Friday, October 13, 2017

Có ‘thỏa thuận ngầm’ tại Hội nghị TƯ 6?

Phạm Chí Dũng Theo VOA-13/10/2017 
Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6, ngày 4/10/2017. (Ảnh chụp từ Infonet.vn)
Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6, ngày 4/10/2017. (Ảnh chụp từ Infonet.vn)
Hàng loạt hiện tượng không bình thường tại Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền vào nửa đầu tháng 10/2017 đã khiến dư luận xã hội và giới quan sát chính trị hoài nghi về khả năng đã có một “thỏa thuận ngầm” nào đó về “mức độ và đối tượng chống tham nhũng”.
Những hiện tượng bất thường
Đầu tiên là sự xuất hiện bất thường của hai chuyên đề “dân số” và “chăm sóc sức khỏe nhân dân” trong nghị trình Hội nghị trung ương 6 mà đã hoàn toàn lạc nhịp với nội dung chính của một “hội nghị nhân sự”.
Sau đó là phát ngôn trong bài diễn văn bế mạc hội nghị 6 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa”, và “Từ nay bất cứ ai vi phạm kỷ luật sẽ bị xử lý nghiêm”.
Hiện tượng thứ ba là trong suốt 7 ngày họp Hội nghị trung ương 6, ngoài vụ “diệt ruồi” duy nhất đối với Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, người ta hoàn toàn không thấy ông Trọng nói gì đến vụ ông Đinh La Thăng.
Một hiện tượng bên lề không nên bỏ qua là cũng trong suốt thời gian họp Hội nghị trung ương 6, blogger Huy Đức đã lắng tiếng một cách kỳ lạ, dù ngay trước đó blogger này đã dồn dập tung ra các thông tin theo ý “chỉ chờ Đinh La Thăng bị bắt”. Từ nửa cuối năm 2015 đến nay, Huy Đức lại thể hiện như “cây bút tín hiệu” đối với những biến động về nhân sự trong nội bộ đảng.
Vào tháng Mười năm 2016, trước khi diễn ra Hội nghị trung ương 4 về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”, cũng cây viết Huy Đức đã nổ phát súng đầu tiên vào Ủy viên bộ chính trị, Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng bằng loạt bài viết về trách nhiệm của ông Thăng khi còn là Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN). Tuy nhiên sau Hội nghị trung ương 4, tình hình vẫn im ắng đối với ông Thăng. Khẩu khí ồn ào khoa trương cùng hoang tưởng theo cách “TP.HCM phải phấn đầu có được giải Nobel y tế” của Bí thư Thăng chỉ thật sự chấm dứt trước Hội nghị trung ương 5 vào tháng Năm năm 2017 khi ông Thăng bất ngờ bị Bộ Chính trị kỷ luật và mất ghế tại Sài Gòn.
Chỉ trước Hội nghị trung ương 6 vài tuần lễ, Đinh La Thăng đã bị một cấp nào đó bật đèn xanh để luật sư của Nguyễn Xuân Sơn - người vừa lãnh án tử hình trong vụ án Hà Văn Thắm của Ngân hàng Đại Dương - tung ra một văn bản chứng minh rõ sự chỉ đạo của Đinh La Thăng khi còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN về yêu cầu các đơn vị thành viên mở tài khoản và giao dịch với ngân hàng Đại Dương.
Khi phiên tòa xử Hà Văn Thắm kết thúc với án chung thân cho nhân vật này, Hội đồng xét xử còn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của người chỉ đạo gửi 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng Đại Dương để sau đó số tiền này hoàn toàn biến mất. Báo chí nhà nước đã ồn ào đưa tin về vụ việc này, thậm chí một số tờ báo đã bắt đầu đụng chạm đến cái tên Đinh La Thăng theo quan điểm được bật đèn xanh về “không có vùng cấm”.
Khi đó, đã dậy lên một luồng đồn đoán về khả năng Đinh La Thăng có thể bị Bộ Công an bắt, thậm chí bắt trước Hội nghị trung ương 6.
Tuy nhiên đến sát thời điểm khai mạc Hội nghị trung ương 6 vào ngày 4/10/2017, không có một thông tin chính thức nào về “hổ Đinh La Thăng”. Cùng lúc xuất hiện bất thường của hai chuyên đề “dân số” và “chăm sóc sức khỏe nhân dân” trong nghị trình Hội nghị trung ương 6. Dấu hỏi bật ra: phải chăng nghị trình dự kiến của Hội nghị trung ương 6 đã định “xử” Đinh La Thăng, nhưng do không thể làm được việc này nên đã trám khoảng trống thời gian bằng hai chuyên đề “lo cho dân”?
Đó là một khả năng có thể.
Chỉ thị 15?
Vụ “Đinh La Thăng biến mất tại Hội nghị trung ương 6” khiến tình thế chuyển sang một giả thiết mới: phải chăng đã xảy ra một “sự cố” nào đó trước hội nghị này, hoặc cũng có thể gọi là một “lực cản” mà đã khiến cho quy trình “khai trừ Đinh La Thăng” của Tổng bí thư Trọng không thể suôn sẻ và đành phải giẫm chân tại chỗ?
Cho tới nay, Chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị vẫn còn nguyên tác dụng. Theo văn bản này, công an muốn bắt giam đối tượng là đảng viên thì phải báo cáo cho những cấp ủy đảng phụ trách đảng viên đó. Sau đó, cấp ủy đảng phải làm động tác kỷ luật và có thể khai trừ đảng đối với đảng viên vi phạm, trên cơ sở đó công an mới có thể tiến hành những động tác tố tụng hình sự.
Với Đinh La Thăng, ông vẫn còn giữ ghế ủy viên trung ương sau khi bị loại khỏi Bộ Chính trị. Một giả thiết đặt ra là nếu cơ quan công an đề nghị Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương khai trừ Đinh La Thăng để có cơ sở khởi tố và bắt giam ông, liệu Tổng bí thư Trọng có dám làm đúng theo nguyên tắc của Chỉ thị 15? Hoặc ông Trọng đã có thể phải nhận một phản ứng không mấy đồng thuận từ “tập thể Bộ Chính trị” mà do đó đã không thể đưa vụ khai trừ Đinh La Thăng ra Hội nghị trung ương 6?
“Đầu voi đuôi chuột”?
Một giả thiết khác cũng đang tồn tại.
Bởi khẩu khí của Tổng bí thư Trọng trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị 6 như “Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa”, và “Từ nay bất cứ ai vi phạm kỷ luật sẽ bị xử lý nghiêm” được xem là “nhu mì” hẳn, nếu so sánh với “Lò đã đốt lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy” - một phát ngôn cảm xúc cao độ cũng của ông Trọng vào đầu tháng Tám năm 2017 khi nổ ra vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh “theo cáo buộc của Chính phủ Đức, còn phía Việt Nam thì công bố trên truyền hình “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về đầu thú”.
Khẩu khí và cách nói trên của ông Trọng cho thấy điều gì?
Phải chăng công cuộc được tuyên giáo là “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa “đầu voi đuôi chuột”, mà qua phát ngôn của ông Trọng có thể được hiểu là “chống tham nhũng” chỉ là “từ nay trở đi”, còn vô số vụ tham nhũng trong quá khứ được xếp vào dạng “đập chuột nhưng không vỡ bình” hoặc “không đập chuột để giữ bình”?
Chỉ một ngày sau Hội nghị trung ương 6, câu hỏi trên dường như đã được giải đáp. Vào buổi sáng ngày 12/10/2017, ông Nguyễn Phú Trọng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình, Tây Hồ (Hà Nội). Trước nhiều bức xúc của cán bộ lãnh thành, trong đó “khen vụ Đà Nẵng, chê vụ Yên Bái” và nhiều cử tri hỏi tại sao cho đến giờ Thanh tra chính phủ vẫn chưa công bố kết luận thanh tra biệt phủ của Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái, ông Trọng cho rằng phải bình tĩnh xem xét toàn diện các mặt để tìm nguyên nhân, khi xử lý thì "không phải dập cho người ta không thể ngóc đầu dậy được, Bác Hồ dạy cốt để cán bộ sửa sai, để tiến bộ trưởng thành...".
4 tháng trước, tâm thế của ông Trọng cũng trở nên “hiền hòa” một cách bất ngờ. Trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 23/6/2017, ông Trọng có một phát biểu “lạ”: “Đối với Trịnh Xuân Thanh đã khai trừ đảng và khởi tố, truy nã toàn quốc, quốc tế. Chúng ta làm đồng bộ nhưng phải có bước đi, có tình, có lý, mở đường cho người ta tiến, cốt là đánh động để răn đe, ngăn ngừa” - một cách nói rất dễ khiến dư luận hiểu rằng ông đã mệt mỏi và chấp nhận thất bại trong quyết tâm trước đó “bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh”.
Cần lưu ý, tháng Sáu năm 2017 lại là khoảng thời gian mà quyết tâm “bắt bằng dược Trịnh Xuân Thanh” đã dường như bị tụt xuống mức thật thấp, thấp đến mức vô vọng.
Phải chăng vào lúc này, tâm thế “xử” Đinh La Thăng cũng lúng túng hệt như lúc chưa xảy ra vụ người Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?
“Thỏa thuận ngầm”?
Dư luận xã hội cũng đặt dấu hỏi về liệu đã có một “thỏa thuận ngầm” nào đó giữa người đứng đầu đảng cầm quyền với một thế lực chính trị nào đó, để khi vụ việc Đinh La Thăng “êm” thì những vụ tày trời khác như Võ Kim Cự - cựu bí thư Hà Tĩnh và bị xem là một trong những thủ phạm gây ra nạn xả thải của nhà máy Formosa làm ô nhiểm biển 4 tỉnh miền Trung, Nguyễn Thị Kim Tiến - đương kim bộ trưởng Bộ Y tế và là nhân vật phải chịu trách nhiệm về vụ Công ty Pharma nhập thuốc ung thư giả gây phẫn uất trong dư luận, biệt phủ gây phẫn nộ dư luận của Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái và là em ruột Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thanh Trà… cũng được cho “chìm xuồng”…
Trong thực tế, công cuộc “chống tham nhũng” của đảng CSVN chưa bao giờ thực tâm và cũng chưa bao giờ đạt được một kết quả đáng kể nào nhằm “yên dân”. Và nếu giả thiết về “thỏa thuận ngầm” là có cơ sở, chủ trương “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng - không chỉ với Đinh La Thăng mà đối với rất nhiều quan chức “trót nhùng chàm” khác - sẽ được người dân và cán bộ hiểu thuần túy theo cách “đánh trống bỏ dùi”, “bánh vẽ”, trong đó không loại trừ thâm ý “chống tham nhũng nhằm mặc cả quyền lực”.

