Friday, October 5, 2018

Đầu ngõ có lò ung thư

VietTuSaiGon’s blog|

Theo thống kê của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, ước tính Việt Nam có khoảng 94.000 người chết vì ung thư/năm, tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam đứng thứ 78/172 quốc gia được điều tra. Bên cạnh đó vấn đề đáng lo ngại là số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một tăng nhanh. Nếu như năm 2000 Việt Nam có khoảng 69.000 ca ung thư thì năm 2015 lên đến 150.000 ca mới. Ước tính đến năm 2020 số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200.000 người. Như vậy, số ca ung thư tăng dần theo từng năm. Hiện mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư.
Theo các chuyên gia, số ca mắc ung thư tăng nhanh trong những năm gần đây do 3 nguyên nhân chính: Thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, tuổi thọ tăng, trong đó tác nhân thực phẩm không an toàn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%.
Vậy thực phẩm không an toàn tại Việt Nam có nguồn gốc từ đâu, ngoài các nguồn tự cung trong nước, một số ít nhập từ các nước khác trên thế giới thì không ai chối bỏ rằng, đa phần thực phẩm không an toàn tại Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hoặc nhập trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các hóa chất từ nước này mà nông dân, nhà buôn Việt Nam sử dụng cho thực phẩm tại Việt Nam.
Trong một công văn của Bộ Tài chính gửi Bộ Công thương về tình hình hoạt động các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, trong giai đoạn 2013 – 2018, chỉ tính riêng qua các cửa khẩu biên giới đất liền, Việt Nam đã nhập siêu lên tới 150 tỷ USD từ Trung Quốc. Đó là còn chưa tính đến hàng tỷ USD từ xuất nhập khẩu tiểu ngạch/lối mở biên giới, buôn lậu hàng hóa qua biên giới.
Cơ cấu xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn là cao su và các sản phẩm từ cao su, nông sản, gỗ ván bóc và một số mặt hàng khác. Trong khi đó, mặt hàng Việt Nam nhập từ Trung Quốc chủ yếu gồm máy móc thiết bị, điện năng, phân bón các loại, than cốc, nguyên liệu lá thuốc lá, trái cây tươi và một số mặt hàng khác.
Đi cùng với thói quen ăn nhậu của người Việt, Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ nội tạng gia súc lớn nhất thế giới với khoảng 288 tấn nội tạng được tiêu thụ mỗi tháng. Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2018 lượng phụ phẩm gia súc (heo, bò, trâu) sau giết mổ sống nhập khẩu là 22.831 tấn, trị giá hơn 23 triệu USD. Tính ra giá phụ phẩm gia súc nhập khẩu chỉ hơn 1 USD/kg và mỗi tháng người Việt tiêu thụ gần 4.000 tấn phụ phẩm gia súc các loại.
Thử hỏi ở đâu có nhiều quán nhậu hơn Việt Nam khi ra đầu ngõ đã gặp và gần đây, câu nói: “Đầu ngõ mới có lò ung thư” dường như đã thành câu cửa miệng khi nói về một quán nhậu mới mở.
Với thực phẩm, phụ gia giá rẻ chỉ bằng 1/4 đến 1/3 giá trong nước, phụ phẩm gia súc và nội tạng động vật ngoại nhập đang ngày càng lấn sân trong bàn nhậu bình dân Việt Nam, nói không ngoa đó là nơi có hơn 80% dân nhậu của Việt Nam ghé đến hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần và lượng quán nhậu cũng mọc lên tương xứng.
Những quán nhậu với các món đặc sản đồng quê như gà quê, cá lóc đồng, ếch mương… mọc lên nhan nhản với nguồn cung gà công nghiệp từ các trang trại, cá lóc nuôi với giá rẻ bằng 55 – 60% giá cá lóc đồng… Và đương nhiên được nuôi bằng bột tăng trọng của Trung Quốc. Người ta thi nhau đến quán nhậu để bàn về công việc, để hâm nóng tình cảm anh em, bạn bè, để tạo quan hệ… gần như mọi mục đích trong giao tiếp đều được mang đến quán nhậu để giải quyết và không biết tiến trình quan hệ đi đến đâu nhưng những mầm mống đầu tiên của ung thư được đưa vào cơ thể của mỗi khách nhậu: mồi nhậu bẩn, bia giả, gái hư, trai đểu… quán nhậu đều có thể đáp ứng.
Nhậu đóng một vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của Việt Nam, là một trong những cái lò ung thư của xã hội, giúp “thanh lọc xã hội” bằng cách châm ngòi các cuộc đánh nhau thậm chí tước đoạt tính mạng người khác chỉ vì chuyện không đâu, hay nói cách khác nhậu giúp nâng cao tỷ lệ “thọ tử”. Vậy nhưng vai trò của quán nhậu không chỉ dừng lại ở đó, quán nhậu còn là trong trong những nơi nhiều cương lĩnh, chính sách được thông qua một cách cực kì ngoạn mục: việc nhân sự xã giảm bớt, tích hợp quyền của bí thư xã và chủ tịch xã, những bài hát đoàn đội, hội ca… được lan truyền mà không gây mất đoàn kết nội bộ.
Và nhân nhậu, việc ông tổng bí thư được giới thiệu là nhân sự lên làm chủ tịch nước, việc các trang báo thi nhau dẫn lời ông này ông nọ rằng việc này là hợp lý, là chân lý, là bước tiến tất yếu trong quá trình phát triển của đảng cầm quyền cũng giống như Trung Quốc, Lào, Cuba… một lần nữa được mang ra làm mồi (cũng là một loại thực phẩm rất đậm ung thư chất).
Những khách nhậu dùng dĩa trưng mồi bằng các bài báo, bằng các ý kiến cá nhân, lý luận của anh khách nhậu, để đến một kết luận bàn nhậu mình nhiều mồi quá, tích hợp đủ mồi từ hải sản, lòng lợn nướng uống bia, cá nướng uống rượu gạo cho đến “tri đức nhân loại…. một lúc nào đó cũng ung thư thôi, thì đủ kiểu hóa chất độc hại vô người sao tránh khỏi.
Thôi thì bàn nhậu ung thư một, mồi bàn nhậu gây ra ung thư mười, mà mồi càng nhiều loại, càng trộn xàm cho phong phú thì càng gây ung thư… Có chăng mấy ông nhạc sĩ thích bưng bô có bài ca cho anh hùng trên bàn nhậu, cho cô chủ quán thống trị nhậu thôn, xã, phường, thành phố, quốc gia… Và các bác cứ a vô nhậu để nhanh thuộc ca khúc mới với những ca từ bất hủ thay thế cho “đêm qua em mơ gặp bác Hồ…”, có lẽ nay mai, người lớn sẽ lẩm nhẩm: “Sáng nay mong gặp bác T.”. Biết đâu đấy, một vài nghề cũ lại có dịp lên ngôi./.

Cơ hội cải tổ lại “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”

