Wednesday, April 24, 2019

Đại tướng không có chỗ trong lòng dân…Sáng


Ông Lê Đức Anh tại kỳ họp quốc hội lần cuối năm 1997.
Ông Lê Đức Anh tại kỳ họp quốc hội lần cuối năm 1997.

Theo VOA-Trân Văn-23-04-2019

Sáng 22 tháng 4, ông Lê Mạnh Hà post vài dòng trên trang Facebook của mình về tình trạng cha ông – Lê Đức Anh, đại tướng, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, cựu Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Tiến về Sài Gòn
44 năm trước đại tướng Lê Đức Anh chỉ huy một cánh quân trong đội quân huyền thoại tiến về Sài Gòn thống nhất đất nước, mang lại hòa bình cho dân tộc.
-
Ông sẽ là người cuối cùng trong Bộ chỉ huy chiến dịch năm ấy ra đi mãi mãi.
Ông đang được các bác sĩ bệnh viện 108 chăm sóc tận tình.
Thông tin từ status ấy lập tức loang ra như dầu tràn song rất ít người Việt sử dụng mạng xã hội bày tỏ sự tiếc thương hay mến phục. Đa số công chúng tỏ ra hoan hỉ, hả hê. Tiếc nuối nếu có là chủ yếu là vì theo họ, cha ông Hà, sống thực vật chưa đủ lâu để đền tội.
Thậm chí ông Hà sắp mất cha, người ta vẫn vào và để lại trên Facebook của ông Hà những biểu tượng cho thấy họ thích thú trước thông tin ông thay mặt gia quyến cung cấp. Gần như toàn bộ bình luận trên trang facebook của ông Hà có nội dung thế này (1)…
Hoàng Huy Vũ: Các liệt sĩ Gạc Ma đã chuẩn bị ướp bia đón ông chưa?
Bình Thuận Lý: Thằng thớt (ông Hà) nên viết thực lòng như này: Mang lại hòa bình cho cả dân tộc, mang lại sự thịnh vượg cho gia đình chúng tôi và sự đói nghèo, lạc hậu cho toàn dân tôc Việt Nam. Ông là thằng đầu đảng cướp cuối cùng trong bộ chỉ huy chiến dịch cướp phá miền Nam năm ấy đã đi bán cmn (con mẹ nó) muối sau bao năm nằm ỉa trây đái dầm dề trả cái nghiệp giết chiến sĩ Gạc Ma và dân Campuchia vô tội ở Siêm Riệp.
Đỗ Văn Dũng: Một tướng ngu xuẩn khi mang súng đánh đuổi đồng bào mình ra biển và còn sang Tàu để cầu vinh. Muôn đời con cháu nguyền rủa loại tướng này.
Toan Nguyen: Thực tình chả muốn đại tướng chết, chỉ mong muốn “nó” dở sống, dở chết, sống thực vật cho nhân dân được nhờ. À quên, sao không kể công ơn đại tướng với bạn vàng Tàu cộng, vụ Gạc Ma 1988 nhỉ…
Đọc Để Hiểu: Tiến về Sài Gòn ta cướp sạch Sài Gòn dâng nước cho Tàu. Xuống chờ 64 chiến sĩ Gạc Ma hỏi thăm nhé.
Trương Anh Nguyễn: Tiến về Sài Gòn ta cướp nhà mặt tiền…
Hoang Nguyen: 64 chiến sĩ Gạc Ma đang chờ ông
Lưu Tường: Xuống đoàn tụ cụ Lê Chiêu Thống nhớ ghé hỏi thăm anh em Gạc Ma kẻo anh em tâm tư.
Anh Bay: “Thằng” đó chưa chết à? 64 ah em Gạc Ma đang chờ mày đó.
Tĩnh Lặng: A tì địa ngục đang chờ đón ông. Chúc ông xuống đó vui.
***
Ông Hà đã xóa status vừa kể. Status cuối cùng trên trang Facebook của ông Hà giờ là status được viết cách nay hai tuần về “Bác Đồng Sỹ Nguyên”. Chắc chắn ông Hà cũng như chị em của ông và các con, các cháu trong gia tộc không ngờ công chúng oán giận, khinh miệt cha mình, ông mình đến như vậy.
Chưa biết lúc nào ông Lê Đức Anh thật sự “nhắm mắt, xuôi tay”. Theo qui định hiện hành, chắc chắn sẽ có quốc tang, theo sau đó là quốc táng và song hành với quốc tang, quốc táng sẽ là tóm tắt công trạng, sẽ là những lời có cánh… song nhân tâm như thế thì cố gắng thêm động cơ phản lực vào những lời ấy, chúng cũng không thể… bay.
Cổ nhân từng bảo: Trăm năm bia đá thì mòn. Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Dẫu “ý đảng” cố cưỡng, “lòng dân” không chuyển. Thực tế như vừa diễn ra chẳng biết có đủ để cảnh tỉnh số ông này, bà kia đang ngất ngưởng trên những cái ngai rất cao hay không? Có đủ mở mắt để họ nhận ra mến phục, tiếc thương là những thứ không thể chỉ đạo.
“Công” hay “tội” đối với cả một dân tộc không phải cứ soạn thành nghị quyết là thành. Thời điểm “Tổ quốc ghi… có”, xác định những cá nhân đắc tội với tiền nhân, với đồng bào tưởng xa hóa ra lại gần hơn nhiều người tưởng. Nhân tâm, thái độ của công chúng đối với ông Lê Đức Anh là một bài học nhãn tiền.
Chú thích

