Monday, May 7, 2018

Yêu cầu tổng bí thư công khai tài sản

Theo RFA-2018-05-07  
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được yêu cầu công khai tài sản cá nhân
 Nguyễn Phú Trọng được yêu cầu công khai tài sản cá nhân-AFP
Ngày 6-5-2018, ngay trước ngày khai mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII (Hội nghị Trung ương 7) xuất hiện bức thư ký tên tập thể các đảng viên đảng cộng sản yêu cầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải công khai tài sản của mình.
54 người ký tên trong bức thư có những trí thức tên tuổi hiện nay như ông Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền VN tại TQ, nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Nguyễn Quang A...
Sau đó, 16 đảng viên, công dân của xã Đồng Tâm - Hà Nội cũng ký tên vào Thư yêu cầu.
Theo nội dung bức thư, ngày 3-10-2017 Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam ban hành quyết định số 99/QĐ-TƯ yêu cầu phải công khai các bản kê tài sản của cán bộ, đảng viên các cấp, và các bản kê này sẽ phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị...
Tuy nhiên cho đến nay là hơn 7 tháng nhưng người dân vẫn chưa thấy được những điều này chính vì vậy, các nhân sĩ trí thức ký tên kêu gọi "Tổng Bí thư hãy làm gương là người công khai 'Bản kê tài sản' của mình trên báo chí, cổng thông tin điện tử và Internet trước tiên."
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên UV Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cho biết lý do viết thư yêu cầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai tài sản cá nhân:
Dưới cái con mắt của tôi thì cái ông Tổng bí thư này chẳng đáng là cái gì. Ông ấy chẳng tích cực chống tham nhũng, đấy là bề ngoài thôi, còn người ta mà đi sâu vào thì người ta cũng thấy ông ấy có nhà, có cửa, chỗ nọ chỗ kia đấy. Tôi không phải là thám tử, tôi mà là thám tử thì tôi cũng moi cái “chống tham nhũng” của ông Trọng ra thôi vì tôi chẳng tin gì ông Nguyễn Phú Trọng đâu và tôi cũng không tin là ông ấy thanh liêm đâu.
Việc yêu cầu công khai tài sản của người đứng đầu đảng Cộng sản VN diễn ra giữa lúc "chiến dịch chống tham nhũng" của ông Nguyễn Phú Trọng đang đến hồi cao trào, khi hàng loạt tướng tá công an, quân đội bị bắt giam, xét xử vì các sai phạm khác nhau.
Theo những người ký tên "Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần chỉ đạo “không có vùng cấm trong chống tham nhũng“ lâu nay của chính Ngài Tổng Bí thư: “Trước người ta bảo chỉ đánh từ vai đánh xuống, bây giờ thì ngay trên đầu làm mạnh hơn, tức là Trung ương còn nghiêm hơn cả địa phương”. Rõ ràng, đúng như lời Tổng Bí thư nói, Trung ương cần làm gương cho địa phương, và người đứng đầu Trung ương không ai khác chính là Tổng Bí thư."

