NN-PTNT cũng đã tổ chức hội nghị toàn cầu về dịch bệnh thủy sản, qua đó đã được OIE trực tiếp cử đoàn công tác sang giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh trên thủy sản. Năm 2015, nhiều địa phương đã kiện toàn bộ máy thú y, đưa thú y thủy sản về Chi cục Thú y các tỉnh quản lí. Tuy nhiên, việc kiện toàn bộ máy tổ chức vẫn sẽ là yêu cầu phải thực hiện quyết liệt trong năm 2016.
Thiếu nhân lực trầm trọng
Thiếu hụt nhân lực cũng đang là bài toán nan giải đối với hệ thống kiểm dịch động vật các cửa khẩu hiện nay.
Lực lượng kiểm dịch nhiều cửa khẩu đang thiếu trầm trọng
Lực lượng kiểm dịch nhiều cửa khẩu đang thiếu trầm trọng
Theo ông Hoàng Ngọc Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch đông vật vùng Lạng Sơn (Cục Thú y), đơn vị này phải quản lí tất cả các cửa khẩu trên phạm vi 231km biên giới của tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên cả đơn vị hiện chỉ có 9 kiểm dịch viên, cùng 4 trạm trưởng.
Để có đủ nhân lực, đơn vị đã phải thuê nhân viên kiểm dịch theo hợp đồng, nhưng lực lượng này lại không có chức năng được ký tên, trong khi 4 trạm trưởng không thể nào chạy đi chạy lại trên phạm vi hàng trăm kilomet biên giới để xác nhận.
Cũng theo ông Tuyên, theo chức năng nhiệm vụ thì Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn phải kiêm việc kiểm dịch cho cả tỉnh biên giới Cao Bằng, tuy nhiên do không có cán bộ nên đến nay, thực tế việc kiểm dịch tại Cao Bằng gần như chưa làm được gì, mà đang phải giao cho Chi cục Thú y Cao Bằng quản lí.
Cả tỉnh Cao Bằng có tới 13 lối mở, nay thực ra là các cửa khẩu phụ hoặc cửa khẩu chính, có lượng hàng hóa rất khổng lồ. Tuy nhiên việc kiểm dịch ở đây đang hoàn toàn thả lỏng.
“Các vị có biết ở Cao Bằng họ kiểm dịch thế nào không? Đó là DN họ chỉ cần cầm giấy kiểm dịch đầu vào đưa lên Chi cục Thú y đóng dấu, còn giám sát hiện trường gần như không có ai thực hiện” – ông Tuyên lo lắng cho biết.
Cũng về vấn đề nhân lực, ông Dương Tất Thắng, Giám đốc Cơ quan Thú y Vùng III cho biết: Hiện cửa khẩu quan trọng như Nậm Cắn (Nghệ An) nhưng chỉ cắm duy nhất một cán bộ kiểm dịch. Trong khi đó nhiều năm qua, việc kiểm dịch tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) vẫn do Chi cục Thú y Quảng Trị thực hiện, đơn vị này đã nhiều lần đề nghị chuyển sang cho Cơ quan Thú y Vùng III quản lí theo chức năng nhưng vẫn chưa thể thực hiện.
Công tác quản lí an toàn thực phẩm, kiểm soát tồn dư kháng sinh, nhất là trên thủy sản năm 2015 chưa có tiến triển tốt, kiểm soát cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa đạt được mục tiêu mong đợi.

Năm 2016, Cục Thú y phải khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ trước tháng 5-2016 các nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thú y (có hiệu lực từ 1-7-2016), đồng thời cùng với các đơn vị khác triển khai quyết liệt đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm từ nay đến sau Tết Nguyên đán, nhất là tại Hà Nội và TP HCM, phấn đấu từ nay đến sau Tết không để xảy ra dịch bệnh lớn, gây xáo trộn tới sản xuất và tiêu dùng.
Về cơ cấu tổ chức, hiện vẫn còn 5 tỉnh chưa đưa thú y thủy sản về Chi cục Thú y. Hai tỉnh Quảng Ninh và Hà Tĩnh đã nhập các trạm thú y về huyện, điều này là trái với Luật Thú y, phải có hướng dẫn chỉ đạo để thực hiện đúng tổ chức. Về biên chế, chủ trương Bộ sẽ tăng biên chế cho các cửa khẩu, đề nghị các đơn vị cần rà soát để kịp thời bổ sung đáp ứng yêu cầu.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám


Nguyễn Tấn Dũng 'chê' ghế tổng bí thư?

