Trang mạng của báo Thanh Niên trong nước vừa xóa một bản tin ngắn đã đăng vào hôm Thứ Ba 20/06, về việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Cộng đang hoạt động ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, trong khu vực đang được phân định giữa Việt Nam và Trung Cộng.
Theo thông báo ngày 16 tháng 6 của Cục Hải Sự Trung Cộng, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ hoạt động ngay gần cửa vịnh Bắc Bộ, cách đảo Hải Nam 74 hải lý về hướng nam, trong ba tháng, từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 9 năm nay.
Tọa độ của giàn khoan này, theo thông tin của Trung Cộng, là 17 độ 9 phút 7 giây vĩ Bắc và 110 độ 2 phút 9 giây kinh Đông.
Được biết hồi tháng Tư năm ngoái, Trung Cộng cũng đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến vị trí gần sát tọa độ vừa nêu. Khi đó, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao CSVN tuyên bố, Việt Nam “kiên quyết phản đối”, và yêu cầu Trung Cộng lập tức rút giàn khoan ra khỏi khu vực này.
Đại diện Bộ Ngoại Giao CSVN cũng đã gặp đại diện tòa đại sứ Trung Cộng tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.
Dư luận mạng Việt Nam đang quan tâm tại sao Bộ Ngoại Giao CSVN lần này lại không lên tiếng, và tại sao báo Thanh Niên phải rút bản tin.
Sự việc này diễn ra gần thời điểm có chuyến thăm của thượng tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Cộng, tại Hà Nội.
Trước mặt giàn lãnh đạo chóp bu ở Ba Đình, Tướng Phạm đã tuyên bố “Các đảo ở Nam Hải là của Trung Cộng từ ngàn xưa…”, đã khiến cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ trong vài ngày qua.
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đầu tư với số tiền khổng lồ, khởi công từ năm 2008 để cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, song chỉ qua một cơn mưa lớn, Hà Nội đã bị ngập sâu.
Chiều tối 19 Tháng Sáu, cơn mưa lớn đã khiến nhiều quận nội thành Hà Nội ngập nặng, giao thông tê liệt. Khu vực phố cổ là nơi rất ít khi bị ngập nhưng nhiều nơi tại đây cũng ngập sâu 50-70 cm, khiến sinh hoạt của hàng vạn gia đình bị đảo lộn.
Giải thích về tình trạng này với báo Người Lao Động, ông Lê Vũ Quảng Sương, phó tổng giám đốc công ty Thoát Nước Hà Nội, cho biết do cơn mưa trên có vũ lượng lớn từ 70-100 mm, riêng quận Hoàn Kiếm lên tới hơn 138 mm. Trong khi đó, hệ thống thoát nước mưa của nội thành Hà Nội chỉ có thể đáp ứng 310mm cho hai ngày, hoặc 50mm trong hai giờ, do vậy việc xảy ra ngập úng là bất khả kháng.
Riêng khu phố cổ, do là điểm tập trung kinh doanh nên có nhiều rác thải, khi mưa rác theo dòng nước đổ vào các hố ga thoát nước làm nghẽn miệng cống khiến nước rút chậm, gây ngập úng. Mặc dù tại thời điểm đang mưa, cửa cống thủy lợi ở các hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa và đập Thanh Liệt đều được mở. Trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm khác cũng được vận hành tiêu thoát nước trên hệ thống.
Đại diện Phòng Cảnh Sát Giao Thông Hà Nội cho biết cơn mưa gây ngập nghiêm trọng, ảnh hưởng đến giao thông. Mặc dù công an đã huy động tối đa quân số tham gia phân luồng giao thông để chống tắt nghẽn, nhưng vẫn không thể đáp ứng được.
Trước đó, theo thống kê của công ty Thoát Nước Hà Nội, toàn thành phố chỉ có 18 điểm “có nguy cơ úng ngập khi mưa lớn bất thường.” Tuy nhiên, qua cơn mưa tối 19 Tháng Sáu, công ty này cho biết, ngoài 18 điểm ngập úng trên đã xuất hiện thêm 20 điểm ngập mới.
