Thursday, August 28, 2014

Kinh tế Việt Nam khó thoát lệ thuộc Trung Quốc

VIỆT NAM (NV) - Bảy tháng đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục là bạn hàng lớn của Việt Nam trong lĩnh vực xuất-nhập cảng các loại hàng hóa, máy móc, nguyên liệu, nông sản...

Phúc trình của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam được Tân Hoa Xã của Trung Quốc trích dẫn cho hay, trong thời gian trên, Việt Nam đã nhập cảng của Trung Quốc một số máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư... trị giá đến 3.6 tỉ đô la, tăng 25.8% so với cùng giai đoạn của năm trước.


Du khách Trung Quốc đến Việt Nam tiếp tục tăng vọt. (Hình: báo Một Thế Giới)

Ngược lại, Trung Quốc đứng đầu danh sách các quốc gia trên thế giới nhập cảng các loại nông sản, trái cây, rau củ... của Việt Nam.

Vẫn theo Tân Hoa Xã, sản lượng khoai mì của Việt Nam bán sang Trung Quốc chiếm 85% kim ngạch xuất cảng trong 7 tháng đầu năm nay.

Cũng trong thời gian này, Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc trên 182,000 tấn cao su, trị giá hơn 320 triệu Mỹ kim, tăng 40% về giá trị, mặc dù giảm khoảng 21% về khối lượng. Trung Quốc cũng là quốc gia mua gạo của Việt Nam nhiều nhất thế giới, chiếm tới 36% sản lượng gạo Việt Nam xuất cảng.

Dư luận cho rằng, nếu chẳng may các công ty Trung Quốc nói “không” với nhà kinh doanh Việt Nam thì lập tức hàng hóa Việt Nam “dội chợ” tràn lan. Một trong những thí dụ thực tế cho thấy mới đây, trái thanh long Việt Nam đổ đống trên lề đường, bán với giá rẻ mạt chỉ vì không xuất cảng sang Trung Quốc được.

Những con số thống kê kể trên khiến dư luận lo ngại rằng, Việt Nam tiếp tục bị lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế. Truyền thông hải ngoại cho rằng, mọi nỗ lực của chính quyền Việt Nam nhằm thực hiện kế hoạch “xúc tiến thương mại để hạn chế nhập cảng hàng hóa từ Trung Quốc” bị gãy đổ hoàn toàn.

Báo mạng VNMedia dẫn lời ông Ðỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam trước đó từng hô hào “đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam,” đồng thời với việc tẩy chay hàng Trung Quốc chứa nhiều chất độc, lại không bảo đảm phẩm chất. Cũng như mới đây, rất nhiều cuộc vận động thực hiện chính sách “thoát Trung” được các giới chức Việt Nam xúc tiến, từ việc đàm phán hiệp định với Liên Minh Thuế Quan các nước Ðông Âu, với Nga, Liên Âu, Nam Hàn...

Người ta còn thấy được sự cố gắng hết mức của nhà nước Việt Nam khi tìm cách gia nhập Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương tức là TPP, nhằm mục đích thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc riêng trong lĩnh vực kinh tế.

Một trong những chính sách có thể được Việt Nam áp dụng trong thời gian tới là miễn thị thực chiếu khán nhập cảnh cho một loạt 9 quốc gia trên thế giới, trong đó có Ấn Ðộ. Theo Tổng Cục Du Lịch Việt Nam, Ấn Ðộ là quốc gia đông nhất-nhì thế giới, có thể thay chân Trung Quốc, đứng đầu các quốc gia có số du khách đến Việt Nam. Tuy nhiên, trớ trêu là bảy tháng đầu năm 2014, khách Trung Quốc đến Việt Nam lên tới 1.2 triệu người, chiếm 26% tổng số du khách ngoại quốc đến Việt Nam, coi như tiếp tục đứng đầu bảng.

Con đường “thoát Trung” của người Việt Nam trong nước, xem ra hãy còn nhiều chông chênh, thử thách. (PL)
08-28- 2014 2:09:24 PM
Theo Người Việt

'Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh' là trùm du đãng

HÀ NỘI (NV) .-  Nhiều tờ báo ở Việt Nam vừa đục bỏ thông tin, hình ảnh ca ngợi ông Nguyễn Thành Hưng, người từng được Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN vinh danh là “Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh”. 


 Ảnh chụp ông Nguyễn Thành Hưng vào thời điểm được vinh danh là “Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh”. (Hình: Báo Bắc Ninh)

Hồi trung tuần tháng này, ông Hưng – người được vinh danh là “Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh” hồi năm ngoái - bị bắt vì là một trong hai ông trùm điều hành hoạt động buôn lậu gỗ tại Việt Nam, có dưới trướng hàng trăm du đãng chuyên bảo kê, tống tiền, đâm thuê chém mướn và dính líu tới một số vụ án mạng.

Cách nay khoảng hai tuần, Bộ Công an Việt Nam đã điều động hàng trăm cảnh sát bao vây, khám xét, bắt chín người của hai công ty có tên là Đại An và Thành Hưng, có trụ sở cùng đặt tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đứng đầu trong số chín người bị bắt này là  ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Đại An và ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Công ty Thành Hưng.

Ông Minh nguyên là một trung úy quân đội. Đầu thập niên 1980, trung úy Minh là người điều hành một tổ chức buôn lậu đủ thứ từ Trung Quốc vào Việt Nam và ngược lại. Năm 1982, tổ chức buôn lậu của trung úy Minh bị Công an Lạng Sơn vây bắt, trung úy Minh bắn chết một đại úy công an và bắn bị thương hai sĩ quan khác.

Nhờ có cha là lãnh đạo tỉnh Hà Bắc, trung úy Minh chỉ bị phạt 19 năm tù, song chỉ ở tù 13 năm thì được “ân xá”. Một năm sau ngày ra tù ông Minh trở thảnh trùm buôn lậu gỗ, không chỉ tổ chức khai thác, mua bán gỗ ở Việt Nam, ông Minh còn tổ chức khai thác gỗ tại cả Lào và Campuchia.

Ông Nguyễn Thành Hưng có xuất thân khác ông Minh một chút. Khi đang là giáo sinh của một trường Trung học Sư phạm, ông Hưng tổ chức một băng cướp, thực hiện nhiều vụ cướp táo bạo. Cũng vì vậy, ông Hưng bị bắt đi, bắt lại nhiều lần. Tính ra, ông Hưng phải ngồi tù 23 năm.

Trong tù, ông Minh kết bạn với ông Hưng. Ra khỏi tù, ông Minh được ông Hưng rủ buôn lậu gỗ.

Vào thập niên 2000, ông Minh lập Công ty Đại An, ông Hưng lập Công ty Thành Hưng. Cả hai nhanh chóng được thừa nhận là những “đại gia” vì tài sản được tính bằng triệu Mỹ kim, sở hữu những chiếc xe trị giá vài trăm ngàn Mỹ kim.  

Từ thập niên 2000 đến nay, cá nhân ông Minh và Công ty Đại An của ông Minh, cũng như cá nhân ông Hưng và Công ty Thành Hưng của ông Hưng được tặng vô số danh hiệu, giải thưởng của cả chính quyền tỉnh Bắc Ninh lẫn chính quyền CSVN.

Vào dịp “Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, Công ty Đại An của ông Minh được chọn làm “doanh nghiệp tiêu biểu”. Còn ông Hưng được báo chí Việt Nam bơm thổi thành “Hoa giang hồ” – xem đó như một “điển hình” mọi người cần “học tập” không chỉ vì biết phục thiện mà còn vì rất thành công trên thương trường. Năm ngoái, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN vinh danh ông Hưng là “Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh”!

Khi vây bắt ông Minh và ông Hưng cùng bảy thuộc hạ hồi trung tuần tháng này, Bộ Công Việt Nam cho biết, họ đã thu giữ được sáu khẩu súng, một trái lựu đạn và rất nhiều đạn đủ loại.

Ông Minh và ông Hưng đã sử dụng hai Công ty Đại An và Công ty Thành Hưng để hợp pháp hóa hoạt động khai thác, buôn lậu gỗ khắp Đông Dương. Cả hai được xem là chủ sở hữu kho gỗ lớn nhất Đông Nam Á. Các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới gỗ mà không muốn gặp rắc rối khi nhập cảng, vận chuyển gỗ và xuất cảng đồ gỗ mỹ nghệ thì phải “nhờ” hai công ty này “bảo trợ”. Ông Minh và Ông Hưng còn bị cáo buộc là đứng đằng sau vô số vụ tống tiền, hành hung và một số vụ giết người nhằm thị uy.

Những bài viết ca ngợi “Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh” Nguyễn Thành Hưng, kể rằng, sở dĩ ông Hưng “phục thiện” và “thành đạt” vì ông ta luôn “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xem ông Hồ Chí Minh như “kim chỉ nam để nghĩ và làm mọi việc”. Đó có thể là lý do khiến tất cả những bài viết này bị đục bỏ. (G.Đ)

08-28- 2014 3:51:40 PM
Theo Người Việt

Sài Gòn: Sắp dẹp chợ đầu mối hóa chất Kim Biên

SÀI GÒN (NV) - Lâu nay, chợ Kim Biên ở quận 5, Sài Gòn được người dân địa phương gọi là “chợ ung thư” vì chuyên kinh doanh hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người.

Báo mạng Gia Ðình ngày 28 tháng 8, 2014 dẫn nguồn từ website của nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn cho hay, các cơ sở kinh doanh hóa chất tại Sài Gòn sắp bị dời khỏi khu vực dân cư, trong đó có chợ Kim Biên.


Cửa hàng hóa chất ở chợ Kim Biên. (Hình: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn)

Sở Công Thương và Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Sài Gòn đã được giao nhiệm vụ tiến hành một cuộc khảo sát việc kinh doanh hóa chất và lập đề án xây chợ đầu mối kinh doanh hóa chất nằm ngoài khu dân cư.

Chợ Kim Biên được thành lập vào năm 1960, thoạt đầu là “chợ đen,” được hình thành một cách tự phát để mọi người trao đổi, mua bán ngoại tệ và các loại nhu yếu phẩm, quân tiếp vụ. Dần dần, chợ Kim Biên biến thành chợ kinh doanh chủ yếu các loại hóa chất dùng trong kỹ nghệ, với khoảng 170 cửa hàng.

Người ta có thể tìm thấy hầu như tất cả các loại hóa chất được bày bán tại đây, từ các loại sử dụng trong công nghiệp như chất tẩy rửa, dầu tràm, xút,... đến hóa chất dùng trong thực phẩm như bột béo, bột nổi, hương liệu, chất tạo màu, tạo mùi...

