Thursday, July 19, 2018

HRW đề nghị VN hủy bỏ cáo trạng đối với công dân Mỹ Will Nguyễn

 VOA Tiếng Việt/19/07/2018
Will Nguyá»…n. Facebook Will Nguyen

Will Nguyễn. Facebook Will Nguyen

Hôm 19/7, Tổ chức Theo dõi nhân quyền ra thông cáo yêu cầu Việt Nam hủy bỏ các cáo buộc hình sự và phóng thích công dân Hoa Kỳ Will Nguyễn và những người Việt Nam khác bị bắt giữ vì tham gia biểu tình ôn hòa ở thành phố Hồ Chí Minh vào tháng trước.
Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) ra thông cáo một ngày trước khi chính quyền Việt Nam xét xử Will Nguyễn về tội danh “gây rối trật tự công cộng” theo điều 318 Bộ luật hình sự, dự kiến diễn ra vào ngày 20/7. Nếu bị xử có tội, thanh niên Mỹ gốc Việt 32 tuổi này sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 7 năm tù.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của HRW nói trong bản thông cáo: ““William Nguyễn và những người khác phải đối mặt với một phiên xử không công bằng và mức án nặng nề trước tòa án do Đảng Cộng sản kiểm soát chỉ vì đã thực thi quyền biểu tình ôn hòa và tự do biểu đạt.”
Ông Phil Robertson đề nghị: “Nhà cầm quyền Việt Nam cần lập tức hủy bỏ các cáo buộc hình sự, trả tự do cho anh và những người biểu tình ôn hòa bị bắt khác, và tôn trọng các quyền con người cơ bản Việt Nam đã cam kết bảo đảm.”

Will Nguyễn tham gia biểu tình ngày 10/6/2018.
Will Nguyễn tham gia biểu tình ngày 10/6/2018.
HRW nói thêm rằng các đoạn video ghi hình ngày 10/6 cho thấy hình ảnh những người đàn ông mặc thường phục và đeo khẩu trang, mà người xem tin là công an mặc thường phục, đã khống chế Will Nguyễn bằng vũ lực và kéo lê anh ra khỏi chỗ biểu tình. “Đầu anh đầy máu.
“Một số người biểu tình khác cho biết họ bị an ninh mặc thường phục đánh đập trong các cuộc biểu tình,” thông cáo có đoạn.

Will Nguyễn được cho là bị kéo le trong cuộc biểu tình.
Will Nguyễn được cho là bị kéo le trong cuộc biểu tình.
Tuy nhiên, vào ngày 14/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố rằng “không có chuyện chính quyền sử dụng vũ lực với Will Nguyễn.”
Nhận định về việc Will Nguyễn “nhận tội trên truyền hình” một tuần sau khi bị bắt, ông Robertson nói: “Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rất quan ngại rằng lời tuyên bố trên truyền thông của Will Nguyễn là sự vi phạm quyền được có trình tự pháp lý thích hợp và có thể do ép buộc. Việc đưa ‘lời thú tội’ lên truyền hình kiểu này là một chiến thuật đáng xấu hổ mà các chính quyền áp bức thường sử dụng để hăm dọa, dập tắt các tiếng nói phê phán, đồng thời trưng bày sự bất chấp không đếm xỉa đến các quyền cơ bản của con người.”
Việt Nam không có bộ luật cụ thể về biểu tình nên chính quyền vận dụng những quy định pháp luật khác để truy tố những người biểu tình ôn hòa. Chính quyền Việt Nam tỏ ra đặc biệt nhạy cảm về vấn đề này khi vừa trừng phạt thẳng tay báo Tuổi Trẻ Online vì đã đưa tin về nhu cầu cần có luật biểu tình, HRW nói hôm 19/7.

Báo Pháp Luật ngày 19/7 nói rằng tòa án thành phố Hồ Chí Minh sẽ triệu tập nhiều nhân chứng tại phiên xử vụ Will Nguyễn vào ngày 20/7.
Theo trang Free Will Nguyễn, các viên chức lãnh sự Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh đã đến trại giam thăm Will lần thứ ba vào ngày 13/7, khi ấy Will gửi thông điệp: "Xin nhắn mọi người rằng tôi vẫn ổn và cảm ơn sự ủng hộ của mọi người dành cho tôi."
Khi được thông báo rằng gia đình sẽ được phép tham dự phiên tòa ngày 20/7, dân biểu Hoa Kỳ bang Texas Al Green nói với đài truyền hình Fox 26 rằng: "Đây là một điều bất thường và là chỉ dấu cho thấy chính quyền (Việt Nam) hiểu được tầm quan trọng của vụ án này."
Biểu tình tại Công Viên Hoàng Văn Thụ, Sài Gòn. (Hình: FB Kim Bảo Thư)
Biểu tình tại Công Viên Hoàng Văn Thụ, Sài Gòn. (Hình: FB Kim Bảo Thư)
Trước đó vào hôm 14/7, gia đình của nam thanh niên Mỹ đã đến Singapre dự lễ tốt nghiệp của sinh viên cao học Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu.
Blogger Lê Nguyễn Hương Trà viết trên Facebook: "Có thể thấy, trường hợp Will Nguyen được rất nhiều quan tâm của dư luận trong, ngoài nước và đặc biệt là giới truyền thông quốc tế. Do đó, phiên xử “gây rối trật tự công cộng” tại TAND Tp.HCM ngày mai 20.7 sẽ được tăng cường, thắt chặt an ninh!

Bệnh viện Ba Vì ‘lừa’ gia đình để hoán đổi trẻ trao nhầm 6 năm trước?

Khánh An-VOA/19/07/2018 
Chị Vũ Thị Hương (ngoài cùng, bên trái) và gia đình anh Phùng Giang Sơn chụp ảnh với hai cháu bé sau buổi trao nhận con 19/7/2018, dưới sự chứng kiến của các cơ quan chức năng.
Chị Vũ Thị Hương (ngoài cùng, bên trái) và gia đình anh Phùng Giang Sơn chụp ảnh với hai cháu bé sau buổi trao nhận con 19/7/2018, dưới sự chứng kiến của các cơ quan chức năng.
Một trong hai gia đình bị Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, Hà Nội, trao nhầm con 6 năm trước bức xúc nói với VOA vào tối 19/7 rằng họ đã bị bệnh viện “lừa” để thực hiện việc hoán đổi trong buổi sáng cùng ngày, đúng theo chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là “phải giải quyết vụ việc trước ngày 20/7”.
Chị Vũ Thị Hương, mẹ của một trong hai đứa trẻ bị trao nhầm với gia đình anh Phùng Giang Sơn, cho VOA biết buổi trao nhận con đã không diễn ra với sự “thống nhất”, “thỏa thuận” và trong “niềm vui” như báo chí mô tả.
Chị Hương nói với VOA: “Em không hề biết hôm nay là ngày trao con cả. Bệnh viện lừa em, bảo em hôm nay xuống chỉ là thỏa thuận ba bên và cứ mang giấy tờ xuống để phía bệnh viện ghi mã số khai sinh thôi. Em cũng đồng ý và vẫn theo quy trình của pháp luật. Em cứ nghĩ hôm nay là chỉ có 3 bên thôi. Em không ngờ lại có báo, phóng viên ở đó hết, em mới bảo là chắc chắn có vấn đề gì đây rồi. Em khóc, không nói được gì nữa. Thôi thì bây giờ chắc em phải chấp nhận theo số phận thôi. Em chỉ nghĩ là để cho em lấy đồ đạc cho con…”
Trả lời về cáo buộc này, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của Bệnh viện Ba Vì, nói với VOA rằng tối 18/9 các bên mới thống nhất được cuộc họp, và khẳng định “Tôi đã nói với chị ấy rồi, là nếu hôm nay cuộc họp thống nhất được thì trao luôn. Mọi diễn biến sẽ tùy thuộc vào cuộc họp. Nhưng cũng may là cuộc họp hôm nay rất thuận lợi”.
Tuy nhiên, chị Vũ Thị Hương vẫn tái khẳng định “Họ chỉ nói là đến để làm thủ tục pháp lý thôi”.
Báo chí mô tả chị Hương "nhiều lần rơi nước mắt " trong buổi trao nhận con.
Báo chí mô tả chị Hương "nhiều lần rơi nước mắt " trong buổi trao nhận con.
Như thông tin đã đưa, anh Phùng Giang Sơn, người bị trao nhầm con với chị Vũ Thị Hương, ngày 17/7 tiết lộ với VOA rằng buổi trao nhận con của hai gia đình sẽ diễn ra tại bệnh viện vào sáng 19/9, và mỗi gia đình sẽ được bồi thường 150 triệu đồng.
“Trước mắt là làm các thủ tục hành chính, và bồi thường sẽ là giấu kín. Trao nhận xong thì sẽ có họp báo. Họ cũng yêu cầu không có nhà báo nhưng theo ý em thì mình làm gì nên công khai. Mình đâu có ăn cắp ăn trộm đâu mà phải giấu giếm”, anh Sơn nói.
Trong khi đó, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, ông Nguyễn Quốc Hùng, lại trả lời VOA rằng bệnh viện “không bồi thường”, “chỉ hỗ trợ” và “cơ bản các cháu về gia đình là được”.
“Chúng tôi đã gặp gỡ gia đình và thống nhất việc trao con cho các gia đình rồi. Có gì đâu”, ông Hùng cho biết vào ngày 17/9.
Chị Vũ Thị Hương cho biết mong muốn duy nhất của chị là thỉnh thoảng được gặp gỡ bé Nhật Minh, đứa trẻ chị đã nuôi nấng và yêu thương suốt 6 năm, để giúp bé dần dần hòa nhập với cuộc sống trong gia đình mới.
Vụ trao nhầm con xảy ra 6 năm trước đã gây chấn động dư luận tuần qua, sau khi anh Phùng Giang Sơn gửi đơn kiến nghị đến Bộ Y tế và thông tin cho báo chí nhờ can thiệp để nhận lại con.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung sau đó yêu cầu Sở Y tế Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Ba Vì giải quyết vụ việc trước ngày 20/7.

