Tuesday, February 9, 2016

Hãy thôi say sưa tự ca ngợi mình

 Không lấy gì làm lạ khi hội nhập diễn ra trước tiên là ở lĩnh vực kinh tế. Nhưng liền ngay sau đó, lĩnh vực văn hóa cũng bị cuốn vào. Ta dễ thấy ngay những phản ứng mang tính “tự vệ” của rất đông những người lo lắng cho số phận nền văn hóa dân tộc mình có thể bị thui chột. 

Từ khi các “xa lộ thông tin” băng thông rộng, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, các tuyến vận tải hàng không xuyên lục địa hình thành và liên kết với nhau ở mọi nơi trên thế giới, trái đất chúng ta bỗng biến thành một “ngôi làng” thực sự. Một trận động đất hay sóng thần ở Nhật Bản, một vụ xả súng giết người hàng loạt ở Paris nước Pháp cũng ngay lập tức khiến cả nhân loại bàng hoàng.
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã trở thành quá trình rộng khắp, không thể  một ai với ý muốn chủ quan, duy ý chí có thể ngăn chặn được. Không lấy gì làm lạ khi quá trình này diễn ra trước tiên là ở lĩnh vực kinh tế. Nhưng liền ngay sau đó, lĩnh vực văn hóa cũng bị cuốn vào quá trình này. Ta dễ thấy ngay những phản ứng mang tính “tự vệ” của rất đông những người lo lắng cho số phận nền văn hóa dân tộc mình có thể bị thui chột.
văn hóa, bản sắc, hội nhập, quốc tế, kinh tế
Ảnh: Daidoanket.vn
Không phải là không có lý khi nhiều người cao giọng cảnh báo về cuộc “xâm lăng văn hóa” bắt đầu từ những chiếc quần bò, áo phông, thức ăn nhanh McDonald và nước uống Coca Cola…đến các phim “bom tấn” của Hollywood. Người ta nhắc đi nhắc lại rằng “Để mất bản sắc văn hóa dân tộc là… mất hết”.
Đó chỉ mới là những biểu hiện bề ngoài  của văn hóa. Không thể coi nhẹ tác động của điều kiện kinh tế, “phong thổ”  địa lý… khi bàn chung đến văn hóa một dân tộc cụ thể nào đó, tuy nhiên  vẫn phải thừa nhận rằng chính những giá trị văn hóa tinh thần thể hiện qua các cách ứng xử giữa người với người mớí làm nên bản sắc văn hóa dân tộc ở chiều sâu xa nhất. 
Từ đây nổi lên vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc ta điểm mạnh, điểm yếu là thế nào?        
Với khuôn khổ giới hạn của một bài báo, tôi xin phép chỉ nhắc tới vài nét chính dưới góc nhìn  những con người của dân tộc ứng xử  văn hóa như thế nào.
Chúng ta thường quen nghe nói bản sắc văn hóa dân tộc ta là người Việt Nam có lòng yêu nước mạnh mẽ, dũng cảm quên mình để bảo vệ đất nước; cần cù, sáng tạo trong lao động; tính cộng đồng cao, đoàn kết tương thân tương ái; hiếu học tôn sư trọng đạo.
Tuy nhiên, như hai mặt của tấm huân chương, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, không khó để thấy những mặt trái của các đặc tính nêu trên. Chúng ta có thể bộc lộ rõ phẩm chất cao quý của lòng yêu nước trong những thời khắc hiểm nghèo khi bị xâm lược, nhưng đáng tiếc là nhiều khi lòng yêu nước ấy lại bị nhạt nhòa trong cuộc sống thường ngày.
Đã không ít người dân quên mất thể diện dân tộc, quên mất quốc sỉ khi chạy theo chèo kéo khách du lịch nước ngoài mua hàng, chặt chém, lừa đảo họ. Khi ra nước ngoài thì lại chen lấn xô đẩy, không chịu xếp hàng, nói cười hô hố nơi đông người, lấy thừa mứa thức ăn rồi bỏ dở, thậm chí còn dở thói tắt mắt trộm vặt ở các siêu thị, khiến nước chủ nhà phải treo những tấm bảng cảnh báo bằng tiếng Việt.
Chúng ta vẫn thường hài lòng và tự khen mình là “thông minh, cần cù, sáng tạo”, nhưng có mấy khi tự hỏi mình rằng ta đã có những phát minh, sáng chế gì đáng kể cho nhân loại hay chưa và vì sao từ xưa đến nay, ta vẫn nghèo nàn, lạc hậu, và cho đến nay vẫn chưa làm nổi một con ốc vít đạt chuẩn?!
“Tính cộng đồng đoàn kết” đã biến đi đâu khi không hiếm thấy ở nhiều thôn xã dòng họ này chèn ép dòng họ kia, tranh giành những chức quan nhỏ? Tình trạng đấu đá nội bộ ở nhiều cơ quan đã không còn hiếm gặp. Nhiều thương nhân thì tranh mua, tranh bán, tạo điều kiện cho thương lái nước ngoài đồng lòng ép giá…
“Tinh thần tương thân tương ái” lặn mất tăm khi người đi đường bỏ mặc ai đó bị tai nạn giao thông, hay nhào vô hôi của khi hàng hóa của ai đó bị vung vãi xuống đường!
Có đúng là chúng ta “hiếu học, tôn sư trọng đạo” hay không khi lún sâu vào cuộc chạy đua  nhồi nhét kiến thức nặng về lý thuyết?! Chúng ta học để thi, học để có bằng cấp mà lại coi nhẹ học làm người, học kỹ năng sống, học để có nghề nghiệp thiết thực.
Người lớn liệu có truyền “tinh thần hiếu học” sang con trẻ khi bắt chúng phải học thêm hết tuần này sang tháng khác, làm mất tuổi thơ lẽ ra phải rất tươi đẹp. “Tôn sư trọng đạo” ở đâu khi các bậc phụ huynh không dấu con trẻ những chiếc phong bì kính biếu thầy cô vào dịp lễ này, tết nọ để mong đánh đổi lấy sự ưu ái với con mình.
Xin lỗi bạn đọc khi có vẻ như tác giả đã hơi quá lời khi nói đến mặt trái. Nhưng quả thực đã cố gắng tự tiết chế mình vì dường như thực tế chung quanh, nhất là trong những năm gần đây, những vấn đề nêu trên ngày càng nhức nhối hơn thì phải.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, thôi bài ca tự ca ngợi mình, bỏ thói quen say sưa tự nhìn ngắm mình, tự yêu mình thái quá của chàng Narcissus huyền thoại thời Hy Lạp cổ đại (xem chú thích), cùng nhau loại bỏ phần xấu, phát huy cái tốt đẹp trong con người Việt Nam để vững bước đi vào hội nhập văn hóa quốc tế.
Phan Hồng Giang
* Narcissus từ nhỏ đã rất khôi ngô, được người đời ca ngợi hết lời nên mắc thói kiêu căng. Một lần đi vào rừng, Echo đã rơi vào tình yêu với Narcissus ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Khi Narcissus phát hiện có người theo dõi mình, cất tiếng hỏi "ai đấy?". Vì mang trên mình lời nguyền của nữ thần Hera nên Echo chỉ có thể "nhại lại" câu hỏi của Narcissus. Cho rằng Echo trêu đùa, Narcissus thẳng thừng từ chối. Echo đã buồn bã nguyền rủa Narcissus.
Narcissus tiếp tục đi, tới khi gặp một hồ nước, cúi người uống một ngụm. Thật kỳ lạ, thứ nước ấy đã khiến Narcissus có… cảm tình với chính hình ảnh phản chiếu của mình, hệt như cái cách Echo phải lặp lại câu hỏi của anh trước đó.
Narcissus mê mẩn ngắm nhìn hình ảnh của mình trên mặt nước, cứ thế ngồi đó cho đến khi chết đi, hóa thành một bông hoa thủy tiên.
Câu chuyện là một bài học đáng giá: Narcissus đã phải nhận lấy kết quả của sự kiêu căng, hợm hĩnh về vẻ đẹp của mình. Trong khi đó, Echo cũng không có được tình yêu chỉ vì thói nói nhiều.
10/02/2016  01:00 