Ông Sương cho biết thêm, dù giai đoạn 2 của kế hoạch thoát nước Hà Nội cơ bản hoàn thành nhưng lượng mưa vượt gấp nhiều lần năng lực thoát nước thì tình trạng ngập nặng, ngập sâu vẫn có thể xảy ra ở nhiều khu vực nội thành.
Trong khi đó, tin cho biết, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 là dự án trọng điểm của Hà Nội, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của chính phủ Nhật, được khởi động từ năm 2006 với tổng vốn đầu tư hơn 6,000 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2008 mới bắt đầu khai triển thi công. Lẽ ra năm 2014 đưa vào sử dụng nhưng trong quá trình khai triển bị vướng mắc về giải tỏa mặt bằng nên chậm tiến độ thi công và đội vốn lên hơn 8,000 tỷ đồng. (Tr.N)
ĐẮK NÔNG, Việt Nam (NV) – Để có tiền đánh bạc và trả nợ, ông phó phòng hồ sơ của công an tỉnh Đắk Nông đã làm giả nhiều thẻ công an, giấy chứng nhận cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đem đi thế chấp, lừa đảo tiền tỷ.
Ngày 21 Tháng Sáu, tòa án tỉnh Đắk Nông đã xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Phạm Mạnh Hùng (40 tuổi, phó phòng hồ sơ, Công An tỉnh Đắk Nông) 10 năm tù về tội “Làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức và lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” theo báo Tuổi Trẻ.
Ngoài bản án tù, tòa án cũng buộc ông Hùng hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.
Theo cáo trạng truy tố, từ cuối năm 2013 đến đầu 2016, ông Hùng đã tham gia đánh bạc trên mạng Internet và thua sạch số tiền lớn đã vay trước đó. Để có tiền trả nợ và chơi bạc tiếp, ông Hùng đã thuê người làm giả 18 giấy chứng nhận công an và hai thẻ đảng viên rồi dùng những giấy tờ giả này đi thế chấp cho 18 người dân tại huyện Đắk R’Lấp, thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk Mil, để vay hơn 1 tỷ đồng.
Chưa dừng lại, ông Hùng còn làm giả thẻ cảnh sát tuần tra, thẻ kiểm sát giao thông để đem thế chấp, vay tiền của một số người khác nữa.
Cũng theo cáo trạng, dù không có khả năng chạy việc và xin đi học hệ cử tuyển, nhưng từ Tháng Mười Hai, 2015, ông Hùng đã dùng chiêu “xin việc” giúp cho ông Hồ Hải Quân vào làm tại công an tỉnh và lo cho con ông Cầm Bá Dung được đi học tại trường Văn Hóa III, Bộ Công An, để lừa tổng cộng 590 triệu đồng.(Tr.N)
Trong một lá thư kiến nghị gởi đến Uỷ Ban Nhân Quyền Quốc Tế, các tòa đại sứ, lãnh sự của các quốc gia hỗ trợ tự do… nhà hoạt động công đoàn độc lập, cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh đã tố cáo việc chính quyền CSVN cấm chị xuất cảnh sang Áo để thăm mẹ bị bệnh.
Chị Đỗ Thị Minh Hạnh cho biết vào sáng ngày 15/06, chị dự định đi qua cửa khẩu Hà Tiên để đến Cambodia, rồi từ đó sẽ bay sang Áo để thăm mẹ. Nhưng chị đã bị công an cửa khẩu giữ lại, từ chối cho xuất cảnh, viện cớ lý do an ninh. Theo chị, việc làm này hoàn toàn vi phạm pháp luật, chà đạp lên quyền tự do đi lại của công dân của chị.
