Monday, February 6, 2017

LM Phan Văn Lợi bị chặn trên đường đi lễ

Linh mục Phan Văn Lợi (phải) cho biết một lý do khiến chính quyền không muốn cho ông ra khỏi nhà là ngăn cách việc tiếp xúc giữa ông với các linh mục bất đồng chính kiến khác như Linh mục Nguyễn Văn Lý (giữa). (Ảnh tư liệu / Facebook Phan Van Loi)
Linh mục Phan Văn Lợi (phải) cho biết một lý do khiến chính quyền không muốn cho ông ra khỏi nhà là ngăn cách việc tiếp xúc giữa ông với các linh mục bất đồng chính kiến khác như Linh mục Nguyễn Văn Lý (giữa). (Ảnh tư liệu / Facebook Phan Van Loi)
VOA Tiếng Việt
07.02.2017 
Một linh mục ở Việt Nam đã bị những người bị nghi là nhân viên an ninh chặn không cho đi dâng lễ nhà thờ vào dịp đầu năm âm lịch.
Linh mục Phan Văn Lợi đã bị hai người, mà ông nói là nhân viên an ninh tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc thường phục chặn đường không cho ông đi dự thánh lễ tại giáo xứ Tây Linh, sáng ngày 2/2, tức ngày mùng 6 Tết.
Linh mục Phan Văn Lợi cho VOA biết hai thanh niên mặc thường phục mà ông tin chắc họ là nhân viên an ninh đã vi phạm quyền tự do đi lại của ông như sau:
“Vừa mới ra khỏi cổng nhà thì có hai người mặc thường phục, xông tới và đẩy tôi lui. Tôi biết rằng đây là công an vì trước đây họ lãng vãng trước nhà của tôi rồi. Tên đó là một tên to xác như tôi đã đưa lên video đó, cứ đẩy tôi lui. Tôi nói gì thì nói, hai người đó vẫn cứ đẩy tôi lui, xô tôi lui.”
Trên Facebook có phổ biến một đoạn video quay cảnh hai người mặc thường phục xô đẩy Linh mục Phan Văn Lợi một cách thô bạo.
Linh mục Phan Văn Lợi yêu cầu họ rằng nếu chính quyền muốn ngăn chặn việc đi lại của ông thì phải có lệnh chính thức của tòa án, nhân viên thi hành lệnh của chính quyền khi tiếp xúc với người dân phải mặc sắc phục, và phải trình giấy tờ. Linh mục Phan Văn Lợi nói rằng hai thanh niên vẫn hung hăng liên tục xô đẩy ông. Vị linh mục 66 tuổi đành phải lui vào nhà.
Là người tham gia tranh đấu cho tự do tôn giáo và dân chủ, nhân quyền từ năm 2001, ông thường xuyên lên tiếng về các vấn đề của đất nước, và tố cáo những sai lầm của chính quyền. Ông không bị quản chế, nhưng ông nói rằng chính quyền luôn cho người canh giữ ông từ 2001 đến 2004.
Linh mục Phan Văn Lợi giải thích rằng việc ông đấu tranh giành công lý cho Đan viện Thiên An có thể là lý do khiến chính quyền ngăn cản việc ông ra khỏi nhà:
“Cách đây 2 tháng các thầy ở dòng Thiên An có mời tôi lên nói chuyện về tình hình đất nước và giáo hội. Và tôi là một trong những người lên tiếng bênh vực dòng Thiên An. Cho nên nhà cầm quyền biết rằng tôi và dòng Thiên An có mối liên hệ rất chặt chẽ. Tôi từng đưa các tài liệu, kháng thư của dòng Thiên An lên mạng. Sau cái vụ đó thì công an gia tăng canh gác.”
Theo Linh mục Lợi, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế luôn tìm cách chiếm đoạt đất đai của Đan viện Thiên An. Đan viện Thiên An có 107 hecta đất mua từ 1940, sau năm 1975 thì bị chính quyền chiếm đoạt phần lớn để xây khu vui chơi giải trí. Vài tháng gần đây chính quyền yêu cầu Đan viện Thiên An xác nhận phần đất đang sử dụng, khoảng 7-8 hecta. Linh mục Lợi nói rằng nhà nước có ý định chiếm khoảng hơn 90 hecta của Đan viện.
Theo tin từ trang Tin mừng cho người nghèo, gần 200 công an, dân phòng, Hội phụ nữ của xã, huyện, tỉnh gây khó khăn, đánh đập một số tu sĩ của Đan viện Thiên An, tỉnh Thừa Thiên Huế, vào chiều ngày 02/01/2016. Khi đó, nhiều tu sĩ bị đạp vào mặt và lăng mạ vì chính quyền cho rằng họ đã chặt cây thông trái phép.
Linh mục Phan Văn Lợi cho biết thêm lý do khác khiến chính quyền không muốn cho ông ra khỏi nhà là ngăn cách việc tiếp xúc giữa ông với các linh mục bất đồng chính kiến khác như Linh mục Nguyễn Văn Lý và Linh mục Nguyễn Hữu Giải, dù họ ở rất gần tư gia của ông:
“Linh mục Nguyễn Văn Lý, người bạn của tôi đã ở tù về, hiện đang ở tòa Tổng Giám mục Huế. Người bạn thứ hai là Linh mục Nguyễn Hữu Giải, đã về hưu cũng đang ở tòa Tổng Giám mục Huế. Nhà của tôi cách Tòa Tổng Giám mục Huế khoảng 500m, cho nên họ không muốn chúng tôi gặp nhau. Bởi vì họ nghĩ rằng nếu chúng tôi gặp nhau sẽ bàn chuyện gì đó về tranh đấu. Lý do nữa là tôi là thành viên của Hội đồng Liên tôn quốc nội, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm. Tôi đã từng lên tiếng mạnh mẽ về các vấn đề của đất nước, nhất là vụ Formosa.”
Linh mục Phan Văn Lợi tin chắc rằng chính quyền sẽ tiếp tục tìm cách ngăn chặn ông không cho ra ngoài trong thời gian tới:
“Chắc chắn rằng từ đây về sau, không biết đến khi nào, công an sẽ còn giữ tôi, không cho tôi ra khỏi nhà, dù là đi làm các công việc bình thường của một linh mục.”
Nhiều ngày liền vào tháng 11, 2016, có một số người lạ mặt, mà Linh mục Lợi cho rằng là người của chính quyền, đã tụ tập xung quanh nhà, ngăn chặn ông đi dự thánh lễ, thậm chí ném đá và chất bẩn vào nhà ông làm hư hỏng tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân xung quanh.
Vị linh mục, đồng thời là thành viên của Hội đồng Liên tôn cho biết trong nhiều năm qua, nhà riêng của ông luôn trong tình trạng bị canh gác, chốt chặn. Ông nói rằng những hành động sách nhiễu này vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo và tự do đi lại của công dân.

