Friday, August 21, 2020

Nhận thức… nhất quán, tội nghiệp Hà Nội!

Theo VOA/Trân Văn/22/08/2020
Ông Vương Đình Huệ muốn thấy Hà Nội “đi bằng hai chân để phát triển đồng đều”.

Ông Vương Đình Huệ muốn thấy Hà Nội “đi bằng hai chân để phát triển đồng đều”.

Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, tân Bí thư Thành ủy Hà Nội, vừa chỉ đạo Hà Nội phải “đi bằng hai chân để phát triển đồng đều” (1). Chẳng biết khi chọn lối ví von này, ông Huệ có nghĩ tới việc sẽ buộc thiên hạ phải tự hỏi, dường như chính ông cho rằng, trước khi ông đảm nhiệm trọng trách Bí thư thủ đô, Hà Nội chỉ có thể nhúc nhắc từng bước vì… chân co, chân duỗi?

Cách nay khoảng một tuần, ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ (KHCN), nhân vật mà thiên hạ đồn đoán là sẽ được điều động về Hà Nội làm Chủ tịch thành phố Hà Nội thay ông Nguyễn Đức Chung vừa thất sủng, cũng đòi Hà Nội phải… “rũ nôi” (2). Ví von như thế có khác gì ám chỉ Hà Nội là một đứa trẻ nhiều tuổi, không chịu lớn và rất tệ vì xưa giờ chỉ đòi… bú, mớm?

Chưa rõ vì sao các viên chức hữu trách của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam rất thích dùng đủ loại hình tượng để ví von, đặc biệt là khi sắp hoặc vừa xuất hiện như những… nhân tố mới, cần tạo ra nơi công chúng… nhận thức mới về chính họ? Liệu đó có phải là vì tư duy, kiến thức không đủ sâu, rộng để gây ấn tượng trong diễn đạt hay vì muốn cạnh tranh với các… diễn viên hài?

Cũng chưa rõ vì sao các viên chức hữu trách của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn thường xuyên chọn nhầm hình tượng nên lối ví von của họ “bôi tro, trát trấu” vào năng lực tư duy, khả năng nhận thức, kỹ năng diễn đạt của cả hệ thống. Cũng vì vậy, rất nhiều tuyên bố, chỉ đạo của các cá nhân lãnh đạo bị công chúng bỉ bôi vì việc chọn hình tượng khi ví von nếu đúng thì không… mới, còn mới thì không… đúng?

Ở Việt Nam, nhận xét hay góp ý cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền rất dễ bị diễn giải, bị cáo buộc và bị trừng phạt vì “tuyên truyền chống nhà nước”. Thực tế cho thấy, những ví von ngô nghê của các viên chức hữu trách nguy hại cho uy tín, niềm tin của công chúng nơi nhà nước gấp nhiều lần. Vậy thì tại sao họ vô can? Chẳng lẽ đảng, nhà nước xem những tuyên bố ngờ nghệch ấy là nét… duyên dáng của viên chức?

***

Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, ông Huệ xác định… “chân thứ hai” của Hà Nội là “Chương trình về xây dựng nông thôn mới”. Thêm một điểm chưa rõ là vì sao chương trình này đã trở thành mục tiêu quốc gia từ 2008, đến nay đã ngốn hàng trăm ngàn tỉ đồng và đã tạo ra vô số scandal ở đủ mọi khía cạnh từ nợ nần đến tính hiệu quả mà ông Huệ vẫn khẳng định là… chương trình mới để giúp Hà Nội có thể… đi bằng hai chân?

Ở cương vị tân Bí thư Hà Nội, ông Huệ không giải thích vì sao ông tán thành việc tiếp tục duy trì tám chương trình công tác lớn của Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và ông dựa trên cơ sở nào để khẳng định, chỉ cần nội hàm mới, mục tiêu mới, định hướng lớn và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp trong giai đoạn 2021-2025 là đủ cho Hà Nội có thêm… “chân” để… “phát triển đồng đều”.