‘Luật về Hội’ ở Việt Nam có thoát kiếp ‘luật phản động’?


Công nhân công ty Nissey Vietnam đình công
Phạm Chí Dũng/Người Việt|

Năm 2019 đang chứng kiến lần đầu tiên nhà cầm quyền Việt Nam buộc phải chuyển dần từ cơ chế độc tài sang “mị dân chủ” – một giai đoạn bắt buộc phải xảy ra trước khi tiến đến thời kỳ “bán dân chủ” để hướng tới tương lai dân chủ hoàn toàn cho dải đất hình chữ S quằn quại áp bức – đó là buộc phải “lấp ló” Luật lập Hội sau 6 năm.
EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam) là chất xúc tác chính yếu cho giai đoạn chuyển đổi từ độc tài toàn trị sang “mị dân chủ,” theo cách không thể nào cưỡng lại.
Không còn cách nào khác
“Luật về Hội” (tên gọi sau này của Luật lập Hội) là một trong những nhân tố kích thích dân chủ hóa, dù ngay vào lúc này và trong năm 2020 vẫn rất có thể chỉ là sắc thái mị dân mà nhà cầm quyền Việt Nam “kiến tạo” để đối phó với EU (Liên Minh Châu Âu), liên quan đến số phận còn đang chuông treo mành chỉ của EVFTA.
-
“Dự án Luật về hội đã được Ban Cán Sự Đảng chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính Trị” – được thông báo bởi Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long tại phiên họp thứ 33, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội  vào ngày 10 Tháng Tư, 2019 – là nhượng bộ tiếp theo của chính thể độc đảng Việt Nam trước EU.
Ngay trước đó, lần đầu tiên giới chóp bu Việt Nam chịu xuống thang trước yêu cầu của EU về việc ký kết 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, liên quan đến Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), trong đó đặc biệt là công ước quốc tế về quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của người lao động (cách gọi của chính quyền Việt Nam là “công đoàn cơ sở”).
Những dấu hiệu nhượng bộ trên xuất hiện trong và ngay sau chuyến đi Châu Âu vào cuối Tháng Ba, năm 2019, của bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, sau cuộc gặp với Chủ Tịch Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế của Liên Minh Châu Âu (EU) là Bernd Lange – một cơ quan tham mưu rất quan trọng về các hiệp định thương mại quốc tế và có vai trò quan trọng không kém Hội Đồng Châu Âu.
Việc Luật về Hội đã được Ban Cán Sự chính phủ làm tờ trình xin ý kiến Bộ Chính Trị cho thấy nhiều khả năng dự luật này, cùng 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, sẽ được “đảng quyết định tất cả” để sau đó đưa ra kỳ họp Quốc Hội, Tháng Năm 2019, cho các đại biểu Quốc Hội đồng loạt “gật.”
“Gật giả”
Vào cuối năm 2013, sau cuộc hội đàm của ông Trương Tấn Sang (chủ tịch nước) với Tổng Thống Obama tại Tòa Bạch Ốc với chủ đề chính về triển vọng người Mỹ chấp thuận cho Việt Nam tham gia vào hiệp định Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính quyền Việt Nam bắt đầu lấp ló trả tự do cho một ít tù nhân lương tâm và đưa dự thảo “Luật lập Hội” (tên của dự luật này vào thời điểm đó) ra hội thảo để “chuẩn bị thông qua và ban hành.”
