Monday, May 15, 2017

TQ: 'Sex, tiền bạc và chủ nghĩa xã hội'

Theo BBC-15 tháng 5 2017 

Vụ vây bắt các nhà thổ trá hình tại Đông Quản, Quảng Đông năm 2014 làm lộ ra tầm vóc của nghề bán dâm tại TQBản quyền hình ảnhSTR
Image captionVụ vây bắt các nhà thổ trá hình tại Đông Quản, Quảng Đông năm 2014 làm lộ ra quy mô của nghề bán dâm tại TQ
Nữ tác giả Trung Quốc mô tả các mâu thuẫn xã hội vì thể chế và văn hóa tại nước này qua chuyện phụ nữ bán dâm trong cuộc phỏng vấn với BBC News tại Anh hôm 15/05.
Tiểu thuyết Lotus bằng tiếng Anh ra năm 2017, của Trương Lệ Giai, dựng lại cuộc đời một cô gái trốn gia đình ở Tứ Xuyên đến sống tại khu công nghiệp Thâm Quyến và rơi vào phố đèn đỏ.
Cô có cuộc sống hai mặt và cố gắng vượt qua để vươn lên "từ cống rãnh của xã hội".
Đây là cuộc sống trong điều kiện 'tiền bạc, sex và quan hệ làm ăn' (guanxi) thống trị xã hội Trung Quốc thời Khai phóng với những thay đổi chóng mặt, theo bình luận trên South China Morning Post về cuốn sách.
Trả lời truyền hình BBC, bà Trương Lệ Giai (Lijia Zhang) nói về "tụ điểm" mua bán dâm nổi tiếng tại miền Nam Trung Quốc, nơi hồi 2014 có một vụ vây bắt hàng trăm nhà thổ trá hình:
"Tôi đã đến Đông Quản (Quảng Đông) nhiều lần và phỏng vấn các cô gái làm nghề này.
"Trước đó, họ có thể là công nhân một nhà máy, bán hàng ở cửa hàng nhưng sau chọn cách vào nghề bán dâm, ban đầu có thể làm tại các điểm mát-xa."
"Gần như tất cả chọn nơi hành nghề xa quê nhà, và vẫn gửi tiền về cho chồng, cho cha mẹ. Họ luôn nói là họ làm nghề gì đó tốt đẹp hơn."
Các vấn đề phân biệt giới tính về thu nhập, bạo hành và tham nhũng cũng thể hiện ra trong nghề này, theo bà Trương.
"Tất cả các cô gái vào nghề bán dâm đều tự nguyện, nhưng họ làm vậy vì hoàn cảnh riêng và vì cần gửi tiền về nhà."
"Nghề mại dâm phản ánh tất cả những vấn đề của Trung Quốc hiện đại, và có ít nhất 10 triệu người làm nghề buôn phấn bán hương."
Hiện nghề này vẫn bị coi là một trong sáu 'tệ nạn xã hội' ở Trung Quốc và phụ nữ bán dâm vẫn có thể bị phạt tù tới 2 năm, theo BBC News.
Nhưng trước câu hỏi của phóng viên Philippa Thomas rằng có cách gì để bảo vệ tốt hơn quyền phụ nữ của người bán dâm tại Trung Quốc hay không, tác giả nói:
Bắt gái bán hoa tại Đông QuảnBản quyền hình ảnhSTR
Image captionTrương Lệ Giai nói cả TQ có 10 triệu người bán dâm và họ thường xuyên phải nộp tiền cho công an
"Chừng nào Trung Quốc còn tự xưng là nước xã hội chủ nghĩa thì không có hy vọng cho việc hợp pháp hóa mại dâm."
Vì thế, vẫn có đầy lối thoát cho quan chức, cho công an khi lạm dụng và kiếm chác nhờ nghề bán dâm, bà Trương Lệ Giai nói với BBC.
"Họ thường xuyên phải nộp tiền cho công an."
Những hạn chế của mô hình thể chế hiện nay tại Trung Quốc đã xuất hiện trước đó, trong cuốn sách ra năm 2008 của Trương Lệ Giai mang tựa đề 'Chủ nghĩa Xã hội thật Vĩ đại' (Socialism is Great).
Cuốn tự truyện kể về cảnh tác giả vào nhà máy lao động cực nhọc năm 16 tuổi và thức tỉnh cả về chính trị, trí tuệ và tình dục trong thập niên mới mở cửa tại Trung Quốc.
Tác giả Trương Lệ Giai sinh năm 1964 ở Nam Kinh và từng học tại Hoa Kỳ (Harvard), Anh Quốc (Goldsmiths College), và Úc (ĐH Sydney).
Hiện sống tại Bắc Kinh, bà tiếp tục ra các tác phẩm tiếng Anh và thường xuất hiện trên các kênh BBC, CNN và ABC để nói về chủ đề Trung Quốc.

Formosa: Giải pháp giữ GDP?

Khánh An-VOA/16/05/2017 
Người dân ở Đài Loan biểu tình đòi tập đoàn Formosa phải điều tra và minh bạch thông tin về vụ ô nhiễm biển ở miền Trung Việt Nam vào ngày 17/6/2016.