Tư Ngộ/Người Việt-12-21- 2015 8:12:28 PM 

HÀ NỘI (NV) - Cuộc họp của Trung Ương Đảng CSVN kỳ thứ 13 vừa kết thúc và người ta cũng thấy kèm theo loan báo Đại hội Đảng kỳ thứ 12 sẽ diễn ra từ ngày 20 đến ngày 28 Tháng Giêng 2016.

Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng. (Hình: Getty Images)

Trước cuộc họp của Trung Ương Đảng CSVN, một vài tháng gần đây người ta thấy các tờ báo chính thống của chế độ đã loan báo những điều chính yếu nằm trong cuộc họp này như “thông qua danh sách ứng cử viên Bộ Chính Trị,” “Đề cử 4 chức danh chủ chốt.”

Một trong những điều bất thường đáng chú ý cũng thấy loan báo là việc “quy định 3 độ tuổi” cho những người được cơ cấu vào “trung ương đảng.” Họ được chia thành 3 nhóm tuổi gồm “dưới 50, 50-60 và từ 61 tuổi trở lên.”
Trong bản tin của TTXVN, nếu ngoài độ tuổi “theo quy định” thì “Bộ Chính Trị cân nhắc, trình Ban Chấp Hành Trung Ương xem xét, quyết định việc đề cử với Đại Hội Đảng.”

Tuy nhiên, không hề có quy định nào về “độ tuổi” cho 4 ghế được gọi là “tứ trụ triều đình” gồm tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc Hội nên nó tùy thuộc hoàn toàn vào sự đấu đá phe cánh trong nội bộ.
Trong số 16 người trong Bộ Chính Trị CSVN đương nhiệm, mà một số trong nhóm này sẽ bị đẩy về hưu, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã 71 tuổi, Nguyễn Sinh Hùng 69 tuổi, Tô Huy Rứa và Ngô Văn Dụ 68 tuổi, 5 người gồm Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh, Phùng Quang Thanh, Phạm Quang Nghị đều 66 tuổi, Lê Thanh Hải 65 tuổi, Đinh Thế Huynh và Nguyễn Thiện Nhân 62 tuổi, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Thị Kim Ngân đều 61 tuổi và tướng công an Trần Đại Quang nhỏ tuổi nhất là 59 tuổi.

Trong khi cuộc họp Trung Ương đảng kỳ thứ 13 (mà người ta dự đoán sẽ còn một kỳ họp nữa vào đầu năm tới trước khi diễn ra đại hội đảng) đang diễn ra, người ta thấy phổ biến trên mạng một bức thư có chữ ký và con dấu “thủ tướng chính phủ” của ông Nguyễn Tấn Dũng.

Bức thư đề ngày 10 tháng 12, 2015 của người có tên Nguyễn Tấn Dũng gửi cho Bộ Chính Trị và cả Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng và Uy Ban Kiểm Tra Trung Ương, giải thích 12 điểm trong các lá đơn tố cáo ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng các tội từ “điều hành kinh tế xã hội nhiều sai lầm, gây hậu quả nghiêm trọng,” “kích động đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc,” “kêu gọi thay đổi thể chế và phát động dân chủ,” là thông gia của “đại tá tình báo Mỹ” con rể là Việt kiều Mỹ và con gái ông ôm một khối tài sản khổng lồ có cổ phần hay làm chủ nhiều công ty, ngân hàng, kéo bè kết đảng “lợi ích nhóm” cũng như tạo “đặc quyền đặc lợi” cho các con và họ hàng.

Trang đầu lá thư nói là của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi tổng bí thư đảng và Bộ Chính Trị đảng CSVN. (Hình: basam)

Không ai có thể kiểm chứng tính xác thực của bức thư khi nó lan truyền trên các mạng xã hội và các nguồn thông tin “lề trái” ngoại trừ nó được đăng tải trên hệ thống thông tin tuyên truyền của chế độ.

Bức thư nhằm giúp ông Nguyễn Tấn Dũng chống đỡ các công kích nhằm vào ông ta khi đang có cuộc chạy đua vào 4 cái ghế “tứ trụ triều đình.”

Tin đồn đoán hay sự phân tích, thời gian gần đây, của một số chuyên gia theo dõi nội tình chính trị Việt Nam đều nêu ra chỉ dấu là Nguyễn Tấn Dũng có vẻ “thượng phong” cho cái ghế tổng bí thư.