Lâu nay, chính quyền địa phương bị dư luận chỉ trích đã buông lỏng quản lý, để chợ Kim Biên gián tiếp trở thành nơi cung cấp các loại “vũ khí hóa học” chết người. Tất cả thủ phạm các vụ giết người bằng acid đều khai đã mua tại chợ Kim Biên.

Cũng theo báo Gia Ðình, dư luận hoan nghênh dự án dời chợ Kim Biên ra khỏi khu vực dân cư, đông người qua lại. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, sự an toàn cho sức khỏe và tính mạng của người dân không tùy thuộc vào địa điểm đặt chợ đầu mối mua-bán hóa chất.

Mặt khác, dư luận cũng cho rằng việc sử dụng bừa bãi các loại hóa chất kỹ nghệ trong hoạt động chế biến thực phẩm của người Việt Nam hiện nay là nguyên nhân làm gia tăng số bệnh nhân ung thư.

Theo trang Gia Ðình online, mỗi năm Việt Nam có 75,000 người chết vì bệnh ung thư và con số này có chiều hướng tăng nhanh trong thời gian tới. (PL)
08-28- 2014 2:23:09 PM
Theo Người Việt

Thành phố Westminster ủng hộ dự luật chế tài giới chức CSVN

* Đồng ý đóng một bên đường Bolsa để dựng tượng Đức Thánh Trần

WESTMINSTER, California (NV) - Toàn thể năm thành viên Hội Ðồng Thành Phố Westminster vừa bỏ phiếu thông qua một nghị quyết ủng hộ Dự Luật Chế Tài Giới Chức CSVN Vi Phạm Nhân Quyền, HR4254, do Dân Biểu Ed Royce giới thiệu, qua yêu cầu của Giám Sát Viên Orange County Janet Nguyễn, đồng thời đồng ý đóng một bên đường Bolsa trong ngày Thứ Bảy, 13 Tháng Chín, để cộng đồng làm lễ dựng tượng Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo trong khu Hà Nội Plaza, trong phiên họp thường kỳ tối Thứ Tư, 27 Tháng Tám.


 Giám Sát Viên Janet Nguyễn phát biểu kêu gọi thông qua nghị quyết ủng hộ HR4254. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Ðề nghị thông qua nghị quyết ủng hộ HR4254 do Phó Thị Trưởng Margie Rice đưa ra và được Nghị Viên Sergio Contreras ủng hộ, và tỉ lệ bỏ phiếu là 5-0.

Chuyện đóng đường Bolsa do Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Nam California đưa ra, được Nghị Viên Sergio Contreras đề nghị và được Thị Trưởng Tạ Ðức Trí ủng hộ, với tỉ lệ bỏ phiếu 5-0.

Phát biểu trước Hội Ðồng Thành Phố, Giám Sát Viên Janet Nguyễn kêu gọi các vị dân cử ủng hộ HR4254, và nói về những công việc bà thực hiện trong việc giới thiệu dự luật này.

Theo Giám Sát Viên Janet Nguyễn, HR4254 là kết quả của một ý tưởng mà bà đề nghị với Dân Biểu Ed Royce hồi năm 2013, bao gồm nhiều tài liệu có đầy đủ chi tiết về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.


Blogger Phạm Ðoan Trang phát biểu ủng hộ HR4254. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Vi phạm tự do ngôn luận và tự do tôn giáo tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Nhằm thay đổi tình trạng này, văn phòng của tôi đã thu thập thông tin về các vụ vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, để có bằng chứng xác đáng, làm nền tảng cho một dự luật, có thể thay đổi tình trạng nhân quyền tại Việt Nam,” Giám Sát Viên Janet Nguyễn nói.

Theo vị dân cử gốc Việt cao cấp nhất tại California, sau đó, bà đã đến Washington, DC, gặp nhân viên của Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer và Dân Biểu Ed Royce, đưa ra đề nghị năm 2013, liệt kê cụ thể những trường hợp vi phạm nhân quyền, đề nghị không cấp chiếu khán nhập cảnh cho những người vi phạm nhân quyền vào Mỹ và sử dụng hệ thống tài chánh tại Hoa Kỳ. Cuối cùng, Dân Biểu Ed Royce đồng ý bảo trợ dự luật.

“Kể từ khi được giới thiệu ra Quốc Hội, HR4254 thu hút chú ý của công luận rất lớn, làm cho mọi người ý thức hơn và tạo ra một số cố gắng đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam,” Giám Sát Viên Janet Nguyễn nói.

Kế đến, Blogger Phạm Ðoan Trang, một người từ trong nước ra, phát biểu ủng hộ HR4254.

“Ngày hôm qua, chính quyền CSVN vừa bỏ tù ba người, trong đó có chị Bùi Thị Minh Hằng, bị 3 năm, chỉ vì chị dám lên tiếng chống Trung Quốc. Trong thời gian qua, CSVN bắt bớ hàng trăm người, trong đó có nhiều blogger, chỉ vì họ dám có tiếng nói khác với chính quyền,” Blogger Phạm Ðoan Trang nói tiếp. “Tôi kêu gọi quý vị ủng hộ HR4254 để cho nhà cầm quyền Việt Nam thấy rằng chúng ta không chấp nhận tình trạng đàn áp nhân quyền hiện nay.”


Ðồng hương Việt Nam vui mừng sau khi Hội Ðồng Thành Phố Westminster bỏ phiếu 5-0, ủng hộ HR4254. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Trong lúc phát biểu, blogger này đưa ra một số hình ảnh các phiên tòa ở Việt Nam xử các nhà bất đồng chính kiến. Sau đó, cô giao những tấm ảnh này cho Hội Ðồng Thành Phố.

Kế đến, có 18 người lên phát biểu ủng hộ HR4254 và yêu cầu Hội Ðồng Thành Phố thông qua nghị quyết ủng hộ dự luật này, bao gồm Nghị Viên Garden Grove Chris Phan, Luật Sư Andrew Ðỗ (chánh văn phòng Giám Sát Viên Janet Nguyễn), cựu Ðại Tá Lê Khắc Lý (chủ tịch lâm thời Cộng Ðồng Việt Nam Nam California), Mục Sư David Huỳnh, Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa (chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Nam California), Bác Sĩ Võ Ðình Hữu (chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ), ông Phát Bùi (ứng cử viên Hội Ðồng Thành Phố Garden Grove), và một số người khác.

Trước đó, ông Jose Solorio, chủ tịch Hội Ðồng Giáo Dục Học Khu Ðại Học Rancho Santiago, có phát biểu cho rằng HR4254 có nguồn gốc từ một dự luật khác từng được giới thiệu ở Quốc Hội trước đây, và “chưa đủ mạnh.”

Ông nói: “Nội dung của HR4254 có nguồn gốc của HR6433 và bây giờ Dân Biểu Ed Royce lại giới thiệu qua số HR4254. Dự luật này yếu hơn HR6433 vì nó không đề cập đến một số vấn đề như quyền của người lao động, danh sách tù nhân lương tâm, buôn người, truyền thông bị kiểm soát, tự do tôn giáo, và tài sản của người dân bị tịch thu.”

Phó Thị Trưởng Margie Rice nói: “Nếu ông đưa những vấn đề này ra trước Hội Ðồng Thành Phố, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ.”

Ông Phạm Kim Long, cựu ủy viên Hội Ðồng Giáo Dục Orange County, cho rằng hiện có một dự luật tương tự do Thượng Nghị Sĩ John Cornyn (Cộng Hòa-Texas) đưa ra ở Thượng Viện và vẫn đang chờ, nên HR4254 có thể làm vị dân cử bên Texas buồn lòng.


Hội Ðồng Liên Tôn kêu gọi đóng một bên đường Bolsa để dựng tượng Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Nếu thật sự ủng hộ nhân quyền tại Việt Nam, chúng ta không nên đưa dự luật này ra, vì như vậy sẽ làm Thượng Nghị Sĩ John Cornyn không mạnh dạn thúc đẩy thông qua dự luật do ông bảo trợ nữa,” ông Long nói tiếp.

“Chúng ta ở đây không phải là Texas,” bà Margie Rice nói với ông Long.

Bà nói tiếp: “Tôi hoàn toàn ủng hộ bất cứ nghị quyết nào ủng hộ nhân quyền. Ðiều tôi bực mình ở đây là có người nói thiếu điều này điều kia. Hãy đem đến đây, chúng tôi sẽ ủng hộ. Ðừng chỉ trích người khác khi mình không đem đến. Tôi nghĩ Dân Biểu Ed Royce đã làm điều đúng, khi giới thiệu HR4254.”

Theo tiến trình lập pháp tại Quốc Hội Hoa Kỳ, Thượng Viện và Hạ Viện hoàn toàn độc lập với nhau, và mỗi thành viên của viện này có quyền đưa ra bất cứ dự luật nào, cho dù có cùng hoặc khác ngôn ngữ với dự luật được giới thiệu ở viện kia, bất kể vào thời điểm nào trong hai năm Quốc Hội làm việc.

Mục 5.1, Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Nam California đề nghị đóng 3 làn đường, từ Magnolia đến Weststate, bên phía dựng tượng, trên đường Bolsa, từ 8 giờ sáng đến 1 giờ trưa, Thứ Bảy, 13 Tháng Chín, để dựng tượng Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo được toàn bộ Hội Ðồng Thành Phố đồng ý.

Trước cuộc bỏ phiếu, một số thành viên Hội Ðồng Liên Tôn, Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa, và một số cả nhân đều lên phát biểu ủng hộ.

Luật Sư Nghĩa cũng cho Hội Ðồng Thành Phố biết đã phối hợp với sở cảnh sát và nhân viên thành phố, đạt đủ yêu cầu, trong đó có cả việc mua bảo hiểm cho buổi lễ.

Theo dự trù, tượng Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo sẽ được dựng trong khu Hà Nội Plaza, tay chỉ về hướng Bắc, phía sau có một phòng làm đền thờ vị thánh của dân tộc.
08-27- 2014 9:48:39 PM  
Linh Nguyễn/Người Việt

Công nghệ ngâm, tẩm hóa chất nước giải khát bán rong

Các loại nước mát giải khát như sâm, rong biển, dừa tươi... có thật sự sạch, an toàn hay không thì không phải ai cũng biết.