'Bắc Kỳ cai trị Nam Kỳ,' hay Tuổi Trẻ bị 'cắn trộm'?

Theo VOA-Phạm Chí Dũng/18/07/2018 
Báo Tuổi Trẻ Online tạm biệt bạn đọc trong 3 tháng.
Báo Tuổi Trẻ Online tạm biệt bạn đọc trong 3 tháng.
Ngay cả vào thời ‘sát thủ báo chí’ Trương Minh Tuấn làm mưa làm gió và tiến hành một chiến dịch ‘khủng bố’ đối với báo chí nhà nước vào nửa cuối năm 2016, một tờ báo lớn như Thanh Niên - dù bị sai phạm quá rõ về việc đã ‘ăn chịu’ khi đăng hàng loạt bài giúp cho các đại gia nước mắm ‘đánh’ nước mắm truyền thống của giai tầng nông dân, vẫn không bị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) áp dụng hình thức kỷ luật đình bản.
Tuổi Trẻ Online = Petrotimes
Vụ Bộ TT-TT thi hành mức độ kỷ luật đình bản 3 tháng đối với Tuổi Trẻ Online - một phiên bản thuộc Tuổi Trẻ là một trong những tờ báo có uy tín và có lượng độc giả lớn nhất ở Việt Nam - vào tháng Bảy năm 2018 chỉ có thể so sánh với vụ đình bản 3 tháng đối với trang báo điện tử Petrotimes của đại tá công an Nguyễn Như Phong vào tháng Mười năm 2018, do ông Phong đăng lại một bài phỏng vấn của một blogger bị chính quyền coi là ‘cực kỳ phản động’ là Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió).
Trong cách nhìn riêng của Cục Báo chí thuộc Bộ TT-TT, Tuổi Trẻ Online đã “có hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết có tựa 'Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình’ trên báo vào ngày 19/6/2018, và thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài viết 'Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?’ ngày 26/5/2017”.
Nhưng về nội dung, bài viết 'Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?’ trên Tuổi Trẻ Online lại hoàn toàn không có bất kỳ chi tiết nào mà có thể bị quy chụp lại ‘gây mất đoàn kết dân tộc’.
Trong khi quyết định kỷ luật Tuổi Trẻ Online do Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc ký không nêu dẫn chứng cụ thể về tại sao ‘gây mất đoàn kết dân tộc’, một facebooker là Lê Nguyễn Hương Trà đã cho biết có một nội dung trong phần bình luận của bạn đọc trên Tuổi Trẻ dưới bài “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây” bị đánh giá là chống phá chính quyền, đã được chụp lại với nội dung ‘Nam Kỳ đang bị bọn Bắc kỳ ngu dốt cai trị”.
Trong những năm gần đây, đặc biệt từ lúc viên thủ tướng muốn ‘trở về làm người tử tế’ là Nguyễn Tấn Dũng thốt lên câu ‘không thể cấm được facebook đâu các đồng chí à!’ trong hoạt cảnh ‘toàn đảng, toàn quân và toàn dân lập thành tích chào mừng đại hội 12’ vào gần cuối năm 2015, rất nhiều phản hồi bày tỏ bức xúc, phẫn uất và công khai chỉ trích nhiều chính sách của ‘đảng và nhà nước ta’ đã thể hiện ngay trên một số tờ báo nhà nước, nhưng chủ yếu chỉ bị Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ TT-TT ‘nhắc nhở’ chứ những tờ báo này ít khi bị kỷ luật hay phạt tiền.
Phản hồi ‘Nam Kỳ đang bị bọn Bắc kỳ ngu dốt cai trị” xem ra vẫn còn quá ‘hiền’ so với nhiều phản hồi ‘chửi đảng’ và ‘chống chính quyền’ trên một số tờ báo nhà nước trong thời gian qua. Do vậy, khó có thể xem phản hồi ‘Nam Kỳ đang bị bọn Bắc kỳ ngu dốt cai trị” là nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc Tuổi Trẻ Online bị đình bản, mà chỉ có thể xem phản hồi này là cái cớ để Bộ TT-TT bổ sung vào ‘chuyên án Tuổi Trẻ Online’ để có tính thuyết phục hơn về tính sai phạm khi thi hành kỷ luật tờ báo này.
Một khi ‘Nam Kỳ đang bị bọn Bắc kỳ ngu dốt cai trị” không phải là nguyên nhân chính thì nguồn cơn thâm sâu nhất khiến Tuổi Trẻ Online bị đình bản chính là bản tin đăng về Trần Đại Quang ‘cần luật Biểu tình’. Tức đây là một vụ kỷ luật đậm đặc yếu tố chính trị như vụ Petrotimes của Nguyễn Như Phong hai năm về trước.
Trần Đại Quang?
Ngày 19/6/2018, bài báo “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” với nội dung ban đầu là “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này” - đăng trên báo Tuổi Trẻ - đã bị biến dạng chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi lên trang. Nội dung bài đã được sửa lại và không còn bất kỳ phát ngôn nào của Trần Đại Quang liên quan luật Biểu tình, mà chỉ còn thấy ông Quang ‘chuyên chính vô sản’ về những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh là “do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo”.
Đó là lần đầu tiên kể từ khi ngồi ghế chủ tịch nước vào năm 2016, một phát ngôn chính trị của quan chức Trần Đại Quang đã bị báo chí nhà nước thẳng thừng cắt xén, tạo ra một vụ việc ‘khóa miệng’ chưa từng có dành cho quan chức cao cấp này, và là vụ ‘bịt miệng’ thứ ba sau hai vụ đầu xảy đến đối với Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn.
Dấu hỏi rất lớn là vì sao phát ngôn về luật Biểu tình của Trần Đại Quang lại bị thẳng tay cắt xén?
Kể từ Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016 đến nay, đó là lần đầu tiên Trần Đại Quang hé ra thái độ ‘cần luật Biểu tình’, bất chấp việc vào thời còn là bộ trưởng công an, ông Quang đã được giao soạn thảo luật Biểu tình nhưng đã rất nhiều lần bộ này nại ra nhiều lý do ‘chủ quan và khách quan’ để xin lùi bộ luật quyền dân mà đảng cầm quyền và chính phủ đã nợ người dân suốt từ Hiến pháp năm 1992 đến nay.
Nhưng cũng còn một mẩu chuyện bí ẩn khác cần được ‘hậu phẫu’: sau cuộc tổng biểu tình ngày 10 tháng Sáu và đặc biệt là cuộc biểu tình khổng lồ lên đến hàng trăm ngàn người ở Sài Gòn, một số ý kiến cho rằng cuộc biểu tình này có thể được ngấm ngầm hậu thuẫn bởi một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền. Thế lực đó có thể liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến công an và do vậy công an mới không đàn áp dã man như trước đây. Và trên hết, thế lực chính trị giấu mặt đó muốn ‘mượn’ người dân, hay chính xác là lợi dụng người dân, để kích động một chiến dịch biểu tình trên quy mô lớn và kéo dài như mô hình ‘áo đỏ - áo vàng’ ở Thái Lan, nhằm gây áp lực mặc cả vị thế chính trị trong nội bộ đảng hay tạo áp lực đủ mạnh để yêu sách một chóp bu cao cấp nào đó của đảng phải từ chức…
Không biết vô tình hay hữu ý, trong suốt vài ba ngày sau cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu, trên mạng xã hội đã xuất hiện những ý kiến nặc danh đòi Nguyễn Phú Trọng phải từ chức vì đã ‘bảo kê’ cho luật Đặc khu.
Cũng sau cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu, có nhiều biểu hiện cho thấy Bộ Chính trị đảng và ông Trọng có thể đã bị rúng động, hoảng hốt và lo sợ về kịch bản ‘Mùa xuân Ả rập’ có thể diễn biến ngay tại Việt Nam, do đó đã có những động tác chỉ đạo sắt đá hiếm có nhằm cứu vãn tình thế trị. Hiện tượng nhiều ngàn công an, dân phòng và các đoàn thể ‘cánh tay nối dài của đảng’ được huy động ‘đứng đường’ trong nhiều thứ Bảy và Chủ Nhật ở Sài Gòn sau sự kiện Mười tháng Sáu là một bằng chứng quá rõ về nỗi lo sợ tím tái của chính quyền, cùng ý chí chuyên chính sẵn sàng đàn áp dã man người dân dám xuống đường biểu tình.
Còn báo chí nhà nước thì khỏi nói. ‘Vòng kim cô’ rọ mõm là Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ TT-TT đã ngay lập tức có chỉ thị cho hơn 800 tờ báo nhà nước ‘cấm khẩu’ về biểu tình phản đối luật Đặc khu và cả luật Biểu tình.
Cùng lúc, một số tờ báo đảng bắt đầu bắn ý về việc luật Quốc phòng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 với hai nội dung rất bất thường: Lệnh giới nghiêm và tình trạng Thiết quân luật, bất chấp hệ thống tuyên giáo của chính quyền vẫn ra rả ‘Việt Nam luôn ổn định chính trị - xã hội’ và ‘Việt Nam luôn là môi trường đầu tư hấp dẫn’.
Đình bản chính trị và ‘cắn trộm’
Tuổi Trẻ Online đã phạm vào một trong những điều húy kỵ nhất của chính thể độc đảng khi tờ báo này bày tỏ tinh thần cổ súy cho luật Biểu tình, lồng trong bối cảnh đại đa số dân chúng đã quá chán ghét chính quyền và chỉ chờ cơ hội thuận lợi là lao chân xuống đường.
Quyết định đình bản 3 tháng đối với một trong những tờ báo lớn nhất ở Việt Nam là Tuổi Trẻ Online, khó có thể hiểu khác hơn, chính là nhắm đến mục đích ‘Việt Nam luôn bảo đảm tự do báo chí’ và ngăn chặn làn sóng biểu tình mà không để tạo tiền đề cho ‘Mùa xuân Ả rập’ ở Việt Nam.
Quyết định trên - mà có thể hiểu là xuất phát từ chỉ đạo trực tiếp của Tổng bí thư Trọng - cũng có thể mang hàm ý răn đe đối với những đối thủ chính trị của ông ta trong nội bộ đảng, cho dù lâu nay một số dư luận vẫn cho rằng Tuổi Trẻ là tờ báo ‘thân’ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Facebook Lê Nguyễn Hương Trà còn cho biết trước khi Tuổi Trẻ Online chính thức bị đình bản 3 tháng, tổng biên tập Tuổi Trẻ là Lê Thế Chữ đã vội bay ra Hà Nội để xin gặp Thủ tướng Phúc, để sau đó nhận được lời hứa của ông Phúc là ‘không đình bản’.
Và với quyết định trên, có lẽ kẻ hả hê thỏa mãn nhất chính là Bộ trưởng TT-TT còn chưa mất chức là Trương Minh Tuấn.
Vào tháng Ba năm 2018, ngay sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ “Mobifone mua AVG”, báo Tuổi Trẻ đã tỏ ra dũng khí khi trở thành một trong vài tờ báo đầu tiên tiên phong rút tít “MobiFone mua AVG, Bộ Thông Tin-Truyền Thông có nhiều vi phạm” - như một cách gián tiếp “phang” Bộ Trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn.
Đến ngày 17/3, hàng loạt báo đã nối tiếp Tuổi Trẻ khi công kích trực tiếp Bộ TT-TT, thậm chí còn nêu đích danh Bộ Trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn, cùng một câu thòng rất đáng chú ý: “Bộ TT-TT đã thiếu trách nhiệm, có biểu hiện cố ý làm trái các quy định của pháp luật trong việc quyết định phê duyệt đầu tư”, kết luận thanh tra nêu rõ”.
Nhưng cho tới nay, Trương Minh Tuấn đã chỉ bị cảnh cáo đảng mà chưa phải nhận bất cứ trách nhiệm hình sự nào về tội ‘cố ý làm trái’.
Phải chăng trong thời gian ngắn ngủi còn giữ được ghế bộ trưởng TT-TT mà chưa bị thuyên chuyển sang một vị trí ‘thấp hơn một chút’, Trương Minh Tuấn đã tìm cách ‘cắn trộm’ báo Tuổi Trẻ.

