Monday, July 3, 2017

Trung Quốc ‘gần hoàn tất’ các căn cứ quân sự tại Trường Sa

Ngô Đồng 
Theo VOA-03/07/2017
Trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Đồng Nai.
Trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Đồng Nai.
Không ảnh mới chụp giữa Tháng 6-2017 cho thấy các cơ sở và tòa nhà quân sự của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo khổng lồ họ bồi đắp tại quần đảo Trường Sa gần hoàn tất.
Một mặt, Bắc Kinh nói khu vực Biển Đông hoàn toàn hòa bình yên tĩnh, đả kích các “thế lực ngoài khu vực” cố tình kích động cho nổi sóng. Mặc khác, những gì họ đang ráo riết tiến hành, biến những bãi san hô thành những căn cứ quân sự tối tân, khống chế cả khu vực thì không ngừng nghỉ một giây.
Theo một bản tường trình cuối Tháng Sáu của bộ phận Sáng kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Hoa Thịnh Đốn, cứ cách ít ngày là người ta lại thấy có thêm những cơ sở mới được hoàn tất và các trang bị quân sự sẵn sàng sử dụng.
Nhà chứa hỏa tiễn, các cơ sở truyền tin, viễn thông, radar và các cơ sở hạ tầng trên ba đảo nhân tạo Đá Chữ Thập, Vành Khăn và Su Bi nhìn thấy qua các tấm không ảnh cho người ta thấy rằng trong khi các cuộc đàm phán cho một Bộ Quy Tắc Ứng Xử đang diễn ra, Trung Quốc vẫn nhất định phát triển các căn cứ quân sự tại Trường Sa, nhằm kiểm soát toàn bộ khu vực.
Theo AMTI, đảo Chữ Thập tiếp tục là căn cứ quy mô và tân tiến nhất của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa. Tháng Hai vừa qua, AMTI đã thấy 8 nhà chứa được kiên cố hóa với mái che kéo dài ra, co lại được ở cả ba đảo nói trên mà người ta tin sẽ là các vị trí đặt các giàn hỏa tiễn. Trong vòng ba tháng trở lại đây, Trung Quốc làm thêm 4 nhà chứa như vậy trên đảo Chữ Thập nhưng chưa thấy tại các đảo Vành Khăn và Su Bi.
Tại đảo Vành Khăn, Trung Quốc đã tạo dựng được một mạng lưới viễn thông và radar rất lớn. Một hệ thống an-ten rất lớn thấy xuất hiện góc phía nam của đảo. Người ta tin rằng nó giúp họ nâng cao khả năng theo dõi các hoạt động ở khu vực. Khả năng này đặc biệt đáng để chính phủ Manila quan tâm vì đảo nhân tạo Vành Khăn tương đối gần với các khu vực Palawan, Reed Bank và Second Thomas Shoal.
Thêm nữa, một vòm radar lớn mới đây thấy được thiết trí trên một tòa nhà ở mặt phía nam của đảo Chữ Thập, chứng tỏ đây là một hệ thống radar hay viễn thông tầm cỡ lớn. Một tòa nhà tương tự cũng đang được xây dựng mặt phía bắc của đảo Chữ Thập trong khi hai tòa nhà khác tương tự ở đảo Vành Khăn.
Một vòm radar nhỏ hơn được dựng trên một tháp gần nhà chứa hỏa tiễn cho hiểu là nó có thể kết nối với các radar của các hệ thống hỏa tiễn được bố trí tại đó.
Cuối cùng, hoạt động xây dựng đang tiến hành các cấu trúc ngầm dưới lòng đảo, mỗi đảo có 4 cấu trúc, có vẻ như chúng được dùng làm kho đạn hoặc cất giữ những thứ thiết yếu. Các cấu trúc lớn chôn ngầm dưới lòng đảo được cho là các nơi trữ nước ngọt và nhiên liệu, theo một bản tường trình gần đây của Ngũ Giác Đài.
Hồi Tháng Ba 2017, AMTI từng báo động, các hoạt động xây dựng các cơ sở , các giàn radar, hệ thống viễn thông, phi đạo tại ba đảo nhân tạo Chữ Thập, Vành Khăn và Su Bi coi như hoàn tất. Họ có thể điều động máy bay, hỏa tiễn, và các trang bị viễn thông, các loại võ khí đến đây bất cứ lúc nào.
Tháng 5-2014, vào lúc dư luận thế giới chú ý vào cuộc đối đầu trên biển giữa Việt Nam với Trung Quốc khi Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương HD-981 tới khoan tìm dầu khí ở phía nam quần đảo Hoàng Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã được các tàu nạo hút cá đá lòng biển, bồi đắp một loạt 7 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ.
Việt Nam thế yếu nước nhỏ, chỉ đưa ra các lời tuyên bố chủ quyền suông trong khi Bắc Kinh tiến hành kế hoạch khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông từ các căn cứ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phi Luật Tân kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng Tài Quốc Tế và phán quyết của Tòa hồi Tháng 7 năm ngoái phủ nhận tuyên bố chủ quyền “Lưỡi Bò” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố không công nhận phán quyết dù cũng là một trong những nước ký vào Bản Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) như Việt Nam và Phi Luật Tân.
Với phi đạo tại cả Hoàng Sa và Trường Sa, các phi cơ chiến đấu, cảnh báo sớm và tuần thám của Trung Quốc có thể hoạt đồng gần như bao trùm cả Biển Đông. Các hệ thống radar và các hệ thống cảnh báo sớm đặt tại các đảo nhân tạo ở Trường Sa và ở quần đảo Hoàng Sa cũng có khả năng tương tự.
Năm ngoái, người ta đã thấy Trung Quốc bố trí hai đơn vị hỏa tiễn phòng không tầm xa HQ-9 trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. Người ta tin rằng chúng cũng sẽ được đưa tới bố trí trên các đảo nhân tạo tại Trường Sa.

Biển Bình Thuận đang bị đầu độc như thế nào?

