Thursday, December 22, 2016

‘Những việc cần làm ngay’: Ông Trọng muốn ghi dấu ấn ‘Nguyễn Văn Linh thứ hai’?

‘Những việc cần làm ngay’: Ông Trọng muốn ghi dấu ấn ‘Nguyễn Văn Linh thứ hai’?
Chẵn ba chục năm sau phong trào “Những việc cần làm nay” của cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư đương đại là ông Nguyễn Phú Trọng dường như đang muốn lặp lại dĩ vãng và đi vào lịch sử với cụm từ tương tự trong một nghị quyết của đảng cầm quyền.
Ngày 19/12/2016, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Cách đây 6 tháng, vào ngày 3/6, ông Trọng cũng đã khởi đi chiến dịch “việc cần làm ngay” bằng một văn bản của tổng bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban cán sự đảng các bộ Công Thương, Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung về “Xe tư nhân gắn biển số xanh và di sản của Phó chủ tịch Hậu Giang”, liên quan trực tiếp trường hợp Trịnh Xuân Thanh.
Khi đó, khá nhiều dư luận cho rằng việc nhắc lại cụm từ “việc cần làm ngay” dường như thể hiện ý chí của ông Trọng muốn trở thành “Nguyễn Văn Linh thứ hai”.
Cần nhắc lại, “những việc cần làm ngay” được coi là một khẩu hiệu phục vụ cho cuộc “chỉnh đảng”, khởi đầu vào năm 1987, sau khi ông Nguyễn Văn Linh chấp nhiệm chức vụ tổng bí thư vào năm 1986 và khởi sự phong trào “Đổi mới”.
Từ năm 1986 đến năm 1990, tổng bí thư Linh đã viết khoảng 18 bài cho mục “những việc cần làm ngay” được mở trên báo Nhân Dân, phê phán những vụ việc quan chức và đảng viên dính líu tiêu cực hoặc có lối sống “không lành mạnh”.
Còn giờ đây, với một nghị quyết sử dụng cụm từ “Những việc cần làm ngay”, rất có thể tổng bí thư Trọng muốn ghi dấu ấn đoạn cuối sự nghiệp chính trị của mình bằng một cái gì đó na ná như cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.
Tuy thế, dư luận cũng đánh giá rằng cho dù muốn “làm ngay” và lặp lại hình ảnh của ông Nguyễn Văn Linh, ông Nguyễn Phú Trọng đang vấp phải tình trạng tham nhũng hiện thời gấp hàng trăm lần so với cách đây ba chục năm. Do vậy, không có gì bảo đảm là tổng bí thư Trọng có thể làm được một chiến dịch lớn nhằm “xoay chuyển tình thế” cho đảng cầm quyền rất thiết thân của ông.
Ghi nhận đáng chú ý là bản nghị quyết “Những việc cần làm ngay” của tổng bí thư Trọng đã chỉ đề cập đến một số biểu hiện nho nhỏ như “tiệc tùng”, “chè chén” – quá ít so với các nội dung đã được quy định trong nghị quyết về “19 điều đảng viên không được làm”. Và càng không thấy đề cập gì đến công cuộc “chống tham nhũng” mà ông Trọng đã thực hiện suốt 6 tháng qua, nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Thậm chí ngay một vụ Trịnh Xuân Thanh “dễ” đến như thế, mà cho tới giờ Thanh vẫn bóng chim tăm cá…
Lê Dung / SBTN

22/12: Nghịch lý trong lực lượng vũ trang

Nguyễn Đăng Quang-22-12-2016
(VNTB) - Nếu ai nói đấy là tiền quỹ của Đảng, thì người đó nên đề nghị Đảng đổi tên QĐNDVN thành Quân đội Cộng sản Việt Nam cho dễ hiểu, vuông tròn rõ ràng, tránh được những tranh cãi và căng thẳng không cần thiết!




Hôm nay, 22/12/2016, Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) kỷ niệm 72 năm ngày thành lập. Trong 72 năm qua, đội quân anh hùng của chúng ta đã lập được nhiều chiến công hiển hách, xứng đáng là quân đội “của dân, do dân, vì dân”! Nhìn lại lịch sử chiến đấu và trưởng thành của QĐNDVN, chúng ta rất tự hào về những thành tích và chiến công mà quân đội ta đã đạt được trong 72 năm qua. Song, công bằng mà nói, QĐNDVN trong giai đoạn gần đây, đặc biệt là từ khi ông Đại tướng Phùng Quang Thanh nắm Bộ Quốc phòng trong gần 10 năm (2006-2016), đã xuất hiện nhiều vấn đề nghiêm trọng. Xin nêu 2 trong số các vấn đề nổi cộm mà tôi gọi là nghịch lý, cụ thể như sau:

     1). Nghịch lý thứ nhất: Quân đội là lực lượng chủ yếu cấu thành Lực lượng Vũ trang. QĐNDVN hiện có biên chế vừa phải. Theo số liệu năm 2014, quân đội có khoảng 412.000 binh sỹ tại ngũ. Đến nay (2016) tăng lên khoảng 450.000. Nhưng số sỹ quan cấp tướng (từ Thiếu tướng trở lên) thì quân đội ta lại quá nhiều! Theo số liệu của Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc Hội, tính đến thời điểm 2014, QĐNDVN có tất cả 489 sỹ quan cấp tướng tại ngũ! Với số lượng này, QĐNDVN đứng đầu thế giới về số sỹ quan cấp tướng, vượt hơn cả số tướng của quân đội Trung Quốc và cả của Mỹ nữa! Hãy làm phép so sánh nhanh là mang con số 489 tướng lĩnh ngày nay so với số tướng lĩnh của QĐNDVN trong 2 cuộc kháng chiến trước đây để thấy rõ hơn nghịch lý này:

        - Trong cuộc Kháng chiến chống Pháp (1946-1054), QĐNDVN chỉ có tổng cộng 12 sỹ quan cấp tướng (gồm 1 Đại tướng, 1 Trung tướng và 10 Thiếu tướng)! Ấy vậy nhưng quân đội anh hùng của chúng ta vẫn đánh thắng một đội quân sừng sỏ của một đế quốc to, đưa cuộc Kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đến Chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng!

          - Còn trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ (1965-1975), LLVT của ta (gồm QĐNDVN và Quân Giải phóng miền Nam) có tổng quân số khoảng 1,2 triệu binh sỹ, kể cả số quân đóng trên miền Bắc, nhưng ta chỉ có khoảng 60 sỹ quan cấp tướng, kể cả 36 vị tướng chỉ huy trực tiếp tại toàn chiến trường miền Nam cũng như trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dẫn đến Đại thắng mùa Xuân 1975!