Ước nguyện thiêng liêng đầu năm

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bùi Tín
 Theo VOA-06.02.2017 
Rất nhiều bạn băn khoăn về số phận dân tộc, tương lai đất nước, hạnh phúc của nhân dân đã viện dẫn ra câu châm ngôn từ xa xưa : "Thế cùng tắc biến, biến tắc thông".
Đây cũng là một đề tài rất nên trao đổi rộng rãi trong cộng đồng dân tộc ta khi một năm mới vừa mở ra. Nhân đây, xin phỏng đoán mong ước thiêng liêng đầu năm con Gà này của bà con ta là điều gì ?
Có thật tình hình hiện nay đã tận cùng bế tắc không? Và có thật tình hình phải biến động nghĩa là phải thay đổi không? Và thay đổi theo hướng nào cho đúng đắn, thông suốt? Toàn dân ta cần và nên làm gì? Hành động theo hướng nào?
Hơn 70 năm lãnh đạo toàn trị độc quyền của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), nhân dân ta vẫn chưa có tự do đầy đủ, chưa có độc lập trọn vẹn, đất nước vẫn "không chịu phát triển", nhân dân vẫn chưa có ấm no, văn minh, hạnh phúc. Thời cơ để hòa hợp hòa giải dân tộc sau khi thống nhất đất nước đã bị bỏ qua, thời cơ để hòa nhập trọn vẹn với thế giới dân chủ văn minh của thời đại mới cũng bị bỏ lỡ. Tự nhận là lực lượng lãnh đạo đất nước, bị mê hoặc bởi chủ nghĩa Mác-Lênin ngoại lai và sai lầm đảng CSVN lại bị thoái hóa và tha hóa đến tận cùng, bị nhân dân không còn tín nhiệm và khinh thị. Nợ nhà nước cao như núi, ngân sách thâm thủng do chi tiêu phung phí, bừa bãi, không còn vốn đầu tư cho giáo dục và y tế, các đại công ty lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng, chỉ có tham nhũng là cứ một mực "ổn định" không chịu giảm bớt quy mô và cường độ.
Chính những người lãnh đạo đảng CSVN đã phải thốt lên rằng "không đổi mới thật sự là chết!", phải đổi mới đồng bộ, từ chính trị đến kinh tế, đối ngọai, an ninh, quốc phòng, đổi mới mô hình cầm quyền, cai trị theo hướng dân chủ - pháp quyền.
Về đối ngoại, thay vì thực hiện từng bước "thoát Trung", công khai hóa cuộc mật đàm Thành Đô năm 1990, từ bỏ 16 chữ vàng ô nhục, gắn bó thêm với các nước bạn bè dân chủ văn minh, thì Bộ Chính trị vẫn theo đuôi ông Tổng Bí thư ôm chặt Bắc Kinh hơn ngay vào lúc bọn bành trướng đang lâm nguy, bế tắc về mọi mặt, bị Hoa Kỳ cảnh cáo không được độc chiếm vùng hải phận quốc tế trên Biển Đông, không được xây và dùng căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo trong khu vực này.
Trong tình hình bế tắc bi đát của đất nước, điều đáng mừng là trong mấy năm qua các tổ chức xã hội dân sự tự do được thành lập ngày càng nhiều, nay đã lên đến hàng 4, 5 chục tổ chức, bao gồm các giới truyền thông, báo chí, ngôn luận, văn hóa, giáo dục, sáng tác văn học, nghệ thuật, tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo, phụ nữ dân chủ, với hàng trăm blogger tự do, hàng chục mạng truyền thông lề trái cạnh tranh thắng lợi áp đảo đối với đạo quân truyền thông lề phải do Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng chăn dắt cùng hàng vạn dư luận viên tay sai được trả công rộng rãi. Các tổ chức xã hội dân sự tự phát, hợp hiến trên đây đã nhiều lần ra những kêu gọi, kiến nghị, và tuyên bố chung, và tổ chức những cuộc xuống đường bất bạo động, có khi thu hút hàng ngàn hay hàng chục ngàn người ở Hà Nội, Nghệ An, Bình Thuận, Long An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Phòng...
Chính trong hoạt động liên tục nhiều mặt, sôi nổi của hàng trăm tổ chức và hàng ngàn cá nhân như thế mà chính quyền độc đảng ngày càng bị vạch mặt là cực kỳ giáo điều bảo thủ, cực kỳ phản dân chủ, phản tiến bộ, phản văn minh, bị đông đảo nhân dân chống đối. Sự phản biện đến từ nhiều đảng viên cấp cao, lão thành, nhiều đảng viên trí thức, có cả nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Trung ương, nguyên phó thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng, viện sỹ, giáo sư, tướng lĩnh...
Tết Đinh Dậu này, đông đảo anh chị em dân chủ và bà con các giới tưởng nhớ các anh chị em dân chủ đang bị cầm tù - những Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trần Anh Kim, Bùi Minh Hằng, Trần Thị Thúy, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cấn Thị Thêu, Trần Thị Thúy Nga, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Già... Ai ở tù rồi khi ra tù vẫn một lòng đấu tranh không nao núng, như các nữ chiến sĩ dân chủ Phạm Đoan Trang, Phạm Thanh Nghiên, Nancy Nguyễn, Bùi Minh Hằng...
Hiện nay cuộc đấu tranh đang có thời cơ mở rộng, điều duy nhất còn thiếu là có một tổ chức vượt trội lên hay là một Tập hợp bao gồm một số tổ chức chung sức lập nên, có đủ uy tín và sức mạnh, thanh thế trong và ngoài nước, có sức cổ vũ, mở rộng, quy tụ các nhóm và cá nhân. Trong các tổ chức ấy, mọi tổ chức nhỏ bé dù chỉ vài chục người, như Nhóm thể thao đá bóng No U, như nhóm từ thiện Nhịp Cầu Hoàng Sa, nhóm biên tập sách giáo khoa "Cánh buồm"… cũng đều có vị trí và tiếng nói của mình. Vào dịp Tết này, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế một trí thức yêu nước có quá khứ đấu tranh kiên cường, có uy tín trong và ngoài nước, đứng ra lập "Tập Họp vì nền Dân chủ" là một sáng kiến rất hợp thời cơ, đúng lúc có nhu cầu cấp bách và thiêng liêng.
Rất mong mùa Xuân này, sẽ có một tổ chức chính trị trẻ khỏe về tư duy, ngày càng đông về cả số và chất lượng, thuộc đủ giai cấp, tầng lớp, nghề nghiệp, địa phương, tôn giáo chung một lòng yêu nước, chung ý chí bảo vệ độc lập trọn vẹn và an ninh lãnh thổ tổ quốc, chung nguyện vọng xây dựng một nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa - pháp quyền, từ bỏ nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà thực chất là chủ nghĩa tư bản rừng rú tàn bạo, phi pháp hiện nay, khôi phục quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tập thể và của công, xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân kỳ quặc tệ hại lâu nay.
Ước mong rằng nguyện vọng thiêng liêng trong những ngày đầu năm Đinh Dậu sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực do thiện chí của đông đảo công dân yêu nước, yêu dân chủ và chính nghĩa, chung lòng chung sức, vẫy gọi nhau, tập họp lại, thực hiện "thế cùng tắc biến, biến tắc thông", mở ra con đường sáng vinh quang cho dân tộc ta.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Từ con rồng Hải Phòng đến loa phường Hà Nội

Giờ đây, con rồng Hải Phòng bị tháo gỡ nhưng hình ảnh con rồng được biếm họa hóa và trở thành một trong những hình ảnh hot nhất mùa Tết này.
Giờ đây, con rồng Hải Phòng bị tháo gỡ nhưng hình ảnh con rồng được biếm họa hóa và trở thành một trong những hình ảnh hot nhất mùa Tết này.

