Tân Phong – Việt Tân
(Xin gửi đến Đại Biểu Quốc Hội Ksor H’Bơ Khắp với lời cảm ơn trân trọng!)
Suốt dải đất miền Trung từ Hà Tĩnh, Nghệ An cho đến Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận… oằn mình hứng chịu liên tiếp “lũ chồng lũ, bão chồng bão.” Chưa có một con số thống kê đầy đủ đã có bao nhiêu người chết và mất tích vì mưa lũ, sạt lở đất ở miền Trung cho đến thời điểm hiện nay. Bản tin cuối cùng cập nhật con số bi thảm này trên báo chí “lề đảng” vào ngày 19 tháng Mười, 2020, ghi nhận 102 người chết và 26 người mất tích.
Đã gần 1 tháng trôi qua, liên tiếp vẫn xảy ra sạt đất ở nhiều nơi khu vực Tây Nguyên, Trung và Nam Trung Bộ gây thêm nhiều thương vong về người, hủy hoại hạ tầng, tài sản xã hội. Hình ảnh những quả đồi trơ trụi đã sạt lở chôn vùi nhiều làng mạc, doanh trại quân đội, đường xá, cướp đi hàng trăm sinh mạng khiến cho nhân tâm đau đớn. Nhưng khi những cảm xúc qua đi thì người ta không thể không hỏi rằng “Rừng đâu hết cả rồi? Sao toàn đồi trọc thế kia, làm sao không sạt lở, không lũ lụt?” Rồi người ta được biết trên thượng nguồn những dòng sông nhỏ ở Tây Nguyên, những cánh rừng đại ngàn đã bị chặt phá để làm hàng trăm thủy điện nhỏ. Thủy điện làm thì ít, mà thực ra phá rừng bán gỗ là chính!
Bức xúc xã hội được các đại biểu quốc hội đưa vào nội dung chất vấn những bộ trưởng và các cơ quan ban ngành có trách nhiệm liên quan tới việc bảo vệ rừng, qui hoạch và vận hành thủy điện, điện mặt trời trong những ngày qua đang tạo những đợt sóng mạnh trong dư luận.
Câu hỏi rành mạch, dứt khoát, trực diện của Đại Biểu Ksor H’Bơ Khắp khiến cho những bộ trưởng “bò một nắng” như Trần Hồng Hà, Nguyễn Xuân Cường, Trần Tuấn Anh càng thể hiện sự dốt nát về chuyên môn, tư duy thấp kém, cũng như thói quen lưu manh cố hữu khi cố gắng đánh tráo khái niệm, đổ trách nhiệm cho “con người” mà không phải là trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý và thực thi luật pháp.
Chúng trơ trẽn khi hứa rằng sẽ loại bỏ những công trình thủy điện dù chỉ phá một mét vuông rừng, rằng sẽ nhanh chóng rà soát và trồng lại rừng nguyên sinh bla bla… Thế rồi, ông Thủ Tướng Phúc ngay lập tức đã ra chỉ đạo trồng 1 tỷ cây xanh. Quả thực, những quyết định, hứa hẹn của giới chức CS ngoài tác dụng lừa mị, có Trời mới biết được tính khả thi của nó ra sao?
Những ngụy biện trắng trợn của đám bộ trưởng “bò một nắng” khi nói rằng thủy điện nhỏ không là nguyên nhân gây lũ lụt, không phá rừng và rừng Việt Nam vẫn phát triển tốt quả thực là một luận điệu không thể khốn nạn và phi nhân hơn.
Nó cũng giống như những lời biện hộ của đám viên chức EVN khi nói “dân chết không phải vì thủy điện xả lũ, mà vì dân không …biết bơi” khi thủy điện sông Đà và hơn 30 thủy điện lớn nhỏ đột ngột “xả lũ đúng qui trình” vào ban đêm mà không hề báo trước khiến hơn 100 người chết vào tháng Mười năm 2017. Giờ đây, những luận điệu này lại được lặp lại bởi những kẻ mặt trơ trán bóng, lương tâm đã bị chó ăn mất từ lâu, như một sự thách thức, chà đạp lương tri Con Người.