Lê Anh Hùng 
Theo VOA-03/07/2017
Bộ Tài nguyên - Môi trường chấp thuận cho Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải ra vùng biển Bình Thuận.
Bộ Tài nguyên - Môi trường chấp thuận cho Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải ra vùng biển Bình Thuận.
Ngày 28/6 vừa qua, truyền thông nhà nước đưa tin, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã chấp thuận cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là khối lượng bùn, cát sau nạo vét vũng quay tàu và khu bến chuyên dùng, phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Sự kiện một khối lượng bùn thải khổng lồ sắp được xả ra tại một địa điểm cách không xa khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau (một trong 16 khu bảo tồn biển trên cả nước) đã gây xôn xao dư luận, đặc biệt là trong bối cảnh khu bảo tồn này đã phải lên tiếng kêu cứu vì tình trạng ô nhiễm do các nhà máy điện thuộc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân gây ra suốt mấy năm nay.
Lý do Cty Điện lực Vĩnh Tân 1 đưa ra để được cấp phép xả đổ chất thải trên biển rất dễ được “thông cảm”. Tờ Pháp luật TP HCM ngày 3/11/2016 cho biết: “Theo hồ sơ xin phép Bộ TN&MT của công ty này thì khối lượng nạo vét đổ thải lớn. Nếu đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền thì phải có diện tích lớn nhưng địa hình tại huyện Tuy Phong phức tạp, không có mặt bằng để thực hiện.”
Quả vậy, Vĩnh Tân và khu vực xung quanh là một vùng đất chật hẹp: một bên là núi, một bên là biển, ở giữa là một dải đất hẹp, với địa hình phức tạp. Đây là khu vực vừa cách xa nguồn cung cấp than, vừa cách xa các trung tâm tiêu thụ điện năng, lại rất nhạy cảm về môi trường, với một khu bảo tồn biển chỉ cách đất liền vài km.
Vì thế, thật khó hiểu khi người ta lại cho xây dựng ở đây một trung tâm nhiệt điện khổng lồ, quy mô lớn nhất cả nước, với 5 nhà máy nhiệt điện than: Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng. (Để hình thành mặt bằng trung tâm nhiệt điện người ta phải tiến hành san lấp hàng trăm ha mặt biển. Bãi xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 rộng hơn 60ha, với chiều cao thiết kế 27m. Tuy nhiên, mới sau hơn 2 năm hoạt động, nó đạt đạt độ cao 12m.)
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ ngày 9/9/2014. Cả hai tổ máy của Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đều đã thực hiện đốt than lần đầu thành công, dự kiến sẽ lần lượt đi vào hoạt động từ quý IV năm 2017 và quý II năm 2018. Ba nhà máy còn lại đều đang trong quá trình thi công.
Mới một trong tổng số năm nhà máy chính thức đi vào hoạt động mà hàng loạt vấn đề về môi trường đã xẩy ra xunh quanh trung tâm nhiệt điện này.
Mặc dù ra đời sau Khu Bảo tồn biển Hòn Cau nhưng các dự án của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn được phép chồng lấn lên khu bảo tồn thiên nhiên này đến hơn 1.000ha. Điều này cho thấy là ngay từ đầu, vấn đề môi trường ở đây đã bị đặt xuống hàng thứ yếu. Ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Bình Thuận, nhận định: “Chịu tác động ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân, các khu dự án khác, Khu bảo tồn biển Hòn Cau bị xóa sổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Chất lượng nước biển tại đây cũng sẽ thay đổi không còn giữ được độ mặn đặc biệt như trước đây... Các đồng muối Cà Ná, Vĩnh Hảo còn bị khói bụi từ các nhà máy này tác động. Không sớm thì muộn diêm dân và các công ty muối ở những vùng này sẽ đối mặt với nguy cơ biến mất...”
Theo người dân địa phương, nước thải của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả ra biển, nóng hơn nhiệt độ bình thường của nước biển, khiến hải sản biến mất. Vào tháng 2, 3 hàng năm, tôm hùm con ở rạn san hô rất nhiều, nhưng nay cũng không còn. Nước dưới biển nằm ở độ sâu 10m lúc nào cũng nóng hâm hẩm, các rạn san hô gần bờ đều bị chết, ốc sò thì chết hả họng, cua tấp vô bờ chết thúi. Nước thải của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả ra biển gây ô nhiễm tới 5 lý, mỗi lần kéo lưới lên là thấy nước đỏ và nóng hâm hẩm.
Từ ngày 14-16/4/2015, hàng ngàn người dân địa phương đã đổ ra quốc lộ 1A đoạn chạy qua đây, khiến giao thông Bắc - Nam bị ách tắc hàng chục km, để phản đối việc Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thải bụi than và xỉ vào môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng, không chỉ trên đất liền mà cả một vùng biển rộng lớn.
Ngày 28/4/2017, trước việc nhiều hộ dân sống gần bãi chứa tro xỉ than trên phản ánh, hàng chục hecta cây trồng ở xã Vĩnh Tân bỗng lụi tàn rồi chết dần, gây thiệt hại cho sản xuất, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản giao Sở TN-MT phối hợp với UBND huyện Tuy Phong thông báo kết quả phân tích mẫu nước giếng, mẫu đất tại khu vực gần bãi chứa tro xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho các hộ dân biết, đồng thời khuyến cáo người dân tạm thời không nên sử dụng nguồn nước ngầm (nước giếng) vào mục đích tưới tiêu cũng như ăn uống. Theo đó, kết quả phân tích hàm lượng Clorua trong nước ngầm của 3/4 hộ dân nơi đây vượt ngưỡng từ 1,2 đến 1,8 lần; hàm lượng Clorua trong 4/5 hồ nước phục vụ nhu cầu tưới tro xỉ vượt từ 1,05 đến 1,8 lần; hàm lượng tổng số muối tan ở một số nơi mặn và rất mặn.
