Friday, January 2, 2015

Nên làm gì với Viện Khổng Tử ở Hà Nội?

Theo Người Việt-01-029-2015 8:21:12 PM


Cuối năm 2014, ngày 27 tháng 12 một Viện Khổng Tử đã chính thức được đặt trong đại học Hà Nội. Mục đích được nêu ra là “thúc đẩy việc nghiên cứu, giảng dạy tiếng Trung Quốc, góp phần củng cố và phát triển quan hệ Việt-Trung ...” Nhưng giới trí thức Việt Nam không ai tin.

Người Việt và người Trung Hoa đều nghi ngờ vai trò của Viện Khổng Tử. Thí dụ, ông Ngô Đức Thọ, thuộc Viện Hán Nôm Hà Nội, lo rằng Trung Cộng đang “mang ngay tư tưởng bành trướng Đại Hán cắm giữa thủ đô Hà Nội!” Bên Trung Quốc, nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa Bình, cho rằng hàng động này nằm trong kế hoạch thúc đẩy đầu óc dân tộc cực đoan trong nước Tàu; để dân quên cảnh chính quyền độc tài đàn áp; và cũng vì đầu óc muốn làm bá chủ thiên hạ của đám lãnh đạo Bắc Kinh.

Có thể nói ở nước ta từ đời Lý, Trần đã lập các Viện Khổng Tử, mà các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng vậy. Bởi vì từ thế kỷ 19 về trước các dân tộc Á Đông này đều học kinh điển Khổng, Mạnh, dùng làm nền tảng giáo dục. Nhưng tại sao bây giờ người Việt phải lo ngại về một Viện Khổng Tử? Hơn nữa, hiện nay nhiều nước chung quanh vẫn chấp nhận các Viện Khổng Tử do Trung Cộng đài thọ, như tại Nam Hàn đã lập 17 viện, tại Nhật Bản có 13, Thái Lan 12, Indonesia có 7 viện. Tại sao người Việt Nam chúng ta lại chống? Lý do chính là vì không người Việt nào tin Cộng Sản Trung Quốc. Chính tuần báo Anh quốc The Economist cũng nhận xét rằng Viện Khổng Tử là một “cơ quan nhà nước” cho nên nó sẽ đóng vai thi hành các chủ trương của Cộng Sản Trung Quốc. Từ năm 1950 đến nay, chủ trương của Trung Cộng vẫn là muốn Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc Bắc Kinh; mở đầu bằng viện trợ quân sự, sau là dậy đấu tố, chỉnh huấn, tạo ra một đảng cộng sản người Việt nằm trong tay Trung Cộng.

Cho nên ông Vũ Cao Phan, người từng giữ vai Phó chủ tịch hội Hữu nghị Việt Trung, tỏ ý nghi ngờ mục tiêu của Trung Cộng: “Viện Khổng Tử tại đại học Hà Nội ... sẽ tuyên truyền những cái khác ngoài văn hóa!” Ông Nguyễn Văn Tuấn nhìn ra, “Viện Khổng Tử ... mở thêm một cánh cửa để Việt Nam lọt vào quĩ đạo [của Trung Quốc] lệ thuộc hơn nữa vào Tàu.”

Những phản ứng hoài nghi và chống đối của giới trí thức thủ đô Hà Nội và trên toàn quốc chắc sẽ không ngăn cản được quyết định thành lập Viện Khổng Tử. Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng không dám ngăn cản nếu hoạt động của viện này là tuyên truyền cho “tư tưởng bành trướng Đại Hán.” Nếu Trung Cộng đem sang những bản đồ vẽ cả vùng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Đường Chín Đoạn của Trung Quốc lưu giữ trong cái viện này, thì chắc các ông lãnh đạo đại học Hà Nội cũng đành chịu! Giả thử có cán bộ Trung Cộng sang dậy học tại Viện Khổng Tử giảng rằng đời xưa ông Mã Viện đã sang Giao Chỉ tiêu diệt bọn địa chủ Trưng Trắc, Thi Sách, để “giải phóng” dân Lạc Việt. Nếu các bloggers trong nước lên tiếng phản đối thì họ có bị các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng bắt giam hay không? Chắc phải bắt hết, bởi vì trong thế kỷ 20 Việt Cộng đã học tập Trung Cộng theo đúng bài bản đấu tranh giai cấp đó.

Vậy chúng ta phải làm gì để ngăn chặn âm mưu tuyên truyền chủ trương Đại Hán?

Có một cách, là dùng gậy ông đập lưng ông.

Giới trí thức Hà Nội, như quý ông Ngô Đức Thọ, Vũ Cao Phan, Nguyễn Văn Tuấn nên phản công bằng cách mở ra những cuộc hội thảo, nghiên cứu khoa học về Khổng Tử, Mạnh Tử, theo tinh thần phê phán khách quan, phương pháp sử học và xã hội học. Chúng ta có thể đề nghị tổ chức các cuộc thảo luận đó ngay trong Viện Khổng Tử! Nếu họ từ chối thì cứ tổ chức tại địa điểm khác, trong các đại học tư, các trường trung học, mượn các khách sạn, hay ngay tại tư gia. Mời mọi người tới tham dự, miễn phí, và bảo đảm được phát biểu tự do! Nếu đại học Hà Nội sợ không dám cho giới trí thức Việt Nam công khai nghiên cứu Khổng Tử, Mạnh Tử trong viện, thì chúng ta cứ lập một Hội Nghiên cứu Khổng Mạnh, một hội tư, ai cũng được tự do tham dự. Nên nghiên cứu cả Mạnh Tử, vì sách Luận Ngữ thuật lời Khổng Tử chú trọng đến tu thân nhiều hơn, còn sách Mạnh Tử đặc biệt bàn nhiều vấn đề chính trị học.

Ở nước ta, trước đây đã nhiều nhà nghiên cứu viết về Khổng Tử, Mạnh Tử. Như Phan Bội Châu (Khổng Học Đăng), hay Trần Trọng Kim (Nho Giáo). Nhưng các học giả trên nhìn Khổng Mạnh từ bên trong, với tư cách là những người học theo Khổng, Mạnh. Nhìn từ bên ngoài, thì chỉ có các học giả Trung Hoa phê bình Khổng, Mạnh, phần lớn là đả kích hệ thống chính trị cổ truyền của nước họ, trong đó các vua quan nhân danh hai ông Khổng, Mạnh thiết lập những chế độ tập trung quyền hành và khinh thường dân chúng. Nhưng thực sự hai ông Khổng, Mạnh có chủ trương như vậy hay không?

Trong cuốn Đứng Vững Ngàn Năm, chúng tôi đã trình bày đường lối bóp méo Khổng giáo của các vua chúa bên Tàu nhằm phục vụ chế độ chuyên chế của họ, mà chế độ đó theo mô hình Pháp gia chứ không phải Nho gia. Từ thế kỷ 15 vua quan nước ta mới bắt chước mô hình cai trị đó. Các hoàng đế Trung Hoa đã xuyên tạc Nho Giáo vì nhu cầu chính trị vua, vua quan nước ta cứ thế đi lạc theo. Nếu hiểu đúng hai ông Khổng, Mạnh thì chúng ta biết rằng họ không hề chủ trương tôn quân tuyệt đối như các ông vua đời Tống, đời Thanh bên Tàu, hay vua Gia Long, Minh Mạng ở nước ta. Hội Nghiên cứu Khổng Mạnh có thể mời Viện Khổng Tử hợp tác tham gia một cuộc hội thảo về Khổng Tử hay Mạnh Tử.

Thí dụ, một đề tài đáng thảo luận là: Ai có quyền cai trị dân? Xin trích dẫn một đoạn trong Lương Huệ Vương, Thượng, chương 6, như sau:

Mạnh Tử kể chuyện lúc gặp vua Lương, ông vua hỏi, “Khi nào thiên hạ định?” (Thiên hạ ô hồ định?) Mạnh Tử đáp rằng, “Khi có một người nắm quyền thì định” (Định vu nhất). “Ai có khả năng gom vào làm một?” (Thục năng nhất chi?) Trả lời, “Kẻ không thích giết người thì có thể thống nhất thiên hạ” (Bất thị sát nhân giả, năng nhất chi). Ông vua lại hỏi, “Ai ban quyền (thống nhất) cho người đó?” (Thục năng dữ chi?) Trả lời, “Tất cả thiên hạ không ai là không có cái quyền (ban cho) này” (Thiên hạ mạc bất dữ dã).

Qua đoạn văn trên chúng ta biết Mạnh Tử quan niệm chính quyền là do sự ủy nhiệm của mọi người dân. Ta còn thấy Mạnh Tử coi tất cả mọi người dân đều bình đẳng trong quyền ủy nhiệm cho vua cai trị, không ai không có quyền đó (Thiên hạ mạc bất dữ dã). Tất cả mọi người dân có quyền chỉ định ai là kẻ đáng nắm quyền trong thiên hạ, trong một nước hay trong một tỉnh, một quận cũng vậy. Thời ông Mạnh Tử, trước đây hơn 24 thế kỷ, nước Trung Hoa chưa biết tổ chức bỏ phiếu, nhưng ngày nay ai cũng biết. Có nên bỏ phiếu để thực hành việc ủy quyền hay không?

Một đề tài khác đáng đem ra hội thảo, là: Nếu người cầm quyền không hợp lòng dân thì dân có thể làm gì? Chúng ta cũng có thể trích Lương Huệ Vương, Hạ, chương 8, sách Mạnh Tử.

Khi Tề Tuyên Vương hỏi về chuyện Thành Thang đánh vua Kiệt, Vũ đuổi vua Trụ; Mạnh Tử đáp, “Sử chép đúng thế.” Tuyên Vương lại hỏi, “Như vậy thì bầy tôi có thể thí vua sao?” (Thần thí kỳ quân khả hồ?) Mạnh Tử trả lời, “Kẻ làm hại điều Nhân, gọi là Tặc; làm hại điều Nghĩa, gọi là Tàn. Kẻ Tàn, Tặc, nó cũng chỉ là một thằng người mà thôi. Tôi nghe nói chém đầu một thằng tên là Trụ chứ không nghe chuyện thí vua.” (Tặc nhân giả, vị chi Tặc, tặc nghĩa giả, vị chi Tàn; Tàn, Tặc chi nhân, vị chi nhất phu. Văn trù nhất phu Trụ hĩ, vị văn thí quân da...

Trước đây 25 thế kỷ, Nhân và Nghĩa là hai giá trị nền tảng trong bản “hợp đồng xã hội” giữa vua và dân. Tề Tuyên Vương vẫn coi Kiệt, Trụ là vua, nên dùng chữ “thí quân,” động từ “thí” chỉ việc giết vua. Mạnh Tử thấy các bạo chúa phạm nhân nghĩa, không xứng đáng làm vua, cho nên không dùng động từ “thí” mà dùng chữ “trù,” nghĩa là chặt đầu. Tóm lại, Mạnh Tử công nhận: Người dân có quyền lật đổ những chính quyền khi chính quyền đó vi phạm hợp đồng xã hội, làm hại Nhân và Nghĩa. Khi đó người dân có quyền lật đổ chính quyền, như trong hình ảnh giết vua.

