Wednesday, March 27, 2019

Tạm đình chỉ các chức vụ của sư đảng viên trụ trì chùa Ba Vàng

Đại đức Thích Trúc Thái Minh trụ trì chùa Ba Vàng. (Hình: Zing)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, khẳng định Ðại Ðức Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng đã “làm tổn thương đến thanh danh giáo hội, tăng đoàn.” Thế nhưng, chỉ dám tạm đình chỉ tất cả chức vụ của sư đảng viên quốc doanh này.
Chiều 26 Tháng Ba, 2019, tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), sau cuộc họp kéo dài từ 2 giờ trưa đến 5 giờ chiều cùng ngày của Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam về việc chùa Ba Vàng “thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ”, Hòa Thượng Thích Gia Quang, phó chủ tịch Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, cuối cùng chỉ gởi Thông Cáo Báo Chí mà né không tổ chức họp báo.
Khoảng gần 100 phóng viên báo chí đã “bám trụ” tại chùa Quán Sứ ngay từ đầu giờ chiều. Các phóng viên chờ đợi một cuộc họp báo với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, tuy nhiên, cuộc họp báo không được diễn ra.
“Sự việc xảy ra tại chùa Ba Vàng gây ra xôn xao dư luận, bất bình trong giới Phật giáo, cộng đồng và phật tử. Do vậy, hôm nay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Khu Vực Phía Bắc họp hội nghị Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự để xem xét sự việc,” Sư Quang thông báo cho biết nguyên nhân không tổ chức họp báo.
Theo Sư Quang, cuộc họp nội bộ nói trên “có mời đại diện Cục An Ninh Nội Địa và Ban Tôn Giáo Chính Phủ cùng tham dự.”
Báo VNExpress tường thuật cho biết, trong buổi làm việc kéo dài 3 giờ, các đại biểu chỉ nghe đại diện Ban Thư Ký Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trình bày việc chùa Ba Vàng thuyết giảng, tổ chức lễ “thỉnh vong giải oan gia trái chủ,” chữa bệnh cho người dân và Phật tử.
Hòa Thượng Thích Gia Quang chỉ có mấy lời nói với báo chí rồi lẩn tránh. (Hình: Tuổi Trẻ)
Trong đó, người tham gia buộc phải “trả nợ cho vong” từ vài triệu đến vài chục triệu đồng do vong yêu cầu, thông qua hình thức công đức vào chùa Ba Vàng, hoặc làm công quả lao động tại chùa.
Sau các phát biểu và ý kiến đề nghị của đại biểu dự hội nghị, Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Tỉnh Quảng Ninh, Văn Phòng Giáo Hội Việt Nam kết luận, việc chùa Ba Vàng tổ chức lễ “thỉnh vong, giải oan gia trái chủ,” chữa bệnh cho người dân và Phật tử, trong đó có việc “gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp,” phải “trả nợ cho vong do vong yêu cầu” bằng tiền hoặc lao động không công là “không đúng với nghi lễ Phật Giáo truyền thống.”
Hội nghị kết luận: “Đại Đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, phải chịu toàn bộ trách nhiệm vì để Phật tử Phạm Thị Yến (pháp danh Tâm Chiều Hoàn Quán, chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Cúc Vàng) đăng đàn thuyết pháp tại chùa. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam yêu cầu chùa Ba Vàng chấm dứt việc tổ chức “thỉnh oan gia trái chủ.”
Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và Ban Trị Sự Giáo Hội Tỉnh Quảng Ninh thừa nhận “đã buông lỏng trong công tác quản lý tăng sự tại chùa Ba Vàng.”
Do nghĩ là có họp báo nên rất đông phóng viên đến chùa Quán Sứ nhưng cuối cùng là họp nội bộ, phóng viên đành ngồi phòng khách chờ thông tin. (Hình: Tuổi Trẻ)
Sư Quang thông tin rằng, hội nghị kết luận Ðại Ðức Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng đã vi phạm Hiến Chương Giáo Hội, “làm tổn thương đến thanh danh giáo hội, tăng đoàn.” Vì vậy, Thường Trực Hội Đồng Trị Sự Khu Vực Phía Bắc đề nghị hòa thượng, chủ tịch Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, ngay lập tức ra quyết định đình chỉ tất cả chức vụ trong Giáo Hội Phật Giáo với Đại Đức Thích Trúc Thái Minh.
Quyết định chính thức sẽ được đưa ra tại hội nghị Thường Trực Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo sắp tới. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam yêu cầu Đại Đức Thích Trúc Thái Minh sám hối tại Đại Tăng. Thượng Tọa Thích Thanh Quyết được giao làm thầy giáo giới cho Sư Thái Minh theo Luật Phật.
Riêng bà Phạm Thị Yến, người thuyết giảng tại chùa Ba Vàng chỉ bị thành phố Uông Bí phạt hành chính đối với “hành vi vi phạm nếp sống văn hoá” phạt 5 triệu đồng. Đồng thời Cơ quan hữu trách “đang làm rõ các hành vi vi phạm tiếp theo như: Thông tin, trục lợi… của bà Yến.”
Tuy nhận trách nhiệm, nhưng kết luận của Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam lại không hề nêu những hình thức xử lý đối với vụ này.
Lúc 6 giờ chiều, Hòa Thượng Thích Gia Quang kết thúc buổi thông tin báo chí, từ chối trả lời tất cả câu hỏi. (Tr.N)