"Công nghệ" bán nước giải khát

Vào những ngày nắng nóng, các quán cóc vỉa hè hay trên những xe nước đẩy quanh địa bàn TP.HCM luôn đông khách, thậm chí, có những điểm khách còn phải xếp hàng chờ mua. Trái dừa non có giá bình dân khoảng 10.000 - 12.000 đồng/trái. Nước sâm lạnh, rong biển cũng chỉ từ 5.000 đến 6.000 đồng/ly.

Chúng tôi ghé vào hỏi thăm một xe nước sâm lạnh bán dạo trên đường An Dương Vương, quận 5. Chị Út (quê Bến Tre) - chủ hàng - tâm sự: “Mỗi ngày tui cũng lời được khoảng vài trăm ngàn đồng, chủ yếu bán ở khu vực cổng trường cho mấy cô chú sinh viên ra uống. Mấy ngày nắng nóng thì bán chạy hơn ngày mưa, nếu cả buổi không bán hết số nước này coi như hẻo luôn!”.

Chị Út kể, hồi mới lên thành phố, đêm nào chị cũng phải thức dậy từ rất sớm hì hụi nấu nước sâm bán cho cả ngày, nhưng lời chẳng được bao nhiêu. Vậy nhưng bây giờ,nhờ những “đồng nghiệp” chỉ cho bí quyết ra chợ Kim Biên tìm mua hương liệu về pha chế nước sâm, nên công việc nhanh hơn.

dừa, hóa-chất, công-nghệ, rùng-mình,
Nhiều điểm bán dừa tươi dọc đường ngâm hóa chất cho dừa trắng nõn.

Gặng hỏi mãi, chúng tôi mới được chị Út nói bí kíp. Cách pha chế đơn giản nhất với tỷ lệ 50/50, có nghĩa là cứ một lít nước chỉ cần 50% nước sâm nguyên chất, còn lại là hương liệu, phụ gia pha vào thì sẽ “ngon” như bình thường. Làm cách này, khách hàng khó phát hiện được.

Các món giải khát trong đó có dừa tươi ở chợ, bán trên xe ba gác cũng bán rất chạy. Tuy nhiên, khi khách hàng mua dừa tươi từ những xe đẩy trên đường hay tại các chợ ít ai để ý những thủ thuật ngâm trái dừa của chủ xe, chủ vựa nhằm tạo cho trái dừa trắng nõn bắt mắt.

Trong vai người đi mua dừa về bán và xin học kinh nghiệm tại một cửa hàng bán dừa trong chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chúng tôi được chủ vựa là bà Hai Chung, chia sẻ khá nhiều “bí quyết” để làm trái dừa gọt ra trắng nõn, để lâu mà không bị xỉn màu. Bà nói: “Dừa vừa lột hết vỏ ngoài phải cho ngay vào thùng nhúng càng ngâm lâu thì càng trắng. Nếu ngâm từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ thì để cả vài ngày vẫn vô tư mà bán, không lo dừa ế”.
dừa, hóa-chất, công-nghệ, rùng-mình,
Dừa ngâm hóa chất uống vào sẽ có cảm giác tê đầu lưỡi, vị nước nồng nhẹ, khó chịu…

Nói rồi bà Hai lôi trong gầm kệ hàng ra một chậu dừa đang ngâm nước hóa chất. Bà lấy mấy trái cho chúng tôi coi. Quả thực, trái dừa không biết ngâm từ khi nào nhưng được tẩy trắng nõn nhìn rất ngon và bắt mắt. “Trung bình cô ngâm dừa khoảng bao lâu?”, tôi hỏi. Bà Hai bảo: “Cứ ngâm đầy xô vớt ra. Mình bán chợ quen rồi, không ngâm đậm đặc như mấy tay đi bán rong trên đường”. “Vậy bình thường cô pha tỷ lệ bao nhiêu?”. “Mình muốn trắng nhanh thì pha đậm đặc lại”.

Tôi hỏi mua lại của bà Hai gói thuốc tẩy dừa trắng về làm thử, nghe bà khuyên khi pha chế cần phải mang bao tay vào không sẽ bị hóa chất “ăn” tay liền.

Uống hóa chất

Theo lời ông Bùi Văn Tám, chủ vựa dừa ở chợ Hiệp Thành (quận 12), muốn dừa trắng rất dễ. Chỉ cần người bán lột vỏ, ngâm trong hóa chất tẩy trắng từ 10 đến 15 phút thì vớt ra ngay. Dừa sẽ không bị xỉn, có màu trắng nõn. Ông Tám cho biết, ra chợ Kim Biên (quận 5), ghé vào bất cứ tiệm hóa chất nào hỏi mua chất tẩy trắng dừa sẽ được người bán giới thiệu 2 loại bột màu trắng, với giá khoảng 125.000 đồng/kg. Mỗi thùng nước khoảng 20 lít pha với 6 muỗng bột. Cứ 3 muỗng loại này trộn với 3 muỗng loại kia rồi hòa tan ngâm dừa vào, chờ nước thấm hết vào là xong.

dừa, hóa-chất, công-nghệ, rùng-mình,
Những trái dừa tươi ngâm hóa chất đang có dấu hiệu chuyển màu.

Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi đến chợ Kim Biên tìm hỏi mua hương liệu sâm bí đao, rong biển, chất tẩy trắng dừa… thì thấy mua dễ như mua rau, cá ngoài chợ. Các chủ sạp hàng trong chợ giới thiệu những loại dung dịch hương liệu đủ màu sắc được đựng trong can nhựa từ 1 lít đến vài chục lít không ghi nhãn mác, địa chỉ sản xuất cũng như hạn sử dụng. Hương liệu sâm bí đao, sầu riêng, rong biển đủ loại dưới dạng dung dịch lỏng bày bán trên khắp quầy sạp. Còn tại khu vực bên phải của chợ, nhiều chủ hàng đang cho trộn bột rồi khuân vác vào trong, người nào cũng đeo khẩu trang dày cộm.

dừa, hóa-chất, công-nghệ, rùng-mình,
Mua hóa chất ngâm dừa được tại chợ Kim Biên dễ như mua rau.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Ký, Văn phòng phía Nam - Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho biết, dừa tươi ướp lạnh, vỏ trắng nõn đa phần được ngâm tẩm chất tẩy trắng không rõ nguồn gốc. Hóa chất này dễ dàng thấm qua lớp vỏ dừa (nếu ngâm lâu), ngấm trực tiếp qua vị trí tiếp xúc khi dùng dao chặt lấy nước dừa nếu uống. Nước dừa bị nhiễm hóa chất khi uống sẽ có cảm giác tê đầu lưỡi, vị nước nồng nhẹ, khó chịu…

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo: "Chỉ cần thường xuyên chạm tay vào lớp vỏ bên ngoài cũng đã có hại rồi, nói gì đến việc hóa chất đó thấm vào ruột và nước dừa. Tốt nhất nên chọn dừa còn vỏ xanh, đừng nên mua loại đã cạo sạch vỏ, tẩy trắng".
28/08/2014 16:17
(Theo Nông nghiệp Việt Nam)
Theo VietNamNet

Bắc Kinh đe dọa đáp trả hành động “do thám" của Mỹ

Nhà chức trách quân sự Trung Quốc hôm 28/8 tuyên bố Hoa Kỳ phải chấm dứt các hoạt động thám sát bằng máy bay và tàu gần biên giới nước này, một hành động theo Bắc Kinh là đang làm tổn hại mối quan hệ giữa hai cường quốc Thái Bình Dương và có thể dẫn đến "các sự cố không mong muốn".

Máy bay do thám P-3C Orion của Hải quân Mỹ - Ảnh: Getty Images

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun tuyên bố tại một cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh rằng Mỹ cần "có biện pháp cụ thể để giảm các hoạt động do thám gần chống lại Trung Quốc và tiến tới chấm dứt hoàn toàn hành động này”.

Ông Yang cho biết các chuyến bay do thám của Mỹ trong năm nay đã trở nên thường xuyên hơn, bao phủ một khu vực rộng lớn và ngày càng gần bờ biển của Trung Quốc. Hành động của Mỹ "không chỉ gây tổn hại lợi ích an ninh của Trung Quốc mà còn gây tổn hại lòng tin chiến lược và quan hệ song phương giữa hai nước", đồng thời có thể dẫn đến “những sự cố không mong muốn”.

Ý kiến của ông Yang được đưa ra khi Bắc Kinh và Washington đang bất đồng về sự cố máy bay hai nước xuýt va chạm trên bầu trời cách đảo Hải Nam 220 km vào ngày 19/8.

29/08/2014 05:55
VIỆT HƯNG (Theo AFP)

Bắc Kinh đe nẹt Hà Nội 'không xích lại gần Mỹ'

BẮC KINH (NV) .- Cùng ngày chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đặc sứ của Hà Nội sang xin giàn hòa, Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh lên tiếng đe nẹt đảng của ông Nguyễn Phú Trọng không được xích lại gần Mỹ.


 Đại tướng Martin Dempsey duyệt hàng quân danh dự ở Hà Nội cùng với Tham mưu trưởng quan đội CSVN ngày 14/8/2014 khi ông đến thăm viếng Việt Nam. (Hình: AP Photo/Tran Van Minh)

“Chúng ta nên cho Việt Nam nhận ra rằng về phe với Hoa Thịnh Đốn để kềm chế Bắc Kinh sẽ gây tổn thất cho họ nhiều hơn là theo chính sách thân thiện với Trung Quốc như một chiến lược quốc gia.” Bài bình luận của tờ Hoàn Cầu Thời Báo nhưng được đăng đồng thời trên tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày Thứ Tư 27/8/2014 viết như vậy trong bài có tựa đề “Hà Nội nên hành động hơn là nói”.

Ông Lê Hồng Anh, thường trực Ban bí thư Đảng CSVN được cử lại đặc sứ sang Bắc Kinh trong chuyến đi được TTXVN mô tả là “trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc về các biện pháp làm dịu tình hình, không để tái diễn các vụ việc căng thẳng như vừa qua, đồng thời thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài...”

Tại Bắc Kinh hai ngày 26 và 27/8/2014, phái đoàn cao cấp của đảng CSVN do ông Lê Hồng Anh cầm đầu đã họp với phái đoàn Trung Quốc do Lưu Vân Sơn, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị cộng đảng Trung quốc, cầm đầu. Sau đó, ông Lê Hồng Anh được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp kiến.

Trên các bản tin chính thức của Tân Hoa Xã và Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN), người ta thấy lời lẽ hai bên rất “tình nghĩa anh em”, những dấu hiệu muốn hàn gắn lại những sứt mẻ do hậu quả của giàn khoan HD981 cắm trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như những vụ bạo động đốt phá hàng trăm cơ sở Trung quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Theo bản tin TTXVN ngày 27/8/2014, , ông Lê Hồng Anh nói với chủ tịch Tập Cận Bình rằng “Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc không ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài”.