Đưa Formosa vào vận hành là một trong ba giải pháp chính mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Việt Nam vừa đề xuất nhằm đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng (GDP) 6,7% của năm 2017. Động thái này diễn ra giữa lúc đang có nhiều bất ổn xã hội liên quan đến vụ ô nhiễm do tập đoàn Đài Loan gây ra ở khu vực miền Trung.
Với mức tăng trưởng chỉ đạt 5,1% trong quý I, Bộ KHĐT đưa ra một báo cáo dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp ngày 22/5. Theo báo Dân Việt, nội dung báo cáo bao gồm 3 giải pháp ngắn hạn chính nhằm đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra. Thứ nhất, tăng khai thác dầu thô. Thứ hai, bám sát kế hoạch sản xuất của các nhà máy Samsung vì tập đoàn này dự kiến tăng doanh thu xuất khẩu năm 2017 lên 20% so với năm ngoái. Thứ ba, giao cho các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thành các công việc liên quan đến xử lý vấn đề môi trường để xem xét cho phép nhà máy của Formosa đi vào vận hành.
Theo Bộ KHĐT, nếu Formosa được vận hành lò cao số 1 trong tháng 5 này, với công suất 3,5 triệu tấn thép/năm, dự kiến sẽ đóng góp khoảng 0,16 điểm % cho tăng trưởng GDP.
"Làm sao phải bảo vệ môi trường. Thứ hai là giá thành phải thấp. Còn nếu không thì làm làm gì?"TS. Vũ Quang Việt.
 Tuần trước, trong thông báo tăng thêm 1 tỷ đôla đầu tư vào nhà máy thép ở Hà Tĩnh, tập đoàn Formosa ở Đài Loan cho biết kế hoạch sản xuất của nhà máy dự kiến bắt đầu từ hồi năm ngoái đã bị trì hoãn liên tục vì vụ ô nhiễm môi trường và các cuộc biểu tình của người dân.
Vụ ô nhiễm do Formosa gây ra ở vùng biển miền Trung từ tháng 4/2016 được xem là thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Cho tới nay, nhiều người dân địa phương vẫn đang gánh chịu hậu quả nhiều mặt của thảm họa này.
Các cuộc biểu tình chống Formosa diễn ra ở địa phương đã lan sang các tỉnh, thành và các nước khác.
Trong bối cảnh nhà hoạt động Hoàng Đức Bình vừa bị bắt hôm 15/5, nhiều nhà hoạt động khác đang bị truy nã và các linh mục Công Giáo bị tấn công vì liên quan đến vụ ô nhiễm Formosa, việc chính quyền Việt Nam ưu tiên giúp cho tập đoàn này vận hành nhà máy để đạt được chỉ tiêu kinh tế, theo TS. Vũ Quang Việt-một cựu kinh tế gia của LHQ, là một “suy nghĩ ngắn hạn”, mang nhiều nguy cơ tạo thêm bất ổn xã hội.
“Ngắn hạn thì rất dễ. Là nhà kinh tế, tôi có thể nghĩ ra đủ trò để tăng GDP lên một cách nhanh chóng, sau đó nó đi xuống thì chuyện đó để người khác lo”.
TS. Vũ Quang Việt cho rằng nếu chính quyền Việt Nam vẫn cương quyết tiếp tục với dự án Formosa, thì “cần phải có cái nhìn dài lâu”.
Ông nói: “Nếu minh bạch, rõ ràng, người dân có thể kiểm soát được thì cũng có thể người ta sẽ bỏ qua những lỗi lầm để cho công việc được tiếp tục. Còn nếu không, tôi nghĩ họ sẽ phải đối phó với những bất ổn xã hội trong tương lai”.
Theo cựu chuyên gia kinh tế của Liên Hiệp Quốc, ngay cả khi việc sản xuất của Formosa diễn ra suôn sẻ, thì Việt Nam vẫn cần phải xem xét lại hiệu quả thực sự của việc tự sản xuất thép trong nước.
"Nếu minh bạch, rõ ràng, người dân có thể kiểm soát được thì cũng có thể người ta sẽ bỏ qua những lỗi lầm để cho công việc được tiếp tục. Còn nếu không, tôi nghĩ họ sẽ phải đối phó với những bất ổn xã hội trong tương lai."TS. Vũ Quang Việt.
 Theo ông, mặc dù nhu cầu về sắt thép để xây dựng trong nước là có thực, nhưng Việt Nam chỉ nên tự sản xuất thép khi việc này thực sự mang lại hiệu quả về kinh tế và bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
Ông nhấn mạnh: "Làm sao phải bảo vệ môi trường. Thứ hai là giá thành phải thấp. Còn nếu không thì làm làm gì? Trong trường hợp như tôi tính toán hiện tại bây giờ thì giá quá cao, không thể đi vào thị trường thế giới được. Vừa rồi họ không nghĩ đến vấn đề bảo vệ môi trường. Do đó, giá sắt thép sản xuất ở Việt Nam rất cao. Theo tôi tính, khi chưa có [chi phí] bảo vệ môi trường mà giá đã gần bằng với giá trên thế giới rồi. Nếu bảo vệ môi trường thật sự, như những quy định ở bên Mỹ, thì đương nhiên lỗ”.
Ngoài ra, TS. Vũ Quang Việt còn cảnh báo về nguy cơ hàng xuất khẩu của Việt Nam bị quốc tế “tẩy chay” vì những tai tiếng về ô nhiễm môi trường.
“Trong tương lai, họ làm sắt thép mà có xuất đi, trừ xuất đi Trung Quốc, mà Trung Quốc thì không cần thép, còn xuất ra nước ngoài thì có thể sẽ có phong trào chống lại việc mua sắt thép của Formosa không chừng. Chưa chắc họ giải quyết được vấn đề mà còn tạo ra nhiều vấn đề hơn”.
Hôm 10/5, khi chủ trì buổi họp của một Hội đồng giám sát liên ngành đối với việc khắc phục ô nhiễm biển miền Trung, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định Formosa đã đáp ứng “hoàn toàn” các yêu cầu của Bộ và Hội đồng đề ra, đủ điều kiện để đưa Lò cao số 1, xưởng luyện thép và các công trình phụ trợ đi vào vận hành thử nghiệm.

Vụ Bạch Hồng Quyền: Âm mưu, hay thật sự truy nã?

Lê Anh Hùng 
Theo VOA-15/05/2017 
Bạch Hồng Quyền (Facebook Martha Linh)

Giới đấu tranh trong nước nói riêng và những người quan tâm đến vận mệnh nước nhà nói chung đang xôn xao trước thông tin Công An Hà Tĩnh phát lệnh truy nã nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền vào ngày 12/5, sau khi bị khởi tố với tội danh “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 BLHS.
Khuyến khích đối tượng bỏ trốn?
Liên quan đến những hoạt động của cộng đồng kể từ khi đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Miền Trung tháng Tư năm ngoái, Bạch Hồng Quyền là một trong những nhân vật tích cực và hiệu quả nhất. Theo báo chí nhà nước, anh bị cáo buộc “chủ mưu, kích động vụ 2.000 người dân mang băng rôn, khẩu hiệu đến UBND huyện Lộc Hà khiếu nại bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển trong hôm 3/4/2017”.
Trước đó, ngày 12/4/2017, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Tĩnh đã khởi tố cái gọi là “vụ án hình sự Gây rối trật tự công cộng và Bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại trụ sở UBND huyện Lộc Hà”. Đến ngày 18/4, Công an Hà Tĩnh lại khởi tố bị can và ngày 19/4 thì phát lệnh “bắt bị can để tạm giam” đối với nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền.
Điều đáng nói là lệnh bắt anh Bạch Hồng Quyền lại được “ai đó” xì ra cho công chúng gần như ngay sau đấy, trong thời gian anh vẫn công khai đi lại ở Việt Nam. Biết Công an Hà Tĩnh ra lệnh bắt mình nên anh Quyền đã lui vào hoạt động bí mật.
Kể từ khi Công An Hà Tĩnh ra lệnh bắt anh Bạch Hồng Quyền cho đến khi họ phát lệnh truy nã anh là 23 ngày. Trong thời gian đó, với một lực lượng công an hùng hậu, lại được trang bị đủ mọi phương tiện, thiết bị hiện đại, nhà chức trách hoàn toàn có thể bắt được anh bất cứ lúc nào. Vậy nhưng, dường như họ lại không muốn làm thế, mà cứ cố tình “rung cây dọa khỉ” và tạo điều kiện cho anh trốn đi.
Đâu là lý do?
Mặc dù đã xảy ra hơn một năm, nhưng đến nay vụ đại thảm hoạ môi trường ở Hà Tĩnh vẫn tiếp tục là sự kiện nóng bỏng trong dư luận người Việt, đặc biệt là trong bối cảnh những người bị thiệt hại chưa được đền bù thỏa đáng hoặc thậm chí là chưa được đền bù, còn thủ phạm Formosa Hà Tĩnh thì vừa được nhà chức trách cho phép vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và tập đoàn mẹ Formosa thì lên kế hoạch rót thêm 1 tỷ USD vào dự án. Nghĩa là, Formosa Hà Tĩnh tiếp tục là một đại hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường lơ lửng trên đầu dân tộc, đe doạ sự tồn vong của giống nòi.
Trong bối cảnh đó, nhà cầm quyền Việt Nam một mặt muốn khởi tố anh Bạch Hồng Quyền để hăm dọa dân chúng trong vụ Lộc Hà và ngăn ngừa những vụ việc tương tự trong tương lai, mặt khác họ lại sợ phiên tòa xét xử anh Quyền sẽ biến thành “ngày hội non sông”, khích động dân chúng ở Hà Tĩnh và Nghệ An nổi lên.
Theo BBC, trước thông tin anh Quyền bị khởi tố và truy nã, một số người dân tại huyện Lộc Hà tỏ ra bức xúc. Bà Tuyết, chủ cơ sở đông lạnh Anh Tuyết, nói với BBC: "Ở đây giờ không chỉ riêng bản thân tôi mà hàng trăm, hàng nghìn [người] sẽ xuống đường đồng hành cũng anh Quyền."
Anh Bạch Hồng Quyền là một người Công Giáo, một tôn giáo với số lượng tín đồ khoảng 7 triệu người, chỉ đứng sau Phật Giáo, và đặc biệt là rất đoàn kết. Những năm gần đây, Công Giáo không chỉ dám đương đầu, mà còn trở thành lực lượng đối đầu mạnh mẽ và kiên quyết nhất trước nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Việc một người Công Giáo bị kết án vì một việc làm công chính phục vụ lợi ích của cộng đồng và xã hội sẽ càng khiến họ đoàn kết hơn, và không loại trừ khả năng sẽ tạo ra một làn sóng hiệp thông ủng hộ anh trong cộng đồng Công Giáo Việt Nam.
Bên cạnh đó, vụ xét xử chắc chắn sẽ vấp phải sự lên án mạnh mẽ của dư luận trong nước và quốc tế.
Những gì nêu trên giải thích cho lý do tại sao nhà cầm quyền Hà Tĩnh lại cứ dền dứ, như thể tạo điều kiện để nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền nếu muốn thì cứ việc bỏ trốn. Khi đó, phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam mất đi một biểu tượng mà lẽ ra sức lan tỏa sẽ được nâng lên với bản án một vài năm tù, còn nỗi sợ hãi và tinh thần rã đám thì như nọc độc lây lan khắp cộng đồng.