Vùng đất từ Phan Rang đến Tuy Phong - Bắc Bình có khí hậu bán hoang mạc, khô nóng, nắng nhiều, lượng mưa ít nhất trong cả nước. Nguồn nước chính mà người dân Tuy Phong thường sử dụng là nước ngầm và nước giếng. Vì thế, việc tro và xỉ than của các nhà máy chỉ được xử lý đơn giản bằng cách quy tập vào bãi rồi tưới nước lên sẽ làm nẩy sinh hai vấn đề nan giải: (i) lượng nước tưới làm hao hụt nguồn nước ngọt vốn đã ít ỏi dành cho sinh hoạt của người dân cũng như phục vụ canh tác; và (ii) các chất độc trong tro và xỉ than vốn có hàm lượng rất cao, khi được tưới nước hoặc gặp trời mưa chúng sẽ ngấm vào mạch nước ngầm và sau một thời gian sẽ khiến toàn bộ vùng đất và vùng biển xung quanh bị nhiễm độc, bởi theo vòng tuần hoàn, cuối cùng nước sẽ chảy ra biển.
Quốc kỳ Trung Quốc đang tung bay tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, và sẽ còn bay phấp phới ở khu vực xung yếu này trong hàng chục năm tới. Ảnh: Lê Anh Hùng
Quốc kỳ Trung Quốc đang tung bay tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, và sẽ còn bay phấp phới ở khu vực xung yếu này trong hàng chục năm tới. Ảnh: Lê Anh Hùng
Đáng quan ngại hơn, trong 4 nhà máy nhiệt điện tại Vĩnh Tân (tổng công suất của hai nhà máy Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng chỉ bằng Vĩnh Tân 3) thì Trung Quốc làm tổng thầu EPC đến 3 nhà máy là Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 3, đồng thời là chủ đầu tư của Vĩnh Tân 1, nhà máy vừa được Bộ TN-MT cho phép xả gần 1 triệu m3 bùn thải ra biển. (Theo mộtđiều tra mới đây của Trung Quốc, hơn 70% doanh nghiệp nước này vi phạm về môi trường.)
Mới một nhà máy chính thức hoạt động mà tình trạng ô nhiễm môi trường ở Vĩnh Tân đã nghiêm trọng như vậy thì khi tất cả các nhà máy của trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước này đi vào vận hành tình hình còn trầm trọng đến đâu? Đó là câu hỏi mà có lẽ không một người dân Việt Nam nào muốn nghe câu trả lời.
Xem ra, giống như ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), số phận một vùng biển quan trọng và nhạy cảm cả về môi trường lẫn an ninh quốc phòng của Việt Nam lại được người ta đặt vào tay Trung Quốc một cách rất chi là vô tư.
Câu hỏi mà công chúng Việt Nam muốn được giải đáp ở đây là: Trách nhiệm này thuộc về ai?

Trách nhiệm của Quân Ủy và Bộ Quốc Phòng

Bùi Tín 
Theo VOA-03/07/2017
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng là Bí Thư Quân Ủy Trung Ương nên có trách nhiệm lớn nhất.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng là Bí Thư Quân Ủy Trung Ương nên có trách nhiệm lớn nhất.
Dư luận trong nước gần đây rộ lên nhiều nhận xét bình luận về trách nhiệm của Quân Đội Nhân Dân trong việc làm biến nhiều đất quốc phòng thời chiến tranh thành đất tư nhân của nhiều sỹ quan cấp cao, đặc biệt là các tướng thuộc Quân khu VII, Quân khu IX, trước khi về hưu. Các tướng nguyên Tư Lệnh, Chính Uỷ, Tham mưu trưởng đều được cấp vài chục hécta đất một cách bán chính thức, có thể nói là tư túi, không theo một chính sách công khai của Nhà Nước.
Tôi được biết tại các tỉnh, các Đảng Ủy và Bộ Chỉ huy tỉnh đội Bộ đội Địa phương cũng theo gương các Quân khu, chia chác đất Quốc Phòng cho nhau một cách tự do, hào phóng, bất chấp đó là tài sản công của quốc gia.
Trong chiến tranh, theo nhu cầu quốc phòng, nhiều vùng đất của tư nhân được trưng dụng để xây doanh trại, bãi tập, trường bắn, nhà máy quốc phòng, quân y viện, trường quân chính, sân bay lớn, sân bay dã chiến, sân bay dự bị, sân bay trực thăng, các ụ súng cao xạ, trận địa tên lửa và pháo phòng không, rải ra ở khắp nơi.
Lẽ ra, khi chiến tranh kết thúc, nhiều đất Quốc phòng không còn cần thiết phải được trả lại cho nhân dân để phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế. Nhưng việc này bị hoặc cố ý hoặc vô tình sao nhãng, gây thiệt hại to lớn cho đất nước và nhân dân.
Sự cố gặp trở ngại trong việc mở rộng kéo dài đường băng trong sân bay Tân Sơn Nhất, phải tính đến xây dựng sân bay mới Long Thành giá gần 20 tỷ đô la, sự kiện Đồng Tâm do Tổng công ty Quân đội Viettel nhòm ngó đất Quốc phòng của sân bay Miếu Môn đã không còn xử dụng, sự kiện đơn vị quân đội khai phá cả một dãy núi đá vôi trong Vịnh Hạ Long, tàn phá cảnh quan khu vực đã được UNESCO xếp hạng, lấy cớ đây là đất … quốc phòng; là những việc điển hình rất đáng lo ngại.
Đã đến lúc Quân Ủy Trung Ương và Bộ Quốc Phòng phåi kiểm điểm trước toàn dân và Quốc Hội một cách nghiêm túc vấn đề hệ trong này và có kế hoạch khắc phục những sai lầm, thiếu sót, sơ hở theo đúng Luật Nhà Nước và kỷ luật Quân đội.
Xin nhớ trách nhiệm của Quân đội nhân Dân là bảo vệ cuộc sống an bình của nhân dân, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, bảo vệ từng tấc đất của Tổ Quốc, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của đất nước, không tơ hào từ mũi kim sợi chỉ của nhân dân.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng là Bí Thư Quân Ủy Trung Ương nên có trách nhiệm lớn nhất trong những sai lầm, thiếu sót trên đây.
Việc buông lỏng để cho Quân Đội và Công An kinh doanh kinh tế tự do không hạn chế suốt mấy chục năm qua cũng là sai lầm mang tính chiến lược, làm thiệt hại vô vàn tài sản công, làm hư hỏng biết bao sỹ quan chạy theo lợi nhuận, thành tư sản tỷ phú đỏ, sống xa hoa sa đọa, kinh doanh nhà nghỉ là nhà chứa trá hình, lỏng lẻo tay súng, mất bản chất nhân dân cao quý. Đây là điều Đảng CS Trung Quốc nghiêm cấm 16 năm nay, vì cho rằng Quân Đội làm kinh tế sẽ tha hóa tất yếu, tay súng sẽ lỏng lẻo, bản chất nhân dân bị bào mòn, sẽ mất chất không sao cưỡng lại nổi.