Đặng Văn Hiến, nạn nhân của chiếc vòng luẩn quẩn vấy máu

Theo VOA-Trân Văn/18/07/2018 
Xử phúc thẩm vụ nông dân Đặng Văn Hiến.
Xử phúc thẩm vụ nông dân Đặng Văn Hiến.
Hôm 12 tháng 7, nhân danh Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tòa án Tối cao chính thức xác định cần “cách ly vĩnh viễn” Đặng Văn Hiến với xã hội. Bởi bản án phúc thẩm là chung thẩm – hệ thống tòa án của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ không thẩm xét nữa - nên ông Hiến, 47 tuổi, chỉ có thể thoát cảnh bị hệ thống tư pháp hành quyết là xin và được Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ân xá.
Có một điểm đáng chú ý là cả hệ thống truyền thông chính thức lẫn dư luận đều không tán thành với quyết định tử hình ông Hiến – người được xác định là thủ phạm chính trong việc tạo ra thảm án vào ngày 23 tháng 10 năm 2016 ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, khiến ba người chết, 13 người bị thương. Thậm chí, các thẩm phán tham gia xét xử ông Hiến cũng áy náy với hình phạt tử hình do chính họ tuyên nên liên tục nhắc nhở để ông Hiến đừng bỏ lỡ cơ hội xin ân xá (1)!..
***
Giống như nhiều vùng khác ở Tây Nguyên, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông là túi chứa di dân tự do – những cá nhân lìa bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn, dắt díu nhau đi khai hoang, lập nghiệp ở những vùng đất mới với hi vọng có thể thoát khỏi khốn cùng. Ở Tây Nguyên, đất mới là những khu rừng nguyên sinh đã bị khai thác đến cạn kiệt rồi bỏ hoang… Tuy hoang hóa nhưng đất rừng luôn là công thổ và tất nhiên chỉ hệ thống công quyền mới có quyền định đoạt công thổ.
Năm 2008, chính quyền tỉnh Đắk Nông quyết định cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 héc ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Tiếng là rừng nhưng một phần không nhỏ trong 1.079 héc ta đó giờ chính là nơi cư trú, là vườn, là rẫy... đó không chỉ là sinh kế mà còn là tương lai của hàng trăm gia đình di dân. Sau khi được thuê 1.079 héc ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, chủ Công ty Long Sơn đã bán cả công ty lẫn quyền khai thác hàng ngàn héc ta đất cho gia đình ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu.
Kể từ đó, gia đình ông Sửu – chủ mới của Công ty Long Sơn bắt đầu tiến trình xua đuổi di dân tự do ra khỏi khu vực mà công ty toàn quyền… khai thác. Vườn, rẫy – cơ hội đổi đời của hàng trăm gia đình bị chặt phá, bị đốn hạ, nhà cửa bị giật sập. Sau vài thập niên đổ mồ hôi, sôi nước mắt, dốc hết sức lực, vốn liếng vào việc khai hoang, định cư, hàng trăm gia đình đối diện với viễn cảnh vừa trắng tay, vừa vô gia cư… Họ bắt đầu tất tả ngược xuôi xin cứu xét.
Khai phá – sử dụng công thổ để mưu tìm cơm no, áo ấm có thể là sai nhưng lẽ nào lại gạt bỏ thực tế khai thác - sử dụng công thổ cũng như tất cả những tình tiết có liên quan khác để cho phép Công ty Long Sơn phủi tay, không bồi thường, không hỗ trợ? Nếu cho thuê 1.079 héc ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tại sao không cho những gia đình di dân tự do thuê lại phần đất họ đã khai hoang mà lại dành quyền thuê cả thổ cư, vườn, rẫy của họ cho riêng Công ty Long Sơn?..
Không thể trả lời những thắc mắc ấy, năm 2010, chính quyền tỉnh Đắk Nông yêu cầu Công ty Long Sơn thảo luận với dân chúng địa phương về chuyện bồi thường. Năm năm sau, chính quyền tỉnh Đắk Nông quyết định thu hồi 265/1.097 héc ta đã giao cho Công ty Long Sơn vì phần đất này vốn là nơi cư trú, vườn, rẫy của hàng trăm gia đình. Năm sau nữa (tháng 7 năm 2016), sau khi thị sát tại chỗ, ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu chính quyền tỉnh Đắk Nông ngăn chặn Công ty Long Sơn “cưỡng chế - thu hồi đất” để kiểm tra lại.
Song tất cả những động tác vừa kể chỉ có giá trị trên… giấy, trong thực tế, Công ty Long Sơn vẫn liên tục điều động các loại xe chuyên dụng và “công nhân” dỡ bỏ nhà cửa, hủy diệt những vườn tiêu, vườn điều, vườn cà phê,… trên phần đất mà chính quyền tỉnh Đăk Nông đã cho công ty này… thuê. Trong quá trình “cưỡng chế - thu hồi đất”, “công nhân” của Công ty Long Sơn đã đánh đập, gây thương tích cho nhiều người dân ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chỉ vì họ “dám” bảo vệ nhà cửa, vườn tược vốn là của họ.
Suốt tám năm, toàn bộ hệ thống công quyền từ xã đến tỉnh ở Đắc Nông án binh bất động trước tất cả các đợt “cưỡng chế - thu hồi đất” mà Công ty Long Sơn thực hiện, bất kể dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, có người bị “công nhân” của Công ty Long Sơn dùng rựa vạt mất gần nửa hộp sọ, tuy may mắn không mất mạng nhưng sẽ sống với cái đầu bị móp ấy cho đến hết đời. Có phụ nữ bị trụy thai do “công nhân” của Công ty Long Sơn đạp vào bụng,…
Đó cũng là lý do dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức quyết định tự cứu mình bằng cách tự vũ trang với súng tự chế. Sau khi bị 30 “công nhân” Công ty Long Sơn hành hung vì ngăn cản Công ty Long Sơn dỡ nhà, phá vườn của mình trong đợt “cưỡng chế - thu hồi đất” mà công ty này tiến hành vào ngày 23 tháng 10 năm 2016, ông Hiến đã chạy về nhà lấy súng tự chế, bắn chỉ thiên để cảnh cáo, bởi “công nhân” Công ty Long Sơn vừa lao đến, vừa ném đá… ông Hiến có thêm sự hỗ trợ của hàng xóm chĩa thẳng súng vào đám đông bóp cò…
