Monday, July 28, 2014

Nhật trừng phạt kinh tế Trung Quốc, xoay trục sang ASEAN

Báo điện tử Tầm nhìn-Nếu Mỹ có chính sách xoay trục châu Á nhằm đối phó với sự trỗi dậy đáng lo ngại của Trung Quốc, thì Nhật cũng đang thực hiện chính sách xoay trục Đông Nam Á để đối phó với sự thù địch của Trung Quốc. Chỉ khác là chính sách xoay trục của Nhật liên quan đến vấn đề kinh tế chứ không nặng về quân sự và ngoại giao như Mỹ.


Đó là nhận định của ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty phân tích thông tin và dự báo nổi tiếng IHS ở Mỹ, trên trang DW của Đức. Ông Rajiv Biswas khẳng định các công ty Nhật Bản đang chuyển hướng đầu tư của họ ra khỏi Trung Quốc và ngày càng thiết lập quan hệ chặt chẽ với khu vực ASEAN sau khi quan hệ Nhật - Trung rơi vào căng thẳng.
Tranh chấp lãnh thổ và tuyên bố đơn phương của Trung Quốc về một vùng nhận diện phòng không chỉ là một trong số nhiều lý do khiến leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á. 
Cảm giác khó chịu và hoài nghi lẫn nhau đã không chỉ dẫn đến sự suy giảm trong quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản mà còn có tác động đến đầu tư song phương.
 Ông Rajiv Biswas tin rằng Nhật đang xoay trục sang ASEAN
Ví dụ, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản (FDI) vào Trung Quốc trong nửa đầu của năm 2014 giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cả năm 2013, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nhật Bản giảm 23,5% dù tổng FDI của Trung Quốc ở nước ngoài năm 2013 tăng 16,8%.
Vậy nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản đang chảy đi đâu? Ông Rajiv Biswas cho rằng Nhật đang tái tập trung đầu tư của họ sang ASEAN và khẳng định khu vực Đông Nam Á có một số trung tâm sản xuất trở nên ngày càng hấp dẫn đối với Nhật Bản, đặc biệt là so với Trung Quốc.
Ông Rajiv Biswas gọi đây là chính sách xoay trục ASEAN của Nhật vì Nhật lo ngại về lâu dài, các khoản đầu tư vào Trung Quốc sẽ trở nên mạo hiểm khi quan hệ hai nước ngày càng xấu đi. Hơn nữa, chi phí nhân công tại các tỉnh duyên hải miền Đông Trung Quốc ngày càng cao khiến Nhật phải xoay trục.
Trong khi đó, sản xuất chi phí thấp ở Đông Nam Á, như Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Philippines, cũng như  tại các thị trường mới nổi khác như Ấn Độ, Brazil và Mexico khiến Nhật Bản càng có lý do xoay lưng với Trung Quốc.
Điều quan trọng nhất khiến Nhật quyết xoay trục ASEAN là họ cảm thấy có thể tin tưởng được ASEAN. Việc một ASEAN giàu mạnh cùng Nhật chia sẻ mối lo Trung Quốc chính là điều mà Nhật trông đợi lúc này.
09:01 | 28/07/2014
MTG 

Bắt các thiếu nữ uống thuốc lạ để có sức "tiếp khách"

theo Gia đình và xã hội | 27/07/2014 19:27


Tròn một tháng sau khi bị bán, những thiếu nữ bắt đầu bị ép bán dâm. Chủ chứa bắt các cô gái phải uống những viên thuốc lạ với đủ màu sắc để có sức “tiếp khách”.