Ông kêu gọi hai bên “cần tăng cường hợp tác, xử lý thỏa đáng bất đồng, cùng nhau tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, để tập trung xây dựng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân ở mỗi nước.”

Tường thuật cuộc tiếp kiến nói trên, Tân Hoa Xã cùng ngày cho hay ông Tập Cận Bình nói với ông Lê Hồng Anh rằng hai nước “nên thân thiện với nhau” hầu giúp hàn gắn lại mối quan hệ sau những ngày căng thẳng vì vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.

Nhưng bài bình luận trên tờ Nhân Dân Nhật Báo cảnh cáo rằng “Việt Nam không phải là nước luôn luôn làm như lời hứa nên chúng ta phải chờ xem họ hành động ra sao.”

Bài bình luận này dẫn chứng chính sách “xoay trục” sang Á Châu của Mỹ, trong đó Hoa Thịnh Đốn “cung cấp cho Việt Nam cơ hội tham dự vào sự tranh dành ảnh hưởng của cường quốc mạnh nhất. Tuy Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội không phải là đồng minh nhưng vẫn có thể hậu thuẫn cho nhau để hưởng lợi”.

Bài báo đồng thời cũng đề cập đến Nhật Bản và Philippines “khiêu khích” Bắc Kinh ở Biển Đông. Gộp những sự việc này lại, Nhân Dân Nhật Báo dọa rằng Bắc Kinh có khả năng “tạm thời bỏ qua một bên các theo đuổi có tính chiến lược khác để tập trung vào việc đối phó với kẻ khiêu khích ở kế bên.

Trong tình huống này, Hà Nội bị thiệt hại nhiều hơn là Bắc Kinh”.

Bắc Kinh chỉ trích Hà Nội nói một đàng làm một nẻo nhưng sự thực, sách lược của Hà Nội cũng chỉ là bắt chước y hệt theo Bắc Kinh, chẳng có gì khác.

Khi Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh giữa Tháng Mười năm 2011, ông ta đã ký với chủ tịch Trung Quốc (lúc đó là) Hồ cẩm Đào văn bản thỏa hiệp “6 nguyên tắc cơ bản” giải quyết các bất đồng trên Biển Đông. Theo đó “hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác” theo nguyên tắc “dễ trước khó sau”.

Nếu Bắc Kinh không nói một đàng làm một nẻo thì đã không lặng lẽ đem giàn khoan khổng lồ tới phía nam quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền tuy đang bị Trung Quốc chiếm giữ, và trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hồi đầu Tháng 5 vừa qua, gây ra cuộc đối đầu hai bên suốt 2 tháng rưỡi và các cuộc biểu tình bạo động đốt phá ở Bình Dương Biên Hòa và Hà Tĩnh.

Những lời lẽ bề ngoài của hai bản tin Tân Hoa Xã và Thông Tấn Xã Việt Nam về chuyến đi Bắc Kinh của ông Lê Hồng Anh cho người ta cảm tưởng hai nước cộng sản anh em làm hòa với nhau thật. Nhưng những gì được tờ Nhân Dân nhật báo viết ra lại cho người ta một cảm tưởng khác. Đó mới chính là những lời Tập Cận Bình muốn ông Lê Hồng Anh đem về nói lại với đồng đảng của ông ở Hà Nội. Chiến thuật vừa đánh vừa vuốt quen thuộc của Bắc Kinh.(TN)
08-28-2014 3:12:27 PM
Theo Người Việt

Tàu vỏ sắt trở thành đại họa của ngư dân Việt

QUẢNG NGÃI (NV) .- Chủ của hai con tàu đánh cá vỏ sắt mang tên Hoàng Anh 01 và Sang Fish 01 kêu trời ngay sau chuyến đi biển đầu tiên. Có vẻ chương trình hỗ trợ ngư dân mới nhất chẳng khác trước.


 Tàu đánh cá vỏ sắt mang tên Hoàng Anh 01 do SBIC thiết kế và đóng, được kéo về sửa. (Hình: Lao Động)

Hai con tàu đánh cá vỏ sắt vừa kể do Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam – gọi tắt là SBIC (hậu thân của Vinashin, một tập đoàn nhà nước đã phá sản sau khi để lại khoản nợ hàng chục ngàn tỷ đồng) thiết kế và đóng.

Từ khi tranh chấp chủ quyền trên biển Đông trở thành căng thẳng, chế độ Hà Nội công bố hàng loạt kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế biển, trong đó có “Chương trình hỗ trợ chuyển đổi 3,000/130,000 tàu đánh cá từ vỏ gỗ, sang vỏ sắt”, với ngân khoản dự trù 10,000 tỉ đồng.  SBIC được xem là nỗ lực chính để thực hiện chương trình này.

Theo chương trình vừa kể, SBIC sẽ đóng những tàu đánh cá vỏ sắt, trị giá khoảng 7 tỉ/tàu. Chủ tàu trả khoảng một nửa, nửa còn lại được vay từ khoản hỗ trợ 10,000 tỉ của nhà nước, rồi trả dần trong khoảng thời gian từ 5 đến 7 năm, không phải trả lãi.

Đã có rất nhiều người, đặc biệt là các chuyên gia, công khai bày tỏ sự lo ngại cả về tính khả thi của “Chương trình hỗ trợ chuyển đổi 3,000/130,000 tàu đánh cá từ vỏ gỗ sang vỏ sắt”, lẫn các mẫu tàu của SBIC.

Trong đó, đáng chú ý nhất là cảnh báo của ông Nguyễn Quốc Chính, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, kiêm Ủy viên Ban Chấp hành Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam. Theo ông Chính, tàu do SBIC đóng chỉ phù hợp với công việc câu mực ở giữa đại dương, chưa phù hợp với các nhu cầu đánh bắt khác, giá thành lại quá cao. Nếu ngư dân tự đóng, chi phí chỉ khoảng 5 hoặc 6 tỉ và chất lượng không thua kém những con tàu mà SBIC đóng với giá 7 tỉ. Khoản chênh lệch hàng tỉ đó ngư dân phải gánh và đây là điều vô lý, chưa kể chúng sẽ tạo thêm nhiều khó khăn cho ngư dân.

Ông Chính còn nói thêm rằng, nếu là hỗ trợ thì phải để ngư dân đóng góp những kinh nghiệm của họ vào con tàu mà họ phải vay tiền để mua, chứ không phải nhận một con tàu đóng sẵn rồi họ phải ra khơi trên con tàu xa lạ đó.

Cũng theo ông Chính, ngư dân đang cần cơ chế vay vốn phù hợp. Vay vốn phù hợp là tất cả những người trên tàu, từ thuyền trưởng đến thủy thủ cùng được vay để cùng góp vốn vào con tàu mới song chuyện này chưa được tính tới. Trong quá khứ, một số người từng lợi dụng chương trình hỗ trợ ngư dân để đứng ra vay vốn đóng tàu, sau đó thuê thuyền trưởng và thủy thủ, bóc lột thuyền trưởng và thủy thủ tới mức họ không thể chịu đựng được rồi bỏ việc và những con tàu đó trở thành vô dụng.

Ông Ngô Khắc Lễ, người vừa là chuyên gia hàng hải, vừa là Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, rất quan tâm đến những đề nghị của ông Chính. Ông Lễ cho rằng, phải có những hợp đồng ràng buộc chặt chẽ tất cả các bên:  đóng tàu, kiểm định, ngân hàng, bảo hiểm, ngư dân để bảo đảm sự an toàn cho cả ngân hàng lẫn ngư dân. Tránh tình trạng chương trình hỗ trợ lần này trở thành vô dụng, thất thoát tiền bạc như những lần trước.

Những cảnh báo như vừa kể nay đang trở thành hiện thực. Sau chuyến đi biển đầu tiên, ông Mai Thành Văn, chủ tàu Hoàng Anh 01, cho biết, trục kéo lưới của tàu bị gãy ngay lần kéo cá đầu tiên, sau đó máy chính bị hư hại nặng, không thể sửa, ông Văn đành để tàu trôi tự do rồi gọi tàu cứu nạn, nhờ kéo về cảng.

Tàu Sang Fish 01 cũng gặp những trục trặc tương tự: Trục kéo lưới bị gãy, mất cả lưới lẫn cá. Ông Lê Văn Sang, chủ tàu Sang Fish 01 còn lưu ý, hình như vì cabin quá to, khi ra biển, con tàu rung lắc rất đáng sợ, điều đó khiến ngư dân có thể rơi xuống biển bất kỳ lúc nào.

Cả ông Văn lẫn ông Sang, những người sở hữu hai con tàu vỏ sắt đầu tiên do SBIC thiết kế và đóng, đều than họ lỗ nặng khi phải tự thanh toán mọi chi phí phát sinh do trục trặc trong chuyến đi biển đầu tiên.

Trong quá khứ, các chính sách hỗ trợ ngư dân luôn xem là cơ hội cho viên chức nhiều cấp, nhiều ngành đục khoét.

Năm 1997, nhà cầm quyền CSVN thực hiện chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ”. Chương trình này ra đời sau trận bão thứ 5 của năm 1996, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngư dân và ngư nghiệp Việt Nam. Đến tháng 4 năm 2006, sau khi chương trình này ngốn hết 1,400 tỉ đồng, kết quả thanh tra cho thấy, 95% của khoản 1,400 tỉ đồng đó bị tham nhũng.

Các tỉnh - thành phố, quận – huyện, phường - xã của 29 tỉnh, thành phố nằm trong chương trình đã thi nhau dựng ra những hợp tác xã ma, công ty ma để rút bằng hết nguồn vốn vay có tính ưu đãi cho ngư dân để chia chác với nhau.

Sau chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ”, gần đây, chế độ Hà Nội thực hiện một chương trình hỗ trợ khác cũng dành cho ngư dân. Đó là “lắp thiết bị định vị vệ tinh cho tàu đánh cá”. Chương trình đã thực hiện thí điểm với 2,000 tàu đánh cá và phóng sự của nhiều tờ báo cho thấy, hàng loạt thuyền trưởng của các tàu đánh cá được chọn thí điểm đã yêu cầu được trả lại thiết bị vì chất lượng tồi, hiệu quả kém mà lại quá nhiều ràng buộc.