Để nói cho rõ rằng không chỉ hàng triệu hecta rừng Tây Nguyên đại ngàn nguyên sinh đã bị chặt phá tàn bạo trong suốt 4 thập kỷ sau 1975, mà phải nói cho đúng là Tây Nguyên với tất cả những giá trị bản sắc của nó, bao gồm văn hóa gắn liền các chủng tộc bản địa, tài nguyên, môi trường, con người… đều đang bị bức tử, phá hủy với mức độ hủy diệt bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó, gồm cả những chính sách phát triển kinh tế một cách thiển cận, tham lam, cũng như sự yếu kém trong công tác quản lý xã hội, tài nguyên và công khai ủng hộ việc phá hoại một cách hệ thống.
Tây Nguyên trước 1975
Trước 1975, Tây Nguyên là một vùng đất còn hoang sơ, rừng nguyên sinh bạt ngàn. Cho đến tận 1946 vùng đất mênh mông trên những cao nguyên bao gồm 5 tỉnh hiện nay theo hệ thống phân định địa giới hành chính của nhà cầm quyền CSVN là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng vẫn còn là một vùng tự trị được biết tới với tên gọi chung là Hoàng Triều Cương Thổ, theo cách gọi của triều Nguyễn. Xưa kia là vương quốc Thủy Xá, Hỏa Xá của những tộc người Jrai, Ede, Ba Na, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông…
Hệ thống quyền lực hành chính và những hạ tầng xã hội văn minh được người Pháp bắt đầu đặt nền móng cơ bản từ những năm 1891, với việc phát hiện ra cao nguyên Lang Biang bởi nhà khoa học lừng danh Yersin. Theo đề nghị của Yersin, Toàn Quyền Đông Dương Paul Doumer đã cho xây dựng thành phố Đà Lạt và trực tiếp can thiệp vào vùng đất Tây Nguyên kể từ 1900.
Trong suốt quá trình người Pháp can thiệp vào Tây Nguyên, việc nhập cư được kiểm soát khá chặt chẽ. Người Pháp duy trì chế độ tự trị của vùng đất này và hạn chế người Kinh nhập cư, ngoại trừ những công ty trồng café, cao su được quyền tuyển người và đưa người Kinh vào làm việc tại các đồn điền. Người Pháp cũng tránh can thiệp và tôn trọng các văn hóa tập tục bản địa. Nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, chủng tộc, tài nguyên của người Pháp trên vùng đất hoang sơ Tây Nguyên cách đây hơn 100 năm phải khiến cho giới trí thức Việt sau hơn một thế kỷ mới được tiếp cận phải sửng sốt, thán phục. Một ví dụ tiêu biểu là bản trường ca Đam Săn của dân tộc Ede đã được chuyển ngữ từ tiếng Rhade sang tiếng Pháp bởi Léopold Sabatier từ 1929. Rất lâu sau đó, những nhà “văn hóa Việt Nam” mới được biết tới kiệt tác này qua bản dịch của ông ta.
Người Pháp nghiên cứu cặn kẽ thổ nhưỡng, tài nguyên khoáng sản, khí hậu Tây Nguyên và đã di thực những cây công nghiệp thích hợp nhất mang tính đột phá về kinh tế là cây cao su và café về trồng. Việc xây dựng các đồn điền, phố thị, hạ tầng xã hội đảm bảo các lợi ích chung cho cộng đồng bản địa và không gây ra những xung đột. Những công trình mà người Pháp để lại đều trở thành di sản vô giá về kiến trúc, khoa học, qui hoạch và có tác động tích cực to lớn tới phát triển kinh tế vùng. Mối quan hệ giữa người Kinh nhập cư, cũng như người Pháp với các sắc tộc Tây Nguyên có thể nói là hữu hảo. Công bằng mà nói, người Việt hãy nên biết ơn với những gì mà đám “thực dân, đế quốc” đã làm cho vùng đất này.