        Cũng theo Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc Hội, con số 489 sỹ quan cấp tướng nói trên đã “dôi ra” 74 vị so với số lượng 415 sỹ quan cấp tướng mà Luật Sỹ quan QĐNDVN 2014 (sửa đổi) dự định trình Quốc hội để xin chuẩn y. Đấy là chưa kể số “thiếu tướng chìm” hay còn gọi là “đại tá nhô”, tức số sỹ quan cấp đại tá không được phong hàm thiếu tướng nhưng lại được hưởng lương tướng! Như vậy trung bình cứ 900 binh sỹ thì có 1 sỹ quan cấp tướng. Đây quả là tỷ lệ cao nhất thế giới, chẳng quốc gia nào có được! Nhưng chưa hết, nếu căn cứ vào tỷ lệ bình quân của quân đội chuyên nghiệp trên thế giới hiện nay là cứ 1 sỹ quan cấp tướng sẽ có khoảng 120 sỹ quan thuộc cấp (từ đại tá xuống đến thiếu úy), thì QĐNDVN (theo số liệu mới nhất năm 2016, ta có 475 sỹ quan cấp tướng tại chức) thì Việt Nam có ít nhất khoảng 57.000 sỹ quan đeo quân hàm từ thiếu úy đến đại tá! Nếu con số này chính xác, thì QĐNDVN có một đội ngũ sỹ quan đồ sộ! Quả là Viêt nam có một đội ngũ sỹ quan mà không một đội quân nào trên thế giới, kể cả quân đội Trung Quốc hoặc quân đội Hoa Kỳ có nổi! Nếu xét theo bình diện: Số lượng tướng lĩnh cộng với tổng số sỹ quan so với tổng biên chế quân nhân tại ngũ, thì đây quả là nghịch lý của LLVT ta hiện nay! Liệu có quốc gia nào trên thế giới với tiềm lực kinh tế như Việt Nam (GDP khoảng gần 200 tỷ USD/năm) có thể chịu nổi nghịch lý này không? Tôi tin là không! Vậy ai là người chịu trách nhiệm để nghịch lý này xảy ra và tồn tại đến nay? Tôi nghĩ đã đến lúc rất cần một cuộc cải tổ sâu rộng và toàn diện trong LLVT nói chung, QĐNDVN nói riêng, kể cả việc xác định cụ thể đối tượng tác chiến trước mắt và lâu dài của quân đội ta!

         2). Nghịch lý thứ hai: Tại sao phải có quân đội? Mọi quốc gia phải xây dựng và duy trì quân đội là để bảo vệ Tổ quốc, để giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia! Đây là nhiệm vụ hàng đầu, là nghĩa vụ tối cao và thiêng liêng của quân đội mọi quốc gia trên thế giới. QĐNDVN ta không nằm ngoài trách nhiệm cao cả này. Từ ngày ra đời đến nay, QĐNDVN ta luôn được nhân dân thương yêu, đùm bọc và nuôi dưỡng. Trong suốt 3 cuộc chiến tranh vệ quốc, quân đội ta được nhân dân nhường cơm, xẻ áo, được toàn dân che chở, nuôi dưỡng! Không phải ngẫu nhiên mà năm 1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Kháng chiến của ta đổi tên “Quân đội Quốc gia Việt Nam” thành “Quân đội Nhân dân Việt Nam”! Từ khi ra đời đến nay, QĐNDVN do nhân dân Việt Nam nuôi dưỡng, chứ không do một tổ chức hoặc một đảng phái chính trị nào trả lương hay nuôi dưỡng cả! Do vậy, đương nhiên quân đội phải có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, chứ không thể trung thành với đảng phái hay tổ chức chính trị nào cả! Đây là nguyên tắc thiêng liêng và bất di bất dịch của mọi quân đội trên thế giới, chứ không chỉ riêng QĐNDVN ta!

        Trở lại những tháng ngày lịch sử khi quân đội ta mới ra đời. Cách đây 70 năm, ngày 26/5/1946, đến dự lễ khai giảng khóa sỹ quan đầu tiên của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng Nhà trường bức trướng thêu 6 chữ vàng “TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN!” Trong dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN” là bổn phận thiêng liêng, là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sỹ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta!”. Từ đó khẩu hiệu này được toàn quân coi như lời thề thiêng liêng, nó theo chân các binh đoàn quân đội ta đi khắp các chiến trường đất nước: đánh Pháp thắng lợi, kháng Mỹ thành công, giúp nước bạn Căm-pu-chia thoát nạn diêt chủng, đánh bại 60 vạn quân Trung Quốc xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc đầu năm 1979! Lịch sử quân đội ta thật oai hùng, ít có quân đội nào trên thế giới sánh kịp. Nhân dân ta rất tự hào về đội quân của mình!

       Sau năm 1975, Việt Nam ta đã 3 lần sửa đổi Hiến pháp. Hai lần sửa đổi đầu tiên, Hiến pháp năm 1980 (Điều 51) và Hiến pháp năm 1992 (Điều 45) đều vẫn giữ nguyên câu: “LLVTND phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Nhân dân. Nhưng đến bản “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013”, tại Điều 70, người ta lại sửa thành“ LLVTND phải tuyệt đối trung thành với Đảng CSVN, Tổ quốc và Nhân dân”. Vậy là họ muốn quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản đầu tiên, chứ không “Trung với Nước, Hiếu với Dân” như trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn và huấn thị! Còn trước đấy, lời thề thiêng liêng của quân đội “TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN!” đã bị lặng lẽ thay bằng câu “TRUNG VỚI ĐẢNG, HIẾU VỚI DÂN!” từ khi nào chẳng ai hay! Nhiều người lên tiếng góp ý, đòi giữ nguyên như cũ thì bị quy chụp đủ điều và bị đe dọa là sẽ xử lý nghiêm, mặc dù trước đấy, Đảng kêu gọi toàn dân góp ý sửa đổi Hiến pháp , kể cả ý kiến trái chiều! Xin Đảng cứ yên tâm, quyền lãnh đạo quân đội vẫn là của Đảng, không có cá nhân, tổ chức hoặc đảng phái nào muốn tranh giành và cũng không đủ sức tranh giành quyền này cả! Ngày nay, mọi người đều thừa nhận thực tế sau đây như một chân lý hiển nhiên: “QĐNDVN từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu!” chứ có ai nói “QĐNDVN từ Đảng mà ra, vì Đảng mà chiến đấu!” đâu? Nhân đây, người viết bài này xin đề nghị những ai muốn thay đổi di huấn của cố Chủ tịch HCM đối với QĐNDVN trả lời câu hỏi sau đây:“Tiền lương hàng tháng chi trả cho quân đội, ngân sách quân sự hàng năm dùng để mua súng đạn, quân trang, quân dụng, máy bay, tầu ngầm, tên lửa, xe tăng, tầu chiến, v.v... lấy từ tiền thuế của dân hay lấy từ quỹ riêng của Đảng?” Nếu ai nói đấy là tiền quỹ của Đảng, thì người đó nên đề nghị Đảng đổi tên QĐNDVN thành Quân đội Cộng sản Việt Nam cho dễ hiểu, vuông tròn rõ ràng, tránh được những tranh cãi và căng thẳng không cần thiết!