Tại sao lương thiện hiếm, quý và… khó? T

Thiên Hạ Luận Theo VOA-13/10/2017 
Trân Văn
Hiroaki Honjo, Tổng Giám Đốc IQ8, cây xăng vốn ngoại 100% đầu tiên tại Việt Nam.
Hiroaki Honjo, Tổng Giám Đốc IQ8, cây xăng vốn ngoại 100% đầu tiên tại Việt Nam.

Tuần này, dư luận Việt Nam nghiêng ngả trước sự kiện Công ty Xăng dầu Idemitsu Q8 (IQ8) khai trương cây xăng đầu tiên ở Việt Nam.
IQ8 là một liên doanh giữa Kuwait International Petroleum của Kuwait và Idemitsu Kosan của Nhật. Do góp vốn đầu tư vào Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa, IQ8 trở thành doanh nghiệp ngoại quốc đầu tiên được phép tổ chức bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam như một phương thức nhằm hỗ trợ hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Theo IQ8 thì sau cây xăng đầu tiên tọa lạc tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long ở Hà Nội, IQ8 sẽ phát triển hệ thống trạm bán lẻ xăng dầu của liên doanh này trên toàn Việt Nam.
Thông tin IQ8 cam kết bơm đủ xăng (sai biệt 0,01 lít), cấp hóa đơn cho người mua, nhận thanh toán bằng thẻ ATM, huấn luyện nhân viên để bảo đảm hoạt động bán lẻ xăng dầu đúng tiêu chuẩn của Nhật về dịch vụ, kèm hình ảnh ông Hiroaki Honjo – Tổng Giám đốc IQ8 – cầm dù, đứng dưới trời mưa, cúi gập người chào khách… không chỉ tạo ra sự phấn khích nơi công chúng mà còn chủ đề để hệ thống truyền thông tham gia luận bàn.
***
Ngoài việc chia sẻ những thông tin vừa kể, hàng chục ngàn người sử dụng Internet tại Việt Nam bày tỏ hy vọng giống như Minh Tran, mong sớm thấy cây xăng của IQ8 ở nơi họ cư trú. Minh gọi IQ8 là “bạn”, anh nhấn mạnh không hy vọng giá xăng dầu của “bạn” rẻ hơn vì “bạn” có muốn cũng… không được, song “sự tử tế và trung thực trong kinh doanh” của “bạn” sẽ làm cho những doanh nghiệp đang bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam “phải tự nhìn lại mình”.
Tomado Le thì khẳng định, chừng nào cây xăng của IQ8 hiện diện ở Sài Gòn anh sẽ đổ xăng tại đó dù có phải sắp hàng chờ cả tiếng để “các quan nhà ta bớt than lỗ”. Tuy giá xăng ở Việt Nam đã cao ngất nhưng năm nào dân chúng cũng phải nghe các quan than “lỗ” rồi phải móc thêm tiền trả cho xăng. Tomado Le mong mau tới ngày doanh nghiệp ngoại quốc được cung cấp cả điện lẫn nước cho “dân nhờ”.
Giống như hàng trăm video clip cùng loại, video clip mà Trần Nhật Quang ghi lại cảnh nhân viên cây xăng thuộc IQ8 lau chùi sạch sẽ các tấm kính chắn gió, kính chiếu hậu của một chiếc xe hơi trước khi bơm xăng kèm nhận định: Mô hình cây xăng này sẽ phát triển nhanh chóng và được mọi người ủng hộ. Nếu không thay đổi thái độ phục vụ, không bơm đúng – bơm đủ thì Petrolimex, Mipec, PVO,… chuẩn bị đặt in decal để dán khắp nơi kêu cứu nhé ! – có hàng ngàn “like”
Có facebooker thực hiện ngay một thử nghiệm nhỏ làm nhiều người thích thú: Đem chai đến hai cây xăng, một của Petrolimex, một của IQ8 mua xăng. Tuy giá bán xăng ở hai nơi bằng nhau và khoản tiền trả cho mỗi nơi như nhau (25.000 đồng) nhưng lượng xăng mua từ cây xăng của Petrolimex ít hơn hẳn so với lượng xăng mua từ cây xăng của IQ8. Sáu tấm ảnh mà facebooker có nickname gọn lỏn là Tuyền – thành viên của nhóm Otofun - đưa lên facebook minh họa cho thử nghiệm này đã được một số tờ báo khai thác lại ngay lập tức.
Một sự trùng hợp thú vị mà cả người sử dụng Internet lẫn hệ thống truyền thông tại Việt Nam cùng lưu ý là vào thời điểm IQ8 khai trương cây xăng đầu tiên, hệ thống cây xăng của Petrolimex đồng loạt căng banner nhắc nhở ““Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sự trùng hợp ấy dẫn tới thắc mắc, phải chăng Petrolimex cũng muốn “bóp” IQ8 như các hãng taxi đã tìm đủ cách “bóp” Grab và Uber – những dịch vụ vận chuyển công cộng có giá rẻ hơn, phục vụ chu đáo hơn đang làm các hãng taxi điêu đứng. Tuy ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex khẳng định, việc treo banner nhắc nhở “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chỉ nhằm hưởng ứng một chương trình do Bộ Công Thương Việt Nam phát động, không liên quan tới chuyện IQ8 chính thức trở thành đối thủ cạnh tranh nhưng ít ai tin lời ông Năm.
Đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Ngo Luc cho rằng nếu vì Việt Nam, “các ông” đã không tăng lên, hạ xuống tùy thích như vậy. Theo Ngo Luc thì “độc quyền” của “tụi tư bổn” là tạo ra “cái tốt độc nhất vô nhị” và đó là lý do “người ta theo chúng”. Còn các ông thì “độc quyền” ép buộc, thao túng thị trường, vô trách nhiệm, không sòng phẳng. Càng độc quyền càng giàu, càng trở nên ghê gớm, ngồi trên pháp luật. Ngo Luc đòi: Hãy cho chúng tôi lý do để chúng tôi ủng hộ
Tương tự, tờ Tuổi Trẻ giới thiệu bình luận “Người Nhật đã vào bán xăng, đừng cạnh tranh bằng khẩu hiệu!”. Bài bình luận nhắc lại điều mà ai cũng biết và ai cũng cảm thấy phiền, đó là dù tại Việt Nam có tới 29 doanh nghiệp đầu mối nhập cảng, kinh doanh xăng dầu và 120 thương nhân phân phối xăng dầu với hơn 14.000 cây xăng nhưng trên thị trường, giá xăng gần như đồng nhất, không có sự cạnh tranh về giá và về chất lượng dịch vụ. Tuổi Trẻ cho rằng, sự quan tâm và thiện cảm mà công chúng dành cho IQ8 không chỉ là giá mà còn nằm ở nhiều tiêu chí khác: Phục vụ ân cần, cam kết rõ ràng về đong đo - điều mà xưa nay khách hàng tìm kiếm ở các cây xăng của doanh nghiệp Việt Nam nhưng chưa thấy. Tuổi Trẻ cảnh báo, sẽ không còn kiểu hưởng ứng phong trào vì Việt Nam mà “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như ngày xưa. Giờ, người tiêu dùng cần “sự tử tế trong kinh doanh chứ không phải là khẩu hiệu”.
Một số doanh nhân đang điều hành những doanh nghiệp nhập cảng – kinh doanh xăng dầu phân trần, sở dĩ cả giá lẫn dịch vụ trong lĩnh vực xăng dầu “có cạnh tranh mà như không” vì “nhà nước can thiệp quá sâu” (giá bán lẻ xăng dầu chỉ được phép dao động trong khung, lợi nhuận cũng phải theo định mức – 300 đồng/lít và nhà nước dựa vào đó thu phí cho “Quỹ bình ổn giá xăng dầu”. Họ hi vọng nhà nước – vài năm vừa qua đang ráo riết vận động cộng đồng quốc tế công nhận Việt Nam là một quốc gia có nền “kinh tế thị trường” hoàn chỉnh - để thị trường xăng dầu tự định đoạt giá cả, loại bỏ khung giá, loại bỏ định mức về lợi nhuận và tất nhiên loại bỏ cả cái gọi là “Quỹ bình ổn giá xăng dầu”…
Tuy nhiên những đề nghị như vừa kể sẽ rất khó được chấp nhận, một phần vì nguồn thu và lợi nhuận từ “Quỹ bình ổn giá xăng dầu” quá lớn (theo thông báo của Bộ Tài chính Việt Nam, tính đến hết năm ngoái, gộp cả số dư lẫn lợi nhuận, “Quỹ bình ổn giá xăng dầu” góp cho ngân sách tới 2390 tỉ đồng, phần khác vì vẫn còn những doanh nhân như ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cảnh báo, “xăng dầu là mặt hàng chiến lược, động chạm đến tất cả mọi người, vì thế nhà nước phải giữ thị trường thông qua các cơ chế, hàng rào kỹ thuật, không thể mở toang cánh cửa thị trường xăng dầu” vì “nếu để các doanh nghiệp ngoại quốc nắm giữ và chi phối thị trường xăng dầu, trong tương lai sẽ xảy ra khả năng nhà nước mất quyền kiểm soát thị trường”.
***
Hành xử tử tế, kinh doanh trung thực, tôn trọng lợi ích chung vì trong đó có cả lợi ích của mình, giữ gìn tinh thần dân tộc vốn đâu có xa lạ với tâm thức của người Việt, vậy thì vì lẽ gì mà chuyện IQ8 khai khai trương cây xăng đầu tiên ở Việt Nam khiến dư luận nghiêng ngả tới mức có facebooker như Nguyen Son nhận định là sự chú ý của công chúng dành cho sự kiện này vượt cả kết quả Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 12 lẫn thiên tai?
Vì lẽ gì mà Trần Chí Hiếu buột miệng chửi thề trên facebook kèm thắc mắc, tại sao bây giờ, trong xã hội này, chỉ cần “nghiêm chỉnh” là “đã được tôn vinh và coi như anh hùng, chẳng hạn không nhận tiền hối lộ là cảnh sát giao thông sẽ được tôn vinh, bán xăng đúng chuẩn sẽ trở thành hiện tượng? Hiếu nói thêm, lúc này, chỉ cần “nghiêm chỉnh” là sống được nhưng khẳng định “Khó lắm! Tôi đố!”
Tại sao xã hội Việt Nam lại trở thành kỳ quái như vậy? Bạn có thể trả lời không?