Nếu thứ cần mất vẫn còn…

Theo RFA-Đồng Phụng Việt-2018-05-06   
Hơn 60 hộ dân thuộc Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm biểu tình trước Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng và Quốc hội, vào hôm 28 tháng 10 năm 2016
Hơn 60 hộ dân thuộc Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm biểu tình trước Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng và Quốc hội, vào hôm 28 tháng 10 năm 2016-Citizen photo
Tổng Bí thư Đảng CSVN, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng Việt Nam vẫn im lặng, chưa lên tiếng về sự kiện Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000, biến Thủ Thiêm thành “Khu Đô thị mới” mà chính quyền TP.HCM từng đệ trình và từng được người đứng đầu chính phủ Việt Nam hồi 1996 phê duyệt – bị… “mất”!
Không biết Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 đính kèm tờ trình, phần không thể tách rời của quyết định cho phép TP.HCM biến Thủ Thiêm thành “Khu Đô thị mới”, cơ sở để chính quyền TP.HCM dựa vào đó thu hồi đất, biến quy hoạch “Khu Đô thị mới” tại Thủ Thiêm thành hiện thực - “mất” từ lúc nào?
Cũng không rõ tại sao Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 “mất” nhưng các Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/2.000, tỉ lệ 1/500, chi tiết hóa hình hài, diện mạo của “Khu Đô thị mới”, xác định chỗ nào ở Thủ Thiêm sẽ “giao” đất làm trung tâm thương mại, chỗ nào ở Thủ Thiêm sẽ “giao” đất xây nhà, dựng chung cư,… vẫn… còn?
Cho tới giờ, sau tiết lộ của ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP.HCM: Chưa tìm thấy Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 cho “Khu Đô thị mới” ở Thủ Thiêm! Phản bác của ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp dân của Thanh tra Chính phủ: Đừng nói với dân là tấm bản đồ ấy thất lạc, phải thú thật với dân là… không có (!) vì đã lục tìm tất cả các kho lưu trữ từ trung ương đến địa phương vẫn… không thấy! Biện bạch của ông Lê Quang Hùng – một trong những Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Quy hoạch “Khu Đô thị mới” ở Thủ Thiêm hồi 1996 đã hết hiệu lực, đã được thay thế bằng Quy hoạch hồi 2005 và quy hoạch này vẫn còn… thắc mắc của 15.000 gia đình vốn là cư dân khu vực Thủ Thiêm: Tại sao chính quyền TP.HCM không dành 160/770 héc ta của “Khu Đô thị mới” cho họ theo đúng tinh thần Tờ trình, Quyết định phê duyệt của chính phủ, Bản đồ qui hoạch tỉ lệ 1/5.000 hồi 1996 (?) vẫn không được giải đáp.
Những thắc mắc khác, kiểu như: Tại sao cư dân khu vực Thủ Thiêm chỉ được nhận khoảng 200.000 đồng bồi thường cho mỗi mét vuông trong khi một số doanh nghiệp được “giao” đất Thủ Thiêm có thể hưởng đặc lợi từ việc bán lại mỗi mét vuông đất ở Thủ Thiêm với giá vài chục triệu? Tại sao một số cư dân mà nhà đất nằm ngoài phạm vi Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 cho “Khu Đô thị mới” ở Thủ Thiêm vẫn bị cưỡng chế, thu hồi đất, vẫn bị ép nhận tiền bồi thườngvới giá rẻ mạt (?)... vẫn không có ai, nơi nào nằm trong nhóm trước kia là “hữu trách” hoặc nay đang có nghĩa vụ làm rõ, trả lời!
Những câu hỏi, câu chuyện liên quan đến Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000, biến Thủ Thiêm thành “Khu Đô thị mới” hồi 1996 không chỉ có chừng đó. Hàng loạt những dấu hiệu đáng rủa khác như: Tại sao đại diện hàng trăm gia đình cư trú ở Thủ Thiêm hết khiếu nại ở Sài Gòn, lại tất tả ra Hà Nội tố cáo, ròng rã suốt 22 năm vừa qua, vẫn không có ai đoái hoài? Tại sao hệ thống tiếp nhận các khiếu nại – tố cáo từ địa phương đến trung ương hết “nâng” các khiếu nại, tố cáo lên rồi lại “đặt” xuống hơn hai thập niên mà vẫn không giải quyết xong? Tại sao 20 năm qua, thỉnh thoảng báo giới hăm hở xông vào rồi lại rút ra, đi đã không tới nơi, về cũng chẳng tới chốn?..
***
“Mất” những thứ lẽ ra phải còn để xem xét - truy cứu trách nhiệm đã trở thành hiện tương phổ biến ở Việt Nam.
Để bảo tồn rừng, chính phủ Việt Nam đã ra lệnh đóng cửa rừng và cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Tháng 5 năm ngoái, dân chúng Việt Nam chưng hửng trước tin chính quyèn tỉnh Phú Yên cho phép Công ty New City Vietnam và Công ty Sao Việt dọn sạch 140 héc ta rừng phòng hộ mà Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh này khẳng định là “xung yếu” vì “chắn gió, chắn cát từ biển vào đất liền” để xây dựng sân golf, khách sạn, resort đạt tiêu chuẩn “5 sao” nhằm phục vụ… “Vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu hữu nghị ASEAN 2017”... Trước sự phẫn nộ của công chúng, chính phủ Việt Nam ra lệnh cho Thanh tra kiểm tra. Thanh tra xác định, ở Phú Yên không chỉ có 140 héc ta rừng phòng hộ được chính quyền tỉnh này cho phép dọn dẹp. Ngoài các dự án của Công ty New City Vietnam và Công ty Sao Việt, chính quyền tỉnh Phú Yên còn cho phép thực hiện 17 dự án khác, xâm hại tổng cộng 1.107 héc ta rừng…
Đầu năm nay, chính quyền tỉnh Phú Yên loan báo, sổ ghi nội dung các cuộc họp của UBND tỉnh Phú Yên, trong đó có nội dung các cuộc họp liên quan đến việc cho phép phá rừng đã… “mất”. Không còn cơ sở để xác định trách nhiệm của các viên chức đang tại nhiệm hay đã nghỉ hưu nên tất cả nhất trí cùng “rút kinh nghiệm sâu sắc”!
Trước nữa, giữa năm 2016, sau khi người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam chuyển cho nhau hàng loạt thông tin, hình ảnh cáo buộc ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư tỉnh Thanh Hóa có “bồ nhí” và ông Chiến không chỉ vung tiền bao cô “bồ nhí” này mà còn biến hệ thống công quyền ở Thanh Hóa thành bệ phóng cô “bồ nhí” lên đỉnh quyền lực, chính quyền tỉnh Thanh Hóa thừa nhận, chuyện tuyển dụng – bổ nhiệm cô Trần Vũ Quỳnh Anh rõ ràng là “sai nguyên tắc”.
Cô gái khoảng 30 tuổi này khởi đầu “sự nghiệp chính trị” ở vị trí tạp vụ của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa rồi đột nhiên “chuyển công tác” sang làm chuyên viên tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Chỉ trong vài năm, sau khi được kết nạp vào Đảng CSVN, “chuyên viên” Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Nhà và Bất động sản, được gửi đi học Cao cấp Chính trị, Cao học, được “qui hoạch” làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Cũng chỉ trong vài năm, cô Trần Vũ Quỳnh Anh trở thành chủ nhiều biệt thự tọa lạc ở những khu vực sang trọng nhất Thanh Hóa, Hà Nội, chủ những chiếc xe hơi đắt tiền như Cadillac, Mercedes,… sở hữu một quần thể sân tennis cho thuê!
Tuy nhiên do cô Trần Vũ Quỳnh Anh chủ động xin thôi việc, chủ động “đòi” và được ưu ái trả lại toàn bộ hồ sơ Đảng viên, hồ sơ công chức của cô nên sau đó, dù hệ thống công quyền của cả trung ương lẫn địa phương cùng nhập cuộc để kiểm tra nhưng vì… không có lý do để thẩm định về tài sản của cô Trần Vũ Quỳnh Anh, không còn tài liệu để xem xét - truy cứu trách nhiệm của các viên chức lãnh đạo Đảng, lãnh đạo hệ thống công quyền ở Thanh Hóa, thành ra đầu năm nay, chỉ có cựu Giám đốc Sở Xây dựng, đang đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa bị kỷ luật!
***
Dư luận, công luận, rồi những tiếng kêu oan ức của cư dân Thủ Thiêm vang vọng suốt 20 năm qua. Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có bận tâm không? Câu trả lời là không!
Bản đồ tỉ lệ 1/5.000 quy hoạch “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm” bị… “mất” chỉ được thông báo rộng rãi, trở thành scandal và bàn luận rôm rả khi “lò” đang cần “củi”.
Tại sao những Trọng, Ngân, Quang, Phúc – vẫn ra rả khẳng định xây dựng Việt Nam thành xứ sở của “công bằng, dân chủ, văn minh”, vốn không ngừng cổ xúy cho việc xây dựng “chính phủ kiến tạo”, liên tục khẳng định tham nhũng là quốc nạn không nghe, không thấy, không nói gì về việc thực hiện quy hoạch “Khu Đô thị mới” ở Thủ Thiêm?
Tại sao Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng gần như chẳng bao giờ bỏ qua những cơ hội rất nhỏ, kiểu như chỉ đạo, điều tra, xử lý ngay chuyện trẻ con ngộ độc thực phẩm, ói ỉa tung tóe để chứng tỏ họ luôn đau đáu về vận nước, lợi ích của nhân dân mà lại bỏ qua việc thực hiện quy hoạch “Khu Đô thị mới” ở Thủ Thiêm?
Hai mươi năm là hai thập niên! Có thể tin, yên tâm không khi những người dường như bị suy giảm nghiêm trọng về thính lực, thị lực, thậm chí trí lực bởi “đãng trí” để “mất” gần như sạch sẽ mọi thứ, kể cả thứ quan trọng nhất là nhân tâm trong quãng thời gian dài như vậy đột nhiên trở thành tinh tường và sẽ nghe, sẽ thấy rõ mọi thứ, không làm “mất” thêm gì nữa?
Ai dám khẳng định nếu thảy vào “lò” củi nhỏ, củi to, củi khô, củi tươi, đốt thành tro mớ củi bị chọn để tạo ra lửa này thì tình trạng “mất” những thứ lẽ ra phải còn sẽ chấm dứt? Làm sao chấm dứt tình trạng đó khi những người vận hành “lò” cũng chính là những người phải chịu trách nhiệm vì “củi” vương vãi khắp nơi? Khi thứ cần mất vẫn còn thì thứ cần còn sẽ mất, mất sạch như lau!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Giáo xứ Kẻ Gai: khi chính quyền biến nạn nhân thành người bị truy tố

RFA-2018-05-07  
Hình ảnh vụ xô xát ở giáo xứ Kẻ Gai ngày 17/12/2017
Hình ảnh vụ xô xát ở giáo xứ Kẻ Gai ngày 17/12/2017-Screen capture (citizen video)
Ngày 6/5 giáo xứ Kẻ Gai với đại diện là linh mục Nguyễn Đức Nhân, linh mục quản xứ, và Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ, linh mục Nguyễn Văn Lịch, đã viết đơn kiến nghị gửi lên Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Nghệ An, tố giác cơ quan này đã cố tình bao che hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch và trưởng công an xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, và đề nghị chấm dứt hành vi sách nhiễu, vu khống giáo dân. Linh mục Nguyễn Đức Nhân cho đài Á Châu Tự Do biết ông đã đích thân đưa đơn này lên cơ quan công an điều tra tỉnh Nghệ An vào sáng ngày 7/5.