ng Đỗ Mười là người đầu tiên đưa ra khái niệm “nhà nước pháp quyền” vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Điều này “rập khuôn” TQ khi nước này đề xướng “quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa”, dựa vào pháp luật để trị nước (ỷ pháp trị quốc).
TQ “dò đá qua sông”, học hỏi kiến thức (khoa học kỹ thuật) Tây phương để “quang phục” đất nước. Dĩ nhiên TQ phải tổ chức lại nhà nước, quản lý nhà nước trên nền tảng “pháp luật” (chớ không bằng pháp lệnh như trước) để được thế giới chấp nhận là thành viên của WTO.
Mô hình nhà nước của TQ, về hình thức lấy hứng từ lý thuyết “pháp trị” của Hàn phi tử thời cổ đại Trung Hoa, vừa mô phỏng theo mô hình “l’Etat de Droit” của các nước Tây phương (Pháp và Đức) và “the Rule of Law” của Anh và Mỹ. Nhưng về bản chất của luật lệ, tức pháp chế, thì vẫn giữ nguyên tính “chuyên chế” của xã hội chủ nghĩa Mác Lê Nin.
Còn “nhà nước pháp quyền” của ông Đỗ Mười, từ “pháp quyền” lấy hứng từ hai câu vè lục bát “Bảy xin Hiến pháp ban hành – Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” tác giả là ông Hồ Chí Minh. Cụm từ “Nhà nước pháp quyền” lấy hứng từ “Etat de Droit” của Pháp và “Rechtsstaat” của Đức. Nhiều ký kết giữa VN và Pháp, VN và Đức về “hỗ trợ pháp lý” còn hiệu lực cho phép ta kết luận như vậy.
Có hai điều đã khiến chủ trương “xây dựng nhà nước pháp quyền” của ông Đỗ Mười áp dụng vào VN thất bại, hai thập niên sau nó đã trở thành một “dị tật” trong việc tổ chức và quản lý nhà nước.
1/ Tính “quyền biến” của pháp luật trong “nhà nước pháp quyền”
Nếu hiểu “nhà nước pháp quyền” theo ý nghĩa của “Rule of Law” : pháp luật là tối thượng. “Người lãnh đạo cũng phải tuân thủ luật pháp và phải cai trị bằng các công cụ pháp luật” và “không một cá nhân nào, dù là chủ tịch nước hay công dân, được đứng trên luật pháp”. Hoặc hiểu theo ý nghĩa “Etat de Droit”: Làm cái gì cũng theo luật lệ mà làm. “Người dân có quyền làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm nhưng người cầm quyền thì chỉ được phép làm những điều luật pháp qui định”. Thì các tính chất này không hề được thấy trong “nhà nước pháp quyền” của VN.
Hiến pháp VN qui định “đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” nhưng lại không có điều luật nào nói về trách nhiệm của đảng trước pháp luật. Hệ quả là, nếu đảng có vi phạm luật lệ, hoặc gây ra những tai hại ghê gớm cho đất nước và dân tộc, sẽ không có điều luật nào chế tài đảng hết cả. Đảng đứng trên và đứng ngoài pháp luật.
Với “ngoại lệ” đảng đứng trên và đứng ngoài pháp luật, “nhà nước pháp quyền” của VN không hề tương ứng với khái niệm “the Rule of Law”.
Hiến pháp cũng qui định đảng viên và các tổ chức của đảng phải hoạt động theo khuôn khổ của pháp luật. Nhưng trên thực tế đảng viên muốn làm gì thì làm. Nếu có gây tổn thất cho đất nước, cho dân tộc, các việc này có lợi cho đảng thì đảng viên không có tội gì cả. Các đảng viên phạm tội tham nhũng, mua quan bán chức, lạm dụng quyền lực… nếu đảng chưa có quyết định thì pháp luật không được đụng tới những người này. “Nhà nước pháp quyền” vì vậy cũng không hề tương đồng với khái niệm “l’Etat de Droit”.
Các nguyên tắc về “quyền” của người dân cũng chưa được đặt ra thành “khái niệm”, chứ đừng nói tới việc ra luật để bảo vệ. Trong khi bản chất “luật pháp” của “Etat de Droit” và “Rule of Law” là bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.
“Rule of Law” hoặc “Etat de Droit” là “bất biến”. Trong bất kỳ trường hợp nào nó cũng là “quốc pháp” và có giá trị “tối cao”.
Thực tế “nhà nước pháp quyền” của VN nhiều trường hợp “quốc pháp” lại không bằng “đảng pháp”.
Ta nhớ vụ các nữ giáo viên, ai có ngoại hình xinh đẹp thì bị ép đi làm tiếp viên, đi hát Karaoké với lãnh đạo cấp cao. Vụ này xảy ra ở Hà Tĩnh tháng 11 năm 2016. Đây là một hình thức “ma cô”, cưỡng ép tình dục”, lý ra người chủ trương phải bị trừng trị trước pháp luật. Nhưng chiếu theo “đảng pháp” thì đó là “nhiệm vụ chính trị” của các nữ giáo viên.
Người dân không biết phải “thượng tôn pháp luật” (Rule of Law) hay phải phục tùng “luật đảng” ?
Đây là một tiêu sản nặng nề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến cho nhà nước Việt Nam XHCN trở nên thối nát toàn diện. Luật không chi phối được đảng viên. Tệ nạn tham nhũng mua quan bán chức tràn lan ở nhân sự lãnh đạo cấp cao. Hệ quả “thượng bất chánh” đưa tới “hạ tắc loạn”, thể hiện qua sự hỗn loạn vô phương chữa trị trong giao thông ở các thành phố lớn, điển hình Hà Nội. Trong khi xã hội luân thường đạo lý đảo lộn, nạn gian lận, giả dối, bằng cấp giả, ăn cắp, ăn cướp, đĩ điếm, cờ bạc… lan tràn trong mọi ngõ ngách của xã hội. Không có luật, hay luật áp dụng không đúng mức, xã hội trở thành xã hội bán khai, mạnh được yếu thua.
2/ “Nhà nước pháp quyền” thành ra “pháp quyền”
Di sản “nhà nước pháp quyền” của ông Đỗ Mười còn trở thành một “tiêu sản” nặng nề cho nền học thuật nước nhà khi các “học giả” VN tự tiện tách rời “pháp quyền” ra khỏi “nhà nước”.
Tách “pháp quyền” ra khỏi “nhà nước”, tương tự tách “Droit” ra khỏi “Etat de Droit”. “Pháp quyền” có nghĩa đơn thuần là “pháp luật” (droit)!
Vấn đề là các học giả VN sử dụng “pháp quyền” như là một danh từ khái niệm chỉ cho “the Rule of Law”.
Chữ “quyền” trong Pháp quyền là gì ? Nếu ta đọc các tài liệu học tập của đảng về “nhà nước pháp quyền”, ta thấy không có sự thống nhất về ý nghĩa của chữ “quyền”. Lúc thì “quyền” có nghĩa là “quyền lực” (power – pouvoir), lúc có nghĩa là quyền trong nhân quyền “right – droit”, lúc thì có nghĩa như là pháp luật “law – droit”.
Vậy thì “nhà nước pháp quyền” phải dịch sang tiếng Pháp (hay tiếng Anh) ra sao ? Không lẽ là “Etat de Pouvoir” với “quyền” là “quyền lực”. Hoặc “Etat de Loi” với “Quyền” là “luật”. Hoặc “Etat de Droit” với “quyền” là “quyền” của “nhân quyền”.
Từ “pháp quyền” có ý nghĩa “linh động” làm cho ý nghĩa của “nhà nước pháp quyền” trở nên bất định.
Rốt cục “nhà nước pháp quyền” của VN đến nay không ai định nghĩa được. Định nghĩa cách nào cũng chỉ mà gán ép gượng gạo. Đây là sự phá sản toàn diện về mặt lý thuyết của “pháp quyền”.
Hệ quả là “quyền lực” chạy lung tung đến đỗi ông Trọng nhiều lần nói đến “cái lồng định chế” để nhốt nó.
3/ Những điều cần cải tổ
Từ thời “đổi mới” năm 1989 đến nay, VN bắt chước TQ từ việc “xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung quốc” cho tới việc xây dựng “quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa”. TQ thành công bao nhiêu thì VN thất bại bấy nhiêu. Đảng CSTQ tự hào “nuôi sống” 1 tỉ 400 triệu người dân TQ. Họ cũng tự hào làm cho 500 triệu người TQ trở nên giàu có. Trong khi VN thì cứ 9 người dân thì phải nuôi một đảng viên, cán bộ nhà nước.
Nguyên nhân do đâu? Dĩ nhiên là do cách thức tổ chức nhà nước mà việc xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia (quốc gia pháp trị – Etat de Droit) là cơ bản.
Ông Đỗ Mười vừa trút hơi thở cuối cùng. Trước đó Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng thành người thiên cổ. Vừa rồi còn có tin đồn “nhứt thể hóa” hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước. Từ nay tổng bí thư đảng kiêm nhiệm luôn chức chủ tịch nước. Thì đây là cơ hội ngàn vàng để sửa sai, cải tổ lại hệ thống pháp lý của nhà nước.
Việc này trở nên khẩn cấp, nếu ta hiểu được quyết tâm của Hoa Kỳ trừng phạt những nền “kinh tế không thị trường”, thông qua Hiệp ước USMCA mới ký giữa Mỹ – Mexico và Canada. Nội dung này cũng sẽ lập lại trong các hiệp ước giữa Hoa Kỳ-Nhật và Hoa Kỳ – Châu Âu.
TQ trở thành mục tiêu “cô lập” của Mỹ và các quốc gia đồng minh.
TQ và VN vẫn là các quốc gia “xã hội chủ nghĩa” với nền kinh tế tập trung (kinh tế chỉ huy, tư bản nhà nước). Sinh hoạt kinh tế của VN và TQ đã thay đổi nhiều mặt nhưng vẫn không phải là nền “kinh tế thị trường”. Pháp chế ở các nơi đây vẫn đậm đà bản chất “chuyên chính” của xã hội chủ nghĩa.
“Nhứt thể hóa”, nếu xảy ra, là dịp tốt để cải tổ lại “nhà nước pháp quyền”. Căn bản là tu chính lại Hiến pháp.
Điều 4 Hiến pháp phải thay đổi. Thứ nhứt, đảng CSVN không thể là lực lượng duy nhứt lãnh đạo nhà nước và xã hội. Thứ hai, các đảng phái sinh hoạt trong khuôn khổ luật pháp nhà nước. Thứ ba, những văn bản, nghị quyết, nội quy… của các đảng phái phải phù hợp với luật pháp quốc gia.
Nếu vẫn tiếp tục như hiện nay, “Đảng pháp” đứng trên “quốc pháp”. Pháp luật áp dụng bằng nhiều “vận tốc” khác nhau. VN sẽ là “đối tượng” sắp tới của Mỹ. Bởi vì với hệ thống luật như vậy VN không hề là một nền “kinh tế thị trường” đúng nghĩa./.