Hàng chục người bị bắt ở Hong Kong

Theo BBC-9 tháng 2 2016

Image copyrightAP
Image captionHàng trăm người tham gia vụ ẩu đả
Hơn 90 người bị thương, 61 người bị bắt sau các vụ xô xát tại khu quận Mong Kok của Hong Kong, cảnh sát nói.
Trong số những người bị bắt có chín phụ nữ và 52 người đàn ông, từ 15 đến 70 tuổi. Những người này bị tình nghi là đã phạm các tội tụ tập trái phép, tấn công cảnh sát và mang theo các vũ khí tấn công.
Hàng trăm người xô xát với cảnh sát ở khu vực Mong Kok, Hong Kong, khi giới chức dẹp các quán hàng trái phép.
Vụ ẩu đả xảy ra vì thanh tra an toàn thực phẩm và vệ sinh tìm cách dời người bán hàng khỏi các trục đường chính vào sáng sớm thứ Ba 9/2.
Những người này giận dữ ném gạch đá vào cảnh sát, khiến nhân viên công quyền phải đối phó bằng dùi cui và hơi cay.
Một quan chức cao cấp cho hay cảnh sát đã bắn chỉ thiên hai phát và 44 người, trong đó có cảnh sát, đã bị thương.
Trước khi có chiến dịch dẹp bỏ hàng quán, hàng trăm người đã tụ tập tại khu vực để ủng hộ những người bán hàng rong.
Image copyright
Image copyrightAP
Image copyrightAP
Các vụ đụng độ đã nổ ra vào lúc mới bước sang ngày mới và kéo dài cho tới đầu giờ sáng. Tuy nhiên, nơi này đã trở nên yên tĩnh vào cuối giờ sáng thứ Ba.
Trong số những người phản đối có một số người 'địa phương chủ nghĩa', thuộc các nhóm chống Bắc Kinh.
Baggio Leung, lãnh đạo đảng chính trị Younspiration, nói với BBC rằng ông và 10 thành viên khác của đảng đã tới nơi. Nhóm này nói họ hành động nhằm bảo vệ văn hóa địa phương.
Một trong số các thành viên của nhóm này đã bị bắt, ông Leung nói.
Image copyrightAFP
Chính quyền Hong Kong lên án vụ bạo lực, cho rằng hàng trăm người đã tham gia xô xát.
Thông cáo của chính quyền viết: "Đám côn đồ đã làm hư hại xe hơi của cảnh sát, phá hoại tài sản, ném gạch đá và các vật khác vào cảnh sát bị thương, đe dọa nghiêm trọng an toàn của cảnh sát và những người khác tại hiện trường".
Thông cáo cũng nói những kẻ liên quan sẽ "bị bắt và mang ra công lý".
Yau Siu-kei, quyền chỉ huy cảnh sát Mong Kok, lên án các "phần tử quá khích" đã gây ra vụ mà ông gọi là "nổi loạn".
Báo Bưu điện Hoa Nam dẫn lời ông này nói: "Bởi vì nhiều kẻ đã tấn công cảnh sát với các vật cứng và đe dọa nghiêm trọng tính mạng của họ, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài bảo vệ đồng nghiệp".
Cảnh sát cũng nói những người bán hàng đã không nghe cảnh báo phải rút khỏi khu vực.
Đây là vụ nổ loạn lớn nhất ở Hong Kong kể từ lúc các cuộc biểu tình vì dân chủ hồi năm 2014.
Hiện người dân Hong Kong đang ăn Tết Nguyên đán, với ba ngày nghỉ lễ.
Các hàng quán mở cửa nhộn nhịp, nhiều hàng không có giấy phép hoạt động.
Image copyrightAP

Trung Quốc gia tăng đưa du khách ra Hoàng Sa

HOÀNG SA (NV) Hệ thống truyền thông của Trung Quốc đang quảng cáo rầm rộ cho đường bay từ phi trường Mỹ Lan trên đảo Hải Nam, đến phi trường Vĩnh Tây trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Theo đó, chưa bao giờ chuyện thăm thú biển Ðông thuận tiện như hiện nay vì một hãng hàng không có tên là Hainan đã mở đường bay đến quần đảo Hoàng Sa. Ðường bay từ đảo Hải Nam đến quần đảo Hoàng Sa được hệ thống truyền thông của Trung Quốc ca ngợi là bước khởi đầu cho một kỷ nguyên phát triển hoạt động thương mại ở biển Ðông.


Nhóm du khách đầu tiên được đưa đến “du lịch” tại “thành phố Tam Sa.” (Hình: Tân Hoa Xã)

Trước đây, nhiều chuyên gia an ninh-quốc phòng đã từng cảnh báo rằng, sau khi phát triển hệ thống hạ tầng tại những hòn đảo, bãi đá ngầm mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để gia tăng sự hiện diện của thường dân trên những hòn đảo, bãi đá ngầm đó nhằm củng cố các yếu tố pháp lý, hỗ trợ cho yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Ðông.