Chỉ đến khi có ba người chết, 13 người bị thương, hệ thống công quyền ở tỉnh Đắk Nông mới chuyển động. Tuy nhiên những chuyển động ban đầu chỉ nhắm tới chuyện trừng phạt Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường vì “giết người”, Đoàn Văn Diện vì “che giấu tội phạm”… Một tuần sau thảm án, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, chủ Công ty Long Sơn vừa dọa sẽ kiện nhiều cơ quan truyền thông chính thức ra tòa vì thông tin sai sự thật, vừa chỉ dẫn báo chí “lên huyện, lên tỉnh” để tìm… “sự thật” (2).
Mũi dùi công lý chỉ chĩa vào Công ty Long Sơn khi công chúng sôi lên vì giận: Chuyện doanh nghiệp này tự tổ chức cưỡng chế - thu hồi đất bằng cách trang bị dao, rựa, gậy gộc, khiên, đá,… để “công nhân” tấn công dân lành được xác định là “trái pháp luật”. Cũng phải tới lúc đó, đại diện chính quyền tỉnh Đắk Nông mới phân trần, rằng… quyết định giao đất cho Công ty Long Sơn chỉ dựa vào bản đồ, chưa đo đạc thực địa nên không rõ hoạt động cưỡng chế - thu hồi đất của doanh nghiệp này có chính xác hay không!
Cũng phải tới lúc đó, hệ thống công quyền Việt Nam mới thừa nhận một sự thật khác, trong 1.079 héc ta rừng mà chính quyền tỉnh Đắk Nông cho Công ty Long Sơn thuê có 539 héc ta là rừng tự nhiên, 540 héc ta là đất lâm nghiệp không còn rừng. Từ năm 2008 đến ngày xảy ra thảm án Quảng Trực, công ty Long Sơn đã phá trụi 501/539 héc ta rừng mà lẽ ra công ty này phải giữ, 38 héc ta còn lại không bị tác động chỉ vì đó là rừng… “nghèo kiệt” (3).
***
Khi xét xử phúc thẩm thảm án xảy ra ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, Tòa án Tối cao đã quyết định giảm cho ông Ninh Viết Bình hai năm tù (còn 18 năm tù), giảm cho ông Hà Văn Trường ba năm tù (còn 9 năm tù) cùng về tội “giết người”, chuyển hình phạt 9 tháng tù giam dành cho ông Đoàn Văn Diện vì “che giấu tội phạm” thành án treo.
Ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu (Phó Giám đốc Công ty Long Sơn) và ông Phạm Công Thiện (Trưởng Ban Quản lý nhân sự của Công ty Long Sơn) từng bị tòa án cấp sơ thẩm phạt sáu năm tù và bốn năm tù cùng về tội “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” cũng được Tòa án Tối cao giảm mỗi người hai năm tù.
So hình phạt chung thẩm mà hệ thống tư pháp mới dành cho ông Sửu và ông Thiện với quyết định khởi tố cả hai ông mà Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an công bố hồi tháng 12 năm 2016, người ta thấy hệ thống tư pháp Việt Nam đã tha, không lý giải tại sao không truy cứu trách nhiệm hình sự của cả hai ông về hành vi “phá rừng”.
Xét về tổng thể, mức độ “khoan hồng, nhân đạo” mà hệ thống tư pháp Việt Nam đã giành cho ông Sửu, ông Thiện có phần… nhỉnh hơn ông Bình, ông Trường, ông Diện. Ngay cả khi bị áp giải tới pháp đình, đối diện với công lý xã hội chủ nghĩa, ông Sửu, ông Thiện vẫn không mất ưu thế!
Liệu sự “khoan hồng, nhân đạo” mà ông Bình, ông Trường, ông Diện được hưởng có phải là một thứ “xái” từ sự “khoan hồng, nhân đạo” mà hệ thống tư pháp Việt Nam muốn dành cho ông Sửu, ông Thiện? Nếu không, tại sao ông Hiến không được hưởng sự “khoan hồng, nhân đạo” ấy, cho dù các tình tiết có liên quan tới thảm án cho thấy, rõ ràng ông Hiến đã phạm tội trong tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của các nạn nhân và hình phạt không thể vượt quá bảy năm tù?
Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu có lý khi khuyên báo giới “lên huyện, lên tỉnh” tìm… “sự thật”! Tiếc là báo giới không dụng công, hệ thống tư pháp Việt Nam cũng không thèm bận tâm nên tới giờ, những câu hỏi như: Tại sao lại giao cho Công ty Long Sơn 1.079 héc ta rừng, bất kể trong phần đất rừng ấy có đến vài trăm héc ta mà di dân tự do đã khai hoang, sinh sống ổn định, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương? Tại sao những đợt “cưỡng chế, thu hồi đất” do Công ty Long Sơn tổ chức thực hiện là công khai “hủy hoại tài sản công dân”, xâm phạm tính mạng, sức khỏe nhiều người trong một thời gian dài, bất tuân cả yêu cầu của chính quyền địa phương (phải thương thảo về bồi thường, phải giao trả 265 héc ta đất), lẫn chỉ đạo của chính phủ (tạm ngưng thực hiện “cưỡng chế, thu hồi đất”) mà hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương không làm gì cả cho đến khi xảy ra thảm án? Khắp Việt Nam, đã, đang và sẽ còn có bao nhiêu trường hợp như xã Quảng Trực, có bao nhiêu doanh nghiệp, cá nhân được giao đất, giao rừng, hành xử tùy tiện như Công ty Long Sơn?.. vẫn không có câu trả lời.
Thiếu những câu trả lời làm nền cho một sự chấn chỉnh toàn diện, thỏa đáng trên diện rộng, các “dự án phát triển kinh tế - xã hội” vẫn chỉ là một vòng luẩn quẩn vấy mồ hôi, nước mắt và máu dân lành, những thảm án mà ngay cả thân nhân của các nạn nhân đã uổng mạng cũng cảm thấy bất an, bất phục khi chỉ có những nông dân vùng dậy phản kháng do bị đẩy tới đường cùng bị xác định là thủ phạm.