Vẫn là cái lưỡi không xương


JB. Nguyễn Hữu Vinh – RFA|

Xưa nay, việc người cộng sản dối trá nói xuôi, làm ngược là chuyện thiên hạ nói nhiều. Dẫn chứng về những về sự dối trá này được đưa ra trong đời sống xã hội Việt Nam nhiều vô kể.
Từ cấp trung ương, đến địa phương, từ miền thành thị đến thôn quê, từ miền xuôi đến miền ngược, ở đâu người ta cũng có thể chứng minh điều mà Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Liên xô Mikhail Gorbachev từng cay đắng rằng: “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng Cộng Sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Đảng Cộng Sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá.”
Hầu hết mọi lĩnh vực đời sống xã hội có thể phản ánh đầy đủ đặc tính chung của cộng sản nói trên, mà nó còn có những đặc tính riêng của CSVN trong từng thời điểm khác nhau kể từ khi cướp được chính quyền đến nay.
Chẳng cần nói nhắc lại những câu chung chung mà phải mất nhiều công tranh luận kiểu như: “Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân” hoặc “Cán bộ là đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân” hay “Công an nhân dân thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi”… mà ngày nay đã trở thành cửa miệng của nhiều người dân khi muốn nói lên sự hài hước của một chế độ. Người ta lấy ngay những câu nói liền với những hành động của lãnh đạo cao cấp nhất hiện nay để chứng minh dễ dàng.
Bởi vì, những chứng minh rõ ràng nhất, những lời nói có mức độ khả tín nhất và thiết thực nhất về sự dối trá vẫn bắt đầu từ miệng lưỡi của những người Cộng sản là lãnh đạo cao nhất của Việt Nam.
Mới đây, khi Trần Đại Quang, chủ tịch nước vừa nằm xuống với muôn lời bàn tán chưa ngã ngũ, đọng lại trong lòng dân chúng nhiều chuyện thật như bịa và những lời đồn đoán khá uất ức và cay nghiệt, thì Hà Nội đã tập trung nhau để hợp thức cái ghế mà Trần Đại Quang đã phải bỏ dở nửa chừng để “Đi theo cụ Các Mác, cụ Lenin” như lời Hồ Chí Minh đã hướng dẫn.
Mọi diễn đàn mạng ồn ào bàn tán về chủ đề: Ai sẽ thay Trần Đại Quang lên làm chủ tịch nước?
Dư luận xã hội bùng lên hai luồng ý kiến: Một là Nguyễn Phú Trọng sẽ chiếm luôn cái ghế đó để trở thành Hoàng thượng duy nhất trên chính trường Việt Nam. Hai là sẽ bầu lên một người mới để giữ cái ghế của Trần Đại Quang phải bỏ lại.
Để tranh cãi, biện luận cho ý kiến của mình được chắc chắn, cả hai phe đều đưa ra những luận cứ nghe rất “thuyết phục”.
Cuộc tranh luận nảy lửa
Tại một quán bia chiều mùa thu ở Hà Nội đầu tháng 10, một đám đông đang uống bia hơi rất đông đúc. Cái nhóm này hình thành mới chỉ chục hôm nay thôi, kể từ khi nghe tin buồn chủ tịch nước từ trần.
Chiều nay, cả đám đang ồn ào để như chợ vỡ vì tranh cãi về vấn đề này.
Một người cởi trần, to béo đang mặt mũi đỏ gay gắt, nắm tay đấm xuống bàn. Anh ta đại diện cho phe thứ nhất lý luận rằng:
–  Thôi, thì đằng nào chẳng là thằng độc tài, Nguyễn Phú Trọng xưa nay chỉ là Tổng bí thư Đảng, chẳng có quy định luật pháp, hiến pháp nào cho phép Nguyễn Phú Trọng và cái đảng của lão ta được đứng trên tất cả dân tộc và đất nước. Đảng lão ta chỉ là một cái đảng và lão ta chỉ là đảng trưởng mà thôi.
Thế nhưng, trên thực tế lão ta đã chẳng là chúa tể ở chính trường Việt Nam đấy thôi. Lão ta muốn gì là được nấy, muốn thay đổi Hiến pháp thì Quốc hội phải thay, muốn sửa luật thì Quốc hội phải sửa, muốn làm bạn với ai thì Chủ tịch nước phải đón tiếp, muốn làm Dự án nào cho đúng “Chủ trương lớn của Đảng” thì chính phủ cứ phải nghe mà triển khai. Và những ngày gần đây, lão muốn đốt lò, nướng củi thằng nào là nướng, miễn là không phải củi nhà lão.
Thế nên, bây giờ nhân cơ hội này, để lão ta giữ luôn cái ghế chủ tịch nước cho gọn. Bởi thực tế mà nói thì cái chân Chủ tịch nước là chân hữu danh, vô thực, với quốc dân đồng bào thì có cũng được, không cũng chẳng sao. Bằng chứng là lão ta đi Nhật chữa bệnh đến tận 6 lần trước khi chết, mà đất nước có khi nào kêu thiếu Chủ tịch nước đâu.
Rồi mai kia, nếu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại “nhiễm virus lạ” mà đi theo Trần Đại Quang, thì cũng để lão ta kiêm luôn Quốc Hội. Kế đến nếu Nguyễn Xuân Phúc cũng được ân huệ mà bị “bệnh lạ mà thế giới không chữa được” thì để lão giữ luôn các cái chức đó luôn.
Bởi vì, làm như thế là rất tiện lợi, tiện cả nhiều đường chứ không phải chỉ đôi đường đâu nhé. Nào là đỡ các bộ, ban, ngành lỉnh kỉnh với văn phòng Chủ tịch nước, văn phòng Quốc hội, Văn phòng Thủ tướng, mặc dù đã có văn phòng Trung ương Đảng.
Thế rồi cũng đỡ cả bộ máy cồng kềnh nào là Quốc hội, Chính Phủ, Cơ quan Chính quyền… lằng nhằng cho mất thời gian và nhất là tốn công, vô ích. Bởi vì cái đám đó lăng nhăng vậy tốn cơm nuôi và tiền của thôi chứ chẳng có tác dụng gì cho đời. Nhất là cái đám Quốc hội ấy, cứ đảng bảo gật thì bố chúng bảo chúng cũng không dám cưỡng lại một câu.
Mà các ông có biết đám ấy tiêu bao nhiêu tiền không? Năm 2013, nghĩa là cách đây hơn 5 năm nhé, thời giá chưa trượt như bây giờ nhé. Mỗi ngày Quốc hội đã ngốn mất 1 tỷ đồng tiền thuế của dân, vậy như năm nay biết là bao nhiêu?
Mà đó là mới chỉ tính có 500 anh em Quốc hội thôi nhé, còn cơ quan Chính phủ, Cơ quan Mặt Trận, Các Đoàn, hội mà nhà nước nuôi báo cô… cơ man nào là tiền dân.
Thế nhưng tất cả những người ngồi ở các cơ quan đó, chỉ cần tập trung họp Đảng là đã có đầy đủ những gương mặt họ.
Thế thì cần gì bày vẽ cho tốn kém.
Mà tôi nói thật là các ông chưa biết đâu nhé, ít nhất gộp lại như thế, thì hiện tại và về lâu dài, đất nước ta đỡ tốn một đống Quốc tang. Nghĩa là số Quốc tang sẽ giảm đi ¾. Lại cơ man nào là tiền của, đất đai của dân. Cứ xem Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, rồi giờ Đỗ Mười đấy thì biết lấy đâu ra đất mà chôn hết đám ấy?
Thế nên, theo tôi là cứ nhất thể hóa toàn bộ từ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ đều nên giao cho Tổng bí thư làm là ngon nhất và hợp lý nhất.
Mà tôi nói thật với các ông nhé, bây giờ đang là phe nhóm, là độc trị, thì tôi cá với các anh là lão Trọng nhả cái ghế kia ra thì cứ đầu tôi mà chém.
Coi chừng lập luận của anh ta khá vững chắc, nhưng nhóm thứ hai không dễ dàng chấp nhận. Một người nhìn ra vẻ trí thức, quần áo chỉnh tề, trời chưa lạnh nhưng anh ta đeo cái mũ sùm sụp, mắt đeo đôi kính nặng độ nhỏ nhẹ nói:
– Anh nói nghe có vẻ có lý. Có điều là không ổn lắm ở chỗ này. Nếu ông Trọng kiêm nhiệm luôn như thế chẳng ngượng lắm à? Ai lại người quân tử nói hai lời bao giờ. Chẳng phải chính ông ấy nói rằng: “Bí thư kiêm luôn chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông” đấy thôi. Mà ông ta nói giữa thanh thiên bạch nhật, giữa các cử tri của ông ta hẳn hoi chứ không phải chỉ là câu an ủi vợ ông ấy trong bếp. Thế nên tôi vẫn nghĩ ông ấy chẳng đi muối mặt để nhận cái ghế ấy.
Mặt khác, đang trong dân có lời đồn rằng ông ta đã dùng bàn tay lạ để gieo virus lạ dẫn đến căn bệnh lạ cho chủ tịch nước. Vậy thì hành động này của ông ta chẳng làm cho thiên hạ vốn đã nghi, nay lại thêm ngờ sao? Mà ông biết rồi đấy, lời đồn trong thiên hạ, nhiều khi độc hơn cả gió độc, không khéo lại còn độc hơn chất độc màu da cam ấy chứ lại. Nguyễn Du chẳng đã từng nói:
Đường đường phương diện Quốc gia
Quan trên trông xuống, người ta trông vào…
Chợt một tiếng cười rất sảng khoái rõ to vang lên, một người khác cướp lời:
– Trời ạ, đến giờ mà ông còn nhắc đến chuyện quân tử với lại sĩ diện thì ông từ hành tinh khác xuống à? Ông có nhớ lão Trọng, cũng chính lão Trọng chứ ai, khi tiếp tục trụ lại làm Tổng bí thư thành công, ông ấy đã từng nói: “Đấy là cái bất ngờ. Bất ngờ vì tuổi tôi đã cao, có lẽ trong các vị lãnh đạo tuổi tôi là cao nhất. Sức khỏe, trình độ cũng có hạn và tôi cũng đã xin nghỉ rồi nhưng trách nhiệm của Đảng giao thì chúng tôi với tư cách là đảng viên phải chấp hành”.
Ông có biết là để ở lại trụ cái chân ấy, chính ông ta ra quyết định trong đảng là phải có “trường hợp đặc biệt” không tính tuổi tác cho ông ta không? Rồi phe phái đánh nhau cả bao cuộc mới ra kết quả, thế mà ông ta cũng bất ngờ? Có mà dân bất ngờ vì cái miệng ông ta mà dám nói ra những câu như thế không biết ngượng là gì ấy chứ”.
Nhưng, tôi tin ông ta sẽ chiếm luôn chân Chủ tịch nước kỳ này. Bởi vì gần đây ông ta nói: “Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông?… Hiện Đảng đã đổi mới rất nhiều, dân chủ và lắng nghe ý kiến của nhân dân”.
Đấy, nghe rõ chưa, tôi khẳng định là vì trước đến nay, Cộng sản chỉ biết nói xuôi, làm ngược mà thôi. Tôi tin là những cái ông ta nói, sẽ không bao giờ tồn tại ở đây, kể cả cái dân chủ, hạnh phúc, độc lập, tự do cái con khỉ gì đó mà nhà ông hay nói đến ấy.
Ông không nghe câu nói người xưa đã dạy cho người đời nay là:
Lưỡi không xương, trăm đường lắt léo
L. không vành, nó méo tứ tung.
Miệng lười người cộng sản cũng vậy đấy ông ạ. Chẳng bao giờ có đâu, ngồi mà “mơ nước Nga” nhéThôi, giải tán đi.
Đám đông giải tán, trời đã chiều khá muộn, ngoài kia, Hồ Tây đã giăng sương mờ./.