Nhưng hứa hẹn và cam kết luôn là động tác đầu môi chót lưỡi của giới quan chức cao cấp Việt Nam. Có vẻ như ngay cả Tổng Thống Obama cũng không biết rõ cách hứa hẹn như vậy thật ra chẳng có giá trị gì.
Trong thực tế, chính quyền Việt Nam chỉ thả hạn chế tù nhân lương tâm, trong số đó có những người bị tống xuất đi Mỹ mà không cho ở lại Việt Nam, còn Luật lập Hội thì chỉ làm vài động tác “hội thảo,” “lấy ý kiến,” “chuẩn bị thông qua,” nhưng đã chẳng có gì thực chất mà chỉ như một thể thống trí trá, giả dối và lưu manh.
Từ năm 2013 đến năm 2016, cứ mỗi cuối năm dự thảo Luật lập Hội lại được Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và một số hội đoàn nhà nước mang ra “xào lại” theo ý chỉ của đảng.
Vào quý 4 năm 2016, dự thảo Luật lập Hội được đổi thành dự thảo “Luật về Hội” và tiến gần nhất đến ranh giới thông qua vào đầu kỳ họp Quốc Hội vào cuối Tháng Mười, 2016.
Nhưng ngay sau cuộc gặp giữa Đinh Thế Huynh – Thường trực Ban Bí Thư – và Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại Washington, DC vào buổi sáng ngày 25 Tháng Mười, 2016, Dự Luật về Hội mới bất ngờ bị Quốc Hội Việt Nam hoãn lại.
Đó cũng là bối cảnh Thượng Viện Mỹ đã tuyên bố thẳng thừng sẽ không họp hành gì về TPP trong năm 2016. Điều đó cũng có nghĩa là TPP, nếu còn đôi chút tương lai để được xem xét và thông qua, sẽ phải bị treo lại thêm ít nhất một năm nữa. Ngay lập tức, tác động tiêu cực trên đã khiến chẳng cần đảng phải chỉ đạo, Quốc Hội Việt Nam cũng mau mắn “hoãn bỏ phiếu thông qua TPP.”
Chỉ đến cuối năm 2017 khi CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, thay thế cho Hiệp định TPP) được các nước chính thức thông qua, trong đó có nội dung bắt buộc về công đoàn độc lập và quyền tự do lập công đoàn tự do của người lao động, chính quyền Việt Nam mới một lần nữa lấp ló Luật về Hội, nhưng cũng chỉ treo ở đó để chờ tín hiệu từ cuộc mặc cả về EVFTA và cả “thẻ vàng hải sản” từ phía EU.
Có còn là “luật phản động”?
Dự thảo Luật về Hội của chính quyền Việt Nam – được “kế thừa” từ nghị định số 45 của chính phủ Việt Nam về quản lý hội đoàn – thực chất là thế nào?
Vào Tháng Mười,  năm 2016, một số nghiên cứu và phân tích từ xã hội dân sự đã cho thấy nghị định số 45 có nhiều vết tích được cho là lấy từ nguồn gốc những văn bản pháp quy về cùng đối tượng quản lý ở Trung Quốc. Sau đó, một bàn tay bí mật nào đó ở Việt Nam đã cố tình sao chép các quy định của Trung Quốc vào dự thảo mới nhất của luật về Hội để trình cho Quốc Hội.
Khi đó, nhiều người nghĩ ngay bàn tay bí mật trên chính là Bộ Công An, cơ quan chưa bao giờ có một chút thiện chí với những quyền căn bản của người dân. Hầu như chắc chắn là như thế.
Nhiều thông tin cho biết bộ này, mặc dù không có vai trò chủ trì soạn thảo Dự luật về Hội như Bộ Nội Vụ, nhưng lại là tổng đạo diễn đối với những kịch bản phân loại các tổ chức xã hội dân sự độc lập vào loại “đối kháng” hay “đối lập ôn hòa,” cùng những bổ sung vào luật mang màu sắc đặc trưng của áp chế độc tài.