Chú thích

‘Có động cơ chính trị’ nào trong vụ Bình Thuận?

Theo VOA-Phạm Chí Dũng/17/07/2018 
Bình Thuận, đêm 10 tháng Sáu.
Bình Thuận, đêm 10 tháng Sáu.
Phải mất một tháng sau ngày nổ ra vụ bạo loạn ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận liên quan đến làn sóng biểu tình phản đối dự luật Đặc khu, lần đầu tiên mới xuất hiện một quan chức bậc trung mấp mé ý tứ ‘có động cơ chính trị’ về bức màn đen phía sau cuộc bạo loạn này.
Ai là tác giả của ‘có động cơ chính trị’?
Tại cuộc giao ban báo chí tháng 7/2018 tại Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận, khi đề cập đến “17 bị cáo chuẩn bị được đưa ra xét xử. Các cơ quan điều tra tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục củng cố hồ sơ, sàng lọc thêm các đối tượng”, ông Hồ Trung Phước - trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận lý giải: "Đa phần các bị cáo này là có học vấn thấp, chưa hết cấp 1, gia đình hoàn cảnh ngặt nghèo, có tiền án tiền sự, việc làm không ổn định... Khi bị bắt, họ ít nhận thức được việc làm mình vừa gây ra. Vì thế, đây không phải là vụ án gây rối trật tự đơn thuần mà là có động cơ chính trị".
Đáng chú ý, nhận định ‘có động cơ chính trị’ trên không phải được phát ra bởi Công an Bình Thuận - địa chỉ chủ chốt cùng với Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động của Bộ Công an đã tiến hành một chiến dịch đàn áp và truy bắt người biểu tình sau cuộc biểu tình và bạo loạn ngày Mười tháng Sáu, mà lại do Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận - một cơ quan đảng chịu sự chỉ đạo ngành dọc trong khối đảng từ Ban Tuyên giáo trung ương. Mà Ban Tuyên giáo trung ương lại chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban bí thư đảng và trên hết là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo đó, có thể hiểu rằng ‘có động cơ chính trị’ - một cụm từ và cũng là nhận định rất nhạy cảm về chính trị, không phải do Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận Hồ Trung Phước tự sáng tác hoặc phát ra trong một cơn bột hứng, mà cụm từ này rất có thể đã được trích dẫn nguyên văn từ các văn bản chỉ đạo của Ban Tuyên giáo trung ương và cũng là tinh thần chỉ đạo của Nguyễn Phú Trọng.
Vậy ‘có động cơ chính trị’ nào trong cuộc bạo loạn Bình Thuận? Phải chăng đó là động cơ chính trị của Việt Tân hay ‘các thế lực thù địch’?
‘Có động cơ chính trị’ nhắm vào ai?
Từ sau cuộc bạo loạn Bình Thuận đến nay, chỉ thấy giới dư luận viên của đảng và công an tố cáo ‘thế lực phản động giật dây biểu tình ở Phan Thiết’, nhưng lại không hề nói rõ thế lực nào. Cho đến nay, vẫn chưa thấy Công an Bình Thuận hay những quan chức Bộ Công an tuyên bố là ‘Việt Tân kích động’.
Trùng với tiết lộ ‘có động cơ chính trị’ của Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận Hồ Trung Phước vào ngày 11/7/2018, một vài tờ báo ngành công an đã bắt đầu đăng tải hình ảnh của những ‘người lạ’ đã đốt phá xe hơi và trụ sở cơ quan ở Bình Thuận - có kẻ bịt mặt và có kẻ lộ mặt - và kêu gọi những kẻ này ‘ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng’. Chi tiết đáng chú ý không kém là lời kêu gọi này cũng không đề cập đến ‘thế lực thù địch’ hay Việt Tân.
Vậy thế lực nào đã bảo kê cho những kẻ bịt mặt gây bạo loạn ở Phan Thiết? Liệu bàn tay đạo diễn cho cuộc biểu tình khổng lồ ở Sài Gòn có nối kết với bàn tay đạo diễn vụ đốt phá xe và trụ sở công quyền ở Phan Thiết, từ đó vừa tạo cớ để công an đàn áp nặng nề đối với người dân nơi đây, vừa nhắm tới một mục đích chính trị nào đó? Nếu câu hỏi này là cơ sở, phải chăng vụ đốt phá này không phải do người dân gây ra, cũng chẳng phải Việt Tân, mà do chính một thế lực nào đó trong nội bộ đảng Cộng sản ‘kiến tạo’?
Một lần nữa, hãy mổ xẻ cụm từ ‘có động cơ chính trị’.
Từ trước đến nay, trong các báo cáo nội bộ và thông báo công khai của cơ quan công an lẫn tuyên giáo đảng về các vụ việc ‘biểu tình gây rối’ hay ‘khủng bố’, rất thường tồn tại cụm từ ‘có bàn tay của thế lực thù địch’ mà không dùng cụm từ ‘có động cơ chính trị’.
‘Động cơ chính trị’ lại có mối liên quan và có vẻ tương quan với khái niệm ‘cơ hội chính trị’ mà giới quan chức bảo thủ thường sử dụng để đấu tố những trí thức, quan chức có đầu óc cải cách, dân chủ nhân quyền, và với cả những quan chức có khuynh hướng ‘phe cánh chính trị’ - đặc trưng cho phong trào đấu đá và xung đột giữa ngày càng nhiều phe phái trong nội bộ đảng, đặc biệt từ năm 2012 đến nay.
Trong các vụ việc và vụ án liên quan đến Tổng giám đốc Trịnh Xuân Thanh, Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng, Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, cụm từ ‘phe cánh chính trị’ đã trở nên nổi bật và phổ biến hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ ‘phe cánh chính trị’ lại trở nên một đặc thù đầy đặn và diêm dúa như lúc này, vào buổi chợ chiều của chính thể cộng sản.
Vì những lẽ trên, ‘có động cơ chính trị’ rất nhiều khả năng được hàm ý về một thế lực chính trị, một ‘phe cánh chính trị’ nằm ngay trong nội bộ đảng, mà cuộc bạo loạn Bình Thuận đã được đạo diễn nhắm tới một mục đích không đơn thuần là gây rối mà có thể là một âm mưu chính trị.
Âm mưu đó là gì?
Một ‘chuyên án an ninh quốc gia’ mới?