Niềm tự hào của Vingroup!

Cựu danh thủ bóng tròn Anh Quốc David Beckham và Hoa hậu Trần Tiểu Vy quảng cáo cho chiếc xe của VinFast. Ảnh: Getty Images Europe
Phạm Minh Hoàng – Web Việt Tân
Sự kiện ra mắt VinFast tại triển lãm Paris Motor Show 2018 được tổ chức rầm rộ, kèm theo đó là một chiến dịch truyền thông đắt đỏ đã khiến mạng xã hội tràn ngập các thông tin. Đó là chưa kể các trang báo quốc tế cũng “vào cuộc” đưa tin. Thông điệp: “tự hào quá Việt Nam ơi” lại được dịp vang lên trong khi đó nhiều người mỉa mai về “niềm tự hào của Việt Nam” được cấu tạo gồm:
– Bộ phận máy: Hãng BMW làm.
– Thiết kế: Ý làm.
– Nội thất: Mỹ và Nhật làm.
– Công nghệ ECU do Bosch làm.
– Hộp số do ZF làm.
– Sơn của Duzz.
– Thân, vỏ xe do Công ty Aapico Hitech của Thái Lan làm.
– Đại diện truyền thông do David Beckham làm.
Có vẻ như chỉ có cô Hoa hậu Trần Tiểu Vy và cái lá cờ đỏ sao vàng là “made in Việt Nam”.
Thực tình mà nói, với tất cả những thứ “ngoại lai” như vậy, Việt Nam vẫn có thể công khai sản xuất và có quyền gọi đó là sản phẩm của mình.
Việt Nam đã từng phóng (đúng ra là nhờ Ariane Espace phóng) các vệ tinh viễn thông và gọi đó là vệ tinh của mình, cho dù 101% nó là đồ của nước ngoài; đơn thuần là Việt Nam đã bỏ tiền ra mua nó và họ có quyền gọi nó là như thế. Chuyện này cũng tương tự như chiếc Angkor của Kampuchia. Nhưng cũng phải công nhận rằng gọi đó là VinFast với hoàn toàn đồ ngoại thì cũng hơi “sống sượng” thật.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn cả là Vingroup (cha đẻ của VinFast) có thể bán sản phẩm của mình hay không?
Theo những gì thông báo thì nhà sản xuất dự trù cho ra 250 ngàn chiếc/năm và nhắm vào thị trưởng nội địa và thị trường ASEAN. Để làm được điều này họ đã đầu tư một nhà máy hiện đại ở Cát Hải trên đảo Cát Bà với tổng diện tích 350 mẫu, gần gấp 3 lần nhà máy (lắp ráp) Mercedes ở Củ Chi, và trị giá 3,5 tỉ USD.
Hiện nay, mức tiêu thụ trong nước là 300 ngàn ô-tô/năm. Cứ cho là Vingroup chỉ nhắm tiêu thụ 1/3 nghĩa là 80 ngàn chiếc trong nước, thì mức này cũng tương đối cao vì với sản phẩm nhập nguyên xi  như đã nói ở trên thì mức giá phải xấp xỉ 1,2 tỷ/chiếc (khoảng 52.000 USD), một mức giá tương đối cao so với thu nhập bình quân ở Việt Nam. Trong khi đó với mức thuế nhập khẩu “nguyên con” bằng zero, một chiếc Toyota Yaris nhập nguyên chiếc từ Thái Lan kể từ đầu tháng 8/2018 chỉ còn 540 triệu!
Trong nước, người dân vốn đánh giá rất thấp trình độ và tay nghề nội địa. Một nhà sản xuất trong nước cho biết cứ đem so sánh chiếc Honda Air Blade để thấy rằng cho dù cùng công nghệ và sản phẩm, nhưng chiếc sản xuất tại Thái Lan vẫn ăn đứt chiếc sản xuất tại Việt Nam.
Với “truyền thống sính hàng ngoại” của dân mình (mà họ cũng có lý), thì có lẽ Vingroup đang lạc quan vào lòng “tự hào” của người dân trước sản phẩm của mình? Tôi nghĩ chẳng một nhà đầu tư nào trên thế giới lại đặt cược kết quả kinh doanh của mình vào lòng tự hào dân tộc cả, đó là chưa kể việc kêu gọi mua sản phẩm của mình và từ khước hàng ngoại rõ ràng là đi ngược lại xu hướng thương mại toàn cầu, vốn chỉ căn cứ vào chất lượng của sản phẩm.
Chưa hết, một trong những nghịch lý của Vingroup là tiến đến mục tiêu nội địa hóa 60% xe VinFast vào năm 2025. Hiện nay, mức cao nhất là của Toyota cũng chỉ 37% sau bao năm lắp ráp tại Việt Nam. Tôi đã từng dẫn sinh viên đi thăm nhà máy SAMCO sản xuất xe buýt ở Củ Chi. Chúng ta nhập nguyên con mô tơ và các máy móc. Cơ xưởng chỉ biết gò hàn khung xe và ghế ngồi, vốn dĩ là những gì mang hàm lượng công nghệ rất thấp. Cứ cho là trong tương lai xe điện sẽ chiếm thị phần nhưng có gì đảm bảo khi cả nước chẳng có một công trình nghiên cứu về lãnh vực này. Nói tóm lại, phần lớn chỉ là những con số lý thuyết.
Vậy dựa vào yếu tố nào mà Vingroup lại đổ 3,5 tỷ USD để bước vào một cuộc phiêu lưu như thế? Hiện nay các trang mạng xã hội đang chú tâm vào vị trí Vingroup xây nhà máy lắp ráp ở Cát Hải. Theo tin của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam thì Vingroup đã “đoán trước” được sự phát triển của hạ tầng cơ sở của Cát Hải xưa nay chỉ là một làng chài nghèo, và với sự gia tăng giá đất, chắc chắn Vingroup sẽ  nốt được một khối tiền kếch xù khi dựa vào Luật Đất đai để thu hồi đất với giá rẻ. Và chuyện này chỉ có thể thực hiện được khi có sự tiếp tay của nhà nước.
Một vài nguồn tin lại có những nghi ngờ lớn lao hơn khi cho rằng việc đầu tư vào nhà máy lắp ráp chỉ là “phần ngọn”. Phần “gốc” của vấn đề nằm ở chỗ Cát Hải là cảng nước sâu và trong tương lai sẽ thành điểm kết nối trong “1 vành đai, 1 con đường” của anh Tập. Nhưng chuyện này xin dành cho tương lai.
Quay lại với hiện tại, trong chúng ta ai cũng mong có một sản phẩm nào để “nở mày nở mặt” với thiên hạ, nhưng tôi thiết nghĩ chúng ta nên tập trung vào các sản phẩm ít bị lệ thuộc vào nước ngoài cũng như thích hợp với khả năng mua sắm của đại đa số người dân, và đặc biệt là không vin vào bất cứ phương tiện pháp luật nào để tước đi quyền sống và sinh hoạt của người khác.
Và đó lại chính là những gì Vingroup đang đi ngược lại.
Phạm Minh Hoàng