    Cuộc tìm kiếm rơi vào ngõ cụt, cho đến lúc bà biết con đã bị bán vào “động quỷ” sau khi uống ngụm nước của một người phụ nữ “tốt bụng”.
    Hành trình giải cứu con gái khỏi “động quỷ”
    Cuối tháng 5/2014, bà Nguyễn Thị Xuân (50 tuổi), trú xóm 8, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) bất ngờ nghe cô con gái thứ ba là Nguyễn Thị Tâm (16 tuổi) đề nghị: “Mẹ cho con xuống Vinh làm thuê kiếm tiền nhé. Đứa bạn con đang làm dưới đó, thấy bảo thu nhập cũng khá. Con không muốn đi học nữa”. 
    Bà Xuân nhất quyết không đồng ý vì muốn con gái tiếp tục đến trường. Không thể thuyết phục mẹ, ngày 1/6, nhân lúc lúc bà Xuân đi làm đồng, Tâm đã thu dọn đồ đạc, âm thầm bắt xe trốn ra TP.Vinh. Thời điểm rời nhà, thiếu nữ này chỉ mang theo vài bộ quần áo và vỏn vẹn 170 nghìn đồng tiền tiết kiệm.
    Bà Xuân kể lại hành trình giải cứu con gái khỏi động mại dâm.
    Bà Xuân kể lại hành trình giải cứu con gái khỏi động mại dâm.
    Buổi trưa hôm đó, bà Xuân đi làm đồng về thì phát hiện sự việc. Gọi điện cho con gái, bà Xuân được Tâm trấn an: “Con gần xuống Vinh rồi, ở dưới đây con có bạn nên mẹ không phải lo gì đâu”. Người bạn Tâm nhắc đến tên Quyên, chính là người đã giới thiệu Tâm xuống bán vải tại chợ Vinh.
    Sau khi gặp Quyên, Tâm được dẫn đến gặp bà chủ hiệu vải và nhanh chóng bắt đầu công việc. Sau khi nhận việc, Tâm gọi điện nhờ mẹ gửi gạo và các vật dụng cần thiết để bắt đầu cuộc sống tự lập. Đêm đầu tiên ở thành phố, Tâm phải thuê một phòng trọ gần bến xe để ngủ.
    Sau khi đưa đồ đạc vào phòng, Tâm ra trước cửa rửa chân tay thì đột nhiên một phụ nữ trung niên tiến đến bắt chuyện: “Cháu mới từ quê xuống phải không? Chắc cháu mệt lắm, uống nước không, dì cho một chai. Cháu như con, như cháu của dì thôi, cầm mà uống”.
    Không mảy may nghi ngờ, Tâm cầm chai nước uống cạn. Thế nhưng sau khi uống mấy ngụm ấy, cuộc đời cô gái ngây thơ đã bước sang một ngã rẽ đen tối. Sáng hôm sau tỉnh giấc, cô gái trẻ ngơ ngác khi thấy mình đang ở một nơi xa lạ, lại có người canh giữ. Nhớ lại chuyện xảy ra, Tâm lờ mờ nhận ra đã bị người đàn bà “tốt bụng” kia lừa uống nước pha thuốc mê.
    Hoảng loạn, sợ hãi, cô bé liên tục kêu xin nhóm người đang canh giữ nhưng đáp lại là những lời hù dọa, bắt phải im lặng nghe theo mệnh lệnh nếu không sẽ bị cạo trọc tóc, đánh đập. Một thân một mình nơi đất khách quê người, cô gái 16 tuổi không tìm ra cách để tự giải cứu bản thân.
    Một ngày sau khi xuống thành phố thì điện thoại của Tâm mất tín hiệu. Không thể liên lạc với con gái, bà Xuân vô cùng lo lắng. Thời điểm này, chồng đang đi xuất khẩu lao động tại Malaysia nên mọi việc trong nhà chỉ mình bà Xuân xoay sở.
    Sau hai ngày chờ đợi không thấy Tâm liên lạc lại, bà Xuân quyết định gác công việc, lặn lội xuống thành phố Vinh. Nhớ lại trước khi đi Tâm có kể về Quyên nên bà tìm đến hiệu vải tại chợ Vinh gặp cô gái này để hỏi thăm tin tức.
    Nhưng đến đây, bà mới biết Quyên vừa ra Hà Nội để trông nhà cho bà chủ đi du lịch. Manh mối duy nhất bị bịt lại, bà Xuân đành khăn gói ra về.
    Những ngày sau đó, bà Xuân vận dụng hết các mối quan hệ quen biết, cố gắng dò hỏi tung tích con gái nhưng không có kết quả. Đến ngày 17/6, khi những nỗ lực tìm kiếm hoàn toàn bế tắc, bà Xuân bất ngờ nhận được cuộc gọi của số điện thoại lạ.
    “Hôm đó, tôi vừa nhấc điện thoại lên thì đầu dây bên kia có tiếng Tâm hoảng loạn hét lên: “Mẹ ơi, con Tâm đây”. Nghe vậy, tôi vội hỏi: “Giờ con đang ở mô (đâu)?” thì cháu đáp: “Con không biết”.
    Tôi lại hỏi: “Nhưng tại sao con lại có số điện thoại này” thì cháu nói: “Con lừa mãi mới mượn được điện thoại của đứa con chủ nhà đó. Mẹ đừng hỏi nhiều, họ đang theo dõi con, nếu biết được họ sẽ giết con. Mẹ đừng gọi lại số này mà bị lộ chuyện đó…”.
    "Cuộc nói chuyện kéo dài chừng 4 phút thì mất liên lạc. Hoảng hốt, tôi quyết định lên trình báo với cơ quan chức năng”, bà Xuân kể lại
    Tâm may mắn được mẹ kịp thời giải cứu.
    Tâm may mắn được mẹ kịp thời giải cứu.
    Nhận tin báo, cơ quan công an huyện Thanh Chương đã phối hợp với Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ II, Công an tỉnh Nghệ An tìm kiếm tung tích nạn nhân. Qua sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, các đơn vị nhận định Nguyễn Thị Tâm đang có mặt tại xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), khu vực được xem là tụ điểm mua bán dâm lớn nhất miền Trung.
    Nhận được thông tin đó, bà Xuân vui mừng khôn xiết. Ngày 21/6, bà đã cùng với cơ quan chức năng tiến hành rà soát tại nhà hàng L.A. của vợ chồng Lê Văn T. (35 tuổi), Nguyễn Thị T. (34 tuổi) đều trú tại xã Kỳ Tiến. Hiện tại, T. đang nằm cấp cứu ở Hà Nội do bị tai nạn nên đã giao nhà hàng cho Nguyễn Văn X. (26 tuổi) quản lý.
    Rất may mắn cho bà Xuân là đúng thời điểm cơ quan chức năng ập đến, Tâm đang ngồi nhặt rau ngoài sân nên đám bảo kê không kịp giấu em đi. Sau khi xác minh qua thông tin, cơ quan công an đã nhận diện đó chính xác là nạn nhân. Hai mẹ con bà Xuân gặp nhau mừng mừng tủi tủi.
    Nhìn đứa con gầy sọp sau những ngày bị đẩy vào cuộc sống buôn phấn bán hương, lòng bà như tan nát. Lúc Tâm được giải cứu, cơ quan công an còn phát hiện 2 trường hợp khác là Nguyễn Thị Thương (20 tuổi, trú tại xã Ngọc Sơn) và Lê Thị Hoài (22 tuổi, trú tại xã Kỳ Phương, Kỳ Anh) cũng bị kẻ xấu lừa bán vào đây. Cả hai nạn nhân đều đã làm việc với cơ quan công an tố cáo hoạt động của vợ chồng Lê Văn T. và bày tỏ mong muốn được trở về gia đình.
    Nỗi ám ảnh kéo dài
    Sau khi được giải cứu, Tâm đã trở về đoàn tụ với người thân. Dù thân xác không còn bị chà đạp, cô gái vẫn không thể tự giải thoát khỏi nỗi ám ảnh về những ngày tháng tủi nhục. Phải mất nhiều ngày động viên, bà Xuân mới giúp con gái dần dần bình phục trở lại.
    Trong những đêm tâm sự với mẹ, Tâm cho biết cô và nhiều nạn nhân bị chủ nhà hàng nhốt trong phòng kín. Phần lớn thời gian trong ngày, Tâm không được đi ra ngoài, không được tiếp xúc với người lạ. Sang tuần thứ hai, các cô bắt đầu phải tham gia phục vụ nhà hàng. Đến tuần thứ ba, Tâm phải ra làm bồi bàn. Tròn một tháng bị bán, những cô gái như Tâm bắt đầu bị ép “phục vụ” khách.
    Thời điểm được mẹ giải cứu, Tâm chỉ còn hạn chót đúng 48h theo lệnh của chủ nhà hàng. Sau thời gian này, nếu Tâm không chịu tiếp khách thì đám bảo kê sẽ đánh đập hoặc bán em cho một “động” khác bên kia biên giới. Cũng với cách đe dọa này, chủ nhà hàng Lê Anh đã buộc hai thiếu nữ được giải cứu cùng lúc với Tâm phải bán dâm.
    Theo lời khai của các nạn nhân tại cơ quan công an, hàng ngày, chủ chứa bắt các cô gái phải uống những viên thuốc lạ với đủ màu sắc để có sức “tiếp khách”. Riêng với Tâm, vì sợ hãi, em nhất quyết không uống. Thấy thế, chủ nhà bóp miệng, bỏ thuốc vào nhưng em kiên quyết nhổ ra.
    Không những vậy, Tâm cho biết em không hề đụng đến một món thức ăn nào trong nhà hàng này ngoài cơm trắng với nước mắm. “Nghe con gái kể về những ngày tủi nhục, chân tay tôi bủn rủn, không tin đó là sự thật. Cũng may nó chưa uống thuốc đó, nếu không không biết chuyện gì sẽ xảy ra với con tôi”, bà Xuân nói.
    Bà Xuân cho biết, sau khi thấy tâm lý con gái luôn trong tình trạng hoảng loạn, cộng với đó là những lời bàn tán của dư luận, bà quyết định đưa Tâm xuống nhà người quen ở huyện Nam Đàn để con dần ổn định tinh thần.
    “Sau khi Tâm bình phục hoàn toàn, tôi sẽ cho nó đi học may để tìm một công việc ổn định. Hy vọng, nó sẽ sớm vượt qua những ngày cơ cực này”, bà tâm sự về những dự định tương lai.
    Thượng úy Võ Văn Sơn, điều tra viên Công an huyện Thanh Chương cho biết: “Hiện tại, chủ nhà hàng Lê Anh là Lê Văn T. hiện đang cấp cứu tại bệnh viện nên cơ quan Công an đang điều tra xác định tội danh cũng như làm rõ hành tung người phụ nữ lạ mặt kia.

    Trung Quốc đốc thúc ngư dân đánh bắt ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông

    Trên đảo Hải Nam, một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đã chỉ cho phóng viên Reuters những tàu được trang bị công nghệ cao gồm hệ thống định vị có kết nối trực tiếp với lực lượng bảo vệ bờ biển nước này trong trường hợp tàu cá gặp thời tiết xấu hoặc giáp mặt các tàu tuần tra Việt Nam, Philippines tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

    Đội tàu cá hùng hậu của Trung Quốc tại Hải Nam chuẩn bị tiến vào vơ vét các ngư trường trên Biển Đông. Ảnh: Reuters
    Vào hồi cuối năm ngoái, hệ thống định vị vệ tinh Beidou (Bắc Đẩu) do Trung Quốc sản xuất đã được cài đặt trên hơn 500.000 tàu cá của nước này. Trên đảo Hải Nam – cửa ngõ để Bắc Kinh tiến sâu vào Biển Đông – các thuyền trưởng chỉ phải chi trả 10% chi phí, phần còn lại do Chính phủ thanh toán.
     