Chính quyền xã đánh dân

Theo đơn kiến nghị, vào ngày 18/1, giáo dân giáo xứ Kẻ Gai đã gửi đơn tố giác ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hưng Tây và ông Cao Minh Lực, Trưởng công an xã, đã có hành vi tổ chức ‘đánh người gây thương tích’, ‘hủy hoại tài sản’, ‘gây rối trật tự công cộng’, ‘lạm quyền’ và ‘không cứu người’ trong vụ việc tranh chấp đất đai hôm 17/12 năm ngoái ở xóm Bắc Kẻ Gai, xã Hưng Tây.
Theo linh mục Nhân và người dân chứng kiến vụ việc hôm 17/12, chính quyền xã Hưng Tây, và huyện Hưng Nguyên đã huy động cảnh sát cơ động và cho phép hội Cờ Đỏ đến đàn áp người dân đang làm mương thủy lợi trên mảnh đất của mình vào sáng ngày 17/12 khiến ít nhất một người bị thương nặng phải vào bệnh viện cấp cứu. Linh mục Nguyễn Đức Nhân cho biết:
“Họ chỉ là những người dân, qua vụ việc xảy ra rất đông người, hôm đó có vài ngàn người. Người dân chỉ là nạn nhân thôi. Trên video clip đó thì thấy là hội Cờ Đỏ, ông Lực đập người dân chúng tôi. Họ đưa công an xuống làm việc rồi lập biên bản. Họ đánh anh đó ngất tại đường luôn. Người dân lập biên bản đưa mấy ông công an huyện và xã chứng kiến để ký biên bản.”
Người dân chỉ là nạn nhân thôi. Trên video clip đó thì thấy là hội Cờ Đỏ, ông Lực đập người dân chúng tôi - Linh mục Nguyễn Đức Nhân
Truyền hình Nghệ An, cơ quan ngôn luận của chính quyền tỉnh vào ngày 17/12 đưa tin viết rằng ‘hàng trăm giáo dân giáo xứ Kẻ Gai, dưới sự kích động của linh mục quản xứ Nguyễn Đức Nhân đã tự ý chiếm đất sản xuất nông nghiệp để xây dựng nhà thờ’. Truyền hình Nghệ An cho biết người dân đã lấn chiếm 9.000 m2 đất canh tác theo quy định của chính phủ.
Tuy nhiên, giáo dân và linh mục Nhân khẳng định với Đài Á Châu Tự Do rằng phần đất mà người dân làm thủy lợi chính là đất tổ tiên của họ để lại. Linh mục Nguyễn Đức Nhân nói:
“Đất đó là tổ tiên họ để lại thì họ dâng, nhưng sau này chúng tôi sẽ làm giấy tờ đàng hoàng gửi Đức Giám mục giáo phận và chính quyền. Còn vụ việc vừa rồi chúng tôi chỉ làm thủy lợi thôi nhưng chính quyền và hội cờ đỏ và công an đến đánh người dân.”

Truy tố ngược

Sau khi đơn tố giác được gửi đi, đến ngày 29/1/2018, giáo xứ Kẻ Gai nhận được thông báo từ Thượng tá Cao Ánh Hồng, Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An về việc nhận đơn tố giác. Giáo dân giáo xứ Kẻ Gai cũng nhận được văn thư từ văn phòng chính phủ về việc chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh để giải quyết đơn.
Tuy nhiên theo kiến nghị mới của giáo xứ Kẻ Gai, trên thực tế cơ quan Công an tỉnh Nghệ An đã không thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục xác minh, thu thập chứng cứ, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và khởi tố vụ án theo đơn tố giác ngày 18/1.
Không những thế vào ngày 3/5, Thượng tá Cao Ánh Hồng đã ký đơn triệu tập gửi đến 4 người dân xã Kẻ Gai, yêu cầu họ lên làm việc với công an tỉnh vào sáng ngày 7/5 về những việc mà người dân ở đây cho là hoàn toàn không đúng sự thật.
Bây giờ mình đang lên án huyện với xã thì bây giờ mình từ người bị hại họ lại lật ngược lại nói mình giam giữ người trái pháp luật. - Giáo dân Nguyễn Văn Ân
Anh Nguyễn Văn Ân, một trong 4 người bị triệu tập cho biết:
“Bây giờ mình đang lên án huyện với xã thì bây giờ mình từ người bị hại họ lại lật ngược lại nói mình giam giữ người trái pháp luật. Hôm đó mình mời bí thư xã và trưởng công an huyện làm biên bản tường trình, ký vào biên bản đó. Mình ký vào biên bản người làm chứng, mình có mặt trong vụ việc đó.”
Theo bản chụp giấy triệu tập mà đài Á Châu Tự Do có được, ngoài anh Ân bị triệu tập về việc giam giữ người trái pháp luật, còn có anh Nguyễn Minh Chánh bị triệu tập về hành vi đánh nhau vào ngày 17/12. Hai người còn lại, theo linh mục Nhân, hiện đang đi vắng nên không nhận giấy triệu tập. Linh mục Nhân phủ nhận việc người dân đánh người trong ngày 17/12 như trong giấy triệu tập.
Nói về lý do sự việc dù đã xảy ra rất lâu nhưng đến bây giờ công an tỉnh Nghệ An lại quyết định triệu tập một số người dân Kẻ Gai thay vì điều tra khởi tố những người trong chính quyền theo đơn tố giác, anh Ân nhận định:
“Tại vì thứ nhất họ để dư luận tạm thời lắng. Thứ hai một trong những vấn đề ở đây là bên mình đang làm đơn tố giác xã, huyện với cờ đỏ là đánh dân thì mình nghĩ họ gửi cho mình giấy này là có thể họ muốn thỏa hiệp yêu cầu mình rút đơn kiện, trả lại đất. Ý là họ không cho phép mình làm. Thứ hai mình nghĩ thời điểm này dư luận tạm thời lắng hoặc vụ việc vừa rồi có tin hội thánh đức chùa trời để họ dọn đường dư luận, mà vừa rồi ở Vinh có xôn xao nhiều vấn đề nên nếu họ không thỏa hiệp được thì họ có thể dùng mình hoặc một vài người trong xứ để răn đe, thì sau này dễ điều khiển hơn vì không ai dám lên tiếng cả.”
Liên quan đến tin về Hội thánh Đức Chúa Trời vốn không liên quan đến những người theo Công giáo ở Vinh, truyền thông nhà nước và chính quyền thời gian qua đã lên tiếng chỉ trích hội thánh này và cảnh báo nếu hội bị phát hiện có những hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý
Những người nhận giấy triệu tập đã quyết định không lên gặp công an tỉnh vào sáng ngày 7/5 vì cho rằng lý do đưa ra là không đúng.
Linh mục Nguyễn Đức Nhân cho biết giấy triệu tập đã khiến người dân hoang mang và phẫn nộ “Giấy triệu tập đến thì họ phẫn nộ vì việc làm vô lý của công an tỉnh, việc một đằng họ hô hào sống theo pháp luật, họ lại không coi đó là gì, họ chà đạp lên pháp luật, lên sự thật. Họ coi người dân như cỏ rác, thích làm gì người dân là làm, họ biến người dân thành những tù nhân dự bị”

Chuyện tham nhũng: Từ ‘nhốt cáo’ đến ‘ói ra’