Cuộc di cư lớn đầu tiên của người Kinh vào cao nguyên Trung phần (Tây Nguyên) dưới thời VNCH được ghi nhận vào giai đoạn 1954 khi gần 1 triệu người Bắc di cư vào Nam. Trong số đó, 54.551 người đã được sắp xếp định cư ở Đà Lạt và Lâm Đồng. Với chính sách điền địa mới của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, các di dân được được phân đất ở, canh tác lâu dài, được hướng dẫn đào tạo về kiến thức lâm nông nghiệp và hỗ trợ bởi các cán bộ xây dựng nông thôn đã sớm có được cuộc sống ấm no.
Cho đến 1975, toàn bộ dân số khu vực Tây Nguyên ước chừng khoảng 1,2 triệu dân với đa phần là dân bản địa chiếm khoảng 70%. Chính sách của VNCH sau khi sát nhập Hoàng Triều Cương Thổ vào Trung phần, gọi là Cao nguyên trung phần (Tây Nguyên) chú trọng xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội, gia tăng quyền lực hành chính. Song đối với các dân tộc bản địa, chính quyền VNCH hết sức tôn trọng văn hóa, tập tục, hỗ trợ kinh tế, hướng dẫn nghề nghiệp, kỹ thuật lâm nghiệp để họ có đời sống tốt hơn.
Tây Nguyên sau 1975
Nhập cư ồ ạt
Sau 1975, nhà cầm quyền cộng sản thực hiện chính sách di dân cưỡng bức một lượng lớn dân cư thành phố là những gia đình sỹ quan, viên chức làm việc trong chính quyền cũ tập trung vào các “vùng kinh tế mới” mà thực chất là những nơi rừng thiêng nước độc, không có hạ tầng để khai hoang và dọn dẹp bom mìn sau chiến tranh. Một lượng lớn dân nghèo nông thôn từ miền Bắc cũng được khuyến khích vào làm việc trong các lâm trường quốc doanh theo chương trình phát triển kinh tế mới, nhằm giảm sức ép dân số ở miền Bắc và tăng nguồn lao động cho Tây Nguyên.
Theo thống kê, Tây Nguyên là vùng có tốc độ tăng dân số cao nhất cả nước. Việc tăng dân số chủ yếu là tăng dân số cơ học bởi nhập cư trong đó có hai nguồn là nhập cư theo kế hoạch và nhập cư tự do. Chỉ riêng tỉnh Đắk Lắk, từ 1976 đến 2005, đã có 56.490 hộ nhập cư theo diện tự do với 289.688 nhân khẩu. Trong ba năm đầu tiên sau 1975, dân số Tây Nguyên tăng trung bình 7,22%. Giữa các kỳ tổng điều tra dân số 1979 -1989, dân số Tây Nguyên tăng trung bình 5,7% – cao gấp ba lần so với toàn quốc, giai đoạn 1989 -1999 tăng trung bình 4,97% và giai đoạn 1999 -2009 tăng 2,36%.
Dân số Tây Nguyên tính đến 2012 đã đạt khoảng 5,379 triệu dân, gấp 4,5 lần so với 1976. Tỷ lệ nhập cư tự do của toàn vùng trong 4 thập kỷ sau chiến tranh giao động 54% – 60% mức tăng dân số và xu hướng này ngày một cao hơn.
Việc nhập cư ồ ạt và không kiểm soát, thiếu chính sách phát triển kinh tế xã hội một cách khoa học, căn cơ đã gây ra vô vàn các hệ lụy trong đó sự xói mòn văn hóa bản địa, hủy hoại môi trường bởi khai thác rừng tự nhiên tràn lan, cũng như các hạ tầng kinh tế xây dựng thiếu qui hoạch và chắp vá. Những phồn hoa bề ngoài của thành phố Đà Lạt chỉ cần một trận mưa to cũng lột hết lớp phấn son khi tất cả ngập chìm trong biển nước lũ mênh mông. Đó có thể coi là một minh chứng rõ nét cho những “thành tựu phát triển” XHCN!
