Tuesday, July 11, 2017

Di chúc của Bá Chổi

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Người viết xin phép tác giả “Di Chúc Hồ Chí Minh” đã quá cố, và xin minh định nội dung bài viết này không nhằm mục đích chế diễu người đã ngỏm.

Là kẻ thấm nhuần “tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh”, “bác” Chổi noi gương “cha già dân tộc” đồng thời là ông nội mấy đứa nhỏ con của dưỡng tử nhà Vũ Kỳ và là ông cố nội đám cháu của ngài cựu Tổng bí thư họ Nông, “bác” Chổi đã viết di chúc và công bố “tươi”, tức cho phổ biến đang khi “người” còn sống. Như sau:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỜ CỜ
Độc lập mất - Tự do cấm - Hạnh phúc dập

Cuộc quét Rác của nhân dân ta dù phải kinh qua hôi thối, hy sinh bịt mũi nhiều hơn nữa, song nhất định quét sạch hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn. Sông lạch có thể bị triều dâng ngập mặn mãi mãi, núi rừng có thể bị Tiều thuê trồng người dài dài, nhưng chân lý Rác phải quét đi không bao giờ thay đổi. Rõ ràng là như thế...

Đến ngày đó, đương nhiên là tôi quăng chổi rồi, chứ chẳng dám có ý định ý điếc gì như “Bác” di chúc, rằng thì là “Tôi có ý định... tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc...” (Xem Di chúc Hồ Chí Minh).

Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt Bá tước Đờ Ba-le và Bá tước phu nhân dân Hải Phòng, cùng Cu Tèo với Cái Hĩm cám ơn các “chổi” anh em (“các nước anh em”) không thuộc phe phái, băng đảng nào cả khắp năm châu đã lên tiếng ủng hộ cuộc quét Rác sạch banh khỏi nước ta.

Không cần phải đợi tới ông Đỗ Phủ bên Tàu dạy, “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, người Việt “bên” Ta đã biết từ khuya, rất hiếm người sống đến 70 tuổi. Nhưng đó là chuyện xưa; nay thì người mang bảy bó ”chạy đầy đường”, mà trong đó phần lớn là các nhà “Lão Thành Cắt Mạng” nhờ được hưởng “chế độ” Sổ Hưu đặc biệt.

Năm nay, tôi tuy đã quá đát thất thập, nhưng vẫn “già mà ham”, nên phải khó khăn lắm mới chân dài nào cũng liếc qua, gái gú nào cũng né tránh (“Bộ đội ta khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”), vì đã “hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng nhu lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời em”.

Tuy tự oánh giá sức mình còn “sung” như thế, nhưng ai mà đoán biết tôi còn quét Rác để phục vụ Tổ Quốc, phục vụ Nhân Dân được bao lâu nữa.

Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi bỗng dưng bị bọn “côn đồ nhân dân” đến nhà “mời”, tống lên xe, đem về đồn Côn an Nhân dân làm việc rồi bị “tự tử” hay bị “biến chứng đột ngột” đi gặp bác Hồ, thì đồng chổi cả nước, “phen/fan” mình khắp nơi, bầu bạn năm châu, và cả các “dị chí” Dờ Lơ Vờ nữa, khỏi cảm thấy đột ngột, hụt hẫng như khi Tố Hữu nghe tin ông cố tổ của nhà thơ thiên tai (thiên tai, chữ “tai” không dấu huyền) ở tận bên Liên Xô chết, phải lăn đùng ra vật vã khóc lên đỉnh cao chói lọi không ai chọi nổi: “thương cha, thương mẹ thương chồng, thương mình thương một, thương ông thương mười”; rồi như người mất trí, quên luôn cả mình là kẻ vô thần, nằm chuầy ra than trách “Đất, Trời biết không!”...

Trước hết, nói về Rác. Không cần vào Viện Khổng Tử để đọc “Vạn thế sư biểu viết” (như kiểu bác nhờ lời Đỗ Phủ…), ai cũng biết rác do một người xả thì ít hơn nhiều người xả. 

Chỉ một kẻ xả bậy một nhúm rác đã đủ bẩn đủ hôi, lôi thôi đến môi sinh; đàng này thủ phạm là cả một băng mấy triệu băng viên băng cục. Do đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ xả rác, xả trên đầu nhân dân, xả khắp miền Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Băng đã xả rác hết đống này sang đống khác, đống sau “hoành tráng” hơn đống trước.

Trước tình hình bị Rác xả như “ba dòng thác cách mạng”, nhiều dân cư chịu không thấu đã phải liều mạng tìm đất mới để mà thở; đến cả Băng viên cao cấp cũng không kham nổi mùi do băng mình xả ra, không ít “đồng chí” đã “tự chuyển biến, tự chuyển hóa” thành “dị chí” với Băng, có những kẻ đã “cướp thời cơ” đi công tác ở nước ngoài, xin tỵ nạn Rác.

Đoàn kết là đòi hỏi đương nhiên giữa những người cầm chổi. Bắt chước lời bài hát “Thề không phản bội quê hương”, tôi ước gì:

Một cái chổi vung lên
Hàng ngàn cái chổi vung lên
Hàng vạn cái chổi vung lên
Hàng triệu cái chổi vung lên
Quét cho sạch rác rưới khắp nơi...

Tuy nhiên mình cặm cụi quét cho sạch, xong rồi, băng ăn bẩn, ở dơ mang trong mình “dòng máu anh hùng” xả rác “truyền thống” của Vương Quốc Khỉ Đột lại xả rác tiếp, thì đâu lại vào đó chẳng bỏ công. Hay là:

“Hát hay không bằng hay hát”
Quét rác không bằng quét bọn chuyên xả rác.

Nhân dân, lao động cũng như hưu trí, còn trong bụng mẹ hay mới oe oe khóc chào đời, đang trẻ trung mạnh khỏe hay già yếu hom hem, ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao chục năm bị chế độ rác hoành hành kinh quá.

Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù cầm chổi, bất chấp bọn xả rác hóa trang côn đồ đến hành hung, y như bác Hồ bịt râu dấu mặt đi dự đấu tố “địa chủ ác ghê” Nguyễn Thị Năm là chỗ vừa thân nhân vừa ân nhân của “người”.

*

Về việc riêng, tôi không dám làm chuyện “Cáo già giả Tiên ông” để “ca-ra-ô-kê” ta đây suốt đời cầm chổi phục vụ tổ quốc, quét rác Cắt Mạng, tôi không có gì phải hối hận trong lúc “hành chổi”. Chỉ có điều đáng tiếc là đôi khi tôi tung chổi hơi bị mạnh tay làm rác bay lên một vài “đồng chổi”, khiến họ quay ra “phe ta chửi phe mình”.

Cuối cùng tôi, tôi xin được để lại muôn vàn thân tình cho các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng đã “thấy” được rác và ý thức phải “quét sạch nó đi”. Chỉ có thế hệ các cháu ra tay mới làm nên trò trống, chứ như tôi đây, có trăm chổi, hay nghìn chổi quét mãi chẳng đến đâu, có khi lợi bất cập hại, chỉ “quậy” cho đám dư luận viên châu vào chửi bừa chửi bựa khiến bọn trẻ nít tưởng như thế là sống và làm việc theo đức bác Hồ, là đúng phong cách “con người mới, văn hóa mới xã hội chủ nghĩa”, thì càng khốn nạn thêm cho đất nước, dân tộc.

Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chổi, các bạn đọc dù thương dù ghét “đường chổi “tôi đi vì bất cứ lý do gì, bởi đó là quyền của mọi người sinh ra đều bình đẳng, như lời bác Hồ đứng thẳng cẳng tuyên ngôn ở Ba Đình năm xưa.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn dân ta đoàn kết phấn đấu nhà nhà cầm chổi, người cầm chổi, đồng loạt ra đường quét dứt điểm đống rác vĩ đại đang cản trở đường đi, đang gây ô nhiễm trầm trọng môi trường sống của mọi người. Đống rác Tư Bản Rừng Rú.

Làm tại dưới chân Tượng đài Mẹ Việt Nam.

Ngày 11/7/2017

Họp quốc hội nhưng cấm báo chí tham dự, khác nào cấm dân nghe chó sủa!

Hải Âu (Danlambao) - Quốc hội là cơ quan quyền lực đại diện cho người dân thông qua tiếng nói từ các đại biểu quốc hội. Tuy nhiên Quốc hội CSVN trên thực tế chỉ là một cơ quan bù nhìn dưới sự thống lĩnh cai trị của đảng độc tài cộng sản. Từ những phiên họp quốc hội đôi khi người dân được nghe thấy những tiếng nói phản biện của một vài cá thể đại biểu ở độ “sắp hoàng hôn”. Mặc dù những phản biện ấy chẳng mấy hy vọng được thể chế độc tài cộng sản lắng nghe và thay đổi. Nhưng bản thân tiếng vọng của một vài đại biểu “sắp hoàng hôn” ấy đã khiến Ủy ban thường vụ Quốc hội cộng sản tỏ ra lo lắng.

Một số trang báo điện tử của nhà sản loan tải thông tin, UB Thường vụ Quốc không cho giới báo chí tham dự các phiên họp của Quốc hội như trước đây. Tổng thư ký Quốc hội bù nhìn cộng sản giải thích: “Để các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ trao đổi, phát biểu hết các vấn đề, phát biểu sâu, không ngại việc có thông tin thuộc bí mật “vô tình” được báo chí đề cập”.

Trên thực tế báo chí nhà sản hầu như chỉ được phép đăng tải những bản tin đã kiểm duyệt nội dung dưới sự kiểm soát của Ban tuyên giáo trung ương cộng sản. Một số bài báo có nội dung nhạy cảm “xé rào” đăng tải thì ngay lập tức phải gỡ bỏ sau khi phát hiện. Vì thế với lời giải thích của Tổng thư ký quốc hội cộng sản được xem như cách loại bỏ luôn một số ít “phần tử” phóng viên nguy hại đến chế độ.

Một tổ chức quốc hội được xây dựng và nuôi dưỡng bằng mồ hôi, xương máu của người dân qua những đồng thuế với mục đích đại diện tiếng nói của nhân dân. Thế nhưng những gì quốc hội bù nhìn ấy bàn thảo, triển khai, hành động thì không cho phép nhân dân được biết. Với quy chế cai trị đặc thù của nhà cầm quyền độc tài đảng trị thì người dân chỉ có một cách duy nhất để nắm tình hình tại các phiên họp Quốc hội đó là thông qua các bài báo, bản tin của giới truyền thông nhà sản. Dù biết rằng những thông tin mà người dân đọc được từ các lều báo đều đã có sự sắp xếp nội dung một cách kỹ lưỡng.

"Nhiều khi để anh em báo chí vào thì các đại biểu cũng ngại, phát biểu không hết. Có vấn đề tối mật không được nói với báo chí mà nói ra thì không hay, lại phải đề nghị báo chí không đăng tải", Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết.

Tại sao lại phải ngại phát biểu, vấn đề tối mật gì ở đây không được nói với báo chí?

Tiếng nói của người dân, nguyện vọng của cử tri cần phải được biết đến rộng rãi không chỉ trong các phòng họp, mà nó cần lan tỏa trên phương tiện truyền thông để dư luận được biết, được hiểu và được thực hiện. Thế thì tại sao Tổng thư ký Quốc hội bù nhìn lại nói rằng các đại biểu ngại, không phát biểu hết. Phải chăng những kẻ mang trên ngực huy hiệu đại biểu không còn đại diện cho tầng lớp nhân dân? Phải chăng những vấn đề tối mật đó là những cuộc thương thảo chia chác quyền lực của giới cầm quyền cấp cao trong đảng cộng sản? Hai câu hỏi này đến bây giờ đã trở thành thừa và dễ bị cho là hỏi khờ khạo, không rõ hay không chịu hiểu vai trò con rối quốc hội của đảng.

Thông thường tại các phiên họp UB thường vụ Quốc hội ngoài sự chủ trì của bà Ngân chủ tịch thì luôn có mặt phần đông các Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ cộng sản tham gia hội thảo. Có lẽ vì thế mà từ nay giới báo chí chỉ được dự 5 phút đầu của buổi làm việc để ghi hình. Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm: “mỗi ngày VPQH sẽ có 2 bản thông cáo báo chí thể hiện đầy đủ nội dung và kết luận về vấn đề được thảo luận tại phiên họp để gửi cơ quan báo chí”.

Như vậy là kể từ nay trở đi, những phát biểu gây sốc của một số ít đại biểu độ “sắp hoàng hôn” sẽ không còn cơ hội “lên sóng” gây bão trên các diễn đàn mạng xã hội. Tiếng nói không đến được tai dân thì tiếng nói sẽ bị tắt lịm. Tất cả thông tin cuộc họp thường vụ Quốc Hội sẽ được sàng lọc trước khi cung cấp cho báo chí. Và dĩ nhiên người dân cũng chỉ đọc được những gì mà đảng và nhà cầm quyền cộng sản cho phép.

Việc không cho báo chí tham dự các buổi họp UB Thường vụ Quốc hội cộng sản có thể xem là một gọng kềm siết chặt thông tin báo chí vốn đã quá lệ thuộc vào chỉ thị của Ban Tuyên giáo trung ương của đảng cộng sản. Bản chất việc này cũng có thể tạo tiền đề cho một số cơ sở địa phương áp dụng nhằm ngăn cản báo chí tiếp cận thông tin với lý do “sợ lộ thông tin mật”.

Nghề làm báo trong “thiên đường” xã hội chủ nghĩa cộng sản từ lâu đã bị xem như chó theo cách nói của Nguyễn Như Phong một cựu tổng biên tập báo nhà sản. Và những kẻ đại diện tiếng nói người dân trong tư cách đại biểu quốc hội đã đem tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân vào bỏ vào cái chuồng chó với cái tên đúng nghĩa của nó - “tòa nhà đảng hội”.

12.07.2017

Quân hại nhân dân Nguyễn Chí Vịnh - từ hèn tới đểu

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Nguyễn Chí Vịnh được xem là một tướng hèn (không hèn không là tướng cộng sản). Tay tướng này có nhiều thế lực, được thiên triều trọng dụng nhưng rất ma lanh. Lúc nào cũng hèn hèn đứng sau lưng một tay bộ trưởng để lỡ có nội chiến đồng chí bắn đồng rần, bộ trưởng lãnh đạn trước còn hắn ta vẫn thong dong con đường hoạn lộ phục vụ cho Tàu. Không là bộ trưởng nhưng Nguyễn Chí Vịnh được Bắc Kinh xem là thượng tướng thái thú đặc trách quân đội chư hầu.