Có vẻ như “Chương trình hỗ trợ chuyển đổi 3,000/130,000 tàu đánh cá từ vỏ gỗ, sang vỏ sắt” chỉ là bản sao của những chương trình trước đó. (G.Đ)
08-28- 2014 3:59:02 PM
Theo Người Việt

Gần 80 người Việt săn trộm tê giác bị bắt ở Nam Phi

 VIỆT NAM (NV) - Theo phúc trình được công bố tại một hội nghị quốc tế diễn ra ở Sài Gòn hôm 27 tháng 8, 2014, nhà chức trách Nam Phi đã bắt được 77 người Việt Nam săn trộm tê giác.

Phúc trình trên được báo Tiền Phong trích dẫn cho biết, đó là số nghi can Việt Nam bị bắt riêng trong năm 2013, chiếm gần 77% tổng số người bị bắt vì tội săn tê giác để lấy sừng tại Nam Phi. Hội nghị trên do Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, phối hợp với Tổ chức Cứu Trợ Ðộng vật Hoang dã - WildAid và Quỹ Bảo vệ Ðộng vật Hoang dã Châu Phi - African Wildlife Foundation.


Một trong những chiếc sừng tê giác vừa bị cưa trộm. (Hình: Tinmoi.vn)

Cũng theo phúc trình trên, Việt Nam và Trung Quốc hiện là hai quốc gia tiêu thụ sừng tê giác nhiều nhất thế giới. Phúc trình cũng nói rằng, giá bán sừng tê giác trên thị trường chợ đen của thế giới hiện nay lên tới trên 65,000 đô la một kg. Vì nhu cầu tăng vọt, sừng tê giác mỗi ngày càng trở nên hiếm hoi.

Ðiều đó thôi thúc số người đổ xô đến các quốc gia Châu Phi săn tê giác để lấy sừng ngày thêm đông. Khá nhiều người Việt Nam cũng tìm cách len lỏi đến Châu Phi để gia nhập lực lượng này.

Một bài báo của Người Ðưa Tin mới đây còn tiết lộ rằng, giá sừng tê giác ở Việt Nam lên tới 100,000 đô la một kg, cao hơn cả vàng khối. Thời gian qua, rất nhiều đại gia Việt Nam sẵn sàng chi bạc tỉ để mua sừng tê giác, nghiền thành bột, trộn với nước lã hoặc rượu để uống. Họ tin rằng sừng tê giác là phương thuốc hiệu nghiệm để chữa bệnh bất lực, tăng cường khả năng tình dục của quý ông.

Thế nhưng theo tài liệu được công bố tại hội nghị trên, cho đến nay vẫn không có một chứng cứ nào cho thấy sừng tê giác là phương thuốc thần chữa bá bệnh như người ta đồn đãi. Ông Nguyễn Chấn Hùng, giáo sư-bác sĩ, chủ tịch Hội Ung Thư Việt Nam cũng khẳng định rằng, sừng tê giác không chữa được bệnh ung thư. (PL)
08- 28-2014 2:24:54 PM
Theo Người Việt

Phó chủ tịch xã vỡ nợ, dân căng băng rôn đòi tiền


Số nợ lên đến tiền tỷ, vị Phó chủ tịch xã bị chủ nợ căng băng rôn trước cổng chợ yêu cầu phải trả.
Phó chủ tịch xã và vợ bị tố “quỵt nợ”
Trong đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, anh Trần Sỹ Thiệp (47 tuổi – Trú xóm 7B, xã Nghĩa Thuận, Thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) trình bày, gia đình anh và gia đình ông Nguyễn Thanh Phượng (Phó chủ tịch xã Nghĩa Thuận), bà Trần Thị Xuân (vợ ông Phượng, trú xóm 8, xã Nghĩa Thuận) quen biết nhau từ những năm 1998 – 2000. Thời điểm này anh Thiệp và ông Phượng cùng công tác ở xã Nghĩa Thuận.
Đơn tố cáo của anh Thiệp gửi cơ quan chức năng  Sau đó, anh Thiệp nghỉ công tác ở xã để đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Đến tháng 7 năm 2013, anh Thiệp  trở về nước. Trong thời gian này, anh Thiệp có qua lại nhà ông Phượng chơi và đi uống cà phê với ông Phượng vài lần. Hai tháng sau (9/9/2013), vợ chồng ông Phượng đặt vấn đề vay của anh Thiệp 200 triệu đồng để giải quyết việc đảo nợ tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Nghĩa Thuận.
Theo đó, anh Thiệp sẽ trực tiếp mang tiền đến nộp cho Quỹ tín dụng nhằm thanh toán khoản nợ đáo hạn thay cho ông Phượng để ông Phượng làm hợp đồng vay mới (hình thức đảo nợ). Đến sáng ngày 16/9/2013, anh Thiệp nhận lại đủ số tiền 200 triệu, đồng thời cầm thêm một triệu đồng tiền lãi của vợ chồng ông Phượng.
Tiền cầm về chưa kịp cất tủ, ngay trong chiều 16/9, vợ chồng ông Phượng gọi điện thoại tiếp tục hỏi vay anh Thiệp 200 triệu đồng để giải quyết công việc gia đình, hứa sẽ trả với lãi suất 3%/tháng. Anh Thiệp đồng ý cho vay và nói miễn trả đúng hẹn, không cần lấy lãi suất cao.
Tiếp đến, ngày 25/9/2013, vợ chồng ông Phượng lại gọi điện cho anh Thiệp vay 560 triệu đồng để lấy tiền đảo nợ cho người nhà đang vay ở Quỹ tín dụng xã Nghĩa Thuận. Anh Thiệp đã đồng ý cho vay với hình thức như đã làm ở lần đầu tiên.
Với lần vay này, chỉ trong vòng 2 ngày, anh Thiệp đã nhận đủ số tiền gốc và thêm 1 triệu tiền lãi. Tuy nhiên, khi trả tiền vay cho anh Thiệp, bà Xuân xin vay lại 200 triệu đồng do có việc cần, hẹn 10 ngày sau sẽ trả với mức lãi 1.500 đồng/1 triệu/ngày nhưng anh Thiệp chỉ lấy lãi 1000 đồng/1 triệu/ngày.
Cũng trong khoảng thời gian nói trên, bà Xuân vay tiếp của anh Thiệp 300 triệu đồng để đảo nợ cho người thân tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Không giống như những lần trước, số tiền này bà Xuân đề nghị anh Thiệp đưa trực tiếp cho mình để tự làm thủ tục với Ngân hàng.
Như vậy, tính đến ngày 30/9/2013, vợ chồng ông Phượng đã vay của anh Thiệp tổng số tiền 700 triệu đồng. Dù đã hứa sẽ thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi sau một vài ngày nhưng khi anh Thiệp gọi điện đòi nợ thì vợ chồng ông Phượng liên tục khất lần không chịu trả. Mãi đến ngày 10/10, bà Xuân mới trả cho anh Thiệp được 200 triệu đồng, số tiền còn lại hẹn sẽ trả sau.
Trong khi khoản nợ cũ 500 triệu còn chưa thanh toán hết, ngày 14/10/2013, vợ chồng ông Phượng lại đề nghị anh Thiệp tiếp tục cho vay thêm 200 triệu để đảo nợ ngân hàng. Qua kiểm tra, xác định đúng là vợ chồng ông Phương đang nợ Ngân hàng 800 triệu nên anh Thiệp đã đồng ý cho vay mà không nghi ngờ gì cả.
Không phải duy nhất anh Thiệp chưa lấy được tiền nợ, nhiều người khác cũng đang trong tình cảnh tương tự  Đến thời hạn trả nợ, anh Thiệp nhiều lần tới nhà vợ chồng ông Phượng để đòi tiền nhưng hai vợ chồng ông Phượng đều tìm cách né tránh hoặc viện đủ mọi lý do như đang làm thủ tục đảo nợ chưa xong hay tiền đang cho người khác vay chưa lấy về được để trì hoãn trả nợ. Sau nhiều lần đốc thúc, bà Xuân mới trả thêm được cho anh Thiệp 185 triệu đồng (bao gồm cả lãi và gốc), tổng số tiền còn nợ là 530 triệu đồng.
“Thực ra tôi nghĩ ông Phượng là Đảng viên, là Phó chủ tịch xã Nghĩa Thuận. Còn bà Xuân buôn bán, có cửa hàng đàng hoàng, gia đình lại có ô tô đi làm, con cái có công ăn việc làm cả nên tôi tin tưởng cho vay” – một đoạn trong đơn tố cáo của anh Thiệp viết.
Treo băng rôn trước cổng chợ yêu cầu Phó chủ tịch xã trả nợ
Ngoài việc vay tiền của anh Thiệp, vợ chồng ông Phương còn vay của rất nhiều người khác. Liên tục bị các chủ nợ đòi tiền, khi ngày cưới con gái đã cận kề, ông Phượng đã phải viết 5 giấy xin khất nợ nhằm “hạ nhiệt”, hẹn sau ngày cưới con gái sẽ bán nhà, lấy tiền trả nợ.
Một trong những tờ giấy viết tay của ông Phượng trước ngày con gái về nhà chồng 
Nhiều người là chủ nợ của ông Phượng như chị Bùi Thị Thanh, chị Trần Thị Xuân, chịNguyễn Thị Lan; đều có hộ khẩu tại xã Nghĩa Thuận, hiện đang cho ôngPhượng vay tổng số tiền là 750 triệu đồng nhưng chưa đòi được đồng nào đã viết đơn thưtố cáo gửi cơ quan chức năng nhờ can thiệp.
Theo đó, sau khi tiếp nhận đơn thư tố cáo, Tòa án nhân dânThị xã Thái Hòa đã ra công văn số 42/TA ngày 27/6/2014 về việc tạm dừngthủ tục chuyển nhượng, thế chấp tài sản của ông Phượng, bà Xuân
Tuy nhiên,  2 tháng trước đó, ngày 24/4/2014 vợ chồng ông Phượng đã “cao tay”sang tên toàn bộ diện tích hơn 300m2 đất cùng căn nhà 2 tầng trên đấtcho người khác với giá 3.5 tỉ đồng.
Do hợp đồng chuyển nhượng sử dụngđất giữa các bên là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp về hình thức, nội dung,được lập tại phòng công chứng theo quy định của pháp luật; bên bán đãgiao toàn bộ giấy tờ cho bên nhận chuyển nhượng, còn bên nhận chuyểnnhượng cũng đã giao gần đủ số tiền trong hợp đồng nên TAND Thị xã TháiHòa đã phải ban hành công văn hủy công văn số 42/TA nói trên.
Mặc dù nhà đã bán, tiền đã lấy nhưng khi viết tường trình trước Đảng ủy xã, ông Phượng vẫn hứa sẽ…bán nhà trả nợ. Bức xúc trước hành vi của vợ chồng ông Phượng, các chủ nợ đã treo băng rôn đòi tiền ngay trước cửa hàng của bà Xuân. Chưa đủ, họ còn treo lên cổng chợcủa xã, yêu cầu vị Phó chủ tịch xã phải giữ lời hứa trả nợ cho mọi người.
Sáng 24/8, băng rôn của chủ nợ treo trên cổng chợ, yêu cầu vị Phó chủ tịch xã giữ lời hứa trả nợ trong giấy viết tay khi ngày con gái lên xe hoa cận kề

Việt Nam đã trở thành Việt Nam như thế nào !!!