Theo VOA-Phạm Chí Dũng/07/05/2018 
Ông Đinh La Thăng trong phiên xử ở Sài Gòn.
Ông Đinh La Thăng trong phiên xử ở Sài Gòn.
Tròn một năm sau khi chủ trương ‘kiểm tra tài sản quan chức’ ra đời và suýt nữa lặng lẽ chết yểu, rất nhiều biệt thự, tài khoản ngân hàng và vàng bạc kim cương chôn giấu của giới quan chức giàu nứt đố đổ vách ở Việt Nam lại một lần nữa phải chịu cảnh mất ngủ.
Từ ‘Săn cáo’ đến ‘Nhốt cáo’
Tin tức đáng mất ngủ như thế vừa được thông báo bởi một ủy viên bộ chính trị là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: ngày 27/4/2018, trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, ông Huệ cho biết ‘Trung ương dự kiến tăng thẩm quyền cho Ủy ban Kiểm tra các cấp, nhất là cấp huyện trở lên, có thể đề nghị cơ quan chức năng cấm xuất cảnh, phong toả tài sản nếu đảng viên có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ điều tra, ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản’.
Cứ ứng với thành ngữ “ăn của dân không chừa thứ gì,” ít nhất hàng ngàn tâm trạng đang mất ăn mất ngủ vì lo sợ bị “bóc” sạch của nổi lẫn của chìm.
Vào lần này, Nguyễn Phú Trọng và nhân vật quyền lực thứ hai sau ông ta là Trần Quốc Vượng có vẻ muốn ‘làm thật’, muốn triển khai một chiến dịch ‘nhốt cáo’ thực sự, thay cho chiến dịch ‘săn cáo’ vẫn chẳng có kết quả gì đáng tự hào cho tới nay.
‘Săn cáo’ là biệt danh của chiến dịch truy tìm và dẫn độ quan chức tham nhũng Trung Quốc lẩn trốn ở nước ngoài, do Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn trực tiếp phụ trách. Một đội chuyên gia săn lùng hàng trăm người hoặc hơn có kinh nghiệm điều tra, am hiểu luật pháp cơ bản của quốc tế, giỏi võ thuật và ngoại ngữ đã được tổ chức để hoạt động tại các địa bàn Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Úc… Cho tới nay, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của Trung Quốc đã tổ chức khá thành công chiến dịch ‘Săn Cáo’ và lôi về hàng trăm quan chức, đại gia tham nhũng lẩn trốn ở nước ngoài. Đầu năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương lần đầu tiên công bố danh sách khoảng 1000 quan chức mà trong đó chính quyền Trung Quốc biết rõ 30% trong số đó đang ở nước nào và làm gì.
Triển khai chủ trương ‘Săn cáo’ với độ trễ sau Trung Quốc khoảng 5 năm, cho tới nay Việt Nam mới chỉ đạt được thành tích ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ (trong khi Nhà nước Đức thẳng thừng cáo buộc mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, và hiện nay Đức đang mở một phiên tòa lớn xử vụ bắt cóc này). Trong khi đó, những nhân vật cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Trịnh Xuân Thanh là Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy đều đã ‘ra đi tìm đường cứu nước’ nhưng cho tới nay ‘công an Việt Nam giỏi nhất thế giới’ vẫn không làm sao tìm ra và lôi về được. Thậm chí cả một quan chức phụ trách một chi nhánh Ngân hàng EximBank (Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam) vừa chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của khách hàng và trốn ra nước ngoài, bị công an Việt Nam truy nã quốc tế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy tung tích nào.
Có lẽ không khỏi thất vọng sâu sắc trước ‘thành tích’ của Bộ Công an và công an các tỉnh thành về ‘săn cáo’, ông Nguyễn Phú Trọng đang phải khẩn trương đổi sang biện pháp ‘rào giậu’.
Vào tháng Năm năm 2017, Bộ Chính trị Việt Nam đã ban hành bản quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 quan chức cao cấp, bao gồm cấp ủy viên bộ chính trị, 200 ủy viên trung ương và khoảng 800 ủy viên thường vụ cấp tỉnh và thành phố.
Tuy nhiên, chủ trương trên xuất hiện trong bối cảnh chiến dịch ‘đốt lò’ chỉ mới nhen nhóm, ‘củi lửa’ còn quá hiu hắt cùng bức tranh của hai gam màu ‘trên nóng dưới lạnh’. Bối cảnh đó lại thừa hưởng kết quả công tác kê khai tài sản cán bộ vào những năm trước, khi chỉ phát hiện 5 trường hợp kê khai không trung thực trong tổng số gần 1 triệu công chức viên chức kê khai tài sản.
Với chủ trương ‘kiểm tra tài sản 1000 quan chức’ vào năm 2017, về thực chất Nguyễn Phú Trọng đã đi quá nhanh và phải chịu sự hụt hẫng. Không bao lâu sau đó, quy định này rơi vào quên lãng do quá nhiều cản trở từ đội ngũ công chức ‘rờ ai cũng tham nhũng’.
Nhưng đến tháng Tư năm 2018, ông Trọng có ý muốn tái khởi động quy định trên với thẩm quyền được giao cho Ủy ban Kiểm tra trung ương là lớn hơn hẳn.
Có thể cho rằng đây là một lần tăng quyền hạn chưa từng có dành cho cơ quan ủy ban kiểm tra đảng các cấp, đồng thời nâng vai trò và quyền lực của Ủy ban Kiểm tra trung ương mà Trần Quốc Vượng đang là chủ nhiệm lên một bậc - có thể so sánh với quyền hạn của Bộ Công an.
Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng đang có kế hoạch kiểm tra đến tận cấp quận, huyện của các địa phương, thay vì chỉ kiểm tra cấp đầu tỉnh như trước đây.
Làm sao để buộc ‘ói ra’?
‘Cơ quan chức năng được quyền cấm xuất cảnh, phong toả tài sản nếu đảng viên có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ điều tra, ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản’ lại là một thẩm quyền quan trọng của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc, được Tập Cập Bình giao cho Vương Kỳ Sơn mà do đó đã đưa cơ quan kiểm tra kỷ luật này vượt mặt Bộ Công an để trở thành cơ quan có quyền uy thuộc loại ghê gớm nhất Trung Hoa đương đại. Thậm chí, một số nguồn tin của báo chí quốc tế cho biết Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương còn có nhà tù riêng.
Ở Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra trung ương không có nhà tù riêng, nhưng cơ quan này đang vươn lên vị trí cận thần của tổng bí thư và đã được ông Trọng khen ‘làm việc gì ra việc nấy’ vào năm 2017.
Trong thời gian gần đây khi làm việc với Ủy ban Kiểm tra trung ương và Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, ông Trọng đặc biệt chú ý đến hoạt động giám định tài sản. Đây là một tin rất không vui đối với giới quan chức nhiều tiền lắm của, bởi ông Trọng rốt cuộc đã chú ý đến vấn đề chi tiết và chuyên môn.
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây báo đảng đặc biệt mô tả chủ trương ‘thu hồi tài sản tham nhũng’, bởi thực tế là cho đến nay tỷ lệ thu hồi tài sản qua các vụ án tham nhũng mới chỉ đạt được từ 8 - 10%, quá thấp so với mức mà ông Trọng cần có để duy trì chế độ đảng trị của ông.
Thế nhưng trong thực tế, có nhiều trường hợp quan chức có tài sản khủng bị phát hiện, nhưng do các cơ quan chức năng hoặc không chịu giám định, hoặc chỉ giám định cho có, hoặc thông đồng với quan chức nên kết quả đã chẳng tới đâu.
Gần đây, giới nghĩ sĩ quốc hội đã tranh luận về phương thức thu hồi tài sản tham nhũng. Có ý kiến cho rằng chỉ cần thấy tài sản bất minh là lập tức thu hồi 45% giá trị tài sản đó. Tuy nhiên, ý kiến này đã bị một số ý kiến khác phản bác bởi ngay cả việc xác định ‘tài sản bất minh’; cũng sẽ trở thành một vấn đề quá khó.
Nếu trong những ngày sắp tới, đề nghị ‘cơ quan chức năng cấm xuất cảnh, phong toả tài sản nếu đảng viên có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ điều tra, ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản’ trở thành hiện thực, đó có thể là một cơn bão lớn thổi tung nóc nhà nhiều quan chức ở Việt Nam.
Và nếu Nguyễn Phú Trọng biết cách làm như Vương Kỳ Sơn về tổ chức công tác truy nguồn và giám định tài sản một cách hiệu quả, sẽ có rất nhiều ‘cáo’ bị nhốt ở Việt Nam.
Trong bối cảnh ngân sách cạn kiệt và cơ chế tróc dân thu thuế đang vấp phải lời tố cáo từ chính người dân ‘chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, cách thức khả dĩ nhất của Nguyễn Phú Trọng chỉ còn là làm nhiều cách để bắt đám quan chức tham nhũng phải ‘ói ra’. Tiền và tài sản ‘ói ra’ ấy sẽ được đảng dùng để nuôi lại bộ máy cầm quyền, được ngày nào hay ngày đó. Còn nhân dân thì rất nhiều triển vọng sẽ chẳng nhận được gì từ những đồng tiền của nguồn gốc của dân ấy.