Kết thúc hội nghị ‘Đốt Lò’

Lê Anh Hùng
 Theo VOA-13/10/2017 
Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6, ngày 4/10/2017. (Ảnh chụp từ Infonet.vn)
Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6, ngày 4/10/2017. (Ảnh chụp từ Infonet.vn)
Sau một tuần làm việc, Hội nghị Trung ương 6 khoá XII đã kết thúc vào ngày 11/10. Đây là một trong số ít kỳ hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN mà dư luận trong và ngoài nước dõi theo với một sự quan tâm đặc biệt.
Điều này thật dễ hiểu khi xét đến bối cảnh của nó: tình hình khu vực và thế giới đang đứng trước những diễn biến khó lường; chiến dịch “đốt lò” do ngài TBT khởi xướng đang hứa hẹn những màn kịch tính; yêu cầu đổi mới đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết…
Và dưới đây là một vài nhận định về kết quả của hội nghị.
Kết quả chống tham nhũng, tiêu cực kém xa kỳ vọng
Sau sự kiện Trịnh Xuân Thanh “từ Đức về Việt Nam đầu thú”, dẫn đến cái khoát tay hùng hồn “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” của ngài TBT tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng ngày 31/7, người ta có cảm tưởng như chiến dịch “đốt lò” do ông ta khởi xướng có thể thiêu cháy bất kỳ “khúc củi” nào.
“Ông trùm” ngân hàng Trầm Bê bị bắt và khởi tố cùng 24 bị can khác; hàng loạt vụ bắt bớ diễn ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); một án tử hình, một án chung thân cùng nhiều bản án nặng nề khác đã được tuyên trong phiên toà sơ thẩm xét xử vụ Ngân hàng Đại Dương; nhiều cơ quan báo chí đưa tin về việc LS Nguyễn Minh Tâm, luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn (người phải nhận án tử hình trong vụ Ngân hàng Đại Dương) trưng văn bản do (nguyên) Chủ tịch PVN Đinh La Thăng ký, yêu cầu các đơn vị thành viên PVN cùng các nhà thầu dầu khí phải mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank; Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo, còn Bí thư Thành uỷ Nguyễn Xuân Anh thì bị cơ quan này đề nghị Bộ Chính trị, BCH Trung ương xem xét, thi hành “kỷ luật”…
Những diễn biến dồn dập thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng đó, cộng với những phát ngôn đầy “khí thế” của “trưởng lò” Nguyễn Phú Trọng, thật dễ hiểu khi công chúng chờ đợi kỳ hội nghị này sẽ có những “khúc củi” bự, bất kể “khô” hay “tươi”, được tống vào “lò”.
Vậy nhưng, trái với kỳ vọng của công chúng, “khúc củi” duy nhất bị tống vào “lò” trong dịp hội nghị chỉ là một Nguyễn Xuân Anh làng nhàng, nhân vật chính trong vụ đấu đá quyền lực cùng những tai tiếng tham nhũng ở Đà Nẵng, thành phố chiến lược và là trung tâm kinh tế tại Miền Trung, khiến Bộ Chính trị không thể không ra tay giải quyết. Và với việc Trưởng ban Tổ chức Phạm Minh Chính “mong mọi người giúp đỡ ông Xuân Anh trở thành đảng viên tốt” còn TBT Nguyễn Phú Trọng thì cho rằng “đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng đây là mức kỷ luật vừa nghiêm khắc vừa nhân văn”, mọi chuyện với viên cựu Bí thư Đà Nẵng xem ra chỉ dừng lại đó.
Đặc biệt, những “khúc củi” bự như Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình… thì vẫn cứ “bình chân như vại”, cho dù sai phạm của họ có thể nói là sờ sờ. Những vụ việc nổi cộm khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ suốt thời gian qua như Formosa Hà Tĩnh, BOT giao thông, VN Pharma… đều không hề được đả động đến, chứ đừng nói là giải quyết.
Những lời lẽ “đao to, búa lớn” dành cho một Nguyễn Xuân Anh non nớt, cộng với câu chốt hạ “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng” trong bài diễn văn bế mạc hội nghị, khiến người ta không khỏi có cảm giác là dường như hồi chính của vở tuồng mang tên “Đốt lò” do ngài TBT đạo diễn đã sớm hạ màn.
Lửng lơ trước yêu cầu đổi mới
Bảy năm trước, tại Đại hội XI, ngài GS.TS chuyên ngành “xây dựng đảng” đã biện bạch:
“Những vấn đề đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn chứng minh là đúng và đã có sự thống nhất tương đối rồi thì hãy sửa. Còn những vấn đề nào chưa đủ rõ, chưa đủ chín, thực tiễn còn đang vận động, ý kiến còn khác nhau thì xin phép chưa sửa đổi, sửa rồi mai kia lại vênh.”
Bảy năm sau, mặc dù không ngớt hô hào “đổi mới” trong bối cảnh không thể né tránh đòi hỏi bức thiết này nếu muốn giải quyết được những vấn đề hệ trọng mà hiện thực đất nước đang đặt ra, song những lời lẽ chốt lại trong bài diễn văn bế mạc một kỳ hội nghị trung ương được không ít người kỳ vọng vẫn cho thấy một Nguyễn Phú Trọng “kiên định”, “trước sau như một”:
“Tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được Trung ương nhất trí cao; còn đối với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn” (!!!).
Lý do ư? Đơn giản, như chúng tôi đã chỉ ra trong bài “Ai có thể chặn được Nguyễn Phú Trọng?”, thế giới quan bảo thủ cùng mớ kiến thức kinh viện Mác Lê không thể giúp ngài TBT làm chủ được cuộc chơi cải cách. Vì lẽ đó mà ông ta đã, đang và sẽ tiếp tục bám chặt vào Bắc Kinh, chặt đến mức tự biến mình thành tay sai của Trung Nam Hải, khiến tiền đồ dân tộc ngày một u ám.
