Friday, July 7, 2017

Hàng chục côn đồ ập vào nhà giáo dân Văn Thai đánh đập phụ nữ

Hàng chục côn đồ ập vào nhà giáo dân Văn Thai đánh đập phụ nữ
Một nhóm côn đồ khoảng một chục người đang đêm ập vào nhà của một gia đình Công Giáo ở tỉnh Nghệ An, chửi bới và đánh đập một người phụ nữ.
Sự việc xảy ra tại giáo họ Văn Thai, trong địa phận xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu trong đêm Thứ Năm 6 tháng 7.
Nhóm côn đồ do một người có tên Facebook là Quỳnh Hoan dẫn đầu, đã đột nhập vào nhà người đàn ông tên Nên, chửi bới và đánh đập cô Hà, con gái ông Nên.
Theo một bức thư kêu cứu của Linh mục Nguyễn Đình Thục gửi cho các linh mục và cộng đồng Công Giáo, đám côn đồ này còn kéo tới nhà một giáo dân khác là ông Thanh, đe dọa đốt nhà và ném phân vào nhà ông Thanh.
Toàn bộ chuyến đi gây náo động của nhóm côn đồ này xảy ra trước sự chứng kiến câm lặng của công an địa phương.
Không dừng lại tại đó, vào đêm hôm sau, đám côn đồ lại tiếp tục đến chửi bới, đe dọa gia đình ông Thanh. Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết, họ còn hành hung một người làm cho nhà ông Thanh.
Theo thư kêu cứu của Linh mục Nguyễn Đình Thục, người Công Giáo tại địa phương này đang cố gắng nhịn nhục để tìm sự yên lành. Nhưng xem ra càng ngày chính quyền xã Sơn Hải và huyện Quỳnh Lưu càng bao che cho tội ác lộng hành, làm khổ người Công Giáo thuộc giáo họ Văn Thai.
Linh mục Nguyễn Đình Thục kêu gọi các linh mục và cộng đồng Công Giáo, đặc biệt là cộng đồng Công Giáo ở huyện Quỳnh Lưu, cũng như những ai yêu chuộng công lý và hoà bình, cùng lên tiếng để giải quyết tình trạng bức hại những người hiền lương.
Huy Lam / SBTN

Hai phụ nữ bị kết án vì cầm cờ VNCH biểu tình cùng dân oan đã mãn hạn tù

Hai phụ nữ bị kết án vì cầm cờ VNCH biểu tình cùng dân oan đã mãn hạn tù
Các bị cáo bị giải ra khỏi tòa án sau phiên xử vào năm 2014. (Ảnh: VOA)
Vào sáng ngày 07 tháng 07 năm 2017, bà Nguyễn Thị Trí và Nguyễn Thị Bé Hai đã được tự do, sau ba năm tù giam khi bị nhà cầm quyền TPHCM kết án với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88, bộ Luật hình sự, vì đã cầm cờ VNCH biểu tình trước Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn hôm 07/7/2014.
Sau khi được tự do, bà Nguyễn Thị Bé Hai đã không ngần ngại tiếp tục nêu rõ quan điểm của mình: “Nếu cái sai mà chính quyền gây ra không được giải quyết, thì cần phải thay đổi chế độ đó”.
Bà Nguyễn Thị Trí, sinh năm 1958, ngụ ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, bị nhà cầm quyền TPHCM kết án 3 năm tù. Còn bà Nguyễn Thị Bé Hai, sinh năm 1958, ngụ tại huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cũng bị kết án 3 năm tù. Cùng vụ án còn có bà Ngô Thị Minh Ước, sinh năm 1959, ngụ ở Sài Gòn cũng bị kết án 4 năm 3 tháng tù tại phiên tòa sơ thẩm ngày 30/3/2016.
Cả ba đều là thành viên phong trào tranh đấu cho dân oan. Ngoài ra, mỗi người còn bị phạt thêm hai năm quản chế tại địa phương.
Xin được nhắc lại, vào ngày 07/7/2014, cả ba người phụ nữ nói trên và đông đảo bà con dân oan đã cầm cờ VNCH biểu tình trước cổng Toà lãnh sứ Hoa Kỳ, để yêu cầu nhà cầm quyền CSVN giải quyết những đơn kiện của bà con.
3 bà bị kết tội giương băng-rôn, biểu ngữ chống nhà nước và cờ của chế độ cũ bên ngoài tòa lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn vào tháng 7 năm 2014 nhằm mục đích “thay đổi chế độ, lập nên nhà nước mới”.
Các luật sư, blogger, và giới hoạt động cổ xúy cho dân chủ, nhân quyền hay quyền lợi đất đai thường bị nhắm mục tiêu tấn công, sách nhiễu, bắt giam, và kết án tại Việt Nam, nơi báo chí và truyền thông đều thuộc quốc doanh.
Nguyên Nguyễn / SBTN

Bộ trưởng quốc phòng CSVN nói ‘thế lực thù địch chống phá’ việc quân đội làm kinh tế

Bộ trưởng quốc phòng CSVN nói ‘thế lực thù địch chống phá’ việc quân đội làm kinh tế
Kinh doanh là một “truyền thống vẻ vang” từ nhiều thập niên của quân đội CSVN. Đó là lời tuyên bố của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, bộ trưởng quốc phòng CSVN, đưa ra hôm Thứ Sáu 7 tháng 6, trong một chuyến thăm trụ sở của tập đoàn Viễn Thông Quân Đội Viettel.
Tướng Lịch ca ngợi nỗ lực của các tập đoàn quân đội CSVN trong việc tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng những khu “kinh tế quốc phòng ở các địa bàn chiến lược”, mà ông mô tả là “không doanh nghiệp nào tới được”.
Tướng Lịch kêu gọi quân đội phải “làm sao có nhiều Viettel nữa” và nhấn mạnh, kinh tế sẽ tiếp tục là nhiệm vụ hết sức quan trọng của quân đội. Ông này cho rằng đây cũng chính là điểm mà “các thế lực thù địch tập trung chống phá”.
Để phụ họa với bộ trưởng quốc phòng, ông Trương Minh Tuấn, bộ trưởng thông tin và truyền thông CSVN, ca ngợi các doanh nghiệp quân đội lâu nay luôn “gương mẫu” trong việc đóng thuế.
Hai bộ trưởng CSVN thi nhau ca tụng việc quân đội làm kinh tế, giữa lúc nhiều chuyên gia và cựu giới chức trong nước nêu lên mối lo ngại về nguy cơ quân đội sẽ xao lãng nhiệm vụ quốc phòng, trước những mối đe dọa về toàn vẹn lãnh thổ. Nhiều sách vở môn kinh tế xưa nay cũng từng đề cập tới tính phi kinh tế của các tập đoàn quân đội.
Mới đây, trong một cuộc họp liên quan tới sân golf của quân đội trong phi trường Tân Sơn Nhất, thứ trưởng quốc phòng CSVN Lê Chiêm tuyên bố, quân đội sẽ “không làm kinh tế nữa”.
Huy Lam / SBTN