Tư pháp đang được ‘cải tiến’ hay ‘cải lùi’?

Thiện Ý 
Theo VOA-03/07/2017
Hình minh họa.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 14 đang xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015. Trong một phiên họp của Quốc hội, Đại biểu Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy đề nghị đưa vào Bộ luật Hình sự 2015 nghĩa vụ của luật sư phải tố giác thân chủ mình khi phạm một số tội nghiêm trọng, đặc biệt là tội xâm phạm an ninh quốc gia. Lý do người đề xuất áp dụng trách nhiệm hình sự đối với luật sư không tố giác thân chủ phạm tội là vì nhân dân, vì sự bình yên của nhân dân. Nhiều người cho rằng đây là một đề xuất khá bất thường, đáng lo ngại. Vì những đề xuất bất thường này xem ra lại được sự ủng hộ của không ít đại biểu Quốc hội. Bằng chứng là đề nghị này đã được giữ lại trong dự thảo sửa đổi, bổ sung nơi Điều 19, Khoản 3 Bộ luật Hình sự 2015, dẫn đến một phản ứng mạnh mẽ của nhân dân trong nước, nhất là giới luật sư và luật gia.
Một câu hỏi được đặt ra: Quốc hội Việt Nam đang cải tiến hay cải lùi hệ thống tư pháp và pháp luật nói chung, luật pháp liên quan đến nghề luật sư tại Việt Nam nói riêng?
Trong văn thư của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đề ngày 12-6-2017 “Về việc góp ý đối với Khoản 3 Điều 19 của Bộ luật Hình sự 2015”, sau khi đưa ra ba căn cứ lập luận khá vững chắc, đã đi đến kết luận rằng “Việc giữ lại Khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 là một bước lùi trong pháp luật hình sự; tạo sự xung đột pháp luật với các quy định có liên quan; hạ thấp vai trò, chức năng xã hội của luật sư; làm “vẩn đục” đạo đức nghề nghiệp luật sư, đi ngược lại thông lệ của nghề luật sư trên thế giới. Và như thế là không phù hợp với Chiến lược cải cách tư pháp của Bộ Chính Trị và chiến lược phát triển nghề luật sư Việt Nam đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ…”
Tranh luận xung quanh việc luật sư có nghĩa vụ tố giác thân chủ, trong một bài viết trên báo điện tử Người Đưa Tin,GS.TS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN, Tổng Biên tập tạp chí Pháp luật và Phát triển, đã đưa ra 8 căn cứ lập luận để đi đến “kiến nghị loại bỏ luật sư ra khỏi chủ thể phải tố giác tội phạm…”.
Ông viết “Loại bỏ luật sư ra khỏi các chủ thể phải tố giác tội phạm theo Điều 19, Dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung BLHS 2015. Đó là phương án tối ưu để đảm bảo cho hệ thống pháp luật Việt Nam không mâu thuẫn với các công ước quốc tế đã ký và đặc biệt là đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, với chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, về thúc đẩy và phát triển dân chủ. Phương án này cũng cho thấy giá trị đạo đức và nhân văn của pháp luật hình sự Việt Nam….”.
Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với các căn cứ và lập luận của đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh và của Giáo sư Tiến sĩ Lê Hồng Hạnh. Chúng tôi cho rằng nếu quốc hội đương nhiệm giữ lại và thông qua Khoản 3 Điều 19 trong luật bổ sung Bộ luật Hình sự 2015, là đã “cải lùi” chứ không “cải tiến” hệ thống tư pháp nói chung và luật pháp liên quan đến nghề luật sư nói riêng. Điều này trái với tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính Trị và kế hoạch 5-KH/CCTP ngày 22-2-2006 của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương; trái với Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 5-7-1011 của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả đều theo chiếu hướng cải cách là để đáp ứng với đòi hỏi thực tế, phù hợp với thời kỳ “mở cửa” hội nhập với thế giới bên ngoài (sau 1995); sau khi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thất bại(1975-1985), không thể cứu vãn dù đã cố gắng thực hiện chủ trương chính sách “Đổi mới” (1985-1995).
Hiệu quả chủ trương chính sách “Mở cửa” để cứu nguy chế độ sau hơn 20 năm từ 1995 đến nayViệt Nam đã thay da đổi thịt như thế nào, bộ mặt phồn vinh ra sao; nhân dân Việt Nam đã có được một đời sống tốt đẹp hơn so với 20 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa (1975-1995) không cần nói ra thì mọi người ai cũng thấy. Đó là nhờ sự chuyển đổi kính tế qua con đường làm ăn “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” như đảng và nhà nước nói để tuyên truyền lừa mị; song thực chất cũng như thực tế “Kinh tế thị trường” đã và đang theo định hướng “tư bản chủ nghĩa” đã là tất yếu.Nhưng cũng chính sự chuyển đổi kinh tế theo chiều hướng này đã đưa đến chuyển biến về mặt chính trị theo chiều hướng dân chủ hóa từng bước nên thực tế các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền người dân ngày càng được tôn trọng và hành xử ra sao so với hơn 20 năm trước đây ai cũng biết. Do đó, hệ thống tư pháp và pháp luật Việt Nam cần “cải tiến” cho phù hợp cũng là một “tất yếu”. Trình độ chuyên môn, năng lực nghiệp vụ của luật sư Việt Nam cũng cần được nâng cao ngang tầm cao của một luật sư quốc tế là điều cần yếu. Vì vậy, quy chế pháp lý, qui định pháp luật cho cá nhân cũng như đoàn thể luật sư Việt Nam cũng không thể khác với các luật sư và luật sư đoàn quốc tế. Nghĩa là luật sư phải được luật pháp bảo vệ các quyền hành nghề như các luật sư khác trên thế giới, trong đó có quyền độc lập, an toàn cá nhân, quyền giữ bí mật nghề nghiệp, không thể quy kết trách nhiệm hình sự chỉ vì luật sư đã không khai báo những gì mà thân chủ tin cậy đã cho mình biết trong các vụ án mà mình nhiệm cách. Vả lại, khi nhiệm cách cho một thân chủ, các hành vi phạm pháp đã xẩy ra hay chưa kịp xẩy ra bị can đã bị bắt giữ; việc điều tra, tìm bằng chứng kết tội là nhiệm vụ của các cơ quan điều tra (công an, viện kiểm sát…); trong khi luật sự chỉ làm nhiệm vụ gỡ tội, minh oan cho thân chủ (nếu thực sự họ vô tội), hay tìm cách làm giảm nhẹ hình phạt (nếu thân chủ có đủ chứng cớ phạm tội thật mà có những tình tiết giảm bớt hình phạt).Đây là một nguyên tắc quốc tế bất di bất dịch thể hiện sự quân bình và công bình trong việc xét xử và kết án những nghi can trước tòa án: Công tố buộc tội, luật sư gỡ tội, chánh án hay hội đồng xét xử nghe lý lẽ, bằng chứng đôi bên để kết tội hay tha bổng.
Nay nếu quốc hội thông qua điều luật buộc luật sư phải tố cáo tội trạng của thân chủ mình, là “cải lùi” về thời kỳ “bào chữa viên nhân dân” với “Đoàn bào chữa viên nhân dân” là những cá nhân công nhân viên (một trong những điều kiện..) trong một đoàn thể công quyền như công tố đoàn và thẩm phán đoàn đều có ăn lương nhà nước, chung nhiệm vụ xét xử tội phạm theo các nghị quyết của đảng (về chủ trương, chính sách được thể chế hóa thành pháp luật ). Pháp lệnh ngày 18-12-1987 của Hội đồng Nhà nước về tổ chức luật sư và nghị định số 15/HĐBT ngày 21-2-1989 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quy chê Đoàn luật sư. Căn cứ trên những văn kiện pháp lý hành chánh này, các Đoàn luật sư được thành lập thay thế cho các đoàn bào chữa viên nhân dân trên cả nước. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ban hành quyết định số 635/QĐ-UB ngày 24-10-1989 V/V Thành lập Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, nơi “Điều 3: Đoàn Luật sư thành phố được chính thức hoạt động và đoàn bào chữa viên nhân dân thành phố chấm dứt hoạt động kể từ ngày ban hành quyết định này”.
Nhớ lại vào năm 1989 khi thành lập Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, theo yêu cầu góp ý với Đại Hội 8 đảng CSVN của Hội Luật Gia Thành phố Hồ Chí Minh, lúc đó còn ở trong nước, tôi đã viết bài tham luận “Vai trò của luật sư trong nền dân chủ pháp trị xã hội chủ nghĩa”. Hai năm sau, một nhân viên báo Sàigòn Giải phóng có đến gặp tôi nói là để đưa tiền nhuận bút 30 đồng lúc đó cho bài tham luận vừa nêu được báo đăng tải và chuyển đạt lời mời cộng tác viết bài cho báo của lãnh đạo. Tôi ngạc nhiên nói là bài tham luận này tôi đã viết cách nay hai năm mà. Nhân viên này cho hay là vì lúc đó “Đảng chưa có quan điểm về dân chủ pháp trị” nên không dám đăng mà giữ lại vì thấy có giá trị.Như thế phải chăng bắt đầu từ năm 1989 đảng và nhà nước CSVN mới có quan điểm về “Dân chủ pháp trị”? Thế nhưng cho đến nay việc thực hiện quan điểm này có tiến bộ đôi chút, nhưng vẫn không thoát được vòng Kim cô “Xã hội chủ nghĩa” nên các quyền dân sinh, dân chủ và nhân quyền vẫn chưa thực hiện đầy đủ, vẫn bị bóp nghẹt. Công cuộc cải cách hệ thống tư pháp và luật pháp trong đó có luật liên quan đến nghề nghiệp luật sư vẫn nủa nạc nửa mỡ?
Thực ra khi chúng tôi đưa ra tiêu đề tham luận “Vai trò của luật sư trong nền dân chủ pháp trị xã hội chủ nghĩa” vào thời điểm năm 1989 là có tính gượng ép cho phù hợp thời thế. Vì “Dân chủ pháp trị” (cai trị bằng pháp luật) không thể có trong “chế độ xã hội chủ nghĩa” (độc tài toàn trị, cai trị bằng nghị quyết của đảng CS độc quyền thống trị). Do đó trong bài tham luận mới đây về luật hóa buộc luật sư phải tố cáo tội lỗi thân chủ của mình, Gs.Ts Lê Hồng Hạnh có lẽ cũng đã gượng ép theo kiểu viết và lách, rào trước đón sau khi mở đầu bài viết “Tôi mong Bộ luật Hình sự sau khi được ban hành sẽ không một lần nữa trở thành đề tài phê phán của xã hội, đồng thời để nền dân chủ và hệ thống tư pháp hình sự của đất nước không phải trải nghiệm những bước lùi được báo trước. Bài viết này trao đổi một số vấn đề về hình sự hóa việc luật sư không tố giác thân chủ phạm tội…”
Chúng tôi thành tâm ước mong quốc hội hiện nay trong thời kỳ “Mở cửa” (hội nhập vào nền văn minh thế giới) phải là quốc hội của dân, khác với quốc hội trong thời kỳ “Đóng cửa” (xây dựng xã hội chủ nghĩa khép kín đã thất bại hoàn toàn) là quốc hội của đảng CSVN. Sự khác biệt cần được thể hiện qua nhiệm vụ lập pháp theo chiều hướng cải tiến hệ thống tư pháp và pháp luật, trong đó có pháp luật liên quan đến nghề nghiệp luật sư, đóng vai trò cần yếu trong “nền dân chủ pháp trị” thay vì cố duy trì hệ thống tư pháp và pháp luật xã hội chủ nghĩa lỗi thời.