Theo VOA-07.02.2017 
Cao Huy Huân
Gần đây Việt Nam rộ lên cuộc tranh luận về đề nghị “bỏ chiếc loa phường” của thành phố Hà Nội. Thật bất ngờ khi câu chuyện tưởng chừng nhỏ xíu, lại hóa thành chuyện đại sự của thủ đô. Trong khi trước đó vào dịp Tết Nguyên Đán 2017, câu chuyện “con rồng Hải Phòng”, vốn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, thì lại chết yểu.
Cuộc tranh luận kéo dài và lan tỏa từ bắc chí nam, trên các trang báo lẫn các kênh thông tin mạng xã hội. Hầu hết ý kiến “lên án” chiếc loa phường vì trong khi thế giới tiến vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, khi giới báo chí đang hoảng hốt vì sự sống còn của báo giấy, sự lên ngôi của báo điện tử và mạng xã hội, và mới nhất là sự ra đời của hệ thống robot viết báo... thì người ta vẫn đòi giữ chiếc loa phường vốn dĩ đã không còn hiệu quả nếu không muốn nói là gây khó chịu.
Một cuộc thăm dò ý kiến đã được Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội mở ra để nhận thông tin góp ý của người dân về hệ thống loa phường thông qua Cổng thông tin điện tử TP. Hà Nội (https://hanoi.gov.vn). Tính đến 18 giờ ngày 25/01/2017 thì đã có 69 người tham gia góp ý về loa phường, trong đó có 83% ý kiến đồng ý việc bỏ loa phường, 4% đồng ý duy trì, 10% đồng ý duy trì nhưng phải cải tiến, 3% ý kiến khác. Bên cạnh đó có 79% ý kiến cho rằng nội dung thông tin của loa phường là không cần thiết, 21% ý kiến đồng ý thông tin do loa phường cung cấp thiết thực. Con số người trả lời rất ít, nhưng có hai nội dung cần được lưu ý từ những con số này.
Thứ nhất, chuyện cái loa phường không cần phải làm lớn như vậy. Bởi lẽ người ta chả quan tâm. Thời đại của điện thoại thông minh và Facebook lên ngôi thì ngay cả truyền hình còn phải lép vế, mấy ai còn quan tâm đến cái loa phường. Có nghe, có “chém gió” trên Facebook cho vui, cho thỏa mãn thị hiếu đám đông, chứ chả ai màn đến sự sống còn của cái loa phường, bởi nó không còn mấy ý nghĩa. Thế nên chỉ có vài chục người vào cuộc, trong số đó không biết bao nhiêu người trong ngành (tức không phải người dân hứng thú tìm đến để đóng góp ý kiến).
Thứ hai, tỷ lệ phần trăm phần nào cho thấy sự yếu kém của loa phường. Tôi thấy có anh bạn nhớ lại chiếc loa phường ở vùng quê Bắc Bộ, giúp người vợ tìm chồng, người trẻ tìm người già, người lớn tìm người nhỏ, con người tìm vật nuôi,... Xin thưa, vậy thì hãy giữ chiếc loa phường ở miền quê ấy, trong khi ở Hà Nội có cần phải dùng loa phường để tìm... trâu bò hay trẻ lạc hay không? Thế nên, việc có đến 79% ý kiến cho rằng nội dung thông tin của loa phường là không cần thiết, so với 21% ý kiến đồng ý thông tin do loa phường cung cấp thiết thực là điều hoàn toàn không khó giải thích.
Từ cách chính quyền Hà Nội cho thăm dò ý kiến người dân về chuyện cái loa phường, tôi bật cười vì các vị lãnh đạo dường như suy nghĩ không thông cho lắm. Hôm trước Tết Nguyên Đán, ở Hải Phòng nổi lên hiện tượng “con rồng” mà dân cư mạng bảo là giống “con Pokemon hoạt hình lai con chó”. Cuộc tranh luận nổ ra, chưa ngả ngũ thì chính quyền Hải Phòng dọn luôn con rồng hoa này trong sự luyến tiếc của rất nhiều người. Lẽ ra, hình ảnh về con rồng và sự sáng tạo về rồng là một cuộc tranh luận thú vị không chỉ về mặt khoa học mà còn về khía cạnh văn hóa. Giờ đây, con rồng Hải Phòng bị tháo gỡ nhưng hình ảnh con rồng được biếm họa hóa và trở thành một trong những hình ảnh hot nhất mùa Tết này, không chỉ trên mạng xã hội mà còn cả những doanh nghiệp bán áo quần, tư trang, túi xách... Đó không phải là đáng tiếc hay sao?
Chuyện cái loa phường và chuyện con rồng tuy nhỏ nhưng cho thấy khả năng định vị giá trị văn hóa của nhiều người Việt, trong đó có cả người quản lý, còn yếu kém. Một “con rồng” (vốn không có thật) được tạo dựng theo phong cách ngộ nghĩnh, dù gây tranh cãi nhưng không đến mức phải bỏ, và giá trị của nó đã được phát triển khi hình ảnh của nó được phổ biến đến công chúng rất nhanh chóng và hiệu quả, thì lại bị giết chết mà không cần hỏi ý kiến của dân, dù con rồng ấy cũng từ tiền thuế của dân mà có. Nó đặt ra câu hỏi về giá trị và sự tồn tại của những sáng tạo của chúng ta quá dễ bị trấn áp dưới áp lực của dư luận.
Trong khi cái loa phường, cân nhắc về giá trị kinh tế và giá trị văn hóa đều không đáng kể, thì chính quyền không tự quyết mà còn để cuộc tranh luận vốn đã biết trước phần thắng vào cuộc. Giá trị văn hóa không nằm ở chỗ thời gian, mà nó còn ở sự thức thời. Nếu thức thời thì giữ, không thức thời xin gửi vào viện bảo tàng nếu nó là một cột mốc quan trọng trong lịch sử của quốc gia mình. Cứ cho là loa phường từng gắn bó với người dân nhiều chục năm, thì giá trị văn hóa của nó cũng chỉ dừng lại là một phương tiện tuyên truyền (từng hữu ích). Nên đưa nó vào bảo tàng trưng bày kèm theo giai thoại, thay vì đưa nó lên mặt truyền thông để gây ra một cuộc tranh luận vô bổ vốn không mang lại một giá trị mới nào. Xin đừng ngần ngại bỏ loa phường đi, và hãy khích lệ những “con rồng Hải Phòng” hơn nữa.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Ba phụ nữ Việt vượt biên sang Úc lần hai

VOA Tiếng Việt-07.02.2017 

Ba người phụ nữ từng vượt biên và bị Úc trục xuất về Việt Nam năm 2015, nay đang trên đường vượt biên lần nữa, quyết tâm thoát khỏi Việt Nam.
Từ Phú Yên, luật sư Võ An Đôn cho VOA biết ông đã nhận được tin ba người phụ nữ là Trần Thị Thanh Loan, Trần Thị Lụa và Trần Thị Phúc từ Bình Thuận đang vượt biên sang Úc hôm 31/1, tức Mùng 4 Tết. Hiện tại ghe chở họ đã qua khỏi lãnh hải Indonesia, tiến vào hải phận nước Úc. Luật sư Võ An Đôn nói:
“Sáng Mùng 1 Tết chị Loan và chị Lụa có gọi điện chúc Tết. Sau đó vào sáng Mùng 4 Tết, chị Loan và chị Lụa có gọi lần nữa, nói là các chị đang đi vượt biên từ Việt Nam qua Úc, nhưng vào thời điểm đó đang ở hải phận của Indonesia. Sau đó thì không liên lạc được nữa.”
Luật sư Võ An Đôn rất ngạc nhiên khi biết tin này vì trước đây ông từng là luật sư bào chữa miễn phí cho họ trước các phiên tòa xét vì tội “vượt biên trái phép” ở tỉnh Bình Thuận:
“Tôi bất ngờ. Qua sự việc này vì các chị rất can đảm. Từ Việt Nam qua Úc mênh mông sóng gió, rất nguy hiểm nhưng các chị vẫn quyết định đi. Qua cuộc nói chuyện ngắn gọn tôi hỏi tại sao lại đi vượt biên Úc lần nữa, lỡ có bị bắt lần nữa rồi trả về Việt Nam, bị án nặng lần nữa thì sao, cộng với bản án cũ thì có thể lên đến từ 7 đến 10 năm mà sao chị dám đi như thế? Hai chị trả lời rằng nếu chính phủ đợt này trả về Việt Nam thì nhất định không về và sẽ nhảy xuống biển tự tử.”
Theo Luật sư Đôn cả 3 gia đình này trước đây đã một lần vượt biên qua Úc và bị trả về Việt Nam tháng 7/2015. Ngày 22/4/2016, Tòa án tỉnh Bình Thuận phạt họ tổng cộng hơn 6 năm tù giam theo điều 275 về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Khi đó bà Trần Thị Thanh Loan bị tuyên 36 tháng tù giam, ông Hồ Trung Lợi (chồng chị Loan) 24 tháng tù giam, bà Trần Thị Lụa 30 tháng tù giam.
Luật sư Đôn cho biết ông Lợi đang chấp hành hình phạt tù được 20 tháng, còn bà Loan và bà Lụa được hoãn chấp hành hình phạt tù 1 năm, tức đến tháng 7/2017 thì mới chịu án tù.
Trước đây bà Trần Thị Lụa từng nói với truyền thông quốc tế rằng bà không can dự vào hành vi buôn người, bà chỉ tìm đường vượt biên để mưu cầu một cuộc sống tốt hơn cho gia đình.
Luật sư Đôn cho VOA biết gia đình bà Loan có 4 con nhỏ, nhưng không biết lần vượt biên này 4 người con của bà có cùng đi hay không, chỉ biết rằng cả 3 gia đình đang trên thuyền vượt biển:
“Tôi không biết chính xác, nhưng tại thời điểm nói chuyện qua điện thoại, chị Loan và chị Lụa nói là gia đình chị Loan, gia đình chị Lụa và gia đình của một chị trong chuyến đi lần trước cũng đi luôn, có cả con cái nhưng không biết bao nhiêu người.”
Theo Dân Luận, bà Shira Sebban, nhà văn và giáo sư người Úc, đã lập quỹ từ thiện có tên GoFundMe kêu gọi cộng đồng đóng góp số tiền 10.000 Đô la Úc để ủng hộ gia đình bà Trần Thị Thanh Loan. Số tiền này sẽ được cấp dưỡng cho 4 người con của bà Loan cho đến khi vợ chồng bà mãn án tù.
Ngày 23/5/2016, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ ngay lập tức mọi cáo buộc liên quan đến hành vi vượt biên trái phép đối với những “thuyền nhân” bị Úc trả về. Phía Úc cần ngay lập tức yêu cầu hủy bỏ vụ án, vì Việt Nam đã cam kết không trừng phạt những người di dân bị trả về.
Vào tháng 8/2016, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức nhân quyền HRW nói với truyền thông quốc tế rằng: "Tôi được biết Chính phủ Úc chỉ phỏng vấn họ ngắn trên tàu của Hải quân Úc và trả họ về. Chính phủ Úc nói với chính phủ Việt Nam sẽ không trừng phạt những người này. Khi đó Việt Nam đồng ý. Và bây giờ chính phủ Việt Nam đi ngược lại điều đó. Chính phủ Úc đã bỏ rơi những người này. Đầu tiên, là trả họ về lại nơi họ có thể gặp nguy hiểm, và thậm chí không theo dõi việc gì đang xảy ra theo cách cơ bản nhất."
Theo báo chí Việt Nam, ngày 7/3/2015, bốn người này tổ chức chuyến tàu chở 46 người, có cả trẻ con đi từ cảng La Gi ở tỉnh Bình Thuận để đi Úc. Hai tuần sau đó, lực lượng hải quân Úc đã ngăn chặn và giữ tàu của họ trên biển.
Theo điều 275 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, quy định: "Người nào tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 91 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.”