Dư luận đồn đoán ghế này có nhiều hơn một người nhắm xí phần, ngoài ông Dũng, còn có Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang, Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh, chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Nhưng trong bức thư gửi tổng bí thư và bộ chính trị của cái ông có tên Nguyễn Tấn Dũng nào đó, khi phản bác lại lời tố cáo ông “hình thành nhóm lợi ích” gồm cả người đương chức và nghỉ hưu “bằng các thủ đoạn nhằm giành cho được chức tổng bí thư tiến tới làm tổng thống và thay đổi chế độ, thay đổi Đảng” thì cái ông Nguyễn Tấn Dũng này “khẳng định ý kiến này là vu không, bịa đặt.”

Không những vậy, cái ông Nguyễn Tấn Dũng này còn viết trong lá thư rằng “Tôi đã ghi rõ nguyện vọng gửi đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là: TÔI XIN KHÔNG TÁI CỬ.”

Bức thư phổ biến trên mạng đã kéo theo rất nhiều lời bình luận từ sự thật giả của bức thư đến lời xác định “không tái cử.” Nó có thể từ phe ông thủ tướng tung ra để giúp ông giải thích, chống đỡ các đòn đánh phá, nếu bức thư có vẻ thật. Nhưng với phe cánh muốn đập Nguyễn Tấn Dũng, có thể bức thư là đòn chơi cao tay hơn. Tức là sự nghi ngờ tiềm ẩn dưới lời giải thích có thể đưa đến kết quả trái ngược.

Năm ngoái, người ta thấy xuất hiện trang mạng “Chân Dung Quyền Lực” (CDQL) phơi bày nhiều khuôn mặt trong nhóm chóp bu của đảng CSVN có những tài sản khổng lồ cả tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Tuy nhiên, không thấy lộ ra một chi tiết nào về ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên có những lời đồn đoán trang này là của phe ông thủ tướng. Rất nhiều tài liệu, hình ảnh được phơi bày trên trang CDQL không phải ai cũng có thể tiếp cận được ngoài một số bộ phận tình báo, an ninh chính trị nội bộ của chế độ.

Từ mấy tuần nay, người ta chỉ thấy những tố cáo nhằm vào ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà không thấy nhắm vào các đối thủ khác của ông.

Trang cuối bức thư nói là của ông Nguyễn Tấn Dũng gửi ông tổng bí thư và Bộ Chính Trị đảng CSVN. (hình: basam)

Hồi tháng 9, 2015, ông Nguyễn Tấn Dũng bị 3 ông giáo sư đã nghỉ hưu của “Học viện chính trị quốc gia HCM” gửi đơn tố cáo tới Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng nói “hiện nay trong đảng ta lại có một nhóm tích cực vận động cho đồng chí Nguyễn Tấn Dũng làm tổng bí thư nhiệm kỳ XII của Đảng...”

Thư tố cáo nêu ra sai lầm của ông Dũng khi tuyên bố với báo chí nước ngoài là “kích động sự đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc.”

Cũng vào dịp này, Nguyễn Thanh Phượng, con gái ông thủ tướng cũng bị ba ông đó cáo buộc có quốc tịch Mỹ mà bà này viết thư phản bác nói “xin các bác không vu khống, bịa đặt.”

Cũng không có thể kiểm chức tính xác thật các phóng ảnh thư của 3 ông giáo sư Lưu Văn Sùng, Đỗ Thế Tùng và Nguyễn Đình Kháng cũng như lá thư phản bác kèm cái copy “Chứng minh nhân dân” quốc tịch Việt Nam của bà Phượng.

Hiện không thấy có những rò rỉ khả tín nào về 4 chức danh chủ chốt “tứ trụ triều đình” đỏ tại Việt Nam sẽ chính thức công bố vào cuối cuộc họp đại hội đảng CSVN đầu năm tới. Nhưng không ai tin rằng cái chế độ ở Hà Nội hiện nay sẽ lột xác để giúp đất nước thoát khỏi tụt hậu so với các nước khu vực, hết độc tài, tham nhũng.

Bởi, cái chế độ đó đã không đặt quyền lợi quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của đảng

Dân khố khổ ‘chờ điều tra’, hàng tấn gia vị hôi thối

BẾN TRE (NV) Người dân ở 2 xã thuộc huyện Châu Thành khốn khổ bởi hơn 4 tấn gia vị quá hạn sử dụng hôi thối bị đổ lén tràn lan ra môi trường, bốc mùi khó chịu trong khi chính quyền vẫn “chờ điều tra xử lý.”