Nay, Trung Quốc bắt đầu làm đúng như thế tại quần đảo Hoàng Sa và người ta tin rằng, ít lâu nữa sẽ là quần đảo Trường Sa.

Hồi tháng 5 năm 2015, ông Ian Storey, chuyên gia của Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á ở Singapore, từng cảnh báo, Trung Quốc sẽ gia tăng sự hiện diện của thường dân trên các thực thể mà Trung Quốc thủ đắc trái phép tại biển Ðông, bởi sự hiện diện ấy sẽ khắc họa việc Trung Quốc thực sự đã quản lý những thực thể này cả về quân sự lẫn dân sự. Yếu tố đó sẽ giúp Trung Quốc củng cố yêu sách chủ quyền về mặt pháp lý.

Trung Quốc đã bắt đầu đưa thường dân đến du lịch tại quần đảo Hoàng Sa từ năm 2012. Gần đây, Trung Quốc đã thiết lập xong hệ thống hạ tầng để đưa thường dân đến cả quần đảo Hoàng Sa lẫn quần đảo Trường Sa.
Tháng trước, truyền thông Trung Quốc giới thiệu một loạt hình ảnh về việc du khách mà đa số là thân nhân của những quân nhân Trung Quốc đóng tại bãi đá Chữ Thập - nay là một hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa - được phi cơ dân sự chở đến thăm nơi này. Chuyến “du lịch” bãi đá Chữ Thập diễn ra ngay sau khi Trung Quốc tổ chức cho ba phi cơ dân sự thử hạ và cất cánh ở đó.

Song song với sự kiện vừa kể, truyền thông Trung Quốc còn loan báo, chính quyền “thành phố Tam Sa” đã thảo xong kế hoạch kêu gọi tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng trên những hòn đảo ở biển Ðông.

Tam Sa là tên một “thành phố” được Trung Quốc thành lập vào tháng 7 năm 2012. Thành phố này thuộc tỉnh Hải Nam và bao gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa cùng với tất cả các bãi đá nằm trong phạm vi mà Trung Quốc đòi chủ quyền tại biển Ðông. Thủ phủ của “thành phố Tam Sa” được đặt tại đảo Phú Lâm mà Trung Quốc cưỡng đoạt của Việt Nam hồi tháng 1 năm 1974 khi thôn tính toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Theo một phó thị trưởng của “thành phố Tam Sa” thì chính quyền “thành phố Tam Sa” muốn mời gọi đầu tư từ tư nhân để xây dựng trung tâm cấp cứu về y tế và hàng hải, kéo cáp quang và phủ sóng wifi trên tất cả các đảo, bãi đá có hay không có người ở,... Kế hoạch mang tên “Chương trình đối tác công-tư” này sẽ được thực hiện ngay trong năm nay và kể từ năm nay, Trung Quốc sẽ thiết lập một đường bay, thường xuyên thực hiện các chuyên bay đưa người đến “thành phố Tam Sa.”

Trước đây, chuyện đến “thành phố Tam Sa” du lịch khó khăn vì chỉ có tàu. Hiện giờ, ngoài phi trường trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa còn có các phi trường Chữ Thập, Vành Khăn, Xu Bi ở quần đảo Trường Sa. Chính quyền “thành phố Tam Sa” không giấu diếm hy vọng lượng du khách sẽ tăng gấp nhiều lần so với trước.
Nhiều chuyên gia an ninh-quốc phòng khẳng định, Trung Quốc sẽ hành xử tại quần đảo Trường Sa y hệt như những gì đã từng làm đối với quần đảo Hoàng Sa: Cưỡng chiếm - dùng sức mạnh quân sự để giữ và củng cố, phát triển hạ tầng - tạo ra nhận thức rằng chuyện đã rồi nên xem thực tại như điều đương nhiên. (G.Ð)

02-09- 2016 4:41:03 PM 

Chín sự kiện đáng chú ý trong năm Ất Mùi

Hà Tường Cát/Người Việt

Năm nào cũng có hàng trăm chuyện thời sự, làm một tổng kết không khó mà cũng không dễ, vì phải chọn cái cần nói đến cũng như cái ... cần bỏ đi. Bên cạnh những chuyện vui buồn, hay dở, đáng nhớ hay nên quên là những chuyện rất được chú ý dù chẳng có ý nghĩa giá trị lâu dài gì hết, có thể gọi chung là vớ vẩn hay ... ruồi bu, tùy theo cách nhìn của mỗi người. Nếu như người ta vẫn nói con dê húc càn, có lẽ hãy xem nhiều việc trong năm Ất Mùi trên khắp thế giới là như thế.