Nếu nội hàm mới, mục tiêu mới, định hướng lớn và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp trong giai đoạn 2021-2025 như yêu cầu của ông Huệ: Rà soát, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án đầu tư công, các dịch vụ công của thành phố và cơ sở, đẩy nhanh thủ tục giải ngân, tạo vốn thực hiện kích thích phát triển kinh tế - xã hội… Các cấp, ngành cần phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI, gắn kết quả giải ngân với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ và đi liền với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan… thì làm sao gọi là… mới, hay… lớn hoặc… cụ thể và… phù hợp? Những nội hàm,, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể ấy đều đã… xưa và kết quả, theo chính ông nhận xét thì Hà Nội chưa… đi được kia mà!

Nói cách khác, Hà Nội vẫn khó mà… “rũ nôi” như ông Chu Ngọc Anh… mong muốn và khó mà… “đi bằng hai chân, phát triển đồng đều” như ông Huệ đã… chỉ đạo tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 25 để xem xét, cho ý kiến về dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ 27 rồi tổ chức đại hội, chọn - cử đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc của đảng lần thứ 13 vào đầu năm tới.

Nếu thử đem so Văn kiện Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ 27, dẫu có ông Huệ chỉ đạo trong việc xem xét, cho ý kiến, với Văn kiện Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ… 26 cách nay năm năm, ắt sẽ thấy cả hai giống như… song sinh. Dân Hà Nội lại tiếp tục được khuyến khích… phấn đấu đến năm 2030 đưa Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”.

Những người như ông Chu Ngọc Anh, ông Vương Đình Huệ chuyên lo… đại sự, dựng… đại nghiệp nên chẳng bao giờ bận tâm đến vài… tiểu tiết như: Kẹt xe, ngập lụt, môi trường ô nhiễm,… Dường như họ tin rằng dân Hà Nội… lành và… thuần, có thể vừa vật lộn với đủ loại vấn nạn liên quan tới dân sinh do quản trị, điều hành tồi, vừa đủ khả năng chịu đựng miệt thị nên mới thi nhau ví von phải… “rũ nôi” và… “đi bằng hai chân”!

Chú thích

(1) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ong-vuong-dinh-hue-ha-noi-se-di-bang-hai-chan-de-phat-trien-dong-deu-1708811.tpo

(2) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bo-truong-chu-ngoc-anh-tuyen-chien-voi-ngan-tu-ru-noi-tiem-luc-ha-noi-828112.ldo

Bún mắng – cháo chửi – thịt nướng quỳ!

Theo VOA-Hoàng Hoành Sơn/20/08/2020

(Hình: Trích xuất từ video trên YouTube)

Ngày 19/08, trên mạng bung ra video dài 7 phút 52 giây (1), phát đoạn ghi hình chuyện xảy ra ở Bắc Ninh: một thượng đế (khách hàng) bị phạt quỳ trong quán Nhắng nướng Hiền Thiện. Vị chủ quán nướng ngồi chễnh chệ xỉ vả, còn thượng đế sợ hãi quỳ mếu máo khiến cư dân mạng xôn xao. Chuyện thật mà như đùa chỉ có ở Việt Nam (VN). Vâng, VN vốn chẳng thiếu những câu chuyện giật gân kiểu như thế. Hai ngày trước đây (17/08) đã có chuyện phát ngôn viên VTV1 miệt thị những người bán hàng rong là ký sinh trùng. Hôm nay, lại xảy ra chuyện mới khác.

Chủ quán ngồi xưng bố, gọi cô gái quỳ là mày, là súc sinh, là ngu (tiếng người phụ nữ đứng sau chủ quán). Kèm theo ngón tay chỉ mặt là những ngôn từ thô tục không ngớt đe dọa, áp chế người phụ nữ tội nghiệp. Khi người phụ nữ ra ngoài rồi đi vào lại, tên chủ quán ra lệnh “quỳ xuống”, cô gái quỳ ngay, chứng tỏ một sự sợ hãi tột độ. Chủ quán phán tiếp: "Mày sống ở bất cứ đâu cái đất Bắc Ninh hay trốn dưới đất tao cũng lôi mày lên nghe chưa. Bảo kê kiếm chúng mày là to nhất, gấu nhất ở đất Bắc Ninh này mày nhớ chưa. Nhà mày phúc dày ngày hôm nay đấy. Chiều nay tao lần được mày thì mày chết rồi đấy" (2).

