Tuesday, January 14, 2020

‘Tiền hậu bất nhất’ trong lý do đưa quân đến Đồng Tâm của Bộ Công an

RFA-2020-01-14 
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy đông đảo lực lượng cơ động đang tiến về thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội sáng sớm ngày 9/1/2020.
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy đông đảo lực lượng cơ động đang tiến về thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội sáng sớm ngày 9/1/2020.  Courtesy of Citizen. RFA edited
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khi phát biểu tại Hội nghị giao ban báo chí hôm 14/1/2020, cho biết, cảnh sát cơ động vào thôn Hoành lúc rạng sáng 9/1 để ‘kịp thời bảo vệ người dân’ trước lời đe dọa của nhóm chống đối.
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, sở dĩ rạng sáng Công an Hà Nội đưa quân vào lập các chốt an ninh trong xã, vì theo kế hoạch, ngày 9/1, tường rào sẽ xây đến khu vực Đồng Sênh của xã Đồng Tâm. Tường rào này bắt đầu xây từ khu vực giáp ba xã của huyện Chương Mỹ, kéo dài tới xã Đồng Tâm.
Ông Quang dẫn nguồn tin từ Bộ Công an thông báo ‘khi đi đến làm nhiệm vụ cách cổng thôn Hoành khoảng 50 mét, cán bộ của chốt số 16 bị ném quả nổ, bom xăng và bị phi dao phóng lợn’. Khi bị cảnh sát truy đuổi, hơn 20 người chạy vào các căn nhà nằm sát nhau của Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Lê Đình Chức, ném chai xăng từ tầng 2-3 xuống dưới.
Đây là lần thứ 3 Bộ Công An đưa ra kịch bản khác nhau để nêu lý do đưa lực lượng cảnh sát cơ động, tấn công vào thôn Hoành, rạng sáng 9/1/2020.
Trả lời RFA hôm 14/1, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nhận định:
“Tôi gọi đó là khủng hoảng về truyền thông. Đó là bước khởi đầu để đảng cộng sản Việt Nam và bộ chính trị phải đối diện cuộc khủng hoảng toàn diện không tránh khỏi. Và có thể nói, cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện này là tồi tệ nhất trong suốt 45 năm qua, khởi phát từ Đồng Tâm.”
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, việc Bộ công an đã ra những phát ngôn như vừa nêu, là một cách tiền hậu bất nhất, điều đó phản ánh một điểm rất dễ thấy, đó là vì họ nói sai sự thật. Theo ông, một trong những nguyên tắc khi điều tra, đó là luôn luôn là sự thật, vì khi nói thật thì có nói 100 lần vẫn vậy, vì cốt lõi ở đây đó là nói láo, nên dẫn đến tình trạng tiền hậu bất nhất.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, dưới góc độ người dân cho rằng, việc chính quyền cố che đậy mọi thông tin, để độc quyền đưa tin về sự việc Đồng Tâm là không công bằng, và cũng vi phạm quyền được thông tin của người dân. Ông nói tiếp:
“Lẽ ra những chuyện như vậy nên để báo chí tham gia một cách hết sức bình thường, khi như vậy thì mỗi tờ báo sẽ đưa tin theo tin họ thu thập và theo đánh giá của họ, thì công chúng sẽ biết sự thật là như thế nào. Còn ở đây thì họ lại che đậy hết mọi thông tin, dẫn đến việc người dân rất hồ nghi tất cả thông tin của phía chính quyền đưa ra. So với thông tin ban đầu và thông tin hôm nay họ đưa ra, rõ ràng người dân họ thấy có sự chênh lệch thông tin. Dưới góc độ người dân thì tôi cho rằng, không thể chấp nhận một sự việc mà chính quyền độc quyền thông tin, theo hước đảm bảo việc làm của họ là chính đáng và hợp pháp, đẩy sự thất lợi về phía người dân Đồng Tâm, như vậy là không công bằng.”
Trước đó, vào ngày 10/1, trong thông báo đầu tiên trên cổng thông tin Bộ Công An, cơ quan này nói dân Đồng Tâm tấn công lực lượng chức năng khi đang xây tường rào sân bay Miếu Môn. Tuy nhiên, Bộ công an đã sai sót với cách lập luận này, vì việc xây tường rào lúc 4h sáng là không hợp lý và địa điểm đàn áp dân lại là ở thôn Hoành, cách tường rào sân bay lên đến 3km.
Anh Trịnh Bá Phương, một dân oan mất đất, người thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình Đồng Tâm, nhận định:
“Tôi thấy họ đưa một số thông tin, như lực lượng công an bảo vệ xây tường rào ở đất tranh chấp Đồng Tâm, lúc họ lại nói là đến tuần tra thì bị tấn công… họ dựng lên những kịch bản mà tôi thấy rất sai sự thật. Lúc khác thì họ lại nói đến để cưỡng chế, trong khi khu đất cưỡng chế cách nhà cụ Kình vài cây số. Cho nên đây thật sự là một cuộc đàn áp đẫm máu tấn công nhà cụ Kình, chứ không còn là cưỡng chế nữa. Họ rất mâu thuẫn lời nói.”
Ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, phát biểu tại Hội nghị giao ban báo chí, hôm 14/1/2020.
Ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, phát biểu tại Hội nghị giao ban báo chí, hôm 14/1/2020. Courtesy bocongan.gov.vn
Đến ngày 12/1, qua nhiều kênh thông tin, cơ quan chức năng lại cho rằng dân Đồng Tâm phá tường rào sân bay Miếu Môn, sau đó chạy vào thôn Hoành. Kịch bản này ngay lập tức bị dư luận phát hiện là không thấy hiện trường vụ phá hoại tường rào. Ngoài ra, người dân Đồng Tâm xưa nay luôn ủng hộ quân đội xây tường rào này, vì tách bạch với khu đất 59 hecta đang tranh chấp.
Luật sư Đặng Đình Mạnh đưa ra ý kiến về mặt pháp lý:
“Về phương diện pháp lý thì một đồng nghiệp của tôi là luật sư Ngô Anh Tuấn, cũng là người trợ giúp pháp lý cho người dân Đồng Tâm, phát biểu rằng mà tôi muốn chia sẻ quan điểm của anh ấy, anh ấy cho rằng không có cơ sở pháp lý nào để đưa quân xuống khu vực Đồng Tâm. Vì nếu cưỡng chế thì phải có quyết định cưỡng chế, hay đưa quân bắt người thì phải có quyết định bắt người, hay khám xét nhà ở. Ngay cả ông trung tướng Quang cũng đã nhìn nhận, khi đưa quân xuống thì hoàn toàn không có lệnh bắt giữ người, không có lệnh khám xét nhà.”
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, trong khi việc lấn cấn giữa chính quyền và người dân là tranh chấp đất đai, thì giải quyết tranh chấp phải ở đất đai, vì thế việc kéo lực lượng vũ trang tới nhà dân, tức là khu vực không có tranh chấp, tự tiện xông vào với các đơn vị vũ trang có vũ khí, thì rõ ràng đây là hành vi trấn áp dân bất hợp pháp.
Trả lời RFA hôm 14/1, Luật sư Ngô Anh Tuấn, nói:
“Tôi cũng vừa đọc tin đó, tôi cũng hơi bất ngờ việc người ta đưa lý do (đưa quân xuống Đồng Tâm). Trong các vụ án thì cũng có trường hợp người ta đưa thông tin không đúng, để khỏi ảnh hưởng điều tra, tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi nghĩ đây là một cách chữa cháy.”
Cũng tại Hội nghị giao ban báo chí hôm 14/1/2020, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, trong nửa tiếng trấn áp, lực lượng chức năng tạm giữ hơn 30 người, thu 8 lựu đạn tại hiện trường, 38 chai bom xăng, 12 tuýp sắt đầu gắn dao nhọn, 3 hộp pháo sáng, một khẩu súng bắn điện, một thanh kiếm, một búa. Ông Kình ném một quả lựu đạn nhưng không nổ, tay còn cầm một quả khác.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nhận xét thêm:
“Họ đã không có một kế hoạch thống nhất, mặc dù đây phải gọi là mưu đồ để hãm hại dân Đồng Tâm. Bởi vì tôi tin rằng, khởi phát một cái việc quá lớn như vậy đối với một nhân vật như ông Lê Đình Kình thì Bộ chính trị chắc chắn phải lưu tâm. Điều này cho thấy Bộ chính trị không có sự thống nhất. Phản ánh việc bất nhất này, là ngay lập tức sau khi tấn công người dân tàn nhẫn và man rợ như vậy, ông Nguyễn Phú Trong đã ký ngay tặng thưởng huy chương chiến công hạng nhất. Tôi không tin rằng chuyện này do ông Trọng chủ động mà gần như là hình thức bù nhìn rồi, tức là nó phản ánh giai đoạn của thời phong kiến suy tàn. ”
Xin được nhắc lại, tranh chấp đất ở Đồng Tâm bùng nổ vào ngày 15/04/17, khi chính quyền xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội tiến hành cưỡng chế đất tại đồng Sênh, ở thôn Hoành. Khi đó, người dân Đồng Tâm đã gây chấn động dư luận vì bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ làm con tin, để yêu cầu được đối thoại với Chính quyền thành phố Hà Nội.
Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây, chính quyền Hà Nội liên tục có những động thái mà theo người dân Đồng Tâm là toan tính cướp đất của dân như, công bố bản đồ Đồng Tâm không rõ nguồn gốc, bôi nhọ người lãnh đạo tinh thần của dân Đồng Tâm, đem quân đội xuống địa phương…
Gần nhất, vào chiều ngày 4/1/2020, cơ quan chức năng đã huy động một lực lượng quân đội cùng vũ khí, súng ống, thiết bị các loại, bao gồm cả vũ khí đàn áp bằng âm thanh có tên Long Range Acoustic Device (LRAD) đến xã Đồng Tâm.
Và cho đến lúc này, chắc nhiều người chưa hết bàng hoàng về vụ vào sáng sớm ngày 9/1, chính quyền Hà Nội đã huy động cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, trấn áp, bắt giữ một số người dân bị cơ quan chức năng cho là chống đối.
Ông Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong việc giữ đất Đồng Tâm, đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa người dân và cảnh sát cơ động vào sáng sớm ngày 9/1/2020.