Hội Nghiên Cứu Khổng Mạnh sẽ in thành sách các bài nghiên cứu về hai đề tài trên, cho đồng bào Việt Nam ta cùng tham gia ý kiến về hai câu hỏi. Thứ nhất: Lấy gì làm căn bản cho quyền cai trị của một đảng? Thứ hai: Nếu chính quyền không làm đúng bổn phận thì dân có quyền lật đổ hay không? Ngoài ra, có thể mời các luật gia thuyết trình về câu hỏi: Nếu Mạnh Tử sống vào năm 2015, ở nước Việt Nam, thì khi ông nói những ý kiến như trên, ông sẽ bị bắt hay không? Ông Mạnh Tử sẽ bị truy tố theo điều 79 hay Điều 88 bộ luật hình sự?

Nghiên cứu tư tưởng tôn trọng quyền dân của Khổng, Mạnh để đóng góp cho Viện Khổng Tử, đó là một cách ngăn chặn âm mưu tuyên truyền chủ trương Đại Hán của các vị hoàng đế Trung Hoa thời nay.
Ngô Nhân Dụng

Việt Nam cùng Trung Quốc dẫn đầu 'xâm hại tự do Internet'

HÀ NỘI (NV) - Đó là nhận định của tổ chức Freedom House. Freedom House cảnh báo, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đang dùng luật pháp để siết chặt việc sử dụng Internet chia sẻ thông tin, ý kiến.


Một điểm cung cấp dịch vụ Internet công cộng tại Việt Nam. Việt Nam cùng Trung Quốc đang dẫn đầu “xâm hại tự do Internet.” (Hình: website kenh14.vn)

Trước đây, việc xâm hại quyền tự do Internet chỉ ngừng lại ở việc dựng tường lửa, ngăn chặn người sử dụng Internet truy cập vào các trang web có những thông tin, ý kiến bất lợi cho chính quyền. Tuy nhiên phương thức này không đạt hiệu quả mong muốn vì người sử dụng Internet luôn tìm ra cách khắc chế những hạn chế bằng giải pháp kỹ thuật.

Cũng vì vậy, Việt Nam và Trung Quốc tiến thêm một bước, đặt ra các qui định để trừng phạt bằng pháp luật.

Theo Freedom House, năm ngoái, Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia bắt giữ nhiều blogger nhất thế giới. Cũng theo Freedom House, việc xâm hại tự do Internet đang có khuynh hướng lan rộng. Trong năm vừa qua, “tự do Internet” tại 36 trong số 64 quốc gia mà Freedom House khảo sát đều bị tụt hạng.

Ngoài chuyện bị Freedom House xếp vào nhóm dẫn đầu về việc xâm hại tự do Internet, Việt Nam tiếp tục bị Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) lên án do lại bắt giữ thêm ông Nguyễn Đình Ngọc, người sử dụng bút danh “Nguyễn Ngọc Già,” viết nhiều bài bình luận về tình hình Việt Nam.

RSF cảnh báo cộng đồng quốc tế rằng, Việt Nam đang giam giữ 29 blogger chỉ vì họ sử dụng Internet, thực hiện quyền tự do ngôn luận. Dẫu chỉ bày tỏ suy nghĩ, chia sẻ thông tin một cách ôn hòa song 29 blogger này đã bị cáo buộc phạm nhiều tội “hình sự” khác nhau như: “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước,” “tuyên truyền chống nhà nước,” “âm mưu lật đổ chính quyền”... Trong bảng xếp hạng về tự do báo chí của RSF, Việt Nam đứng hạng 174/180.

Dẫu bị các tổ chức quốc tế hoạt động cho dân chủ, nhân quyền và chính phủ nhiều quốc gia chỉ trích kịch liệt vì đã vi phạm những cam kết sẽ cải thiện nhân quyền, song Việt Nam vẫn tiếp tục bắt giữ thêm ba blogger trong vòng một tháng.

Hôm 27 tháng 12, công an thành phố Sài Gòn loan báo đã “tạm giữ hình sự” ông Nguyễn Đình Ngọc (blogger “Nguyễn Ngọc Già”), 48 tuổi, cư ngụ tại Sài Gòn để làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật.

Giống như hai người khác từng bị bắt giữ trước đó vài tuần là Nguyễn Quang Lập và Hồng Lê Thọ, ông Ngọc chưa bị khởi tố nên chưa biết công an sẽ cáo buộc ông Ngọc phạm tội gì.

Ông Nguyễn Quang Lập, 58 tuổi thì bị bắt ngày 6 tháng 12 khi đang bị bán thân bất toại, đi lại và sinh hoạt cần có người giúp. Ông Lập vừa là một nhà văn, vừa là tác giả nhiều kịch bản điện ảnh, sân khấu. Các tác phẩm của ông Lập đã đem lại cho ông nhiều giải thưởng. Cách nay vài năm, ông Lập thực hiện Blog “Quê Choa.” Blog này là một trong những trang web dẫn đầu về số lượng truy cập tại Việt Nam. Sau 9 ngày bị “tạm giữ hình sự,” hôm 17 tháng 12, Bộ Công An Việt Nam công bố quyết định khởi tố ông Lập vì “tuyên truyền chống nhà nước.”

Ông Hồng Lê Thọ, 65 tuổi, là một người Việt có quốc tịch Nhật, hồi hương cách nay vài năm. Ông Thọ thực hiện blog có tên “Người Lót gạch.” Hôm 26 tháng 11, Bộ Công An Việt Nam loan báo đã thực hiện việc “tạm giữ hình sự” đối với ông Thọ vì ông đưa lên Blog “Người Lót Gạch” những “nội dung xấu và các thông tin sai lệch.” Các blogger Việt Nam lo ngại cho tính mạng của ông Thọ vì sức khỏe của ông cũng rất kém. Chín ngày sau khi hết thời hạn “tạm giữ hình sự,” ông Thọ bị khởi tố vì “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước.” (G.Đ)
01-02-2015 4:41:49 PM

5 phụ nữ bị đối xử như nô lệ ở Saudi Arabia về đến Việt Nam

HÀ NỘI (NV) - Năm phụ nữ Việt Nam được một công ty xuất cảng lao động gửi sang Saudi Arabia giúp việc nhà nhưng bị đối xử như nô lệ đã về đến phi trường Nội Bài, Hà Nội hôm 31 tháng 12. 


Một trong năm phụ nữ vừa trở về từ Saudi Arabia. (Hình: Lao Động)

Tại Saudi Arabia, những phụ nữ này bị chủ nhà buộc làm việc từ 17 đến 20 giờ một ngày. Có nơi, chủ nhà hạn chế cho ăn, kiểm soát thùng rác rồi buộc họ phải ăn lại những thực phẩm lấy ra từ thùng rác mà chủ nhà cho rằng, người giúp việc “có thể ăn được.” Khi chủ nhà không vừa ý, có người bị chủ nhà đổ acid loãng vào tay, có người bị chủ nhà dùng quẹt dọa đốt mặt, bị chủ bốc cát, sỏi nhét vào miệng và...quỵt lương.

Khi họ tìm cách liên lạc với công ty xuất cảng lao động đề nghị đưa họ quay về, công ty này yêu cầu họ phải nộp hàng chục triệu để bồi thường bởi muốn “đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.”

Sau đó, một người trong số năm phụ nữ này gửi lời kêu cứu lên Facebook, tờ Lao Động đã liên lạc để lấy thêm thông tin, hình ảnh và thực hiện một loạt phóng sự về chuyện đưa phụ nữ Việt Nam ra ngoại quốc làm “nô lệ.”

Đến lúc đó, Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội của Việt Nam mới yêu cầu công ty xuất cảng lao động phải hỗ trợ họ hồi hương.

Hồi giữa tháng 12 năm ngoái, tờ Lao Động cho biết, trong 11 tháng của năm 2014, Cục Quản lý lao động ngoài nước của Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội và Đại Sứ Quán Việt Nam tại Saudi Arabia nhận được hơn 40 thư của những người Việt đang làm thuê tại Saudi Arabia, hai phần ba số thư là của phụ nữ được gửi sang Saudi Arabia giúp việc nhà.

Những thư này đều tố cáo họ đang bị buộc làm những công việc không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng, bị buộc làm việc quá sức, quá mức. Khi đau ốm, không được chăm sóc, nghỉ ngơi...nên đòi đưa họ hồi hương. Một số tố cáo cho biết, ngoài việc đã thu những khoản phí lien quan đến môi giới, mỗi tháng, các công ty xuất cảng lao động còn thu thêm 30% tiền lương của họ.

Thảm trạng vừa kể thật ra không mới và nó đã từng được các tổ chức quốc tế hoạt động cho nhân quyền, cũng như nhiều cơ quan truyền thông quốc tế cảnh báo từ lâu. Trong đó mạnh mẽ nhất là American Thinker, một tờ báo điện tử chuyên giới thiệu những bài bình luận về các vấn đề được xem là quan trọng với Hoa Kỳ. Hồi tháng 4 năm 2013, Amerian Thinker đăng bài “Communist Vietnam - Human Trafficker Extraordinaire” của Michael Benge, trực tiếp cáo buộc chính quyền Việt Nam chủ trương buôn người.

Lúc đó, ông Benge cho biết, trong khi Bộ Công An Việt Nam loan báo, từ 2004 đến 2009, có 2,935 người Việt Nam trở thành nạn nhân của nạn buôn người thì các tổ chức quốc tế cho rằng, số người Việt là nạn nhân của tệ nạn buôn người từ năm 1990 đến 2013 phải trên 400,000 người.

Ông Benge tin rằng, số liệu của các tổ chức quốc tế dù lớn nhưng chưa đầy đủ vì chưa tính tới hàng chục ngàn vụ lạm dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất cảng lao động.

Sau năm 1975, Việt Nam đã từng gửi hàng trăm ngàn người đi làm thuê tại Liên Xô và các quốc gia cộng sản ở Đông Âu để trừ các khoản đã vay trong chiến tranh. Từ chỗ đưa người ra ngoại quốc làm thuê, tổ chức bán sức lao động của họ để kiếm ngoại tệ, chính quyền Việt Nam tiến thêm một bước trong lĩnh vực buôn người, góp sức trong việc mua bán phụ nữ và trẻ em làm nô lệ tình dục.

Ông Benge xem các cuộc hôn nhân không có tình yêu giữa những phụ nữ Việt Nam nghèo khó với những người đàn ông ở các quốc gia có mức sống cao hơn là một hình thức bóc lột và Việt Nam trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho hoạt động bóc lột tình dục. Đối tượng kế tiếp trở thành nạn nhân là trẻ em.

Phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị bóc lột tình dục ở khắp nơi: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Mã Lai, Đài Loan, Macao, Trung Đông, Châu Âu. Phụ nữ Việt Nam được thuê để đẻ mướn, được khuyến dụ sinh con để bán cho người nước ngoài cần con nuôi.