Sau cuộc tổng biểu tình ngày 10 tháng Sáu và đặc biệt là cuộc biểu tình thành công ở Sài Gòn, một số ý kiến cho rằng cuộc biểu tình này có thể được ngấm ngầm hậu thuẫn bởi một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền. Thế lực đó có thể liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến công an và do vậy công an mới không đàn áp dã man như trước đây. Và trên hết, thế lực chính trị giấu mặt đó muốn ‘mượn’ người dân, hay chính xác là lợi dụng người dân, để kích động một chiến dịch biểu tình trên quy mô lớn và kéo dài như mô hình ‘áo đỏ - áo vàng’ ở Thái Lan, nhằm gây áp lực mặc cả vị thế chính trị trong nội bộ đảng hay tạo áp lực đủ mạnh để yêu sách một chóp bu cao cấp nào đó của đảng phải từ chức. Kịch bản có thể hình dung là chiến dịch biểu tình này sẽ được kéo dài trong vài tuần lễ hoặc thậm chí vài tháng trời với nhân số biểu tình lên đến hàng trăm ngàn người hoặc thậm chí hàng triệu người, đủ lớn để tạo áp lực xã hội vào thể chế chính trị và một số chóp bu…
Chính vào thời gian này, dường như Nguyễn Phú Trọng, chứ không phải chế độ của ông ta, đang bị thách thức quyền lực một cách công khai bởi ‘động cơ chính trị’. Hình như vài lá bài tẩy đã được lật ngửa, biến ván bài chính trị từ thế giấu bài trước đó thành bài ngửa và công khai thách thức quyền lực của nhau, kéo theo một tương lai nếu không ‘lật đổ’ được thì sẽ bị thanh trừng.
Phát ngôn công khai ‘có động cơ chính trị’ từ Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Bình Thuận là rất tương đồng với những biểu hiện và đặc trưng xung đột nội bộ vào thời gian này. Theo logic đó, có thể cho rằng sau cuộc bạo loạn ở Phan Thiết, Nguyễn Phú Trọng đã ý thức một cách không thể ngủ được về nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng ấy.
Không phải ngẫu nhiên mà chiến dịch đàn áp biểu tình ở Phan Thiết sau ngày Mười tháng Sáu đã đậm đặc quân đội hơn công an. Rất có thể ông Trọng đã chỉ đạo cho một số đơn vị đặc biệt của Bộ Quốc phòng, mà trong đó chắc chắn không thể thiếu vai trò của Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo), mở ra một ‘chuyên án an ninh quốc gia’ trên diện rộng, liên quan đến nhiều tỉnh thành, nhằm truy xét âm mưu tổ chức bạo loạn để từ đó sẽ tiến hành một chiến dịch thanh trừng nội bộ quy mô và cứng rắn chưa từng có trong những tháng tới.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà vào những ngày này, báo chí nhà nước bắt đầu ‘gợi ý’ về luật Quốc phòng - có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 - sẽ xuất hiện hai động thái rất mới và rất lạ ngay trong thời kỳ mà chính thể Việt Nam luôn tự hào là ‘ổn định chính trị - xã hội’: Lệnh giới nghiêm và Thiết quân luật.

William Nguyễn đối mặt với án tù 7 năm

RFA-2018-07-19  
Anh William Nguyễn trong cuộc biểu tình ngày 10/6/2018.
Anh William Nguyễn trong cuộc biểu tình ngày 10/6/2018.AFP
Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch vào ngày 19 tháng 7 ra thông cáo kêu gọi Việt Nam bãi bỏ mọi cáo buộc đối với  những người biểu tình ôn hòa tại thành phố Hồ Chí Minh vừa qua.
Trong số những người biểu tình đó có công dân Mỹ gốc Việt là anh William Nguyễn và theo kế hoạch anh này sẽ bị ra tòa vào ngày mai 20/7/2018. Cáo buộc được đưa ra là ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 318 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Nếu bị kết tội, anh William Nguyễn phải đối diện với mức án cao nhất lên đến 7 năm tù giam.
Sau khi anh Will Nguyễn bị bắt khi tham gia cuộc biểu tình vào ngày 10 tháng 6 ở Sài Gòn, một tuần sau đó truyền hình Nhà nước Việt Nam cho công bố một đoạn khai nhận tội của anh này.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Human Rights Watch, cho rằng biện pháp buộc nhận tội như thế là một chiến thuật đáng xấu hổ mà nhà cầm quyền của các quốc gia độc tài thường sử dụng để đàn áp tiếng nói của công dân phê phán chính quyền bất chấp các quyền căn bản của người dân.
Ông Robertson nhấn mạnh là Việt Nam nên tôn trọng những quyền cơ bản của con người mà Việt Nam đã cam kết, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp. Ông nói rằng, lại một lần nữa, nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng bạo lực để trấn áp những người biểu tình ôn hòa rồi đổ vấy tội cho họ.
Đối với vụ việc của anh Will Nguyễn, vào ngày 14 tháng 7/2018, Hội đồng Liên tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, một tổ chức liên kết các tôn giáo của người Việt Nam tại Mỹ cũng đã có một bức thư gửi đến Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump, yêu cầu ông can thiệp và tạo điều kiện để anh William Nguyễn được sớm trả tự do.
Bức thư có nói rằng vì tò mò, anh William đã gia nhập đoàn người biểu tình lịch sử chống chính quyền Việt Nam vào ngày 10/6, sự ngây thơ của anh đã gây nên sự nghi ngờ của nhà cầm quyền và dẫn đến việc anh bị bắt và đối xử tệ hại như vậy.
Báo chí Việt Nam hôm nay 19/7 dẫn nguồn tin từ tòa án Việt Nam nói anh William Nguyễn có thể bị tuyên án 7 năm tù giam.
Viện kiểm sát Việt Nam cho biết là anh William sẽ bị truy tố theo khoản 2, điều 318, Bộ luật hình sự sửa đổi 2015, bổ sung năm 2017.
Theo Viện Kiểm sát Việt Nam thì anh Will Nguyễn thường xuyên theo dõi tin tức Việt Nam từ Singapore và đã đến Việt Nam theo lời kêu gọi biểu tình chống hai dự Luật an ninh mạng và và luật đặc khu. Tuy nhiên Viện kiểm sát cũng nói rằng theo lời “thú tội” của anh Will thì anh cũng chưa biết gì về hai dự luật này cả.
Anh William Nguyễn, 32 tuổi, là một công dân Mỹ gốc Việt sinh ra ở Houston và đã tốt nghiệp Đại học Yale ở Hoa Kỳ. Trước khi bị bắt anh theo học khóa thạc sĩ tại Trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore. Theo kế hoạch vào trung tuần tháng 7 vừa qua, anh nhận bằng thạc sĩ tuy nhiên do bị bắt giam ở Việt Nam nên bản thân không thể nhận bằng mà gia đình nhận thay anh.