Vị thế Nguyễn Xuân Phúc đã tăng lên đáng kể
Sau khi Trần Đại Quang “tái xuất” và hầu như chỉ còn sắm vai “ông phỗng”trên sân khấu chính trị từ ngày 28/8 (“chiến quả” của ngài TBT cùng bộ sậu trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh), vị thế quyền lực của Nguyễn Xuân Phúc bỗng trở nên chông chênh, bởi lúc này ông ta đã trở thành đối thủ đáng kể nhất của một Nguyễn Phú Trọng quyền uy hơn bao giờ hết, trong khi “lưỡi gươm Damocles” mang tên “Quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của 1.000 cán bộ cao cấp” do Bộ Chính trị ban hành ngày 23/5 vẫn lơ lửng trên đầu.
Điều này thể hiện rõ trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 6, khi ngài TBT công khai “dìm hàng” đối thủ của mình: “Đặc biệt là cần chỉ rõ nguyên nhân vì sao một số việc chưa làm được, một số chỉ tiêu đạt thấp hoặc chưa đạt trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, mặc dù tình hình trong nước và quốc tế năm 2017 nhìn chung thuận lợi hơn so với năm 2016.”
Tuy nhiên, chỉ sau một tuần hội nghị, dường như Nguyễn Xuân Phúc không chỉ đã thoát khỏi tình cảnh chông chênh, mà vị thế của ngài Thủ tướng còn được nâng lên một “tầm cao” mới:
“[…] trong 9 tháng đầu năm 2017… kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá, quý sau cao hơn quý trước; quý III tăng 7,46%, nâng mức tăng trưởng bình quân 3 quý lên 6,41%. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương về tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường. Thị trường tiền tệ ổn định; dự trữ ngoại hối đạt 45 tỉ đô la, tăng thêm 6 tỉ đô la so với cuối năm 2016. Thị trường chứng khoán có nhiều khởi sắc, vượt mốc 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Xuất khẩu đạt 154 tỉ đô la, tăng 19,8% so với cùng kỳ. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh chuyển biến rõ rệt; có gần 94 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập, tăng 15,4% về số lượng doanh nghiệp và 43,5% về vốn so với cùng kỳ. Sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển; sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,77%; khu vực nông nghiệp phục hồi rõ nét với mức tăng trưởng gần 3%, gấp hơn 4 lần năm 2016; khu vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008; khách du lịch quốc tế đạt 9,45 triệu lượt người, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông và kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; chế độ, chính sách đối với người có công, người nghèo, nhất là khi thiên tai, bão lũ xảy ra. Dự báo, đến cuối năm 2017, có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt là, đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; khắc phục những tồn tại, yếu kém vốn có của nền kinh tế, xử lý các dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu…”
Không còn nghi ngờ gì, đây là “bảng vàng thành tích” vô cùng hiếm hoi từ trước đến nay mà “cung vua” ghi nhận và ban tặng cho “phủ chúa”!
Tóm lại, với những gì đã nêu trên, những ai càng kỳ vọng thì sẽ càng cảm thấy hụt hẫng với kết quả mà Hội nghị Trung ương 6 đạt được. Còn những ai tỉnh táo, hiểu biết thì không có gì quá bất ngờ, đơn giản là với họ “đảng ta” xưa nay lúc nào cũng vậy, dù bối cảnh và nguyên nhân có thể khác nhau.
Suy cho cùng, vận mệnh đất nước nằm trong tay mỗi người Việt Nam chúng ta, cho dù dĩ nhiên gánh nặng trách nhiệm luôn đặt trên vai những tinh hoa của giống nòi.

Phiên toà sơ thẩm xét xử sinh viên Phan Kim Khánh sắp diễn ra

CTV Danlambao - Theo thông tin mới nhất từ luật sư Hà Huy Sơn – người bào chữa quyền lợi hợp pháp của Phan Kim Khánh cho hay, phiên tòa sơ thẩm xét xử Khánh với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo khoản 1 Điều 88 BLHS sẽ diễn ra vào lúc 7:30 sáng 25.10.2017 tại Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên.


Ngày 21.03.2017, Khánh bị nhà cầm quyền CSVN bắt khẩn cấp và khám xét nơi cư trú theo Điều 88 BLHS với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước”.

Trước khi bị bắt, Khánh đang là sinh viên năm cuối và là Chủ tịch Hội sinh viên Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên.

Sinh viên Phan Kim Khánh

Được biết từ năm 2015, Khánh đã lập và điều hành 2 blog vietnamweek.net và baothamnhung.com với những bài viết phản biện chống tham nhũng trong giới cầm quyền CSVN. Ngoài ra, Khánh còn lập 3 tài khoản facebook với tên “Báo Tham Nhũng”, “Tuần Việt Nam”, “Dân chủ TV” cùng 2 kênh Youtube là “Việt báo TV” và “Vietnam Online” để phản ánh thực trạng đất nước Việt Nam dưới sự cầm quyền của chế độ độc tài cộng sản.

Phan Kim Khánh sinh năm 1993, thường trú tại xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, Khánh là anh cả và có một cô em gái đã lập gia đình. Đối với gia đình Khánh là một người con ngoan hiền, học giỏi. Đối với thầy cô, bạn bè, dân làng và mọi người, Khánh rất dễ gần, dễ mến, dễ tiếp xúc và khiêm tốn.

Khánh là một thanh niên có hoài bão. Những hoạt động của Khánh nhằm mang đến một nền dân chủ đích thực cho Việt Nam.