Cuộc đấu đá nội bộ của tập đoàn quân đội nhăn răng, đứa ăn ít đòi dẹp chuyện làm ăn của kẻ ăn nhiều, mưu đồ xóa bài, chia đều làm... ăn lại đang đến hồi cháy bỏng. Nguyễn Chí Vịnh đăng đàn làm mát mặt trận đang đì đùng bằng súng mồm đạn nước bọt giữa 2 phe Ngô Xuân Lịch và Lê Chiêm.

Bên thua cuộc, đang no ít vùng lên quăng trứng thối - “hiện nay đã có một chủ trương của Bộ Quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế nữa mà tập trung cho xây dựng quân đội chính qui.” 

Bên thắng cuộc, đang rửng mỡ ngồi dậy xịt dầu thơm: "chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn..." và xác quyết phải có thêm nhiều con Vịt Teo. (1)

Cáo già Nguyễn Chí Vịnh thấy nguy cơ quân đội nhăn răng bắn nhau, coi chừng nhăn răng chết cả đám bèn nhảy vào dung hòa trứng thối và dầu cù là thành một loại chất thải có mùi lợm giọng không thua phọt mu sa:

"Có một điều tôi nhấn mạnh, muốn làm quân đội mạnh lên trước hết chúng ta phải bảo vệ quân đội, bảo vệ những chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, mà trong đó chủ trương quân đội làm kinh tế phục vụ quốc phòng và tham 
gia phát triển 
kinh tế đất nước là một ví dụ." (2)

Trong cú nhấn này, Nguyễn Chí Vịnh mặc kệ đất nước. No country - only party. Đất lẫn Nước coi như đã thành một thứ ma dzê in xứ lạ rồi, để cho tụi Tàu nó... bảo vệ, nó... chống Mỹ cứu nước... của nó. Mình lo toan làm gì cho gầy cái thân béo phì. Quân đội "trước hết" (và chỉ có trước chứ không có một nhiệm vụ nào khác theo sau nữa), là bảo vệ chủ trương, đường lối của đảng. Còn đảng thì còn tiền!

Mà muốn có tiền thì quân đội phải làm kinh tế. Nhưng nói kiểu "thằng" Lịch thì dân nó chửi, tụi thù địch nhăn răng xuyên tạc và đòi chấm dứt sự nghiệp bỏ súng cầm tiền của quân đội ta. Nói kiểu "thằng" Liêm thì tụi thảo khấu huy chương đầy mình kéo về tổng hành dinh và bắn cho bỏ mạng. Do đó, phải đểu rằng: "quân đội làm kinh tế phục vụ quốc phòng"!

Nói như ông tướng này thì không biết Vịt Teo nó kinh doanh, buôn bán, thu tiền từ khách hàng dân chúng sau đó nó phục vụ quốc phòng cái chỗ nào!?

Theo chiều hướng vuốt ve dư luận trong ngoài, Nguyễn Chí Vịnh đưa ra chủ trương "quân đội chỉ giữ lại những doanh nghiệp trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, đó là nhiệm vụ sản xuất trang bị vũ khí, nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ cao, nhiệm vụ thực hiện công tác chính trị - tuyên truyền, nhiệm vụ ở Biển Đông, hải đảo, biên giới…, đồng thời tham gia hoạt động kinh tế lưỡng dụng - không có doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần."

Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, phe (quân đội) địch thổi còi gióng trống, thiên hạ (nhân dân) rọi đèn, có đứa ngu nào trong phe (quân đội) ta lại tuyên bố "ta là doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần!?

Như Vịt Teo, chỉ cần thêm chùm chữ "bảo vệ an ninh viễn thông của quốc gia" là được "giữ lại" ngay. Và cứ thế - vẫn bám chặt và xuyên suốt nội dung rất đểu của đồng chí Nguyễn Chí Vịnh - thì phe ta thoải mái giữ lại toàn bộ và còn phát triển thêm nhiều, trong đó có thêm vài con vịt teo mới.

Dĩ nhiên là trong thời gian tới sẽ có giảm số lượng xí nghiệp quân đội kinh doanh bởi nếu không thì đám đồng chí nhưng không đồng bọn nó lại xuyên tạc là đồng chí thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nói láo.

Theo Vịnh thì "Bộ Quốc phòng có chủ trương thu hẹp dần, hiện nay là 88 và tới đây quyết tâm chỉ còn 17 doanh nghiệp quân đội 100% vốn nhà nước."

Như vậy thì 71 doanh nghiệp kia đóng cửa, ủi sập, đem đốt cho dân chúng xem thế pháo bông chơi cho đỡ đói? Không! Chúng sẽ được cổ phần hóa, sẽ hốt hết vốn và lời (nếu có) của nhà nước trong bao năm qua thành của riêng dưới dạng sở hữu chủ cổ đông. Doanh nghiệp nào có cơ hội làm giàu tiếp bằng uy thế của lon, huy chương và súng thì làm, không thì bán tháo, bán rẽ để hốt hụi chót.

Trong số xí nghiệp bị treo bảng phong thần sẽ là những xí nghiệp của phe "đồng chí địch", của đám tàn dư từ triều đại Nguyễn Tấn Dũng, Phùng Quang Thanh đang "tâm tư" hết biết. Nhưng những xí nghiệp này sẽ không bị đem xăng đốt cháy khơi khơi cho bỏ ghét mà sẽ sát nhập với những xí nghiệp do phe ta làm chủ. Con số thì giảm xuống 17 doanh nghiệp nhưng toàn bộ cái thây ma quân đội nhăn răng kinh doanh làm giàu nó lại phình to hơn và "vốn nhà nước" đổ vào họng của chúng cũng sẽ tràn trề hơn.

Sau cùng, Nguyễn Chí Vịnh răn đe đểu: Không thể lợi dụng danh nghĩa quân đội để trục lợi!

Dạ thưa ngài thứ trưởng con hoang của Tàu: chẳng có đứa nào "thèm" lợi dụng danh nghĩa cả. Cả đám quân đội nhăn răng đã, đang và sẽ tiếp tục công khai mang lon, chức tước, huy chương làm giàu một cách "chính thống", có bảo kê của đảng, có kết luận bỏ túi của thanh tra khi cần ăn cướp với dân, và có giấy phép lẫn bảo chứng của nhà nước đàng hoàng.

Tóm lại, quân đội phải làm ăn là "chủ trương sống còn" của đảng vịt-cộng (3) và quân đội vịt-cộng phải là những con vịt-teo bám bờ rửng mỡ là "ý chí" của vịt-tiềm-bắc-kinh. Vì vậy thái thú Nguyễn Chí Vịnh phải thò đầu ra làm quan tòa hoà giải.

Bằng tiền của nhân dân, tài nguyên của đất nước quân đội nhân dân sẽ béo phình thành quân dận nhân đôi, là quân dận nhân hai và cuối cùng, lộ hàng là một đámquân hại nhân dân.

11.07.2017

Hầu hết tướng cộng sản là tướng hèn!