Sao phải điều 400 cảnh sát cơ động đến Đồng Nai?

RFA-2020-01-14 
Cảnh sát cơ động được điều động tăng cường đến Mỹ Đức hôm 16/4/2017.
Cảnh sát cơ động được điều động tăng cường đến Mỹ Đức hôm 16/4/2017.Citizen photo
Bộ Công an ngày 13/1 đã điều động 400 cảnh sát cơ động về tỉnh Đồng Nai. Lý do được cho biết nhằm tăng cường hỗ trợ tấn công trấn áp tội phạm tại địa phương trong dịp Tết nguyên đán sắp tới. Dư luận lo ngại nguyên nhân thật sự của việc điều động này không như báo chí trong nước loan tải.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Cựu Đại tá Nguyễn Đăng Quang nhận xét về việc điều động này của Bộ Công an:
“Bộ Công an có quyền điều động lực lượng của mình đi khắp 63 tỉnh thành căn cứ tùy theo tình hình an ninh địa phương được điều động đến. Điều đến Đồng Nai chứng tỏ nó có vấn đề.”
Dưới góc nhìn cá nhân, anh Nguyễn Thanh Toàn hiện đang sinh sống tại Đồng Nai cho rằng đây là một việc đáng mừng cho tình hình an ninh trật tự địa phương. Theo anh, hai năm trở lại đây Đồng Nai xảy ra rất nhiều tệ nạn do nhận một lượng dân ‘tứ xứ’ về đây làm ăn.
Bộ Công an có quyền điều động lực lượng của mình đi khắp 63 tỉnh thành căn cứ tùy theo tình hình an ninh địa phương được điều động đến. Điều đến Đồng Nai chứng tỏ nó có vấn đề. - Cựu Đại tá Nguyễn Đăng Quang
“Việc điều công an, hình sự về địa bàn tỉnh mình thì anh nghĩ càng an ninh càng tốt cho người dân để tránh hậu quả như rượu bia, đua xe, tai nạn giao thông những ngày Tết, trộm cướp, cướp giựt hay những cuộc ẩu đả sau khi uống rượu bia. Nếu nhà nước được như vậy thì càng tốt cho người dân, người dân càng mừng, tránh xa những việc đốt công ty, đi biểu tình đánh đập mấy năm trước.”
Trong buổi lễ nhận quân ngày 13/1, Đại tá Nguyễn Mạnh Kim – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết hiện nay tỉnh Đồng Nai có nhiều vụ khiếu kiện tranh chấp đất đai, cộng với tình hình công nhân diễn biến phức tạp nên cần cương quyết xử lý các đối tượng có hành vi chống đối.
Đồng Nai được biết đến như một khu công nghiệp lớn ở miền Nam với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… ước tính có hơn hàng chục ngàn công nhân làm việc tại đây.
Theo nhà quan sát xã hội dân sự Đàm Ngọc Tuyên, đây cũng là một phần chính nguyên nhân vì sao 400 cảnh sát cơ động điều điều đến tỉnh Đồng Nai. Ông cho rằng lượng công nhân ở những khu công nghiệp tại Đồng Nai rất nhiều. Chính vì vậy, để tránh tình trạng theo phía nhà cầm quyền là xảy ra những vụ biểu tình tập thể của nhiều công nhân các công ty liên kết lại nên chính quyền điều một lượng quân đến phòng thủ trước, dùng những biện pháp bạo lực để trấn áp, đe dọa người dân để không xảy ra vấn đề khác. Ông nhận định:
“Đồng Nai không phải năm nay mà những năm khác đều xảy ra tình trạng công nhân đình công để phản đối vấn đề không lương, thưởng, hoặc thưởng Tết. Lúc đó công đoàn cơ sở thường đứng về phía chủ cả chứ không đứng về phía người lao động. Mà nếu câu chuyện không được dàn xếp ổn thì sẽ huy động một lực lượng cảnh sát đàn áp người lao động. Như vậy tuyệt đối không đúng theo cách giải quyết vì đó là vụ việc dân sự, không phải hình sự mà người sử dụng lao động và công đoàn cơ sở không dàn xếp, để lao thang thành công chuyện hình sự, buộc phải huy động một lực lượng cảnh sát cơ động hoặc cảnh sát trật tự đàn áp người lao động như vậy tuyệt đối bên chính quyền sai.”
Đài Á Châu Tự Do có trao đổi với một công nhân tên Tâm đang làm cho một công ty ở Khu Công nghiệp Đồng Nai và được anh cho biết nguyên nhân vì sao công nhân tại đây hay đình công, biểu tình:
Thi thể anh Lại Hồng Dân có những vết bầm tím.
Thi thể anh Lại Hồng Dân có những vết bầm tím. Ảnh trên mạng, RFA edit
“Đôi lúc công nhân biểu tình cũng đúng vì lý do lương thấp, không được lên lương nên phải biểu tình đòi lại quyền lợi. Còn công an trấn áp thì biện pháp đó của nhà nước nói chung cơ động người ta làm nhiệm vụ thôi chứ nhà nước làm vậy càng kích động công nhân chứ không được gì hết, làm anh em công nhân ngày càng rối loạn hơn.”
Vẫn theo anh Tâm, lực lượng chức năng được đưa đến nhằm giữ trật tự, bảo đảm an toàn cho cả hai phía: người lao động và chủ lao động.
“Những cuộc đình công trong 1-2 tiếng trong công ty thì cảnh sát không đến. Còn đình công khoảng 4 tiếng trở lên có cảnh sát tới giữ an ninh trật tự, sợ mình bạo động ảnh hưởng tới người nước ngoài vì đây là chỗ nước ngoài vô đầu tư.”
Vào năm 2014, hàng chục ngàn công nhân ở Đồng Nai đã xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam ở Biển Đông.
Tháng 6 năm 2018, hàng chục ngàn lao động đã xuống đường phản đối dự luật An ninh mạng và Đặc khu kinh tế. Vụ việc này đã khiến 20 người bị bỏ tù chỉ vì biểu tình ôn hòa. Trong đó, anh Trần Nguyễn Duy Quang bị tuyên mức án cao nhất với 1 năm 6 tháng tù giam.
Ngoài ra, gần đây ngày càng nhiều người Trung Quốc đến Đồng Nai buôn bán, hoạt động bất hợp pháp. Mới đây, một loạt quan chức cao cấp Sở Công an tỉnh này bị kỷ luật vì tham nhũng hoặc cấu kết với tội phạm.
Cụ thể, vào tháng 10 năm ngoái, Phó Giám đốc Công an Đồng Nai - Đại tá Lý Quang Dũng bị kỷ luật giáng chức xuống làm trưởng phòng do đã chỉ đạo một số vụ án không đúng thẩm quyền và đình chỉ vụ án không đúng quy định. Phó Giám đốc khác là Đại tá Nguyễn Văn Kim bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì đã để xảy ra các vi phạm về hoạt động tố tụng. Phó Giám đốc còn lại là Đại tá Trần Thị Ngọc Thuận cũng bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do thiếu trách nhiệm trong quản lý vũ khí để xảy ra 2 vụ công an nổ súng làm chết người.
Trước đó, vào trung tuần tháng 9/2019, Ban Bí thư ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách mọi chức vụ trong Đảng và xử lý kỷ luật về hành chính tương ứng với kỷ luật đảng đối với Giám đốc Công an Đồng Nai - Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, đồng thời cách chức giám đốc công an tỉnh Đồng Nai đối với đại tá Mạnh. Nguyên nhân được nói do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, vi phạm quy định về điều tra hình sự, để cấp dưới vi phạm kỷ luật và pháp luật; đồng thời đã để xảy ra nhiều vi phạm kéo dài và đặc biệt nghiêm trọng.
Nhà quan sát xã hội dân sự Đàm Ngọc Tuyên cho rằng tình hình bất ổn của Đồng Nai hiện nay do người đứng đầu Công an tỉnh chưa làm tròn trách nhiệm:
Đồng Nai không phải năm nay mà những năm khác đều xảy ra tình trạng công nhân đình công để phản đối vấn đề không lương, thưởng, hoặc thưởng Tết. - Đàm Ngọc Tuyên
“Thật sự ở Đồng Nai theo mình nghĩ lúc ông Giám đốc (công an tỉnh) về nhận (chức) đưa ra nhiều vấn đề như chấn chỉnh nhiều vấn đề tội phạm tại Đồng Nai. Tuy nhiên điều đáng buồn là có người sau khi bị tạm giam thì bị đánh chết trong trại giam. Đó là một mạng người lẽ ra ông Giám đốc công an Đồng Nai là người có trách nhiệm lớn nhất và điều tra ngay, nhưng đến giờ hơn một tháng nhưng gia đình người ta vẫn chưa có bất kể thông cáo báo chí nào cho rằng vụ việc được giải quyết ổn thỏa.”
Người vừa được ông Đàm Ngọc Tuyên nhắc đến là anh Lại Hồng Dân sinh năm 1990, ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Cửu bắt vào ngày 6/12 về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Sau đó anh Dân bị tạm giữ tại buồng số 4, nhà tạm giữ Công an huyện. Đến chiều 8/12, gia đình anh Lại Hồng Dân nhận được tin báo là em trai tử vong, thi thể đang ở Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu. Trên cơ thể của anh Dân bầm tím ở vùng ngực, bụng, đầu sưng.
Phía Công an tỉnh Đồng Nai thời điểm đó cho biết vẫn đang điều tra nguyên nhân về cái chết anh Lại Hồng Dân, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì thêm.
Tin từ truyền thông trong nước loan đi ngày 14 tháng 1 cho biết, trong số 400 cảnh sát cơ động đến Đồng Nai, tỉnh sẽ bố trí 200 người thường trực chiến đấu tại đơn vị, xử lý các tình huống đột xuất và tuần tra vũ trang trong địa bàn tỉnh. Một nửa còn lại được đưa về các đơn vị trực thuộc công an tỉnh và địa phương cấp huyện. Lực lượng này dự kiến sẽ hỗ trợ tỉnh Đồng Nai đến hết tháng 2.