Dự luật về Hội cũng bởi thế tựa như một loại quả táo tẩm thuốc độc. Dự luật này được tung ra với nhiều điều khoản không chỉ quá thiên về hoạt động quản lý nhà nước mà còn để lộ quá rõ ràng ý đồ “siết” đối với xã hội dân sự, trong đó có những quy định “Không được nhận tài trợ, liên kết với tổ chức nước ngoài,” “Người nước ngoài ở Việt Nam không được lập hội,” “Lãnh đạo hội phải được nhà nước phê chuẩn.” Điều 4 dự thảo này còn quy định mọi hội đoàn phải “được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu.”
Thậm chí quy định về việc không cho người nước ngoài được lập hội lại khá giống với quy định tương tự ở Trung Quốc và gần giống với nước Nga thời Putin.
Trong một cuộc tọa đàm về Dự luật về Hội tại Liên Hiệp Các Tổ Chức Khoa Học Kỹ Thuật ở Hà Nội, một luật sư nhân quyền đã phải tố cáo Dự Luật về Hội là “luật phản động.”
Sẽ “gật thật”?
Từ đầu năm 2017, trong khi TPP vẫn ngổn ngang mà không có Mỹ, EVFTA đã xuất hiện trong bối cảnh “thế nước đang lên” – điều được giới tuyên giáo Việt Nam ca tụng, nhưng cũng là bối cảnh một nền ngân sách đang nhanh chóng vì cạn kiệt, một nền kinh tế đang lao vào năm suy thoái thứ 10 liên tiếp kể từ năm 2008, một xã hội nhiều mầm mống phản kháng và khủng hoảng, một nền chính trị xung đột tứ bề và nạn sứ quân hoành hành khắp nơi, chưa kể hàng năm Việt Nam phải trả hàng chục tỷ đô la nợ nước ngoài…
Giờ đây chưa có gì để hy vọng vào TPP, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang Châu Âu lên đến $25 tỷ mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến $30 tỷ hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng $20 tỷ nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
Cũng như TPP, việc ban hành Luật về Hội, ký 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, công nhận Công đoàn độc lập và công nhận Xã Hội Dân Sự là những điều kiện quan trọng của EU mà chính quyền Việt Nam phải đáp ứng để được tham gia vào EVFTA.
Bởi thế sẽ khác khá nhiều với quá khứ “gật giả,” vào lần này có thể là “gật thật.”
Vào năm 2019, việc giới quan chức Việt Nam phải cam kết với EU về những điều kiện cải thiện nhân quyền liên quan EVFTA, cùng lúc ở trong nước đảng chỉ đạo cho tái hiện Luật về Hội phát ra ít nhất 2 chỉ dấu quan trọng.
-Thế và lực hiện nay của chính quyền Việt Nam là yếu hơn khá nhiều so với 6 năm trước.
-Trong bối cảnh “vận nước đang lên” như thế, một lực đẩy bình thường của EU vẫn có thể khiến tảng đá bảo thủ phải dịch chuyển.
Vấn đề còn lại là lực đẩy trên sẽ được duy trì trong bao lâu, hoặc gia tăng đến mức độ nào để có thể bẩy hẳn tảng đá bảo thủ khỏi sức ì không còn quá lớn của nó, mang lại chí ít kết quả về một Luật về Hội cởi mở, tiến bộ, công nhận Xã Hội Dân Sự và Công Đoàn Độc Lập chứ không bị xem là “luật phản động”!