Ông Benge nhắc lại vụ bảy cô gái bị lừa sang Nga rồi bị ép làm gái mại dâm. Với sự giúp đỡ của ông Nguyễn Đông Triều, một tham tán trong Đại Sứ Quán Việt Nam tại Nga, tú bà Thúy An - kẻ thủ ác, vẫn bình an vô sự.

Tuy có sự hỗ trợ tích cực từ Boat People SOS, Coalition to Abolish Modern-Day Slavery in Asia, Quốc Hội Hoa Kỳ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhưng để được phóng thích, các nạn nhân vẫn phải viết thư...xin lỗi tú bà vì đã...vu khống bà ta mua bán nô lệ tình dục và...cám ơn các viên chức ngoại giao Việt Nam tại Nga đã...giúp đỡ họ hồi hương.

Michael Benge nhận định, chính quyền Việt Nam đã học hỏi Tito - kẻ từng lãnh đạo chính quyền cộng sản ở Nam Tư, xem việc đưa người ra ngoại quốc làm thuê là để giảm bớt những bất ổn đang âm ỉ bên trong và tăng nguồn thu ngoại tệ. Nhờ vậy, lượng kiều hối mà Việt Nam nhận được tăng đều đặn và nay đã vượt mức hang chục tỷ Mỹ kim mỗi năm.

Ông Benge khẳng định chính quyền Việt Nam chủ trương buôn người qua hoạt động của các công ty xuất cảng lao động.

Các công ty này thường có nguồn gốc phức tạp, thường xuyên lừa gạt người nghèo bằng những hợp đồng hấp dẫn (lương cao, điều kiện làm việc lý tưởng).

Có những người nghèo phải trả hang chục ngàn Mỹ kim cho cái gọi là phí nộp đơn. Vì nghèo, họ được khuyến khích thế chấp tài sản để vay tiền ngân hàng thanh toán các loại chi phí. Khi ra đến ngoại quốc, họ bị thu hộ chiếu, bị ép ký những hợp đồng khác hẳn những gì đã được hứa hẹn, phải làm việc nhiều hơn, điều kiện làm việc tồi tệ hơn, chưa kể hàng tháng còn phải nộp một khoản nhất định cho công ty xuất cảng lao động...Vì vậy, người nghèo đi làm thuê ở ngoại quốc ngập trong nợ, lệ thuộc vì nợ, gia đình của họ tại Việt Nam thì mất hết tài sản.

Ông Benge khẳng định, các công ty xuất cảng lao động đã liên kết với các ngân hàng và các viên chức chính quyền. (G.Đ)

01-02-2015 2:46:38 PM

Hàng loạt trụ ATM “nghỉ tết”

NGUYỄN TRÍ - N.BÌNH-09:49 02/01/2015
Hàng chục người sử dụng thẻ ATM Vietcombank, chủ yếu là công nhân, đã không rút được tiền tại nhiều trụ ATM trên địa bàn quận Tân Phú, Bình Tân và một số nơi khác tại TP.HCM trong chiều 31/12/2014 và sáng 1/1/2015.


Hàng loạt trụ ATM “nghỉ tết”
Nhiều người ở khu vực KCN Vĩnh Lộc mòn mỏi chờ rút tiền tại ATM nhưng không phải ai cũng “gặp may” - Ảnh: N.Trí
Đại diện Vietcombank cho biết lượng người rút tiền tăng nhanh trong đêm 31/12 đã làm nhiều ATM hết tiền hoặc bị “quá tải”.
Đi 8 cây ATM vẫn không rút được tiền
Khoảng 8g-8g30 sáng 1/1, PV  ghi nhận dọc khu vực đường Tây Thạnh, Lê Trọng Tấn (Q.Tân Bình) cách nhau chưa tới 2km nhưng có đến bảy trụ ATM không rút được tiền vì nhiều lỗi khác nhau.
Theo phản ảnh của nhiều người, khi giao dịch màn hình ATM hiện lên dòng chữ “ATM tạm ngưng phục vụ, chân thành xin lỗi quý khách”, “Xin lỗi giao dịch bị hủy bỏ do lỗi thiết bị”...
Trước đó, anh Võ Thế Định (Tây Thạnh, Q.Tân Phú) cho biết khoảng 18g30 ngày 31-12 anh tìm đến rất nhiều trụ ATM Vietcombank gần khu vực Khu công nghiệp (KCN) Tân Bình nhưng chỉ có một trụ ATM rút được tiền và chỉ rút được một lần, lần thứ hai máy báo tạm ngưng phục vụ. “Nghỉ tết dài ngày tôi muốn về quê, nhưng vì rút không được tiền nên tôi bị trễ xe, giờ phải ở lại” - anh Định bức xúc.
Dọc đường số 7 KCN Vĩnh Lộc (Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân), dù chi nhánh Vietcombank nằm ngay sát bên nhưng hàng chục người vẫn chờ đợi trong vô vọng tại các trụ ATM của ngân hàng này. Vận may chỉ xuất hiện khi khoảng 9g30 nhân viên ngân hàng này mang tiền đến nạp vào trụ.
Tay cầm chặt cửa trụ ATM, tay cầm thẻ trong tư thế sẵn sàng, chị Hồ Bích Nguyệt (công nhân KCN Vĩnh Lộc) cho biết: “Tôi đợi ở đây hơn một giờ rồi, hôm qua không rút được, giờ không rút được thì không biết lấy tiền đâu đi chợ. Ở đây có hàng chục nghìn công nhân, ai cũng sử dụng thẻ ATM, tiền tất cả trong thẻ, không rút được tiền coi như đói”.
Cách đó chưa tới 1km, lúc 10g chúng tôi cũng ghi nhận hàng chục công nhân “bất lực” với bốn ATM của Vietcombank nằm trong siêu thị Co.op Food Vĩnh Lộc. Mồ hôi nhễ nhại, chị Lê Thị Thương (công nhân) chẳng muốn bước xuống xe khi nhận được cái lắc đầu của nhiều người vào rút tiền tại bốn trụ trên.
“Lại không rút được à? Hôm qua tới giờ bỏ công bỏ chuyện chạy đến cả chục cây ATM để rút tiền mà thế này thì lấy gì nghỉ lễ. Sáng giờ không có tiền đi chợ rồi” - chị Thương bức xúc.
Theo chị Thương, mấy trụ ATM tại Co.op Food Vĩnh Lộc hết tiền từ khoảng 13g ngày 31-12, chị đã chạy ra đây bốn lần nhưng đều không rút được tiền.
Lỗi do giao dịch liên tục?
Trao đổi với PV về tình trạng công nhân không thể rút tiền từ các máy ATM của Vietcombank trong hai ngày 31/12/2014 và sáng 1/1/2015 ở khu vực Tân Bình, KCN Vĩnh Lộc, đại diện Vietcombank chi nhánh TP.HCM cho biết khu vực này có nhiều máy ATM do ba chi nhánh Vietcombank khác nhau phụ trách gồm Vietcombank chi nhánh TP.HCM, Vietcombank Vĩnh Lộc và Vietcombank Tân Bình.
Hai trụ ATM nằm trước Công ty dệt may Thắng Lợi (đường Tây Thạnh, Q.Tân Phú) do Vietcombank chi nhánh TP.HCM phụ trách. Ông Lê Huỳnh Hà, trưởng phòng ATM Vietcombank chi nhánh TP.HCM, cho biết sau khi kiểm tra nhật ký thì ghi nhận chỉ có một máy ATM hết tiền trong sáng 1/1/2015, một máy còn lại hoạt động liên tục bình thường.
“Máy ATM này sau khi hết tờ 500.000 và 100.000 đồng, chỉ còn lại tờ 50.000 đồng và đến 10g sáng 1/1 mới hết tiền. Tuy nhiên, chúng tôi đã cho tiếp quỹ ngay và đến chiều 1/1 máy đã hoạt động bình thường” - ông Hà cho biết.
Theo ông Hà, từ cuối ngày 31/12, hàng loạt công nhân đổ xô đi rút tiền, một lượng tiền lớn được rút trong đêm dẫn đến một số máy hết tiền, Ngân hàng tiếp quỹ không kịp.
Với trường hợp máy ghi lỗi giao dịch trên màn hình, ông Hà nói có khả năng lớn là máy bị kẹt tiền như tiền bị xoắn hoặc tiền dính vào nhau nên không thể nhả tiền chứ không phải hết tiền.
Lúc này máy vẫn có khả năng thực hiện các giao dịch khác như chuyển khoản, riêng chức năng chi tiền thì không thực hiện được. Chỉ khi nhân viên phụ trách đến sửa lỗi thì máy mới hoạt động bình thường trở lại.
Ông Trần Minh, phụ trách ATM của Vietcombank chi nhánh Tân Bình, cho biết ba máy ATM do chi nhánh phụ trách trên đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Bình) bị lỗi thiết bị, mất nguồn. Ba máy này được ghi nhận hư hỏng từ chiều tối qua nhưng không phát hiện lỗi.
Đến hơn 10g sáng 1/1 khi nhân viên ngân hàng đi kiểm tra, tháo hộp thì mới phát hiện lỗi cục phát điện dẫn đến lỗi mạng.
Còn phụ trách thẻ ATM Vietcombank Vĩnh Lộc cũng xác nhận bốn máy ATM trong khu Co.op Food Vĩnh Lộc bị trục trặc, không hoạt động từ chiều 31/12. Trong đó, một máy hết tiền, một máy kẹt tiền, một máy hết cuộn giấy nhật ký và một máy kẹt giấy ghi nhật ký. Vị này cho biết lỗi chủ yếu do lượng người rút tiền trong tối 31/12 nhiều, chi nhánh cũng chủ động kiểm soát đảm bảo các lỗi này được xử lý trong vòng 24 giờ như theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, theo các công nhân, việc ngân hàng để bốn máy ATM cùng không hoạt động một thời điểm là không thể chấp nhận được. Bởi lỗi hết giấy ghi nhật ký có thể xử lý nhanh vì không liên quan đến két tiền.
Theo ông Trần Đình Cường, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, hôm 23-12, Ngân hàng Nhà nước có cuộc họp với các ngân hàng trên địa bàn về chấn chỉnh, nhắc nhở các dịch vụ ATM vào mùa cao điểm.
Tại cuộc họp này, Ngân hàng Nhà nước đã lưu ý các ngân hàng phải tăng cường, tập trung dịch vụ ATM dịp Tết dương lịch cũng như Tết âm lịch. Cơ quan thanh tra cũng thông báo việc xử phạt theo nghị định 96 để các đơn vị nắm. Đầu tháng 12-2014, cơ quan thanh tra đã lập hai đoàn đi kiểm tra 10 đơn vị và thông báo tình hình kiểm tra.
Sắp tới, gần tết Ngân hàng Nhà nước sẽ đi kiểm tra một số khu vực trọng điểm như KCN-KCX. Ông Cường cho biết sẽ có văn bản đề nghị đoàn thanh tra kiểm tra những trường hợp của Vietcombank vừa nêu trên.
Để máy ATM hết tiền sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng
Theo quy định, từ ngày 12-12, ngân hàng nào để máy ATM hết tiền sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng. Cũng theo quy định, các ngân hàng phải có số điện thoại và địa chỉ liên hệ khi gặp sự cố trong khi giao dịch, tổ chức cung ứng dịch vụ phải bảo đảm duy trì hoạt động bộ phận hỗ trợ khách hàng 24/24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần để khách hàng liên hệ bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, người dân có thể phản ảnh tới văn phòng Ngân hàng Nhà nước qua số điện thoại (043) 8266344 hoặc 0974899702, fax: (043) 8241534, email: nhnn@sbv.gov.vn. Còn tại TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp nhận qua số (083) 8211230.
L.THANH
Theo tuoitre.vn

Căn cứ địa cuối cùng cho hàng Việt

TRƯƠNG PHAN-09:00 03/01/2015
Tìm chỗ đứng trong các hệ thống siêu thị ngày càng khó khăn, buộc các doanh nghiệp Việt phải củng cố kênh phân phối truyền thống lẫn thị trường nông thôn nếu không muốn trắng tay.