       Về nghịch lý này, tác giả bài thơ nổi tiếng “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” là cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh nêu lên thắc mắc: “Khẩu hiệu của quân đội là “Trung với Đảng”, vậy sao khi hy sinh lại ghi trên bia mộ là “Tổ quốc ghi công” chứ không phải là “Đảng ghi công?”. Xin hoan nghênh và cảm ơn cô giáo Trần Thị Lam, và xin mời những ai chủ trương thay đổi di huấn của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay vì dọa nạt và o ép cô giáo Lam, hãy lên tiếng trả lời công khai câu hỏi trên của cô giáo đầy trí tuệ Trần Thị Lam đi!


                                                                  Hà Nội, ngày 22/12/2016.
                                                                      
Nguyễn Đăng Quang                                                                              
                                         (Nhân kỷ niệm 72 năm ngày thành lập QĐNDVN

                                                  và 27 năm ngày “Quốc phòng toàn dân”)                

Lợi ích dân tộc - quốc gia - nhà nước: Lợi ích nào đang bị xâm phạm?

Trúc Giang-21-12-2016

(VNTB) - Thời gian gần đây dường như điều luật 258 Bộ Luật Hình sự được ‘vận dụng’ để ngăn cản những tin tức về chính trị, hoặc những vấn đề nhạy cảm thường được dư luận quan tâm. Người dân phản ứng bằng việc tổ chức những cuộc biểu tình, viết những ‘status’ trên trang cá nhân facebook, phát biểu trên video clip youtube…, thì phải đối mặt với điều luật 258. 


Câu hỏi đặt ra: Lợi ích dân tộc, lợi ích công chúng hay lợi ích chính quyền, mới là lợi ích chịu sự điều chỉnh của điều luật 258? Sở dĩ đặt câu hỏi như vậy, vì điều 2 Hiến pháp ghi rằng Nhà nước là “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
Những chế độ hướng tới kìm chế sự đối lập về dân sự và chính trị đã tìm ra một công cụ mới trong việc kiểm soát thông tin của họ: truyền thông nhà nước. Điều này xảy ra bất chấp sự thật rằng truyền thông nhà nước, cũng như nhiều phương tiện thông tin khác có thể phục vụ lợi ích của mọi công dân và cung cấp thông tin miễn phí về thương mại, nhà nước hay ảnh hưởng chính trị.
“Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. 
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của  Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm  hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong  trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”. (Bộ Luật Hình sự 1999)

Lợi ích dân tộc
Khái niệm lợi ích dân tộc có nội hàm rộng, bao hàm trong đó tất cả những gì tạo thành điều kiện cần thiết cho sự trường tồn của cộng đồng với tư cách quốc gia dân tộc có chủ quyền, thống nhất, độc lập, lãnh thổ toàn vẹn; cho sự phát triển đi lên về mọi mặt của quốc gia dân tộc theo hướng làm cho đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng ngày càng phong phú, tốt đẹp hơn; cho sự nâng cao không ngừng sức mạnh tổng hợp quốc gia, năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế, vị trí, vai trò, uy tín quốc tế của quốc gia dân tộc.
Các dân tộc trên thế giới đều coi lợi ích căn bản nhất của dân tộc là Tổ quốc độc lập, thống nhất, giàu mạnh, lãnh thổ toàn vẹn (bao gồm vùng đất, vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa), nhân dân làm chủ đối với Tổ quốc mình.
Trong lợi ích dân tộc có những nhân tố thuộc về tự nhiên được cộng đồng sở hữu: đất đai, sông hồ, biển đảo, khí hậu, tài nguyên, vị trí địa lý,... và có những điều kiện xã hội: truyền thống tốt đẹp, độc lập, thống nhất, dân tộc đoàn kết, các quan hệ xã hội ở trong nước và những quan hệ quốc tế tích cực... Những điều kiện tự nhiên và xã hội đó, xét đến cùng, đều do cộng đồng dân tộc tạo lập, giữ gìn bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương của nhiều thế hệ. Lợi ích dân tộc không phải những mong muốn, áp đặt chủ quan mà là những yếu tố, quan hệ khách quan hình thành trong lịch sử cần được nhận thức và xử lý đúng đắn.
Như vậy, vì sao những người viết báo ở Việt Nam trên nền internet truyền thông mạng xã hội lại luôn đứng trước một đe dọa của cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”? Ở nhiều quyết sách mà Nhà nước đưa ra, vấp nhiều phản đối của người dân, thì những phản biện ấy dễ dàng bị quy chụp là phản động.
Đơn cử, các trận lũ dọc dài miền Trung từ ngày 14/10 đến nay đã làm 235 người chết, thiệt hại lên đến 37.650 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD) theo thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Không thể lúc nào mưa lũ cũng nói đến do thiên tai mà nhân tai từ thủy điện và một số tác động khác của con người qua nhóm lợi ích đứng ngoài phủi tay.
Các dự án thủy điện ở miền Trung luôn đưa ra những hứa hẹn cho quan chức địa phương duyệt là giảm lũ, điều tiết lũ, cắt lũ hạ du. Họ cũng hứa trồng rừng trả lại rừng khi đi vào vận hành. Nhưng cho đến nay, chưa có báo cáo nào về chủ thủy điện đầu tư trồng lại rừng sau khi lấy rừng làm thủy điện.
Rõ ràng ở đây lợi ích của người dân, của công chúng miền Trung đã bị xâm phạm. Khi bị truy vấn, các chủ thủy điện đều nói về quy trình họ vận hành đúng, nhưng khi cho kiểm tra lại sai nhiều vấn đề mà thủy điện Hố Hô là một ví dụ. Lũ về, nước xả lênh láng, sau đó lãnh đạo Hố Hô bao biện xả đúng quy trình, đến khi đoàn kiểm tra vào cuộc, hàng loạt lỗi bị phạt hàng trăm triệu đồng. Các thủy điện xả lũ cuối năm này, chưa thấy đoàn nào vào thanh tra để người dân được biết cái quy trình ấy là gì mà gây thiệt hại thảm khốc.
Thế nhưng nếu người dân phản ứng bằng việc tổ chức những cuộc biểu tình, viết những ‘status’ trên trang cá nhân facebook, phát biểu trên video clip youtube…, thì phải đối mặt với điều luật 258 như đã nói ở trên.