Bộ Công an vẫn kiên định ‘làm cuội’ Luật biểu tình?


Nhà cầm quyền đang run sợ nếu có Luật Biểu tình, sẽ tái diễn hàng trăm ngàn người dân Sài Gòn đổ xuống đường phản đối Luật Đặc khu như thế này.
Trúc Giang – (VNTB) – Dự luật này mặc dù được báo chí nhắc tới nhiều lần, song như đã nói ở trên, cụ thể nội dung mà các nhà soạn thảo của Bộ Công an đã chấp bút ra sao thì đến nay vẫn không thấy đăng tải công khai để người dân tìm hiểu.

Về dự án Luật Biểu tình đang được Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Biểu tình bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước”.
Đó là nội dung ngắn gọn mang tính thông báo được đưa ra tại phiên họp thứ 33, cho ý kiến về chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tính đến thời điểm hạ tuần tháng 4-2019, trên trang Thư viện Quốc hội, chuyên mục về các dự thảo luật, vẫn chưa thấy đăng tải dự thảo luật biểu tình. Người dân muốn tìm kiếm dự luật này để tham khảo, góp ý vẫn không biết phải tìm ở đâu. Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, chuyên mục “Văn bản dự thảo đang lấy ý kiến” cũng không có nội dung liên quan đến dự luật biểu tình. [http://bocongan.gov.vn/van-ban/van-ban-du-thao.html]
Trên báo Tuổi Trẻ số phát hành ngày 17-7-2018 có đăng bản tin “Cải chính” như sau (trích): “Báo Tuổi Trẻ Online ngày 19-6-2018 đăng bài viết “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình”. Trong bài viết này, Tuổi Trẻ Online có đăng: “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị của cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này”. Trên thực tế, khi tiếp xúc với cử tri tại TP.HCM ngày 19-6-2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang không phát biểu nội dung trên”.Sẽ tương thích với nhiều luật liên quan “quyền con người”?
Sinh thời, chủ tịch nước Trần Đại Quang không lên tiếng về nội dung “Cải chính” đó. Tuy nhiên trên thực tế, theo ghi nhận của báo chí, đúng là cử tri và nhiều đại biểu Quốc hội nhiều lần yêu cầu cần phải luật hóa quyền biểu tình được Hiến định, vì đây còn là “quyền con người”.
Trước đó, vào năm 2016, tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 26-7 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) yêu cầu được trả lời câu hỏi “Luật biểu tình lùi đến bao giờ?”. Theo bà Kim Thúy, biểu tình là quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, việc xây dựng Luật biểu tình là trách nhiệm của Quốc hội. Vì vậy, câu hỏi nêu trên phải được trả lời rõ ràng, minh bạch.
“Đề nghị đưa dự án luật vào chương trình kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (cuối năm 2017), thông qua vào kỳ họp thứ 5 (giữa năm 2018) để sớm trả món nợ Luật biểu tình cho dân” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa (luật sư, Đoàn TP.HCM) yêu cầu. Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng việc Chính phủ giao Bộ Công an trực tiếp soạn thảo đạo luật này là gây khó cho Bộ Công an. “Tôi đề nghị giao cho Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, Bộ Công an chỉ tham gia phản biện” – ông Xuyền gợi ý.
Tập hợp kiến nghị cử tri từ Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, cử tri các tỉnh Quảng Bình, Long An, TP.HCM, Hải Phòng kiến nghị: trong tình hình hiện nay, việc ban hành Luật biểu tình là rất cần thiết, nhằm hướng dẫn người dân thực hiện quyền công dân chính đáng của mình và xử lý nghiêm các hoạt động biểu tình trái phép, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên mọi chuyện vẫn tiếp tục được treo đến tận hôm nay, và Bộ Công an vẫn là nơi được giao chấp bút soạn thảo. Bối cảnh hiện tại khác nhiều so hồi giữa năm 2018, vì Quốc hội đã phê chuẩn việc thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP); trong đó quyền tự do lập hội, tự do công đoàn và tự do bày tỏ chính trị là một thỏa thuận mang tính ràng buộc phía Việt Nam phải thực hiện. Như vậy dự luật biểu tình còn phải đồng thời có tính tương thích với tất cả các quyền dân sự này.
Diện mạo của dự luật biểu tình ra sao?