Thế này là thế nào? Khi viết những dòng này, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng tự hỏi mình chuyện gì đang xảy ra trên mảnh đất hình chữ S này? Phải đợi thêm biến cố gì xảy ra nữa đây, sau những nhục mạ, áp chế thể xác – tinh thần giữa những người sống trên đất Việt, giữa nhà nước vật chủ - nhân dân ký sinh đây ư? Một đất nước kỷ cương, pháp luật nghiêm minh, công bằng dân chủ, độc lập – tự do – hạnh phúc là đây ư? Một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là thế này sao (3)? Một nền văn hiến hơn 4 ngàn năm thay vì tiến lên đỉnh cao chói lọi, nay vẫn rừng rú vậy đó. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thấm đẫm xã hội từ trung ương đến địa phương; từ ban tuyên giáo cho đến các học khu, học đường sản sinh những thằng người xưng mình là bố và gọi người khác là súc sinh vậy? Hóa ra, thành tựu 45 năm thống nhất đất nước, hơn 75 năm cộng sản hiện diện trên miền đất VN chỉ để đẻ ra thứ ngợm quái đản vậy thôi.

Thời nào cũng thế, luôn cần có văn hóa, đạo đức, tôn giáo… giúp xây nền móng nhân bản, giáo hóa cho con người thời đại. Điều này khó thực hiện dưới chế độ vô thần. Họ theo chủ nghĩa cộng sản vốn xem mọi tôn giáo là thuốc phiện cần xóa bỏ. Văn hóa đạo đức chỉ là những nhãn mác để dán thêm bề ngoài chứ bên trong nội tâm hoang vắng, bản năng và thú tính cứ chực chờ nổi lên. Vì thế mà thời nay không còn Lễ - Nhân - Nghĩa, nên vẫn còn những cảnh oái oăm kể trên? Đồng bào vẫn bị nhà cầm quyền gọi là ký sinh trùng. Và vì xem nhau là thứ ký sinh thấp hèn mới sinh chuyện đối xử thô bạo, không giống cách cư xử giữa người với người.

Trước hết, dưới sự cai trị độc tài, đảng cộng sản VN đã đẩy con người trong thể chế xã hội chủ nghĩa ngày một xa rời việc tu thân. Ở đền thờ thần Apollo tại Delphes viết: “Hãy tự biết mình” (4). Con người thời đại nào cũng cần đến việc tu thân này. Nó giúp mỗi người biết nhìn lại bản thân để hiểu được tôi là ai! Tôi đến thế giới này để làm gì? Rồi tôi sẽ đi về đâu? Và biết bao câu hỏi tương tự… Trả lời được các câu đó chính là tôi đang tự đào luyện để hiểu mình, hầu ứng xử với người cho xứng hợp. Lương Khải Siêu từng nói: “Trong vận may ẩn giấu sự nỗ lực, trong tính cách ẩn giấu sự tu dưỡng” (5). Sự việc xảy ra kể trên cho thấy: không hề có việc tu tâm dưỡng tánh, làm chủ bản thân, nhân ái thiện lương nào cả. Gần 8 phút xảy ra biến cố chỉ có hận thù, lăng mạ, đe dọa, lo lắng, sợ hãi, mà không ai can thiệp. Chỉ có một thứ người hạ đẳng lên ngôi, đúng người xưa đã nói: “Người thượng đẳng có tài năng và không tức giận. Người thứ đẳng có tài năng và tốt tính. Người hạ đẳng đã bất tài lại còn thường nổi giận”.

Thêm một trong biết bao hiện tượng bất thường xảy ra giữa người với người, cho thấy thất bại toàn tập của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa VN.