Published on August 28, 2014   ·
(tác giả : Lê Minh Khải ; dịch giả : Vũ Đức Liêm)
Tôi liên tục tìm kiếm các viết lách bằng tiếng Anh mà ở đó người ta nói về làm thế nào mà Việt Nam đã được gọi là Việt Nam, và không ai có được một sự mô tả đúng. Không phải tự hào, sự giải thích đúng đắn nhất về điều này mà tôi được biết trong giới học thuật tiếng Anh là công trình mà tôi xuất bản nhiều năm trước đây, nhưng không ai đọc bất cứ điều gì mà tôi xuất bản thông qua kênh hàn lâm, vì thế tôi nghĩ đã đến lúc để đưa các thông tin lên chỗ này chỗ khác nơi có nhiều cơ hội hơn để mọi người sẽ thực sự tiếp cận nó, và đó có thể là ở đây – không gian Internet.
Vietnam in 1829 under the Nguyễn Dynasty
Phần lớn mọi người dựa vào những gì mà Alexander Woodside viết cách nay 40 năm trong công trình của ông – Vietnam and the Chinese Model. Tuy nhiên, liên quan đến câu chuyện làm thế nào mà tên gọi Việt Nam đã ra đời, Woodside dựa vào thông tin của Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (欽定大南會典事例) – vốn sử dụng lại các thông tin từ Đại Nam thực lục (大南實錄). Vì thế, để thực sự hiểu được điều gì đã xảy ra (hoặc điều mọi người nói là đã xảy ra), chúng ta cần xem cả các nguồn như Đại Nam thực lục cũng như tư liệu của Trung Quốc nhưThanh thực lục (清實錄).
Sau khi nhà Nguyễn lên cầm quyền năm 1802, họ gửi một phái đoán đến Bắc Kinh để yêu cầu tên mới cho vương quốc. Nguyễn Phúc Ánh (阮福暎), người sáng lập của vương quốc là hậu duệ của dòng họ Nguyễn vốn cai trị vùng đất phía Nam của nhà Lê (sau đó được mở rộng) trong vòng 200 năm trước đó. Sự cai trị đó là đủ lâu để họ có thể đi đến mô tả về tính chính thống của mình.
Vào cuối thế kỷ XVIII, khi cuộc nổi loạn Tây Sơn kéo theo sự tan rã của hai dòng họ Trịnh – Nguyễn, chấm dứt sự can dự của họ vào hoàng gia, các thành viên sống sót của họ Nguyễn cảm thấy những thôi thúc đặc biệt rằng : điều xảy ra với họ là sai trái, và đó là một trong những động lực thôi thúc họ giành lại phần lãnh thổ mà họ tin rằng thuộc về mình một cách chính danh (Đại Nam thực lục, 16/17b). Tuy nhiên, trong quá trình đó, Nguyễn Phúc Ánh không chỉ lấy lại từ Tây Sơn vùng đất của tố tiên mà còn tiến xa hơn về phía Bắc, đặc biệt là vùng đất trung tâm của nhà Lê vốn nằm trong tay đối thủ của mình trước đây là họ Trịnh, và sau đó Tây Sơn chinh phục cả chính quyền Trịnh và Lê, dẫn đến việc vua Lê phải lánh nạn sang nhà Thanh, nơi ông ta qua đời.
Gia Long đế
Với thắng lợi quân sự áp đảo và được thông báo rằng không có hậu duệ nào của nhà Lê lên tiếng về ngai vàng, họ Nguyễn đã tự thiết lập nền cai trị của mình trên vương quốc rộng lớn nhất từng tồn tại ở vùng này. Một lãnh thổ mới như thế dĩ nhiên là xứng đáng một cái tên mới để thể hiện lãnh thổ của họ : “Cương vực mà từ thời Trần, Lê trở về trước không thể so bì” (疆域非陳黎以前之不比, Đại Nam chính biên liệt truyện, 11/2a). Cùng lúc, nhà Nguyễn không muốn từ bỏ ký ức về vùng đất mà họi gọi là đất đai của tổ tiên. Các vùng đất này nằm ở phía Nam của vương quốc mới, vùng đất mà nhiều học giả tin rằng từng là địa bàn cùa bộ Việt Thường (越裳), một bộ được mô tả trong các thư tịch cổ Trung Hoa. Kết hợp với những vùng đất này là khu vực An Nam (安南) từng nằm dưới sự cai trị của họ Trịnh dưới danh nghĩa nhà Lê. Như một cách thức để mô tả rằng lãnh thổ mới bao gồm cả hai khu vực này, lớp tinh hoa của triều Nguyễn chọn cách kết hợp “Nam” từ “An Nam” với “Việt” trong “Việt Thường” để tạo ra tên mới – Nam Việt (南越).
Trong khi phái đoàn ngoại giao được gửi đến Bắc Kinh đầu thế kỷ XIX để yêu cầu hoàng đế nhà Thanh cho phép họ Nguyễn tạo ra sự thay đổi này, viên chức của triều Nguyễn là Trịnh Hoài Đức (鄭懷德) đã đưa vấn đề này ra với các quan chức nhà Thanh ở Quảng Đông (Bang giao lục, 3/12a-b). Tổng đốc của tỉnh láng giềng Quảng Tây, Tôn Ngọc Đình (孫玉庭) nghe được điều này và đã kiến nghị về tên gọi này khi liên tưởng đến quốc gia Nam Việt của Triệu Đà từ thế kỷ II trước Công nguyên vốn bao gồm phần lớn tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Tôn lo ngại rằng tên gọi này là dấu hiệu thậm chí còn đáng ngại hơn việc Tây Sơn giúp đỡ các nhóm hải tặc trong vùng. Hệ quả là cuối năm 1802, Tôn Ngọc Đình tấu trình lên ngai vàng và kêu gọi hoàng đế không chấp nhận sự thay đổi tên của nhà Nguyễn về vương quốc Nam Việt (Thanh thực lụcniên hiệu Gia Khánh, 106/25a). Vị hoàng đế đã chú ý đến kiến nghị của Tôn.
嘉慶帝
Vào ngày 18 tháng 6 năm 1803, hoàng đế Gia Khánh (嘉慶) nhà Thanh yêu cầu rằng tên gọi mới của vương quốc sẽ là Việt Nam thay vì Nam Việt, và Nguyễn Phúc Ánh được phong vương. Vị hoàng đế lý giải cho quyết định của mình bằng việc lưu ý chữ “Việt” đặt lên đầu để vinh danh lãnh thổ vốn trước kia nằm dưới sự cai trị của tổ tiên họ Nguyễn (Thanh thực lụcniên hiệu Gia Khánh, 115/15a). Đại Nam thực lục cung cấp thêm chi tiết về bình luận của hoàng đế nhà Thanh. Nó ghi lại việc vị hoàng đế giải thích chữ “Việt” đứng trước danh hiệu mới nhằm thể hiện rằng vương quốc này là sự tiếp tục của một lãnh thổ trước kia và những người cai trị sẽ tiếp tục con đường của người đi trước. Đối với chữ “Nam”, nó liên quan đến việc nhà Nguyễn đã mở rộng vùng đất cũ Nam Giao (南交), và đã nhận được sự công nhận mới (Đại Nam thực lục, 23/1a).
Sau khi can gián để hoàng đế nhà Thanh không chấp thuận việc sử dụng tên “Nam Việt”, Tôn Ngọc Đình sau đó viết trong một bản tấu gửi triều đình rằng, thêm vào những ý nghĩa trên, tên “Việt Nam” - với ý nghĩa chiết tự là “Phía Nam của Việt”, điều này cũng rất tốt vì nó đề cập rằng vùng lãnh thổ này nằm ở phía Nam của khu vực nơi mà Bách Việt từng sinh sống, khu vực trải dài từ tỉnh Chiết Giang qua Phúc Kiến, Quảng Đông và Quảng Tây. Bình luận này một lần nữa cho thấy Tôn Ngọc Đình quan tâm đến những mối đe dọa tiềm tàng lên khu vực ông ta cai trị – tình Quảng Tây (Thanh thực lụcniên hiệu Gia Khánh, 111/11b).
孫玉庭
Thông tin ở trên đến từ công trình tôi nghiên cứu và viết 14 năm trước (tôi nghĩ là lúc đó tôi đã viết một cách đầy văn chương và xúc cảm hơn những gì tôi viết sau này). Tôi không quay lại và kiểm tra lại nguồn dẫn. Tuy nhiên tôi nghĩ là những gì tôi đề cập ở đây liên quan đến luận điểm rằng : việc lựa chọn tên gọi này là phức tạp hơn rất nhiều so với những gì có thể tìm thấy ở các công trình tiếng Anh về chủ đề này. Chỉ có một người duy nhất có thể kết nối tên gọi này với vương quốc cổ Nam Việt của Triệu Đà là Tôn Ngọc Đình – Tổng đốc Quảng Tây, chứ không phải hoàng đế nhà Thanh hay bất cứ ai ở Việt Nam.