Ô nhiễm



Hoảng hốt trước thống kê về số bệnh nhân ung thư mỗi năm: 200.000 người.
Hoảng hốt về tình trạng thực phẩm bẩn, nguồn nước bẩn, môi trường bẩn cướp đi 75.000 sinh mạng Việt mỗi năm.
Đấy là những thứ ô nhiễm có thể nhìn thấy và đếm được qua từng...xác người.
Còn những ô nhiễm khác, có thể chưa đếm được qua từng xác người như vậy nên ít thấy ai hoảng hốt - Đó là ô nhiễm báo chí truyền thông, ô nhiễm giáo dục.
Và một thứ nữa, ô nhiễm đến cực điểm, di căn, bục rã, thối inh nhưng ít ai nhìn thấy, hay nhìn thấy mà không dám nói ra: đấy là ô nhiễm tư tưởng.
Báo chí bẩn, giáo dục bẩn, tư tưởng bẩn. Những thứ đó ung thư thì giết chết cả dân tộc, quốc gia.

Hủy diệt lòng yêu nước, sự dũng cảm, dung dưỡng sự thờ ơ, vô cảm

Song Chi. 2017-07-03  
Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong phiên xử tại tòa án tỉnh Khánh Hòa vào ngày 29/06/2017.
Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong phiên xử tại tòa án tỉnh Khánh Hòa vào ngày 29/06/2017. AFP
So với Trung Quốc, thế giới ít quan tâm đến VN và do đó tình hình chính trị, xã hội, “thành tích” nhân quyền ở VN ra sao cũng chả mấy người biết, nếu họ không vì một lý do gì đó chú ý đến VN. Tôi đã từng nói chuyện với nhiều người Na Uy, người châu Âu cho tới những khu vực khác trên thế giới, không có mấy người hiểu rõ về hệ thống chính trị, tình hình chính trị xã hội ở VN.
Có một vài người bạn từng nghe tôi nói nhiều về VN nhưng vẫn không hình dung hết, đến khi tôi gửi một loạt bài về tình hình VN trên trang Human Rights Watch, RFS (Reporters Without Borders), cả cái video của đài truyền hình quốc tế Aljazeera về sự hà khắc, bóp nghẹt mọi quyền tự do ngôn luận của người dân và cách hành xử đối với những blogger dám lên tiếng của nhà cầm quyền…họ mới thực sự sửng sốt.
Lâu thật lâu, như hôm nay, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin về phiên tòa ô nhục kết án blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù, chỉ vì cái tội dám lên tiếng đấu tranh ôn hòa trước những sự bất công, phi lý, những vấn đề nhức nhối của xã hội như nạn công an lạm dụng quyền lực, bạo hành người dân đến chết khi đang trong lúc bị tạm giam để điều tra, hay thảm họa môi trường Formosa…
Trước đó mấy ngày, báo chí các nước cũng đưa tin rất nhiều về trường hợp một nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân lương tâm, Giáo sư Phạm Minh Hoàng đã bị nhà nước cộng sản tước quốc tịch VN và trục xuất sang Pháp sống đời lưu vong…Vào những dịp như vậy, ai quan tâm đến VN thì có thể hiểu được cái chế độ do đảng cộng sản đang nắm quyền ở VN là một chế độ tàn bạo, rằng ở VN không có đất sống cho những người dám lên tiếng, những nhà hoạt động dân sự.
Nhưng cho dù có đọc được những tin đó, người nước ngoài, nhất là công dân của các nước tự do, dân chủ, văn minh, tiến bộ cũng không sao tưởng tượng được rằng có những quốc gia kết án những người đấu tranh ôn hòa, chỉ với ngòi bút hay bàn phím, đến những 10, 12, 16 năm tù. Có những quốc gia dùng công dân của mình, nhất là những tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị như những con bài để mặc cả, thương lượng với thế giới và khi đạt được thỏa thuận thì trục xuất công dân sang nước khác, chỉ với bộ quần áo trên người, như những tội phạm nguy hiểm, trong khi họ hoàn toàn không gây nguy hại gì đến an ninh xã hội!
Người dân của các nước tự do, dân chủ, văn minh, tiến bộ có thể lờ mờ hình dung rằng điều kiện giam giữ tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm ở VN nó tồi tệ như các quốc gia độc tài, kém văn minh khác, nhưng chắc không thể tưởng tượng được những trò hèn hạ, bẩn tưởi mà nhà cầm quyền sử dụng để mong làm nhục chí khí, lung lạc tinh thần tù nhân, hay đơn giản chỉ để thỏa mãn cái tâm lý muốn trả thù.
Hèn hạ, bẩn tưởi đến mức tù nhân chính trị ung thư sắp chết vẫn không được trả về để chết bên người thân hay chết mà gia đình vẫn không được mang xác về vì “tù chính trị không phải là người” (như tù nhân chính trị Nguyễn Văn Trại, trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai). Thực tế là các trại giam luôn luôn giữ thi hài các tù nhân chính trị lại và an táng trong phạm vi trại giam, không khác nào “chết mà vẫn còn bị giam”.
Người tù có cha chết, mẹ chết vẫn không được phép về chịu tang, bị giam trong những điều kiện cố ý tệ hại để hủy hoại sức khỏe, ví dụ như “người tù thế kỷ” Nguyễn Hữu Cầu, cựu đại úy Chủ Lực Quân VNCH, bị giam cả thảy 37 năm đến khi tim yếu, tai gần như điếc, một mắt bị mù lòa không còn thị lực, sức khỏe cạn kiệt mới được thả ra. Hoặc bị giam trong phòng giam hoàn toàn tối để làm hỏng thị lực dần dần như trường hợp kỹ sư-tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, không cho mặc đồ lót hoặc sử dụng băng vệ sinh khi có kinh như trường hợp blogger Mẹ Nấm v.v…
Những chi tiết đó thế giới văn minh không thể hiểu được. Chỉ có người dân ở những nước cùng chế độ độc tài, man rợ là hiểu nhau. Tôi nói chuyện với một nhà văn, nhà xuất bản sách, blogger người Bangladesh đang tỵ nạn chính trị ở Na Uy hơn một năm nay. Bangladesh qua lời kể của anh hiện lên trước mắt tôi không khác gì xã hội VN dù Bangladesh có khá hơn ở một vài khía cạnh, ví dụ có đa đảng, chế độ Thủ tướng Nghị viện, báo chí, TV, nhà xuất bản hoàn toàn là của tư nhân…Nhưng “thành tích” vi phạm nhân quyền của chính phủ Bangladesh cũng rất tồi tệ, và cũng như VN, các blogger, nhà báo, nhà văn ở Bangladesh cũng luôn luôn chịu đủ thứ sự rủi ro, nguy hiểm, từ việc bị chính quyền bắt giam dài hạn nếu dám công khai chỉ trích các chính sách của nhà nước, cho tới việc bị hành hung, giết chết bởi những nhóm Hồi giáo cực đoan nếu dám có những tư tưởng tự do, không phù hợp với đạo Hồi.
Trong những năm gần đây, thế giới đã bàng hoàng khi đọc/nghe thấy hàng loạt vụ tấn công bạo lực chống lại các blogger, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động vì quyền lợi người đồng tính, người nước ngoài và các thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số ở Bangladesh. Họ đã bị tấn công đến chết bằng dao, rựa...ngay ở chỗ đông người.
Ví dụ như vụ giết blogger, nhà văn và nhà hoạt động Avijit Roy ở Bangladesh vào ngày 27 tháng 2 năm 2015 hoặc vụ tấn công vào blogger Ananta Bijoy Das vào tháng 5 năm 2015 và nhiều vụ khác nữa. Khi những blogger, nhà báo bị những nhóm Hồi giáo cực đoan đe dọa, họ từng tìm đến cảnh sát nhưng cảnh sát không hề làm gì để ngăn chặn, ngoài việc khuyên họ nên…trốn sang nước khác! Sau nhiều lần bị đe dọa và cuối cùng bị tấn công suýt chết, vị blogger mà tôi nói chuyện đành phải chọn con đường ra đi, sống đời lưu vong.
Còn ở VN? Kể từ khi đảng cộng sản lên nắm quyền ở miền Bắc năm 1945 và độc quyền lãnh đạo trên cả từ năm 1975, có bao nhiêu thế hệ tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm phải trải qua những bản án phi nhân, những năm tháng tù đày như địa ngục trần gian? Từ vụ án Nhân văn-Giai phẩm, vụ án “xét lại chống đảng” trước năm 1975, hàng loạt dân quân cán chính VNCH phải chịu tù đày sau 30.4.1975 cho tới những lớp tù nhân lương tâm sau này-dân oan, người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động dân sự, hoạt động tôn giáo, blogger, nhà báo, luật sư, kỹ sư…
Không chỉ giam cầm. Nếu như các blogger, nhà báo ở Bangladesh bị những nhóm Hồi giáo cực đoan tấn công giết chết ngay trước mắt thiên hạ, thì ở VN, công an đội lốt côn đồ cũng ngang nhiên tấn công tàn bạo những người dám lên tiếng, kể cả đạp cho ngã xe, rất nguy hiểm cho tính mạng.
Trong nhiều năm qua cái tên VN luôn luôn đứng vào hàng ngũ những quốc gia độc tài, nơi mọi quyền tự do dân chủ tối thiểu của con người đều bị bóp nghẹt, nơi có “thành tích” tồi tệ về nhân quyền, tham nhũng, và vô số sự tệ hại khác. Trong những bảng xếp hạng về “democracy index”, “human rights violations by country ranking”, “countries with worst human rights records”, “Countries Top the List of 'Enemies of the Internet” or “List of "Enemies of the Internet" v.v…VN luôn luôn nằm cạnh những cái tên như Bắc Hàn, Cu Ba, Syria, Egypt, Gambia, Kenya, Saudi Arabia, Eritrea, North Korea, Somalia, Sudan, Venezuela, China…Rộng ra thêm nữa, có Afghanistan, Bangladesh, Pakistan, Nga, Iran, Turkmenistan, Uzbekistan…
Dưới chế độ cộng sản, có bao giờ chúng ta thấy được những thông tin tốt đẹp hay VN lọt vào những danh sách đáng tự hào?
Nhưng, có vẻ như đa số người Việt không quan tâm đến những danh sách xếp hạng hay cái nhìn của thế giới đối với VN. Những cái đó xa xôi quá. Ngay những chuyện bất công, phi lý, tồi tệ xảy ra hàng ngày, nhiều người còn không hay biết. Chẳng hạn, có bao nhiêu người biết đến blogger Mẹ Nấm, những việc chị đã làm, phiên tòa xử chị vô lý, tàn bạo và phi nhân ra sao. Có bao nhiêu người đọc và quan tâm đến cái tin về phiên tòa xét xử blogger Mẹ Nấm vốn chỉ được đưa tin ít ỏi và không trung thực, dựa theo cái nhìn của nhà cầm quyền? Trong khi đó, cùng một thời điểm, vụ án tình-tiền, hoa hậu-đại gia Phương Nga-Cao Toàn Mỹ thì được báo chí đua nhau cập nhật tin tức liên tục, khai thác đủ kiểu, và người dân thì náo nức theo dõi.
Đặt bên cạnh sự lẻ loi của vụ án xét xử một người yêu nước, một người mẹ đơn thân đang nuôi hai con nhỏ với bản án từ 8-10 năm. vì đòi những quyền lợi chung cho tất cả mọi người, chứ không phải quyền lợi của riêng mình, mới thấy gì?
Thứ nhất, một chế độ độc tài tàn bạo có khả năng biến báo chí thành bạc nhược, biến người dân thành thờ ơ, vô cảm, không quan tâm gì đến những chuyện gì đang xảy ra trên đất nước mình, cũng không quan tâm dân mình đang sống như thế nào so với các nước khác, khoảng cách về sự tiến bộ, văn minh giữa nước mình với các nước nó xa vời vợi như thế nào. Thứ hai, toàn bộ quá trình xét xử, kết án blogger Mẹ Nấm bộc lộ tính chất phi lý, tàn ác, man rợ như hầu hết những bản án dành cho những ai dám lên tiếng ở nước này từ trước đến nay.Và không có hy vọng gì vào sự tự thay đổi, vào lương tri của nhà nước cộng sản, cộng sản chỉ có thể thay thế, xóa sổ chứ không có khả năng thay đổi và càng không thể cùng “hợp tác”, “sống chung”.
Nhưng trước khi có thể đi đến sự sụp đổ thì chế độ này cũng đã kịp giam cầm, tiêu diệt bao nhiêu con người dũng cảm và tạo nên một xã hội với tâm lý thờ ơ như “ở trọ” trên quê hương. Và đó mới là điều đáng phải lo nghĩ.
Nội dung bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do