Nguyên Thạch (Danlambao) - “Bác đã trả lời giản dị: Đánh thắng Đại tá phong Đại tá; đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng; thắng Trung tướng phong Trung tướng; thắng Đại tướng phong Đại tướng.”

Vậy thì, Hồ Chí Minh dưới bút hiệu là CB qua bài viết “Địa chủ ác ghê” đã bắn hạ được người "Dân" Nguyễn Thị Năm tức Cát Hạnh Long, ông Đại tá trưởng phòng an ninh điều tra đã đánh thắng người "Dân" là chủ nhân của đất nước, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thì Hồ Chí Minh cũng như Đại tá Trương Vinh Quang, côn an tỉnh Khánh Hòa phải được thăng chức "Dân" mới phải lẽ chứ...

*

Nếu nói về luật thì nước CHXHCN Việt Nam có cả rừng luật, nếu nói về tổ chức hành chánh thì VN có rất nhiều Phó, nhiều bộ cũng như rất nhiều Bộ Thứ trưởng, còn nếu nói về quân đội và côn an thì Tướng Tá lúc nhúc như giòi, nhất là tá nhiều hơn lính và tá đứng đường trông rất hoành tráng.

Hãy xem bản so sánh dưới đây để thấy rằng bộ máy hành chánh của CSVN nó cồng kềnh và “nhiêu khê” như thế nào nếu so với Tàu cộng và Hoa Kỳ.

(Tinmoi.vn) Cả nước Việt Nam hiện có 
135 thứ trưởng ở 22 bộ và cơ quan ngang bộ

Riêng về QĐND tức "Quân đội nhăn răng“ (Dân hận nhân hai hoặc Quân hại nhân dân) đa số được tuyển chọn và lên cấp dựa trên căn bản giai cấp “Bần cố nông” và lý lịch con cháu cách mạng 3 đời hay gia đình diện liệt. Nhưng điều cốt lõi nhất là quân đội phải chịu sự lãnh đạo của đảng, tức phải “Trung với đảng” là điều kiện đầu tiên, cho nên khi đã có được chức Tướng Tá thì chuyện “đầu tiên” đã đạt, đạt một cách phủ phê như nhiều bài viết ở trên trang Dân Làm Báo đã nêu ra.

Phần đông tướng CSVN hiện nay là những tay đã tham gia “cách mạng” thuộc thế hệ trước, nghĩa là vì hoàn cảnh cho nên họ thiếu căn bản về trình độ học vấn và kiến thức. Từ thiếu cơ bổn quan trọng cần thiết ấy nên đưa đến những việc làm, quyết định thiếu tri thức và khoa học là chuyện thường xảy ra trên khắp cả đất nước, đưa đến hệ quả là đất nước tụt hậu, tài nguyên bị tàn phá một cách vô ý thức, cũng như thái độ nhu nhược trước thế lực ngoại xâm Tàu cộng. Nói một cách sâu sắc hơn là hầu hết các tướng Việt cộng không có được cái nghĩa của bậc trí nhân, cái tri thức của kẻ sĩ bởi họ được đào tạo từ tư duy Duy vật biện chứng của ĐCS (Đảng Cướp Sạch).

Bạn sẽ nóng giận và sẽ có phản kháng cực mạnh ngay khi nghe ai nói một câu trên lấy làm tựa bài, nếu bạn là thành viên của quân đội hoặc đảng viên quyết chí tôn thờ đảng vì lý do còn đảng mới còn mình. Bạn cũng sẽ bất bình khi nghe câu đó nếu bạn thuộc mẩu người “theo đuôi”, tức là “bám đít” kẻ khác mà tiếng Anh gọi nôm na là “Follower”, từ phản nghĩa với “Leader”.

Ngoài số người thuộc hai dạng trên, phần đông còn lại ở trong nước sẽ nghĩ ngay là “sao tên Thạch này nói ngang như cua” vậy?. Thì đây, liệt chư vị hãy nghe tôi dẫn chứng xem rằng ai ngang như cua.

Lật lại trang sử, nhân việc “Sau chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947”, Hồ Chí Minh bấy giờ là Chủ tịch nước VNDCCH, một nhân vật lãnh đạo cao nhất đã ký sắc lệnh phong quân hàm cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Theo sắc lệnh này, đồng chí Võ Nguyên Giáp được trao quân hàm Đại tướng ngày 20/01/1948. (Chuyện chưa kể về lần phong hàm Đại tướng Võ Nguyên Giáp) (1)

“Khi sự kiện Lễ phong quân hàm cấp tướng được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, một phóng viên phương Tây hỏi Bác vì sao một lúc phong nhiều tướng, tá như vậy? Việc phong cấp này được tiến hành dựa theo những tiêu chuẩn nào? Bác đã trả lời giản dị: Đánh thắng Đại tá phong Đại tá; đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng; thắng Trung tướng phong Trung tướng; thắng Đại tướng phong Đại tướng.”

Trường và luật quân đội của nước văn minh, tiên tiến, khoa học (kể cả khoa học quốc phòng) nào trên thế giới đã có những thứ “luật” rừng rú như trên, nếu không là luật ngang như cua, thì là gì?. 

Dân gian đã "ban tặng" cho cá nhân ông Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

"Ngày xưa Đại tướng cầm quân
Ngày nay Tượng đái cầm quần chị em"

Vậy không là Tướng hèn thì là gì?.

Hồ Chí Minh dưới bút hiệu là CB qua bài viết “Địa chủ ác ghê” đã bắn hạ được người "Dân" Nguyễn Thị Năm tức Cát Hạnh Long, tên Đại tá trưởng phòng an ninh điều tra đã đánh thắng người "Dân" là chủ nhân của đất nước, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thì Hồ Chí Minh cũng như Đại tá Trương Vinh Quang, côn an tỉnh Khánh Hòa (2) phải được thăng chức "Dân" mới phải lẽ chứ.


Thạch tui vốn dân dã, là một công dân nước CHXHCNVN (Cùng Hô Xuống Hố Cả Nút), tôi kính yêu Bác, noi gương theo những điều Bác làm, nhất là việc phong Tướng Tá trong quân đội và lực lượng “Lá chắn” là đề nghị không đúng sao?.

11.07.2017



________________________

Chú thích


Quân đội là khu vực sạch nhất?

Bùi Quang Vơm (Danlambao) - Trả lời phỏng vấn VTV ngày 10/07/2017, thứ trưởng bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: “Đúng là có một số khu đất được sử dụng không đúng mục đích, thì thời gian vừa qua quân đội đã kiểm tra và xử lý rất nghiêm, thời gian tới cũng sẽ xử lý mạnh mẽ, triệt để... Mục tiêu là không để cho những sai phạm xảy ra ở một nơi sạch nhất, đó là quân đội.”

Ở đây phải hiểu đúng điều vị thứ trưởng muốn nói, một là ở cái nước này, đang không còn có chỗ nào sạch? tất cả đều bẩn, chỉ còn quân đội, nơi cũng không sạch nhưng ít bẩn nhất. Đó có vẻ là một sự thật không?

Nhìn những hình ảnh mà người ta ghi lại được như những bức ảnh chụp đại tá Phùng Quang Hải với người đẹp, người ta thấy sự hợm hĩnh phè phỡn của những tên biển thủ tài sản quốc gia, lại ngang nhiên khoe của, khoe sự giàu sang của mình. Nhìn những hình ảnh này, người ta không thể tin rằng quân đội còn sạch, ít nhất thì cái tổng công ty 319 nhiều năm là công ty riêng của cha con ông bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh không thể là một nơi sạch và nhất là những người này không thể làm giàu vì lợi ích quốc phòng.