Trang thiết bị khai thác dầu ngoài khơi của Petrobas tại cơ sở bảo trì ở Brazil. Công ty này mới đây nói rằng dù giá dầu thô xuống tới $20 một thùng vẫn tiếp tục hoạt động. (Hình: Dado Galdieri/Bloomberg via Getty Images)
Chín sự kiện đáng chú ý trong năm Ất Mùi kể ra dưới đây, căn cứ trên ngày tháng tính theo âm lich.
1. Kinh tế hồi phục
Kinh tế Hoa Kỳ trong năm Mùi được coi là khá nhất thế giới. Sẽ có nhiều người hoài nghi điều ấy, nhưng Hoa Kỳ đã ra khỏi thởi kỳ suy thoái, thất nghiệp dưới 7% ít quốc gia nào có được (vào ngày 5 tháng Hai, con số ghi thất nghiệp mới nhất được ghi nhận là 4.9%). Tăng trưởng không tới mức ngoạn mục nhưng đều đặn và tạo ổn định cho mọi lãnh vực khác. Minh chứng của tình trạng kinh tế vững mạnh là việc lần đầu tiên sau bảy năm, Fed quyết định cho tăng lãi suất căn bản lên mức 0,25% - 0.5%. Trong khi đó hầu hết các nền kinh tế lớn, từ Trung Quốc, Nhật Bản đến Liên Âu đều chật vật đương đầu với nhiều khó khăn phức tạp khiến cho có những lo ngại về một đợt khủng hoảng toàn cầu mới có thể xảy đến trong tương lai gần.
Trong lãnh vực năng lượng, chuyển biến lớn là tình hình dầu lửa xuống giá tới 70% so với hơn một năm trước, tác động mạnh đến nhiều quốc gia và ngành kỹ nghệ.
Đồng thời năng lượng sạch và năng lượng tái sinh tiếp tục phát triển nhanh,đi dần tới thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch. Lần đầu tiên thế giới đồng tâm – ít lắm là trên nguyên tắc – cùng ngăn ngừa khí hậu địa cầu biến đổi. Tại hội nghị quốc tế Paris tháng 11, hơn 195 đại diện quốc gia ký thỏa thuận về giảm lượng khí thải carbon và những biện pháp cần thiết khác cho mục tiêu này.
2. Chiến tranh và khủng bố
Khủng bố vẫn là thảm họa và mối đe dọa an ninh nặng nề nhất ở mọi quốc gia. Hai vụ khủng bố kinh hoàng gây sự quan tâm nhất xảy ra vào gần cuối năm, tại Paris tháng Chín và California tháng 10.
Nhóm Hồi Giáo quá khích IS là trung tâm của những hành động khủng bố tại Trung Đông và gây lo ngại đến Âu Châu, Á Châu và cả Mỹ Châu. Chiến dịch không kích do Hoa Kỳ và đồng minh tiến hành từ năm trước vẫn tiếp tục và đến tháng Tám năm Ất Mùi không lực Nga can thiệp vào Syria. Mục tiêu của Nga là trợ giúp chính quyền chống tất cả các lực lượng chống đối, bao gồm IS và nhiều tổ chức đối kháng khác, do đó xung khắc với Tây Phương và không có sự đồng lòng trong chiến tranh đối phó khủng bố.
Chiến tranh ở Trung Đông và những bất ổn tại Phi Châu và Á Châu làm phát sinh một làn sóng dân tị nạn tràn qua các nước láng giềng và đi tới Âu Châu, gây nên cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Liên Âu lâm vào tình thế bế tắc trong sự tiếp nhận và giải quyết vấn đề định cư cho con số hàng triệu di dân này.
3. Hòa bình
Sau nhiều năm bế tắc, thỏa hiệp vào tháng Năm giữa sáu cường quốc với Iran về vấn đề phát triển nguyên tử là một khúc quanh ngoại giao quan trọng của Hoa Kỳ sau hơn 30 năm đoạn giao với nước cộng hòa Hồi Giáo. Tuy vậy hãy còn phải chờ xem Iran thực thi thỏa hiệp như thế nào cùng lúc là sự chống đối từ Israel ảnh hưởng đến thái độ của quốc hội Hoa Kỳ.

Một bước tiến tới hòa bình khác là việc Hoa Kỳ chính thức tái lập quan hệ với Cuba từ tháng Năm, sau nửa thế kỷ cắt đứt quan hệ và  cấm vận đảo quốc này. 
4.  Căng thẳng ở Á Châu

Trong vùng Đông Nam Á, Biển Đông vẫn là một điểm nóng, tuy chưa đến mức xảy ra xung đột lớn, do ý đồ bành trướng của Trung Quốc. Việc bồi đắp các đảo đá san hộ thành đảo nhân tạo và xây dựng trên đó những căn cứ quân sự kể cả phi đạo có thể dùng cho máy bay chiến đấu bị dư luận quốc tế công khai phê phán. Hoa Kỳ hai lần cho chiến hạm thực hiện chuyến hải hành gọi là FONOP (Tự Do Hàng Hải), lần đầu đi cách một đảo nhân tạo ở Trường Sa dưới 12 hải lý và lần sau đi qua hải phận đảo Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa, phủ nhận giá trị chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo còn đang tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam. Tương lai, vấn đề Biển Đông sẽ còn nhiều phức tạp.
Tại Việt Nam, đại hội 5 năm lần thứ 14 của đảng Cộng Sản Việt Nam vào hạ tuần tháng Chạp đã bầu lại ông Nguyễn Phú Trong vào chức vụ Tổng Bí Thư. Với lập luận ông Trọng thuộc phe thân Trung Quốc, một số dư luận cho rằng Việt Nam sẽ có những nhượng bộ đối với Trung Quốc. Tuy nhiên lo ngại này có lẽ không có cơ sở, việc ông được tái tín nhiệm chỉ thể hiện ý muốn không có thay đổi căn bản cả về đối nội và đối ngoại như tình thế đã ổn định trong nhiệm khóa đầu của ông.
Tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản tạm lắng dịu trong năm với thỏa thuận của hai bên tạm giữ nguyên trạng. Nhưng khu vực Đông Bắc Á luôn luôn căng thẳng vì thái độ gây hấn khó dự đoán của lãnh tụ Kim Jong-un. Một lần nữa, vào tháng (Mười) Một, bất chấp dư luận quốc tế, Bắc Hàn cho nổ thử nghiệm một trái bom nguyên tử và khoa trương là bom khinh khí.
5. Hôn nhân đồng tính
Năm Ất Mùi là một dấu mốc cho giới LGBT trên toàn thế giới về thành công trong cuộc tranh đấu đòi hỏi quyền bình đẳng của họ. Tháng Ba, Ireland là quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Tháng tiếp theo Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phán quyết tất cả các tiểu bang phải cho phép người đồng tính được phép kết hôn. Mexico và Nhật Bản cũng có những tiến triển trong vấn đề dân quyền này.
6. Tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ 2016
Cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ tháng 11, 2016, chính thức khởi đầu cuối năm con dê bằng cuộc bầu cử theo thể thức caucus diễn ra tại tiểu bang Iowa. Phía Dân Chủ, bà Hillary Clinton thắng chỉ hơn Bernie Sanders rất ít. Phía Cộng Hòa, Ted Cruz thắng tỷ phú Donald Trump và sáu người khác. Trump đã là một hiện tượng đặc biệt trong cuộc tranh cử năm nay, nổi bật với lối ăn nói mạnh bạo và dẫn đầu mọi thăm dò dư luận.
7. Lạm dụng súng đạn
Những vụ nổ súng vô nghĩa giết người hàng loạt  vẫn thỉnh thoảng xảy ra tại Mỹ trong khi chưa thấy có dấu hiệu về luật lệ cải tổ việc sử dụng súng đạn. Cuối tháng Tư tại Charleston, SC, một thanh niên 21 tuổi có khuynh hướng dân tộc cực đoan, vào một giáo đường Methodist Episcopal của dân da đen bắn chết chín người. Sau hành động này, South Carolina và một số tiểu bang khác quyết định không treo lá cờ miền Nam thời Nội Chiến và hủy bỏ những biểu hiện có hình ảnh ấy ở các nơi công cộng khác, kể cả bảng số xe.
Song song với chuyện súng đạn thì những hành động sử dụng bạo lực quá lố của cảnh sát cũng gây nhiều rắc rối với cộng đồng dân da đen, là nơi thường xảy ra những biến cố đáng tiếc ấy. Tháng Hai năm Ất Mão, biểu tình bạo loạn xảy ra trong nhiều ngày ở thành phố Baltimore sau khi thanh niên Freddie Gray, 25 tuổi, bị cảnh sát bắt giữ chết trong nhà tù với những thương tích khả nghi.

