NGỌC QUANG 18/04/15 07:58
(GDVN) - Với luật hiện hành, người bị kết án tử hình đồng thời phải khắc phục hậu quả thì Nhà nước không thu được đồng nào cả.
Vấn đề nộp tiền khắc phục hậu quả có thể thoát án tử hình một lần nữa lại được đặt ra tại Bộ Tư pháp chiều 17/4.
Thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt hơn 10%
Cụ thể, dự thảo Bộ luật Hình sự do Bộ Tư pháp trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tháng 4 vừa qua có đề nghị mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế.
Theo đó, ngoài hai đối tượng là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định hiện hành thì bổ sung thêm đối tượng nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra.
Cụ thể, đối tượng tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất là 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Theo ông Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, qua 14 năm tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự cho thấy, tỷ lệ thu hồi tài sản đối với các loại tội phạm về tham nhũng rất thấp, chỉ hơn 10%.
Vì thế dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề xuất không bỏ án tử hình đối với tội phạm về tham nhũng. Nhưng bên cạnh đó có thêm quy định, người phạm tội nếu khắc phục ít nhất ½ hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra cho Nhà nước thì có thể được xem xét giảm án từ tử hình xuống chung thân.
Ông Dũng thông tin: "Bài toán đặt ra là nếu cứ thi hành như hiện nay, người bị kết án tử hình cứ tử hình, đồng thời phải chấp hành khắc phục hậu quả thì Nhà nước không thu được đồng nào cả.
Qua nghiên cứu, đặc biệt học hỏi kinh nghiệm chống tham nhũng của Trung Quốc, chúng tôi đưa vào dự thảo quy định mới này nhằm giúp Nhà nước có thể thu được một khoản tiền nhất định do tham nhũng mà có".
Nếu Bộ luật hình sự (sửa đổi) được thông qua, những trường hợp như Dương Chí Dũng có thoát án tử hình? ảnh: TTXVN. |
Tuy nhiên, cũng từ đề xuất mới này, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn, liệu có xảy ra bất công bằng trong đời sống xã hội hay không, vì những người có tài sản hoặc có khả năng huy động tiền để khắc phục hậu quả sẽ thoát tử hình; còn người không có tiền thì không được xem xét. Về thắc mắc trên, ông Trần Văn Dũng cho biết, Bộ Tư pháp tiếp thu và sẽ có phản hồi trong thời gian tới.
Theo ban soạn thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), qua tham khảo ở một số quốc gia như Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, hình phạt tử hình chỉ nên áp dụng đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc loại tội chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; xâm phạm tính mạng con người; tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật Hình sự quy định.
Trên tinh thần đó, dự thảo luật bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh: Cướp tài sản; Phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Chống mệnh lệnh; Đầu hàng địch; Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Chống loài người; Tội phạm chiến tranh.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội - ông Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị giữ lại 5 mức án tử hình, chỉ bỏ tử hình đối với hai tội: Cướp tài sản; Phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
"Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị là từng bước bỏ án tử hình chứ không phải bỏ hoàn toàn", ông Sơn nói.
Đề nghị không xử tử hình người vận chuyển ma túy
Dự thảo bộ luật tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 của BLHS hiện hành) thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn đối với các tội danh khác thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội - ông Ksor Phước cho rằng, hiện nay đối tượng bị kết án tử hình đa số liên quan đến tội ma túy, trong đó tội vận chuyển ma túy bị xử nặng và nhiều nhất. Bị cáo là người làm thuê vì lợi nhuận cao, do vậy nên nghiên cứu xây dựng nhà nước pháp quyền văn minh chúng ta bỏ dần và bỏ hẳn mức tử hình đối với tất cả các tội này.
Ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng ủng hộ đề xuất này.
"Đối với tội liên qua đến ma túy nên tách ra, chỉ xử tử hình với người cầm đầu, tổ chức vận chuyển trên quy mô lớn kéo dài, chứ không áp dụng với người vì mưu sinh mà phạm tội", ông Khánh nêu quan điểm.
Một điểm khác đáng chú ý trong dự thảo luật là đề nghị bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình với người từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc ở thời điểm thi hành án.
Việc bổ sung đối tượng này vào diện không áp dụng hình phạt tử hình nhằm thể hiện chính sách hình sự nhân đạo đối với những người đã đến tuổi thượng thọ - đối tượng được hưởng chế độ chúc thọ, mừng thọ của Nhà nước; được đặc cách hưởng chính sách bảo trợ xã hội.
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến không đồng tình khi áp dụng bỏ án tử hình với những người phạm tội ở tuổi 70.
Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: "Nên tăng độ tuổi này lên thành 80 tuổi, bởi vì hiện nay tuổi thọ trung bình của ta đã tăng, chứ người 70 tuổi còn khỏe lắm, chưa gọi là già được".
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng ủng hộ quan điểm này và đề nghị tăng tuổi không áp dụng án tử hình.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với cả tội rất nghiêm trọng do vô ý (theo quy định hiện hành chỉ áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng).
Đồng thời, quy định trường hợp người bị kết án không thực hiện các nghĩa vụ thì hình phạt này được chuyển thành hình phạt tù có thời hạn theo tỷ lệ cứ 3 ngày cải tạo không giam giữ bằng 1 ngày tù nhằm tăng tính cưỡng chế và ý nghĩa răn đe, phòng ngừa của hình phạt cải tạo không giam giữ.
Bổ sung quy định về trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.
Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 4 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày trong một tuần. Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với người già yếu, phụ nữ có thai.