Xử lý hình sự ông Thăng chỉ là kế sách yên dân?

Lan Hương, phóng viên RFA 2017-05-15  
Ảnh ghép ông Đinh La Thăng (trái) và TBT Nguyễn Phú Trọng.
 Ảnh ghép ông Đinh La Thăng (trái) và TBT Nguyễn Phú Trọng.  AFP photo
Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 13/5 vừa qua đã nói rằng việc kỷ luật ông Đinh La Thăng, nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho thôi chức vụ trong bộ Chính trị và cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM mới là xử lý vi phạm về mặt Đảng, còn xử lý hình sự thì “đang làm”.
Có khả thi hay chỉ là “đầu voi đuôi chuột”?
Mạng báo Thanh niên hôm 13/5 đã trích nguyên văn lời Tống bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình, Hà Nội: Vừa rồi động đến một Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, lớn đến như thế. Đây mới là xử lý theo kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, còn về hình sự thì cơ quan chức năng đang làm.
Trước phát biểu trên của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, luật sư Trần Quốc Thuận, Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội nhận xét rằng việc xử lý hình sự một Uỷ viên trung ương Đảng như ông Đinh La Thăng rất khó do những thủ tục phức tạp:
Ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cảnh cáo và thôi chức vụ ủy viên bộ Chính trị, đồng thời cũng là thôi nhiệm vụ Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Ông ấy còn một chức vụ quan trọng là Uỷ viên trung ương Đảng. Muốn xử lý hình sự một ủy viên trung ương Đảng thì nhiều thủ tục, nhiêu khê lắm, và dĩ nhiên phải được sự đồng ý của bộ chính trị. Bộ chính trị quyết định kỷ luật ông Đinh Lan Thăng như vậy là thảo đáng hợp tình hợp lý rồi. Cho nên nói là sẽ xử lý hình sự thì nói vậy thôi chứ để vượt qua những ràng buộc, những văn bản của ban Bí thư Bộ chính trị như chỉ thị 15 thì cũng không đơn giản.
Bây giờ mà kỷ luật hình sự ông Thăng thì chắc chắn sẽ phải kỷ luật Bộ chính trị lúc bấy giờ. Và lúc đó Tổng bí thư là ông Nông Đức Mạnh và Chủ tịch quốc hội là Nguyễn Phú Trọng.
- Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Chỉ thị 15 mà luật sư Trần Quốc Thuận đề cập được Bộ chính trị ban hành ngày 7/7/2007 dưới thời tổng bí thư Nông Đức Mạnh, theo đó, những vụ án tham nhũng lớn liên quan đến đảng viên phải do nội bộ đảng xử lý trước. Lực lượng công an chỉ được điều tra sau khi có quyết định chính thức của đảng cộng sản. Hồi giữa năm 2016, dư luận từng xôn xao vụ việc Tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc công an TPHCM nói tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2015, rằng lý do trinh sát không phát hiện được tham nhũng là do phải tuân theo chỉ thị 15. Ông Minh nói thêm rằng hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên.
Tuy theo đánh giá của luật sư Trần Quốc Thuận rằng khả năng ông Đinh La Thăng bị xử hình sự là gần như không có, nhưng ông phân tích rằng xét về mặt pháp lý, tội danh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vì những thiệt hại lớn mà ông Đinh La Thăng gây ra, có thể phải chịu án tù từ 20 năm đến 30 năm.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS cũng cho rằng việc xử lý hình sự ông Đinh La Thăng là không thể bởi vì theo ông những sai phạm thời ông Thăng lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN có liên quan đến cả bộ Chính trị lúc bấy giờ:
Tập đoàn dầu khí từ năm 2007-2011 được gọi là Tổng công ty 91, là công ty quan trọng nhất của Nhà nước và trực thuộc thẳng sự chỉ đạo bộ Chính trị và giao cho Thủ tướng chính phủ theo dõi trực tiếp không qua một Bộ nào hết. Tất cả các quyết định chiến lược của Tập đoàn này trong thực tế là pải được sự đồng ý của Bộ chính trị. Bây giờ mà kỷ luật hình sự ông Thăng thì chắc chắn sẽ phải kỷ luật Bộ chính trị lúc bấy giờ. Và lúc đó Tổng bí thư là ông Nông Đức Mạnh và Chủ tịch quốc hội là Nguyễn Phú Trọng.
Nhà báo Phạm Thành, cũng là chủ trang blog Bà Đầm Xòe cũng đồng quan điểm cho rằng khả năng xử lý hình sự ông Đinh La Thăng, biến thành một vụ án để khởi tố, điều tra và ra trước tòa là rất thấp. Theo ông, những lời nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ mang tính chất làm yên dân:
Bản thân ông Trọng có chiêu thức đánh chuột không vỡ bình. Mà vỡ bình tức là ông ấy phải xử lý vụ việc đến nơi đến chốn, đáng tội gì là phải xử lý đúng tội đấy theo luật Việt Nam. Nhưng ông Trọng không bao giờ làm chuyện đó mà chỉ tước bỏ quyền lực rồi xử lý kỷ luật đến mức đấy là thôi.
Theo quan sát của Nhà báo Phạm Thành thì nếu ông Đinh La Thăng bị xử lý hình sự thì ông Thăng sẽ phanh phui hàng loạt các vụ tham nhũng khác trong Đảng. Như vậy “chiếc bình” của Tổng bí thư sẽ bị vỡ:
Quan chức Việt Nam có ông nào không tham nhũng. Ông nào ở vị trí lớn thì tham nhũng được nhiều tiền. Ông nào vị trí thấp hơn thì tham nhũng được ít hơn. Bà Phó chủ tịch Quốc hội cũng từng nói rồi là quan chức ăn không từ một thứ gì của dân. Vừa rồi một ông đại biểu quốc hộ nào đó có nói rằng nếu không tham ô tham nhũng sẽ bị người ta cô lập đến chỗ chỉ còn mình mình.
Truyền thông Việt Nam hôm 7/5 cho biết, Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 của Ban chấp hành TƯ của Đảng CSVN, ông Đinh La Thăng đã nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo của Đảng và sau đó bị cho thôi các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.
Hiện tại ông Đinh La Thăng được điều về làm Phó Ban kinh tế Trung ương.
Còn ai bị “lên thớt”?
Cũng tại cuộc tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình, Hà Nội hôm 13/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng một loạt các nhân vật khác cũng đang được xem xét hình sự và kỷ luật về mặt Đảng.
Nhà báo Phạm Thành nhận định rằng việc xử lý hình sự các quan chức khác giống như lời Tổng Bí thư nói cũng là điều khó có thể xảy ra. Ông nói rằng những quan chức cấp thấp như ông Trịnh Xuân Thanh, hiện đang trốn ở nước ngoài và bị truy nã, chỉ là Phó chủ tịch một tỉnh, thì có thể sẽ bị xử lý hình sự nếu bắt được. Tuy nhiên, những quan chức cấp cao như Bộ trưởng, ủy viên Bộ Chính trị, theo ông Phạm Thành, khả năng gần như không có.
Việc xử lý hình sự các cán bộ cao cấp mà hiện sau khi kỷ luật vẫn còn là Đảng viên, ủy viên Trung ương, tiến tới một bước nữa là xử lý hình sự, thì khả năng đó, theo ý kiến cá nhân tôi, là không có!
- Luật sư Trần Quốc Thuận 
Họ không dám làm. Làm thì nát bét luôn. Các phe cánh sẽ dồn lại, và đánh nhau loạn tung bành. Ông Trọng có thể không biết. Bên Trung Quốc họ mớm cho ông ấy đường lối này để ông ấy làm. Ông ấy chỉ vặt một cái râu đến vậy là xong, để dọa các đồng chí của ông ấy, nhằm mục đích củng cố quyền lực và yên dân rằng trên trung ương cũng nghiêm như vậy đấy, để che mắt những người dân không hiểu rõ họ sẽ thấy hả hê.
Theo quan điểm của Luật sư Trần Quốc Thuận thì so với Trung Quốc việc xử lý hình sự các quan chức tham nhũng của Việt Nam chưa hiệu quả và triệt để bằng. Ở Trung Quốc nhiều trường hợp quan chức cấp cao tham nhũng bị đi tù nhưng chưa có trường hợp nào như vậy ở Việt Nam. Ông lấy ví dụ như vụ việc sai phạm của ông Đinh La Thăng xảy ra giai đoạn 2009-2011, nhưng sau đó ông này vẫn được vào Trung ương X, XI, XII và vẫn được làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải và được chọn vào bộ Chính trị. Chính vì vậy theo quan điểm cá nhân của ông, việc xử lý các quan chức khác cũng là điều khó xảy ra:
Việc xử lý hình sự các cán bộ cao cấp mà hiện sau khi kỷ luật vẫn còn là Đảng viên, ủy viên Trung ương, tiến tới một bước nữa là xử lý hình sự, thì khả năng đó, theo ý kiến cá nhân tôi, là không có!
Vụ việc kỷ luật ông Đinh La Thăng trong thời gian qua đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang thực hiện chính sách  chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” của ông chủ tịch kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, và trong trường hợp này con hổ lớn là ông Đinh La Thăng.