Lợi ích Nhà nước
Xót của giùm cho Nhà nước, cũng không dễ khi muốn thể hiện qua những hình thức truyền thông trên mạng xã hội. Đơn cử như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, cựu Tổng giám đốc PVC và Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang thôi đã rõ. Từ cả một quá trình dài quản lý gây thua lỗ hàng ngàn tỉ mà vẫn được tuyên dương khen thưởng của ông ta, cho đến việc được điều động về làm phó chủ tịch một tỉnh rồi sau đó âm thầm “chui lọt lỗ kim” trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố, những cá nhân liên quan liên đới không ai bị buộc tội tòng phạm mà tất cả đều biện minh là thực hiện “đúng quy trình”!
Ai mà chẳng biết được rằng chỉ đơn độc một mình Trịnh Xuân Thanh thì ông ta không thể “một tay che cả bầu trời” nếu không có sự giúp sức, hỗ trợ hay làm ngơ của những cá nhân liên đới…
Có đến hàng chục, hàng trăm vụ việc, lớn có, nhỏ có, “đại án” có, liên quan đến những chuyện làm “đúng quy trình”. Mới đây nhất là vụ thăng chức “siêu tốc” cho một “thần đồng” vào vị trí Phó vụ trưởng tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Vâng, đúng thì đúng quy trình thật đấy, nhưng lại có thể và đã có gây ra những hậu quả nghiêm trọng, như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy như đã kể…
Tuy nhiên đến khi người dân lên tiếng kiểu cho rằng chuyện Internet ‘truy nã đỏ’ là trò đùa lố, thì dễ dàng nhận được “giấy triệu tập” của nhà chức trách.
Trước đó, dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, khi luật sư Cù Huy Hà Vũ nộp đơn khởi kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi cho rằng ông Dũng đã vi phạm pháp luật khi ra quyết định về dự án trong đó có luật bảo vệ môi trường, luật bảo vệ di sản văn hóa, thì lập tức xảy ra vụ án ‘bao cao su’ đẩy ông luật sư này vào chốn tù tội.

Tạm kết
Tránh bị quy chụp vào điều luật 258, xin tạm kết bài viết này bằng một lý thuyết thuần túy trường luật: Không phải tất cả những gì mà các chính phủ tuyên bố là “lợi ích quốc gia” đều là lợi ích dân tộc chính đáng.
Vấn đề ở chỗ, luật pháp của một quốc gia có thể chỉ là quan điểm đơn phương của quốc gia đó, nên nó không thể là căn cứ duy nhất để giải quyết mâu thuẫn về quyền lợi dân tộc.
Luật pháp quốc tế một mặt phản ánh ý nguyện của các dân tộc, phản ánh kết quả đấu tranh của các dân tộc yêu độc lập, tự do, hòa bình, công lý. Nhưng mặt khác, luật pháp quốc tế phản ánh tương quan lực lượng trên trường quốc tế mà tương quan này không phải bao giờ cũng có lợi cho các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập, dân chủ, công bằng, bình đẳng.
Lẽ đó nên lợi ích căn bản của dân tộc Việt Nam, hay nói rộng hơn là lợi ích quốc gia Việt Nam, phải là thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân ấm no, tự do, hạnh phúc. Thể chế chính trị nào làm được điều đó, tất yếu sẽ được người dân ủng hộ.