Chuyện lớn và chuyện nhỏ

Theo VOA-Trân Văn/05/10/2018 
Khu đất 32,4 hecta Quốc Cường Gia Lai mua từ Cty Tân Thuận thuộc Thành ủy TP.HCM
Đã và đang có những khác biệt trong cách định tính, định lượng giữa Việt Nam với thiên hạ và giữa giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam với dân chúng về “lớn” và “nhỏ”…
***
Bộ Tài chính vừa công bố quyết định bổ nhiệm ông Dương Phú Đông làm Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hà Nội (1).
Ông Đông là một người từng… nổi như cồn. Năm 2016, lúc xảy ra scandal Công ty Euro Auto làm giả hóa đơn, chứng từ để trốn đủ loại thuế, phí khi nhập cảng 133 chiếc xe nhãn hiệu BMW vào Việt Nam, ông Đông – khi đó là Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan của Tổng cục Hải quan - từng bị đình chỉ công tác để kiểm điểm xem hải quan có thông đồng với Euro Auto, giúp công ty này trốn 6,5 tỉ đồng thuế nhập cảng hay không.
Sau nửa năm khởi tố vụ buôn lậu xảy ra tại Euro Auto, công an Việt Nam đã tống giam ba người là lãnh đạo, nhân viên của công ty này nhưng từ tháng 4 năm 2017 đến nay, vụ án vẫn còn nằm trong tay các cơ quan tiến hành tố tụng, chưa được xét xử (2).
Hai năm đủ để hóa bùn nhiều thứ, kể cả trách nhiệm của những viên chức hải quan có liên quan đến vụ buôn lậu và giờ, Bộ Tài chính quyết định giao cho ông Đông trọng trách mới.
Trong scandal vừa đề cập, ông Đông từng phân bua với báo giới: Ông giao cho thuộc cấp ký tất cả các loại giấy tờ khiến người ta nghi ngờ có sự thông đồng giữa hải quan với Euro Auto chứ không ký gì cả, chuyện bị đình chỉ công tác chỉ nhằm giúp người đứng đầu có điều kiện để kiểm điểm trách nhiệm của mình và xem xét – xử lý kỷ luật thuộc cấp mà thôi (3).
Cho dù truy cứu trách nhiệm người đứng đầu vẫn được xem là nguyên tắc xử lý các sai sót, vi phạm pháp luật nhưng điều đó luôn được xem là chuyện… “nhỏ”, thành ra lưu dụng, thậm chí tái bổ nhiệm những người như ông Đông vào các vị trí cao hơn, quyền hạn lớn hơn, trách nhiệm nặng nề hơn là bình thường. Quy hoạch – sắp đặt một số cá nhân vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền mới là chuyện… “lớn”, còn những cá nhân đó có đủ tư cách, đủ năng lực hay không là chuyện… “nhỏ”.
Bởi có sự khác biệt trong quan niệm về chuyện… “nhỏ” - chuyện… “lớn”, nên hiện trạng vài trăm ngàn thanh niên tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp cao học không tìm được việc làm trở thành chuyện… “nhỏ” cả trong mắt Bộ trưởng Giáo dục (4) lẫn lãnh đạo chính phủ (5). Do hàng triệu cá nhân có học vấn cao thất nghiệp hoặc không được làm những công việc mà họ từng dốc sức học hành bị xem là “nhỏ”, thành ra sinh lực, mồ hôi, nước mắt, tài sản của hàng chục triệu gia đình đã dồn vào đường học vấn, giúp con em mình đi tới đích, trở thành vô nghĩa, cũng bị cho là “nhỏ”.
Với thiên hạ, học vấn và nỗ lực vươn lên không ngưng nghỉ là chuyện… “lớn” vì nó giúp người ta thoát khỏi đói nghèo. Ở Việt Nam, chúng là chuyện… “nhỏ”. Muốn hoán cải số phận phải được “quy hoạch”. Được “quy hoạch” mới là chuyện… “lớn” vì nó vừa giúp đương sự có mọi thứ, kể cả học vị, học hàm, vừa giúp gia đình, gia tộc đương sự rỡ ràng, trong một số trường hợp, ở một số vị trí, được “quy hoạch” còn đồng nghĩa với tạo điều kiện cho cả gia đình, gia tộc “lưu danh thiên cổ” qua các nhà thờ tộc, nhà thờ tổ, lăng tẩm nguy nga.
***
Thành ủy TP.HCM cũng vừa công bố một số quyết định liên quan đến bổ nhiệm, sắp đặt nhân sự của cơ quan này. Theo đó, bà Thái Thị Bích Liên, Thành ủy viên đang đảm nhiệm vai trò Chánh Văn phòng của Thành ủy TP.HCM được điều chuyển làm Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng. Giống như ông Đông, bà Liên cũng từng… nổi như cồn.
Cách nay nửa năm, báo giới phát giác Công ty Quốc Cường Gia Lai chỉ phải trả 419 tỉ đồng để được “quyền sử dụng” 34,2 héc ta đất mà giá trị được cho là tới 2.400 tỉ đồng. Sở dĩ Công ty Quốc Cường Gia Lai lời chừng… 2.000 tỉ đồng trong thương vụ vừa kể vì Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chịu bán… rẻ. Lý do Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận bán đất với giá rẻ như cho, vì Thành ủy TP.HCM – chủ quản của doanh nghiệp này - chỉ muốn như vậy.
Chuyện vỡ lở, Thành ủy TP.HCM ra lệnh cho Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 34,2 héc ta ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai (7). Dù chuyện mua – bán đã hoàn tất và thương vụ tạo ra khoản lời cỡ… 2.000 tỉ, tuy Thành ủy TP.HCM chỉ là đại diện cho một tổ chức chính trị (Đảng CSVN) ở Sài Gòn, thành ra về nguyên tắc, không những không thể mà còn không được phép can dự vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, xâm hại quyền tự do kinh doanh nhưng đáng ngạc nhiên là Công ty Quốc Cường – Gia Lai đồng ý trả lại đất, nhận lại tiền mà không thắc mắc, khiếu nại gì cả!
Có thể nhờ vậy mà bà Thái Thị Bạch Liên – Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM, nơi thay mặt Thành ủy TP.HCM truyền đạt các chỉ đạo, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp của Thành ủy TP.HCM chỉ bị… khiển trách (8). Vụ công quỹ suýt mất 2000 tỉ là chuyện… “nhỏ” vì Thành ủy TP.HCM đã hóa giải được hậu quả nghiêm trọng. Qua báo giới, bà Võ Thị Dung – Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM - nhắn nhủ công chúng, đừng xem việc điều chuyển bà Liên từ vị trí Chánh Văn phòng sang làm Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng của Thành ủy TP.HCM là một hình thức kỷ luật. Sở dĩ Thành ủy TP.HCM điều chuyển bà Liên vì Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng là Đảng bộ lớn, có nhiều Đảng viên là cán bộ chủ chốt của TP.HCM, thành ra cần kinh nghiệm và năng lực của bà Liên để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng (9). Đó mới là chuyện… “lớn”!
***
Đang có vài chuyện còn lớn hơn nữa! Ví dụ sau Hội nghị Trung ương 8 của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) Đảng CSVN khóa 12, giới lãnh đạo Đảng CSVN sẽ ban hành… “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”, theo đó, cán bộ, đảng viên sẽ luôn xem lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng, sẽ hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sẽ hy sinh lợi ích cá nhân, lấy sự hài lòng, ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu (10)…
Nhìn một cách tổng quát, Hội nghị Trung ương 8 của BCH TƯ Đảng CSVN khóa 12 đang diễn ra tại Hà Nội hứa hẹn nhiều chuyện… “lớn” lắm… Chẳng hạn, Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TƯ Đảng CSVN sẽ chủ động từ chức nếu không đủ uy tín, không hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Đó rõ ràng là chuyện… “lớn”. Còn dựa vào đâu để xác định là đủ uy tín, là hoàn thành nhiệm vụ sẽ là chuyện… “nhỏ”.
Những viên chức thường thường như bà Liên, sau những vụ như chuyển nhượng đất cho Công ty Quốc Cường – Gia Lai, suýt làm công quỹ mất toi 2.000 tỉ đồng mà vẫn được xem là đủ uy tín, hoàn thành nhiệm vụ, được tín nhiệm để tiếp tục phụ trách việc “nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng” thì sẽ có những Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TƯ Đảng CSVN bị xem là thiếu uy tín, không hoàn thành nhiệm vụ chính trị?
Năm ngoái, từng có nhiều chuyện… “lớn” khác. Ví dụ Bộ Chính trị tuyên bố sẽ không có vùng cấm trong việc kiểm tra, giám sát tài sản. Sẽ kiểm tra, giám sát cả tài sản của các Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư và hàng ngàn cán bộ, đảng viên do hai cơ quan này quản lý (11). Đó rõ ràng là chuyện… “lớn”. Còn công bố các tờ khai tài sản cho “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” thì là chuyện… “nhỏ” nên không cần làm và trên thực tế, Tổng Bí thư Đảng CSVN đã chính thức khẳng định không làm vì “nhạy cảm” (12).
***
Dẫu cho những vấn đề dẫn tới bất đồng trong lượng định “lớn” – “nhỏ” giữa giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam với dân chúng càng ngày càng nhiều nhưng nhìn chung, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn rất giỏi trong việc tạo ra các chuyện… “lớn” để thiên hạ bàn luận, quên những chuyện… “nhỏ” dù cuộc sống, tương lai của họ gắn chặt với những chuyện… “nhỏ”!
Chú thích