Nếu ngay cả chỗ mà ông Vịnh cho là sạch nhất, thực ra là ít bẩn nhất, cũng làm cho người ta kinh tởm, thì cái đất nước này, cái đất đã trở thành chỗ nào cũng bẩn sau 80 năm cầm quyền và sau 35 năm “sáng suốt đổi mới” của đảng cộng sản thì cái đảng này có đáng được đem ra cho lịch sử xử tội?

Về chuyện quân đội xây dựng khu kinh doanh trong lãnh thổ sân bay Tân Sơn Nhất, ông Vịnh nói rằng: “Đây là dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng luật.” nên ông đòi “Khi ta làm dự án thì đúng luật thì khi thu hồi dự án cũng phải đúng luật”!

Phải hiểu ông định nói gì? Ông nói việc xây dựng của Quân đội không sai, vì được cấp có thẩm quyền phê chuẩn và cấp phép. Thế tại sao bây giờ xuất hiện tranh cãi về việc phải ngừng xây dựng và trả lại đất cho sân bay? Cuối cùng Quốc Hội đồng ý với quyết định của Thủ tướng ngưng xây dựng tại sân golf. Thế nghĩa là việc cấp phép của thủ tướng trước đây là sai?

Nếu Thủ tướng Dũng ký duyệt quy hoạch cho phép Quân đội làm sân golf trong khu vực cận sân bay, là Thủ tướng không tính được nhu cầu phát triển chỉ trong khoảng thời gian 10 năm? Ai dám bỏ một khoản tiền khổng lồ chỉ để kinh doanh trong 10 năm? Ai đã lập ra dự án, các luận chứng kinh tế kỹ thuật nào đã tư vấn để Thủ tướng Dũng ký quyết định phê duyệt?

Như vậy có thể thấy, nếu phát sinh vấn đề chỉ sau vài năm thực hiện dự án, thì lỗi ở tầm nhìn của Thủ tướng và chính phủ? Có thể chỉ do trình độ “có hạn” hoặc lỗi ở các căn cứ kinh tế kỹ thuật, nghĩa là lỗi ở các cơ quan tham mưu. Trình độ của các cơ quan này yếu kém hay có lý do khác? Người ta vẫn biết các dự án được duyệt bằng rất nhiều tiền ứng trước của chủ đầu tư. Và dưới quyền ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có rất nhiều dự án gây thiệt hại cho đất nước nhưng được cấp phép “đúng luật” và đúng “quy trình”, nghĩa là có rất nhiều chủ đầu tư đã phải ứng trước rất nhiều tiền cho phê duyệt?!

Nhưng ngay cả khi phía sau việc “đúng luật” này là thủ đoạn có mục đích tham nhũng của quân đội thì cái lỗi vẫn thuộc về người cấp phép, tức là người cấp cái quyền thực hành theo “đúng luật” cho quân đội. Ý ông Vịnh muốn nhắc đến trách nhiệm trực tiếp của ông Nguyễn Tấn Dũng?

Bây giờ “khi thu hồi cũng phải đúng luật”, nghĩa là gì vậy? Ông Vịnh muốn hạch vấn lại chính phủ? Chính phủ sai thì Chính phủ phải sửa sai? Luật ở chính phủ, nên cấp đúng luật mà thu hồi lại cũng sẽ đúng luật? thế nghĩa là luật đểu?! Một tay chính phủ ra luật rồi hành luật. Luật là chữ ký của người có quyền. Cứ có chữ ký của Thủ tướng thì là đúng luật, bất kể vị Thủ tướng ấy có thể hoặc ngu dốt hoặc tham nhũng hoặc vừa tham nhũng vừa ngu dốt. Và bất cứ ai, bất cứ chỗ nào cũng phải tuân thủ luật pháp, dù chỉ toàn là luật “đểu”. Và đặc biệt khi cần, chẳng hạn như vụ Đồng Tâm, Nhà nước mượn danh“thượng tôn pháp luật” để dùng luật “đểu” trừng trị những người dân đen.

Ông Vịnh muốn nói rằng ở cái Nhà nước này, hai cái quyết định ngược nhau đều là “đúng luật”cả?!

Nhưng mà thu hồi như thế nào để là “đúng luật”? Ông Vịnh nói là khi thu hồi phải:“tính đến quyền lợi Nhà nước, quyền lợi của địa phương, lợi ích của quân đội và cả lợi ích chính đáng của doanh nghiệp”.

Ông ghép Nhà nước và địa phương vào, nhưng thực chất chỉ để nhấn mạnh “lợi ích quân đội và lợi ích ‘chính đáng’ của doanh nghiệp”. Vậy lợi ích của Quân đội là gì, và thế nào là lợi ích chính đáng của doanh nghiệp?

157 ha đất sân golf, 1570000m2 đất với giá thị trường 10 triệu đ/m2 sẽ là một khoản vốn bằng 15.700 tỷ đồng, bằng 785 triệu USD, tiền này không phải của Quân đội, không phải là tiền vốn của doanh nghiệp. Bộ máy và lao động của doanh nghiệp là sĩ quan và lính nghĩa vụ, được ngân sách trả lương, thiết bị máy móc được ngân sách chi trả v.v... nhưng khi đưa các tài sản quốc gia này vào kinh doanh thì đồng tiền sinh lời ra là tiền mà ông Vịnh cho là doanh nghiệp được quyền “chia chác” chính đáng? “chia” ở đây là chia cho cấp trên và chia cho nhau. Có hàng nghìn khoản chi không có sổ sách. Có hàng trăm khoản chia nhau chỉ để giấu lợi nhuận. Nhưng nếu có “chia” quá tay, thì lập tức thành “lỗ” và ngân sách phải bù, vì “an ninh quốc phòng”.

Báo Quân đội ngày 6/07 đã tổ chức một cuộc tọa đàm chỉ ba ngày sau ý kiến của Thủ tướng về việc ngưng làm kinh tế của Quân đội. Tọa đàm viện dẫn lời của cựu bộ trưởng Phạm Văn Trà, cựu phó thủ tướng Vũ Khoan, Trung tướng Trần Đơn... bảo vệ quan điểm Quân đội tham gia làm kinh tế. Người ta có cảm giác Quân đội đang dàn binh chống lại chính phủ, chống lại cá nhân ông Nguyễn Xuân Phúc và những tướng tá vào hùa với Thủ tướng.

Thượng tướng Tham mưu trưởng Phan Văn Giang từ đầu không hề xuất hiện. Thượng tướng Lương Cường chủ nhiệm Tổng cục chính trị cũng im tiếng. Thiếu tướng Phạm Xuân Huấn tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân chủ trì cuộc tọa đàm, nhưng chắc sáng kiến không phải của ông này và cũng không do ông tự ý.

Nhưng những ý kiến gần nhất cho thấy mâu thuẫn đó có vẻ được dỡ bỏ. Không ai bác bỏ ý nghĩa có tính nguyên tắc về việc Quân đội tự đảm nhận các lĩnh vực kinh tế quốc phòng, nhưng cũng không ai chấp nhận Quân đội tham gia kinh doanh như một thành phần của nền kinh tế.