Ba sĩ quan công an chết trong vụ Đồng Tâm vì ‘rơi xuống hố’

Thứ trưởng Bộ Công An CSVN Lương Tam Quang. (Hình: Thái Sơn/Thanh Niên)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sáng 14 Tháng Giêng, 2020, tại “Hội nghị giao ban báo chí” Trung Tướng Lương Tam Quang, thứ trưởng Bộ Công An CSVN, khi nói về vụ tấn công ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, rạng sáng 9 Tháng Giêng, thừa nhận 3 sĩ quan công an chết vì “rơi xuống hố sâu 4 mét” sau đó “bị các đối tượng đổ xăng, ném bom xăng, phóng hỏa thiêu chết.”
Cũng tại cuộc họp này, ông Lương Tam Quang đưa ra nhiều cáo buộc gia đình ông Lê Đình Kình, với các thông tin mập mờ, không thuyết phục.
Kể về nguyên nhân nổ ra vụ tấn công vào Đồng Tâm, báo VietNamNet dẫn lời ông Quang, cho biết an ninh tại xã Đồng Tâm “diễn biến đặc biệt phức tạp” từ Tháng Bảy, 2019, sau khi có kết luận của Thanh tra chính phủ, khẳng định “toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng.”
Sau đó, tổ “Đồng Thuận” do nhóm cụ Lê Đình Kình đứng đầu tuy không có đất canh tác ở đây nhưng lại ngăn cản 14 gia đình di dời, tổ chức phản đối kết luận thanh tra, “thể hiện thái độ chống đối quyết liệt các lực lượng vào việc xây tường rào.”
Theo kế hoạch, sáng 9 Tháng Giêng, quân đội bắt đầu xây dựng đất Đồng Sênh với sự hỗ trợ của lực lượng Công An thành phố Hà Nội “triển khai các chốt nhằm bảo đảm an toàn trụ sở, cán bộ, người dân của Đồng Tâm.”
Ông Lương Tam Quang cáo buộc, “Khoảng hơn 20 người đã tấn công bằng lựu đạn, bom xăng, tuýp sắt gắn dao nhọn. Lực lượng công an đã ‘dùng loa tuyên truyền’ nhưng họ ‘rất manh động,’ cố thủ trong nhà cụ Lê Đình Kình và nhà hai con trai của ông là Lê Đình Chức, Lê Đình Công… Nhiều người lên tầng 2, tầng 3 ném lựu đạn, bom xăng.”
Về cái chết của 3 viên công an khi tấn công vào nhà ông Lê Đình Kình, ông Quang nói.
“Trong lúc truy đuổi, các đối tượng chạy vào nhà của Lê Đình Chức và chạy sang nhà Lê Đình Hợi. Giữa hai nhà có hố kỹ thuật hoàn toàn không có chông, sâu khoảng hơn bốn mét, ba cán bộ ngã xuống phía dưới, thì các đối tượng đổ xăng, ném bom xăng, phóng hỏa thiêu chết.”
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Quang rằng, nhiều người khai nhận dưới sự chỉ đạo của ông Lê Đình Kình đã dùng bom xăng, đổ xăng tưới xuống. Tổ công tác “buộc phải trấn áp, nổ súng cảnh cáo và tạm giữ hơn 30 người.” Công an đã thu giữ một số hung khí, bao gồm: tám lựu đạn; sáu quả nổ; 38 chai bom xăng; ba can chứa xăng; 15 típ, dao, liềm các loại, côn nhị khúc.”
“Tại nhà Lê Đình Kình, đã thu giữ những tài liệu liên quan đến hoạt động thu chi của tổ ‘Đồng Thuận,’ có những tài liệu liên quan đến việc kêu gọi ủng hộ của các tổ chức phản động nước ngoài và của một số tổ chức khác. Tức là cũng có thể không có đầy đủ các thông tin. Cái này chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ,” ông Quang cáo buộc.
Làng Hoành, xã Đồng Tâm sáng 9 Tháng Giêng, 2020. ( Hình: NDCC/Thanh Niên)
Cũng theo ông Quang, tất cả các người đã khai nhận toàn bộ và đã nhận tội của mình. Truyền hình Việt Nam cũng đã đưa thông tin một số người trên.
“Tại sao truyền hình Việt Nam phải đưa thông tin ấy? Khi chúng ta đưa ra, cán bộ xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, mới thông tin nhóm Lê Đình Kình cầm đầu đã chuẩn bị làm cái này, cái kia. Tức là khi chúng ta đưa tin ấy là phải có chứng cứ. Truyền hình Việt Nam đã đưa nội dung phóng sự của ngày hôm qua, gần như tất cả các đối tượng đã khai nhận, đã chỉ ra âm mưu của tổ ‘Đồng Thuận,’ sự chỉ đạo đối với Lê Đình Kình. Tất cả những người tham gia đã cúi đầu nhận tội, tự nhận ra sai phạm của mình,” ông Lương Tam Quang nói.
“Âm mưu, ý đồ hoạt động khủng bố, phá hoại, manh động của nhóm người chống đối khoảng dưới 50 người ở xã Đồng Tâm thực chất đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bởi nhóm này chủ yếu trong dòng họ của Lê Đình Kình. Tài liệu của chúng tôi đã thu thập được. Chúng đã ráo riết, chuẩn bị và diễn ra trên một thời gian dài, từ 2017. Công an đã nhận được những phản ánh, thông tin là cơ bản người dân rất ủng hộ,” ông Quang cáo buộc thêm.
Báo Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: “Mục tiêu chính của việc triển khai lực lượng là để bảo vệ việc xây dựng tường rào hay để bắt giữ người chống đối? Những người chống đối tấn công trước hay lực lượng công an hành động trước? Sự việc đầu tiên diễn ra ở đâu?”
Trả lời câu hỏi này, ông Quang giải thích mập mờ: “Mục tiêu là chúng ta bảo đảm an toàn dự án (xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn), nhưng khi đến khu vực Đồng Sênh, nếu như chúng ta bảo đảm an toàn dự án, nhóm chống đối sẽ đốt phá trụ sở ủy ban, chuẩn bị vũ khí có thể sát hại cán bộ xã, chuẩn bị vũ khí đốt phá nhà văn hóa. Đây là thông tin.”
“Tài liệu chúng tôi thu được là có thể phá hủy cây xăng Miếu Môn, gây tiếng nổ để tạo tiếng vang; bắt cóc người già, thậm chí cả trẻ em để gây áp lực, buộc chúng ta phải dừng (việc xây tường rào) lại. Do vậy, ngoài xây dựng tường rào chúng tôi phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ xã Đồng Tâm, trụ sở của chính quyền xã Đồng Tâm và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân Đồng Tâm.”
“Cái thứ hai, lực lượng công an tấn công trước hay đối phương? Thực chất, chốt này là chốt 16, xác định đóng chốt ở cổng thôn Hoành. Khi chốt 16 cách cổng thôn Hoành khoảng 50 mét thì các đối tượng đã sử dụng lựu đạn tấn công anh em. Quả này nổ, nhưng anh em đã được đề phòng…”
Chưa hết, ông Quang còn cáo buộc, “Hiện nay một số ‘phần tử lưu vong’ đã móc nối, hướng dẫn nhiều người đối phó với lực lượng hữu trách, hướng dẫn chế tạo thuốc nổ, cách làm bom xăng, đi mua vũ khí.” Đồng thời ông đưa ra thông tin hết sức mơ hồ rằng, “Chúng tôi đã thu thập tài liệu, trong quá trình quyên góp tiền, ‘Tổ đồng thuận’ sử dụng 50% chia cho bố con Lê Đình Kình.”  (Tr.N)