“Bồ tát” cộng sản

Theo VOA-Trân Văn/05/10/2018 
Ông Đỗ Mười, cựu Tổng Bí thư Đảng CSVN
Ông Đỗ Mười, cựu Tổng Bí thư Đảng CSVN 
Tuy không phải là Chủ tịch Nhà nước như ông Trần Đại Quang nhưng vì ông Đỗ Mười từng là Tổng Bí thư Đảng CSVN nên “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” Việt Nam lại phải tiếp tục để tang một cá nhân được mặc định như “quốc phụ” nữa!
Tuần trước, nhiều facebooker tại Việt Nam đã chuyền cho nhau bài viết của ông Hồ Anh Hải, đăng trên website Nghiên Cứu Quốc tế (1), kể chuyện thiên hạ tổ chức “quốc tang” cho những ai, như thế nào. So với thiên hạ, việc Việt Nam dùng luật để đặt định “quốc tang” rõ ràng là phi lý, lãng phí, chưa kể hết sức nguy hại cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trong việc thu phục nhân tâm.
Giống như tuần trước, sự kiện thêm một “quốc phụ” lìa đời thuộc loại “nhiều triệu người vui, rất ít người buồn”. Có facebooker như Lệ Cam Trần tâm sự: Con hỏi, sao “tin buồn” mà nhiều người thả mặt cười vậy mẹ? Mẹ “đơ” luôn. Sáng giờ ai thả mặt cười thì giải thích cho bé đi (2)! Cũng đã có những facebooker như Nguyễn Thiện cảnh báo, chuyện lại có thêm hai ngày “quốc tang” gây thêm thiệt hại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giải trí. Nguyễn Thiện đề nghị giới làm luật nên đưa “quốc tang” vào nhóm “sự kiện bất khả kháng” để giải trừ trách nhiệm cho doanh nghiệp khi không thể thực hiện hợp đồng đã ký (3).
Phiền toái của “quốc tang” nối tiếp “quốc tang”, khiến sinh hoạt xã hội xáo trộn, công quỹ phải chi thêm những khoản không nhỏ chút nào là lý do để ông Phạm Hoài Nhân ngồi tính xem còn bao nhiêu “quốc tang”. Theo đó thì tới giờ còn năm Chủ tịch Quốc hội, bốn Chủ tịch Nhà nước (chưa kể người sắp được bầu thay ông Quang), ba Tổng Bí thư, hai Thủ tướng chưa nghỉ thở, tựu chung là sẽ “còn tới… 14 cái quốc tang nữa”. Tuy nhiên trong số vừa kể có một số người từng giữ chức vụ này (ví dụ như Chủ tịch Quốc hội) rồi sau đó giữ thêm chức vụ khác (ví dụ như Tổng Bí thư), nếu đảm nhiệm thêm chức vụ khác (ví dụ như Chủ tịch Nhà nước) và do các chức vị ấy cùng thuộc “ diện” phải làm “quốc tang” nên ông Nhân báo hỉ, thay vì ba, sẽ chỉ cần làm một “quốc tang”. Rõ ràng “ba trong một” đỡ mất thời gian và đỡ tốn tiền (4)!
***
Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không tổ chức “quốc tang” cho ông Trần Đại Quang, ông Quang đừng chuẩn bị lăng để táng mình thì tuần trước, chắc chẳng có bao nhiêu người bình phẩm về “thân thế - sự nghiệp” của ông. Tuần này cũng vậy, điểm khiến thiên hạ nhớ - kể - nhắc với hậu sinh một cách tường tận ông Đỗ Mười đã gieo họa cho quốc gia, dân tộc thế nào. Rất nhiều facebooker như Trần Hồng Tiệm nhấn mạnh đến những “Di sản của Đỗ Mười” mà người Việt sẽ không bao giờ quên. Đó là “Hội nghị Thành Đô” mà ông Nguyễn Cơ Thạch – Ngoại trưởng Việt Nam thời đó từng cảnh báo là “mở ra thời kỳ Bắc thuộc mới” và “cải tạo công thương”. Cho dù Đỗ Mười không phải là thủ phạm duy nhất nhưng Đỗ Mười không thể rũ bỏ được trách nhiệm (5). Tương tự, Nguyễn Đức Long nhận định, Đỗ Mười là một trong những người “khai sáng ra nghề đặt trạm” trên toàn Việt Nam vào thời kỳ ngăn sông cấm chợ. Một thứ ác mộng mà dân gian đặt thành vè “”Nằm ngửa thấy Trần Kiên, nằm nghiêng thấy Đỗ Mười”. Long cho rằng, nên dùng danh tính của Đỗ Mười để đặt cho các trạm thu phí hiện nay (6).
Đỗ Mười thọ tới 101 tuổi nhưng những gì ông đã làm gieo họa cho nhiều thế hệ nên vẫn còn nhiều triệu nhân chứng là con, cháu, thân nhân, bè bạn của các nạn nhân lên tiếng thuật lại những gì họ đã trải qua hoặc chứng kiến trong các cuộc “cải tạo công thương”. Lê Đại Anh Kiệt làm người ta ngậm ngùi cho “cu Dẹo” – bạn đồng môn. Cu Dẹo con ông Hài Hoành – chủ một trong hai tiệm sửa xe đạp ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tiệm ông Hai Hoành chỉ lấy tiền dân trong thị trấn nếu phải làm những việc khó từ vá xe trở lên, còn những chuyện lặt vặt như xiết lại ốc, chỉnh lại thắng,… thì chỉ làm giúp, miễn phí. Tiệm ông Hai Hoành cũng là chỗ để riêng hai ống bơm cho thiên hạ xài. Thay vì chạy nhảy, chơi đùa như nhiều bạn đồng lứa, sau giờ học, “cu Dẹo” chỉ biết giúp cha... Thế mà ông Hai Hoành bị quy là “tư sản”, bị “đánh” trong “cải tạo công thương”. Cả thị trấn sững sờ. May là các đợt “cải tạo công thương” ở miền Nam chỉ như “những cơn giông bạo phát, bạo tàn tràn qua rồi thôi, không chà đi, xát lại và lôi kéo cộng đồng dân cư vào những cuộc đấu tố, tàn sát lẫn nhau”. Miền Nam sau 30 tháng 4 năm 1975 có rất nhiều gia đình tư sản bị “đánh” tan nát như gia đình “cu Dẹo” (7).
Cũng xu hướng đó, Nguyễn Chương Mt viết về “Dấu ấn của Bồ tát Đỗ Mười”. Chương Mt nhấn mạnh, danh xưng “Bồ tát” không phải từ ông mà do Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì Chùa Hương, “hoan hỉ tôn vinh” Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng), sau đó là Tổng Bí thư Đỗ Mười. Chương Mt bảo rằng, bởi Đỗ Mười được tôn vinh làm “Bồ tát” nên ông ráng tìm hiểu về dấu ấn của “Ngài” Đỗ Mười và mong bá tánh giúp kiến giải thêm. Sau ngày đất nước liền một dải, “Ngài” Đỗ Mười đặc trách “cải tạo công thương” tại miền Nam. Toàn miền Nam suy sụp, rơi vào cảnh đói kém. Đang sống yên bình ở đô thị, thoắt cái, hàng trăm ngàn gia đình dắt díu nhau vào chốn rừng thiêng nước độc làm “kinh tế mới”. Sống nay, chết mai. Có đó rồi mất đó. Nhờ vậy mới thấm thía công đức của “Bồ tát” Đỗ Mười. “Ngài” đã tạo “thiện duyên” trong nghịch cảnh, khiến người ta thấu được lẽ VÔ THƯỜNG của cuộc đời. Không nhờ “Bồ tát” Đỗ Mười, dễ gì cả triệu người giác ngộ “vô thường”? Chuyện “Ngài” Đỗ Mười xác định “cải tạo công thương” là “trận chiến”, sẵn sàng dùng súng ống trấn áp bất kỳ ai chưa giác ngộ là vì thương chúng sinh còn mê đắm trong thủ chấp tài sản. Cũng vì vậy mà “Ngài” Bồ tát Đỗ Mười cổ võ cả con cái “đấu tranh” với cha mẹ, xem cha mẹ cất giấu tài sản ở đâu để báo cho chính quyền. Trong môi trường sống mà con người xem nhau như những đối tượng để “đấu tranh”, chẳng còn ai dám giữ cái “tôi” trong suy nghĩ, dần dà mọi người như một, cùng giác ngộ sự an toàn cao nhất, còn gọi là “an lạc thân tâm”, từ bỏ cái “tôi” trở thành VÔ NGÃ cho khỏi rắc rối. Không có “Bồ tát” Đỗ Mười, dễ gì cả triệu người giác ngộ “vô ngã”?
Theo Chương Mt, tuy “Bồ tát” Đỗ Mười đã vãng sanh nơi cõi Phật song những gì mà “Ngài” để lại đáng cho mọi người tụng niệm và đừng quên. Đó là: Đừng tưởng đã nắm trong tay là chắc ăn, có đó rồi sẽ mất đó, không thể dè trước... Đất nước đã bao giờ được như thế này đâu, đó là nhờ không chỉ có mỗi “Bồ tát” Đỗ Mười mà còn có nhiều “Bồ tát” nữa nhưng chưa lên bàn thờ (8).
Chú thích