Chị Minh Hạnh mong các tổ chức nhân quyền quốc tế can thiệp với chính quyền CSVN, để chị có dịp được thăm người mẹ bệnh tật, đang mong mỏi được gặp chị tại Áo.
Sau đây là toàn bộ nội dung thư kiến nghị của chị Đỗ Thị Minh Hạnh.
—
Kính gửi: – Uỷ Ban Nhân Quyền Quốc Tế – Chính phủ các nước hỗ trợ tự do – Tổ chức Nhân quyền Quốc tế – Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam – Hà Nội – Tất cả các Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam Thưa ông / bà, Tôi là Đỗ Thị Minh Hạnh, người được Chính phủ Hà Nội trao trả tự do ngày 26/6/2014 sau hơn 4 năm tù vì tôi ôn hòa ủng hộ bảo vệ công nhân Việt Nam bị bóc lột, bị xâm hại quyền lợi về lao động
Trước hết, tôi chân thành biết ơn các bạn vì đã vận động và gây áp lực lên chính phủ XHCN Việt Nam để tôi có thể được thả sớm hơn thời hạn đã kết án cũng như việc can thiệp một cách mạnh mẽ để tôi có thể xuất cảnh đi thăm mẹ tôi vào tháng 10 năm 2014
Hôm nay, tôi đang viết bức thư này cho bạn để bày tỏ về sự tự do tô bị tước đoạt thêm một lần nữa. Tôi đã bị cấm không được rời khỏi đất nước để thăm mẹ tôi Trần Thị Ngọc Minh, người đã từng đấu tranh và đi du lịch đến nhiều nước để đòi tự do và công lý . Mẹ tôi hiện nay đang ở Áo và hiện bị bệnh nặng về tim. Bà rất mong mỏi được gặp tôi vì chính phủ Việt Nam không cho phép mẹ tôi trở về Việt Nam với quy chế tị nạn.
Vào 7:30 sáng ngày 15/06/2017, tôi chọn con đường xuất cảnh từ cửa khẩu quốc tế Hà Tiên sang Campuchia và dự tính từ Campuchia sang Áo để thăm mẹ của mình. Tôi đã đươc đại sứ quán Áo cấp Visa vào ngày 11/06/2017 và dự kiến tôi sẽ bay sang Áo vào ngày 20/06/2017. Về lý:
Trong Hiến pháp cuối cùng của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Điều 23 quy định: “Công dân được hưởng quyền tự do đi lại và định cư ở trong nước; Và có thể tự do đi ra nước ngoài và trở về nhà từ nước ngoài. Việc thực hiện các quyền này sẽ do luật pháp quy định. “
Trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Điều 13 quy định, “Mọi người đều có quyền rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình, và trở về nước của họ
Về tình : Mẹ tôi,người đã đã hy sinh vì tôi và vì lý tưởng tranh đấu quyền lao động của tôi tại Việt Nam mà không có cơ hội được trở về quê hương. Chúng tôi sống trong cảnh nhớ thương nhau, ba và mẹ tôi phải chia lìa. Và tình trạng hiện nay của mẹ tôi đang rất cần sự có mặt của tôi để bà quyết định mổ tim theo yêu cầu của bác sĩ. Và việc cho tôi có cơ hội xuất cảnh gặp mặt mẹ tôi là tinh thần nhân đạo mà Thế Giới công nhận.