8. Thiên tai và thảm họa
Thế giới không bao giờ tránh hết mọi thiên tai. Thiên tai lớn nhất năm Ất Mão là trận động đất 7.8 độ ngày 30 tháng 2 Ất Mão ở Nepal, tiếp theo có rất nhiều hậu chấn mạnh và một trận động đất lớn khác gần hai tuần sau đó. Hơn 8,800 người chết, hàng triệu người phải di tản và mất nơi cư trú.

Một thảm kịch kinh hoàng do con người gây nên là vụ máy bay Germanwings chuyến 9525 từ Tây Ban Nha đến Đức hồi cuối tháng Giêng. Phi công phụ cố ý tự sát lái đâm xuống vùng núi Alps vỡ nát làm tất cả 150 người trên máy bay thiệt mạng.

9. Vượt ngục
Trong năm này có 3 vụ tù nhân vượt ngục gây sự chú ý rộng rãi, hai tại Mỹ và một ở Mexico.

Ngày 19 tháng Năm Ất Mùi, Joaquin Guzman, biệt danh “El Chapo,” ông trùm của Sinaloa, băng đảng ma túy nhiều tai tiếng nhất trốn thoát khỏi nhà tù được canh giữ chặt chẽ nhất gần Mexico City, sáu tháng sau bị bắt lại tại căn nhà riêng bí mật ở miền Bắc tiểu bang Sinaloa.

Tháng Tư, hai tù nhân trọng án vượt ngục từ khám đường Clinton, New York, sau một cuộc săn lùng gần 3 tuần lễ quanh vùng, một bị bắn chết và một bị bắt lại.

Cuối năm, ba tù nhân trong đó có hai gốc Việt, trốn khỏi nhà tù ở Santa Ana, California. Sau một tuần lễ, một tù nhân Việt Nam tự thú và hai còn lại bị bắt ở San Francisco. Nhật báo Người Việt tường trình và loan được 
những tin sớm nhất trong vụ này. (HC)

02-05-2016 7:29:14 PM 

Nông dân 'nói không' với những kẻ 'hôi hoa'

SÀI GÒN (NV) Tuy giao thừa đã qua, một số tờ báo tại Việt Nam vẫn moi lại sự kiện nông dân từ các nơi mang hoa về các chợ hoa Tết ở Sài Gòn để bán đã hủy hoa chứ không cho.

Cả tờ Lao Ðộng lẫn tờ Thanh Niên đều cho rằng, cảnh xảy ra tại các chợ hoa Tết ở Sài Gòn vào chiều 29 Tháng Chạp âm lịch là điều đáng ngẫm nghĩ.


Nông dân quyết định để xe ép rác nghiền nát các cành đào không có người mua chứ dứt khoát không để ai lượm mang về chưng Tết. (Hình: Thanh Niên)

Trưa ngày 29 Tháng Chạp âm lịch - thời điểm các chợ hoa Tết phải giải tán để dọn dẹp, chuẩn bị cho giao thừa, những nông dân mang hoa từ các nơi về bày bán tại các chợ hoa Tết đã cùng nhau đập nát những chậu hoa mà họ không bán được và thẳng tay liệng những cành mai, cành đào chưa có người mua vào xe ép rác.

Trong khi nhiều người lên án hành động đó thì phóng viên tờ Lao Ðộng và Thanh Niên nhắc họ rằng, những nông dân ấy đã từng dốc vốn, dồn sức trồng hoa, chăm hoa, vay mượn tiền để mang hoa đến các chợ hoa Tết để kiếm sống song đa số người tiêu dùng không mua mà cùng chờ đến khi chợ hoa giải tán để ép giá, mua hoa với giá mua... bèo, thậm chí chờ nông dân buộc phải bỏ hoa ra xe về quê để xúm lại mang hoa về nhà.

Tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm. Ðó cũng là lý do hoạt động trồng hoa, trồng cây cảnh chưng Tết thu hẹp đáng kể. Sở dĩ hoa, cây cảnh trong dịp Tết vẫn còn một số người trồng để bán là vì họ chưa tìm được kế sinh nhai khác.

Một trong những nông dân dùng dao chặt nát những cành đào mà ông ta từng tự tay vun bón trong cả năm rồi lặn lội mang từ Hải Dương vào Sài Gòn bán nói với phóng viên tờ Lao Ðộng rằng ông đang phải ôm cả trăm cành đào trị giá khoảng 500,000 đồng mỗi cành. Nhiều người chờ tới giờ chót để trả 50,000 đồng - khoản tiền không đủ để trả cho xe ôm mang cành đào đó về nhà cho người mua. Ông khẳng định, người thấy ông hủy đào tiếc một, ông tiếc hơn cả trăm lần song ông không muốn thấy những cành đào đó rơi vào tay những kẻ keo kiệt, chỉ chờ chực để “hôi hoa.”

Cũng theo tờ Lao Ðộng, khi thấy xe ép rác nghiền hàng trăm chậu hoa, nhiều người đã xông vào lượm để mang về nhà chưng Tết. Chủ số hoa này - một nông dân miền Tây đã nhào vào cản lại, không cho lượm. Bà quát lớn: “Ðồ bần tiện, muốn có hoa chưng Tết sao không bỏ tiền ra mua?”

Một phóng viên tờ Thanh Niên thì tâm sự rằng, sau khi tận mắt chứng kiến lúc chợ hoa giải tán, nhiều nông dân mang hoa về Sài Gòn bán ứa nước mắt vì vốn liếng, công sức cả năm của cả gia đình bị biến thành rác, trong khi thiên hạ xúm đen, xúm đỏ quanh các xe rác, tìm cách giành lấy những cành mai, đào, chậu hoa trong đó... anh ta tự hỏi tại sao người ta không nghĩ đến nhau?

Thấy cảnh đó, có một công nhân vệ sinh - người trực tiếp vứt các cành đào vào xe ép rác, nhận xét, không ai thấy ra người trồng hoa khổ như thế nào nên thi nhau ép.