Năm 2004, một khảo sát về dân số và xã hội cho thấy tỷ lệ người dân tộc bản địa chỉ còn khoảng 25% dân số Tây Nguyên (so với tỷ lệ 70% trước 1975) và là những đối tượng rất dễ bị tổn thương bởi chính sách đất đai của nhà cầm quyền CSVN. Từ vị trí là chủ nhân của Tây Nguyên, những dân tộc bản địa này bị tước đoạt quyền sở hữu đối với những cánh rừng đại ngàn, nương rẫy mà ông cha họ để lại, bị gạt ra lề xã hội và đàn áp không thương tiếc. Vấn nạn kém phát triển, đói nghèo và hủy diệt môi trường sống đang là vấn nạn nhức nhối và thường xuyên dẫn đến xung đột xã hội mà những vụ án như Đặng Văn Hiến chỉ là một trong hàng trăm ngàn những bi kịch đang diễn ra ở vùng đất từng tràn đầy tài nguyên này.
Phá rừng nguyên sinh làm kinh tế
Sau 1975, do nhu cầu thiếu lương thực trầm trọng và nhu cầu khôi phục kinh tế sau chiến tranh, Tây Nguyên trở thành vùng diễn ra tình trạng khai thác gỗ với qui mô lớn và khai phá đất rừng để canh tác nông nghiệp. Giai đoạn 1990 – 2000, diện tích café đã tăng gấp 5 lần (từ 85.600 ha lên tới 427.200 ha) và gấp 2,8 lần so với qui hoạch năm 2000. Tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm năm 2011 đạt 1.130.500 ha tăng gấp 1,33 lần so với năm 2005 và tăng gấp 1,73 lần so với năm 2000.
Tới năm 2010, diện tích riêng cây café đã tăng gấp 1,15 lần so với năm 2000, và gấp 2,73 lần so với qui hoạch theo quyết định 184/QĐ—TTg (chỉ có 180.000 ha). Diện tích các cây trồng khác như sắn phát triển ồ ạt theo phong trào cũng góp phần tàn phá các cánh rừng tự nhiên và làm bạc màu đất nhanh chóng. Diện tích trồng sắn từ 38.000 ha năm 2000 đã tăng thêm tới 158.700 ha (gấp 4,17 lần).
Diện tích trồng cây cao su vốn trước kia người Pháp trồng với diện tích nhỏ (cây cao su chủ yếu được trồng ở vùng Đông Nam Bộ, còn ở Tây Nguyên bị hạn chế hơn cây café) đã tăng nhanh chóng vì đem lại lợi nhuận lớn cho các nông trường quốc doanh của giới chức cộng sản. Trong vòng 12 năm, từ 2000 – 2012 diện tích cao su đã tăng gấp 2,5 lần từ 96.460 ha lên tới 243.000 ha… Hãy cộng tất cả những con số tăng trưởng về diện tích đất nông, lâm nghiệp này lại để biết được đã có bao nhiêu ha rừng nguyên sinh phải ngã xuống.
Việc gia tăng diện tích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp chủ yếu là từ việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên. Từ 1979 – 2000, có khoảng 136.000 ha đất rừng tự nhiên chuyển thành đất nông nghiệp. Theo như con số thống kê chính thức của nhà cầm quyền, từ 2005 – 2010, tổng diện tích rừng bị mất là 366.731 ha, trong đó chuyển sang đất nông nghiệp gần 217.000 ha, trở thành đất trống đồi trọc và mục đích khác gần 127.000 ha… Sự gia tăng nhanh diện tích cây công nghiệp vượt mức qui hoạch như cây café, cao su, sắn…và chuyển đổi đất rừng không kiểm soát được đã xâm hại nghiêm trọng đến tài nguyên và môi trường sinh thái, gây hậu quả lâu dài trong việc duy trì nguồn nước ở Tây Nguyên. Điều này có thể thấy rõ trong những năm gần đây, Tây Nguyên ngày càng khô hạn.