Hàng tấn gói gia vị hết hạn sử dụng đổ tràn lan ra bãi đất trống tại xã Tiên Thủy đang khiến người dân lo lắng. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

Theo tin báo Lao Ðộng, đã hơn 1 tháng qua, người dân ở 2 ấp Chánh Ðông, xã Tiên Thủy và ấp Phú Thành, xã Quới Thành, huyện Châu Thành đồng loạt phản ánh về việc khoảng 4 tấn gia vị dạng lỏng đã hết hạn sử dụng bị người lạ lén đổ vào khu nghĩa địa phía sau của Tòa Thánh Châu Minh, Hội Thánh Cao Ðài Thiên Thiên, giáp ranh hai xã đang gây ô nhiễm trầm trọng.

Ấy vậy mà kể từ khi phát hiện sự việc đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có hướng giải quyết và cũng không công bố cho người dân biết thực chất đó là chất gì, liệu có gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân hay không, nên khiến nhiều người cảm thấy hoang mang.

Ông Nguyễn Văn Châu (61 tuổi), ở xã Quới Thành, gần khu vực trên phản ánh: “Nếu tình trạng này không được giải quyết sớm, một khi đống gia vị này bị xì ra, thì người dân không biết làm sao để thở.”

Theo mô tả của phóng viên Tuổi Trẻ, đống gia vị nói trên vẫn chất thành đống cao ngay tại điểm ban đầu, các bao bì bằng nhựa khoảng 2 ký/bao, bên trong chứa 20 bịch nước gia vị dạng lỏng màu vàng sậm ghi: Chu Chee Sauce, Tom Yum Paste... có hạn sử dụng đến tháng 7, 2014.

Người dân tại đây cho biết, khi có người dùng xe ba bánh Trung Quốc chở hàng ngàn bao gia vị đến đổ do không ai quan tâm nên mãi đến hơn 20 ngày sau, khi số hàng này xì ra bốc mùi hôi thì người dân mới báo với chính quyền.

Tuy nhiên, trả lời với Tuổi Trẻ ngày 22 tháng 12, ông Ðặng Văn Trường, lãnh đạo Phòng Cảnh Sát Môi Trường, công an tỉnh Bến Tre cho biết, hiện vụ việc đang được giao cho công an huyện Châu Thành điều tra.


Trước thông tin có một số người từ tỉnh Tiền Giang dự định chở số gia vị hết hạn sử dụng này về để làm phân bón, ông Trường cho rằng: “Cơ quan chức năng đã niêm phong tang vật để điều tra nên không có chuyện để người dân tự ý mang đi được.” (Tr.N)

12-22- 2015 3:29:45 PM 

Cán bộ VKS không được công nhận gia đình văn hóa vì...ở dơ

NHẤT NGUYÊN-22/12/2015 22:29 
TTO - Hàng xóm cho biết ông H. thường không tham gia các hoạt động của tổ dân phố, sống khép kín, ít quan tâm đến xóm giềng. 
Trước nhà ông H. quanh năm dơ bẩn làm ảnh hưởng đến bộ mặt khu dân cư..
Ngày 22-12, tin từ UBND phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, cho hay chủ tịch kiêm trưởng Ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phường vừa có văn bản gửi lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bình Phước thông báo gia đình ông Lê Quốc H. (ngụ tổ 9, khu phố 2, phường Tân Đồng) hiện đang công tác tại Viện KSND tỉnh không đạt gia đình văn hóa năm 2015.
Lý do gây ô nhiễm môi trường, không thực hiện các qui định của địa phương.
Chiều cùng ngày, một vị lãnh đạo UBND phường Tân Đồng cho biết: “Việc bình xét gia đình văn hóa được phường thực hiện chặt chẽ, thông qua các bước, đầu tiên là tổ dân phố bình xét, kế đến khu phố, sau đó mới đến phường thông qua kết quả.
Mặc dù là cán bộ, đảng viên và được các gia đình ở tổ dân phố nhắc nhở nhưng gia đình anh H. vẫn bỏ ngoài tai. Việc gửi thông báo lên lãnh đạo Viện để việc thực hiện phong trào được tốt hơn, không để con sâu làm rầu nồi canh”.