Chẳng ai xem như thế là tệ. Ai cũng đắc ý hoặc vì kiếm được hoa mà không mất tiền hoặc có hoa đẹp để chưng mà giá phải trả rất rẻ. (G.Ð)
02-09- 2016 4:42:53 PM 

Người dân phải 'bước qua tâm lý sợ hãi'

Theo BBC-9 tháng 2 2016 

Image copyrightFB Le Cong Dinh
Image captionLuật sư Lê Công Định vừa kết thúc hạn quản chế ba năm
Luật sư Lê Công Định, nhà hoạt động dân chủ và cựu tù nhân chính trị Việt Nam, vừa nhận được quyết định kết thúc thời gian quản chế trong ba năm từ 2013.
Từ Sài Gòn, ông trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt.
Luật sư Định cho biết ông dự định "trở lại nghề tư vấn luật".
BBC: Anh có dự định gì cho công việc sau khi kết thúc thời gian quản chế?
LS Lê Công Định: Trước mắt tôi định đi thăm một số nơi mà đã lâu rồi tôi chưa có dịp đến chẳng hạn như ở miền Trung hoặc miền bắc Việt Nam, kể cả miền Nam là nơi trước đây khi đi làm tôi có đi nhiều.
Về kế hoạch làm việc tôi dự định trở lại nghề tư vấn luật, mặc dầu giấy chứng chỉ hành nghề luật sư của tôi đã bị rút kể từ khi tôi bị bắt năm 2009. Nhưng tôi vẫn có khả năng quay trở lại hành nghề tư vấn. Nghề tư vấn luật cũng không cần đến chứng chỉ hành nghề luật sư. Chứng chỉ hành nghề luật sư thì chỉ cần thiết khi tôi xuất hiện trước tòa án. Còn khi tôi không xuất hiện trước tòa án thì công việc tư vấn vẫn diễn ra, đó là một kỹ năng bình thường của các luật gia tại Việt Nam.
BBC:Trước đó anh có nói với an ninh anh muốn có lại thẻ hành nghề, họ có trả lời gì với anh về vấn đề này không?
Họ có trả lời với tôi họ sẽ cố gắng rút ngắn thời gian để trả lại cho tôi thẻ hành nghề luật sư, tuy nhiên còn tùy thuộc vào thái độ của tôi. Ý tức là nếu tôi vẫn tiếp tục các hoạt động với nhà cầm quyền là chướng tai gai mắt thì khả năng họ tác động để trả lại giấy phép hành nghề của tôi là xa vời hơn. Tuy nhiên đối với tôi việc có lại giấy phép hành nghề hay không cũng không quá quan trọng.
Với kinh nghiệm 20 năm hành nghề luật sư tôi cũng được nhiều khách hàng biết đến. Kỹ năng của tôi cũng không mai một bao nhiêu. Giấy phép chỉ là phương tiện về diện pháp lý thôi. Mà phương tiện đó thì trong hoạt động tư vấn luật nó không phải là một yếu tố hay điều kiện tiên quyết. Vấn đề chính vẫn là các công ty, doanh nghiệp Việt Nam họ có thực sự cần kỹ năng và lời tư vấn của tôi hay không.
BBC: Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp có xu thế cố gắng tránh những người có xung đột hay vấn đề với chính quyền. Với tình huống của anh, anh nghĩ mình có thể có lại các khách hàng như xưa nữa không?
LS Lê Công Định: Điều đó rất đúng, ngày xưa thì nặng nề hơn. Nhưng bây giờ các doanh nghiệp họ suy nghĩ cũng thoáng. Họ cũng rất rõ ràng hơn. Họ cần sự tư vấn của tôi với tính cách hoàn toàn chuyên nghiệp từ phương diện pháp lý mà thôi. Cũng không có nghĩa là khi họ sử dụng dịch vụ pháp lý của tôi là họ dính với vấn đề chính trị của tôi. Điều đó đã được xem nhẹ hơn.
Điển hình là tôi đã gặp lại rất nhiều khách hàng cũ trước đây rất sẵn lòng sử dụng lại dịch vụ tư vấn của tôi. Và nhất là đối với những giao dịch thương mại có tính chất quốc tế, họ tin là tôi làm việc hiệu quả. Đó cũng là một ưu thế của tôi.
BBC: Nhưng anh đã rời xa nghề nghiệp đã lâu, cả thời gian chịu án tù và quản chế, anh nghĩ mình có khả năng cập nhật lại dòng chảy chung không?
Tư vấn luật và kỹ năng tư vấn gần như là máu thịt của mình. Tôi có thể mất gần bảy năm xa rời nghề luật sư, nhưng tôi biết khi trở lại tôi không mất bao nhiêu thời gian để cập nhật hóa. Vấn đề quan trọng trong nghề luật của tôi là cập nhật lại các luật mới ban hành. Trong ba năm vừa rồi bị quản chế, tôi vẫn liên tục cập nhật và tôi tự tin không có sự mai một hoặc hụt hơi nào để tôi bắt kịp dòng chảy hiện đại của nghề tư vấn luật tại Việt Nam.
Image copyrightFB Tran Thu Nam
Image captionCác luật sư hỗ trợ pháp lý trong vụ Đỗ Đăng Dư thiệt mạng trong tù
BBC: Khác với thời anh bị bắt, giờ đây số lượng các luật sư công khai công việc đấu tranh của mình đã xuất hiện khắp nơi, anh nhìn thấy trước sự biến đổi gì của xã hội dựa trên lực lượng này?
Tôi rất ngạc nhiên và rất vui mừng vì các đồng nghiệp của tôi bây giờ đã dấn thân nhiều hơn. Vào cái thời trước 2009, số luật sư tham gia bào chữa cho các nhà bất đồng chính kiến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó cũng là lí do mà tôi trở thành cái gai trước mắt của nhà cầm quyền.
Khi tôi ra khỏi tù, tôi thấy một lực lượng luật sư, không chỉ những luật sư lớn tuổi mà kể cả các luật sư trẻ, thậm chí mới vào nghề, họ cũng rất sẵn sàng dấn thân. Tôi rất kỳ vọng vào lực lượng luật sư này.
Nhà cầm quyền cũng ngại họ bởi đây là một giới có sự hiểu biết pháp luật nhất định. Bởi vì rất nhiều nơi ở Việt Nam, các quan chức nhiều khi làm việc không để ý đến vấn đề tuân thủ luật pháp, đưa đến vấn đề cửa quyền, quan liêu. Người dân thường rất khổ vì đối mặt với các thủ tục pháp lý đôi khi không được tuân thủ đàng hoàng.
Tiếng nói và sự dấn thân của giới luật sư sẽ giúp cho người dân hiểu rõ hơn quyền lợi của mình. Nhà cầm quyền cũng ngại.