    Đó là một dấu hiệu của sự hỗ trợ tài chính ngày càng tăng cao của Trung Quốc đối với các ngư dân nhằm đẩy họ sâu hơn vào các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông để tìm kiếm những ngư trường mới khi tài nguyên tại bờ biển sát Trung Quốc đã bị khai thác kiệt quệ.
     
    Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, thuyền trưởng và các thuyền viên tại đảo Hải Nam còn cho biết chính quyền tỉnh Hải Nam còn khuyến khích họ tới các khu vực tranh chấp. Chính phủ còn có thể hỗ trợ chi phí về nhiên liệu để thực hiện điều này, họ cho biết thêm.
     
    “Có một điều khá rõ ràng là các đội tàu đánh cá của Trung Quốc đang được khuyến khích để hoạt động trong các vùng biển tranh chấp. Đây dường như đã trở thành một chính sách của Bắc Kinh với những lý do về địa chính trị, kinh tế và thương mại”, ông Alan Dupont – Giáo sư về an ninh quốc tế tại Đại học New South Wales ở Úc nhận định.
     
    Riêng về hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, hiện Trung Quốc đang có 16 vệ tinh trong quỹ đạo trên khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là một đối thủ của GPS (Mỹ) và GLONASS (Nga). Hiện các thiết bị này được cho là đang được ngư dân Trung Quốc sử dụng vào việc cầu cứu lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc khi họ hoạt động tại các vùng biển tranh chấp. Hãng thông tấn Tân Hoa xã từng đưa tin hồi tháng 5 rằng khi một tàu cá nước này vào đánh bắt trái phép ở quần đảo Trường Sa và giáp mặt tàu tuần duyên Philippines. Nhưng khi đó, họ lại tắt hệ thống định vị một cách bất ngờ.
     
    Phó Cục trưởng Cục An toàn Hàng hải Hải Nam Zhang Jie tuy không xác nhận việc Bắc Đẩu được sử dụng vào việc nói trên, nhưng khẳng định các ngư dân Trung Quốc được khuyến khích đánh bắt ở vùng biển “của Trung Quốc”. Trái lại, một loạt các cơ quan liên quan như văn phòng thủy sản Hải Nam, tổ chức truyền tín hiệu vệ tinh Trung Quốc – đơn vị chạy hệ thống Bắc Đẩu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều từ chối trả lời và bình luận về thông tin trên.
     
    Tuy nhiên, một số thuyền trưởng và ngư dân Trung Quốc giấu tên tiết lộ các quan chức tỉnh Hải Nam thường xuyên đốc thúc họ đánh bắt ở các ngư trường xa xôi như Trường Sa, cách Trung Quốc tới hơn 1.100km về phía Nam. Họ còn cho biết được hỗ trợ sửa chữa thường xuyên, được cấp chi phí nhiên liệu tới 2.000-3.000 nhân dân tệ (320-480USD)/ngày và được cung cấp các động cơ 500 mã lực để thực hiện điều này.
     
    “Các cơ quan hỗ trợ chúng tôi đánh bắt cá ở Biển Đông để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”, một ngư dân Trung Quốc thản nhiên nói.   
     
    15:51 | 28/07/2014
    Songmoi

    Nơi ăn không hết, chỗ lần không ra

    Hội thảo “Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học tại TP HCM” vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo TP tổ chức khiến nhiều người phấn khởi nhưng cũng không ít người phải chạnh lòng.

    Phấn khởi vì nếu áp dụng thì nhiều trẻ sẽ hưởng thụ được một mô hình giáo dục hiện đại, còn chạnh lòng là bởi còn quá nhiều học sinh - nhất là các em ở ngoại thành, vùng sâu, vùng xa - ngay cả chiếc bàn học đàng hoàng cũng chưa có, nói chi đến giáo án điện tử.

    Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa  điện tử nêu trên sẽ tốn khoảng 4.000 tỉ đồng. Lớp học được trang bị bảng điện tử, học sinh sử dụng iPad, khỏi phải mang cặp sách rất nặng... Chợt nhớ đến học sinh vùng sâu ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, ngay cả vở cũng không có đủ, nói gì đến những thứ xa xỉ. Chiếc cặp của các em luôn nhẹ tênh vì chẳng có nhiều dụng cụ học tập, thậm chí không có đủ sách giáo khoa.

    Học sinh ở những điểm trường vùng núi tỉnh Quảng Nam còn rất khó khănẢnh: Trần Thường
    Học sinh ở những điểm trường vùng núi tỉnh Quảng Nam còn rất khó khănẢnh: Trần Thường

    Trong khi đó, học sinh ở thành thị thì luôn khiến cha mẹ, thầy cô lo ngại vì mang quá nhiều sách vở trong cặp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể trạng. Chiếc cặp của học sinh vùng sâu, vùng xa nếu có nặng hơn chút đỉnh thì cũng chỉ vì mang thêm vài củ khoai hay nắm cơm để dằn bụng vào buổi trưa.

    Ở một số vùng, nhiều người hảo tâm có sáng kiến thu nhận sách giáo khoa cũ để tặng lại học sinh nghèo. Thế nhưng, mỗi em cũng chỉ có vài cuốn chứ không thể nào kiếm đủ bộ. Mùa mưa bão, có nơi cả trường bị tốc mái, sách vở ướt hết, các em thay nhau mang từng cuốn sách ra phơi nắng, chăm chút từng trang vì sợ bị rách.

    Tại một số vùng ở Quảng Nam, học sinh còn học trong những ngôi trường mái tranh, vách nứa. Mùa mưa đến, nước dột, gió tạt, học sinh co ro trong lớp. Các em học nội trú thì bữa khoai bữa sắn qua ngày. Đêm đến, các em cặm cụi học bài dưới ánh đèn dầu tù mù, xung quanh đầy muỗi, vắt. Ngay cả trong giấc mơ, các em cũng khó tưởng tượng được mình sẽ ngồi trong một lớp học khang trang, đèn điện sáng trưng như học sinh thành thị.

    Dẫu biết đầu tư cho giáo dục là rất cần thiết nhưng ở thành thị được o bế quá nhiều trong khi học sinh ở các vùng xa vẫn còn khổ nhọc thì thật đáng buồn. Tất cả trẻ em cần được tạo điều kiện để có cơ hội tiếp cận với giáo dục một cách tốt nhất. Đừng để những đứa trẻ phải bỏ học chỉ vì gia đình quá nghèo.
    Thứ Hai, 21:59  28/07/2014
     Đỗ Quyên
    Theo Người Lao Động

    Rau củ, trái cây nhập khẩu: An toàn?

    Dù nông sản Trung Quốc vẫn tràn về thị trường trong nước nhưng đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trấn an người tiêu dùng cứ yên tâm về hàng nhập khẩu từ nước láng giềng

    Mới đây, Ban Quản lý chợ nông sản Đà Lạt xác nhận từ đầu tháng 7-2014 đã có 3 lô khoai tây Trung Quốc với trên 50 tấn nhập về chợ. Số khoai tây này được “hô biến” thành khoai tây Đà Lạt và bán với giá đắt gấp nhiều lần.

    Chưa báo động (!)

    Ngày 28-7, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về việc nhiều mặt hàng nông sản của Trung Quốc nhập vào Việt Nam và phát hiện nhiều lô hàng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đã đến mức đáng ngại và báo động chưa, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) - cho biết hiện nay, nông sản thực phẩm nguồn gốc thực vật nói chung và hoa quả nói riêng nhập về Việt Nam đều phải thực hiện thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) và được cấp giấy chứng nhận kiểm tra ATTP mới được thông quan, đưa vào lưu thông trên thị trường.