- Thái độ, ngôn từ, lối hành xử của chủ quán nhắng nướng Hiền Thiện đã quảng bá cho sản phẩm “chính hãng” dưới mái trường giáo dục xã hội chủ nghĩa. Đây chỉ là một trong biết bao sản phẩm giáo dục như thế suốt nhiều thế hệ trong nước từ 1945 đến nay. Vợ chồng chủ quán phở đánh em nhỏ người làm suốt 10 năm trường (6); chẳng lạ gì lâu lâu lại nghe những phát ngôn không giống ai của các nhà lãnh đạo nhà nước (7). Quả đúng như đạo diễn – nhà báo Song Chi từng nhận định: “Khi một nền giáo dục đào tạo ra những thế hệ "sản phẩm" không chỉ bị thiếu hụt, yếu kém về mặt kỹ năng sống, trình độ, kiến thức, mà còn khiếm khuyết mặt này mặt khác về mặt nhân cách, thì đó là một nền giáo dục thất bại” (8). Và giờ đây người dân đang lãnh đủ bởi những sản phẩm “dở người dở ngợm”.

- Cô gái hoảng sợ, cô không có ý chí chống lại bạo quyền cũng như không dám bảo vệ nhân quyền của bản thân mình. Cô là nạn nhân, cô đi ăn lòng lợn non nướng, thấy con sán trong số lòng non quán dọn ra. Cô phản ánh quán vẫn thản nhiên, vẫn bắt cô tính tiền. Cô về đăng lên mạng và kết cục cô phải quỳ gối sụt sùi cam chịu. Quỳ gối, một hình ảnh của cha mẹ dạy con thời xưa, hoặc thái độ nô lệ, khuất phục hoàn toàn không dám kháng cự. Một nền giáo dục làm thui chột những phân tích, nhận định, không dám chống lại bất công, không dám đấu tranh cho sự thật – lẽ phải. Nó không chỉ là thất bại của cô gái, của nền giáo dục cộng sản, mà nó còn là thất bại của cả một quốc gia, dân tộc. Hình ảnh cô quỳ gối trước bạo quyền nói lên nhiều điều trong xã hội hiện tại.

Công an đâu không thấy mau mắn xuất hiện? Ở VN, luôn có đông đủ lực lượng công an, cơ động, quần chúng tự phát… nhanh nhạy xuất hiện tấn công những ai tuần hành ôn hòa, biểu tình chống Trung Quốc chiếm biển đảo. Hay giữa đêm tấn công Đồng Tâm rất chuyên nghiệp, bài bản. Nhưng riêng chuyện có đánh nhau hoặc có giang hồ hiện diện, công an luôn là lực lượng có mặt sau cùng, lúc mọi chuyện đã ngã ngũ. Hơn thế nữa, công an cũng dựa vào xã hội đen để áp chế người dân là chính, cho nên quán ăn, vũ trường, quầy bar nào lại không có công an chống lưng. Vụ hai tướng công an bảo kê đường dây đánh bạc (9) chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ. Người dân không lạ gì những Đường Nhuệ, Khá bảnh, Huấn hoa hồng, rồi tín dụng đen, băng nhóm giang hồ, đầu gấu nhan nhản khắp nơi. Còn dân đen gặp chuyện có lên tiếng cũng bầm dập mình mẩy rồi.

Bún mắng – cháo chửi đã có mười mấy năm nay. Khởi đi từ thủ đô Hà Nội, nơi vùng Bắc Hà vốn đầy dẫy “sĩ phu” xuất thân, như Nguyễn Phú Trọng chẳng hạn (10). Kể từ cái thời tem phiếu, những cửa hàng mậu dịch với những cô mậu dịch viên béo tốt thét ra lửa, ngoa ngoắt chửi rủa người dân sa sả. Họ nắm cái bao tử người dân và nền kinh tế quốc doanh trao cho họ thứ quyền đè đầu cưỡi cổ người thấp cổ bé miệng. Nó mau chóng xây nền đắp móng cho thứ văn hóa mắng chửi trong giới tinh hoa ẩm thực Hà thành. Từ đó lan ra khắp VN. Nấu được nồi bún – cháo ngon, nhiều người xếp hàng chực chờ vào ăn khiến bà chủ cảm thấy mình được người khác cầu cạnh. Mình là cái rốn của thái dương hệ và rồi trở thành họa ảnh mậu dịch viên oai quyền thuở nào mạt sát những ai cần mình.