Nguyên tổng giám đốc Mía Đường Tây Ninh bị 10 năm tù

 RFA 2017-05-15  
Ông Trần Cảnh Lạc, nguyên tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Mía Đường Tây Ninh (giữa) tại phiên tòa.
 Ông Trần Cảnh Lạc, nguyên tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Mía Đường Tây Ninh (giữa) tại phiên tòa.  Courtesy of vietnammoi.vn
Tòa sơ thẩm Tây Ninh sáng nay 15 tháng Năm tuyên phạt 10 năm tù đối với ông Trần Cảnh Lạc, nguyên tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Mía Đường Tây Ninh, về tội làm thất thoát hàng chục tỷ đồng  trong thời gian làm lãnh đạo công ty.
Bên cạnh đó hội đồng xét xử cũng phán quyết 10 năm tù đối với ông Nguyễn Xuân Danh, nguyên trưởng phòng kinh doanh thương mại , 7 năm tù đối với nà Nguyễn Thị Phúc nguyên kế toán trưởng phòng kế toán tài chính của công ty . Cả hai người này đều bị buộc cùng tội danh như ông Trần Cảnh Lạc là  cố ý làm trái các qui định về kinh tế của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.
Cáo trạng của Tòa Án Nhân Dân tỉnh Tây Ninh cho thấy trong quá trình giao dịch mua bán gạo và tinh bột sắn với phía Trung Quốc từ năm 2009 đến năm 2012, phía lãnh đạo công ty  mía đường Tây Ninh đã gây thiệt hại cho nhà nước số tiền lên đến 70 tỷ Đồng.
Với tội trạng này, 2 bị cáo Trần Cảnh Lạc và Nguyễn Xuân Danh phải liên đới chịu trách nhiệm trong việc bồi thường trên 25 tỷ đồng , 3 bị cáo còn lại chia nhau chịu trách nhiệm bồi thưởng hơn 6 tỷ đồng thất thoát.
Ngoài ra hội đồng xét xử tòa án nhân dân Tây Ninh còn cái buộc công ty mía đường trong khi làm việc với 2 công ty đối tác Trung Quốc là đã không tuân thủ những qui định của pháp luật về việc thực hiện các hợp đồng kinh tế đã ký kết, việc khai báo với hải quan cũng như việc thanh toán chi trả.