Cha con phải nằm nghiêng khi ngủ giữa phố cổ Hà Nội

Căn hộ có chiều rộng chưa đến 90 cm. Buổi tối, khi ngủ hai cha con ông Cao phải nằm nghiêng. (Hình: Báo điện tử VietNamNet)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ngoài những “biệt phủ triệu đô,” Hà Nội còn có những căn nhà cực nhỏ. Gọi là nhà, nhưng nó rộng khoảng 2 mét vuông và khi ngủ, chủ nhà phải nằm nghiêng.
Trái với sự sầm uất phía mặt tiền phố cổ Hà Nội, sâu trong các con ngõ là những căn nhà nhỏ đến mức khó tin. Trong đó, điển hình như nhà của cha con ông Chu Văn Cao (70 tuổi), ở phố Thuốc Bắc, quận Hoàn Kiếm, là một trường hợp như vậy.
Mô tả của phóng viên báo điện tử VietNamNet, ngày 8 Tháng Bảy, để vào nhà ông Cao, phải băng qua con ngõ nhỏ, tối và sâu hun hút, rồi trèo lên vài bậc cầu thang cũ, nham nhở mới đến được nơi cha con ông Cao tá túc hơn 20 năm qua.
Căn hộ không có cửa, chiều dài khoảng 2.5 mét, chiều rộng khoảng 90 cm và chiều cao chưa đầy 1.5 mét. Mọi sinh hoạt ăn uống, ngủ, nghỉ của hai cha con ông đều diễn ra ở đây. Căn hộ này vốn là gác xép gắn liền với căn phòng 16 mét vuông ở tầng 1 mà trước đó ông Cao đã bán để trả nợ.
Ông Cao hài hước nói: “Đây là căn hộ ba không, tức là không có điện, không có nước và không có cửa.” Đồ đạc trong nhà ông không có gì giá trị, ngoài mớ sách, báo và quần áo. Việc vệ sinh, tắm rửa hằng ngày ông đều dùng chung khu nhà vệ sinh công cộng. Những ngày nắng nóng lên đến cực điểm, cả nhà phải ra ngoài ngõ hoặc tìm chỗ bóng râm ngồi cho thoáng, đợi đến đêm khuya mới về ngủ.
“Muốn ngủ, hai bố con tôi phải nằm nghiêng mới đủ chỗ, chứ nằm ngửa như bình thường thì không có chỗ cựa mình. Trần nhà thấp, mỗi lần mặc quần là tôi phải nằm ra sàn mới mặc được vì đứng là phải khom người…” ông nói.
Theo lời ông, cuộc sống dưới chân cầu thang chật hẹp, tù túng vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn, nên năm 1993, khi con trai mới 6 tuổi, vợ ông đã để lại con trai cho ông nuôi, bỏ về quê sinh sống. Từ đó ông một mình gà trống nuôi con.
Lời tâm sự của người đàn ông đã sang đến cái dốc bên kia của cuộc đời thốt ra đầy bất lực và mệt mỏi.
Cuộc sống khó khăn nhưng ông Cao vẫn duy trì thói quen đọc sách. (Hình: Báo điện tử VietNamNet)
Người con trai của ông năm nay gần 30 tuổi, nhưng việc làm bấp bênh nên mọi chi tiêu trong nhà đều do ông lo liệu. Tuổi cao, sức khỏe yếu, không có khả năng lao động nặng nhọc nên một phần chi phí sinh hoạt của hai cha con ông Cao cũng được bà con xóm giềng tốt bụng hỗ trợ. “Ai thuê gì làm nấy, chủ yếu là rửa cốc chén ở quán cà phê…” ông nói.
Theo đó, ngày nắng còn đỡ, ngày mưa, quán cà phê vắng khách, ông chỉ dám ăn một bữa. Mỗi bữa hai cha con ông Cao ăn hết 30,000 đồng (khoảng $1.3), nước uống xin ở quán cà phê về uống. Thi thoảng ông đi làm thuê tự do, tiền công khi thì gói xôi, lúc được vài chục ngàn. Với ông, thế là tươm tất lắm rồi.
Tuy cuộc sống vất vả, song lúc rảnh rỗi ông thường lấy sách ra đọc, một thói quen từ lúc còn trẻ ông vẫn duy trì cho đến tận bây giờ. “Tôi đọc sách để quên đi những nỗi buồn và để mình suy ngẫm về cuộc đời,” ông tâm sự.
Ông Bách Tùng, chủ một cửa hàng kinh doanh ở đầu ngõ, cho biết cách đây vài năm, ông Cao bị đục thủy tinh thể. Bà con lối xóm mỗi người cho một ít tiền đưa ông đi mổ mắt. Nhờ vậy ông mới nhìn được bình thường.
“Cách đây mấy tháng, ông kéo điện nhà tôi về dùng, đủ thắp bóng đèn nhỏ và bật chiếc quạt cóc cho những ngày nóng bức. Gần đây chắc nhờ điện nhà nào trong ngõ nên không thấy ông kéo điện nữa,” ông nói.
“Mọi người thấy ông khó khăn thì giúp đỡ nhưng ông chỉ nhận những gì đủ dùng, ăn uống đạm bạc. Cho ông cái gì, có cơ hội ông lại ra làm giúp việc lặt vặt…” ông nói thêm. (Tr.N)