Hà Nội sẽ công bố kết luận thanh tra đất Đồng Tâm

RFA -2017-07-03  
Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung (áo trắng) xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017.
Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung (áo trắng) xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP photo
Hà Nội sẽ công bố kết quả thanh tra đất Đồng Tâm trong khoảng 20 ngày nữa.
Ông Nguyễn An Huy, Phó Thanh tra thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn Thanh tra đất tại xã Đồng Tâm, nói với báo chí bên lề cuộc họp Hội Đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vào sáng thứ Hai ngày 3 tháng Bảy.
Ông Nguyễn An Huy nói chưa rõ thời điểm chính xác để công bố nhưng mọi việc được cố gắng thực hiện theo đúng luật. Vẫn theo lời ông, qui định của luật thì có 45 ngày để thanh tra, 15 ngày viết dự thảo báo cáo, 15 ngày nữa để ra quyết định thanh tra. Với câu hỏi liệu đoàn thanh tra có về Đồng Tâm trong ngày công bố kết luận không, ông Nguyễn An Huy nói điều này đang được cân nhắc.
Vụ tranh chấp đất đai Đồng Tâm lên đến đỉnh điểm vào hồi trung tuần tháng Tư, khi người dân tiến hành bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát  cơ động làm con tin, sau khi một vài dân làng bị bắt khi được mời đi giải quyết vụ việc.
Để giải cứu số con tin bị bắt, đích thân Chủ tịch thành phố Hà Nội là ông Nguyễn Đức Chung phải về tận địa phương đối thoại theo như yêu cầu của người dân.
Khi đó, ông Nguyễn Đức Chung viết bản cam kết không truy tố hình sự người dân Đồng Tâm. Tuy nhiên vừa qua Cơ quan Điều tra, Công an thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố hai vụ án ‘bắt giữ người trái pháp luật’ và ‘hủy hoại tài sản’ đối với vụ việc Đồng Tâm.
Quyết định đó khiến dư luận xôn xao với lý do phía cơ quan chức năng, chính quyền không giữ lời cam kết. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó lại lên tiếng nói sẽ xử cán bộ sai phạm trước, rồi tiếp đến là truy tố người dân bị cho có vi phạm.

Ai có thể bảo vệ phóng viên điều tra ở Việt Nam?

Cát Linh, phóng viên RFA 2017-07-03  
Nhà báo Lê Duy Phong
 Nhà báo Lê Duy Phong Courtesy Nguoi Lao Dong
Vụ án bắt giam, khởi tố nhà báo Lê Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đang thu hút sự chú ý của dư luận trong nước.
Vấn đề được quan tâm là nền tư pháp Việt Nam có thể bảo vệ cho những phóng viên nhà báo khi tác nghiệp phóng sự điều tra thế nào?

Luật pháp không thừa nhận “cài bẫy”

Giới báo chí Việt Nam hẳn chưa quên một vụ án từng gây chấn động dư luận và gặp phải nhiều phản ứng mạnh mẽ từ giới báo chí, đó là vụ phóng viên Hoàng Khương, báo Tuổi Trẻ vào cuối năm 2012, bị cáo buộc tội “hối lộ, tổ chức gài bẫy Cảnh sát Giao thông”.
Với cáo buộc này, phóng viên Hoàng Khương đã bị kết án bốn năm tù giam và được trả tự do sớm hơn hạn định một năm.
Năm năm sau, vào ngày 26 tháng 6, 2017, truyền thông trong nước đưa tin Công an Thành phố Yên Bái quyết định chính thức khởi tố nhà báo Lê Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản’.
Trước đó, ngày 22 tháng 6, cũng do báo trong nước loan tin, Công an Thành phố Yên Bái đã bắt quả tang ông Lê Duy Phong nhận 50 triệu đồng của một doanh nghiệp giấu tên.
Sự việc này có lẽ sẽ không gây tranh cãi trong dư luận nếu nhà báo Lê Duy Phong không phải là tác giả của hai loạt bài về “biệt phủ Yên Bái”.
Khi được hỏi liệu có tính chất chung nào giữa hai vụ án, từ Đà Nẵng, nhà báo, blogger Trương Duy Nhất đưa ra nhận xét ông cho là có nét chung đặc biệt.
Luật pháp đã không bảo vệ cho hoạt động nghiệp vụ, vai trò nhập vai của nhà báo đang đi làm công việc, đang thừa hành công vụ…Nhưng luật pháp của Việt Nam, ngay cả nhà báo cũng như công an, luật pháp không thừa nhận những phương cách gài bẫy trong quá trình tác nghiệp.
-Nhà báo, Blogger Trương Duy Nhất
“Nếu liên tưởng, tôi nghĩ nó ở vụ việc là hai nhà báo, hai cây bút điều tra đang làm những vụ việc điều tra được cho là đình đám. Bản chất của anh Khương Báo Tuổi trẻ lúc đó được cho là gài bẫy lực lượng Cảnh sát Giao thông khi anh đang nhập vai làm loạt bài lật tẩy về những tiêu cực, hành vi sai phạm trong lực lượng Cảnh sát Giao thông.”
Từ hai vụ án được cho là khá giống nhau yếu tố khởi điểm, nhà báo Trương Duy Nhất cho rằng luật pháp Việt Nam đã không thể là bức tường hỗ trợ pháp lý vững chắc cho người cầm bút, đặc biệt là phóng viên điều tra khi họ tác nghiệp.
“Luật pháp đã không bảo vệ cho hoạt động nghiệp vụ, vai trò nhập vai của nhà báo đang đi làm công việc, đang thừa hành công vụ.
Vụ án của anh Hoàng Khương, chúng ta tạm gọi hành động đó của anh là hành động cài bẫy để làm nhiệm vụ. Đúng là sau đó anh có đăng bài. Nhưng luật pháp của Việt Nam ngay cả nhà báo cũng như công an, luật pháp không thừa nhận những phương cách gài bẫy trong quá trình tác nghiệp.”
Và ngược lại, blogger Trương Duy Nhất nói rằng phía lực lượng điều tra, công an trong lực lượng điều tra và Luật tố tụng của Việt Nam không cho phép cán bộ điều tra “cài bẫy’ bằng cách nhập vai.
Từ Sài Gòn, Đỗ Cường, một phóng viên điều tra trẻ, từng tham gia thực hiện rất nhiều những phóng sự điều tra chia sẻ thêm rằng ở Việt Nam, vấn đề báo chí bảo vệ phóng viên tác nghiệp dường như không được coi trọng. Anh kể lại một số trường hợp có thể xảy ra:
“Thứ hai nữa là chính bản thân những phóng viên điều tra đó, họ có thể bán rẻ nhau, đồng nghiệp bán rẻ nhau. Và có những câu chuyện là những người cấp dưới luôn nghe theo chỉ thị của cấp trên và họ làm sai. Đó là những thực trạng mà em dám nói thẳng, nói thật.
TruongDuyNhat.gif
Blogger Trương Duy Nhất tại phiên tòa ở Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng số 374 đường Núi Thành Quận Hải Châu Đà Nẵng sáng hôm 4 tháng 3 năm 2014. AFP photo
Bản thân em khi làm những phóng sự điều tra, cũng khá là lớn ở khu vực miền Nam thì cũng đụng chạm rất nhiều quan chức và thế lực. Có những vụ việc chính người đồng nghiệp của mình họ báo tin cho đối tượng mình đang theo dõi, điều tra. Chính người của ngành công an họ cũng báo với em những vụ em đang làm có thể đụng chạm đến quyền lợi cấp trên của họ.”
Đưa ra một ví dụ liên quan đến “biệt phủ Yên Bái”, Đỗ Cường cho biết khi người phóng viên phát hiện ra biệt phủ của giám đốc công an tỉnh, họ sẽ dùng tất cả quyền hành và những mối quan hệ của họ để người phóng viên điều tra không động đến họ được.
Đây cũng chính là điểm được nhà báo Trương Duy Nhất đặt ra khi nói về vụ án được Công an tỉnh Yên Bái cho là “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.”
“Nếu giả sử như chúng ta đang nghi vấn và dư luận đặt vấn đề là nhà báo Lê Duy Phong bị cài bẫy sau loạt bài nổi tiếng ấy, thì những người cài bẫy ông chắc là do bị điểm huyệt quá, nên nóng giận mất khôn.”