Chỉ bởi vì quân đội làm kinh tế nhằm mục đích tăng cường khả năng đảm bảo quốc phòng, không nhằm vào mục tiêu lợi nhuận. Như vậy, mọi hình thức kinh doanh không hướng tới mục tiêu quốc phòng đều phải dẹp bỏ bằng cách thoái vốn hoàn toàn. Các loại Giám đốc - Đại tá không được đào tạo quân sự và không đủ kiến thức sẽ không được phép mang quân hàm, bị buộc phải giải ngũ.

Gọi là cải thiện và nâng cao mức sống của binh lính và sĩ quan, nhưng chỉ với những đơn vị làm kinh tế, những đơn vị khác vẫn chỉ chờ đồng lương đói khát từ ngân sách, nhìn những đơn vị làm kinh tế với con mắt thèm khát, ganh ghét hằn học, và tìm mọi cách để cũng làm kinh tế.

Quân đội có 21 tập đoàn và tổng công ty làm kinh tế, nghĩa là có 21 đơn vị bao gồm 27 vị tướng tá phụ trách và vài trăm sĩ quan thuộc cấp, ngoài tiền lương như các đơn vị chuyên quân sự còn được hưởng các khoản thu nhập khác nhiều khi gấp hàng trăm lần tiền lương. Vì vậy có hiện tượng, tướng làm kinh tế giàu gấp nhiều so với các tướng làm quân sự. Những thu nhập bên ngoài thang bậc chính thống là nguồn gốc kích thích thèm khát hưởng thụ, một mặt tha hóa đạo đức sĩ quan, một mặt gây ganh ghét và chia rẽ trong lòng các tổ chức quân đội, làm mất sức chiến đấu, mất khả năng sẵn sàng và hủy hoại đức hy sinh quên mình cần có của quân đội.

Tướng Vịnh nói thêm: “Quân đội chúng ta trước đây lúc nhiều nhất có 305 doanh nghiệp, vừa qua rút xuống còn 88. Trong đề án Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ, tới đây chỉ còn 17 doanh nghiệp”

Trong xu thế chung đến 2025 sẽ chỉ còn khoảng 110 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thì con số 17 doanh nghiệp quân đội cũng là hợp lý. Nhưng việc dẹp được những tướng tá đại gia giàu có không hề dễ. Chẳng thế mà, thực chất ông Phùng Quang Thanh mất chức Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 6 năm 2015, nhưng mãi tới 24/11/2016, Bộ Quốc phòng mới ép được Phùng Quang Hải bàn giao chức danh chủ tịch Hội đồng quản trị 319 cho người khác.

Để dẹp được 70 cái ổ tham nhũng còn lại vừa có tiền vừa có vũ khí, sẵn sàng thuê cả đàn côn đồ thí mạng, hoàn toàn không phải là chuyện dễ.

Đấy là chuyện của nơi sạch nhất của cả nước.

11/07/2017

Có tật giật mình

Trần Gia Phụng (Danlambao) - Cuối cùng, sách Một cơn gió bụi tuy bị đảng CS cấm lưu hành, nhưng đảng CS không thể ngăn được gió, nên chẳng ngừa được bụi. Ngược lại Một cơn gió bụi là làn gió văn hóa tung bay rộng rãi khắp nơi, kể cả ở hải ngoại. Điều đặc biệt là chính trong cơn gió bụi “mờ mịt thức mây” nầy, dân chúng càng nhận ra rõ ràng hơn nữa chân tướng du côn của giới lãnh đạo CS phản dân hại nước, từ Hồ Chí Minh cho đến Nguyễn Phú Trọng ngày nay.

*

Một cơn gió bụi là hồi ký của Trần Trọng Kim (1883-1953), viết về đời ông khoảng thời gian 1942-1948, do nhà xuất bản Vĩnh Sơn ở Sài Gòn ấn hành năm 1969, dày 182 trang. Đầu năm 2017, nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Phương Nam Books ở Hà Nội in lại lần nữa sau khi đã “biên tập” kỹ càng.

“Biên tập” là chữ của các nhà xuất bản trong nước để chỉ công việc nhà xuất bản tự ý sửa đổi, gạch bỏ, cắt xén những đoạn văn trong nguyên bản của các tác giả, mà nhà xuất bản cho là không phù hợp với chủ trương chính sách của đảng cộng sản (CS). Tác giả các sách không được tham khảo ý kiến về việc biên tập, tức việc sửa đổi hay gạch bỏ nầy. Truyện Kiều mà CS còn sửa đổi hay bỏ bớt, thì sách Trần Trọng Kim, CS sợ gì mà không sửa đổi? 

Điều đáng nói là dầu sách Một cơn gió bụi đã được nhà xuất bản biên tập cẩn thận, nhưng vừa in ra và phát hành, vẫn bị nhà cầm quyền CS ra lệnh thu hồi ngay. Lý do thu hồi do viên Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết như sau: “Nhà xuất bản Hội Nhà văn đăng ký xuất bản đề tài “Một cơn gió bụi” với thể loại là thơ văn nhưng nội dung cuốn sách khi xuất bản không đúng thể loại và tóm tắt nội dung như đăng ký”.

Trước khi ấn hành, chắc chắn nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Phương Nam Books phải xin phép Cục Xuất bản, In và Phát hành. Cũng chắc chắn chỉ cần đọc tựa đề sách là Một cơn gió bụi và tên tác giả là Trần Trọng Kim, thì ban giám đốc Cục Xuất bản, In và Phát hành dư biết Trần Trọng Kim là ai, và nội dung sách nầy là gì?

Thế mà Cục Xuất bản, In và Phát hành vẫn để cho in, rồi mới đột ngột thu hồi nên dư luận chú ý, bàn tán xôn xao cuộc sập bẫy ngoạn mục nầy. Viên cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành biện minh quanh co cho quyết định thu hồi. Dù y nói cho lắm, lý do chính có lẽ chỉ vì sách Một cơn gió bụi trình thuật những hoạt động của Trần Trọng Kim, bao gồm cả giai đoạn sau khi Trần Trọng Kim từ chức thủ tướng tháng 8-1945, tức giai đoạn CS cướp chính quyền và thành lập nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9-1945. Vì vậy sách nầy có nhiều đoạn đề cập đến đảng CS và lãnh tụ sáng lập của đảng CS là Hồ Chí Minh (HCM), mà theo CS “có nhiều chi tiết, đánh giá không phù hợp, không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng”. 

Ai cũng biết Một cơn gió bụi là hồi ký chính trị của một học giả rất nổi tiếng vào nửa đầu thế kỷ 20, đã từng giữ chức thủ tướng Việt Nam đầu tiên sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9-3-1945. Sách được phổ biến rộng rãi trên báo chí, đã được in ở Sài Gòn năm 1969, và hiện được nhiều trang web đưa lên Internet ở hải ngoại, nên dầu sách đã bị nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Phương Nam Books biên tập cẩn thận, gạch bỏ, cắt xén, sửa đổi những đoạn “phạm húy” trong sách, nhưng đảng CS “có tật giật mình”, vẫn lo ngại người đọc đi tìm nguyên bản trên Internet để đọc cho đầy đủ, thì thật là bất lợi cho chế độ, nên đảng CS liền ra lệnh thu hồi ngay. 