Vượt biển sang Đài Loan mưu sinh, 23 thanh niên miền Trung thiệt mạng

Thi thể ông Đào Sỹ Hùng được đưa về quê nhà ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hôm 6 Tháng Bảy. (Hình: Báo Pháp Luật TP.HCM)
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Trong 23 người sang Trung Quốc lao động “chui,” rồi vượt biển sang Đài Loan bị chìm tàu chết và mất tích, chỉ mới có bốn người quê Nghệ An và một người quê Hà Tĩnh được xác nhận.
Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn tin từ Sở Ngoại Vụ Nghệ An cho biết, bốn người quê Nghệ An bị chết ở Trung Quốc gồm các ông Lê Đình Hiếu (xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương), Hồ Đức Tiến (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu), Lưu Xuân Hoàng (xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn), và Nguyễn Phúc Toàn (xã Văn Thành, huyện Yên Thành). Hiện sở này đang phối hợp cơ quan chức năng giải quyết sự việc.
Ông Nguyễn Đình Tương, trưởng Phòng Lao Động-Thương Binh-Xã Hội huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cũng xác nhận huyện Kỳ Anh chỉ có một người đi lao động “chui” ở Trung Quốc, rồi vượt sang Đài Loan bị chết là ông Đào Sỹ Hùng (30 tuổi, ở xã Kỳ Giang). Ngày 6 Tháng Bảy, thi thể ông Hùng đã được đưa về đến quê nhà và gia đình cùng chính quyền địa phương đã làm lễ an táng.
Khi được hỏi có bao nhiêu người ở địa phương đi lao động “chui” ở Trung Quốc, ông Tương cho biết: “Chúng tôi chỉ thống kê được những người đi lao động có hợp đồng từ các đơn vị xuất khẩu lao động. Còn số liệu bao nhiêu thì chúng tôi không nắm được, bởi vì còn rất nhiều người đi lao động ‘chui’ không khai báo, mặc dù từ đầu năm 2017 đến nay, ủy ban huyện đã có 4-5 cuộc tư vấn về xuất khẩu lao động và cảnh báo không được di cư, đi lao động trái phép…”
Cùng ngày, nói với phóng viên báo điện tử Dân Việt, ông Đào Hữu Thiện (53 tuổi), cha ông Đào Sỹ Hùng, cho biết thêm: “Khi chuẩn bị lên tàu sang Đài Loan, con tôi có gọi về nói là đi cùng cháu trên chuyến tàu đó có 23 người sống rải rác ở các tỉnh như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Hải Phòng…”
“Ngay khi nhận được tin báo con tử nạn trên đường biển sang Đài Loan, tôi đã ra Hà Nội liên hệ với Bộ Ngoại Giao để tìm con. Họ hướng dẫn tôi làm một số thủ tục. Vì sự cố chìm tàu xảy ra lâu nên phải kiểm tra ADN để xác minh. Khi sang Trung Quốc, tôi mới biết cơ quan chức năng mới chỉ vớt được 16 người, trong đó có sáu người xác định được nhân thân,” ông Thiện kể lại.
Trước đó, hồi cuối Tháng Hai, nhóm lao động gồm 23 người ở các tỉnh trên liên lạc với nhau rồi cùng tập trung ra Hà Nội. Sau đó, mỗi người đóng 40 đến 50 triệu đồng cho một người ở Bắc Giang để được đưa sang Trung Quốc làm việc. Sau khi sang Trung Quốc, đến chiều 31 Tháng Ba, họ mua một con tàu biển cũ để vượt biển sang lãnh thổ Đài Loan làm việc. Tuy nhiên, khi ra giữa eo biển thì tàu bị nạn và mất tích. (Tr.N)