    Theo ông Hồng, cơ quan chức năng đã chủ động và thường xuyên kiểm tra mặt hàng này. Không chỉ giám sát tại cửa khẩu, trong quá trình lưu thông trên thị trường, các lô hàng hoa quả và nông sản vẫn tiếp tục được kiểm tra, nếu có vi phạm sẽ bị xử lý. “Hiện nay, hoa quả nhập về Việt Nam chủ yếu bằng con đường chính ngạch, vì vậy khá thuận lợi cho công tác kiểm tra ATTP. Vấn đề kiểm tra ATTP hoa quả nhập khẩu của Việt Nam luôn được quan tâm và đang được thực hiện có hiệu quả. Người tiêu dùng có thể yên tâm” - ông Hồng khẳng định.

    Tiêu hủy khoai tây Trung Quốc có dư lượng độc tố vượt mức cho phép tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng  Ảnh: PHÙ DUNG
    Tiêu hủy khoai tây Trung Quốc có dư lượng độc tố vượt mức cho phép tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng  Ảnh: PHÙ DUNG

    Đối với việc Thông tư 13 của Bộ NN-PTNT về kiểm tra ATTP hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu trên thực tế đã phát sinh một số hạn chế, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết hiện nay, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản đang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật để sửa đổi, bổ sung thông tư này.

    “Hiện dự thảo văn bản này đang được gửi đi lấy ý kiến rộng rãi các giới, ngành trong và ngoài nước” - ông Hồng nói.

    Cũng theo ông Hồng, sắp tới, cục sẽ khắc phục một số vấn đề bất cập như: Biện pháp xử lý tại cửa khẩu khi lô hàng vi phạm quy định ATTP của Việt Nam, thẩm quyền của việc ra quyết định dừng nhập khẩu một hoặc một số chủng loại hàng hóa thực phẩm đối với từng doanh nghiệp nhập khẩu vi phạm hay của cả nước xuất khẩu; khi nào phải tiến hành thu hồi lô hàng vi phạm đã được đưa ra thị trường.

    Hàng rào kỹ thuật để kiểm soát và xử lý các lô hàng vi phạm sẽ rà soát theo hướng chặt chẽ và hài hòa hơn với quy định của các nước đang nhập khẩu nông sản Việt Nam, đồng thời phải phù hợp với thông lệ quốc tế.

    Không dễ xử hàng trá hình

    Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Nông sản Việt Nam, cho rằng để ngăn chặn tình trạng nhập trái cây Trung Quốc trà trộn với hàng hóa xuất xứ trong nước cần có sự phối hợp quản lý của nhiều đơn vị “gác cửa”.

    “Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm soát ngay ở cửa khẩu, sau đó cơ quan kiểm dịch cần kiểm soát chặt dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trước khi cho lô hàng thông quan. Đến khi mặt hàng vào đến địa phương, rất cần sự quản lý của chi cục QLTT các địa phương nhằm tiếp tục phát hiện sai phạm” - ông Kỳ nêu rõ.

    Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Hà Nội, cũng cho rằng việc kiểm soát nông sản Trung Quốc nhập khẩu trên thị trường cực kỳ khó khăn. “Chi cục đi lấy mẫu thường xuyên các loại hoa quả, rau củ nhưng hầu như vẫn đạt tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng đây chỉ là mẫu ngẫu nhiên còn thị trường không thể kiểm soát hết được nếu như đầu mối nhập khẩu là các cửa khẩu không làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát trước khi hàng hóa tràn vào trong nước” - ông Lộc nói.

    Theo ông Lộc, phải làm quyết liệt tất cả các khâu như: cách thức nhập khẩu, cách thức kiểm nghiệm chất lượng, thông quan về xuôi như thế nào… Bên cạnh đó, cơ quan QLTT cũng cho rằng rất khó xử phạt hành vi bán nông sản Trung Quốc đội lốt ở chợ dân sinh vì không hề dán nhãn mác; chỉ có thể xử lý khi các đại lý, siêu thị dán nhãn hàng trong nước nhưng thực chất là nhập từ Trung Quốc.

    Mắc nhiều vi phạm
    Theo Cục QLTT - Bộ Công Thương, chi cục QLTT các địa phương đã xây dựng kế hoạch và thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm, đối tượng kiểm tra có cả các siêu thị, cửa hàng trái cây và rau củ quả.
    Trong 6 tháng đầu năm 2014, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 90.826 vụ, xử lý 48.691 vụ vi phạm; tổng thu nộp ngân sách 202,76 tỉ đồng; trị giá hàng tịch thu 67,24 tỉ đồng, trong đó có xử lý các hành vi vi phạm về lưu thông và buôn bán rau củ quả nhập khẩu. Trong khi kiểm tra đã phát hiện một số sai phạm như: niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, rau củ quả đang bày bán quá hạn sử dụng quy định, hàng có dấu hiệu kém về hình thức, chất lượng do vận chuyển, bảo quản không tốt...

    Thứ Hai, 23:27  28/07/2014

     VĂN DUẨN - PHƯƠNG NHUNG
    Theo Người Lao Động


    PICS:Kinh hoàng sinh vật lạ nguẩy đuôi trong lòng đỏ trứng gà

    (Baodatviet) - Khi đập 2 quả trứng định chiên, Thuận phát hiện bên trong quả trứng có một sinh vật lạ ngoe nguẩy đuôi, đầu có hai mắt.
    Theo lời kể của bà Trương Thu Hồng (trụ tại hẻm 157/38/39, đường Mai Xuân Thưởng, P.4, Q.6, TP.HCM), vào tối ngày 23/7, đứa cháu trai của bà là Phạm Minh Thuận (14 tuổi) đi chơi về muộn nên vào bếp tự nấu ăn đêm.
    Trong nhà còn hai quả trứng gà nên Thuận lấy ra sử dụng. Tuy nhiên, khi đập đến quả thứ hai, em phát hiện quả trứng có một màu đỏ như máu loang ra, bên trong có một sinh vật lạ ngoe nguẩy đuôi, có phần đầu giống ấu trùng, một con vẫn còn nguyên trong trứng, con còn lại thì dần tan ra.
    “Trong 9 quả trước đập ra chế biến thì cháu thấy vẫn bình thường, còn quả trứng cuối cùng cháu đập ra thì phát hiện sinh vật lạ như thế này”, Thuận cho biết.
    Sinh vật lạ được phát hiện trong lòng đỏ trứng
    Sinh vật lạ được phát hiện trong lòng đỏ trứng