Trực trạng bệnh viện công hiện nay

Anh Vũ, thông tín viên RFA 2016-12-22  
Một bệnh viện nhi đồng công ở Hà Nội chụp hôm 17/4/2014.
Một bệnh viện nhi đồng công ở Hà Nội chụp hôm 17/4/2014.  AFP photo
Tình trạng các BV công quá tải bệnh nhân diễn ra đã nhiều chục năm nay, tình trạng người bệnh nằm ghép trên một giường là chuyện hết sức phổ biến.
Quá tải
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, trong 10 năm qua nhiều bệnh viện công đang ở trong tình trạng quá tải trầm trọng, công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức 90-110%. Bệnh nhân thường phải nằm ghép 3-4 người một giường. Một phòng có 4 giường, nhưng cả chục bệnh nhân nằm điều trị là điều thường thấy, tại hầu hết các bệnh viện của nhà nước.
Điều đáng nói là, tình trạng bệnh nhận phải nằm ghép đến nay được coi là chuyện đương nhiên, và người bệnh phải chấp nhận.
Ông Thành quê ở Thanh Hóa, hiện đang chăm sóc con điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết:
“Bệnh viện đông quá, phải nằm 02 cháu một giường, nhưng do các cháu ốm đau nhiều quá thì phải chấp nhận như thế, biết làm sao được?”
Dưới nhan đề "Người dân vây Bộ trưởng Y tế tại Bệnh viện K vì bức xúc ", báo VnExpress ngày 9/12/2016 cho biết, sáng 8/12, khi đi thị sát Bệnh viện K (Hà Nội), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được nhiều bệnh nhân vây quanh phàn nàn về tình trạng nằm ghép giường và nhiều khoản chi "khó nói"...
Bệnh viện đông quá, phải nằm 02 cháu một giường, nhưng do các cháu ốm đau nhiều quá thì phải chấp nhận như thế, biết làm sao được?
- Ông Thành
Theo đó, tại khoa Nội 2, Bộ trưởng Tiến đã hết sức bức xúc khi chứng kiến có tới 4 bệnh nhân ngồi chung nhau trên một giường bệnh. Lập tức bà Bộ trưởng đã chỉ trích lãnh đạo Bệnh viện rằng, “Thử hỏi các bác sĩ, bắt các anh 4 người ngồi trên cùng một giường bệnh cá nhân này, các anh có chịu được không? Đến người khoẻ còn không chịu đựng nổi nữa là bệnh nhân".
Truyền thông nhà nước ở VN đã không ít lần báo động tình trạng quá tải ở các bệnh viện hiện nay đã ở mức nghiêm trọng, nhất là mỗi khi xảy ra dịch bệnh. Nói về tình trạng quá tải ở các bệnh viện hiện nay, BS Đông ở bệnh viện Ung bướu TP. HCM cho biết:
“Từ trước đến giờ bệnh viện luôn quá tải, nguyên nhân là do nguồn bệnh nhân từ các tỉnh chuyển lên thêm tới 60-70%. Theo định biên thì bệnh viện có 1.300 giường nhưng chỉ có 700 giường nội trú thôi, nhưng số bệnh nhân nội trú luôn là 1.700-1800 người, kể cả bệnh nhân ngoại trú là 8.000 người. Vì thế tình trạng một giường nằm 2-3 người thậm chí không phải là nằm nữa, mà gọi là ngồi.”
Trả lời câu hỏi về nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bệnh viện công quá tải hiện nay?
Bác sĩ Thắng một bác sĩ tại Khoa Khám bệnh một Bệnh viện Trung ương ở Hà nội cho biết:
“Tính từ năm 1975 dân số của chúng ta đã tăng gấp đôi nhưng số lượng bệnh viện lại không tăng bao nhiêu, thêm vào đó lượng khách vãng lai, lao động ngoại nhập vào làm các công trình, nên càng làm nhu cầu khám bệnh tăng cao vì vậy dẫn đến quá tải bệnh viện. Thêm vào đó quá trình ăn uống không đảm bảo vệ sinh, thức ăn nhiễm hóa chất lại càng làm người dân mắc bệnh nhiều hơn.”
Ngành y nói gì?
Theo báo Người Lao động, TS. Lý Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế y tế Việt Nam, nguyên cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế)  cho rằng, các BV đang tồn tại 2 tình trạng là quá tải thật và quá tải “ảo”. Quá tải “ảo” là do người bệnh vượt tuyến điều trị trong khi bệnh tình không đáng phải vậy. Song theo ông, điều đáng lo là trên thực tế, nhiều BV không muốn giảm tải, vì quá tải sẽ mang lại thu nhập cho bệnh viện. Theo ông, Bộ Y tế cần phải quy định rõ danh mục cơ bản mà tuyến trên phải làm, những danh mục còn lại thuộc tuyến dưới.
Theo Bác sĩ Thắng, hiện nay tình trạng người bệnh cứ ốm là vượt tuyến để khám, không cần biết bệnh nặng hay nhẹ diễn ra rất phổ biến, theo ông có nhiều ca bệnh nhân mắc bệnh thông thường, mà các cơ sở tuyến dưới thừa sức giải quyết. Ông giải thích:
Năng lực y tế tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân khiến các bệnh viện tuyến trên quá tải trầm trọng
- Bác sĩ Thắng
“Năng lực y tế tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân khiến các bệnh viện tuyến trên quá tải trầm trọng - rất nhiều bệnh viện tuyến huyện xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn, thiếu cán bộ y tế giỏi chuyên môn..., trong khi điều kiện kinh tế người dân các tỉnh ngày càng khá, họ có xu hướng lên tuyến trên điều trị...”
Khi được hỏi làm thế nào để có thể nhanh chóng giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình trạng quá tải tại các bệnh viện công?
Cần tăng cường chất lượng điều trị, một Bác sĩ thuộc Trung tâm Phát triển năng lực quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế đề nghị dấu danh tính cho biết:
“Đầu tiên là phải nâng cao chất lượng điều trị, làm thế nào để giảm số ngày nằm viện càng ít càng tốt, bằng cách chúng tôi sẽ đưa ra các tiêu chuẩn được nằm viện một cách chặt chẽ, không cho nhập viện một cách ồ ạt. Đối với các bệnh nhân không xứng đáng phải nằm viện thì chúng tôi sẽ chuyển xuống tuyến dưới hoặc cho họ điều trị tại nhà với các tư vấn thật là chi tiết.”
Giải quyết cách nào?
Theo Bác sĩ  Thắng, muốn giải quyết triệt để tình trạng quá tải cần đầu tư nhiều hơn cho ngành y, giải quyết tận gốc, toàn diện và triệt để, cả về tổ chức nhất là con người và chính sách đầu tư, đãi ngộ cho y, bác sĩ. Bắt đầu bằng cải cách tiền lương, phân bố hợp lý lực lượng nhân sự hiện có, tránh tình trạng cán bộ giỏi và trang thiết bị hiện đại dồn lên tuyến trên. Ông khẳng định:
Muốn chống quá tải thì Nhà nước cần phải đầu tư nhiều hơn cho ngành y về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là con người có chuyên môn thật tốt...
- Bác sĩ Thắng
“Theo tôi, muốn chống quá tải thì Nhà nước cần phải đầu tư nhiều hơn cho ngành y về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là con người có chuyên môn thật tốt, và phải được đào tạo bài bản thì mới có thể giảm quá tải ở các bệnh viện.”
Chúng tôi đã liên lạc tới Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế để tìm hiểu về chủ trương của Bộ Y tế trong việc giải quyết vấn đề này, nhưng không nhận được sự trả lời.
Theo báo Tuổi trẻ, TS-BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, đã không cầm được nước mắt khi cho biết, “Chúng ta tự hào tay nghề bác sĩ cao, tự hào điều trị khỏi được những căn bệnh rất đặc biệt, nhưng người bệnh vào bệnh viện phải nằm ghế bố, hành lang, thậm chí phải nằm gầm giường. Sản phụ sinh xong như cua mới lột xác, cần nằm nơi kín gió, không có ánh mặt trời nhiều nhưng có người vẫn phải nằm hành lang, nằm ghế bố. Tôi thật sự rất đau lòng”. Phát biểu của Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết có lẽ còn là một câu hỏi đặt ra đối với trách nhiệm của những nhà quản lý trong ngành y tế.

Con ruồi 840 triệu ở Cà Mau

Chim Biển (Danlambao) - Có lẽ tựa đề của bài viết này khiến nhiều người liên tưởng tới vụ án “con ruồi 500 triệu” của Tân Hiệp Phát. Xin thưa là vụ “con ruồi” 840 triệu là sự kiện trong kế hoạch “đả hổ diệt ruồi” do tổng Trọng Lú phát động kể từ khi tái nắm quyền cai trị đảng cộng sản và nhân dân.