Cứu nạn tàu cá đang trôi dạt trên biển cùng 32 ngư dân



Published on August 28, 2014   ·   
tauca
Tàu cá Hoàng Anh 01 trên đường lai dắt về cảng. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Vào lúc 13 giờ 10 ngày 28/8, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) đã điều tàu SAR 27-01 khẩn trương ra hiện trường để cứu nạn tàu cá QNa 95889-TS đang trôi dạt trên biển cùng 32 ngư dân.
Trước đó, hồi 12 giờ 30 cùng ngày, Vietnam MRCC nhận được thông tin báo nạn từ tàu QNa 95889-TS của ông Phan Thu (44 tuổi, trú ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đang trên đường đi đánh bắt hải sản, cách bờ biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa 138 hải lý thì bị hỏng cốt máy, mất khả năng điều động nên phải thả trôi.
Ông Phan Thu, thuyền trưởng tàu cá QNa 95889-TS đã yêu cầu cứu nạn khẩn cấp.
Trước đó, lúc gần 13 giờ, ngày 26/8, tàu cứu nạn SAR 413 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) đã lai dắt tàu cá vỏ thép bị hỏng máy Hoàng Anh 01 cùng 13 thuyền viên từ ngư trường Trường Sa về cảng Nha Trang, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Các thuyền viên và trang thiết bị trên tàu Hoàng Anh 01 đều an toàn./.
Theo Vietnam+

Trung Quốc tổ chức du lịch trái phép tới quần đảo Hoàng Sa


Published on August 28, 2014   ·   
taudulich
Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 27/8 cho hay trong tháng 9 tới Trung Quốc sẽ tổ chức các tour du lịch tới quần đảo Hoàng Sa, trong động thái mới nhất xâm phạm quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Hoàng Phi, đại diện công ty du lịch Hải Hiệp thuộc Công ty TNHH cổ phần vận tải biển Hải Hiệp tuyên bố tour du lịch này kéo dài 4 ngày 3 đêm. Trước đây tuyến du lịch được xuất phát từ một cảng ở Hải Khẩu, nhưng bắt đầu từ tháng 9/2014, công ty du lịch thay đổi địa điểm xuất phát là một cảng du lịch ở Tam Á.
Tour du lịch từ Tam Á tới quần đảo Hoàng Sa sẽ được bắt đầu từ tháng 9, và chuyến đầu tiên sẽ được tiến hành vào ngày 2/9.
Tour du lịch này sẽ xuất phát từ Tam Á, rồi hành trình đi tới các đảo trong Nhóm Lưỡi Liềm gồm bãi Xà Cừ, đảo Ba Ba và đảo Ốc Hoa.
Du khách phải bỏ ra số tiền từ 4.000 Nhân dân tệ tới 10.000 Nhân dân tệ cho mỗi chuyến du lịch tới Hoàng Sa. Tàu du lịch Coconut Princess (ye xiang gong zhu) của Công ty cổ phần vận tải biển Hải Hiệp Hải Nam sẽ đảm nhận nhiệm vụ đưa khách tới thăm quan các đảo này.
Trên trang web chính thức của Công ty cổ phần vận tải biển Hải Hiệp mới đây cũng cho biết trong tháng 9/2014 công ty này sẽ triển khai 3 chuyến du lịch tới quần đảo Hoàng Sa trong các ngày 02/09, 13/09, 27/09.
Hoạt động đưa du khách tới Hoàng Sa du lịch của Trung Quốc là động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm khẳng đinh tuyên bố chủ quyền trái phép đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo Dân Trí

Lao động Trung Quốc vào Việt Nam, Bộ Lao động nói gì?



Published on August 28, 2014   ·   
trungquoc-laodong

Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, không có căn cứ khẳng định có tới 10 nghìn lao động Trung Quốc vào làm việc tại Khu công nghiệp Vũng Áng.
Thông tin này được ông Nguyễn Trọng Đàm – Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ cuối giờ chiều nay.
Gần đây, xuất hiện một số luồng thông tin cho rằng, Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) tuyển dụng 10 nghìn lao động Trung Quốc, trong khi lao động Việt Nam đang thiếu việc làm. Ông Nguyễn Trọng Đàm đã bác bỏ thông tin này và cho biết, trong số hơn 30.000 lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp Vũng Áng, chỉ có hơn 1.900 người Trung Quốc.
“Tính đến ngày 21/8, Vũng Áng có gần 34.000 lao động đang làm việc, trong đó lao động Việt Nam là 30.400 người, hơn 1.900 người Trung Quốc trong tổng số 3.500 người nước ngoài. Số lao động còn lại là đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Dự án Fomosa có gần 27.000 lao động với 23.700 lao động trong nước và hơn 3.000 lao động nước ngoài”, ông Đàm nói.
Vị Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lý giải, thông tin 10 nghìn lao động Trung Quốc đến dự án Fomosa là số lượng dự kiến tuyển dụng của 29 nhà thầu.
“UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ cho tuyển theo yêu cầu, tiến độ nhà thầu, đến cuối tháng 8 mới chấp thuận hơn 2.000 chỉ tiêu; các nhà thầu đang đề xuất thêm khoảng 2.700 chỉ tiêu mới nhưng chưa được chấp thuận”, ông Đàm cho hay.
Theo thống kê quý I/2015, nhà thầu cần 45.000 – 50.000 lao động, trong đó có khoảng 8.000 lao động nước ngoài.
Thứ trưởng Đàm khẳng định: “Chủ tịch UBND các tỉnh là người chịu trách nhiệm duyệt kế hoạch, cấp phép cho từng nhà thầu, dự án. Các tỉnh đang thực hiện nghiêm túc, kiểm soát lao động nước ngoài một cách chặt chẽ. Chúng ta không bỏ sót và hoàn toàn kiểm soát được”.
Trước đó, trên một số phương tiện truyền thông cho biết có hơn 10 nghìn lao động sắp vào Hà Tĩnh làm việc, trong đó có tới 90% người Trung Quốc, gây ra những lo ngại về việc giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương; đồng thời việc tuyển dụng quá nhiều lao động phổ thông nước ngoài cũng là trái với luật pháp Việt Nam.
Theo Giáo Dục

Bình Ngô đại cáo và sự xuất hiện của loại văn học phản kháng thời hiện đại



Published on August 29, 2014   ·   
(tác giả : Lê Minh Khải ; dịch giả : Hoa Quốc Văn)
Một bình luận gần đây về Bình Ngô đại cáo (平吳大誥), một tư liệu được viết vào cuối giai đoạn nhà Minh chiếm đóng đồng bằng sông Hồng đầu thế kỷ XV khiến tôi nghĩ về loại “văn học phản kháng” (resistance literature) hay “văn học căn cước dân tộc” (national identity literature) mà nhiều người ngày nay cho là tài liệu này thuộc về nó.
平吳大誥1
Một trong những chỗ đầu tiên mà tôi từng gặp được tài liệu này là trong một tuyển tập bản dịch các tư liệu do người Việt sáng tác qua nhiều thế kỷ có tên Những tấm gương ứng phó với sự can thiệp từ bên ngoài của người Việt : 1858 - 1900 (Patterns of Vietnamese response to foreign intervention : 1858 – 1900). Các tài liệu trong tuyển tập này đều được dịch và chú sâu bởi học giả Trương Bửu Lâm, và được xuất bản năm 1967 vào lúc cao điểm của cuộc Chiến tranh Việt Nam (Vietnam/American War).
Trong khi tuyển tập này tập trung vào giai đoạn từ 1858 đến 1900, khi người Pháp đang thiết lập sự cai trị Việt Nam của họ, Trương Bửu Lâm gộp vào đó một số tư liệu sớm hơn để đặt “ứng phó với sự can thiệp từ bên ngoài” (response to foreign intervention) thế kỷ XIX trong một bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn. Những tài liệu sớm hơn này ngày nay đều rất nổi tiếng, tức là bài Nam quốc sơn hà (南國山河) mà một số người cho là của Lý Thường Kiệt, bài hịch của Trần Hưng Đạo hướng tới binh lính của mình (thường được biết đến dưới cái tên Hịch tướng sĩ / 諭諸裨將檄文), Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và lời hịch của Nguyễn Huệ (Hịch đánh Trịnh) kêu gọi quân đội của ông.
Patterns of Vietnamese response to foreign intervention, 1858 - 1900
Patterns of Vietnamese response to foreign intervention, 1858 - 1900 2
Trên thực tế, nhiều tác phẩm ở Việt Nam ngày nay gọi tư liệu đầu tiên và thứ ba trên đây là những “tuyên ngôn độc lập” (declarations of independence), và tất cả các tư liệu đó nhiều lần được viện dẫn như là minh chứng cho một “ý thức dân tộc” (“national consciousness) dài lâu và về một truyền thống “chống ngoại xâm” (resistance to foreign aggression/intervention) dài lâu không kém. Tuy nhiên, liệu chúng ta có biết rằng đây là cách mà những tư liệu này luôn được hiểu và chúng có nghĩa gì hay không ?
Khoảng hơn một thập kỷ trước khi Trương Bửu Lâm thực hiện bản dịch tiếng Anh cho Bình Ngô đại cáo, Ưng Quả (Nguyễn Phúc Ưng Quả / 阮福膺果) đã công bố bản dịch tiếng Pháp của cũng tư liệu đó trên tờ Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient (46.1 [1952] : 279-95). Trong lời dẫn nhập cho bản dịch của mình, Ưng Quả lưu ý rằng nguyên bản Bình Ngô đại cáo đã xuất hiện trong quá khứ trong những văn bản như Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, và những văn tuyển như Hoàng Việt văn tuyển và Ức Trai [thi] tập. Hơn nữa, Ưng Quả cũng khẳng định rằng Bình Ngô đại cáo đã được truyền miệng trong giới tinh hoa hàn lâm – những người học để đi thi thời trước – khi họ xem nó như là một “kiểu mẫu của thể loại”. Nếu đó là sự thật, thì nó hợp với “thể loại” nào ? Liệu có một phần nào đó trong các cuộc thi nói về “văn học phản kháng” hay “tuyên ngôn độc lập” không ? Một sự xem xét cái cách Bình Ngô đại cáo xuất hiện trong bộ văn tuyển cuối thế kỷ XVIII, Hoàng Việt văn tuyển (皇越文選), có thể giúp trả lời những câu hỏi này.
Binh Ngo dai cao 1
Binh Ngo dai cao 2
Binh Ngo dai cao 3
Bình Ngô đại cáo có thể được tìm thấy trong chương 15 của Hoàng Việt văn tuyển, chương dành cho các thể “cáo” (誥), “chế” (制) và “sách” (冊). Điều này là do mục đích của Hoàng Việt văn tuyển không phải để chứng minh cho bất kỳ dạng chủ đề hay tư tưởng chủ đạo nào, mà thay vào đó, là để cung cấp mẫu của những bài văn hay thuộc nhiều thể loại khác nhau. Chương 1 vì vậy được dành cho thể cổ phú (古賦). Chương 2 dành cho thể ký (記), như những ghi chép về các chuyến du hành đến các địa điểm khác nhau. Chương 3 là tuyển các bài minh (銘), và chương 4 bao gồm các bài văn tế (祭文). Có tất cả các thể văn mà giới tinh hoa có học thức lúc bấy giờ cần thông thạo, và Bình Ngô đại cáo được đưa vào tuyển tập các bài văn này như là kiểu mẫu cho một thể văn mà các học giả có hoài bão cần phải học.
皇越文選 2
Vậy thì làm thế nào Bình Ngô đại cáo được chuyển từ một kiểu mẫu của một thể văn mà các học giả cần học thành một kiểu mẫu của “văn học phản kháng” ? Để điều đó xảy ra, nhiều thứ khác phải xảy ra. Cụ thể, một thế giới quan tổng thể phải thay đổi, và đây rõ ràng là cái đã xảy ra ở Việt Nam trong thế kỷ XX. Chúng ta có thể thấy những hệ quả của những biến đổi này trong các công trình như cuốn Việt Nam tranh đấu sử của Phạm Văn Sơn. Được xuất bản năm 1949 ở lúc cao điểm của cuộc kháng chiến chống Pháp, bài Bình Ngô đại cáo không được bàn đến trong cuốn sách này như là một kiểu mẫu hoàn hảo của một thể văn mà các học giả cần học hỏi, bởi các học giả không cần học cách viết các bài cáo tí nào. Thế giới ấy đã kết thúc rồi. Thay vào đó, Bình Ngô đại cáo được giới thiệu trong cuốn sách này (cùng với bàiHịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo) với tư cách một tác phẩm có dụng ý khích lệ người ta chiến đấu. Người ta chiến đấu cho cái gì ? Tất nhiên là dân tộc, như Ưng Quả đã giải thích ba năm về trước, đây là ý nghĩa lớn nhất của Bình Ngô đại cáo – nó chứng minh cho sự tồn tại của một tình cảm dân tộc.
Việt Nam tranh đấu sử 1949
Việt Nam tranh đấu sử 1949 2
Việt Nam tranh đấu sử 1951
Sử gia Phạm Văn Sơn
Những công trình trước đó như Hoàng Việt văn tuyển và Đại Việt sử ký toàn thư không lý giải tầm quan trọng của Bình Ngô đại cáo như thế. Trên thực tế, chúng không nói vì về tư liệu này. Tuy nhiên, khi chúng ta xem xét Bình Ngô đại cáo trong Hoàng Việt văn tuyển bên cạnh các bài văn khác không dính dáng gì đến tình cảm dân tộc, chúng ta dù sao cũng có thể hiểu được tư liệu này đã được nhìn nhận theo cách thức khác biệt thế nào trong quá khứ. Tương tự, khi chúng ta nhìn vào cái cách nó được giới thiệu trong một công trình hiện đại như Việt Nam tranh đấu sử của Phạm Văn Sơn, chúng ta cũng có thể thấy được nguồn gốc cái nhìn hiện tại về tư liệu này.