Dưới đây xin trích dẫn nguyên văn vài đoạn tiêu biểu trong sách Một cơn gió bụitheo đó Trần Trọng Kim thuật lại những điều tai nghe mắt thấy về hoạt động của đảng CS trong giai đoạn năm 1944-1946 mà CS cho rằng “không phù hợp, không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng”. (Chú ý: Ở đây trích dẫn cả một đoạn, chứ không trích dẫn một vài chữ hay một câu làm thay đổi ý nghĩa nguyên văn trong sách.)

1. Trích đoạn 1: Nguyễn Ái Quốc (tức HCM), với tư cách là thành viên của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Cách, được sự đồng ý và giúp đỡ của tướng Tiêu Văn (Trung Hoa Quốc Dân Đảng), đem 22 cán bộ, rời Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Hoa) ngày 8-9-1944, về tới Pắc Bó (thuộc châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam) vào gần cuối tháng đó. Sau đây là nguyên văn đoạn do Trần Trọng Kim thuật lại về việc nầy trong Một cơn gió bụi trang 75, bản in của Nxb. Vĩnh Sơn năm 1969:

“Trong số 22 người ấy có một nữ đảng viên tên là Đỗ Thị Lạc là người sau có đứa con gái với Hồ Chí Minh. Về sau, thấy người ta nói khi về đến địa hạt Bắc Giang có ba đảng viên trong 22 người ấy bị giết vì không chịu theo cộng sản.”

Trong một đoạn ngắn mà có hai sự kiện quan trọng về cộng sản: 1) Hồ Chí Minh có một đứa con gái với bà Đỗ Thị Lạc. Điều nầy hoàn toàn trái ngược với tuyên truyền của đảng CSVN. Theo tài liệu do chính HCM đưa ra dưới tên Trần Dân Tiên và của đảng CS, thì HCM sống độc thân, không có vợ con, hy sinh bản thân cho cách mạng. Thế mà Trần Trọng Kim lại tiết lộ là HCM có một con gái với Đỗ Thị Lạc. Bây giờ không ai biết người con gái nầy ở đâu? 2) Sự kiện thứ hai trong đoạn trích dẫn trên là ba đảng viên Việt Cách bị giết vì không chịu theo CS. Tiết lộ nầy là một minh chứng cho chủ trương của HCM và đảng CSVN, tiêu diệt tất cả những người bất đồng chính kiến. Đây là kế hoạch tiêu diệt tiềm lực do HCM đưa ra từ khi đảng CS mới thành lập cho đến ngày nay. Vì vậy Việt Nam không có nhân tài xuất hiện để lãnh đạo lực lượng đối kháng lật đổ chế độ CS. Đây là hồi chuông báo động cho những ai muốn cộng tác hay hòa giải hòa hợp với CS. Dại dột mà nghe lời CS, mời đối thoại hay mời hợp tác, thì sẽ bị sập bẫy khi nào không biết; nếu không mất mạng như ba người trên thì cũng thân bại danh liệt, chỉ còn cách bỏ của chạy lấy người mà thôi. Mấy ông Việt kiều yêu nước, hãy coi chừng đấy!

2. Trích đoạn 2: Hồ Chí Minh và đảng CS cướp chính quyền, lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9-1945. Chính phủ nầy bị phản đối nên HCM phải cải tổ, quay qua lập chính phủ liên hiệp ngày 1-1-1946 và tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến ngày 6-1-1946. Sử gia Trần Trọng Kim mô tả cuộc bầu cử nầy như sau:

“Khi ấy tôi đã về Hà Nội rồi, thấy cuộc tuyển cử rất kỳ cục. Mỗi chỗ để bỏ phiếu, có một người của Việt Minh trông coi, họ gọi hết cả đàn ông, đàn bà đến bỏ phiếu, ai không biết chữ thì hô viết thay cho. Việt Minh đưa ra những bản kê tên những người họ đã định trước, rồi đọc những tên ấy lên và hỏi anh hay chị bầu cho ai? Người nào vô ý bầu cho một người nào khác, thì họ quát lên: “Sao không bầu cho những người này, có phải phản đối không?” Người kia sợ mất vía nói: “Anh bảo tôi bầu cho ai, tôi sẽ bầu cho người ấy.” Cách cưỡng bách ra mặt như thế, lẽ dĩ nhiên những người Việt Minh đưa ra được đến tám chín mươi phần trăm số người đi bầu.” (Lệ Thần Trần Trọng Kim, sđd. tt. 103-104.)

Cách bầu cử mà cụ Trần Trọng Kim lịch sự gọi là “kỳ cục” trên đây năm 1946, chẳng qua là bầu cử gian lận. Cộng sản luôn luôn tổ chức bầu cử gian lận có hệ thống, có phương pháp. Phương pháp gian lận bầu của của cộng sản ngày nay tân tiến hơn, kỳ diệu hơn. Ngày nay, trong mỗi cuộc bầu cử, để cho cử tri khỏi mất thời giờ chọn lựa, hoặc chọn lựa không đúng ý đảng CS, Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức ngoại vi của đảng CS, tuyển lựa người trước và lập sẵn danh sách ứng cử viên. Cử tri chỉ bầu những ứng cử viên đã được CS tuyển lựa. Như thế ai đắc cử cũng là gà nòi của đảng CS, bảo đảm chất lượng đỏ 100%. 

3. Trích đoạn 3: Sau cuộc bầu cử ngày 6-1-1946, HCM thành lập chính phủ Liên hiệp Kháng chiến ngày 2-3-1946. Ngoài HCM (chủ tịch) và những đảng viên CS, chính phủ liên hiệp còn có: cựu hoàng Bảo Đại (cố vấn tối cao), Nguyễn Hải Thần (phó chủ tịch), Huỳnh Thúc Kháng (bộ trưởng nội vụ), Nguyễn Tường Tam (bộ trưởng Ngoại giao)… Trần Trọng Kim kể về hoạt động của chính phủ nầy như sau: 

“Khi tôi còn ở Hà Nội, cụ Huỳnh Thúc Kháng ra nhận chức bộ trưởng bộ nội vụ, có đến thăm tôi. Ngồi nói chuyện, tôi hỏi: “Cụ nay đứng đầu một bộ rất quan trọng trong chính phủ, chắc là bận việc lắm”. Cụ Huỳnh nói: “Bây giờ, việc gì cũng do địa phương tự trị cả, thành ra không có việc gì mấy, và khi có việc gì, thì họ làm sẵn xong cả rồi, tôi chỉ có vài chữ ký mà thôi”. Những khi có hội đồng chính phủ thì bàn định những gì? “Cũng chưa thấy có việc gì, thường thì họ đem những việc họ đã làm, rồi nói cho chúng tôi biết”. Xem như thế thì các ông bộ trưởng chỉ đứng để làm vì mà thôi, chứ không có quyết định gì cả. Có người hỏi ông Nguyễn Tường Tam rằng: “Khi ông nhận chức bộ trưởng bộ ngoại giao, ông thấy có việc gì quan trọng lắm không?” Ông trả lời: “Tất cả giấy má trong bộ ngoại giao của cụ Hồ giao lại cho tôi, tôi chỉ thấy có ba lá đơn của mấy người sĩ quan Tàu nhờ tìm cho mấy cái nhà, và tìm cái ví đựng tiền bị kẻ cắp lấy mất”. Câu chuyện có thể là ông Tam nói khôi hài, nhưng đủ rõ việc các ông bộ trưởng không có gì. Tôi đem câu chuyện đó nói ra đây để chứng thực là các bộ trưởng chỉ giữ hư vị chứ không có thực quyền. Cái thực quyền trong chính phủ lúc ấy là ở mấy người như ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và ở tổng bộ cộng sản điều khiển hết cả.” (Lệ Thần Trần Trọng Kim, sđd. tr. 110.)