Dân Đồng Tâm lại bị dồn đến chỗ phải nổi loạn

Ngay từ đầu, người dân Đồng Tâm đã khẳng định: “Nhân dân Đồng Tâm chúng tôi không chống đối nhà nước Việt Nam.” Họ chỉ bảo vệ lẽ phải cho chính mình. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 7 Tháng Bảy, chính quyền thành phố Hà Nội công bố dự thảo kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Theo đó, đòi hỏi của dân chúng xã này là vô lý, bởi vì “không có đất nông nghiệp xứ đồng Sênh như kiến nghị của người dân Đồng Tâm,” theo báo điện tử VietNamNet.
Qua vụ Đồng Tâm, thêm một lần nữa, hệ thống công quyền Việt Nam minh định, khuyến cáo của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm” là hoàn toàn chính xác.
Từ ép dân nổi loạn
Lý do chính khiến dân chúng xã Đồng Tâm nổi loạn hồi trung tuần Tháng Tư: Bắt giữ 38 con tin gồm cảnh sát cơ động, công an và viên chức chính quyền địa phương. Rào làng tử thủ suốt một tuần là vì hệ thống công quyền bất minh trong việc thu hồi và sử dụng đất. Thay vì giải quyết các khiếu nại, tố cáo một cách rạch ròi thì lại dùng vũ lực để trấn áp họ.
Ông Lê Đình Kình, người được xem như thủ lĩnh vụ phản kháng của dân chúng xã Đồng Tâm từng kể, dân chúng xã này chịu rất nhiều thiệt thòi vì liên tiếp bị thu hồi đất với diện tích rất lớn mà không hề được bồi thường.
Theo báo Người Lao Động, thập niên 1960, chính quyền Việt Nam thu hồi 300 hécta đất ở xã Đồng Tâm để xây dựng trường bắn Miếu Môn. Đến thập niên 1980, chính quyền Việt Nam quyết định thu hồi thêm 54 hécta đất nữa để xây dựng phi trường quân sự Miếu Môn. Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng phi trường quân sự bị bỏ dở. Do thiếu đất canh tác, dân chúng xã Đồng Tâm đã thỏa thuận với Lữ Đoàn 28 thuộc Quân Chủng Phòng Không-Không Quân (phía được giao quản lý 54 hécta đất bị thu hồi) xin thuê đất để trồng trọt. Lữ Đoàn 28 “phát canh, thu tô” ổn định suốt từ đó cho đến năm 2007.
Theo đề nghị của chính quyền địa phương, năm 2007, Lữ Đoàn 28 đã hoàn tất thủ tục giao lại 6.78 hécta trong số 54 hécta từng bị trưng dụng làm phi trường quân sự Miếu Môn cho chính quyền huyện Mỹ Đức. Lữ đoàn này chỉ giữ lại 47.3 hécta đất. Mảnh đất diện tích 6.78 hécta này đã bị chính quyền xã, huyện “hoàn trả” một cách bất minh cho hàng loạt người được dân chúng xã Đồng Tâm hài tên một cách rành rọt. Nhiều người trong số này vốn chỉ bị trưng dụng một vài trăm mét vuông đã được hoàn trả tới… vài chục ngàn mét vuông. Mảnh đất diện tích 6.78 hécta đã được phân lô bán cho nhiều người. Người mua có đầy đủ giấy tờ chứng minh họ đã thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí…
Năm 2016, sau khi thanh tra theo “khiếu nại, tố cáo” của dân chúng xã Đồng Tâm, chính quyền thành phố Hà Nội thông báo “thu hồi” 6.78 hécta với lý do đó là “đất quốc phòng” để giao cho Viettel, một tập đoàn viễn thông của Bộ Quốc Phòng, để thực hiện “công trình quốc phòng.”
Những thắc mắc: Tại sao lại xác định 6.78 hécta đã hoàn trả là “đất quốc phòng?” Nếu 6.78 hécta đất này là “đất quốc phòng” thì tại sao Bộ Quốc Phòng không giao trực tiếp cho Viettel mà phải nhờ chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức “cưỡng chế, thu hồi?” Sau khi “cưỡng chế, thu hồi” xong thì trách nhiệm của những viên chức từ xã, huyện đến thành phố đã tham gia phân chia mảnh đất này một cách bất minh sẽ được thực hiện ra sao?… Tất cả đều không được trả lời.
Thay vào đó, chính quyền thành phố Hà Nội bắt đầu tổ chức “cưỡng chế, thu hồi” 6.78 hécta “đất quốc phòng.” Hồi trung tuần Tháng Mười năm ngoái, 600 thành viên của lực lượng vũ trang, bao gồm cả công an, bộ đội, không hoàn thành nhiệm vụ vì dân chúng xã Đồng Tâm phản ứng quyết liệt.
Đến trung tuần Tháng Tư, chính quyền thành phố Hà Nội mời ông Lê Đình Kình và bốn người khác tham dự hoạt động cắm mốc, phân ranh, xác định “đất nông nghiệp” và “đất quốc phòng” rồi bắt cả năm. Đó là giọt nước làm tràn ly phẫn nộ, dân Đồng Tâm nổi loạn…
Chủ Tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung gặp gỡ người dân xã Đồng Tâm và ký giấy trắng mực đen cam kết nhiều điều nhưng nay mọi việc trở thành một kiểu “khôi hài đỏ.” (Hình: STR/AFP/Getty Images)
Đến “gần dân, lắng nghe dân”
Không thể dìm cả xã trong máu, chủ tịch thành phố Hà Nội và một số đại biểu của Quốc Hội đã đến xã Đồng Tâm thương lượng và cam kết với dân chúng xã này: (1) Trực tiếp giám sát cuộc thanh tra việc quản lý và sử dụng đất tại xã Đồng Tâm, bảo đảm đúng với “sự thật khách quan” và “đúng pháp luật,” xác định rạch ròi đâu là “đất nông nghiệp,” đâu là “đất quốc phòng.” (2) Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể dân chúng xã Đồng Tâm. (3) Chỉ đạo điều tra việc bắt và gây thương tích cho ông Lê Đình Kình (gãy cổ xương đùi), xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Hệ thống tư pháp thành phố Hà Nội đã phóng thích và tuyên bố hủy các quyết định khởi tố ông Kình và bốn người khác vì “gây rối trật tự công cộng.”
Vụ thương lượng và cam kết này được xem là chưa từng có. Vào thời điểm đó, nhiều viên chức lãnh đạo đảng, Quốc Hội, chính phủ tuyên bố vụ Đồng Tâm là một “bài học đáng giá” cho bộ máy công quyền, rằng hệ thống công quyền phải gần dân, lắng nghe “tâm tư, nguyện vọng” của dân kỹ lưỡng hơn…
Rồi “phản dân”
Ngày 13 Tháng Sáu, công an thành phố Hà Nội công bố quyết định khởi tố hai vụ án “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần Tháng Tư.
Quyết định khởi tố hai vụ án khiến dân chúng Việt Nam chưng hửng. Một số viên chức hữu trách bắt đầu giải thích, chủ tịch thành phố Hà Nội (đại diện cho hành pháp), không có quyền giải trừ trách nhiệm hình sự cho những cá nhân vi phạm pháp luật vốn thuộc thẩm quyền của hệ thống tư pháp. Về lý, điều này không sai nhưng với bối cảnh và đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam, không ai tin rằng chủ tịch thành phố Hà Nội tự tiện tìm tới thương lượng và đưa ra ba cam kết như đã kể với dân chúng xã Đồng Tâm.
Cho đến nay, công an thành phố Hà Nội chưa xác định hai vụ án “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần Tháng Tư có bao nhiêu bị can nhưng nếu công an thành phố Hà Nội thực hiện đúng tuyên bố “sẽ điều tra, xử lý nghiêm, đúng pháp luật” số dân Đồng Tâm vướng vào vòng lao lý sẽ lên tới hàng trăm chứ không chỉ là năm!
Để hạ nhiệt, hệ thống công quyền Việt Nam tuyên bố sẽ đưa 14 viên chức địa phương (bốn viên chức huyện Mỹ Đức và 10 viên chức xã Đồng Tâm) ra xử vào giữa Tháng Bảy này vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (cấp đất, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức hóa việc lấn chiếm đất cho một số cá nhân, gia đình tại xã Đồng Tâm).
Mới đây, chính quyền thành phố Hà Nội công bố dự thảo kết luận thanh tra đất đai ở xã Đồng Tâm. Tuy đây chỉ là “dự thảo” nhưng kết luận này sẽ trở thành chính thức nếu… không có thêm diễn biến nào mới.
Theo báo điện tử VietNamNet, dự thảo này cho biết diện tích thực tế của phi trường quân sự Miếu Môn là 236.9 hécta, trong đó có 64.11 hécta thuộc xã Đồng Tâm được xem là “đất quốc phòng.” Nếu so với quyết định đã được phê duyệt năm 1980 thì hệ thống công quyền đã thu hồi và giao lố cho Bộ Quốc Phòng khoảng 30 hécta. Chuyện Bộ Quốc Phòng nhận lố 30 hécta và lờ đi, không báo cáo chỉ được xem là thiếu sót.
Cũng theo dự thảo, các đơn vị quân đội “chưa di dời một số gia đình ăn ở trên đất quốc phòng từ năm 1980, để các gia đình này dân lấn chiếm, tặng cho, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép” là “buông lỏng quản lý đất quốc phòng.” Việc một số người dân ở xã Đồng Tâm tự ý tổ chức đo đạc, phân lô trên phần đất mà Viettel đang thực hiện dự án quốc phòng bên trong phi trường Miếu Môn là hành vi chiếm “đất quốc phòng,” coi thường luật pháp.
Dự thảo không hề đả động gì đến trách nhiệm của Bộ Quốc Phòng: Lập dự án xây dựng phi trường quân sự Miếu Môn, chiếm dụng hơn 200 hécta đất rồi bỏ hoang suốt từ năm 1980 đến nay và giờ giao một phần tài sản đó cho Viettel kinh doanh.
Tuy việc sử dụng đất đai ở xã Đồng Tâm đã được “thanh tra” nhưng không ai biết “công trình quốc phòng” mà Viettel xây dựng là gì. Liệu tính chất “công trình quốc phòng” đó có giống các sân golf ở phi trường quân sự Gia Lâm và phi trường Tân Sơn Nhất hay không?
Chuyện Bộ Quốc Phòng nhận lố 30 hécta và lờ đi, dẫn tới bạo loạn chẳng lẽ không phải là coi thường luật pháp, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?” Rồi tại sao nhận lố mà không hoàn trả để cấp lại cho dân? (G.Đ)

Đừng khinh thường tuổi trẻ

Hoàng Chi Phong * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Tôi là sinh viên hai mươi tuổi, chào đời trước cuộc trao trả một năm.

Lớn lên dưới sự thống trị của Trung Quốc, tôi không có ký ức gì về Hong Kong thuộc địa hay cảm thấy gắn bó với Hong Kong vào thời ấy. Thay vì thế, hàng ngày tôi bị nhồi nhét vào đầu rất nhiều chân lý hiển nhiên: Hong Kong là và sẽ mãi mãi là một "phần bất khả xâm phạm" của Trung Quốc; và Đảng Cộng Sản Trung Quốc, hay ĐCSTQ, luôn luôn hành động cho quyền lợi tốt đẹp nhất của chúng ta dưới khuôn khổ "một nước, hai chế độ".