‘Đại hội 13’ vừa xảy đến!

Theo VOA-Phạm Chí Dũng/05/10/2018 
Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại lễ tang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại lễ tang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Bởi các đại hội 5 năm một lần của đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt lên đầu nhiệm vụ ‘làm nhân sự’ và sắp ghế, đặc biệt là 4 cái ghế trong ‘tứ trụ’, và sống còn hơn cả là ghế tổng bí thư, có thể cho rằng ‘đại hội 13’ vừa xảy đến ngay sau tấm màn Hội nghị trung ương 8 nhóm họp vào tháng Chín năm 2018.
‘Tôi không bất ngờ’
Nguyễn Phú Trọng đã đặt một chân vào giấc mơ ‘lưu truyền sử xanh’ của ông bằng cách ngồi ngay, và có thể ngồi luôn, vào cái ghế chủ tịch nước bị bỏ trống sau cái chết đầy nghi vấn của Trần Đại Quang - quan chức ‘xấu số’ mà đã từng một thời được Tổng bí thư Trọng sủng ái và giao cho nhiệm vụ đi tiền trạm ở Hoa Kỳ trước chuyến công du chính thức đến Nhà Trắng vào tháng Bảy năm 2015 của ông Trọng.
Sau cuộc họp bất thường của Bộ Chính trị vào buổi chiều ngày 30/9 với kết quả ‘thống nhất cao’ để ‘Bộ Chính trị trình Ban chấp hành trung ương xem xét và quyết định nhân sự chủ tịch nước’, cái tên duy nhất được giới thiệu ấy không phải là những phương án ‘chân gỗ’ mà đã khiến dư luận nội bộ rôm rả bàn tán trước đó như Nguyễn Thiện Nhân, Trần Quốc Vượng, Tòng Thị Phóng, Ngô Xuân Lịch…, mà té ra chỉ là Nguyễn Phú Trọng.
Vài ngày sau, Hội nghị trung ương 8 khai mạc. Và chỉ 24 giờ đồng hồ sau đó là một kết quả mà có thể khiến rất nhiều người kinh ngạc: báo đảng hào hứng công bố 100% Ban chấp hành trung ương đã thống nhất giới thiệu ứng cử viên duy nhất Nguyễn Phú Trọng ra kỳ họp quốc hội cùng khai mạc vào tháng Mười năm 2018 để bầu chức danh chủ tịch nước.
Có thể khác nhiều với động tác rút mù xoa lau nước mắt - bất lực trước một Nguyễn Tấn Dũng cười khẩy ngạo nghễ tại Hội nghị trung ương 6 năm 2012 - mà đã dẫn đến xúc cảm ‘tôi bất ngờ…’ bởi 100% phiếu thuận cho ứng cử viên duy nhất là Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư tại đại hội 12 vào đầu năm 2016, gần 3 năm sau ông Trọng đã có thể tự hào rằng ‘tôi không bất ngờ’ khi nhiệm vụ làm nhân sự ‘bất cứ ai trừ Dũng’ khốn khó đến mất ăn mất ngủ đã biến vào dĩ vãng, còn hiện tại người sắp thừa kế ghế trống do viên cựu bộ trưởng công an để lại không còn đối thủ chính trị xứng đáng nào, tính cả kẻ đã chết và những quan chức còn sống.
Ba kỳ tích của ‘giáo làng’
Ít nhất từ thời điểm năm 1975 đến nay, lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn chứng tỏ một triết lý rất đặc thù: dù chẳng hề chứng tỏ được năng lực điều hành kinh tế - xã hội và chăm sóc cho nhân dân cả về an sinh xã hội lẫn trấn dẹp nạn cường hào ác bá hoành hành từ cấp trung ương xuống các địa phương, giới chóp bu trong đảng lại ngày càng vươn lên gần bằng với mặt bằng thủ đoạn chính trị cùng độ rung chấn của các màn xung đột nội bộ của ‘đảng anh’ Trung Quốc.
Nguyễn Phú Trọng đã vụt nổi lên như một ‘ngôi sao’ trong số đó, trong bầu không khí vằn vện tia kích nổ đó. Chẵn một chục năm sau từ thời điểm bị ví như ‘ông giáo làng’ hay mang tư duy của một thày đồ tụng kinh triết học Mác - Lê và chủ nghĩa xã hội hơn là một nhà chính trị, Nguyễn Phú Trọng đã khiến không chỉ một Nguyễn Tấn Dũng lọc lõi thủ đoạn và thế lực nghiêng thành phải bị đo ván, không chỉ một tướng công an ‘ai chết chứ Quang không thể chết’ phải bất đắc kỳ tử, mà có thể là tuyệt đại đa số giới quan chức và cả trí thức lẫn người dân - trước đó vẫn chỉ hình dung Trọng như một ông già gần đất xa trời - há hốc miệng ngỡ ngàng bởi năng lực ‘vượt khó’ của ông ta.
Quả thực, Nguyễn Phú Trọng đã thực sự tạo nên một kỳ tích đảo thua thành thắng kể từ đầu năm 2015, sau cái Hội nghị trung ương 10 mà theo rất nhiều nguồn tin không chính thức, ông ta chỉ đứng thứ 8 trong bảng tổng sắp ‘thăm dò uy tín tổng bí thư’, trong khi Nguyễn Tấn Dũng vọt lên đầu bảng. Thế nhưng chỉ trong vòng một năm sau, điều khó ngờ là bằng vào 3 chiến dịch ‘luân chuyển cán bộ’ với kiến trúc sư của nó là Tô Huy Rứa - Trưởng ban Tổ chức trung ương và là một cận thần khi đó của Nguyễn Phú Trọng - đã tước đi đến 40% nhân sự ủy viên trung ương mà trước đó đã ủng hộ hoặc có thiện cảm với ‘đồng chí X’.
Kỳ tích thứ hai chắc chắn là tại đại hội 12, chính vào lúc Nguyễn Tấn Dũng bị một cú knock-out trong khi có tin trước đó quan chức này còn chuẩn bị sẵn tiệc ăn mừng cho chức tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng không biết làm cách nào đã khiến phần lớn Bộ Chính trị và sau đó 100% Ban chấp hành trung ương bỏ phiếu để ông ta ngồi ở đầu bàn tiệc - một suất ăn mà lẽ ra Nguyễn Tấn Dũng được hưởng vai trò thực khách.
Gần 3 năm sau kỳ tích trên, Nguyễn Phú Trọng đã lập một kỳ tích chói lọi hơn cả: nghe nói cả Bộ Chính trị, không một ai phản đối, kéo theo 100% ủy viên trung ương đã thuần phục, và hầu như chắc chắn là 100% hoặc sát nút đó giới ‘nghị gật’ trong Quốc hội sẽ thuần phục một cách vô điều kiện để ông ta ngồi thêm vào cái ghế chủ tịch nước.