Với đặc điểm là cao nguyên, là thượng nguồn của những con sông của vùng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, Tây Nguyên không tiếp nhận bất cứ nguồn nước nào từ bên ngoài mà hoàn toàn phụ thuộc vào vũ lượng hàng năm và khả năng hấp thụ nước mưa của thảm thực vật ở đây. Khi thảm thực vật mất đi, Tây Nguyên sẽ nhanh chóng trở thành hoang mạc.
Tính đến ngày 31 tháng Mười Hai, 2012, theo công bố hiện trạng rừng của Bộ Nông Nghiệp – Phát Triển Nông Thôn tại quyết định 1739/QĐBNN-TCLN, tổng diện tích có rừng ở Tây Nguyên (bao gồm cả tự nhiên vào rừng trồng) khoảng 2.594.000 ha với độ che phủ khoảng 50,7%. Tuy vậy, theo báo cáo tại Hội nghị Bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên ngày 14 tháng Ba, 2012 ở Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk, kết quả giải đoán ảnh viễn thám của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường năm 2012 cho biết, diện tích rừng có trữ lượng ở Tây Nguyên chỉ còn 1,8 triệu ha, với độ che phủ thấp chỉ khoảng 32,4%.
Chỉ cần so sánh hai kết quả báo cáo và khảo sát giữa hai bộ ngành của nhà cầm quyền cũng cho ta thấy sự sai lệch giữa thực tế và các báo cáo thành tích là cả một vực thẳm – 36% (1,8 triệu ha/2,847 triệu ha). Nếu như lấy con số giải đoán viễn thám làm chuẩn, diện tích rừng đã mất so với năm 1976 là 62% (1,8 triệu ha/ 3,7 triệu ha năm 1976). Và không chỉ giảm tới 62% diện tích rừng mà là mức độ che phủ từ 87% năm 1976 đã chỉ còn 32,4% vào năm 2012.
Những con số thống kê trên đây được trích dẫn từ các báo cáo kiểm kê đất đai Tây Nguyên năm 2005 – 2010 và báo cáo môi trường quốc gia 2010. Từ thời điểm đó cho tới năm 2020, mỗi năm có thêm ít nhất khoảng 27.000 ha rừng tự nhiên tiếp tục bị đốn hạ dưới nhiều lý do khác nhau. Vậy mà, ông bộ trưởng “một nắng” Nguyễn Xuân Cường có thể trắng trợn nói rằng rừng tự nhiên ở Việt Nam phát triển tốt và phải ghi công cho Bộ Nông Nghiệp – Phát Triển Nông Thôn của ông ta. Thật là một kẻ đốn mạt, láo toét.
Phát triển thủy điện điên cuồng, chặt phá rừng bằng mọi cách
Thảm họa sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Điền, Huế khiến 16 công nhân thiệt mạng và 13 người trong đoàn cứu hộ cũng bị vùi lấp tử thương khi trên đường tiếp cận hiện trường trong ngày 12 tháng Mười, 2020 đã gióng lên hồi chuông báo động hiểm họa to lớn mà việc phát triển thủy điện nhỏ kéo theo hệ lụy tàn phá rừng tự nhiên trên thượng nguồn các con sông. Đây chỉ là một dự án thủy điện nhỏ trong số 13 dự án thủy điện được cấp phép của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trên một đoạn sông Rào Trăng dài chỉ 26 km có tới 4 dự án thủy điện bậc thang là Alin B1, Alin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 và những dự án thủy điện này đều nằm trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.
Khó có thể biết có bao nhiêu thủy điện lớn nhỏ hiện nay đã và đang được xây dựng ở Tây Nguyên. Trong vòng 30 năm qua, Tây Nguyên là đại công trường xây dựng thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ. Tính đến năm 2012, trên các hệ thống sông chính của Tây Nguyên như sông Ba, Sê San, Serepok, Đồng Nai có đến 287 dự án thủy điện đã và đang xây dựng với tổng công suất 6.991,8 MW. Trong đó có 43 dự án thuộc qui hoạch bậc thang thủy điện lớn trên dòng chính và 244 dự án thuộc qui hoạch thủy điện nhỏ trên sông, suối, phụ lưu… Chưa kể đến 153 dự án thủy điện nhỏ khác đang “chờ nghiên cứu” và làm thủ tục xin giấy phép đầu tư.