Mục tiêu trong chiến dịch của tổng Lú lần này là đồng chấy Phan Văn Nam – Phó chánh văn phòng UBND huyện Ngọc Hiển. Ông này đã âm thầm giữ riêng số tiền trên với mục đích rất ư là tốt đẹp, khi chi 100 triệu để mua 3 chiếc xe máy tặng cho các xếp trên huyện (gồm Lý Hoàng Tiến - Chủ tịch UBND huyện, Tiếp Minh Thành - phó chủ tịch HĐND huyện, Lê Văn Khánh - nguyên phó chủ tịch UBND huyện) sử dụng. Sau đó lại rất hòa phóng đem 600 triệu cho Lê Văn Khánh “mượn”, bản thân ông chỉ giữ lại 7 triệu trong khi phải chi cho các mục đích khác hơn 130 triệu còn lại. Thật ra “con ruồi 840 triệu” này đã “lòi” ra từ năm 2012 tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Liên quan đến số tiền 840 triệu

Kết luận thanh tra tỉnh Cà Mau nhận định là do sai phạm của sở tài nguyên môi trường tỉnh Cà Mau trong quá trình làm thủ tục cho công ty lâm nghiệp Ngọc Hiển thuê 1800ha đất. Công ty này đã làm thủ tục thêu đất từ năm 2012 nhưng cho đến nay vẫn chưa được cấp phép. Tuy nhiên phía công ty lâm Nghiệp Ngọc Hiển vẫn khai thác sản phẩm và đã “chơi đẹp” khi chuyển 840 triệu cho văn phòng UBND huyện, mặc dù chưa có hợp đồng giao khoán đất theo qui định của pháp luật. Phía công ty lâm nghiệp Ngọc Hiển cho rằng “tiền đó là tiền giao khoán, ăn chia lâm sản” và việc giao tiền cho UBND huyện là đúng qui định.

Thật ra vụ việc chẳng có gì khó khăn ở khâu giải quyết thủ tục “hành là chính”, hơn nữa số tiền 840 triệu cũng chẳng là gì so với khối tài sản của mấy đồng chấy lãnh đạo cấp cao của cộng sản. Vấn đề là tại sao báo chí nhà sản lại nhảy cẩng lên phang mấy tay lãnh đạo cấp thấp ở cái huyện be bé của cái tỉnh có vị trí cuối cùng trên bản đồ Việt Nam. Đây chính là kế hoạch cao tay ấn của tổng Lú, nói rằng lú chứ thật ra tổng Lú là một con cáo già (có lẽ già nhất về nghĩa đen và nghĩa bóng)trong bộ máy cai trị của cộng sản). Từng là tổng biên tập tạp chí cộng sản, nên Lú luôn biết cách dùng báo chí để quảng bá cho chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của mình. Với kế hoạch này thì một số nhân vật đồng chấy của Lú đã trở thành dê tế thần với mục đích xây dựng uy tín đảng và lấy lại niềm tin trong “quần của chúng” nhân dân. Ngoài chức tổng bí thư cộng sản, Trọng Lú còn kiêm nhiệm chức vụ trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Với những chức danh trên, Lú đã tạo được tiếng vang khi chỉ đạo cấp dưới của mình, tiến hành điều tra xét xử một loạt các doanh nghiệp thua lỗ như vụ Hà Văn Thắm Ocean Bank, Huyền Như Viettinbank, hay như vụ án đưa, nhận hối lộ tại tổng công ty xây dụng đường thủy Vinawaco... Trên thực tế thì những vụ “đại án” này chỉ nhằm vào sự thua lỗ của các ngân hàng, các doanh nghiệp với phần luận tội là thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái qui định của nhà nước để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Thành phần tội phạm này hầu hết là các giám đốc công ty, giám đốc ngân hàng hay giám đốc dự án. Với những con dê tế thần này thì Trọng Lú có vẻ hả hê khi được báo giới nhà sản tâng bốc lên mây xanh. 

Nhưng kể từ khi cái tin Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài thì nước cờ của Lú có vẻ tối tăm. Ván cờ này Trịnh Xuân Thanh dường như đưa Trọng Lú vào một thế hăm tướng. Có lẽ vì thế Lú đã nhiều lần lên tiếng tại các kỳ họp quốc hội rằng sẽ chỉ đạo bộ công an bằng mọi giá phải bắt cho được kẻ đang đi nước cờ hăm tướng. Chưa xong vụ tay cờ họ Trịnh thì một lần nữa “tướng Lú” nhức nhối với việc bỏ trốn ra nước ngoài của cựu tổng giám đốc công ty xơ sợi - Vũ Đình Duy.

Hai nhân vật này được cựu bộ trưởng bộ công thương khi đương nhiệm cất nhắc vào bộ công thương, mặc dù năng lực chuyên mốn kém và từng bị giáng chức khi đương quyền. Lú đã phải nóng mặt, đau đầu để tìm ra phương án qui trách nhiệm cho một đồng chấy về hưu là bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Lú đã chỉ đạo đàn em trong ban bí thư đảng cách chức Vũ Huy Hoàng dù đã về hưu, nào là họp khẩn tìm phương án kỷ luật ông này vì đã dung dưỡng đàn em làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của ngân sách. 

Có lẽ trong sự nghiệp chính trị chính em hay chính anh của Lú, đây là ván cờ khó giải thứ 2, sau ván cờ tranh giành chiếc ghế bí thư với đồng chấy 3X kỳ đại hội đảng 12 vừa qua.

Nhiều nhận định được đưa ra từ các chuyên gia chính trị trong và ngoài nước đã chỉ ra sự phân hóa nội bộ của cộng sản đang đến hồi quyết liệt. Hiện tượng đấu đá, thủ tiêu lẫn nhau đã xảy ra trong chính những “cán bộ cần mẫn” của đảng cộng sản. Những vấn đề này đã được phanh phui trên mạng xã hội nên Lú buộc phải tính kế thay đổi nước cớ mới trong chiến dịch “đập ruồi” của mình. 

Vụ việc 840 triệu liên quan tới đồng chấy phó chánh văn phòng UBND huyện Ngọc Hiển và một số lãnh đạo trong huyện này chắc chắn sẽ UBND tỉnh Cà Mau làm rõ trách nhiệm. Chắc chắn những đồng chấy liên quan sẽ bị “kỷ luật nghiêm khắc” đúng theo quy trình bằng việc thuyên chuyển công tác lên những cơ quan cao hơn. Lãnh đạo sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc cũng như phê và tự phê để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ “bòn rút” cao cả mà đảng và chính phủ giao phó. Các đồng chấy vi phạm ấy sẽ quyết tâm cao độ để thực hiện lộ trình khắc phục hậu quả. Kiên quyết sẽ không từ chức để giữ vững những chiếc ghế mà đảng cộng sản đã tin tưởng giao phó trong sự nghiệp làm theo tấm gương đạo đức của kẻ đã ra đi tìm đường bán nước.