Căn cứ địa cuối cùng cho hàng Việt
Ảnh minh họa.
Một thống kê gần đây cho thấy, sau mấy năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, tỷ lệ hàng Việt đã chiếm 80 - 90% trong các hệ thống siêu thị. Nhưng trên thực tế, hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đều đã bật ra khỏi siêu thị và con số 80, 90% hàng Việt đó, hầu hết đều là hàng của các công ty đa quốc gia. Vì nếu nhìn lại định nghĩa hàng Việt Nam là những sản phẩm của các doanh nghiệp có chủ sở hữu là doanh nghiệp Việt Nam, chứ không phải là các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam thì tỷ lệ trên sẽ không đúng. Trong rất nhiều ngành hàng, tỷ lệ này đã xuống dưới 50%.
Thử tham khảo hai ngành hàng rượu bia và hóa mỹ phẩm. Doanh nghiệp bia Việt lớn nhất hiện nay là Công ty Bia Sài Gòn cũng chỉ chiếm chưa đến 20% trong kênh siêu thị, phần lớn còn lại nắm giữ bởi hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài như Heineken, Tiger, Sapporo… Hay như ngành hàng hóa mỹ phẩm, 80% thị phần thuộc về Unilever, P&G, Nivea, Colgate... Những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn như trên chỉ đơn thuần là sản xuất tại Việt Nam, khó có thể nói là doanh nghiệp Việt Nam được.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang tìm đường sống bằng cách chăm chút hơn cho chuỗi cửa hàng chuyên doanh và tìm cách giữ, nếu được thì mở rộng từ từ mạng lưới chân rết ở nông thôn. Và có vẻ như các doanh nghiệp Việt cũng chỉ còn vài năm nữa để củng cố “căn cứ địa cuối cùng”.
Tình thế thị trường hiện nay đối với hệ thống phân phối hiện đại là đầy biến động.
Các chuyên gia đánh giá, sau khi trụ vững ở các đô thị lớn nhất, các đại gia phân phối hiện đại sẽ bắt đầu nhòm ngó tới các đô thị xếp hạng 2, rồi cuối cùng là về nông thôn. Trong khi đó, kinh nghiệm các đại gia sản xuất như Unilever, Procter&Gamble, PepsiCo, Dutch Lady, Acecook, Nestle… mà họ từng có trong ứng xử với hệ thống Metro là nên tự mình phát triển mạng lưới chân rết chính mình, vì chi phí trả cho Metro khá đắt và lại bị lệ thuộc không xoay trở được khi có đối thủ cạnh tranh ngang sức thâm nhập thị trường.
Vì vậy từ năm 2007, 2008, các đại gia này đã tự xây dựng bản đồ phân phối, tự tổ chức hệ thống phân phối đến tận thôn, ấp xa xôi để rồi bây giờ đều có hàng trăm nghìn điểm bán gọi là "mama shop", len lỏi sâu đến tận khu dân cư xa xôi nhất.
Để cho chắc ăn, Unilever còn kết hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức phân phối hàng tận cơ sở, giúp… giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho phụ nữ nghèo nông thôn. Chi phí bỏ ra khá đắt và đòi hỏi chuyên môn cao, kiên trì, nhưng kinh nghiệm của đại gia này ở Ấn Độ, Bangladesh, các nước đông dân đang phát triển khiến họ đủ tự tin và đến nay thì sự thành công này không ai phủ nhận được.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng phương pháp này cũng đã thành công rất vững chắc như: Vinamilk, Masan, dược Hậu Giang, Kinh Đô…, nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đến nay, nếu nói rằng các đại gia sản xuất chưa về đến nông thôn là hoàn toàn sai. Rồi tiếp đến sẽ là các đại gia phân phối. Nếu doanh nghiệp nội vẫn cứ làm thị trường nông thôn theo kiểu phong trào hiện nay, con số những phiên chợ nông thôn kiểu bán hàng lưu động, kích cầu, mấy năm gần đây có tăng nhiều nhưng không giúp gì việc xây dựng mạng lưới phân phối hàng Việt, chưa kể chủ yếu giúp bán hàng cho các tập đoàn đa quốc gia và... hàng Trung Quốc giá rẻ.
Quan sát kỹ sẽ thấy, hiện các thương hiệu quốc tế cũng đã phủ rộng với tầm nhìn chuyên nghiệp. Họ tung tiền trưng bày hàng khắp mặt tiền chợ, không sợ bị “chê là hàng chợ” như nhà sản xuất Việt. Trong khi đó, thị trường Việt Nam chỉ còn một năm trước khi hàng Thái Lan, Indonesia, Malaysia… về tới nông thôn với thuế suất bằng 0.
Tuy nhiên, hệ thống chợ truyền thống hiện nay vẫn còn dư địa cho hàng Việt, nếu doanh nghiệp trong nước không tiếp tục bỏ lơi. Ngoài chợ truyền thống ở đô thị, hệ thống các chợ huyện chính của mỗi tỉnh cũng chính là những căn cứ địa quan trọng để tỏa hàng đi về xã thôn, xóm ấp xa xôi theo cách người phân phối nhỏ lẻ tự lo chuyện phát hàng.
Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” sau 5 năm, đã có bước ngoặt với văn bản chỉ đạo hành động cụ thể của Chính phủ bằng Quyết định 634 của Thủ tướng. Từ năm 2015, tất cả 63 tỉnh thành phải tập trung truyền thông ủng hộ hàng Việt với các hình thức, công cụ mới. Phải tổ chức ở mỗi tỉnh, thành cơ sở dữ liệu (bản đồ số) về mạng lưới phân phối và hướng dẫn cho doanh nghiệp sử dụng cơ sở dữ liệu này (cơ sở dữ liệu được trao miễn phí cho doanh nghiệp), là một chỉ đạo xác đáng và kịp thời, cần được Bộ Công Thương và các tỉnh thành triển khai thực sự, có thể mang lại chuyển biến căn bản cho hệ thống phân phối hàng Việt.
Với doanh nghiệp Việt, vấn đề là phải tìm cách thích nghi một cách hiệu quả.
Trước tiên, cần xác định “mặt trận” cạnh tranh chủ yếu vẫn là sản phẩm. Doanh nghiệp cần có sự đầu tư lâu dài và đúng mức cho sản phẩm để đảm bảo sức cạnh tranh đủ mạnh. Chạy theo cuộc chiến về giá chỉ là ngắn hạn, quan trọng là sản phẩm tốt và phù hợp thị hiếu tiêu dùng.
Tiếp đó, thiết kế chiến lược phát triển các kênh bán hàng một cách cân bằng. Kênh siêu thị hiện chỉ chiếm 25% thị trường, các kênh bán hàng khác, đặc biệt là kênh truyền thống, mới là thị trường mênh mông và bền vững mà doanh nghiệp cần chinh phục. Chuỗi đại lý ở các chợ nông thôn cũng là nơi phải tập trung, không thể bỏ qua.
Cuối cùng, cần khôn khéo thoát khỏi các cuộc chiến giá ở tất cả các kênh. Trong ngắn hạn, việc đối thủ giảm giá có thể tạo ra các ảnh hưởng thấy rõ về doanh số, thị phần nhưng về dài hạn không ai có thể duy trì việc này mãi mãi. Ở mỗi kênh bán hàng, doanh nghiệp cần xác định “một danh mục đầu tư” để hỗ trợ bán hàng, trong đó giá chỉ là một yếu tố, các yếu tố khác còn lại như tiếp thị điểm bán, trưng bày, tư vấn… cũng rất hiệu quả.
Theo VnExpress

“Du khách Trung Quốc có tiền nhưng thiếu văn minh”

NGUYỆT PHƯƠNG-14:52 02/01/2015
Những ngày gần đây, truyền thông Trung Quốc và quốc tế liên tục đăng tải những thông tin về việc du khách Trung Quốc ứng xử vô văn hóa, thậm chí đầy bạo lực, khi đi ra nước ngoài.