Theo các đánh giá khoa học thì cứ 1 MW thủy điện người ta phải hy sinh từ 10 – 30 ha rừng trên vùng thượng nguồn để làm hồ chứa. Chỉ cần làm một phép tính nhân đơn giản cũng có thể cho ta thấy một diện tích rừng khổng lồ sẽ bị đốn hạ dưới danh nghĩa “tận thu lâm sản vùng lòng hồ thủy điện.” Chưa kể vấn nạn làm đường vào các dự án thủy điện kéo theo tình trạng lâm tặc với qui mô nhà nước, được bảo kê bởi giới chức cộng sản. Cách đây không lâu, trên mạng xã hội không khỏi kinh ngạc trước dinh thự mênh mông toàn bằng gỗ quí đáng giá hàng trăm tỷ đồng của cô con gái tướng Trần Kỳ Rơi ở Đắk Lắk. Đó chỉ là một ví dụ nho nhỏ của nguyên nhân gây ra thảm trạng tàn phá môi trường và rừng ở Tây Nguyên.
Có thể điểm mặt một số các dự án thủy điện đã được xây dựng trên các dòng chính như sau:
- Trên dòng Sê San đã xây dựng 6 bậc thang thủy điện: Yaly, Sê San 3, Sê San 3A, Pleikroong, Sê San 4, Thượng Kon Tum;
- Trên dòng Serepok đã xây dựng 6 nhà máy thủy điện với tổng công suất 621 MW là Dray Hlinh, Buôn Kuop, Buôn Tua, Srah, Serepok 3, Serepok 4, Đak Xuyên…;
- Trên sông Ba, các công trình thủy điện lớn như An Kê – Ka nak, Krong Hnang, sông Hinh, và Ba Hạ, Ba Thượng, Ayun Thượng, Hchan, Hmun… và khoảng 329 công trình thủy lợi.
Không phủ nhận một thực tế rằng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế ở Việt Nam là cấp bách và thiết yếu. Song vấn đề ở đây là tình trạng lạm dụng các chính sách phát triển thủy điện để chặt phá rừng, chiếm dụng diện tích rừng của giới chức cộng sản Việt Nam ở mọi cấp từ địa phương tới trung ương. Theo một nghiên cứu của Viện Tư Vấn và Phát Triển CODE đã dẫn ra những số liệu diện tích chiếm dụng đất rừng và nạn chặt phá rừng tàn bạo của các công ty thuộc EVN do Bộ Công Thương quản lý trực tiếp.
Tên công trình | Công suất lắp máy(MW) | Đất chiếm dụng (ha) | Số dân bị ảnh hưởng (người) |
1. Yaly | 720 | 6.450 | 24.610 |
2. Sê San 4 | 360 | 6.403 | |
3. Pleikrong | 110 | 5.328 | 6.000 |
4. Thượng Kon tum | 220 | 725 | 382 |
5. Đồng Nai 2 | 80 | 1.920 | |
6. Đồng Nai 3 | 180 | 5.600 | |
7. Đồng Nai 4 | 340 | 850 | |
8. Đak Ring | 98 | 1.099 | 2.665 |
Báo cáo của viện CODE cũng cho biết kết quả khảo sát 163 trong số 287 công trình thủy điện vừa và lớn ở Tây Nguyên đến năm 2012 đã chiếm dụng 65.239 ha đất các loại, trong đó có 16.600 ha rừng tự nhiên. Rừng ở tất cả các lưu vực bậc thang thủy điện như Sê San, Yaly, Pleikrong …đều đã bị lâm tặc và giới chức địa phương cùng doanh nghiệp thủy điện cạo trọc, xâm hại nghiêm trọng.
Với thống kê và chứng cứ như trên, vậy mà Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh có thể trắng trợn tuyên bố sẽ loại bỏ bất kể dự án thủy điện nào dù chỉ chặt phá một m² rừng tự nhiên? Thực sự là kẻ vô sỉ, lưu manh.