Dư luận phẫn nộ vì con cháu ông Lê Đình Kình ‘mặt sưng vù, nhận tội’ trên VTV

Ông Lê Đình Công, con ông Lê Đình Kình, trong clip “nhận tội" trên VTV. (Hình chụp qua màn hình)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đêm 13 Tháng Giêng, 2020, theo thông lệ của các vụ án trọng điểm, đài truyền hình quốc gia VTV chiếu clip “nhận tội” của con cháu ông Lê Đình Kình, thủ lĩnh của dân làng Đồng Tâm.
Trong số 22 nghi can bị Công An Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc “Giết người, tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép” và “Chống người thi hành công vụ,” hầu hết là con cháu ông Kình, người bị giết trong vụ nhà cầm quyền cho cả ngàn quân “đánh úp” thôn Hoành vào rạng sáng 9 Tháng Giêng.
Trong clip được phát vào chương trình Thời Sự lúc 7 giờ tối trên VTV1 và được tiếp sóng toàn quốc, người ta thấy ông Lê Đình Công, con trai ông Lê Đình Kình, và các nghi can khác mặt mũi đều bị thâm tím, xây xước, không rõ là họ bị trong lúc đụng độ hôm 9 Tháng Giêng hay do bị nhục hình sau khi bị bắt.
Cùng thời điểm với clip của VTV, một loạt báo nhà nước được lệnh đăng bài với nội dung khẳng định rằng con trai, cháu nội ông Lê Đình Kình “thừa nhận hành vi phạm tội, khai nhận toàn bộ hành vi sai trái.”
Trả lời câu hỏi về việc công an hay người dân Đồng Tâm mở cuộc tấn công trước hôm 9 Tháng Giêng, ông Lương Tam Quang, thứ trưởng Công An CSVN, được tờ Thanh Niên hôm 14 Tháng Giêng dẫn lời: “Thực chất, chốt này [của công an] là chốt 16, xác định đóng chốt ở cổng thôn Hoành. Khi chốt 16 cách cổng thôn Hoành khoảng 50 m thì các đối tượng đã sử dụng lựu đạn tấn công anh em. Quả này nổ, nhưng anh em đã được đề phòng.”
Ông Lê Đình Doanh, cháu nội ông Lê Đình Kình. (Hình chụp qua màn hình)
Ông Quang giải thích thêm rằng con cháu ông Kình và những “đồng phạm” khác “bị bắt giữ theo quy định của pháp luật là phạm pháp quả tang” sau khi “có những hành vi hết sức manh động, sử dụng vũ khí trái phép, sử dụng bom xăng để tấn công lại lực lượng chức năng, thậm chí có thể làm nguy hiểm đến tính mạng người dân xung quanh.”
Vị thứ trưởng Công An CSVN đưa cáo buộc rằng tại nhà ông Kình, nhà chức trách “thu giữ những tài liệu liên quan đến hoạt động thu chi của tổ Đồng Thuận, có những tài liệu liên quan đến việc kêu gọi ủng hộ của các tổ chức phản động nước ngoài và của một số tổ chức khác.”
Thôn Hoành vào sáng 9 Tháng Giêng. (Hình: Thanh Niên)
Facebooker Dương Quốc Chính bình luận về clip nhận tội của các nghi can trong vụ Đồng Tâm trên trang cá nhân: “Mọi người đều ‘nhận tội’ như thông lệ các vụ án khác, nghi phạm đều nhận tội trước VTV, trước đồng bào cả nước. Kiểu định hướng có tội này có lẽ là đặc sản của Việt Nam hoặc các nước Cộng Sản, có lẽ không tồn tại ở bất cứ thể chế dân chủ nào. Nhưng mọi người cần nhớ về nguyên tắc thì VTV không phải là tòa, nên lúc ra tòa bị cáo lật kèo khai ngược lại là việc cực kỳ phổ biến.”
“Lý do chủ yếu của họ là do bị công an đánh nên cứ nhận tội đại, sau đó ra tòa phản cung. Lời khai trước tòa mới là lời khai cuối cùng, phán xử của tòa mới quyết định họ có tội hay không. Thậm chí bị cáo nhận tội trước tòa cũng chưa chắc họ có tội thật. Vẫn phải căn cứ vào nhân chứng, vật chứng khác. Chắc chắn khi nhóm này ra tòa, thì lời khai trước tòa của họ mới đáng tin. Nhưng khả năng 100% là nhà báo cũng chỉ hóng được việc xét xử qua màn hình TV, mà dây tín hiệu có thể bị chuột cắn bất cứ lúc nào,” Facebooker nêu trên viết trong post nhận được hơn 2,600 lượt like.
Trên mạng xã hội dấy lên lời kêu gọi rằng vụ án Đồng Tâm cần phải có sự giám sát của Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội vì đây là vụ án “rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến bộ mặt của chế độ.”
Tuy vậy, thực tế, đây là yêu cầu bất khả thi, vì Quốc Hội CSVN lâu nay vẫn được biết đến là nhất cử nhất động đều tuân theo chỉ thị và đường lối của Bộ Chính Trị. (N.H.K)

Nổ lớn ở Nhà Máy Nhiệt Điện Uông Bí


Từ  xa cũng có thể nhìn thấy cột khói đen bốc cao bao trùm một phần Nhà Máy Nhiệt Điện Uông Bí sau vụ nổ. (Hình: Nguyên Trung/Infonet)
QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Sau tiếng nổ lớn, cột khói đen kịt cao hàng chục mét phát ra từ khu vực Nhà Máy Nhiệt Điện Uông Bí ở phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, khiến người dân lo sợ.
Sáng ngày 13 Tháng Giêng, 2020, xác nhận với báo Kiến Thức, ông Lê Văn Hanh, giám đốc Công Ty Nhiệt Điện Uông Bí, thuộc Tổng Công Ty Phát Điện 1, cho biết vụ nổ xảy ra lúc 4 giờ 38 phút chiều hôm 12 Tháng Giêng, do “bục ống sinh hơi của tổ máy 300 MW.”
“Nguyên nhân do công ty đang thí nghiệm đốt than trộn nhập cảng 5a1 do Tập Đoàn Công Nghiệp Than-Khoáng Sản Việt Nam (TKV) cung cấp, trong khi theo thiết kế tổ máy phải đốt than cám 5a3, 5a4, khiến lò hơi bị đóng xỉ, tảng xỉ cứng rơi xuống gây bục ống sinh hơi. Sự cố không gây ảnh hưởng đến người và thiết bị xung quanh,” ông Hanh giải thích.
Trước đó, chiều 12 Tháng Giêng, người dân sống xung quanh Nhà Máy Nhiệt Điện Uông Bí (phường Quang Trung, thành phố Uông Bí), nghe tiếng nổ lớn phát ra từ phía nhà máy.
Một lúc sau, cột khói đen kèm theo bụi cao hàng chục mét bốc lên bao trùm một phần nhà máy khiến người dân hoảng sợ.
Thế nhưng báo Vietnam Finance dẫn tin từ Ủy Ban Nhân Dân thành phố Uông Bí, cho rằng: “Trong quá trình vận hành, tổ máy 300MW thuộc Công Ty Nhiệt Điện Uông Bí gặp sự cố bục ống sinh hơi, do hơi nước có áp suất lớn (17 Mpa) thoát ra ngoài lò nên gây tiếng ồn lớn trong khoảng thời gian ngắn.”