    Hoảng sợ, Thuận định vứt bát đựng lòng trứng đi thì bà Hồng giữ lại và gọi hàng xóm sang xem. Mọi người chứng kiến đều cảm giác rùng mình, ớn lạnh. Bà Hồng cho biết, bản thân chưa thể khẳng định nó là gì sinh vật gì, chỉ trông chờ các cơ quan chức năng vào cuộc.
    Khi dùng tăm khuấy động thì phát ấu trùng cọ quậy
    Khi dùng tăm khuấy động thì phát ấu trùng cọ quậy
    Theo lời bà Hồng, trước đó mấy ngày bà có mua một hộp trứng gà 10 quả với giá 22.000 đồng có nhãn hiệu của Công ty Trứng gà M., (có địa chỉ tại P. Phú Trung, Q. Tân Phú, TP.HCM), từ một người phụ nữ đẩy xe bán rong.
    Sáng ngày 24/7, bà Hồng lấy số điện thoại được ghi trên nhãn hiệu của hộp trứng mà bà mua gọi họ đến để trứng kiến, xác nhận rồi về kiểm tra, rà soát lại chất lượng trứng. Tuy nhiên, người chủ cơ sở bán trứng này nói chuyện qua điện thoại "tố" ngược lại bà là vu oan và đe dọa sẽ kiện.
    Chiều ngày 28/7, chủ cơ sở M., sau khi nhận được thông tin từ phóng viên đã mang nhãn hiệu cơ sở kinh doanh trứng của mình lại đối chiếu với nhãn hiệu trứng mà bà Hồng đã mua trước đó. Qua so sánh cho thấy, nhãn hiệu trứng M., mà bà Hồng mua của người bán hàng rong là giả với cơ sở của họ.
    Tuy nhiên, theo một số người nhận định, thực tế "ấu trùng lạ" nói trên chính là phôi gà phát triển từ thụ tinh đến khi nở. Hiện tượng này nhiều người không biết nên dễ gây nhầm lẫn. Sự thật về việc "sinh vật lạ" như phản ánh của bà Hồng vẫn cần xác minh của cơ quan có thẩm quyền để tránh gây hoang mang dư luận.
    Hiện, gia đình bà Hồng vẫn đang giữ lại bát trứng có sinh vật lạ trong tủ lạnh, nên ấu trùng đã cứng lại. Gia đình đang chờ cơ quan chức năng đến kiểm nghiệm.

    Nguồn: Trí thức trẻ

    Nhật-Trung cạnh tranh: Ai xứng vai cường quốc?

    (Baodatviet) - Nhật Bản đang nỗ lực biến mình thành tương xứng hơn với danh hiệu cường quốc, trong khi Trung Quốc cũng đang theo đuổi ngôi vị này
    Cách Nhật, Trung Quốc theo đuổi danh hiệu cường quốc
    Đối đầu với nhau trong việc giành giật chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cùng với những mối thù trong lịch sử và mâu thuẫn lợi ích của hiện tại đã khiến Nhật Bản và Trung Quốc trở thành hai quốc gia đại thù địch. Họ cạnh tranh nhau từng vị trí, từ bảng xếp hạng kinh tế cho đến sức mạnh quân sự, và bây giờ, cuộc đua ấy đang dần chuyển ra một chiến trường khác – vị thế với quốc tế.
    Với Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình trong thông điệp đầu năm được gửi đi từ phòng làm việc riêng (thay vì Đại Lễ Đường Nhân Dân như các vị tiền nhiệm vẫn làm), họ Tập đã chỉ rõ Trung Quốc cần thể hiện hơn nữa vị thế của mình, tiếng nói của mình trong các vấn đề của quốc tế.
    Và sau đây là cách Trung Quốc thể hiện vai trò cường quốc. Với các điểm nóng trên thế giới, nói thẳng, Trung Quốc đang chạy theo Nga như một đồng minh thân tín, quan điểm của Moscow là quan điểm của Bắc Kinh. Tiêu biểu như vấn đề Syria, Ukraine, Trung Đông, Triều Tiên…
    Ông Tập Cận Bình trong phòng làm việc riêng phát đi thông điệp về giấc mơ Trung Hoa
    Ông Tập Cận Bình trong phòng làm việc riêng phát đi thông điệp về giấc mơ Trung Hoa
    Và sau mỗi sự ủng hộ “nước Nga vĩ đại” đó, “Trung Quốc quật cường” đều nhận được những lợi ích không nhỏ. Trước cuộc chính biến ở Ukraine, Trung Quốc ủng hộ Crimea về với nước Nga như một sự công bằng của lịch sử, bênh vực Nga trước những đòn trừng phạt của phương Tây…
    Và những gì họ nhận được là một cơ số hợp đồng bị đình trệ từ nhiều năm được thông qua: hợp đồng dầu khí khổng lồ 400 tỷ USD nhưng với đơn giá rất hời, ký thêm được hợp đồng vũ khí tổ hợp tên lửa S-400 mà Trung Quốc đã mơ ước từ lâu, chưa kể Su-35, tàu ngầm Amur… đang trên đà thuận lợi.
    Nhưng cái Trung Quốc được lợi nhất, là sự im lặng của Nga trong các vấn đề  ăn cướp lãnh thổ mà Trung Quốc dở trò tại Biển Đông và Hoa Đông.
    Tập Cận Bình luôn rêu rao về việc Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, Trung Quốc nước lớn không ức hiếp nước nhỏ, Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế… Nhưng những thứ mà họ thể hiện với Giàn khoan Hải Dương 981 trong biển của Việt Nam, tuyên bố chủ quyền trong biển của Malaysia, cấm đoán hàng hải trong biển của Philippines… Tất cả những thứ đó cả thế giới đã phải lên án, nhưng Nga vẫn im lặng.
    Với Trung Quốc, vị thế cường quốc của họ không phải là người đi xây dựng, người nâng đỡ mà là kẻ đi ăn cướp được hậu thuẫn và ỷ thế. Hậu thuẫn ở đây chính là sự hợp tác lợi ích giữa nước lớn với nước lớn (Nga – Trung), và ỷ thế nước lớn để bắt nạt nước bé, ỷ thế nước lớn để bất chấp pháp luật thế giới.
    Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình với hợp đồng khí đốt 400 tỷ USD
    Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình với hợp đồng khí đốt 400 tỷ USD
    Đó là cách mà Trung Quốc đang theo đuổi vai trò cường quốc, và so với những gì họ phát biểu, mà cụ thể là ông Tập Cận Bình phát biểu, thì Trung Quốc đang nói một đằng làm một nẻo. Theo ngôn từ của người Hán thì là ngụy quân tử.
    Còn với Nhật Bản, họ chơi một cuộc chơi sòng phẳng và đàng hoàng hơn. Trung Quốc mang quà đến bất kỳ quốc gia nào để chiêu dụ, Nhật Bản cũng hành động như một đối trọng đáng nể. Sức mạnh của đồng Yên đối đầu trực tiếp với sức mạnh của Nhân dân tệ. ODA của Nhật thể hiện một cách minh bạch hơn nhiều so với những gói hỗ trợ lập lờ của Bắc Kinh.
    Nhật Bản tuyên bố chống Trung, đứng về phía các nước yếu để lên án Bắc Kinh. Nhật cũng thừa cơ hội đó mà trang bị cho mình quyền phòng vệ tập thể, cho phép tham chiến với đồng minh. Trong mắt các quốc gia bị Trung Quốc bắt nạt, Nhật nổi lên như một anh hùng nghĩa hiệp.
    Nửa đầu năm 2014, song song với những hành động nói một đằng làm một nẻo của Trung Quốc, Nhật Bản của Shinzo Abe lại đi ngược lại hoàn toàn với những quyết tâm “đã nói là làm.” Cách Nhật Bản theo đuổi vị thế cường quốc hoàn toàn đối lập với Trung Quốc. Và bộ mặt cường quốc thực sự cũng dần được bộc lộ theo từng động thái.

    Vì sao Nhật Bản theo đuổi vị thế cường quốc?