VN chi 30 tỷ đô la mua hàng hóa từ Trung Quốc trong 6 tháng

RFA-2018-07-19  
Một cửa hàng bán đồng hồ Trung Quốc ở tỉnh Lạng Sơn.
Một cửa hàng bán đồng hồ Trung Quốc ở tỉnh Lạng Sơn.- AFP
Báo cáo tình hình xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm do Tổng Cục Hải quan VN công bố cho thấy trong nửa đầu năm nay, VN đã chi 30 tỷ đô la Mỹ để mua hàng hóa từ Trung Quốc. Con số này cao hơn 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng 28,9% trong tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của VN 6 tháng đầu năm nay.
Trị giá nhập khẩu của Việt Nam từ 10 thị trường lớn nhất đạt 101 tỷ đô la, chiếm gần 97% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa cả nước.
Các mặt hàng chủ yếu được nhập từ Hoa Lục là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, phụ tùng. Ngoài ra còn có các mặt hàng vải, điện thoại, sắt thép, hàng dệt may da giày và sản phẩm từ chất dẻo.
Năm ngoái VN cũng chi hơn 50 tỷ đô la Mỹ để nhập hàng hóa từ quốc gia này.
Truyền thông trong nước hôm 17/7 cho biết hơn một tháng trở lại đây thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua hạt sầu riêng tại tỉnh Lâm Đồng, khiến giá của sản phẩm này tăng lên 5-6 lần so với năm ngoái, từ 70.000 đến 90.000 đồng/kg.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đã xác nhận thông tin này và cho biết thương lái Trung Quốc mua hạt sầu riêng làm giống gốc cho vùng sầu riêng của họ bên Campuchua và Lào nhưng lại nói thông tin này chưa được kiểm chứng.
Tình trạng người nông dân Việt Nam bị thương lái Trung Quốc lừa gạt đã xảy ra nhiều năm nay và được chính các cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo. Theo đó thì các thương lái thường ồ ạt mua một nông sản nào đó với giá cao, khiến nông dân đổ xô trồng cây nông sản này và được các thương lái hứa hẹn sẽ mua hết. Tuy nhiên sau đó họ ngưng mua, khiến người dân lâm vào cảnh khốn cùng.

Cơ chế: Sát thủ của tự do báo chí

Cát Linh, RFA-2018-07-17   
Bảng tin ngày cuối cùng trước khi bị đình bản của Báo Tuổi Trẻ Online
Bảng tin ngày cuối cùng trước khi bị đình bản của Báo Tuổi Trẻ Online-Screenshot of tuoitre.vn
Xôn xao cộng đồng những ngày qua là quyết định xử phạt báo Tuổi Trẻ 220 triệu đồng và đình bản báo Tuổi Trẻ Online trong thời gian ba tháng. Một trong những lý do của biện pháp kỷ luật được nêu ra là vì bài viết về một câu nói của ông chủ tịch nước. Nhưng vấn đề làm dư luận và cả giới báo chí thắc mắc là có hay không phát ngôn của ông Chủ tịch nước, vì cho đến nay không có lời đính chính nào từ báo Tuổi Trẻ?
Phản ứng của báo Tuổi Trẻ trong chuyện này cho thấy có phải tự do báo chí ở Việt Nam đang bị quản lý bởi một cơ quan ‘siêu quyền lực’ hay không?

Sự thật của cuộc họp báo

Sau khi có quyết định của Bộ Thông tin- Truyền Thông đưa ra vào ngày 16/7/2018, trang điện tử Tuổi Trẻ Online chính thức bị “đình bản” vào chiều tối ngày 17/7/2018. Độc giả không thể truy cập vào trang báo điện tử này nữa. Họ tiếp tục thắc mắc về sự thật đã xảy ra trong buổi họp cử tri ngày 19/6/2018.
Nhiều ý kiến chia sẻ trên mạng xã hội, trong đó có cả những người là cựu phóng viên của các tờ báo lớn đều có cùng quan điểm là “Một tờ báo lớn như Tuổi Trẻ không thể ‘dựng’ lời phát biểu của Chủ tịch nước.”
Ngày 16/7, chúng tôi tìm cách liên lạc với một số phóng viên của báo Tuổi Trẻ để tìm hiểu về sự thật trong buổi họp báo. Câu trả lời qua tin nhắn chúng tôi nhận được là:
“Phóng viên sai, trích ẩu. Biên tập viên thông qua không check (kiểm tra lại). TTO sai rồi bị phạt là đúng. Đó chỉ là đề nghị của cử tri.”
Phóng viên sai, trích ẩu. Biên tập viên thông qua không check (kiểm tra lại). TTO sai rồi bị phạt là đúng. Đó chỉ là đề nghị của cử tri. - Phóng viên báo Tuổi Trẻ
Đối lập với câu trả lời trên, chúng tôi đặt vấn đề này với nhà báo Nguyễn An Dân, ông có sự phản biện khá rõ ràng:
“Ông Chủ tịch nước có nói hay không, báo TTO đúng hay sai, không chỉ dư luận đọc báo online, mà rất nhiều cử tri có mặt trong buổi tiếp xúc đó đều tự biết rằng chuyện báo Tuổi Trẻ bị đình bản là đúng hay sai.”
Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí
Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí Facebook of Luu Dinh Phuc
Thêm vào đó, ông đưa ra 3 vấn đề lớn mà ông nhìn thấy trong vụ việc này.
“Nếu như tờ Tuổi Trẻ đăng sai lời phát biểu của Chủ tịch nước thì ổng sẽ lên tiếng chỉ đạo đề nghị xử lý báo Tuổi Trẻ vì đã đăng sai lời của ổng. Ổng không lên tiếng, nghĩa là người liên quan trực tiếp vụ việc không lên tiếng. Cái thứ 2, trong thông báo của báo TT trước khi đình bản, họ nói là họ chấp nhận quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông chứ họ không nói là họ sai.
Về vụ việc này họ nói là họ phải chấp hành. Họ không nói họ đăng đúng mà họ cũng không nói họ đăng sai.”
Cũng như bao người dân khác, Nhà báo độc lập, chủ trang mạng Góc Nhìn Khác Trương Duy Nhất nói rằng ông không thể biết chính xác ông Chủ tịch Trần Đại Quang có phát ngôn như thế hay không? Nhưng trong một tâm thế bức xúc, giận dữ, có cả sự đau xót, ông chia sẻ với chúng tôi về phản ứng của báo Tuổi Trẻ đối với sự việc này.
“Câu chuyện báo Tuổi Trẻ, cho đến bây giờ chúng ta vẫn không biết là ông Trần Đại Quang có nói hay không. Báo chí trong nước không minh bạch điều đó. Nhưng giả sử có điều gì đó chăng nữa thì trách nhiệm tôi trông đợi 1 Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ lên tiếng. Đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy.”
Ông Chủ tịch nước có nói hay không, báo TTO đúng hay sai, không chỉ dư luận đọc báo online, mà rất nhiều cử tri có mặt trong buổi tiếp xúc đó đều tự biết rằng chuyện báo Tuổi Trẻ bị đình bản là đúng hay sai. - Nhà báo Nguyễn An Dân