Những kỳ tích như vậy có thể so sánh với lộ trình trở nên uy quyền tuyệt đối của Tập Cận Bình ở Trung Hoa đại lục.
‘Ai ngồi đâu ngồi đó’ và ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’
Bây giờ thì không ngờ hoài nghi gì nữa: đại hội 13 của đảng cầm quyền - dự định tổ chức tận năm 2021 - vừa được đốt cháy giai đoạn ngay tại Hội nghị trung ương 8 vào tháng Chín năm 2018 với cái ghế chủ tịch nước dành thêm cho Tổng bí thư Trọng, để hình ảnh ‘choàng hai vai’ sáng chói của ông ta sẽ lướt qua năm 2021 mang tính thủ tục và kéo đến tận năm 2024 hoặc 2026 - tùy vào mức độ thay đổi hiến pháp.
Cũng không còn nghi ngờ gì về việc Quyền chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ là phương án ‘nghi binh’, và cả những phương án Nguyễn Thiện Nhân, Trần Quốc Vượng, Tòng Thị Phóng, Ngô Xuân Lịch… cũng chỉ là một thủ thuật ‘chân gỗ’ theo truyền thống thủ đoạn ‘làm nhân sự’ - điều được thực hiện tương tự như cái cách ‘đưa ra nhiều ứng cử viên cho chức tổng bí thư nhưng đến giờ chót chỉ chọn một người’ ngay trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, và ứng cử viên ở vào thế ‘độc cô cầu bại’ đó, chẳng phải ai khác, chính là ‘chân thật’ Nguyễn Phú Trọng.
Chẳng bao lâu nữa, Nguyễn Phú Trọng sẽ chính thức trở thành bản sao của Tập Cận Bình - nhân vật chủ tịch nước kiêm tổng bí thư của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Và cũng chẳng bao lâu nữa, ‘đại hội 13’ sẽ chính thức kết thúc với một ông vua của nền chính trị hiện đại mà blogger Huy Đức trong bài ‘Nhất thể hóa’ trên facebook của mình trùng thời điểm ngày 30/9 khi Bộ Chính trị họp, đã định hướng: "Nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam” và "Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người’.
Nhưng nhiều người vẫn nhớ như in một lời răn dạy của chính Nguyễn Phú Trọng vào tháng Chín năm 2013 khi tiếp xúc cử tri các quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm (Hà Nội) trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khi trả lời vấn đề được cử tri Nông Quang Lộc nêu ra là nên ghi vào Hiến pháp “Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước và Chủ tịch nước làm chủ tịch Hội đồng Hiến pháp”: “Cơ chế Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước đã có nhiều ý kiến nêu ra từ mấy nhiệm kỳ rồi. Trung Quốc và Lào cũng có cơ chế như vậy. Ở nước ta, vấn đề này do Đảng phân công, còn Chủ tịch nước thiết chế bộ máy nhà nước không phải cá nhân con người cụ thể. Tùy từng giai đoạn có thể kiêm hay không kiêm là do trung ương phân công Tổng bí thư sang làm Chủ tịch nước, đó là việc nội bộ không nên ghi “cứng” vào Hiến pháp. Cũng phải nói thật, đề phòng trường hợp quyền lực quá tập trung vào một người, xảy ra cái gì nếu tốt là phúc cho dân tộc, nhưng chẳng may nếu tính toán không kỹ thì để lại hậu quả. Bây giờ Chủ tịch nước lại là chủ tịch Hội đồng Hiến pháp nữa thì quyền to quá. Ta là cơ chế lãnh đạo tập thể. Bác Hồ nói rồi, nguyên tắc là lãnh đạo tập thể, phân công trách nhiệm cá nhân. Phát huy được dân chủ thì tốt hơn”.
Đó là câu chuyện của quá khứ, vào lúc Nguyễn Phú Trọng tỏ ra thúc thủ trước một Nguyễn Tấn Dũng tung hoành ngang dọc trong các kỳ họp hội nghị trung ương.
Còn giờ đây, dĩ vãng đã không còn là nỗi ám ảnh đối với ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh Quân’, Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và ‘Người đốt lò vĩ đại’…
Một khi không còn đại hội 13 vào năm 2021 theo đúng nghĩa đen của nó, toàn bộ những quan chức đầu sỏ hiện thời, trừ Trọng, sẽ ‘ai ngồi đâu ngồi đó’. Sẽ không thể cục cựa gì nữa. Sẽ không còn màn chạy đua quyết liệt và quá nhiều cảm xúc vào chức tổng bí thư hay chủ tịch nước như những đại hội trước đây. Tất cả đều bị triệt tiêu ‘động lực cống hiến’, bởi tương lai sự nghiệp chính trị của tất cả đều đã ‘đụng trần’.
Thậm chí vào năm 2021, nếu Nguyễn Phú Trọng muốn và còn giữ được quyền lực độc tôn trước ‘đàn cừu’ của mình, ông ta hoàn toàn có thể làm như Tập Cận Bình đã làm tại đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2019: không biết làm cách nào mà Tập đã khiến cả Ban chấp hành trung ương lẫn Quốc hội chấp thuận bỏ thẳng điều khoản ‘chủ tịch nước làm không quá hai nhiệm kỳ’ trong hiến pháp, để từ đó hướng đến tương lai ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’.
Có lẽ nhân vật ‘đau khổ’ nhất sau vụ ‘ngồi mãi’ trên là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong vòng một năn qua, ông Phúc đã có những cố gắng đầu tiên đầy tính khuếch trương để tự vận động cho mình cái ghế tổng bí thư tại đại hội 13. Nhưng cũng như các ủy viên bộ chính trị đã ‘đụng trần’, Nguyễn Xuân Phúc rất có thể sẽ phải thúc thủ ở cái ghế thủ tướng mà không thể mơ mộng hơn cho tương lai ‘liêm chính, kiến tạo và hành động’ của ông ta.