Nhưng hai mươi năm sau khi chuyển giao chủ quyền, tôi bây giờ biết những sự thật hoàn toàn khác: Bắc Kinh vi phạm Tuyên bố Chung, hiệp ước quốc tế Trung Quốc ký với Anh vào năm 1984, khi vẫn tiếp tục không cho chúng ta quyền bầu cử tự do; do vậy Hong Kong bị sa lầy trên con đường bất tận đến dân chủ; và ĐCSTQ đã mở cuộc tấn công toàn lực vào các quyền tự do dân sự của chúng ta...

Cách đây sáu năm, theo chỉ thị Bắc Kinh, chính quyền Đặc Khu Hành Chính Hong Kong tuyên bố kế hoạch nhằm đưa "chương trình giáo dục quốc gia" vào tất cả các trường tiểu học và trung học trên toàn thành phố. Đây là âm mưu dễ dàng nhận thấy để in sâu vào trong trí thanh niên chúng ta tinh thần yêu nước khờ dại và lòng trung thành mù quáng với ĐCSTQ. Có lẽ những chính khách kỳ cựu quá xa cách với trường lớp nên các đảng đối lập không mấy quan tâm đến tin tức ấy.

Lúc ấy tôi mười bốn tuổi, chỉ mới bắt đầu vào lớp tám. Tôi biết tôi chẳng thể nào ngồi yên không làm gì cả trong khi chương trình giáo dục tẩy não nhiễm độc nền giáo dục chúng ta. Chính lúc ấy tôi thành lập tổ chức học sinh tên Học dân tư triều với nhóm nhỏ học sinh trung học để bảo vệ tư duy tự do và độc lập trong lớp học qua những cuộc biểu tình và các cách phản kháng ở cơ sở.

Các chiến dịch của chúng tôi thoạt đầu ít người quan tâm đến - các cuộc tuần hành đường phố của chúng tôi chỉ thu hút vài chục người tham dự và các cuộc diễn thuyết ngoài phố của chúng tôi không được báo chí đăng tải nhiều. Đáp lại bao nỗ lực của chúng tôi là tâm trạng cam phận nói chung, vì nhiều người nghĩ chống lại chính sách của Bắc Kinh cũng vô ích.

Đáng trách thay là xã hội Hong Kong chưa hoàn toàn đón nhận quan niệm về học sinh sinh viên đấu tranh. Hệ thống giáo dục dựa trên học thuộc lòng của chúng ta như trước đây và hiện nay vẫn còn quá chú trọng đến điểm số và các kỳ thi chung đến độ bất luận chuyện gì khác đều bị coi là xao lãng học hành. Điều này có thể hiểu. Đối với bao thế hệ người Hong Kong, phương tiện thăng tiến duy nhất và cũng là cách duy nhất đóng góp có ý nghĩa cho xã hội là đạt được mảnh bằng đại học danh giá (ưa chuộng nhất là quản trị kinh doanh) và những nghề nghiệp được chứng nhận (về tài chính, kế toán, luật hay y khoa). Chính trị xa lạ đối với tuổi trẻ đến mức bằng mọi giá khuyên họ tránh xa.

Nhưng tôi thấm nhuần lời dạy của Thánh Kinh. Thánh Phao-lô dặn dò chúng ta đừng "để ai coi thường anh vì anh còn trẻ" và tôi nhập tâm bài học ấy. Vào đêm trước ngày chương trình giáo dục quốc gia được đưa vào nhà trường, không bao lâu sau khi tài liệu do Bộ Giáo dục bảo trợ đã khen ngợi ĐCSTQ là "tổ chức lãnh đạo thống nhất, vô tư lợi và tiến bộ", chúng tôi cuối cùng thành công trong việc khích lệ công chúng tức thời đứng lên chống lại tuyên truyền của chính quyền. Hơn 120 ngàn công dân đã xuất hiện ở "Quảng trường Công dân" bên ngoài trụ sở chính quyền để ủng hộ phong trào chúng tôi, buộc chính quyền Đặc Khu Hành Chính phải rút chương trình ra khỏi nhà trường ngay vào ngày hôm sau...

Tôi tin đã qua rồi thời chính trị chỉ dành cho nhân tài kiệt xuất, và tuổi trẻ nên vạch ra con đường mới để đạt đến dân chủ bởi vì họ là những người chịu nhiều rủi ro nhất trong tương lai của thành phố chúng ta. Tôi cũng tin rằng những thay đổi thật sự được tạo ra không phải nhờ chơi theo luật chơi cũ mà nhờ bất tuân dân sự và tổng nổi dậy, và tuổi trẻ, do không bị ràng buộc bởi áp lực tài chính và gánh nặng gia đình, nên ít bị mất mát nhất nếu họ bị bắt hay bị kết tội và vì thế họ nên đảm nhận vai trò nổi bật hơn.

Những niềm tin ấy giúp chúng tôi đón nhận Phong trào Chiếm đóng trong năm 2014 bằng hoạt động tổ chức từ đấy đưa đến cuộc chiếm đóng thật sự đường phố, cuộc tổng bãi khóa trên toàn thành phố, nhiều cuộc phản kháng tập thể khác nhau và trưng cầu dân ý về cải cách bầu cử với hơn 800 ngàn công dân tham gia. Thực ra, chính quyết định bất ngờ của chúng tôi tái chiếm Quảng trường Công dân vào ngày 26 tháng Chín, hai ngày trước khi cuộc Chiếm đóng bùng phát, đã khai màn cuộc đấu tranh 79 ngày...

Cách đây hai mươi năm, ý tưởng cuộc tổng nổi dậy chính trị gây tê liệt thành phố nhiều tháng trời là hoàn toàn không tưởng. Cũng hoàn toàn phi lý là khái niệm sinh viên có thể tranh cử vào Hội đồng Lập pháp Hong Kong với tư cách là người ủng hộ quyền tự quyết của thành phố. Hai mươi năm sau sau khi trao trả, điều không tưởng và phi lý một thời ấy hôm nay là phần hiện thực chính trị, qua đó chúng minh rằng người Hong Kong không chỉ là những người làm kinh tế như ta tưởng. Chúng ta cũng muốn và khao khát tự do, dân chủ và thượng tôn pháp luật như bao người khác. Cho nên chúng ta sẵn sàng chiến đấu hết sức mình cho tất cả những điều ấy.


Nguồn: Dịch từ trang mạng Quartz ngày 25/6/2017. Nguyên tác tiếng Trung, bản tiếng Anh của Jason Y. Ng. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.


Bản tiếng Việt:

Phải thêm nhiều vịt-teo!

Tư nghèo (Danlambao) - Trong tháng qua bà con ta râm ran chuyện quân độisuốt ngày nhăn răng cầm tiền thay vì cầm súng và hớn hở với tuyên bố của Thượng tướng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm:“hiện nay đã có một chủ trương của Bộ Quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế nữa mà tập trung cho xây dựng quân đội chính qui”

Nhưng...

Ngày 7/7, Thanh tra Hà Nội kéo cả bầy đàn xuống Đồng Tâm và phán: diện tích đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng; người dân phải "di chuyển tài sản, hoa màu, trả mặt bằng cho doanh nghiệp quân đội để xây dựng các công trình quốc phòng".