Ai bảo vệ họ?

Khi pháp luật nước nhà, hệ thống báo chí không bảo vệ được người phóng viên thì chính bản thân họ phải làm điều đó. Đó là chia sẻ của Đỗ Cường qua những kinh nghiệm trong thời gian tác nghiệp anh có được. Anh cho rằng, ‘một bước tiến, hai bước lùi’ là một điều cần phải áp dụng khi cần thiết.
“Khi quá nguy hiểm thì chúng ta phải có những phương pháp ứng phó với hoàn cảnh cho linh hoạt, chứ lúc nào cũng phi lên thì cũng chết. Chúng ta phải có những lúc ẩn mình. Phải đưa ra sự thật tuy nhiên phải thật sự bí mật và an toàn cho bản thân.”
Có những vụ việc chính người đồng nghiệp của mình họ báo tin cho đối tượng mình đang theo dõi, điều tra. Chính người của ngành công an họ cũng báo với em những vụ em đang làm có thể đụng chạm đến quyền lợi cấp trên của họ.
-Phóng viên Đỗ Cường
Không chỉ cho rằng pháp luật Việt Nam không thể bảo vệ người phóng viên điều tra tác nghiệp, blogger Trương Duy Nhất nói thêm những khó khăn đến cả từ hệ thống báo chí Việt Nam. Ông khẳng định tuy không ủng hộ phương cách mà ông gọi là “nhập vai” như phóng viên Hoàng Khương đã từng thực hiện, nhưng ông đánh giá rất cao loạt bài phóng sự về vấn nạn “mãi lộ” của Cảnh sát Giao thông của phóng viên Hoàng Khương.
Tương tự như vụ việc của nhà báo Lê Duy Phong, ông chia sẻ ý kiến của mình.
“Tự đi phanh phui và nêu được trong tình hình báo chí không độc lập thế này mà nêu được 2 vụ đất đai nghiêm trọng và chấn động như vụ em trai Bí thư tỉnh uỷ và Thiếu tướng Giám đốc Công an tỉnh như thế thì khiến những người cầm bút như tôi phải nể phục.”
Thế nhưng, điều mà blogger Trương Duy Nhất muốn nhấn mạnh, cũng đồng nhất với những chia sẻ của phóng viên điều tra trẻ Đỗ Cường, đó là qua những vụ việc này, người phóng viên điều tra phải biết cách nào tự bảo vệ mình, nhất là trong quá trình tác nghiệp luôn bị rình rập, cài bẫy bất cứ lúc nào.

Vì sao quyền im lặng không được sử dụng tại các phiên tòa chính trị?

Cát Linh, phóng viên RFA 2017-07-03  
Một phiên tòa chính trị tại TPHCM trước đây (ảnh minh họa).
Một phiên tòa chính trị tại TPHCM trước đây (ảnh minh họa).  AFP
Vừa qua, từ một phiên tòa mà bị cáo là một nhân vật có tiếng trong ngành giải trí Việt Nam, dư luận bàn tán khá nhiều về “quyền im lặng của bị can, bị cáo”, một điều luật chính thức có hiệu lực trong Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 từ ngày 1 tháng 7 năm 2016.
Cũng cùng thời điểm đó có phiên tòa chính trị xử blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh diễn ra nhanh chóng với bản án 10 năm tù. Từ đó, một vấn đề được đặt ra, “quyền im lặng” được thực hiện như thế nào trong các phiên tòa khác nhau, đặc biệt đối với các phiên tòa chính trị?

Tồn tại gián tiếp

Theo cách phân tích của luật sư, cũng là cựu tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân, quyền im lặng vốn đã từng có trong luật tố tụng cũ, nhưng ở một vị trí ông gọi là ‘tiềm ẩn”.
“Nó không nêu ra một cách cụ thể nhưng luật tố tụng cũ nói như thế này: đương sự có quyền nhưng không buộc nói về hành vi phạm tội của mình. Tức là trong đó có bao gồm cả quyền im lặng, mình được quyền nói về nó nhưng không buộc phải nói. Trong luật mới, họ đưa ra 1 cái cho dễ hiểu và đơn giản hơn, người ta dùng từ là ‘có quyền im lặng’”
Nó không nêu ra một cách cụ thể nhưng luật tố tụng cũ nói như thế này: đương sự có quyền nhưng không buộc nói về hành vi phạm tội của mình. Tức là trong đó có bao gồm cả quyền im lặng, mình được quyền nói về nó nhưng không buộc phải nói.
-LS Lê Quốc Quân
Cụ thể, khoản 3 Điều 309 cho phép tại phiên tòa, trong giai đoạn xét hỏi nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án.
Nhớ lại thời điểm khi “quyền im lặng” theo pháp luật Việt Nam chính thức được thực hiện vào 1 tháng 7 năm 2016, dư luận và cộng đồng mạng xã hội từng đưa ra những ý kiến tích cực, trong đó có cả sự hy vọng về các trường hợp bị giam giữ, hoặc các phiên tòa liên quan đến các nhà hoạt động dân chủ, bất đồng chính kiến, có thể áp dụng quyền hạn này.
Thế nhưng, từ đó đến nay, rất nhiều những bản án được tuyên, mà bị cáo trong phiên tòa đó phần lớn bị cáo buộc tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 Bộ luật hình sự Việt Nam, hoặc “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, quy định tại điều 88, bộ luật Hình sự… hoàn toàn không thể thực hiện “quyền im lặng” đã qui định trong pháp luật.

Vì không muốn im lặng!

Trả lời câu hỏi này, từ Phú Yên, luật sư Võ An Đôn, người từng bào chữa cho nhiều vụ án dân oan, và gần đây nhất, thân chủ của ông là blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với bút danh Mẹ Nấm, cho biết.
000_Q20YG_1.jpg
Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong phiên xử tại tòa án tỉnh Khánh Hòa vào ngày 29/06/2017. AFP
“Các phiên tòa đều có quyền sử dụng quyền im lặng của mình, nghĩa là người ta không trả lời hội đồng xét xử, có quyền từ chối, nhưng các phiên tòa chính trị thì không bao giờ có trường hợp đó, vì người ta có 1 quan điểm trái ngược với chính quyền, người ta muốn trình bày. Bởi vì chính quyền kết án họ, thì họ phải nói ra chứ không ai im lặng.”
Theo luật sư Võ An Đôn, chính vì cáo trạng của người bị cáo buộc phạm tội theo điều 258, hoặc điều 88 bị đưa ra từ quan điểm trái ngược của họ đối với nhà nước, cho nên họ phải trình bày nguyên nhân vì sao. Có những lúc, chính họ là luật sư cho chính mình.
“Người bị kết án trình bày hết tâm tư của họ. Họ nói rất hay, rất ý nghĩa, nhưng không ai được nghe, bên ngoài thì không ai được vào.
Khi xử những vụ án chính trị thì không cho ai lạ vào, ngoài luật sư, hội đồng xét xử, với lực lượng an ninh. Không cho đem máy móc gì vào vì sợ ghi âm những nội dung đó mang ra ngoài thì rất nguy hiểm.”