Công an Thanh Hóa bắn gãy đùi người dân ‘không cần biết đúng sai’

Đùi trái của anh Nguyễn Trọng Cường sau vụ nổ súng buộc phải mổ để lắp xương và khâu nhiều mũi. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Một thanh niên ở phường Đông Hương, đang ngồi uống nước chè ở nhà hàng xóm thì bị Cảnh Sát 113 của công an thành phố Thanh Hóa gọi ra ngoài cổng rồi bất ngờ nổ súng bắn gãy đùi mà không cần biết đúng sai.
Nói với báo Pháp Luật TP.HCM ngày 26 Tháng Ba, 2019, ông Nguyễn Trọng Vịnh (69 tuổi, ở phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa) cho biết đã gởi đơn tố cáo Cảnh Sát 113 thành phố Thanh Hóa, vô cớ bắn trọng thương con ông là anh Nguyễn Trọng Cường (32 tuổi, ở cùng nhà)
Ông Vịnh kể, khoảng 6 giờ 30 chiều ngày 14 Tháng Hai, anh Cường đi ăn đám tiệc ở nhà người thân về thì gặp một nhóm thanh niên để xe gắn máy chắn ngang trước nhà nên anh không thể vào nhà.
Anh Cường yêu cầu nhóm thanh niên dời xe thì đã xảy ra mâu thuẫn. Khi hai bên cãi nhau, nhóm thanh niên đã dùng gạch đá để đe dọa anh Cường. Do quá nóng giận, Cường cũng chạy vào nhà lấy hai con dao lao ra nhưng gia đình ngăn cản.
Cùng lúc đó, công an phường Đông Hương có mặt nên nhóm thanh niên bỏ đi, trong khi đó anh Cường sang nhà ông Lê Nguyên Bình, hàng xóm uống nước chè.
Tuy nhiên, khoảng 20 phút sau, Cảnh Sát 113 thành phố Thanh Hóa đến trước nhà ông Bình gọi “thằng Cường đâu ra đây.” Khi nghe có tiếng gọi, anh Cường đi ra ngoài cổng thì bị Cảnh Sát 113 đứng chờ sẵn, lúc này anh Cường liền nói “tôi có tội gì mà các ông bắt tôi.”
Khi vừa dứt lời thì từ phía Cảnh Sát 113 có người hô lớn “nó ngáo đá (say ma tuý), bắn đi.” Liền sau đó anh Cường bị một cảnh sát bắn thẳng vào đùi trái, khiến anh ngã gục xuống đất trong đau đớn.
Ông Lê Nguyên Hòa kể lại toàn bộ sự việc ông chứng kiến với nhà báo. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
Chưa hết, dù anh Cường đã bị thương, nhưng nhóm Cảnh Sát 113 vẫn kéo lê anh Cường ra khỏi nơi xảy ra vụ việc khoảng 100 mét rồi đưa lên xe chở đi trước nhiều người dân chứng kiến.
Cũng theo ông Vịnh, tại Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Thanh Hóa, anh Cường được yêu cầu test ma túy. Tuy nhiên, toàn bộ các lần test đều cho ra kết quả không dính ma túy.
Nói với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Nguyên Hòa, một người dân chứng kiến sự việc Cảnh Sát 113 nổ súng bắn anh Cường cho biết: “ Hôm đó, tôi ở trong nhà thì nghe to tiếng bên ngoài. Tôi đi ra thấy một bên là 7-8 thanh niên tay cầm gạch, một bên là cháu Cường cầm dao, đang cãi nhau to lắm. Tuy nhiên, công an phường đến giải quyết xong nên cả hai bên đều ra về. Khoảng 20 phút sau, tôi lại nghe thấy to tiếng nên lại ra mở cổng, lúc đó tôi chỉ cách cháu Cường khoảng 1 đến 1.5mét. Tôi nghe tiếng la lớn của một người trong nhóm công an ‘thằng ngáo đá đấy, bắn đi’ rồi nghe tiếp một tiếng đoàng và cháu Cường đã nằm ngã gục dưới đất. Sau đó Cảnh Sát 113 mang cháu Cường đi.”
Một nhân chứng khác, ông Lê Nguyên Bình, kể lại: “Lúc đó Cường đang ngồi uống nước chè, hút thuốc lào với con trai tôi ở nhà tôi rất bình thường. Từ ngoài cổng có tiếng gọi thì lúc đó Cường mới đi ra ngoài. Sau đó, tôi thấy một người cứ chĩa súng vô người Cường. Chưa kịp dứt lời thì họ bắn thẳng vào người, không thèm bắn chỉ thiên. Những cảnh sát có mặc quần áo công an và mang theo khiên và súng kéo Cường đi nơi khác,” ông Bình kể lại.
Trả lời báo chí Việt Nam, ông Khương Duy Oanh, phó giám đốc Công An tỉnh Thanh Hóa, cho hay: “Công an tỉnh Thanh Hóa đã nhận được đơn thư tố cáo của ông Vịnh. Hiện chúng tôi đang giải quyết theo các trình tự, quy định của pháp luật. Sau khi hoàn tất điều tra, làm rõ thông tin đơn thư phản ánh của người dân, chúng tôi sẽ thông báo công khai về vụ việc.” (Tr.N)