Về phía nhân dân, chúng tôi đánh giá cao tinh thần đập ruồi của bác tổng Lú cũng như đội ngũ báo chí nhà sản. Các bồi bút đã tích cực, nhanh chóng “xả bút, phóng mực” theo chỉ thị của nguyên tổng biên tập tạp chí cộng sản nhằm giữ vững danh hiệu “không việc gì phải mua ống cống”

Đảng CSVN và người đàn ông Ấn Độ xẻ núi

Ls. Đào Tăng Dực (Danlambao) - Tình cờ đọc một bài viết về câu chuyện có thật (tác giả Hữu Bằng đăng trên báo Đại Kỷ Nguyên VN) của một người đàn ông nông dân Ấn Độ tên Manjhi khi vợ bị thương nặng trong một tai nạn năm 1959, phải đưa đi nhà thương. Vì bị một ngọn núi chặn đường, phải đi vòng quanh núi mất nhiều thời gian. 

Khi đến nhà thương thì quá trễ và người vợ thương yêu của ông qua đời.

Sau đó, một thân một mình, mặc cho những lời đàm tiếu và búa rìu dư luận, ông đã quyết định dùng những dụng cụ thô sơ, kiên trì suốt 22 năm, phá và tạo ra một con đường xuyên núi, giúp cho dân làng của mình tiết kiệm thời giờ quý báu, đưa thân nhân đến nhà thương nhanh chóng hơn.

Ông qua đời năm 73 tuổi vì ung thư bàng quang, được chính quyền tiểu bang Bihar làm “quốc táng” và câu chuyện của ông được đóng thành phim, làm gương cho hậu thế.

Khi so sánh với nông dân Manjhi này, nhiều dân tộc bất hạnh trên thế giới, khi phải đối đầu với thảm họa Cộng Sản, thì chướng ngại họ gặp còn lớn lao hơn ngọn núi chặn đường sống của người vợ mà Manjhi yêu dấu rất nhiều. Nếu so với ngọn núi cản đường Manjhi thì các đảng cộng sản trên thế giới có thể ví như những rặng Hi Mã Lạp Sơn chặn đường tiến hóa các dân tộc.

Trước hết ý thức hệ Mác Lê là một ý thức hệ giáo điều khắc nghiệt và các đảng cộng sản trên thế giới là những định chế bảo thủ và kiên định, xây dựng trên những bản năng và dục vọng thấp hèn nhất của con người. 

Các đảng CS trên thế giới kéo dài được hơi thở và mạng sống cũng vì giới lãnh đạo từ Đặng Tiểu Bình đến Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh đến quyền lợi và bổng lộc của từng đảng viên sẽ được bảo vệ bao lâu mà đảng còn thống trị tuyệt đối. Chính vì thế, tuy chống đối lẫn nhau bề nổi, nhưng trong bản chất, cả Nguyễn Phú Trọng lẫn Nguyễn Tấn Dũng đều ý thức sâu sắc nguyên tắc tập thể lãnh đạo và luân phiên lãnh đạo hầu duy trì đảng trị và phân chia quyền lợi, theo đúng lời dạy của Thái Sư Phụ Đặng Tiểu Bình.

Các đảng cộng sản là những ngọn núi lớn lao và vững chắc hơn các chế độ quân phiệt, độc tài cá nhân trị và ngọn núi của Manjhi. Con đường dân chủ hóa của các dân tộc bị cộng sản cai trị muôn vàn khó khăn.

Liên Bang Xô Viết và các quốc gia Đông Âu phải mất 70 năm mới vượt thoát khỏi hiểm họa này, lâu hơn hẳn Manjhi. Các dân tộc khác như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn, Lào chắc chắn cũng phải chấp nhận mất nhiều thời gian tương tự.

Chính vì thế, mỗi cá nhân đang kiên trì dấn thân vào con đường dân chủ hóa đất nước, nhất là những người đã kiên trì từ các thập niên 70 sau ngày miền Nam rơi vào tay CS, đã kiên trì tranh đấu suốt 40 năm, xứng đáng được tuyên dương như những con người bất khuất nhất lịch sử dân tộc.

Nông dân Manjhi chỉ là một con người chất phát, ít học, chỉ biết sử dụng những khí cụ thô sơ. Thế nhưng ông vẫn thành công vì ý chí dấn thân sắc đá, tình yêu của ông đối với vợ và dân làng vô bờ bến và ngọn núi đối diện với ông mặc dầu vĩ đại nhưng rồi cũng phải quy hàng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, yếu tố mà những người Việt tham gia vào tiến trình dân chủ hóa đất nước cần phải học hỏi từ nông dân Manjhi là ý chí dấn thân sắc đá kiên định.

Dĩ nhiên, trong hàng ngũ những người tranh đấu cho tiến trình dân chủ hóa đất nước không thiếu nhiều người trí thức và hiểu biết. Tuy nhiên điều đáng buồn là trong cuộc tranh đấu dài nhiều thập kỷ, người đã bỏ cuộc, trở nên yếm thế và làm suy giảm tiềm năng của công cuộc đấu tranh.

Thêm vào đó, trên bình diện đấu tranh chính trị, chỉ có sự đối kháng có tổ chức mới làm CSVN sợ hãi và tích cực đàn áp. Trong khi đó rất nhiều thành phần trí thức bất đồng chính kiến chọn con đường dễ đi là cá nhân chống đối và không dấn thân tích cực như nông dân Manjhi. 

Một khó khăn nữa là đảng CSVN không phải là một khối đá vô tri, bất di bất dịch, mặc cho chúng ta đục đẽo, mà là một thực thể sinh động, có thể uyển chuyển co giãn, làm cho công cuộc tranh đấu dân chủ hóa đất nước trở nên phức tạp hơn nhiều. 

Chính vì thế, cũng như Manjhi vậy, tiến trình dân chủ hóa Việt Nam cần những con người ý chí dấn thân kiên định và một tình yêu dân tộc Việt Nam vô bờ bến. Đảng CSVN tuy không phải là một khối đá vô tri vô giác, nhưng cũng bị xoi mòn và tha hóa bỡi trào lưu tư tưởng và tin học của nhân loại. Thêm vào đó, lực lượng tranh đấu cho tiến trình dân chủ hóa cũng có thể phát huy sinh động và muôn màu muôn sắc.