Quà Biếu Mẹ Già

Tưởng Năng Tiến
Theo RFA-2017-05-14  
Chị Phạm Thị Thùy Dung Bí thư Tỉnh Đoàn Hậu Giang tặng ảnh bác cho Mẹ Việt Nam anh hùng.
 Chị Phạm Thị Thùy Dung Bí thư Tỉnh Đoàn Hậu Giang tặng ảnh bác cho Mẹ Việt Nam anh hùng. Courtesy Tienphong online
Không biết tự bao giờ, người ta nghĩ ra được những món quà khốn nạn đến thế?
(Trương Duy Nhất)
Đời về chiều, tôi mới (chợt) để ý tới ca dao:
Buồn vì một nỗi tháng Giêng
Con chim cái cú n
ằm nghiêng thở dài
Bu
ồn vì một nỗi tháng Hai
Đ
êm ngắn ngày dài thua thiệt người ta
Buồn vì một nỗi tháng Ba
M
ưa dầu nắng lửa người ta lừ đừ
Bu
ồn vì một nỗi tháng Tư
Con m
ắt lừ đừ cơm chẳng muốn ăn
Buồn vì một nỗi tháng Năm ...
Tháng này, ở Việt Nam, hay có những buổi chiều mưa – mưa đầu mùa – khiến không ít người bâng khuâng nhớ mẹ, nhất là vào Ngày Hiền Mẫu. Theo Wikipedia tiếng Anh:
Mother's Day is a celebration honoring the mother of the family, as well as motherhood, maternal bonds, and the influence of mothers in society. It is celebrated on various days in many parts of the world, most commonly in the months of March or May. (Ngày của Mẹ là ngày vinh danh người mẹ, cũng như tình mẫu tử, và ảnh hưởng của họ trong xã hội. Lễ hội này được tổ chức ở nhiều nơi, khắp toàn cầu, vào những ngày khác nhau, và thường vào tháng Ba hoặc tháng Năm.)
Wikipedia tiếng Việt, giọng Hà Nội, còn ghi chép thêm rằng ngoài mấy bà mẹ bình thường (hoặc tầm thường, và “đám mẹ ngụy”) xứ sở này còn có những bà mẹ phi thường – super mom – được vinh danh là Mẹ Việt Nam Anh Hùng:
Đây là danh hiệu mà nhà nước Việt Nam tặng hoặc truy tặng những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế...
Tiêu chuẩn đạt danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hung” (kể cả là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam) dành cho những phụ nữ đạt một trong những tiêu chuẩn sau:
- Có hai con trở lên là liệt sĩ
- Có hai con mà một con là liệt sĩ, một con là thương binh với thương tật từ 81% trở lên.
- Chỉ có một con mà người đó là liệt sĩ;
- Có một con là liệt sĩ, chồng hoặc bản thân là liệt sĩ.
Người con là liệt sĩ bao gồm con đẻ và con nuôi của Bà mẹ được pháp luật thừa nhận, và đã được Chính phủ tặng Bằng Tổ Quốc Ghi Công...
Từ tháng 12 năm 1994 đến hết năm 2001, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" cho:
- Cả nước: 44.253 người
- Miền Bắc: 15.033 người
- Miền Nam: 29.220 người
Riêng miền Trung (tôi đoán) chắc số lượng Mẹ Việt Nam Anh Hùng quá đông –  đếm không xuể – thống kê cũng không hết nên đành cho mấy bả qua một bên luôn, cho nó tiện
Để độc giả, nhất là qúi vị sinh sau đẻ muộn, có thể hình dung ra cuộc đời của một bà MVNAH, xin ghi lại đây toàn văn bài viết (“Người Mẹ Ở Cao Nguyên Lâm Viên”) của hai nhà báo An Nhiên và Hoàng Yên:
“Trong một dịp đến với cao nguyên Lâm Viên, chúng tôi được gặp và trò chuyện với Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tất, quê Quảng Nam trong ngôi nhà tình nghĩa đơn sơ ở thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Mẹ  Tất 85 tuổi, quê Điện Bàn.
Tuổi cao, sức yếu, không còn đi lại được, nên khi chúng tôi đến, có người để nói chuyện, mẹ vui lắm. Mẹ kể những câu chuyện của cuộc đời mẹ, của chiến tranh, với những hy sinh, mất mát không bao giờ quên.
Năm 1962, mẹ Tất cùng chồng con vào thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, định cư. Trước đó, ở Điện Bàn, gia đình mẹ làm cơ sở nuôi giấu cán bộ, vừa tiếp tế vừa làm giao liên. Vào thôn Xuân Sơn, vợ chồng mẹ tiếp tục hoạt động cách mạng.
Mẹ có 8 người con (4 trai, 4 gái), đều tham gia hoạt động cách mạng. Chồng mẹ - ông Trần Cương, ngày đi làm vườn, làm thợ mộc kiếm tiền mua lương thực, thực phẩm trữ giấu trong nhà nuôi cán bộ; ban đêm đi hoạt động cách mạng.
Đêm 7.7.1968, chồng mẹ và con gái là Trần Thị Minh Rê đi tiếp tế cho bộ đội gặp địch càn quét, chúng phát hiện hai cha con và bắn chết tại rừng Xuân Sơn. Sáng sớm hôm sau, bà con khiêng thi thể cha con về thôn, mẹ như điên dại.
Dân trong thôn cứ ngỡ mẹ không qua khỏi cơn đau này, khi trước đó 2 tháng, mẹ mất đứa con út (5 tuổi) do bị bệnh. Vết thương lòng chưa kịp lành thì năm 1971 mẹ nhận hung tin người con trai đầu Trần Quang Vinh (19 tuổi) hy sinh ở vùng rừng đoạn sông La Bá.
Vì Tổ quốc, mẹ bước qua nỗi đau, cùng các con tiếp tục hoạt động cách mạng. Người con tiếp theo của mẹ, anh Trần Minh Quang trở thành thương binh, con gái Trần Thị Minh Xuân theo mẹ đi rải truyền đơn, con gái út tuổi còn nhỏ cũng đã biết giúp mẹ nấu cơm tiếp tế, làm giao liên cho cách mạng.
Rồi mẹ bị địch bắt giam ở Đà Lạt 3 năm (sau này mẹ được công nhận là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày), bị tra chết đi sống lại nhưng mẹ một mực cương quyết không khai tổ chức, cơ sở của cách mạng. Ngày 30.4.1975, miền Nam giải phóng, mẹ Tất cùng các chiến sĩ bị địch giam cầm phá nhà lao Đà Lạt trở về.
Cả cuộc đời của mẹ Tất trải qua biết bao sự hy sinh mất mát. Sưởi ấm lòng mẹ những năm tháng tuổi già là người con gái út luôn gắn bó kề bên. Chị Trần Thị Minh Sơn - con gái út của mẹ Tất nói rằng: ‘Bây giờ chị đã 52 tuổi, trừ 3 năm mẹ đi tù, còn lại là quãng thời gian chị ở bên mẹ và sẽ suốt đời bên mẹ’.
Chúng tôi rời căn nhà nhỏ, mẹ dặn khi nào rảnh lại ghé nhà mẹ chơi. Lời mời của mẹ làm lòng chúng tôi dấy lên cảm giác khó tả. “Dạ. Chúng con có cơ hội sẽ lại về. Về với mẹ để lòng thêm vững chãi”
Nhị vị tác giả của bài báo thượng dẫn thiệt là vô tâm, nếu chưa muốn nói là đểnh đoảng. Thăm một bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng đã gần đất xa trời (tới nơi) rồi mà không có quà cáp chi ráo trọi. Những cán bộ tỉnh đoàn hay thành đoàn của Đảng thì hoàn toàn khác, họ chu đáo hơn nhiều – theo tường thuật của phóng viên (Hoà Hội) báo Tiền Phong:
"Ngày 20/5, Tỉnh Đoàn Hậu Giang tổ chức trao tặng 600 bộ cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho các gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng, nhân kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Bác.
Mẹ Việt Nam anh hùng Đinh Thị Sa ở xã Vĩnh Viễn (Long Mỹ, Hậu Giang) vui mừng nói: “Tôi rất vui vì được các bạn trẻ đem đến nhà tặng cờ và ảnh của Bác. Việc làm có ý nghĩa lớn đối với bản thân tôi và người dân vì không cần phải đi đâu xa mà trong nhà hằng ngày đều được gặp hình ảnh của Bác Hồ vĩ đại.”
Má Đinh Thị Sa thiệt là dễ vui, và dễ tính. Công luận, xem chừng, có vẻ khó khăn và xét nét hơn chút xíu:
Yên Vũ:  Đồ đểu!
Phung Tran: Mẹ Việt Nam anh hùng cần ăn hơn cần hình!
Phan Anh: Sao không tặng các mẹ cá gỗ để các mẹ ngắm  ăn cơm với mắm?
Hieu Thai: Moá nó, tiền thì đi mua xe sang để chạy còn tiền đâu để tặng cho các mẹ, tặng mỗi người 10 tấm để các mẹ chùi đít.
Dìm Hàng: Hậu Giang là tỉnh nghèo, việc cung cấp giấy là việc bình thường.
Trương Vĩnh Phúc: Kiên định lập trường xem pháo hoa, ngắm ảnh quên đói!
Riêng nhà báo Trương Duy Nhất: thì chỉ buông (duy nhất) có mỗi một câu thôi:
“Không biết tự bao giờ, người ta nghĩ ra được những món quà khốn nạn đến thế.”
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Mother’s Day 14/05/2017
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Đồ chơi thổi nước xà bông của Trung Cộng có vi khuẩn gây bệnh