Đứng từ góc độ phát triển quốc gia thì tôi thấy sự dấn thân và lên tiếng của các luật sư là tốt cho sự phát triển đất nước. Còn nếu nhà cầm quyền ngại thì họ nên cần thay đổi suy nghĩ của mình để chấp nhận vai trò của giới luật sư ngày càng tăng trong xã hội.
BBC: Giới luật sư bây giờ có còn đơn độc như thời của anh nữa không?
Tôi không thấy sự đơn độc bây giờ nữa bởi vì tôi thấy rất nhiều trường hợp xảy ra, rất nhiều luật sư được sự đồng tình của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Thậm chí khi luật sư bị nạn thì rất nhiều người ở nhiều giới khác nhau cũng đã lên tiếng ủng hộ. Người ta cũng tập hợp lại để nói tiếng nói ủng hộ luật sư hoặc những luật sư gặp nạn. Sự cô đơn như thời của tôi không còn nữa.
Thời xưa, phải nói thật là rất cô đơn. Tôi đại diện cho một số nhà bất đồng chính kiến ra trước tòa. Khi tôi phải thực hiện những công việc lẽ ra bình thường vậy, tôi lại cảm thấy là sự nguy hiểm lúc nào cũng rình rập lấy mình. Bây giờ tôi tin là các luật sư không còn như vậy nữa, mặc dù sự e dè và ngại ngùng trong một số luật sư khác vẫn còn.
Image copyrightFacebook LS Tran Van Dat
Image captionNgười tù Huỳnh Văn Nén cũng đã được trả tự do sau nhiều năm đấu tranh của gia đình và các luật sư hỗ trợ ông
BBC: Liệu xu thế này có được duy trì lâu không, hay lại chìm xuống như nhiều trào lưu của giới trí thức?
Sự vận động này rất là tất nhiên của xã hội nên tôi không tin là nó sẽ chìm xuống. Trước 2009, chỉ có vài luật sư thôi. Còn bây giờ càng ngày càng nhiều. Xu thế này càng gia tăng, vì các luật sư ngày càng ý thức được vai trò của mình và họ hiểu sức mạnh của mình chính là luật pháp. Mà luật pháp đâu phải do các luật sư đặt ra mà chính do nhà cầm quyền đặt ra. Vậy sự tuân thủ luật pháp cũng là cách tốt nhất để nhà cầm quyền dựa vào đó để tiếp tục sự cai trị tốt đẹp với quốc gia. Còn nếu họ từ chối điều đó thì họ đã quay ngược lại chống lại chính bản thân hệ thống của mình.
Xu thế này không thể chìm xuống như một phong trào, bởi đây không phải là vấn đề chính trị mà cứ có đàn áp thì chìm xuống. Đây là sự vận động tất yếu của lịch sử và xã hội.
BBC: Mình đã nói nhiều về luật sư, giờ tôi muốn hỏi anh người dân cần thêm gì để họ có thể tự chủ hơn?
Người dân cần phải bước qua tâm lý sự hãi để có thể bảo vệ quyền lợi của mình một cách thiết thực hơn. Luật pháp và hiến pháp Việt Nam hiện giờ cũng đã quy định rất rõ ràng các quyền và lợi ích công dân. Vấn đề là chúng ta có yêu cầu nhà cầm quyền thực thi các lợi ích đó hay không thôi.
Đừng có sự e dè nào hết, tiếng nói của người dân vẫn được nhà nước lắng nghe mà. Tại sao chúng ta không tận dụng quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã ghi nhận trong hiến pháp và luật pháp để chúng ta đòi hỏi sự thực thi đúng đắn? - Người dân cần phải bước qua tâm lý sợ hãi đó để thúc đẩy sự đồng hành của các cơ quan nhà nước.
BBC: Làm sao để thuyết phục người dân tin rằng họ có ảnh hưởng? - Trong khi tôi phỏng vấn 1 số người trẻ về đại hội Đảng, họ nói họ không quan tâm vì cảm thấy mình chẳng có ảnh hưởng gì và cũng chẳng liên quan gì tới họ. Ông nghĩ sao về tâm lý mình không can dự gì hết?
Theo tôi, Đại hội Đảng quả nhiên không phải của người dân. Dù nó có ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước trong ít nhất 5 năm sắp tới nhưng đó vẫn là nội bộ của Đảng Cộng sản mà thôi. Nếu những người trẻ trả lời họ cảm thấy đó không phải là vấn đề của mình thì tôi hoàn toàn đồng ý với họ. Bản thân tôi có quan tâm đến đại hội đó, nhưng tôi cũng không thấy nó liên quan gì đến mình hết. Việc ai trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản với tôi không quan trọng.
Nhưng có một điều này cần phải lưu ý. Tháng Sáu năm nay là bầu cử Quốc hội. Tôi nghĩ Quốc hội mới là vấn đề của đất nước và của toàn dân. Và nếu chúng ta thấy bầu cử Quốc hội không phải là vấn đề của chúng ta, thì chúng ta đã từ chối thực thi quyền lợi của chính mình. Người trẻ và người dân phải rất quan tâm tới kỳ bầu cử này.
Image copyrightGetty
Image captionNhiều người trẻ nói họ "không quan tâm" đến Đại hội Đảng
BBC: Với nhiều người dân, đặc biệt là ở nông thôn, có khi họ còn không hiểu họ đang gạch tên hay để lại tên ứng viên nào và việc đó có nghĩa là gì, thì làm sao có thể thuyết phục họ hiểu hành động của họ đang ảnh hưởng tới vận mệnh đất nước?
Từ bao nhiêu năm nay, bầu cử Quốc hội hay đại biểu hội đồng nhân dân hoàn toàn có tính chất hình thức. Người dân đã để cho Đảng Cộng sản tự mình quyết định mọi vấn đề, tự chọn những ứng viên, tự chọn luôn cả người đắc cử.
Tại sao người dân không bằng chính lá phiếu của mình, tự quyết định vận mạng của mình? Mặc dù biết rằng thủ tục này do Đảng Cộng sản lựa chọn ứng cử viên cũng như người đắc cử cũng chưa chắc có sự rộng mở hơn trong tương lai. Tuy nhiên nếu chúng ta không quyết định sử dụng lá phiếu của chính mình thì chúng ta cũng không thể trông chờ có sự thay đổi nào từ phía Đảng Cộng sản được!
Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của ông Nguyễn Quang A. Đó là một người có uy tín trong xã hội. Việc ý thức được vai trò của mình cũng như sự cần thiết phải có một cuộc bầu cử quốc hội trung thực và công bằng, nó phải được thực thi bởi những ứng cử viên có tính chất độc lập như vậy.