Đỉnh điểm của thứ văn hóa miệt thị này là thịt nướng… quỳ đã diễn ra ở Bắc Ninh. Nó là đại diện cho thứ văn hóa hủy diệt vốn đầy dẫy trong xã hội VN hiện tại. Ngày nay ở VN, ăn nói sỗ sàng bỗ bã, to mồm lớn miệng kiểu chiến lang, cậy thế cậy quyền đa phần đến từ những ai nói giọng Bắc 75. Nó là thứ đặc sản những công dân thủ đô hoặc vùng Bắc hà quyền thế, lý luận đầy mình. Tâm thế tự tôn khiến nảy sinh thứ văn hóa miệt thị, côn đồ, chà đạp nhân phẩm con người. Nó là căn bệnh vĩ cuồng đã ngầm tồn tại từ khi VN tự hào đánh thắng “Mỹ - Ngụy,” thống nhất đất nước và nay thứ văn hóa hại người gặp được thửa đất tốt để sinh sôi nảy nở (11).

Sự kiện quán “quỳ” cũng gợi lên biết bao lo ngại về những hắc điếm chuyên bán thịt người trong truyện Thủy Hử. Những hắc điếm thời hiện đại đã cho thấy sự táng tận lương tâm của những kẻ bán buôn thất đức, vô nhân. Xin liệt kê một vài sự kiện: bún, bánh phở, giò chả tẩm ướp formol, hàn the; Chân gà đen xì, ôi thối được "hô biến" thành chân gà nướng món ngon giá rẻ; trước khi bị phát hiện, người chủ đã kịp bán hàng trăm tấn cà phê bột pin cho doanh nghiệp Bình Phước trộn vào hồ tiêu; hóa chất lạ khiến hoa quả nhập từ Trung Quốc luôn tươi rói; có những loại thuốc chỉ phun một đêm là thu hoạch được rau v.v… (12). Rồi còn biết bao thủ thuật vô lương tâm khác không kể xiết. Với những kẻ xem thường con người như chủ quán thịt nướng quỳ, đủ cho thấy sán trong lòng lợn quán bán không nằm trong danh mục đáng quan tâm của anh ta. Vậy thì hậu trường bếp nấu của anh ta còn kinh khủng đến mức nào?

Người xưa có nói: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời độc lạnh người sáu tháng ròng” (13). Nó nói lên tấm lòng thiện lương, việc tu thân sẽ giúp sản sinh những năng lượng tốt lành, những lời nói đẹp khuyến khích con người sống tốt chứ không chỉ là “gió bay”. Riêng tâm địa xấu xa, độc ác sẽ nảy sinh thứ năng lượng tối, luôn kéo con người xuống thấp, gần với bản năng hơn. Khi đó, lời nói cũng thô tục, có khả năng làm tổn thương lòng người và gây ra hậu quả khôn lường cho bản thân và cả cộng đồng xã hội.

Tư liệu tham khảo:

(1)https://www.youtube.com/watch?v=ui1nJiaHhP8&feature=youtu.be&fbclid=IwAR0kQ4XCDQR-E7F6gpeYdMTNEu-_fIUJ_OxV9VfaOLTteE6hqjOFF1g4n98

(2)https://baomoi.com/chu-quan-thit-nuong-doa-giet-bat-co-gai-quy-xin-loi-doi-dien-hinh-phat-nao/c/36093452.epi

(3) https://moj.gov.vn/tctccl/tintuc/Pages/chien-luoc-xay-dung.aspx?ItemID=2

(4) https://ancientgreekcourses.com/anthropology/know-thyself/

(5)https://kenh14.vn/triet-ly-nhan-sinh-cua-nguoi-trung-quoc-cang-no-luc-cang-may-man-con-nguoi-can-tu-duong-tam-tinh-tot-thi-cuoc-doi-moi-tot-20191005233908608.chn

(6) https://vnexpress.net/chu-quan-pho-tra-tan-nguoi-lam-suot-10-nam-da-bi-bat-2094138.html

https://tuoitre.vn/me-va-cha-duong-danh-con-gai-3-tuoi-den-chet-20200403183413627.htm