Đồ chơi thổi nước xà bông của Trung Cộng có vi khuẩn gây bệnh
Hội Người Tiêu thụ ở Hong Kong hôm nay 15/05 cho hay, cuộc xét nghiệm mới nhất phát giác số vi khuẩn nhiều gấp đôi mức cho phép ở 2 mẫu đồ chơi thổi nước xà bông của Trung Cộng, trong đó có một loại vi khuẩn gây bệnh cho trẻ em.
Theo Standard của Hong Kong, các bậc cha mẹ đã bị cảnh cáo về nguy cơ nhiễm bệnh ở con trẻ sử dụng đồ chơi thổi nước xà bông. Nguồn tin này nói rằng, các bậc phụ huynh cần xem ngày sản xuất, ngày quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hiệu đồ chơi được bày bán trên thị trường. Tổ chức giám sát phẩm chất đồ chơi trẻ em cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ chỉ nên cho con em mình sử dụng loại đồ chơi này trong thời hạn ngắn, càng ngắn càng tốt ngay sau khi bóc ra khỏi vỏ, và buộc con em phải rửa tay để giảm nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn.
Vẫn theo Standard, những mẫu đồ chơi nói trên được mua tại các cửa hàng, siêu thị, cửa hàng bán đồ chơi trẻ em, và các gian hàng bán văn phòng phẩm. Hiện nay, Hong Kong không có quy định về phẩm chất và độ an toàn trong đồ chơi, ngoài quy định bắt buộc nhà sản xuất phải niêm yết ngày sản xuất, ngày hết hạn, thời gian sử dụng.
Dung dịch xà bông nước có chứa glycerin hoặc syrup có thể là môi trường tốt để các loại vi sinh vật tăng trưởng, chưa kể các chất bảo quản có thể gây dị ứng.
Không chỉ có mặt ở Hong Kong, loại đồ chơi này còn được bày bán rộng rãi ở Việt Nam và cả thị trường Hoa Kỳ.
Song Châu / SBTN

Cửa biển bị bồi lấp nặng, ngư dân Quảng Trị kêu cứu

Ðể vào cửa biển Cửa Tùng, các tàu cá phải chờ con nước lớn, di chuyển vất vả và đối diện nguy cơ bị mắc cạn. (Hình: Báo Thanh Niên)
QUẢNG TRỊ (NV) – Cửa biển bị cát bồi lấp sắp đầy, có nơi chỉ còn sâu chưa đầy 1 mét, khiến ngư dân thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh và vùng lân cận bị chặn rất khó khăn trong việc ra khơi, ra vào mua bán hải sản trong nhiều năm qua.
Mô tả của báo Thanh Niên ngày 15 Tháng Năm, tình trạng biển Cửa Tùng bị bồi lấp, gây khó khăn cho ngư dân trong việc đưa tàu cập bờ mua bán hải sản, nhu yếu phẩm và nghỉ ngơi… ngày càng nghiêm trọng.
Nhiều ngư dân so sánh, sóng gió biển trời không lo mà cứ sợ lúc về nhà vào cửa biển trót mắc cạn, dù có trúng chuyến đi biển thì lời lãi coi như mất hết.
Theo Ban Quản Lý cảng cá Quảng Trị, cảng cá Cửa Tùng được xây dựng năm 2008. Thời điểm đó, luồng lạch cho tàu cá vào cảng có chiều rộng khoảng 60 mét, độ sâu khoảng 3.1 mét. Tuy nhiên, hiện nay lúc thủy triều xuống, luồng lạch có nơi chỉ còn 4-5 mét, độ sâu thì hơn nửa mét.
Ông Nguyễn Văn Dung, thuyền trưởng tàu vận tải hàng hóa vào ra đảo Cồn Cỏ, cho biết, tàu của ông chưa bao giờ dám chở đủ tải khi vào Cửa Tùng vì sẽ mắc cạn. “Mỗi lần vào là toát mồ hôi hột. Có khi đi được nửa đường rồi vẫn phải quay ra vì biết phía trước không thể đi được nữa,” ông Dung nói.
Riêng tàu cá, nhiều tàu lớn hoặc nằm bờ, hoặc phải chờ con nước lớn có khi mất 2-3 ngày mới dám mon men vào ra nếu không muốn… mắc cạn, gãy chân vịt, hỏng đáy thuyền. Thế nhưng, hiện có hơn 105 tàu cá đánh bắt trung và xa bờ của thị trấn Cửa Tùng, cùng hàng chục tàu cá khác của các xã, phường lân cận buộc phải ra biển bằng ngõ này.
Theo số liệu thống kê của đồn biên phòng Cửa Tùng, từ đầu năm 2017, các vụ tàu cá mắc cạn ở Cửa Tùng tự xoay xở thoát ra được thì rất nhiều, nhưng có 4 vụ tàu cá mắc cạn nặng, phải nhờ đồn và ngư dân ứng cứu, giải thoát.
Ông Cao Xuân Nam, cán bộ đồn biên phòng Cửa Tùng, cho hay, việc luồng lạch bị cạn làm ngư dân địa phương “thiệt đơn thiệt kép.” Do không vào được cảng Cửa Tùng, nhiều tàu cá phải vào cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh, để neo đậu và bán cá rất bất tiện. Nếu không, các tàu cá này phải neo đậu ở ngoài khơi cách cửa biển Cửa Tùng 3 cây số. Ngư dân phải dùng thuyền thúng, tàu nhỏ để chuyển hải sản vào bờ và đưa nhu yếu phẩm ra tàu, vừa vất vả lại không an toàn.
Trong khi đó, ông Lê Văn Sơn, giám đốc Ban Quản Lý cảng cá Quảng Trị, cho hay, đã đề xuất nhiều lần lên cấp trên xin nạo vét khẩn cấp luồng lạch tại Cửa Tùng, song đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. (Tr.N)