Tàu cá Quảng Nam và 32 thuyền viên bị nạn trên biển

Theo Đất Việt-08-28-2014

Lúc 13h10 trưa nay (28/8), Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực IV (Nhatrang MRCC) đã điều tàu SAR27-01 đi cứu nạn khẩn cấp tàu cá Quảng Nam số hiệu QNa 95889-TS bị hỏng cốt máy, thả trôi trên biển.

Tàu cá Quảng Nam và 32 thuyền viên bị nạn trên biển
Tàu SAR27-01 neo đậu tại cầu cảng Nhatrang MRCC (TP Nha Trang) đã lên đường cứu nạn tàu cá Quảng Nam. Ảnh: Viết Hảo

Trước đó, vào lúc 12h30 cùng ngày, Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) nhận được tin báo nạn từ tàu cá QNa 95889-TS của ông Phan Thu (SN 1970, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bị hỏng cốt máy thả trôi tự do, mất khả năng điều động trên biển.

Sau khi nỗ lực khắc phục sự cố nhưng không thành công, Thuyền trưởng tàu QNa 95889-TS đã phát thông báo cứu nạn khẩn cấp. Lúc này tàu QNa 95889-TS đang trong tình trạng nguy hiểm, trên tàu có 32 thuyền viên với tâm lý hoảng loạn, bất an.

Thời điểm đó, vị trí tàu bị nạn được xác định cách bờ biển biển Nha Trang 138 hải lý (tại vị trí 13018’N-111018’E). Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng Giám đốc Vietnam MRCC đã điều động tàu SAR27-01 đang neo đậu tại cầu cảng Nhatrang MRCC (TP Nha Trang) khẩn trương ra biển ứng cứu kịp thời tàu cá bị nạn.









Sốc: Bánh trung thu làm từ 1 tấn bột xuất xứ Trung Quốc

Tại một cửa hàng ở Cửa khẩu Tân Thanh, lực lượng chức năng đã phát hiện 25 bao tải dứa màu xanh có trọng lượng 1 tấn, bên trong có túi giấy bạc chứa chất bột màu vàng; 4 hộp bì cát tông bên trong chứa 100 túi giấy bạc chứa dạng bột màu trắng sữa có trọng lượng 160kg; 4 can dung dịch loại 5 lít.

Sốc: Bánh trung thu làm từ 1 tấn bột xuất xứ Trung Quốc
1 tấn bột lạ dùng để làm bánh do lực lượng chức năng phát hiện (Ảnh chụp lại từ chương trình của ANTV).
Qua các tài liệu của trinh sát kết hợp với nguồn tin của quần chúng nhân dân, Phòng Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về môi trườngg công an tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra điểm tập kết nguyên liệu nhập lậu để làm bánh tại cửa khẩu Tân Thanh.
Qua kiểm tra tra tại khu chứa hàng số 1 cửa khẩu Tân Thanh của chị Nguyễn Thị Phái, lực lượng chức năng đã phát hiện 25 bao tải dứa màu xanh có trọng lượng 1 tấn, bên trong có túi giấy bạc chứa chất bột màu vàng; 4 hộp bì cát tông bên trong chứa 100 túi giấy bạc chứa dạng bột màu trắng sữa có trọng lượng 160kg; 4 can dung dịch loại 5 lít.
Toàn bộ số hàng này đều chưa xác định được chủng loại, có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Sốc: 1 tấn bột lạ nhập lậu nghi để làm bánh Trung thu 2
Sốc: 1 tấn bột lạ nhập lậu nghi để làm bánh Trung thu 3
Tất cả số bột lạ trên đều có nguồn gốc từ Trung Quốc
Theo lời của chủ cửa hàng đây là số hàng dùng để sản xuất bánh do người khác gửi, không có giấy tờ xác minh nguồn gốc xuất xứ.
Hiện Phòng Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về môi trường đang đề nghị cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm, sớm có kết luận và tiến hành tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Các bị cáo cười tươi rói khi hầu tòa vì hành vi quỵt tiền và chém người

Quỵt tiền và chém nhân viên karaoke nhưng khi hầu tòa, các bị cáo vẫn cười đùa nhau vui vẻ.

Các bị cáo cười tươi rói khi hầu tòa vì hành vi quỵt tiền và chém người
Các bị cáo cười trơ trẽn khi ra tòa

Theo hồ sơ vụ án, ngày 20-4-2013 là sinh nhật Nguyễn Chí Linh (20 tuổi), Linh rủ 15 người bạn đến hát karaoke tại quán số 149 Bùi Thị Xuân, Hà Nội. Trong lúc hát, Linh gọi 7 chai rượu Chivas 18 (loại 750ml), thuốc lá, hoa quả, nước suối, đồ ăn khô cùng 8 nhân viên nữ phục vụ. Sau khi đã uống hết 5 chai Chivas, Linh nhẩm tính số tiền mình có không đủ trả cho quán nên đã bàn với hai người bạn đi cùng là Công Minh Đức (17 tuổi), Công Xuân Nghĩa (22 tuổi) tìm cách giải quyết.

Đức bàn với Linh sẽ đi mua 2-3 con dao, mục đích khi thanh toán tiền mà số tiền phải trả vượt quá số tiền mang theo thì sẽ dùng dao dọa nhân viên của quán để không phải trả tiền. Sau đó, Đức đi mua 2 con dao bầu (loại chọc tiết lợn), bỏ vào hộp rồi trở về quán karaoke.

Sau khi hát xong, nghe nhân viên của quán báo số tiền phải thanh toán là hơn 22 triệu đồng, Linh giả vờ nói mất điện thoại Nokia trên phòng hát rồi nhờ nhân viên đi tìm, nhằm mục đích không phải trả tiền hát. Nhân viên của quán cùng Linh lên phòng hát để tìm điện thoại nhưng không thấy. Linh vẫn tiếp tục yêu cầu phải tìm, đồng thời chửi bới, đe dọa nhân viên của quán nếu không tìm được điện thoại thì Linh không thanh toán tiền hát.

Lúc này, Đức, Nghĩa và bạn bè của Linh tiếp tục vào quán đe dọa nhân viên rồi bỏ đi. Khi anh Quý, nhân viên của quán chạy theo yêu cầu cả nhóm phải thanh toán tiền thì Thành dùng dao chém một nhát vào lưng anh Quý. Sau đó Nghĩa còn dùng một vật có hình dạng giống quả lựu đạn để đe dọa nhân viên trong quán làm họ bỏ chạy. Sau đó nhóm của Linh bỏ đi.

Ngày 26-4-2013, Công Xuân Nghĩa đến cơ quan điều tra Công an quận Hai Bà Trưng đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội như đã nêu trên.

Xét xử sơ thẩm hồi tháng 5-2014, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng xử phạt Nguyễn Chí Linh 7 năm 6 tháng tù về tội cướp tài sản, cộng với 27 tháng tù về tội cố ý gây thương tích mà TAND Quận Tây Hồ tuyên. Tổng hình phạt với bị cáo Linh là  9 năm 9 tháng tù.

Cùng về tội cướp tài sản, Công Minh Đức lãnh 5 năm 6 tháng tù, Công Xuân Nghĩa lãnh 50 tháng tù, Trần Thành Công 4 năm 6 tháng tù.


Sáng 28-8, khi xét xử phúc thẩm tại TAND TP Hà Nội, các bị cáo tỏ thái độ nhởn nhơ, vui vẻ đùa cợt nhau khi nghe tòa tuyên án. Tòa tuyên bác kháng cáo của bị cáo Nguyễn Chí Linh, Công Minh Đức, Trần Thành Công. Chấp nhận kháng cáo của Công Xuân Nghĩa, sửa án sơ thẩm, tuyên giảm cho Nghĩa từ 50 tháng tù xuống còn 38 tháng tù.

Theo Đất Việt