BBC: Nhưng anh có lo ngại việc vận động của ông Nguyễn Quang A sẽ gặp nhiều khó khăn không?
Tất nhiên là ông Nguyễn Quang A sẽ gặp nhiều khó khăn từ phía nhà cầm quyền. Với kinh nghiệm của tôi chẳng hạn, năm 2007 tôi cũng ra ứng cử đại biểu Quốc hội và tôi cũng gặp những khó khăn từ phía cơ quan tổ chức bầu cử tại địa phương. Họ có nhiều cách và nhiều phương thức để loại tôi ra.
Quả nhiên trong hai vòng hiệp thương tại nơi cư trú và tại nơi làm việc, tôi bị loại ra vì phạm vào những cái trò mà người ta cố tình sử dụng đến để loại những ứng cử viên độc lập như tôi. Nhưng đó là năm 2007. Bây giờ là chín năm sau rồi, xã hội đã hoàn toàn cởi mở.
Tuy ông Nguyễn Quang A sẽ gặp những khó khăn như tôi thôi, nhưng khả năng ông vượt qua được những trò đó sẽ dễ dàng hơn. Tôi tin là nếu xã hội đồng lòng ủng hộ ông thì tôi tin ông có thể vượt qua. Cơ hội ông trúng cử vào quốc hội là hoàn toàn có thể có chứ không phải không.
Image copyrightvepr.edu.vn
Image captionÔng Nguyễn Quang A, một trí thức đã tuyên bố ông tự ứng cử
BBC: Anh có thể nói rõ hơn những khó khăn năm 2007 anh gặp là gì khi quyết định ra ứng cử?
Trong vòng đầu tiên, vòng hiệp thương tại nơi cư trú, người ta đã tổ chức sẵn và gây áp lực sẵn với người dân khu phố tại nơi tôi cư trú để chỉ trích tôi hai vấn đề, một là tôi ủng hộ tư tưởng dân chủ, đa nguyên, đa đảng; hai là tôi không có gần dân.
Thế nào là gần dân thì họ giải thích là tôi không chịu đi họp tổ dân phố, tôi không đến thăm nom những người dân khu phố lúc bình thường. Quả thật, tôi rất ít làm chuyện đó. Nghề luật sư của tôi rất bận rộn.
Nhưng sự đóng góp cho xã hội đâu phải tối ngày chúng ta phải đi gặp người dân vỗ về họ hàng ngày mới là gần dân. Và những đóng góp của chúng ta có thể thiết thực hơn việc đi nói chuyện tào lao hoặc là hỏi thăm hình thức. Sự đóng góp cho xã hội có nhiều hình thức, vị trí và vai trò khác nhau.
Họ lợi dụng khái niệm gần dân đó rất tùy tiện để tìm cách loại tôi ra. Và họ cũng sử dụng ý tôi cổ vũ đa nguyên, đa đảng có gây nguy hiểm với chế độ chính trị hiện nay. Những người phát biểu những lời đó, tôi nói thật, tôi nhận ra họ không phải là những cư dân trong khu phố của tôi. Họ ở đâu đến, được gài sẵn và đứng lên phát biểu chỉ trích tôi. Đó là cách tôi gặp phải trong cuộc hiệp thương tại khu phố.
Sau cuộc hiệp thương đó, một lần tôi đi công tác ở An Giang, vào lúc 7h15 phút sáng, tức là lúc đó tôi còn chưa thức dậy, bởi cuộc họp của tôi ở An Giang là 8 giờ. Sáng hôm đó, có một vị có vai trò rất quan trọng trong hội đồng bầu cử địa phương đã gọi trực tiếp vào số điện thoại của tôi để yêu cầu tôi rút tên ra khỏi cuộc hiệp thương tại nơi làm việc của tôi. Và họ vận động tôi là phải rút tên vì tôi đã không được nhiều sự ủng hộ lắm. Tôi đã từ chối. Tôi biết đó là cách gây áp lực của họ với một ứng cử viên độc lập. Tất nhiên, tôi không chịu rút.
Kết quả là họ tiếp tục tác động vào nơi làm việc của tôi, dàn dựng trước một cuộc hiệp thương để mọi người đứng lên tiếp tục công kích tôi vì tư tưởng đa nguyên đa đảng của tôi, và lên án tôi chẳng đóng góp gì cho nghề nghiệp luật sư hết, dù lúc đó tôi là Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư. Đó là cách họ làm để loại tôi ra khỏi những ứng cử viên trong hai vòng hiệp thương.
Tôi nghĩ là anh Nguyễn Quang A cũng sẽ gặp những việc như vậy, và phải chuẩn bị trước để đối phó. Thời điểm đó tôi cũng thừa biết mình sẽ không trở thành một ứng cử viên được đưa vào danh sách đâu, nhưng đó là một cách để tôi kiểm chứng thế nào là bầu cử tự do ở Việt Nam. Việc đó cũng cho tôi một số kinh nghiệm có thể chia sẻ với những ứng cử viên trong tương lai.
Image copyrightAFP
Image captionLuật sư Lê Công Định nói người dân cần phải "thực thi quyền lợi" của chính mình
BBC: Nói một chút về thời gian anh vào tù năm 2009, anh nói nhiều lần về sự cô đơn, vậy sự cô đơn lúc đó là thế nào?
Thực ra lúc tôi vào tù, nói thật tôi cảm thấy rất nhiều tổn thương. Đến khi tôi ra tù tôi mới thấy trong thời gian đó sự ủng hộ dành cho tôi cũng nhiều. Tôi cảm thấy vui, nhưng cũng có nhiều chỉ trích vì họ không hiểu hoàn cảnh cụ thể của tôi bên trong nhà tù thế nào, họ hoàn toàn dựa trên báo của nhà nước đưa tin ra và công kích tôi. Tôi cũng buồn.
Nhưng tôi lạc quan. Tôi dấn thân vì lý tưởng của tôi. Tôi chấp nhận mất tất cả, tôi vào tù vì lý tưởng của tôi chứ không phải vì tôi cần sự ủng hộ của ai. Cho nên việc mọi người hiểu hay không hiểu, công kích tôi củng rất bình thường vì ai cũng có quyền nói lên suy nghĩ của mình. Đối với tôi điều đó không quan trọng.
Sau này, khi nhìn lại những năm trong tù, vô vàn những khó khăn mà tôi không thể hình dung được. Trước khi vào tù tôi cũng không nghĩ là sẽ có lúc mình có thể sống khó khăn đến mức đó.
Nhưng tôi cũng vượt qua rồi. Không có điều gì có thể làm tôi nản lòng. Những công kích chỉ trích chỉ là cơn gió thoảng. Tôi không quan tâm. Những gì tôi cần làm tôi sẽ làm.