Hội đồng Hiến pháp “vắng mặt” trong Hiến pháp 2013, trong khi hệ thống tư pháp còn thiếu tính độc lập, chưa thực sự là các cơ quan bảo vệ công lý khiến khả năng bảo đảm các quyền con người, quyền công dân là một thách thức.
Như vậy phải chăng điệp khúc quen thuộc sẽ được lặp lại: Muốn biểu tình phải chờ luật? Và dự luật này mặc dù được báo chí nhắc tới nhiều lần, song như đã nói ở trên, cụ thể nội dung mà các nhà soạn thảo của Bộ Công an đã chấp bút ra sao thì đến nay vẫn không thấy đăng tải công khai để người dân tìm hiểu.
“Tôi không nghĩ phải tiếp tục chờ đợi, nếu như một khi có công đoàn độc lập, thì những tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn này đã có quyền tổ chức những cuộc biểu tình theo đúng những cam kết thực thi CPTPP”. Luật sư Trần Thành nói. Theo đó, “quyền biểu tình” của công dân được nhắc đến trong Điều 25 Hiến pháp 2013. Một khi Luật về Hội sắp tới đây được ban hành, có nghĩa yêu cầu của vế thứ hai trong Điều 25 “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, đã được hình thành.
Dĩ nhiên khi chưa có phần quy định riêng cho quyền công dân trong biểu tình (luật chuyên ngành), thì công dân đương nhiên được biểu tình, và khi ấy có thể đối mặt với việc nảy sinh bạo loạn, sử dụng bạo lực.
Nhà chức trách lâu nay vẫn ám ảnh bởi những cuộc biểu tình ở miền Nam Việt Nam trước 1975, nên mặc định biểu tình có sử dụng bạo lực và các hành vi gây rối trật tự công cộng. Thế nhưng nhà chức trách lại quên mất rằng phải nhìn nhận đây là một quyền của công dân. Con người có quyền bày tỏ ý kiến về vấn đề nào đó họ muốn, trong một giới hạn cho phép, và giới hạn này sẽ được nêu ra khi xây dựng Luật biểu tình.
Nói một cách khác, Luật biểu tình sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc giải tỏa những căng thẳng, bức xúc trong xã hội, qua đó tạo ra sự đồng thuận xã hội nhằm thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, là căn cứ pháp lý để nhà nước Việt Nam đấu tranh chống lại những xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch – nếu có.
Khi nào thì biểu tình là trái pháp luật?
“Điều 25 của Hiến pháp hiện hành quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Mệnh đề “các quyền này do pháp luật quy định” khiến người dân lúng túng, do dự khi thực hiện quyền biểu tình, và bộ máy chính quyền dựa vào đó để phủ nhận quyền biểu tình của công dân trên thực tế. Cần phải hiểu “do pháp luật quy định” là tuân theo những quy định thuộc về pháp luật – nếu đã có. Chưa có luật tương ứng thì có nghĩa là chưa có hạn chế, bởi không thể dùng cái chưa có để hạn chế thực tại. Trong bối cảnh thực thi CPTPP với việc sắp tới đây sẽ ban hành Luật về Hội, cho thấy chính các tổ chức hội đoàn dân sự này đã có thể đứng ra tổ chức những cuộc biểu tình đúng theo “pháp luật quy định”. Luật gia Cao Minh Tâm lập luận.
Thế nhưng trên thực tế thì làm gì có “pháp luật quy định” về biểu tình? Luật gia Tâm cho rằng lâu nay nhà chức trách vẫn viện dẫn Nghị định 38/2005/NĐ-CP với lý do ‘để giữ gìn trật tự công cộng, góp phần bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân theo quy định của pháp luật’ để cho rằng biểu tình trái pháp luật.
“Tôi nghĩ một khi có Luật về Hội, thì Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hay bất kỳ hội đoàn dân sự nào khác đều đứng ra tổ chức ‘biểu tình đúng pháp luật’, qua việc thực hiện đăng ký trước với Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó, được quy định ở Điều 7 Nghị định 38/2005/NĐ-CP, về việc tập trung đông người ở nơi công cộng”.
Luật sư Trần Thành tiếp lời, “Điều 14 Hiến pháp đã khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Như vậy, khi biểu tình diễn ra mà không đe dọa an ninh quốc gia, trật tự xã hội thì hoàn toàn phù hợp; nhất là trong trường hợp các hội đoàn dân sự đứng ra tổ chức những cuộc biểu tình này thì Ủy ban nhân dân địa phương nơi sẽ diễn ra biểu tình, bắt buộc phải chấp nhận đăng ký. Bằng không thì các vị chủ tịch ủy ban này sẽ đối mặt cáo buộc tù tội hình sự.