Tuy hộ chiếu của tôi được trả lại, nhưng mẹ tôi vô cùng đau đớn và lâm bệnh nặng. Bà khát khao được gặp tôi như những người mẹ khác. Mẹ tôi đã hy sinh vì tôi và vì lý tưởng tranh đấu quyền lao động của tôi tại Việt Nam mà không có cơ hội được trở về quê hương. Chúng tôi sống trong cảnh nhớ thương nhau, ba và mẹ tôi phải chia lìa. Và tình trạng hiện nay của mẹ tôi đang rất cần sự có mặt của tôi để bà quyết định mổ tim theo yêu cầu của bác sĩ. Trên đất nước chúng tôi, rất nhiều người lên tiếng cho công bằng và sự thật cũng bị đối xử như vậy. Chẳng hạn như bị tấn công bằng bạo lực, trù dập, cô lập kinh tế, giam giữ tại nhà, đe dọa, bắt bỏ tù.. và bị cấm xuất cảnh với lý do : vì lý do an ninh – Một lý do hết sức mơ hồ, không rõ nghĩa và một bằng chứng cụ thể nhằm để ngăn chặn quyền đi lại của công dân. Bản thân tôi thì sống thường xuyên bị giam cầm tại gia và luôn bị đe dọa bằng bạo lực chỉ vì giúp đỡ cho công nhân Kính thưa quý vị, Đây là lần thứ hai tôi bị cấm xuất cảnh. Và mẹ tôi đã vô cùng đau đớn tuyệt vọng.Tôi rất mong mỏi quý vị tiếp tục dùng vị thế của mình gây áp lực với chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền đi lại của công dân Việt Nam cũng như thể hiện chính sách nhân đạo của Thế Giới.
Vào chiều ngày 20 tháng 6 năm 2017, quốc hội Việt Nam đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung thêm một số điều trong bộ luật hình sư năm 2015, trong đó có điều 19, buộc luật sư phải tố cáo thân chủ.
Được biết, dự luật sửa đổi việc luật sư phải tố giác thân chủ đang gây tranh cãi và không được giới luật sư ủng hộ. Tuy nhiên, trong phiên họp Quốc Hội chiều 20/6/2017, tổng số 434/457 người tham dự đã đồng ý luật sửa đổi. Trong đó, chỉ có 19 người không tán thành và 4 người không tham gia biểu quyết.
Cụ thể điều 19, luật bổ sung sửa đổi qui định: trong một số trường hợp nghiêm trọng liên quan đến an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội thì luật sư có bổn phận phải tố giác thân chủ của mình!
Trong báo cáo giải trình, bà Lê Thị Nga, chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp cho rằng: “Việc Nhà nước không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng. Nên trong một số trường hợp người bào chữa vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của chính người mà mình bào chữa”.
Thế nào là an ninh quốc gia? Bảo vệ trật tự, an toàn xã hội? Những qui định mơ hồ như vậy rõ ràng chỉ buộc luật sư phục vụ cho lợi ích của đảng cầm quyền, trở thành chỉ điểm viên, quay lưng lại với thân chủ của mình.
Hồi đầu tháng này, luật sư đoàn ở Sài Gòn đề nghị quốc hội CSVN bỏ hẳn điều khoản này khỏi dự thảo luật hình sự. Các lý do được nêu ra là điều khoản bắt buộc luật sư tố giác thân chủ không phù hợp với thông lệ quốc tế, không bảo đảm quyền bào chữa của luật sư, vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Nhưng rõ ràng các ý kiến này không được lắng nghe. Quốc hội CSVN với tuyệt đại đa số là đảng viên cộng sản đã chỉ nghe theo ý chí của đảng cầm quyền, và không có khả năng soạn luật. Ủy ban thường vụ quốc hội giải thích rằng, vấn đề này đã được quốc hội tổ chức lấy ý kiến người dân, và kết quả cho thấy đa số ý kiến không đồng ý miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của luật sư.
Luật sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018. Theo luật sự Lê Công Định, điều luật này biến nghề luật sư trở thành một công việc nhục nhã, đi ngược lại với đạo đức nghề nghiệp.
Tòa án thành phố Cần Thơ hôm Thứ Tư 21/06 mở phiên sơ thẩm xét xử 7 thanh tra giao thông và hai người môi giới, trong một đường dây bảo kê công ty xe vận tải, được cho là đã thu hơn 4 tỉ đồng (gần 180,000 Mỹ kim) từ hơn 120 công ty và tài xế qua lại thành phố.