Chuyện BOT: Chỉ còn… xương

Theo VOA-Trân Văn/07/05/2018  
Người dân vui mừng khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh dừng thu phí BOT Cai Lậy.
Người dân vui mừng khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh dừng thu phí BOT Cai Lậy.
Tuần trước, trạm thu phí cho dự án BOT Ninh An, tọa lạc ở xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa lại… thất thủ liên tục vì nhiều tài xế dừng xe ngay tại trạm, không chịu di chuyển, cùng nhấn kèn bày tỏ sự bất bình, giao thông trên tuyến đường xuyên Việt bị tắc
Đại diện Công ty Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa tiếp tục kêu Trời vì “trên đe, dưới búa”. Hồi đầu năm nay, trước sự bất bình của dân chúng và áp lực từ giới điều khiển các loại phương tiện vận tải, Công ty Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa đơn phương đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải cho phép họ không thu phí hoặc giảm mức phí đang thu đối với những phương tiện vận tải mà chủ của chúng cư trú ở thị xã Ninh Hòa. Tuy nhiên Bộ Giao thông – Vận tải không đồng ý.
Để hỗ trợ những chủ đầu tư như Công ty Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa, Bộ Giao thông – Vận tải chỉ thị cấm dừng xe quá năm phút tại tất cả các trạm thu phí cho những công trình cầu đường được thực hiện theo hình thức BOT. Tuy nhiên tài xế bất chấp các thứ bảng “cấm”, bất chấp những răn đe, tiếp tục thực hiện các hành động phản kháng, giao thông tiếp tục tắc nghẽn. Sau một thời gian sát cánh với Bộ Giao thông – Vận tải để bảo vệ các công trình cầu đường được thực hiện theo hình thức BOT, dường như ngành công an đã nhận ra càng tích cực càng lắm “vạ” thành ra công an các cấp đã chủ động tránh sang một bên.
Với nhiều chủ đầu tư, các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT giờ là những khúc xương lỡ… xin, gặm hay không thì cũng hết… răng!
***
Cũng tuần trước, báo chí Việt Nam đồng loạt đăng tải kết quả thanh tra dự án đầu tư đường hầm xuyên qua đèo Phước Tượng, Phú Gia thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế theo hình thức BOT.
Thanh tra của chính phủ Việt Nam cho biết, giống như nhiều dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông khác theo hình thức BOT, chủ đầu tư dự án đường hầm xuyên qua đèo Phước Tượng, Phú Gia cũng được đặt trạm thu phí ngoài phạm vi dự án, thành ra từ tháng 8 năm ngoái tới nay, nhiều người bị buộc phải trả phí cho công trình giao thông mà họ không hề sử dụng. Cả Bộ Giao thông – Vận tải lẫn Bộ Tài chính cùng… phạm pháp khi công nhận sai tổng chi phí đầu tư, khiến chi phí này cao hơn thực tế đầu tư chừng… 95 tỉ đồng (đồng ý cho chủ đầu tư “rót” thêm 44 tỉ đồng vào dự án dù điều đó ngoài thẩm quyền, nghiệm thu khống khối lượng thi công hơn 50 tỉ đồng). Nhờ vậy, chủ đầu tư có thể thu phí với giá cao, thời gian buộc thiên hạ trả phí có thể… dài hơn chừng 11 năm, thu lợi lớn hơn nhiều so với mức mà luật pháp cho phép
Thanh tra của chính phủ Việt Nam đã đề nghị Thủ tướng Việt Nam chỉ đạo Bộ Giao thông – Vận tải và Bộ Tài chính tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân của những viên chức có liên quan đến tiến trình thẩm định – phê duyệt – cho phép điều chỉnh – chuyển nhượng dự án đầu tư đường hầm xuyên qua đèo Phước Tượng, Phú Gia mà công đoạn nào cũng có sai phạm nghiêm trọng so với các qui định hiện hành nhưng đó chỉ là… đề nghị của Thanh tra, chẳng có gì bảo đảm những đề nghị này sẽ được xem xét nghiêm túc.
Từ 2016 đến 2017, hết Kiểm toán đến Thanh tra của chính phủ Việt Nam thay nhau “vạch mặt, chỉ tên” hàng loạt dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT có hàng loạt sai phạm giống nhau: Trong khi mục tiêu của việc lựa chọn các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là phát triển hệ thống cầu, đường thì hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương thi nhau chọn những công lộ có sẵn, giao cho các chủ đầu tư sửa chữa chút đỉnh rồi thu phí, tùy tiện thay đổi qui mô đầu tư để các chủ đầu tư có cơ hội thu phí cao hơn và lâu hơn, chưa kể rất dễ dãi khi cho các chủ đầu tư đặt trạm thu phí bên ngoài phạm vi dự án đầu tư, ép chủ tất cả các phương tiện giao thông phải trả phí, bất kể họ có sử dụng công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT hay không.
Tuy Kiểm toán rồi Thanh tra của chính phủ Việt Nam từng khẳng định đã thu thập đủ chứng cứ chứng minh các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT còn có hàng loạt dấu hiệu bất thường làm thiên hạ không thể không liên tưởng đến tham nhũng trên diện rộng: Hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương thi nhau chỉ định chủ đầu tư chứ không tổ chức đấu thầu, thành ra gần như tất cả các chủ nhà đầu tư đều không đủ vốn, không đủ năng lực thi công, thiếu kinh nghiệm và khả năng quản trị, vốn liếng đổ vào các dự án BOT cầu đường chủ yếu là tiền vay của các ngân hàng… nhưng đến nay hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương vẫn chưa thể xác định những ai phải chịu trách nhiệm!
Điều duy nhất mà lãnh đạo chính phủ như ông Trịnh Đình Dũng, một trong các Phó Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải như ông Nguyễn Nhật, một trong các Thứ trưởng, khẳng định với dân chúng là về… cơ bản, tất cả các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT đều đúng pháp luật, đúng qui trình, các ngành hữu trách, trong đó có… công an phải phối hợp với chính quyền địa phương, bảo đảm an ninh, an toàn giao thông, điều tra – xử lý nghiêm các hành vi gây rối trật tự, tuyên truyền – thuyết phục nhân dân ủng hộ việc thu phí!
***
Nhìn một cách tổng quát, cho dù vẫn còn được hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương ủng hộ song càng ngày càng nhiều chủ đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT cảm thấy bất an bởi hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương bị đẩy vào tình thế không… tiện điều động công an, quân đội tham gia cưỡng bức trả phí như trước, chưa kể để an dân, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã yêu cầu giảm mức phí mà chủ đầu tư từng được phép thu.
Sau phong trào đầu tư vào hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT, chuyện chủ đầu tư đòi hệ thống công quyền mua lại các dự án họ đã đầu tư đang có dấu hiệu trở thành… phong trào.
Chỉ trong hai tháng ba và tư, có tới hai chủ đầu tư các dự án giao thông được đầu tư theo hình thức BOT thỏ thẻ chuyện bán lại công trình của họ cho nhà nước. Hạ tuần tháng ba, chính quyền tỉnh Thái Bình thay mặt Công ty Tasco – chủ đầu tư dự án cải tạo quốc lộ 39B - đề nghị chính phủ chi 460 tỉ để mua lại công trình, giúp chủ đầu tư khỏi… vỡ nợ. Hạ tuần tháng tư, tới lượt chủ đầu tư tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Cạn) và cải tạo quốc lộ 3 đề nghị chính phủ mua lại công trình này với giá 2.800 tỉ đồng, nếu không họ sẽ vỡ nợ
Cho dù đại diện Bộ Giao thông – Vận tải khẳng định như “đinh đóng cột” rằng, chính phủ sẽ không bỏ 460 tỉ mua lại công trình giao thông mà Công ty Tasco đã đầu tư ở tỉnh Thái Bình nhưng ở Việt Nam, chuyện “đóng” xong rồi “nhổ” là điều… bình thường. Theo báo chí Việt Nam, năm ngoái, đại diện Công ty Tasco – một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT tại Việt Nam – từng tiết lộ, công ty này vay hệ thống ngân hàng 3.500 tỉ để thực hiện các công trình giao thông do họ làm chủ song phí thì Tasco thu còn lãi phải trả cho khoản đã vay ngân hàng để đầu tư thì được chính phủ… trả thay.
Năm ngoái, trong một báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chính phủ Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2016, chủ các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT đang nợ hệ thống ngân hàng khoảng 84.000 tỉ đồng. Khoản tiền khổng lồ này vốn là tiền dân chúng gửi ngân hàng theo hình thức ngắn hạn và được hệ thống ngân hàng cho chủ đầu tư các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông vay dài hạn. Nếu việc thu phí của các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT không ổn định, hệ thống ngân hàng sẽ sụp. Nói cách khác, cả hệ thống ngân hàng lẫn an ninh tài chính quốc gia đã trở thành “con tin” của những trạm thu phí.
Các trạm thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam là một loại xương của kinh tế, sinh hoạt xã hội. Nếu có một ngày, chính phủ đột nhiên vung tiền mua lại một số công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT thì đó cũng chỉ là… xương và “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” tiếp tục… gặm.