Điều 167, Bộ luật hình sự 2015 quy định người nào dùng vũ lực, đe doạn dùng vũ lực hay các thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân mà đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

Tự nhiên Ba X hóa Khổng Minh?

Nguyễn Tường Thụy
(VNTB) - Cư dân mạng đang kháo nhau rất sôi nổi về sức khỏe “tổng tịch” Nguyễn Phú Trọng. Người thì bảo cảm nắng qua loa, người thì bào nặng, có người lại khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng đã “chuyển sang từ trần”, không biết thế nào. Còn báo chí chính thống không một lời hé răng, chỉ biết kiên trì đợi lệnh để đăng theo một bản tin mẫu.

Tuy nhiên, bàn về nguyên nhân, dư luận gần như có sự thống nhất rằng, tai nạn của tổng Trọng ắt là do Ba X ra tay. Sự khẳng định này căn cứ vào mối thù sâu sắc giữa Ba X và ông tổng mà người nào quan tâm đến thế cuộc đều biết. Tự nhiên, Ba X được ca ngợi biết nuôi chí báo thù “quân tử trả thù 10 năm cũng không muộn”, thậm chí còn so sánh Ba X với Gia Cát Lượng, một nhà chính trị quân sự lỗi lạc của Trung hoa thời Tam Quốc.

Lẽ thường với lãnh đạo cấp cao đang mang trọng trách mà được cất đi gánh nặng lúc về hưu thì đó là một sự mong đợi. Đây chính là lúc đầu óc được thanh thản, nghỉ ngơi dưỡng già. Hàng ngày yên tâm vui thú cảnh điền viên bên gia đình, tìm đến bạn cũ để hàn huyên, làm những công việc thường nhật như Obama đi chợ mua rau chẳng hạn. Ông nào có đam mê và năng khiếu thì viết hồi ký.
*
Nhưng lãnh đạo ta không phải thế. Về hưu rồi nhưng vẫn “buông rèm chấp chính”, vẫn muốn phủ bóng của mình lên những người kế nhiệm, vẫn muốn chi phối chính trường. Dĩ nhiên, ông nào chết lúc đương nhiệm thì không có chuyện này. Đây là căn bệnh ham quyền lực của lãnh đạo thường thấy ở những nước cộng sản. Vì vậy, lần đầu có lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu, phải sinh ra Hội đồng cố vấn cho các ông ấy ngồi để hiện diện, như những thái thượng hoàng, đáp ứng nhu cầu làm “lãnh tụ suốt đời”. Thành lập Hội đồng cố vấn là theo mô hình của Ủy ban cố vấn bên Trung Quốc ra đời năm 1982 (tàu sao ta vậy). Hội đồng này ở ta sinh ra năm 1986, ban đầu gồm 3 ông: Thọ, Chinh, Đồng. Nghe kể, có ông làm cố vấn, biết bộ CT họp nhưng không mời ông, thế là ông đeo kính đen (vì đã lòa), chống batoong đến. Mấy ông Bộ CT sợ xanh mắt. Cũng có ông có sĩ diện nhưng nói dỗi: Người ta có “vấn” đâu mà “cố”.

Hội đồng cố vấn tồn tại được 4 khóa, đến đại hội 9, năm 2001 thì bỏ. Tại Đại hội này, BCHTW bỏ phiếu phế truất ông Phiêu, mặc dù BCT đã đồng ý để lại. Lịch sử còn ghi nhận việc BCHTW chống lại quyết định của Bộ CT ít nhất 1 lần nữa ở Hội nghị TW6 (khóa 11): Bộ CT đòi kỷ luật ông Dũng nhưng bị BCHTW bác.

Ông Phiêu bị loại, đòi bỏ Hội đồng cố vấn, tức là bỏ luôn chức cố vấn (sẽ có) của mình và của mấy ông khác, theo kiểu tôi nghỉ anh cũng nghỉ. Vậy là từ đấy, mấy ông lãnh đạo hưu là hưu, không còn chức gì nữa. Mấy chuyện này nghe cánh nhà báo nói, không rõ thực hư thế nào.

Tuy Hội đồng cố vấn giải thể nhưng việc buông rèm chấp chính vẫn có trên thực tế mà Ba X cũng không ngoại lệ. Việc thao túng chính trường sau khi nghỉ là có thật và các ông làm được đến đâu, tùy theo uy tín và thực lực của mình. Vì vậy, mấy ông đương chức không thể coi thường, sơ hở tí có thể mấy cụ cho “biết thế nào là lễ độ” ngay. Tới mức tự tin, thế lực như ông Trọng cũng vẫn phải gặp nguyên lãnh đạo cấp cao để xin ý kiến.

*
Trở lại với Ba X. Như đã nói, “sự cố” về sức khỏe của ông Trọng tại Kiên Giang vừa qua, dư luận cho là do Ba X chủ mưu. Có mấy lý do để người ta nghi ngờ việc này: Một là mối thâm thù giữa Ba X với ông Trọng, hai là tuy quê gốc ở Cà Mau nhưng Ba X công tác và thành danh từ KG, nhà thờ họ cũng ở KG nên nơi đây được coi là đất của Ba X, ba là con Ba X đang là người quyền lực nhất vùng đất này.