“Du khách Trung Quốc có tiền nhưng thiếu văn minh”
Du khách Trung Quốc dọa đánh bom máy bay Thai Airways hôm 15/12. Ảnh: Trung Quốc nhật báo.
Hôm qua 1/1, tạp chí The Diplomat đăng bài viết với tựa đề: “Từ người Mỹ xấu xí tới người Trung Quốc xấu xí”. Tạp chí này nhắc lại những vụ bê bối của du khách Trung Quốc trong suốt năm qua, từ việc một gia đình cho con cái tiểu tiện và đại tiện khi ngồi máy bay ra nước ngoài, đến một người đàn ông đòi mở cửa khẩn cấp của máy bay để “cho thoáng khí”.
Ngày 31/12, báo Hong Kong Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đăng bài: “Du khách Trung Quốc có tiền nhưng thiếu văn minh”. SCMP dẫn lời hướng dẫn viên du lịch Linda Li kể một lần xe chở đoàn du khách Trung Quốc dừng lại một trạm nghỉ trên đường cao tốc tại Frankfurt (Đức), tất cả đều ồn ào phản đối khi cô thông báo phí đi nhà vệ sinh công cộng là 0,7 euro.
Lập tức rất nhiều nam du khách Trung Quốc tiểu tiện ngay ngoài trời. Linda Li kể cô cũng đoán được điều này, nhưng bị sốc nặng khi thấy một du khách giàu có, lớn tuổi cũng hành động như vậy.
“Tôi bị choáng. Người đàn ông này không chịu bỏ 0,7 euro để đi vệ sinh một cách sạch sẽ, trong khi đã trả hàng ngàn euro để mua một chiếc đồng hồ Vacheon Constantin”, Linda Li kể.
Hành xử vô lối
Tân Hoa xã cho biết theo ước tính của Tổng cục Du lịch Trung Quốc (CNTA), tính đến tháng 11/2014 có khoảng 100 triệu du khách Trung Quốc đi ra nước ngoài trong năm, trong đó khoảng 85,4 triệu đến các nước châu Á, phần còn lại đi du lịch châu Âu và châu Phi.
Du khách Trung Quốc vượt qua người Mỹ và Đức để trở thành lực lượng du khách chi nhiều tiền nhất thế giới vào năm 2013, theo khảo sát của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO). Du khách Trung Quốc chi 128,6 tỷ USD, Mỹ 104,7 tỷ USD và Đức 91,4 tỷ USD. Năm 2014 du khách Trung Quốc tiếp tục là đối tượng chi đậm nhất.
Tuy nhiên cùng với việc nhận tiền bạc của du khách Trung Quốc, các điểm du lịch phải hứng chịu cách hành xử vô văn hóa. Năm 2013, một du khách Trung Quốc 15 tuổi gây xôn xao dư luận thế giới khi vẽ bậy lên lên tượng đá ở một ngôi đền Ai Cập 3.500 năm tuổi. Cha mẹ cậu bé này sau đó phải lên tiếng xin lỗi công khai.
Ở Hong Kong, làn sóng phản đối du khách Trung Quốc leo thang sau vụ một cặp vợ chồng người Trung Quốc cho con 2 tuổi ị bậy ngay trên đường phố. Năm 2013, một nhóm du khách Trung Quốc ăn trộm thìa dĩa làm bằng thép không gỉ trên một chuyến bay của Singapore Airlines. Dù bị phát hiện nhưng họ không chịu trả lại.
Vào hôm 15/12/2014, một nhóm bốn du khách Trung Quốc đã làm loạn chuyến bay của hãng Thai Airways chỉ vì không được ngồi cạnh nhau. Một người phụ nữ trong nhóm ném tô mì có nước nóng vào mặt một tiếp viên hàng không. Một người đàn ông trong nhóm thậm chí đe dọa sẽ đánh bom chuyến bay.
Sau đó, CNTA đã đưa nhóm bốn du khách này vào “sổ đen”. Họ bị cấm đi ra nước ngoài. Tờ Trung Quốc nhật báo mô tả nhóm người này hành xử “như những kẻ man rợ”, “vô văn hóa”, bôi nhọ hình ảnh của người dân Trung Quốc trong con mắt quốc tế.
Giáo dục lại
Theo SCMP, năm 2013, CNTA đã đưa ra hướng dẫn cho người Trung Quốc cách hành xử khi đi du lịch nước ngoài. Bảng hướng dẫn khẳng định du khách Trung Quốc khi đi nước ngoài phải tôn trọng văn hóa, tôn giáo địa phương, bảo vệ môi trường... Sau đó CNTA công bố cuốn Hướng dẫn du lịch văn mình dày 64 trang để dạy người Trung Quốc cách ứng xử khi đi nước ngoài.
“Chúng ta cần phải thừa nhận rằng người Trung Quốc thô lỗ ở ở ngoài bởi vì họ thô lỗ ở trong nước” - SCMP dẫn lời nhà nghiên cứu Liu Simin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Du lịch của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc.
Hồi tháng 9/2014, khi đi thăm Maldives, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng kêu gọi người dân Trung Quốc hành xử đúng mực khi đi ra nước ngoài. “Đừng vứt chai nước khắp nơi. Đừng phá hoại san hô. Hãy ăn ít mì thôi và thưởng thức ẩm thực địa phương”, ông Tập nhắn nhủ du khách nước mình.
Tuy nhiên một số chuyên gia ngành du lịch Trung Quốc nhận định hướng dẫn của CNTA hay lời kêu gọi của ông Tập hoàn toàn vô tác dụng, bởi những người thiếu văn minh sẽ hành xử bậy bạ, còn người hiểu biết thì luôn đúng mực.
Hướng dẫn viên Linda Li cho rằng vấn đề là ngành du lịch nội địa Trung Quốc cũng chỉ chăm chăm kiếm tiền chứ không mang tính chất giáo dục, hướng tới môi trường như các nước phương Tây. Do đó du khách Trung Quốc không được học cách ứng xử tử tế, thân thiện với môi trường ngay từ khi ở nhà.
Tạp chí The Diplomat bình luận trên thực tế du khách nhiều nước cũng ứng xử thiếu văn mình. Tuy nhiên với việc chính quyền Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền quá đáng ở châu Á, khiến các nước láng giềng nghi ngờ, việc du khách nước này làm bậy càng bị báo chí chú ý hơn. Và đây là vấn đề về hình ảnh đất nước mà Trung Quốc cần phải cải thiện.
Theo Báo Tuổi Trẻ

Mỹ tăng trừng phạt Triều Tiên sau vụ Sony

(NLĐO) – Mỹ đã quyết định tăng lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên sau khi chính quyền Obama cho rằng Bình Nhưỡng đứng đằng sau vụ tin tặc tấn công hãng Sony Pictures.

Lệnh trừng phạt mới của chính phủ Mỹ nhắm vào 3 cơ quan và 10 cá nhân của Triều Tiên. Ba cơ quan gồm: Tổng cục trinh sát Triều Tiên (RGB), Tập đoàn Phát triển Thương mại Khoáng sản Triều Tiên và Tập đoàn Thương mại Tangun. Đây là những cơ quan mà Mỹ cho là chịu trách nhiệm chính về nghiên cứu và phát triển quốc phòng Triều Tiên, buôn bán vũ khí.

 Mỹ lại áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Mỹ lại áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Theo sắc lệnh áp đặt biện pháp trừng phạt mới mà ông Obama đã ký ngày 2-1, những đối tượng trên sẽ bị từ chối tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ. Ông Obama còn ủy quyền cho Bộ trưởng Tài chính cho phép thảo luận cùng Bộ trưởng Ngoại giao để áp đặt biện pháp trừng phạt với các quan chức của Triều Tiên và những người đại diện, hỗ trợ họ. Theo một quan chức cao cấp của Mỹ thì: “Việc này cho phép chúng tôi quyết định thời gian và địa điểm áp đặt lệnh trừng phạt với bất kỳ quan chức cấp cao nào của Triều Tiên”.

Lệnh trừng phạt về tài chính có hiệu quả khi áp dụng đối với Iran và Nga nhưng chúng hạn chế tác động đến Triều Tiên. Hơn 50 năm qua, Bình Nhưỡng vẫn chịu trừng phạt từ Mỹ nhưng chẳng nao núng là bao, thậm chí, nước này còn nhiều lần lên tiếng công khai chỉ trích Mỹ.

“Các biện pháp trừng phạt kinh tế hay tài chính chẳng ảnh hưởng nhiều đến Triều Tiên là vì họ chẳng du lịch nhiều ở nước ngoài đến Tây Âu hoặc Mỹ… Họ cũng không có hàng tỉ USD trong các ngân hàng Mỹ” – Joel Wit, một cựu chuyên gia về Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện là biên tập viên của trang 38 North, nói.

Bình Nhưỡng từng phủ nhận đứng đằng sau vụ tấn công hãng Sony Pictures. Trong khi đó, Washington cho biết không có bằng chứng cho thấy một trong ba đơn vị hoặc cá nhân bị trừng phạt trên có liên quan đến vụ tấn công mạng với hãng Sony.

Bộ trưởng tài chính Mỹ Jacob J. Lew nói trong một tuyên bố rằng Washington có một “cam kết bắt Triều Tiên chịu trách nhiệm về hành vi phá hoại và gây bất ổn. Những bước đi này nhấn mạnh chúng tôi sẽ sử dụng nhiều công cụ để bảo vệ doanh nghiệp và công dân Mỹ. Chúng tôi sẽ đáp trả những kẻ nỗ lực làm giảm giá trị của chúng tôi hoặc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ”.

Dù hiện FBI vẫn đang điều tra vụ tấn công mạng vào hãng phim Sony nhưng trước đó Mỹ cho rằng Triều Tiên đứng đằng sau. Bình Nhưỡng phủ nhận và tố lại Mỹ đã khiến hệ thống mạng nước này bị sập trong nhiều giờ rồi chập chờn. Trước cáo buộc này, Mỹ cũng bác bỏ.
Thứ Bảy, 12:20  03/01/2015
M.Khuê (Theo Reuters)

Bất đồng ngoại giao đầu tiên giữa Cuba với Mỹ

RFI-Thanh Phương
Ngày 02-01-2015 13:11
media
Nữ nghệ sĩ Tania Bruguera bị bắt giữ do muốn tổ chức một cuộc tập hợp các nhà đối lập ở quảng trường Cách mạng - REUTERS

Ngày 30/12/2014, chính quyền Cuba đã câu lưu 51 nhà đối lập để ngăn cản họ tổ chức một cuộc tập họp công khai, gây nên bất đồng ngoại giao đầu tiên giữa La Habana với Washington kể từ khi hai nước thông báo sẽ tái lập bang giao.

Nguyên nhân của đợt câu lưu lần này đó là do nữ nghệ sĩ Tania Bruguera dự định tổ chức một cuộc tập hợp ở quảng trường Cách mạng với sự tham dự của nhiều nhà đối lập. Mục đích của cuộc tập họp này là để cho người dân Cuba có dịp phát biểu về những vấn đề mà họ quan tâm.

Nhưng ngay từ thứ Ba, 30/12/2014, Tania Bruguera đã bị bắt giữ, rồi được thả ra vào buổi trưa 31/12, trước khi bị bắt trở lại ngay chiều hôm đó, khi cô đang chuẩn bị phát biểu với báo chí. Nữ nghệ sĩ Bruguera đã được thả ra tối 31/12. Nhiều nhà đối lập khác cũng đã bị câu lưu và hoặc bị quản thúc tại gia để họ không thể đến dự cuộc tập hợp ở quảng trường Cách mạng.

Trong số những người bị quản thúc có nữ blogger nổi tiếng Yoani Sanchez. Ngày 30/12, cảnh sát mặc thường phục đã đứng chặn trước nhà cô và chồng cô cũng đã bị câu lưu hôm đó, trước khi được thả ra vào buổi tối.

Ông Elizardo Sanchez, chủ tịch Ủy ban Nhân quyền và hòa giải dân tộc Cuba, cho biết tổng cộng đã có 51 nhà đối lập bị câu lưu, đa số đã được thả ra, nhưng đến hôm qua vẫn còn khoảng 10 người còn bị giữ.

Ông Sanchez phản đối : « Chính quyền đã ngăn chận cuộc tập hợp này bằng một chiến dịch đàn áp ngoài mọi khuôn khổ luật pháp ». Báo chí Nhà nước thì đã đồng loạt lên án điều mà họ gọi là hành động « khiêu khích chính trị » của các nhà đối lập Cuba.

Những vụ bắt giữ nói trên xảy ra chỉ hai tuần sau sự kiện lịch sử Hoa Kỳ và Cuba thông báo sẽ tái lập bang giao. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31/12 đã ra thông cáo lên án việc chính quyền La Habana « tiếp tục sách nhiễu, bắt giữ tùy tiện, đôi khi rất thô bạo, để bịt miệng những người chỉ trích ».