    Trước đây, trên những điểm nóng của quốc tế, ít khi thấy Nhật xuất hiện. Nhưng thời gian gần đây, Nhật Bản liên tiếp lên tiếng. Trong vấn đề Ukraine, đầu tháng 7/2014, khi Mỹ và phương Tây áp đặt thêm biện pháp trừng phạt với các cá nhân và tổ chức của Nga, Nhật Bản đơn phương từ chối tham gia vào việc này. Nhưng khi máy bay MH17 của Malaysia bị bắn hạ, ngày 28/7, Tokyo đã quyết định trừng phạt nước Nga vì đã gián tiếp gây ra thảm họa này.
    Động thái này của Nhật Bản cho thấy họ đang chủ động trong các vấn đề quốc tế, và họ hành động khi quyền của con người bị xâm phạm, hay tội ác chiến tranh đang xảy ra. Đây là một nước cờ khôn ngoan của Tokyo khi tiếp tục lựa chọn đúng thời điểm.
    Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc diễu binh của quân đội
    Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc diễu binh của quân đội

    Ông Abe cũng đến Mỹ Latinh để tìm kiếm một sự ủng hộ của lục địa này về việc đồng ý cho Nhật trở thành một trong các thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời, vận động Mỹ Latinh đóng một vai trò mới hơn, có thái độ tích cực hơn với TPP.
    Phải nói rằng Nhật Bản đã thay đổi chiến thuật của mình, họ chủ động trang bị vũ khí, trang bị sức mạnh quân sự, họ chủ động tìm kiếm một sự công nhận vai trò cường quốc của họ trên thế giới.
    Nhưng vì sao Nhật Bản phải thay đổi chiến lược như vậy? Bởi vai trò của Nhật sẽ ảnh hưởng đáng kể đến liên minh Mỹ - Nhật Bản, thậm chí là cả chiến lược chuyển trục châu Á – Thái Bình Dương của ông Obama nếu như Nhật không có một sức mạnh và vị thế cao hơn.
    Bởi lẽ, châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á đều vẫn tồn tại những sự nghi kỵ với Mỹ do yếu tố lịch sử để lại. Đồng thời, những nước không nghi kỵ Mỹ thì bị ảnh hưởng sâu sắc bởi mối quan hệ với Trung Quốc.
    Cái bắt tay hợp tác quân sự giữa Thủ tướng Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel
    Cái bắt tay hợp tác quân sự giữa Thủ tướng Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel

    Việc để Mỹ đi lấy lòng các nước Đông Nam Á là một việc làm tốn kém và thiếu hiệu quả. Nhưng người Nhật, cùng máu đỏ da vàng, cùng chung một kẻ thù, họ biết cách nói chuyện và cư xử hơn phương Tây.
    Trong mối quan hệ giữa các quốc gia của cái liên minh mà Mỹ muốn tạo dựng lên để cô lập Trung Quốc, phải nói rằng mắt xích quan trọng nhất, có ảnh hưởng đến thành bại của toàn chuỗi là Nhật Bản.
    Chiến lược thay đổi vị thế của Nhật Bản sẽ được Mỹ hiểu theo hướng đồng minh mạnh, chính quốc mạnh, đồng minh có lợi ích, lợi ích chính quốc được bảo vệ. Hay nói cách khác, Mỹ giao nhiệm vụ cho Nhật Bản đi tiên phong trong việc xây dựng một đội ngũ các quốc gia chung chí hướng và Mỹ hậu thuẫn cho tất cả những quốc gia đó, để mang lại quyền lợi cho Mỹ.
    Tuy nhiên, Nhật Bản không làm hoàn toàn vì lợi ích Mỹ, mà bản thân họ luôn khao khát được công nhận là một cường quốc, sau khi hồi sinh và phát triển một cách kỳ diệu sau thất bại tại Thế chiến thứ hai. Trong cục diện này, Nhật đúng ý, Mỹ đẹp lòng, có lẽ chỉ có Trung Quốc là tỏ ra khó chịu.

    Đỗ Minh Tú

    CSVN cam kết sử dụng đúng mục đích ODA của Nhật!

    (Baodatviet) - Việt Nam luôn coi trọng và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết tại buổi tiếp Đoàn Ủy ban Ngân sách Hạ viện Nhật Bản do ông Toshihiro Nikai, Chủ tịch Ủy ban, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam làm Trưởng đoàn.

    Cam kết sử dụng đúng mục đích

    Cụ thể theo thông tin trên tờ VOV, tại buổi tiếp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản dành cho Việt Nam sự giúp đỡ và hỗ trợ hiệu quả, nhất là các dự án ODA.

    Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn ODA, đồng thời tin tưởng hai nước sẽ tiếp tục phát triển không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong cả lĩnh vực văn hóa, giáo dục và an ninh quốc phòng.

    Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Nhật Bản Toshihiro Nikai cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã dành thời gian tiếp đoàn và mong muốn quan hệ hợp tác nghị viện giữa hai nước ngày càng phát triển.

    Ngài Toshihiro Nikai và các thành viên trong Đoàn Hạ viện Nhật Bản cũng đánh giá cao chất lượng công trình dự án cầu Nhật Tân và một số dự án của Nhật Bản tại Việt Nam. Sự thành công của các dự án này là tiền đề cho việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

    Nhật Bản hiện là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam với gần 20 tỷ USD vốn ODA cam kết giai đoạn 1993 - 2012
    Nhật Bản hiện là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam với gần 20 tỷ USD vốn ODA cam kết giai đoạn 1993 - 2012
    Theo số liệu thống kê, Nhật Bản hiện đang là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam với gần 20 tỷ USD vốn ODA cam kết giai đoạn 1993 - 2012. Quốc gia này cũng dẫn đầu về số dự án và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và là đối tác thương mại lớn thứ ba.
    Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe diễn ra vào cuối năm 2013 tại Tokyo, Thủ tướng Abe khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản đồng thời khoản ODA trị giá 100 tỷ yen (tương đương 1 tỷ USD) được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố.
    Thủ tướng Abe cũng đã cam kết sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai các kế hoạch hành động cho 6 ngành công nghiệp ưu tiên trong Chiến lược phát triển công nghiệp hóa, nghiên cứu tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản.
    Nhật Bản nối lại ODA có điều kiện với Việt Nam
    Mới đây, Nhật Bản cũng đã quyết định nối lại việc cung cấp vốn cho các dự án mới sử dụng nguồn vốn ODA sau một thời gian tạm ngừng để xử lý vụ nhà thầu Nhật Bản hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam.
    Việc nối lại ODA nói trên là có điều kiện. Theo đó, “phía Việt Nam cam kết tiến hành điều tra về thực hư các vụ hối lộ liên quan đến dự án bỏ thầu có sự tham gia của JTC và Tổng công ty đường sắt Việt Nam cũng như thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tránh tái diễn vụ việc như trên trong tương lai".
    agasfjks fasfa
    Nhật Bản cũng đã quyết định nối lại việc cung cấp vốn cho các dự án mới sử dụng nguồn vốn ODA sau một thời gian tạm ngừng để xử lý vụ nhà thầu Nhật Bản hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam
    Trước đó, vào ngày 2/6, Chính phủ Nhật Bản thông báo tạm đình chỉ cấp mới vốn vay ODA để tập trung giải quyết vụ việc Công ty Tư vấn xây dựng đường sắt Công nghệ giao thông Nhật Bản (JTC) (có trụ sở ở Tokyo) hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam.
    Hai nước đã tiến hành họp Đối thoại Việt Nam – Nhật Bản về phòng chống tham nhũng trong các dự án ODA của Nhật Bản hôm 24/6. Tại cuộc họp lãnh đạo hai nước cùng đại diện địa phương đã trao đổi, kiểm điểm các biện pháp phòng ngừa và đưa ra giải pháp phòng chống tham nhũng mới, áp dụng cho tất cả các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam.
    Ngày 10/7, cơ quan công tố Tokyo khởi tố và có lệnh bắt tại gia đối với 3 cựu giám đốc của JTC với tội danh vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh, mà cụ thể ở đây là hành vi hối lộ quan chức nước ngoài.
    Thực hiện điều kiện phía Nhật đưa ra, Việt Nam hiện đã bắt giữ 6 cán bộ thuộc Tổng Công ty đường sắt và tiến hành điều tra.
    Ngày 18/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao việc Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thông qua việc cung cấp ODA".
    "Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và nỗ lực sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản, đối tác viện trợ ODA song phương lớn nhất của Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía Nhật Bản để triển khai các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và phòng chống tiêu cực trong các dự án ODA", ông Lê Hải Bình khẳng định.
    Hà Anh

    Công an Đồng Tháp thiệt là bá láp

    Đại tá Lê Văn Bé Sáu - thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Đồng Tháp

    Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Tất nhiên, CSVN không những dốt mà lì lợm và bướng bỉnh. Bài này chỉ xin nêu ra việc mới nhất của những kẻ phản dân hại nước về điều đó.