Bảy cựu thanh tra giao thông gồm ông Dương Minh Tâm, nguyên phó chánh thanh tra giao thông thành phố Cần Thơ; những người khác có cấp bậc đội trưởng, đội phó và thành viên các đội thanh tra giao thông, gồm Đoàn Vũ Duy, Võ Hoàng Anh, Lý Hoàng Minh, Nguyễn Trần Lưu, Hồ Công Thiện và Trần Lập Pháp. Hai người môi giới cũng ra tòa cùng nhóm viên chức là Nguyễn Văn Cần và Trần Tường An. Cả 9 người bị xét xử về tội nhận hối lộ.
Theo báo Thanh Niên, phiên tòa đã triệu tập 120 tổ chức và cá nhân có liên quan, nhưng chỉ có 34 tổ chức và cá nhân có mặt. Phiên tòa dự trù kéo dài 3 ngày. Theo hồ sơ vụ án, các bị cáo đã nhận hối lộ trong 135 vụ của 135 tổ chức và cá nhân, và nhận hối lộ từ hơn 260 người thuộc các tỉnh thành như Đồng Nai, Sài Gòn, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu… với tổng số tiền khoảng 4 tỉ đồng. Nếu chủ xe vận tải nào không đóng tiền “bảo kê” hàng tháng qua người môi giới hoặc nộp trực tiếp cho các thanh tra giao thông, họ sẽ liên tục bị các thanh tra viên kiểm tra và gây khó dễ trên đường vận chuyển.
KIÊN GIANG, Việt Nam (NV) – Huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, được thiên nhiên ưu đãi là vùng núi đá vôi độc đáo duy nhất phía Nam, là một trong những danh lam thắng cảnh biển đặc sắc, có hòn Phụ Tử nổi tiếng, đang đối diện với sự tàn phá khủng khiếp, không khác gì bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng.
Những ngọn núi đá vôi đang bị san phẳng hoặc khai thác nham nhở phục vụ cho năm nhà máy xi măng với công suất hơn 4 triệu tấn/năm bủa vây xung quanh đủ để lý giải việc các núi đá vôi ở khu vực này đang mất đi. Núi bị khai phá, kéo theo đó là hệ sinh thái tự nhiên biến đổi, cuộc sống của con người và các loài vật ở đây bị xáo trộn.
Môi trường không khí ô nhiễm và mới đây hàng trăm hécta nuôi nghêu sò, cá biển chết chưa rõ lý do…
Đi dọc tỉnh lộ 80 từ Rạch Giá đến thị trấn Kiên Lương sẽ bắt gặp ngay cảnh thị trấn mịt mù bụi. Có lẽ không thị trấn ven biển nào mà người dân ra đường đều phải đeo khẩu trang như ở đây.
Đoạn đường qua khu vực nhà máy xi măng Kiên Lương ở ấp Lò Bom, thị trấn Kiên Lương, bụi còn mịt mù hơn. Bụi từ trong các lò chế biến clinker (nguyên liệu chính để sản xuất xi măng) bám vào trắng cả cây cối hai bên đường.
Nói về tình trạng ô nhiễm của thị trấn với báo Tuổi Trẻ, ông Đỗ Quang Vượng – ngụ khu phố Tám Thước – ngao ngán: “Dân ở đây không chỉ hít thở xi măng hằng ngày mà còn ăn xi măng, uống xi măng, ngủ cũng trên xi măng luôn…”
Ở nhà ông Vượng, từ bồn nước, giường tủ, bàn ghế, sàn nhà đến các vật dụng cá nhân tất cả đều bám bụi. “Chúng tôi sống vậy đó,” ông buông tiếng thở dài.
Ông Trần Quốc Vũ, cư dân ở đây, buồn bực nói: “Đà Lạt là thành phố sương mù, còn ở đây là thị trấn bụi mù. Về mùa này có mưa, ngược hướng gió nên còn đỡ, chứ cỡ từ Tháng Mười bụi nặng nề hơn.”