“Theo cán bộ, kỹ sư của công ty, đây là sự cố thiết bị ngoài ý muốn không gây thiệt hại về người và không ảnh hưởng tới môi trường. Hiện, công ty đang khẩn trương xử lý, khắc phục sự cố để đưa tổ máy hoạt động bình thường trở lại,” thông báo cho biết.
Báo Thanh Niên cho hay từ cuối năm 2019, để tăng lượng cung cấp than, TKV đã cung cấp than trộn nhập cảng tương đương than cám mới (5a1) khác so với thiết kế.
Trước thời điểm xảy ra vụ nổ, tổ máy 300 MW “đang vận hành bình thường theo lệnh điều độ điện quốc gia và tham gia thị trường điện, thông số, thiết bị ổn định.”
Nhà Máy Nhiệt Điện Uông Bí được Liên Xô xây dựng và phát điện từ Tháng Mười Một, 1963. Đến Tháng Ba, 2011, thì Tập Đoàn Chengda (Trung Quốc) trúng thầu chế tạo và lắp đặt máy móc, hoàn thành mở rộng giai đoạn 2, với vốn đầu tư trên $220 triệu. Hiện, nhà máy có hai tổ máy, công suất 300 MW và 330 MW. (Tr.N)

Đồng Tâm - khi đảng viên trở thành kẻ thù của đảng

Mẹ Nấm (Danlambao) - Cụ Lê Đình Kình (85 tuổi), người được xem là linh hồn của những người dân Đồng Tâm đã qua đời vì những vết đạn được bắn từ những người đồng chí đảng viên của mình. Xung đột đất đai khiến một đảng viên lão thành cách mạng trở thành thế lực thù địch của đảng. Số người thiệt mạng sau vụ tấn công vào nhà dân lúc 4 giờ sáng vẫn còn là một bí ẩn, và Đồng Tâm thêm một lần nữa là minh chứng cho lời ca "đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng".

Xuất phát từ dòng thông báo ngắn ngủi trên Cổng thông tin của Bộ Công an: "Từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, thành phố Hà Nội theo kế hoạch. Trong quá trình xây dựng, sáng 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương."

Nếu không có mạng xã hội, không có các đoạn video clip do người dân Đồng Tâm gửi ra khoảng 3-4 giờ sáng sớm ngày 9/1/2020, người ta sẽ lầm tưởng đây là một vụ "chống người thi hành công vụ" thông thường. Không hề có thứ công vụ nào được phát lệnh bằng việc nổ súng trong đêm khi người dân đang say ngủ phải choàng dậy gõ kẻng báo động cả.
Đây là một cuộc tấn công tiêu diệt có chủ đích của lực lượng công an, và mục tiêu chính là thôn Hoành và gia đình cụ Lê Đình Kình, những người đã tuyên bố sẽ hy sinh tính mạng để giữ đất.

Cuộc tấn công diễn ra trong sự phối hợp và chuẩn bị rất kỹ càng từ các ban bộ ngành qua việc cắt điện, cắt Internet trước đó. Hiện trường vụ án chính là nhà của cụ Lê Đình Kình.

Một ngày sau khi vụ tấn công xảy ra, công an ra quyết định khởi tố vụ án với ba tội danh "Giết người, Tàng trữ sử dụng vũ khí trái phép và Chống người thi hành công vụ".

Mấu chốt vấn đề ở chỗ thông tin đầu tiên xuất phát từ Bộ Công An là "gây rối trật tự công cộng" và "chống người thi hành công vụ". Bởi không hề có bằng chứng nào được trưng ra tại hiện trường "đang xây dựng" là khu vực tường rào sân bay Miếu Môn.
Vậy chữ "công vụ" ở đây nên được hiểu là xâm nhập gia cư bất hợp pháp và bị chống trả quyết liệt mới đúng bản chất?!

Facebooker Dương Quốc Chính đã đưa ra vấn đề rất đáng để quan tâm.
"Việc chống đối của người dân xảy ra trước ngày 9/1, tại công trường, hay họ chỉ chống đối khi bị tấn công? Theo mình hiểu, quy trình đúng pháp luật phải là: Nếu người dân chống đối tại chỗ tranh chấp đất, thì CAHN cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can trước, vì đã có đủ dấu hiệu phạm tội, rồi mới đem quân tới bắt người, vào ban ngày, có đại diện của chính quyền địa phương chứng kiến, 1 cách công khai. Nhưng đây lại có một vụ đánh úp vào ban đêm, giống y như việc tấn công bọn tội phạm, khủng bố, bắt cóc... Rồi mới dẫn đến việc người dân tự vệ, chống lại công an, có thể dẫn đến tử vong của cả 2 bên. Có nghĩa là CA đã làm ngược quy trình, là tấn công trước, rồi tìm bằng chứng phạm tội sau.

Được biết, dân Đồng Tâm đã có lời kêu gọi toàn dân Đồng Tâm kháng chiến từ hàng tuần trước, công khai trên FB, mình còn đọc được, không lẽ CA không biết? Vì thế, lẽ ra công an phải tìm lý do cho vụ tấn công trước, ví dụ như việc tàng trữ vũ khí quân dụng...để khởi tố vụ án, có đủ căn cứ pháp lý cho việc bắt giữ công khai. Khi tới bắt người mà bị tấn công thì mới được nổ súng."

Hai ngày sau khi vụ việc xảy ra, những hình ảnh thực tế đầu tiên về "vụ tấn công" chính là thi thể của cụ Lê Đình Kình do người dân cung cấp. Cụ Kình được trao trả về cho gia đình trong tình trạng đã bị mổ khám nghiệm tử thi, có 2 vết đạn trên đầu và ngay ngực trái chỗ gần tim, chân bị gãy rời.
Điều này khá trái ngược với thông tin do thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng Bộ Công an) "qua khám nghiệm, trên tay ông Kình cầm một trái lựu đạn." 

Hiện trường của vụ án giết người này là nhà riêng của cụ Kình, cụ chết ngay trên giường ngủ. 