"Công trình quốc phòng" là cụm từ trang điểm cho "công cuộc làm giàu". Và Doanh nghiệp quân đội ở đây không ai khác hơn là Vịt teo (Viettel).

Chưa đủ, chưa hết đâu bà con! 

Cùng ngày 07/07/2017 như rằng đến hẹn lại lên, đích thân Bộ trưởng Quốc phòngNgô Xuân Lịch tuyên bố tại tổng hành dinh Vịt Teo rằng: "Phấn đấu làm sao có nhiều Viettel nữa. Điều này chứng minh rằng chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn."

Một con vịt teo mà dân đã teo tóp, bây giờ thêm nhiều con vịt teo khác thì dân tóp teo tới cỡ nào - cha nội!?

Đối chiếu câu nói của Bộ trưởng Lịch "chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn" và của Thứ trưởng Chiêm "đã có một chủ trương của Bộ Quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế nữa" cho thấy Chiêm nói Gà và Lịch nói Vịt. Đương nhiên Vịt sẽ thắng vì Lịch là xếp ngồi trên đầu Chiêm.

Vậy là Vịt Teo tiếp tục cạp cạp làm ăn. Vậy là quân đội nhăn răng của đảng ta vẫn tiếp tục tưng bừng buôn mau bán lẹ - bán cả giang sơn với đồng bào - với khẩu hiệu xung phong của bộ trưởng: "Phấn đấu làm sao có nhiều Viettel nữa".

Bộ trưởng Lịch còn phán rằng: "Nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã, đang và sẽ là chức năng nhiệm vụ hết sức quan trọng của quân đội, nhưng lại là điểm mà các thế lực thù địch tập trung chống phá. Chúng cho rằng quân đội không làm kinh tế."

Sao kỳ vậy cha nội! Có phải cha nội đồng chí bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đang xỉa xói đồng chí Thượng tướng thứ trưởng Lê Chiêm là thế lực thù địch, tập trung chống phá và không cho quân đội làm ăn sao?

Có gì thì vác súng ra nói chuyện với nhau chứ sao lại xách mé nhau bằng mồm!?

Nhưng chuyện của tên phản động Lê Chiêm hãy từ từ tính sau. Trước mắt là giải quyết mấy tay phản động Đồng Tâm.

Muốn có thêm Vịt Teo thì phải có đất.

Muốn có đất thì phải đi ăn cướp.

Muốn ăn cướp thành công phải huy động toàn đảng và toàn dân... luận viên.

Vậy là Bộ cuốc phòng vác cuốc thổi còi, phát lệnh hành quân với đoàn quân thanh tra bách chiến bách thắng của đảng cho Chiến dịch mùa hè rực nắng: Giải phóng Đồng Tâm!

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!!!

08.07.2017


Nguyễn Phú Trọng sau tấm rèn sân khấu Đông Tâm

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Nguyễn Phú Trọng chắc chắn biết rõ mọi diễn biến xảy ra tại Đồng Tâm. Hình ảnh người dân đứng lên bắt giữ đám côn an, côn đồ chắc chắn ảnh hưởng đến cái gọi là "uy tín" của đảng độc quyền toàn trị tuyệt đối mà ông ta là đảng trưởng.

Khi Nguyễn Đức Chung tuyên bố không truy tố người dân đã bắt lực lượng cướp đất làm con tin, ông ta đã qua mặt tập đoàn côn an đang độc quyền nắm giữ vai trò truy tố lẫn truy sát nhân dân. Nguyễn Phú Trọng lại là người cầm trịch Ban thường vụ của Đảng ủy Công an Trung ương.

Với con người mưu mô và xảo quyệt như Nguyễn Phú Trọng, những lá chắn mang hình cờ đỏ, những khẩu hiệu "chỉ chống tham nhũng, không chống đảng", những thông điệp "có đảng là có tất cả", “Nhân dân xã Đồng Tâm tuyệt đối tin tưởng và chính sách và đường lối của đảng và nhà nước” đều không lừa được vua lừa Nguyễn Phú Trọng. Việc bày tỏ thái độ ấy của những cựu chiến binh cộng sản lãnh đạo Đồng Tâm chỉ để cho bộ máy tuyên truyền của đảng dùng làm thuốc an thần cho hơn 90 triệu người dân khác là "dân vẫn luôn tin đảng".

Tuyên bố không truy tố và cách hành xử của Nguyễn Đức Chung đã được truyền thông lề đảng ôm chầm lấy để vinh danh một tên từng là trùm côn an đang nắm đầu Hà Nội là "người hùng", "bản lĩnh Nguyễn Đức Chung". Tuy nhiên "người hùng" không thể qua mặt "xếp lú". Và "xếp lú" không thể mặc kệ "người hùng". Do đó, việc Nguyễn Đức Chung có mặt tại Đồng Tâm vào ngày 7/7/2017 để nghe đám thanh tra của Lú tuyên bố đất này không phải là đất dân cày bừa mà là đất của quân đội làm giàu, và sẽ xử nghiêm những phần tử vi phạm... cho thấy "người hùng hứa hẹn" đã bị Trọng cho lọt xuống thành "thằng hèn sở khanh".

Cái ghế chủ tịch Hà Nội mà Nguyễn Đức Chung vừa gắn bù lon xuống sàn xi măng đang có nhiều kẻ lăm le dòm ngó và muốn biến Chung thành... quan oan mất ghế.

Quyết định Đồng Tâm không đến từ kết quả "thanh tra" Hà Nội. Nó là quyết định của tổng bí thư, của Ban thường vụ đảng ủy công an trung ương, của những tên quan béo phì trong quân đội. Bản báo cáo thanh tra về quyền sở hữu đất tại Đồng Tâm phải được chế biến, xào nấu cho nó hợp lòng toại ý với quyết định đã có trước từ Ba Đình.

Sau cùng, nếu người dân Đồng Tâm, nhất là những cựu chiến binh cộng sản dù có trở thành dân oan mất đất thì ít ra và may ra họ sẽ là những dân oan sáng mắt sáng lòng.

08.07.2017

Lại 88 và 258 - sự thật ở đâu?

Trần Thảo (Danlambao) - Trần Hoàng Phúc, một sinh viên sinh năm 1994, vừa mới bị an ninh Hà Nội bắt giam vì vi phạm cái gọi là điều 88 bộ luật hình sự. Điều 88 này cũng là điều mà an ninh Khánh Hòa đã gán cho Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và mới đây trong phiên tòa công khai giả hình ngày 29 tháng 6 năm 2017, VKS Khánh Hòa đã tuyên bản án 10 năm tù cho Mẹ Nấm. An ninh CSVN diễn giải rằng vi phạm điều 88 là vì đã tuyên truyền chống phá nhà nước.

Ngoài điều 88, còn có điều 258 mà an ninh CSVN vẫn thường dùng để chụp vào đầu những người có tư tưởng trái chiều với chế độ. Điều 258 được áp dụng khi chế độ cho là người dân lợi dụng tự do dân chủ để phát tán tài liệu, chống phá nhà nước.