Mùa xuân qua làng chài biển chết

Theo VOA-07.02.2017
Làng chài Lăng Cô nằm ở phía Bắc chân đèo Hải Vân, nơi có bề dày gần ba trăm tuổi với nghề chài lưới và lặn hải sản. Đây từng là một làng chài thịnh vượng, có khả năng cung cấp nguồn cá tốt nhất và ngon nổi tiếng miền Trung. Nhưng chỉ trong vòng chưa đầy một năm, sau sự cố Formosa xả độc ra biển miền Trung, làng chài Lăng Cô-Thừa Thiên Huế có nguy cơ đi vào quên lãng bởi mọi hoạt động đánh bắt bị đình trệ, ngư dân bỏ lưới và mất sinh kế.
Ông Tí, ngư dân trẻ làng chài Lăng Cô-Thừa Thiên Huế, chia sẻ: “Nếu chưa xảy ra sự cố môi trường biển thì như tháng này mình làm sắm Tết trong nhà đầy đủ, không dư nhưng cũng không thiếu. Không đi biển thì mình đi lưới, chài ở đầm. Nhưng từ lúc bị sự cố môi trường biển, làm ăn khó khăn hơn mấy năm. Như mấy năm trước thì giờ mấy anh em đi biển, đi chài hết chứ có đâu ở nhà thế này đâu, thành ra khó đủ thứ.”
Một ngư dân tên Tuấn ngậm ngùi: “Như hồi chưa có sự cố môi trường biển thì mấy tháng Tết này chúng tôi lặn về bán được cả mấy chục triệu nhưng giờ ngồi không, không có gì hết trơn luôn.”
Ông Thu, một ngư dân khác ở làng chài Lăng Cô, cho biết: “Tết thì giờ không được như ngày xưa. Bởi làm có được đâu mà có gì ăn Tết hay ăn Tết cho vui vẻ được...”
Xuân về Tết đến cũng là mùa đánh bắt khởi niên của làng chài Lăng Cô, nhưng các thợ lặn tôm sú, tôm hùm ở Lăng Cô không hề có động tịnh nào. Khác với nhiều năm trước đây, vào Mồng Hai Tết, cả làng chài sẽ làm lễ khai trương năm đánh bắt bằng cách đưa tàu thuyền ra khơi để lặn tôm hùm, tôm sú và đánh bắt cá. Nhưng từ khi biển bị nhiễm độc đến nay, dường như nguồn hải sản bị cạn kiệt và cái chết vì biển độc của một số thợ lặn ở Hà Tĩnh đã khiến cho các thợ lặn làng chài Lăng Cô cảm thấy lo sợ, không dám xuống nước. Công việc ngưng trệ kéo theo hàng trăm hệ lụy. Tết về, đời sống ngư dân trở nên eo hẹp và ngột ngạt. Mặc dù mọi hoạt động đón Tết vẫn phải diễn ra, nhưng dường như phía sau những hoạt động đón Tết của các gia đình ngư dân là một sự trống rỗng, tuyệt vọng, khó diễn tả thành lời. Bởi thêm một năm bất an và vô định đối với nghề biển đang chờ phía trước.
Ông Tuấn, ngư dân làng chài Lăng Cô-Thừa Thiên Huế, tiếp lời: “Như cá mình nuôi giờ cũng chết, cứ nuôi là chết, lồng cá vứt hết, tiền đâu mà bù nổi, vốn đâu? Nhà nước bồi thường nếu phát được một lần thì người dân còn có thể dùng để sắm gì đó mà đổi nghề chài, nhưng đằng này họ chia làm mấy đợt, có sắm được gì đâu, mỗi lần phát còn không đủ để ăn thì lấy gì mà, không đủ ăn trước trả sau...”
Dường như các khoản tiền bồi thường nhỏ nhoi, có tính nhỏ giọt bởi chia ra quá nhiều đợt từ phía Formosa và chính phủ Việt Nam đối với ngư dân làng chài Lăng Cô nói riêng, và các làng chài Bắc miền Trung nói chung, không những không giúp ổn định kinh tế mà còn đặt lên vai ngư dân một gánh nặng trong tương lai, khi mà tiền đền bù của Formosa chẳng thấm vào đâu, nghề chài lưới lại tiếp tục khủng hoảng và kinh tế miền Trung cũng khủng hoảng dây chuyền. Tết về trên làng chài Lăng Cô như một dấu lặng, buồn và ảm đạm.

Ðồng Nai: Thi thể phụ nữ khỏa thân trong bao tải bỏ bên đường

Hiện trường phát hiện vụ việc được nhận định là vụ án nghiêm trọng. (Hình: Báo Công An thành phố)
ÐỒNG NAI (NV) – Người dân tá hỏa khi phát hiện thi thể nữ khỏa thân bị nhét trong bao tải vứt bên đường, đang trong thời kỳ phân hủy.
Báo Công An thành phố dẫn tin, tối 6 Tháng Hai, công an tỉnh Ðồng Nai xác nhận, đang điều tra vụ thi thể một phụ nữ khỏa thân bị nhét trong bao tải vứt bỏ bên đường ở xã Phước Bình, huyện Long Thành, vừa được phát hiện.
Tin cho biết, khoảng 16 giờ cùng ngày, người dân khu vực ấp 1, xã Phước Bình, ngửi thấy mùi hôi phát ra cạnh ngôi nhà hoang nằm cách mặt đường khoảng 10 mét. Khi đến xem thì phát hiện là thi thể người chết đã bắt đầu phân hủy.
Nói với phóng viên báo Công An thành phố, ông Trần Ngọc Sơn, chủ tịch xã Phước Bình cho biết, khi lực lượng công an đến hiện trường, xé bao tải thì thấy thi thể một nữ khỏa thân bên trong. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định đây là vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng và đang làm rõ nhân thân của nạn nhân.
Giới chức này cho hay, “Sau khi cơ quan công an giảo nghiệm xong, nếu thi thể không có người thân đến nhận, xã Phước Bình sẽ tiến hành chôn cất nạn nhân.”(Tr.N)

‘Bây giờ mới biết đồng chí của mình là… tỉ phú’