    Công an là đồ ăn cướp có gì sai?

    Đó là bản "kết luận điều tra vụ án" đối với 3 công dân vô tội: Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh.

    Trong bản kết luận, điều gây chú ý cho tôi là những câu mà công an Đồng Tháp nói là bà Hằng và những người bạn chửi rằng:

    - Công an là đồ ăn cướp

    - Công an chặn đường cướp tài sản

    Ở đây, công an cho là bà Hằng và những người bạn chửi chúng. Một câu hỏi đặt ra: công an có giựt tài sản của bà Hằng và bạn hữu của bà không?

    Nếu câu trả lời là không, chứng tỏ công an Đồng Tháp quá dốt về chuyên môn, bởi lẽ ra, phải khởi tố bà Hằng và bạn bè tội vu khống, chứ không phải tội gây rối trật tự công cộng. Trong trường hợp này, phía công an Đồng Tháp buộc phải có căn cứ chứng minh rõ ràng và có nhân chứng cụ thể để làm chứng, công an không cướp và không giựt bất cứ tài sản nào của bà Hằng và bạn của bà.

    Nếu câu trả lời là có, sao lại quy chụp bà Hằng và bạn bè "chửi" công an? Chẳng lẽ khi một thằng ăn cướp giựt đồ của mình, nạn nhân (nhất là phụ nữ) không có quyền: 

    - Gào thét lên? Tại đây, nảy sinh ra tình huống, người dân tụ tập lại rất đông là logic, không có gì bàn cãi. Hầu như những vụ cướp táo tợn đều gây chú ý người dân tại địa điểm xảy ra, người dân bu lại là do họ hiếu kỳ (như công an thừa nhận trong bản kết luận), cớ sao chụp mũ bà Hằng là "gây rối trật tự công cộng"? Như thế nào được coi là gây rối? Trong hoàn cảnh cụ thể của bà Hằng và bạn hữu, khi và chỉ khi, người bị gọi là gây rối, họ chủ động kêu gọi nhiều người khác cùng tụ tập đến mức nghẽn đường, kẹt xe. Bà Hằng và bạn hữu không hề kêu gọi bất kỳ ai đến coi, sao lại vu cho họ "gây rối"?

    - Kêu cứu? Tại đây, lý giải tâm trạng nạn nhân uất ức là hoàn toàn chính đáng. Khi bị cướp giữa ban ngày ban mặt và tên cướp còn đứng sờ sờ ra đó, giữa 700 người (theo kết luận của công an Đồng Tháp) cùng túa ra coi, thì bà Hằng và bạn bè có hét tướng lên thật to cũng quá dễ hiểu. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, phía công an nói rằng bà Hằng chửi "đồ ngu dân". Chỉ khi nào bà Hằng chửi "đồ dân ngu" mới khép tội bà được. Bởi theo tiếng Việt hiện đại, khi chửi "đồ ngu dân" nghĩa là bà Hằng điểm mặt (cho 700 người dân lúc đó thấy rõ) những kẻ làm cho dân bị rơi vào tình trạng ngu dốt. Do đó, công an Đồng Tháp, cố tình bóp méo và vu khống cho bà Hằng và bạn của bà.

    Đả đảo cộng sản có gì sai?

    Theo "kết luận" của công an, hễ ai chửi dân cũng đều mang tội. Hoàn toàn đúng. Đặc biệt, những kẻ nào đang làm việc trong guồng máy chế độ, đang nhận lương lậu, cần nhớ đó là tiền của dân, do đó, những kẻ này càng mang tội với dân nhiều nhất khi nhục mạ dân dưới bất cứ hình thức nào.

    Giới công an chẳng lẽ không biết người cộng sản và những ông "trí thức XHCN" thường chửi "dân trí thấp"? Bắt ai ư? Bắt ngay Lê Doãn Hợp - tên này đã từng chửi "dân trí thấp" [1]. Lê Doãn Hợp chửi dân một cách công khai. Nếu trường hợp Lê Doãn Hợp chưa đủ thuyết phục, thì hãy xem thêm:

    - Dương Đình Sáu - Bí thư Đảng ủy xã Thành Công (huyện Phổ Yên - tỉnh Thái Nguyên) chửi dân ngu và bố láo [2].

    - Trần Trí Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa - quận Đống Đa - Hà Nội: “Các bạn nghe phải nghe rất nhiều tai. Các bạn không thể chỉ nghe dân nói được. Vì dân nó là gian. Tôi nói thẳng luôn..." [3].

    - Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định [4]: Do dân trí VN chưa cao, nên người dân không biết ngân hàng nào tốt hay xấu. Ông Bình còn tuyên bố thêm: khi nào ‘dân trí cao hơn’ thì Nhà nước sẽ cho phá sản những ngân hàng yếu kém. 

    - Người mẫu nổi tiếng kiêm diễn viên điện ảnh Xuân Lan phẫn nộ Nguyễn Thị Kim Tiến sau khi bà Bộ trưởng y tế này chửi dân về vụ dịch sởi, như sau [5]: "Có ai biết bà Nguyễn Thị Kim Tiến đang chui rúc ở cái xó xỉnh nào không vậy? Bà có bị câm không? Bà có bị đui không? Bà có bị điếc không? Bà có mù chữ không? Sao bà dối trá vậy? Gia đình nhà bà có ai bị sởi chưa? Có ai bị biến chứng không?? Có ai được tiêm ngừa chưa? Có ai bất an với dịch sởi này không? Bà có trái tim không?? Bà có thương trẻ con không?? Bà có con không? Bà có cháu không? Hả? Lương tâm bà có bị chó tha không?".

    Còn Phạm Quang Nghị nữa, tên này cũng từng chửi dân "ỷ lại" vụ nước lụt Hà thành năm nào, Nguyễn Sinh Hùng cũng từng chửi dân rằng: "dân quyết sai thì dân chịu", rồi cả tên Nguyễn Thế Thảo - kẻ còn nợ Bùi Thị Minh Hằng vụ bắt người phi pháp - cũng chửi dân oan [6] mất đất đi khiếu nại, kêu oan làm xấu Thủ đô (của y). Còn rất nhiều tên cộng sản chửi dân, chỉ e dẫn ra không đủ chỗ.

    Thế mới hay: Chỉ có dân mới có quyền chửi. Đơn giản vì: dân nuôi bọn công bộc. Bất kỳ một tên nào nhận lương lậu, bổng lộc, nhà xe v.v... đều phải nhớ đó là tiền của dân. Thằng nào, con nào mà chửi dân, nhất định đó đích là bọn phản dân hại nước. 

    Hiện nay, tại VN, cộng sản đang cướp quyền dân để đè đầu cỡi cổ và tự chúng đặt để chỗ ngồi với tư cách là cha mẹ dân, như các tên: Tôn Nữ Thị Ninh, Lê Hồng Anh và nhiều tên cộng sản khác. Do đó, bà Bùi Thị Minh Hằng và bạn bè có hô to:

    - Đả đảo cộng sản

    - Đả đảo chính quyền địa phương

    có gì là sai? Điều nào của luật nào cho rằng khi "đả đảo cộng sản" là vi phạm luật? Chỉ ra coi thử, công an Đồng Tháp?