Cán bộ lơ là, nông dân Hà Tĩnh mất trắng 10,000 héc ta lúa


Hơn 10,000 ha lúa vụ xuân tại Hà Tĩnh nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông. (Hình: Báo Nông Nghiệp Việt Nam)
HÀ TĨNH (NV) – Bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa đã “ăn” hơn chục ngàn ha lúa Ðông-Xuân ở nhiều huyện ở Hà Tĩnh, trong đó nhiễm nặng 5,290 ha; mất trắng hơn 3,000 ha, gây thiệt hại nặng cho nông dân.
Diện tích lúa đang trong giai đoạn trổ bông, làm hạt bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông chủ yếu thuộc các huyện Ðức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Khê…
Nói với báo Thanh Niên, ngày 15 Tháng Năm, ông Nghiêm Sỹ Ðông, trưởng phòng Nông Nghiệp huyện Ðức Thọ cho biết, nhìn từ xa, nhiều cánh đồng vẫn xanh màu lá lúa, nhưng khi lại gần sẽ thấy các bông lúa khô trắng, các hạt bị lép.
Ðứng giữa ruộng lúa đang trong thời kỳ làm hạt nhưng khô gần hết bông, ông Nguyễn Văn Bình, ngụ xã Ðức Hòa, huyện Ðức Thọ cho biết, gia đình ông gieo cấy 10 sào lúa, hai tháng đầu, lúa phát triển tốt nhưng vào thời kỳ trổ bông lại bị bệnh đạo ôn cổ bông tàn phá. Do chậm phát hiện bệnh nên dù đã phun thuốc đặc trị để cứu lúa nhưng vẫn không hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên diện tích rộng, mức độ gây hại lớn như vụ Xuân năm nay là chưa từng xảy ra ở địa phương. “Năm nay thời tiết thay đổi thất thường khiến bệnh đạo ôn bùng phát. Dù người dân đã áp dụng các phương pháp phòng trừ nhưng không kịp nữa,” ông Thanh lý giải.
Liên quan đến vụ việc, trong cuộc họp với thuộc cấp cùng ngày, báo Nông Nghiệp Việt Nam dẫn lời ông Lê Ðình Sơn, bí thư Hà Tĩnh cho rằng: “Thời tiết năm nào cũng na ná nhau, không phải khác hoàn toàn nên đừng đổ do thời tiết. Cán bộ Sở Nông Nghiệp làm đề án sản xuất cho vui, triển khai xong là xong. Giống về bao nhiêu, dân bỏ ra bao nhiêu không nắm được. Công tác theo dõi dịch bệnh, dịch hại quá sơ sài. Dịch bệnh như vậy nhưng không có văn bản nào tham mưu cho tỉnh, ủy ban tỉnh cũng không có chỉ đạo nào. Văn bản khuyến cáo, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh cũng mấy ông chi cục phó ký, không đến ông giám đốc sở. Ðừng vội đổ lỗi nông dân chán ruộng, nếu dân chán tại sao ruộng khác vẫn tốt,” ông Sơn bất bình nói.
Tin cho biết, ông Sơn yêu cầu các địa phương phải làm rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên không ai đả động gì đến phần trách nhiệm. (Tr.N)

Tin tặc ‘APT32’ tấn công công ty ngoại quốc, người đòi dân chủ ở Việt Nam

Một thanh niên vào Internet từ máy tính di động tại một quán cà phê ở Hà Nội. Ðang có lời tố cáo tin tặc của nhà cầm quyền CSVN tấn công trang nhà của các công ty ngoại quốc, người đòi dân chủ. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Tin tặc tấn công suốt nhiều năm qua các công ty ngoại quốc, người đấu tranh dân chủ tại Việt Nam để tìm kiếm thông tin. Một bản phúc trình đặt nghi vấn những tin tặc này có thể liên quan đến nhà cầm quyền CSVN.
Công ty an ninh mạng FireEye của Hoa Kỳ viết trong một bản tường trình cho biết, một tổ chức tin tặc có ký danh là APT32 không những tấn công xâm nhập hệ thống máy điện toán của các công ty ngoại quốc kinh doanh tại Việt Nam, mà còn tấn công cả các chính quyền ngoại quốc, những người đấu tranh dân chủ tại Việt Nam và các nhà báo bằng cách cài các mã độc và những công cụ khác bán trên thị trường.
Tổ chức APT được đề cập đến như một sự đe dọa kiên trì qua tiến trình xâm nhập liên tục bằng những kỹ thuật tinh vi nhằm lợi dụng các nhược điểm của hệ thống máy điện toán bị tấn công.
Nick Carr, quản lý cấp cao của FireEye có trách nhiệm đối phó với các nguy cơ tấn công và đe dọa an ninh mạng nói với đài CNBC rằng, cái làm cho tổ chức APT32 khác với các tổ chức tin tặc khác là những loại thông tin mà nhóm này muốn tìm kiếm xuyên qua hệ thống máy điện toán bị xâm nhập.
“Qua nhiều trường hợp ở đây, có vẻ như APT32 xâm nhập để điều tra xem hoạt động của các nạn nhân và đánh giá xem người ta có tuân theo luật lệ hay không.” Ông Carr nhận định, “Ðiều đó cho thấy khá bất thường và cách biệt hẳn với các hành động gián điệp và ăn cắp bản quyền trí tuệ của các tổ chức tin tặc Trung Quốc, hoặc gián điệp chính trị hay hoạt động thông tin như tổ chức tin tặc của Nga.”
Theo ông Carr, các hành động tấn công của tổ chức APT32 không liên quan gì đến cuộc tấn công của tổ chức có tên là WannaCry đã xâm nhập máy tính của khoảng 200,000 nạn nhân tại 150 nước trên thế giới từ hôm Thứ Sáu vừa qua.
Bản tường trình của FireEye nêu ra các nạn nhân của APT32 gồm các công ty đầu tư sản xuất tại Việt Nam hay bán sản phẩm tiêu dùng hoặc kinh doanh khách sạn du lịch. Có dấu hiệu như họ cũng nhắm đến các công ty kỹ thuật, an ninh mạng của các công ty tư vấn có thể có mối quan hệ với các nhà đầu tư ngoại quốc.
Trong số các nạn nhân, có một công ty của Ðức bị tấn công hồi năm 2014, một công ty du lịch Trung Quốc và một công ty bán sản phẩm tiêu dùng của Mỹ.
Trong khi FireEye không cả quyết là các vụ tấn công của APT32 là một phần hoạt động của nhà cầm quyền CSVN, ông Carr nói rằng thời điểm của các vụ tấn công tương ứng với lúc các nạn nhân đang phải đối phó với phía nhà cầm quyền về vấn để luật lệ.
Bộ Ngoại Giao CSVN phủ nhận nội dung bản tường trình của FireEye. Trong một điện thư, bà Lê Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN nói lời cáo buộc của FireEye là “không có căn cứ.”
“Chính phủ Việt Nam không cho phép bất cứ hình thức tấn công mạng nào chống lại các tổ chức hay cá nhân. Tất cả mọi vụ tấn công mạng hoặc đe dọa an ninh mạng phải bị kết án và trừng phạt nặng nề phù hợp với luật lệ và các quy định,” bà Hằng viết.
Bà Hằng còn thêm là Hà Nội “sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để ngăn ngừa và chống mọi hình thức tấn công mạng.”
Tuy nhiên, có một “bí mật” mà ai cũng biết là nhà cầm quyền CSVN có một lực lượng an ninh mạng hùng hậu bao gồm cả hoạt động tin tặc như xâm nhập các trang mạng “lề trái” hoặc các hộp thư cá nhân để cài mã độc, theo dõi, đánh cắp thông tin, phá hoại, ngăn chặn các thông tin “xấu độc” cho chế độ. Việc này diễn ra hàng ngày.
“Ở mức độ cao nhất mà tôi có thể nói một cách chắc chắn là những gì APT32 đánh giá các dữ kiện chi tiết từ nhiều tổ chức nạn nhân thì chẳng hữu dụng bao nhiêu cho một phe nào ngoài nhà cầm quyền CSVN,” ông Carr nói.
Công ty FireEye không chuyển các tài liệu mà họ thâu thập được về APT32 cho nhà cầm quyền CSVN.
Các tổ chức và cơ quan của nhà cầm quyền CSVN cũng hay bị tin tặc tấn công. Năm ngoái, hai phi cảng Nội Bài tại Hà Nội, Tân Sơn Nhật tại Sài Gòn cùng một số ngân hàng đã bị tin tặc tấn công. (TN)