Chính vì thế ý chí dấn thân kiên định phải là điều kiện tiên quyết và chúng ta cần phải vinh danh tất cả những cá nhân, nhất là những cá nhân lãnh đạo các tập thể đấu tranh trong nước lẫn hải ngoại, trong suốt nhiều thập niên qua, bất chấp các trở lực khách quan và búa rìu dư luận, như những Manjhi của Việt Nam.

22.12.2016

Người dân tố cáo quan chức tại Đập Đá, Bình Định

Hình ảnh Thanh tra tỉnh đi lên điều tra hàng loạt việc làm sai phạm pháp luật của cán bộ địa chính phường Đập Đá

Tôi tên: Nguyễn Ngọc Dũng, sinh năm: 1955 SĐT: 0927042040
Nơi ở: 165 Ngô Văn Sở, Đập Đá, An Nhơn, Bình Định.

Hôm nay tôi gửi mail này đến Dân Làm Báo, mong được sự lên tiếng trước sự lợi dụng chức vụ quyền hạn của cán bộ địa chính, phường Đập Đá làm trái quy định nhà nước và gây thiệt đến quyền lợi hợp pháp của gia đình tôi nhiều năm nay.

Hiện nay nhiều cán bộ tỉnh Bình Định lợi dụng chức vụ cố tình làm sai lệch nội dung, tài liệu và giả tạo đơn khiếu nại của tôi. Mục đích giải quyết một vụ việc tôi không hề nói đến để bao che cán bộ địa chính Đập Đá sai phạm và gửi đến nhiều cơ quan chức năng nói xấu tôi.

Nếu như cán bộ địa chính phường Đập Đá không lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái quy định nhà nước mà xử lý một cách công bằng không đè ép ai, thì các anh em của gia đình tôi sẽ không bị tan rã và chia rẽ phe phía.

Ai mà chẳng muốn sống cuộc sống bình yên. Còn nhiều người quá tham lam ỷ mình có nhiều quan hệ và tiền bạc thì có thể chiếm mọi thứ mình muốn mong bằng mọi cách. 

Tôi xin trình bày vụ việc: 

- Thanh tra tỉnh vào ngày 23/07/2015 đã đến kiểm tra hàng loạt việc làm sai phạm cán bộ địa chính phường Đập Đá và xác minh nguồn gốc đất của cha mẹ tôi để lại theo số 6996 /VPCP-VI của Văn Phòng Chính Phủ ngày 10/09/2014 và số 340/TB-A75 của Tổng Cục An Ninh và Bộ Công An vào ngày 08/07/2015 đã chuyển Đơn Tố Cáo về.

- Vụ việc thứ nhất: Thanh Tra tỉnh biết chị Nguyễn Thị Huỳnh là con dâu của cha mẹ tôi không có quyền thừa kế ở điều 676 BLDS và thửa đất số hiệu 112 ( tức là thửa đất 171/2 Ngô Văn Sở ) của chị Nguyễn Thị Huỳnh đang sử dụng với diện tích 3490m vuông có nguồn gốc đất từ cha mẹ tôi để lại, đang tranh chấp chia thừa kế cho 6 anh em trong gia đình thì không được cấp sổ đỏ và xây dựng. Nhưng cán bộ cho phép chị Nguyễn Thị Huỳnh thừa kế chiếm toàn bộ Quyền Sử Dụng thửa đất số hiệu 112 ( tức là thửa đất 171/2 Ngô Văn Sở ) với diện tích 3490m vuông có nguồn gốc từ cha mẹ tôi để lại và cho phép chị Huỳnh chia đất cho con rể xây nhà, xây dựng hai cái xưởng và đặc biệt xây dựng trạm phát sóng điện thoại vào ngày 13/05/2015 là hoàn toàn làm trái quy định của pháp luật.

- Vụ việc thứ hai: Thanh tra tỉnh tiếp tục kiểm tra giấy thông báo số 31/TB-UBND phường Đập Đá do Phó Chủ Tịch Phan Thanh Hiếu tự nhiên ký ngày 06/06/2013 gửi cho tôi, phát hiện ông Hiếu lợi dụng chức vụ quyền hạn gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của tôi và cố tình làm sai lệch tài liệu đã dính vào tội 281, 284 của Bộ Luật Hình Sự.

- Tại vì chị Nguyễn Thị Huỳnh vào ngày 26/07/2012 là người khởi kiện tranh chấp thửa đất số hiệu 895 ờ năm 1983, Tờ Bản Đồ số 3, Loại đất T ( tức là thửa đất 165 Ngô Văn Sở ) mà tôi đang sử dụng với diện tích khoản 200m vuông. Nhưng giấy thông báo số 31/TB-UBND lại nói tôi người khởi kiện tranh chấp đất. Đây là việc nói láo.

- Và cũng chính giấy thông báo số 31/TB-UBND này, tôi thấy cán bộ địa chính phường Đập Đá tự ý cắt thửa đất thửa đất số hiệu 895 ờ năm 1983, Tờ Bản Đồ số 3, Loại đất T (tức là thửa đất 165 Ngô Văn Sở ) mà tôi đang sử dụng với diện tích khoản 200m vuông thành 2 thửa 99 và 100 đưa vào Sổ mục kê năm 1998. Đây là việc làm trái pháp luật.

- Qua hai vụ việc trên, tôi biết Sở Tài Nguyên Và Môi Trường biết rõ sai phạm. Tại sao Chủ Tịch UBND tỉnh Bình Định không đưa ra bản Kết Luận Điều Tra và không trả lại quyền lợi hợp pháp cho tôi và gia đình mà cán bộ địa chính gây ra.

- Chính cán bộ địa chính giúp đỡ Chị Huỳnh chiếm đoạt thửa đất số hiệu 112 ( tức là 171/2 Ngô Văn Sở ) có nguồn gốc từ cha mẹ tôi với diện tích 3490m vuông thành của riêng nhiều năm nay là đã không đúng. Hiện nay cán bộ tiếp tục giúp chị Huỳnh tranh chấp thửa đất 895 (tức là 165 Ngô Văn Sở ) của tôi và bảo kê tới thửa đất tôi đập phá và gây chuyện luôn. Hỏi mà không tức.

Rất mong Dân Làm Báo lên tiếng và giúp đỡ.

Nguyễn Ngọc Dũng