Bà Hồ Thị Kim Thoa, nhân vật mà nhiều người khẳng định trở thành tỉ phú là nhờ có "thẻ đỏ" lận lưng. (Hình: Ðất Việt)
HÀ NỘI (NV) – Ðó là tuyên bố của đại diện Vụ Tổ Chức-Cán Bộ thuộc Bộ Công Thương Việt Nam về trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, hiện đang là một trong các thứ trưởng của bộ này.
Bà Thoa vừa bị thủ tướng Việt Nam “khiển trách” hồi cuối tháng trước vì dính líu tới việc sắp đặt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh sai qui định.
Trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh – người làm thất thoát 3,200 tỉ của một doanh nghiệp thuộc Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam nhưng không những không bị truy cứu trách nhiệm mà còn liên tục được điều chuyển từ nơi này sang nơi khác để tích lũy uy tín, chuẩn bị cho việc ngồi vào ghế thứ trưởng Bộ Công Thương, có một cựu bộ trưởng bị tước các ưu đãi dành cho viên chức cao cấp khi đã nghỉ hưu và ba thứ trưởng của hai bộ (Nội Vụ và Công Thương) bị “khiển trách.”
Trường hợp bà Thoa được chú ý một cách đặc biệt vì sự giàu có và tốc độ thăng tiến của bà cũng chẳng khác gì ông Trịnh Xuân Thanh.
Bà Thoa, 57 tuổi, sinh tại Nghệ An. Vào năm 2000, bà được bổ nhiệm làm tổng giám đốc công ty bóng đèn Ðiện Quang (DQC). Năm 2005 khi DQC được cổ phẩn hóa, bà Thoa kiêm nhiệm thêm vai trò chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của DQC. Năm 2010, bà Thoa được cất nhắc làm thứ trưởng Bộ Công Thương.
Thành tích đáng chú ý nhất của bà Thoa là thâu tóm 11 triệu 780 ngàn cổ phiếu của DQC cho mình và con cái, mẹ, em, em dâu. Giá trị số cổ phiếu của DQC mà bà Thoa và thân nhân đang nắm giữ là 718 tỉ đồng Việt Nam.
DQC – doanh nghiệp nhà nước mà về lý thuyết là tài sản của toàn dân, sau khi được cổ phần hóa gần như đã nằm trong tay gia đình bà Thoa.
Theo một cáo bạch của DQC, riêng bà Thoa nắm giữ khoảng 1.7 triệu cổ phiếu của công ty này, tương đương 5% vốn của DQC. Giá trị số cổ phiếu đó được ước đoán khoảng 102 tỉ đồng.
Hai cô con gái của bà Thoa chia nhau nắm giữ khoảng 16.5% vốn của DQC. Một trong hai vừa là thành viên Hội Ðồng Quản Trị, vừa đảm nhận vai trò phó tổng giám đốc DQC.
Tương tự, mẹ của bà Thoa đang sở hữu khoảng 3.83% cổ phiếu của DQC. Ông Hồ Quỳnh Hưng, một người em trai của bà Thoa nắm giữ thêm 8% cổ phiếu nữa của DQC. Ông Hưng hiện là chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc DQC.
Ông Hồ Ðức Lam, một người em trai khác của bà Thoa tuy không có cổ phần tại DQC nhưng là thành viên Hội Ðồng Quản Trị của DQC. Ông Lam đang nắm giữ 65% cổ phiếu của công ty nhựa Rạng Ðông (RDP) sau khi doanh nghiệp nhà nước này được cổ phần hóa.
Có lẽ phải nhấn mạnh rằng, Tháng Chín năm 2014, Tổng Công Ty Ðầu Tư và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước (SCIC) – nơi giám sát việc sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã rút hết vốn ra khỏi DQC và Tháng Tám năm 2015, SCIC đã thực hiện hành động tương tự với RDC. Sau khi cổ phẩn hóa hai doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu toàn dân phần lớn đã trở thành tài sản của riêng bà Thoa và gia đình.
Các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần cảnh báo rằng tiến trình cổ phần hóa các doanhn nghiệp nhà nước bị lũng đoạn, bằng nhiều chiêu trò khác nhau, tài sản quốc gia bị chuyển hóa thành tài sản cá nhân một cách hợp pháp, tạo ra một tầng lớp tư bản mới có thẻ đỏ lận lưng.
Những cảnh báo đó như nước đổ lá khoai. Ðáng ngạc nhiên là chính quyền Việt Nsam chưa bao giờ thắc mắc xem những người như bà Thoa và thân nhân của bà đào tiền từ đâu để trở thành chủ sở hữu lớn đến như vậy trong những doanh nghiệp như DQC và RDP.
Mới đây, khi dư luận dậy lên như bão, đại diện Vụ Tổ Chức-Cán Bộ thuộc Bộ Công Thương Việt Nam cho biết “sẽ kiểm tra lại” về sự giàu có bất thường của bà Thoa. Tuy nhiên nhân vật này thòng thêm rằng “chắc cũng không có vấn đề gì đâu.” Cũng theo vị cán bộ, hàng năm Bộ Công Thương đều tiến hành kiểm tra kê khai tài sản, thu nhập của các lãnh đạo trong bộ, các tập đoàn, doanh nghiệp trực thuộc thì “không có dấu hiệu nào bất thường”!
Cục trưởng Cục Phòng Chống Tham Nhũng của Thanh Tra Chính Phủ Việt Nam thì khẳng định, vì bà Thoa là thứ trưởng nên Thanh Tra Chính Phủ sẽ không làm gì cả vì đó là chuyện thuộc thẩm quyền của Ủy Ban Kiểm Tra Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN. (G.Ð)

Hàng ngàn người miền Trung đổ xô qua Lào, Thái làm thuê

Người dân xếp hàng làm hộ chiếu, giấy thông hành sang Lào, Thái Lan ở công an tỉnh Nghệ An. (Hình: Báo Người Lao Ðộng)
VIỆT NAM (NV) – Tết vừa hết, hàng ngàn người dân ở tỉnh phía Bắc Miền Trung đổ xô đi làm hộ chiếu, giấy thông hành để sang Lào, Thái Lan mưu sinh nhằm thoát đói nghèo, bình quân mỗi ngày có hàng ngàn người.
Báo Người Lao Ðộng hôm 6 Tháng Hai cho hay, tại Cơ Quan Quản Lý Xuất Nhập Cảnh tỉnh Nghệ An ngay từ ngày 2 Tháng Hai đã có nhiều người dân xếp hàng dài chờ nhiều giờ liền để đến lượt làm hồ sơ hộ chiếu, giấy thông hành xuất ngoại sang Lào, Thái Lan mưu sinh.
Vẫn theo báo Người Lao Ðộng, “Anh Nguyễn Văn Hùng (32 tuổi) trú huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cho báo này biết, do nhà ở xa nên từ tối 3 Tháng Hai đã vào thành phố Vinh ở nhờ nhà người thân đợi đến 6 giờ hôm sau để đến xếp hàng chờ làm thủ tục sang Lào làm thợ hồ.’
“Còn chị Nguyễn Thị Loan (22 tuổi), trú huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cho biết, nhà nghèo phải nghỉ học, nhưng ở nhà không có việc làm. Nghe mấy người bạn rủ sang Lào làm thuê bán hàng tạp hóa nên chị đã làm hộ chiếu sang đó mưu sinh.”
Báo Người Lao Ðộng dẫn lời ông Ngô Xuân Mạnh thuộc Cơ Quan Quản Lý Xuất Nhập Cảnh Nghệ An cho biết, mỗi năm, tỉnh Nghệ An có hàng trăm ngàn người sang Lào, Thái Lan để làm công tại các nhà hàng, quán ăn, công trình xây dựng… Do đó, cứ sau Tết là người dân lại chen nhau làm thủ tục.
“Lượng người làm hộ chiếu, giấy thông hành tăng đột biến, vào những ngày cao điểm có thể tới 1,200-1,300 người/ngày. Ðể ngăn chặn tình trạng chèo kéo, ‘chặt chém’ của ‘cò’ làm thủ tục, chúng tôi phải huy động hết nhân viên,” ông Mạnh nói với phóng viên Người Lao Ðộng.
Tin cho hay, để tránh tình trạng không giải quyết kịp thời hồ sơ cho người dân, công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với bưu điện tỉnh Hà Tĩnh để chuyển hộ chiếu đến tận nhà của người dân bằng dịch vụ chuyển phát nhanh. (Tr.N)

Trồng cây chửi bác

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Sang năm Gà rồi mà đảng ta vẫn tiếp tục làm trò Khỉ, mở đầu bằng màn trồng cây, nói là để nhớ bác”, nhưng nội dung là chửi cha “bác”.