    Kết

    Hay cộng sản các người muốn nói rằng: dù bọn công an Đồng Tháp có giựt đồ trên tay người ta, xông vào lục lọi cả thân thể người khác thì nạn nhân cũng làm thinh? Hay nhỏ nhẹ xin xỏ? Có phải đó là cái thứ "văn hóa" trong đấu tranh bất bạo động mà cộng sản các người cố tình lừa lọc bao năm qua để những ai thích "làm màu", thích chứng tỏ "văn hóa", thích ta đây "lịch lãm" luôn tìm cách né tránh, vì sợ mang tiếng "cựa đoan", "vô học" để cuộc đấu tranh giải thể chế độ phản dân hại nước tiếp tục dai dẳng và âm ỉ tồn tại?

    Thôi! Dẹp ba cái trò bá láp như công an Đồng Tháp đi! Ngày tận thế của cộng sản đang lừng lững đến rồi đó! 

    Ờ quên! Trần Đại Quang coi biểu xấp nhỏ ở Tam Kỳ đem 3.000 đô Mỹ [7] trả lại cho cô Huỳnh Thục Vy đi! Ăn cướp cả 3 năm trời rồi làm thinh luôn! Kỳ thấy mẹ!


    __________________________________

    Chú thích:

    ASEAN cần tự soạn một 'Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông'

    HÀ NỘI (NV) .- Các quốc gia Đông Nam Á cần tự soạn thảo một Bộ quy tắc về ứng xử trên biển Đông (COC) trước khi đàm phán với Trung Quốc. Đừng chú trọng vào đàm phán với Trung Quốc về COC.


     Tàu đổ bộ Changbaishan (Trường Bạch Sơn) của hải quân Trung quốc bắt đạn thật trong cuộc tập trận gần đây trên Biển Đông. (Hình: Navy.81)

    Đó là khuyến cáo của ông Carl Thayer, Giáo sư Học viện Quốc phòng Úc tại hội thảo về “Tranh chấp biển Đông dưới góc nhìn dân sự”, do Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn hồi cuối tuần qua, với sự tham gia của 50 học giả ở nhiều quốc gia khác nhau.

    Theo ông Thayer việc ASEAN chỉ quan tâm đến đàm phán với Trung Quốc về COC trên biển Đông, không chú ý tới tự soạn COC trên biển Đông, bởi sợ Trung Quốc bác bỏ dự thảo tự soạn là một sai lầm.

    Trên thực tế, ASEAN đã lặng lẽ bác dự thảo COC trên biển Đông do Indonesia soạn và hướng sự quan tâm vào quan điểm của Trung Quốc nên ASEAN bị tách thành hai nhóm: Nhóm có tranh chấp và nhóm không có tranh chấp với Trung Quốc.

    Ông Thayer nhấn mạnh, điều đó khiến ASEAN khó đạt được một lập trường chung trong khi Trung Quốc có thể lợi dụng khác biệt trong ASEAN để kéo dài các cuộc đàm phán, có thêm thời gian để củng cố sự hiện diện và kiểm soát đối với các vùng biển và thực thể ở biển Đông.

    Vị giáo sư người Úc cho rằng, diễn biến tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines tại bãi Second Thomas và tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam trong vụ giàn khoan 981 cho thấy, Trung Quốc muốn tình trạng thực tế thay đổi đến mức ASEAN không thể làm gì được nữa trước khi đạt được thỏa thuận về COC trên biển Đông.

    Do vậy, ASEAN cần phải tìm kiếm sự đồng thuận về dự thảo COC trên biển Đông để xác lập lập trường thống nhất trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Ông Thayer khuyến cáo, ASEAN nên chỉnh sửa và cập nhật dự thảo COC trên biển Đông của Indonesia thành bản thảo cuối cùng để Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN phê chuẩn, phát hành nhằm tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế.

    Ông Thayer đề nghị ASEAN nên nhìn xa hơn, xem COC là bộ quy tắc ứng xử cho những vấn đề chung trên biển của khu vực Đông Nam Á chứ không đơn thuần chỉ là COC cho biển Đông. Điều này sẽ giúp củng cố tư cách pháp lý của ASEAN và tăng cường khả năng đối phó với các cường quốc bên ngoài.

    Cũng cần nhắc lại là năm 1996, ASEAN đã từng đề cập đến việc xây dựng COC trên biển Đông nhưng bất thành. Do các tranh chấp trên biển Đông càng ngày càng gay gắt, năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).

    Tuy nhiên DOC không giúp giảm bớt căng thẳng trên biển Đông vì phạm vi áp dụng thiếu rõ ràng và các quy định thì thiếu cụ thể. Chưa kể DOC không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Đến năm 2011, ASEAN và Trung Quốc tiếp tục thông qua Bản Quy tắc hướng dẫn DOC nhưng văn kiện này cũng không khắc phục được hết những hạn chế của DOC.

    Người ta hy vọng nếu ASEAN có thể thông qua một COC cùng với Trung Quốc, các tranh chấp trên biển Đông có thể được phân xử bởi một cơ quan tài phán quốc tế.  Tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ tỏ ra đồng tình với giải pháp này và tìm nhiều cách để tạo bất đồng giữa các quốc gia trong khối ASEAN khi họ bàn luận về COC.

    Khó khăn trong đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc là điều được xem như tất nhiên. Tháng 8 năm ngoái, ông James R. Holmes, giáo sư về chiến lược của Học viện Hải quân Hoa Kỳ, từng cảnh báo, tìm cách thuyết phục Trung Quốc chấp thuận COC mà không dứt khoát trong việc giải quyết các mâu thuẫn hiện tại, chưa chắc đã là giải pháp tốt nhất cho ASEAN trong tương lai.

    Theo ông Holmes, ASEAN nên cẩn trọng và mạnh mẽ khước từ COC với Trung Quốc, nếu trong đó, Trung Quốc không chấp nhận từ bỏ những đòi hỏi vô lối về chủ quyền ở biển Đông.

    Theo hướng này thì ASEAN cần đạt được một văn kiện mà trong đó, Trung Quốc chấp nhận rút khỏi những nơi thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ASEAN mà họ từng xâm phạm. Chấp nhận ngưng ngăn cản hoạt động của hải quân các nước trong khu vực đường chin đoạn mà Trung Quốc tự vạch ra, cũng như chấp nhận rằng, bất kỳ COC nào ở biển Đông cũng phải tuân thủ Công ước về Luật Biển.

    Ông Holmes nhận định, ưng thuận một COC với Trung Quốc mà thiếu cân nhắc các yếu tố vừa kể sẽ đồng nghĩa với việc phải chấp nhận thực trạng hiện nay. Trong đó bao gồm cả việc Trung Quốc đã chiếm giữ các khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia ASEAN.

    Vị giáo sư về chiến lược của Học viện Hải quân Hoa Kỳ khuyến cáo, nếu ASEAN chấp nhận một COC với Trung Quốc mà thiếu các điều kiện như ông đề nghị thì COC đó sẽ giúp Trung Quốc có thể giữ được những gì họ đã thâu tóm trong thời gian vừa qua. Ông Holmes nhấn mạnh, ASEAN sẽ phải trả giá đắt nếu thiếu tỉnh táo và cương quyết trong quá trình đạt được một COC với Trung Quốc.

    Việc soạn thảo Bộ Quy tắc Ứng xử biển Đông (COC) không có giới hạn về thời gian nên chưa rõ lúc nào ASEAN mới hoàn tất văn kiện này. (G.Đ)
    07-28-2014 2:46:29 PM
    Theo Người Việt