(7) https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2017/05/cong-san-vo-than-nhung-xuat-than-trong.html

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-statement-is-not-responsible-for-recent-vietnamese-officials-06192020123411.html

(8) https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/10636-m-t-n-n-giao-d-c-th-t-b-i-m-t-nha-n-c-th-t-b-i-m-t-qu-c-gia-th-t-b-i

(9) https://vnexpress.net/topic/hai-tuong-cong-an-bao-ke-duong-day-danh-bac-22873

(10) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43123860

(11) http://phunuthudo.com.vn/dai-thang-30-4-1975-thanh-qua-vi-dai-nhat-cua-su-nghiep-giai-phong-dan-toc/

(12) https://vnexpress.net/bun-tuoi-gio-cha-ngam-han-the-va-formol-2276969.html

https://kenh14.vn/su-that-rung-minh-ve-mon-chan-ga-nuong-dang-lam-mua-lam-gio-khap-cac-via-he-coi-chung-ung-thu-vi-mon-khoai-khau-20191214113917129.chn

https://www.24h.com.vn/kinh-hoang-ca-phe-nhuom-loi-pin-c52e5359.html

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/hoa-chat-la-khien-hoa-qua-nhap-ve-tu-trung-quoc-luon-tuoi-410182.html

https://soha.vn/xa-hoi/hai-hung-cong-nghe-trong-rau-mot-dem-20140326104759001.htm

(13) http://songdep.tv/tri-tue-co-nhan-tu-duong-loi-noi-thien.html

Trung Quốc xả lũ và ứng phó của Việt Nam

Theo RFA-Giang Nguyễn-2020-08-21

Trận lũ bất thường trên sông Hồng đoạn chảy qua TP Lào Cai gây ngập lụt nhiều diện tích rau màu của người dân là do xả lũ phía thượng nguồn

Trận lũ bất thường trên sông Hồng đoạn chảy qua TP Lào Cai gây ngập lụt nhiều diện tích rau màu của người dân là do xả lũ phía thượng nguồn-Courtesy nld.com

Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó Phòng Chống Thiên Tai Việt Nam vào ngày 21 tháng 8 đánh giá rằng tác động xả lũ của Nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn đối với hạ nguồn tại Việt Nam không nhiều. Thủy điện Mã Đổ Sơn cách biên giới Việt Nam khoảng 95km.

Ông Quang phát biểu với báo chí trong nước rằng người dân thấy việc xả lũ là vấn đề gây tác động rất lớn và lo ngại đó là chính đáng. Ông nói tiếp, việc xả lũ có thể còn tiếp diễn và yêu cầu các địa phương phải chủ động các biện pháp ứng phó.

Trước đó vào sáng ngày 20/8/2020, Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai mới nhận được thư liên hệ của Ban Ngoại vụ huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, thông báo về việc phía Trung Quốc chuẩn bị xả lũ trên sông Hồng cùng ngày.

“Người ta nói là thất bại trong chuẩn bị…” nhà báo Đỗ Cào Cường nói.

Đối với ông Cường hệ quả của thiên tai do xả lũ hay mưa lớn là hoàn toàn nằm trong trách nhiệm của chính quyền Việt Nam, và không thể viện lý do khách quan như thời tiết hoặc chính sách của Trung Quốc.

“Nói chung thì lũ ở Việt Nam mình từ trước đến nay có chuẩn bị gì đâu. Ngay như lũ ở Việt Nam mình còn không đối phó được. Mấy cánh rừng ở trong nước để cho kiểm lâm, lâm tặc phá rừng. Rừng ở Tây Nguyên đến Tây Bắc, tất cả rừng sản xuất, rừng nguyên sinh, bây giờ cũng bị tàn phá hết. Ngay việc kiểm soát lũ ở trong nước mình không kiểm soát được thì nói gì dòng chảy từ Trung Quốc và thủy điện, nó ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng”.

Theo ông, nạn lũ lụt thường xuyên xảy ra, nguyên nhân là do phá rừng. Ông nói khi thực hiện phóng sự về môi trường, ông đã chứng kiến viên chức chính phủ, kiểm lâm và lâm tặc đều là một. Phá rừng để làm giàu cho mình, mặc kệ hệ quả lâu dài cho đất nước.