Trước khi bàn về cốt cách khỉ ơi là khỉ “vốn sẵn tính”... đảng (thông minh vốn sẵn tính trời - Kiều) được thể hiện qua “sự cố” các cháu trồng cây chửi bác này, Bá tước Đờ Ba-le xin có đôi lời cùng quý vị Dờ Lờ Vờ (DLV), rằng thì là dân Ta hay dân Tây như bá tước đây cũng thế: ấy là ngày đầu xuân, bất kể xuân Âm hay xuân Dương gì, chẳng ai muốn nhắc đến ba chuyện trò khỉ, nhưng kẹt vì nỗi tội nghiệp bác Hồ quá.

Đã “có đôi lời”... cùng đám Dờ Lờ Vờ, Bá tước Đờ Ba-le lại càng không thể thiếu câu xin lỗi họ hàng nhà Khỉ đã bị hạ thấp phẩm giá xuống hàng động vật gọi là “người CS”, khi bảo những việc bọn này làm là “trò khỉ”, vi trong dòng nhà Khỉ không con nào có chỉ số “I Cu” (IQ) ngu như thế cả. Bá tước Đờ Ba-le xin Tổ Khỉ, Khỉ Tổ niệm tình tha thứ, hiểu cho rằng chẳng qua đó chỉ là một cách nói của tiếng nước vợ là Bá tước phu nhân dân Hải Phòng, để chỉ cái đám người không ra người, ngợm không ra ngợm, chứ sức mấy mà được ngang tầm cao với Khỉ.

“Bác” dạy các “cháu” trông cây là trồng cây con, cây nhỏ để nhắm vào “lợi ích mười năm” mà “bác” chôm của ông Quản Trọng bên Tàu, chứ “bác” đâu co’ dạy các cháu đào cây đã hàng mười năm tuổi, thân cao hơn cả lăng bác về trồng vì lơi ích trước mắt là lòe bịp thiên hạ, như Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc. Cây lớn được cờ đó (xem hình) phải là do ngươi ta trồng từ nhỏ và chăm nom bao nhiêu năm mới có được, nay bị “đồng chí” tỉnh ủy lênh cho người của Bộ Tài Môi (giỏi mép) đem xe đào bới, cẩu vê trồng, rồi mặc còm lê thắt cà vạt đứng tươi kiểu “giời đái” như thế, Hoàng Dân Mạc chỉ có làm cho Toàn Dân Mạt, nếu ai cũng noi gương tỉnh ủy làm trò khỉ.

Toàn Dân Mạt thì đã đành, nhưng chỉ tội nghiệp ông“Bác” cũng mạt luôn. Mới ngày đầu năm, “Bác” lằng trong năm là nằm trong lăng, chưa gì đã bị đám “cháu ngoan” mần trò khỉ. Trồng cây kiểu chửi cha bác như thế.

(Vì thế, về sau, Từ điển Tiếng Việt có câu định nghĩa: “Trồng cây nhớ bác là một“Tật ngữ” từng bị phổ thông trong thời Cộng Sản ở Việt Nam lộng hành; chính nó đã góp phần lớn làm tàn tật bao thế hệ, làm băng hoại cả truyền thống đạo đức văn hóa dân tộc, và làm tàn tạ luôn môi trường sống.)

07.02.2017

Nguy hại từ một công ty có lao động Trung Quốc

Bạn đọc Danlambao - Một công ty có lao động người Trung Quốc yêu cầu người dân nhổ lúa sắp thu hoạch để thuê đất, phát tán loại tôm nguy hại về cấu trúc sinh thái và sức khỏe con người.

Sự việc bắt đầu vào khoảng giữa năm 2016, một nhóm người đàn ông Trung Quốc đi cùng một người Việt Nam đến thuê đất tại xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Họ thuê đất với giá cao hơn mức bình thường và có thời hạn dài. Đồng thời, yêu cầu người dân phải nhổ ngay lúa sắp thu hoạch để họ thuê đất.

Sau một thời gian ngắn, nhóm người trên đã thâu tóm được hàng chục hécta đất và lập nên Công ty TNHH Sen Hoàng Giang.

Tuy đăng ký trồng sen nhưng trên diện tích ruộng công ty này thuê thì không có cây sen nào. Theo ông Bảy Liêm, một cư dân ở ấp 6, xã Tân Hội Trung cho biết: “Họ trồng sen rồi đem cái máy cày bự tổ chảng lại để xới bỏ. Họ bơm nước vào rồi lại bơm trở ra, chẳng biết để làm gì.”(1). Còn theo Ông Nguyễn Văn Hùm - phó chủ tịch UBND xã Tân Hội Trung thì “họ đầu tư thuê đất và xây nhà xưởng với số tiền khoảng 10 tỉ đồng nhưng sau một năm vẫn chưa thu được đồng nào từ việc trồng sen”. (2)

Điều đặc biệt nguy hiểm là một loài tôm hùm đỏ đã được công ty này phát tán ra môi trường xung quanh.

Tôm hùm đỏ là loài gây ra tác hại rất lớn, có thể phá hoại hoàn toàn các hệ sinh thái địa phương. Nguy hại hơn, cơ thể chúng mang theo nhiều virút gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.

Loài sinh vật này lớn rất nhanh, tuổi đời kéo dài khoảng 6 năm. Theo miêu tả của người dân thì tôm hùm đỏ có hình dáng giống tôm lai với cua, nhìn thoáng qua có phần giống con bò cạp, có màu đỏ, lớp vỏ bên ngoài rất cứng và khá hung dữ. Ông Liêm mô tả: “Nó có thể đi kiểu tiến lẫn lùi, hai cái càng lớn búng tách tách. Đưa thử cây mạ vô thì nó kẹp đứt ngang. Kinh dị hơn là hai bên hông mỗi bên có 4 cái càng nhỏ.”

Theo thống kê ban đầu thì hàng trăm con tôm hùm đỏ đã được phát hiện tại địa phương này.

Liệu đằng sau việc phát tán loại tôm hùm đỏ nguy hại có phải do bàn tay thâm độc từ Trung Quốc - “người bạn vàng của đảng”? Chúng ta từng phải trả những cái giá đắt đỏ đằng sau việc thương lái Trung Quốc sang thu mua móng trâu, râu ngô non, ốc bưu vàng, đĩa hay mang sang nuôi gián đất, rùa tai đỏ... Vì vậy, hãy luôn cảnh giác với kẻ láng giềng nguy hiểm này.

07.02.2017



_________________________________________

Chú thích:


Tội nghiệp cho ông Nguyễn Phú Trọng!

Nguyễn Dư (Danlambao) - Sau kỳ đại hội đảng lần thứ mười hai, người ta nhận định rằng phe ông Trọng đánh bại phe ông Dũng. Quá rõ ràng, nhìn tổng quát thì điều đó không sai! Nhưng khi nhìn lại, ông Dũng không phải là người có tham vọng chính trị. Bởi lẽ trước đại hội, khi chuẩn bị nhân sự thì ông Dũng xin rút lui, điều đó cho thấy: một là ông biết người biết ta, cảm thấy không có hứng thú quyết liệt cho sự sống còn, tranh giành, đấm đá nhau trong nội bộ; hai là trong gần hai mươi năm trời, từ làm phó thủ tướng thường trực và là chủ tịch hội đồng tài chính - tiền tệ quốc gia; rồi sau đó là thủ tướng, khối tài sản cũng đủ cho cả gia đình ông sống đến ba đời. Tức là ông chỉ có tham tiền chứ không bao giờ tham quyền để tiếp tục làm chính trị. Thế mà trên báo mạng, có nhiều người đặt vấn đề muốn ông ra làm tổng bí thư. Họ lập luận rằng ông Dũng có con gái lấy Mỹ thì ông sẽ là người thân Tây Phương, nếu làm tổng bí thư thì hy vọng đảng hướng về Phương Tây, thoát Trung..(!)

Dưới thời ông Dũng điều hành nền kinh tế quốc gia, ông ban bố cho đàn em dưới trướng tiền bạc để đầu tư loạn xà bần thoải mái mà không cần hiệu quả; tham nhũng tràn lan cho nên ông mới là người có... uy tín nhất trong phe đảng và bè cánh. Ông cũng là người chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Trong băng đảng cộng sản thì ai cũng biết, người đứng đầu chống tham nhũng thì lại là người tạo ra bè cánh, nhóm lợi ích, tham nhũng nhiều nhất. Trường hợp như ông Trần Văn Truyền và ông Huỳnh Phong Tranh là hai thí dụ rõ nét. Hai ông này sau khi rút lui, người ta mới khui ra mỗi ông đều để lại vài chục móng đệ tử để "tiếp tục sự nghiệp cách mạng".