100 nghìn của cô giáo

Người ta vẫn ngạc nhiên - hay thất vọng - thấy chưa có một tác phẩm lớn lột trần hết cái xã hội băng hoại ở VN ngày nay. Một trong những lý do là sự thực nó khủng khiếp hơn cả trí tưởng tượng. 

Một nhà văn dù trí tưởng tượng lớn tới đâu, ghét CS tới mức nào, cũng không thể tưởng tương chuyện cô giáo quỳ, cô giáo bắt học trò uống nước giẻ lau bảng, cô giáo đòi học trò nộp tiền phạt vì phạm nội quy của cô đã đề ra. Đéo mẹ, đây là giang sơn của tao, không đưa tao 100 ngàn thì cút, tao đéo cần cái tư cách giáo viên giẻ rách, không có trường nào dạy một con lợn như mày thành người được đâu, tiên sư mày, không nộp tiền thì cút. Và học trò trả lời : đéo đóng tiền, đéo học nữa.

Nếu chứng kiến chuyện đó, cũng khó viết, khó kể. Người đọc sẽ khó chịu, cảm thấy tác giả đi quá lố, và chép miệng: những gì quá lố đều vô nghĩa. Tout ce qui excessif est insignifiant 

Bởi vì sự thực trong tiểu thuyết nó khác với sự thực ngoài đời. Bởi vì sức chịu đựng của người đọc có giới hạn. 
Cô giáo 100 nghìn hay 100 nghìn của cô giáo
Người ta xúc động trước những chuyện đau buồn, nhưng khi chuyện đau buồn theo nhau hết trang này tới trang khác, và vượt qua, không phải sự thực, nhưng vượt qua sự chấp nhận của độc giả, người ta gấp sách, không đọc nữa, hay đọc mà không xúc động nữa. Gần như một phản ứng tự vệ, một cách từ chối cái xấu, cái đau, cái khổ khi nó đi quá xa , nó vượt lằn đỏ.

Sức chấp nhận cái buồn, cái thảm kịch của độc giả có giới hạn hơn là khả năng chịu đựng vô hạn ở ngoài đời. Vì vậy, muốn diễn tả những bi kịch lớn phải có những thiên tài như Shakespeare. Ngay cả Shakespeare cũng phải dùng những tiểu xảo. Trong hầu hết các kịch bản của Sir Willliam đều có một anh hề, một clown blanc, white clown, không liên hệ gì tới câu chuyện, nhưng đóng vai quan trọng. Mỗi khi bi kịch lên tới cực độ, anh hề nhảy ra sân khấu, múa hát, giễu cợt. Để làm thư giãn tâm hồn khán giả. Để sửa soạn cho họ chấp nhận những bi kịch kế tiếp.

Nelson Mandela nói giáo dục là võ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới. Giáo dục là thực trạng của xã hội ngày nay, là khuôn mặt tương lai của một dân tộc. Những cô giáo nói trên đã thay những nhà văn, những tác phẩm lớn , mô tả chân thực xã hội VN ngày nay, hé mở cho thấy tương lai của dân tộc. Nếu dân tộc còn có một tương lai, còn tồn tại trong những tháng tới, những năm mới.

Sự băng hoại của xã hội VN đã vượt qua sức tưởng tượng. Người viết văn bất lực. Các clown blanc bó tay, thua xa các anh hề lãnh tụ, các giáo sư, tiến sĩ thi nhau ăn nói ngớ ngẩn để mua vui một đám khán giả mệt mỏi, rã rời, không còn sức để cười. Shakespeare có tái thế cũng chào thua. 


Theo Từ Thức (tuthuc-paris-blog.com )

Hội Nghị Trung Ương 7 CSVN: Trần Đại Quang có bị thay thế?

Ông Trần Đại Quang là nhân vật được công chúng chờ đợi có xuất hiện hay không tại Hội Nghị Trung Ương 7. (Hình: Báo Đầu Tư)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hội Nghị Trung Ương 7 dự trù khai mạc sáng 7 Tháng Năm và kéo dài một tuần. Các báo “lề phải” cho hay sự kiện này nhằm “tập trung bàn, cho ý kiến và quyết định nhiều vấn đề hệ trọng, trong đó có công tác giám sát, kỷ luật trong đảng CSVN, công tác cán bộ.”
Website Chính Phủ CSVN viết: “Hội Nghị Trung Ương 7 bàn về những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và bảo đảm an sinh xã hội nên được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hết sức quan tâm.”
Tuy vậy, điều công chúng thực sự quan tâm và chờ đợi nhiều nhất là liệu Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang có hiện diện và nếu có thì thần thái, sắc diện của ông sẽ như thế nào. Việc ông Quang vắng mặt trong các sự kiện lễ tân, đón tiếp nguyên thủ nước ngoài trong một tháng qua làm dấy lên đồn đoán về việc ông tự nguyện hoặc bị tổ chức cưỡng ép “xin nghỉ” hoặc có vấn đề về sức khỏe.
Ngoài ra, liệu hội nghị lần này có công bố về việc ông Quang “bị thay thế” như suy đoán của các nhà quan sát chính trị Việt Nam trước đó.
Điều lạ lùng là trong suốt thời gian ông Quang vắng bóng trên các bản tin, các báo “lề phải” lại đăng tải hai bài báo liên tiếp với ghi chú là “bài viết của chủ tịch nước” về việc kỷ niệm 43 năm ngày 30 Tháng Tư và “Tư tưởng vĩ đại của Karl Marx với cách mạng Việt Nam” nhân 200 năm ngày sinh của “Tuyên Ngôn Cộng Sản.”
Ngoài sự hiện diện của ông Trần Đại Quang, điều còn lại khiến công chúng quan tâm là hai vị quan chức nào sẽ ngồi vào hai ghế trống của ông Đinh Thế Huynh (cựu thường trực Ban Bí Thư đang “chữa bệnh dài hạn”) và ông Đinh La Thăng (cựu bí thư Sài Gòn, hiện đang nhận án 31 năm tù).
Nhà báo tự do Nguyễn An Dân ở Sài Gòn dự báo trên trang Facebook cá nhân: “Hai ứng viên sáng giá thì dư luận nói là ông Nguyễn Xuân Thắng (bí thư Trung Ương Đảng, giám đốc Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh] và ông Phan Đình Trạc (bí thư Trung Ương Đảng, trưởng Ban Nội Chính Trung Ương). Về ông Trạc thì chưa bàn tới, ông Thắng thì có vẻ kiên định trong việc dùng ánh sáng chủ nghĩa Karl Marx để soi đường cho đất nước.”
Trong một diễn biến khác, một ngày trước khi Hội Nghị Trung Ương 7 diễn ra, dư luận bàn tán quanh việc Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam bỗng nhiên được nhiều báo “lề phải” đồng loạt lăng xê hình ảnh ông này đi kiểm tra bếp ăn tập thể của một doanh nghiệp, thị sát chợ đầu mối Bình Điền ở Sài Gòn và dùng suất cơm trưa có giá 15,000 đồng ($0.6) với công nhân.
Tuy việc ông Đam ăn suất cơm công nhân được quảng bá là “hình ảnh đẹp” trên mặt báo nhưng có ý kiến trên mạng xã hội rằng ông này “đã làm màu không cần thiết,” nhất là khi trước đó ông Đam đã từng có nhiều “tiết mục nhằm cho thấy lãnh đạo gần gũi người dân” như xuống đường ăn mừng thành tích của đội bóng U23 Việt Nam, “lặng lẽ thị sát bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng” nhưng lại có hình ảnh rầm rộ trên mặt báo… (T.K.)

Nguyễn Phú Trọng sẽ phải đối xử thế nào với ‘phe ta?’