Thông tin do Công an đưa ra ai sẽ kiểm chứng được khi báo chí bị phong tỏa, các cơ quan báo chí nước ngoài muốn tác nghiệp tại Đồng Tâm "sữ được xem xét"?!

Sẽ có rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong vụ việc Đồng Tâm, nhưng tôi chỉ muốn nhắc lại lời của một người được xem là có liên quan gián tiếp đến quyền lợi của người dân trong vụ khiếu kiện đất đai này đó là luật sư đại diện Ngô Anh Tuấn:

"Chưa có bất kỳ cuộc đối thoại nào diễn ra một cách đúng nghĩa kể từ sau buổi đối thoại nhằm thuyết phục dân thả “con tin”. Chỉ có tuyên truyền, định hướng một chiều từ phía chính quyền mà thôi! Người dân có tranh chấp chỉ được trình bày, giải thích các nội dung mà mình băn khoăn trên mạng xã hội..."

Đó chính là lý do vì sao người dân, hay nói chính xác hơn là những đảng viên kiên trung tại Đồng Tâm đang chờ đợi đồng đội của mình trả lời. Hơn ai hết những người đã từng là Chủ tịch xã, Bí thư xã, Trưởng công an xã.... những người đã từng hy sinh tuổi trẻ đóng góp cho công cuộc cách mạng hiểu rõ họ đã và đang niềm tin vào những điều gì. Và họ vẫn trông chờ câu trả lời từ những lãnh đạo cấp cao hơn, những người đang rao giảng niềm tin và đạo đức như Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc...

"Không cần đối thoại, không cần tòa án", chỉ cần tuyên truyền và phát lệnh xua hơn ngàn quân vào làng, những người đã hơn nửa đời người đi theo đảng ở Đồng Tâm bỗng chốc trở thành những kẻ chống đối và những kẻ phản loạn trong mắt những người dân Việt Nam đang bị ngu muội hóa.

Vụ việc ở Đồng Tâm, điều đáng hãi hùng nhất ngoài hình ảnh thương tâm của cụ Lê Đình Kình trong tình trạng được cho là bị tra tấn cho đến chết chính là thái độ hung hãn khát máu của một bộ phận không nhỏ người Việt trên mạng xã hội.
"Không cần lắng nghe, không cần suy nghĩ", đảng nói đúng là đúng, đảng bảo chống đối là đám đông phải hô to khẩu hiệu "cần nghiêm trị" như một quy trình được cài đặt sẵn. Vô văn hóa, mất nhân tính đó chính là điều đáng lo mà nhiều thanh niên trẻ Việt Nam đang thể hiện qua vụ việc Đồng Tâm.

Cuối cùng, đến tận lúc chết, cụ Lê Đình Kình vẫn là một đảng viên và vẫn đang mong chờ được đối thoại với đảng. Chi tiết này có lẽ sẽ là một bài học đắt giá cho nhiều người khác vẫn đang nuôi niềm tin vào đảng.
Đến tận lúc này những cụm từ như "cuộc cưỡng chế", "cuộc tấn công" hay "chống người thi hành công vụ" nên được thay thế cho đúng hơn để miêu tả bản chất của sự việc này vốn là: một cuộc xâm nhập gia cư bất hợp pháp có tổ chức với quy mô gần (hoặc hơn) 3000 quân của công an Hà Nội đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của người dân Đồng Tâm.

Tất cả những tranh cãi về giá trị pháp lý và nguyên tắc cư xử đúng sai của nhà cầm quyền và người dân trong tất cả các vụ cưỡng chế hay tranh chấp đất đai phải được suy xét thấu đáo, không né tránh bản chất vấn đề - đó là “đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý”. Mọi cuộc tranh cãi đúng sai đều vô nghĩa nếu dựa trên một lổ hổng trầm trọng về quyền sống, quyền được mưu sinh của công dân. Những cuộc cưỡng chế, thâu tóm đất đai trước dịp Tết đoàn viên, chưa và sẽ không bao giờ là hành động có thể mang lại sự ấm no hạnh phúc cho xã hội.

Năm 2020 rồi, đừng đổ tội chống phá nhà nước, chống phá chính quyền cho dân khi chính nhà nước được lãnh đạo bởi những người cướp chính quyền luôn nuôi dã tâm cướp trắng tài sản của nhân dân qua nhiều thời kỳ bằng nhiều thủ đoạn.

11.01.2020

Hàng thì sống - chống thì chết!

Chân Như (Danlambao) - Mấy hôm nay, báo chí nhà sản được đảng bật đèn xanh, tới tấp lên án vụ “Sân bay Miếu Môn“. Nội cách gọi tên “Sân bay Miếu Môn” cũng đã chỉ rõ âm mưu lập lờ đánh lận con đen của nhà cầm quyền cộng sản rồi.

Trên thực địa, khu vực phía phía đông Đồng Sênh lại chia ra 2 phần nhỏ: Phần phía đông khu vực (47,36 héc ta) đã bị tỉnh Hà Sơn Bình thu hồi, làm dự án sân bay Miếu Môn vào năm 1981, thuộc quản lý của Lữ Đoàn 28, Quân chủng Không quân. Phần phía tây khu vực (khoảng 59 héc ta) không bị thu hồi, dân Đồng Tâm tiếp tục canh tác bình thường, đóng thuế đầy đủ.

Giữa hai khu vực này có tường xây, mốc bê tông do quân đội cắm từ 1981 đến nay, phân cách rõ ràng. 

Thế mà, sau lần tranh chấp dữ dội hồi 2017 ( Vụ việc Đồng Tâm bắt giữ 38 Cảnh sát cơ động làm con tin), thì vào chiều ngày 27/8/2019, UBND TP. Hà Nội và Thanh tra Chính phủ “bỗng nhiên hô biến” ra một Tấm bản đồ mở rộng cho Sân bay Miếu Môn, trong đó có luôn cả 59 héc ta phía dân Đồng Tâm đang canh tác! 

Thanh tra chính phủ còn thông báo thêm, Tấm bản đồ mở rộng này được xác lập vào năm 1992 giữa chính phủ và các bên liên quan, có luôn cả chữ ký của các UBND các xã đồng ý giao đất cho quân đội, trong đó có UBND xã Đồng Tâm (?!) mà chính cụ Lê Đình Kình, người đã từng giữ các chức vụ trong chính quyền như Chủ nhiệm hợp tác xã, Trưởng công an xã, Bí thư Đảng uỷ, chủ tịch UBND xã Đồng Tâm lại không hay biết một tí gì về Tấm bản đồ mở rộng này. 

“Tấm bản đồ mờ rộng” đó có đáng tin không? 

Bên luật sư đại diện cho người dân Đồng Tâm sau khi xem bản đồ mở rộng tỏ ra nghi ngờ và lại đưa ra nhận định: "Tháng 8/2019 UBND TP. Hà Nội mới đưa ra Tấm bản đồ mở rộng, chứ thực tế đâu có chuyện mở rộng, cái đó là chính quyền đưa ra đơn phương. Đến nay chưa có một văn bản chính thức nào về việc mở rộng cho sân bay cả."