Đặt trường hợp: nếu ông Dũng có tham vọng chính trị, nghĩ đến sự cải tổ thay đổi quốc gia như một số người hy vọng thì chúng ta sẽ thấy nội bộ phe cánh của ông cấu kết với các đàn em giành chức vụ tổng bí thư, rồi sau đó lên làm tổng thống đối với ông chắc không khó lắm. Cho nên có một giai đoạn gần đại hội đảng, người Hà Nội chứng kiến cái cảnh quân đội, công an bày binh bố trận, tập dợt chống khủng bố, chống thế lực thù địch là thế. Nhưng thật ra họ chỉ lo xa, sợ "gà nhà bôi mặt đá nhau" mà thôi rồi sẽ đi đến mất "ổn định về chính trị". Một người tham tiền nhưng không tham quyền như ông Dũng, thấy đủ, biết chỗ dừng; tự xin rút lui rồi đi lễ chùa, theo phật để trở thành... "người tử tế", sống an nhàn thì không đáng ngạc nhiên.

Ông Dũng không màng đến cái chức vụ tổng bí thư, là một chức vụ "hữu danh, vô thực" (xin hiểu, "thực" ở đây cũng được xem là đồng nghĩa với "ăn"). Nói nào ngay, làm tổng bí thư mà không có chấm mút chút cháo thì không chính xác lắm đâu. Phàm là con người thì ai mà không tham! Nhưng tham lam vô độ, bè cánh, ma lanh cỡ như Nguyễn Tấn Dũng thì ông Trọng thua xa. Bất quá nếu có tham thì ông Trọng cũng tham ít ít, vừa vừa phải phải cỡ như Lê Khả Phiêu hay Nông Đức Mạnh là cùng. Nói tóm lại, chức vụ tổng bí thư không xứng với "cái tâm" thâm và tham của Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Dũng rút lui; ông Trọng quá tuổi, nhìn quanh đi quẩn lại có ai thèm ngồi vào cái ghế tổng bí thư để mang vạ vào thân đâu! Theo "đúng qui trình" thì ông Nguyễn Sinh Hùng, là chủ tịch quốc hội mới nắm chức tổng bí thư, nhưng không hiểu sao lại bị đá văng khỏi chức vụ sớm trước khi đảng chọn nhân sự cho khóa tới. Chắc có lẽ do thành tích có sân sau tham nhũng, vả lại tuổi của ông cũng đã quá qui định rồi?

Chức vụ tổng bí thư so ra thì làm sao bằng thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng, các ban ngành khác còn béo bở hơn nhiều. Nếu làm được bộ trưởng công thương như ông Trần Tuấn Anh, trông cái mặt ông đần đần, cái tướng mạo như một đứa trẻ chăn trâu, nhưng ngồi được cái ghế đó thì lại là một chức vụ mà không ít người mơ ước. Cũng không ai dại gì nhảy vào ngồi cái ghế lãnh đạo một đảng suy thoái nát bét mà mấy đời tổng bí thư trước "ăn sò", bây giờ mình lại nhảy vào để "đổ vỏ"; không thể nào cứu đảng được nữa bằng cách chỉnh đốn, cảnh tỉnh, ngăn chặn, đẩy lùi những suy thoái theo như cái kiểu ông Trọng vừa làm và từng làm.

Nhiều người trong đảng biết rõ điều đó, rằng đảng tuộc dốc hết hồi cứu chữa; sẽ tự diễn biến, tự chuyển hóa, hay gọi trắng ra là thời gian đảng cộng sản còn sống đi đến đổ vỡ cũng không còn xa. Chỉ có ông Nguyễn Phú Trọng là người lú lẫn, đần độn, tham danh mới vớt vát ngồi lại cái ghế tổng bí thư chuyển tiếp hồng tìm người thay thế cứu đảng được lúc nào hay lúc đó thay vì ông phải ra đi vì quá tuổi. Hơn thế nữa, chỉ có mình ông Trọng mới là người có lý luận chính trị; có bằng cấp xây dựng đảng từ trường đảng mà ra hẳn hoi, làm tổng bí thư trong lúc "dầu sôi lửa bỏng" thì là hợp tình, hợp lý và... "hợp lòng dân" nhất, còn gì bằng (!)

Ông Trọng mà ngồi cái ghế tổng bí thư, chống tham nhũng suốt đời, nếu được thì càng hay, bởi ông chỉ lo chỉnh tới chỉnh lui cái đảng của ông thì những đảng viên sum suê điếu đóm có cơ hội điều khiển dài dài một con người ngờ nghệch giống như điều khiển con rối để họ hưởng lợi. Khui được tên nào tham nhũng bị lộ thì chúng sẽ cao chạy xa bay, vuột khỏi tầm tay của ông Trọng một cách dễ dàng như trường hợp Trịnh Xuân Thanh và đồng bọn. Người ngờ nghệch như ông Trọng, đa số đảng viên tham nhũng họ mong và rất cần đứng đầu một băng đảng cướp bởi nhiều tên tham nhũng thân cận đứng sờ sờ trước mặt mà ông không hay.

Người như ông Trọng không có bản lĩnh để lãnh đạo đảng, các đảng viên chỉ dựa vào ông bề ngoài có vẻ đạo đức, liêm khiết, không kéo bè kết cánh, làm gương để trang điểm son phấn cho bộ mặt nhơ nhớp của hơn bốn triệu đảng viên. Nhưng thực chất ông chỉ cậy vào sự lanh lợi của một nhóm người để chống tham nhũng. Như trường hợp ông đem Nguyễn Bá Thanh về trung ương, là một tay tham nhũng miền Trung nhưng có tài năng nổ, xốc vác, kỵ cơ với ba Dũng; được ông chọn để chống ba Dũng. Cuối cùng thì ông cũng phủi tay, đi... đứt!

Trường hợp của phe cánh Trịnh Xuân Thanh, người ta rỉ tai để ông ra lịnh "đánh", rồi người khác rỉ tai cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn. Ông chống tham nhũng giống như là một trò hề; là một sự thích thú coi thường của các phe cánh đảng viên. Một tên gạo cội tham nhũng vô trách nhiệm như Vũ Huy Hoàng, đáng lý ra phải truy tố hình sự, mà chỉ mới bị kỷ luật bằng cách... tước danh hiệu thì ôi thôi, hết... biết luôn! Thế, những đảng viên có chức có quyền quanh ông mới khoái trá, yên tâm, cứ để cho ông làm chúa đảng, trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đến suốt đời cũng được.

Đọc cái nghị quyết trung ương bốn khóa mười hai do ông ký, cho người ta có cảm nhận nó nhạt nhẽo vô hồn, kế hoạch điều hành, chỉnh đốn, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, suy thoái... và cách lập luận như con két, ai cũng nhìn thấy điều đó; thế mà ông Trọng vô tư mở màn khai pháo cho hội nghị bởi ông là người "điếc không sợ súng". Đúng vậy, sau đại hội thì ông bị "ăn đạn" bốn phương, tám hướng từ lề dân te tua; còn báo đảng gà nhà thì khoe là hội nghị thành công tốt đẹp (!). Còn ông thì cứ vô tư không hay biết, hớn hở về thành tích xây dựng đảng dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng suốt, từng bước giành được từ thắng lợi này cho đến thắng lợi khác và tự hào trong công cuộc liên tục đổi mới. Rồi ông an tâm, tự hỏi trong đầu: quốc gia có bao giờ được như thế này chưa? Sao mà nó ngây thơ, tự sướng giống như một đứa trẻ con vậy hả... trời!

Thật tội nghiệp!

07.02.2017

Du kích ta tài ghê!

Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Tết xong, thiên hạ bàn tán đủ thứ chuyện. Xôm lắm. Nhưng vẫn là những chuyện cũ được lặp lại trong các dịp đầu xuân năm mới. Nào là chuyện giá cả, đời sống kinh tế người dân khó khăn. Chuyện các quan chức đi trồng cây để đời đời nhớ ơn bác Hồ “vĩ đại”. Rồi cả chuyện Lễ hội nữa. Lễ hội thì nhiều lắm, kể cơ man nào cho hết. Từ những Lễ Hội giết chóc, man rợ như đâm lợn, treo cổ trâu cho đến Hội Đền Trần, Hội Gióng, Bà Chúa Kho, Yên Tử, Chùa Hương v.v…Tất cả tạo nên một sự hỗn loạn, man rợ, kinh hãi không khác gì những đấu trường sinh tử.

Rồi vụ hàng chục thanh niên trai tráng bất chấp mưa lạnh, khiêng cặp bánh chưng nặng 700 kg cúng cho người chết là mẹ ông Hồ, người ta cũng xôn xao. Còn cả chuyện các quan chức nườm nượp dùng xe công đi dự lễ hội, đi hầu đồng nữa cơ. Để khỏi bị dân phát hiện, các quan ngụy trang bằng cách lấy túi ni lông che biển số xe, đến là nực cười. Việt Nam thời bác đảng, kể cũng hay. Không tin Chúa, phỉ báng Phật, coi thường lịch sử nhưng lại tưởng tượng ra đủ thứ thần linh để cúng lạy, xin xỏ.

Nghĩ mãi mấy chuyện ấy cũng chán. Thôi thì chuyển đề tài, nói tí ti về chiến công đánh “Mỵ-ngụy” của bộ đội cụ Hồ, du kích “đảng ta” ngày xưa vậy. Chuyện của những năm một nghìn chín trăm hồi ấy, cũ rồi. Nhắc lại để kiếm một trận “cười ra nước mắt khóc lên hì hì”, gọi là thay đổi khí xuân.

Nói về chiến công thì nhiều không kể xiết. Thôi thì ưu ái đồng hương, nên đem chuyện hai du kích Hải Phòng dùng tay không quật ngã máy bay “địch” ra khoe. Ôi chao! Lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới, chắc duy nhất chỉ có lính Việt Cộng mới đạt được những thành tích, chiến công ngoài sức tưởng tượng của thần thánh (chứ nói gì đến con người) như thế.

Báo đảng kể rằng, chỉ với hai khẩu AK, ba quả lựu đạn và một số ít cơ số đạn còn lại, hai người du kích phải chống chọi và đánh bại một tiểu đoàn trực thăng biệt động 37 của “ngụy” cùng hơn 150 lính biệt kích, có sự yểm trợ của pháo binh địch.

Hai đồng chí du kích đánh nhau với tiểu đoàn địch hơn ba giờ đồng hồ. Mặc dù bị thương, máu chảy nhiều nhưng vẫn “kiên trì cầm súng bắn ngăn địch tiếp cận công sự. Giữa lúc cuộc giằng co đang diễn ra ác liệt thì địch huy động trực thăng bắn róc két, pháo kích lần hai”.

Và đây là giây phút thần thánh của du kích ta: “Khi chiếc UH - 1 rà tới chuẩn bị hạ thấp để bắn róc két thì ông Kiểm lao người lên dùng hai tay ghì càng máy bay xuống. Đôi bàn tay thép như chiếc nam châm hút chiếc UH -1 xuống gần sát mặt đất. Viên phi công bất ngờ, chưa kịp gạt cần súng máy thì đã bị anh Thao từ bên dưới bắn thốc lên, thẳng vào buồng lái. Chiếc máy bay mất thăng bằng loạng choạng lao xuống, nổ tan xác”.

Chiến công chưa chấm dứt, mời độc giả theo dõi tiếp diễn biến trận chiến qua hồi ức của ông du kích Kiểm ngày ấy và phóng viên lề đảng ngày nay:

“Tiếng nổ của chiếc UH - 1 đầu tiên đã khiến phía địch hoảng loạn, gọi cầu viện. Đến trưa cùng ngày, ông Kiểm và đồng đội vẫn giữ vững cứ điểm, không để địch tiến về phía bờ sông.

Đợt pháo kích thứ ba của địch vừa dứt thì ba chiếc trực thăng UH – 1 hạ cánh xuống khu vực chiếc trực thăng bị rơi để tìm kiếm xác. Lợi dụng cơ hội này, hai người trườn tới vị trí thuận lợi để bắn hạ ba con “chim sắt”.

Ông Kiểm hồi ức như mới vừa xảy ra đây “Trong khi anh Thao lên đạn súng máy thì tôi chạy thắng tới đuôi chiếc máy bay rút chốt lựu đạn quăng vào buồng lái.

Chiếc thứ nhất nổ tan tành khiến hai chiếc kia hoảng sợ cất cánh bỏ chạy, nhưng đã bị lưới đạn của anh Thao nhả xuống, hai chiếc còn lại cũng bị hạ nốt”.

Đến cuối giờ chiều, hai khẩu súng đã gần hết đạn, không thể tiếp tục chống cự thêm. “Lúc đó hai tai tôi đã lãng đi vì tiếng nổ, đầu nhức, mắt mờ. Anh Thao cũng bị thương chảy máu khá nhiều. Hai chúng tôi hi vọng sẽ cầm cự đến được chiều tối, bọn địch sẽ phải rút lui, hoặc phía quân ta sẽ bổ sung lực lượng cứu viện”.

Đấy là một trong hằng hà sa số những câu chuyện ca ngợi chiến công oanh liệt diệt Mỹ, diệt “ngụy” của du kích ta, bộ đội ta, nói chung là của “đảng ta”. Nói như thế để khỏi rông dài liệt kê ở đây mất công người đọc. Muốn tìm hiểu, quý bạn chỉ cần lên gu gồ hỏi, sẽ cho ra hàng loạt kết quả, tha hồ ngụp lặn trong những chiến công, tha hồ khóc cười như mưa gió. 

Người lớn đánh giặc đã đành, trẻ con dưới ánh sáng đảng soi đường cũng trở nên thần thánh. Từ Lê Văn Tám, Kim Đồng cho đến Lượm, và bao nhiêu những tấm gương khác như em bé câm ra dấu báo cho hai anh bộ đội tránh ổ phục kích của giặc. Những mẩu chuyện “Em không thèm ăn kẹo Mỹ” (bọn Mỹ đưa kẹo cho em bé để dụ em chỉ chỗ giấu vũ khí nhưng em không thèm kẹo Mỹ). Chuyện “Bỏ cát vào súng Mỹ”, kể rằng “hai chị em vào đồn Mỹ chơi rồi lén bỏ cát vào các nòng đại liên. Khi nghe tiếng nổ, bọn Mỹ dùng súng bắn để tự trấn an thì tất cả súng đều bị cát làm tét nòng! Khiến “Bọn Mỹ hết sức kinh hoàng”. Cả chuyện “em bé bị giặc đánh gãy tay vẫn hiên ngang không sợ giặc hăm dọa, khủng bố”.

Ảnh chụp màn hình từ Hồi ký: tôi đi học phổ thông cấp 1

Mà không chỉ có bộ đội ta, du kích ta, hay các em bé ta biết đánh giặc đâu. Ngay cả con voi, con ong, con trâu, con chó… cũng thấm nhuần tư tưởng đảng ta, đánh giặc lập công lẫy lừng vang dội.

Về con ong đánh Mỹ, có câu chuyện như vầy: “chú Tư nuôi ong vò vẽ đánh Mỹ, dạy ong biết được mùi giặc để tự động tấn công khi có giặc”.

Chiến công của trâu thì húc lòi ruột làm thằng lính Mỹ chết tươi. Chuyện không có gì to tát, chỉ tại trời nóng nực, thằng Mỹ tranh với con trâu vũng nước để nằm cho mát nên bị trâu nổi giận mới dẫn đến thảm cảnh như vậy.

Thôi không kể nữa, kẻo chúng ta đồng loạt bị bội thực bởi nhung nhúc những chiến công. Chỉ vì ngày hôm qua, “đảng ta” lập được những chiến công thần thánh như thế nên hôm nay dân tộc Việt Nam mới được như thế này. Để tiếp tục sự nghiệp cách mạng với bao nhiêu thành tựu kinh hoàng của thời không còn chiến tranh khói lửa.

Ngẫm lại, thấy ông Nguyễn Phú Trọng, đảng trưởng đảng cộng sản Việt Nam nói một câu thật thấm thía “đất nước có bao giờ được thế này không?”.

6/2/2016