Càng im lặng, càng dễ tuyên án

Khi “quyền im lặng” đã được luật định và trở thành quyền của bất kỳ một bị can bị cáo nào, thì việc sử dụng quyền im lặng có được xem là quyền lợi hoặc một vũ khí nhằm bảo vệ họ trước tòa án hay không? Câu trả lời của luật sư Lê Quốc Quân là “không”, vì theo ông, khi không nói, việc tuyên án càng dễ dàng hơn.
“Im lặng thì dễ làm cho tòa và viện kiểm sát coi đó là cái đúng đắn, từ xưa giờ vẫn vậy. Nó chưa bao giờ được coi là một chế định tranh tụng trong tòa án ở Việt Nam.”
Tranh tụng, theo luật sư Lê Quốc Quân giải thích, là hai bên đáp đi đáp lại. hoặc trong trường hợp im lặng thì bị can bị cáo phải làm sao đó để tòa án hiểu đúng sự việc. Nhưng, cũng theo ông, ở Việt Nam, cáo buộc của Viện kiểm sát gần như là cáo buộc chính thống và tòa án sẽ dựa vào đó để tuyên án, đặc biệt là với những vụ án chính trị.
“Nếu im lặng như thế thì đối với những vụ án chính trị, họ càng tuyên nặng hơn, và mọi người càng cảm thấy những cáo buộc của Viện kiểm sát là hợp lý, là đúng đắn.”
Cũng bày tỏ sự đồng thuận với ý kiến này, luật sư Võ An Đôn còn nói thêm không phải chỉ riêng đối với những vụ án chính trị, mà ngay cả những vụ án dân sự cũng không ngoại lệ.
“Im lặng không nói gì, người ta càng kết án mạnh hơn vì người ta nói thay đổi chứng cứ.”

Tùy phiên tòa, thẩm phán và Viện kiểm sát

Cô ấy (Phương Nga) sử dụng quyền im lặng là im lặng với Viện kiểm sát, tức cô không thèm nói, vì tôi không tin, ông nói gì nói, tôi không trả lời, ông hỏi gì hỏi tôi không trả lời vì tôi không tin. Còn lại cô vẫn trả lời tòa, trả lời luật sư để chứng minh sự vô tội của cô.
-LS Lê Quốc Quân
“Quyền im lặng” mặc dù được qui định trong pháp luật, nhưng quyền đó có được bị cáo sử dụng triệt để và hiệu quả hay không, còn tuỳ thuộc vào Viện kiểm sát, thẩm phán và đặc biệt là thể loại của phiên tòa, đó là nhận định của luật sư Lê Quốc Quân.
Nhắc đến hai phiên tòa cùng diễn ra ngày 29 tháng 6, đó là phiên tòa xử blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và phiên tòa của cô hoa hậu Trương Hồ Phương Nga, với hai kết quả bản án hoàn toàn khác nhau, luật sư Lê Quốc Quân muốn minh chứng cho điều vừa nói.
“Cô ấy (Phương Nga) sử dụng quyền im lặng là im lặng với Viện kiểm sát, tức cô không thèm nói, vì tôi không tin, ông nói gì nói, tôi không trả lời, ông hỏi gì hỏi tôi không trả lời vì tôi không tin. Còn lại cô vẫn trả lời tòa, trả lời luật sư để chứng minh sự vô tội của cô.
Thế còn những vụ chính trị 258, 88, 79 như Mẹ Nấm thì bản thân luật sư nêu ra nhưng Viện kiểm sát không tranh luận. Luật sư Luân đưa ra 5 điểm chứng minh rằng Viện kiểm sát đã sai, truy tố không đúng, nhưng Viện kiểm sát chỉ đứng dậy nói chúng tôi không tranh luận với luật sư, chúng tôi giữ nguyên quan điểm của mình. Cũng giống như vụ án của tôi.”
Qua phiên tòa của blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, qua ý kiến của các luật sư, có thể thấy được quyền im lặng tuy hiện hữu trong luật pháp Việt Nam, thế nhưng tác dụng của quyền ấy dường như vẫn còn rất xa trong qui trình tố tụng của Việt Nam. Thêm vào đó, để nhìn và đánh giá vấn đề theo góc độ chuyên môn, luật sư, cựu tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân cho rằng vẻ đẹp của tranh tụng ở tại tòa án là hai bên đi kiếm tìm công lý, để tranh luận một vấn đề và để đi tìm sự thật của vụ án thì điều đó không có được ở các vụ án chính trị ở Việt Nam.

Du khách tăng, Việt Nam có tiền nhưng thêm họa

(Hình minh họa: doanhnghiepvn.vn)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong sáu tháng đầu năm nay, lượng du khách ngoại quốc đổ vào Việt Nam tăng 30% so với sáu tháng đầu năm ngoái và dẫn đầu vẫn là du khách Trung Quốc.
Theo một thống kê do Tổng Cục Thống Kê Việt Nam công bố hồi cuối tuần trước thì trong sáu tháng vừa qua, có 6.2 triệu du khách ngoại quốc đến thăm Việt Nam và dẫn đầu vẫn là du khách Trung Quốc (1.9 triệu lượt) – xấp xỉ 1/3 tổng lượt du khách ngoại quốc vào Việt Nam.
Nếu xét theo khu vực thì tại Châu Á, sau Trung Quốc, xếp thứ hai về lượng du khách đổ vào Việt Nam là Nam Hàn, kế đó là Malaysia, Thái Lan, Nhật, Singapore,… Còn ở Châu Âu, quốc gia có đông du khách đến Việt Nam nhất là Nga, Anh.
Sau khi xác định du lịch là một lĩnh vực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam bắt đầu thực hiện nhiều biện pháp mời gọi du khách ngoại quốc, từ miễn visa đến khuyến khích đầu tư-cung cấp các dịch vụ phục vụ du lịch. Tuy nhiên, những biện pháp nhằm phát triển du lịch đang tạo ra những vấn nạn mới về kinh tế, xã hội, môi trường.
Vấn nạn đầu tiên trong phát triển du lịch tại Việt Nam là du khách Trung Quốc.
Báo chí Việt Nam liên tục cảnh báo du lịch Việt Nam có thể suy sụp trầm trọng vì… lượng du khách Trung Quốc đổ vào Việt Nam ăn chơi ngày càng nhiều.
Theo những tờ báo này, du khách Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến môi trường du lịch trong nước, “cứ khách Trung Quốc tới thì khách Tây đi.”
So với thời điểm trước năm 2014, trong ba năm vừa qua, dù lượng du khách Trung Quốc đổ vào Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Trung Việt Nam tăng hàng chục lần, nhưng nguồn thu cho ngân sách chỉ giảm chứ không tăng.
Không chỉ dân chúng Việt Nam bực mình vì liên tục phải chứng kiến dòng người nghênh ngang, thường xuyên gây ồn ào, hành xử thiếu văn minh (khạc nhổ, xả rác,… khắp nơi), mà giới chủ các cơ sở thương mại, dịch vụ liên quan tới du lịch (nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, mua sắm) cũng hết sức ngao ngán vì du khách Trung Quốc “hết sức bần tiện, xài rất ít mà phá rất mạnh.”
Đã có một số viên chức quản trị lĩnh vực du lịch địa phương như bà Lê Thị Châu Trinh, trưởng Phòng Quản Lý Lưu Trú của Sở Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch tỉnh Quảng Nam, công khai tuyên bố với báo giới, cả chính quyền, doanh giới lẫn dân chúng Quảng Nam “không mặn mà” với du khách Trung Quốc.
Vấn nạn thứ hai là chủ trương phát triển du lịch đã mở đường cho việc hủy diệt cả môi sinh lẫn môi trường sống của nhiều vùng.
Sự việc đáng chú ý gần nhất và đến nay vẫn nóng, chưa hạ nhiệt, là chuyện cho phép hủy diệt rừng trên bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng để xây thêm các khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
Trước đó, chủ trương phát triển du lịch đẩy hàng triệu người vào cảnh không còn sinh kế vì buộc phải nhượng nhà cửa, ruộng vườn cần cho những dự án phát triển du lịch, tạo điều kiện cho một số cá nhân, doanh nghiệp độc chiếm những vị trí đắc địa, kể cả bãi biển, thắng cảnh nổi tiếng.
Trong số này, có thể xem Phú Quốc, một hòn đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, là bằng chứng rõ ràng nhất về hậu quả không lường từ chủ trương phát triển du lịch bằng mọi giá. Vào lúc này, Phú Quốc dư khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, nhưng dân chúng thiếu đất ở, thiếu nước sinh hoạt vì phát triển du lịch. Hòn đảo vốn rất hiền hòa giờ thường xuyên được báo giới Việt Nam nhắc tới vì tệ nạn xã hội tràn lan và các vụ cướp, giết càng lúc càng nhiều. (G.Đ.)