Người dân còn lạ gì thói quen tự biên tự diễn, đưa ra toàn chứng cớ một chiều nếu không nói là giả mạo của phía chính quyền. Nếu có chứng cớ pháp lý trong tay, sao UBND Hà Nội không tổ chức đối thoại minh bạch với đại diện xã Đồng Tâm, để người dân có thể xem xét thực hư, cũng như đối chiếu với bản đồ và giấy tờ do người dân sở hữu từ trước đến nay? 

Tưởng nên nhắc lại, đây không phải lần đầu tiên chính quyền bị nghi ngờ khi công bố bản đồ giả mạo để giải quyết tranh chấp đất đai với người dân. Trước đây, khi giải quyết vấn đề tranh chấp, đền bù giải tỏa ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chính quyền sở tại đã từng nhiều lần công bố thay đổi bản đồ, thậm chí tuyên bố làm mất bản gốc để lừa dân biết bao lần. (1) 

Sai lầm cơ bản của chính quyền

Người Đồng Tâm hoàn toàn không muốn tranh chấp đổ máu với chính quyền mà đơn giản họ chỉ muốn khi Nhà nước “Quyết định thu hồi đất” thì phải đền bù thỏa đáng, thế nhưng nhà cầm quyền Hà Nội lại không chọn chiều hướng ôn hòa đó, chỉ quyết tâm dùng sức mạnh đông người và phương tiện súng ống để cướp không khu đất này. 

Cướp đất không thành, nay chính quyền Hà Nội quyết tâm dùng mưu hèn chước bẩn vừa ăn cướp vừa la làng ra để vu khống “ Dân làng Đồng Tâm” thành “Bọn cướp đất Quốc Phòng”! 

Kế hoạch bố ráp 

Lúc nào cũng tuyên truyền tranh chấp đất đai cần phải kiên trì đối thoại, vậy nay sao Chính quyền lại đánh úp Đồng Tâm bằng hành động quân sự như khi có giặc ngoại xâm? Chắc chắn trận càn với tên gọi “Hàng thì sống, chống thì chết” này đã được nhà cầm quyền lên kế hoạch bố ráp, hủy diệt rất qui mô và chi li trên mọi mặt: 

a. Dùng lực lượng vũ trang hàng trung đoàn lên hơn 3.000 côn an quân đội được trang bị khí tài quân sự cùng thiết giáp RAM 2000 MK3 (loại xe mạnh nhất với trang bị súng máy 12,7 mm có hoả lực cực mạnh), xe phá sóng, xe chở máy LRAD... 

b. Thời gian tấn công là 3-4 giờ sáng vào thời điểm cận Tết cổ truyền để người dân bị rơi vào thế bất ngờ bị động nhất. 

c. Dân Đồng Tâm chỉ có vũ khí thô sơ như gạch đá, dao gậy, bom xăng... thì coi như đại bại từ đầu. 

Một màn diễn quá tồi bại của côn an

Theo người nhà của cụ Lê Đình Kình kể lại cho anh Trịnh Bá Tư qua điện thoại: "Thi thể Cụ Kình bị đánh gãy rời chân trái. Đầu be bét máu, bị trúng một viên đạn ngay tim, máu me đầy giường Cụ nằm. Chết lúc 3h sáng tại lầu 2 nhà Cụ." 

Nhiều chi tiết trong lời vu khống giấu đầu lòi đuôi của côn an: Trong tay cụ Kình lúc chống trả có cầm lựu đạn. 

- Có ai đi ngủ cầm lựu đạn trong tay không? Cụ Kình bị bắn chết ngay trên giường, làm sao ngồi dậy cầm lựu đạn cho được? “Nếu” đã có lựu đạn trong tay, sao cụ Kình lại không ném về phía “địch”? 

- Trên bụng cụ Kình có một đường may chắc chắn trước đó là một vết đâm trên ngực cụ khi cụ còn đang thoi thóp, nay côn an phi tang thành ra vết may do... khám nghiệm! Người bị bắn chết rồi thì cần gì phải mổ bụng ra khám? (Tương tự như vụ anh Nguyễn Hữu Tấn bị giết trong đồn côn an Vĩnh Long trước đây. Cổ anh Tấn bị cắt đầu gần lìa khỏi cổ và được bịnh viện may lại vòng quanh cổ, thì côn an lại bảo do anh Tấn dùng dao tự tử nên phải đem đi cấp cứu!) 

- Thêm nữa, “nếu” tay cụ Kình cầm lựu đạn thì trong lúc mổ, chắc chắn đội ngũ bác sĩ phải hết sức thận trọng gỡ quả lựu đạn ra khỏi tay tử thi, nếu không sẽ cực kỳ nguy hiểm cho những người tham gia mổ. Chỉ cần chụp hình quả lựu đạn trong tay nạn nhân làm tang vật, việc gì mổ xong lại phải gắn quả lựu đạn vào vị trí cũ để trả thi hài của cụ Kình “nguyên đai nguyên kiện” về nhà? 

Chỉ còn một kết luận: Một màn sắp đặt tại hiện trường quá tồi bại của côn an. 

Ba côn an thiệt mạng do tai nạn bị bỏng? 

Báo chí lề đảng loan tin 3 côn an tử vong là do bị bỏng từ bom xăng của dân Đồng Tâm. 

Nhưng trên mạng xã hội hiện lan truyền hình ảnh một khe hở lớn giữa hai căn nhà, được cho là nơi ba côn an rơi vào thiệt mạng trong khi đột kích Đồng Tâm. Vì do côn an đột nhập vào ban đêm, không để ý nên đã ngã xuống tử vong, chứ không do bỏng. (2) 

Ai sẽ chịu trách nhiệm về những cái chết tại Đồng Tâm? 

Đầu tiên là chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, sau đó là Thành ủy Hà Nội, Bộ Côn an, Bộ Quốc phòng, Thủ tướng lẫn Chủ tịch nước... Tất cả những cơ quan đầu não lẫn các lãnh đạo chủ chốt này đã hợp lực lại để lên kế hoạch cho một cuộc tập kích đẫm máu tại Đồng Tâm chẳng khác nào một trận càn trong thời chiến. (Lẽ nào 3 giờ sáng tấn công vào làng, giết dân rồi chính côn an bị sụp hầm tử vong mà Chủ tịch nước lại gọi đó là hy sinh góp phần vào ''sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc''?) 

Cái gốc để nẩy sinh ra chuyện cướp đất nhan nhãn từ Bắc chí Nam, bắt nguồn là từ trong thể chế độc tài, bất công, coi thường luật pháp mà ra cả. Cứ dùng bạo lực mà trị dân thì cũng sẽ đến ngày dân và nhà nước trở thành 2 chiến tuyến đối nghịch, tạo nấc thang lên tới tột đỉnh là một cuộc cách mạng lật đổ chính quyền vào một tương lai rất gần. 

Chú thích:


14.01.2020