Sát thủ giấu mặt

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam đăng tải trên trang cá nhân một bài viết chi tiết về vụ việc này, ông gọi là “Truyền thông, nguyên nhân và nguyên cớ.” Trong đó, có một hàm ý được ông nêu ra, là: “Báo TTO cũng thế. Hôm qua họ đã chấp nhận kỷ luật, chỉ thông báo, không giải thích hay biện minh, chấp nhận có sai thì chịu phạt, thì sửa. Vì họ hiểu rõ vì sao mình bị phạt.”
Đúng là cho đến khi trang tuoitreonline không thể truy cập được nữa thì vẫn hoàn toàn không có sự biện minh, cải chính nào từ tờ báo được xem là có độ “phủ sóng” lớn nhất nước. Chỉ trừ lần lên tiếng duy nhất là bài viết “Báo Tuổi Trẻ Online tạm biệt bạn đọc trong 3 tháng” đăng vào chiều ngày 16/7.
“Vì họ hiểu rõ vì sao mình bị phạt"? Theo ý ông, ký lệnh phạt là cấp cục. Nhưng ra lệnh phạt là cấp cao nhất. Và báo TTO hiểu điều đó, nghĩa là không có cơ hội xin hay phản đối, kiến nghị.
Cũng có những chi tiết, nội dung không hề được nhắc đến nhưng nhiều người thấy. Một ví dụ đó là Tuổi Trẻ Cười đăng biếm họa ném chuột kiêng vỡ bình.
Như thế, có thể ngầm hiểu rằng “tội” của báo Tuổi Trẻ không chỉ dừng lại ở việc “đăng sai” lời phát ngôn của Chủ tịch nước, hoặc đăng thông tin gây mất đoàn kết trong phần bình luận của bài viết 'Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?’ hôm 26/5/2017.
tuoi tre
tuoi tre Courtesy of Báo Tuổi Trẻ
Mà như thế, thì đúng như lời cảnh báo của nhà báo Nguyễn An Dân đưa ra cách đây 6 tháng với giới báo chí, đó là “Hãy để ý báo Tuổi Trẻ”.
Theo như phân tích của nhà báo Nguyễn Hồng Lam, người ký phạt là cấp cục, là ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí. Theo một nguồn tin bên lề chưa kiểm chứng, Lưu Đình Phúc vốn xuất thân là Công an, được cử đi học Tổng hợp Văn, sau đó trở thành quản lý báo chí. Lưu Đình Phúc cũng chính là cháu của nhà báo Lê Đình Triều, sĩ quan của chế độ Sài Gòn cũ và là cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ.
Và ra lệnh phạt lại là 1 cấp khác, cấp cao nhất.  Cấp đó là ai? Có phải Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn? Hay một ‘sát thủ ẩn mặt” nào khác?
Ở đất nước này muốn đình bản, muốn kỷ luật nhiều tờ báo đều phải thông qua ban Tuyên giáo. Mà ban Tuyên giáo là gì, là cái mồm, là phát ngôn viên của Đảng Cộng sản. Cái mồm của Ban Tuyên giáo phải có sự đồng ý của Ban Bí thư, thậm chí của Bộ Chính trị. - Nhà báo Trương Duy Nhất
Sát thủ ấy có phải là Luật An ninh mạng đã được thông qua hay không? Theo nhà báo Trương Duy Nhất thì không phải ông Trương Minh Tuấn, không phải Lưu Đình Phúc, cũng không phải Luật An ninh mạng, mà đó là cơ chế.
“Ở đất nước này muốn đình bản, muốn kỷ luật nhiều tờ báo đều phải thông qua ban Tuyên giáo. Mà ban Tuyên giáo là gì, là cái mồm, là phát ngôn viên của Đảng Cộng sản. Cái mồm của Ban Tuyên giáo phải có sự đồng ý của Ban Bí thư, thậm chí của Bộ Chính trị.”
Ông nhấn mạnh, báo chí ở Việt Nam luôn bị xem là 1 công cụ. Ngay cả bản thân nhà báo Trương Duy Nhất nếu ở cương vị của ông Trương Minh Tuấn hay Lưu Đình Phúc cũng không phải là ‘sát thủ’ đối với tự do báo chí. Vì sao?
"Sát thủ của báo chí là cơ chế và thể chế này, nó coi báo chí là 1 công cụ. Chỉ 1 cú điện thoại nó làm ngưng, câm miệng tất cả toà báo mà?"
“ Nếu ở 1 cơ chế luật pháp thông minh và minh bạch thì đến bây giờ câu chuyện của báo Tuổi Trẻ là gì, phải xác định ông Chủ tịch nước có nói hay không và báo Tuổi Trẻ có đưa tin sai hay không? Đến bây giờ ngay cả người làm báo như chúng tôi cũng không biết điều gì cả.”
Nếu theo đúng như chia sẻ của những người cầm bút ở trên, thì có lẽ câu chuyện của TTO sẽ mãi mãi là một câu hỏi lớn cho lịch sử báo chí Việt Nam. Và ai thật sự là “sát thủ tự do báo chí”?

Chuyên gia: Cần thay đổi cách giám sát, thanh tra các doanh nghiệp nhà nước

 RFA-2018-07-19  
Công nhân điện kiểm tra cột điện ở nội thành Hà Nội hôm 29/2/2016
 Công nhân điện kiểm tra cột điện ở nội thành Hà Nội hôm 29/2/2016-AFP
Tại hội thảo “Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước” do viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức vào ngày 19/7, các chuyên gia kinh tế Việt Nam kêu gọi thay đổi cách thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước để tránh thua lỗ.
Các chuyên gia trích Báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội (2018) về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa, giai đoạn 2011 – 2016. Kết luận của báo cáo cho biết việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm trong quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói tại hội thảo rằng quản lý rủi ro tại các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được quan tâm, thậm chí bị bỏ quên. Theo bà Phạm Chi Lan, sở dĩ như vậy là vì doanh nghiệp nhà nước làm việc theo tư duy lời ăn, lỗ nhà nước chịu, rủi ro không phải là vấn đề lớn với họ.
Các thông tin đưa ra tại hội thảo cho thấy, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước giảm trong giai đoạn 2011 – 2016 : cụ thể là tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu giảm 39%, chỉ số lợi nhuận trên vốn giảm 30%. Cũng trong giai đoạn này, tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ không giảm. Báo cáo năm 2016 cho thấy có 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ - con lỗ lũy kế trên 17.000 tỷ đồng.
Để đối phó với tình trạng làm ăn thua lỗ tại các doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo vốn chủ sở hữu của nhà nước tại các doanh nghiệp này, ngày 3/2 vừa qua Thủ tướng chính phủ đã ban hành nghị quyết thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban này thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý tổng số vốn lên đến 5 triệu tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kêu gọi trao quyền cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và thu hẹp các đầu mối giám sát vì hiện nay có quá nhiều bộ, ngành tham gia vào việc giám sát trong khi hiệu quả lại không cao.

Tập đoàn Điện lực nộp ngân sách giảm

Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực báo cáo nộp ngân sách giảm hơn 7% dù lợi nhuận tăng (EVN-reports-reduced-budget-contribution-despite-higher-profit)
Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong báo cáo gửi đến Bộ kế hoạch và Đàu tư mới đây cho biết tổng doanh thu ngành điện có sự tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn từ 2015 – 2017, từ khoảng 243 ngàn tỷ đồng lên gần 300 ngàn tỷ đồng. Thu nhập của tập đoàn năm 2017 đã tăng 7,8% so với năm trước đó.
Báo cáo cho thấy lợi nhuận trước thuế của EVN trong năm 2017 tăng 28% so với năm trước đó, đạt hơn 6 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên mức nộp ngân sách của EVN trong năm 2017 lại giảm 7,3% so với năm trước đó.
EVN đặt mục tiêu doanh thu năm 2018 là hơn 328 ngàn tỷ đồng.