Hiện Khánh bị giam ở trại giam Cẩm Sơn 1, Thái Nguyên.

Trước khi diễn ra phiên tòa sơ thẩm, Khánh đã được gặp luật sư và gia đình trong tình trạng sức khỏe Khánh rất yếu nhưng tinh thần vẫn ổn định.


Chế độ VNCH tàn ác hay chế độ CSVN tàn ác

Cánh Dù lộng gió (Danlambao) - Nói đến VNCH thì phải nói đó là một chế độ nhân bản, quyền con người được thể hiện rõ nét. Chẳng thế mà những người chế độ này biết rõ là phục vụ cho CS như Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫn, Nguyễn Thành Trung vẫn ung dung tự tại sống dưới chế độ này cho tới ngày 30/04/1975 hay sao.

Thời đó chế độ VNCH còn non nớt mới thành lập quốc gia, còn nhiều trở ngại cần dẹp bỏ và chống như thời tổng thống Ngô Đình Diệm đã tuyên chiến với 3 loại giặc.

- 1- Giặc dốt.
- 2- Giặc đói.
- 4- Giặc ngoại xâm là đám CS Bắc Việt xâm lược.

Ngoài ra còn một loại giặc nội xâm là loại giặc lợi dụng quyền tự do biểu tình, lợi dụng sự tôn trọng nhân quyền của chế độ VNCH xách động gây rối trong miền Nam thời đó.

Khi QLVNCH đánh chiếm chỗ nào hay tấn công vào hang ổ của VC, QLVNCH tránh oanh tạc hoặc pháo vào khu vực đó nếu có dân cư sinh sống đông đúc, trừ ra đám dân bà con với VC tập kết cho chúng ẩn núp trong nhà để tấn công QLVNCH mỗi khi có cuộc hành quân tảo thanh đám du kích hay lực lượng địa phương của MTDTGPMNVN gọi chung là VC.

Bằng chứng hiển nhiên là khi đụng trận người dân thường kéo nhau chạy về phía QLVNCH để được giúp đỡ tản cư khi chạy loạn và được bảo vệ mạng sống an toàn trước khi quay về làng cũ.

Những người lính VNCH đã dùng thân thể, lấy tính mạng của mình để che chở cho những người dân nằm trong vùng kiểm soát của họ, đôi khi nhường phần lương khô, lương tươi của mình chia sớt với những người dân bên cạnh họ.

Lính CSVN thì sao?

Họ bất chấp tính mạng của người dân ở các làng mạc hay trong thành phố, thích pháo chỗ nào là pháo vào chỗ nấy bất chấp khu vực trường học hay chợ búa.

Họ nhẫn tâm đặt mìn, quăng lựu đạn bất cứ chỗ nào họ muốn thí dụ như nhà hàng nổi Mỹ Cảnh ngày xưa, khách sạn Caravelle, khu vực nơi đông người đang biểu tình,



Ngày 2 tháng Hai 1960: VC phá và đốt chùa Phật giáo ở làng Phước Thành tỉnh Tây Ninh, đâm chết thiếu niên 17 tuổi tên Phan Văn Ngọc do em này kháng cự. 

Ngày 22 tháng Tư 1960: Khoảng 30 cán bộ võ trang VC ruồng bố làng Thới Long tỉnh An Xuyên định bắt Cao văn Nành 45 tuổi. Dân làng tụ lại phản đối. Việt Cộng nổ súng giết chết một thiếu niên 16 tuổi. 

Ngày 23 tháng Tám 1960: Việt Cộng đang đêm bắt hai giáo viên Nguyễn Khoa Ngôn và Nguyễn Thị Thiệt đến trường Rau Ran tỉnh Phong Dinh để chứng kiến cảnh chúng xử tử hai người đàn ông tên Cảnh và Văn để răn đe và gây khiếp đảm. 

Ngày 24 tháng Chín 1960: Một toán VC lục phá và đốt cháy tiêu trường An Lạc tỉnh An Giang. 

Ngày 28 tháng Chín 1960: VC chận xe của Cha xứ Hoàng Ngọc Minh, giáo phận Kontum, dùng súng máy bắn ông chết, xong còn cắm cọc tre vào người ông. Tài xế Huỳnh Hữu, cháu cha Minh, bị thương nặng. 

Ngày 30 tháng Chín 1960: Một toán VC bắt nông dân Trương văn Đáng 67 tuổi ra trước một phiên “tòa án nhân dân”, cáo buộc tội ông mua hai mẫu ruộng mà trái lệnh chúng không giao cho người khác. Ông bị VC bắn chết trên mảnh ruộng của ông sau phiên xử. 

Ngày 6 tháng Mười Hai 1960: VC đặt chất nổ nhà bếp Sân Cù Sài Gòn làm chết một phụ bếp và làm bị thương hai đầu bếp. 

Báo cáo tổng kết các vụ VC khủng bố năm 1960 của chính phủ VNCH nạp trình cho Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến gồm có 284 chiếc cầu bị phá hoại, 60 trạm y tế bị đốt. Và do hậu quả của những trường học bị VC phá hủy, việc học của 25,000 học sinh bị ảnh hưởng. 

Ngày 22 tháng Ba 1961: 20 nữ sinh đi xe đò trên đường từ Sài Gòn về Vũng Tàu sau khi tham dự Lễ Hai Bà Trung bị VC giật mìn và xả súng bắn làm thiệt mạng hai nữ sinh và làm bị thương 10 em khác. 

Ngày 15 tháng Ba 1961: 12 sơ nữ tu dòng Chúa Quan Phòng đi xe đò từ Tây Ninh đi Sài Gòn bị VC phục kích chận lục soát hành lý. Sơ Theophile phản đối nên bị chúng bắn chết tại chỗ và sơ Phan thị Nở bị thương. 

Ngày 26 tháng Bảy 1961: Hai dân biểu gốc người Thượng tên Rmah Pok and Yet Nic Bounrit bị VC phục kích bắn chết gần Đà Lạt cùng với một giáo viên cùng đi thăm viếng một làng định cư. 

Ngày 20 tháng Chín 1961: Một lực lượng hàng ngàn VC tràn ngập thị xã Phước Vinh tỉnh Phước Thành, đốt phá mọi cơ sở hành chánh, chặt đầu hầu hết công chức trong thị xã, chiếm giữ trọn ngày trước khi rút lui. 

Tháng Mười 1961: Nghiên cứu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ước đoán số lượng dân chúng VNCH bị VC giết mỗi tháng là một ngàn năm trăm người.

Ngày 13 tháng Mười Hai 1961: Cha Bonnet người Pháp thuộc giáo phận Kontum bị quân khủng bố VC ám sát trong lúc ông viếng thăm giáo dân ở Ngok Rongei. 

Ngày 20 tháng Mười Hai 1961: kỹ sư S. Fuka người Nhật làm việc cho dự án đập thủy điện Đa Nhim bị VC chận đường bắt cóc. Số phận của ông ra sao không bao giờ được rõ. 

Ngày 1 tháng Giêng 1962: VC chém chết ông Lê văn Thiều 63 tuổi, thủ lãnh lao công tại đòn điền cao su nơi ông làm việc.

Ngày 2 tháng Giêng 1962: VC giết chết hai nhân viên tên Pham văn Hải và Nguyễn văn Thạch trong đoàn diệt trừ sốt rét đang làm việc ở địa điểm cách khoảng 20km về phía nam Sài Gòn.

Ngày 20 tháng Hai 1962: VC ném 4 quả lựu đạn vào một đám dân làng đang xem hát ở Cần Thơ, giết chết 24 phụ nữ và trẻ con và làm cho 84 người khác bị thương. 

Ngày 8 tháng Tư 1962: VC xử tử hai tù thương binh Hoa Kỳ gần làng An Châu Trung phần Việt Nam. Hai thương binh Mỹ này bị trói và bị bắn vào mặt vì họ không đi theo kịp toán VC đang rút lui. 

Ngày 19 tháng Năm 1962: Khủng bố VC ném lựu đạn vào nhà hàng Aterbea ở Sài Gòn làm bị thương viên quản lý đoàn xiệc đến từ Bá Linh và tham vụ văn hóa Tòa Đại Sứ Tây Đức ở Sài Gòn. 

