Vụ án này gây xôn xao dư luận tỉnh Bình Phước, khi bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản là vợ của Viện trưởng VKSND huyện Hớn Quản. Vụ án trước đây được đưa ra xét xử sơ thẩm lần đầu, thì bị Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Đến hôm nay (1.4), vụ án tiếp tục đưa ra xét xử sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Sạnh (SN 1960, ngụ khu phố 3, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) bị xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thay vì lúc đầu vụ án khởi tố điều tra theo hướng bị cáo Sạnh phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng truy tố bị cáo Sạnh, đầu năm 2009 đến ngày 31.3.2010, Sạnh lừa nhiều người dưới danh nghĩa vay tiền làm ăn kinh doanh xăng dầu và đáo hạn ngân hàng.
Bị cáo Sạnh tại tòa hôm nay (1.4).
Tổng cộng 23 nạn nhân bị bị cáo Sạnh lừa chiếm đoạt số tiền 21,1 tỉ đồng. Đến ngày 4.4.2010, Sạnh tuyên bố vỡ nợ, trong khi đó theo điều tra được thì bà Sạnh hoàn toàn không làm ăn thua lỗ, không vỡ nợ như tuyên bố.
Các nạn nhân làm đơn tố cáo, ngày 29.9.2011, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Sạnh về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Ngày 24.9.2012, Cơ quan CSĐT thay đổi tội danh đối với Sạnh điều tra về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngay phần đầu diễn ra phiên tòa hôm nay, các bị hại cho rằng cần triệu tập nhân chứng là con gái bà Sạnh, là Trần Thị Thắm, tuy nhiên HĐXX cho rằng không cần thiết vì nhân chứng Thắm đều có lời khai trong hồ sơ vụ án.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Sạnh cho rằng mình đưa ra “mồi” đối với các nạn nhân là vay lãi suất cao (9%/tháng), nên nhiều người cho bị cáo vay tiền. Tuy nhiên, các nạn nhân cho rằng họ tin tưởng vào bị cáo Sạnh, có kinh doanh cây xăng, làm ăn “đàng hoàng” và uy tín của chồng bị cáo Sạnh, chính là ông Trần Hoàng Sơn-nguyên Viện trưởng VKSND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước (hiện đang là cán bộ VKSND tỉnh Bình Phước).
Bị cáo Sạnh cũng cho rằng, vì làm ăn thua lỗ, để trả nợ một số nơi, mà bị cáo vay tiền với lãi suất cao của nhiều người để trả nợ và cũng là giữ uy tín cho chồng mình.
Tuy nhiên, tất cả các bị hại trong vụ án này đều khai tại tòa là “việc vay mượn đều do bà Sạnh chủ động đề nghị vay lãi suất chỉ là 2%, và bị cáo Sạnh cho biết là cho người khác vay lại lấy lời. Trong những lần vay tiền, đều có mặt ông Trần Hoàng Sơn, là chồng bị cáo Sạnh, lúc này đang giữ chức Viện trưởng VKSND huyện Hớn Quản”.
Bà Nguyễn Thị Liên, bị hại trong vụ án bức xúc tại tòa: “Vì thấy chồng bị cáo Sạnh là người lãnh đạo ở cơ quan công quyền, lại là viện trưởng VKSND, nên tôi mới cho mượn tiền. Ai dè lại bị vợ chồng ông Sơn, bà Sạnh lừa mất hết tiền!”.
Tất cả các bị hại đều bức xúc rằng bị cáo Sạnh lừa đảo vì lấy uy tín của chồng, chứ không phải như bị cáo Sạnh khai là lãi suất cao, mà chỉ cho vay mượn bình thường, đề nghị HĐXX tuyên buộc cả hai vợ chồng bà Sạnh, ông Sơn phải chịu trách nhiệm trả lại cho các bị hại số tiền tổng cộng là 27 tỉ đồng, trong đó 21,1 tỉ đồng là trong vụ án lừa đảo này, còn hơn 5 tỉ đồng cũng do vợ chồng bà Sạnh, ông Sơn buộc phải trả cho các bị hại, nhưng lại bị tách ra sang một vụ kiện dân sự khác.
Chiều nay (1.4), phiên tòa tiếp tục diễn ra phần xét hỏi, HĐXX liên tiếp truy vấn bị cáo Sạnh vay mượn số tiền lớn để làm gì ? Bị cáo Sạnh: “Bị cáo vay đề trả nợ ngân hàng”. HĐXX cho biết, Cơ quan điều tra xác định, chỉ trong thời gian ngắn, bị cáo Sạnh huy động số tiền vay lên đến 10 tỉ đồng, trong khi bị cáo chỉ nợ ngân hàng có 2 tỉ đồng… !
Bị cáo Sạnh liên tiếp quanh co về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà theo các cơ quan công tố truy xét.
Dự kiến ngày mai (2.4), tòa sẽ tuyên án.