Biến động ở Nghệ An: Biểu tình đòi thả người, công an thẳng tay đàn áp

Cả ngàn công an được trang bị tận răng bao vây và tấn công người biểu tình. (Hình: Facebook)
NGHỆ AN (NV) – Công an tỉnh Nghệ An bắt cóc nhà hoạt động Hoàng Đức Bình khiến nổ ra cuộc biểu tình với hàng ngàn người tham gia ở huyện Diễn Châu, sau đó công an đưa lực lượng hùng hậu ra tay đàn áp.
Cùng với việc bắt cóc ông Hoàng Đức Bình, công an ra lệnh truy nã nhà hoạt động Thái Văn Dung.
Tin tức, hình ảnh và video clips phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội Facebook cho thấy hàng ngàn người đã kéo tới trụ sở huyện Diễn Châu biểu tình đòi thả ông Hoàng Đức Bình, một người tham gia các cuộc biểu tình cùng với ngư dân Nghệ An và Hà Tĩnh đầu tháng trước, đòi đền bù thỏa đáng cũng như chống Formosa xả chất thải độc hại đầu độc môi trường Việt Nam.
Theo nhiều trang mạng Facebook, ông Hoàng Đức Bình ngồi trên xe hơi đi cùng linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc thuộc giáo phận Vinh, trên đường đi ở khu vực Đền Cuông, thì bị Cảnh sát giao thông chặn xe lại tại xóm 14 Diễn An, huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An.
Một nhóm công an thường phục đã giật cửa xe bắt ông Hoàng Đức Bình đi sang xe của họ và mang đi đâu không rõ.
Khi hay tin có vụ bắt người theo kiểu “bắt cóc” giữa đường, hàng ngàn người đã kéo tới trụ sở huyện Diễn Châu đòi thả người.
Biến động ở Nghệ An: Biểu tình đòi thả người, công an thẳng tay đàn áp
Hàng ngàn người dân tới trụ sở huyện Diễn Châu, Nghệ An, đòi thả ông Hoàng Đức Bình ngày 15/5/2017. (Hình: FB Sơn Văn Lê)
Nhiều video clips được tung lên mạng cho thấy nhà cầm quyền đã đưa hàng trăm cảnh sát cơ động tới đối phó. Người ta thấy dân chúng chạy tán loan, kêu la khi cảnh sát cơ động tấn công đoàn biều tình bằng dùi cui. Người dân chỉ giải tán khi mưa lớn đổ xuống, nhân cơ hội này, cảnh sát cơ động nhào tới đàn áp. Hiện chưa biết có ai bị thương hoặc có ai khác bị bắt ngoài ông Hoàng Đức Bình hay không.
Trên trang báo tuyên truyền của tỉnh Nghệ An ngày 15/5/2017, người ta thấy có bản tin viết rằng “Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã có lệnh bắt bị can số 01 đối với Hoàng Đức Bình về “hành vi chống người thi hành công vụ; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân”, phạm vào Điều 257, 258 Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.”
Ông Hoàng Đức Bình , 34 tuổi, cũng có trang Facebook cá nhân Hoàng Bình viết các bản tin và nhận định về thảm họa môi trường biển gây ra cho Việt Nam và đối với ngư dân nhiều tỉnh trong đó có Nghệ An. Ông cũng có mặt trong các ngày 2 và 3 Tháng Tư 2017 ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh cùng với ông Bạch Hồng Quyền khi ngư dân địa phương biểu tình đòi bồi thường thỏa đáng.
Ông Bạch Hồng Quyền , 28 tuổi, cũng đang bị nhà cầm quyền CSVN “truy nã toàn quốc” vì không biết đang ở đâu. Ông Quyền bị khởi tố và vu cho ông tội “cầm đầu, kích động” 2,000 giáo dân của hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim đi biểu tình chống nhà cầm quyền tại trụ sở huyện Lộc Hà.
Qua điện thoại viễn liên từ nơi lẩn tránh, ông Bạch Hồng Quyền nói với đài RFA rằng công an tỉnh Hà Tĩnh đang tìm cách bắt ông để ngăn cản việc đưa tin về thảm họa môi trường Formosa đến công chúng.
“Cái đó là một bản án sai trái và cố tình gán ghép em hòng bịt miệng em trước dư luận và em không thể về để giúp được người dân.” Ông nói với Đài Á Châu Tự Do RFA vào đêm ngày 12 tháng 5 qua điện thoại.
Biến động ở Nghệ An: Biểu tình đòi thả người, công an thẳng tay đàn áp
Hai ông Hoàng Đức Bình (phải) và Bạch Hồng Quyền (trái). (Hình Chân Trời Mới)
Ngày 18 Tháng Tư 2017, Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam ông Bạch Hồng Quyền về tội “gây rối trật tự công cộng” và “bắt giữ người trái pháp luật”, theo Điều 245 và Điều 123 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Lệnh truy nã toàn quốc đối với ông Bạch Hồng Quyền được công bố rộng rãi trên báo chí nhà nước vào ngày 12 tháng 5.
Cùng với việc loan báo bắt ông Hoàng Đức Bình, báo Nghệ An hôm Thứ Hai 15 Tháng Năm 2017 cũng loan báo qua một bản tin khác một cái “quyết định truy nã toàn quốc đối với Thái Văn Dung (29 tuổi), trú tại xóm 4 xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu về tội “Không chấp hành án”, quy định tại Điều 304 Bộ Luật Hình Sự”.
Bản tin này kể tội ông Thái Văn Dung, một người đã bị bỏ tù 4 năm và 4 năm quản chế vì bị vu cho tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền…” là “không chấp hành hình phạt quản chế”.
Cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác, ông Thái Văn Dung phủ nhận bản án áp đặt đối với ông. Sau khi ra tù ngày 19 Tháng Tám 2015, ông Dung bị cáo buộc là “UBND xã Diễn Hạnh đã lập 20 báo cáo về việc không chấp hành hình phạt quản chế của Thái Văn Dung và ra Quyết định xử phạt hành chính 4 lần với Thái Văn Dung về hành vi không chấp hành án phạt quản chế và đi khỏi địa phương khi chưa được các cấp có thẩm quyền cấp giấy phép đi khỏi địa phương nơi quản chế”.
Ít nhất hiện đang có 112 bloggers và các người tham gia đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam đang bị nhà cầm quyền giam giữ dù họ chỉ hành sử quyền công dân được hiến pháp của chế độ công nhận nhưng không thi hành trong thực tế, theo bản tường trình của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền tại New York. (TN)