Bất chấp thông cáo nói trên, hôm qua, đúng ngày đầu năm 2015, cảnh sát Cuba lại câu lưu hàng chục nhà đối lập, khi họ kéo đến một nhà tù ở La Habana để đòi trả tự do cho những nhà đối lập khác.

Chiến dịch đàn áp này sẽ càng khiến cho những người chỉ trích việc Hoa Kỳ Cuba xích lại gần nhau có thêm lý lẽ để phản đối. Những người này, mà trong đó có nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ, vẫn cho rằng lẽ ra Washington trước hết nên đòi La Habana có những nhân nhượng về mặt nhân quyền, trước khi cam kết sẽ bình thường hóa bang giao giữa hai nước.

Mặc dù chủ tịch Raul Castro đã tuyên bố sẵn sàng thảo luận về mọi chủ đề với Tổng thống Barack Obama, nhưng ông đã nói ngay là sẽ không thay đổi chính sách và sẽ không nhân nhượng trên những vấn đề mà ông cho là thuộc chủ quyền quốc gia, trong đó dĩ nhiên là có vấn đề nhân quyền.

Căng thẳng đã gia tăng giữa chính quyền La Habana với giới đối lập Cuba. Những người này muốn thử xem trong bối cảnh Cuba sắp bình thường hóa bang giao, họ sẽ được tự do đến mức nào. Những vụ câu lưu nói trên cho thấy rõ ràng là chính quyền Cuba vẫn không dung thứ bất cứ hành động đối kháng nào.

Thảm kịch Thượng Hải : Công an bị tố cáo không bảo đảm an ninh

RFI-Trọng Thành
Ngày 02-01-2015 11:59
media
Dân Thượng Hải tụ họp đốt nến tưởng niệm các nạn nhân bỏ mạng trong vụ xô xát - REUTERS /Aly Song
Sau vụ xô đẩy khiến ít nhất 36 người chết trong đêm giao thừa 31/12/2014 qua sáng 01/01/2015 tại Thượng Hải (Trung Quốc), khoảng một trăm người tụ họp sáng nay, 02/01, để tưởng niệm. Cảnh sát Thượng Hải bác bỏ khả năng đám đông xô đẩy nhau để tranh cướp những tờ giấy giống như tiền, được thả xuống từ tầng cao một ngôi nhà ở khu phố Bund.

Trong số những người thiệt mạng, hôm nay cảnh sát tuyên bố đã xác định được danh tính 32 người. Trong số đó, có 25 người dưới 26 tuổi và 21 người là nữ.

Những người tham dự cuộc tưởng niệm tự phát đặt hoa tại khu phố Ngoại Than (Bund), chính nơi đã xảy ra thảm kịch. Một sinh viên - mang một vòng hoa cúc trắng đến đây để tưởng nhớ đến người em của một bạn học – nói với AFP : " Biến cố vừa xảy ra khiến tôi rất đau buồn, tôi hy vọng trong tương lai chính quyền có biện pháp để các hoạt động tương tự được bảo vệ tốt hơn ".

Trên các mạng xã hội và báo chí Trung Quốc sáng nay, cảnh sát Trung Quốc bị cáo buộc chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra thảm kịch. Thông tín viên RFI Heike Schmidt từ Bắc Kinh tường trình :

"Bi kịch này lẽ ra đã có thể tránh được, nếu như cơ quan cảnh sát triển khai nhiều nhân viên hơn », báo South China Morning Post dẫn lời một nhân chứng trong vụ xô đẩy gây chết người hàng loạt.

Một viên chức công an Thượng Hải cũng chấp nhận, vì đánh giá thấp số lượng người tụ tập, cảnh sát được triển khai ít hơn trong dịp này so với các hội lễ những năm trước. Khoảng 500 nhân viên được điều động tới nơi xảy ra tai nạn để tăng viện, nhưng quá trễ.

Bằng loa phóng thanh, một cảnh sát cố gắng trấn an đám đông đang hoảng loạn, nhưng vô ích. Nhiều thanh niên còn giễu cợt anh ta. Gần như tất cả các nạn nhân đều dưới 25 tuổi, trong số họ, có một thiếu niên 12 tuổi.

Tại các bệnh viện của thành phố, thân nhân đã phải hết sức vất vả để có được tin tức….  " Tình trạng vô cùng hỗn loạn ", một thanh niên 23 tuổi phàn nàn. Người này đã phải đi qua năm bệnh viện khác nhau trước khi tìm lại được bạn.

Nhiều cha mẹ đã phải đợi rất lâu trước khi biết được con mình nằm trong danh sách những người thiệt mạng. Trong tâm trạng tuyệt vọng, hàng chục cha mẹ đã xô đẩy các nhân viên an ninh để yêu cầu quyền được nhìn con. "

Biến cố khiến 36 người chết, cùng 47 người bị thương mới đây tại Thượng Hải nhắc đến vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại một ngôi nhà chọc trời của thành phố năm 2010, khiến 58 người chết.

Nam Định: Dự án giao thông bị tham ô hàng triệu đô la

NAM ĐỊNH (NV) - Sở Giao Thông Vận Tải Nam Định đã cố tình sai phạm nhiều hạn mục trong dự án mở rộng tỉnh lộ 490C2 được đầu tư hơn 700 tỷ đồng (khoảng $3.47 triệu) cho mục đích bất chính.


Sở Giao Thông Vận Tải Nam Định, chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 490C2. (Hình: Dân Trí)

Thanh tra Bộ Xây Dựng Việt Nam vừa có kết luận thanh tra về công tác quản lý, đầu tư xây dựng của Sở Giao Thông Vận Tải Nam Định. Đồng thời kiến nghị thu hồi, giảm trừ thanh quyết toán 2.1 tỷ đồng (khoảng $100,000).

Theo Dân Trí, hàng loạt các sai phạm có hệ thống tại dự án mở rộng nâng cấp Tỉnh Lộ 490C2 (đường 55 cũ) gồm từ khâu khảo sát thiết kế, lập thẩm định, phê duyệt bản vẽ thi công; dự toán đến chọn nhà thầu nghiệm thu quyết toán dẫn đến việc tăng giá gói thầu lên thêm 4 tỷ đồng (khoảng $190,000).

Tin cho biết, dự án mở rộng, nâng cấp Tỉnh Lộ 490C2 có tổng mức đầu tư là hơn 700 tỷ đồng ($3.47 triệu). Dự án được chia làm 3 giai đoạn do tỉnh Nam Định phê duyệt, giao Sở Kế Hoạch và Đầu Tư tỉnh Nam Định thẩm định và chủ đầu tư dự án là Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh này. Nhà thầu thi công dự án là công ty cổ phần Tasco.

Tuy nhiên, tại hầu hết các khâu thực hiện dự án giao thông này đều mắc hàng loạt sai phạm. Cụ thể, phần khảo sát thiết kế sai phạm dẫn đến phí tính vượt trên dưới 400 triệu đồng; các hạng mục như thiết kế lớp đá mạt chưa hợp lý; tính thừa một số khối lượng thi công; lập dự toán công trình chưa căn cứ vào thành phần, nội dung... được duyệt, dẫn đến số tiền bị “dựng khống” làm tăng giá gói thầu là 6,6 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ Xây Dựng Việt Nam đã “điểm mặt” 10 đơn vị phải chịu trách nhiệm trong những sai phạm nghiêm trọng này. (Tr.N)
01-02-2015 5:45:50 PM

Phó chủ tịch phường 25 năm ‘ăn’ lương hưu người khác

BIÊN HÒA (NV) - Không chỉ “nhận giúp” lương hưu suốt 25 năm của một cựu binh, ông phó chủ tịch phường còn “chôm” luôn lương hưu của một người khác, với số tiền hàng trăm triệu đồng.


Ông Cao Hồng Định với hồ sơ khiếu nại bị ông Sửu “ăn chặn” lương hưu.(Hình: Người Lao Động)

Theo báo Người Lao Động, công an tỉnh Đồng Nai vừa khởi tố vụ án bắt tạm giam 4 tháng ông Nguyễn Mạnh Sửu, nguyên phó chủ tịch phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Từ năm 1986 đến tháng 3,2005, ông Sửu được giao phụ trách công tác thương binh-xã hội của phường Bình Đa.Trong thời gian từ năm 1988 đến tháng 7, 2013, ông Sửu đã tự ý ký, nhận lương hưu hằng tháng của ông Cao Hồng Định (68 tuổi) hiện ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa.

Ông Định cho biết, năm 1988, ông được Quân Khu 7 giải quyết chế độ nghỉ hưu. Do liên quan đến một vụ án, nên sau khi ông nhận 2 tháng lương hưu, Quân Khu 7 đã tạm dừng chi trả.

Sau khi vụ án kết thúc, ông Định đến Quân Khu 7 hỏi về chế độ chính sách, nơi đây trả lời đã giải quyết.

Tìm đến phường Bình Đa, ông Định được ông Sửu cho biết chế độ chính sách của ông vẫn chưa giải quyết xong. Thế nhưng đến tháng 7, 2013, khi nhận được giấy báo của Bảo Hiểm Xã Hội tỉnh chuyển hình thức nhận lương hưu qua thẻ ngân hàng thì ông Định mới phát hiện sự việc và làm đơn tố cáo.

Lãnh đạo phường Bình Đa tiến hành xác minh và ghi nhận, ông Sửu đã tự ý ký nhận lương hưu của người khác bằng chữ ký của mình mà không có giấy ủy quyền.

Ngoài ra còn phát hiện ông Sửu “nhận giúp” lương hưu của ông Đỗ Văn Khấu suốt 24 năm nay. Hiện ông Khấu không ở địa phương và cũng không ai biết ông còn sống hay đã chết.

Để xảy ra sự việc lạ thường này, người chi trả lương hưu tại phường Bình Đa giải thích, vì ông Sửu là... “sếp” nên cho nhận thay mà không đòi giấy ủy quyền!

Theo báo Người Lao Động, bà Lê Ngọc Mai, phó giám đốc Bảo Hiểm Xã Hội tỉnh Đồng Nai, thừa nhận, “Do không đủ người, trong từng thời điểm lại có những thay đổi nhất định nên quá trình kiểm tra, giám sát đã không được chặt chẽ.”

Theo ông Phạm Long Sơn, trưởng phòng chế độ Bảo Hiểm Xã Hội tỉnh Đồng Nai, vì có thời gian ông Sửu là cán bộ trực tiếp chi trả và cũng là người ký nhận, tự quyết toán nên cơ quan đã chủ quan không kiểm tra.

Hiện Bảo Hiểm Xã Hội tỉnh Đồng Nai đã thu hồi toàn bộ số tiền hơn 300 triệu đồng mà ông Sửu ký nhận suốt 25 năm qua, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ để công an tỉnh Đồng Nai điều tra làm rõ. (Tr.N)

01-02-2015 5:25:22 PM

Năm 2014, năm ‘đứt cáp Internet’ của Việt Nam

VIỆT NAM (NV) - Liên tục từ năm 2013-2014, người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên phải chịu cảnh sử dụng Internet với tốc độ “rùa bò” bởi sự cố tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gate Way (AAG).