Ngày 20 tháng Năm 1962: VC đánh bom trước khách sạn Hưng Đạo Sài Gòn, nơi cư ngụ của quân nhân Hoa Kỳ, làm bị thương 8 người Việt và 3 quân nhân Mỹ đang đứng bên ngoài khách sạn. 

Ngày 12 tháng Sáu 1962: VC phục kích xe đò hành khách gần Lệ Tri tỉnh An Giang giết chết tất cả người trên xe gồm tài xế, người phụ lơ và hành khách.


Ngày 4 tháng Ba 1963: VC chận xe trên đường Sài Gòn Đà Lạt, bắn chết 2 nhà truyền giáo Tin Lành là Elwood Forreston, người Mỹ, và Gaspart Makil, người Phi Luật Tân. Hai đứa con song sinh của Makil bị bắn và bị thương. 

Ngày 16 tháng Ba 1963: VC ném lựu đạn vào một ngôi nhà của một gia đình người Mỹ đang tiếp khách ăn tối ở Sài Gòn, giết chết một thương gia người Pháp và làm bị thương 4 người khác. 

Ngày 3 tháng Tư 1963: Khủng bố VC tung hai quả lựu đạn vào một trường học ở Long Xuyên, giết chết một giáo viên và hai người lớn đang xem học sinh trình diễn ca nhạc hàng năm. 

Ngày 4 tháng Tư 1963: VC ném lựu đạn vào khán giả đang xem chiếu bóng ở một làng quê quận Cao Lãnh tỉnh Định Tường, giết chết 4 người và làm bị thương 11 người khác. 

Ngày 23 tháng Năm 1963: VC đánh bom bằng hai chiếc xe đạp có gài chất nổ trên đường phố Sài Gòn giết chết hai người và làm bị thương 10 người khác. 

Ngày 12 tháng Chín 1963: Cô giáo Võ Thị Lộ 26 tuổi ở An Phước tỉnh Kiến Hòa sau 3 ngày bị VC bắt cóc, đã bị VC cắt cổ chết và vứt thây ở rìa làng. 

Ngày 16 tháng Mười 1963: Hai chiếc xe đò ở Kiến Hòa và Quảng Tín bị trúng mìn VC khiến cho 18 hành khách tử vong và 23 người khác bị thương. 

Ngày 9 tháng Mười Một 1963: Trong một ngày 3 vụ ném lựu đạn xảy ra tại 3 địa điểm khác nhau tại Sài Gòn làm bị thương 16 người. 

Ngày 9 tháng Hai 1964: VC kích nổ bom tại một sân vận động thể thao nơi người Mỹ chơi banh làm cho 2 chết và 41 bị thương trong đó có 4 phụ nữ và 5 trẻ em. Một phần bom khác không nổ, nếu không, số người tử thương sẽ cao hơn nhiều. 

Ngày 16 tháng Hai 1964: Khủng bố VC kích nổ bom tại rạp chiếu bóng Kinh Đô ờ Sài Gòn gây tử thương 3 người Mỹ và làm bị thương 32 người khác. 

Ngày 14 tháng Bảy 1964: Phạm Thảo, chủ tịch ủy ban hành động Công giáo tỉnh Quảng Ngãi bị VC xử tử khi ông về thăm sinh quán làng Phổ Lợi Quảng Ngãi.

Tháng Mười 1964: Giới chức Hoa Kỳ tại Sài Gòn cho biết từ đầu năm đến tháng Mười 1964 VC đã giết chết 429 viên chức địa phương của VNCH và bắt cóc 482 người khác.


Ngày 4 tháng Mười, 1965: Sân vận động Cộng Hòa bị đặt bom làm 11 người thiệt mạng, 42 thường dân khác bị thương.

Ngày 5 tháng Mười, 1965: Bom nổ trên một chiếc taxi trên đường phó chính ở Sài Gòn, có thể do bom phát nổ sớm hơn giờ ấn định, làm hai người chết và 10 bị thương. 

Ngày 4 tháng 12, 1965: Bom khủng bố nổ trước một biu đing cư xá quân nhân ngoại quốc ở Saigon làm 137 người bị thương gồm 72 người Mỹ, 3 người Tân Tây Lan và 62 người Việt. 

Ngày 12 tháng 12, 1965: Hai trung đội khủng bố VC giết 23 công nhân đào kinh trong một ngôi chùa Phật giáo ở Tân Hưng tỉnh Định Tường và 7 người bị thương. 

Ngày 30 tháng 12, 1965: Ký giả Từ Chung của nhật báo Chính Luận bị VC kê súng bắn vào đầu khi ông từ tòa soạn về nhà để ăn trưa vì trước đó ông đã cho đăng lên báo lời hăm dọa mà ông nhận được của cộng sản.

Ngày 7 tháng 1, 1966: Cộng sản gài và giật nổ một quả mìn Claymore tại cổng vào phi trường Tân Sơn Nhất, làm 2 người chết và 12 bị thương. 

Ngày 17 tháng 1,1966: Cộng sản giật mìn xe đò trên công lộ tỉnh Kiến Tường làm chết 26 thường dân, trong đó có 7 trẻ em, và 8 người bị thương. 

Ngày 29 tháng 1, 1966: VC giết chết cha xứ Phan Khắc Dậu 74 tuổi ở Thạnh Trị tỉnh Kiến Tường cùng với 5 giáo dân. Đám khủng bố xúc phạm và hủy hoại thánh kinh và tượng chúa cùng các vật dụng khác. 

Ngày 2 tháng Hai, 1966: Một toán du kích VC phục kích bắn xả vào một chiếc xe Jeep chở nhân viên ty thông tin tỉnh Hậu Nghĩa, làm 6 chết và một bị thương. 

Ngày 14 tháng Hai, 1966: VC gài nổ hai quả mìn dưới xe đò gần Tuy Hòa giết chết 48 nông dân và làm bị thương 7 người khác. 

Ngày 18 tháng Ba, 1966: Thêm 15 hành khách xe đò chết và 4 bị thương vì trúng mìn VC 8km phía tây Tuy Hòa tỉnh Phú Yên. 

Ngày 22 tháng Năm, 1966: Quân khủng bố VC đang đêm tấn công một khu nhà trú ngụ của nhân công đào kinh tỉnh An Giang, giết chết 18 đàn ông, 1 phụ nữ và 4 trẻ em. 

Ngày 10 tháng Chín, 1966: Trong đêm trước ngày bầu cử Quốc Hội miền Nam, Việt Cộng tung ra 166 cuộc tấn công trên toàn quốc, phá hoại địa điểm đặt thùng phiếu, bắt cóc và ám sát. 

Ngày 11tháng Chín, 1966: Trong ngày bầu cử, khủng bố VC giết chết 19 cử tri, làm bị thương 120 người, đốt phá phòng phiếu, đặt mìn vệ đường và ám sát. 

Ngày 24 tháng Chín, 1966: Quân đội Hoa Kỳ giải cứu 11 tù nhân tại một trại giam của VC ở tỉnh Phú Yên. Có 70 tù nhân bị VC bỏ đói đến chết và 20 người khác chết vì tra tấn. 

Ngày 11 tháng Mười, 1966: Theo sự chỉ dẫn của một thiếu niên 14 tuổi, lực lượng Đồng Minh tìm thấy một nhà tù VC ở tỉnh Bình Định với 12 tử thi tù nhân đã bị VC bắn và ném lựu đạn chết trước khi chúng tẩu thoát. 

Ngày 22 tháng Mười, 1966: Một cán bộ nông thôn nửa đêm bị VC vào nhà bắn chết ở Bình Chánh tỉnh Gia Định. 

Ngày 24 tháng Mười, 1966: Một chiếc xe đò chạy tuyến đường Huế – Quảng Trị trúng mìn VC tại Phong Điền khiến 15 hành khách bị thương. 

Ngày 27 tháng Mười, 1966: VC tung lựu đạn vào nhà dân ở Ban Mê Thuột giết chết 2 người và làm bị thương 7 người gồm trẻ em và phụ nữ. 

Ngày 28 tháng Mười, 1966: Cảnh sát kịp thời bắt giữ một nữ du kích VC định đặt bom dưới khán đài lễ hội ở Khánh Hưng tỉnh Ba Xuyên. 