Ông Nguyễn Văn Tuyến – tổ trưởng khu phố Tám Thước, sống ở đây hơn 40 năm, từng làm kỹ thuật trong các nhà máy xi măng – cho rằng việc sản xuất xi măng không thể nào tránh khỏi phát tán bụi.
Nhưng điều khiến người dân hoang mang hơn cả là có rất nhiều người dân trong khu vực đã chết vì ung thư.
“Từ lúc tôi về đây đến giờ, khu phố Tám Thước chỉ chừng 3,000 dân nhưng đã có hơn 40 trường hợp chết vì bệnh ung thư. Chỉ riêng trong năm 2014 đã có 14 người, hỏi sao người dân không lo lắng cho được…” ông Tuyến nói.
Ngoài nhà máy nằm ngay thị trấn trên, Kiên Lương còn ba nhà máy sản xuất xi măng khác nằm trên tỉnh lộ 11 nối từ thị trấn Kiên Lương ra danh thắng hòn Phụ Tử.
Tỉnh lộ này từng được xem là một trong những cung đường đẹp nhất của tỉnh Kiên Giang. Giờ đây bên cạnh những núi đá vôi xanh mướt là những ngọn núi đã bị phạt ngang đầu, xẻ nham nhở, ngổn ngang cảnh khai thác.
Từ trung tâm thị trấn có thể thấy một phần quần thể núi Mo So (Bãi Voi) bị phạt trắng một phần. Núi Mo So có hệ thống hang động độc đáo, đã được xếp hạng di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia từ năm 1995. Nhưng một phần thắng cảnh này bị phá tan hoang. Đáng ngạc nhiên là sau ba tháng khi được công nhận là di tích, khu vực núi này bị cấp phép khai thác để phục vụ cho nhà máy xi măng Hòn Chông.
Ông Trần Minh Sang, trưởng Phòng Tài Nguyên-Môi Trường huyện Kiên Lương, thừa nhận: “Hệ thống hang động lịch sử nằm phía bên trái núi. Tuy chưa bị tác động do quá trình khai thác mỏ của nhà máy xi măng, nhưng một mảng núi đã bị khai phá phía bên sườn phải cũng ảnh hưởng nhiều đến không gian của thắng cảnh này.”
Ông Lưu Hồng Trường, viện trưởng Viện Sinh Thái Học Miền Nam, cho biết khu vực núi đá vôi duy nhất ở miền Nam này có hệ thống hang động, thực vật cực kỳ phong phú. Đặc biệt, nơi đây có đàn voọc bạc Đông Dương đang sinh sống ở các núi đá vôi Bãi Voi, Khoe Lá. Đây là loài vật có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới. Nhưng chính những ngọn núi mà chúng cư ngụ còn có nguy cơ biến mất, nói gì đến những thân phận nhỏ nhoi.
Ông cho biết, Sách Đỏ của Liên Minh Bảo Tồn Thiên Nhiên Thế Giới từng công bố nơi đây có hơn 30 loài đặc hữu đang có nguy cơ bị đe dọa. “Hiện tại chúng tôi vẫn theo dõi thì thấy đàn voọc bạc vẫn đang phát triển bình thường. Nhưng nếu không lập ngay khu bảo tồn cho khu vực này thì hệ sinh thái bị hủy hoại, động vật quý hiếm biến mất là điều có thể thấy ở tương lai gần,” ông nhận định.
Dù việc bảo tồn, phát triển vùng đất Kiên Lương đã được nhắc đến từ hàng chục năm qua, nhưng đến nay vẫn chỉ mới dừng ở những hội thảo kế hoạch, khuyến cáo và… đang tiếp tục xúc tiến.
“Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” đang là khẩu hiệu. Nhưng vùng đất Kiên Lương này bao lâu nữa môi trường, thiên nhiên nơi đây mới có thể thực sự thoát khỏi việc đánh đổi? (Q.D.)