Nhìn chung, những điều 88, 258,79 và một số điều khác của bộ luật hình sự CSVN hoàn toàn là có tính cách chung chung, chế độ CSVN muốn biến hóa diễn giải thế nào cũng được.

Trước hết tôi muốn bàn đến điều 88 mà an ninh Hà Nội vừa sử dụng để bắt giam người sinh viên trẻ nhiệt huyết Trần Hoàng Phúc. 

Trước 1975, cộng sản Bắc Việt vì muốn đẩy hàng hàng lớp lớp thanh niên vào lò lửa chiến tranh để thực hiện dã tâm xâm lăng, chiếm trọn miền Nam VN, chúng đã dựng lên những chuyện không bao giờ có. Một trong những tin tức xấu về miền nam VN được CS tuyên truyền, mà cho tới bây giờ, những người cuồng Hồ cuồng đảng vẫn còn tin tưởng, đó là chính phủ miền nam VN của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã lê máy chém đi khắp miền Nam để sát hại những người mà CSBV gọi là cách mạng, yêu nước v.v... Còn nhân dân miền nam VN xuất hiện trong những tài liệu tuyên truyền của CSBV là những người ốm đói, bị Mỹ Ngụy đày đọa, áp bức. Chính những tuyên truyền dối trá này mà hằng triệu thanh niên miền Bắc đã hăng hái vào Nam để thực hiện cái gọi là giải phóng đồng bào miền Nam ruột thịt khỏi bàn tay cai trị của "Mỹ-Ngụy". Thương thay những thế hệ thanh niên miền Bắc đã nhắm mắt tin theo những lời dối trá, hy sinh vô vàn máu xương cho những tham vọng tối tăm của lũ cầm quyền tại bắc bộ phủ.

Nhưng trong suốt gần nửa thế kỷ qua, những gì tệ hại, thê thảm mà chế độ CSVN đã gây ra cho đất nước này quả thật là không thể nào nói cho hết. Ngoài những kẻ bưng bô cho đảng, nhắm mắt tin theo những lời xảo biện dối trá của đảng, ngày nay ai cũng đã thấy cái mặt trái cực kỳ thô bỉ, phản dân hại nước của đảng CSVN. Những gì mà Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay Trần Hoàng Phúc tuyên bố trong thời gian qua toàn là những thực trạng của Việt Nam hiện nay, ai cũng thấy, ai cũng rõ, đâu cần phải nghe Mẹ Nấm hay Trần Hoàng Phúc tuyên bố mọi người mới biết.

Thế nên chụp vào đầu của Mẹ Nấm hay Trần Hoàng Phúc, hay rất nhiều người Việt Nam yêu nước khác cái tội tuyên truyền chống phá nhà nước là cực kỳ vô lý, cả vú lấp miệng em.

Còn điều 258 của bộ luật hình sự của CSVN lại càng thấy vô cùng mỉa mai. Cái gì mà LỢI DỤNG quyền TỰ DO DÂN CHỦ để phát tán tài liệu xuyên tạc, chống phá nhà nước?

Nếu người dân Việt Nam thực sự có cái quyền TỰ DO DÂN CHỦ như đảng CSVN tuyên truyền thì họ bắc đốc lên ngồi ở nhà hay ngủ khèo cho khỏe, can cớ gì họ phải đi kêu oan khắp miền đất nước, đói rách khó nhọc, còn bị côn an, an ninh đàn áp tàn bạo dã man? 

Chế độ tố cáo người dân Việt Nam ngày nay lợi dụng quyền tự do dân chủ để phát tán tài liệu chống phá nhà nước, nghe cũng giống như bạn đang khố rách áo ôm, không đồng xu dính túi mà có kẻ trách bạn sao dám xài hoang phí như thế, dám sắm xe mua nhà v.v... Nghe thật mỉa mai và cực kỳ quái đảng!

Nhưng chế độ CSVN có thấy những nghịch lý đang tồn đọng trong vô vàn sách lược, nghị quyết, điều luật của đảng hay không? Xin thưa họ thấy quá rõ đi chứ. Nhưng họ cứ nhập nhằng như thế, tùy ý diễn giải, biến hóa theo ý của họ như thế, có vậy chế độ mới có thể tùy hứng đứng trên luật pháp, cai trị bằng bạo lực, miễn sao có được cái hiệu quả cuối cùng, ấy là độc quyền lãnh đạo đất nước, kéo dài quyền và lợi của nhóm, của tập đoàn mãi mãi.

Như Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố: "Hiến pháp Việt Nam là văn kiện quan trọng bậc nhất, nhưng đứng sau cương lĩnh của đảng." Lời tuyên bố của tổng Trọng đã nói lên điều gì? Đó là không có gì đứng trên đảng, dù đó là dân tộc và đất nước. Bạn đã thông suốt ý của đảng chưa?

05.07.2017

Bộ Tài nguyên Môi trường nên đổi tên thành bọn Tàn phá Môi trường

CTV Danlambao - Việc nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được cấp phép nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận đang làm dư luận phẫn nộ trong những ngày qua. Điều đáng nói là ngày 23/6, Thứ trưởng Bộ Tài Môi là Nguyễn Linh Ngọc ký giấy phép chấp thuận việc nhận chìm bùn thải có hiệu lực từ ngày ký đến 31/10/2017. Hành động này bất chấp phản đối của dư luận cũng như bác bỏ những phân tích khoa học của các chuyên gia về lĩnh vực biển. Hoạt động nhận chìm bùn thải này được xem là một việc làm hết sức nguy hại đến môi trường và hệ sinh thái biển tại Bình Thuận.

Thời điểm tháng 11/2016, công ty nhiệt điện Vĩnh Tân đã trình đơn xin nhận chìm hơn 1 triệu m3 bùn thải xuống khu vực Hòn Cau, nằm cách đất liền khoảng 10km. Đây là 1 trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam với hệ sinh thái đa dạng. Ngoài ra Bình Thuận còn được xem là ngư trường gần bờ lớn nhất của Việt Nam. Với những yếu tố đó Hòn Cau được xem là một khu vực có giá trị lớn về mặt kinh tế cũng như về mặt hải dương học, tài nguyên và di sản quốc gia.

Việc Bộ Tài Môi chấp thuận cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm bùn thải xuống biển Bình Thuận chẳng khác nào việc tàn phá môi trường biển Việt Nam vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau thảm họa Formosa tại miền Trung. Thứ trưởng Bộ Tài Môi Nguyễn Linh Ngọc khẳng định: “khu vực đáy biển nhận xả thải chỉ có cát, không có các hệ sinh thái, sinh vật biển sinh sản cũng như các loại san hô hay cỏ biển. Nếu có thì Bộ không bao giờ cấp phép”. Ngoài ra Thứ trưởng Bộ TNMT cho biết “nếu có sự cố sẽ dừng ngay”.

TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang đã bày tỏ thái độ bất bình trước đánh giá của Thứ trưởng Bộ TNMT, ông cho rằng giải thích như thế là không khoa học. TS An nhận định: "Vì là khu vực động lực nước trồi nên nó luôn luôn xáo trộn. Động lực mạnh nhất là từ tháng 6 đến tháng 9. Họ chọn đúng vào thời điểm có động lực mạnh nhất để đổ thải xuống thì hoàn toàn không đúng. Tôi khẳng định về mặt khoa học việc cấp phép không có cơ sở nào cả”. Ông An cho rằng “lập luận của Thứ trưởng Bộ Tài Môi cũng giống như việc giao thông trên đường, thấy nguy cơ nhưng không cho xe dừng lại mà đợi đến khi tai nạn xảy ra mới dừng lại thì đã chậm rồi. Tại sao ta không dừng lại ngay từ bây giờ, xem xét thật kỹ rồi mới tiến hành”?

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam nhận định: “Chúng ta có luật nhưng luật không rõ ràng nên ai hiểu và vận dụng như thế nào cũng được. Chính vì vậy mà họ giải thích kiểu nào nghe cũng hợp lý. Cụ thể hoạt động nhận chìm sẽ gây tác động đến môi trường như thế nào thì báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) không nói mà chỉ chứng minh các vật chất đó không gây ô nhiễm là không đúng”.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi ngao ngán: "Nhận thức về độ sâu xả thải của ĐTM và Bộ TN-MT là chưa đúng. "Anh" đổ vào mùa yên tĩnh chẳng qua để cho nó an toàn cho chính phương tiện xả thải của các anh. Cứ xả ra như vậy thì với quy trình hiện nay không thể giám sát được".

Có thể thấy tình trạng môi trường của Việt Nam kể từ sau thảm họa biển chết tại 4 tỉnh miền Trung cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên nhà cầm quyền cộng sản dường như bất chấp tất cả, đánh đổi môi trường biển để tiếp tục “bảo kê” những tập đoàn kinh tế cùng những dự án tàn phá môi trường. Đời sống người dân từ Bắc chí Nam, nơi đâu cũng bị ảnh hưởng bởi tác động môi trường tồi tệ của những nhà máy hay khu công nghiệp gây nên. Những Formosa, Lee Man, Vĩnh Tân đang ngày đêm tàn phá môi trường từ trên cạn xuống đáy biển, tràn ra sông ngòi, bay vào không khí.

Tất cả những chất thải, khí thải của những công ty, tập đoàn này đang tàn phá sức khỏe, tàn phá môi trường sống của Việt Nam. Tuy nhiên những vấn nạn ấy vẫn không khủng khiếp bằng sự tàn phá đất nước bởi chính đảng cộng sản Việt nam. Một tập đoàn mafia đỏ với cách cai trị tàn ác với chính nhân dân bằng quyền lực, bằng khí tài của kẻ cướp chính quyền. Bè lũ mafia đỏ ấy lại vô cùng hèn hạ trước ngoại bang phương Bắc khi mặc nhiên để Trung cộng xâm lấn biển đảo cũng như tàn phá dân tộc Việt bằng những dự án khốn nạn mang danh lợi ích kinh tế.

08.07.2017

Nguyễn Đức Chung: Đất quốc phòng - cấm dân không được hỏi cùn để biết chúng nó dùng cho chuyện gì!

Nguyễn Hoàng Chương (Danlambao) - Chúng có đem giao cho Tàu khựa khai thác cũng không được hỏi. Có giao cho ngoại bang xây sân goft, khách sạn, nhà hàng hay ổ chứa cũng đừng băn khoăn. Có chia năm xẻ bảy cho vợ 1, vợ 2, vợ 3 cũng đừng thắc mắc... Vì "đất quốc phòng" thuộc về an ninh quốc gia và gia tài riêng của đảng.

Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Hà Nội đã phát ngôn tại sau buổi công bố dự thảo kết luận thanh tra về vấn đề đất đai tại Đồng Tâm và sáng ngày 7/7, được báo lề đảng thuật lại như sau: "người dân, luật sư, kể cả cá nhân ông cũng không được phép đòi hỏi đất quốc phòng sử dụng vào việc gì, vì sao bỏ không, vì điều này thuộc về an ninh quốc gia. “Dân biết, kẻ thù biết thì đất nước ta phòng thủ thế nào được”, “chúng ta đừng hỏi “cùn” để lý sự, che lấp âm mưu khác."

Điều đó có nghĩa là nếu ai đó ngu dại nghe theo lời mị của đảng "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" mớ đất quốc phòng cướp từ tay dân Đồng Tâm để làm gì thì coi chừng bị kết án là hỏi “cùn”, là lý sự, là che lấp âm mưu khác.

Chính xác ý của Nguyễn Đức Chung là đừng có che lấp việc vạch trần mưu đồ của đảng và quân đội lấy đất của dân, mượn danh nghĩa quốc phòng, an ninh quốc gia để kinh doanh làm giàu.

Đành rằng ở bất cứ quốc gia nào, có một số chương trình, kế hoạch, dự án quân đội là bí mật, nhưng điều đó không có nghĩa là yếu tố bí mật được đem ra áp dụng và cào bằng cho mọi hoạt động. Đó chỉ là thủ thuật gian xảo - dùng lý do bảo vệ 1 việc làm chính đáng để bao che cho 100 hành vi bất chính.

Riêng chuyện “Dân biết, kẻ thù biết thì đất nước ta phòng thủ thế nào được” thì nói thật với ông, ở đất nước này, dân chưa biết, đảng của ông chưa biết thì kẻ thù đã biết. Lý do là chính "kẻ thù" lại là những kẻ "lạ" vạch ra những cơ hội làm ăn, đề ra những dự án để chiếm cứ nước ta, gửi về Ba Đình cho đảng của ông theo đó mà vâng mệnh mà thi hành. Đó là chưa nói đến hiểm họa "kẻ thù" đang ngồi ngay ở Ba Đình, trong hàng ngũ thượng tầng của đảng các ông.

Và kẻ thù đó là ai thì chắc chắn ông và đảng của ông cương quyết nhất định không biết.

Sau cùng cần gì phải hỏi. Ai cũng biết các ông lấy đất của dân để kinh doanh làm giàu. Làm giàu như thế nào thì đủ cách. Từ nuôi lợn nuôi gà như các quan tham ở Yên Bái "thành khẩn" khai báo cho đến giao đất cho ngoại bang khai thác và biến thành những căn cứ chiến lược của chúng ngay trên đất VN. Kiểu nào các ông cũng không tha, cách nào các ông cũng không chừa. Miễn sao có tiền và phải nhiều tiền là ổn, đất nước "thành bình", quân đội cầm tiền thay súng, làm giàu thay vì bảo vệ biển đảo và dân thắc mắc "cùn" thì cứ việc... vào tù.

08.07.2017