Võ Kim Cự (phải), thủ phạm mang Fomosa vào Hà Tĩnh, người được cho là thuộc “phe ta” của Nguyễn Phú Trọng. (Hình: Getty Images)
“Phe ta” là một khái niệm chính trị học mới toanh xuất phát từ dân gian đương đại, hàm ý nhắm đến giới quan chức các ngành, các địa phương và ở các cấp có mối quan hệ “tư bản thân hữu” với “phe đốt lò” – cũng là một khái niệm dân gian dành cho “người đốt lò vĩ đại” cùng những quan chức cận thần của ông.
Bất chấp chiến dịch tấn công “phe củi” thậm chí đã được cả quốc tế biết đến, người ta vẫn tự hỏi liệu Nguyễn Phú Trọng có “chống tham nhũng công bằng,” hoặc phải “chống tham nhũng cả phe ta” như người dân mong mỏi và đòi hỏi? Hay ông Trọng chỉ “chống tham nhũng một bên” nhằm thanh trừng nhân sự và thu hồi một phần tài sản tham 
Bởi tới nay vẫn còn khá nhiều dư luận cho rằng những kẻ đã phải tra tay vào còng như đại gia Trầm Bê, cựu ủy viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng là những người gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và do đó ông Trọng chỉ “chống tham nhũng thời kỳ trước,” tức “thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng,” hay “chống tham nhũng một bên.”
Nhưng lại có quá ít ví dụ để có thể chứng minh cho việc ông Trọng “chống tham nhũng cả phe ta.”
Tham nhũng ‘phe ta’
Cho tới giờ này vẫn còn sờ sờ ra đó những Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng y tế liên đới trách nhiệm vụ nhập thuốc ung thư giả; Võ Kim Cự, cựu bí thư Hà Tĩnh và Trần Hồng Hà, Bộ trưởng tài nguyên môi trường liên đới trách nhiệm vụ thảm họa xả thải của Formosa; Trịnh Văn Chiến – Bí thư Thanh Hóa bị quá nhiều dư luận về tài sản, làm ăn riêng và bồ bịch, cùng hàng lô hàng lốc quan chức đầu tỉnh thành bị dư luận xem là “cánh hẩu” với những quan chức cận thần ở các ban đảng của Nguyễn Phú Trọng.
Bất chấp vụ “trảm” Đinh La Thăng đã phần nào gây được tiếng vang trong công luận, lôi kéo được sự ủng hộ của một số người dân và khiến nhiều người thỏa mãn tâm lý “cuối cùng thì cũng có thằng phải dựa cột,” vẫn còn nhiều dư luận chê trách Nguyễn Phú Trọng về thái độ nể nang và thỏa hiệp của ông ta đối với giới quan chức “phe ta.”
Một trong những dẫn chứng mang tính bằng chứng được dư luận trưng ra là vào cuối năm 2017, Thứ trưởng công an Lê Quý Vương đã nói thẳng với báo chí là “chống tham nhũng thời kỳ trước” – mà được dư luận hiểu là chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng chỉ nhắm vào “thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng” mà không phải là “thời kỳ này.” Thêm một lần nữa, ông Trọng mất điểm trong con mắt đánh giá khách quan và công tâm của người dân.
‘Chống tham nhũng công bằng?’
Chỉ sau Tết Nguyên Đán 2018 mới hé lộ vài dấu hiệu cho thấy Nguyễn Phú Trọng dường như muốn phát đi thông điệp “chống tham nhũng công bằng,” thay cho “chống tham nhũng một bên” trước đây.
Tháng Ba và Tháng Tư, 2018, ông Trọng chỉ đạo vụ bắt Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hóa – cựu cục trưởng Cục Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao của Bộ Công An, Trung Tướng Phan Văn Vĩnh – cựu tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát Bộ Công An và Trung Tướng Phan Hữu Tuấn – cựu tổng cục phó Tổng Cục Tình Báo Bộ Công An, thông báo công khai ngay sau đó cho báo chí.
Cuối Tháng Ba, 2018, Cục Quản Lý Dược, Bộ Y Tế có cục trưởng mới là ông Vũ Tuấn Cường, thay cho ông Trương Quốc Cường. Thứ trưởng Bộ Y Tế Trương Quốc Cường trước đó kiêm luôn chức cục trưởng Cục Quản Lý Dược.
Từ vài năm qua và đặc biệt trong năm 2017, Thứ Trưởng Y Tế Trương Quốc Cường có nhiều dấu hiệu dính trực tiếp đến đường dây nhập khẩu thuốc ung thư giả mà khiến nhiều bệnh nhân ung thư rước phải “cái chết thứ hai.” Rất nhiều dư luận đòi hỏi ông Cường phải từ chức và phải bị truy tố về vụ việc quá nhẫn tâm này…
Một chi tiết đáng chú ý khác là trước khi được đề bạt lên cấp cao hơn ở Bộ Y Tế, ông Vũ Tuấn Cường là phó giám đốc Sở Y Tế Quảng Ninh. Quảng Ninh lại là “cái nôi cách mạng” của nhân vật hiện đang chấp nhiệm vai trò ủy viên bộ chính trị, trưởng ban tổ chức trung ương – ông Phạm Minh Chính.
Nhưng bằng chứng hiển lộ nhất để cho thấy ông Trọng có chống tham nhũng cả “phe ta” hay không là trường hợp Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn. Vào Tháng Ba, 2018, đã nổ ra vụ “Mobifone mua AVG,” đặc biệt liên đới trách nhiệm của Trương Minh Tuấn – nhân vật từng được ông Trọng sủng ái và chỉ định kiêm phó trưởng ban tuyên giáo trung ương vào năm 2016. Với bản kết luận thanh tra khá rõ ràng về mối liên đới của Trương Minh Tuấn khi ký phê duyệt chủ trương mua bán giữa Mobifone mua AVG, trách nhiệm hình sự của Trương Minh Tuấn là rõ ràng không kém. Nhưng nếu Trương Minh Tuấn được cho “hạ cánh an toàn” trong vụ này, ông Trọng sẽ đương nhiên bị dư luận đánh giá rất thiếu công tâm khi bao che cho “phe ta.”
Mối họa cát cứ của ‘phe ta’
Ngoài tình trạng tham nhũng chất chồng như núi trong “phe địch” lẫn “phe ta” ở Việt Nam, còn một nguồn cơn khác, không kém nguy biến, khiến Nguyễn Phú Trọng ngày càng lo lắng và tìm cách gia tăng cơ chế “kiểm soát quyền lực” đối với cả “phe ta”: Nạn cát cứ quyền lực.
Từ cuối năm 2015, có nhiều dấu hiệu cho thấy thực trạng sứ quân và cát cứ quyền lực địa phương đã trở thành mối lo sợ lớn nhất của đảng, chứ không chỉ là nạn tham nhũng hoành hành từ Bắc chí Nam, “thế lực thù địch” hay phong trào dân chủ nhân quyền trong nước.
Vào năm 2016 và 2017, đã rộ lên phong trào “đánh nhau lớn” ở Yên Bái, Thanh Hóa, Đà Nẵng và “đánh nhau nhỏ” ở nhiều tỉnh thành khác.
Kể từ sau đại hội 12 đến nay, bất chấp việc Tổng Bí Thư Trọng đã phần nào “trấn” được cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh của ông này, tình trạng cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương không những không giảm mà còn tăng lên. Những bóng ma mới đang mau chóng thay thế những bóng ma cũ. Ở nhiều địa phương, mỗi bí thư tỉnh hay chủ tịch tỉnh, hoặc cả hai, đã trở thành những ông vua không ngai. Khái niệm “vua tập thể” mà cựu Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An ví von trước đây 10 năm đã trở nên quá lạc hậu. Giờ đây, quyền hành và lợi ích nhóm không còn là đặc quyền của cấp bộ chính trị mà còn ăn sâu xuống các ủy viên trung ương là người đứng đầu tỉnh thành.
Theo đà tiến công liên tục để thâu tóm lẫn nhau giữa các nhóm quyền lực và lợi ích mới đối với các nhóm quyền lực và lợi ích cũ, cùng não trạng “kiêu ngạo cộng sản thời kỳ cuối” dẫn đến nạn kiêu binh trở về thời phong kiến dã man, một tương lai rất có thể xảy đến là sẽ xuất hiện những “lãnh chúa” tham vọng và liều lĩnh nhất khi nghĩ đến việc tự trang bị cho địa phương mình một “lực lượng vũ trang riêng,” bao gồm vừa công an vừa quân đội.
Vào năm 2017, hiện tượng một số trạm thu phí BOT huy động lực lượng cảnh sát cơ động có cả súng ống như một cách khủng bố tinh thần lẫn trấn áp cánh lái xe phản đối tình trạng lạm thu là một minh họa điển hình cho những dấu hiệu bắt đầu manh nha “lực lượng vũ trang riêng” ở một số tỉnh thành, trong đó tiêu biểu là Đồng Nai của Phó Bí Thư Tỉnh Ủy Phan Thị Mỹ Thanh.
Trong bối cảnh hỗn tạp tranh giành ăn uống và “phép vua thua lệ làng” như thế, chủ trương “nhất thể hóa” của ông Trọng lại đang đi vào quỹ đạo thực hiện và nhiều nhân sự cao cấp đang nhấp nhổm để tranh đoạt chiếm ghế của nhau. Khung cảnh này khiến chẳng mấy chốc, ông Trọng sẽ phải chứng kiến những “đồng chí ưu tú” mà ông đã luân chuyển và ưu ái cho nắm vai trò bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân và có thể cả chủ tịch hội đồng nhân dân bị biến thái và trở thành những lãnh chúa địa phương, tạo ra một nhóm lợi ích riêng và tích tụ cả quyền lực riêng, để chỉ ngày trước ngày sau là sẽ quên phắt cái đảng “còn đảng thì còn mình,” cũng quên luôn cả ai đã bổ nhiệm họ, theo một tư duy không thể thức thời hơn: không phải đảng, mà tiền mới mua được tất cả.
Đó là lý do chắc chắn để không còn cách nào khác, trong ít ra vài năm tới ông Trọng phải xử cả “phe ta” nhằm “kiểm soát quyền lực” và củng cố chế độ “trung ương tập quyền.” (Phạm Chí Dũng)