Thời gian sử dụng 3G trọn gói ngày càng ngắn. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo Tuổi Trẻ, sau nhiều lần liên tục xảy ra tai nạn, người tiêu dùng Việt Nam đang rất hoài nghi về phẩm chất của tuyến cáp quang biển này.

Cuối năm 2013, AAG bị đứt cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 270 km. Sự cố làm suy giảm 60% lưu lượng đường truyền của FPT Telecom và 15% của Viettel Telecom. Đến gần giữa tháng 1, 2014, sự cố mới được khắc phục hoàn toàn.

Tháng 3, 2014, AAG bảo trì khiến tốc độ Internet tại Việt Nam bị chậm. Ngày 15 tháng 7, 2014, AAG bị đứt tại điểm cách trạm cập bờ Vũng Tàu 18km, nằm ở độ sâu 19 m dưới mực nước biển và 12 ngày sau mới được khắc phục.

Ngày 15 tháng 9, 2014, AAG lại đứt tại vùng biển gần Hồng Kông. Sự cố đã gây sụt giảm khoảng 40% dung lượng băng thông Internet quốc tế từ Việt Nam đi Hồng Kông, Mỹ.

Việt Nam hiện có tổng cộng bốn tuyến cáp quang biển, trong đó tuyến AAG có dung lượng lớn nhất và được đầu tư gần đây nhất, còn các tuyến khác như: SE-ME-WE-3, TVH đều đã có tuổi đời từ 10 đến 15 năm và dung lượng thấp. Tuyến cáp IA tuy mới được xây dựng nhưng dung lượng cũng không bằng AAG.

Vì vậy, mỗi lần AAG xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ Internet chung của Việt Nam. Người dùng sẽ thấy tốc độ truy cập bị chậm rõ rệt. Có thể ví AAG giống như Quốc Lộ 1 của chúng ta hiện nay, chỉ cần một sự cố cũng có thể khiến giao thông Bắc-Nam bị ảnh hưởng không nhỏ.

Khi được hỏi về nguyên nhân đứt cáp, các nhà mạng đều cho biết “cáp quang biển đều rất phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời tiết, tàu bè qua lại, địa chất...”

Thế nhưng, chính họ cũng thừa nhận, “Riêng tuyến cáp quang biển AAG, trong quá trình xây dựng, nhà thiết kế kỹ thuật đã làm chưa chuẩn, cho nên tần suất đứt mới trở nên khá dày đặc như hiện nay. Phần khảo sát thiết kế tuyến AAG thực hiện không được tốt có thể do rủi ro, cũng có thể do năng lực của nhà thầu tại thời điểm xây dựng.”

Điều này cho thấy việc người dùng Internet Việt Nam tiếp tục hứng chịu cảnh truy cập Internet với tốc độ “rùa bò” do sự cố AAG hoàn toàn có thế xảy ra trong năm 2015. (Tr.N)
01-02-2015 5:52:25 PM

Tin đồn ông Nguyễn Bá Thanh trở về Đà Nẵng gây xôn xao dư luận

Trọng Thành, Thanh Phương
RFA-Ngày 02-01-2015 17:24
media
Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương Việt Nam (DR)

Trong những ngày qua đã có tin đồn về việc ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, hiện đang lâm bệnh nặng và đang điều trị ở Mỹ, sẽ được đưa về Đà Nẵng hôm nay, 02/01/2015, để chữa bệnh tiếp.

Cho nên, hôm nay, nhiều người dân và phóng viên đã kéo đến sân bay để chờ máy bay của cựu bí thư thành ủy Đà Nẵng, nhưng theo tin báo chí trong nước, đến buổi chiều vẫn chưa thấy có chuyến bay nào đưa ông Nguyễn Bá Thanh từ Mỹ về. Bí thư thành ủy Đà Nẵng cũng cho rằng thông tin nói trên cũng chỉ là tin đồn.

Vào những ngày cuối năm 2014, cũng đã có những tin đồn về việc ông Nguyễn Bá Thanh bệnh nặng là do bị nhiễm phóng xạ vì đầu độc, cần phải được ghép tủy và thậm chí có tin nói ông đã qua đời ở Mỹ.

Từng giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Đà Nẵng và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trước khi được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh có tiếng là bộc trực, nên đã đụng chạm rất nhiều nhân vật lãnh đạo và bệnh tình của ông bị nghi là có liên quan đến đấu đá nội bộ trong Đảng.

Tại Đà Nẵng, nhiều người dân mến mộ ông Nguyễn Bá Thanh vì ông đã phát triển thành phố Đà Nẵng, nhưng cũng có nhiều người tố cáo ông tham nhũng nặng nề.

Trả lời RFI qua điện thoại, nhà báo Trần Ngọc Tuấn, trưởng văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại Đà Nẵng, cho biết về không khí tại thành phố này hôm nay trước tin đồn ông Nguyễn Bá Thanh trở về nước.

Hiện nay ông Thanh chưa về. Tất cả Đà Nẵng, và kể cả Việt Nam đang trông chờ ông về. Không phải ông về để ông chết, mà họ trông chờ ông về để mà gọi là ‘kết cục một câu chuyện’. Phóng viên đang cắm khắp nơi. Người dân Đà Nẵng, có thể gọi là đón chờ nhất, mặc dù thông tin liên lạc có thể là bị nhiễu.

Về tâm lý hiện nay của dân Đà Nẵng với ông Nguyễn Bá Thanh, cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng, và đối với cá nhân tôi, đó là một người khai mở thành phố này, như một quốc gia gọi là ‘lập quốc’. Thực ra, tất cả thành phố đều biết ơn ông, kể cả những người bị đền bù oan uổng, thua thiệt, nhưng vẫn cám ơn ông, vì con cháu họ được hưởng lợi.

Anh em báo chí hiện nay, gần như 100 tờ báo, đều thức trắng. Để trực tin này, tất cả phóng viên nhà báo đều dồn về những điểm nóng nhất, như sân bay Đà Nẵng, nhà ông Nguyễn Bá Thanh, bệnh viện ung thư, bệnh viện đa khoa… tất cả những cơ sở, những địa điểm ông Thanh có thể trở về, khi ông về Việt Nam. Các phóng viên đều chực chờ.

Tôi là một người làm báo gần 30 năm. Tôi không khẳng định bệnh tật của ông ấy là thế nào, là do đầu độc hay không, hay nhiễm xạ, hay thế này thế khác. Chuyện này hết sức phức tạp. Nhưng tôi khẳng định rằng, nhìn góc độ sâu nhất của con người, là khi mỗi người đối diện với cái kết cục của cuộc đời, thì tôi cám ơn ông Nguyễn Bá Thanh. Ông Thanh đã dạy cho chúng tôi, những nhà báo, là phải thế nào.

Chúng tôi đã nhìn một con người như vậy, để hãy sống trọn đời bằng một niềm tin, một ước mơ. Mặc dù, như khi ta bị cấm khẩu, không thể cất lời nói được, vì bị một độc tố hay nguyên nhân gì đó, thì chúng ta cũng phải bằng hình ảnh để nói lên được điều này : đó là phải vươn lên.

Đà Nẵng hiện nay đang cực kỳ sốt nóng. Sự kiện lớn nhất Việt Nam hiện nay là Nguyễn Bá Thanh. Ba từ thôi : Nguyễn Bá Thanh. Hôm nay, sự kiện Nguyễn Bá Thanh là nóng nhất. Tôi xin khẳng định điều đó.


2 ngày đầu năm 2015, 106 người thương vong vì tai nạn giao thông

(NLĐO)- 2 ngày đầu tiên trong dịp nghỉ lễ năm mới 2015 kéo dài 4 ngày, tai nạn giao thông lại là vấn đề nhức nhối khi cướp đi sinh mạng của 47 người và làm 59 người khác bị thương.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xe bồn cán chết người trên đường Tân Kỳ Tân Quý (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP HCM) vào trưa ngày 2-1 - Ảnh: H.Âu
 Hiện trường vụ tai nạn giao thông xe bồn cán chết người trên đường Tân Kỳ Tân Quý (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP HCM) vào trưa ngày 2-1 - Ảnh: H.Âu

 Tin từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết ngày 2-1, tai nạn giao thông trên cả nước tăng nhanh so với ngày đầu tiên của năm mới 2015 cả về số vụ, số người chết và bị thương

Theo đó, cả nước  xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 34 người. Tất cả các vụ tai nạn đều xảy ra trên tuyến đường bộ, trong đó đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 3 người chết.

Trong ngày 2-1, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 11 ngàn trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu nộp kho bạc Nhà nước 5, 79 tỉ đồng; tạm giữ 14 ô tô, 1.358 xe môtô.

Trước đó, trong ngày đầu tiên của năm mới 2015, cả nước xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 25 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 38 vụ, làm chết 19 người, bị thương 25 người; đường sắt 1 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1 người.

Cũng trong ngày 1-1, CSGT cả nước đã kiểm tra, xử lý 13.265 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu nộp kho bạc Nhà nước 7,74 tỉ đồng; tạm giữ 22 ô tô, 1.603 xe mô tô.
Thứ Bảy, 11:40  03/01/2015
H.Thành

Nỗi lo nhập siêu

Theo NLĐO-Thứ Sáu, 23:29  02/01/2015
Bước sang năm mới 2015, mối lo nhập siêu từ “đại công xưởng” Trung Quốc sát nách nước ta lại càng gia tăng khi Việt Nam phải giảm thuế hàng ngàn mặt hàng để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA).


ACFTA được ký kết từ năm 2002 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 với Trung Quốc cùng 6 thành viên cũ của ASEAN, gồm: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Với các thành viên mới của ASEAN là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 nhằm tiến tới thiết lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Khu vực mậu dịch tự do này được xem là lớn nhất thế giới vào năm 2018 với hơn 1,8 tỉ người. Dù phải mở cửa thị trường sau 5 năm song những quốc gia như Việt Nam đã được hưởng “thu hoạch sớm” khi hàng hóa vào Trung Quốc vẫn được hưởng ngay mức thuế suất ưu đãi như 6 thành viên ASEAN cũ từ đầu năm 2010.

Tuy nhiên, mùa “thu hoạch sớm” ACFTA lại chẳng cho chúng ta hoa thơm trái ngọt như trông đợi. Không phủ nhận việc được hưởng thuế suất ưu đãi sớm hơn nên hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc đã gia tăng khá nhanh. Thế nhưng, hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng một thì hàng hóa Trung Quốc sang nước ta tăng gấp đôi. Đáng lo ngại hơn nữa, Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu thô với giá rẻ và lãng phí, trong khi nhập về nguyên liệu, linh kiện với giá cao hơn.