Vì vậy, dư luận cho rằng Ba X chủ mưu vụ gây nên “sự cố” về sức khỏe của Trọng có vẻ rất logic. Một kịch bản được đưa ra dựa theo các sự việc đã xảy ra để khớp lại và cho rằng đã thực hiện quá hoàn hảo:

Theo đó, người của Ba X nhử cho tổng Trọng về KG bằng cách xin thành lập thành phố Phú Quốc để bắt ông ta vào dẹp, gọi là kế “điệu hổ ly sơn”. Bố trí vào thăm xưởng đông lạnh trước rồi để ông Trọng đầu trần ra trời nắng 37 độ, không cho ai che ô, lịch làm việc lại dày đặc nên đột quỵ là điều không tránh khỏi. Đến cả những người khiêng cáng cũng được bố trí công phu, sắp xếp tỉ mỉ. Nghĩa là, một kịch bản hết sức hoàn hảo và được thực hiện chính xác đến từng chi tiết.

Ở một đất nước có quá nhiều bí mật, sức khỏe lãnh đạo cũng trở thành bí mật quốc gia thì biệc bàn tán, xì xào là điều không tránh khỏi. Nghe bàn về kịch bản cũng vui vui, thể hiện khả năng phân tích và trí tưởng tượng của mỗi người. Nhưng tôi không cho rằng, Ba X có thể làm được điều đó. Tại Hội nghị 6 (khóa 11) Sang Trọng từng cay đắng gạt nước mắt vì không kỷ luật được Ba X nhưng đến đại hội 12, Ba X cay đắng còn hơn thế, buộc phải rời chính trường. Tại đại hội này, ông ta phải “xếp giáo quy hàng” một cách ngoan ngoãn, về làm “người tử tế”.

Ba X rời chính trường không được như những lãnh đạo khác mà bị loại như một kẻ thua cuộc. Uy tín của ông ta không còn gì, bị kết tội tàn phá đất nước, làm kiệt quệ nền kinh tế. Nạn tham nhũng dưới thời Ba X là chưa từng có. “Củi” do Ba X tạo nên cung cấp cho tổng Trọng một khối lượng nhiên liệu khổng lồ mà vài đời tổng bí thư như ông Trọng đốt cũng không hết.

Có điều, do quá chán ngán chế độ, lo đất nước rơi vào tay Trung Quốc nên người ta mong có một sự thay đổi. Không hy vọng được vào một sự thay đổi có trật tự theo hướng dân chủ, người ta trông vào một cuộc chính biến, rồi muốn ra sao thì ra, dẫu sao cũng là một sự thay đổi trong khi không khí xã hội quá ngột ngạt. Vì Ba X là đối thủ của tổng Trọng và Ba X cũng khó mà thoát việc bị cho vào lò nên người ta thường trông vào ông ta. Mỗi khi có một biến cố, như thêm những đàn em bị bắt, họ hay nhắc đến Ba X như là một sự trông chờ, khuyến khích hay cảnh báo.

Nhưng Ba X lại là người chỉ có tài phá chứ không phải là người có tài trí, bản lĩnh. Uy tín của ông ta một thời chỉ là từ sự ban ơn mưa móc, lấy của đất nước chia nhau, chứ không phải là uy tín của người vì dân vì nước. Vì vậy quân của ông ta cũng chỉ là đám xôi thịt, gió chiều nào che chiều ấy, lại hèn nhát, cứ ra tòa là khóc tu tu thì lấy đâu ra kẻ dám làm, dám hy sinh về nghĩa.

Vì vậy, khó có thể tin rằng, Ba X lập mưu hãm hại tổng Trọng và đã thành công. Hình như, người ta đánh giá quá cao Ba X, đồng nghĩa với việc tổng Trọng quá chủ quan, mất cảnh giác.

Nếu ông Trọng có bị sao thì có lẽ đấy chỉ là sự may rủi, rủi về phía này thì may cho bên kia. Mọi người bàn tán, phân tích, tưởng tượng cũng chẳng chết ai. Có hay không một kế hoạch ám hại tổng Trọng, chẳng có cơ sở nào khẳng định hay bác bỏ.