“Cũng vì cơ chế quản lý thôi. Quản lý theo kiểu độc tài như vậy thì ảnh hưởng đến dân sinh, môi trường, là điều bình thường... Trước mình tới Đắk Lắk, một số tỉnh ở Lâm Đồng, Đà Lạt, để làm phim về lâm tặc phá rừng. Những người trồng hoa ở Đà Lạt, họ bị lâm tặc cấu kết với mafia trong chính quyền tàn phá rừng, chiếm rừng, bán“.

Tổng Cục Phòng chống Thiên tai trích dẫn ông Nguyễn Đức Quang, rằng từ trước đến nay không có quy định Trung Quốc chia sẻ thông tin xả lũ, tuy nhiên nếu việc xả lũ được chia sẻ sớm, đầy đủ thông tin thì công tác dự báo, ứng phó sẽ tốt hơn.

Đối với ông Nguyễn Đình Hà, cư dân Hà Nội thì người dân không nên mong chờ Trung Quốc có hành vi gì giúp dân Việt Nam:

“Phải tự mình đưa ra giải pháp. Nếu chúng ta không đưa ra được thì nhờ các chuyên gia quốc tế đưa ra giải pháp. Còn nếu mà chờ Trung Quốc, thì cũng khó nói, họ thường xuyên chà đạp lợi ích các quốc gia khác, không coi lợi ích các quốc gia khác ra gì, đặc biệt là những nước như Việt Nam”.

Sông Hồng bị ảnh hưởng trong một lần Trung Quốc xả lũ hồ thủy điện. AFP photo

Theo nhà báo Cường những ai không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt thiên tai thì ít khi lên tiếng, còn những người thường phải chịu đựng hệ lụy thì thường là những người thấp cổ bé miệng.
“Khi dân trí thấp, nước đến chân mới nhảy thôi. Khi dân mà bị thiệt thòi, bị va chạm, bị lũ cuốn trôi thì mới có tinh thần phản kháng. Đến đâu thì phản kháng đến đó. Bây giờ người dân mà bị ảnh hưởng ít thì coi đấy là bình thường. Những vùng chịu trực tiếp từ công trình thuỷ điện mà có sự cấu kết giữa phe nhóm, thì họ cũng không có cơ hội lên tiếng”.

Ông Hà nói có thể việc xả lũ từ phía Trung Quốc lần này chưa gây nhiều tổn thất, nhưng ông lo ngại rủi ro lớn hơn có thể xảy ra, nếu quan hệ Việt Nam và Trung Quốc không cải thiện.

“Câu chuyện này dẫn đến câu chuyện phải chuẩn bị cho tương lai, bởi vì hệ thống sông Hồng là câu chuyện của 2 quốc gia. Nếu như 2 quốc gia thực sự biết điều, hòa thuận với nhau, đúng như tinh thần gọi là ‘2 quốc gia cộng sản, quốc tế vô sản đoàn kết lại’ thì việc xả lũ, đê điều sẽ dễ nói chuyện. Nhưng mà Trung Quốc và Việt Nam lại là quan hệ đặc biệt. Nó không phải là tốt đẹp cho lắm. Nên rất khó nói trong việc hợp tác giữa hai bên về các đê điều.

Và nếu mà nặng nhất thì có thể dẫn đến thảm họa quốc, gia mà chưa biết tương lai như thế nào vì không ai có thể nói chuyện đùa với nước và lửa”.

Dân gian Việt Nam có câu ‘Nước đến chân mới nhảy’ và thực tế Việt Nam lâu nay cho thấy thực trạng đó. Dẫu thiên tai là hiện tượng tự nhiên; nếu Nhà nước có chuẩn bị kỹ lưỡng với những cơ sở hạ tầng cần thiết, luôn trong tư thế sẵn sàng thì tác hại của thiên tai sẽ được giảm thiểu.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy thiên tai tại Việt Nam từ đầu năm đến nay đã khiến hơn 50 người mất mạng và thiệt hại vật chất lên đến 3 ngàn tỷ đồng.