Số liệu thống kê cho thấy nhập siêu của nước ta từ Trung Quốc tăng với tốc độ đều đặn khoảng 10%-15%/năm, bất chấp các nỗ lực cải thiện từ phía Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng nhanh và liên tục này đã khiến nhập siêu từ Trung Quốc của nước ta từ chỗ có thặng dư nhỏ ở thời điểm năm 2000 (với 135 triệu USD) đã tới mức thâm hụt nặng nề năm 2013 (với 23,7 tỉ USD), trong 10 tháng đầu năm 2014 là 23,1 tỉ USD và dự báo sẽ lên tới mức kỷ lục 27 tỉ USD trong cả năm.

Vì thế, khi phải mở cửa hơn nữa thị trường theo ACFTA từ năm 2015 này, việc giảm thuế hàng ngàn mặt hàng, trong đó đưa số dòng thuế bằng 0% lên mức hơn 84% tổng biểu thuế..., thì mối lo nhập siêu từ Trung Quốc càng gia tăng gấp bội. Nhiều năm nay, việc giải bài toán nhập siêu quá lớn từ “đại công xưởng” láng giềng không dễ do cơ cấu và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp. Song, có những điều có thể cải thiện được nhưng không hiểu sao vẫn không thực hiện, thậm chí còn để “bệnh tình” nặng thêm. Ví như việc để cho Trung Quốc làm tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) đã buộc chúng ta phải nhập máy móc, thiết bị của họ nhưng Trung Quốc vẫn được thầu hàng loạt dự án điện, khoáng sản lớn...

Sau một thời gian tổng kim ngạch thương mại xuất siêu ấn tượng thì bóng ma nhập siêu lại lăm le quay lại với kinh tế Việt Nam từ năm 2015. Không chạy chữa gốc rễ nhập siêu Trung Quốc, “căn bệnh” nhập siêu tái phát có thể khiến chúng ta lại phải mệt mỏi với ổn định kinh tế vĩ mô.

PHAN ĐĂNG

“Chết ngộp” với hàng Trung Quốc

Tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc vốn tồn tại nhiều năm nay sẽ càng trầm trọng hơn, khi hàng ngàn mặt hàng của nước này có thể vào Việt Nam với thuế suất chỉ 0%

Thông tư 166/2014/TT-BTC quy định từ ngày 1-1-2015, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa (AFTA) ASEAN - Trung Quốc, có 3.691 dòng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc cắt giảm về 0%, nâng số dòng thuế bằng 0% lên mức 84,11% tổng biểu thuế.

Dễ bị phụ thuộc

Theo Thông tư 166, thuế suất trung bình của biểu thuế ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2015-2017 là 2,26%/năm - giảm 2,15% so với năm 2014, đến năm 2018 giảm còn 1,67%/năm.

Cụ thể, trong năm 2015, tất cả mặt hàng theo danh mục thông thường (trừ danh mục linh hoạt đã được thống nhất trước) phải cắt giảm thuế suất về 0%. Các dòng thuế cắt giảm tập trung chủ yếu ở các nhóm mặt hàng như: dầu mỡ động thực vật, chất dẻo, chất dẻo nguyên liệu, linh kiện phụ tùng, máy vi tính và các sản phẩm linh kiện điện tử, vải may mặc, nguyên phụ liệu dệt may, da giày...

Theo ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại - Bộ Công Thương, thực ra, AFTA ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực từ năm 2010 và đã tác động đến kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua. Thậm chí, ngay cả khi chưa có hiệp định, Việt Nam đã rơi vào tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc rất nhiều.

Đồ chơi Trung Quốc bày bán tràn lan tại phố Hàng Mã, TP Hà NộiẢnh: Thùy Dương
Đồ chơi Trung Quốc bày bán tràn lan tại phố Hàng Mã, TP Hà Nội -Ảnh: Thùy Dương

 “Ba năm liền 2012 - 2014, chúng ta vươn lên xuất siêu nhưng vẫn thâm hụt lớn ở thị trường Trung Quốc. Nước láng giềng này trong nhiều năm đã chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Từ năm nay, cùng với việc hàng ngàn mặt hàng Trung Quốc có thể vào Việt Nam với thuế suất 0% thì chúng ta sẽ ngày càng mở cửa cho nhập siêu từ nước này lớn hơn nữa” - ông Phương cảnh báo.

PGS-TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia thương mại - tư vấn cao cấp Viện Thương mại - Bộ Công Thương, cũng cho rằng với việc tham gia AFTA ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam phải chấp nhận hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào, tạo áp lực tăng nhập siêu từ thị trường này.

“Chúng ta lâu nay có căn bệnh cố hữu là xuất siêu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU nhưng lại nhập siêu từ Trung Quốc. Do thị trường Trung Quốc rộng lớn, hàng hóa phong phú, giá rẻ, vấn đề đặt ra là chúng ta phải tận dụng cơ hội giao thương, không để bị phụ thuộc thị trường này quá nhiều. Với thị trường Trung Quốc, chúng ta được lợi nhưng cũng phải chịu bất lợi, tham gia cuộc chơi phải chấp nhận xu thế chung này” - chuyên gia Phạm Tất Thắng nhìn nhận.

Bỏ qua cơ hội

Bất cứ AFTA nào cũng đặt ra những thách thức bên cạnh việc đem lại lợi nhuận cho các nước tham gia. Song, Việt Nam dường như chưa hòa nhập được quỹ đạo này, chưa khai thác tốt cơ hội.

Ông Lê Quốc Phương cho biết trong 4 năm kể từ khi hiệp định bắt đầu có hiệu lực, Việt Nam đã có những cơ hội không nhỏ với thị trường Trung Quốc. Cụ thể, với vị thế là nước phát triển, Trung Quốc phải giảm thuế ngay để tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam vào nước này, trong khi nước ta được giảm thuế sau và có lộ trình.

“Việt Nam đã không tận dụng được lợi thế để tăng xuất khẩu sang Trung Quốc. Chúng ta vẫn xuất thô giá rẻ, trong khi nhập về nguyên liệu, linh kiện với giá cao hơn. Chưa kể, hàng loạt dự án điện, khoáng sản do Trung Quốc làm tổng thầu buộc chúng ta phải mua máy móc của họ. Như vậy, không thể nào thoát khỏi thâm hụt thương mại và xu thế chung là chúng ta vẫn phải nhập siêu lớn từ thị trường này” - ông Phương trăn trở.

Theo đánh giá của Trung tâm WTO - Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), tuy kim ngạch thương mại Việt Nam với Trung Quốc chiếm 20% tổng kim ngạch thương mại nhưng chưa cá biệt. Thống kê cho thấy hàng hóa Trung Quốc chiếm đến 24% tổng thương mại của Hàn Quốc, 40% tổng thương mại của Đài Loan...

“Nguy cơ phụ thuộc không chỉ đến từ tỉ trọng thương mại mà còn ở năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đài Loan và Hàn Quốc có năng lực cạnh tranh mạnh nên dù Trung Quốc có chiếm tỉ trọng lớn trong kim ngạch thương mại thì các thị trường này vẫn không phải quan ngại về vấn đề phụ thuộc kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam với năng lực cạnh tranh thấp nên mức độ bị ảnh hưởng sẽ lớn và khả năng thoát khỏi ảnh hưởng của chúng ta cũng thấp” - Trung tâm WTO phân tích.

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến sức cạnh tranh của thị trường Việt Nam còn yếu kém, ông Lê Quốc Phương cho rằng tuy đã có nhiều giải pháp nhưng do không quyết liệt thực hiện, không có tính chiến lược dẫn đến không thành công.

“Giải pháp thì có nhiều, trong đó có phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập nguyên liệu, giảm gia công hàm lượng giá trị gia tăng thấp... nhưng doanh nghiệp không chịu đầu tư nên phải chịu thiệt. Nếu tiếp tục tình trạng này, chắc chắn nước ta không bao giờ cân bằng được cán cân thương mại với nước láng giềng Trung Quốc” - ông Phương lo ngại.


Thâm hụt thương mại ngày càng tăng
Thống kê của VCCI cho thấy nhập siêu hàng hóa Trung Quốc của Việt Nam từ chỗ 135 triệu USD năm 2000 đã tăng lên 23,7 tỉ USD vào năm 2013.
Với ngành dệt may, Việt Nam phải nhập 39,34% nguyên liệu từ Trung Quốc, trong đó vải chiếm đến 46% nhu cầu sản xuất. Giá trị nhập khẩu hàng nông nghiệp của Việt Nam với Trung Quốc cũng tăng đến gần 10 lần trong 10 năm qua. Cụ thể, năm 2002 mới nhập 191 triệu USD nhưng năm 2012 lên đến 914 triệu USD.


Thứ Sáu, 22:59  02/01/2015
 Phương Nhung
Theo NLĐO

TQ: Sẽ chủ động củng cố quan hệ với các nước láng giềng trong năm mới

VOA-02.01.2015
Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Kiến Siêu nhấn mạnh Bắc Kinh quyết tâm tìm cách thiết lập một mạng lưới đối tác với các nước láng giềng.
Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Kiến Siêu nhấn mạnh Bắc Kinh quyết tâm tìm cách thiết lập một mạng lưới đối tác với các nước láng giềng.
Trung Quốc tuyên bố sẽ chủ động hơn trong việc thắt chặt quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng trong năm mới.
Tân Hoa xã ngày 1/1 trích dẫn phát biểu của Trợ lý Ngoại trưởng Lưu Kiến Siêu nhấn mạnh Bắc Kinh quyết tâm tìm cách thiết lập một mạng lưới đối tác với các nước láng giềng.
Ông Lưu nói Trung Quốc sẽ cố gắng mang lại lợi ích cho các nước lân cận bằng sự phát triển của mình và nỗ lực hơn nữa đưa người dân các nước trong khu vực xích lại gần nhau.
Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc cam kết các chính sách kinh tế Trung Quốc đề ra không nhằm tìm cách thống lĩnh khu vực hay tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình và cũng không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước trong vùng.
Ngược lại, vẫn theo lời ông Lưu, các sách lược này phù hợp với những cơ chế và các đề nghị hiện có trong vùng, mang tính hợp tác, mở rộng cho tất cả các nước tham gia.
Ông Lưu tuyên bố Bắc Kinh hiểu rõ rằng thịnh vượng và ổn định của Châu Á tùy thuộc vào hợp tác của các nước trong khu vực và sự tham gia xây dựng của các nước bên ngoài.
Ông nói Trung Quốc sẵn sàng duy trì thông tin liên lạc với tất cả các bên liên quan để mở rộng những lợi ích chung và cùng nhau phát huy hòa bình, ổn định, thịnh vượng cho Châu Á.
Nhà ngọai giao Trung Quốc còn cho biết thêm rằng Bắc Kinh sẽ đưa quan hệ đối tác chiến lược với các nước Đông Nam Á lên một nấc thang mới và hợp tác sâu rộng hơn nữa với các nước láng giềng Châu Á vì lợi ích chung.
Lời phát biểu đầu năm của Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc được đưa ra giữa các quan ngại từ quốc tế về sự bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng, đặc biệt là các chính sách lấn áp mạnh tay của Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền biển đảo với Việt Nam, Philippines ở Biển Đông và với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.

Nguồn: Xinhua, China Daily