Hoạt động của nhà cầm quyền CS năm 1946 được Trần Trọng Kim trình bày trên đây, sao mà “hiện thực” như ngày nay quá. Bảy chục năm sau mà cũng chẳng khác gì cả, cũng y chang như ngày xưa. Ngày nay ai cũng thấy rõ, đảng CSVN chỉ định sẵn trước các chức vụ, từ chủ tịch nhà nước, chủ tịch chính phủ, chủ tịch quốc hội, bộ trưởng… rồi đưa qua quốc hội thi hành. Quốc hội chỉ có việc hoan hô là xong việc. Còn viên tổng bí thư đảng CS Nguyễn Phú Trọng vỗ tay bảo rằng dân chủ đến thế là cùng. “Các ông bộ trưởng chỉ đứng để làm vì mà thôi, chứ không có quyết định gì cả ... Các bộ trưởng chỉ giữ hư vị chứ không có thực quyền…” Câu viết cách đây bảy chục năm mà vẫn còn đúng quá. 

Dầu vậy, đọc thêm đoạn sau đây của cụ Trần Trọng Kim, mọi người mới thấy rõ hơn nữa chân tướng bản chất của giới lãnh đạo CS, thời nào cũng giống nhau. Số là vào tháng 3-1946, cựu hoàng Bảo Đại được HCM cử làm cố vấn phái đoàn sang thăm hữu nghị chính phủ Tưởng Giới Thạch. Trên đường về, tháng 4-1946, theo lệnh HCM, phái đoàn Việt Minh bỏ rơi cựu hoàng Bảo Đại ở lại Côn Minh một mình. Vì tiếng tăm của Bảo Đại, nên HCM không thủ tiêu Bảo Đại như ba người kể trên. Việc nầy được Trần Trọng Kim thuật lại trong Một cơn gió bụi, sách đã dẫn trang 121. Thời đó chưa có các loại thuốc đầu độc nguy hiểm, vì nếu có, CS có thể giúp Bảo Đại sớm tiêu diêu miền cực lạc như Nguyễn Bá Thanh sau nầy.

Ở lại Côn Minh một mình, cựu hoàng Bảo Đại qua sinh sống ở Hồng Kông. Trần Trọng Kim cũng tìm cách trốn khỏi chế độ CS, rồi cũng đến Hồng Kông. Tháng 8-1947, Trần Trọng Kim gặp cựu hoàng Bảo Đại. Lời đầu tiên Bảo Đại nói với Trần Trọng Kim là: “Chúng mình già trẻ mắc lừa bọn du côn.” (Trần Trọng Kim, sđd. tr. 146.) Bọn du côn ở đây là ai, nếu không phải là tập đoàn HCM, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng…

Lời nói ngắn gọn của cựu hoàng Bảo Đại được Trần Trọng Kim ghi lại nguyên văn, diễn tả thật đúng tác phong, bản chất của HCM và mấy tên cầm đầu đảng CS. Điểm đặc biệt là giới cầm đầu đảng CS tuy không xuất thân cùng một gia đình, mà là con cháu của nhiều dòng họ khác nhau, nhiều thế hệ khác nhau, nhưng một khi đã vào đảng CS, cũng đều học thói du côn và tiêm nhiễm máu du côn, côn đồ như nhau. Không du côn, không côn đồ thì không thể trở thành đầu nậu lũ du côn, côn đồ trong đảng CS. 

Máu du côn trong băng đảng cán bộ dưới quyền Nguyễn Phú Trọng hiện nay thật là cao độ, chuyên tham ô, nhũng lạm, chuyên cướp đất, cướp nhà, cướp vườn tược, tài sản của dân chúng, khiến dân chúng uất ức, khiếu kiện hà rầm quanh năm suốt tháng trên toàn quốc. 

Băng đảng CS du côn liền dùng công an, côn đồ, du côn, du thủ du thực, “đầu trâu mặt ngựa”, đàn áp đồng bào, gây thảm cảnh “tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây”, như Nguyễn Du mô tả trong truyện Kiều. Cộng sản bán nước còn dùng bọn du côn, côn đồ đàn áp, đánh đập giết hại luôn cả những người yêu nước, đòi hỏi dân chủ tự do và chống lại lũ bá quyền xâm lược Bắc Kinh. Chỉ có du côn mới tiêu diệt lòng yêu nước của dân chúng, để bán nước cho ngoại bang.

Tóm lại, chỉ cần trích dẫn vài đoạn trên đây cũng thấy rõ lý do rất đơn giản, khiến băng đảng du côn CS trong nước cấm phát hành Một cơn gió bụi của Trần Trọng Kim. Tục ngữ dân gian đã nhắc nhở “có tật giật mình”, thật chẳng sai tý nào. Nếu CS không ra lệnh cấm sách Một cơn gió bụi, mới là điều đáng ngạc nhiên. 

Tuy nhiên tâm lý con người thường rất lạ lùng. Cái gì càng bị cấm thì người ta càng tò mò, càng muốn tìm hiểu. Vì vậy, CS cấm phát hành sách Một cơn gió bụi, là một cách quảng cáo không công rộng rãi cho sách nầy. Dân chúng nghe sách bị cấm thì càng muốn biết sách nầy có gì đặc biệt mà CS lại cấm? Thế là càng có nhiều người, nhất là giới thanh niên, sinh viên là những người luôn luôn muốn tìm tòi, học hỏi, tò mò vào Internet, tìm đọc nguyên bản Một cơn gió bụi, để biết rõ tình hình lịch sử đất nước giai đoạn 1945 có gì lạ mà CS lại cấm? 

Vì vậy, ở đây nên ghi nhận sáng kiến của nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Phương Nam Books về việc in lại sách Một cơn gió bụi của Trần Trọng Kim. Dầu sách không đến tay độc giả, sáng kiến của nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Phương Nam Books đã làm sống lại một quyển sách xưa rất gía trị, gợi trí tò mò cho độc giả trong nước tìm đọc, nhất là những nhà tranh đấu dân chủ nghiên cứu và học hỏi tác phẩm của Trần Trọng Kim. 

Cuối cùng, sách Một cơn gió bụi tuy bị đảng CS cấm lưu hành, nhưng đảng CS không thể ngăn được gió, nên chẳng ngừa được bụi. Ngược lại Một cơn gió bụi là làn gió văn hóa tung bay rộng rãi khắp nơi, kể cả ở hải ngoại. Điều đặc biệt là chính trong cơn gió bụi “mờ mịt thức mây” nầy, dân chúng càng nhận ra rõ ràng hơn nữa chân tướng du côn của giới lãnh đạo CS phản dân hại nước, từ Hồ Chí Minh cho đến Nguyễn Phú Trọng ngày nay.

(San Jose, 9-7-2017)