Ngày 1 tháng 11, 1966: VC pháo kích Sài Gòn trong Ngày Cách Mạng giết chết và làm bị thương 51 người. 

Ngày 2 tháng 11, 1966: VC ném lựu đạn vào trường đua Phú Thọ Sài Gòn làm 2 người chết và 8 người bị thương. Cùng ngày một toán khủng bố VC tấn công quận châu thành tỉnh Phong Dinh, đặt chất nổ gây hư hại cầu sắt Đầu Sấu. 

Ngày 3 tháng 11, 1966: Khủng bố VC xâm nhập ngoại ô Sài Gòn và pháo kích 24 phát vào trung tâm thủ đô. Các nơi bị trúng đạn là Chợ Bến Thành, nhà thương Grall, nhà thờ Đức Bà và một số nhà dân cư; có 8 người chết và 37 người bị thương nặng. 

Ngày 4 tháng 11, 1966: VC bắn súng cối vào một làng tỉnh Hậu Nghĩa, làm một người chết và 8 người bị thương. Cùng ngày VC tấn công một làng ở Tây Ninh làm 6 người chết và một số bị thương. 

Ngày 7 tháng 11, 1966: VC bắt cóc hai viên chức hành chánh trên tỉnh lộ 8 tỉnh Quảng Đức. 

Ngày 16 tháng 11, 1966: Một chiếc xe đạp chứa chất nổ do khủng bố VC gài phát nổ trên đường Nguyễn Văn Thoại Sài Gòn khiến hai quân nhân và một thường dân bị thương. 

Ngày 19 tháng 11, 1966: VC pháo kích tổng cộng 28 phát đạn súng cối ở Cần Giộc và Cần Đước tỉnh Long An gây cho 2 trẻ em chết và 17 người bị thương. 

Ngày 20 tháng 11, 1966: Hai cảnh sát viên bị thương khi gỡ băng rôn VC có gài chất nổ. 

Ngày 23 tháng 11, 1966: VC mặc quân phục giả dạng binh sĩ VNCH giết chết cảnh sát gác cầu ở Khánh Hưng tình Ba Xuyên và ném 2 quả lựu đạn làm 2 binh sĩ và 7 thường dân bị thương.

Ngày 26 tháng 11, 1966: VC gài mìn Claymore ở sân chơi trường tiểu học Trịnh Hoài Đức ở An Thạnh tỉnh Bình Dương cạnh một địa điểm huấn luyện của một đơn vị Đại Hàn. Mìn nổ giết chết 3 binh sĩ Đại Hàn và làm bị thương một học viên người Việt. 

Ngày 30 tháng 11, 1966: VC pháo kích chợ Tân Uyên tỉnh Biên Hòa giết chết 3 thường dân và làm bị thương 7 người khác. 

Ngày 4 tháng 12, 1966: Một đơn vị đặc công VC phá thủng chu vi phòng thủ 20,8 cây số xung quanh Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhứt và pháo kích khu vực trong 4 giờ. Lực lượng bảo vệ Mỹ và VNCH sau đó đã đẩy lui toán đặc công này, giết chết 18 người. Một máy bay trinh sát 101 của Mỹ bị thiệt hại nặng. Quân du kích quay lại trong đêm cùng ngày, nhưng lực lượng phòng thủ một lần nữa đã đẩy lui, giết thêm 11 đặc công Việt Cộng. 

Ngày 7 tháng 12, 1966: Du kích Việt Cộng dùng súng lục Đông Đức ám sát dân biểu Trần Văn Văn khi ông đang trên đường đi đến trụ sở Quốc Hội. Hai tên du kích bị bắt. 

Ngày 10 tháng 12, 1966: Du kích Việt Cộng ném lựu đạn vào sân chơi của ty Chiêu Hồi tỉnh Bình Dương làm cho 3 trẻ em bị thương nặng. Cùng ngày, một xe đò trúng mìn Việt Cộng ở Phong Dinh khiến 5 hành khách toàn phụ nữ thiệt mạng và làm tài xế bị thương nặng. 

Ngày 27 tháng 12, 1966: Dân biểu bác sĩ Phan Quang Đán may mắn thoát chết khi xe ông phát nổ ở Gia Định. Bánh chất nổ gắn dưới lườn xe của ông kích nổ khi ông mở cửa xe bước ra. Bác sĩ Đán bị thương nhưng một phụ nữ đi đường tử thương và 5 người bộ hành khác bị thương.

Ngày 6 tháng 1, 1967: Một cảnh sát viên ở quận Tân Châu tỉnh Kiến Phong bị Việt Cộng hành quyết trước sự chứng kiến của gia đình. 

Ngày 7 tháng 1, 1967: Việt Cộng đặt chất nổ phá sập một lớp học và một trạm y tế quận Hồng Ngự tỉnh Kiến Phong. 

Ngày 8 tháng 1, 1967: Việt Cộng ném lựu đạn vào nhà một xã trưởng tỉnh An Xuyên làm một đứa con của ông ta chết và làm bị thương 3 thành viên khác trong gia đình. 

Ngày 12 tháng 1, 1967: VC phục kích xe đò trên Quốc lộ 14 ở Tân Cảnh giết chết 3 thường dân và làm bị thương 3 quân nhân. 

Ngày 21 tháng 1, 1967: VC đột nhập làng Buôn Hô tỉnh Darlac gom dân tuyên truyền và bắt đi 6 thanh thiếu niên. 

Ngày 6 tháng 2, 1967: VC bố ráp Liêu Trì tỉnh Quảng Tín bắt cóc giáo viên và viên chức . Giáo viên bị giết sau đó. Cùng ngày VC ném lựu đạn một buổi tiếp tân của Phó Tỉnh trưởng Kontum, giết chết Trưởng Ty Giáo Dục và 2 viên chức khác cùng 8 người bị thương nặng. 

Ngày 4 tháng 3, 1967: Biết tin một đơn vị VNCH hành quân giải cứu, toán canh tù VC trói 12 tù nhân VNCH xong bắn, đâm và cắt cổ. Chỉ có hai người được cứu sống. 

Ngày 5 tháng 3, 1976: VC mở 2 vụ đột kích ban đêm giết hai cán bộ xây dựng nông thôn ở Vĩnh Phú tỉnh Phú Yên. Trong một vụ khác, thêm 7 người khác bị giết và 4 người bị thương.

Ngày 30 tháng 3, 1967: VC pháo kích trại gia binh tỉnh lỵ Bạc Liêu, phá hủy 200 căn nhà, giết chết 32 người. 

Ngày 13 tháng 4, 1967: VC nhắm mục tiêu khủng bố ban đêm vào một đoàn văn nghệ trình diễn ở Lữ Sơn gần Đà Nẵng. Trưởng và phó đoàn đều bị giết, 2 đoàn viên bị thương. 

Ngày 14 tháng 4, 1967: Du kích VC bắt cóc Nguyễn Văn Sơn, người ra ứng cử hội đồng làng thuộc quận Bình Chánh tỉnh Gia Định. 

Ngày 16 tháng 4, 1967: VC ám sát một ứng cử viên hội đồng làng Cẩm Hà tỉnh Quảng Nam. Thân nhân trong gia đình cũng bị vạ lây gồm 1 em bé chết và 3 người lớn bị thương.

Ngày 18 tháng 4, 1967: VC tấn công vào ấp Suối Chồn thuộc tỉnh Long Khánh đông bắc Sài Gòn, giết chết 5 cán bộ xây dựng nông thôn, làm bị thương 3 người và bắt cóc 7 người. Trong số 5 người bị giết có 3 cô gái trẻ bị trói và bắn vào đầu. Một phần ba nhà cửa trong ấp bị VC đốt cháy rụi. 

Ngày 26 tháng 4, 1967: Nguyễn Cầm, trưởng ấp Ba Đàn tỉnh Quảng Nam bị VC giết. 

Ngày 10 tháng 5, 1967: Một chiếc xe đò cán trúng mìn VC ở tỉnh Phú Bổn làm một hành khách chết, tài xế và 5 hành khách khác bị thương. 