Khai thác khoáng sản Bauxite
Do những lo ngại về môi trường và địa bàn đặc biệt nhạy cảm về chính trị và quân sự ở Tây Nguyên, nên trước năm 2000, các dự án khai thác khoáng sản vẫn bị giới chức CSVN cân nhắc thận trọng. Đặc biệt là đối với bauxite, dù được đánh giá có trữ lượng và tiềm năng kinh tế lớn. Các lãnh đạo CSVN ở các thời kỳ trước như Lê Duẫn, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh, Phan Văn Khải đều thống nhất đánh giá rằng tài nguyên Bauxite ở Tây Nguyên mới ở điều kiện cần mà chưa đủ để phát triển ngành công nghiệp luyện nhôm ở Việt Nam khi hạ tầng kỹ thuật, trình độ điện khí hóa, hóa chất, luyện kim chưa đạt. Ngoài ra, đặc thù các mỏ Bauxite ở Tây Nguyên dàn trải trên diện tích lớn đất lâm nghiệp, vỉa quặng không dày và nằm trên đầu nguồn các dòng sông. Việc khai thác sẽ ảnh hưởng và gây ra rủi ro môi trường… Ở một chừng mực nào đó, những đánh giá khoa học, khách quan của giới trí thức đã được những lãnh đạo CS ở thời kỳ trước lắng nghe.
Tuy vậy, điều này đã bị thay đổi khi Nông Đức Mạnh làm tổng bí thư và Nguyễn Tấn Dũng phụ trách kinh tế. Dù gặp phải sự phản biện gay gắt của giới khoa học trong nước cũng như công luận, khi nguồn tiền vay dồi dào của người bạn vàng 4 Tốt Trung Quốc đã bơm đầy vào tài khoản cá nhân của các chóp bu cộng sản, dự án khai thác bauxite-alumin Tân Rai – Nhân Cơ với công suất 600.000 tấn/năm do TKV làm chủ đầu tư và nhà thầu là công ty Chalieco, Trung Quốc thực hiện tất cả các công đoạn từ thiết kế – mua thiết bị – xây dựng – đào tạo (EPC) đã được chính phủ CSVN cho phép triển khai vào năm 2007. Sau 10 năm, đánh giá hiệu quả kinh tế dự án này, Bộ Tài Chính Việt Nam đã công bố con số lỗ 3.696 tỷ đồng, đồng thời qua 4 lần điều chỉnh, tổng mức vốn đầu tư cho dự án đã tăng từ 7.800 tỷ lên 15.400 tỷ.
Dù hiện nay chưa có những đánh giá tác động về môi trường đầy đủ và khách quan đối với dự án bauxite – alumin Tân Rai – Nhân Cơ, song với qui mô và rủi ro tiềm ẩn quá lớn, những hiểm họa từ các hồ chứa bùn đỏ đang sắp đầy ứ và chất lượng vận hành phập phù của nhà máy này thực sự là một quả bom chết chóc treo trên đầu 12 triệu dân dưới hạ lưu lưu vực sông Đồng Nai. Chỉ cần bất cứ sự cố nào ngoài tầm kiểm soát, sẽ có một thảm họa môi trường vô phương cứu chữa. Đó sẽ là dấu chấm hết bi thảm cho Tây Nguyên và cả vùng Đông Nam Bộ.
Trong khuôn khổ một bài viết, tác giả không thể phân tích đánh giá đầy đủ các tác động môi trường, kinh tế, xã hội mà các chính sách thiển cận cũng như tệ nạn trong quản lý nhà nước của giới chức CSVN đã gây ra với Tây Nguyên. Song trên những số liệu của chính các cơ quan thống kê nhà nước CSVN, các nghiên cứu của những viện nghiên cứu, bộ ngành chức năng liên quan trong lĩnh vực, người viết xin đưa ra những luận cứ phản biện các phát biểu ngụy biện, dối trá của các bộ trưởng CSVN khi trả lời câu hỏi của đại biểu Ksor H’Bơ Khắp trong thời gian qua.
Tân Phong