Bán rau, làm công an mà xây biệt phủ ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa

Căn biệt thự giữa làng quê thuần nông xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà). (Hình: Dân Việt)
HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Một bà cụ 78 tuổi ở một làng quê “thuần nông” ở tỉnh Hà Tĩnh chỉ “ở nhà trồng rau” đem bán mà xây được biệt phủ nguy nga khiến dân địa phương vô cùng kinh ngạc.
Có lẽ cũng đáng kinh ngạc không kém, một ông đại úy công an ở một huyện của tỉnh Thanh Hóa đã thuê một miếng đất hơn 500 mét vuông để “kinh doanh thu mua nông sản” nhưng ông đã xây dựng một biệt phủ thêm thang trên diện tích đất lớn gấp 10 lần như thế.
Nhìn gần hơn, biệt phủ có những đường nét tinh xảo cầu kỳ. (Hình: Dân Việt)
Theo tờ Dân Việt hôm Thứ Bảy, mọc lên giữa một vùng làng quê sừng sững một tòa lầu đài nguy nga tráng lệ tại thôn Đông Thắng, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ký giả báo này đã phải giả làm phụ thợ quét sơn, theo chân một người dân địa phuong để vào bên trong. Thợ xây nhà hầu hết đến từ Thừa Thiên – Huế còn thợ điện thì đến từ Sài Gòn.
“Hệ thống hàng rào và các loại cây cảnh cổ thụ trồng trong khuôn viên biệt phủ này cũng đã có giá nhiều tỷ đồng. Người dân kháo nhau, biệt thự này có giá trị cả trăm tỷ chứ không ít.” Tờ Dân Việt dẫn lời ông V. – một người dân xã Mai Phụ cho biết.
Theo lời ông Nguyễn Đức Hậu, chủ tịch UBND xã Mai Phụ, công trình xây dựng biệt phủ kéo dài hơn hai năm đến nay mà mới chỉ gần hoàn tất. Căn biệt phủ này là của bà Từ Thị Loan, 78 tuổi.
Biệt phủ của đại úy công an xây dựng trên khu đất thuê 50 năm để kinh doanh thu mua nông sản. (Hình: Người Lao Động)
“Bà Loan có 3 con, 2 con trai ở miền Nam, một làm doanh nghiệp, một làm bên quân đội, con gái bà Loan thì lấy chồng về xã Thạch Châu,” ông Hậu cho hay.
Còn ông Phạm Trọng Hợp – phó chủ tịch xã Mai Phụ cho biết: “Bà Loan ở nhà trồng rau. Trước khi xây dựng, cùng với phần đất cũ, bà Loan mua thêm 8 lô đất liền kề của các hộ dân khác chuyển đổi sang đất ở. Nay toàn bộ khuôn viên căn biệt thự này gần 2,000 mét vuông. Chủ biệt thự này cũng đang xin chủ trương chuyển đổi hơn 3,000 mét vuông đất trồng lúa phía sau căn biệt thự sang hồ nuôi trồng thủy sản.”
Cổng vào biệt phủ của đại úy công an. (Hình: Người Lao Động)
Không thấy nói bà là chủ một nông trại trồng rau quy mô lớn lao gì để có lợi nhận tiền tỷ. Hiển nhiên, bà Loan, dù đã ở tuổi gần đất xa trời, chỉ đứng tên cho người chủ giấu mặt. Nếu người con “doanh nhân” của bà giàu có nhờ thành công lớn, cần gì phải làm phiền mẹ già đứng tên. Còn ông con trai “quân đội” thì ông cấp bậc gì, đơn vị nào, không thấy nhà báo nêu ra. Ngôi biệt phủ nguy nga này ẩn chứa những bí ẩn sẽ còn làm người ta sững sờ hơn nữa khi được biết.
Ngược về phía Bắc, tỉnh Thanh Hóa cũng có một biệt phủ khác bề ngoài không cầu kỳ như biệt phủ của bà cụ bán rau 78 tuổi Từ Thị Loan, nhưng quy mô cũng rất đáng nể.
Trong khuôn viên của căn biệt thự có hòn non bộ. (Hình: Người Lao Động)
Theo tờ Người Lao Động và VietNamNet, ông Phạm Văn Công, đại úy công an huyện Vĩnh Lộc thuê hơn 500 mét vuông đất nông nghiệp để “xây dựng khu kinh doanh nông sản và vật tư nông nghiệp” nhưng lấn chiếm đất gấp 10 lần để xây dựng khu biệt phủ “trái phép.”
Ngoài căn biệt thự lớn, người ta còn thấy có các công trình liên quan gồm sân chơi, hồ tắm, núi nhân tạo, hòn non bộ, vườn cây ăn quả… Rõ ràng, cái giấy phép xây dựng cơ sở thu mua nông sản trên diện tích nhỏ bé chỉ là cái bình phong để ông làm những gì ông chủ định.
Lương bổng của một ông đại úy công an được chục triệu một tháng hay không? Ông đào đâu ra bạc tỷ để xây dựng một dinh cơ to lớn trên diện tích 5,000 mét vuông?
Hồ tắm có mái che của biệt phủ đại úy công an ở Thanh Hóa. (Hình: Người Lao Động)
Không thấy nhà báo tìm hiểu xem ông đại quý công an Phạm Văn Công có “đi buôn chổi đót” như ông Phạm Sĩ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Yên Bái, hoặc đào đất “thối móng tay,” chạy xe ôm để có vài chục tỷ xây biệt phủ như nhiều quan chức khác?

Tờ Tuổi Trẻ ngày 22 Tháng Tư, 2018, thuật lời ông Tiến Sĩ Nguyễn Hoàng Chương cho rằng “xây nhà cửa tử tế không có gì xấu hổ. Nhưng với cán bộ, lương khoảng 30 triệu đồng/tháng, nhẩm tính cũng phải mất 277 năm mới có 100 tỷ. Vậy lấy tiền đâu xây biệt phủ hàng trăm tỷ đồng?” (TN)