Ngày 11 tháng 5, 1967: Bác sĩ Trần Văn Lữ Y, bộ trưởng Y Tế tường trình trước Tổ Chức Y Tế Thế Giới ở Geneva rằng trong 10 năm qua có hơn 200 nhân viên y tế bị VC giết hại. Con số chính xác là 211 người gồm bác sĩ và y tá đã bị VC giết hoặc bắt cóc; 174 bệnh xá, bệnh viện và nhà bảo sanh bị phá hủy, 40 xe cứu thương bị trúng mìn hoặc bị bắn bằng súng máy. 

Ngày 16 tháng 5, 1967: VC mở hai vụ khủng bố ở hai tỉnh Quảng Tín và Quảng Trị giết chết 8 cán bộ xây dựng nông thôn và làm 5 người bị thương. 

Ngày 24 tháng 5, 1967: VC tung lựu đạn vào nhà trưởng ban thông tin Phú Thạnh tỉnh Biên Hòa giết chết ông cùng với hai đứa con lúc 3 giờ sáng. 

Ngày 29 tháng 5, 1967: Đặc công người nhái VC từ dưới Sông Hương ở Huế làm nổ một khách sạn nơi các thành viên của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến thường trú ngụ. Không có thành viên nào của 3 nước hội viên là Ấn Độ, Gia Nã Đại và Ba Lan bị nguy hại; Vụ tấn công của VC làm cho 5 thường dân người Việt tử thương và 15 bị thương. 80% khách sạn bị hư hại. 

Ngày 2 tháng 6, 1967: Hai trung đội VC có trang bị súng máy giữa khuya tấn công Trung Tâm Chiêu Hồi tỉnh Long An làm 5 binh sĩ và 5 thường dân bị thương. 

Ngày 27 tháng 6, 1967: Một xe đò đầy hành khách cán phải mìn VC ở đông nam Lai Khê tỉnh Bình Dương khiến 23 người trên xe đều chết. 

Ngày 6 tháng 7, 1967: 7 trẻ em đi bộ trên đường lộ để đến chùa tại xã Cẩm Phổ tỉnh Quảng Nam nhằm lúc một xe hàng chạy ngang làm nổ một quả mìn chống tăng do VC gài khiến một em chết vầ em bị thương. 

Ngày 13 tháng 7, 1967: Một nhà hàng ở Huế bị VC gài bom nổ làm chết 2 thực khách người Việt, làm bị thương 12 người Việt, 7 người Mỹ và 1 người Phi Luật Tân. 

Ngày 14 tháng 7, 1967: VC giả dạng binh lính VNCH tấn công một trại tù tỉnh Quảng Nam, giải thoát cho 1,000 trên tổng số 1,200 tù nhân, xử tử 30 người tại sân trại. 10 thường dân bị giết và 29 thường dân khác bị thương khi VC mở đường rút lui. 

Ngày 25 tháng 7, 1967: VC vào nhà dân ở Bình Triệu tỉnh Long An bắt đi 4 đàn ông, 1 phụ nữ và đứa con trai 16 tuổi của bà. Sáng hôm sau trên tỉnh lộ 13, người ta tìm thấy thi thể 6 người này với hai tay bị trói sau lưng và mỗi người có một vết đạn bắn vào đầu.

Ngày 5 tháng 8, 1967: Khủng bố VC bắt một bé gái học sinh cầm một quả lựu đạn đã rút chốt sẵn dặn em đưa cho thầy cô giáo của em. Em học sinh này đi đến trường em thuộc tỉnh An Xuyên đang có chương trình đặc biệt cổ động cho chiến dịch Rủ Nhau Đi Bầu Tháng Chín. Vừa tới cửa lớp học, em học sinh buông tay thả lựu đạn khiến cho em chết và làm 9 em học sinh ngồi trong lớp bị thương. 

Ngày 24 tháng 8, 1967: VC ném bom vào nhà một cảnh sát viên ở Cần Thơ làm một người chết và 4 người bị thương. 

Ngày 26 tháng 8, 1967: Xe đò chở hành khách cán trúng mìn trong tỉnh Kiến Hòa làm cho 22 người chết và 6 người bị thương. 

Ngày 27 tháng 8, 1967: VC gia tăng các vụ khủng bố bằng pháo kích một tuần trước ngày bầu cử tổng thống và thượng nghị viên. 46 chết và 227 bị thương ở Cần Thơ. 10 chết và 10 bị thương trong tỉnh Phước Long. 9 thường dân và 5 trẻ em bị thương ở Ban Mê Thuột. 2 chết và 1 bị thương ở Bình Long. 6 người bị bắt cóc ở làng Phước Hưng tỉnh Thừa Thiên. 

Ngày 29 tháng 8, 1967: VC xâm nhập 4 xã thuộc quận Thăng Bình tỉnh Quảng Nam, giết chết 2 và bắt đi 6 người.

Ngày 1 tháng 9, 1967: VC phá quốc lộ 4 trong tỉnh Định Tường với 6 hố bom khiến mọi lưu thông tắt nghẽn ngoại trừ một xe cứu thương quân đội cán trúng mìn áp suất khiến 13 hành khách chết và 23 bị thương. 

Ngày 3 tháng 9, 1967: Trong ngày bầu cử, vụ khủng bố VC đầu tiên xảy ra tại một địa điểm bỏ phiếu ở Tuy Hòa Phú Yên khiến 3 chết và 42 bị thương. Tính chung trong buổi sáng ngày bầu cử. có tổng cộng 48 cử tri bị VC sát hại.

Ngày 8 tháng 11, 1967: Trung tâm tị nạn Kỳ Chánh tỉnh Quảng Tín bị VC xâm nhập giết chết 4, làm bị thương 9 và bắt đi 9 người khác, lớp học bị đốt.

Ngày 5 tháng 12, 1967: Một trong những vụ VC khủng bố tồi tệ nhất gây tiếng vang lớn là cuộc thảm sát ở Dak Son tỉnh Phước Long. Người Mỹ ví nó như vụ thảm sát làng Lidice ở Tiệp Khắc dưới thời nước này bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Dak Son là một làng người Thượng với khoảng 2,000 dân. Vì ngôi làng này gần một căn cứ quân đội Mỹ và được dân làng có thiện cảm, VC căm thù muốn tiêu diệt. Hơn 300 VC trang bị 60 súng phun lửa đang đêm tấn công định thiêu sống tất cả: người già trẻ lớn bé, gia súc, thực phẩm, nhà cửa… Sáng hôm sau, một cảnh hoang tàn với từng đống thây người chết cháy thành than cùng với mọi vật. Tổng cộng có 252 người chết, hai phần ba là phụ nữ và trẻ em. 200 người bị bắt đi và không bao giờ trở lại. Số người còn sống sót là vì cư trú trong các dãy nhà khác và vì VC đã dùng hết nhiên liệu phun lửa.


Một số hình ảnh và tổng hợp những vụ khủng bố dã man đã cho thấy một chế độ tàn ác, bất chấp sinh mạng của người dân, ác độc đến nỗi trẻ em cũng là nạn nhân khi họ pháo kích vào trường học Cai Lậy.

Thế mà đám DLV cứ leo lẻo ngậm máu phun người đổ thừa cho chế độ VNCH là tàn ác. chúng cứ nhai đi nhai lại cái vụ Mỹ Lai khi quân đội Mỹ tấn công vào sào huyệt của VC thì bị phục kích từ trong những ngôi nhà bắn ra, rõ ràng là đám dân đó chứa chấp VC và nuôi giấu trong nhà nên khi Mỹ bị thương và chết mấy mạng họ mới nổi điên lên huỷ diệt làng VC này, trong chiến tranh chuyện này xảy ra là lẽ đương nhiên.

Hình ảnh và những tổng hợp vẫn còn rất nhiều thiếu sót chưa đầy đủ nhưng cũng có thể kết luận chế độ nào ác, chế độ nào dã man, chế độ nào bất chấp mạng sống của người dân chỉ để đạt được mục đích mà mình theo đuổi. Quý vị DLV hãy tự suy nghĩ đừng để bị chế độ CSVN lừa dối và bịp bợm nữa.

Ngày 12/10/2017